30
Cứ đến tháng Hai là tôi lại nhớ.
Đó là chuyện hồi lớp năm tiểu học.
Bây giờ vẫn thế, nhưng hồi đó tôi cũng là đứa coi trọng miếng ăn hơn chuyện yêu đương.
Vì là trường tiểu học nên không có hoạt động đội nhóm bắt buộc hàng ngày, thay vào đó là "hoạt động câu lạc bộ" – một kiểu sinh hoạt giống như vui chơi, nơi học sinh nhiều khối lớp cùng chọn tham gia. Hoạt động này diễn ra mỗi tuần một lần, kéo dài suốt tiết năm và tiết sáu.
Tôi tham gia một câu lạc bộ khác, nhưng trong số đó có một câu lạc bộ nấu ăn. Hàng tuần, họ làm món gì đó trong phòng nữ công gia chánh, rồi lấy cớ "thử món" để khoe khoang ăn uống ngay tại lớp. Nhìn cảnh đó tôi thấy ghen tị vô cùng.
Theo quy định chính thức của trường tiểu học tôi học, việc mang sô-cô-la vào trường trong ngày Valentine bị nghiêm cấm.
Thế nhưng, cô giáo phụ trách câu lạc bộ nấu ăn có vẻ là người rất tâm lý. Nghe nói thực đơn của hoạt động câu lạc bộ vào hôm trước ngày 14 tháng 2 đã được quyết định là bánh brownie sô-cô-la.
Với lý do cần để bánh nguội qua đêm, họ có thể mang sô-cô-la vào trường một cách hợp pháp vào ngày hôm sau.
Các bạn nữ thích "trò chơi yêu đương" mừng ra mặt.
Họ còn vin cớ là bánh làm ở câu lạc bộ để tha hồ mang cả bánh làm ở nhà vào. Thậm chí các bạn nữ không thuộc câu lạc bộ nấu ăn có mang vào cũng chẳng ai hay biết.
Sáng hôm đó, tôi chẳng biết gì mà bước vào lớp, nhưng mùi sô-cô-la đã phảng phất khắp phòng.
Lấy danh nghĩa "thử món", những miếng brownie sô-cô-la cắt nhỏ được chia cho các bạn cùng lớp như một loại sô-cô-la xã giao hay sô-cô-la tình bạn.
Ngay khi tôi vừa vào lớp, các bạn nữ trong câu lạc bộ nấu ăn liền gọi tôi. Từ khi vào tiểu học, gần như ai cũng biết mặt nhau nên hồi đó tôi rất dễ được mọi người bắt chuyện.
Mỗi người được một hai mẩu nhỏ bằng đầu ngón tay cái, và tất nhiên là tôi đã vui vẻ chén sạch.
Trên một chiếc đĩa khác, tách biệt với những mẩu sô-cô-la xã giao, là vài miếng brownie "chính hiệu" được cắt to và trình bày đẹp mắt hơn. Các bạn nữ trong câu lạc bộ nói đó là "phần của bọn tớ".
Tôi đơn giản chỉ là một kẻ ham ăn, chẳng mảy may hứng thú với "trò chơi yêu đương", nên chưa bao giờ bận tâm đến ý đồ thực sự của các bạn nữ khi tặng sô-cô-la xã giao cho các bạn nam trong lớp.
Việc lén lút tặng sô-cô-la tỏ tình cho một ai đó có nguy cơ bị phát hiện và trêu chọc, nhưng nếu tặng một cách công khai thì sẽ ít bị để ý hơn.
Không thổ lộ tình cảm, chỉ cần người mình thích ăn chiếc bánh mình làm là đủ rồi – thứ tình cảm cao thượng ấy, tôi cũng chẳng thể nào hiểu nổi.
Nghe đâu có một quy tắc ngầm của các bạn nữ là: vì ngại nên không nói thẳng, nhưng bánh làm thành công sẽ là sô-cô-la tỏ tình, còn bánh hỏng thì thành sô-cô-la xã giao. Tất nhiên, sô-cô-la tỏ tình nằm trên chiếc đĩa riêng "phần của bọn tớ".
Khi "người ấy" đến, họ sẽ lấy một miếng từ đĩa đó và bí mật trao tay. Chiến thuật của họ dường như là vậy.
Một cậu bạn hiếu động nào đó, không biết được mưu đồ của các bạn nữ, đòi ăn thử miếng to. Thế là mọi người quyết định ai thắng oẳn tù tì sẽ được một phần đặc biệt. Chắc là họ có dư.
Là một kẻ ham ăn, tôi đương nhiên tham gia oẳn tù tì, và tình cờ lại thắng.
"Yeah!", tôi chộp lấy một miếng brownie lớn trên chiếc đĩa riêng và bỏ tọt vào miệng.
Xin hãy hiểu cho, tôi phải nhanh tay như vậy để không bị đám con trai thua cuộc giật mất.
Ngay lập tức, cô bạn B trong câu lạc bộ nấu ăn đứng gần đó bỗng òa khóc.
Hóa ra, miếng brownie tôi vừa ăn là phần đặc biệt mà cô bạn B để dành tặng cho người thương của mình. Chỉ các bạn nữ trong câu lạc bộ nấu ăn mới biết miếng bánh nào là của ai.
Đáng lẽ ra, miếng brownie mà tôi, người thắng oẳn tù tì, được ăn phải là một miếng khác.
Tôi hoàn toàn không hiểu tại sao cô bạn B lại khóc nức nở.
Còn cô bạn B, đương nhiên cũng chẳng thể giải thích lý do mình khóc cho mọi người nghe.
Mãi sau này, tôi mới được một bạn nữ khác trong câu lạc bộ bí mật kể lại sự thật.
Hiển nhiên, một đứa con trai chỉ nhận được sô-cô-la xã giao thì không phải là nhân vật chính trong ngày Valentine. Tôi chỉ là một vai phụ.
Tất nhiên tôi chẳng thể nào biết được, nhưng vốn dĩ, một vai phụ như tôi không nên ở lại đó quá lâu với cái tâm địa thèm thuồng của mình.
Vốn dĩ các bạn nữ trong câu lạc bộ phát sô-cô-la xã giao đâu phải vì tôi.
Tôi chỉ là vai phụ mà lại quá lấn sân. Ở vị thế của một kẻ được ban phát, tôi đáng lẽ phải biết thân biết phận, nhận lấy phần của mình một cách cảm kích rồi lẳng lặng rút lui.
Sau đó mọi chuyện được giải quyết thế nào, tôi cũng không còn nhớ nữa.
Thế nhưng, chỉ riêng cảm giác khó xử đến cùng cực lúc ấy là tôi vẫn nhớ như in.
Kể từ ngày hôm đó, tôi luôn cố gắng tâm niệm rằng mình thuộc về phe người ngoài cuộc.
Tôi cẩn thận để không vô tình lạc vào những nơi không thuộc về mình.
Ví dụ, khi một người bạn đang chia kẹo cho vài người khác, và tôi tình cờ có mặt đúng lúc đó. Dù tôi chẳng thân thiết gì với người chia kẹo, nhưng chỉ vì vô tình xuất hiện mà tôi cũng được mời. Tệ hơn nữa, nếu miếng kẹo đưa cho tôi – một người vốn không có trong "danh sách" – lại là miếng cuối cùng thì thật là thảm họa.
Những lúc như thế, tôi sẽ nói:
"Cảm ơn nhé. Nhưng tôi không sao đâu."
Và không nhận kẹo.
Rốt cuộc thì "không sao" là không sao cái gì? Chính tôi cũng chẳng biết.
Nếu được, tôi muốn vờ như không thấy gì và biến mất trước cả khi người ta có ý định đưa cho mình.
Ngay khi thấy ai đó cầm một món đồ có thể chia cho nhiều người, tôi sẽ rời đi trước khi hành động ấy bắt đầu.
Cũng có thể ngay từ đầu tôi đã được tính là một trong những người được nhận, nhưng thực hư thế nào thì không thể biết nếu không xác nhận. Mà một khi đã xác nhận, nhỡ đâu ban đầu không có tên mình nhưng người ta lại vì cả nể mà nói là có thì sao. Thế nên xác nhận là điều không thể.
Để chuyện đó không xảy ra, tôi luôn cố gắng biến mất khỏi nơi đó trước khi bất cứ thứ gì được chia.
Không chỉ chuyện chia đồ, chắc hẳn còn nhiều tình huống tương tự khác.
Chẳng hạn như khi tôi tình cờ đến đúng lúc ai đó đang rủ rê: "Lần tới cả hội mình đi đâu đó chơi đi."
Rõ ràng, trước khi lời nói được thốt ra, tôi không hề có trong danh sách những người được mời.
Liệu tôi có nên cho rằng mình cũng được mời không?
Cứ đinh ninh là có rồi đi cùng, để rồi bị người ta thầm nghĩ "sao nó lại ở đây, mình có rủ nó đâu", thật đau lòng. Nhưng từ chối rồi bị coi là kẻ khó gần cũng đau lòng không kém.
Mà bị nói thẳng vào mặt "có nói với cậu đâu" thì lại càng đau lòng hơn.
Quan hệ giữa người với người toàn những chuyện phiền muộn.
Nếu chỉ đơn giản là mình không được tính vào "quân số" của họ thì còn chịu được.
Cái cảnh rõ ràng mình không thuộc về nơi đó nhưng lại vô tình xen vào mới thật não nề.
Và trên hết, việc bị người khác đối xử khách sáo một cách kỳ lạ còn não nề hơn nữa.
Vì thế, mỗi khi cảm nhận được bầu không khí tế nhị ấy, tôi tự nhận mình là người ngoài cuộc và nhanh chóng rời khỏi đó.
"Tôi đi vệ sinh một lát."