THUỶ TINH
Tôi trân mắt nhìn thằng Tú ngồi ghế đá gặm bánh mỳ một cách vô hồn. Bây giờ là sáu giờ hai mươi lăm phút sáng. Tôi đã cố tình đến nhà nó thật sớm để hốt nó đi. Vậy mà khi ghé qua thì cửa đã đóng, then đã cài, khoá cũng đã chốt ngoài. Không tin vào mắt mình, tôi gân cổ lên gọi nó chắc cũng chục lần. Rốt cuộc còn bị bà Vui “công an khu vực” kế bên chửi xơi xơi vào mặt vì tội mới sáng sớm đã làm phiền chòm xóm.
“Nó đi học từ lâu rồi! Gọi cái quần gì mà gọi hoài! Mắt mày đui hay sao mà không thấy cái khoá chình ình ở đó hả?” Giọng bà Vui the thé như khoan vào tai. Tôi chẳng biết bả “vui” chỗ nào.
“Dạ, con xin lỗi bác.” Tôi vờ đóng vai con ngoan trò giỏi. “Vậy bác có biết thằng Tú đi lúc nào không ạ?”
“Ai mà nhớ đâu? Nó đi sớm lắm. Có nhỏ nào qua đón nó đó!” Bà Vui khoát tay trả lời cho xong rồi chui ngược lại vào cái nhà tối tăm của bả, bỏ lại tôi đứng tẩn ngẩn tần ngần.
Nhỏ nào qua đón nó sao?
Tôi siết chặt lấy tay lái. Bụng dạ chợt nhộn nhạo vì một thứ cảm giác lạ lùng chẳng thể gọi tên, nhưng nó khiến tôi khó chịu, vô cùng khó chịu. Đứng ngẫm nghĩ cũng chả được tích sự gì, thế nên tôi phóng xe đến trường. Lát nữa phải hỏi cho ra lẽ mới được. Cái thằng này bây giờ học đâu ra cái thói dám cho tôi leo cây thế này. Tao bắn đi bạt mạng. Cán qua cả cái tên của hai đứa khắc trên vỉa hè. Pà Lặk hôm nay nóng kinh khủng. Cả người tôi ướt đẫm mồ hôi. Lửa trong lồng ngực cứ bốc lên từng cơn hầm hập.
“Tú!” Tôi quát lên ngay sau khi bước ra khỏi bãi gửi xe đạp. “Mày xù kèo với tao hai lần rồi đó. Tại sao sáng nay bỏ tao đi học trước? Cả chiều hôm qua cũng viện cớ làm bài rồi không đi với tao nữa. Mày muốn gì hả?”
Thằng Tú không vội đáp lời tôi. Nó bỏ ổ bánh mỳ cắn dở được vài miếng xuống rồi cúi gằm mặt. Hàng mày chau lại che đi hai ngôi sao lấp lánh. Nhưng lúc ấy, cái thái độ im lìm đó của nó lại càng khiến tôi điên tiết hơn.
“Sao không nói gì hả? Mày khinh tao à?” Tôi sấn sổ tới, thô báo tát một cái vào đầu nó. “Mày chỉ biết cúi đầu câm nín như thế này thôi phải không? Lúc bị tụi kia ăn hiếp, mày cũng im re như vầy chứ gì? Sáng nay mày đi với con nào? Mày nói tao nghe xem! Tính núp váy nó hay gì?”
Thằng Tú vẫn không cất lời. Tôi cũng đành đứng đó phì phò nhìn nó. Đến lúc này, tôi mới để ý thấy đôi vai gầy gò của nó đang run lên, làm chấn động cả tâm trí tôi. Như bừng tỉnh lại khỏi cơn thịnh nộ, tôi chợt nhận ra những điều ngu si mình vừa phun ra cửa miệng.
“Ê mày, sao lại khóc rồi?” Tôi xoa xoa đầu nó, ngay chỗ lúc nãy tôi vừa mới táng vào. Bụng dạ tôi lại nhộn nhạo ứa lên cái cảm giác đắng ngắt trì đè trái tim. Tại sao tôi lại ngốc nghếch đến vậy? Tại sao còn chưa nghe nó nói câu nào mà đã nhảy vào buộc tội nó? Thằng Tú gầy yếu như vậy, khổ sở như vậy đã bao lâu rồi mà tôi còn hoạnh hoẹ nó đủ điều. Vốn dĩ ban đầu còn định “hỏi tội” thằng Tú, thế mà giờ kẻ có tội lại là tôi.
“Nè… Tao xin lỗi mà… Mày đừng khóc nữa…” Tôi luồn tay xuống quệt má nó. Dòng nước mắt ướt đẫm nóng hổi ràn rụa tèm lem trên mặt, thế nhưng nó chẳng hề nấc một tiếng nào, cứ như đang cố nuốt đau đớn vào lòng vậy. Theo bản năng, tôi ôm lấy đầu nó, áp mặt nó vào bụng mình, chỉ mong xoa dịu đi những uất ức mà Tú đang phải hứng chịu.
Nhưng nó lại đẩy tôi ra. Đột ngột như thế. Dứt khoát như thế. Cứ như tôi là một thứ ung nhọt gì đó ghê tởm lắm vậy.
“Tao không cần mày tội nghiệp.” Bây giờ thì nó nấc lên đến lạc cả giọng. Mắt nó đỏ hoe ầng ậng nước. “Mày đi ra đi!”
“Tại sao?” Cơn giận trong tôi bất chợt lại bùng lên như thổi lửa. Rốt cuộc tôi đã làm gì sai? Tử tế với nó, cố gắng bảo vệ nó cũng là một cái tội sao? “Tao có làm gì mày đâu mà kêu tao tội nghiệp mày? Chở mày đi ăn, đi học thôi mà sai trái dữ vậy hả? Mày bị cái quái gì vậy?”
Thằng Tú vẫn hưng hức lên đến run cả người. Ổ bánh mỳ trên tay nó bị bóp đến sắp nát ra. Nó nhìn thẳng vào mắt tôi rồi rống lên thảm thiết. “Tao không có rảnh chơi mấy trò này với mày đâu. Đừng tự cho mình là người tốt nữa! Tao không cần! Mày đi đi!”
“Mày điên rồi! Ai rảnh mà chơi gì với mày?” Tôi lồng lộn lên.
“Tụi mày ban đầu nói thì giỏi lắm, nhưng rồi ai sẽ chịu ở lại cạnh tao?” Thằng Tú nói nhăng nói cuội cái gì tôi chả hiểu. “Ai bỏ tao giữa đường cũng được, nhưng mày thì không. Tao thà bầm dập còn hơn thấy mày rút lui…”
Tôi nhướn mày lên. “Ai bỏ mày giữa đường? Ai rút lui? Không hiểu gì hết! Mày nói điên nói khùng mà còn nói to. Người ta dòm mày kìa.” Tôi lấy ngón tay dứ dứ vào mặt nó.
“Phải! Tao điên khùng vậy đó! Mày cút đi!” Tú hung hăng xô tôi một cái. “Đỡ cho người ta nói này nói nọ mày. Dây vào tao đi rồi biết!”
Tôi ngoạc mồm định chửi lại nó mấy câu nhưng lúc ấy thằng Duy, thằng Lý đã tới cản tôi lại. Chúng nó dùng sức kéo tôi ra, đồng thời cũng luôn mồm khuyên nhủ.
“Kệ đi, kệ đi! Tao bảo mày rồi! Nó không chịu để ai đến gần đâu. Mày có cố cũng chăm được cho nó cả đời à?” Thằng Duy vừa xoa lưng vừa giữ chặt tay tôi.
“Đi thôi! Mấy đứa kia dòm quá trời kìa! Lát giám thị tới là phiền lắm đó.” Thằng Lý cũng đốc vô. Một tay nó giữ lấy tôi. Tay còn lại vẫn nắm chặt bịch xôi không buông.
Nghe lời nó, tôi liếc mắt dòm quanh. Quả thật mấy đứa học sinh nhiều chuyện đã tụ tập lại thành vòng tròn mà chỉ trỏ xì xầm. Tôi bỗng chột dạ. Cả người đang căng cứng liền mềm nhũn ra. Tôi muốn giúp thằng Tú thật nhưng đến mức gây náo loạn như vầy thì tôi xin kiếu. Tôi chỉ mới quay lại trường thôi nên chẳng thể nào chịu được ánh mắt tọc mạch và cái kiểu cười khinh khỉnh của tụi nó.
“Thôi đi vậy…” Tôi thở ra một câu sau chót, ngoảnh mặt nhìn thằng Tú lần nữa rồi theo chân tụi Duy - Lý vô căng tin.
Đi được một đoạn, tôi nghe có tiếng cười cợt huyên náo ở phía sau nên quay lại nhìn. Ba bốn thằng lớp bên đang bao vây lấy thằng Tú. Chúng nó nói cái gì mà “cãi nhau với bạn trai rồi sao?” sau đó còn hất bánh mỳ của thằng Tú xuống đất. Đến khi tụi nó nắm áo Tú lôi đi thì tôi chẳng thể chịu được nữa. Đang tính dí theo để đập lũ du côn ấy một trận thì thằng Duy, thằng Lý lại nắm chặt lấy tôi.
“Mày, Thiên, tao lạy mày luôn đó!” Duy nhăn nhó như con khỉ. “Mày kệ nó đi. Đây cũng không phải chuyện ngày một ngày hai. Thằng Tú nó bị vậy cả năm trời rồi chứ có phải ít đâu.”
“Mày dây vào chỉ tổ nát bét ra thêm thôi.” Lý eng éc nói. “Mày nghĩ tụi kia sẽ tha cho cả mày lẫn thằng Tú hả? Tao chỉ sợ đến lúc đó, đến mày cũng sẽ phải chịu chung số phận với nó thôi. Mày muốn bị cả trường này chửi bới sỉ nhục sao?”
Đôi chân tôi như đông cứng lại. Quai hàm tôi ngạnh ra như cắn phải sắt đá. Sâu trong thâm tâm, tôi biết mình nên làm gì đó và phải làm gì đó. Nhưng rốt cuộc, tôi cũng chỉ đứng ì một chỗ nhìn thằng Tú bị bọn kia lôi đầu vào nhà vệ sinh.
“Ê, đi đâu đó?” Có mấy đứa đi ngang hỏi lũ côn đồ.
“Đi dạy cho thằng bê đê này một bài học.” Bọn chó đó cười sằng sặc lên. “Dám cãi nhau với chồng ngay giữa sân trường nè. Mày coi nó có còn biết nhục không?”
Nghe câu ấy, tôi lờ mờ nhận ra vì sao thằng Tú không muốn tôi đến gần nó. Nhưng càng biết rõ thì tôi lại càng căm hận chính mình, càng biết rõ thì chân tôi lại càng không thể nhấc. Bọn khốn đó chưa gì đã gọi tôi là “chồng” thằng Tú rồi. Nếu như tôi ra mặt…
Tôi nuốt khan.
Ổ bánh mỳ của Tú nằm im lìm trên mặt đất, be bét nát bấy vì bị giẫm đạp.
***
“Ôi xin lỗi!” Tôi luống cuống cúi đầu trước người mình vừa mới đụng vào. Chỉ vì tôi bất cẩn mà ổ bánh mỳ của anh ta đã rơi xuống đất.
“Mày hay nhỉ? Tối qua không trả lời tin nhắn của tao. Sáng nay không để tao qua đón đi làm chung. Giờ còn hất đổ đồ ăn sáng của tao nữa.” Người đó trách cứ bằng một giọng bông đùa như thể chẳng có gì to tát.
Tôi giật mình ngẩng đầu lên. Thằng Nhật lại trưng ra cái vẻ mặt sáng ngời ông mặt trời khó ưa của nó. Cái kiểu đẹp trai, yêu đời với nụ cười tươi rói ấy khiến người đối diện vô cùng lúng túng. Bực mình! Đã cố tình đậu xe chỗ khác rồi mà vẫn đụng phải nó. Tôi tặc lưỡi lảng tránh. “Sớm nay bên thiết kế phải họp rồi. Để lúc sau nói chuyện nha.”
“Ấy, khoan đã!” Thằng lì lợm này lại sấn đến trước mặt tôi. Bảy giờ kém hai mươi. Tôi liếc nhìn màn hình điện thoại. Đần vẫn hoàn đần. Họp hành gì giờ này chứ?
“Chuyện gì?” Tôi nhăn nhó hỏi.
“Chuyện tối qua… Mày đừng để bụng mấy nhỏ bên phòng tao nha.” Nhật mỉm cười nhẹ nhàng. “Tao phê bình tụi nó rồi. Mấy nhỏ này vẫn hay thích gán ghép người ta vậy đó mà.”
“Gán gì thì gán, đừng có phiền đến tao.” Tôi lấy cù chỏ gạt thằng trưởng phòng ấy qua một bên. Đúng là những đứa “con nhà người ta”. Khi xưa thì làm lớp trưởng, học sinh giỏi nhất trường, giờ thì trưởng phòng Nhân Sự.
“Rồi rồi! Đừng có bực!” Nhật đưa hai tay lên đầu hàng. “Gớm! Cũng có phải tao tự ghép đâu. Cớ gì trút giận lên tao thế?”
Tôi liếc nó. Học giỏi cho lắm vào mà vẫn không nhận ra tâm ý người khác. Tôi rõ ràng đã không muốn nói chuyện, không muốn dính dáng gì đến nó rồi mà Nhật vẫn cứ lờ đi như không biết. “Vậy chứ mày đòi qua đón tao làm cái mẹ gì? Tính để cả công ty bàn tán hả?”
“Không phải mà…” Nhật cười trừ và nhấn nút gọi thang máy. Cả hai đứa đều đi làm sớm nên thời gian chờ thang rất ngắn. Thoáng cái đã xuống đến hầm B3. “Vì tao thấy nhà mày xa công ty nên muốn ghé qua cho mày quá giang. Tao có ô-tô rồi. Với lại… cũng muốn hỏi thăm tình hình mày chút. Tối qua chưa kịp…”
“Khoan đã!” Tôi giật nảy mình, trợn mắt há mồm nhìn thằng bạn đáng ngờ. “Làm sao mày biết nhà tao xa công ty?”
“Trời, tao là trưởng phòng Nhân Sự mà mày.” Nhật nháy mắt. “Hồ sơ của mày dĩ nhiên tao phải đọc qua rồi chứ.”
Tôi lườm lườm dòm nó. Cảm giác chỉ có một mình mình đứng chung với Nhật trong không gian kín và hẹp như thế này thật sự rất khó chịu. Tôi gầm gừ một câu đe doạ. “Tao cấm mày rình rập hay đến nhà tao đấy!”
Nhật nhún vai, gật gật đầu. Cái bản mặt nó cứ cà rỡn trông đến là tức mình. Cũng may, tiếng “keng” báo hiệu thang máy đã đến nơi cuối cùng cũng vang lên. Cửa vừa mở là tôi liền lách mình chui ra ngay.
Văn phòng trống không chẳng có một người. Các cô tạp vụ còn chưa mở hết đèn và điều hoà lên nữa. Tôi rùng mình khó chịu khi nghĩ đến chuyện chỉ có nó và tôi ở đây nên lẹ làng định rẽ về phía phòng Marketing.
Chợt, thằng Nhật chụp lấy tay tôi kéo lại. Nó nở một nụ cười lưu manh khi thấy thái độ phòng thủ rõ rành rành đang hiện ra trên mặt tôi. “Mày lại muốn gì nữa đây?” Tôi cau có hỏi.
“Trưa nay đi ăn chung nhé.” Nó tự dưng thì thầm. “Có vài điều muốn hỏi mày.”
“Không rảnh! Bên thiết kế nhiều thứ phải làm lắm!” Tôi hất nó ra. “Hôm qua tao lỡ làm chị Vi bực mình rồi. Thể nào hôm nay cũng bị giao cả đống việc cho coi.”
“Không lo vụ chị Vi.” Nhật nháy mắt nghịch ngợm. “Tao kiếm cớ giải thích giùm mày rồi. Yên tâm, lần này tao hy sinh đóng vai ác. Với lại, sau bữa tiệc hôm qua, tao nghĩ chị Vi chẳng có tâm trạng trách phạt bất kỳ ai đâu.” Nói xong, nó nhoẻn miệng bỏ đi.
Tôi chẳng hiểu mô tê gì cả. Tại sao thằng Nhật lại phải giải thích giùm tôi? Tại sao nó lại phải nhận lỗi về mình? Tôi gây hấn với người ta thì liên quan gì đến nó chứ? Mới sáng ra mà đã nhức đầu rồi… Tôi khổ sở tự đi pha một tách cà phê rồi về chỗ khởi động máy tính. Bây giờ là sáu giờ năm mươi. Vẫn còn cả tiếng nữa các anh chị khác mới đến. Dân thiết kế nổi tiếng đi trễ và về còn trễ hơn…
Trên tinh thần sớm muộn gì cũng bị chị Vi phạt nên tôi đem hết tất cả những sản phẩm thiết kế ra tự mình chỉnh sửa lại trước một lượt. Trong đầu vừa làm vừa nghĩ xem nên xin lỗi chị trưởng nhóm thế nào. Tới tới lui lui một hồi cũng đã đến ly cà phê thứ năm. Lui lui tới tới một lúc nữa thì chị Vi và chị Trang đến.
Tôi quyết định đóng vai một nhân viên mẫn cán, chủ động trong công việc, và có trách nhiệm với hành vi của mình nên nhanh nhảu lên tiếng. “Morning chị Vi! Hôm qua em…”
Còn chưa kịp nói hết câu thì bà chị ấy đã phá lên cười sằng sặc rồi vỗ vỗ lên vai tôi. “Không sao. Không sao. Chị hiểu. Chị hiểu mà. Thằng Nhật hồi đó nó trẻ người non dạ. Chuyện qua rồi. Giờ hai đứa làm lành đi ha. Ngoan, chị Vi thương lắm á!” Lúc nói mấy câu vừa mắc ói vừa khó hiểu đó, bả còn nựng má tôi rồi vừa hát vừa vào chỗ ngồi. Cái dáng lùn tịt như chim cánh cụt đánh qua đánh lại trông yêu đời đến lạ.
Giờ đến lượt tôi kéo bà Trang ra một góc mà thì thầm. “Chuyện gì vậy Trang? Hôm nay bà Vi thấy lạ lạ nghen.”
“Trùi ui, ly kỳ lắm! Tối hôm qua Thiên không đi là một sai lầm!” Đến lượt bà chị này xuýt xoa. “Cuối cùng thím Vi nhà ta cũng tìm được chân ái của đời mình.”
“Thiệt vậy hả chị?” Tôi trố mắt ra.
“Ờ, tự dưng hôm qua lúc tiệc tàn rồi, mọi người đang ngồi uống rượu kể chuyện em với Nhật.” Rồi tự nhiên chị Trang đánh lên vai tôi một cái. “Thằng Nhật nó theo đuổi em cũng là chuyện hồi xưa rồi. Em với nó cũng đã nói rõ với nhau. Có gì đâu mà giận dai đến vậy? Đi ăn một bữa thôi mà làm thấy ghê!”
Giờ thì tôi đã hiểu ra thằng Nhật chọn đóng vai ác là như thế nào. Nó lại còn dám bịa ra chuyện như vậy nữa chứ. Nhưng thôi, tôi chẳng buồn quan tâm đến nó. Vẫn có vụ khác hấp dẫn hơn. “Rồi bà Vi làm sao? Kể tiếp đi chị?”
“Xong có ông chú kia tới xin cụng ly với bả nha mày!” Chị Trang bụm miệng cười nắc nẻ. “Nói ông chú thì kỳ quá. Người ta chỉ hơi lớn tuổi thôi. Cũng phong độ lắm. Chị dòm mặt bà Vi là chị biết bả mê liền rồi.”
Cứ thử tưởng tượng cái mặt ó đâm của bà Vi chuyển sang trạng thái chết mê chết mệt ngây dại ra vì trai, lại thêm hơi men nữa là tôi lại không nhịn được cười. “Rồi sao nữa? Chị làm em tò mò quá! Chắc phải ô kê lắm nên sáng nay tinh thần mới vui dữ vậy nè.”
“Chứ sao? Ổng xin vô ngồi chung bàn. Thì ra cũng là Giám đốc Nhãn hàng một công ty gần chỗ toà nhà mình luôn nên nói chuyện càng hợp. Trưa nay còn rủ đi ăn chung nữa.” Trang hí hửng hạ thấp giọng. “Xong rồi hai người thử chơi cái trò tìm bạn tri kỷ ấy. Ra đáp án y chang nhau, mười trên mười câu luôn. Em biết trò này không?”
“Dạ… biết…” Tôi yếu ớt trả lời. Giọng của Trang mỗi lúc một nhạt nhoà đi. Tìm bạn tri kỷ ư? Ngày hôm đó, tôi cũng đã chơi trò ấy cùng với Tú.
***
Bây giờ là mười một giờ trưa. Tiết học cuối cũng đã gần kết thúc. Tôi thầm nguyền rủa ai lại đi xếp môn Giáo dục Công dân vào cái giấc này. Buồn ngủ kinh khủng luôn.
Ấy vậy mà thằng Tú ngồi kế bên tôi vẫn im lìm nhìn thẳng lên bảng như một bức tượng. Tóc nó loà xoà che đi phần nào cái vết bầm mới, nằm ngay dưới vết bầm ngày hôm qua. Cứ có giáo viên nào hỏi, nó đều khai rằng bị té. Tôi chẳng biết người lớn họ nghĩ thế nào nhưng tôi thì thấy nghe chẳng thuyết phục gì cả. Suốt cả năm qua, chẳng lẽ ngày nào nó cũng té ngã sao.
Vốn dĩ là họ không quan tâm…
“Được rồi, các em nhớ bài nhé.” Cô Tâm cao giọng lên. Thói quen này của cô vẫn không đổi từ hồi cô dạy chúng tôi hồi lớp sáu. Khi tóm tắt lại những điểm quan trọng trong bài, cô sẽ lớn tiếng để gọi những đứa ngủ gục thức dậy cùng nghe. “Tam quan gồm có những gì nào?”
Cả lớp ê a đồng thanh trả lời như học lớp một. “Thế giới quan. Nhân sinh quan. Giá trị quan.”
“Đúng rồi!” Cô Tâm hài lòng mỉm cười. “Tam quan bất hợp thì sẽ mãi như hai đường thẳng song song, chẳng bao giờ gặp mặt. Dù có ngày giao nhau thì cũng sớm chia lìa. Tam quan hoà hợp thì có thể cùng nhau bước chung trên đường đời. Làm bằng hữu, làm bạn đời, làm tri kỷ.”
Chẳng biết vì sao tôi lại liếc qua nhìn Tú. Bất ngờ thay, sau cả ngày bất động, nó cũng liếc nhìn tôi. Ánh mắt cả hai đều bối rối và nhanh chóng rời đi.
Ngưng lại một chút, cô Tâm xem đồng hồ đeo tay rồi vui vẻ nói. “Bây giờ vẫn còn gần mười lăm phút nữa, chúng ta sẽ chơi một trò chơi nhỏ tên là ‘tìm bạn tri kỷ’ nhé. Cô sẽ viết mười câu hỏi lên bảng. Các em sẽ bắt cặp với bạn kế bên mình. Mỗi em viết câu trả lời của chính mình vào giấy và giữ đừng cho bạn mình hay. Sau khi trả lời xong, các em sẽ so sánh câu trả lời với nhau. Xem xem người bạn kế bên mình có giống mình không nhé.”
Cả lớp bỗng dưng hào hứng hơn hẳn vì trò chơi nghe qua cũng thấy thú vị. Chúng nó rần rần bảo nhau xé vở lấy giấy. Đến cả thằng Duy đầu bò và Lý lợn cũng hồ hởi tham gia. Chỉ có tôi và Tú là mắc kẹt trong cảm giác khó xử không sao gỡ ra được.
Trong lúc cô Tâm nắn nót viết câu hỏi lên bảng, tôi quay sang nhìn Tú. Nó vẫn ngồi im như phỗng, chẳng có vẻ gì là muốn động đậy cả. Tôi hít sâu vào một hơi rồi chủ động xé hai tờ giấy nháp. “Nè, trả lời đi cho xong. Sắp về rồi.”
Tú liếc nhìn miếng giấy nham nhở tôi đưa. Nó lần lữa một chút rồi cầm lấy, lại lười nhác nhấc cây viết lên, mặt trưng ra cái vẻ đình công. Tôi cũng chẳng ý kiến gì. Thôi thì để đọc xem cô Liên hỏi những cái gì nào.
Một, vật nuôi yêu thích?
Hai, màu sắc yêu thích?
Ba, trái cây yêu thích?
Bốn, thể loại nhạc yêu thích?
Năm, ca sỹ yêu thích?
Sáu, diễn viên yêu thích?
Bảy, ngày hay đêm?
Tám, núi hay biển?
Chín, nắng hay mưa?
Mười, người em nghĩ sẽ hiểu em nhất là?
Trong lúc tôi vẫn còn đang căng não ra để suy nghĩ câu trả lời thì xung quanh tôi, lũ bạn đã bắt đầu so sánh và cười hô hố lên với nhau. Tự dưng tôi thấy hơi bực mình. Sao tụi nó lại làm nhanh như vậy chứ? Mấy câu này tuy là hỏi sở thích cá nhân nhưng bộ không cần suy nghĩ à? Xem thằng Duy bò và Lý heo cười hềnh hệch có đáng ghét không kìa. Còn bọn bên kia nữa, trả lời gì mà giống nhau thế? Gian lận, chắc chắn là có gian lận.
“Xong rồi.” Thằng Tú chợt lên tiếng báo hiệu.
Tôi giật mình quay sang. Ngay cả thằng này cũng nhanh như vậy sao? “Lẹ vậy?” Tôi lắp bắp hỏi.
“Mày trả lời theo ý mày thôi mà. Đâu cần phải suy nghĩ chứ?” Tú nhướn mày. “Rồi mày nhìn vào giấy của tao làm gì? Có phải bài kiểm tra đâu?” Nó vội rút đáp án của nó lại.
Lúc ấy, tôi mới nhận ra rằng mình hình như đang cố tìm cách để câu trả lời của tôi phải giống với thằng Tú. Tại sao phải làm như vậy nhỉ? Tôi tự trấn tĩnh chính bản thân mình rồi hí hoáy ngoáy đại nốt cho xong mấy câu chót.
Cuối cùng, khoảnh khắc sự thật cũng đã tới.
Tôi quay sang thằng Tú, tay nắm chắc đáp án, miệng nở một nụ cười khoái chí. Nhưng nó thì vẫn giữ gương mặt lạnh lùng vô cảm y như vậy.
“Tao đi trước nhé.” Tôi nhướn mày. “Mèo.”
“Nhện.” Nó đáp tỉnh bơ.
Tôi giật mình. Thằng này thích nuôi nhện thật à?
“Còn tính ghi ‘heo’ nữa nhưng thấy hơi thường.” Tú phán thêm một câu. “Tiếp đi! Lẹ!”
Tôi ấp úng. “Xanh dương.”
“Đỏ.” Nó nói luôn như chẳng cần suy nghĩ.
“Mận.” Tôi cam đoan lần này sẽ giống nhau. Thằng Tú từng ăn cả rổ mận ở nhà tôi hồi hai đứa còn học lớp…
“Đào.” Tú thở dài.
Không thể thế được. Gần một nửa rồi. Vẫn chẳng có gì giống nhau cả. Tôi cay cú cựa quậy không ngồi yên. Cái ông người Xoa trên poster nó dán trong nhà tên gì và hát thể loại nhạc gì nhỉ? Tôi liếc vào giấy của mình và quyết định đổi cái tên Tây thành một đáp án khác. “Cù Hải…”
“Bạch Nhạc Nhân, nhưng đã chết rồi.” Thằng Tú vẫn thản nhiên như không khi đưa ra những đáp án không trùng khớp. “Và tao biết mày không thích thể loại nhạc tao nghe nên bỏ qua luôn đi.”
“Anne Hadaway” Tôi gầm gừ.
“Trương Ngọc Thảo.” Nó lơ đãng đáp.
“Ngày!”
“Đêm.”
“Biển!”
“Núi.”
“Mưa!”
“Nắng.”
Chỉ còn một câu hỏi cuối cùng. Người tôi nghĩ sẽ hiểu tôi nhất là… Thật ra, câu này tôi vẫn chưa viết câu trả lời ra giấy. Tôi muốn dành tặng cho nó một bất ngờ khi mà đáp án của chúng tôi đều giống nhau. Thế mà giờ đây… Tôi hoàn toàn thất vọng.
Nhưng không hiểu sao, tôi vẫn muốn giữ nguyên câu trả lời trong đầu mình.
Tú ngẩng lên nhìn thẳng vào tôi. Mắt nó vẫn long lanh như sao sáng. Đáy mắt đen huyền như một bầu trời đêm.
Người mà em nghĩ sẽ hiểu em nhất là…
“Mày.”
Tôi nói khe khẽ. Nửa như trả lời câu hỏi, nửa như một tiếng gọi. Kiểu gì cũng sẽ có cớ để thoái thác nên lỡ rơi vào tình huống khó xử.
Sao lại sa trên gò má nó.
Trống trường vang lên thùng thùng.
Tú vò nát tờ giấy rồi vứt vào hộc bàn. Nó vội quơ cặp rồi chạy bay biến ra khỏi lớp. Sau đó tất cả cứ mờ đi. Tôi chẳng nhớ mình có đứng dậy chào cô Tâm ra về hay không nhưng khi định thần lại thì trên tay tôi đã là mảnh giấy nhàu nhĩ ghi câu trả lời của nó.
Tất cả đều bỏ trống từ một đến chín. Riêng câu số mười, nó ghi rất rõ ràng. “Trần Minh Thiên.” Cõi lòng tôi đau nhói khi thấy cái tên mình bị một đường kẻ gạch ngang. Rất dứt khoát, rất rõ ràng. Tú muốn gạch bỏ tôi khỏi cuộc đời nó.
***
“Ê, đi ăn trưa thôi.” Tiếng Nhật vang lên bên tai làm tôi giật nảy mình. Nó chỉ chỉ vào cặp lồng nó mang theo. “Tao nấu nhiều lắm nè.”
“Mày làm cái gì mà ghé sát lại gần tao thế?” Tôi đẩy nó sang một bên. Thái độ khó chịu ra mặt.
“Trời! Vẫn còn giận thiệt đó hả?” Chị Trang ngồi cạnh khúc khích cười. “Chị nói nghe nè. Em bình thường với nó đi thì sẽ không có chuyện gì hết. Em gây gổ với nó mới có chuyện cho đám con gái bên phòng HR xàm xí đó.”
“Chị Trang nói đúng chuẩn luôn!” Thằng Nhật đưa hai ngón cái ra rồi nháy mắt làm duyên. Sao mà tôi không ưa được cái thái độ đó của nó.
“Nói chung là tao không có muốn đi ăn với mày.” Tôi gạt phắt đi. “Nói đúng hơn, tao không muốn dính dáng gì tới mày hết. Mày đi ra đi!”
“Rồi rồi, không ăn thì thôi.” Nhật xuống nước. “Thật ra tao chỉ muốn hỏi mày chút chuyện thôi mà.”
Tôi tắt máy rồi đứng dậy, chuẩn bị rời khỏi văn phòng để trốn cái thằng phiền phức này. “Mày hỏi gì hỏi lẹ đi. Tao cho mày thời gian từ đây đến lúc tao vào thang máy đó.”
“Okay!” Thằng Nhật thích thú reo lên. “Tao muốn hỏi là sau khi tốt nghiệp cấp ba xong thì mày làm gì vậy? Lúc đó, tao không thấy mày đâu luôn.”
Tôi sải những bước dài qua những dãy bàn làm việc. Thằng Nhật kiên trì bám theo sau. “Tốt nghiệp xong là tao lên Tây Hưng học luyện thi. Sau đó vào đại học trên này luôn.”
“Ồ, đỉnh vãi!” Nhật trề môi. Nháng thấy đã sắp ra thang máy, nó hớt hãi giữ tôi lại. “Tao hỏi cái này quan trọng lắm! Vậy mày có biết chuyện của thằng Tú…”
“Tao không có muốn nói về chuyện đó nha Nhật!” Tôi vội vàng ngắt lời nó. Mặt mày cũng sa sầm lại. “Chuyện của thằng Tú hồi đó đã quá đủ rồi. Tao không muốn ai bàn tán gì thêm về vụ này nữa. Mày tha cho nó được không?”
“Ý tao là…” Nhật bối rối định phân bua.
“Mày đi đi!” Tôi lắc đầu. “Nếu mày tiếp cận tao chỉ để moi móc mấy chuyện này thì mày cút đi ngay giùm tao!” Tôi gầm lên.
Xung quanh, tất cả mọi người đều quay lại nhìn chằm chằm hai đứa bọn tôi. Nhật cúi gằm mặt không nói gì. Tôi cũng chẳng biết phải phản ứng ra sao. Nhưng cơn giận trong lòng tôi vẫn còn chưa đang cháy. Tại sao đến thời điểm này rồi mà người ta vẫn không chịu buông tha cho thằng Tú. Nó đã làm đến mức như vậy rồi mà…
Tiếng “keng” thang máy vang lên. Tôi thở hắt ra và chui vội vào bên trong. Cánh cửa dần khép lại, che đi gương mặt hối lỗi của Nhật, nhưng tôi chẳng mấy quan tâm.
Hôm nay là ngày thứ hai tôi đi làm nên thật ra cũng chẳng biết rõ dân văn phòng ở đây thường dùng cơm ở đâu. Hôm qua, các anh chị trong phòng thiết kế lại đặt đồ ăn về nhưng do bà Vi trưa nay đi hẹn hò nên cả đội tan đàn xẻ nghé hết cả. Lẽ ra tôi nên chờ Trang đi cùng. Tất cả chỉ tại thằng Nhật phá đám làm tôi muốn rời khỏi văn phòng thật nhanh. Liếc qua liếc lại hai bên đường, tôi thấy cũng có một vài quán ăn được được nhưng vì sợ đụng mặt người trong công ty rồi bị xì xầm bàn tán nên tôi quyết định đi bộ thêm một quãng. Chắc là khúc cuối đường kia cũng còn chỗ ăn mà.
Ấy vậy mà khi đi ngang qua một quán cà phê, tim tôi muốn rớt ra ngoài khi nhìn qua khung cửa kính. Ở chiếc bàn lớn giữa quán, thằng Tú đang ngồi lớ ngớ một mình mà chẳng ai thèm quan tâm. Ruột gan tôi lộn nhào cả lên. Tôi tung cửa bước vào, gạt phăng đám nhân viên phiền phức hay đến hỏi “quý khách đi mấy người vậy ạ?” sang một bên.
Cái bàn mà thằng Tú chọn ngồi là dạng bàn chữ nhật dài dành cho nhóm khách trên năm người. Tôi ngồi phịch xuống ngay trước mặt nó rồi đanh giọng hỏi. “Tại sao mày lại đến đây? Tao đã dặn mày phải luôn ở trong nhà mà!”
“Sao vậy?” Tú mỉm cười hiền lành. “Không phải lúc trước rất muốn bảo vệ tao ư? Giờ lại sợ để người khác nhìn thấy tao?”
“Lúc trước khác, bây giờ khác!” Tôi nhăn nhó phản đối.
“Vì trước đây người cần bảo vệ là tao.” Tú nghiêng đầu cười bảo. “Còn bây giờ, người cần được bảo vệ là mày.”
“Mày nói gì vậy?” Tôi gầm gừ. Chiếc áo sơ mi ướt đẫm mồ hôi trong gió máy lạnh.
“Anh ơi…” Một nhân viên phục vụ chen vào.
“Chuyện gì?” Tôi gắt lên.
Gương mặt cô bé trông hoảng hốt như vừa thấy ma. Điều đó lại càng làm tôi khó chịu. Thấy cô bé cứ ấp úng mãi chẳng biết nói gì, tôi liền sẵng giọng. “Anh đang bận lắm. Em đừng làm phiền. Lát nữa anh sẽ gọi sau.”
Cô gái dạ dạ rồi rụt rè rời đi. Tôi lập tức nhe nanh với Tú. “Mày nói bậy bạ cái gì đấy? Tại sao tao lại cần được bảo vệ?”
“Mày đang sợ đúng không?” Tú cười nhạt. Nét mặt nó nơi đâu cũng giăng kín nỗi buồn. “Công ty này biết thằng Nhật có quan hệ với mày nên mày sợ. Hôm nay Nhật nó có trách móc mày vi mày tránh mặt nó không?”
“Liên quan gì?” Tôi rướn người tới.
“Mày không nhận ra sao?” Tú thở dài. “Mày sợ nếu thằng Nhật dây dưa với mày thì cả công ty sẽ nghĩ mày gay giống nó. Cũng giống như ngày xưa mày sợ dây dưa với tao thì cũng sẽ bị ngươi ta đàm tiếu theo vậy đó.”
Tôi lặng người đi. Cố gắng tìm từ tìm câu để chống chế. Sự thật đúng là như vậy. Ngày trước, tôi hèn nhát rút lui giữa chừng chỉ vì e ngại không muốn rơi vào cảnh giống thằng Tú.Tôi là đứa nghe lời tụi thằng Duy - Lý rời bỏ thằng Tú, để mặc nó một mình chịu đòn của lũ khốn nạn kia. Giờ đây tôi gạt thằng Nhật ra, cũng chỉ bởi tôi không người ta gán nó với tôi.
“Giờ mày đã hiểu vì sao ngày đó tao không muốn mày dính líu đến tao rồi chứ?” Tú nắm lấy tay tôi. “Mày ngang ngược lắm. Cứ tự cho rằng mày là tất cả những gì tao cần cơ. Tao biết mày rồi sẽ bỏ ngang. Nếu tao chấp nhận mày thì chẳng phải tao đã tự đâm tao một nhát sao?”
Tôi im lặng một lúc. Đầu quay sang một bên né tránh ánh mắt của Tú. Sau cùng, tôi lầm bầm hỏi. “Vậy rốt cuộc mày muốn gì mà mò đến đây? Mày muốn xem tao bị thằng Nhật chơi chứ gì? Muốn gỡ hoà bàn thua đúng không? Tao biết tao có lỗi với mày, nhưng mà…”
“Mở lòng với Nhật đi.” Tú chen ngang. “Tao với mày đã…”
“Tao không giống mày nhé Tú!” Tôi giật mạnh tay ra. Lửa giận trong lòng đột nhiên bùng phát dữ dội. Nó dám nói những lời này với tôi ư? Sau những gì nó phải trải qua… Sau những gì nó bắt tôi phải hứng chịu… Sau những gì cả hai đứa chúng tôi… “Tao chỉ có tình cảm với một mình mày thôi. Không phải thằng nào tao cũng…”
“Vậy sao?” Tú cũng nổi đoá lên. “Vậy ra là tao vinh hạnh rồi. Được trai thẳng yêu thương đến tận bây giờ. Phải yêu thương không? Mày thẳng mà. Yêu thương gì tao? Mày đang thấy có lỗi. Mày có lỗi với tao. Thừa nhận đi. Mày bắt tao phải ở bên mày suốt từ đó đến giờ. Mày thấy có lỗi đúng không? Mày không chịu để tao đi. Mày muốn bù đắp cho tao chứ yêu thương gì tao? Mày yêu bản thân mày thì có!”
“ĐỦ RỒI!” Tôi dộng mạnh tay xuống bàn.
Cả quán cà phê như đóng băng, chỉ còn tiếng nhạc du dương phát trên loa. Tất cả mọi người xung quanh đều ghim vào tôi ánh mắt sợ hãi và ái ngại. Tôi không thể ở đây được nữa. Hết thằng Nhật âm mưu biến tôi thành tâm điểm của thị phi, bây giờ lại đến lượt thằng Tú — người tôi yêu thương nhất trên đời. Cho dù nó nói gì đi chăng nữa, tôi cũng sẽ không thừa nhận. Tôi yêu nó. Tôi hy sinh bao nhiêu thứ cũng là vì nó, không phải vì bản thân mình.
Tôi loạng choạng đứng dậy và bước về phía cửa. Đám nhân viên rụt rè đứng dạt hết sang hai bên. Không ai mở miệng nói câu chào tạm biệt vốn thường hay nghe ở những quán có dịch vụ tốt. Tôi cũng chả quan tâm. Với lấy tay nắm cửa, tôi kéo vào. Đúng lúc đó, tôi thấy một thân ảnh quen thuộc đang đứng chắn trước mặt.
Thằng Nhật đứng ngay ngoài cửa nhìn tôi trân trối. Chắc chắn nó đã thấy hết cuộc cãi vã kịch liệt đó rồi. Tôi hừ nhạt một tiếng rồi lách người bước ngang qua nó, không quên để lại một câu. “Tất cả là lỗi của mày.”
Tôi đi rồi, nhưng phía sau vẫn còn nghe tiếng thằng Nhật gọi. “Khoan đã Thiên, tao…”
***
“Khoan đã Thiên, tao nói chuyện với mày chút nha!” Thằng lớp trưởng tự dưng gọi với theo tôi, mặc dù tôi chẳng hề quen biết gì với nó. Nhưng vì hiếu kỳ nên tôi vẫn gật đầu.
Thằng Nhật dẫn tôi ra vườn hoa sau trường, nơi bọn tôi dùng để thực hành môn Sinh và cả môn Công nghệ phần Nông nghiệp nữa. Trời hôm nay nắng nóng vô cùng oi bức. Chuyện của thằng Tú lại làm tôi bực mình, rồi thêm cái nụ cười sáng bừng kiểu “con nhà người ta” của thằng Nhật khiến tôi càng khó chịu hơn.
“Chuyện gì? Nói lẹ!” Tôi cộc lốc.
“Ờ, vậy tao hỏi thẳng nha.” Nhật quay sang nhíu mày nhìn tôi. “Mày với thằng Tú là sao?”
“Là sao là sao?” Tôi càng nhăn nhó. “Hỏi gì không đầu không đuôi…”
“Mày biết nó bê đê mà vẫn chơi với nó à?” Thằng Nhật cắt lời. Nó hỏi rất rõ ràng. Tôi không hề nghe nhầm.
“Ê mày!” Tôi tặc lưỡi. “Mày là thằng ngoại đạo ở đây nha. Mày mới chuyển vô lớp tao được ba năm thôi. Còn tao có đàn em ở đây từ lớp một rồi. Mày đụng đến thằng Tú thử coi. Anh em tao đục mày lỗ đầu luôn.”
“Hiểu lầm rồi cha nội.” Thằng Nhật cười lớn. Tôi lại chói mắt. “Tao là lớp trưởng. Tao có nhiệm vụ phải để ý thành viên trong lớp. Mày mới là đứa ngoại đạo ở đây á. Mày không biết mấy năm qua thằng Tú khổ sở thế nào đâu. Chờ đi rồi biết. Tao thấy mày xạo bỏ mẹ ra. Nói cái gì mà ai đụng đến Tú thì đập cho bờm đầu. Sáng nay chẳng phải mày cũng để nó bị ăn hiếp đó sao?”
Tôi điên tiết túm lấy áo thằng lớp trưởng. “Mày đừng nghĩ mày có chức có quyền trong lớp thì tao không dám làm gì mày nha!”
“Mày để dành sức đi đập tụi ăn hiếp thằng Tú thì hơn.” Nhật gạt tay tôi ra. “Nói thiệt với mày. Tao cũng uất ức lắm khi thấy thằng Tú như xác không hồn như vậy. Nhưng tao làm gì được? Tao chỉ là mọt sách thôi. Tụi mày mới là cơ bắp.” Rồi nó chợt thở dài. “Tao hỏi thiệt nè. Mày quan tâm nó lắm đúng không?”
“Ờ.” Tôi cau có đáp.
“Tao biết nó cũng quan tâm mày. Thế nên nó mới không cho mày dính dáng vào mấy chuyện rắc rối của nó.” Nhật nhún vai. “Mày không động tay động chân vì nó cũng được. Dù gì tao cũng không muốn kích động bạo lực học đường. Nhưng xin mày làm bạn với nó nhé. Âm thầm thôi cũng được. Nhà hai đứa bây gần nhau mà. Người như thằng Tú cứng mồm vậy thôi chứ thật ra lại rất cần người ở bên cạnh đấy.”
“Ờ!” Tôi bực mình ra mặt vì có đứa dám làm ra vẻ hiểu thằng Tú ngay trước mặt tôi. Hừ, Nhật… Mày là ai chứ? Thằng ranh mới chuyển về đây được ba năm. Tao đã chơi với Tú từ nhỏ xíu rồi cơ. Nhưng chợt, tôi đắng lòng nhận ra mình với thằng Tú chẳng trả lời đúng câu nào giống nhau cả…
Chẳng lẽ, bốn năm qua, nó đã thật sự thay đổi rồi sao?
Nhưng rồi, tôi sực nhớ ra một chi tiết mình vừa bỏ quên. “Ê Nhật! Sao mày biết nhà tao với nhà thằng Tú gần nhau?”
“Trời, tao là lớp trưởng. Tao nắm danh sách lớp và sơ yếu lý lịch của tụi bây đó nha.” Thằng Nhật nhếch môi cười láo toét. “Tao biết tên ba mẹ tụi bây luôn đó. Sao hả? Muốn nghe thử không?”
“Thôi đủ rồi! Bấm nút biến đi!” Tôi gắt gỏng. Trời nóng thế này còn gặp phải cái bản mặt nó nữa.
Thằng Nhật cười lớn rồi vẫy tay bỏ đi. Khi chỉ còn một mình, tôi loay hoay giữa vườn hoa xim tím. Tôi chợt nhớ lại những gì thằng Tú nói với tôi trưa hôm qua.
“Mày không cần để tâm. Chỉ cần… âm thầm làm bạn với tao như thế này cũng được. Tao cũng chẳng muốn mày bị liên luỵ vì tao đâu.”
Lồng ngực tôi thắt lại.
Mớ màu tím này là pha trộn của xanh và đỏ hay chỉ là màu của một vết bầm mà thôi?
THUỶ TINH: Hành tinh của lý trí và sự giao tiếp.