24
Hiệp hội Hợp tác xã Ngư nghiệp Thượng nguồn Sông Boukawa có một chuỗi hoạt động đóng góp cho xã hội, bao gồm việc tiếp nhận thực tập sinh, tổ chức các buổi học ngoại khóa cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở tại địa phương, cũng như tiến hành thả cá Yamame giống ra sông cùng các em nhỏ ở trường mẫu giáo.
Trước hết, để giải thích Hiệp hội Hợp tác xã Ngư nghiệp là gì, thì đó là một tổ chức của những người làm nghề đánh bắt thủy sản.
Còn nghề đánh bắt thủy sản là gì, đó là hoạt động khai thác cá, sò, các loài giáp xác... ở sông ngòi hay biển cả.
Hoạt động khai thác này còn được gọi là thu bắt.
Ngư dân chuyên nghiệp thu bắt thì dĩ nhiên là làm nghề cá, nhưng ngay cả những người dân bình thường đi câu hay dùng lưới bắt cá ở sông cũng được tính là đang tham gia hoạt động ngư nghiệp. Bất kể có thu được thành quả hay không, bản thân hành vi thu bắt đã là hoạt động ngư nghiệp.
Để tiến hành hoạt động ngư nghiệp, người ta cần một loại quyền gọi là quyền ngư nghiệp, và quyền này cần được nhà nước cấp phép.
Nói cách khác, những ai không có quyền ngư nghiệp thì không được phép tự ý thu bắt, dù đó là con sông ngay gần nhà.
Tuy vậy, ngư dân chuyên nghiệp thì không nói làm gì, chứ nhà nước không thể nào cáng đáng nổi công việc hành chính khổng lồ là cấp quyền ngư nghiệp cho hàng triệu người đi câu trên cả nước.
Đó là lý do Hiệp hội Hợp tác xã Ngư nghiệp ra đời.
Mỗi tỉnh sẽ được chia thành nhiều khu vực, ví dụ như khu vực thuộc hệ thống sông XX, khu vực thượng nguồn sông XX, hay khu vực hồ △△. Sau đó, tỉnh sẽ cấp toàn bộ quyền ngư nghiệp trong các khu vực đó cho một Hiệp hội Hợp tác xã Ngư nghiệp.
Hiệp hội sẽ bán giấy phép câu cá giải trí (yuugyoken) cho những người muốn câu trong khu vực mình quản lý. Giấy phép này có thể có hiệu lực trong một ngày hoặc cả năm. Chính hiệp hội sẽ có cơ chế kiểm soát xem người đi câu có mua và mang theo giấy phép hay không, tức là có được cấp quyền ngư nghiệp hợp lệ hay không.
Hành vi thu bắt mà không có quyền ngư nghiệp chính là cái mà người ta vẫn gọi là đánh bắt trộm.
Phạm vi của hoạt động thu bắt được cấp phép bởi giấy phép câu cá giải trí được bán ra sẽ khác nhau tùy theo quy định của mỗi hiệp hội hợp tác xã ngư nghiệp hoặc của tỉnh nơi hiệp hội đó hoạt động.
Việc cấp quyền ngư nghiệp cho các hiệp hội không phải do trung ương trực tiếp thực hiện, mà do chính quyền các tỉnh đã được trung ương ủy quyền đảm nhiệm.
Đổi lại việc được tự mình kinh doanh hoặc bán giấy phép câu cá để thu lợi nhuận trong khu vực quản lý, các hiệp hội được tỉnh cấp phép có nghĩa vụ phải bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Họ phải đảm bảo các loài cá trong khu vực không bị tuyệt chủng hay cạn kiệt bằng cách xây dựng bãi đẻ cho cá, hoặc thả thêm cá giống, trứng cá hay cá trưởng thành ra sông.
Thực ra vẫn còn nhiều quy định chi tiết khác, ví dụ như loài cá nào thuộc quyền ngư nghiệp, loại ngư cụ và phương pháp đánh bắt nào là bất hợp pháp, nhưng tôi xin phép lược bỏ.
Tóm lại, Hiệp hội Hợp tác xã Ngư nghiệp Thượng nguồn Sông Boukawa có nghĩa vụ phải thả cá Yamame để bù lại cho nguồn thu từ việc bán giấy phép câu cá Yamame cho các cần thủ.
Vì định mức thả cá hàng năm lên tới vài trăm kilogram, nên chúng tôi phải chia ra thực hiện nhiều đợt trong năm, mỗi đợt ở một địa điểm và với số lượng khác nhau. Một trong những đợt đó được tổ chức như một sự kiện giáo dục thực phẩm, nơi chúng tôi mời các em nhỏ ở trường mẫu giáo địa phương đến, để các em tự tay thả những chú cá Yamame giống từ trong xô ra sông.
Với trường mẫu giáo, đây là một chuyến dã ngoại. Với hiệp hội, đây là một hoạt động cống hiến xã hội. Một sự hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Sự kiện thả cá diễn ra vào tháng Năm, nhưng từ trước đó, để các em làm quen với những chú cá Yamame thực thụ, chúng tôi đã xin phép nhà trường cho đặt một bể cá do hiệp hội chuẩn bị để các em quan sát quá trình sinh trưởng của chúng.
Cụ thể, chúng tôi sẽ cho trứng cá Yamame đã thụ tinh vào bể để trưng bày, cho các em xem cảnh trứng dần phát triển mắt rồi nở thành cá con. "Phát triển mắt" là giai đoạn phôi cá đã thành hình bên trong quả trứng và có thể nhìn rõ đôi mắt.
Trong khu vực hiệp hội quản lý có nhiều trường mẫu giáo, nên chúng tôi thường liên hệ và mời trường lớn nhất tham gia sự kiện thả cá thường niên. Tình cờ, đó lại chính là ngôi trường mẫu giáo nằm gần trường cấp ba mà tôi đang theo học.
Tôi tận dụng kỳ nghỉ bù sau lễ hội văn hóa để đến giúp thụ tinh nhân tạo cho cá Yamame. Đến chiều ngày thứ hai, tôi cùng Ken-san lên đường đến ngôi trường mẫu giáo gần trường tôi để lắp đặt bể cá trưng bày.
Nghe nói những năm trước Ken-san đều tự làm một mình, nhưng vì trường mẫu giáo này gần trường tôi, nên sẽ tiện hơn nếu tôi ghé qua quản lý bể cá sau giờ học. Thế là tôi cũng đi cùng.
Chẳng hạn, không phải quả trứng nào trong bể cũng sẽ nở. Có những quả bị hỏng giữa chừng, hoặc vốn dĩ chỉ là trứng chưa được thụ tinh.
Những quả trứng đó không có màu vàng mà ngả sang màu trắng đục của trứng hỏng.
Nếu cứ để chúng trong nước, chúng sẽ bị nấm mốc hoặc thối rữa, gây ảnh hưởng xấu đến những quả trứng khỏe mạnh khác. Vì vậy, cần phải tỉ mỉ vớt chúng ra từng quả một.
Ngoài ra còn có việc thay nước và cọ rửa rêu bám trên thành kính của bể.
Tôi sẽ đảm nhận công việc quản lý đó sau giờ học, như một phần của công việc làm thêm.
Dĩ nhiên, ở trại giống, các khay ấp trong bể ấp cũng được kiểm tra tương tự hàng ngày.
Trường mẫu giáo có một sân chơi, và giữa sân chơi với các phòng học là một hành lang ngoài trời có đặt các tủ giày.
Hành lang này tuy thông với bên ngoài nhưng có mái che nên không bị mưa hắt, lại rất thông thoáng. Hơn nữa, ở đó cũng có những góc luôn râm mát, không bị ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào.
Nước trong bể sẽ nóng lên nếu bị nắng chiếu.
Mà cá Yamame lại là loài cá sống ở suối. Môi trường nuôi lý tưởng cho chúng là nước có nhiệt độ dưới mười lăm độ.
Nếu được dùng nước giếng chảy tuần hoàn như ở trại giống thì không thành vấn đề, nhưng vào tháng Mười, thời tiết vẫn có những ngày nóng trên mười lăm độ. Những ngày như vậy, việc nhiệt độ nước vượt mười lăm độ là khó tránh, nhưng chúng tôi cũng không muốn nó vượt quá hai mươi độ.
Vì thế, chúng tôi đã chọn một góc trên hành lang tủ giày, nơi luôn râm mát và nhiệt độ nước không bị tăng cao, để làm chỗ đặt bể cá.
Chúng tôi dựng chiếc giá đỡ mang từ trại giống đến, rồi đặt lên đó một bể cá có kích thước rộng sáu mươi, cao ba mươi và sâu ba mươi centimet.
Chúng tôi xin nước máy của nhà trường, rồi hòa tan hypo để khử lượng clo trong đó. Hypo chính là tinh thể natri thiosunfat.
Trong lúc chúng tôi đang làm việc, một đám trẻ con tò mò xúm lại, hỏi tới tấp xem chúng tôi đang làm gì.
Về cơ bản, mọi đứa trẻ mẫu giáo đều rất thuần phác.
Thấy chúng tôi, các em liền cất giọng trong trẻo, hồn nhiên chào: "Chúng cháu chào các chú ạ!".
Chẳng biết từ khi nào, sự thuần phác này lại biến mất đi nhỉ?
Tôi tự đặt tay lên ngực mình ngẫm nghĩ mà vẫn không tìm ra câu trả lời. Có khi, ngay từ đầu tôi đã chẳng có được nó.
Tôi vừa làm việc, vừa đối đáp qua loa với bọn trẻ.
Không chỉ đổ nước vào bể, chúng tôi còn phải lắp một bộ lọc phía trên và một máy sục khí để cung cấp oxy.
Để trứng không bị dòng nước cuốn đi, chúng tôi rải một lớp sỏi mỏng dưới đáy bể, sau đó nhẹ nhàng rải trứng cá Yamame đã thụ tinh lên trên. Chúng tôi không phủ sỏi lên trứng. Ngoài tự nhiên, trứng lộ ra ngoài sẽ bị các loài cá khác xơi tái, nhưng trong bể cá thì chẳng có vấn đề gì.
Trên nền sỏi xám đen là những quả trứng tròn xoe, vàng óng nằm rải rác.
Thực ra, trứng cá không nên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cho đến khi nở.
Thế nhưng, nếu dùng bạt che kín bể lại thì còn trưng bày làm gì nữa. Chúng tôi đành chấp nhận vậy.
Thay vào đó, chúng tôi xin phép nhà trường đặt một tấm bình phong phía trước bể cá để che bớt nắng.
Có thể cách này sẽ khiến số trứng hỏng tăng lên một chút. Số trứng hỏng bị vớt đi sẽ được bù lại bằng trứng mới lấy từ trại giống. Dù có hơi gian lận, nhưng vì mục đích trưng bày nên chắc cũng không sao.
Vì chúng tôi bắt đầu công việc vào lúc xế chiều, nên nhiều em đã được phụ huynh đến đón về.
Nghe các em chào "Tạm biệt ạ", tôi cũng đáp lại "Tạm biệt các em nhé".
Một vài phụ huynh cũng tò mò hỏi chúng tôi đang làm gì, và tôi cũng giải thích cho họ.
Chúng tôi dán một tờ thông tin giới thiệu về cá Yamame và trứng của chúng gần bể cá để các bậc phụ huynh đọc.
"Vào tháng Năm năm sau, anh chị em của những chú cá Yamame này sẽ cùng các bạn nhỏ lớp Bồ Công Anh năm tới được thả về với dòng sông."
Lớp Bồ Công Anh là tên lớp dành cho các bé lớn tuổi nhất ở trường mẫu giáo này.
Hàng năm, sự kiện thả cá tháng Năm đều được tổ chức cho các bé vừa lên lớp Bồ Công Anh.
"Hôm nay tạm thời thế đã. Từ giờ cho đến lúc trứng nở, cậu nhớ để mắt tới chúng mỗi ngày nhé."
Khi mọi việc đã xong xuôi, Ken-san dặn dò tôi.
"Vâng ạ," tôi đáp.
Ken-san đi về phía các cô giáo để trao đổi thêm.
"Ơ, Aiwa-kun?"
Ngay lúc tôi đang đứng trước bể cá kiểm tra lại lần cuối xem có rò rỉ hay trục trặc gì không thì một giọng nói vang lên từ sau lưng.
Tôi quay lại, và thấy Konohana Takane đang đứng đó.