Lẫy

Chương kế tiếp:

Truyện tương tự

Vì sao và đom đóm.

(Hoàn thành)

Vì sao và đom đóm.

caroranchan

Nỗi sợ hãi vì tỏ tình thất bại làm cho một gã thanh niên quyết định đi lính, bỏ lại người mà anh ta thầm thương trộm nhớ. Trở về sau hai năm, chàng trai không ngờ rằng mình lại được gặp đúng người con

1 318

Mẹ kế của Bạch Tuyết!

(Hoàn thành)

Mẹ kế của Bạch Tuyết!

Yume_chan

Câu chuyện cổ tích nổi tiếng Bạch Tuyết và bảy chú lùn được kể lại qua góc nhìn của bà mẹ kế "độc ác".

2 425

Nói với em

(Hoàn thành)

Nói với em

Vuio

Vì truyện hơi ngắn nên không có tóm tắt nhiều, mọi người vào đọc sẽ biết.

1 295

Khi Cơn Mưa Tuyết Ngừng Rơi

(Hoàn thành)

Khi Cơn Mưa Tuyết Ngừng Rơi

Phong Linh

Quá khứ là điều ai cũng biết, còn tương lai thì chẳng ai biết được cả. Mọi giai đoạn của cuộc đời, hầu như ai cũng sẽ nuối tiếc khôn nguôi những chuyện xưa cũ và lo lắng bất an về điều sẽ xảy ra tiếp

3 461

[Oneshot] Nhà vua xứ Marot

(Hoàn thành)

[Oneshot] Nhà vua xứ Marot

Victor Niji

Và nó sẽ không bao giờ kết thúc.

1 300

Sự đồng điệu

(Hoàn thành)

Sự đồng điệu

Beelicon

Tôi đã bắt cóc một cô gái!

1 323

Toàn tập - 01-04

1.

Ơn gọi tôi là Cậu Hai. Chỉ có một mình nó gọi như vậy.

Từ ngày đầu đến đây, con nhỏ Huệ đã không chịu, nó lúc lắc hai cái bím tóc, bảo phải gọi là Cô Hai, ở đây ai cũng gọi thế. Ơn lắc đầu, “Cậu biểu tui gọi cậu là Cậu Hai, không được gọi là cô!”. Nhỏ Lan thì vảnh môi, liếc nhìn đến chỗ tôi, rồi chà xát hay bàn tay với nhau như muốn phủi đi một lớp đất vô hình trên đó.

“Chắc cổ thích ông, nên mới dặn ông làm khác, chứ bao nhiêu người đến đây, hay bao nhiêu người giúp việc trong đền ai cũng kêu cổ bằng Cô Hai hết trơn.”

Trời, nói chuyện nghe ngộ, tôi không thích thằng nhỏ thì bắt thằng nhỏ về làm tiểu đồng cho mình chi?

Hồi Ơn đến nhận một chân giúp việc trong đền, tôi quýnh quáng để tìm tên cho thằng nhỏ. Tên gì bây giờ? Tôi muốn đặt cho nó tên của một loài hoa để tệp thành một bộ với hai con nhỏ Lan và Huệ. Nhưng con trai mà đặt tên một loài hoa nghe kỳ, chẳng lẽ là Mai, là Đào, là Hồng, là Trang sao? Đâu có được! Tôi nghĩ cả buổi trời, mấy tiếng đồng hồ trôi qua vẫn chưa ra được. Tính cách đồng bóng điệu hạnh của tôi làm khổ tôi quá chừng. Gia đình của Ơn tưởng tôi có ý không nhận con mình, trông họ thất thần, sợ hãi và gần như muốn bỏ cuộc. Tôi càng luýnh quýnh hơn nữa, nghĩ nhanh lên, một loài hoa nào đó mà có tên đem đặt được cho một thằng con trai. Thế là nó được ban cái tên Ơn, hoa lay ơn, nghe hơi khiêm cưỡng nhưng thôi đành chịu. Giữ nó lại được bên mình là mừng rồi.

Bữa đó Ơn cũng lo, thằng bé quỳ trên nệm lót gối, đầu cúi gằm và run rẩy, cứ quỳ như thế cả buổi sáng trước cái quan tài kính của tôi. Con Huệ cũng mệt, vì nó phải hầu đồng để chuyển lại những lời tôi muốn nói, hầu cả buổi như thế nên đến lúc đứng dậy nó chới với xỉu ngang, hất đổ mâm xoài cúng, những trái xoài vàng ươm lăn lông lốc. Người ta đồn Cô Hai đền Kinh Gạo thích ăn xoài, nên miễn ai đến xin gì cũng đều cúng xoài, báo hại cả đám nhận hương hoả bị tiêu chảy, mỗi lần gặp xoài là ớn lạnh.

“Lần này tự nhiên Cô Hai phán lâu dễ sợ!” Lan cũng gật gù đồng ý là tôi đã lỡ tay hành con Huệ ghê quá, “Chắc lần đầu nhận tiểu đồng nam nên cô xấu hổ.”

Trong hai cô bé giữ đền, Lan là đứa hay hoạnh hoẹ và buông lời trêu chọc tôi nhất. Dáng vẻ dửng dưng, không hề có tý tôn trọng thần linh của nó khiến nhiều người ái ngại. Con nhỏ gan cùng mình, không biết sợ cái uy lực của Cô Hai là gì. Nói vậy không sợ cô về quật mày chết sao? Người ta hay răn đe con nhỏ như thế nhưng Lan vẫn không mảy may lo lắng. Cái vẻ không biết sợ tôi của Lan dần dà khiến tôi sợ ngược lại nó. Con nhỏ đáo để thật!

2.

Hồi hai vợ chồng nhà nọ bìu díu nhau đến cồn Kinh Gạo, vào đền xin Cô Hai một mụn con, lúc đó đền đã nổi tiếng lắm rồi. Người ta kể Cô Hai tắt thở, tim ngừng đập, mạch không nhảy nhưng vẫn không chịu phân huỷ, không thối rữa mà tóc còn dài ra, móng tay loằng ngoằng. Chuyện nghe ly kỳ hết sức nên dân chúng đến trước sập chiếu chỗ cô nằm cầu nguyện, và quả nhiên cầu gì được đó. Rồi như một lẽ hiển nhiên, cái gì thiêng thì người ta thờ, tiếng tăm của cô được lan truyền khắp nơi. Song sự linh thiêng còn dựa nhiều vào vấn đề may rủi, có người cô cho toại nguyện còn có người xin mãi mà không cho. Như đi bốc xổ số.

Mỗi lần Huệ vắt nước lá bưởi hay nước hoa lài lau mình cho tôi, cái khăn ấm chạy trên da thịt tôi, con bé hay hỏi, “Cô còn vấn vương gì mà chưa chịu thối rữa, bỏ cái xác này đi mà đầu thai vào kiếp mới hả cô?”. Biết chết liền! Tôi còn không thể hiểu được căn nguyên chuyện này là từ đâu, hay là do lúc sống ăn ruột cá tai tượng nhiều quá, nhưng mấy con cá quỷ đó thì có liên quan gì?

Hay khi Lan cắt tóc cho tôi, cắt móng tay cho tôi, nó cũng thủ thỉ, “Cô Hai coi kìa, tới người chết như cô mà còn được hàng trăm người kính lễ, quỳ sọp ngoài điện thờ chứ đâu bị rẻ rúng như người sống tụi con. Ai xin được tóc hay móng tay của cô đều mừng húm lạy tạ chảy máu đầu. Sao lúc sống cô không sướng được vậy đi, tới lúc chết mới sướng, hưởng được nhiêu?”. Lời con nhỏ nói thẳng thừng vậy làm tôi buồn muốn chết. Không biết có đúng là người ta chỉ cần lấy móng tay tôi cà nhuyễn ra rồi pha vào nước thì thành thần dược chữa bệnh nan y hay không, hay người ta tin mình sẽ hết bệnh thì người ta sẽ hết bệnh thật.

Rồi đến Ơn, chuyện này mới đau đớn, Ơn vừa chạm tay vào người tôi thì cả cái quan tài bỗng nhiên bốc lên một mùi thối rữa khắm khú không biết từ đâu ra. Lan đang phơi đồ ngoài sân sau ngửi được chạy vào liền, tưởng tôi đã bắt đầu phân huỷ. Nhưng không phải, Ơn vừa rời tay khỏi tôi thì thứ mùi khó chịu đó dần dần tan đi.

Lan hiểu ra, nó gãi gãi đầu cười, “Mèn ơi, hiểu luôn! Lúc sống Cô Hai làm lẹo cái nên lúc chết ông Trời phạt không cho đụng vào đàn ông. Bởi ông Trời ổng ác, tới chết rồi còn hành Cô Hai dễ sợ hông.”

Tôi càng buồn hơn nữa. Tôi thích thằng nhỏ nên mới kéo nó về làm tiểu đồng hầu hạ mình, để được nó chạm vào mình, giờ thì công toi. Ông Trời ơi, thôi nghe, sao ai ông không kiếm chuyện mà cứ kiếm chuyện với tôi hoài vậy?

Nhớ lại hai vợ chồng năm đó đến xin một đứa con trai, Huệ đã ngồi đồng giúp truyền lời của tôi đến với họ, “Được rồi, tôi sẽ ban cho hai người một đứa con. Nhưng nhớ kỹ, năm nó tròn mười bảy tuổi cả hai phải đem nó quay lại cồn Kinh Gạo để làm tiểu đồng cho tôi vài năm coi như trả lễ. Nếu hai người đồng ý thì tôi sẽ yểm phép ngay.”

Đôi người trù trừ không biết phải làm sao, đã chịu bước vào cửa tâm linh rồi, đã muốn chơi trò buôn thần bán thánh rồi thì còn sợ gì nữa, huống hồ Cô Hai đã nói là vài năm thôi, vậy thì chắc không sao đâu. Một lát bàn qua tính lại đong đếm thiệt hơn, bọn họ đồng ý. Lan đem bịch móng tay và tóc của tôi đưa cho người phụ nữ, bảo về nấu thuốc uống rồi tự khắc sẽ có con, con cầu con khẩn nên nhớ là nuôi dưỡng cho tốt.

Tối đó lúc chong đèn điện thờ, Lan chống hông nhăn mặt nhìn tôi cắc cớ, nhỏ nguýt dài, “Cô định làm cái gì nữa đây?”. Tôi cũng không biết mình định làm gì.

3.

Không hiểu sao ai gọi tôi bằng cô tôi cũng đều không giận, nghe chối tai lắm song tôi mặc kệ, riêng Ơn gọi tôi bằng cô thì tôi lại giận lắm. Tôi muốn Ơn phải xem tôi là một người đàn ông, chứ không phải là một người phụ nữ đội lốt đàn ông. Những người khác hiểu về tôi thế nào cũng được nhưng Ơn thì không được. Nó phải gọi tôi bằng Cậu Hai thì tôi mới chịu.

Chắc người ta nghĩ những kẻ như tôi thích được xưng hô như phụ nữ, nhưng tôi lại không thích. Không vui, gọi vậy không có vui gì hết!

“Bà Huệ hai mươi tuổi, còn tui thì hăm hai.” Lan tự giới thiệu tuổi của mình và Huệ cho Ơn biết.

Ơn gật đầu, “Vậy tui là người nhỏ tuổi nhất ở đây rồi hen, tui mới mười bảy, khoảng cách ba và năm năm thấy cũng xa lắm đó.” Hai cô gái bất ngờ nhìn nhau, khúc khích cười, bảo với người con trai mới đến là đừng có lo, ông đuổi kịp tuổi tụi tui mấy hồi.

Hai đứa con gái đó đã không còn lớn lên nữa, khi Lan có lần đã hái nấm dại mọc lên từ xác của tôi và đem hầm ăn. Một buổi ngồi cắt tóc cho tôi nó thấy trên hai cánh tay và bụng tôi mọc nấm, không rõ là nấm gì nhưng có mùi rất bùi, nghe như mùi của nấm rơm. Sẵn cây kéo trên tay nó nhấp sạch đem đi hầm bỏ bụng hết ráo. Từ bấy đến nay nó không lớn nữa, chồng nó già yếu chết rồi mà nó vẫn còn ở tuổi hăm hai.

Thằng chồng nó bỏ đi theo người con gái khác, chỉ lâu lâu là ghé qua cồn Kinh Gạo thăm nó, một năm được đôi ba lần. Lý do là vì mình già mà vợ mình cứ trẻ mãi, cứ phơi phới tuổi xuân, y thấy mình bất lực trước thời gian, y thấy mình là người bị bỏ lại nên y đành phải rũ áo bỏ ngược Lan cho đỡ tủi. Để ít ra mình không phải là người duy nhất bị bỏ rơi. Nhiều lần Lan nhấp cây kéo bén ngót kêu lắt xắt phía sau ót, tôi nghe nó nói có lẽ thằng chồng bỏ theo người khác vì nó không chịu có con, chắc mấy cái nấm lạ lùng kia cũng là nguyên do. Nó nói tỉnh bơ, không giận hờn tôi chi hết. Dù nó biết tại tôi mà ra cả.

Còn Huệ, người ta đoán là do con bé làm việc hầu đồng nên riết rồi trong cốt bắt đầu có sự mầu nhiệm, tiếp xúc với thần thánh lâu quá nên Huệ đâm ra trẻ mãi không già. Người ở xóm cồn còn kháo nếu muốn lớn lên và già đi như những người bình thường khác thì nhất định Huệ phải bỏ việc hầu cốt và rời khỏi cái đất Kinh Gạo này, sống ở một nơi nào đó thật xa để uy lực của Cô Hai không trườn tay với tới được. Song chả hiểu sao con bé không muốn như người bình thường, nó thấy mình vẫn cần hầu đồng mới sống được. Lên đồng đối với nó như một cơn phê thuốc, nó đã đâm ra nghiện việc ấy, như có một số người nghiện thuốc lá, nghiện rượu hay nghiện làm tình.

Vậy là sự bất tử của tôi đã kéo theo sự bất tử của hai người khác.

Ơn lúc mới đến không biết chuyện đó, chỉ khi nó làm sinh nhật mừng tuổi mới cho Huệ, hai cô gái mới bật cười nhìn cái bánh bông lan cắm nến xấu òm, “Tụi này không có sinh nhật. Xin lỗi ông nghe, lẽ ra phải giải thích trước. Trong ba đứa mình chỉ có ông là lớn lên thôi, chứ hai đứa tui sẽ như thế này mãi, hơn một trăm sáu mươi năm nay rồi vẫn là những con nhang hầu cô.”

Cây nến đỏ trên bánh bông lan vẫn đang cháy lập loè. Tay Ơn chao nghiêng, nó xửng vửng, “Trời đất ơi, hai người sống lâu vậy luôn hả? Sống lâu vui không?”

Vui được miếng nào chết liền!

Huệ kể lại hồi xưa ba mẹ Ơn đến đây xin con cũng chính nhỏ đã ngồi hầu đồng đưa ra lời phán chứ đâu. Và cũng chính Huệ là người đột nhiên nhớ ra hình như hôm nay là tròn mười bảy năm cặp vợ chồng kia đến xin con trai từ Cô Hai. Rồi nó trở về với cái bông tua lau điện thờ trên tay, nói tiếp, “Sao hồi Tết tới giờ chưa thấy họ đem thằng nhỏ đến để trả lễ vậy ta?”

4.

Tôi đâu có quên.

Hai vợ chồng họ cũng không hề quên, họ chỉ đang muốn lần chần được chút nào hay chút đó. Từ lúc đứa con trai được sinh ra, cả cái tiệm cầm đồ được giao lại cho họ. Cái tiệm cầm đồ có lẽ là lý do lớn nhất mà họ muốn có một đứa con, khi nghe ông già bảo rằng chừng nào hai đứa bây có con trai đi rồi sẽ được nhận gia tài. Đứa con khó khăn lắm mới có và tình cảm nuôi nấng suốt mười bảy năm, chắc họ tiếc đứt ruột nếu phải giao lại cho người khác.

Nhưng giao kèo là giao kèo, huống hồ đây còn là với bậc thần thánh. Đứa trẻ vừa tròn mười bảy đã lên cơn sốt rậm rật, cứ nằm li bì suốt một tuần lễ. Người nó nóng rẫy và ngứa ngáy như có sâu bò dưới da, nó lăn lộn trên giường, môi mấp máy nói mớ những điều không có thật. Nào là con muốn đi hầu Cậu Hai đền Kinh Gạo, cậu kêu con đến với cậu. Cùng với đó là lần mộng tinh đầu tiên, thấm ướt mềm gối một màu trắng đục, nhờ nhờ.

Lúc ấy họ mới tá hoả tam tinh, hình như chuyện này không giỡn chơi được, để lâu chắc thằng nhỏ thành điên điên dại dại mất. Họ bắt xe đến Kinh Gạo ngay trong đêm, và giật mình khi thấy ra đón bọn họ là hai cô gái của mười bảy năm trước, không hề đổi khác tí ti nào.

Cái nốt ruồi nhỏ ở đuôi mắt Lan vẫn nằm đúng chỗ cũ, cái má lúm đồng tiền của Huệ vẫn không bị nông đi dù chỉ một xíu, vẫn sâu hoắm. Như thể thời gian đã bị ngưng đọng ở nơi này, hay ông thần đồng hồ đã bỏ quên nó.

Còn cặp vợ chồng thì đã thay đổi rất nhiều, họ già hơn, nhưng được cái là trông bề ngoài đã sang hơn trước. Cả hai đều phát tướng, làm vẻ bộ tịch. Nét mặt mới là cái đáng nói, đó là nét mặt của những người đã quen đi ban ơn cho kẻ khác, của dân hay đi làm phước đổi lấy tiếng tăm.

Bà mẹ kéo thằng con mình quỳ mọp xuống sàn, rồi nói với cô gái đang phủ khăn đỏ che mặt ngồi trước ban thờ, “Hay giờ Cô Hai làm phước lấy tiền thay cho thằng nhóc của tụi con, cô thấy đặng không? Bao nhiêu tiền tụi con cũng trả hết, Cô Hai muốn xây một cái đền khang trang hơn tụi con cũng chịu, miễn là cho thằng nhỏ được ở lại với gia đình nó.”

Nghe vậy, Lan vỗ đùi cái đét, “Mèn ơi, sao hồi đó không chịu trả giá như vậy đỡ biết nhiêu, giờ mới nói thì ai mà chịu.”

Con Huệ kéo tấm mạng che mặt lên, nói thêm, “Giờ hai người hy vọng là cổ chịu nhận thằng con hai người đi, cổ mà không ưng nó là cổ quật nó chết luôn cho coi.”

Bị nhắc vậy, họ cũng không biết nói gì hơn, chỉ hi vọng làm dịu Cô Hai, để cổ thương mà giữ mạng cho thằng bé. Mạng sống của nó giờ là do thần linh quyết định.

Gì thì gì, cuối cùng tôi cũng nhận Ơn vào đền. Tôi thừa biết là mình sẽ thích thằng nhóc đó thôi.

Cảnh chia tay sướt mướt hơn tôi nghĩ, ba Ơn xoa đầu nó dặn ở đây ngoan ngoãn hầu hạ Cô Hai cho tốt, vài năm nữa là được về rồi. Ơn cũng thấy buồn khi phải xa gia đình nhưng rồi nó lại vui ngay, vì những thằng nhóc mười bảy tuổi không quen buồn lâu, và vì nó thấy cái cồn này có nhiều thứ khiến nó tò mò muốn khám phá cho biết.

Vía tôi hay lẽo đẽo theo thằng nhỏ xem nó đi đâu, làm gì. Tính nó hiền và học rất nhanh. Ơn làm thân với toán lính bảo vệ đền, được người ta chỉ cho cách dùng súng. Ơn học được mấy món ngon từ cô Tài đầu bếp, nó nói ở nhà mình đâu có được học mấy cái này, lọ mọ vào bếp là bị đuổi ra ngay hà. Cô Tài cười cười, “Thời buổi này rồi, đàn ông con trai cũng phải biết nấu vài món cơ bản, đi đâu cũng không sợ chết đói.”

Có khi tôi thấy Ơn nhún nhảy đôi chân trần tập theo điệu múa hầu của Lan, tất nhiên các bắp thịt và ngón tay nó cứng khừ, không duyên dáng được như cô bạn mình. Nhưng nhìn tướng nó lắc lư vụng về cũng dễ thương, vía tôi vài lần tìm cách chạm vào những bắp tay đang ở tuổi phát triển của Ơn, song lại bẽ bàng khi thấy đầu ngón tay mình sượt xuyên qua nó, không cảm nhận được gì, không có gì đọng lại. Chính tôi còn không thể tự chạm vào bản thân mình, tôi chỉ là một linh hồn vất vưởng đây đó cho vui, đến những lời ca ngợi của các con nhang đệ tử đến từ khắp nơi cũng dần khiến tôi thấy chán. Hơn một trăm sáu mươi năm nay vẫn là những lời lẽ y như vậy, có gì khác đâu.

Không biết các thần Phật tại vị hàng ngàn năm thấy sao, chứ tôi chỉ qua vài năm là đã chán cái cảnh được kẻ khác kính nể, tâng bốc rồi. Nên có đôi khi mặc kệ các hàng người đang quỳ trong đền, vía tôi lướt đi chỗ khác chơi, họ quỳ hay làm gì kệ họ. Huệ lúc ấy đang ốp đồng liền chới với ngã huỵch ra đất, “Thiệt tình, đang nhập vào người mình mà muốn xuất ra lúc nào là xuất hà!”, con nhỏ quăng tấm điều phủ mặt, thản nhiên đứng dậy trước ánh nhìn ngơ ngác của hàng chục người trong phòng.

Mọi thứ ở đền Kinh Gạo đã khác trước kể từ ngày Ơn đến, Huệ và Lan rỗi rãi hơn để làm những việc khác như thêu khăn, in bùa bán cho khách thập phương. Hai đứa thỉnh thoảng lại cười bảo nhau rằng giờ đang là thời mạt pháp, buôn thần bán thánh thấy vậy còn dễ giàu hơn bỏ tiền đi kinh doanh. Có mấy hôm Ơn đi chơi biệt tích với đám con nít xóm cồn, về đã thấy Lan cầm roi đợi sẵn.

“Ông mười bảy tuổi rồi nghe. Sao mà còn ham đi chơi vậy, phải người lớn lên chứ?” Lan hằm hè, hai bàn tay vẫn vô thức chà xát vào nhau. Tôi nghĩ lòng bàn tay con bé có tật hay bị những cơn ngứa tưởng tượng.

Ơn nhận lỗi song lại cười cười nhìn cô bạn, “Tính ra đó giờ tui không có anh chị em gì hết, bà giống chị tui ghê, thì ra có chị là như thế này.”

Hẳn do không đoán trước được Ơn sẽ nói vậy nên nhỏ Lan giật mình bĩu môi, “Thôi đi cha nội, tui có số sát thân lắm, đừng có ham làm người nhà của tui. Cái số nó khiến đứa em tui chơi ma tuý cho bị bắt, chết trong tù rồi. Muốn hông?”

Lắc đầu nguầy nguậy, Ơn nói không muốn, nhưng sao Lan lại tự trách mình, lỗi có phải nằm ở Lan đâu.

Tuy tính xông xáo nhưng Ơn lại có vài cái khờ, mặt nó cũng hơi khờ khờ, nhìn thấy thương. Ông Đạt bảo vệ hay mua bánh kẹo cho nó, tuy ông nói tao đi ngoài đường thấy người ta bán ế ẩm quá nên sẵn tiện mua luôn. Nhưng tôi biết ổng đã ngầm đặt Ơn vào vị trí thằng con trai đã chết từ ba năm trước của mình, trong một cuộc đua xe máy. Đứa con trời đánh của ổng lao cả cái xe xuống sông, rồi mất tăm tích, như thằng nhỏ đã lao xuống một đáy vực hay đã biến vào một chiều không gian khác. Tên bạn cắt đầu đinh ba phân, xăm đầu lâu xương chéo trên trán trỏ điếu thuốc hút dở xuống mé sông, giọng oai oái, “Rõ ràng cả chục con mắt thấy nó lao xuống đó, vậy mà chạy tới thì mất tiêu, tưởng nó chìm dưới đáy hay bị trôi đi đâu nên vài thằng lặn xuống mò mà cũng không thấy gì luôn, chắc nó bị cái mé sông đó nuốt mất rồi. Tưởng tượng mà rởn óc hết lên.”

Một hôm con Huệ hầu đồng, tôi khiến nó hỏi Ơn là “Ơn có giận Cậu Hai không?”. Thằng bé giật nảy vì tự nhiên mình bị kéo ra làm trung tâm của buổi lễ. Nó đắn đo nhìn đôi mắt mở to trơ trơ của Huệ - lúc này không còn khuất sau tấm vải điều nữa mà lộ ra do cái khăn đã tuột xuống đất. Nó như quên cả thở, rồi cũng hiểu được chuyện gì đang xảy ra, nó trả lời tỉnh rụi, “Giận gì đâu Cậu Hai, ba mẹ con nói nhờ có cậu con mới được sinh ra đời nên phải hầu hạ cậu cho tốt, xem như người cha người mẹ thứ hai của mình.”

Tôi thừa biết nó không giận qua thái độ của nó đối với mình, nhưng hỏi cho chắc vậy thôi. Tôi thở phào nhẹ nhõm, Huệ vẫn tiếp tục múa may quay cuồng theo điệu hát chầu văn.

Mọi người không ai suy đoán gì về chuyện đó. Chỉ riêng Lan là giữ trong lòng, bữa sau nó bảo tôi, “Nếu thích ông Ơn đến vậy thì nói tui một tiếng, để tui tính đường cho ổng thoả mãn cô, dễ òm”. Tôi không muốn đi đến nước ấy, và cảm thấy sợ Lan khi con nhỏ hiểu mình quá đỗi. Có ai đó nhìn thấu được bên trong mình thì vừa vui mà cũng vừa sợ, như một áp lực vô hình.

Thằng nhỏ mới lớn được dạy cách để yêu quý một cái xác. Huệ chỉ nó cách lau dọn ban thờ, lau cả cái quan tài kính, chỉ tuyệt nhiên việc chạm vào cơ thể của tôi là nó không được phép. Tôi muốn hỏi có cách nào không, để cảm nhận cái vuốt ve của Ơn trên da thịt mình một lần duy nhất thôi cũng được, nhưng cái xác thì không biết nói, mà vía tôi cũng không biết hỏi thế nào. Tôi ôm vấn đề đó trong lòng mãi đến khi nhỏ Lan phát bực lên, một bữa nó đang bày đồ lễ thì lắc đầu thở dài.

“Hết nói nổi cô luôn á, thôi giờ để tui giúp cho. Trời ơi gần hai trăm tuổi rồi mà chưa bỏ được tật mê trai nữa hà!”

May phước, có được con Lan nó hiểu tôi, nó nghe được những tâm tư của một cái xác. Nó đưa cho Ơn một túi bao tay nhựa, chỉ đơn giản bỏ lại một câu, “Ông đeo vào rồi hầu cổ tắm rửa giùm, việc trong đền cái gì cũng phải chia đều ra làm ba hết, đến cả hầu Cô Hai cũng phải chia, không có lý do lý trấu.”

Tuy vẫn cách da thịt của Ơn bằng một tấm màng mỏng dính, nhưng nhỏ Lan cũng đã cố hết sức. Được vậy cũng tàm tạm rồi. Tôi đâu có dám đòi hỏi thêm gì nữa, tôi mừng muốn chết.