DIÊM VƯƠNG TINH
“Dọn dẹp! Dọn dẹp đi Thiên ơi! Cả tụi bây nữa!” Chị Vi đội trưởng sang sảng ra lệnh. “Save file, tắt máy, mai làm tiếp! Tao đặt chỗ hết rồi đó nha! Giờ tụi bây đi liền cho tao! Cấm đứa nào lấy cớ về cho chồng bú, cho con ăn rồi xù kèo á!”
“Nói cứ như bả có chồng chờ bả về cho bú không bằng.” Bà Trang ngồi cạnh nghiêng sang tôi nói nhanh một câu, còn không quên nháy mắt tinh nghịch rồi mới lớn giọng la lên. “Trời đất, chị Vi mạnh mỏ vãi!” Trang giả bộ nhăn mặt nhưng vẫn toét miệng ra cười vì độ mặn chưa bao giờ giảm của chị đội trưởng. Ngón tay bả thì liên tục nhấp chuột thẳng vào biểu tượng ở góc trái màn hình để đóng các chương trình làm việc. Xung quanh bà Trang, mấy anh chị khác cũng đang lục tục thu dọn.
Chỉ riêng tôi vẫn mê mẩn nhìn ra ngoài cửa sổ văn phòng. Đã hơn sáu giờ tối. Mặt trời hấp hối khuất sau bóng mấy toà nhà sừng sững rải rác khắp khu trung tâm thành phố. Quầng sáng đo đỏ nhợt nhạt hắt ra lênh láng nơi đường chân trời. Ở quê tôi, hoàng hôn sống lâu hơn thế. Thật ra, tôi cũng không nhớ rõ nữa. Đã hơn mười năm rồi tôi chưa quay lại chốn cũ. Đó có lẽ chỉ là một cảm giác tiếc nuối hoài niệm, hay cũng có thể là một phép so sánh chủ quan mà tôi chẳng bao giờ chịu thừa nhận rằng do tôi không yêu thành phố này bằng quê mình.
Dù rằng đó là chỉ là một thị xã nhỏ bé nơi giết chết ước mơ của người ta. Tôi kín đáo nhếch môi chua chát rồi liếc vào màn hình điện thoại. Gương mặt thon nhỏ của Tú gửi tặng tôi một nụ cười hiền hoà. Đôi mắt nó sáng lấp lánh như sao nổi bật dưới đôi mày mảnh. Mái tóc bồng bềnh lẫn vào đám biểu tượng ứng dụng ít ỏi vô vị. Không sao đâu Tú. Có tao thay mày thực hiện ước mơ rồi mà. Tay tôi khẽ vuốt lên đôi gò má nó, hoàn toàn không nhận ra có người đang lớn tiếng gọi mình.
“Thiên!” Mãi đến khi chị Trang lay mạnh vai thì tôi mới giật mình thoát khỏi luồng suy nghĩ mà ngẩng đầu lên. Cả một đội bảy người đều đang trố mắt nhìn tôi chằm chằm. Đâu đó còn có cả những cái nhíu mày và xì xầm nữa.
“Dạ,… em nghe.” Tôi lắp bắp, tay vuốt lại mái đầu bù xù đẫm mồ hôi.
“Em sao vậy? Nãy giờ chị Vi gọi em quá trời luôn…” Trang nhỏ giọng lo lắng. “Ngày đầu tiên làm việc không quen nên mệt hả?”
Hiểu ý chị muốn mớm cho tôi một lý do để không mất điểm trong mắt sếp, tôi vội ậm ừ, không quên quan sát thái độ của chị Vi. “Dạ, cũng hơi mệt ạ…”
“Ôi, mệt cái gì mà mệt?” Quả nhiên chị ấy khoát tay gạt đi. “Mày là nhân vật chính của bữa tiệc hôm nay. Tao nói cho biết nhé. Team thiết kế chúng ta nổi tiếng đoàn kết nhất công ty. Truyền thống chào đón nhân viên mới bằng một chầu không say không về là bất di bất dịch. Một câu ‘em mệt’ của mày cũng không thay đổi được gì đâu.”
Tôi còn chưa kịp nghĩ ra lời để nói thì đã nghe từ xa vọng đến mấy tiếng the thé nhừa nhựa của phụ nữ. “Chị Vi, bên chị xong chưa? Tụi em chờ chị nãy giờ rồi đó nghen.”
“Ờ ờ, mới xong. Giờ đi luôn nè. Tụi bây xuống lấy xe trước đi.” Chị đội trưởng vừa nói với qua vừa quay sang liếc tôi bằng cặp mắt hình viên đạn. Chị khàn khàn chốt hạ bằng một câu. “Mày lập tức thu dọn rồi theo tụi tao! Lẹ lên! Không ý kiến nữa! Trang, mày hốt nó nha!”
Câu đó là mệnh lệnh cho tôi và Trang nhưng những thành viên khác trong đội nghe xong cũng lập tức hối hả cất tài liệu, máy vẽ, rồi theo chân chị Vi ra thang máy, kéo theo cả một đoàn người ồn ào náo nhiệt.
“Trời ơi, chị đẩy tụi em đi làm gì? Em tới dòm một cái chị cũng không cho là sao?”
“Lát cũng ngồi ăn chung, tụi bây bớt rụng trứng cho tao!”
“Cái team của chị lúc nào cũng về cuối cùng hết. Nếu không vì hám trai thì em cũng chả ở lại đến giờ này đâu.”
“Ngu ngục mà còn la cho to!”
Tiếng cười nói rôm rả của họ hoà chung với chất giọng vịt đực của chị Vi và âm thanh eo éo từ mấy cô gái lạ mặt tạo thành một thứ gì đó hỗn tạp điếc tai gai óc khiến tôi nổi cả da gà da vịt.
Trang thở dài ghé qua tôi nói nhỏ. “Từ lúc Thiên chưa chính thức được nhận, bà Vi đã đi rêu rao khắp mấy phòng ban là có trai đẹp ứng tuyển vào team thiết kế. Mấy má bên HR mê lắm! Rồi lúc Thiên phỏng vấn xong, ai cũng hồi hộp chờ đến ngày đầu tiên Thiên đi làm để gặp em hết. Vậy nên… thôi ráng đi tối nay nha, coi như làm networking. Quan hệ rộng thì cũng tốt cho Thiên chứ ai đâu.”
Mấy lời của chị Trang làm tôi chợt nhớ ra mấy hôm trước lúc đi phỏng vấn quả thật có mấy cô gái cứ cố tình lượn lờ qua lại cười cười trông rất khả nghi. Nhưng vì căng thẳng lo lắng nên tôi cũng không để ý lắm, giờ thì tôi mới hiểu ra. Nén một tiếng thở dài, tôi liếc nhanh vào màn hình điện thoại. Sáu giờ hai mươi hai phút. Có lẽ ngồi ăn nhanh một chút cũng không sao… Tôi gật đầu với Trang rồi hai chị em cấp tốc thu dọn và xuống lấy xe.
Chỗ giữ xe của toà nhà tuy có đến ba hầm nhưng cũng không lấy gì là rộng rãi lắm. Phải chứa lượng xe của gần mười công ty cùng hoạt động nên cho vào hay lấy ra đều hết sức nan giải. Cũng may, đây chẳng phải là vấn đề với đội thiết kế.
“Ở lại làm trễ cũng có cái lợi hén.” Trang cao hứng ấn nút trên chìa khoá. Chiếc Leader màu hồng cánh sen nổi bần bật trong ánh đèn tù mù lập tức phát tiếng kêu và ánh sáng phản hồi.
“Xe em để tuốt bên trong kia ạ.” Tôi mỉm cười chỉ vào chiếc Air Sword màu xanh dương trong góc tường.
“Trời! Tuốt trong đó?” Trang tròn mắt vừa loay hoay mở cốp sắp xếp đồ vừa khoa trương nhẩm tính trên đốt tay. “Vậy là sáng nay em phải đi làm sớm dữ lắm phải không?”
“Dạ, sáu giờ là em đến rồi ạ.” Tôi cười trừ. Hầm xe nóng hừng hực khiến mồ hôi tôi tuôn ra ướt đẫm chiếc áo chemise trắng ngà bó sát khuôn ngực săn chắc. Tôi ghét cái cảm giác bức bối này, chỉ muốn nhanh nhanh rời khỏi chỗ này thôi. “Vậy em đi lấy xe đã nha chị.”
“Ờ em. Đi lẹ mất công bà Vi bả càm ràm nữa. Điếc tai lắm.” Trang gật gật rồi đeo khẩu trang lên. Chị ấy lẩm bẩm nói một mình nhưng vẫn đủ để tôi nghe thấy trong không gian hầm vang vang. “Sáu giờ có mặt? Đi làm hay đi học vậy ta? Thằng bé này coi vậy mà hiền ghê.”
Tôi không nói gì mà chỉ lẳng lặng tiến đến góc hầm. Lúc đó, tôi mới nhận ra rằng không phải chỉ có mỗi xe mình đặt trong hốc mà còn có một chiếc Air Sword nữa cùng màu cùng kiểu đang dựng ngay kế bên. Cũng có một người đi làm sớm như mình sao? Còn chưa kịp nhìn xem chiếc nào là của mình thì tôi có cảm giác điện thoại rung lên trong túi quần nên liền lấy ra kiểm tra. Gương mặt Tú nhìn tôi vẫn sáng bừng như sao nhưng lại có một vẻ gì đó như trách móc. Sáu giờ ba mươi hai phút. Cố lên! Chỉ một chút nữa thôi là được về với nó rồi.
Khi đã đặt cặp lên yên chiếc Air Sword bên ngoài, tôi liền cắm chìa khoá. Đúng lúc ấy, tôi nghe có người lên tiếng ngay sau lưng mình. “Này, anh gì ơi. Xe tôi mà…”
Giật mình, tôi xin lỗi theo bản năng, lòng tự trách mình không cẩn thận. Đã biết là hai chiếc giống nhau mà còn không chịu nhìn cho kỹ. Mãi không thấy người kia đáp lời mà cũng không thấy đến dời xe ra, tôi mới ngẩng lên xem thế nào. Và rồi, tim tôi hụt mất một nhịp.
“Ủa Thiên? Đúng là Thiên rồi!” Người đàn ông kia reo lên. “Hồi nãy ngờ ngợ mà không dám nói. Mày vừa quay lại là tao nhận ra liền. Lâu lắm rồi không gặp nhỉ? Nhận ra tao không? Nhật đây nè!”
Nhật đứng trước mặt tôi. Nét đẹp trai theo kiểu đáng yêu dễ gần của nó toả sáng cả một góc hầm giữ xe. Nó cao cũng cỡ thằng Tú, tức là thấp hơn tôi nửa cái đầu. Thân hình mảnh dẻ nhưng rắn chắc nên rất hợp với hình tượng trai văn phòng sơ mi trắng nho nhã lịch sự.
“Ừ.” Tôi đáp gọn lỏn, rõ ràng không hề muốn tiếp tục cuộc đối thoại này chút nào. Sao mà không nhận ra được chứ? Mày là học sinh giỏi nhất trường cơ mà. Ai mà quên nổi cái mặt mày? Có tiếng lên ga ở phía trước. Chị Trang đã phóng ra khỏi hầm mất rồi. Tôi đành phải tự cứu lấy mình thôi. “Mày lấy xe đi. Để tao còn ra nữa.”
“Sao vậy? Bận gì à?” Nhật vừa cười vừa tra chìa khoá.
“Ừ. Có hẹn đi ăn với đồng nghiệp.” Tôi lầm bầm giải thích, chỉ mong nó xê ra cho nhanh. Chắc bây giờ cũng sáu giờ bốn mươi rồi.
“Ồ, tối nay tao cũng có hẹn.” Nhật gài nón bảo hiểm, hàng mày thoáng chau lại như nuối tiếc điều gì. “Bữa nào tao với mày cà phê nha. Mày làm cùng toà nhà với tao đúng không? Hay là mai nhe. Mai giờ trưa tao hẹn mày dưới sảnh. Mày vẫn xài số cũ chứ hả?”
“Số cũ, số cũ.” Tôi nhanh gọn, chân bắt đầu nhịp nhịp, hai tay bấu vào quần.
“Vậy nhé. Tao lên trước đây.” Nhật cười như toả nắng. Hàm răng nó vẫn trắng bóng nổi bật trên gương mặt trẻ con búng ra sữa hệt như mười năm trước. Rồi bằng một cử chỉ điệu nghệ, nó lách xe ra và phóng vút khỏi hầm như mặt trời núp vào đám mây, tạm nhường hào quang “con nhà người ta” của nó lại cho cái chốn âm u ngột ngạt này.
Chỉ còn lại một mình, tôi thở dài ngồi lên xe lẩm bẩm đếm từ một đến sáu mươi. Chắc là đủ để nó rời đi rồi. Tôi ghét những khoảnh khắc khó xử như vậy. Kiểu như đã chào tạm biệt mà vẫn còn đụng mặt, hay chỉ đường cho một người rồi lại phải ngó lơ mà đi song song với họ một đoạn. Nó cứ gượng gạo thế nào ấy…
Mồ hôi tôi vã ra như tắm. Hai mươi hai, hai mươi ba,… Cái hầm xe mỗi lúc một chật chội. Ba mươi hai,… ba mươi tám,… Tôi phanh một nút áo sơ mi và hít vào thật sâu. Bốn mươi mốt, bốn mươi…
Điện thoại chợt rung lên bần bật như muốn truyền sự tức giận của người bên kia đầu dây đến với tôi. Luống cuống, tôi vội vàng nhấc máy và tôi thề là cái giọng oang oang của chị Vi đã vang lên ngay trước khi tôi kịp nhấn nút xanh. Có lẽ là vọng từ trên trệt xuống tận đây. “Mày làm cái gì đó Thiên? Sao mà lề mề vậy? Tụi tao đói rã cái họng ra rồi nè mày!” Trong điện thoại vẫn còn nghe tiếng ỏng ẹo của mấy cô bên Nhân Sự.
“Dạ chị, em vừa tìm thấy xe. Em lên ngay đây.” Tôi chống chế rồi cúp máy ngang trước khi chị ấy kịp phàn nàn thêm.
Càng lúc tôi càng thấy chấp nhận tham gia vào buổi tiệc này là một điều sai lầm. Tôi đi làm đâu phải là để tham dự mấy cái cuộc họp mặt xã giao như thế này đâu. Có thể nào chỉ cần sáng đi làm, tối về nhà, và không xen vào đời sống của nhau được không nhỉ? Tôi thầm nghĩ trong lúc đánh xe lên. Tôi đi làm thậm chí còn không phải để kiếm tiền. Tôi chỉ muốn thay…
“A! Mày đây rồi!” Chị Vi la lên. “Cuối cùng cũng đi được rồi. Tao thấy như cả thế kỷ đã trôi qua ơi hỡi Thiên ơi!” Đám con gái phía sau thì rú lên cười hí hí như ngựa. Chị Trang mỉm cười lắc đầu. Nhưng điều làm tôi bất ngờ nhất là thằng Nhật lại đứng chung trong đám người đó. Và nó cũng đang trố mắt nhìn tôi.
“Sao mày ở đây nữa?” Hai đứa tôi đồng thanh nói.
“Tao đi tiệc chào mừng với team tao.” Tôi là người giải thích trước.
“Tao đi ăn chào mừng… mày.” Nhật hơi khựng lại. “Thì ra là mày à?” Rồi mặt nó lại sáng bừng lên cái hào quang khiến người ta chói mắt. “Không ngờ lại trùng hợp vậy đó! Thì ra mày chính là nhân viên mới bên đội thiết kế. Vậy là từ nay chúng ta lại về chung một nhà rồi.”
Đám con gái bên team HR chẳng hiểu sao lại càng hú hét dữ dội hơn. Các cô ấy cứ xuýt xoa, hết nhìn tôi rồi lại nhìn qua Nhật. Chị Trang đành lên tiếng. “Ủa Thiên, em biết Nhật hả?
“Biết chứ sao không, chị?” Nhật nhanh nhảu đẩy xe đến cạnh xe tôi. Nó đưa tay quàng vai tôi như kiểu thân thiết lắm. “Em với nó học chung lớp mười hai ở dưới quê đó nha.”
“Nhưng tao đâu có chơi chung nhóm với mày.” Tôi chống chế nhỏ xíu rồi lại len lén lấy điện thoại ra kiểm tra. Sáu giờ năm mươi phút…
“Ui, hôm nay anh Nhật không dẫn bạn trai đi là vì gặp lại anh Thiên phải không ạ?” Một cô gái bên team HR nheo nhéo cất lời khiến tôi giật nảy mình quay phắt lại.
Họ… Họ biết à? Tôi trân mắt ra nhìn thằng bạn đẹp mã của mình nhưng nó trông chẳng có gì ngượng ngùng cả. Trái lại, nó còn gãi đầu cười trừ rồi nói như thể chuyện đó chẳng có gì to tát. “Bậy nào, anh có biết nhân viên mới hôm nay là bạn cũ của anh đâu. Tụi em đến phút chót mới nhắn cho anh chứ bộ. Với lại, anh chưa có bạn trai nhé.” Câu cuối cùng nó nói với một cái nháy mắt đúng kiểu diễn viên Hàm Quấc khiến mấy cô kia điên đảo cười rũ rượi.
“Ái chà, vậy chứ cái anh lúc trước đến đón anh Nhật về là ai ạ?” Một cô khác liếc mắt như con mèo.
“Hôm nay duyên số đưa đẩy hai người bạn cũ gặp lại nhau. Biết đâu lại có cơ hội cũng nên…” Một cô nữa đặt tay lên vai tôi.
Tôi vội gạt ra. “Bậy đi! Anh không có liên quan gì tới thằng Nhật hết.”
“Ôi anh Thiên ngại cái gì?” Con bé đó lại kéo dài giọng. “Hai anh thân với nhau như vậy. Chẳng lẽ anh Thiên không biết anh Nhật là gay, mà lại còn là hot gay nữa đó. Biết bao nhiêu chàng theo đuổi anh Nhật mà ảnh chưa có chịu đó nghen.”
Tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực. Từng hơi thở tuôn ra khó khăn. Mồ hôi vã ra ướt lạnh cả lưng áo. Họ biết. Họ biết thằng Nhật. Và thằng Nhật biết tôi cũng…
“Hay là anh Nhật đang chờ ai?” Có người cười khúc khích gợi ý.
“Thôi nào, các em đừng ghẹo thằng Thiên nữa.” Nhật yếu ớt lên tiếng, nửa như thật nửa như đùa.
“Còn chờ ai nữa? Ông trời đã xếp đặt mối lương duyên này rồi mà…”
“THÔI ĐI!” Tôi gào toáng lên. “TÔI KHÔNG CÓ DÍNH DÁNG GÌ ĐẾN THẰNG NHẬT HẾT!”
Tất cả như hoá đá.
Tôi liếc qua một loạt những gương mặt sượng trân đang co rút lại. Cả chị Vi cũng trợn mắt nhìn tôi như quái vật. Thái dương tôi giật bần bật. Quai hàm cũng run lên, còn đôi bàn tay thì toát mồ hôi trơn tuột. Gió đêm nổi lên. Lạnh ngắt. Im lìm. Vốn dĩ tôi còn muốn mắng thêm mấy câu nữa, nhưng rốt cuộc lại thành ra muốn xin lỗi. Ấy vậy mà lại chẳng mở miệng nói được gì. Lúng túng ấp úng mãi cũng chẳng được việc, tôi lên ga rồi phóng vội khỏi chỗ thị phi ấy. Đằng sau lưng vẫn còn nghe tiếng bà Vi than thở. “Trời ơi, tao chỉ muốn ăn thôi mà tụi bây! Sao khó quá vậy?”
Tôi phóng xe vào màn đêm thành phố Tây Hưng nhộn nhịp, cố gắng hoà mình vào những con người bon chen, những dòng đời nghiêng ngả như những dòng kẻ dập xoá xô đẩy vào nhau. Đây cũng chẳng phải lần đầu tiên tôi xách xe ra đường và chạy lung tung không định hướng như thế này. Tây Hưng lắm người nhiều xe, nhiều mảnh đời đan xen chồng chéo lên nhau. Cứ mỗi lần gặp chuyện gì không vui, tôi lại hoá mình thành hạt bụi bay giữa dòng đường nhìn ngắm thế gian, cứ như thể tôi được quên đi cuộc sống của mình trong một lúc vậy.
Trên những con đường này có quá nhiều điều xảy ra. Trên tấm ra giường của tôi cũng có quá nhiều điều đã qua. Lắm lúc tất cả cứ như một bộ phim chiếu đi chiếu lại mà con người là những nhân vật cứ thế hành động theo một kịch bản cũ rích không thể thoát ra được. Người A phụ tình người B. Người C thầm yêu người D. Người E hy sinh vì người F. Tất cả đều là những cơ hội vụt qua như sao trời, những bài hát thuở xưa mà ta sợ phải nghe lại vì khi nốt nhạc quen thuộc ấy ngân lên, mắt ta liền ngấn nước.
Tôi đã cố bắt đầu một cuộc đời mới ở Tây Hưng này, một cuộc đời mới đẹp hơn, không quan tâm đến những những người tôi giữ lại bên cạnh và những kẻ tôi để lại phía sau. Hoài niệm như một ly tekila nồng nàn nhưng rồi sau chót vẫn là vị chua ngoét của một lát chanh.
***
“Chào các bạn, mình là Thiên.” Tôi nháy mắt nói với cả lớp. Cả đám bên dưới đều cười cười đáp lại. Mặt đứa nào trông cũng đểu cáng.
“Thôi đi mày ơi!” Thằng Duy đầu bò là đứa đầu tiên rống lên. “Đi bao lâu rồi mới chịu quay về gặp anh em. Tao theo dõi blog mày thường xuyên lắm nha. Sống ở thành phố lớn sung sướng quá trời là sung sướng. Tụi tao com mày cũng có thèm rep đâu.”
“Bận thiệt mà! Chẳng phải giờ tao đã mò về rồi sao?” Tôi cười ha ha với nó. Cái đám siêu quậy bàn cuối ấy vẫn chẳng hề thay đổi từ lớp tám đến tận bây giờ. Nhưng người tôi muốn gặp nhất không phải là lũ đần độn chúng nó.
“Thôi được rồi! Tôi biết các em quen nhau hết!” Cô Ngân chủ nhiệm tặc lưỡi lắc đầu. “Duy, em đừng có lợi dụng cơ hội mà phát biểu linh tinh. Lát nữa ra chơi rồi muốn nói gì đó thì nói. Còn giờ thì mời em Thiên ngồi vào chỗ đi đặng còn học bài.”
“Em ngồi đâu bây giờ hả cô?” Tôi lễ phép hỏi, nhưng thật ra mắt vẫn đang đi tìm hình bóng một người. Vì theo tôi dò hỏi thì nó vẫn học lớp cũ, không hề thay đổi.
“Để cô coi coi.” Cô Ngân cố tình ngó lơ tụi thằng Duy đang vẫy tay nhiệt tình chỉ vào chỗ trống ở bàn cuối. Cô đảo mắt một vòng rồi rốt cuộc dừng lại bên cạnh một thằng nhóc lạ mặt.
“Hay là ngồi cạnh Nhật đi.” Cô hồ hởi giới thiệu. “Nhật là lớp trưởng lớp mình. Học sinh giỏi cấp trường. Có gì bạn sẽ…”
“Dạ thôi, em ngồi đây.” Tôi bạo dạn cắt ngang lời cô rồi kiên quyết đi xuống chỗ một con nhỏ lạ hoắc cài cái nơ bự cốp xì nái. Nhưng đích đến của tôi không phải là nó, mà là cái thằng đang cúi gục đầu đằng sau lưng nó kìa.
“Núp kỹ quá vậy bạn?” Tôi ngồi xuống, thả cặp xuống chân rồi thì thầm vừa đủ cho nó nghe. “Làm kiếm nãy giờ nghen Tú.”
Thằng Tú vẫn gục mặt im lìm. Tôi thấy hơi tò mò nhưng chợt nhận ra có một cảm giác bất thường xung quanh mình. Tôi vội ngẩng đầu thì giật mình thấy tất cả mọi người đều đang nhìn chằm chằm vào tôi với một ánh mắt khó tin và có vẻ gì đó rất e ngại. Chỉ có mỗi thằng Nhật lớp trưởng là bình thản mỉm cười.
Tôi chẳng hiểu gì cả. Hơn ba phần tư số học sinh trong lớp này đều là ma cũ học chung với nhau từ lớp một đến tận lớp mười hai. Ở cái thị trấn này số lượng trường học từ mẫu giáo đến phổ thông chỉ đếm trên đầu ngón tay của một bàn tay. Và cũng chỉ có mỗi trường Trần Vương chúng tôi là dạy xuyên suốt cả ba cấp nên thường thì những đứa cùng khoá sẽ đi với nhau suốt cả mười hai năm. Vậy thì tụi nó hẳn đã biết tôi chơi thân với nhóm thằng Duy và cả thằng Tú rồi chứ. Có gì đâu mà ngạc nhiên đến vậy nhỉ?
Tôi quay sang thằng đầu bò, cố tìm kiếm một lời giải thích. Ấy vậy mà cái mặt ngu si của nó cũng hiện lên hai chữ ngỡ ngàng. Hàng mày nó chau lại dưới mái đầu đinh lam nham, còn cái mỏ dầy như hai lát thịt bò thì há hốc ra làm lộ hàm răng lởm chởm như bồ cào. Kế bên nó, thằng Lý lợn cũng nheo cặp mắt tí hin lại như hai sợi chỉ. Rốt cuộc tôi chẳng hiểu gì cả. Tôi ngồi với thằng Tú thì có gì lạ sao?
“Rồi, vậy Thiên ngồi cùng bàn với Tú.” Cô Ngân bỗng lên tiếng, phá vỡ bầu không khí kỳ quặc. “Tú ơi, em để ý bài vở bạn giùm cô nha. Tú ơi! Tú!”
Con bé đeo nơ khổng lồ lúc nãy vội quay lại lay lay thằng bạn tôi. “Ê mày, cô gọi mày đó. Ít nhiều gì gắng trả lời một tiếng đi mất công có chuyện à.”
Thằng nhóc này yếu ớt dạ một tiếng trong khi vẫn cứ gục mặt xuống bàn. Đúng là giọng của nó rồi, chẳng sai vào đâu được, nhưng sao có vẻ run run như đang khóc.
“Ở trong lớp thì ngồi học cho đàng hoàng đi em.” Cô Ngân sẵng giọng. “Dạo này sa sút lắm đấy nhé. Còn thấy không khoẻ thì xuống phòng y tế. Đừng làm phiền các bạn khác học.”
Tôi hơi bất bình khi nghe cô chủ nhiệm bảo Tú học kém. Nào giờ trong trí nhớ của tôi, Tú vẫn luôn là một học sinh giỏi, thông minh, và hài hước. Nó chơi với tôi từ bé xíu vì gia đình hai bên ở gần nhau. Có cho tiền tôi cũng chẳng tin thằng Tú học kém…
Nó bỗng đứng bật dậy. Tôi liền toét miệng cười.
Nó rời khỏi chỗ ngồi. Tôi kịp liếc nhìn mặt nó. Nụ cười của tôi liền chết non.
Mái tóc bồng bềnh của nó rũ qua một bên, vừa đủ để che đi một vết bầm đỏ thẫm trên mặt. Ai đánh nó? Nhà thằng Tú chỉ còn mỗi mẹ, nhưng bác ấy bận đến nỗi chẳng bao giờ thấy mặt. Vậy ai đánh nó? Thằng nào? Lớp này hay lớp khác? Ai khiến nó buồn bực đến mức thằng bạn nối khố của nó quay về sau bốn năm đằng đẵng mà nó cũng chẳng buồn để tâm?
“Em xin phép xuống phòng y tế ạ.” Tú cúi gằm mặt nói với cô Ngân.
“Mặt mũi sao thế?” Cô nhướng mày hỏi.
“Bị té ạ.” Nó đáp. Nghe là biết xạo quần rồi. Tôi thầm nghĩ. Bàn tay siết lại thành nắm đấm từ lúc nào.
“Ừ vậy đi đi.” Cô xua vội rồi bắt đầu bài học.
Tôi rướn cổ nhìn theo cái dáng liêu xiêu của nó lướt qua cửa sổ. Đôi mắt sáng ngời như sao mà tôi vẫn nhớ giờ đây giăng đầy sao sa. Bước chân của nó sao lại cô đơn đến vậy? Tụi thằng Duy, thằng Lý sao lại để cho nó bị bắt nạt như thế? Bốn năm trời tôi đi rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?
“Thiên ơi, học bài nè.” Cô Ngân gõ thước lên bàn kéo tôi quay trở lại bảng đen. “Ngày đầu tiên đừng để cô phạt nhé.”
Tôi lí nhí xin lỗi rồi cắm mắt vào sách nhưng tâm trí vẫn mãi quanh quẩn bên bầu trời sao của tôi. Tiết học kéo dài đến cả thế kỷ. Các giáo viên đến rồi đi trong tích tắc. Tôi vẫn chưa tìm được cơ hội nào để hỏi tội tụi Duy - Lý.
Mãi mới đến tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi. Tôi lập tức đu người sang nắm cổ tụi thằng Duy thằng Lý mà lôi xuống căng tin. Lúc ấy, tôi thấy thằng Nhật cứ nhìn theo dò xét nhưng tôi chẳng thèm quan tâm.
“Tụi bây nói thật cho tao nghe xem rốt cuộc là như thế nào hả?” Tôi xách cổ hai thằng đệ lên. “Vết bầm trên mặt thằng Tú là do đâu mà có?”
Hai thằng cứ lần lữa mãi mà không đứa nào chịu mở miệng làm tôi hết sức bực mình. Nhất là thằng Lý. Đã không chịu trả lời mà mắt cứ liếc qua quầy đồ ăn. Sau cùng tôi nhún vai nói. “Được! Tụi bây không cho tao biết thì tao tự đi hỏi thằng Tú.”
Tôi vừa mới buông tay ra và dợm bỏ đi thì hai thằng đần ấy liền níu lại. “Ấy! Tao thành thật khuyên mày đừng có dây dưa với thằng Tú.” Duy nhăn nhó nói.
Một con nhỏ bưng tô hủ tíu bò kho đi ngang qua tụi tôi, thằng Lý vừa nuốt nước bọt đánh ực vừa bảo. “Ờ, giờ nó không còn giống như ngày xưa nữa rồi. Tốt nhất là mày nên tránh xa nó ra nếu không muốn gặp rắc rối.”
“Bọn mày nói như vậy là sao? Tụi mình từng chơi chung nhóm với nhau mà.” Tôi bối rối. “Thằng Tú nó làm gì mà tụi bay bỏ rơi nó như vậy?”
Thằng Duy kéo tôi sang một bên rồi hạ giọng kể. “Hồi cuối năm lớp mười có người nhìn thấy nó hôn môi với một anh lớp mười hai. Nó bị đồn là bê đê nên giờ ai cũng ghét. Mấy thằng lớp bên hay kiếm chuyện đánh nó…”
“Rồi tụi mày cũng để cho nó động vô thằng Tú hả?” Tôi gầm lên. “Chỉ vì mấy tin đồn nhảm mà tụi bay để cho người ta đánh bạn mình ra nông nỗi như vậy à? Bê đê cái gì mà bê đê? Tao chơi với thằng Tú từ nhỏ chẳng lẽ tao không biết?”
“Trời ơi! Mày đi bốn năm rồi. Nhiều chuyện thay đổi lắm, mày không biết được đâu.” Thằng Lý xuýt xoa. Hai cái má núng nính của nó lắc qua lắc lại. “Thằng Tú cũng đã xác nhận rồi. Mấy lần bị đánh nó cũng chẳng có ý kiến gì. Cứ im lặng chịu đòn vậy á. Tụi tao từng qua hỏi thăm. Nó toàn đuổi tụi tao đi thôi.”
Toàn thân tôi chấn động. Chưa bao giờ tôi nghĩ thằng Tú lại trở nên như vậy. Ở trường cũ trên Tây Hưng, tôi cũng từng thấy mấy thằng học sinh bê đê. Tụi nó cũng bị bạn bè ghét bỏ và bắt nạt. Nhưng tôi không ngờ rằng thằng bạn thân ngày nào của mình cũng là…
“Mày nghe lời tao khuyên đi.” Thằng Duy nhăn nhó bảo. “Ở đây người ta ghét bê đê lắm. Tao biết mày lo cho thằng Tú. Nhưng mày làm được gì nữa bây giờ. Nó đã như vậy rồi. Mày giúp nó tránh được vài trận đòn nhưng cũng chẳng cứu được nó cả đời. Lo thân mình trước đi mày ơi. Hồi nãy mày đòi ngồi kế nó là đã gây sóng gió dữ lắm rồi á.”
“Ừ ừ, đi ăn, lo thân, đi ăn.” Thằng Lý hối thúc.
Đầu óc tôi trống rỗng. Chỉ mới ngày đầu tiên đi học thôi mà đã có quá nhiều chuyện xảy ra như vậy. Tôi cứ nghĩ rằng năm học cuối này sẽ tràn ngập những kỷ niệm đẹp quanh những người bạn cũ nhưng ai ngờ đâu… Mãi chìm trong suy nghĩ, tôi không để ý thấy thằng Duy đã gọi ra ba tô hủ tíu bò kho nóng hổi.
“Ăn đi! Tao vắt chanh vô muối tiêu cho rồi đó.” Nó nói, vỗ ngực tự hào vì vừa thể hiện mình là đứa quan tâm đến bạn bè.
Tôi nén tiếng thở dài. Bốn năm quả thật có rất nhiều thứ đã đổi thay. Như thằng đầu bò đã quên mất là tôi không thích ăn chua. Ngôi trường Trần Vương của chúng tôi trông vẫn như cũ nhưng thật ra đã chẳng còn như cũ nữa rồi.
Hai tiết học cuối ngày hôm đó cứ như một cực hình. Thằng Tú đã quay lại lớp và ngồi im lặng như một bức tượng ngay bên cạnh tôi. Cứ cách khoảng mười giây, tôi lại liếc qua nó một lần nhưng nó lại chẳng thèm nhìn tôi lấy một cái. Đến khi trống trường thùng thùng vang lên thì nó mới bất ngờ quay sang tôi mà hỏi. “Mày biết sự thật rồi phải không? Cái ánh mắt dè chừng ấy, đừng có thảy về phía tao nữa.”
Tôi còn chưa kịp tìm được lời nào để đáp trả thì nó đã bước vội ra khỏi lớp, rồi cứ thế chạy như bay không để lại một dấu tích gì. Tôi ngẩn người ra rồi quay sang tụi thằng Duy, thằng Lý tìm câu trả lời.
“Nó phải nhanh chân về mất công tụi lớp bên nhìn thấy sẽ lại kiếm chuyện với nó.” Thằng lợn trề môi giải thích.
Nghe vậy, tôi hoảng hốt quăng cặp cho hai thằng đần. “Lát ghé gửi ở nhà tao giùm.” Tôi dặn dò nhanh một câu rồi cũng phóng ra khỏi lớp, chạy nhanh xuống sân trường tìm bóng dáng thằng Tú. Xoay xoay một hồi tôi chẳng thấy nó đâu nữa.
Chắc là nó đang trên đường về nhà rồi. Nghĩ vậy, tôi liền đi lấy xe đạp rồi chen chúc phi ra khỏi trường. Từ đây về khu nhà của tôi và Tú phải băng qua một ngã sáu khá to mà người dân vẫn hay thường gọi vui là quảng trường Pà Lặk. Ở đó có một cái chợ nơi tôi và Tú vẫn thường hay đi ăn tào phớ nước đường, ăn chè, nói chung là những món mà không thể nào có vị chua. Năm trước khi tôi đi, ở đó còn mở một rạp phim nhỏ chuyện chiếu mấy bộ phim Tây mà trên Tây Hưng rất thịnh hành. Có lẽ tôi sẽ rủ nó đi xem phim rồi ăn cái gì đó ngọt ngọt. Có lẽ tất cả những gì nó cần lúc này là một người bạn.
Gió thổi vù vù nóng hổi, táp đất cát khô cằn vào mặt tôi. Đường sá ở Pà Lặk bao nhiêu năm vẫn y hệt như vậy. Tôi co giò đạp. Chẳng mấy chốc đã đến quảng trường nhưng tôi chẳng buồn chậm lại. Vẫn chưa thấy bóng dáng thằng quỷ ấy đâu. Tôi lại băng băng đi tiếp. Người dân xung quanh thấy một thằng trẻ trâu phóng xe bạt mạng đến thì đều né ra và cũng chẳng quên tặng cho vài câu chửi âu yếm. Nhưng tôi chẳng quan tâm.
Đường mỗi lúc một hẹp dần cho đến khi chuyển thành những con hẻm nối tiếp nhau. Hẻm mười một dẫn đến nhà của tôi còn hẻm mười hai thì sang nhà Tú. Đây rồi cái nhà có cửa màu xanh lá cây nổi bật nhất khu. Tôi ghé mắt nhìn qua hàng rào. Chiếc xe đạp chắc là của nó đã dựng trong sân. Cửa chính chỉ khép hờ. Bên trong chắc chắn có người. Bên trong chắc chắn có nó vì tôi đã liếc thấy đôi giày thể thao màu trắng sọc đỏ có in hình một cô gái hoạt hình gì đó nó mang lúc buổi sáng.
“Tú ơi!” Tôi lớn tiếng gọi. “Mở cửa cho tao! Thiên nè!”
Tôi rất sợ nó sẽ lờ đi, nhưng không ngờ rằng sau ba lần gọi nó cũng chịu ra gặp tôi. Trên tai nó đeo một cái headphone còn thắt lưng thì giắt một chiếc Walkmon đời cũ. Mặt nó nhăn nhó phát sợ nhưng đôi mắt thì vẫn long lanh trong nắng.
“Mày đi giỏi lắm rồi giờ cũng biết quay về à?” Nó ngổ ngáo hỏi vặn họng tôi.
“Thôi mà… Đừng có giận. Có phải tao muốn đi đâu…” Tôi chu mỏ chống chế. “Là do công việc của ba mẹ nên tao mới phải đi theo lên Tây Hưng chứ bộ.” Tự dưng trong đầu tôi hiện ra hình ảnh hai thằng nhóc mười ba tuổi ngày nào khóc lóc tèm nhem nước mắt nước mũi bịn rịn chia tay nhau. Vậy mà đã bốn năm trôi qua rồi.
“Ờ, thằng Duy bảo trên blog mày sống vui vẻ lắm mà.” Tú vẫn đá thúng đụng nia. “Tụi nó thân với mày như vậy mà com mày còn chả thèm rep, nói gì đến tao sống chết thế nào mày cũng đâu quan tâm. Đúng không?”
“Là lỗi của tao, là lỗi của tao hết!” Tôi thiếu điều muốn lạy lục nó. “Mày cho tao vào đi rồi tao đền tội với mày. Chịu không?” Trong đầu tôi chợt hiện ra hình ảnh một bộ phim bắn giết rượt đuổi ì đùng và hai chén tào phớ đá thêm bánh lọt thiệt là thơm ngon.
“Mày biết cách mở cửa mà. Tự vào đi! Để xem có còn nhớ không.” Tú bĩu môi rồi đi thẳng vào nhà. Lần này nó không khép cửa chính lại như muốn mời gọi tôi.
Hí hửng, tôi nhảy xuống xe rồi áp sát vào cửa cổng nhà nó. Cái then cửa này chả biết bị cái gì mà nếu gõ năm lần bên phải rồi mười lần bên trái thì nó sẽ tuột ra ngay lập tức. Trăm lần như một. Vụ này tôi và thằng Tú đã phát hiện ra từ khi còn bé rồi nhưng mẹ nó thì chả bao giờ quan tâm.
Tự tin rằng mình vẫn nhớ “mật mã”, tôi mạnh dạn nhập vào cánh cửa “điện tử”. Quả nhiên, sau mười lăm tiếng đập rầm rầm thì cái then rớt ra đánh cạch một tiếng. Tôi tự hào đẩy cửa dắt xe vào sân như một người vừa mới làm được một việc vĩ đại. Thằng Tú ngồi bên cửa sổ phòng khách dòm ra cũng chẳng giấu nổi nụ cười nhạt nhoà.
“Ôi bạn hiền, nhớ mày chết được!” Tôi vừa mới vào đã ôm chầm lấy nó. Người của Tú mát lạnh hệt như màn đêm, trái ngược hẳn với cái nóng hầm hập ở Pà Lặk này.
“Nhớp quá! Tránh ra!” Nó vùng vằng. “Lớn rồi. Giữ kẽ chút đi. Đừng có động chạm như vậy nữa.” Tú hất tôi xuống cái ghế sofa ọp ẹp rồi thuận tay rót cho tôi một ly nước trắng.
“Sao thế? Mắc cỡ à?” Tôi cố tình trêu nó bằng một cái nháy mắt, nhưng có lẽ tôi đã đùa vô duyên rồi.
Tú xụ mặt xuống. Hàng mày che khuất bầu trời sao của tôi. Nó khàn khàn hỏi. “Hai thằng kia kể mày nghe hết rồi phải không?”
“Chuyện gì mới được?” Tôi cố tình lảng tránh. “Tụi nó kể nhiều chuyện lắm. Vụ thằng Lý lợn bị đì môn toán ấy hả?”
“Vụ tao thích con trai ấy.” Tú thẳng thắn đến không ngờ. “Mày nghiêm túc chút đi.”
Tôi im lặng một lúc rồi mới ừ. Bản thân tôi hôm nay cũng chưa muốn nói đến việc này. Tôi muốn dỗ cho thằng Tú vui lên một chút đã rồi mới tìm dịp mà nói sau. Nhưng giờ thì chắc phải tới luôn thôi. “Tụi nó bảo mày thừa nhận mày… bê đê. Còn bảo mày hôn ông nào lớp mười hai nữa. Thiệt vậy không mày?”
Đến lượt Tú im lặng. Nhà nó không có ai nên nghe yên tĩnh vô cùng, đến nỗi còn nghe được tiếng quạt trần vù vù đều đặn và tiếng nhạc phát ra từ headphone của nó nữa. Đó là một bản nhạc tiếng Xoa mà tôi không biết tên mà cũng chẳng hiểu nghĩa.
“Ừ, người yêu cũ của tao.” Sau cùng, nó nói. “Mà cũng chẳng biết có tính là người yêu cũ không nữa. Tỏ tình xong là chia tay luôn.”
“Hả? Là sao?” Tôi chẳng hiểu gì cả.
“Thích thầm nhau cả năm trời rồi. Đến khi ổng tốt nghiệp lớp mười hai thì mới nói lời yêu.” Tú thở dài. “Kiểu như chỉ để cho nhau biết vậy thôi, chứ sau đó ổng phải tập trung ôn thi đại học. Giờ thì đã lên Thủ đô rồi. Chả biết có còn nhớ đến tao không nữa.”
“Dám đối xử với mày như vậy à?” Tôi sôi máu lên. “Sao mày không bảo với tao sớm một tiếng. Năm ngoái tao có lên Thủ đô với ba. Tao sẽ tìm và đập ổng một trận cho mày.”
“Mày trách người ta làm gì?” Tú lại thở dài. “Muốn trách thì trách cuộc sống ở đây quá khắc nghiệt. Không phải cứ muốn yêu ai thì yêu. Ổng thì tốt rồi. Tỏ tình xong liền cao chạy xa bay. Lên Thủ đô có yêu đương thế nào mà chẳng được. Còn tao thì kẹt lại đây. Giờ thì trở thành tội đồ. Ngày nào cũng ăn đập. Ngày nào cũng bị dè bỉu. Pà Lặk này đúng là một thị xã biết giết chết ước mơ của người ta.”
Giọng nó vỡ oà.
Sao lại sa trên đôi gò má.
Tôi lúng túng không biết phải làm gì. Mãi một lúc sau, tôi mới dè dặt đến bên cạnh nó. “Mấy thằng khốn nạn đó đánh mày thật à?”
Tú chẳng nói chẳng rằng, chỉ cúi đầu xuống sâu thêm. Vết bầm trên mặt nó thấp thoáng sau mái tóc bồng bềnh như mây.
Tôi lại càng bối rối, chẳng biết phải an ủi bạn mình thế nào. Tôi đã từng khuyên người ta đứng lên khi gặp điểm thấp, khi bị bố mẹ mắng, khi thất tình, nhưng chưa bao giờ dỗ ai là người đồng tính cả. Tôi cắn nát môi suy nghĩ phương án. Trong đầu chợt nghĩ đến một ý tưởng đần độn. Muốn an ủi ai thì phải cho họ sự đồng cảm. Đúng rồi, chính là sự đồng cảm!
“Ở Tân Hưng, tao quen nhiều bạn bê đê giống mày lắm. Tụi nó cũng bị trêu chọc hoài chứ gì. Không sao đâu mà!” Lời vừa thoát ra khỏi cửa miệng, tôi đã nhận ra ngay sự vô duyên thối tha ngu ngốc của mình. Không kìm lòng được, tôi tự vả vào miệng một cái đau điếng.
Ấy vậy mà lại có tác dụng. Thằng Tú đột nhiên phì cười. Nó liếc xéo tôi một cái rồi nói. “Chẳng ai đi khoe mình có nhiều bạn bê đê cả, thằng ngu ạ!” Rồi nó vỗ vai tôi. “Thôi, tao hiểu ý tốt của mày. Cả năm qua, tao cũng quen bị ăn hiếp rồi. Mày không cần để tâm. Chỉ cần… âm thầm làm bạn với tao như thế này cũng được. Tao cũng chẳng muốn mày bị liên luỵ vì tao đâu.”
Tôi định há mõm chó kiên quyết bảo sẽ bênh vực nó nhưng rồi cũng kịp ngậm mồm lại trước khi nói hớ. Chuyện tôi muốn bảo vệ nó là thật nhưng như thằng Duy và thằng Lý nói, tôi giúp nó tránh được vài trận đòn thì cũng có ích gì. Tôi có che chở cho nó được cả đời đâu. Tôi không muốn hứa với Tú những điều bản thân mình không chắc sẽ thực hiện được. Cho nó hy vọng rồi lại làm nó thất vọng bởi chính bạn thân của mình ư? Nếu tôi làm vậy thì tôi đi chết đi cho rồi!
Cuộc trò chuyện dần rơi vào câm lặng. Tôi đành nhìn quanh quất xung quanh tìm chủ đề để nói. Trên tường phòng khách ngoài ảnh của một ông người Xoa nào đó thì nơi nơi đều có treo tranh vẽ. Lúc thì hình hai con cá, lúc thì hình con dê trên núi, con dê tắm biển, trâu vàng thể thao, lại còn có cả mấy cái ngầu ngầu như bọ cạp hay sư tử đại chiến nhân mã nữa. Ở trên bàn vừa hay cũng có một bức tranh đang vẽ dở dang bằng bút chì. Hình như là tĩnh vật tả một cái bình nước kiểu Hy Lạp cổ, kế bên còn có một con cua.
“Mày vẫn thích vẽ tranh như trước nhỉ?” Tôi ậm ừ chuyển chủ đề. “Nhưng sao toàn trắng đen vậy? Không cho chút màu vào à?”
Tú bỗng trầm ngâm. Cây bút chì trên tay nó dường như chậm lại. “Chẳng phải thiên hạ đều muốn mọi thứ rõ ràng, trắng ra trắng, đen ra đen sao? Nếu cho màu vào thì tao sẽ vẽ ngôi sao màu đỏ và mặt trời màu xanh cho người ta tức chơi.”
Tôi bật cười lớn vì cái lý luận kỳ lạ của nó. Sau cùng, tôi hỏi. “Mày giờ chắc mê vẽ hơn mê học rồi hén.”
“Ừ, sau này tính thi vào kiến trúc.” Tú lơ đãng ngó qua mấy tác phẩm của mình trên tường. Ánh mắt của nó vẫn còn lấp lánh trong nắng trưa. “Còn nếu rớt thì học nghề để làm thiết kế đồ hoạ. Ngành đó đang hot đấy. Nói chung, miễn rời khỏi đây thì tao làm gì cũng được hết.”
“Kiến trúc thì biết rồi, nhưng thiết kế đồ hoạ là cái gì? Nghe hay hay…” Tôi làm bộ ngốc nghếch rồi quàng tay lên vai nó.
Thằng Tú như bắt được đài. Nó hí hửng quay sang tôi. Đúng lúc ấy, mũi hai đứa lại chạm vào nhau. Mắt nó nhìn thẳng vào mắt tôi. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng dài tựa trăm năm, tôi bỗng chìm vào vũ trụ đầy sao. Lấp lánh và huyền ảo. Bốn năm qua đi, tôi vẫn nhớ mãi đôi mắt sáng trong veo của Tú. Ở thành Tây Hưng ngột ngạt biết bao nhiêu. Nhiều lúc cô đơn ngó lên trời, tôi chẳng thấy được bạn của mình nữa.
Tú ấp úng gỡ tay tôi ra. “Thiết kế đồ hoạ là làm mấy cái như poster ca nhạc mà mày hay thấy ở mấy đại nhạc hội ấy. Rồi mấy cái ấn phẩm quảng cáo khác nữa. Đại khái vậy thôi. Bữa nào rảnh tao giải thích thêm…”
Tiếng bụng tôi kêu rột rột rõ to cắt ngang lời nó nói. Hai đứa tôi nhìn nhau rồi phì cười nắc nẻ. Tú hất cằm vào phía trong bếp. “Còn đồ ăn trong lồng bàn đấy. Mày vào xử luôn giùm tao đi.”
Nghe có đồ ăn, tôi liền bật dậy và phi thẳng xuống bếp. Ném lồng bàn sang một bên, tôi hít một hơi thật sâu xem có gì đang chờ đợi mình nào. Thịt ram và canh khoai tím. Món khoái khẩu của tôi. Trông còn nguyên như mới nấu vậy. Chẳng có dấu hiệu gì là đã có người ăn rồi cả. Tôi nghểnh cổ nhìn qua phía bồn rửa. Rõ ràng có một cái chén và một đôi đũa ở đó. Chẳng lẽ thằng Tú thật sự đã ăn rồi sao?
“Ê, mày ăn chưa thế? Xuống ăn với tao đi.” Tôi gọi với lên nhà trên.
“Tao ăn rồi. Mày cứ ăn tự nhiên đi.” Tú nói vọng xuống.
Ăn rồi ư? Tôi nhẹ nhàng bước ra nhìn lén nó. Thằng Tú đang cúi gập người tô tô vẽ vẽ bức tranh. Vẻ mặt lạnh lẽo đăm chiêu. Có lẽ tôi quá tập trung vào chuyện tình cảm của nó mà quên để ý rằng nó gầy đi rất nhiều so với hồi trước. Xem kìa. Tay chân nó cứ khẳng khiu như vậy. Thân hình cũng mảnh dẻ nữa. Mặc cái áo thun cộc tay mà như bơi trong lớp vải ấy vậy. Nhưng sao nó lại trắng thế nhỉ? Giữa cái nắng Pà Lặk này mà nó lại trắng tinh như một ngôi sao toả sáng ấy. Thật là không hiểu nổi…
“Ê Thiên, mày ngó tao làm gì đó?” Tú bỗng lớn tiếng vẫy vẫy tay.
Tôi giật mình. Hoá ra nãy giờ tôi ngắm nó đến thất thần mà không biết. “À, có gì đâu. Tao đang xem mày vẽ cái gì thôi.”
Thằng Tú nhướng mày tỏ vẻ khó hiểu rồi bảo. “Có nguội quá không thì tao hâm lại cho.”
“Không cần. Tao dễ ăn lắm.” Tôi cười xoà khoát tay. “Mày không muốn ăn với tao thật à?”
“Thôi, tao ăn đủ rồi.” Tú ngó lơ. “Mày thương tao thì ăn hết luôn giùm tao nhé, mất công tao lại phải đi phi tang thì uổng lắm.”
Vẫn như xưa.
Ba thằng Tú bỏ mẹ con nó đi từ lâu rồi. Mẹ nó một mình vừa làm quần quật vừa nuôi nó nên ít khi có nhà. Bả đóng đô ở trên xí nghiệp huyện luôn. Ngày nào nó cũng dậy từ sớm rồi tự chuẩn bị cơm canh. Nhiều khi một tuần bả chỉ về nhà được cuối tuần. Thằng Tú thui thủi một mình từ bé. Ăn cũng tự ăn. Ngủ cũng tự ngủ. Học cũng tự học. Nó cô đơn đến mức quen luôn rồi nhưng tôi biết nó chẳng thích ăn một mình. Đến bữa nó chỉ nhai mấy miếng cho có gọi là rồi thôi. Nó cũng chẳng đòi hỏi mẹ nó cái gì. Bả thì dành dụm được tiền cũng lâu lâu mua cho nó cái này cái kia để nó không mặc cảm với bạn bè nhưng có lẽ cái mà nó cần nhất thì bả lại không cho nó được.
Đôi khi chỉ là ăn cơm cùng nhau thôi.
Nghĩ là làm. Tôi trộn hết thố cơm vào tô canh khoai tím rồi ném luôn mấy khúc sườn ram vô. Tất cả đem trộn lên thành một hỗn hợp vừa cơm vừa canh vừa mặn. Xong xuôi đâu ra đấy, tôi bê cái tô lên ngồi cạnh Tú mà đớp ngon lành mặc dù đồ ăn nguội lạnh như đồ cúng vậy.
“Trời, mày vẫn không thôi cái kiểu ăn dở hơi cám lợn đó hả?” Tú nhăn mặt thè lưỡi.
“Ai biểu mày không xuống ăn với tao?” Tôi cười hằng hặc. “Tao mang lên ngồi ăn với mày vậy.”
Thằng Tú nhìn cái thứ hổ lốn tôi ăn mà lắc đầu nguầy nguậy. Rồi nó cũng quay lại vẽ tiếp bức tranh của nó, nhưng lúc này trên môi đã nở một nụ cười. Căn nhà bất giác cũng ấm áp lên rất nhiều.
***
Tôi về đến nhà là cũng gần nửa đêm rồi. Bụng tôi ngoài rượu ra thì rỗng không. Cả căn nhà ngoài khí lạnh ra thì cũng rỗng không. Quăng vội cái cặp lên ghế sofa, tôi ghé qua căn bếp sạch boong kin kít của mình rồi mở tủ lạnh lấy một chai nước khoáng mà tu ừng ực. Ngoài nước khoáng ra, tủ lạnh này chẳng còn gì nữa cả. Một khúc sườn để ram, một củ khoai để nấu canh cũng chẳng có.
Tôi đánh răng súc miệng qua loa rồi vào phòng ngủ. Đèn cũng chẳng thèm bật. Quần áo cũng không buồn thay. Cứ thế, tôi đổ rạp xuống giường. Cứ nghĩ rằng giấc ngủ sẽ ập đến rất nhanh nhưng rốt cuộc lại tỉnh như sáo. Thế nhưng tôi cũng chỉ nằm ì ra đấy, không thèm cử động hay trở mình gì cả. Vì tôi biết rốt cuộc thì nó cũng sẽ phải chủ động thôi.
Quả vậy, chỉ mấy phút sau, Tú đã đưa tay qua ôm chầm lấy tôi. Nó thì thầm vào tai tôi. Giọng nói như xa như gần. “Sao mới ngày đầu tiên đi ra mắt công ty mà đã uống rượu say đến như vậy? Lỡ làm chuyện gì mất điểm trong mắt sếp và đồng nghiệp thì sao?”
“Tao không lo được nhiều đến thế.” Tôi cáu kỉnh. “Với lại hôm nay, tao không có đi với công ty nhé. Tao đi uống một mình.”
Tú hơi ngạc nhiên. Trong bóng tối tôi vẫn thấy được đôi mắt tinh anh của nó đang nhìn chòng chọc vào mình như dò xét.
“Tao gặp thằng Nhật.” Tôi thở hắt ra. Toàn là mùi tekila và mùi trái chanh chua lè ấy. “Không ngờ nó lại làm chung công ty với tao. Trái Đất này đúng tròn luôn. Mày xem có tức không?”
Thằng Tú vẫn trưng ra bộ mặt khó hiểu. Nó nằm dịch vào gần tôi một chút. Thế này khiến tôi thấy dễ chịu hơn một chút. Thật ra, đây chính là những gì tôi cần. Đi làm về được nằm trọn trong vòng tay nó, được nó ôm ấp vỗ về, thi thoảng lại hát cho nghe. Tôi chỉ cần có thế thôi. Ấy vậy mà bóng ma quá khứ vẫn cứ phải quay lại…
“Tao đã muốn bắt đầu một cuộc sống mới, không dính dáng gì tới Pà Lặk nữa rồi!” Tôi nói như sắp khóc đến nơi. Giọng vỡ cả ra eo éo không khác gì bọn con gái bên team HR.
Đột nhiên, điện thoại tôi rung lên báo một tin nhắn mới. Mệt mỏi, tôi lẩm bẩm một câu chửi thề rồi lôi con dế trong túi quần ra xem. Người gửi là Lớp Trưởng. Lướt qua nội dung, lần này tôi chửi thề thật chứ không thèm nén lại nữa.
“Mấy chị nói mày đi làm sớm lắm. Hèn gì tao thấy xe mày kế xe tao ngay trong hốc luôn. Mai tao qua đón mày đi làm luôn nhé.”
Tôi vứt điện thoại qua cái bàn đầu giường rồi mò mẫm cắm sạc pin. Mười hai giờ hai phút rồi. Vậy là tôi chỉ còn khoảng ba tiếng hai phút nữa để ngủ. Tôi cuộn tròn người, rúc sâu vào lòng thằng Tú, tập trung cảm nhận làn da mát như gió đêm của nó. “Mẹ bà, lo chuyện ruồi bu. Ai cần nó đón đưa chứ? Chắc tao tàn tật rồi!”
“Mày nói câu đó mà không thấy quen hả Thiên?” Tú nói như đang cười. Đầu ngón tay mảnh khảnh lướt vào mái tóc ướt đẫm mồ hôi của tôi.
“Ý mày là sao?” Tôi nhăn nhó cựa quậy. Cơn buồn ngủ đến quá bất chợt.
Tú thở dài một cái rồi điềm tĩnh đáp. “Chẳng phải hồi đó cũng có một thằng cũng nằng nặc đưa đón tao đi học hàng ngày đấy sao?”
Tâm trí tôi khẽ dao động như một mặt hồ. Ánh đèn sạc màu xanh lá cây toả khắp phòng kéo tôi về lại với căn nhà có cổng cùng màu vào đúng ngày hôm ấy.
***
Tôi ợ một phát rõ to, đặt cái tô vét sạch sành sanh xuống bàn đánh cạch một tiếng rồi hùng hồn thông báo. “Thôi, tao về đây.”
“Hừm, đến nhà tao ăn no rồi về liền vậy đó hả?”Thằng Tú liếc tôi sắc lẻm. Trên cái TV sọc sọc lúc màu lúc không vẫn đang phát chương trình thời sự. Chắc nó nghĩ tôi chán.
“Ờ, chứ để mẹ tao lo.” Tôi vội viện cớ. “Chả biết hai thằng đụt kia có đem cặp tao về chưa nữa.” Tôi móc cái điện thoại Mokie đời mới trong túi ra để kiểm tra tin nhắn nhưng rốt cuộc lại chẳng có gì.
“Vậy mày về đi. Tao gửi lời hỏi thăm hai bác nha.” Tú liền đứng dậy. “Bữa nào tao ghé nhà chào hai bác một tiếng.”
“Chỉ có mày mới ngoan vậy thôi.” Tôi tự hào vỗ vai nó. Rồi tự nhiên sực nhớ đến mục đích chuyến đi này của mình, tôi hồ hởi thì thầm. “Ê, chiều nay qua luôn đi. Tao với mày đi xem phim rồi ra chợ ăn tào phớ. Giống như hồi trước á.” Tôi cười hềnh hệch vô cùng khoái chí. Chắc chắc thằng Tú sẽ xiêu lòng và vui lên cho mà xem.
“Xem phim? Xem phim ở đâu cơ?” Phản ứng của nó trái ngược với những gì tôi nghĩ. Nó nhướng mày tỏ vẻ khó hiểu.
“Ơ, thì ở cái rạp ngoài quảng trường đấy. Ở Pà Lặk này còn chỗ nào xem phim được hả?” Tôi chống nạnh lên.
“Trời, tao tưởng qua nhà mày xem trên TV màn ảnh rộng tinh thể lỏng gì đó chứ. Tao xem cái TV thùng xài ăng-ten của tao đến chán rồi nè.” Thằng Tú trưng ra vẻ mặt thất vọng. “Cái rạp đó dẹp tiệm từ lâu rồi. Sau khi mày đi mấy tháng thì phải.”
“Ủa sao vậy?” Tôi có thể nghe được tiếng kế hoạch của mình nức ra răng rắc.
“Thì ế quá chứ sao?” Tú nhún vai. “Dân ở đây không chuộng phim Tây. Người ta đọc phụ đề còn không kịp. Thế là phải dẹp thôi.”
“Trời! Uổng quá!” Tôi chép miệng. “Vậy thôi đi ăn tào phớ cũng được. Nha nha nha.” Tôi nhe răng ra cười khả ố. Chiêu này chưa bao giờ thất bại cả.
Thằng Tú cũng cười khi thấy bộ dạng đó của tôi. Nó gật gật đầu. “Chiều tao làm bài tập xong thì qua kiếm mày.”
“Ờ, vậy nha. Mày hứa rồi đó. Tao về đây!” Tôi cao hứng nói.
Lúc ra khỏi nhà, tôi nghe loáng thoáng trên TV đang phát tin tức gì về một nghệ sỹ người Xoa vừa mới tự sát vì thất tình. Tôi chẳng quan tâm lắm nên cứ một mạch dắt xe ra cổng. Thằng Tú cũng theo tiễn tôi. Trước khi về, tôi lấy hết can đảm mà quay sang nó và nói rành mạch từng chữ. “Tú nè, tao với mày bị cướp đi mất bốn năm nhưng như vậy không có làm sao hết. Tao vẫn là bạn của mày y hệt ngày trước thôi. Đừng nghĩ chỉ mình mày thay đổi. Tao cũng đâu có giống như trước đây hoàn toàn. Giờ đẹp trai hơn rồi, đúng không?”
Thằng Tú phì cười nhưng không nói gì. Ánh mắt nó vẫn cứ buồn buồn thế nào ấy mỗi khi tôi nhắc đến chuyện bốn năm hay chuyện bạn bè. Niềm tin của nó chắc đã lung lay mòn vẹt đi nhiều lắm. Tôi sẽ phải giúp nó lấy lại niềm tin thôi.
“Ngày mai… À không, mỗi ngày luôn! Tao sẽ qua chở mày đi học nhé!” Tôi nhướng mày đề nghị, cố bày ra gương mặt đáng tin cậy nhất có thể.
“Chi? Tao đâu có tàn tật.” Thằng Tú đáp. Mặt hơi nhăn lại.
Tôi chợt có cảm giác mình đã cố gắng quá nhiều nhưng đâm lao thì phải theo lao. Đã đề nghị rồi mà đổi ý thì thể nào nó cũng nghĩ mình nói điêu cho mà xem.
“Không đùa nhé! Tao muốn đưa đón mày mà!” Tôi vỗ ngực. “Nhà hai đứa gần nhau. Đi một chiếc thôi cho tiện.”
“Không cần đâu! Thật đấy!” Tú lại thoái thác. Mặt nó trông khó xử thấy rõ.
Tôi thì khác. Tôi chẳng cho nó cơ hội từ chối nữa. “Thế nhé. Chiều nay, tào phớ. Mỗi sáng, chở đi học. Ngoan, nghe lời tao đi!”
Rồi tôi phóng lên xe chuồn thẳng. Ở đằng sau vẫn nghe tiếng nó gọi với theo. “Ê cái thằng này!”
Tôi tủm tỉm cười. Gió Pà Lặk vẫn nóng hổi như thế nhưng ít nhất bây giờ tôi đã biết rằng vẫn có những thứ không hề thay đổi. Như đây này. Hồi nãy đi nhanh quá không để ý. Giờ mới thấy vệ đường xi măng đầu hẻm mười hai vẫn còn in dấu khắc tên của hai đứa tôi đây này.
Thiên + Tú
Ái dà, nét chữ nguệch ngoạc thấy mà ghê. Hồi đó bọn tôi mấy tuổi nhỉ? Nhiều khi là lúc mới biết viết quá. Mà đứa nào là đứa khắc vậy ta? Cái nét gạch dọc của dấu cộng viết ngắn quá, nhìn sơ qua còn tưởng dấu gạch nối luôn ấy chứ.
Buồn cười thật!
DIÊM VƯƠNG TINH: Hành tinh của bí mật và góc khuất sâu kín.