4
Hồi tôi học lớp ba, có một trò đùa rất thịnh hành trong một bộ phận đám trẻ cùng khối, cả nam lẫn nữ. Trò đó là nhét thư tình giả vào tủ giày hoặc ngăn bàn, rồi nấp vào một góc để xem kẻ bị lừa xuất hiện với bộ dạng ngơ ngác và phá lên cười.
Đó là một trò vô cùng ác vị, nhưng cá nhân tôi thì chỉ thờ ơ đứng nhìn. Mấy đứa nhóc tiểu học mà bày đặt bắt chước người lớn chơi trò “yêu đương”, tôi thấy thật nực cười, cả đứa đi gọi lẫn đứa bị gọi. May mắn là nhờ vậy mà tôi chưa bị lừa bao giờ.
Có lẽ cũng vì thế mà tôi lại càng trở thành mục tiêu. Có một dạo, tôi liên tục và dai dẳng bắt gặp những chiếc phong bì khả nghi. Nhưng chính vì thế, tôi lại càng chẳng có lý do gì để mắc bẫy. Cứ thấy phong bì là tôi ném thẳng vào sọt rác, nên cũng chưa bao giờ đọc nội dung bên trong. Nghe đâu trong thư viết kiểu như “Tớ có chuyện quan trọng muốn nói, cậu hãy đến chỗ… vào lúc… nhé”.
Điên mà đi.
Cho đến hết những năm cấp hai, thỉnh thoảng trò này lại trỗi dậy như thể người ta chợt nhớ ra. Tôi lại bị nhét phong bì hoặc bị gọi thẳng mặt qua bạn bè. Xem ra đây là một trò đùa sống dai thật. Cá nhân tôi thì chẳng có chút hứng thú nào, nhưng chắc với phe chủ mưu thì vui lắm.
Ít nhất thì tôi chưa bao giờ ngớ ngẩn đến mức chạy tới điểm hẹn, tôi đã né được tất cả. Nên đối với những kẻ cố lừa tôi, hoàn toàn đáng đời lũ chúng nó.
Suy nghĩ của tôi khi đó là, yêu đương là chuyện của người lớn. Đằng nào thì lũ học sinh tiểu học chúng tôi rồi cũng sẽ mỗi đứa một trường, chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa. Bọn này đang nói cái quái gì vậy chứ? Tôi thấy thật ngán ngẩm và tự giữ khoảng cách.
Nhưng nói vậy không có nghĩa là hồi lớp ba tôi là một đứa cô độc ở trường. Ngược lại là đằng khác, tôi luôn nghĩ rằng mình là bạn của tất cả mọi người trong khối. Kiểu như sống trong thế giới của bài hát “Kết bạn trăm người, vui không nào?”.
Tôi có thể chủ động bắt chuyện với bất kỳ ai, cư xử hoàn toàn tự nhiên mà chẳng cần phải để ý gì.
Vì không hứng thú với trò “yêu đương”, tôi chưa bao giờ có cảm giác thích một ai đó. Nhưng tôi cũng không đặc biệt ghét bạn nào cùng khối, và chưa bao giờ tưởng tượng được sẽ có ngày mình bị ai đó thẳng thừng tuyên bố là “ghét”.
Tan học về, tôi thường vừa đi vừa nói chuyện với một cậu bạn nào đó. Đó là thói quen của tôi.
Chẳng hiểu run rủi thế nào, hôm đó, khi bước ra khỏi khuôn viên trường, tôi chỉ có một mình.
Tôi nhớ là mình đã cầm ô vung vẩy dù trời đang nắng. Giờ nghĩ lại, có lẽ là do buổi sáng đi học trời mưa, nhưng đến lúc tan học thì đã tạnh. Sau khi cùng đám bạn thường về chung rời khỏi lớp, trên đường ra cổng trường, tôi chợt nhận ra mình để quên ô ở giá đựng. Thế là tôi một mình quay lại lấy.
Vì vậy nên xung quanh tôi chẳng có đứa bạn nào cả.
Cầm ô và một mình bước ra khỏi trường, tôi thấy A-ko-chan, một bạn nữ cùng lớp, cũng đang lững thững đi một mình phía trước.
Thường thì con trai đi nhanh hơn con gái.
Trong nháy mắt tôi đã đuổi kịp A-ko-chan. Thế là chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện với nhau vài chục mét, cho đến khi tới ngã rẽ. Đoạn đường đó chắc chắn chưa đến một trăm mét.
Sáng hôm sau, tôi vừa bước vào lớp, câu chuyện đã lan ra khắp nơi. Hình như có ai đó đã thấy tôi và A-ko-chan đi cùng nhau hôm qua. Cả lớp được một phen trêu chọc tôi ầm ĩ.
Trên bảng đen, có ai đó đã vẽ một bức tranh to tướng hình hai người che chung ô, dưới đó là tên tôi và A-ko-chan.
Trên chiếc ô còn có cả một trái tim màu hồng nữa.
A-ko-chan đã ngồi trong lớp từ trước.
Mấy đứa bạn cười nhăn nhở, trêu rằng tôi và A-ko-chan thực ra đang hẹn hò. Nhưng khổ nỗi, tôi lại chẳng có hứng thú gì với cái trò “yêu đương” đó.
Thế nhưng, trước khi tôi kịp lên tiếng phản đối, A-ko-chan, người đang sững sờ nhìn lên bảng, bỗng đỏ bừng mặt và nổi giận. Cô bé bật khóc nức nở: “Không phải, tuyệt đối không phải! Tớ không thích Aiwa-kun đâu! Tớ thật sự, thật sự rất ghét cậu ấy!”.
Đúng lúc đó, cô giáo chủ nhiệm bước vào lớp.
Nhìn bức vẽ trên bảng và A-ko-chan đang khóc nức nở, cô giáo dường như hiểu ngay mọi chuyện. Cô mắng cho đám học trò đang trêu chọc một trận rồi bắt chúng lau sạch bảng. Sau đó, cô yêu cầu cả lớp ổn định chỗ ngồi, rồi điểm danh và bắt đầu buổi sinh hoạt đầu giờ như không có chuyện gì xảy ra.
A-ko-chan cũng đã nín khóc và bình tĩnh trở lại, nên câu chuyện dừng lại ở đó.
Sau đó, không ai nhắc lại chuyện này nữa, và nó chìm vào quên lãng.
Thế nên, mọi chuyện cứ vậy là ổn.
Dù vậy, bản thân tôi vốn chẳng yêu cũng chẳng ghét gì A-ko-chan cả. Nhưng tôi đã bị sốc nặng khi nhận ra mình bị ghét đến mức phải phủ nhận một cách quyết liệt như thế, mà chính tôi lại không hề hay biết.
Tôi cảm thấy thật có lỗi vì đã vô tư bắt chuyện chỉ vì thấy một người quen đi phía trước.
Cô ấy không chỉ phải chịu đựng đi cùng một người mình ghét cay ghét đắng vài chục mét, mà còn bị đám bạn nhìn thấy rồi mang ra trêu chọc đủ điều nhảm nhí trước mặt cả lớp. Là con gái, khóc cũng phải thôi.
Tôi đã tự nhủ với lòng mình, từ nay về sau, sẽ không bao giờ chủ động bắt chuyện với cô ấy nếu không có việc gì cần thiết.
Tất nhiên, khi làm trực nhật hay tham gia hoạt động gì đó, ở cùng lớp thì khó tránh khỏi những lúc phải nói chuyện. Những lúc như vậy, mong cậu ấy hãy cố chịu đựng. Nhưng ngoài những lý do bất khả kháng đó ra, tôi tuyệt đối sẽ không mở lời trước.
Biết đâu, cũng có những người khác giống vậy. Họ thực sự rất ghét tôi nhưng vì học cùng trường, cùng khối, cùng lớp nên đành phải tiếp chuyện tôi.
Có lẽ suy nghĩ đó đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi lúc nào không hay. Dù tôi không hề cố ý để tâm đến ai khác ngoài A-ko-chan, nhưng kể từ đó, tôi đã không thể chủ động bắt chuyện với những người mà tôi vẫn coi là bạn, nói cách khác là tất cả mọi người cùng khối.
Dù thế, do quy định phân chia khu vực học, hầu hết học sinh cùng trường tiểu học đều sẽ lên học cùng trường cấp hai với thành phần gần như không đổi. Môi trường đó thực chất chẳng khác nào kéo dài tiểu học đến chín năm. Chỉ cần đến trường, dù tôi không chủ động bắt chuyện, ngày nào cũng có ai đó quen mặt bắt chuyện với tôi, nên cuộc sống học đường của tôi cũng không có gì bất tiện. Bề ngoài thì mọi thứ vẫn như cũ.
Cứ thế, tôi tốt nghiệp cấp hai mà không hề nhận ra tâm lý sâu thẳm của chính mình.
Vì vậy, phải đến tận ngày khai giảng cấp ba, tôi mới thực sự thấm thía rằng, mình không thể tự bắt chuyện với những người có thể sẽ trở thành bạn bè trong tương lai.
Làm sao để có thể xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn với một người mình chưa từng gặp, chưa từng nói chuyện? Có thể họ không ghét mình, nhưng chắc chắn là cũng chưa có cảm tình gì. Mà không, khoan đã, có thực sự cần phải xây dựng mối quan hệ sâu sắc không nhỉ?
Chúng tôi chỉ tình cờ học cùng lớp trong một giai đoạn ngắn của cuộc đời. Không cần phải thân thiết làm gì, cứ giữ quan hệ bạn cùng lớp đơn thuần như người dưng nước lã trong suốt những năm đi học thì cả hai bên đều chẳng phiền hà gì.
Nếu chẳng may đối phương có ác cảm với tôi ngay từ đầu, việc cố gắng làm thân có khi lại khiến họ khó chịu, hoặc chính tôi cũng sẽ cảm thấy khó chịu. Vậy nên, tốt nhất là tôi không nên bắt chuyện trước.
Và thế là, một tháng đã trôi qua kể từ ngày nhập học cấp ba, và tôi đang tận hưởng một cuộc sống cô độc ổn định.
Nếu hỏi tôi có cảm thấy cô đơn không, thì câu trả lời là hoàn toàn không.
Vốn dĩ, nếu có ai bắt chuyện, tôi vẫn có thể đáp lại. Nếu có việc cần, tôi cũng có thể coi đó là công việc và chủ động mở lời. Chẳng có vấn đề gì cả.
Nếu thực sự có chuyện, họ cũng sẽ tự tìm đến tôi thôi.
Chỉ là tôi không bao giờ chủ động bắt đầu những cuộc nói chuyện phiếm vô vị để giết thời gian với bất kỳ ai.
Giờ giải lao mười phút ngắn ngủi giữa các tiết học trôi vèo qua với việc đi vệ sinh, ăn lẹ bữa trưa, và đọc sách.
Thỉnh thoảng xuống nhà ăn, đi một mình lại tiện hơn, vì tôi có thể dễ dàng ngồi vào bất kỳ chiếc bàn nào còn trống một nửa. Một bữa ăn chỉ mất chừng mười phút là xong. Khoảng thời gian đó không đủ dài để sự im lặng trở nên khó chịu.
Ngược lại, nếu ăn cùng ai đó, tôi lại phải đợi họ ăn xong. Sự im lặng lúc đó mới thực sự là cực hình. Tôi ăn rất nhanh.
Giờ nghỉ trưa sau bữa ăn, tôi hoặc là ngủ gục trên bàn, hoặc là ghé qua thư viện một vòng rồi quay lại lớp là vừa kịp giờ học buổi chiều. Hoàn toàn không có gì khổ sở.
Cuộc sống cấp ba của tôi là một chuỗi những công việc lặp đi lặp lại như thế.