31
Tôi và Konohana vẫn cùng nhau đến nhà trẻ vào các ngày thứ Hai, Tư và Sáu.
Với tôi thì chỉ là tiện đường, nhưng việc cùng nhau đi qua công viên, theo một nghĩa nào đó, cũng có thể coi như một kiểu làm vệ sĩ.
Dù gì đi nữa, tôi chính là người đã cứu Konohana khỏi đám trai lởm khởm và cũng là người tìm lại cho cô ấy chú mèo cưng. Cũng có thể nói rằng, Konohana mang ơn tôi vì đã luôn được tôi giúp đỡ.
Có lẽ tôi đang tự đề cao bản thân, nhưng nhỡ đâu Konohana lại nảy sinh cái cảm giác nghĩa vụ kỳ quặc là phải tặng sô-cô-la cho tôi thì sao.
Tôi cho rằng cái văn hóa tệ hại mang tên "sô-cô-la xã giao" nên biến mất đi cho rồi.
Sô-cô-la thì thích tôi tự mua được. Tôi đâu còn là thằng nhóc tiểu học không đi làm thêm nữa.
Suốt những năm từ lớp sáu đến lớp chín, dĩ nhiên là vẫn có ngày Valentine.
Đúng là cái sự kiện hiếm hoi kiểu nướng bánh brownie để phát cho mọi người thì không bao giờ lặp lại, nhưng tôi vẫn thấy cảnh mấy bạn nữ năng nổ trong lớp hỏi các bạn nam "Có ai muốn sô-cô-la xã giao không?" rồi chia cho cả đám mấy gói sô-cô-la tổng hợp trông như hàng khuyến mãi.
Tôi thì tuyệt đối tránh xa.
Cũng có vài bạn nữ cất công chia nhỏ sô-cô-la, cho vào túi xinh xắn rồi mang đến tặng tôi, nhưng tôi đều từ chối, bảo rằng không cần.
"Cảm ơn cậu. Nhưng tôi ổn mà."
Nghĩ đi nghĩ lại, rốt cuộc thì "ổn" ở đây là ổn cái gì cơ chứ?
Tôi làm sao mà biết được bên trong mấy chiếc túi xinh xắn ấy có thật là sô-cô-la tổng hợp được chia nhỏ hay không. Tôi có nhận đâu.
Tóm lại, đối với tôi, cả ngày Valentine lẫn sô-cô-la xã giao đều là một vết sẹo tâm lý kể từ vụ bị cô bé B làm cho phát khóc. Nếu không tham lam hóng hớt sô-cô-la, thì đã chẳng có vấn đề gì to tát xảy ra.
Thế nên, tôi chỉ mong cô ấy đừng khóc lóc vì chuyện tôi không nhận sô-cô-la.
Tôi đã bảo là ổn rồi, chẳng lẽ việc tôi không hùa theo cái thông lệ xã giao ấy là sai sao?
Không hiểu là nghiệp chướng gì mà cứ đến Valentine là tôi lại bị con gái làm cho khóc trước bàn dân thiên hạ?
Nhân tiện, đằng nào cũng chẳng có duyên phận gì, nên tôi nghĩ ngoài sô-cô-la xã giao, cái văn hóa sô-cô-la tỏ tình cũng nên dẹp đi thì hơn.
Chuyện đó để sau, giờ mà chặn đầu Konohana bảo rằng "tôi không cần sô-cô-la đâu" thì kỳ cục quá.
Giống hệt như đứng trước bồn nước nóng mà lại bảo "đừng đẩy nhé". Rõ ràng là đang mớm lời rồi.
Có nguy cơ người ta sẽ nghĩ rằng tôi nói vậy vì thực ra tôi rất muốn có sô-cô-la.
Nếu Konohana vốn chẳng có ý định tặng sô-cô-la cho tôi thì lại càng tệ. Hóa ra lại thành tôi đi vòi sô-cô-la. Tình huống đó phải tránh bằng mọi giá.
Vậy thì, kế hoạch nói thẳng với Konohana là tôi không cần sô-cô-la coi như bỏ.
Nếu đã thế, chỉ còn một cách là xóa bỏ cái tình trạng hiện tại, khi mà Konohana vẫn đang tiếp tục cảm thấy mắc nợ tôi.
Tôi quyết định sẽ kết thúc việc trưng bày cá yamame ở nhà trẻ.
Khi tôi không còn cớ gì để đến nhà trẻ, mỗi ngày của tôi sẽ lại như thứ Ba và thứ Năm. Tôi sẽ chỉ đi về một mình.
Konohana có lẽ cũng sẽ đi về một mình. Cô ấy sẽ không cần phải cảm thấy mang ơn tôi nữa.
Sự kiện thả cá yamame con mà hiệp hội ngư nghiệp tổ chức cùng các em nhỏ nhà trẻ dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Năm.
Nhưng điều đó không có nghĩa là bể cá yamame có thể được để lại nhà trẻ cho tới tận tháng Năm.
Vốn dĩ, yamame là loài cá nước lạnh. Để nuôi chúng, nhiệt độ nước lý tưởng là dưới mười lăm độ.
Sang tháng Ba, sẽ có những ngày nhiệt độ lên cao hơn mười lăm độ, khiến việc chăm sóc trở nên khó khăn.
Kể cả có kéo dài thời gian trưng bày hết mức, tôi cũng chỉ định để đến hết tháng Hai là cùng.
Năm nay, nhờ tôi tiện đường về ghé qua nhà trẻ nên bể cá được chăm sóc kỹ lưỡng, chứ những năm trước chỉ có một nhân viên nào đó từ trại cá thỉnh thoảng ghé qua xem. Vì thế, việc quản lý không được sát sao, nghe nói số trứng nở ra ít hơn dự tính, hoặc có nở ra thì cũng chết khá nhiều.
Thế nên, họ cho rằng chỉ cần để các bé quan sát được quá trình trứng nở là ổn, và thường dọn bể cá đi ngay sau Tết.
Năm nay do tôi quản lý cần mẫn nên bể cá mới có thể trưng bày được đến tận tháng Hai.
Lâu hơn năm ngoái đến hơn một tháng.
Xét về thời điểm thì cũng đến lúc kết thúc được rồi.
Trong bể lúc này không còn là cá bột nữa, mà là khoảng mười chú cá yamame đã thành cá con thực thụ đang bơi lội. Đối với loài yamame có khả năng bơi lội tốt, cái bể này đã quá chật chội.
Các em nhỏ thì cứ bồm bộp vỗ tay vào thành bể, khiến lũ cá con giật mình vì tiếng động và rung lắc, chúng bơi loạn xạ rồi đâm cả mũi vào thành kính, trầy xước hết cả.
Nguy cơ vi khuẩn xâm nhập qua vết thương và gây chết là rất cao.
Theo quy tắc quản lý rủi ro của trại cá, không thể nào mang những con cá con từ bể này về nuôi chung với lứa cá yamame khác. Vì có nguy cơ lây bệnh cho cả trại.
Lẽ ra, lựa chọn duy nhất là tiêu hủy.
Những năm trước, có lẽ họ đã làm thế ở một nơi nào đó khuất mắt bọn trẻ.
Nhưng cá nhân tôi cũng có chút gắn bó với lũ cá con này, nên năm nay tôi định sẽ mang chúng về nuôi ở nhà mình cùng ông bà, thay vì để chúng ở lại trại cá.
Tất nhiên, chỉ đơn giản dời cả bộ bể cá từ nhà trẻ về nhà thì cũng chẳng có ý nghĩa gì, vì từ mùa xuân trở đi nhiệt độ nước sẽ tăng.
Sẽ cần sắm sửa nhiều thứ, chẳng hạn như máy làm lạnh cho bể cá, nhưng vì nuôi cá là sở thích của tôi và tôi cũng đi làm thêm, nên tôi sẽ cố gắng xoay sở.
Vào thứ Sáu, một tuần trước ngày Valentine, khi đang trên đường tới nhà trẻ cùng Konohana, tôi nói với cô ấy rằng hôm nay là ngày cuối cùng tôi quản lý bể cá.
Chính xác hơn thì, ngày mai tôi sẽ cùng Ken-san đến dọn bể cá bằng xe hơi, nên đó mới là lần cuối.
Konohana trông rất ngạc nhiên.
"Tớ cứ tưởng cậu sẽ để đó đến tận ngày thả cá chứ."
"Nhiệt độ nước tăng lên chúng sẽ chết mất. Nuôi ở nhà trẻ đến đây là giới hạn rồi."
"Ra vậy. Chắc Kotone sẽ buồn lắm."
Nỗi buồn đó là vì không còn cá yamame nữa, hay vì tôi sẽ không đến nhà trẻ nữa?
Tôi thì muốn tin là vế sau. Dù sao tôi cũng nghĩ mình đã được các em nhỏ ở đó quý mến phần nào.
Nhưng nếu không phải là vế trước, thì việc trưng bày bể cá dường như cũng mất đi ý nghĩa.
"Nhưng mà, dù không đến nhà trẻ nữa, cậu vẫn có thể đưa tớ về nhà mà."
Konohana vừa nói vừa cười.
Một câu nói mà tôi nhớ mình đã từng nghe trước đây.
"Tôi phải đi làm thêm."
Câu trả lời của tôi cũng chẳng khác gì lần trước.
"Vậy à," Konohana đành thôi.
"Cảm ơn cậu vì tất cả."
"Không có gì."
Kết luận là, tôi đã không nhận được sô-cô-la nào từ Konohana cả.
Thì, phải thôi. Nếu Konohana đã có bạn trai, cô ấy sao có thể tặng sô-cô-la xã giao cho một người mình không còn mắc nợ gì nữa. Bạn trai cô ấy sẽ giận mất.
Nếu chúng tôi cứ tiếp tục cùng nhau đến nhà trẻ, liệu Konohana có tặng tôi sô-cô-la xã giao hay không? Vì chẳng ai nói về chuyện đó, nên sự thật mãi là một ẩn số. Lịch sử làm gì có chữ "nếu".
Vào đúng ngày Valentine, tôi vẫn như mọi năm, đến lớp sát giờ vào muộn và chuồn về nhanh hơn bất cứ ai.
Tôi không biết liệu có màn trao đổi sô-cô-la xã giao nào diễn ra trong lớp hay không. Vì không muốn dính vào, nên giờ giải lao tôi đều trốn trong nhà vệ sinh hoặc thư viện.
Thế nên, hôm đó tôi chẳng nói chuyện với Konohana, Tsuruse, hay bất kỳ bạn nữ nào khác.
Chắc là cả với các bạn nam nữa?
Mà, đó cũng là chuyện thường ngày ở huyện của tôi thôi.
Sau giờ học, tại trại cá nơi tôi làm thêm, tôi nhận được một món sô-cô-la xã giao không thể rõ ràng hơn từ một cô nhân viên bán thời gian.
Một thanh sô-cô-la được bọc trong giấy gói màu đỏ.
Ít nhất, đây chắc chắn là sô-cô-la xã giao dành riêng cho tôi, nên tôi không phải trải qua cảm giác khó xử khi nhận một thứ mình không đáng được nhận. Cháu cảm ơn cô.
Khi cô ấy hỏi "Rin-kun, cháu nhận được bao nhiêu sô-cô-la rồi?", tôi thành thật trả lời "Chỉ một cái này thôi ạ."
"Ối dào, nếu cô mà trẻ lại thì nhất định không tha cho Rin-kun đâu nhé."
"Phải chi cháu được gặp cô sớm hơn hai mươi năm. Mà hồi đó cháu còn chưa ra đời nữa."
"Ha ha ha ha ha," tôi và cô ấy cùng phá lên cười.
Những cuộc đối thoại vu vơ, chẳng đi đến đâu như thế này lại không khiến tôi thấy phiền chút nào.