Kỳ nghỉ hè vui vẻ đã bắt đầu. Việc chăm sóc Mitaki-chan cũng tạm dừng một thời gian.
Tôi thuộc tuýp người làm bài tập hè cực nhanh, nên đã giải quyết gần hết ngay trong tháng Bảy và cảm thấy vô cùng thỏa mãn.
Và rồi tôi quyết định về quê ngoại, tức là nhà ông bà.
Đúng nghĩa là về quê.
Trước khi về, tôi thử ghé qua nhà Mitaki-chan.
Vì quan hệ giữa tôi và mẹ nhỏ không được tốt cho lắm nên tôi không vào nhà được, đành lẻn vào khuôn viên, nhìn vào phòng nhỏ từ cửa sổ bên ngoài.
“Ối!”
Tôi giật mình kêu lên. Bởi vì nhỏ chỉ mặc mỗi quần lót. Toi rồi, đây hoàn toàn là hành vi phạm tội.
Trước đây, lúc tôi đưa nhỏ vào nhà vệ sinh và cởi quần lót cho nhỏ, tôi chẳng cảm thấy gì cả, vậy mà bây giờ không hiểu sao tim lại đập thình thịch.
Có lẽ nhận ra tiếng động, nhỏ đang xem hoạt hình trẻ con liền đi về phía cửa sổ và mở nó ra.
Nhỏ cũng biết mở cửa sổ cơ à? Xem ra cũng không khác người thường là mấy nhỉ.
“A! Đến chơi đó hả?”
“Ơ, ờm, không phải, chỉ là tớ sắp đi xa một thời gian.”
Tôi vừa nói chuyện vừa bối rối, cố gắng không nhìn vào người nhỏ.
“Đi xa? Hawaii? Đi Hawaii hả?”
Lại Hawaii à? Trong đầu con bé này, cứ nói đến du lịch là nghĩ ngay đến Hawaii hay sao ấy.
“Không phải Hawaii đâu. Mà thôi, tớ sẽ mua quà về cho. Với lại, cửa sổ này bên ngoài cũng nhìn vào được đó, nên cậu mặc quần áo vào thì hơn!”
Tôi không biết liệu nhỏ có hiểu lời khuyên của mình không, nhưng tôi đã rời đi như chạy trốn khỏi đó.
Ngồi trên chiếc xe do bố lái, lắc lư khoảng hai tiếng, cuối cùng chúng tôi cũng đến thị trấn nơi ông bà ngoại tôi ở.
Ông bà đã ra đón tôi ngay khi xe vừa về đến.
“Ôi chao, Naka-chan lớn quá rồi nhỉ.”
“Ồ, lớn thật rồi, nào, cho cháu tiền tiêu vặt đây.”
Từ lần về quê năm ngoái đến giờ, chiều cao của tôi chẳng tăng thêm chút nào, vậy mà ông bà đang nói gì thế không biết.
“Aaaaaaa!”
“Ugyaaaaaa!”
Bỗng nhiên, từ bên ngoài vọng vào những tiếng hét kỳ quái.
“Thiệt tình, cháu mình vừa mới về tới nơi mà mấy người bên đó không thể giữ yên lặng một chút được hay sao.”
Bà bắt đầu tỏ ra bực bội.
“Có chuyện gì vậy ạ?”
Khi tôi hỏi, bà đáp:
“Ở gần đây có cái đó, Work House thì phải? Bà không nhớ rõ tên lắm, nhưng đó là nơi tập trung những người có vấn đề về đầu óc. Ông bà đã phản đối lúc họ xây dựng, nhưng cuối cùng nó vẫn được xây lên. Thực sự là sợ lắm, lúc nào cũng thấy bất an.”
Tối hôm đó, bố mẹ cùng ông bà tôi uống rượu rồi vui vẻ trò chuyện.
Mùi rượu nồng nặc, tôi sang phòng khác xem TV, nhưng tiếng nói chuyện thật sự rất ồn ào.
Đúng là phải nhìn người mà sửa mình. Không biết hàng xóm có thấy nhà mình cũng ồn ào như những người ở cái Work House kia không nữa.
Trưa hôm sau, tôi nói mình đi dạo quanh đây một chút rồi ra khỏi nhà.
Và nơi tôi tìm đến chính là cái gọi là Work House ấy.
“Chàooo mừng quý khách!”
Vừa bước vào trong, một người đàn ông đã cất tiếng chào tôi.
Thì ra, ngay lối vào là một quầy bán bánh mì.
Có một tờ rơi giới thiệu về trung tâm nên tôi đọc thử.
Có vẻ như đây là nơi tập hợp những người giống Mitaki-chan. Tùy theo mức độ khuyết tật, họ được huấn luyện làm những công việc đơn giản, giao tiếp cơ bản và các hoạt động thường ngày.
Và như một phần thành quả huấn luyện, họ được làm bánh mì để bán.
Tôi nhờ một nhân viên cho phép mình tham quan bên trong.
Đầu tiên là đến xem nơi làm bánh mì.
Những người trạc hai mươi tuổi đang làm bánh mì theo dây chuyền, vừa làm vừa nhìn hướng dẫn dán trên tường.
Họ dùng găng tay và dụng cụ sạch sẽ, nên chắc nước dãi cũng không rơi vào bánh được.
Tiếp theo, tôi đến nơi những đứa trẻ trạc tuổi Mitaki-chan đang được huấn luyện và học tập.
“A… a… a…”
“Tôi là Ganma! Tôi là Ganma!”
Có người thì rên rỉ như Mitaki-chan lúc tôi mới gặp, có người thì chỉ đơn thuần tự giới thiệu bản thân.
Cũng có người đang giải những bài toán đơn giản, hay có người viết tên mình bằng chữ Hán rất đẹp.
Sau đó tôi còn đi xem nhiều nơi nữa. Trời về chiều, nếu không về sớm chắc bố mẹ sẽ lo lắng.
“Mua bánh mì đi ạ!”
Khi tôi từ bên trong quay ra khu vực bán bánh để về, anh nhân viên ban nãy lại mời tôi mua hàng.
Tôi nhìn vào tủ kính trưng bày. Bánh nhân đậu đỏ, bánh mì dưa gang, bánh mì cà ri… trông cái nào cũng ngon.
Sao mà mua nổi chứ, ghê quá đi mất.
Đến thăm nơi này hôm nay, tôi cũng phần nào hiểu được cảm giác của những người xung quanh.
Bọn họ thật kinh tởm. Chắc là do không điều khiển được cơ bắp, nhưng nhiều khuôn mặt có hình thù kỳ dị, và cũng không ít người mà mặt ai trông cũng giống ai. Thật rùng rợn.
Dù đã tận mắt xem quy trình làm bánh và biết nó sạch sẽ đến mức nào, tôi vẫn không tài nào biết được bên trong chiếc bánh thực sự có gì.
Việc tôi không cảm thấy Mitaki-chan kinh tởm đến thế là vì nhỏ có gương mặt tương đối ưa nhìn, hợp gu tôi, và vì nhỏ cô đơn. Chắc chỉ có vậy thôi.
Còn những người ở đây thì chẳng cô đơn chút nào. Họ quen thân với những người khuyết tật khác và còn được nhân viên hướng dẫn.
Chỉ vì một sự khác biệt nhỏ nhoi đó mà tôi lại trở nên giống hệt những kẻ xung quanh mà mình từng khinh miệt. Tôi chán ghét chính bản thân mình như vậy.
Tôi quay về nhà ông bà, vào nhà vệ sinh và nôn hết mọi thứ trong dạ dày ra.
Nôn nhiều đến mức cả dịch vị cũng trào ra. Một thứ còn kinh tởm, ghê rợn hơn cả nước dãi của Mitaki-chan.
Vài ngày sau, kỳ về quê kết thúc, chúng tôi lại trở về thị trấn mình đang sống.
Tay cầm chiếc bánh Mochi đã mua, tôi đến nhà Mitaki-chan, lại nhìn vào phòng nhỏ từ cửa sổ bên ngoài như lần trước. Hôm nay nhỏ đã mặc quần áo tử tế.
Cốc cốc, tôi gõ cửa sổ. Mitaki-chan nhận ra rồi chạy đến mở cửa.
“Mitaki-chan, cái này, quà cho cậu này. Tớ bóc sẵn vỏ bánh ra để cậu khỏi ăn nhầm cả bao bì, không biết tớ có làm thừa không nữa.”
“Cảm ơn cậu!”
Được tôi đưa cho chiếc bánh Mochi, Mitaki-chan nhìn tôi với nụ cười rạng rỡ.
Đừng nhìn tôi bằng khuôn mặt đó.
Nếu gương mặt của Mitaki-chan cũng giống như những người ở đó, hoặc nếu Mitaki-chan có bạn bè, thì có lẽ tôi cũng sẽ thấy Mitaki-chan kinh tởm như những người xung quanh vậy.
Thế nhưng, có lẽ đó chỉ là một sự ích kỷ vớ vẩn, nhưng tôi vẫn muốn đối xử với Mitaki-chan như trước giờ. Chính tôi cũng không hiểu mình đang nghĩ gì nữa.