The Place You Called From

Chương kế tiếp:

Truyện tương tự

Đường lên đỉnh Streamer của cô nàng Oni!

(Đang ra)

Đường lên đỉnh Streamer của cô nàng Oni!

Hakoiri Hebineko

Futayado Nanaka, một cô gái 21 tuổi, tự nhận bản thân là chiến thần làm bán thời gian. Tuy nhiên, xui rủi sao mà những nơi cô đang làm đều bị phá sản.

38 3535

Tôi có một cuộc gặp mặt với vợ trong game và một cô bé tiểu học xuất hiện. Liệu tôi có phải ra tòa không...?

(Đang ra)

Tôi có một cuộc gặp mặt với vợ trong game và một cô bé tiểu học xuất hiện. Liệu tôi có phải ra tòa không...?

深山鈴

Khi đến địa điểm đã hẹn với kỳ vọng đó, cậu ấy biết được cô gái đó thực ra lại là một học sinh tiểu học. Cô ấy là vợ trong game của Naoto và có một cảm xúc lãng mạn dành cho Naoto ngoài đời thực.

36 1323

Mắc kẹt nơi thiên đường

(Đang ra)

Mắc kẹt nơi thiên đường

悲殇的秋千

Thế giới hentai là một nơi nguy hiểm, nhất là khi thằng bạn thân là nhân vật chính còn Ning Chu lại đang dần biến thành con gái.

5 322

Tập 01 - Nơi mà cậu đã gọi điện - Chương 01 - Lời thề bằng cả mạng sống này

Hè lại đến, mỗi năm một lần.

Theo logic thông thường mà nói, người ta sống được bao nhiêu tuổi thì gặp bấy nhiêu mùa hè. Vì vậy chẳng có mấy ai trải qua được hàng trăm mùa hè cả. Tính theo tuổi thọ trung bình của người Nhật thì, chắc chúng ta chỉ đi qua được đâu đó khoảng tầm tám chục mùa hè trước khi thu dọn hành lý lên bàn thờ, ngồi ngắm gà khoả thân. 

Tôi không chắc tám mươi là ít hay nhiều. 'Cuộc đời mà không có gì xảy ra thì quá dài nhưng nếu cái gì cũng xảy ra thì lại quá ngắn' - trích Atsushi Nakajima. Tám mươi mùa hè sẽ là hơi nhiều cho những người không thể tận hưởng chúng và ngược lại với những ai làm được điều đó. Đại loại như vậy.

Cá nhân tôi thậm chí còn chưa được trải nghiệm mùa hè tới con số hai mươi. Và trong số chúng thì chẳng cái nào giống cái nào cả. Tất thảy đều là những mùa hè riêng biệt, ấn tượng theo cách riêng của chúng. Tôi không thể nói mình thấy cái nào tốt hơn và cái nào tệ hơn - nghe vô vọng như việc giải thích xem hình dạng của một trong số hàng trăm đám mây trên kia có gì không hay bằng mấy cái khác vậy. 

Có điều, nếu xếp tất cả những mùa hè của tôi cho tới giờ thành một hàng như người ta xếp bi ve, bạn sẽ thấy hai trong số chúng có màu sắc bất thường. Mùa hè năm 1994, và mùa hè năm 1988. Cái trước là mùa hè nóng nhất tôi từng thấy, và cái sau thì chưa từng có mùa hè nào lạnh hơn. Viên bi 1994 mang sắc xanh sâu thẳm pha trộn giữa bầu trời và mặt biển. Viên bi 1988 có màu vàng hổ phách như ánh sáng lờ mờ trong khoảnh khắc hoàng hôn buông xuống.

Giờ, tôi sẽ kể câu chuyện về mùa hè nóng nhất trong cuộc đời mình.

Mà khoan, mọi thứ đều có trật tự trước sau. Chắc tôi nên giải thích đôi chút về hoàn cảnh dẫn đến mùa hè năm đó, nhỉ?

Tua lại một chút từ vài tháng trước mùa hè năm 1994 nào. 20/3/1994, Lễ tốt nghiệp Trường Sơ trung Nam Minagisa. 

Đó là nơi mà câu chuyện đã bắt đầu.

*

Tạt dòng nước lạnh lên mặt, tôi nhìn vào gương và kiểm tra vết thương của mình. Một vết xước rớm máu dài khoảng 1cm chạy dài ngay phía trên mí mắt. Chẳng có gì khác đáng để chú ý. Một vết bầm lớn nằm ở bên phải khuôn mặt tôi, nhưng không giống như vết xước kia, nó không xuất hiện sau một tai nạn hay ẩu đả gì. Nó đã luôn luôn ở đó. Tôi được sinh ra cùng với nó. 

Lần cuối cùng tôi nhìn vào gương là hơn một tháng trước, và hình như cái bớt này càng lúc càng đậm hơn. Tất nhiên có thể đó chỉ là tưởng tượng của tôi. Tôi luôn cố gắng tránh nhìn mình trong gương, bởi cứ mỗi lần như thế cái bớt lại đập vào mắt tôi. Thế nên khả năng cao là nó chẳng thay đổi gì cả, chỉ đơn thuần do cảm giác chán ghét của tôi mà thôi.

Tôi cứ nhìn chằm chằm vào gương như thế một lúc. Cái bớt có màu xanh tím sẫm, nhìn như kiểu da ở đó đã chết. Nhìn từ góc khác, trông nó như dính đầy bồ hóng, hoặc bị nấm, hoặc nếu bạn nhìn đủ gần thì trông như một cái vảy cá to đùng. 

"Trông kinh dị quá." Tôi nghĩ thầm. 

Quệt tay áo ngang mặt để lau khô, tôi cầm lấy tấm bằng tốt nghiệp vứt chỏng chơ trên kệ và ra khỏi nhà vệ sinh. Không khí bên ngoài có một cảm giác ngòn ngọt dễ chịu sau khi vừa rời cái chỗ toàn mùi amoniac kia. Ga tàu điện đầy những học sinh giống tôi: chiếc cặp nhỏ đựng bằng tốt nghiệp kẹp dưới cánh tay, ngồi trên ghế và tán dóc đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. 

Khi mở cánh cửa bước vào nơi này, một thứ không khí ấm áp có thể thấy ở những căn bếp phả vào mặt tôi. Tôi tính sẽ ngồi đợi cho tới khi tàu đến, nhưng cái nơi chật chội đầy nhóc những học sinh sôi nổi đang bàn tán rôm rả này ồn khủng khiếp. Sau một hồi cân nhắc xem nên chọn sự yên tĩnh hay ấm áp, tôi đứng dậy và bước ra khỏi nhà ga.

Đêm tháng ba vẫn lạnh. Tôi cúi xuống để cài lại áo khoác, nhưng cái cúc thứ hai đã biến mất. Tôi không nhớ đã đưa nó cho một cô gái để làm kỉ niệm hay gì đó đại loại thế, nên chắc là cái cúc chỉ đơn giản là bị đứt trong cuộc xô xát. 

Tôi không còn nhớ tại sao mình đánh nhau. Mà cố nhớ cũng chỉ tổ mệt đầu thôi. 

Tối hôm trước tôi đi ăn với đám bạn sau lễ tốt nghiệp. Đến đó thì vẫn chưa có gì đáng nói, vấn đề là cái lũ này khá nóng tính và rượu vào khi chưa đủ mười tám tuổi chỉ tổ khiến mọi thứ tệ hơn. Ban đầu chỉ là một cuộc nói chuyện tầm phào, nhưng bằng cách nào đó nó trở thành cãi vã, và đến khi nhận ra thì tôi đã rơi vào một trận chiến ẩu đả bốn chọi ba. Hai phe bao gồm có bốn người đi làm ngay sau khi tốt nghiệp và ba người vào học Cao trung. Đại loại là như vậy. 

Thực tình mà nói, đánh lộn không phải điều gì quá xa lạ với tôi. Không, nghĩ lại thì - cứ mỗi khi giao mùa là đám con trai bọn tôi lại vô duyên vô cớ đập nhau túi bụi, giống như mấy con mèo trở nên bẳn tính trong mùa giao phối vậy. Có lẽ đó như là một cách để chúng tôi giải toả sự buồn tẻ với cái thị trấn buồn tẻ này, hay với cái tương lai mơ hồ mờ mịt không biết đâu vào đâu, hoặc mấy thứ kiểu kiểu thế. 

Đây có lẽ sẽ là lần cuối cùng tôi 'chiến đấu vì danh dự' - theo cái cách mà bọn tôi gọi nó. Đó là những gì nảy lên trong đầu tôi sau khi trận ẩu đả kết thúc, và nó khiến tôi bỗng có cảm giác rất nghiêm túc. Trận đấu đã khép lại với cái kết quả không đáng được gọi là kết quả, nhưng cứ tạm xem là hoà đi. Bốn đứa phe đi làm la ó vài thứ khi bọn tôi ra về. Một thằng ăn đấm khá đau đã hét cái gì đó như kiểu "Tao sẽ trả mày cả vốn lẫn lãi!". Một cái kết phù hợp với những đứa như chúng tôi. Một cái kết cho khoảng thời gian học Sơ trung. 

Chuyến tàu mà tôi chờ đợi cuối cùng cũng đến. Ngồi xuống băng ghế, tôi chợt nhận ra hai cô gái tầm hai mấy tuổi đang đứng gần cửa và chỉ chỏ về phía này. Cô nàng dong dỏng cao đeo cặp kính đen trong khi người bên cạnh đeo một chiếc mặt nạ trang trí che nửa dưới khuôn mặt, trông như thó được ở một gian hàng lễ hội nào đấy. 

Họ thì thầm với nhau theo cái cách mà người ta bàn tán về lũ tội phạm vị thành niên. Khỏi cần nói, nguyên nhân đều nằm ở vết bầm trông hết sức hầm hố nọ. Luôn luôn là nó. Cũng giống những lần khác. Cái bớt thu hút mọi ánh nhìn như thế đấy. 

Vờ như vô tình, tôi đá mạnh vào lưng ghế và bắn về phía hai người kia cái nhìn theo cái kiểu 'Các-chế-muốn-va-chạm-chút-không?'. Bộ đôi lúng túng quay đi. Mấy hành khách ngồi xung quanh nhìn tôi như muốn nói gì đó, nhưng chẳng ai lên tiếng.

Tôi nhắm mắt lại và trầm tư. Hờ. Tháng sau là lên cấp ba rồi - tôi sẽ còn phải nhận cái trò ngớ ngẩn này vào giữa mặt bao lâu nữa đây? Thật là lãng phí thời gian, năng lượng và cả não chỉ để đáp lại mấy lời đàm tiếu xàm lông chẳng vì lí do nào cả. Tôi cần phải học cách để ném bơ vào những thứ như thế mới được. 

Ít nhất thì trời cũng không phụ công sức cày cuốc như điên của tôi, bởi một vài ngày trước tôi nhận được giấy nhập học vào trường Cao trung Minagisa Đệ Nhất. Đó là ngôi trường nổi bật hàng đầu của thành phố trong việc chuẩn bị cho học sinh vào đại học, và mọi dự định tương lai của tôi sẽ bắt đầu từ nơi đó. Rất ít người có khả năng nhảy thẳng từ trường Sơ trung Nam Minagisa lên Cao Trung Minagisa Đệ Nhất. Nói cách khác, chín phần mười là chả ai biết tôi sẽ học cấp ba ở đó cả. Một cơ hội trong mơ để làm lại hình ảnh bản thân từ đầu.

Suốt ba năm Sơ trung, cái đầu nóng và bản tính tay nhanh hơn não đã tặng tôi vô số vết thương từ những trận ẩu đả. Và cho dù thắng hay thua đi nữa, thì những chuyện như thế cũng chẳng bao giờ có cái kết tốt đẹp. Tôi muốn chấm dứt tình trạng này. Kế hoạch của tôi sẽ là trải qua ba năm bình yên không dính dáng gì đến những cuộc xung đột cãi vã. 

Tôi chọn Minagisa Đệ Nhất cũng vì lí do đó - một ngôi trường chất lượng cao chắc sẽ có ít mấy thành phần vô học đánh lộn vì những chuyện nhỏ nhặt. Tất nhiên không phải lúc nào chất lượng giáp dục và phẩm chất đạo đức cũng liên quan tới nhau, nhưng sau tất cả những gì đã xảy ra, tôi thực sự không muốn gặp rắc rối. 

Người ta đồn rằng Minagisa Đệ Nhất giống lò luyện thi hơn là một trường trung học điển hình, vậy nên việc học sẽ đeo bám bạn 24/24 cho dù là ngủ hay thức. Bạn sẽ không có thời gian tham gia các câu lạc bộ ngoại khoá, tụ tập đi chơi với bạn bè, hay những thứ khác mà một thanh niên lành mạnh bình thường nên làm. Nhưng tôi không mấy bận tâm về điều đó. Ngay từ đầu tôi đã không cho rằng mình có diễm phúc được trải nghiệm tuổi trẻ theo cách bình thường. Cái viễn cảnh chơi đùa thân thiết với đám bạn cùng lớp và kiếm được một cô gái yêu mình có vẻ quá xa vời.

Cái bớt xấu xí này sẽ khiến kẻ mang nó không bao giờ được mọi người chấp nhận. 

Tôi bật ra một tiếng thở dài. 

Thế đấy, tôi tự nhủ. Chính ra mấy ả chỉ chỏ vào tôi khi nãy vẫn còn may mắn chán. Những người không tự tin vào nửa dưới gương mặt mình có thể đeo mặt nạ. Những người không tự tin vào nửa trên có thể đeo kính. Thế còn một thằng ngốc mất tự tin vào nửa bên phải mặt thì sao? Chẳng có gì như thế dành cho tôi cả. 

Đời thật bất công, huh?

Con tàu dừng lại với tiếng ken két gây cảm giác rợn người. Tôi bước xuống sân ga và hít căng lồng ngực thứ không khí dễ chịu của mùa xuân. 

Một người đàn ông trạc tứ tuần với mái tóc xám đứng ở cổng soát vé, và giống bất cứ người nào khác, nhìn tôi chằm chằm đầy nghi ngờ như thể tôi sắp giật lấy túi xách của mấy hành khách bên cạnh và chạy mất vậy. Ông ta dường như là nhân viên mới, nhưng cho dù là người cũ đi nữa thì chuyện này vẫn luôn xảy ra mỗi lần tôi đi qua đây. Tôi chợt có ý muốn dừng lại và giải thích gì đó, nhưng nhìn vào dòng người đông như kiến phía sau, tôi đổi ý và rời khỏi ga. 

Tôi lang thang giết thời giờ dọc khu phố mua sắm phía ngoài. Con đường vắng tanh vắng ngắt, và âm thanh duy nhất vang vọng ở đây là tiếng đế giày của tôi bước trên mặt đường nhựa. Hầu hết các gian hàng đều đóng cửa - không chỉ bởi vì giờ là đêm khuya. Trung tâm mua sắm đồ sộ xây dựng hồi hai năm trước cạnh thị trấn đã hút hết những khách hàng của họ, biến con phố thành một dãy dài những cánh cửa đóng kín. Cửa hàng bán đồ thể thao, quán cà phê, đồ điện tử, hàng thịt, hiệu ảnh, tiệm thực phẩm, một ngân hàng nhỏ, văn phòng tư vấn nội thất... Tôi nhìn chằm chằm vào những gian hàng phủ bụi mà mình đi ngang qua, cố tưởng tượng xem những gì từng có phía bên kia cánh cửa. Ở giao lộ chính của khu phố, một bức tượng nàng tiên cá cũ kĩ đã bị năm tháng bào mòn đang đăm chiêu dõi ánh mắt về phía những ngôi nhà.

Và rồi, [nó] xảy ra. Đúng vào khoảnh khắc tôi băng qua hàng thuốc lá nằm giữa tiệm đồ ngọt và cửa hàng phụ kiện.

Bốt điện thoại công cộng đổ chuông.

Thứ máy móc cũ kĩ réo lên đúng lúc tới khó tin, như thể nó đã nằm phủ bụi ở đó cả chục năm qua chỉ để chờ đợi giây phút này.

Tôi dừng lại và nhìn vào màn hình LED đang phát ra thứ ánh sang mờ mờ trong bóng tối. Bốt điện thoại đã quá cũ: đèn bên trong cháy bóng, còn cánh cửa thì văng đi đâu mất.

Mặc dù rất hiếm nhưng tôi biết điện thoại công cộng cũng có thể nhận được cuộc gọi. Hồi tiểu học, một đứa bạn của tôi chơi khăm bằng cách gọi 110 từ điện thoại công cộng và giật mình khóc thét khi cậu ta lập tức nhận được cuộc gọi lại ngay sau đó. Điều đó làm tôi khá tò mò, và sau khi tìm hiểu, tôi biết rằng những bốt điện thoại này cũng có số lien lạc riêng của chúng.

Chuông điện thoại không có dấu hiệu gì là sẽ dừng. Nó cứ réo ầm ầm một cách cứng đầu như thể hét lên “Ê ku, tao biết mày đang ở đó mà?”.

Chiếc đồng hồ treo trên tường hiệu cắt tóc chỉ chín giờ ba mươi tám phút.

Theo lẽ thường, tôi nên phớt lờ cuộc gọi kì quặc kia và bỏ đi. Nhưng có một cái gì đó trong tiếng chuông khiến tôi có cảm giác nó đang thực sự gọi tôi chứ không phải ai khác. Tôi nhìn quanh để chắc chắn rằng mình là người duy nhất ở đây.

Và rồi chậm chạp thò tay tới ống nghe, nhấc nó lên.

“Tôi có một đề nghị.” Người ở đầu dây bên kia thậm chí không thèm chào hỏi.

Là giọng phụ nữa. Có lẽ khoảng tầm hai mươi… ba mươi tuổi? Cô ta thuộc kiểu người khó đoán tuổi qua giọng nói. Người bên kia nói một cách chậm rãi và bình tĩnh, nhấn vào từng âm tiết một. Và đó không phải giọng máy tự động – tôi có thể chắc chắn điều đó từ tiếng thở nhẹ. Âm thanh của gió vọng qua ống nghe, dường như cô ta đang gọi điện ngoài trời.

Có lẽ người phụ nữ này đang chơi trò giết thời gian bằng cách gọi cho một số ngẫu nhiên. Cô ta sẽ nói vài câu vô nghĩa và thưởng thức phản ứng của người ‘bạn chơi’ không mấy hài lòng cho lắm.

Tôi không trả lời, ra ý đợi cho cô ta nói tiếp.

Người phụ nữ hạ giọng thì thầm như đang kể cho tôi nghe một bí mật.

“Cậu vẫn không thể từ bỏ tình yêu dành cho người đó. Tôi nói có sai không?

…Vâng vâng, trò đùa tuyệt lắm. Tha cho tôi đi. Em xin phép dừng cuộc chơi.

Tôi thở dài và gác ống nghe trở lại chỗ cũ và bỏ đi. Điện thoại đổ chuông sau lưng, nhưng tôi thậm chí không buồn ngoảnh lại lấy một lần.

*

Ba thanh niên trung học ăn mặc lôi thôi lếch thếch ngồi xổm giữa đường và uống bia lon. Không phải một cảnh hiếm thấy ở thị trấn Minagisa. Cái mác ‘vùng nông thôn ven biển yên bình’ nghe thì hay đấy, nhưng khi tất cả những hàng quán trong vùng đều là quán rượu và tiệm thức ăn nhanh thì ngay cả một thanh niên nghiêm túc kiểu mẫu cũng sẽ nhanh chóng chán đến chết. Cách nhanh nhất để thoát khỏi sự nhàm chán ở đây là rượu bia và thuốc lá. Cho dù là tốt hay xấu đi chăng nữa thì thị trấn này thực sự biết cách để đẩy các thanh niên dưới mười tám tuổi vào những thứ xa xỉ như vậy.

Đến đây rồi mà vòng đi tìm đường khác thì phiền quá, vậy nên tôi cứ đi thẳng tới và bước qua chúng, cố gắng để không gây chú ý. Bất chợt một thằng đứng dậy mà không có dấu hiệu gì báo trước, và thế là chân tôi huých phải người nó. Gã choai choai chửi đổng một tiếng rồi chộp lấy vai tôi. Sau những gì đã diễn ra hôm trước, tôi không có tí tẹo hứng đánh lộn nào. Nhưng rồi thằng kia bắt đầu chế giễu cái bớt và điều tiếp theo tôi nhận ra là nó đã ăn một đấm thẳng vào giữa mặt.

Điều xui xẻo là gì? Thằng đó có vẻ cực thành thạo trong mấy trò đánh đấm.

Đến khi định thần lại thì tôi đã nằm lăn quay trên đất. Bọn chúng chỉ chỏ tôi và hò hét vài câu lăng mạ bẩn thỉu nào đó, nhưng những âm thanh ấy cứ ù ù trong tai, mơ hồ như thể tôi đang chìm dưới nước.

Một lúc sau, khi cảm giác mơ mơ màng màng biến mất và tôi lại sẵn sàng để thử ăn thua đủ với ba thằng kia một lần nữa thì chúng đã bỏ đi, chỉ còn mấy vỏ lon rỗng vứt chỏng chơ trên mặt đất. Tôi chống tay lên đầu gối và cố đứng dậy, nhưng cảm giác đau nhói như thể ai đó đang dùng tuốc nơ vít bẩy từng khớp xương khiến tôi bật ra một tiếng kêu rồi nằm vật xuống đất.

Tôi nhìn chằm chằm lên các vì sao một lúc lâu. À không, thành thực mà nói thì giờ chẳng thấy sao giăng gì hết, nhưng tôi có thể thấy mặt trăng qua các đám mây. Kiểm tra lại túi quần, tôi nhận ra chiếc ví kẹp lép đã biến mất đúng như dự đoán. Chỉ có bao thuốc lá trong túi áo là vẫn còn. Tôi rút một điếu bị cong vẹo kì cục ra khỏi cái hộp nhàu nát, rồi bật lửa châm thuốc.

Đột nhiên, tôi nghĩ tới Yui Hajikano.

Chúng tôi học cùng nhau trong ba năm, từ lớp bốn đến lớp sáu. Khoảng thời gian đó tôi đập và ăn đập thế này như cơm bữa, và mỗi khi tôi lết ra được khỏi đám đánh nhau với cả tá thương tích lặt vặt, Hajinako sẽ lo sốt vó lên như thể chính cô ấy bị thương vậy. Cô ấy thấp hơn tôi 20cm nhưng vẫn luôn cố nhón chân lên để gõ vào đầu tôi và cằn nhằn: “Đừng có đánh lộn nữa!”

Sau đó cô ấy sẽ đưa ngón út ra và bắt tôi ngoắc tay hứa - đó là phương pháp của Hajikano. Khi tôi miễn cưỡng đưa tay ra ngoắc nhẹ, cô ấy sẽ nở nụ cười rạng rỡ. Tất nhiên tôi chưa bao giờ giữ được lời hứa quá nửa ngày, và cho dù hôm sau tôi có quay lại với một mớ vết thương mới, cô nàng cứng đầu ấy vẫn không chịu bỏ cuộc.

Nghĩ lại thì, dường như Hajikano là người duy nhất quan tâm đến tôi một cách nghiêm túc.

Cô ấy rất xinh. Yui Hajikano và tôi là cặp đôi nổi tiếng được nhiều người biết đến ở trường, nhưng vì hai lí do trái ngược nhau - một cô bé xinh xắn và một thằng nhóc với cái bớt quái gở. 

Trong một cái trường hẻo lánh với những đứa trẻ tầm tầm, sự tồn tại của một Yui Hajikano - hoàn hảo, xinh đẹp và đầy tài năng - dường như là một điều tàn nhẫn. Những cô bé khác tránh đứng cạnh Hajikano khi chụp ảnh. Những cậu nhóc mới lớn xoắn suýt quanh Hajikano chỉ để một ngày nọ suy sụp vì tình cảm của mình bị từ chối. 

Hajikano chỉ đơn giản là sở hữu khả năng khiến cho người ta từ bỏ nỗ lực trở nên ngang hàng với cô ấy. Những đứa trẻ học cùng lớp đã phải nhanh chóng học được rằng trên đời có những sự chênh lệch quá lớn mà ta không thể san bằng cho dù có cố gắng đến cực hạn. Điều mà lẽ ra phải lên cấp hai - khi người ta tự ném mình vào cuộc đua học tập, vào các môn thể thao, vào những cuộc tình niên thiếu - những học sinh này mới hiểu được, thì cô ấy đã dạy cho họ chỉ bằng sự hiện diện của mình. Có chút tàn nhẫn khi những đứa trẻ phải nhận ra điều đó khi mới học tiểu học, mặc dù bản thân tôi còn biết đến nó sớm hơn thế. Nhờ cái bớt.

Những người xung quanh khá bối rối - tại sao cô gái hoàn hảo Hajikano lại thân thiết với thằng như tôi? Cho dù nhìn kiểu gì đi nữa, chúng tôi rõ ràng là trái ngược nhau như hai mặt của đồng xu vậy. Nhưng nếu bạn hỏi tôi hay cô ấy, bạn sẽ có được câu trả lời. Chúng tôi giống nhau ở cách đối xử mà mình nhận được từ những người xung quanh, dù là xuất phát từ lí do hoàn toàn khác nhau. Sự cô lập - đó chính là sợi dây liên kết tôi và Yui Hajikano.

Tôi không còn nhớ bất cứ kỉ niệm gì về những cuộc trò chuyện khi chúng tôi ở bên nhau. Dường như chẳng có gì đáng chú ý đến nỗi ghi dấu ấn lại. Hoặc có khi, phần lớn thời gian chúng tôi chỉ đơn giản là ngồi cạnh nhau mà chẳng nói gì hết. Sự im lặng mà tôi chia sẻ với Hajikano giống như một kiểu giao tiếp ngầm chứ không xuất phát từ nỗi ngượng ngập, và chúng tôi xác nhận tình bạn của người kia mà không cần lời nói. Tôi lặng lẽ quan sát cô ấy, và cô ấy nhìn tôi. 

Chỉ có duy nhất một lần mà tôi còn nhớ.

"Tớ thấy cái bớt của cậu rất tuyệt, Fukamachi."

Hajikano đã đáp lại như vậy sau khi tôi nói gì đó tự nhạo báng bản thân. Đó chỉ đơn giản là một câu buột miệng theo thói quen, hình như là "Tớ thấy lạ là cậu vẫn muốn ở cạnh một đứa xấu xí như tớ". 

"Tuyệt?" Tôi hỏi lại, "Cậu đang mỉa mai tớ đấy à? Nhìn lại hộ cái. Nó đủ để làm người ta hết hồn khi trông thấy lần đầu đấy."

Hajikano lập tức ghé sát mặt lại gần và chăm chú nhìn cái bớt của tôi. Với một biểu cảm nghiêm túc đến ngớ ngẩn, cô ấy quan sát nó đăm đăm đến vài phút. 

Rồi đột nhiên, cô ấy đặt nhẹ môi lên đó. Không chút ngập ngừng.

"Hết hồn chưa?" Cô ấy mỉm cười tinh nghịch. 

Hết hồn gần chết đây. 

Tôi không biết phải đáp lại thế nào. Ngay sau đó, Hajikano khéo léo lái câu chuyện sang một chủ đề khác như chưa hề có gì xảy ra, khiến tôi không có có hội nào để hỏi xem cô ấy làm vậy là ý gì. Hoặc có lẽ chẳng vì ý gì cả. Dù mọi chuyện là thế nào đi nữa, quan hệ của chúng tôi sau đó cũng không bị ảnh hưởng. Vẫn là những người bạn đặc biệt của nhau. 

Tôi không nghĩ cô ấy thích tôi. Hajikano chỉ đơn giản là thân thiện hơn vẻ bề ngoài của mình. Có lẽ cô ấy nghĩ rằng nếu bộc lộ cảm xúc với những người bình thường khác, họ sẽ trở nên phấn khích và làm ầm lên. Vì vậy cô ấy cần kiếm một ai đó sẽ không phản ứng thái quá. Ví dụ như tôi.

Nhưng Hajikano sẽ không bao giờ biết cô ấy đã bao lần làm tim tôi rung động. 

Học xong tiểu học, tôi vào cấp hai ở trường công lập trong khu vực, Nam Minagisa - cùng với hầu hết những đứa cùng lớp. Đó là kiểu trường Sơ trung điển hình có thể thấy ở bất cứ đâu: Xe máy và xe đạp chật ních sân sau, giáo viên phạt những đứa không nghe lời đứng ở hành lang, và các hình graffiti thì đầy rẫy trên tường phòng thể chất. Bất cứ ai ham thích một cuộc sống nhộn nhịp và tràn đầy sức sống của tuổi trẻ cũng sẽ phát điên sau hai tuần ở đây. May mắn thay, tôi không có bất cứ mong muốn nào như vậy nên cho tới giờ đầu óc tôi vẫn hết sức bình thường. 

Hajinako chuyển tới học ở trường nữ sinh tư thục Mitsuba - một ngôi trường khá là nổi tiếng thuộc vào loại top đầu. Tôi không biết cuộc sống của cô ấy ở đó ra sao. Tôi không nghe được tin tức gì đồng thời cũng chẳng có ý định tìm kiếm tin tức. Cô ấy và tôi thuộc về hai thế giới khác nhau.

Và tôi chưa từng gặp lại Hajikano kể từ ngày đó. 

Phải. Người phụ nữ ở bốt điện thoại công cộng nói rằng tôi vẫn không thể từ bỏ tình yêu dành cho một người. 

Tôi khá chắc cô ta đang nói đến Yui Hajikano. 

*

Điếu thuốc đã tắt từ bao giờ. Tôi quẳng nó sang một bên và cố đứng dậy. Cảm giác đau nhức râm ran khắp cơ thể. Cả cổ họng cũng nhức buốt. Có lẽ nằm ngoài sương đêm đã khiến tôi bị cảm lạnh.

Thật là một ngày xui xẻo, tôi tự nhủ.

Ấy vậy mà, vận đen của tôi vẫn chưa kết thúc. 

Trên đường về nhà, tôi băng qua một khách sạn đang xây dựng. Giờ là gần nửa đêm, hiển nhiên chẳng có công nhân nào làm việc quanh đấy cả. Vấn đề là ở chỗ đó.

Những tấm ván to tướng dựng thành một hàng rào cao hơn hai mét xung quanh tòa nhà, và chúng thi thoảng lại kêu lên răng rắc một cách đáng ngại. Tôi có để ý thấy điều đó, nhưng đầu óc lờ đờ lúc nửa đêm cộng thêm tâm trạng không mấy vui vẻ khiến bước chân vẫn không buồn dừng lại. Rồi điều tiếp theo tôi nhận ra là thứ gì đó sụp xuống kèm theo một âm thanh đinh tai.

Ngày đen đủi sẽ đen đủi đến phút cuối cùng.

Vì lẽ vi diệu gì mà tôi không bị nghiền nát, hay ai là người đã gọi cứu thương, hay chuyện gì xảy ra trong khi tôi nằm đó như một cái xác… Tôi hoàn toàn không nhớ bất cứ điều gì. Chỉ biết rằng khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang ở trong một căn phòng bệnh, hai chân bó bột đến tận đùi. Một vài phút sau, tôi mới nhận ra cơn đau ghê người ở chỗ đó và ngất lịm đi, mồ hôi lạnh toát đầy lưng áo. 

Trời đã sáng. Khung cửa sổ cạnh giường rộn tiếng chim. 

Và đây là những gì xảy ra: đúng một tháng trước khi vào Cao trung, tôi đã lãnh chấn thương cần tới mười bốn tuần để hồi phục. Cả hai chân đều bị gãy xương một cách trầm trọng. Tôi được đưa đi chụp X-quang, và tấm phim thu được trông như thể vừa lấy ra từ một cuốn sách giáo khoa ngành y nào đó. Chuyện này không đến nỗi phải gọi là bước ngoặt cuộc đời, nhưng nó sẽ khiến tôi không thể đi học vào tháng sau.

Tốt thôi, tôi tự nhủ. Đây không phải lần đầu tiên tôi nhập viện vì chấn thương. Mười bốn tuần tính từ lúc này, nghĩa là phải tới đầu tháng Bảy tôi mới có thể đi học và đến khi đó thì đám học sinh trong lớp cũng làm quen với nhau cả rồi. Nhưng ngay từ đầu tôi cũng chẳng có hứng thú gì cho mấy vụ bạn bè này, nên nó chẳng phải vấn đề gì to tát. Chưa kể có khi học một mình trong phòng bệnh này sẽ dễ tập trung hơn nhiều so với việc tự nhét mình vào lớp học với vài chục đứa khác.

Và đúng vậy – ba tháng sau đó thang đo mức độ chăm chỉ của tôi liên tục được đẩy lên mức cao đến bất thường. Nghe những bản nhạc yêu thích trên chiếc Walkman bỏ túi, cày cuốc với mấy quyển sách giáo khoa khi không nghỉ và chỉ nghỉ khi đã ngưng cày cuốc – tôi giữ nếp sống đều đặn đơn điệu đó trong ngót nghét một trăm ngày. Căn phòng bệnh viện trắng toát trông như một bức tranh theo trường phái đếch-thể-đơn-giản-hơn, cảnh vật bên ngoài cửa sổ cũng chẳng có gì đáng nhìn. Vậy nên so với việc thư giãn theo tiêu chuẩn của một bệnh nhân thì xin lỗi, cắm mặt vào Tiếng Anh và Toán nghe còn hấp dẫn hơn nhiều.

Là một người thích làm mọi thứ theo nhịp độ của riêng mình, đây có thể xem như môi trường lí tưởng của tôi. Học trong phòng bệnh thoải mái gấp trăm lần việc tuyệt vọng chống trả với cơn buồn ngủ nguyên buổi sang và điên cuồng chép lại mọi thứ từ tấm bảng đen.

Cuối tháng đầu tiên, một người đàn ông đứng tuổi khoảng chừng năm mấy được chuyển vào phòng bệnh của tôi với cánh tay trái bó bột. Ông tên là Hashiba, và có vẻ khá hứng thú với cái cách tôi tự mình đánh vật cùng mớ sách vở. Sau lần trò chuyện đầu tiên, ông cười và nói “Cứ hỏi bác nếu cháu có gì thắc mắc với môn Tiếng Anh” và nở một nụ cười hiền lành. Hiển nhiên là tôi có cả tỉ câu hỏi về ngữ pháp, và sau vài lần thử hỏi Hashiba, tôi kinh ngạc nhận thấy ông giải thích chúng một cách rất dễ hiểu – còn hơn cả những giáo viên tôi từng học. Khi tôi thắc mắc chuyện này, ông mới nói rằng mình đã từng là giáo viên ngoại ngữ, ưa sưu tầm ngoại văn đến nỗi có từng đống ngồn ngộn sách ở nhà.

Một buổi chiều mưa nọ, Hashiba đột nhiên hỏi tôi.

“Cháu nghĩ gì về cái bớt trên mặt mình?”

Đây là lần đầu tiên có người hỏi tôi điều đó, vì vậy tôi mất một lúc mới nghĩ ra câu trả lời.

“Gốc rễ của mọi rắc rối.” Tôi đáp lại một cách chán chường. “Nếu không có cái vết này, cháu sẽ giảm đi được khoảng tám mươi phần trăm những phiền phức từ trước đến giờ. Khiến những người khác kì thị cháy là một chuyện, nhưng tồi tệ hơn là nó làm cháu không ưa chính bản thân mình. Người ta không thể dốc hết sức cho một thứ đáng ghét được. Không thích bản than còn khiến cháu không thể tha thứ cho chính mình trong bất cứ lỗi gì.”

“Hmm…”

"Mặt khác, bằng cách quy hết tội lỗi cho cái bớt này, cháu luôn tránh nhìn vào những thứ không muốn nhìn. Có lẽ nếu cố gắng thì cháu sẽ giải quyết được điều gì đó, nhưng cháu lại vô thức tự thuyết phục bản thân rằng cái bớt này là thứ cản mọi con đường... Cách này hay cách khác thì nó cũng chỉ đem lại tác động tiêu cực."

Hashiba chậm rãi gật đầu. "Bác hiểu. Còn gì nữa không?"

"Đó là tất cả. Thứ này chẳng có gì tốt đẹp hết. Cháu không tin vào cái luận thuyết rằng phức cảm tự ti có thể giúp con người phát triển theo hướng khiêm tốn và rộng lượng. Nó chỉ gây ra vô số méo mó về nhận thức mà thôi. Một vài người có thể tìm thấy động lực cố gắng khi họ ở dưới đáy và nhìn lên những người phía trên mình, nhưng họ có thực sự thấy thỏa mãn sau đó không? Miễn là nó còn đó, cho dù có nỗ lực đến đâu đi nữa thì mặc cảm tự ti luôn dày vò họ."

"Nghe có vẻ hợp lí." Hashiba trả lời. "Nhưng khi nhìn vào cháu, bác không thể không nghĩ điều này: đôi khi những khó khăn trông có vẻ trầm trọng hơn chỉ vì người hứng chịu nó quá cẩn trọng. Những người này không thể đặt tâm trí vào bất cứ điều gì khác ngoài thứ mà họ phải đối mặt, và thế là chiếu tướng."

"Bác không nói nhầm từ 'mặc cảm' thành 'cẩn trọng' đấy chứ?"

"Không nhầm đâu." Khuôn mặt nhăn nheo của Hashiba mỉm cười hiền hậu.

Một thời gian sau khi tôi được ra viện để điều trị tại nhà, ông đã tặng tôi một cuốn sách như quà kỉ niệm: bản gốc cuốn "Bắt trẻ đồng xanh" của Charles Bukowski. Kể từ hôm đó, mỗi ngày tôi đọc năm trang, với cuốn từ điển tiếng Anh kè kè bên cạnh. 

Và cuối cùng thì cái thời hạn mười bốn tuần cũng hết - chân tôi đã sẵn sàng để đi học lại vào đầu tháng Bảy này. Cùng lúc đó, những học sinh ở lớp có lẽ cũng đã hoàn thành bài thi cuối kì và bắt đầu giải thoát bản thân khỏi áp lực để thoải mái xõa với kì nghỉ hè sắp tới. 

Mùa hè cấp ba. Không ít người gọi đó là khoảng thời gian đẹp nhất cuộc đời của mỗi con người. Nhưng đối với tôi, thứ ánh nắng rực rỡ của mùa hè chỉ là thứ mọc thêm ra từ mùa xuân mà thôi. Và giờ thì, tôi sắp bị ném "cái thứ mọc thêm" đó từ thế giới đơn điệu của mùi thuốc sát trùng và những bức tường màu trắng mà mình đã sống suốt một trăm ngày qua. Cảm giác giống như nhận ra mình đang ở trong bữa tiệc sinh nhật của một người hoàn toàn xa lạ vậy.

Giờ tôi tự hỏi. 

------Liệu mình có thể theo kịp thế giới này không? 

Đêm chủ nhật đầu tiên sau ngày được ra viện, tôi tới biển hóng gió. Đúng ra thì từ mười giờ đã lên giường ngủ rồi, nhưng vì lí do nào đó mà tôi tỉnh táo một cách kì lạ. Nắm lấy cây nạng cạnh giường, tôi lẻn ra ngoài bằng cửa sau. Chắc đây cũng không phải điều gì bất thường cho lắm - ai chả hồi hộp nếu hôm sau là ngày đầu tiên họ tới một ngôi trường mới chứ?

Tôi dừng lại bên đường và mua một bao thuốc lá từ máy bán hàng tự động. Ngồi vắt vẻo trên bờ đê chắn sóng, tôi thơ thẩn nhìn về mặt biển được chiếu sáng dưới ánh trăng mờ mờ, và cứ ngồi như vậy suốt một tiếng. Đã lâu rồi không ra biển, nhưng tôi không có cảm giác khác biệt gì cả. Chỉ một vài thứ nhỏ nhặt như kiểu mùi muối mằn mặn rõ ràng hơn bình thường, nhưng chắc cũng chỉ là tưởng tượng mà thôi.

Trên đường về nhà-----tôi nghe thấy tiếng chuông điện thoại. 

Mới đầu tôi tưởng rằng đó là điện thoại của nhà người ta. Nhưng càng đi âm thanh đó càng to hơn. Thế rồi, tôi dừng lại ở bốt điện thoại công cộng trước bến xe buýt. 

Tiếng chuông phát ra từ đó. 

Chuyện tương tự đã xảy ra trước đây, vậy nên theo lẽ thường mà nói chẳng việc gì tôi phải nhấc máy chỉ để tiếp tục nhận thêm một trò đùa vô nghĩa. 

Thế nhưng, tâm trí tôi vẫn luôn bị ám ảnh bởi câu nói nọ của người phụ nữ lạ mặt sau cuộc gọi ngày hôm ấy, bất kể đã bao lâu trôi qua đi chăng nữa.

[Cậu vẫn không thể từ bỏ tình cảm dành cho người đó. Tôi nói có sai không?]

Liệu có thật chỉ là một trò đùa vô thưởng vô phạt?

Nếu không phải, vậy cô ta đang muốn nói điều gì?

Đến tận bây giờ, tôi mới nhận ra mình đã luôn chờ đợi để nhận được cuộc gọi kia một lần nữa. 

Vậy nên, tôi bước thẳng tới và nhấc ống nghe.

“Có vẻ như cậu đã hiểu rằng tôi hoàn toàn nghiêm túc.” Giọng nữ quen thuộc vang lên phía bên kia đầu dây.

Tôi đã trả lời câu này muộn ba tháng. 

“Được rồi, tôi thua. Đúng là tôi vẫn không thể từ bỏ cô ấy.”

“Chắc chắn rồi.” Người phụ nữ trả lời với vẻ hài lòng. “Yui Hajikano-san. Cậu chưa bao giờ muốn rời xa cô gái đó.”

Tôi không ngạc nhiên cho lắm khi nghe cô ta nói tên của Hajikano. Người phụ nữ bí ẩn đã có thể nắm được chính xác vị trí của tôi và gọi vào đúng bốt điện thoại công cộng gần đó. Chẳng có gì là lạ khi cô ta biết tên người tôi thầm yêu.

“Vậy, đề nghị của cô là gì?”

“Ah.” Người bên kia có vẻ khá ấn tượng. “Cậu vẫn còn nhớ nó sau ba tháng sao?”

“Cũng cùng lí do tôi vẫn còn nhớ ra cô.”

“Ok, vậy tôi sẽ không hỏi gì thêm. Giờ thì về đề nghị mà tôi muốn đưa ra… Cậu muốn chơi một ván cược với tôi chứ?”

“Ván cược?”

“Cậu, Fukamachi-san.” Người phụ nữ gọi tên tôi một cách thản nhiên. “Vào một mùa hè năm mười hai tuổi, cậu đã yêu Yui Hajikano. Sau tất cả những kì thị mà mọi người xung quanh ném về phía cậu, việc có một cô gái không quan tâm đến cái bớt trên mặt sẽ khiến cậu coi cô ấy như một nữ thần. Chắc chắn đã nhiều hơn hai lần cậu muốn được tiến xa hơn với cô ấy.”

Giọng nói dừng lại trong giây lát.

“…Nhưng, khoảng cách giữa hai người là quá lớn. ‘Mình không xứng với Hajikano’, cậu đã nghĩ như vậy, và thế là cậu che giấu tình cảm của mình.”

Tôi không phủ nhận điều đó. 

“…Và?” Tôi nhấn giọng.

“Cậu đã nghĩ rằng mình không xứng với cô ấy.” Người phụ nữ nhắc lại. “Nhưng cùng lúc đó, phải chăng cậu cũng nghĩ điều này? ‘Nếu cái bớt trên mặt không tồn tại, có lẽ mình có thể thổ lộ tình cảm và mọi chuyện đã khác’?”

“Đúng.” Tôi thừa nhận. Chắc chắn cô ta cũng biết về cái bớt của tôi rõ như biết về đôi giày của chính mình vậy. “Nhưng tất cả mọi người đều có những suy nghĩ như thế. ‘Nếu như mình cao hơn một chút’, ‘Nếu như mắt mình to hơn một chút’, ‘Nếu như mình sáng suốt hơn một chút’… Chẳng có gì lạ khi ước về một thứ mình không thể đạt tới.”

“Vậy thì, chúng ta hãy thử xóa cái bớt đó đi xem sao?” Người phụ nữ cắt ngang. “Nếu cậu có thể giành được trái tim của Hajikano sau đó, cậu thắng. Cái bớt sẽ vĩnh viễn không bao giờ quay lại khuôn mặt cậu nữa. Ngược lại, nếu cậu không thể tạo ra bất kì thay đổi nào, tôi thắng.”

Tôi nhắm mắt lại và day day trán. Thế này là quá nhiều. 

Cô ta đang nói cái quái gì vậy? 

“Vết bớt này không thể biến mất.” Tôi lầm bầm một cách chán nản. “Tôi đã thử mọi phương pháp điều trị có thể, nhưng vô vọng. Không bác sĩ nào có thể làm nó mờ đi dù chỉ một chút. Nó là bẩm sinh rồi. Vậy nên ngay từ đầu ván cược này không thể xảy ra. Chưa kể tôi đã không gặp Hajikano suốt ba năm từ hồi học xong tiểu học. Tôi còn chẳng biết cô ấy đang ở đâu nữa chứ đừng nói tới…”

“Vậy nếu cái bớt đó thực sự biến mất và cậu tình cờ gặp lại Hajikano, cậu sẽ đặt cược chứ?”

“Chắc chắn rồi. Đó là nếu phép màu thực sự tồn tại.”

Người phụ nữ khẽ khịt mũi. “Chà, vậy thì về thời hạn… Để xem nào. Tôi sẽ cho cậu năm mươi ngày. Vài tiếng nữa chúng ta sẽ bước sang ngày 13 tháng 7, ván cược bắt đầu khi đó. Hãy làm bất cứ điều gì có thể trước 31 tháng 8. Cố gắng đoạt lấy trái tim của Hajikano. Cảm ơn.”

Cúp máy. 

“…”

Tôi đứng bất động ở bốt điện thoại mất một lúc lâu.

Mang theo hi vọng nhỏ nhoi, tôi bước tới một chiếc xe đỗ gần đó và nhìn vào gương chiếu hậu. Cái bớt vẫn ở nguyên chỗ cũ, rõ hơn bao giờ hết. Nó thậm chí còn chẳng hề mờ đi. 

Vậy rốt cuộc mọi thứ chỉ là một trò đùa.

Người phụ nữ kia bằng cách nào đó đã nắm được mọi thông tin cá nhân và dùng nó để chơi đùa với cảm xúc của tôi. Lí giải kiểu đó nghe khá khó trôi, nhưng tôi chẳng còn nghĩ ra được lí do nào khác. Có cả đống người lấy việc trêu chọc tôi làm vui, và ở cái nơi chán không thể tả này, người ta có thể dễ dàng đi xa hơn giới hạn thông thường để kiếm một trò giải trí. Nếu đem so với mọi thứ mình đã gặp từ trước tới nay, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có người chịu khó tra cứu số liên lạc của vài bốt điện thoại công cộng để chơi khăm tôi.

Cúi gập người xuống và chống tay lên đầu gối, tôi thở dài thườn thượt. Cảm giác thua cuộc thật khó chịu. Dường như thời gian nằm viện đã khiến sức chịu đựng của tôi giảm đi trông thấy.

Có một điều chắc chắn: Tôi thấy ghét bản thân vì đã thất vọng. Tôi ghét bản thân vì đã thử tin vào câu nói kia rồi kiểm tra lại khuôn mặt trong gương.

Phải chăng tôi vẫn chưa từ bỏ hi vọng?

Về đến nhà, tôi nhảy ngay vào bồn tắm và ngâm mình trong nước nóng để giải tỏa cảm giác khó chịu. Đến khi trèo được lên giường thì đồng hồ đã chỉ ba giờ sáng. Thiệt tình, đừng bảo tôi phải trải qua ngày đầu tiên ở trường với một cái đầu gà gật vì thiếu ngủ chứ?

Nhắm hai mắt lại, tôi nằm yên và chờ đợi ý thức chìm vào bóng tối.

Tôi bỗng có cảm giác tim đang đập mạnh. Hơi thở cũng nhanh dần. Tôi thử xoay người đổi tư thế, nhưng cũng chẳng ích gì. Không khí trong phòng ẩm một cách kì lạ cho dù cửa sổ đang mở, và cổ họng tôi khô khốc.

Đến khi tôi cuối cùng cũng bắt đầu lịm đi thì bầu trời bên ngoài đã chuyển sang màu trắng. Chim và ve sầu kêu râm ran. 

Chỉ là vài phút chợp mắt. Khoảng trống ngắn ngủi khi nhận thức tạm thời ngừng hoạt động. Nhưng sau khoảng trống đó, một chuyện đã xảy ra làm cuộc sống của tôi rẽ sang hướng mới.

Dù gì thì, người ta cũng thường nói rằng phép màu chỉ xảy ra khi không ai nhìn thấy nó.