Đưa Người Đến Gặp Sao Đêm

Chương kế tiếp:

Truyện tương tự

Vì sao và đom đóm.

(Hoàn thành)

Vì sao và đom đóm.

caroranchan

Nỗi sợ hãi vì tỏ tình thất bại làm cho một gã thanh niên quyết định đi lính, bỏ lại người mà anh ta thầm thương trộm nhớ. Trở về sau hai năm, chàng trai không ngờ rằng mình lại được gặp đúng người con

1 321

Mẹ kế của Bạch Tuyết!

(Hoàn thành)

Mẹ kế của Bạch Tuyết!

Yume_chan

Câu chuyện cổ tích nổi tiếng Bạch Tuyết và bảy chú lùn được kể lại qua góc nhìn của bà mẹ kế "độc ác".

2 435

Nói với em

(Hoàn thành)

Nói với em

Vuio

Vì truyện hơi ngắn nên không có tóm tắt nhiều, mọi người vào đọc sẽ biết.

1 300

Khi Cơn Mưa Tuyết Ngừng Rơi

(Hoàn thành)

Khi Cơn Mưa Tuyết Ngừng Rơi

Phong Linh

Quá khứ là điều ai cũng biết, còn tương lai thì chẳng ai biết được cả. Mọi giai đoạn của cuộc đời, hầu như ai cũng sẽ nuối tiếc khôn nguôi những chuyện xưa cũ và lo lắng bất an về điều sẽ xảy ra tiếp

3 464

[Oneshot] Nhà vua xứ Marot

(Hoàn thành)

[Oneshot] Nhà vua xứ Marot

Victor Niji

Và nó sẽ không bao giờ kết thúc.

1 302

Lẫy

(Hoàn thành)

Lẫy

langsat

Một bi kịch kéo dài từ đời này qua đời khác, cuốn những số phận lạ lùng về chung một mối. Có sự bình an hay một tương lai tươi sáng nào cho một thế giới mục rỗng đã đến nước điêu tàn?

15 1315

Toàn Văn - Chương 09 - Hải Vương Tinh

HẢI VƯƠNG TINH

Hoạt động tinh thần…” Cô Tâm vẫn điềm tĩnh giảng bài trong khi lũ học trò đã nằm vật cả ra bàn trông chẳng có chút sức sống nào. “Cũng quan trọng không kém những hoạt động thể chất. Nếu như hoạt động thể chất vừa có thể giúp các em giải trí, vận động và phát triển cơ thể thì hoạt động tinh thần sẽ mang đến cho các em một tinh thần sảng khoái lành mạnh, vượt qua những rào cản tâm lý đặc biệt hay xảy ra ở độ tuổi này.”

“Cô ơi, sắp thi tốt nghiệp rồi mà vẫn còn phải học Giáo dục Công dân nữa hả cô.” Một đứa “can đảm” lên tiếng mè nheo.

Cả lớp liền uể oải rên rỉ như đồng tình. Mấy hôm nay chúng tôi học bài đến chết đi sống lại. Ngay cả thằng Tú cũng đã đến lớp để cùng ôn tập. Thấy thái độ chán chường của tụi học trò, cô Tâm mỉm cười hiền lành đáp. “Đây là không phải là bài học. Cô đang tâm sự với các em thôi.”

Có mấy đứa ngẩng đầu lên tò mò. Hiếm khi có giáo viên nào được học sinh yêu quý nhiều như cô Tâm. Cô hay bày trò chơi và lắng nghe tụi tôi kể chuyện, giải bày những vướng mắc tuổi áo trắng đến trường. Chỉ có cô mới khiến cho một môn học chán ngắt như vậy trở nên thú vị và giúp bọn nhóc lười biếng tụi tôi được điểm cao để gỡ gạc lại một chút cho Sử và Địa.

“Mùa thi rất căng thẳng. Cô biết. Cô đã từng trải qua rồi.” Cô Tâm ôn tồn giải thích. “Nhưng dù có cắm cúi học cỡ nào thì cũng đến lúc não các em mệt mỏi và đó là lúc chúng ta phải tham gia vào các hoạt động tinh thần để giúp não xả hơi, lấy lại năng lượng. Ai có thể cho cô biết một số hoạt động tinh thần bổ ích nào?”

“Chơi game!” Thằng Lý lợn rống lên sung sướng như thể một cái máy cắm băng bốn nút vừa xuất hiện ngay trước mặt nó vậy. Thằng Duy đầu bò quay sang đập tay hưởng ứng với nó. Hai thằng đần ấy cười hềnh hệch lên với nhau vô cùng khoái trá.

“Cũng là một kiểu giải trí.” Cô Tâm nhẹ nhàng bảo. “Nhưng mà lúc thấm mệt rồi thì em có chơi nổi nữa không? Mắt díp lại. Tay run cầm cập. Đầu óc choáng váng. Em càng chơi thì sẽ càng đuối. Chơi thua lại tức giận. Rốt cuộc vẫn không giải toả được gì mà còn căng thẳng thêm. Chưa kể là chơi điện tử rất dễ ghiền. Chơi một màn lại muốn chơi tiếp màn nữa. Làm sao mà quay lại học được ha?”

“Trời ơi cô, hai thằng ngu này nó có học đâu mà sợ? Tụi nó chơi không à!” Có đứa phát biểu một câu hết sức chí lý khiến cả lớp cười lăn cười bò. Đến cả tôi đang buồn bực trong lòng mà cũng không nhịn được phải nhếch môi một cái.

Rồi giữa âm thanh hỗn loạn ấy, thằng Tú chợt lên tiếng. “Dạ, nghe nhạc được không cô?”

Mọi người đều bất ngờ và quay sang nhìn nó. Cả năm nay, ngoại trừ những lần bị giáo viên hỏi đến, thằng Tú chẳng bao giờ phát biểu trong lớp cả. Nhưng sao giờ lại…

“Nghe nhạc quá được luôn Tú.” Cô Tâm mỉm cười nhìn nó. “Lúc nghe nhạc chúng ta có thể nhắm mắt thư giãn. Thậm chí một số người nghe nhạc trong lúc học tập và làm việc thì lại càng năng suất hơn. Miễn là các em chọn đúng thể loại. Đừng nghe nhạc giần giật kích động mà nên chọn những giai điệu du dương, êm tai.”

“Ngủ gục luôn á!” Lại có đứa nói linh tinh.

“Ngủ được một chút cũng tốt mà.” Một ý kiến khác chen vào.

“Nhóm Cánh Cửa vừa ra album mới. Phê lắm!”

“Cô mới bảo không nghe nhạc giựt mà mày còn giới thiệu nhóm rock. Điên hay ngu vậy?”

Cả lớp lại cười rần rần lên. Thằng Tú vẫn im lặng cúi đầu.

“Âm nhạc là tấm gương phản chiếu tâm hồn của mỗi người. Thể loại nhạc phản ánh một phần tính cách của người nghe. Em hay nghe nhạc gì hả Tú? Chia sẻ cho các bạn biết đi.” Cô Tâm ra hiệu ổn định rồi hướng mắt về phía nó như đợi chờ.

“Em nghe nhạc Xoa, của ca sỹ Bạch Nhạc Nhân ấy cô.” Thằng Tú đáp nhưng vẫn cúi đầu. “Giai điệu nhẹ nhàng và hay lắm. Lời tuy buồn nhưng rất có ý nghĩa. Chỉ tiếc là giờ chỉ còn những bài cũ để nghe. Ổng không ra nhạc mới nữa…”

Chắc cô cũng đã nghe tin đó rồi nên nụ cười trên môi cô chợt héo đi. Cô nhìn thằng Tú như có chút tội nghiệp. Rồi bất chợt, tôi thấy nó khóc. Không thành tiếng. Chỉ là những giọt nước mắt lặng lẽ rơi trong không gian huyên náo chẳng một ai thèm nhìn ngó.

Nếu âm nhạc là tấm gương phản chiếu tâm hồn thì chẳng phải tấm gương của thằng Tú đã vỡ rồi sao?

***

Tôi cũng chẳng biết vì lý do gì mà đôi chân lại đưa tôi sang hẻm mười hai và đến với căn nhà cổng màu xanh lá giờ đã bỏ không hơn mười năm nay. Mẹ nó mất đâu chừng mấy năm về trước. Tôi cũng chả nhớ rõ nữa. Đó cùng là lần duy nhất tôi ghé qua nhà nó sau khi tốt nghiệp. Lo hậu sự cho bà Mơ xong là chúng tôi cũng quay lên lại Tây Hưng. Căn nhà không bán mà chỉ để đấy cho đóng bụi. Biết đâu lúc nào đó hai đứa tôi sẽ lại quay về đây thì sao.

Nhìn chiếc ổ khoá to tướng lắp trên cổng, tôi ngứa ngáy đập lên đó mười cái bên phải và năm cái bên trái rồi tập trung lắng nghe. Yên ắng. Cái then không rớt ra như trước nữa. Có lẽ vào những năm cuối đời, bà Mơ đã nhận ra rằng then cửa bị hư đúng như những gì thằng Tú nói nên đã sửa lại rồi.

Cuối cùng bả cũng chịu nghe lời nó.

Nhưng cũng đã quá muộn màng rồi…

Tôi ghé mắt nhìn qua những chấn song. Cửa bên trong đóng im ỉm. Sân trước cũng trống huơ trống hoác. Nếu là hồi đó, tôi có thể nhìn thấy đôi giày thể thao màu trắng sọc đỏ có in cô gái hoạt hình của thằng Tú để ngay thềm cửa, cái cân kiểu cũ để trong góc sân, chiếc xe đạp màu đỏ, và thấp thoáng những tấm áp phích ông nghệ sĩ người Xoa cùng với mấy bức tranh linh tinh mà nó vẽ. Giờ đây tất cả chỉ là một căn nhà xập xệ nằm câm lặng trong bóng tối.

Tôi chợt nghe thấy tiếng hai đứa nhóc đang cùng nhau chạy giỡn trong sân. Chiếc áo xanh ôm ghì lấy chiếc áo đỏ mà lộn nhào trên đất với tiếng cười giòn tan.

Tôi chợt thấy bóng một thằng nhóc mắt sáng như sao vừa khóc vừa gào tên tôi vừa chạy ra khỏi nhà, trên tay nó vẫn còn cầm theo giấy bút để ghi số điện thoại thằng bạn sắp sửa đi xa.

Tôi chợt thấy một thằng trẻ trâu cuống cuồng đạp xe đến gọi cửa, nhất quyết phải chở bạn nó đi học cho bằng được.

Tôi lại chợt thấy hai hình bóng ướt nhẹp nước hồ bơi quay về nhà giữa đêm khuya. Gió thổi lạnh ngắt nhưng đứa nào cũng cười tít mắt trông vô cùng hạnh phúc.

Ngốc thật… Tôi thầm nghĩ. Sao mà cứ luyến tiếc như thể thằng Tú không có ở đây vậy. Nó vẫn còn đang chờ mình trên đồi Dao Xàng Da kia kìa. Phải nhanh chân lên mới được.

Và trước khi rời đi, tôi liếc nhìn qua sân lần chót.

Tôi chợt thấy một đống lửa bốc lên hừng hực giữa sân. Cột khói đen sì sì hăng hắc bốc cao lên giữa bầu trời tờ mờ sáng che khuất cả bà Mơ đang cặm cụi bên cạnh. Ánh lửa đỏ rực hắt vào mặt khiến tôi lạnh cả người. Bất giác, tôi đưa tay lớn tiếng ngăn cản.

***

“Ủa, bác Mơ đang đốt gì vậy?” Tôi rướn cổ vào hỏi.

Lúc vừa quẹo vào hẻm nhà Tú, tôi thấy một cột khói đen bốc cao ngút trời nên đã cố tình tăng tốc để tới xem. Ai ngờ đâu lại là thứ xuất phát từ sân nhà nó. Hôm nay tôi bỗng thức dậy sớm nên quyết định ghé rủ thằng Tú đến trường chung, tiện thể cũng muốn xin lỗi nó luôn. Rốt cuộc lại gặp phải chuyện này. Dù gì hôm nay cũng là ngày thi môn đầu tiên. Hy vọng tôi và nó sẽ cùng nhau cố gắng.

“Thằng Tú không có ở nhà con hả?” Bà Mơ mệt mỏi vừa hỏi vừa cời lửa.

“Dạ không… Sao vậy bác?” Lấy làm lạ vì câu hỏi bất ngờ, Tôi dựng xe đạp ngay ngắn trước cửa nhà rồi vào sân tính phụ mẹ nó một tay.

Nhưng khi nhìn thấy thứ bà Mơ đang đốt, tôi liền chết đứng tại chỗ. Bao nhiêu bức tranh nó cắm cúi cặm cụi vẽ, bao nhiêu tấm áp phích của ông Bạch Nhạc Nhân và cả đĩa nhạc nữa đều đang oằn mình chết trong biển lửa.

“Bác… bác ơi, sao lại đốt mấy thứ này của thằng Tú vậy ạ?” Lưỡi lửa táp vào mặt tôi lạnh ngắt. Khói hù hụ tốc lên khiến mắt cay sè. Tôi vội cúi xuống vơ vội mấy cái đĩa nhạc và tranh ảnh còn sót lại rồi giữ rịt vào người, nhưng rốt cuộc vẫn bị bà Mơ thô bạo giật lấy.

“Giữ làm gì ba mấy cái vớ va vớ vẩn này!” Mẹ nó thẳng tay vứt vào cái xô nhôm cuồn cuộn lửa đỏ. “Suốt ngày vẽ vời. Suốt ngày nghe nhạc nghe nhiếc nên mới chểnh mảng học hành thế này đây! Mất dạy thật! Mẹ thì đầu tắt mặt tối còng lưng ra làm. Con thì lo chơi bời lêu lổng. Tao đốt hết cho mày biết tay!”

Bà Mơ đầu bù tóc rối, mặt đầy mồ hôi nhễ nhại không thèm để ý gì đến tôi nữa. Bả cứ thảy từng chút từng chút một những gì thằng Tú trân quý nhất vào lò lửa. Vừa đốt bà vừa mắng chửi nó vô cùng thậm tệ. “Thằng con mất nết. Lớn lên rồi cũng y chang ba mày thôi. Biết vậy hồi đó tao quăng mày ở chùa chứ nuôi làm mẹ gì cho tốn sức tao. Tao đốt hết! Bây giờ nói mày không nghe nữa thì tao làm cho mày xem!”

Rồi bả đột nhiên quay sang trừng đôi mắt đỏ hoe với tôi. “Tối hôm qua bác la nó mấy câu, doạ đốt hết đồ của nó mà nó bỏ chạy khỏi nhà. Cứ tưởng là chạy sang con. Thế mà không phải à? Thằng mất dạy này không biết trốn đi đâu nữa. Lúc về là phải cho nó nhừ đòn!”

Tôi bối rối. Bụng dạ quặn hết cả lên. “Bác ơi, cả đêm hôm qua thằng Tú không về sao?”

“Trốn biệt!” Mẹ nó gầm lên rồi lại lấy cây que cời cho lửa cháy to hơn. Xấp tranh vẽ cuối cùng đã bị bả vứt vào lửa một cách không thương tiếc. “Không qua con thì chắc đến nhà đứa nào khác rồi. Càng lúc càng láo lếu, không ra gì!”

Tro tàn tốc lên bay trong không khí như những con thiêu thân vần vũ quanh ánh lửa đỏ. Quai hàm tôi ngạnh ra. Trong miệng bỗng có cảm giác chua chát vô cùng khó chịu. Rốt cuộc thì thằng Tú chạy đi đâu? Nó chẳng thể sang nhà ai được cả. Hay là nó lại trốn lên đồi?

“Trong lớp nó cũng có bạn mà, đúng không?” Bà Mơ ngồi chồm hổm trên đất. Mắt ngó đăm đăm vào cái xô nhôm. Giọng yểu xìu buồn bã. “Ngoài con ra, chắc nó cũng có chơi với vài đứa khác nữa ha.”

“Dạ, thì cũng có…” Tôi nói dối. Tú chẳng có đứa bạn nào hết. Kể cả tôi cũng không còn là bạn của nó nữa.

“Thế con có biết nó bị người ta chọc là bê đê không?” Bà Mơ vẫn không ngó lên. “Đừng có nói dối bác. Con cứ trả lời thật lòng đi. Có phải chỉ có mỗi mình con vẫn còn chơi với nó không? Nó có bị ai ăn hiếp không?”

Hai tay tôi vân vê nhau. Hàng loạt ý nghĩ chạy trong đầu. Bà Mơ sẽ nói gì nếu như biết tôi rồi cũng giống như tụi thằng Nhân, thậm chí còn tệ hại hơn. Rốt cuộc tôi vẫn là đứa bỏ rơi nó và khiến nó đau lòng. Bao nhiêu lời ăn năn thú tội quanh quẩn trong miệng nhưng cuối cùng vẫn không đành lòng nói ra sự thật. “Dạ, con không biết chuyện này. Mà ai nói cho bác nghe vậy? Chắc chuyện xạo thôi chứ làm gì có ạ.”

“Sao lại không có được? Chính thầy cô trên trường nói cho bác đấy!” Bà Mơ mệt mỏi lót dép ngồi bệt xuống sân. Rồi bà bất ngờ lấy que đập bôm bốp vào cái xô lửa. “Chỉ toàn tại mấy cái thứ này này! Nhạc nhiếc vẽ vời! Bạch Nhạc Nhân thần tượng gì của nó cũng là một người trai không ra trai, gái không ra gái nè! Kết cục có thảm không? Lên cả TV. Mê đắm vào rồi bị ảnh hưởng thần kinh. Đi học bị bạn bè trêu chọc. Về nhà thì lầm lầm lì lì. Sống như vậy thì sống làm cái gì?”

Tôi im lặng. Muốn rời đi nhưng không biết phải mở miệng làm sao. Những lời của mẹ thằng Tú như dao cứa sâu vào tim tôi. Đến cả người mẹ sinh nó ra mà còn buông những lời độc địa như vậy thì thằng Tú biết nương nhờ chỗ nào đây? Mồ hôi tuôn ra ướt cả lưng áo. Tôi khẽ cúi đầu chào rồi định quay lưng đi.

“Hôm nay thi đúng không Thiên?” Mẹ nó bỗng dưng hỏi. Mắt vẫn đăm đăm nhìn vào ngọn lửa quằn quại. “Chả biết thằng Tú có đến trường chưa nữa.”

“Dạ chắc nó tới rồi đấy chứ.” Tôi vội trấn an.

“Sau này con tính học gì làm gì?” Bà Mơ lại hỏi. Ngọn lửa đang dần tắt.

“Con cũng chưa biết nữa ạ.” Tôi gãi đầu. “Ba mẹ con muốn con học gì đó về kinh doanh để sau này còn tiếp quản xí nghiệp của gia đình.”

“Ừ, kinh doanh…” Mẹ nó ậm ừ như tự nói với chính mình. “Có tương lai lắm. Chứ ai đời cứ khăng khăng đòi làm thiết kế đồ hoạ là cái gì? Mày vứt bỏ cuộc đời mày đấy à, con ơi?”

Tôi lại cúi đầu xin phép rời đi. Bà Mơ chẳng để ý gì đến tôi nữa. Khi ra đến cổng, tôi ngoảnh lại nhìn vào nhà nó lần nữa. Mảng tường trong phòng khách thấp thoáng sau ô cửa sổ giờ trần trụi trống hoác để lộ ra một màu trắng như xương. Tôi thật sự không muốn thằng Tú nhìn thấy cảnh này. Nhưng biết làm sao…

“Sao con mình nó lại như thế nhỉ?”

Lúc ngồi lên xe tôi vẫn còn nghe tiếng bà Mơ tự lẩm nhẩm một mình.

“Lỗi của mẹ hả con? Sao giờ mẹ không còn nhận ra đứa con mẹ rứt ruột đẻ nữa rồi? Sao con cứ như một người lạ vậy? Mấy bức tranh này là vẽ cái gì đây? Sao con lại thành ra như thế này? Lỗi của mẹ hả con?”

Và tôi nghe bả khóc. Tấm tức một mình.

Lỗi của bả ư? Hay lỗi của thằng Tú?

Lỗi của ai?

Tôi cũng chẳng biết nữa.

Tôi lấy điện thoại ra và nhấn số gọi con Vân. Từng hồi chuông đổ như nhịp tim tôi vang lên dồn dập. Cõi lòng nặng trĩu không sao gượng dậy được.

“Chuyện gì? Sao chưa tới trường đi?” Con Vân cộc lốc. Nó vẫn còn giận tôi vụ hôn nhau trong sân trường.

“Thằng Tú có ở đó với mày không?” Tôi vào vấn đề.

“Không!” Vân tặc lưỡi. “Mày buông tha nó một hôm đi. Sắp thi rồi đó! Mày lo cái thân mày đi kìa. Giờ này chưa thấy mặt mũi đâu!”

Tôi cúp máy.

Lo thân. Lại thêm một người nữa bảo tôi nên tự lo lấy thân mình đi. Cũng được thôi.

Tôi lấy trớn rồi phóng xe như bay ra khỏi ngõ.

Nhưng nếu chỉ vì lo thân mà tôi lại vô tình tổn thương người khác thì sao?

Nhưng nếu tôi chăm lo cho người khác mà lại vô tình tổn thương cả họ lẫn bản thân mình thì sao?

Đằng nào cũng là cùng nhau chết chùm. Sao không để tôi ôm lấy người mình thương mà chết?

Cố lên nhé Tú! Chỉ hai hôm nữa thôi. Rồi tao với mày sẽ cùng rời khỏi đây. Và đến lúc đó tao sẽ chính thức ngỏ lời với mày. Tao không sợ nữa. Tao không lo lắng gì nữa. Tao sẽ chỉ ở bên cạnh mày thôi.

Ấy vậy mà thằng Tú không đến.

Tôi đứng ngóng nó trước cửa phòng thi đến cả khi trống đánh hồi thứ ba mà vẫn không thấy nó đâu. Đến lúc giám thị hối, tôi cũng đành vào chỗ ngồi. Hành lang và sân trường trống hoác không có lấy một cái bóng. Không gian vắng lặng chỉ có tiếng bút cọt kẹt và tiếng lật giấy xột xoạt thỉnh thoảng vang lên.

Mười lăm phút, ba mươi phút, bốn mươi lăm phút, một tiếng, hai tiếng trôi qua. Vẫn không thấy nó đâu. Tôi biết cho dù nó có xuất hiện thì cũng là bị cấm thi môn đầu nhưng chí ít nó cũng phải đến trường chứ…

Trống đánh thùng thùng nhanh như một cái chớp mắt. Hơn bốn tiếng đã trôi qua. Chúng tôi đã xong môn Văn và Ngoại ngữ. Kỳ thi tốt nghiệp đã trôi qua hết một nửa rồi.

Trưa hôm đó, tôi đỏ mắt tìm kiếm nó khắp nơi trên đồi. Chỗ con dốc chúng tôi thường đến có mấy đầu lọc thuốc lá những chẳng biết là mới hay cũ, cũng chẳng thấy dấu vết gì của thằng Tú. Nó cứ như vậy mà biến mất một ngày một đêm. Nó có thể đi đâu được chứ?

Ngày hôm sau thi Toán và một môn ngẫu nhiên, Tú vẫn không xuất hiện. Con Vân cắm cúi vào dò đáp án chung với những đứa khác. Thằng Nhật tự tin đi giúp lũ kia giải đề. Chẳng ai ngoài tôi để ý đến thằng Tú. Cứ như từ trước đến giờ nó vẫn là một người vô hình vậy.

Tôi đến nhà nó tìm nhưng chỉ thấy cái ổ khoá to tướng trên cánh cổng màu xanh lá cây. Bà Mơ đã quay lại xí nghiệp làm việc.

Cả mấy ngày sau tôi cũng chẳng thấy thằng Tú đâu. Có người bảo nó đã bỏ nhà đi bụi rồi, chắc là trốn khỏi Pà Lặk rồi qua địa phương nào đó bán vé số. Tôi lắc đầu không tin. Nó kiên cường như thế ba năm nay. Chỉ còn hai ngày thi cuối cùng là có thể tự do rồi. Cớ gì mà lại chọn một con đường vất vả như vậy?

Lỗi tại mẹ nó sao?

Hay lỗi tại tôi?

Hay lỗi tại những đứa vô tâm đến mức nhẫn tâm kia?

Hay lỗi tại tôi?

Rồi cũng bất ngờ như khi nó biến mất, tôi bỗng tìm thấy nó vào một ngày chủ nhật nọ.

Lúc ấy là ba giờ bốn phút sáng.

***

“Nhìn kìa, Thiên! Cả một dòng sông đêm đầy sao!” Tú thích thú reo lên khi thấy tôi vừa lên đến nơi. Nó ngồi phịch xuống bên dốc đồi. Giọng hào hứng như thể mới lần đầu được chứng kiến cảnh tượng trước mặt.

Tôi chỉ khẽ mỉm cười liếc nhanh qua “dòng sông sao” của nó. Ánh mắt tôi vẫn còn bận bịu níu giữ lấy từng đường nét trên gương mặt Tú. Rất đáng yêu. Bao nhiêu năm trôi qua rồi mà nó trông chẳng khác biệt mấy, vẫn cứ như một thằng bé mười bảy tuổi ngày nào cùng tôi cắp sách đến trường. Mắt Tú vẫn sáng long lanh như sao, rất hợp với nụ cười rạng rỡ mà rất hiếm khi tôi mới được thấy. Mái tóc nó bồng bềnh trong làn gió đêm lạnh ngắt. Vài sợi ngang ngược còn bết lại trên vầng trán cao lấm tấm mồ hôi.

Bảo buồn ngủ mà còn leo lên đến tận đây. Thật là hết nói nổi.

“Mày ngó tao làm gì thế?” Tú phát hiện ra tôi đang mãi nhìn nó nên quay sang cự nự. “Tao bảo mày ngắm sao với tao cơ mà!”

Tôi nhẹ nhàng đưa tay xoa đầu nó. Từ lâu rồi tôi vẫn thích làm như thế. Không hiểu sao Tú luôn cho tôi một cảm giác muốn chở che bảo vệ. Đôi khi cảm giác ấy mãnh liệt đến mức tôi cứ ngỡ như đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ của riêng tôi. Ấy vậy mà cũng đã có lúc tôi chẳng hề làm tốt nhiệm vụ của mình…

“Tao đang xem xem mày có bình thường không.” Tôi hếch mũi đáp. “Chỉ có mày mới điên đến mức leo tuốt lên đây ngắm sao giữa đêm hôm thế này.”

“Ơi xời! Có gì đâu chứ? Thích thì lên thôi.” Tú nhéo mũi tôi. Nó từng bảo nó thích nhìn bộ dạng nhăn nhó của tôi khi bị chụp lấy cái chóp mũi dài dài. “Chẳng phải ngày đó tao với mày cũng thường trốn lên đây cho yên thân à?”

Tôi không nói gì mà chỉ mỉm cười rồi khoác lấy vai nó. Giấu sau cử chỉ thân mật ấy là một núi đá đổ ập xuống cõi lòng, đè nặng trái tim tôi đến không thở nổi. Phải rồi, hồi ấy tôi với thằng Tú hay rủ nhau lên cái dốc này trên đồi. Lúc thì ngắm hoàng hôn, khi thì lại đếm sao đêm. Gì cũng được, miễn là chúng tôi thoát khỏi những phiền phức rắc rối của thị xã Pà Lặk.

Tú chợt ngả đầu lên vai tôi. Gió đêm mùa hè thổi qua, chỉ man mát chứ không thấy lạnh, nhưng cũng vừa đủ để làm tấm lưng ướt nhem của bọn tôi thấy dễ chịu. Và hơn nữa là để tôi được ngửi thấy mùi dâu ngòn ngọt trên tóc Tú. Tôi hít sâu vào một hơi, rồi như chưa đã cơn ghiền, tôi lại dụi mặt vào mái tóc tơ mềm mại khiến nó nhột mà bật cười.

“Già rồi mà vẫn không thôi cái trò này à?” Tú vờ lấy giọng cấm cảu, nhưng lại chẳng rút người lại hay tỏ vẻ gì là khó chịu.

“Chỉ muốn được như thế này mãi thôi…” Tôi cũng đãi giọng dài ra như nhõng nhẽo. “Chẳng muốn xuống lại dưới đó hay lên Tây Hưng nữa. Phiền chết được!”

Tú vòng tay ôm lấy tôi. Làn da nó lạnh ngắt khiến tôi rùng mình sảng khoái. “Vậy cứ ở lại đây thêm chút nữa đã… Không cần phải đi sớm…”

Dĩ nhiên rồi. Tôi quyết định bắt xe từ Tây Hưng về đây hôm nay đâu phải chỉ để vội vội vàng vàng quay lại cái nơi bon chen bát nháo đó. Thật ra, ban đầu tôi chỉ định về nói chuyện với ba mẹ rồi sáng mai đi ngay. Nhưng với tình hình này thì, có thể tôi sẽ ở lại đây luôn để chứng minh cho ông bà già thấy. Có thể… Hay là… Không! Tôi thật sự muốn ở lại đây luôn cho rồi. Ít nhất ở đây thì tôi vẫn có thể bảo vệ được nó, chẳng ai có thể chạm vào chúng tôi, hệt như không ai chạm nổi vào những vì tinh tú trên “dòng sông đêm” cùa nó vậy.

“Mày từng nói gì ấy nhỉ?” Nó thì thầm. “Cái gì mà đem ai đó đến gặp sao trời ấy.”

“Nếu muốn biết mình có yêu một người không thì cứ đem người đó đến gặp sao đêm.” Tôi nhẹ nhàng đáp.

“Sến súa sến sẩm.” Tú phì cười.

Tôi đưa tay vò nhẹ mái tóc nó rồi hít một hơi thật sâu mùi dâu dịu ngọt toả ra giữa đêm hè oi bức. Từ lâu tôi đã biết chính “dòng sông sao” của nó đã chỉ rõ cho tôi rằng người tôi yêu bấy lâu nay chỉ có mình Tú. Nếu giờ không có nó bên cạnh, tôi cũng chẳng biết phải làm gì nữa…

“Thị xã của mình cũng thay đổi nhiều quá rồi nhỉ?” Tú chợt cất lời. Âm điệu nhẹ nhàng như mây như gió. “Nhìn xem, bây giờ phía dưới kia còn sáng hơn cả trời sao nữa.”

Tôi ừ nhạt một tiếng. Trong lòng chợt thấy không vui. Mười năm rồi. Hồi đó, ở đây vẫn còn là một thị trấn quê mùa hoang vắng và nghèo kiết xác. Vậy mà giờ cũng đã san sát nhà cửa với ánh điện sáng trưng rải khắp mấy ô cửa sổ rồi. Qua bóng cây rậm rập đung đưa trong gió, mấy đốm sáng li ti ấy cứ thoắt ẩn thoắt hiện trông hệt như những ngôi sao lấp lánh trên trời. Không khéo lại còn cạnh tranh được cả với “dòng sông sao” như những gì Tú đang lo lắng.

Tôi không thích điều này.

Tôi không muốn hình ảnh tuyệt đẹp trong lòng Tú bị thay thế bởi bất cứ thứ gì khác cả. Nhất là khi đấy lại là một thứ vô cùng công nghiệp, vô cùng giả tạo như thế.

Thị xã Pà Lặk này vốn dĩ cũng chẳng phải là một nơi bình yên đối với nó. “Dòng sông sao” ấy là một kỷ niệm đáng yêu hiếm hoi mà nó vẫn còn giữ mãi trong lòng. Tôi thật sự không muốn chút dư vị ngọt ngào đó bị ô nhiễm.

Tôi phải dừng tất cả lại. Tôi phải giữ gìn mảnh ký ức quý giá này vì nó.

Không… Cảnh tượng phát triển phồn vinh kia chẳng thể nào so sánh được với “dòng sông sao” trong lòng Tú.

“Tao lại thấy mớ đèn đó vô cảm bỏ mẹ ra.” Tôi cương quyết. “Làm gì có cửa với bầu trời đầy sao đêm xịn xò của mày.”

“Thiệt hả?” Tú ngước nhìn tôi. Đôi mắt nó long lanh ươn ướt.

“Thiệt!” Tôi run run đáp. Lông mày cố tình nhướng lên để thêm vẻ nghiêm trọng.

Tôi quyết định đón xe từ Tây Hưng về đây hôm nay đâu phải chỉ để vội vội vàng vàng quay lại cái nơi bon chen bát nháo đó. Có thể tôi sẽ ở lại đây luôn. Tôi thật sự muốn ở lại đây luôn cho rồi.

“Mày biết… tao thấy… giống cái gì không?” Tôi lắp bắp. Cơn gió hè chợt mất đi hơi ấm, hệt như làn da lạnh ngắt của Tú đang áp vào người tôi vậy.

Ít nhất ở đây thì tôi vẫn có thể bảo vệ được nó, chẳng ai có thể chạm vào chúng tôi, hệt như không ai chạm nổi vào những vì tinh tú trên “dòng sông đêm” cùa nó vậy.

“Giống cái gì?” Tú mỉm cười tò mò.

Nếu giờ không có nó bên cạnh, tôi cũng chẳng biết phải làm gì nữa…

Tâm trí tôi chợt quay về đêm hôm ấy khi Tú lần đầu mở lòng với tôi. Gió lại thổi. Lạnh đến run người. Đám cây lá rậm rạp xào xạc khuấy đảo cả rừng ánh sáng trắng loang loáng như rọi xuống nước.

“Còn nhớ cái hồ bơi ở trường mà tụi mình lén vào không?” Tôi thì thào, giọng nói gần như tan thành hơi sương. “Tao thấy cảnh tượng này giống đèn chiếu xuống mặt nước hơn á.”

Tú cười buồn rồi im lặng suốt một lúc lâu. Tôi không biết nó đang nghĩ gì. Tôi muốn đoán nhưng lại sợ phải biết câu trả lời.

“Đêm hôm đó vui quá nhỉ?” Sau cùng, Tú nghẹn ngào lên tiếng. Nước mắt lăn dài trên gò má nhợt nhạt. Nó chầm chậm đứng dậy.

Ánh sao rót lên người nó một thứ ánh sáng bàng bạc khiến Tú chợt như trong suốt. Tôi vội vã đứng lên theo rồi ôm chầm lấy nó từ phía sau, cứ như sợ nó sẽ biến mất khỏi cuộc đời tôi một lần nữa. Tôi sai rồi. Lẽ ra tôi không nên nhắc đến đêm hôm ấy. Tôi kéo nó vào lòng, đưa tay vò lấy mái tóc nó. Mùi hương ngọt ngào đã không còn.

Không hiểu sao Tú luôn cho tôi một cảm giác muốn chở che bảo vệ. Ấy vậy mà cũng đã có lúc tôi chẳng hề làm tốt nhiệm vụ của mình…

“Nhiều lúc tao cũng nhớ lại đêm đó.” Tú bỗng nấc lên. “Ước gì có thể cùng mày nhảy ùm xuống cái hồ bơi đó một lần nữa.”

“Được mà!” Tôi nghẹn ngào đáp. “Có gì khó đâu chứ. Chuyện nhỏ thôi… Vì mày tao có thể làm được tất cả!”

Gió lại thổi xào xạc xua lớp ánh sáng trên mặt hồ lung linh mờ ảo như một giấc mơ.

Có thể tôi sẽ ở lại đây luôn. Tôi thật sự muốn ở lại đây luôn cho rồi.

Điều ước của Tú thật giản dị.

Còn điều ước của tôi ư?

Ước gì tôi được nắm lấy tay nó lần nữa. Ước gì tôi được chung đường với nó về nhà. Ước gì tôi và nó được ngủ cùng một chiếc giường, thức giấc chung một lúc, giống như một gia đình vậy. Ước gì tôi được nếm mùi vị đôi môi và cảm nhận bàn tay nó ve vuốt khắp cơ thể mình. Những ước mơ bé nhỏ vĩnh viễn không bao giờ thành hiện thực.

Tôi chợt thấy nực cười vì sự ích kỷ của bản thân. Nếu mọi điều ước đều là viển vông, nếu có thể ước một điều gì đó thì chẳng thà tôi ước mình đã đủ dũng cảm để ở bên cạnh nó, lắng nghe nó. Ước gì tôi đã kiên trì nắm lấy tay nó để kéo nó ra khỏi vực thẳm tuyệt vọng.

Ước gì có thể cùng mày nhảy ùm xuống cái hồ bơi đó một lần nữa.

“Từ nay trở đi, tao hứa sẽ cùng mày cùng nhau đối mặt…”

“Tao không để ai hiếp đáp mày đâu…”

“Hứa! Tao hứa sẽ không rời bỏ mày nữa! Từ giờ, mày đi đâu, tao theo đó nhé.”

Ba lời hứa. Tôi đã hứa với nó ba điều những chẳng làm nổi điều nào. Thôi thì hôm nay tôi sẽ dùng hết sức lực để thực hiện lời hứa cuối cùng với nó.

Tú đi đâu, tôi xin theo đó.

Thằng Tú vĩnh viễn sẽ không bao giờ biết được cảm giác làm thiết kế đồ hoạ là như thế nào, vĩnh viễn sẽ không bao giờ làm ra những tấm áp phích đẹp lộng lẫy cho đại nhạc hội của Bạch Nhạc Nhân. Lẽ ra người quen biết với chị Trang phải là nó. Lẽ ra người bị chị Vi mắng hàng ngày phải là nó.

Tôi đang giúp nó sống tiếp cuộc đời. Hay nói đúng hơn, chính tôi đã tước đoạt đi cuộc đời của nó vào buổi sáng hôm ấy khi nó nói thích tôi.

Tôi phóng tẩm mắt ra xa rồi trèo qua thanh chắn bảo vệ.

Được thôi, chẳng phải ánh đèn dưới đồi Pà Lặk trông rất giống mặt hồ loang loáng sao? Tao sẽ vì mày mà một lần nữa nhảy xuống hồ. Chúng ta sẽ sống mãi với nhau vào đêm hôm ấy.

Tôi nín thở tiến sát đến bên dốc đồi. Không nhắm mắt, tôi sẽ không nhắm mắt. Sự giải thoát đang đứng chờ ngay dưới kia thôi. Cứ bình tĩnh, cứ bình tĩnh nào… Tôi nhón chân và buông mình xuống.

“THIÊN!” Một đôi tay từ đâu bỗng ôm chặt lấy tôi. Giọng nói quen thuộc làm tôi giật mình quay lại.

Là thằng Nhật!

“Mày làm gì vậy?” Tôi ngỡ ngàng. “Sao mày lại ở đây? Mày buông tao ra! Mày buông tao ra! Thằng Tú đang đợi tao! Tao phải đi!”

“Mày đừng như vậy nữa mà Thiên!” Thằng Nhật gào lên. Nước mắt tuôn rơi trên đôi gò má. “Thằng Tú đã chết lâu rồi! Mày tỉnh lại đi! Đừng như vậy nữa!”

“Mày nói bậy!” Tôi giãy giụa và nghiến răng trèo trẹo. “Thằng Tú chết bao giờ! Mày điên rồi! Thằng Tú chưa chết! Nó đang chờ tao dưới kia kìa!”

“Mày tỉnh lại đi Thiên!” Nhật ghì chặt lấy tôi. Nó vỡ oà nức nở. “Từ hôm ở quán cà phê thấy mày nói chuyện một mình, tao đã biết sự thật rồi. Mày phải buông bỏ đi! Mười năm rồi! Mày để cho thằng Tú ngủ yên đi được không?”

“Tú không chết…” Tôi lẩm bẩm. “Tú không chết! Hôm đó, có người đến bảo nó đang chờ tao mà…”

Hôm đó…

Một buổi sáng chủ nhật, lúc ba giờ bốn phút, tôi nhận được tin người ta đã tìm thấy xác nó ở một khe hẹp dưới đồi Dao Xàng Da.

Không thể nào! Đây không thể nào là sự thật được!

Tôi thà tự huyễn hoặc bản thân còn hơn một mình đối diện với hiện thực tàn nhẫn.

Nó vẫn ở đây cơ mà. Hơn mười năm qua nó vẫn ở đây với tôi. Nó sống cùng tôi trong căn nhà đó. Nó nằm trên giường chờ tôi đi làm về. Tôi còn đến phòng trị liệu của con Vân để kể cho nhỏ đó nghe biết bao điều về nó. Nó còn cãi nhau với tôi ở quán cà phê gần công ty mấy tuần trước. Tôi còn dắt nó đi trung tâm thương mại chơi trò chơi mà. Thằng vụng về ấy còn làm rơi trái bóng rổ khi tôi đưa cho nó, cứ như thể trái bóng rớt xuyên qua tay nó vậy. Chúng tôi còn làm một trận nước mắt đầm đìa trước mặt bao người để bị quay phim lại tố cáo với phụ huynh nữa.

Không thể nào là giả được đâu!

Con Vân! Tao sẽ không uống thứ thuốc của mày nữa!

Nhật! Mày buông tao ra ngay!

Chợt, một bàn tay lạnh ngắt chạm lên mặt tôi và quệt đi dòng nước mắt nóng hổi. Thời gian như ngừng lại. Tôi ngẩng đầu nhìn.

Thằng Tú âu yếm gò má tôi. Cơ thể nó trong suốt như ánh sao. Nó mỉm cười thật hiền và vẫy tay như muốn chào tạm biệt. Rồi nó buông lơi cho cả người từ từ bay lên cao. Tôi im lặng dõi mắt nhìn theo hình bóng nó dần dần hoà vào những ngôi sao sáng.

Chúng ta sẽ sống mãi với nhau vào đêm hôm ấy.

Chúng ta sẽ sống mãi với nhau vào đêm hôm nay.

Mãi mãi là bao lâu?

Chỉ một khoảnh khắc vô tình thôi mà tôi đã chậm trễ cả một đời. Tôi có thể chờ được thêm hai ngày thi tốt nghiệp, nhưng thiên đường lại quá nóng vội mang Tú ra đi. Tất cả những gì tôi chưa từng nói giờ đã biến thành những điều tôi vĩnh viễn không thể cất lời. Một ngày nào đó… Một ngày nào đó thật quá xa.

“Tao xin lỗi mày vì vẫn chưa trả lời đàng hoàng tử tế câu mày hỏi tao. Giờ đã quá muộn rồi phải không?” Tôi ngẩng đầu nhìn sao đêm. Đôi mắt ướt nhem. “Nhưng tao vẫn muốn nói. Tao yêu mày đó Tú. Từ lúc rời khỏi Pà Lặk tao đã biết tao thương mày rồi. Tao nhớ mày lắm, chỉ muốn quay về để được gặp mày thôi. Tao yêu mày! Đừng bỏ rơi tao được không?”

Hãy cứ hỏi những vì sao đi! Khi ngẩng lên trời, sao sáng xếp thành gương mặt ai thì đó chính là người ta để trong lòng.

Những vì sao im lặng không đáp, nhưng tôi vẫn nhìn ra gương mặt thằng Tú đang mỉm cười với tôi. Thằng Tú đi thật rồi. Chúng tôi… yêu nhau quá sớm nhưng cũng là quá muộn, để giờ đây chỉ còn lại nỗi tiếc thương vô bờ.

Một đứa trẻ mười bảy mười tám thì nghĩ gì đến cái chết? Hồi lúc ấy, gia đình tôi may mắn chưa mất đi bất kỳ người thân nào. Tôi không hiểu cảm giác lúc ấy sẽ ra sao khi một người gắn bó với mình chợt không còn trên đời này nữa. Với Tú, giống như khi tôi xem được thứ gì hay hay trên mạng nhưng lại chẳng có nó bên cạnh để khoe; giống như khi tôi cảm thấy chẳng ai hiểu mình nhưng nó lại không có ở đấy để lắng nghe tôi; giống như khi tôi nhớ nó, muốn trò chuyện, muốn nhìn thấy mặt nhưng giờ chỉ còn là một tấm ảnh, một ký ức, một bóng ma mà thôi. Cảm giác trống rỗng ấy không phải chỉ một tuần, một tháng, một năm, bốn năm, mà là vĩnh viễn. Đi kèm theo đó là mỗi nỗi uất ức, một sự hối hận vì bản thân quá đỗi bất lực. Dù có cố cách mấy cũng không thể đem người đó quay về được nữa…

Thằng Nhật lôi tôi trở lại vào sau thanh chắn. Nó ôm chặt lấy tôi, xoa lưng cho tôi, lắng nghe tiếng tôi khóc nức nở mà không nói một lời nào.

Trời dần sáng.

Những ngôi sao dần nhạt nhoà.

Mặt trời dần ló dạng.

Tôi đưa tay ôm lấy Nhật và nhắm mắt lại.

Tất cả chỉ xem như một giấc mơ.

HẢI VƯƠNG TINH: Hành tinh tượng trưng cho giấc mơ và sự tưởng tượng.