“Chào buổi sáng ạ!”
“Ồ, cháu trông khỏe khoắn quá nhỉ.”
Trên đường cùng tôi đến trường, Mitaki-chan vui vẻ chào hỏi một cô hàng xóm.
Liệu cô ấy có còn phản ứng như vậy không nếu biết Mitaki-chan bị thiểu năng trí tuệ?
Dù mẹ của Mitaki-chan đã bảo tôi đừng làm chuyện thừa thãi, tôi vẫn cố gắng hết sức dạy dỗ để Mitaki-chan hành xử đúng với lứa tuổi của mình.
Tôi không biết liệu tình trạng thiểu năng trí tuệ của Mitaki-chan không quá nghiêm trọng, hay vì từ trước đến nay nhỏ chưa được bố mẹ giáo dục tử tế nên đầu óc còn non nớt và dễ tiếp thu hơn, hay là do tài năng huấn luyện của tôi quá tuyệt vời, mà giờ đây, sau ba tháng kể từ khi lên lớp năm, nhỏ đã tiến bộ hơn nhiều rồi... tôi nghĩ vậy.
Cách nói chuyện cũng đã tiến bộ đáng kể.
Nhưng việc nhỏ ít tự mình hành động hơn có phải là do tôi không?
Nhỏ đã bớt cho những thứ linh tinh vào miệng, nhưng đến bữa ăn ở trường, nếu tôi không bảo “Ăn đi” thì nhỏ cũng không chịu động đũa.
Thế này thì đúng là thú cưng thật rồi. Có lẽ một đứa học sinh lớp năm quèn như tôi không nên ra vẻ dạy dỗ người khác như vậy chăng?
Dù Mitaki-chan đã khá hơn nhiều, vị thế của chúng tôi trong lớp vẫn chẳng vì thế mà thay đổi.
Hôm đó có tiết học bơi.
Nhưng tôi và Mitaki-chan không được vào bể bơi lớn cùng mọi người.
Các bạn cùng lớp không muốn bơi chung bể với Mitaki-chan, và cả với tôi, người thân thiết với nhỏ.
Nhìn từ ngoài vào thì đó là bắt nạt, nhưng người lớn luôn đứng về phía số đông. Thầy cô chẳng nói gì cả.
Tuy nhiên, trường học không chỉ là nơi dạy mỗi kiến thức.
Tôi nghĩ việc của trường học là làm cho học sinh nhận thức được rằng từ khi còn nhỏ, những kẻ khác thường sẽ bị đào thải, nên đừng trở thành người khác thường, cũng đừng dây dưa với họ. Nếu không muốn bị bắt nạt thì hãy trở thành kẻ bắt nạt, đó hẳn là một bài học chắc chắn sẽ hữu ích khi bước ra xã hội.
Tôi ngắm nhìn Mitaki-chan đang vui đùa nghịch nước trong bể bơi nhỏ dành cho học sinh tiểu học lớp dưới.
Có lẽ nên cho nhỏ tập bơi thì hơn? Nhưng chính tôi cũng không giỏi bơi, mà lại còn nguy hiểm nữa.
Thật ra, tôi cũng muốn được thầy giáo đang hướng dẫn những bạn bơi kém ở bể lớn kia, chỉ dạy cho mình.
“Sắp thi rồi nhỉ? Phiền phức quá.”
“Tao tại Mitaki-chan mà chẳng tập trung học được gì cả.”
“Mày thì vốn dĩ đã thế rồi còn gì.”
Đúng như lời mấy cậu bạn lấy Mitaki-chan ra làm cớ, sắp có bài kiểm tra. Trông vậy thôi chứ tôi học giỏi đấy. Dù chỉ học giỏi thôi thì cũng chẳng để làm gì.
Nhưng còn Mitaki-chan thì sao? Tôi chưa từng thấy nhỏ nghiêm túc học một tiết nào cả.
Nếu nhỏ hét lên những tiếng kỳ quặc trong giờ học sẽ làm phiền các bạn xung quanh, nên tôi để nhỏ vẽ vời trong giờ.
Liệu học lực của nhỏ đến đâu? Chiều hôm đó sau giờ học, tôi dẫn nhỏ đến thư viện.
“Cậu đọc sách tranh cho tớ à?”
Mitaki-chan mắt long lanh, tưởng sẽ được tôi đọc sách tranh cho nghe như hồi nghỉ trưa. Nụ cười ấy thật rạng rỡ, một nụ cười ngây thơ trong veo có sức chữa lành. Có lẽ đó là lý do người ta ví những người thiểu năng trí tuệ là thiên thần.
“Không, không phải vậy đâu. Mitaki-chan, cậu có biết một cộng một bằng mấy không?”
“Hai ạ!”
“Tám trừ ba bằng mấy?”
“Ừm...ừm... năm ạ!”
Hừm, xem ra nhỏ làm được phép cộng trừ đơn giản.
“Vậy tiếp theo, thử viết tên cậu vào tờ giấy này xem nào.”
Tôi vừa nói vừa đưa cho nhỏ một mảnh giấy, nhỏ bắt đầu viết tên mình.
Nét chữ nguệch ngoạc, nhưng vẫn đọc được.
Sau đó tôi cho nhỏ giải thêm vài bài nữa, và đoán rằng học lực của nhỏ chỉ ở trình độ tiểu học lớp dưới.
Có lẽ tuổi tâm lý của nhỏ cũng chỉ tầm đó thôi.
Tiện thể, tôi quyết định mượn một cuốn sách về thiểu năng trí tuệ có trong thư viện.
Ra khỏi thư viện, ra khỏi trường, hai đứa lại cùng nhau về nhà như mọi khi.
“Dạo này ấy, mẹ tớ ấy, trông buồn lắm. Tớ tự ăn cơm một mình là mẹ khóc. Tại sao vậy?”
Mitaki-chan buồn bã nói vậy. Đó là lỗi của tôi.
Gần như tôi đã cướp đi lẽ sống của mẹ nhỏ – việc chăm sóc nhỏ.
Khi đối mặt với sự thật rằng mẹ nhỏ đang đau khổ vì điều đó, tôi tự hỏi liệu những gì mình làm có sai lầm không. Ngay lập tức, một thứ gớm ghiếc mang tên trách nhiệm đè nặng lên tôi – kẻ đã thay đổi Mitaki-chan vì một sứ mệnh hão huyền. Người coi Mitaki-chan như đồ chơi có lẽ không phải mẹ nhỏ, mà chính là tôi. Nước mắt cứ thế trào ra.
“Này, sao cậu khóc? Tại tớ à?”
Không phải, không phải lỗi của cậu đâu. Cậu không có lỗi gì cả.
Chia tay nhỏ rồi về nhà, tôi hỏi mẹ xem những việc mình đã làm có sai không.
Mẹ bảo tôi hãy tự suy nghĩ. Tôi không biết đó là vì mẹ cũng không có câu trả lời, hay chỉ là lời động viên, nhưng tối hôm đó, tôi đọc cuốn sách về thiểu năng trí tuệ vừa mượn lúc chiều trong phòng mình.
Xem xét các đặc điểm, có vẻ Mitaki-chan không bị thiểu năng ở mức độ quá nặng, nhưng nghe nói sự phát triển của nhỏ có giới hạn.
Hiện tại nhỏ mười một tuổi, nhưng nhận thức chỉ như đứa trẻ sáu, bảy tuổi, và dù nhỏ có hai mươi tuổi thì nhận thức cũng không thể đạt đến mức của người mười sáu tuổi.
Rốt cuộc, nhỏ vẫn phải bước ra xã hội khi chưa thực sự trưởng thành. Và công việc dành cho những người như vậy thường là những việc mà học sinh lớp năm, lớp sáu có thể đảm đương. Vừa đúng bằng tuổi tôi.
Cuối cùng, từ đó cho đến ngày thi, ngày nào tôi cũng dạy Mitaki-chan học.
Tôi không biết liệu Mitaki-chan có phải là kiểu đứa trẻ cứ cố gắng là sẽ làm được, hay do cách dạy của tôi hiệu quả, nhưng tôi đã nghĩ rằng nếu chỉ xét về học lực, có lẽ nhỏ cũng không thua kém bạn cùng lớp, chắc cũng phải được hạng thứ hai mươi bảy trong số ba mươi đứa.
Thế nhưng, nhỏ đã không được phép dự thi.
Vì nhỏ “đặc biệt”, vì cho rằng đằng nào nhỏ cũng chẳng hiểu bài giảng nên việc kiểm tra chẳng có ý nghĩa gì cả.
Sau khi nhận lại bài kiểm tra, tôi đưa nguyên đề thi của mình cho nhỏ làm thử.
Khi kiểm tra câu trả lời của nhỏ, thật ngạc nhiên, điểm số còn cao hơn cả điểm trung bình của lớp.
Rõ ràng là có ý nghĩa mà.