Tôi nhận ra đã rất lâu rồi mình mới thong dong đi bộ thế này. Cũng không phải vì hạn hẹp thời gian hay ai đó ngăn cấm gì, chẳng qua là do tôi quá lười mà thôi. Trừ những lúc có việc cần thiết, tôi không bao giờ bước chân ra khỏi phòng trọ. Mỗi khi nhìn thấy chúng bạn chia sẻ việc mình đã năng động như thế nào khi tham gia vào dự án này nọ, hay đi tình nguyện ở chốn khỉ ho cò gáy nào đó, thâm tâm tôi cũng có chút áy náy về cái sự trì trệ của bản thân, nhưng nó chưa bao giờ đủ để tôi đặt chiếc điện thoại xuống và đẩy cánh cửa phòng ra.
Vậy nên tôi đã cảm thấy chút lạ lẫm, và cả thoải mái vì thoát được khỏi bốn bức tường sau một khoảng thời gian dài. Tôi thong thả, vừa đi vừa ngắm cảnh. Suốt cả quãng đường tôi gần như không gặp người đi bộ nào, cùng lắm chỉ là vài chiếc xe cuốn gió chạy vèo qua.
Được hít thở khí trời quả có chút khác biệt. Dù chỉ là tự huyễn hoặc nhưng tôi cảm thấy mình như khỏe khoắn hơn nhiều. Nắng không quá gay gắt và thỉnh thoảng vài cơn gió lại thổi qua, đem theo hơi mát dìu dịu.
Chưa bao giờ cảm giác tích cực dâng cao đến vậy trong người tôi.
Thậm chí cái ý nghĩ “Mình sẽ ra ngoài thường xuyên hơn vì những ích lợi mà nó đem lại” suýt chút nữa ngự trị trong tâm trí tôi và biến thành một quyết tâm thực sự.
Cho tới khi nó bị dập tắt phũ phàng bởi một vài sự cố mà tôi chẳng thể nào lường trước.
Ai mà ngờ lần dạo chơi gần nhất sau một thời gian dài lại suýt trở thành lần dạo chơi cuối cùng trong đời tôi.
Số phận trớ trêu có vẻ muốn tôi cứ ru rú giữa bốn bức tường là đủ. Vậy nên nó đã bày ra một màn kịch không thể nào nghiệt ngã hơn dành cho tôi...
Cơ bản thì, chuyện là thế này...
Sau một hồi đắn đo, cuối cùng tôi cũng quyết định được đích đến cho cuộc dạo chơi ngoài ý muốn này. Đó không phải nơi nào khác ngoài chỗ nhà trọ mà tôi đang thuê. Tôi định bụng kiểm tra xem hiện giờ tình hình chỗ ấy như thế nào. Không sớm thì muộn, chắc chắn sẽ có ai nhận ra tôi đã mất tích được ít nhất ba ngày. Vả lại tôi cũng chưa đóng tiền nhà tháng này, không biết chừng mụ chủ nhà sẽ cho rằng tôi đã bỏ trốn cũng nên.
Với chiếc vòng giả da trên cổ, trông tôi giống như một con thú cưng thực thụ. Thế nhưng tất cả chỉ dừng lại ở vể bề ngoài. Việc bị mắc kẹt trong cơ thể một con mèo có vẻ không biến tôi thành một con mèo.
Tôi vẫn không hiểu được ngôn ngữ loài mèo, có lẽ một phần lí do là vì khả năng tiếp thu ngoại ngữ của tôi dở tệ. Tôi hoàn toàn không nắm được sự khác biệt về ý nghĩa trong tiếng kêu của bọn mèo (trừ tiếng của chúng lúc động dục, cái này thì không khó để nhận biết).
Tôi cũng chẳng có được cái khả năng vận động tốt như mấy con mèo chính hiệu. Bằng chứng là ngày hôm nọ, trong một phút bốc đồng tôi đã đưa ra cái quyết định nhảy từ cái bệ cửa sổ qua chiếc ghế sofa gần đó để đỡ phải trèo xuống. Trong đầu tôi hiện lên hàng loạt hình ảnh về những chú mèo với khả năng bay nhảy vào hàng thượng thừa, cộng thêm cái niềm tin mãnh liệt về việc là “một con người trong lốt con mèo, chắc chắn mình sẽ làm mọi thứ tốt hơn một con mèo bình thường”. Và thế là tôi chấn chỉnh tư thế, lùi lại lấy đà, căn chỉnh thời gian rồi dậm nhảy một cách chắc cú. Cuối cùng kẻ kiêu ngạo cũng phải trả giá, tôi đập mặt vào thành ghế và rơi đánh oạch xuống nền gạch cứng ngắc. Cú đó đau điếng làm tôi tưởng như mình gãy lưng đến nơi, và từ đó tôi quyết định sẽ không bao giờ thử bắt chước mấy con mèo nữa.
Nói chuyện này lại làm tôi nhớ tới việc hôm nọ, lúc Anh Thảo đi vắng, Anh Đào đã phải chuẩn bị bữa trưa cho tôi. Khổ thay, cô nàng lười biếng nào có chịu đối xử với tôi tử tế lấy một lần. Nấn ná quá cả bữa trưa đã đành, Anh Đào còn vô trách nhiệm tới mức bắt tôi xơi chỗ thức ăn cho mèo mà cô vừa mới lục được ở đâu đó trong nhà. Đó là loại thức ăn giàu đạm được chế biến sẵn, trên bao bì có ghi vị của nó là cá hồi và khoai tây. Tất nhiên sau một hồi cân nhắc kĩ lưỡng, tôi cũng đành chép miệng và cố tỏ ra hài lòng với cái cách mà Anh Đào đối đãi mình. Tôi biết vị của khoai tây, còn cá hồi thì tôi chưa bao giờ có cơ hội được thử, nhưng quả thật thứ thức ăn dạng hạt khô ấy cũng không đến nỗi nào. Tôi đã đánh chén ngon lành và quất hết cả tô trong chốc lát.
Kiếp làm mèo của tôi vẫn chưa hết thứ để kể.
Cứ như thế...
Tôi vừa đi vừa suy nghĩ vẩn vơ đủ thứ trên trời dưới biển.
Tôi vòng qua dãy nhà tập thể từ thời bao cấp với những mảng tường vôi vàng đã bong tróc và mốc meo. Sự hiện diện của một con mèo đen có thu hút sự chú ý của một vài người, nhưng họ chẳng để tâm lâu mà nhanh chóng quay vào với công việc dang dở.
Tôi quẹo phải ở góc phố nơi có cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu, bên trong là một gã đàn ông trung niên đang tựa lưng vào ghế, gác chân lên quầy mà ngáy như kéo gỗ.
Tôi lướt qua bức tường lớn phía sau một trường tiểu học được phủ kín bởi các bức vẽ Graffiti nghuệch ngoạc, trầy xước.
Giữa đống hỗn độn những sơn và màu ấy, nổi lên là một dòng chữ.
“Họa tự miệng mà ra, bệnh từ miệng mà vào.”
Dừng chân một chút, tôi lại tiếp tục cất bước.
Những lúc như vậy cảm giác thời gian trôi nhanh hơn hẳn...
Sau gần tiếng đồng hồ đi men theo đường cái hướng vào trung tâm thành phố, chẳng biết từ lúc nào, cuối cùng tôi cũng đặt chân tới khu dân cư. Thế nhưng nơi tôi đang đứng trông có vẻ khá lạ lẫm. Đó là một khu phố kéo dài với những ngôi nhà lô bốn tầng xếp liền kề. Chúng có sự tương đồng rõ rệt về thiết kế, khác biệt lớn nhất có lẽ chỉ là màu sơn. Nhà nào nhà nấy đều đóng kín cửa, dù sao nơi đây cũng không phải là một địa điểm thích hợp cho các hoạt động kinh doanh.
Xem ra vấn đề nằm ở việc từ nãy đến giờ tôi chỉ toàn tìm kiếm bằng thị giác. Có một nghiên mới đây đã chỉ ra, mùi hương chính là chìa khóa quan trọng giúp não ghi nhớ và hồi tưởng lại các kỉ niệm. Nếu tận dụng cả khứu giác loài mèo vốn đã rất nhạy cảm, biết đâu tôi sẽ xác định được hướng cần đi.
Với cái hi vọng như vậy, tôi cứ nghểnh cổ lên hít một hơi thật sâu. Cuối cùng, sau một hồi hít hà và ngửi thấy hàng tá mùi nhưng chẳng có cái nào quen thuộc, tôi đi đến kết luận rằng khứu giác của mình hoàn toàn ổn, và tất nhiên là cả việc tôi đã bị lạc đường nữa.
Thế rồi, chưa kịp thất vọng về chuyện đó thì bụng tôi bỗng quặn một cái. Tôi đói, và ở một khía cạnh nào đó nó còn tệ hơn cả việc bị lạc đường.
Dù sao tôi vẫn phải đi tiếp, cứ chôn chân một chỗ thì sẽ chẳng đến đâu cả. Thế nhưng càng đi cảnh vật càng lạ, tình trạng lạc đường cùng với cái bụng đói meo cũng ngày càng nghiêm trọng hơn. Tôi bắt đầu mất kiên nhẫn và bắt đầu có cái suy nghĩ bỏ cuộc, tìm chỗ nào đó an toàn để ngả lưng rồi chờ Anh Đào đến đón.
Vừa đi vừa đấu tranh tư tưởng, chẳng biết từ lúc nào tôi đã đặt chân tới một nút giao nọ.
Đứng dưới tấm biển tên phố lạ hoắc, tôi nhìn quanh một vòng.
Có chút kì lạ.
Đường phố vẫn vắng tanh, nhưng nơi đây không chỉ còn toàn những ngôi nhà xếp san sát và xen kẽ nhau nữa.
Ở góc phố đối diện chỗ tôi đứng có một vườn hoa, hay ít nhất đó là mục đích mà người ta cho xây nên nơi ấy. Bởi dù tấm biển ở cổng có ghi rõ ràng ra sao, thì cả khuôn viên bên trong xem chừng không có lấy một bóng hoa nào.
Tôi bước về phía đó.
Bao quanh công viên là bức tường được tạo nên bởi những bụi cây, cứ cách một đoạn lại có một cây lớn được trồng. Giữa khuôn viên là một khoảng sân lớn, ngổn ngang những xà, xích đu, cầu trượt và một đống những dụng cụ vận động thể chất dành cho mấy ông bà già là chính.
Tôi đi vào.
Bên trong cũng im ắng không khác gì ngoài kia.
Thế nhưng, khi chú ý kĩ...
Ở một góc nọ, tôi nhìn thấy có một bóng người đang hì hụi đào bới gì đó, à không, chính xác thì, là một bóng trẻ con.
Cụ thể hơn đó là một con bé chắc tầm lớp hai, lớp ba, mặc chiếc áo phông dành cho nam giới trưởng thành màu cháo lòng rộng thùng thình, đi chân trần, mái tóc cắt ngắn một cách cẩu thả dính đầy bụi bẩn, mặt mũi trông thì xinh xắn nhưng lấm lem toàn bùn đất, nhìn qua cũng đủ để thấy bố mẹ thiếu quan tâm tới con trẻ như thế nào. Đứa nhỏ đang ngồi xổm, tay cầm cái bay cán nhựa, lúi húi chọc chọc bới bới, chốc chốc lại đưa tay lên quệt ngang mặt làm đất trộn với mồ hôi tạo thành thứ hỗn hợp lem nhem khó tả.
Không hiểu sao lúc nhìn thấy cô bé nọ, tôi như bị hút hồn mà quên luôn cái hoàn cảnh bản thân hiện giờ. Có lẽ phần vì tò mò không biết đứa nhỏ đang tí toáy cái gì, phần vì lo ngại cho tình cảnh của nó.
Phố xá thì vắng tanh mà con bé lục hục một mình không ai ngó trông, lỡ xảy ra chuyện gì thì biết làm sao. Xã hội này có phải ai ai cũng tốt đâu chứ...
Bỗng nhiên con nhóc không đào nữa, nó vứt cái bay ra xa rồi lấy tay bới đất.
Sau một hồi loay hoay con bé dừng lại, quệt mồ hôi lần cuối rồi nhìn trân trối vào lòng bàn tay mình. Nó liền cười toe toét, hàm răng trắng nhỏ xinh bỗng thành điểm nhấn trên cái khuôn mặt nhem nhuốc đen đúa. Rồi thế là, đứa nhỏ, với vẻ mặt tự hào mãn nguyện, đứng thẳng dậy và giơ con giun đất tội nghiệp còn đang ngoe nguẩy lên như muốn khoe chiến lợi phẩm với bàn dân thiên hạ.
Trong tâm thế của kẻ chiến thắng nâng cao chiếc cúp vô địch, con nhóc liền dòm ngó xung quanh, và đó cũng là lúc nó nhận ra sự hiện diện của vị khán giả duy nhất của mình – là tôi.
Lúc nó nhìn tôi, tôi cũng nhìn nó, mắt đối mắt, mặt đối mặt. Cả hai bỗng khựng lại một khắc.
Thế rồi con bé chợt quay lưng về phía tôi cúi xuống nhặt thứ gì đó. Người con bé che hết đâm ra tôi nghểnh cả cổ mà vẫn không nhìn ra nổi cái vật bí hiểm ấy.
Tôi chưa kịp hết tò mò thì đứa nhóc bỗng quay người lại và ngồi xổm xuống, xòe một tay ra rồi vẫy vẫy ra hiệu cho tôi lại gần. Trong lòng bàn tay đen sì của con bé là con giun đất vẫn đang ngọ nguậy tìm đường trở lại mặt đất trong vô vọng.
Hình như cô bé muốn tặng tôi con giun đất thì phải...
Nếu đúng là vậy chắc tôi cũng đành khước từ thiện ý của cô bé mà thôi. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi chưa một lần mảy may có chút hứng thú nào với các loại sinh vật thuộc Ngành Giun đốt.
Vậy nên tôi tiếp tục giữ khoảng cách và dõi theo từng động thái của đứa nhỏ
Sau một hồi mời gọi mà không thấy tiến triển gì, những tưởng con bé sẽ chán nản mà bỏ cuộc thì đột nhiên nó nhét con giun vào túi quần bên phải (Trời ơi! Không ai ngăn nó lại à!?), chùi tay và lọ mọ rút ra thứ gì đó từ túi bên trái.
Chính xác thì đó là một gói đậu phộng da cá nhỏ nhắn.
Đứa nhóc liền lấy răng xé cái bao bì rồi dùng miệng đổ vài hạt đậu phộng vào lòng bàn tay.
Một lần nữa, đứa nhóc xòe tay ra trước mặt tôi.
Tôi nhìn con bé, rồi lại nhìn vào mấy hạt đậu phộng, rồi lại nhìn con bé, rồi lại nhìn mấy hạt đậu phộng.
Không hiểu sao bụng tôi bỗng nhiên réo rắt, còn nước miếng thì bắt đầu chảy ra.
Trước sự cám dỗ đang ngày càng lớn dần, tôi bắt đầu lết về phía đó, từ từ, mà chắc cú.
Cũng như người đau chân chỉ chú ý đến cái chân đau của mình, sự chú ý của hoàn toàn dồn vào món đậu phộng da cá rẻ tiền có thể mua được ở bất cứ hàng tạp hóa nào trong vùng.
Đột nhiên tôi cảm thấy.
Hình như có gì đó không ổn.
Tôi đảo mắt xung quanh.
Cái cảm giác bất an này là sao...
Rõ ràng là có gì không ổn.
Và đó cũng là lúc trong đầu tôi chợt dấy lên câu hỏi...
Tại sao tư thế con nhóc trông có vẻ kì lạ vậy nhỉ?
Tôi đứng lại ngắm thật kĩ.
Con nhóc bẩn thỉu ấy đang ngồi xổm, hướng gương mặt lấm len đất về phía tôi, tay phải xòe ra như muốn mời gọi tôi xơi hết mấy hạt đậu phộng trên đó. Và cái kì lạ ở đây là, con nhỏ giấu tay còn lại ra sau lưng, theo cách hết sức mất tự nhiên. Điều đó làm tôi tự hỏi nó đang có ý đồ gì?
Tôi nhìn ra xung quanh.
Khoan!?
Cái bay lúc nãy mà con nhóc vứt xuống đất đâu rồi?
Rõ ràng.
Nó đã biến mất!
Nếu vậy thì chẳng còn nghi ngờ gì nữa, cái bay không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi, vậy nên là nó phải ở đằng sau lưng đứa nhỏ kia, không khác được.
Khá là chắc kèo rằng khi tôi đến gần, con nhóc sẽ cầm cái bay và đập tôi lên bờ xuống ruộng. Thực sự thì làm gì có cách giải thích nào khác cơ chứ? Chẳng lẽ nó định gãi lưng cho tôi chắc? Không đời nào!
Để dục vọng che khuất lí trí, chỉ vì thỏa mãn cái bụng mà suýt chút nữa tôi tự tra thòng lọng vào cổ. Nếu chủ quan, không biết chừng tôi đã trở thành trò tiêu khiển cho ranh con kia từ lúc nào chẳng biết.
Đứa nhóc thấy tôi không tiến tới nữa thì bắt đầu ngơ ngác.
Vậy là, từ con mồi, tôi lên làm kẻ nắm thế thượng phong. Cảm giác nắm thóp đối phương khá là tuyệt vời, nhưng xem chừng tôi vẫn chưa hả dạ.
Và như vậy, tôi liền nhìn con nhóc nọ bằng ánh mắt đầy khoái chí, và thè lưỡi ra tỏ ý khiêu khích.
Con nhóc bỗng sững sờ một giây. Có lẽ nó đang bàng hoàng không hiểu tại sao mình lại có thể đấu trí thua được một con mèo cũng nên. Phải, nhóc không thông minh bằng một con mèo đâu, chấp nhận sự thật đi nào. Ha ha.
Mặt đứa nhóc bỗng chuyển từ xanh sang đỏ, môi mím chặt.
Con bé đột ngột đứng dậy!
Nó vung mạnh tay trái!
Tôi giật mình nhảy bật qua một bên!
Cái bay sượt qua tai tôi, và cắm phập xuống nền đất.
Tôi nhìn cách phần lưỡi sắt xiên thẳng qua mặt đất nơi mình vừa đứng mà sống lưng chợt lạnh toát.
Tôi chậm rãi ngước lên và bắt gặp cảnh con nhóc nọ đang bắt đầu thu người lại như cái cách loài hổ lấy đà để săn con mồi. Nhìn bản mặt bặm trợn của nó là tôi biết đời mình sắp xong đến nơi rồi.
Chính vì vậy...
Tôi chạy thục mạng!
Bằng cả bốn chân của mình!
Chẳng còn thời gian để tự trách bản thân đã ngu ngốc mà chọc phải tổ kiến lửa.
Không dám ngoái lại, tôi phóng đi bằng toàn bộ sức lực.
Tiếng bình bịch đằng sau ngày càng đuổi gần.
Kể cả mới chỉ là một đứa nhóc đi nữa thì con bé vẫn thừa sức bẻ xương tôi nếu nó thích.
Chừng nào còn muốn sống thì tôi không thể để mình lọt vào tay nó được!
Tuy không biết khoảng cách thế nào, nhưng tôi có cảm giác như sắp lên thớt đến nơi.
Cứ như thể chỉ còn cách một gang tay nữa!
Có gì đó sắp chạm vào đuôi tôi!
Thế rồi, trong hoàn cảnh éo le ấy.
Lọt vào tầm mắt tôi là một cái lỗ nhỏ bên dưới bức tường gạch cao ngút.
Không phí một giây, tôi chui tọt qua đấy!
Cảm giác bộ lông cọ vào mảng tường gồ ghề truyền thẳng tới não.
Quá đà, tôi vấp phải một cái gì đó và lộn vài vòng cho tới khi cả người đập vào một cái cột cứng ngắc.
Lập tức tôi bật dậy nhìn về phía bức tường mình vừa lọt qua.
Con nhóc nọ đang dòm một mắt qua cái lỗ nhỏ xíu. Nó cố thò tay vào, nhưng cố thế nào cũng chẳng với tới tôi. Rồi thấy loay hoay mãi mà chẳng làm được gì, đứa nhỏ nhăn nhó khó chịu ra mặt. Cuối cùng con bé lườm tôi, nó xì một tiếng rồi phủi mông đi thẳng.
Thấy vậy tôi cũng chỉ thở phào. Suýt chút nữa là tôi đi đời nhà ma rồi.
Qua vụ lần này tôi nhận ra mình chẳng thể nào ưa nổi bọn trẻ con. Chúng, trong đa số trường hợp, luôn đem lại sự phiền phức không đáng có cho người liên quan và cả không liên quan đến chúng.
Thế nhưng thoát được kiếp khổ này thì lại đến kiếp khổ khác.
Cuộc rượt đuổi vừa rồi gần như đã vắt kiệt chút năng lượng còn lại trong người tôi. Toàn thân mềm oặt và mệt mỏi, tôi đói mà muốn lả.
Nhìn quanh một vòng, có vẻ nơi đây là khoảng trống nhỏ phía sau một ngôi nhà nào đó. Nó dài, hẹp và toàn bộ mặt đất đều được lát gạch, đối diện chỗ tôi đứng là cánh cửa sắt đóng kín mít. Đó cũng là cánh cửa duy nhất trên bức tường ngất ngưởng được sơn màu vàng. Nhiều khả năng cái lỗ nơi tôi chui qua là để thoát nước mưa cũng nên. Ở góc tường là vài chiếc chổi cùng mấy cây gậy với đủ các kích thước.
Thế rồi tôi bỗng ngửi thấy một mùi thơm hết sức cuốn hút.
Quay người lại, lập tức đập vào mắt tôi là một cái tô màu xanh lá, trên khắc dòng chữ “DUCE” in hoa, và đổ đầy trong đó là thức ăn dạng hạt khô, cùng loại với cái mà Anh Đào đã cho tôi ăn ngày hôm nọ, chắc vậy.
Đúng là ông trời không phụ lòng mèo. Nhìn thấy tô thức ăn, mắt tôi sáng lên như bắt được vàng.
Không còn biết trên dưới gì nữa, tôi liền nhảy bổ về phía cái bát mà đánh chén.
Đã bao lâu rồi mới được ăn một bữa ngon như vậy – tôi nào có nhớ. Nhưng đảm bảo hương vị của thứ thức ăn cho mèo trong cái tô kia, tôi sẽ chẳng thể nào quên được.
Tôi đang sung sướng vục lấy vục để, thì đột nhiên...
“RRRROWW!”
... một âm thanh ở tông cao phát ra đầy giận dữ.
Miệng vẫn vội nhồm nhoàm, tôi giật mình ngẩng phắt đầu lên.
Trên đỉnh bức tường cao ngất kia, một con mèo mướp lườm tôi bằng cặp mắt vàng không chút thân thiện. Bộ lông vằn xám của nó dựng đứng, đuôi thì xù hết lên, ngoe nguẩy chậm chạp từ bên này qua bên kia. Trông con mèo như một kẻ cục cằn to lớn sắp sửa ăn tươi nuốt sống kẻ thù của mình vậy.
Bất thình lình, con mèo đó nhảy vọt xuống, tiếp đất nhẹ nhàng ngay trước mặt tôi. Nó to gấp rưỡi tôi, nhìn qua là đủ để biết tương quan lực lượng chênh lệch rõ ràng.
Cổ họng liên tục phát ra những tiếng gầm gừ đáng sợ, nó bỗng co người lại.
Tuy không biết đầu cua tai nheo thế nào nhưng không thể xem thường thái độ thù địch của con mèo kia được. Tôi thận trọng ngắm thật kĩ đối phương, và phát hiện ra trên cái bẳng tên mạ vàng gắn với chiếc vòng cổ giả da đã rách bươm mà nó đang đeo chỉ có một dòng chữ: DUCE.
Thế rồi...
“MRRRooooowww!!!”
Bất ngờ, tôi liền ăn một vả vào mồm, phọt hết mấy viên thức ăn ra ngoài.
Tôi ngơ ngác chưa kịp hiểu chuyện gì thì con mèo mướp đã nhanh chóng bồi thêm một vả nữa nổ đom đóm mắt.
Tôi hoảng loạn lùi lại. Ngay lập tức con mèo kia rít lên, nhảy bổ vào người tôi.
Lảo đảo, tôi ngã về phía sau và bị con mèo mướp đè thẳng lên. Nó dùng móng vuốt cào túi bụi và há ngoạc cái miệng như muốn ngoạm đứt tai tôi. Về phần mình, tôi chỉ biết hốt hoảng giơ chân lên chống đỡ những đòn tấn công đầy hung hãn của con mèo mướp chết tiệt.
Bằng ngôn ngữ loài mèo (chắc vậy), tôi hét một cách thảm thiết.
Chịu thua! Tao chịu thua! Ngừng bắn!
Tao sẽ trả lại toàn những gì đã ăn được chưa?
Gấp đôi!
Gấp ba!
Chia sẻ một chút thức ăn thôi cũng không được sao con mèo ích kỉ?!?
AAAAAAAAAAAAAAAAAAAA!
Mặc cho tôi la hét trong tuyệt vọng, con mèo to lớn vẫn tiếp tục há hốc miệng khoe ra vài chiếc răng nanh nhọn hoắt và cắn tôi tới tấp.
Chẳng thể nào đánh lại được!
Không có thời gian để suy nghĩ nữa.
Tôi phải chạy!
Nhưng chạy đi đâu bây giờ, giữa bốn bề chật hẹp như thế này!
Tức thì lối thoát hiện lên ngay trong đầu tôi.
Chính là cái lỗ thoát nước nọ...
Cái lỗ nhỏ như vậy, con mèo khốn nạn kia chắc chắn không thể nào chui lọt được.
Tức thì, tôi lấy hết sức bình sinh, dùng cả bốn chân đẩy mạnh con mèo to lớn ra khỏi người mình.
Con mèo mướp bất ngờ nhảy bật về phía sau.
Nhân cơ hội đó, tôi lập tức phóng đi.
Một lần nữa, tôi chạy tọt qua cái lỗ nhỏ xíu dưới chân tường.
Lại là cảm giác bộ lông cọ vào bề mặt xù xì của xi măng.
Tiếng khè khạc của con mèo mướp hoàn toàn bị kẹt lại phía sau.
Nhưng tôi vẫn chạy thục mạng.
Băng qua bức tưởng cao ngất.
Băng qua vỉa hè khô ráo.
Băng cả xuống lòng đường bằng phẳng.
Và trong khoảnh khắc hỗn loạn ấy.
Tiếng còi xé tai vang lên.
Như một lời báo tử.
Tôi khựng lại.
Chỉ để nhìn thấy một vật thể khổng lồ đang lao thẳng về phía mình.