Lẫy

Chương kế tiếp:

Truyện tương tự

Vì sao và đom đóm.

(Hoàn thành)

Vì sao và đom đóm.

caroranchan

Nỗi sợ hãi vì tỏ tình thất bại làm cho một gã thanh niên quyết định đi lính, bỏ lại người mà anh ta thầm thương trộm nhớ. Trở về sau hai năm, chàng trai không ngờ rằng mình lại được gặp đúng người con

1 539

Mẹ kế của Bạch Tuyết!

(Hoàn thành)

Mẹ kế của Bạch Tuyết!

Yume_chan

Câu chuyện cổ tích nổi tiếng Bạch Tuyết và bảy chú lùn được kể lại qua góc nhìn của bà mẹ kế "độc ác".

2 759

Nói với em

(Hoàn thành)

Nói với em

Vuio

Vì truyện hơi ngắn nên không có tóm tắt nhiều, mọi người vào đọc sẽ biết.

1 428

Khi Cơn Mưa Tuyết Ngừng Rơi

(Hoàn thành)

Khi Cơn Mưa Tuyết Ngừng Rơi

Phong Linh

Quá khứ là điều ai cũng biết, còn tương lai thì chẳng ai biết được cả. Mọi giai đoạn của cuộc đời, hầu như ai cũng sẽ nuối tiếc khôn nguôi những chuyện xưa cũ và lo lắng bất an về điều sẽ xảy ra tiếp

3 723

[Oneshot] Nhà vua xứ Marot

(Hoàn thành)

[Oneshot] Nhà vua xứ Marot

Victor Niji

Và nó sẽ không bao giờ kết thúc.

1 468

Sự đồng điệu

(Hoàn thành)

Sự đồng điệu

Beelicon

Tôi đã bắt cóc một cô gái!

1 466

Toàn tập - 05-07

5.

Một lần đi chơi về, Ơn ôm theo ba cuốn sách không biết là vừa moi được từ cái xó xỉnh nào ra, nó kể mình đếm được trong thư viện xã có bốn cái kệ sách hàn thiết, mấy thanh kim loại móp méo, cong vòng và toàn là gỉ, đỏ như tưới máu. “Thư viện gì mà gián chuột nhiều hơn cả sách”, nó nói, đầu còn dính mạng nhện.

Huệ hỏi nó tự nhiên chơi ở đâu không chơi lại chui vào thư viện, chỗ đó từ đời cổ lỗ sĩ nào rồi, còn ai vào nữa đâu. Ơn trải ba cuốn sách ra sàn, rồi ngồi khum lưng ngắm nghía bìa từng cuốn, mỗi cái bìa sách đều được bọc màng trong và cố định ở bốn góc bằng ghim bấm, nhưng chúng đã mục rệu và tróc lở hết cả theo thời gian. Nó chỉ trả lời trong thư viện lạ lắm, lâu lâu có vài người mặc trang phục hồi xưa bước ra từ trong mấy cuốn sách này nè.

Bán tín bán nghi, Huệ hỏi lại, “Ông thấy ai?”

“Tui thấy Hồ Xuân Hương uống trà với Huy Cận, hay Nguyễn Du chơi đánh cầu lông với Shakespeare. Ông Nguyễn Du còn nói đời ổng như trái cầu lông, cứ bị tung qua tung lại không biết khi nào mới rơi xuống đất.”

Huệ hết hồn, đem chuyện đó đi kể với Lan, rồi bảo hình như ông Ơn ổng không được bình thường.

Nghe vậy Lan dừng tay bới tóc, xoay mặt qua nhìn Huệ rồi gật đầu tỉnh bơ, “Vậy chắc tui với bà bình thường? Chó chê mèo lắm lông.”

Tôi mừng khi thấy Ơn tìm được niềm vui trong những cuốn sách đó, ở cái cồn buồn thiu này kiếm được một niềm vui là điều vô cùng khó khăn, tuy lâu lâu bỗng nhiên thằng nhỏ lại kể với tôi những chuyện kỳ cục, như là “Hồi sáng nay bà Kiều Nguyệt Nga mới giận ông Lục Vân Tiên vì quên kỷ niệm ngày cưới đó Cậu Hai, chắc con phải nhớ hết sinh nhật của mọi người trong đây mới được, đặc biệt là hai bà Huệ với Lan. Tụi con gái có tật hay lẫy lắm!” Vậy nên mới có câu chuyện cái bánh bông lan cắm nến mừng sinh nhật Huệ. Lần đó Ơn thất vọng quá trời, nó nhét tọt cái bánh vào họng cho bõ tức, nhai luôn mấy miếng sáp nến chảy ra trên mặt bánh, nghe lựt xựt.

“Mà sao ông biết sinh nhật bà Huệ hay vậy?” Lan hỏi lại và cố gắng để không bật cười khi nhìn thấy vẻ mặt bất mãn của Ơn.

“Tui có ghé uỷ ban chơi, rồi lục lọi vài cuốn sổ sách trong đó ra coi thử thì thấy. Đúng là trong đó không có ghi năm sinh thật, để lần sau tui tìm lại thử xem có ra không.”

Hai con nhỏ bật ngửa, trời ơi, ông biết lựa chỗ chơi quá! Thôi làm ơn đừng có lần sau, lạng quạng ở tù đó nha, cha nội!

Thằng bé đã nhớ hết thông tin ngày sinh của những người trong đền, kể cả ngày sinh và ngày mất của tôi. Nên có bữa nó ngồi cạnh tôi thở dài, bảo Cậu Hai sao mới hăm lăm tuổi đã chết rồi, tuổi đẹp vậy chết uổng quá chừng.

Nó đã dần biết cách để trò chuyện với một cái xác. Việc ấy cũng dễ thôi, ít nhất là dễ hơn nói chuyện với người sống nhiều. Cái xác nghe hiểu hay không hiểu, hiểu đúng hay hiểu sai, muốn cự lại ý mình hay muốn góp thêm lời vào câu chuyện cũng đều không được. Nhiệm vụ của một cái xác chỉ có lắng nghe và yên ủi.

Những lần đầu Lan và Huệ chỉ dẫn, Ơn sượng xạo mấp máy môi nói chào Cậu Hai, rồi sượng xạo cảm nhận sự im lặng của người đối diện, và sượng xạo định ấp úng tiếp cái gì đó. Giống như một đứa bé đang nói chuyện một mình, hay nói chuyện với một con vịt, con chim thì bị người lớn phát hiện, Ơn thấy kỳ kỳ khi phải tập làm thân với tôi trước mặt người khác. Nó sẽ không trò chuyện một cách ân cần dịu dàng như Huệ, hay sắc mỏng chớt nhả như Lan, việc ấy khó mà bắt chước được từ người khác.

Nhưng rồi từ từ nó cũng tìm ra được kiểu cách của riêng mình. Kiểu nói chuyện của nó tôi tạm gọi là “tâm sự riêng tư”, chắc thằng nhỏ xem tôi không khác gì cuốn nhật ký, có khi còn đáng tin hơn một cuốn nhật ký vì nó biết một cái xác thì đâu có thể đem bí mật đi trình diện với ai. Thế là hằng ngày nó đi đâu, làm gì đều đem kể cho tôi nghe hết, và kể những chuyện xảy ra ở nơi khác bên ngoài đất cồn, những nơi mà đã rất lâu rồi tôi không hề nhớ về sự tồn tại của chúng, trong đầu tôi chỉ có cái dải đất buồn thiu này. Tôi giật mình, ờ ha, sao tự nhiên quên mất là bên kia sông còn một thế giới khác nữa vậy cà? Song không thể trách tôi được, vía tôi không thể băng qua sông, vía tôi bị xiềng lại trong cái cồn Kinh Gạo này chung với thân xác của nó. Nên cuộc sống phía bên kia tưởng chỉ cần đi một chuyến phà là đến mà sao thấy nó xa mút chỉ cà tha.

Tôi ngấu nghiến những câu chuyện của Ơn đem về, mấy câu chuyện qua lời kể của nó nghe thật lạ. Như lẽ ra thư viện xã chỉ cho những đứa trẻ có thẻ học sinh hay người lớn có giấy tờ tùy thân mượn sách mang về thôi, nhưng vì quá “ế ẩm” nên ông già thủ thư thấy bóng người vào là đã mừng rơn, nói kệ đi nhỏ, có đứa lại mượn sách là mừng chết mẹ, giấy tờ chi nữa cho mắc công! Ơn kể ông già đang viết một cuốn tiểu thuyết, nhưng giờ đột nhiên bí từ.

“Ổng nói mình đã dùng hết chữ để miêu tả nỗi buồn mà nhân vật vẫn còn buồn tiếp, nên ổng chật vật quá trời. Ổng tả “buồn thiu thỉu”, “buồn dai dẳng”, “buồn điêu linh”, “nghẹn ứ”, “đứt gan đứt ruột”, “tứa máu trái tim”, “âu sầu, “đắng đót”,... Tóm lại là ổng đã chơi sạch vốn liếng mà mình có, giờ nặn ra một cách diễn tả nỗi buồn mới cũng hơi cực. Được cái là con giúp ổng rồi.”

Tôi tự hỏi là Ơn giúp ổng thế nào?

“Chắc Cậu Hai cũng tò mò là con giúp ổng ra sao phải không, con chỉ ổng viết “buồn như cha chết”. Ổng liền bắt lấy vai con lắc điên cuồng, nói thằng nhỏ này hay quá ta, vậy mà tao không nghĩ ra.”

Tôi thở dài, chán hết sức, tôi có biết buồn như cha chết là buồn ra làm sao đâu. Hồi tía tôi đã sáu mươi tuổi còn cố nặn gân nặn guốc chèo qua sông đi thăm vợ bé rồi lật xuồng chết, vía tôi nghe tin thì cười sằng sặc, nói cha già đáng đời, bỏ tật hồi đó chửi tôi mày mà bê đê nữa tao nhấn nước cho mày chết chứ sống làm mẹ gì để người đời chỉ trỏ thúi đầu tao, con với cái mất đứa này tao còn đứa khác!

6.

Thành phố trong mắt Ơn toàn những vịt là vịt. Ở khu thằng bé sống, những người nhà nghèo bị mắc bệnh mọc lông gia cầm, ai cũng bị phủ một lớp lông trắng hếu trông như vịt như ngỗng. Nó nói hên là Cậu Hai chết rồi, chứ thời này nhiều bệnh lạ lắm. Từ hồi phòng thí nghiệm ở thủ đô bị dội bom, những con virus trong đó được giải phóng ra ngoài. Người ta xác định được có hơn một trăm tám mươi loại bệnh truyền nhiễm hoặc không truyền nhiễm khác nhau đã xuất hiện kể từ sau sự kiện đó, và bệnh nào cũng lạ.

Chuyện này tôi biết, khi những đoàn người từ khắp mọi nơi băng qua con sông rộng và đi đến đền Kinh Gạo xin tóc hay móng tay của thần linh để chữa bệnh, đó cũng toàn là những chứng bệnh lạ. Có người mẹ ôm con bị bệnh kiến bu lạy lục nhờ chúng tôi tìm cách chữa trị cho đứa nhỏ, thằng bé trên tay chị chỉ cần để quên dưới sàn một lát là bị kiến kéo đàn lại bò đầy người, như nó được làm từ kẹo. Mấy con kiến bò vào hốc mắt, vào lỗ tai và miệng đứa nhỏ rồi rút rỉa da thịt, nội tạng nó từ từ, mẹ nó phải bỏ nó lên một cái ghế đặt giữa thau nước, như cách người ta tránh kiến bu vào đồ ăn. Hay có người bị bệnh mọc rễ, chỉ cần ngồi yên một chỗ vài tiếng là da thịt sẽ bắt rễ bám vào đất, chuyện đó khiến anh ấy không ngủ được tròn giấc, cứ cách một tiếng phải tỉnh dậy đi tới đi lui, có khi ngủ quên sáng ra người nhà phải lấy xà beng nại lên, đau thấu trời.

Con Lan nghe xong khoanh tay lại, hất mặt lên nhìn y, “Tui thấy không cần phải chữa đâu, cái thây anh mập thù lù như vậy, di chuyển nhiều đi cho ốm bớt, lại thêm khoẻ người.”

Không ai tìm ra giải pháp để chống lại những căn bệnh đó, họ còn đang bận đổ lỗi cho nhau, tại anh đánh bom nước tui nên chuyện mới thành ra thế này, ủa chứ không phải tại nước anh nghiên cứu tào lao rồi tạo ra mấy con virus kỳ cục trong phòng thí nghiệm trước hả!

Kể xong, thằng Ơn chốt lại một câu, “Hình như cái này trong Kinh giảng người ta gọi là đời tới đúng không Cậu Hai?”

Tôi chết rồi nên đâu có biết! Nhưng nếu đời tới thì phải quét qua một lượt giết cho sạch sành sanh chứ, có đâu mà nhân loại vẫn còn sống tới bây giờ, và còn làm quen với việc đó. Họ vẫn lớn lên, sinh con đẻ cái trong một thế giới đang chết dần chết mòn. Mọi thứ đã như vậy hơn một trăm năm nay.

Mỗi lần được hỏi tại sao mắc bệnh không đi tìm bác sĩ chữa mà đi cầu thánh thần chi vậy, mấy người hành hương cười cười, bảo, “Nếu bác sĩ chữa được thì còn nói làm gì nữa, chữa không được mới đi vái tứ phương đây nè. Ba cái con virus này lạ lắm, mấy ổng nghiên cứu hoài vẫn chưa tìm ra thuốc trị. Nghe đồn Cô Hai hiển linh chữa được bách bệnh nên mới đi cầu thử, biết đâu!”

Vì thế con Huệ mới hay nói là hình như người ta kính trọng Cô Hai chỉ vì cổ giúp được họ chứ không phải thật lòng. Lan chề môi, thì đúng rồi, phải có lợi cho họ thì họ mới tôn thờ mình chứ, đức tin giờ thực dụng dữ lắm.

Giờ người ta chỉ còn nước sống và hy vọng sẽ không bao giờ có một căn bệnh nào đó xui xẻo giáng xuống đầu mình. Hoặc họa may khi đã dính phải cái vạ đó, người ta vẫn hy vọng mình sẽ tìm được cách chữa trị. Hồi năm ngoái nước lên, con sông trườn vào tới cổng đền thờ, một đoàn hành hương đến đây bằng xuồng, lái nó thẳng vào trong cái sân nước đã ngập tới nửa bụng chân. Phía trên con xuồng ấy mang đeo đủ thứ người bệnh. Trong đoàn có một cậu trai nhìn giống anh Quốc, tôi bực nên không cho họ bất cứ thứ gì. Cả đoàn ỉu xìu mặt mũi.

“Mất công đi cả trăm cây số tới đây mà giờ cổ không cho, nguyên đám phải tay trắng ra về, làm vậy mà coi được?” Một người hậm hực phủi gối đứng lên, kéo theo những tiếng mắng nhiếc khác, cả đám nổi sùng thả tiếng chửi vang lanh lảnh.

Vừa nãy còn quỳ sọp xuống thành tâm cúng bái mình, giờ liền chuyển sang thái độ khác, thấy chưa, đừng có tin con người. Lan phủi tay bảo kệ họ, để họ chửi đi mình nghe quen rồi, đâu phải lần đầu Cô Hai làm lẫy không chịu giúp người ta.

7.

Hồi mấy trận nước lên đầu tiên, người xóm cồn không ngờ tới một ngày cái dòng sông lâu nay luôn bao lấy đất cồn sẽ bắt đầu dấn sâu vào nơi ăn chốn ở của họ. Trời mưa liên miên, vía tôi đi ra ngoài sân đền ngồi bó gối, thấy mưa lướt cắt ngang cơ thể mình rồi rơi xuống đất, không mảy may đọng lại gì, và buồn khi nghĩ mình hết được tắm mưa như hồi đó, biết vậy lúc trước phải tắm thật nhiều.

Mưa rên lên trên những tán lá điệp, mấy cành cây khô va đập vào lưng tường bao, tiếng động sột soạt len lỏi trong đêm tối. Tấm ngói da cá tróc lỡ bị mưa tạt vào, rồi nước chảy xuống máng xối róc rách. Đền lúc đó nhìn cũ mèm, tuy đã trải qua nhiều đợt tu sửa nhưng nó không tránh khỏi số phận sập xệ theo thời gian, nhìn tàn tạ, nghèo xơ nghèo xác và buồn hiu.

Rồi vía tôi thấy nước bò đến hàng ba, thấm từ từ vào trong sân, nhìn cây điệp tôi nghĩ không biết nó có sống được qua đợt này không.

Sáng ra nhỏ Lan kêu Trời. Không phải chỉ riêng nó mà người dân ở đất cồn ai cũng hoảng hồn, nói qua một đêm mà nước lên thấy ớn, tự nhiên năm nay lũ cao kỳ khôi vậy, đó giờ đâu có đến nông nỗi này. Người ta ngờ ngợ và nghĩ tới việc bỏ đất mà đi, chứ sợ một hôm nào đó thức dậy thấy nhà mình trôi ra giữa sông, chắc không ai cứu.

Nước dấn sâu vào đền nhưng không đi đến được điện thờ bên trong mà chỉ dừng ở bậc thềm. Cái đền như một ốc đảo cô độc chơ vơ một mình giữa biển. Con Huệ tiếc nuối nhìn cái cây điệp lá đương xanh mơn mởn, “Nước ngập vầy, chừng nữa cây cối chết ngắt hết cho coi.”

Lan an ủi bạn mình bằng những câu vô thưởng vô phạt, “Chắc cây sống trong đền cũng là cây thần, không dễ chết vậy đâu.”

Làm gì có chuyện đó, qua đợt lũ cái cây chết thật. Rễ nó úng nước, lá héo rũ và trút xuống rào rào, cả cái cây chỉ còn trơ lại một cái xác còm róm, teo tóp và trụi lủi. Càng buồn hơn khi người ở Kinh Gạo bắt đầu dỡ nhà dọn đi, họ ngờ vực về một tươi lai đáng sợ ở nơi đây, khi tất cả sẽ bị nhấn chìm trong nước. Đất cồn nổi lên giữa sông, là nhờ trời tạo ra, những gì trời cho thì trời sẽ lấy lại, mấy hồi. Những người còn cố bám trụ trên mảnh đất này là những người không có khả năng đi chỗ khác, phải cùng đời mạt kiếp xoay xở sống với nó. Song họ sẽ ổn thôi, con người luôn biết cách để thích nghi với những thay đổi.

Trên xã người ta cử đội tình nguyện về, tầm vài chục thanh niên lực lưỡng được giao phó đi xây nhà tình thương cho các hộ dân nghèo đã mất hết của cải trong mùa lũ. Chiến dịch rầm rộ lắm, trên tivi cứ đưa tin liên tục. Lan với tay lấy cái điều khiển tắt đi, nói dạo này sao toàn mấy tin tức lặp đi lặp lại, chẳng có gì coi. Người ta quảng cáo cho chiến dịch cốt để nhận được sự chú ý của các mạnh thường quân nên luôn tham vọng muốn chiếm sóng được càng nhiều càng tốt.

Có lần đội tình nguyện định lên kế hoạch tu sửa đền Cô Hai nhưng bị Lan với Huệ từ chối. Cả hai đứa đều đồng ý rằng nhìn cái đám thanh niên này không ổn, cứ gian gian thế nào. Sau này chúng tôi mới được biết, té ra các thành phần trong đội hỗ trợ đó là những tội phạm dưới tuổi thành niên đang trong quá trình giáo dưỡng. Chắc phía trên không nói để tránh gây hoang mang và cũng để bọn họ không phải chịu ánh nhìn kỳ thị, ái ngại từ những người khác. Kẻ mang tội trên người, làm gì cũng sợ.

Nhưng người ta biết ơn cái chiến dịch tình nguyện đó. Lan kể lại sáng đi chợ nghe bà con trong xã nói với nhau đúng là hoạ đến mới thấy tiền bạc của cải là thứ cầm nắm được nên đáng tin, chứ thần thánh tà thuật thì chẳng đáng tin xíu nào.

“Mấy bả vừa nói vừa liếc tới chỗ tui.” Lan kết thúc chuyện của mình bằng một câu như vậy. Nó nghĩ chắc họ hờn trách Cô Hai vì đã không bảo vệ được đất Kinh Gạo, thần thánh gì mà kỳ, đến mảnh đất dưới chân mình cũng không giữ nỗi. “Cô Hai làm thần còn bị đòi hỏi nhiều hơn làm con.”

Chúng tôi nhận ra phía chính quyền địa phương đang muốn làm công tác tư tưởng, lấy lại lòng tin của người dân để họ không còn tin vào những trò mê tín dị đoan nữa mà chuyển qua tin vào các cấp chính quyền nhà nước. Giống như một cuộc chiến ngấm ngầm giữa hai phe một bên là các nhà chức trách và một bên là chúng tôi. Nhưng tụi tôi có ép ai phải theo mình đâu?

Huệ yêu cây cối động vật hơn là người sống, nên khi thấy tán điệp héo hon trút lá nó buồn quá trời, định bụng nước rút sẽ kêu người đến bứng đem đi nhóm củi, chứ nhìn cái xác trụi trơ ở đó cảm giác không chịu nổi. Lan thì tính xem có nâng được nền lên cao hơn một chút không, bây giờ tuy nước không dấn vào bên trong nhưng biết đâu năm sau nó sẽ vào được, con sông đó nhìn vậy chứ hung dữ thí mồ.

Hôm ấy có một người phụ nữ luôn chân chạy ù vào sân, đá đổ cái chậu than con Huệ vừa mới quỳ chổng mông khua nửa buổi mới đốt lên được. Người phụ nữ trẻ, khuôn mặt ngó hiền cùng đôi mắt một mí híp lại, tóc tai xoã sượt đã sổ ra khỏi sợi thun. Và bên dưới, sau tà áo là cái bụng lùm lùm như cái thúng, tròn vo và nặng nề. Nó là thành quả của một tên nào đó trong đoàn thanh niên hỗ trợ xây nhà thiện nguyện, khi lũ rút cũng là lúc cái bụng nhô ra.

Con Lan giật mình, “Vụ gì vậy chị gái, hôm nay đền không có tiếp khách đâu!”. Mắt nó lấp ló nhìn lớp vải đang kệnh lên, thai này chắc nhiều tháng lắm rồi, bụng đã rõ thế kia. Rồi nó nói thêm, “Chị đi từ từ thôi.”

Người phụ nữ kể chuyện tại sao mình lại có con. Hồi đoàn người đến xây cho ba má chị ngôi nhà mới thay thế cái cũ đã bị lũ cuốn đi, một người đàn ông trong đám khuân vác đã mò vào mùng chị, xin chị cho. Song chị đẩy hắn ra, toan chạy đi, và người đàn ông đành dùng đến chiêu cuối, không biết là cái chiêu đó y đã áp dụng được bao nhiêu lần, lên bao nhiêu người con gái khác.

“Công xây nhà dựng cửa cho tía má cô, cô phải tính sao cho đặng đi chứ cô út!”

Nợ một căn nhà là một nợ lớn. Nhưng chị thấy sai sai sao ấy, mà không biết phải đáp trả hắn thế nào, chỉ tần ngần đứng đó, đến lúc sực tỉnh thì chị đã sống một cuộc đời khác. Mãi đến một năm sau chuyện ấy mới vỡ lở. Người ta phát hiện đoàn tội phạm đi hoạt động cải tạo ở cồn Kinh Gạo hồi ấy chuyên làm trò đồi bại với đàn bà phụ nữ của những gia đình tụi nó đến giúp, coi như chút tiền công gọi là. Quảng cáo rầm rộ là đi làm từ thiện cuối cùng lại để xảy ra vấn nạn đó, chuyện xấu hổ vậy đâu ai dám đứng ra chịu trách nhiệm, sự việc im ắng một thời gian rồi mất biệt giữa vô số những tin tức ồ ạt khác.

Còn lúc này, hệ luỵ rõ ràng nhất mà nó đem đến là đứa con trong bụng chị. Chị muốn phá nhưng gia đình theo đạo, bảo rằng dù có bị cưỡng hiếp cũng không cho phá bỏ. Chị cãi lại chẳng lẽ giờ để cho đứa nhỏ sinh ra đời từ một vụ cưỡng hiếp, như vậy mới là thất đức. Gia đình vẫn không chịu, đó là việc cấm. Cách này không được cách khác không xong, chị đành chạy đến đây, xin Cô Hai xem có cách nào làm nó “biến mất” một cách êm đẹp.

Huệ với Lan rùng mình, thấy hên vì đợt đó đã từ chối việc tu sửa đền. Tôi quyết định giúp, nhưng phải với một điều kiện.

“Nếu cô muốn tôi giúp cho thì phải đồng ý một điều kiện rằng từ nay về sau sẽ không thể làm tình với bất cứ ai trên đời, phép thuật sẽ mất đi tác dụng nếu cô quyết định ăn nằm với ai đó, lúc ấy cô sẽ gánh lấy hậu quả. Cô suy nghĩ cho kỹ rồi đưa ra lựa chọn đi.”

Không một chút ngập ngừng, người phụ nữ gật đầu cái rụp. Tôi giúp chị chuyển cái thai qua cho một cặp vợ chồng khác đã muộn mằn mà vẫn chưa có con, như vậy đứa trẻ đó sẽ không chết, mà cũng không phải là đứa bé sinh ra từ một tội ác, vẹn cả đôi đường. Sau vài ngày uống thuốc, bụng chị bắt đầu xẹp dần xuống. Trong khoảng thời gian ấy, chị hay đi khắp nơi nghe ngóng xem có người đàn bà nào ở xóm cồn mang thai hay không, chị dù sao cũng muốn biết mặt đứa nhỏ suýt chút nữa đã trở thành con mình. Nhưng tôi đâu có để chị biết, biết làm gì cho thêm khổ.

Chị hối hận chỉ vài năm sau đó, khi đi ngoài đường có một người con trai vô tình chạm vào mình, chị nghe lòng sốt ran và quả tim như phát cháy, chị nghe rạo rực trên da thịt. Chị hối hận, khi có người hỏi cô út ưng tui không tui đem lễ qua nhà cô nghe, và nhận ra mình cũng muốn yêu và được yêu. Song lời nguyền ám lên cơ thể khiến chị phải sống một cuộc đời như ni cô, giết chết người con gái trong chị. Sao nó không giết luôn cái rạo rực này? Không giết luôn cái làn da trắng như nước vo gạo, hay vẻ mặt nom hiền lành của chị? Để vậy chi cho nó hành hạ mình. Có người hỏi chị sao cô không chịu cưới tui, tui cũng tốt thua ai. Trời, chị phải giãi bày câu chuyện của mình sao đây, việc đó chị đâu có dám kể ai nghe. Rồi ba chị mất trong một buổi làm đồng, mẹ chị đi bước nữa. Chị quay lại, bảo muốn làm người giúp việc cho đền, cũng là để kìm hãm những ham muốn ở bản thân vì trong đền có ít đàn ông. Nhưng đôi khi chị cũng không kiềm chế được chính mình khi sức sống và khao khát cứ rờ rỡ lan ra đến cả những đầu ngón tay. Cuộc đời người con gái bị chị chôn vùi trong những ổ tro bếp, nghĩ bản thân sao muốn yêu ai đó cho có người bên cạnh ủ ấp nhau, hủ hỉ tâm sự cho bớt trống trải mà khó dữ vậy nè, hồi đó mạnh miệng đồng ý làm chi để giờ cun cút một mình. Mấy năm nay, chúng tôi gọi chị là cô Tài đầu bếp…

Ơn hỏi sao tự nhiên mình đọc thơ cho cô Tài nghe mà cổ khóc, không biết tui có lỡ làm sai gì không?

Huệ suy nghĩ nhưng không ra được lý do, mới hỏi lại, “Ông đọc bài thơ gì cho cổ nghe vậy?”

Ơn trả lời nó đã đọc một đoạn trong Chinh phụ ngâm, là đoạn “Nghĩ mệnh bạc tiếc niên hoa, Gái tơ mấy chốc sẩy ra nạ dòng”.

Lúc lắc hai cái bím tóc, Huệ gật gù, “Vậy đúng là lỗi tại ông rồi đó, cha nội!”

Nhìn cái vẻ ngơ ngác của Ơn tôi biết là nó vẫn chưa hiểu, đến khi Huệ kể cho thằng nhỏ nghe chuyện hồi trước thì nó mới bất ngờ, ra là có một sự việc như thế, nó đâu có hay. Huệ nhắc Ơn đừng đề cập mấy chuyện tuổi tác hay tình yêu với cô Tài, không thôi cổ buồn. Rồi con nhỏ nheo mắt nhìn người đối diện, “Mà công nhận, ông chọn trúng đoạn thơ ác nhơn nhiệt đó Ơn!”