11.
Trong đền Cô Hai ngoài ông Đạt làm bảo vệ chính lo việc đóng mở cổng và giữ xe ra, còn có một toán thanh niên tầm mười đứa gộp lại lập thành đội bảo an. Đám đó được việc, mầm ăn cũng có lý lắm, kể từ lúc tụi nó xuất hiện đến giờ đền không còn bị ai quấy phá nữa. Một phần là do cái vẻ ngoài của tụi nó đáng sợ phát ớn, đứa nào đứa nấy cũng mặc áo phanh ngực, thịt da xăm rồng rắn quy điểu đầy nhóc như một bức tranh thêu chữ thập, người ta nhìn thôi đã sợ chứ làm gì đủ can đảm dây dưa. Một phần nữa là vì đã có vài trường hợp bị tụi nó xử đẹp làm gương rồi nên khiến cho những kẻ có ý đồ phá phách khác cũng rén lòng chẳng dám.
Tôi nghĩ cái nơi linh thiêng này đạt được đến địa vị như hôm nay phần lớn là nhờ công tụi nó. Tuy thời gian tụi nó ở đây chỉ mới hơn chục năm, không thấm tháp gì so với một trăm sáu mươi năm tại vị của tôi, nhưng miễn ở đâu được khoác lên mình cái áo choàng gọi là luật lệ và có một đám phần tử sẵn sàng giết người để bảo vệ cái luật lệ đó thì nơi ấy sẽ tự động trở nên lộng lẫy ngay, cái lộng lẫy của sự áp chế quyền lực.
Song đội bảo an của tôi từ lúc thành lập đến giờ chưa từng đoạt mạng ai hết, điều này tôi có thể chắc chắn, nếu có thật chuyện tụi nó từng giết người vì muốn bảo vệ một ngôi đền mang tiếng là dị giáo thì tụi nó chẳng còn nhởn nhơ được, chính quyền vẫn sờ sờ chứ đã mất đi đâu. Nhưng tin đồn cả đám từng giết người như một hành động trị tội những kẻ quậy phá đền thì lại có, chúng tôi thấy xuất hiện một tin đồn như thế cũng tốt, có thể đem ra khè cho người khác sợ mình được nên không định đính chính. Vả lại Cô Hai còn đó, thần linh còn đó, người không dám giết người chứ thần linh thì dám, ai cũng nên liệu cái thân, chứ lỡ chọc vào thì lo mà sống không nổi với sự trừng phạt.
Hồi đó có lần chúng tôi bị một đám dân chơi không biết từ đâu tới quậy phá, một đám nam nữ lẫn lộn, nhìn rất ra vẻ chống đối xã hội. Mấy đứa đó thường đứng bên ngoài tường bao chửi vống vào trong, những lời lẽ tục tĩu tuôn ra không một chút ngượng ngùng, tôi nghĩ ai có được khả năng nói bậy mà vẫn không thấy cứng lưỡi như tụi đó thì đúng là đỉnh hết sức, chửi không còn non nước gì mà nói. Con Lan chịu không được phải ra đáp trả, một mình con Lan đấu với năm sáu cái miệng mà vẫn áp đảo như thường, cả đám dân chơi nín thinh không biết cãi lại thế nào. Mệt đứt hơi, con nhỏ đứng chống nạnh, “Chửi thì chửi vậy thôi chứ cũng không làm được gì mấy anh mấy chị.”
Tôi bật cười vì câu nói thẳng thắn đó, đúng là dù tụi kia có ra sao thì chúng tôi cũng đâu thể làm được gì chúng nó. Mà tụi nó cũng chưa chắc đã làm được gì chúng tôi.
Mấy ngày sau chúng đem theo một thùng đầy những chai sơn phun, định vẽ bậy lên cổng đền, nhưng xui cho cả đám là hôm ấy đền làm lễ, các con nhang đệ tử của tôi bắt được đuổi đánh túi bụi. Về sau tụi nó không dám bén mảng đến thêm lần nào. Bây giờ thì đã có đội an ninh chuyên nghiệp biết dùng súng canh giữ ngày đêm, nên những chuyện như thế không còn xảy ra nữa.
Thằng Vằn là đại ca của cả đội, nó cũng là người đã tập hợp những anh em từng vào tù ra tội chung với mình để làm việc cho đền. Vằn nói với tụi đàn em dưới trướng là nó muốn hoàn lương, nghĩ mình cứ ở đây kiếm cái ăn qua ngày, đền Cô Hai giàu lắm nhưng neo người, đồ ăn bày ra ăn không hết phải đem cho mấy người ăn xin, mà vẫn chưa hết, lại tiếp tục đem cho mấy con chó mèo đi hoang. Nên là tụi nó tính cứ ăn mày cửa đền và làm dân bảo kê chỗ này cũng ngon, khỏi cần phải phiêu bạt giang hồ chi cho nguy hiểm.
Tôi nghe thằng Vằn tính với bọn đàn em như thế. Nhưng thừa biết trong lòng nó nghĩ khác, khi có một đận nó đi ngang thấy con Huệ loay hoay tưới cây, nó tưởng nhỏ em gái mình, chạy đến nhìn mới té ra không phải. Và từ đó Vằn tìm cách được ở lại bảo vệ tụi tôi.
Có lần quan sát Huệ, thằng Vằn nhịn không được phải nói với con bé.
“Mày nhìn giống nhỏ em tao hết sức.”
“Vậy em gái anh giờ ở đâu, nhỏ đi lấy chồng rồi hả?” Huệ hỏi lại, nó không thấy bất ngờ khi nghe bảo mình giống với ai đó.
“Đâu có, nó chết rồi.” Vằn trả lời rồi quẳng điếu thuốc xuống đất, lấy mũi dép day day dập lửa.
Tôi biết thằng đó quyết định ở lại đây là vì thấy bóng dáng đứa em mình trong Huệ.
Con nhỏ thử đoán mò chơi, “Hay tại anh làm giang hồ xích mích với nhiều người nên tụi nó bắt cóc em gái anh làm con tin rồi giết luôn con nhỏ hả? Em xem phim xã hội đen thường thấy mấy tình tiết kiểu vậy.”
“Làm gì có mày, ngoài đời không giống trong phim đâu.” Vằn cười cười, lắc đầu, “Lúc tao vào tù thì nó cũng tự sát.”
“Con nhỏ thương anh vậy luôn hả?”
“Nó thương tao nhiều cỡ nào thì tao không biết, mà chuyện nó tự sát chắc là do tao là người đã giết ba tụi tao.”
Con Huệ im re, nó không biết phải ừ hử như thế nào.
“Muốn nghe tao kể không?” Vằn hỏi, mắt nó phóng ra ngoài vườn cây.
Con Huệ gật đầu, tay vẫn không ngừng băm miếng thịt trên thớt, “Anh kể đi, em làm công chuyện vậy chứ vẫn nghe.”
“Nó tên Mai, lạ thiệt, sao mấy đứa con gái tên toàn quanh quẩn với mấy loài hoa.”
“Đâu có, tên Huệ với Lan là do Cô Hai đặt cho tụi em đó chớ.” Con nhỏ cắt ngang lời mở đầu câu chuyện để đính chính về cái tên của mình.
“Ủa chứ tên thật của mày là gì?”
“Dùng cái tên Huệ lâu quá em quên mất tiêu tên cũ rồi. Còn Lan chắc bả cũng quên luôn giống em. Mà thôi anh kể tiếp đi, em gái anh tên Mai rồi gì nữa?”
“À, nó đẹp lắm mày. Con của dân bốc vác mà đẹp lạ lùng. Người ta nói với tao là do ba tụi tao cặp bồ với một cô ca sĩ nên mới có nó. Vậy thì tao với Mai là anh em cùng cha khác mẹ, nhìn vẻ ngoài của hai đứa là biết, tao như con cóc còn nó phải thuộc hàng thiên nga. Cũng đâu ai ngờ ông già đó lại có một đứa con gái đẹp vậy được.”
Huệ cười, “Vậy anh nói em giống Mai nghĩa là em cũng đẹp ngang ngửa nhỏ hả?”
“Ừ mày cũng đẹp, mà đừng có vui, đẹp chi khổ. Sau này tao phát hiện ra em gái mình bị ổng giở trò đồi bại.”
“Ổng nào?” Con Huệ nhăn mặt khó hiểu, quay qua nhìn Vằn.
“Thì ba tụi tao chứ ai. Ổng hiếp con gái ruột ổng. Thằng già biến thái.” Thằng lưu manh khạc một bãi nước bọt ra đám hoa dại mọc ngoài thềm như cắn trúng một thứ gì tởm lợm lắm. Giống như nhỏ Huệ, nó cũng nhíu mày, từ trong cổ họng phát ra những tiếng gừ nho nhỏ chỉ có mình Huệ đứng kế bên mới nghe thấy, đoạn kể tiếp, “Một bữa tiệm net tao làm thêm cho nghỉ nên tao tranh thủ về sớm, vừa vào nhà đã thấy ổng lột trần con Mai ra. Gớm lắm, ổng lòn tay kéo áo nó lên rồi nắn ngực nó. Tao không hiểu ổng thèm khát gì ở đứa con gái ruột của mình. Xong ổng tuột quần ổng xuống, rồi đến quần của con nhỏ. Mai không chống cự, nó chỉ khóc và van xin, nhưng ông già không chịu dừng lại. Và nhìn cái cách ổng hành động có vẻ đã quen tay lắm, lúc đó tao đã nghĩ có khi nào chuyện này đã diễn ra vài lần trước đây rồi hay không. Mấy ngón tay ổng vân vê, lướt vội trên da thịt Mai, chẳng hề xao động với tiếng khóc của nó, tất nhiên cũng không có ý định dừng lại một nhịp nào. Ổng chỉ dừng khi tao với lấy cây liềm xiên qua gáy ổng.
Con Mai chỉ biết trố mắt nhìn, lúc đó nó đã nín bặt, mặt còn dính máu trộn với nước mắt, nhưng nó đã nín ngay lập tức. Chẳng hiểu tại sao lúc đó ổng còn chưa chịu chết, cố quay ra sau bóp cổ tao, đến giờ tao còn cảm nhận được mấy ngón tay đó trên cổ mình, mấy ngón tay quơ quào yếu ớt nhưng vẫn cố bấu, mấy ngón tay chứa một sự căm hận lạ lùng. Ông già! Là do ông tự chuốc lấy. Cơ thể vạm vỡ của ổng bắt đầu trượt dài, trượt dài rồi nằm duỗi ra đất, máu vẫn chảy òng ọc từ giữa cổ, máu phún thành đường cầu vồng, có lẽ từ khi ấy tao đã trở nên thích cái cảm giác nhìn máu bắn ra từ trong cơ thể người khác. Con Mai quỳ sụp xuống, luôn tay bứt tóc, cử chỉ loạn cào cào, nói anh hai trốn đi, nhanh lên, trốn đi rồi em sẽ nói mình giết ổng để tự vệ. Đâu có được. Ai làm người đó chịu chớ.”
Với một đứa lành tính như Huệ, đây là lần đầu tiên nó được nghe kể những chuyện này, nên không tránh khỏi đơ cả ra, tưởng Vằn bịa chuyện hù nó chơi. Nó chờ Vằn bật cười rồi bảo tao nói dóc đó, mắc gì tưởng thiệt thấy ghê vậy. Song thằng Vằn vẫn tỏ ra là mình không giỡn.
“Tất nhiên là chuyện không giấu được lâu, tao bị bắt vào trại giáo dưỡng trẻ vị thành niên. Vài tháng sau thì nghe tin con Mai chết, nó thắt cổ trên một cái cây giữa đồng, người ta kể gió thổi xác nó đòng đưa, nhìn thấy ớn.”
“Nhưng mà cha sao lại làm thế với con mình được?” Huệ nó lắc đầu không tin.
“Thì vậy mới ghê. Chuyện đó trên đời này xảy ra không thiếu đâu. Ai biết được.”
Con nhỏ bụm miệng, chừng như sắp nôn đến nơi, bảo Vằn đừng kể nữa, hôm nay chắc nó nghỉ ăn cơm. Vằn mới thở hừ một tiếng, “Ừ, cả một tháng sau vụ đó tao cũng chả ăn uống được gì.”
Sau này, Ơn nghe Lan với Huệ kể lại chuyện đó thì tròn mắt, hỏi thiệt không, trên đời này có những người cha như vậy hả, có những con người như vậy sao? Đến giờ nó mới được biết người đàn anh ít nói mà nó thấy mến cũng có một quá khứ kinh khủng như thế. Rồi nó chốt lại một câu, “Ủa sao người trong đền này ai cũng khổ hết vậy?”
Thì khổ mới vào đây sống, vả lại sống trên đời không khổ chuyện này cũng khổ chuyện nọ, lạ gì!
12.
Sau khi đọc xong quyển Truyện Kiều mượn được từ thư viện xã, Ơn nhìn Lan và Huệ rồi suy nghĩ, và nó nhận ra hai con nhỏ đó giống Thuý Kiều và Thuý Vân quá. Cả hai lúc nào cũng ở cạnh nhau như chị em, may là trông khuôn mặt mỗi đứa đều có vài nét khác, chứ chỉ nhìn tướng tá thì có khi còn dễ lầm lẫn họ là một cặp sinh đôi.
Lan lại theo thói quen chà xát lòng bàn tay, hỏi lại, “Vậy tui với bà Huệ ông thấy ai là Thuý Kiều và ai là Thuý Vân? Nếu nhìn tụi tui ra như thế thì chắc ông cũng đã ngầm định chuyện đó rồi đúng không?”
Đây là một câu hỏi khó, việc so sánh giữa hai đứa con gái ai đẹp hơn để xứng với Thuý Kiều và ai chỉ xứng với Thuý Vân - nghĩa là làm đòn bẩy cho nhan sắc của người còn lại, là một điều khó khăn. Dẫu có biết rõ cũng không thể nói huỵt toẹt ra rằng người này có nhan sắc nhỉnh hơn người kia được. Song với Ơn chuyện đó đâu nhằm nhò gì, thằng bé không hiểu được những suy nghĩ rườm rà, nó trả lời gọn bâng.
“Tui thấy Lan giống Thuý Kiều, vì nét mặt của bà sắc sảo hơn Huệ, còn bà Huệ thì có khuôn mặt bầu bĩnh hơn nên sẽ đúng với miêu tả của Nguyễn Du về Thuý Vân. Với lại con mắt của bà Lan nhìn buồn, buồn như mắt hồ thu của Kiều.”
Để chứng minh cho nhận định của mình, Ơn vạch cuốn sách ra rồi chỉ đoạn tả hai chị em Thuý Kiều cho Lan và Huệ xem. Hai đứa con gái trước giờ chỉ nghe người ta nói Thuý Kiều thế này Thuý Vân thế nọ, đây là lần đầu tiên tụi nó tiếp xúc với mấy dòng thơ trong Truyện Kiều nên đọc thấy khó hiểu hết sức. Ơn đành phải giải thích và kể tóm tắt lại câu chuyện trong sách cho tụi nó nghe.
“Ông cũng đọc kỹ quá đó chớ.” Lan gật đầu sau khi nghe Ơn kể xong, “Nhưng tui thấy làm Thuý Kiều khổ muốn chết, tui không có ham mình giống nàng ấy đâu.”
Con Huệ bĩu môi, “Vậy chứ Thuý Vân chắc sướng. Tình chị duyên em, sao cuộc đời có những chuyện tréo ngoe hết sức!”
Ơn nghiêng đầu ừ hử, nó giải thích rằng sở dĩ mình hiểu rõ tác phẩm này như vậy là vì đã nghe người ta nói đến quá nhiều, không cần đọc cũng biết. Và chuyện ai khổ ai sướng trong Truyện Kiều là thứ mà người ta nói mãi rồi, nói đến phát chán, bàn tới bàn lui cũng chỉ có nhiêu đó. Nếu không có gì mới hơn thì chẳng ai dành thời gian để nghe nữa làm gì. Ít ra đối với hai cô gái trước mặt thì chủ đề này vẫn còn mới lạ, nhưng đối với Ơn nó đã hết đặc sắc từ lâu.
Qua những buổi rảnh rỗi ngồi nói chuyện như thế Ơn mới thấy hai người con gái trong đền mang tiếng là sống gần một trăm sáu mươi năm vậy thôi chứ họ vẫn y như những cô gái khác, không có bất kỳ một sự kỳ lạ nào. Lẽ ra sống lâu như thế thì con người ta phải lộ ra những điểm lạ lùng nào đó, nhưng Lan với Huệ thì không. Ơn cảm giác hai đứa nó đôi khi giống như những tinh linh xuất hiện trong các câu chuyện thần thoại, sống cả ngàn năm nhưng nói đến chuyện gì cũng đều mù mờ, trong đầu chỉ biết những thứ cần phải biết. Thằng nhóc có lần nói với Vằn về vấn đề này. Thằng Vằn cũng đồng ý.
“Mày nhìn đúng rồi đó. Hai đứa tụi nó chưa bao giờ ra khỏi cái dải đất cồn này nên dù có sống cả ngàn năm thì tính ra tụi nó vẫn không thể hơn những đứa tầm hai mươi tuổi khác được. Sống ở một chỗ bó hẹp như cái cồn Kinh Gạo này, và chừng nào không có cách thoát ra khỏi đây thì tụi nó sẽ mãi mãi như vậy.”
“Thế sao hai bả không đi đây đi đó cho biết hả anh?” Ơn hỏi.
Vằn liếc mắt vào trong điện thờ về phía chỗ tôi, lựa cách trả lời, “Hai đứa nó không muốn. Vả lại, có khi chuyện cũng nằm trong sự tính toán của Cô Hai cũng nên.”
Tôi đâu có tính gì.
Giống như cái lần một ông cán bộ nào đó từ thành phố được người ta cử đến đây. Lão nhìn thật khác chúng tôi, trông lão giống như những người trên tivi, nghĩa là một cái gì đó xa lạ, với áo vest thắt cà vạt được là phẳng phiu, cái cặp táp bảo là dùng để đựng giấy tờ mà chẳng biết trong đó chứa những giấy tờ gì, bên dưới là đôi giày da mới cáu, mùi da thuộc còn hăng hắc. Lão nhìn ngó rồi gật gù lia lịa, mồm bảo được nè, đúng rồi, phải vậy chứ. Lão muốn cấp giấy chứng nhận cho đền trở thành một khu du lịch văn hoá tâm linh, để thu hút vốn đầu tư, biến cồn Kinh Gạo thành một nơi giàu có và đa dạng về nguồn lực phát triển du lịch. Dù sao cái đền này cũng tồn tại ngót nghét hơn trăm năm nay, từ hồi đại dịch toàn cầu còn chưa xuất hiện và bao nhiêu năm qua nó vẫn luôn ở đây, lại có một số lượng con nhang đệ tử tin tưởng, cùng nhiều kỳ tích chứng minh cho sự linh thiêng của nó. Vậy thì đền Cô Hai xứng tầm với một vị thế cao hơn hiện tại và cả cái đất cồn cũng phải trở nên nổi tiếng mới hợp lẽ. Tương lai biết đâu còn được nhận giấy chứng nhận di tích của quốc gia.
Chúng tôi choáng váng với bao nhiêu là danh hiệu lạ lùng ấy, đâu có ngờ một ngày mình sẽ được chính quyền để mắt đến và được họ xem trọng. Rồi lão đi lòng vòng, bảo chỗ này nên dựng một cái tháp Thập Bát Bảo, chỗ kia xây một bộ tượng bốn thầy trò Đường Tăng, chỗ nọ thêm mẹ Quan Âm. Con Lan hỏi ủa vậy cuối cùng đền của tụi tôi thuộc vào tôn giáo nào? Lão nhún vai rất kịch, vào cái nào chả được, càng nhiều cái để xem thì càng thu hút khách.
Nhưng đến khi lão định tô màu lên bức phù điêu lớn được khắc ở bức tường bên trái điện thờ thì con Huệ nhảy cẫng lên nhất quyết không chịu.
“Trời đất ơi ông biết lịch sử của bức tranh này thế nào không mà đòi tô vẽ lên nó?”
Lão nhìn kỹ hơn, cũng chỉ thấy một bức phù điêu miêu tả một vũ nữ chămpa đang múa, phía bên phải là một vị vua đang nằm nghiêng thưởng thức, tay đưa lên vuốt chòm râu củ ấu của mình. Lão cán bộ không thấy gì kỳ lạ.
“Nó được làm từ hồi xây ngôi đền này đến giờ, cũng là thứ quý giá nhất ở đây. Không phải muốn tô vẽ gì cũng có thể tô vẽ lên như ông nói.”
Lão bĩu môi, “Nhìn nó cũ mèm thế kia không trùng tu lại thì ai thèm xem.”
“Trùng tu thì trùng tu, cọ rửa lau quét sao cũng được, nhưng tô màu xanh xanh đỏ đỏ lên thì còn gì là phù điêu chạm nổi trên tường nữa. Vì không có màu nên nó mới mang một vẻ đẹp riêng, nói như ông thì có khác gì vẽ một bức tranh khác đè lên đâu.”
“Chuyện chúng tôi làm chúng tôi biết, cô bé còn nhỏ thì biết gì.” Người cán bộ trả lời bằng cách phất tay.
“Ông lên tới hàng Phó chủ tịch hiệp hội Nghệ thuật Quốc gia được hay thật, có mua chức không đó cha nội?” Con Lan đứng nghe nãy giờ chịu không được phải góp lời mỉa mai một câu.
Lão ta đỏ bầm mặt vì thẹn, nổi giận đùng đùng quay ngoắt ra xe, còn bỏ lại một câu miễn là lão xin giấy phép được thì nhất định sẽ cải tiến nơi này theo ý mình. Con Huệ hỏi với vào trong xe, “Khoan, chỗ này là của tụi tui mà, có phải của mấy người đâu?”
Nhưng kính xe đã nâng lên, nó chỉ hỏi được cái bóng phản chiếu của chính mình.
Chúng tôi đã lo thừa. Xe của lão trên đường đi về cơ quan đã gặp tai nạn, nó bị một chiếc container mất lái từ sau đâm tới, làm biến dạng cả xe lẫn người.
Lần đó ai cũng bảo nhau chuyện này nằm trong tính toán của Cô Hai. Nhưng thật tình tôi có tính toán gì đâu, mọi thứ chỉ là tình cờ xảy ra như vậy thôi. Người ta không trách ai được nên mới đành trách một người đã chết.
“Em nghĩ là Cậu Hai tốt.” Ơn trả lời Vằn. Câu trả lời của nó làm tui thấy vui trong lòng, ít ra có thằng bé là đứng về phía tôi.
Tôi thích cái kiểu vô tư của Ơn quá chừng, ước gì thằng bé có thể ở với tôi mãi mãi, nhưng một cảm giác luôn nhắc nhở tôi rằng mình đã chết rồi, và Ơn thì sống, vẫn sống và trưởng thành qua từng ngày. Cảm giác cho tôi thấy được nhiều thứ, giống như bây giờ cảm giác cũng đang báo với tôi một điều. Hình như, có ai đó đang qua sông. Nó nhắc tôi ngày mai là ngày con Huệ sẽ hầu đồng (đối với nó hay những người sống trong đây thì hầu đồng chẳng còn là một việc gì thiêng liêng nữa mà chỉ giống như một nghề vậy thôi). Tôi đang nghĩ mai mình sẽ tiếp nhận bao nhiêu lời cầu nguyện, chắc là không, mai tôi sẽ không thành toàn cho ai hết.
13.
Sáng sớm lúc Huệ chỉ vừa mới có dấu hiệu ốp đồng thì một chàng trai đột nhiên xông vào điện. Chàng trai trẻ tuổi, ôm theo một con dê. Hình ảnh đó vô cùng kỳ lạ. Cậu ta thở hồng hộc, trên người cậu và cả con dê dính vương vãi vài cánh hoa hồng đỏ bầm như máu. Cậu xộc người về phía trước rồi dựa vào cột đền lấy hơi. Con dê có vẻ nặng, được đeo vòng cổ và có cả dây dắt.
Chúng tôi giật mình nhìn về phía người vừa đến. Một suy nghĩ trong tôi vỡ oà ngay lúc đó không thể kiềm chế được.
Huệ nhào đến ôm lấy cậu trai và cả con vật, làm rớt cả tấm điều phủ mặt xuống đất, mắt nó giàn giụa nước, nó khóc nấc lên tức tưởi. Tôi nghe nó đang nói lại những lời cũng đang xuất hiện trong lòng tôi.
“Hưng đó phải không? Phải Hưng không?”
Con bé làm cậu trai lạ phát hoảng, cậu lắc đầu nguầy nguậy, mồ hôi vẫn đang đầm đìa, “Không phải. Hưng nào? Cô có lộn tôi với ai không vậy?”
Bẽ bàng, tôi nhận ra đã một trăm sáu mươi năm qua rồi, Hưng làm sao có thể xuất hiện ở đây, bằng xương bằng thịt như vậy.
Nhỏ Lan đến kéo bạn mình ra, “Xin lỗi anh, con nhỏ đang ốp đồng, nó không làm chủ được mình.”
Cậu xua tay bảo không sao, rồi khoe ra một nụ cười giả lả. Tôi ngỡ ngàng, đúng là giống thật.