Đưa Người Đến Gặp Sao Đêm

Chương kế tiếp:

Truyện tương tự

Vì sao và đom đóm.

(Hoàn thành)

Vì sao và đom đóm.

caroranchan

Nỗi sợ hãi vì tỏ tình thất bại làm cho một gã thanh niên quyết định đi lính, bỏ lại người mà anh ta thầm thương trộm nhớ. Trở về sau hai năm, chàng trai không ngờ rằng mình lại được gặp đúng người con

1 318

Mẹ kế của Bạch Tuyết!

(Hoàn thành)

Mẹ kế của Bạch Tuyết!

Yume_chan

Câu chuyện cổ tích nổi tiếng Bạch Tuyết và bảy chú lùn được kể lại qua góc nhìn của bà mẹ kế "độc ác".

2 425

Nói với em

(Hoàn thành)

Nói với em

Vuio

Vì truyện hơi ngắn nên không có tóm tắt nhiều, mọi người vào đọc sẽ biết.

1 295

Khi Cơn Mưa Tuyết Ngừng Rơi

(Hoàn thành)

Khi Cơn Mưa Tuyết Ngừng Rơi

Phong Linh

Quá khứ là điều ai cũng biết, còn tương lai thì chẳng ai biết được cả. Mọi giai đoạn của cuộc đời, hầu như ai cũng sẽ nuối tiếc khôn nguôi những chuyện xưa cũ và lo lắng bất an về điều sẽ xảy ra tiếp

3 461

[Oneshot] Nhà vua xứ Marot

(Hoàn thành)

[Oneshot] Nhà vua xứ Marot

Victor Niji

Và nó sẽ không bao giờ kết thúc.

1 300

Lẫy

(Hoàn thành)

Lẫy

langsat

Một bi kịch kéo dài từ đời này qua đời khác, cuốn những số phận lạ lùng về chung một mối. Có sự bình an hay một tương lai tươi sáng nào cho một thế giới mục rỗng đã đến nước điêu tàn?

15 1308

Toàn Văn - Chương 06 - Hoả Tinh

HOẢ TINH

Học kỳ hai mệt mỏi lê từng bước đến ngày kết thúc. Chỉ còn khoảng một tháng rưỡi nữa thôi là kỳ thi tốt nghiệp sẽ chính thức diễn ra. Mấy hôm nay, bọn học trò chúng tôi phải kiểm tra liên tục hết Toán rồi lại đến Văn, hết Lý rồi lại đến Hoá. Không biết đó có phải là lý do chính không hay là vì thông tin tôi cặp bồ với con Vân lan truyền rộng rãi trong trường mà kể từ lúc đó, những trò đùa dai đã hoàn toàn chấm dứt.

Nhưng đó là đối với riêng tôi thôi.

Thằng Tú mấy nay vẫn ngồi yên như tượng trong lớp. Tóc vẫn rũ xuống che mấy vết bầm hệt như những ngày trước và trước đó nữa. Nó chẳng học bài cũng chẳng mấy khi làm bài. Đến bài kiểm tra và thi thử, nó cũng chỉ qua loa vài câu cho có rồi lại gục mặt xuống bàn đến hết tiết.

Thi thử xong, nhưng trong lớp vẫn cứ như có một hòn đá khổng lồ treo lở lửng trên đầu. Ai cũng căng thẳng đến độ chẳng nói năng với nhau câu nào. Lũ nhóc cứ lầm lũi đến trường rồi lại lầm lũi ra về.

Cả tôi và nó cũng thế.

Không một câu. Không một ánh mắt. Không một chút gì là người quen.

Ngày qua ngày, chúng tôi dằn vặt nhau như thế cho đến khi có kết quả.

“Tú, em xuống phòng hiệu trưởng đi.” Cô Ngân vừa thở dài vừa trả bài thi thử cho cả lớp. “Mẹ em đến được một lúc rồi đó. Phải xin lỗi mẹ và thầy, nghe chưa? Sao lại có thể sa sút đến thế này cơ chứ?”

Thằng Tú chẳng nói chẳng rằng. Nó lặng lẽ đứng dậy rồi lê bước ra khỏi cửa trong cái nhìn ái ngại của cô Ngân và tiếng cười cợt xì xầm của đám bạn học. Tôi nhìn theo nó, trong lòng cứ thấy nhói lên một cảm giác không yên.

Đã bao lâu rồi tôi chưa thấy mặt bà Mơ — mẹ thằng Tú. Tuy nói là bả có thể về mỗi cuối tuần nhưng từ lúc tôi quay trở lại Pà Lặk, số lần nhìn thấy bà Mơ chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mà lần nào bả ở nhà cũng thấy mắng chửi thằng Tú vì những chuyện đâu đâu. Hôm nay, tôi e rằng chuyện sẽ còn tệ hơn nữa.

“Thưa cô, em xin phép đi vệ sinh ạ.” Chưa nhận được bài thi nhưng ngọn sóng trong lòng cứ dềnh dàng cuộn xoáy khiến tôi không tài nào chịu nổi. Tôi bắt buộc phải đi theo nó xem tình hình thế nào.

“Lẹ nha.” Cô Ngân không buồn nhìn tôi. “Sắp sửa bài rồi đó.”

“Dạ.” Tôi lí nhí đáp rồi phóng xuống lầu.

Cả sân trường vắng tanh không một bóng người. Khắp nơi chỉ vọng đến tiếng gió hù hụ và tiếng quát tháo không lẫn vào đâu được của bà Mơ. Tôi lần bước đi dọc theo dãy hành lang trống rỗng, qua vài lớp học im lìm cắm cúi luyện thi. Con đường này chắc chắn không phải dẫn đến phòng vệ sinh mà tới phòng hiệu trưởng ở ngay đằng trước. Cửa phòng khép kín, nhốt bên trong một cơn bão dữ.

“Tao đẻ mày ra, cố công nuôi mày lớn không phải để mày học hành ngu dốt thế này nha Tú!” Tiếng bà Mơ mắng như sấm rền. Tôi vội vã núp vào sau một chậu cây cảnh bên cửa sổ rối rướn đầu nhìn vào.

Những cú tát như trời giáng liên tiếp dội vào mặt thằng Tú khiến nó loạng choạng ngã đập vai vào một cạnh bàn ngay trước mắt tôi. Nó không khóc nhưng tiếng thở hổn hển vì kìm nén của nó khiến tim tôi quặn thắt.

“Chị Mơ, chị bình tĩnh lại đã…” Thầy hiệu trưởng can ngăn nhưng vẫn ngồi tại chỗ với cái bụng phệ kẹt cứng sau bàn.

Ở Pà Lặk này người ta đánh chửi con cái nhiều hơn trên Tây Hưng. Ba mẹ tôi cũng đôi khi cho tôi mấy roi nhưng từ khi lên thành phố, hai ông bà già đã bỏ luôn lối dạy con như vậy cho dù đôi khi tôi cũng lười biếng ham chơi, chểnh mảng việc học. Nhưng cách bà Mơ đánh thằng Tú không giống như bình thường mà kiểu như bả đang muốn trút giận vì điều gì đó vậy.

“Mày nhìn đi!” Bả xoè hai bàn tay ra trước mặt Tú. “Ở trong xí nghiệp mày tưởng tao sướng lắm hả? Người ta đày đoạ tao mày xem có còn ra con người không? Bao nhiêu thứ máy móc đó, sơ sẩy một chút có ngày tao cụt tay què chân. Hôm nào ngủ không đủ giấc, tao lơ mơ là bị phỏng, bị rách miếng da. Có ngày nào mà không bị thương chảy máu. Tao cực nhọc như vậy để làm chi hả thằng mất dạy, thằng bất hiếu?”

Bà Mơ lại tiếp tục đập bồm bộp vào mặt thằng Tú. Qua lớp cửa kính, tôi thấy rõ ánh mắt ráo hoảnh của nó, đôi môi bậm chặt lại để ngăn tiếng khóc bật ra. Tiếng bả đánh con cứ đều đặn vang lên như những mũi dao đâm vào tim tôi. Ước gì tôi có thể đứng ra chắn cho nó nhưng tôi chẳng có tư cách gì cả.

“Chị Mơ, bình tĩnh lại đi mà.” Ông thầy hiệu trưởng vẫn chỉ ngồi đó mà vẫy tay. “Có gì để về nhà rồi từ từ dạy con sau.”

“Tôi không có về được đâu thầy.” Bà Mơ nghiến răng nghiến lợi đánh thằng Tú. “Vì cái thằng chó đẻ này mà tôi không về được rồi. Ôi Tú là Tú! Mày biết một ngày lương của tao đủ nuôi mày mấy bữa ăn không? Hôm nay tao nhận điện thoại gọi lên trường, tao còn tưởng mày bị cái gì. Ai ngờ đâu bị mày làm cho mang nhục! Thằng chó! Mày muốn sau này ngu si nghèo túng như ba mày hả? Cưới hỏi đẻ đái xong thì nuôi không được, phải bỏ xứ mà đi. Mày muốn vậy đúng không?”

“Thôi được rồi mà chị.” Giọng thầy hiệu trưởng như van xin. “Chị đánh con nó như vậy cũng có được gì đâu. Thôi Tú ơi, con lên lớp học tiếp đi. Và nhớ là phải chăm chỉ vào đấy.”

Thằng Tú gượng dậy. Mặt nó đầy những vết bầm mà có khi mẹ nó cũng chẳng biết là từ đâu tới. Và giờ đây, chính tay bả lại là người giáng cho nó thêm nhiều vết thương nữa. Tú chẳng buồn chào hỏi ai. Nó cứ thế mở cửa rồi đi thẳng ra. Lúc ấy, tôi đứng bật dậy, miệng lắp bắp không biết có nên gọi nó không. Đúng lúc đó, nó đột nhiên quay sang nhìn khiến tôi điếng cả người. Thế nhưng, thằng Tú chẳng nói gì. Đôi mắt nó vẫn sáng như sao nhưng giờ đây lại quá lạnh lùng. Nó bỏ về lớp, để lại tôi đứng tần ngần bên cửa phòng hiệu trưởng.

“Chị xem con nó ở nhà thế nào chứ trước giờ Tú vẫn là một học sinh khá giỏi mà.” Thầy hiệu trưởng phân bua. “Tôi không nghĩ là do cách giảng bài của giáo viên đâu. Trong lớp nhiều bạn điểm cao lắm.”

“Tôi thì có trách gì các thầy cô.” Giọng bà Mơ vẫn chan chát hậm hực.”Thằng này ở nhà dám chỉ có vẽ vời rồi nghe nhạc thôi. Lần tới về nhà tôi sẽ đem quăng hết mấy cái đĩa của nó rồi đập luôn cái máy. Suốt ngày nghe ba mấy cái bản nhạc Xoa đó rồi thậm thậm thụt thụt một mình. Riết rồi không còn ra người ra ngợm gì hết.”

Nói cho công bằng thì thằng Tú chẳng có bao nhiêu đĩa nhạc cả. Nó vốn không có nhiều tiền để mua. Đã vậy nó chỉ thích nghe của cái ông Bạch Nhạc Nhân gì đó nữa. Nếu không phải là ổng thì nó không thèm đụng tới. Mà dạo gần đây, bọn trẻ chúng tôi cũng đang có trào lưu nghe nhạc của ổng nhất là khi ổng đã chết được mấy tháng rồi.

“Phải chết rồi thì mới nổi tiếng ha. Uổng ghê!” Con Vân từng bình luận. “Có một số người, lúc còn sống thì nói không ai nghe. Lúc chết rồi thì lòi đâu ra một bầy khóc mướn ca tụng từng chữ từng từ. Đời!”

Chính vì vậy, tôi biết chắc rằng vẽ vời hay nghe nhạc không hề ảnh hưởng đến chuyện học của nó. Thủ phạm khiến thằng Tú suy sụp như vậy chính là tôi đây… Nhưng làm gì tôi có đủ dũng khí để thú tội với mẹ nó.

Trống dội thùng thùng. Đã đến giờ tan trường. Chỉ trong nháy mắt, tôi đã thấy thằng Tú xách cặp xuống lầu và phi ra khỏi cổng.

Nó sẽ đi đâu nhỉ? Tôi nhắn ngắn gọn một cái tin để nhờ tụi thằng Duy mang cặp của tôi về nhà giúp rồi vội vàng ra bãi xe. Với tính cách của thằng Tú, tôi dám cam đoan nó sẽ kiếm một chỗ nào đó ngồi khóc một mình đến khi thoả lòng cho mà xem.

Loay hoay một hồi trong bãi thì tôi mới lôi được chiếc xe đạp màu xanh của mình ra. Nhưng chưa kịp xuất phát thì một cánh tay đã giữ lấy tôi. Khi tôi quay lại, nước mắt con Vân đã chảy thành hàng.

“Sao thế? Chuyện gì?” Tôi mất kiên nhẫn nhưng cũng không dám gắt gỏng. Trước đến giờ, tôi đều không giỏi giao tiếp với những người hay khóc.

“Có phải tao đã sai rồi không?” Con Vân nức nở. “Lẽ ra tao không nên để hai đứa mày có có hội được gần nhau. Lẽ ra tao không nên chen vào giữa hai tụi mày…”

Cái con bò đeo nơ tím này phiền quá đi mất. Tôi xuống xe rồi vỗ vỗ lên vai nó. “Mày chỉ muốn tốt cho nó thôi. Có chuyện gì thì tao cũng không trách mày đâu mà.”

“Tao hối hận quá!” Nó nấc lên và giữ rịt lấy tay tôi. “Thằng Tú nó không thèm nhìn mặt tao nữa rồi. Nó đẩy tao ra khỏi cuộc đời nó luôn rồi.” Rồi không biết suy nghĩ thế nào mà nó lại ôm chầm lấy tôi trước bao nhiêu con mắt của lũ bạn. “Lỡ như nó không muốn làm bạn với tao nữa thì sao đây hả Thiên?”

Tôi thở dài, xoa xoa lưng nó. “Để tao đi gặp nó xem sao đã nha. Mày thôi suy nghĩ bi quan đi. Có gì từ từ tính.”

“Mày đi gặp nó ở đâu vậy?” Con Vân buông tôi ra và quệt nước mắt.

Ánh mắt của mấy đứa xung quanh ghim lên người chúng tôi trông vô cùng khó chịu. Ở một góc kia, thằng Nhân khốn kiếp cùng đồng bọn còn đang lo mải mê chuyền tay nhau cái máy ảnh mà một thằng trong nhóm mới mua. Tôi chỉ muốn nhanh chóng rời khỏi đây để đuổi theo thằng Tú trước khi tụi mất dạy đó thấy mà thôi. “Tao chưa biết nữa. Để tao đi kiếm khắp nơi xem sao. Có thể là nó về nhà rồi cũng nên.”

“Mày, ráng nói sao cho nó yêu đời lại nha.” Con Vân thút thít. “Nói sao cho nó đừng ghét tao. Lúc đó rõ ràng nó bảo cho phép mày cặp bồ với tao chứ bộ. Đâu phải tao ép…”

“Rồi rồi, nói nhiều quá! Tao đi nè!” Tôi cắt ngang lời con điên ấy bằng cách nhảy lên xe.

Trong ánh nắng này, cái nơ của nó lại có vẻ như là màu vàng. Tôi tặc lưỡi rồi phóng xe đi. Ở đằng sau vẫn nghe tiếng nó gọi với theo. “Ráng lên nha Thiên! Phải giúp thằng Tú đậu đại học đó!”

Lời con Vân cứ văng vẳng trong đầu trong suốt quãng đường tôi cật lực đạp xe băng qua ngã sáu quãng trường. Trên những bậc thềm dẫn lên rạp chiếu phim đầy rẫy người đang ngồi làm đủ những việc không tên vớ vẩn, nhưng trong số họ không có thằng Tú. Cũng phải, nó sẽ không chọn những nơi ồn ào náo nhiệt như thế này đâu.

Tôi tiếp tục phóng xe đi. Gió Pà Lặk hầm hập nóng cứ táp vào mặt như những lưỡi lửa khiến tôi ngạt thở. Những con hẻm ngoằn nghoèo đan xen với nhau dần xuất hiện. Đường nhựa chuyển dần thành đường đá nhưng tôi vẫn chẳng hề chậm lại. Tôi lướt qua những tấm bảng chỉ đường lộn xộn méo mó bạc phếch. Hẻm bảy rồi hẻm bốn. Hẻm ba rồi hẻm tám. Cứ thế cho đến khi tôi cán ngang qua tên hai đứa trên vỉa hè đầu hẻm mười hai.

Căn nhà có cửa màu xanh lá cây vẫn đóng im lìm với cái ổ khoá to tướng nằm chình ình ở đó như muốn trêu ngươi. Tôi thở hắt ra. Đến bây giờ mới thấy thấm mệt. Như để chắc chắn một lần nữa, tôi chạy lại kiểm tra. Cổng khoá thật. Bên trong cửa chính và cửa sổ cũng khép chặt lại. Đôi giày thể thao màu trắng sọc đỏ có in hình cô gái của nó cũng chẳng thấy đâu. Thằng Tú thật sự không về nhà. Vậy nó có thể đi đâu được nhỉ? Tôi ngồi rũ ra trước cửa nhà nó. Cái xe đạp thì quăng ngả nghiêng ngay giữa đường.

“Kiếm thằng Tú hả?” Một giọng nói quen thuộc chợt cất lên khiến tôi giật mình. “Nó chưa có về.” Bà Vui mở cửa và quăng bịch rác hôi rình ra ngay kế bên chỗ tôi ngồi.

“Vậy bác có biết buổi trưa nó hay đi đâu không?” Tôi hỏi và chợt thấy mấy cái sàng khổng lồ phơi đầy thứ lá gì màu nâu nhạt đang đặt khắp sân.

“Làm sao tao biết được chứ? Chắc lại quán nét bấm điện tử hay xem phim bậy bạ rồi chứ gì? Mấy đứa thanh niên tụi bây thì chỉ có vậy thôi mà.” Rồi chắc bả phát hiện ra cái bộ dạng tò mò của tôi nên mới cười cười bảo. “Sao? Thuốc lá đó. Mày lấy không? Tao cho một bịch xài thử. Bảo đảm phê!”

“Dạ thôi ạ, con không dám đâu!” Tôi vội cười trừ huơ tay từ chối và dựng lại xe đạp. Đến lúc biến khỏi cái nơi kỳ quặc này rồi.

“Xạo xạo với tao không à.” Bà Vui hừ nhạt. “Đến thằng Tú hiền vậy mà còn xin hai ba bịch. Dòm quậy quậy như mày mà không chơi cái này mới lạ.”

Tôi chỉ biết cười thôi chứ chẳng biết phải nói gì khác. Bánh xe của tôi lăn thật vội vàng, mất công bà hàng xóm vô duyên này lại chèo kéo thêm. Vậy là thằng Tú cũng không có ở nhà. Cũng đúng, nếu lỡ mẹ nó về bất chợt thì sẽ lại bị bả mắng chửi và nhiều khi ăn đòn còn dữ dội hơn nữa. Nếu tôi là nó, tôi cũng chưa muốn về nhà vội. Nhưng nếu vậy thì tôi sẽ đi đâu?

Khoan đã, thuốc lá ư? Thằng Tú lấy thuốc lá của bà Vui ư?

Sao tôi lại không nghĩ đến sớm hơn nhỉ?

Và thế là tôi lại co giò đạp. Lần này tôi quay trở lại ngã sáu quảng trường và hướng về phía đồi Dao Xàng Da.

Bây giờ đã hơn năm giờ chiều rồi. Mặt trời trên kia xuống thấp như một chảo lửa khổng lồ đổ xuống từng luồng hơi nóng hừng hực như muốn quật ngã người ta. Nếu quả thật thằng Tú ở trên đồi thì lát nữa tôi sẽ chửi nó một trận vì tội hành hạ người khác cho dù nó chẳng hề ép tôi đi theo. Và nếu thằng Tú không có ở trên đồi thì tôi vẫn sẽ chửi tan tành khi nào tôi gặp được nó.

Đường đèo lúc trời sáng dễ lên hơn rất nhiều nhưng tôi vẫn cảm thấy con đường như dài vô tận. Hết khúc quanh này lại đến khúc quanh khác. Những tán cây um tùm cứ hỉ hả hai bên như cười cợt. Càng lên cao mặt trời càng chói lọi. Không khí thoáng đãng hơn nhưng gió vẫn cứ hầm hầm nóng vô cùng khó chịu. Và khi lưng áo của tôi đã ướt hoàn toàn thì cũng đã đến chỗ con dốc bí mật nơi tôi và nó hay ngồi.

Tú ở đây.

Nó ở đây với chiếc Walkmon cùng với tai nghe.

Và một gói thuốc lá tự cuốn chắc chắn là lấy từ bà Vui.

Tôi chầm chậm bước lại gần nó và thận trọng ngồi xuống bên cạnh. Trông thằng Tú cứ kỳ kỳ thế nào ấy. Nó ngửa mặt lên trời hứng bóng râm từ tán cây phượng vỹ. Nắng lốm đốm rải lên mặt nó những chấm sáng lấp lánh như sao. Mắt nó lờ đờ và đầu thì lắc lư theo điệu nhạc. Khi trông thấy tôi, nó cũng chỉ mỉm cười chứ chẳng nói lấy một câu.

“Mày sao rồi?” Tôi rụt rẻ bắt chuyện.

Tú lại rít một hơi rồi phả ra một làn khói xám xịt. Trong gió, tôi ngửi thấy thoang thoảng một mùi hăng hắc đăng đắng vô cùng khó chịu.

“Mày đang nghe gì đó?” Tôi quyết định sẽ lảng sang một chuyện mà khiến nó thoải mái hơn. “Cho tao nghe với được không?”

Thằng Tú chớp chớp mắt nhìn tôi như bất ngờ rồi nó cười nhạt, gỡ headphone xuống và chuyền qua cho tôi. Khi tôi đeo tai nghe vào, tiếng nhạc du dương của ông nghệ sỹ người Xoa quá cố liền vang lên. Chất giọng trầm ấm rất dễ chịu nhưng giai điệu thật thê lương và da diết. Tôi chẳng hiểu ổng hát gì cả nên chỉ nghe nửa bài rồi bỏ ra.

“Hay đấy, nhưng tao không hiểu.” Tôi cố gợi chuyện với nó.

Thằng Tú lại rít một hơi dài. Sau đó, nó nhìn thẳng vào mắt tôi. Ánh mắt lấp lánh như sao soi thẳng vào cõi lòng tôi. Nó mỉm cười nhẹ nhàng và từ tốn dịch nghĩa.

“Con đường trước mặt một màu đen.

Không đèn không người một mình em.

Anh đã từng hứa sẽ dẫn lối.

Cớ sao bây giờ bỏ rơi em?

Anh nói sẽ mãi nắm tay em.

Anh nói sẽ mãi bước bên em.

Giờ đây mình em chờ trời sáng.

Sao đêm không còn, trời vẫn đen.”

Nụ cười của Tú rơi khỏi gương mặt hốc hác của nó và lăn xuống đồi. Trái tim tôi dường như cũng đã rơi cùng với nó. Còn lại trong lồng ngực chỉ là một nắm đá nặng trĩu vô hồn.

Tất cả là lỗi của tôi. Chính tôi là người đã xây dựng nên toà tháp hy vọng trong lòng nó và chính tôi cũng là người đạp đổ đi tất cả. Bất thình lình, mặt trời trên cao như chết đi. Tôi chợt lạnh cả người.

Sao lại sa trên đôi gò má Tú. Nó chìa điếu thuốc ra trước mặt tôi và khẽ thì thầm. “Làm một hơi không?”

Tâm trí như trống rỗng, tôi vô thức đón lấy và chầm chậm đưa lên miệng. Làn hơi nóng hổi lập tức tràn vào đẩy cả người tôi lâng lâng như bay vượt khỏi mọi tầng mây.

***

Chuông reo inh ỏi kèm theo tiếng đập dồn dập không ngừng tấn công màng nhĩ của tôi. Ở trên bàn phòng khách, ly tekila đã cạn khô đặt cạnh chai rượu đã trơ đáy phản chiếu ánh nắng hắt vào mặt khiến tôi cau có tỉnh ngủ. Tôi đã nằm trên ghế sofa này bao lâu rồi nhỉ? Và đứa khốn nạn nào dám quấy rầy tôi vào… Mấy giờ rồi?

Tôi quệt vội vệt nước dãi dính trên cằm rồi vớ lấy cái điện thoại rớt chỏng chơ trên sàn. Chỉ còn mười một phần trăm pin và gần một trăm cuộc gọi nhỡ từ Lớp Trưởng, Bò Đeo Nơ, và vài số lạ khác nữa. Tôi thở dài định đi kiếm dây sạc nhưng tiếng động khủng bố ở cửa lại thúc ép tôi phải chú ý đến nó trước.

Chắc chắn là hai đứa khủng bố điện thoại mình… Tôi uể oải đứng dậy. Đầu óc váng vất vì hơi men vật cho tôi suýt ngã nhưng may là tôi bấu kịp lấy kệ sách trong phòng. Ở ngoài kia, kẻ thì nhấn chuông, người thì đập cửa vẫn không hề dừng lại. Loáng thoáng đâu đó giữa mớ tạp âm còn có tên tôi cứ thỉnh thoảng lại réo lên một lần nữa.

Quãng đường từ phòng khách ra đến cửa dài như vô tận. Lúc đi ngang qua tấm gương treo gần lối vào, tôi thấy mình đang mặc bộ đồ ngày hôm đưa thằng Tú đến trung tâm mại, quần da bò vàng và áo khoác jeans xanh. Vậy là mình chỉ mới ngủ có một đêm thôi. Chuyện gì mà rần rần thế nhỉ?

Tôi mệt mỏi mở cửa.

Chào đón tôi là gương mặt hớt hơ hớt hãi của thằng Nhật và con Vân. Trông thấy tụi nó, một cảm giác chán ghét dâng lên trong họng khiến tôi ngán đến tận cổ. Nhưng còn chưa kịp mắng tiếng nào thì cả hai đứa đã nhảy vào miệng tôi.

“Mày có bị gì không?” Con Vân ôm lấy hai tay tôi.

“Sao mấy hôm nay mày không đi làm?” Thằng Nhật cau mày lo lắng. “Chị Vi với chị Trang gọi mày quá trời luôn. Tao với Vân cũng gọi nữa mà mày không thèm nhấc máy.”

“Mấy hôm rồi à?” Tôi nhăn mặt nhẩm tính nhưng tính hoài vẫn không ra.

“Chứ còn gì nữa.” Thằng Nhật nổi đoá. “Tao còn tưởng cái xe bự nào ăn mày rồi chứ!”

“Vẫn sống nhăn răng đây.” Tôi cười hềnh hệch. Mùi rượu nồng nặc bốc ra khiến con Vân phải thụt lùi lại một bước.

“Rồi sao mà mày uống nhiều vậy?” Con bò-không-còn-đeo-nơ hỏi. “Mày làm tụi tao lo quá trời luôn.”

Thấy thằng Nhật dợm bước vào nhà, tôi liền gác tay lên khung cửa để chặn lại. “Tao buồn vì thằng Tú bỏ đi nên uống. Nhưng sau đó thì nó quay lại rồi nên mừng quá uống tiếp. Tụi bây không cần phải quan tâm.”

Con Vân và thằng Nhật bỗng dưng trao đổi ánh nhìn với nhau. Sau đó, Vân rụt rè hỏi. “Thế, thằng Tú đâu rồi?”

Tôi ngoái đầu vào trong kiểm tra rồi nhún vai bảo. “Nó đang ngồi trên sofa dòm lũ bao đồng tụi bây kìa. Nhưng tao không cho tụi bây vào nói chuyện với nó đâu nhé.”

Tú có vẻ cũng đồng ý với tôi nên nó im re trên ghế, thậm chí hình như còn thụt cả đầu cả cổ lại như muốn né mấy đứa bạn cũ.

Vân và Nhật liếc nhanh vào phòng khách rồi lại trao đổi ánh nhìn với nhau. Tôi bỗng thấy khó chịu với cái thái độ khinh khỉnh của hai đứa nên liền lớn tiếng đuổi. “Không việc gì nữa thì về đi nhé. Tao với thằng Tú còn phải nghỉ ngơi.”

Trước khi tôi kịp đóng sầm cửa lại, con Vân hỏi thăm những thứ vớ vẩn. “Mày còn thức giấc lúc ba giờ bốn phút không.”

“Hờ hờ, uống rượu nhiều nên ngủ say như chết á!” Tôi hềnh hệch đáp. “Thần dược nhỉ?”

Con Vân trưng ra bộ mặt lo lắng. “Ê mày, nếu mà muốn an thần thì đừng có uống rượu. Uống thuốc của tao kê cho tốt hơn…”

Không để nó kết thúc câu giảng đạo, tôi với tay lấy cái vỉ thuốc mà tôi đã quăng ngay tủ đựng giày và nuốt liền một lúc hai viên. Chả biết có đúng liều không nữa. Nhưng tôi chẳng quan tâm lắm. Tôi há miệng thè lưỡi cho hai đứa kiểm tra rồi nhanh chóng sập cửa.

Trước khi nó biến mất cùng với thằng Nhật, con Vân còn kịp thòng thêm hai câu. “Nhớ uống thuốc đều đặn và cho tao gửi lời hỏi thăm Tú nha.”

Tôi mệt mỏi chốt cửa và quay lại ghế ngồi. Thằng Tú e dè hỏi. “Tụi nó đến làm gì vậy? Không phải là để thúc ép mày bỏ rơi tao chứ hả?”

Tôi hừ nhạt. “Mày biết tính con Vân rồi. Chỉ lo xa cho bạn bè thôi. Nó còn kêu tao uống thuốc an thần nữa chứ. An thần cái nỗi gì mấy cái viên xanh xanh đỏ đỏ này.” Rồi tôi tiện tay với lấy chai rượu nhưng chợt nhận ra tất cả đều đã rỗng không.

Nhưng rồi đúng lúc đó, một cảm giác lâng lâng khó tả chợt bao trùm lấy tôi. Giống như đang ngồi trên một chiếc máy bay cất cánh vậy, tôi nghiêng ngả về phía sau và tận hưởng cảm giác cả cơ thể mình như đang vút bay lên trời. Có lẽ thuốc của con bò đeo nơ ấy đã bắt đầu có tác dụng rồi…

“Tú, tao muốn.” Tôi thì thầm với một chất giọng khô khốc. Tôi chồm đến ôm lấy thằng bạn mình. Nó không hề chống cự mà ngược lại còn quàng tay quanh người tôi.

“Tú ơi, tao muốn…” Tôi phả hơi thở nồng mùi rượu đắng chát vào cổ thằng Tú và vội vã cắn lấy đôi môi mềm của nó.

Tâm trí tôi mờ dần đi. Điều duy nhất tôi nhớ là tôi đã hôn nó rất mãnh liệt, như thể đó chính là nụ hôn đầu của tôi và nó vậy.

***

Trước tới giờ, tôi chưa từng chạm môi lên thứ gì mềm như vậy cả. Cảm giác lạnh lẽo vì tội lỗi trong người đã biến mất hoàn toàn như thể thằng Tú đã hút hết toàn bộ hơi lạnh ra và thổi vào lồng ngực tôi một sức nóng nồng nàn. Mùi hương đắng chát của thuốc lá đã tan đi đâu mất mà chỉ còn hương dâu ngọt ngào quen thuộc. Tôi ôm lấy mặt thằng Tú và ngấu nghiến đôi môi nó. Tôi chưa bao giờ hôn một đứa con trai nào nhưng tôi đã quá mệt mỏi vì suốt ngày cứ bị ám ảnh bởi làn môi mềm của nó.

“Thiên…” Thằng Tú hổn hển. “Mày đang làm gì đấy?”

“Im lặng và hôn tao đi.” Tôi cắn xé môi dưới của nó. “Tao không muốn bối rối như thế này nữa. Tao muốn hiểu cảm xúc của mình.”

Tôi dùng lưỡi tách đôi môi của nó và nhẹ nhàng tiến vào khoang miệng. Chúng tôi nếm mùi vị của nhau. Tôi chẳng rõ tôi có vị gì nhưng thằng Tú vẫn là một vị dâu ngọt ngào đến ngây ngất. Chẳng biết chúng tôi đã quấn lấy nhau trong bao lâu nhưng khi tách rời ra, tôi có cảm giác như mình vừa chết đi sống lại. Tôi hít vào một hơi thật sâu. Ráng chiều tím sẫm như một vết bầm quấn quýt lấy gương mặt hai đứa.

Thằng Tú lại khóc. Giọng nó như vỡ oà ra. “Như vậy nghĩa là sao hả Thiên? Rốt cuộc mày đối với tao là như thế nào?”

Câu hỏi bất chợt ấy như một hồi chuông cảnh tỉnh. Tôi giật mình nhận ra chuyện tày đình mình vừa mới làm. Tôi trân trối nhìn Tú. Lúc ấy, tôi biết nó đã hiểu ra từng đường nét hoảng hốt trên mặt tôi có nghĩa là gì. Tú gục đầu xuống khóc nức nở. Tim tôi đập như muốn nổ tung trong lồng ngực.

Sau cùng, tôi run rẩy đứng dậy. Mặt trời đã sắp sửa biến mất sau những tầng mây dầy đặc. Mùa mưa sắp về với Pà Lặk rồi.

“Xin… Xin lỗi mày nha. Tao điên rồi! Lẽ ra… tao không nên làm vậy. Mày… quên đi đi!” Tôi lúng búng mấy câu hèn nhát rồi lảo đảo vội vã chạy bay chạy biến lại chỗ để xe đạp.

Trên suốt chặng đường về nhà, tôi vẫn cứ nghĩ hoài đến nụ hôn đó, đến cảm giác đê mê khi ngấu nghiến thằng Tú. Điều này sai, sai vô cùng! Nhưng tôi vẫn không thể ngừng nhớ đến làn môi ấy. Và kết quả là mỗi đêm tôi lại tự ve vuốt chính mình để rồi lần nữa chối bỏ bản thân ngay sau khi thoả mãn.

Tôi e sợ chính mình. Tâm trí tôi bỗng dưng hoá thành một miền đất xa lạ, như thể sau mười bảy, mười tám năm sống trên đời, tôi bỗng dưng trở thành một kẻ trọ trong một thân xác tên Thiên vậy. Thứ cảm xúc này không có thật. Tôi luôn tự dặn mình như thế. Cho dù cảm xúc của tôi và nó có là thật đi chăng nữa thì đấy cũng chỉ là một trận đấu, một cuộc giằng co không bao giờ có được chiến thắng. Kết cuộc đã rõ ràng ngay từ ban đầu. Tôi biết lấy gì để tin tưởng đây…

Nếu quả thực thứ mặc cảm tội lỗi này là một mê cung thì tôi xin được lạc lối thêm một đoạn thời gian nữa vì tôi vẫn chưa sẵn sàng tìm thấy chính mình. Tôi vẫn không chắc rằng tôi muốn gì. Tôi không dám nhìn vào sự thật rằng thằng Tú đối với tôi là như thế nào…

Giống như tôi cứ chết đi hằng đêm để rồi sáng mai thức dậy là một đứa trẻ, loay hoay chẳng biết mình là ai trên đời vậy.

HOẢ TINH: Hành tinh tượng trưng cho khao khát và đam mê.