Người ta gọi đó là hiện tượng lột xác thất bại.
Thuật ngữ này thường dùng để chỉ những con côn trùng trưởng thành bị dị tật về ngoại hình. Nhưng thực tế, nó mô tả tình trạng bất thường trong quá trình từ nhộng hóa thành côn trùng trưởng thành, khiến việc lột xác không thành công.
Nếu lột xác thất bại, trường hợp tệ nhất là côn trùng không thể thoát khỏi lớp vỏ mà chết, hoặc trở nên dị dạng. Như ve sầu chẳng hạn, đôi khi chúng kiệt sức giữa chừng khi đang thoát xác, hoặc rơi khỏi thân cây và chết trong lớp vỏ của chính mình.
Những loài nổi tiếng với dị dạng do lột xác thất bại là bọ cánh cứng và bọ kẹp. Nếu trong giai đoạn nhộng, chúng bị va chạm mạnh hoặc khoang nhộng sụp đổ, khi trưởng thành, sừng của chúng có thể cong vẹo, cánh cũng dễ bị bong tróc ngay sau khi lột xác.
Cũng có trường hợp côn trùng chết ngay từ khi còn là nhộng. Khi đó, phần đốt bụng thâm đen, đáng lẽ màu mắt và cánh phải dần lộ ra, nhưng do quá trình hình thành bị lỗi, bên trong nhộng chỉ còn lại một thứ hỗn hợp nhầy nhụa của ấu trùng đang phân hủy.
Không chỉ ve sầu hay bọ cánh cứng, bướm cũng là loài dễ bị lột xác thất bại.
Sau khi lột xác, bướm cần bám vào cành cây hoặc vật gì đó để dùng trọng lực kéo căng đôi cánh đang co rút. Nếu không có chỗ bám, cánh sẽ không duỗi ra được và cứng lại. Khi đó, con bướm phải sống suốt đời với cơ thể không thể bay, tất nhiên cũng không thể kiếm thức ăn, và cái chết vì đói là điều không tránh khỏi.
Quá trình lột xác vốn là thử thách cuối cùng của côn trùng. Tỉ lệ bướm phượng hoàng – loài bướm lớn – lột xác thành công được cho là chưa đến một phần trăm. Sự khắc nghiệt của tự nhiên, nếu nói là chuyện thường tình, cũng chẳng sai.
Nhưng có một trường hợp lột xác thất bại mà tôi mãi không thể lý giải.
Không hề có tổn thương ngoài da, môi trường xung quanh cũng lý tưởng. Không bị kẻ thù phát hiện, được yên ổn hóa nhộng ở nơi an toàn, vậy mà vẫn thất bại.
Bên trong nhộng là chất lỏng chứa hormone tăng trưởng và một ít cơ bắp. Nếu hormone tăng trưởng gặp trục trặc, dù không có tác động từ bên ngoài, quá trình lột xác vẫn có thể thất bại.
Con bướm phượng hoàng mà tôi từng nuôi thuộc trường hợp ấy.
Tôi đã tìm hiểu kỹ về cách lột xác. Khi nó còn là sâu non, tôi chỉ cho nó ăn những loại cỏ dại hoàn toàn không có thuốc trừ sâu. Khi nó chuẩn bị hóa nhộng, tôi chuẩn bị sẵn bìa carton dễ bám. Tôi để ánh nắng sớm chiếu vào nhộng, chuẩn bị cả que đậu để nó bám vào sau khi lột xác.
Vậy mà con bướm trưởng thành lại chẳng hề bình thường.
Ban đầu, tôi tưởng nó không có đầu.
Nhưng nhìn kỹ, không phải không có, mà cái đầu của nó tròn vo. Bướm trưởng thành đáng lẽ phải có vòi hút mật và đôi mắt kép để nhận biết hoa, nhưng con bướm này thì không.
Thay vào đó, nó có bộ hàm với những chiếc răng.
Con bướm sau khi lột xác, phần đầu vẫn y hệt thời còn là sâu non.
Dù vậy, đôi cánh của nó duỗi khá ổn. Nó vẫn vui vẻ bay khắp phòng, như thể đang ăn mừng việc đã trưởng thành.
Tôi đưa miếng khăn giấy thấm nước đường đã chuẩn bị sẵn lại gần, con bướm lập tức bay tới.
Nhưng khi dí mặt vào, nó chỉ loay hoay bối rối.
Phải rồi, nó không có vòi để hút nước.
Vậy là nó chắc chắn sẽ chết đói.
Con bướm ra sức há miệng, cố gắng tìm kiếm thức ăn.
Tôi chợt nghĩ, hay thử đưa lá cây mà nó từng ăn hồi còn là sâu non lại gần.
Lập tức, nó bắt đầu nhai ngấu nghiến. Nó ăn như điên, cố gắng bù lại năng lượng đã tiêu hao trong quá trình lột xác.
Ngày hôm sau, khi tôi đi học về, con bướm đã chết.
Bụng nó căng phồng, từ chỗ giống như lỗ tiểu rỉ ra chất lỏng màu nâu.
Khi còn là sâu non, bướm có hệ tiêu hóa chuyên để ăn lá cây. Nhưng khi trưởng thành, bộ hàm và hệ tiêu hóa ấy biến mất, thay vào đó là vòi hút mật và cơ quan chuyển hóa mật thành dinh dưỡng.
Nhưng con bướm này không hình thành được vòi hút. Dù vậy, phần thân của nó lại là của bướm trưởng thành, với hệ tiêu hóa chỉ phù hợp để hấp thụ mật hoa.
Thế nhưng, nó chỉ biết ăn lá cây. Nó chỉ có thể ăn lá cây.
Thứ cần hấp thụ và thứ có thể hấp thụ hoàn toàn không khớp nhau.
Kết quả là, nó không tiêu hóa được, bụng chứa đầy lá cây, rồi chết.
…Tôi đã nghĩ, nó giống hệt như chính mình.
Từ sau khi Ruri nói với tớ như thế, tôi đã rút lui khỏi thứ gọi là "đau đớn".
Tự mình tạo ra nỗi đau thì có giới hạn. Thứ tôi cần, chỉ có thể nhận từ Ruri. Nhưng giờ Ruri nói sẽ không làm tôi đau nữa, vậy là tôi chẳng còn gì để "ăn".
Tôi đã cố chịu đựng, bởi tôi nghĩ đó là cách để trưởng thành.
Khung cảnh tôi từng vô thức ngưỡng mộ thuở nhỏ, nếu nói ra trước mặt người khác, chắc chắn sẽ bị coi là méo mó.
Thích đau đớn, không đau thì không thỏa mãn, thứ gì không kèm đau đớn đều chẳng hứng thú – những suy nghĩ trẻ con, ích kỷ ấy, tôi biết mình phải vứt bỏ khi còn trong độ tuổi được giáo dục bắt buộc.
Tôi hiểu rõ điều đó. Vì thế, tôi cùng Ruri từ bỏ mọi thứ.
Vậy mà, thứ ngày càng lớn dần trong tôi là sự thôi thúc muốn tự phá hủy bản thân đến tan tành. Cố gắng chịu đựng trong cuộc sống hằng ngày lại trở thành một cực hình tinh thần.
Có một ngày, tôi chợt nghĩ, hay là nhảy từ trên cao xuống thử xem.
Nếu tự mình không làm được, mượn sức hút trọng lực cũng được. Nhưng không phải vì tôi muốn chết. Tôi muốn cảm nhận cái cảm giác tuyệt vọng và đau đớn tột cùng, đến mức ngỡ như mình sẽ chết mất.
Tôi lần lượt khảo sát sân thượng, tầng bốn, tầng ba, rồi quyết định tầng hai là vừa sức nhất.
Tầng thượng và tầng bốn thì khỏi bàn, tầng ba có thể tùy chỗ ngã mà chết thật, còn tầng một thì không chết cũng chẳng đủ đau. Đau kiểu nhức nhối chút ít thì tôi chẳng thỏa mãn đâu.
Tôi chịu hết nổi rồi.
Như người nghiện thuốc hay nghiện rượu không thể dứt bỏ cơn nghiện.
Tôi cũng không thể rời khỏi nỗi đau.
Càng cố kìm nén, trái tim tôi như sôi sùng sục, toàn thân ngứa ngáy, run rẩy, răng va vào nhau lập cập.
Trước đây chưa bao giờ như vậy. Chắc do gặp Ruri mà tôi mới trở nên kỳ quái thế này.
Không, vốn dĩ tôi đã kỳ quái sẵn rồi. Chỉ là, khi biết thứ mình khao khát thực sự tồn tại, rồi lại phải buông tay, đó là một cú sốc tinh thần quá lớn.
Tôi chẳng còn tỉnh táo để chọn thời gian hay địa điểm nữa.
Tôi thò đầu ra khỏi cửa sổ tầng hai, ném cơ thể xuống dưới.
Khoảnh khắc chạm đất chỉ trong tích tắc, cơn đau tê tái dữ dội lập tức ập đến, đủ để ý thức của tôi mờ dần.
Dòng máu loang ra từ đâu đó chạm đến má tôi.
Trong làn sương mờ của ý thức đang phai nhạt, tôi chắc chắn rằng…
A, chắc tôi sẽ chết khi đang đi tìm nỗi đau như thế này.
Tầng hai chưa đủ, thì tầng ba. Nếu may mắn sống sót, lần sau tôi sẽ nhảy từ sân thượng! Chắc chắn sẽ có cơn đau mà tôi chưa từng trải qua! Đúng rồi, tôi cũng muốn thử siết cổ nữa! Biết đâu vắt thắt lưng lên tay nắm cửa là siết được ngon lành ấy chứ!
Cứ thế, một ngày nào đó, nhất định.
Trong tương lai không xa.
Tôi sẽ chết trước khi kịp cảm nhận cơn đau.
Giống như con bướm ấy, trưởng thành nhưng phần đầu vẫn là ấu trùng.
Tôi rồi cũng sẽ giấu đi bản chất khao khát đau đớn ấy, giả vờ trưởng thành, bước ra xã hội, hòa nhập với đám đông, làm việc, giao tiếp, yêu đương, cố gắng sống như một người trưởng thành đúng nghĩa.
Nhưng tôi không có khí quản để tiêu hóa những thứ ấy.
Thứ duy nhất tôi có thể tiêu hóa, là nỗi đau.
Cứ tiếp tục hấp thụ những hoạt động mà tôi chẳng thể tiêu hóa nổi của con người, bụng tôi sẽ căng tròn như muốn nổ tung, rồi một ngày nào đó, y như con bướm ấy, tôi sẽ lặng lẽ chết đi.
Không biết từ bao giờ, tôi đã lột xác thất bại.
Trong khi bản thân thậm chí chẳng nhớ đã từng là nhộng.
Tại sao tôi lại không có khí quản để hút mật?
Một ý thức vô giá trị, chẳng ai bận tâm, lặng lẽ đứt đoạn.
Giữa tiếng còi hụ vang vọng từ xa, tôi loáng thoáng nghe có tiếng ai đó gọi tên mình.