34
Tháng tư của năm học thứ hai cũng sắp trôi qua.
Một trong những sự kiện lớn của năm hai cấp ba chính là chuyến du lịch học đường.
Dù gọi là chuyến du lịch học đường, tôi vẫn thắc mắc tại sao lại tổ chức vào năm hai, nhưng nghe nói khoảng chín mươi phần trăm các trường cấp ba đều làm vậy. Lý do có vẻ là vì lên năm ba sẽ bận rộn với các kỳ thi thử và kỳ thi tuyển sinh.
Đối với một ngôi trường tự nhận là trường chuyên thì điều này lại càng dễ hiểu. Về phía nhà trường, họ không muốn học sinh năm ba phải tham gia những sự kiện có khả năng cản trở việc thi cử. Đương nhiên, chuyến du lịch học đường cấp ba Học viện Seirei cũng được tổ chức vào năm hai.
Địa điểm chuyến đi đã được quyết định từ trước thông qua một cuộc khảo sát thực hiện hồi năm nhất.
Đó là một cuộc khảo sát mà nhà trường đưa ra các địa điểm đề cử như Hokkaido, Kyushu, Okinawa, Kyoto, Osaka, Hiroshima, một xứ sở mộng mơ nọ, cùng với chi phí dự kiến cho chuyến đi. Học sinh sẽ bàn bạc với phụ huynh rồi điền vào phiếu nguyện vọng một và nguyện vọng hai.
Thật lòng mà nói, đi đâu cũng được nên tôi đã chọn hai nơi có chi phí rẻ nhất.
Tất nhiên là tôi chẳng hề bàn bạc gì với ông bà cả.
Kết quả thống kê cuối cùng là xứ sở mộng mơ nọ.
Về nhì là một khu vui chơi tương tự ở Osaka.
Rốt cuộc thì chuyến du lịch học đường là cái gì cơ chứ?
Thực tế thì chuyến đi diễn ra vào mùa thu, nhưng có lẽ vì lý do bảo hiểm hay gì đó mà nhà trường phải quyết định sớm thành viên các nhóm để nộp cho công ty du lịch.
Thế là, việc chia nhóm cho du lịch học đường được tiến hành vào buổi sinh hoạt lớp cuối cùng của tháng tư.
Cách thức chia nhóm là những người bạn muốn đi cùng nhau sẽ tự do lập thành một nhóm từ năm đến bảy người. Nhóm nào xong trước thì lên bảng viết tên trưởng nhóm và các thành viên.
Với cá nhân tôi, đây là cách thức khó xử nhất.
Nếu giáo viên chỉ nói, ai cũng được, hãy lập nhóm với những người gần mình, thì tôi còn đối phó được.
Nếu cần, tôi cũng sẽ đứng ra hô hào tập hợp mọi người.
Nhưng một khi đã bị giới hạn trong hai chữ "bạn bè" thì tôi đành chịu thua.
Tôi không hiểu nổi tại sao phải cố tình giới hạn đối tượng là "bạn bè".
Mà lại còn là những người bạn thân đến mức "muốn đi cùng nhau".
Đối với tôi, làm sao có một người như vậy trong cái lớp học mà tôi mới chỉ gắn bó vỏn vẹn một tháng được chứ. Mà thực ra thì ngoài lớp cũng chẳng có ai.
Việc chia nhóm vào thời điểm này có lẽ là do giáo viên chủ nhiệm cho rằng, một tháng sau khi vào lớp mới thì tất cả học sinh hiển nhiên đều đã kết bạn được với ai đó.
Nếu có ai hỏi tôi có người quen trong lớp không, thì dĩ nhiên là có.
Cũng có vài người tôi đã nói dăm ba câu chuyện vì một lý do cần thiết nào đó.
Còn nếu hỏi tôi có nhớ mặt thuộc tên tất cả mọi người trong lớp không, thì câu trả lời là hoàn toàn không, nhưng ngược lại, chắc chắn cả lớp đều biết mặt và tên của tôi.
Tôi vừa là học sinh mang số thứ tự một, vừa có thành tích đứng đầu toàn khối.
Và dù bị truyền thông và mạng xã hội vùi dập không thương tiếc, tôi vẫn được cảnh sát trao tặng giấy cảm ơn trước toàn trường.
Chính vì thế, hẳn là có những người không muốn lại gần tôi.
Một kẻ có vẻ phiền phức để kết giao.
Dù chẳng làm gì, tôi vẫn cảm nhận được một bầu không khí ngại ngùng mơ hồ mà các bạn cùng lớp dành cho mình.
Mà nói cho cùng, giáo viên chủ nhiệm cứ dễ dàng dùng từ "bạn bè", nhưng bản thân tôi lại không hiểu rõ định nghĩa của nó.
Ít nhất, tôi hiểu rằng một "bạn học" đơn thuần và một "người bạn" là hai khái niệm khác nhau.
Bạn học chỉ là người quen mặt, còn bạn bè là một mối quan hệ thân thiết hơn thế.
Ví dụ, hồi nhỏ, tôi nhớ mình đã từng chơi vài tiếng trong công viên với một đứa trẻ lạ mặt trạc tuổi, khi được mẹ dắt đi.
Lúc chia tay, mẹ bảo tôi:
"Con chào tạm biệt bạn đi."
Mẹ của đứa trẻ kia cũng nói điều tương tự với con mình.
Dĩ nhiên tôi cũng "tạm biệt" người ta, nhưng mà, tôi và đứa trẻ đó đâu phải là bạn bè, đúng không? Chỉ là một người tình cờ chơi chung hôm nay mà thôi.
Vài ngày sau, khi lại được mẹ dắt đến công viên và gặp lại đúng đứa trẻ đó, mẹ lại nói:
"Rin-chan, tốt quá nhỉ? Con có bạn ở đây rồi."
Tôi cảm thấy vô cùng gượng gạo.
Không, đứa trẻ này và tôi, vẫn chưa phải là bạn bè đâu. Mới chỉ có kinh nghiệm chơi cùng nhau đúng một lần.
Nếu chúng tôi chơi với nhau nhiều lần hơn nữa để tích lũy "điểm thân thiết", có lẽ một ngày nào đó mối quan hệ này sẽ có thể được gọi là bạn bè, nhưng bây giờ thì chưa. Xin hãy dùng từ cho đúng.
Hồi tiểu học, tôi từng nghĩ rằng hầu hết những đứa trẻ cùng khối đều là bạn của mình.
Ít nhất, cho đến một thời điểm nào đó trong năm lớp ba, tôi vẫn tin chắc là vậy.
Kể từ khi nhập học, ngày nào cũng chạm mặt nhau, và tôi đã tự mình tích lũy "điểm thân thiết" trong lòng.
Đến năm lớp ba, tôi mới biết rằng, dù mình coi người ta là bạn, vẫn có trường hợp bị đối phương cực kỳ ghét bỏ. Hóa ra, việc coi nhau là bạn có thể chỉ là sự đơn phương từ phía mình.
Làm sao để biết được người mà mình coi là bạn có coi mình là bạn của họ hay không?
Và làm sao mình có thể coi một người là bạn khi không biết họ có coi mình là bạn hay không?
Có lẽ "là bạn của ai đó" và "là bạn của nhau" thực chất là một. Nếu một trong hai người không coi người kia là bạn, thì mối quan hệ đó không phải là bạn bè. Không tồn tại thứ bạn bè mà không phải là bạn của nhau.
Ngay khoảnh khắc nhận ra sự thật đó, mối quan hệ của tôi với những đứa trẻ cùng khối liền thay đổi. Từ "bạn bè" trở thành những người quen, người biết mặt, hay đơn thuần là bạn học. Suy cho cùng, đó cũng chỉ là những mối quan hệ thoáng qua trong một giai đoạn của cuộc đời. Họ không phải là những người sẽ đi cùng ta đến cuối đời.
Vốn dĩ, tôi luôn cho rằng các mối quan hệ thời cấp ba cũng chỉ dừng lại ở mức bạn học.
Rồi lên đại học, mỗi người một ngả, có lẽ sẽ chẳng bao giờ gặp lại.
Thế nên, cái điều kiện mà giáo viên chủ nhiệm đặt ra ngay từ đầu, là những người bạn muốn đi cùng nhau, đối với tôi mà nói, đúng là một trò chơi bất khả thi.
Những ai đã lập xong nhóm, sau khi viết tên lên bảng, liền túm tụm lại tán gẫu.
Chắc nghĩ rằng mọi chuyện đã đâu vào đấy, thầy chủ nhiệm bắt đầu chỉ tay lên bảng và đếm tên. Lớp có sĩ số ba mươi sáu. Đây là màn điểm danh những kẻ bị lẻ ra.
"... ba mươi ba, ba mươi tư, ba mươi lăm. Hửm, ai là người vẫn chưa có tên trên bảng nhỉ?"
"Thưa thầy, là em ạ," tôi giơ tay.