Chủ nhật, ngày 26 tháng Chín.
Rời cửa hàng tạp hóa, tôi rảo bộ trên con dốc vắng vẻ, tay vung vẩy chiếc túi ni lông cỡ lớn chỉ chứa mỗi gói gia vị cùng tuýp kem đánh răng.
Thời tiết hôm nay khá đẹp. Trên đầu, những áng mây mỏng tang hờ hững xếp lại với nhau thành từng lớp trông như chiếc khăn trắng muốt phủ lên nền trời trong veo và xanh biếc. Thậm chí tôi còn có thể cảm nhận được một chút khí hậu mát mẻ của mùa thu từ cơn gió đang mơn man nhẹ trên làn da mình.
Dù biết đây chỉ là hệ quả của cơn mưa đêm hôm nọ, nhưng cái không khí dễ chịu và thoải mái làm tôi cứ ngỡ như ông trời đang thưởng cho những nỗ lực của mình.
Những nỗ lực của tôi trong suốt một tháng qua.
Và một tháng.
Từng ấy thời gian tuy không quá dài, nhưng là đủ để cho ai đó thay đổi bản thân.
Tôi vẫn nhớ như in tất cả mọi chuyện mình đã làm. Với bằng đó quyết tâm và trí lực thì có ai không nhớ cơ chứ?
Trước khi bắt tay vào, tôi đã suy tính rất kĩ mọi phương án. Nhưng nhìn thế nào, nếu tôi chỉ dùng sức lực của bản thân mình thì đều là bất khả thi.
Bởi vậy, tôi phải tìm đến sự giúp đỡ từ phía bên ngoài.
Và vì thế, tôi quyết định về quê gặp bố mẹ một phen. Một quyết định có phần mạo hiểm.
Nếu phải nhận xét, thì đó là một cuộc đối chất trực tiếp đầy căng thẳng giữa tôi và hai vị thân sinh.
Kết thúc chuyến xe khách dài hơn một trăm cây số, tôi đã nghĩ tới viễn cảnh được cha mẹ vỗ về, hỏi han như trong mấy bộ phim truyền hình chiếu trên vô tuyến mỗi tám giờ tối với mô típ là đứa con đi xa nay trở về nhà.
Vậy nhưng trái với mong đợi, vừa bước chân qua cổng, tôi đã bị mắng nhiếc không thương tiếc. Điều này làm tôi có phần ngạc nhiên bởi trong cuộc gọi thông báo rằng mình sẽ trở về, bố mẹ tôi đâu có giận thế này.
Tất nhiên, tôi không cố cãi hay biện hộ gì cả. Cơ bản lí do tôi ăn mắng là vì không về quê giỗ chị Di đã đành, lại còn chẳng thèm nghe máy của bố mẹ mới chết.
Mà về chuyện này, tôi thấy mình bị oan. Có phải tôi cố tình muốn thế đâu chứ? Đáng lẽ người chịu trận không phải tôi mà là một-cô-ả-phiền-phức-vô-ơn-thích-diện-áo-blouse-trắng-nào-đó mới đúng.
Bị ăn mắng phủ đầu, tôi cũng có chút nản lòng. Nhưng giờ quay đầu là bờ, tôi không còn cách nào khác ngoài tiến về phía trước.
Chờ bố mẹ nguôi ngoai bớt, sau bữa tối thứ hai, tôi đi thẳng vào vấn đề. “Con cần thêm một cơ hội nữa! Lần này con hứa sẽ quyết tâm và nghiêm chỉnh tới cùng! Chỉ cần bố mẹ giúp con nốt lần này nữa thôi, nếu con thất bại, thì từ rày về sau, bố mẹ nói gì con cũng vâng, bảo gì con cũng dạ”, túm lại đại ý là thế.
Không quá ngạc nhiên khi mới đầu họ từ chối thẳng thừng lời khẩn cầu của tôi. Nhưng sau đó, khi mà tôi đã luôn miệng cam kết và hứa hẹn thì cuối cùng hai vị thân sinh cũng đành thở dài mà gật đầu. Không thể nói được tôi đã vui thế nào, nhưng cùng lúc đó, tôi bắt đầu cảm thấy gánh nặng trách nhiệm đè lên vai mình.
Tôi không muốn làm ai phải thất vọng nữa. Cả bố, cả mẹ, và cả chính bản thân mình.
Đó hẳn sẽ là động lực vô cùng mãnh liệt...
Dù sao thì, nói một cách đơn giản là tôi đã có một chuyến về quê thành công mĩ mãn.
Bố mẹ đã đồng ý trợ cấp cho tôi thêm đúng một tháng, không hơn. Nhiều khả năng đây sẽ là cơ hội cuối cùng của tôi, nhưng giờ thì nó chẳng quan trọng nữa. Thứ tôi nên quan tâm lúc này là những bước đi tiếp theo kia.
Nấn ná ở quê thêm ba ngày, cuối cùng tôi lại khăn gói lên thành phố.
Với tâm thế của kẻ không còn gì để mất, tôi nhận mọi công việc chạy vặt có thể vào ban ngày, còn ban đêm thì dành thời gian tìm hiểu công việc mà mình định ứng tuyển và cải thiện kĩ năng phỏng vấn. Tôi gọi điện hỏi kinh nghiệm từ những người bạn, việc mà tôi trước kia sẽ không bao giờ làm. Sức ì sinh ra từ sự sĩ diện quả thật không phải cái gì dễ đối đầu cho lắm. Nhưng tôi đã làm được. Tôi đã dám cầm máy lên gọi cho những người mà đã cả năm rồi mình không gặp, và vượt quá sự mong đợi của tôi, tất cả đều cho lời khuyên rất nhiệt tình. Điều đó tiếp thêm tự tin cho tôi rất nhiều.
Vả lại, sẽ tốt hơn nếu tôi không đặt nguyện vọng cao quá. Cái tôi hướng đến bây giờ chưa phải là dư dả tiền bạc hay được đãi ngộ tốt. Trước mắt cứ chọn một công việc nhỏ, nhưng phù hợp và ổn định đã.
Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy mình thực sự nghiêm túc cho thứ gì đó. Một khoảng thời gian thực sự mệt mỏi, nhưng tôi không hề thấy chán nản. Tôi còn chẳng có thời gian để làm việc đó, tất cả đều đã được dành cho mục tiêu mà tôi đang hướng tới.
Rồi thì,
Điều gì đến cũng phải đến.
Ba ngày trước, tôi nhận được một cuộc gọi, mà nó đã thông báo không thể rõ ràng hơn rằng thứ hai tuần sau tôi sẽ phải dậy khá sớm để còn điểm danh.
Đúng vậy, điểm danh cho công việc tử tế đầu tiên của tôi – một chân bán hàng tại đại lý sơn mới khai trương gần chỗ tôi trọ.
Giờ thì bớt rồi, nhưng tôi đã thực sự phấn khích vào cái khoảnh khắc tôi biết mình được nhận. Nhảy cẫng hẳn lên giường và đi đứng bồn chồn không yên, tôi chẳng khác nào một thằng nhóc tăng động, tính ra chỉ còn thiếu mỗi nước gào thét rú rít.
Túm lại, tuy lương lậu không phải nhiều nhặn gì cho lắm nhưng ít nhất bước đầu tôi đã giải quyết được vấn đề công việc cũng như tiền nhà của bà chủ. Với tình hình này tôi chỉ cần chắt chiu một chút thì chắc sẽ ổn thôi.
Với tâm thế hết sức thoải mái như vậy, sau bữa trưa tôi quyết định chạy ra tạp hóa để mua vài ba món lặt vặt. Đằng nào thì tới đây tôi cũng không còn nhiều thời gian tự do như trước nữa, chuẩn bị trước vẫn tốt hơn.
Vừa đi tôi vừa ngẩng lên ngắm cảnh.
Những cành cây lớn từ hai bên đường vươn ra, xen kẽ nối tiếp nhau bao trùm lấy con dốc đi bộ khiến nó nhìn như một đường hầm rợp bóng xanh chỉ cao vỏn vẹn ba mét rưỡi. Nắng xuyên qua kẽ lá, rơi xuống bậc thềm tạo thành những đốm vàng óng chút chút lại đung đưa theo gió.
Sở dĩ người ra xây dựng con dốc này là vì trước đây phía bên phải kia khoảng hai mươi năm trước từng tồn tại một dòng sông, nhưng giờ nó đã cạn và bị san lấp để làm đường. Ít nhất thì đó là những gì mà tôi được nghe kể.
Nhưng nếu chỉ mỗi sông thì chắc cái gờ này không cao thế được. Từ đây xuống con đường dưới kia ít nhất cũng phải mười mét, nên tôi đoán chỗ này từng là bờ đê thì chuẩn hơn.
Nghĩ lại thì, con dốc này có vẻ hơi vắng vẻ thì phải? Hơn nữa chẳng có một chiếc đèn đường nào ở đây. Nếu vậy buổi đêm chỗ này sẽ khá tối tăm đây. Mà vắng vẻ và tối tăm, chẳng phải là điều kiện thuận lợi để cho những ý đồ xấu xa có cơ hội tác oai tác quái hay sao? Nhỡ đâu...
Mà thôi, không nên nói gở.
Có lẽ an ninh khu vực chưa lỏng lẻo đến mức để tôi phải lo lắng và suy diễn tới vậy. Cái tôi cần quan tâm bây giờ là đoạn đường về nhà kia, và sau đó là chuẩn bị để nhận việc vào ngày mai...
Mải mê với những suy nghĩ của mình, tôi tiếp tục đi mà không bận tâm tới xung quanh.
“A...”
Cho tới khi,
“A...”
Tiếng kêu nhỏ từ đâu đó thu hút sự chú ý của tôi.
Một bóng người ở khúc ngoặt trước mặt.
Là phụ nữ - nhờ mái tóc dài thườn thượt mà tôi có thể nhận định thế, vì hiển nhiên tôi không thể nhìn được mặt nếu cô ấy cứ quay lưng về phía mình như vậy. Dựa vào cách ăn mặc, tôi đoán cô cũng chỉ tầm tuổi mình.
Xem chừng cô nàng gặp phải rắc rối gì đó. Lúi húi nhặt mấy món đồ vương vãi khắp mặt đất nhưng nhiều quá ôm không xuể, cô lại đặt hết xuống. Nhìn cái túi ni lông nhàu nhĩ với một vết toạc khá lớn ngay dưới chân cô gái, tôi dần dà hiểu ra mọi chuyện.
Giờ mà giả vờ ngó lơ rồi đi tiếp có vẻ không đúng đắn cho lắm. Dù rằng con dốc vắng tanh nên sẽ chẳng có ai, ngoài cô gái kia, có thể phán xét tôi cả, nhưng chắc hẳn lương tâm tôi sẽ cắn rứt mà chết mất.
Đành vậy, tôi bước lại gần người phụ nữ nọ, định bụng giúp đỡ được phần nào hay phần nấy. Vậy nhưng chẳng hiểu sao càng đến gần, tôi càng thấy ngờ ngợ.
Bất chấp cảm giác bất thường ấy, tôi vẫn không dừng chân lại. Đã quá muộn để làm chuyện đó rồi.
Nhẹ nhàng tiếp cận cô gái từ phía sau, tôi cúi xuống, gọi nhỏ.
“Này b-”
Lập tức, cô giật nảy mình.
Cái phản ứng này...
Lẽ nào nghe giọng tôi giống một tên biến thái lắm à?
Ý nghĩ đó làm tôi cảm thấy có chút tổn thương nhẹ...
Dù sao cũng may cho tôi là cô ấy chưa hét lên mà chỉ rụt rè quay đầu lại.
“D-Dạ... Xin lỗi a...” Bằng chất giọng thẹn thùng, cô nói, nhưng chưa kịp dứt câu thì...
“H-Hểểể!”
Một tiếng la đầy sửng sốt.
“Khoan!! Cô là...”
Vừa thấy khuôn mặt đang hết sức kinh ngạc kia, tôi lập tức nhảy bật ra đằng sau mà hét lên.
“Anh Thảo!!”
Chúng tôi trợn tròn mắt nhìn nhau á khẩu một hồi.
***
Sẵn tiện chiếc túi ni lông mình đang cầm vẫn còn nhiều chỗ, tôi sẻ một nửa chỗ đồ của Anh Thảo sang và xách hộ cô ấy. Dù sao đó cũng là phép lịch sự tối thiểu, và tôi thì không phải loại người sẽ bỏ mặc một cô gái đang gặp nạn giữa đường phố không người trong khi bản thân vốn chẳng bận bịu gì. Lúc đầu Anh Thảo tỏ ý từ chối, nhưng sau khi cân nhắc một hồi thì cô cũng bằng lòng mà để tôi giúp.
Chúng tôi đi thong thả, và vì sẽ còn cùng đường một đoạn dài, nên chúng tôi bắt đầu tán gẫu.
Hôm nay Anh Thảo mặc một chiếc áo thun cổ chữ V với đường viền đen hết sức đơn giản cùng quần jean lửng. Hỏi ra mới biết cô vừa đi siêu thị về. Và tất nhiên cả tôi và cô ấy đều không ngờ được rằng mình sẽ gặp người còn lại trong tình huống như thế này.
Bắt đầu hỏi han linh tinh chút đỉnh, sau đó chúng tôi chủ yếu nói về công việc, bởi dù sao đây cũng là một trong những mối bận tâm lớn nhất của những người trẻ. Anh Thảo tỏ ra ngạc nhiên khi biết tin tôi đã tìm được một công việc vừa ý mình, và tôi thì ngạc nhiên không kém khi biết cô cũng vậy. Một người họ hàng nào đó của Anh Thảo mới mở công ty, vì thế cô được mời đến làm với vai trò tư vấn và hỗ trợ về mặt pháp lý.
Quả thật, chỉ một tháng là đủ để cho con người ta thay đổi.
Chúng tôi trả lời những gì người kia hỏi. Câu chuyện cứ thế xoay quanh mức lương, ngày nghỉ, được gì và mất gì, hay mấy thứ tương tự vậy.
Nhưng rồi chủ đề này cũng nhanh chóng đến hồi kết thúc.
Cả hai đều chưa thực sự đi sâu vào công việc của mình, nên những lời đem ra bàn luận cũng theo đó mà bị hạn chế. Không sớm thì muộn, sẽ chẳng còn gì để nói.
Do vậy, tôi quyết định chuyển đề tài.
“Thế, chị cô dạo này thế nào?”
Nó bất chợt bật ra trong đầu.
Và tôi liền bắt lấy. Vì tôi cần một cái cớ để tiếp tục cuộc hội thoại.
Vậy nhưng chỉ khi dứt lời rồi, tôi mới thấy đây chẳng phải một chủ đề hay ho để đem ra nói. Sở dĩ cũng vì tôi không được ưa Anh Đào cho lắm, đặc biệt về cách xử sự của cô ta.
Tuy nhiên tôi không nghĩ câu hỏi bất chợt của mình khiến Anh Thảo băn khoăn tới vậy.
Từ nãy đến giờ, Anh Thảo vẫn bước đi trong im lặng. Mặc dù tôi khá chắc rằng lúc mình mở lời, cô có phản ứng lại.
Thế rồi,
“Chị ấy bỏ nhà rồi.”
Cô nói, giọng lãnh đạm.
“Đang yên đang lành sao tự nhiên bỏ nhà?” Cũng không hẳn là quan tâm, nhưng nếu tôi không tiếp lời thì cuộc nói chuyện sẽ trở nên khá cụt lủn.
Vả lại tôi có chút tò mò khi thấy Anh Thảo thông báo như vậy.
“Tôi không rõ nữa...” Anh Thảo bắt đầu kể “Chuyện là thứ bảy tuần trước chị ấy tự dưng gọi tôi ra và thông báo về việc thời gian tới sẽ đi làm dự án gì đó ở nước ngoài. Trông chị khá phấn khởi, nhưng khi tôi hỏi thì chị chẳng tiết lộ thêm điều gì. “Ra nước ngoài công tác” là tất cả những gì tôi biết. Và chỉ ngay sáng sớm ngày hôm sau chị ấy đã rời đi, thậm chí toàn bộ giấy tờ và mấy món phát minh của chị cũng biến mất từ lúc nào không biết. Nghe không giống bỏ nhà lắm... Cơ mà... ý tôi là, dù đã thông báo, nhưng nếu đột ngột như thế thì có khác gì bỏ nhà đâu cơ chứ...”
“Tôi hiểu...” Tôi gật gù ra ý thông cảm.
Với kiểu người sống vô tổ chức như Anh Đào thì xảy ra mấy chuyện lộn xộn thế này cũng không có gì quá bất ngờ. Hành tung bất thường, làm những việc nằm ngoài dự kiến và chẳng quan tâm xem nó có liên lụy đến người khác... Thật khó để mà ưa cho nổi.
Mà quan trọng hơn, tôi tự hỏi nó có liên quan đến mình.
Câu trả lời tốt nhất nên là “không”.
Nhưng những dự cảm và cả suy đoán của tôi cho thấy điều thì ngược lại.
Có lẽ mọi thứ cứ thế mà xảy ra thôi, đoán già đoán non cũng chẳng được gì. Vả lại tôi không muốn dính dáng thêm tới Anh Đào nữa, nhìn đâu cũng thấy rắc rối.
Nghĩ tới đó, tôi quyết định rằng về chuyện này, cứ kệ đi sẽ tốt hơn.
Dù sao thì,
Không để cuộc trò chuyện chững lại quá lâu, tôi lại đặt vấn đề.
Về điều mà đáng lẽ ra tôi nên hỏi từ đầu.
“Không liên quan nhưng tôi nhớ cô có một chiếc xe máy mà nhỉ? Sao cô không đi xe mà chở đồ?” Tôi đánh mắt xuống cái túi nilon “Thế chẳng phải tiện hơn à?”
“Về chuyện đó thì... Chẳng là tôi có cho một người bạn mượn xe để đi từ hôm qua...” Ôm túi bột giặt và gói đường phèn trước ngực, Anh Thảo nhẹ nhàng đáp lại.
“Người bạn mà cô đang nói tới.” Tôi đoán già đoán non “Liệu có phải cái cô lần trước mượn tôi cho cái vụ bói toán gì đó không vậy?”
Những kí ức về vụ đó chợt hiện về trong đầu tôi. Dù rằng không đến mức gọi là tồi tệ, nhưng chắc hẳn nó sẽ ám ảnh tôi đến cuối đời.
Trong khi đấy Anh Thảo chớp chớp mắt, nhìn lên trời ngẫm nghĩ một lúc rồi nói “Vâng, đúng là cô ấy.”
Nghe thấy vậy tôi cũng chỉ biết cười trừ. Người đâu mà dễ dãi, cứ được nhờ là gật đầu, và cả cô gái kia, suốt ngày nhờ vả người khác như vậy, không biết cô ta có cảm thấy ngại không nữa.
Tôi lại tiếp tục thắc mắc.
“Nếu đã không có xe thì sao cô phải đi xa thế mua đồ làm gì? Chắc gần chỗ cô người ta cũng bán mấy thứ này chứ?”
Vừa nói tôi vừa liếc mắt nhìn vào mấy món đồ trong túi nilon. Toàn mấy thứ nước tẩy rửa và gia vị nhà bếp các loại.
“Ha... Về chuyện đó... Chỉ là... tôi vừa đọc một bài báo về siêu thị mới khai trương hôm nọ. Và nó làm tôi có chút tò mò.” Anh Thảo trả lời đầy ngập ngừng, cứ như thể nói ra điều đó làm cô cảm thấy không thoải mái vậy.
“Ý cô là sao” Tôi hỏi lại, có chút tò mò.
“Nếu kể hết ra thì cũng dài dòng lắm...” Anh Thảo tỏ ra e ngại “Mà... thực ra thì tôi cũng muốn nghe ai đó giải thích cho mình về chuyện này...”
Thế rồi cô đi chậm lại làm tôi thấy thế cũng phải bước chậm theo.
“Hay là bây giờ... mình ra cà phê đi!”
“Hả!?” Tự nhiên Anh Thảo đột ngột chuyển hướng câu chuyện làm tôi giật cả mình.
“T-Tôi biết có một quán gần đây, giá cả cả phải chăng mà chỗ ngồi cũng đẹp lắm... Ủa...? Sao anh nhìn có vẻ không bằng lòng vậy? Đừng lo mà, tôi sẽ mời... Đằng nào anh cũng giúp đỡ tôi rất nhiều rồi.”
Cái “Đừng lo mà” kia là sao cơ chứ? Người nào không biết mà nghe thấy chắc sẽ nghĩ tôi là một kẻ đào mỏ lúc nào cũng chực chờ cơ hội kiếm chác, bất chấp sự thật rằng tôi là kiểu hình mẫu đàn ông hoàn toàn xa lạ với khái niệm bán rẻ nhân phẩm chỉ vì một tách cà phê.
“Hay là... anh đang bận?” Anh Thảo mở to cặp mắt tròn xoe, nghiêng đầu nhìn tôi.
Thấy vậy tự nhiên tôi có cảm giác là nếu giờ mà gật đầu thì cô gái trước mặt mình sẽ bắt đầu xin lỗi rối rít vì lỡ làm phiền cho xem. Rõ ràng đó chẳng phải viễn cảnh mà tôi muốn xảy ra cho lắm. Vả lại tôi thật ra đâu có vướng mắc gì. Tôi cũng không thích phải gượng ép bản thân bịa chuyện dù vì mục đích nào đi nữa...
Nghĩ tới đó, tôi nhận ra rằng trong thâm tâm, mình không thực sự muốn từ chối lời mời của Anh Thảo. Đơn giản là người ta sẽ cố tìm cách để biện minh cho điều mình ủng hộ. Cứ nhìn vào đó là hiểu rằng tôi không nghĩ ra nổi cách từ chối không phải vì tôi không có, mà là vì tôi không muốn thế.
Vậy là, sau một hồi đắn đo tôi bèn thở dài mà đáp “Thôi được rồi. Tôi cũng không bận gì cả. Đôi khi thay đổi không khí chút cũng hay.”
“Nếu vậy thì hay quá. Tôi sẽ dẫn đường vậy...” Anh Thảo liền mỉm cười rất tươi.
Thế là tôi bắt đầu lẽo đẽo đi bên cạnh cô ấy.
Và rất nhanh thôi, chúng tôi quay về với cuộc nói chuyện trước đó. Anh Thảo là người khơi lại trước.
“À mà anh thử xem qua bài báo này đi... Nó... khá kì lạ.”
Vừa nói Anh Thảo vừa rút ra từ túi quần một tờ giấy được gấp làm tư theo chiều dọc. Phải ôm đường và bột gặt trước ngực, cô làm việc đó có chút khó khăn hơn bình thường.
Tôi không phải tín đồ của việc đọc báo, nhưng thật khó để từ chối lời yêu cầu của cô ấy.
Cầm mẩu báo vuông vức trên tay, tôi tự hỏi động cơ nào khiến Anh Thảo quyết định cắt nó ra như thế này. Có lẽ là để đỡ phải ghi lại địa chỉ cái siêu thị kia, tôi không chắc. Nhưng quan tâm tiểu tiết cũng chẳng để làm gì, tôi bắt đầu đọc lướt qua bài báo.
Tất nhiên, khi đọc đến dòng cuối cùng, tôi đã phần nào hiểu được thắc mắc của Anh Thảo. Dù vậy điều đó chẳng thể ngăn cản tôi đưa ra ý kiến của mình.
“Cô biết đấy, tôi tôn trọng tự do báo chí, nhưng tôi vẫn ủng hộ một bài viết về vấn nạn rẽ trái không bật xi nhan hơn là cái này.”
“Ý anh là... nhảm nhí lắm ạ?” Anh Thảo nghiêng đầu tỏ vẻ bối rối.
“Không. Tôi không có ý đó.”
Tôi phủ nhận, vì chừng nào chưa rõ cái thứ “nhảm nhí” mà Anh Thảo đang nhắc đến ở đây là gì thì tôi không mạo hiểm. Nếu là về bài báo thì tôi trả lời thế nào cũng được, nhưng do cách nói lấp lửng kia mà tôi không chắc liệu cô ấy có đang nói tới sự tò mò của mình.
Thấy Anh Thảo vẫn còn suy nghĩ về chuyện vừa rồi, tôi bèn đánh lạc hướng cô ấy.
“Vậy bài báo này thì có vấn đề gì?”
Anh Thảo sực tỉnh.
“Ừm... Đó là một câu chuyện dài...”
“Tôi thì không ngại ngồi nghe cho lắm.” Tôi nói, theo cái cách mà bất cứ người đàn ông lịch sự nào cũng sẽ làm.
Nhận được sự đồng thuận của tôi, Anh Thảo chỉ cười nhẹ.
Thế rồi mắt nhìn xuống lòng đường, mất vài giây sắp xếp lại suy nghĩ, cô mới bắt đầu lên tiếng.
“À thì... Khi nào tới quán cà phê tôi sẽ kể cho anh...”