33.
Vẫn là cái không khí lặng ngắt đến rợn người, ở một nơi không có lấy chút âm thanh nào dù là tiếng gió hay tiếng thở. Vẫn là cái sân đền rộng vắng hoe, chỉ duy có một bộ bàn ghế và hai người đang ngồi. Vía Ơn không hỏi tại sao mình lại ở đây, nơi này sao vừa giống với đền Cô Hai nhưng lại vừa không giống. Đền Cô Hai không bao giờ thiếu người còn nơi này lại chẳng có một ai, vía cũng không hỏi nơi này là nơi nào, chuyện gì đang xảy ra. Thường trong mơ người ta không hỏi nhiều đến thế.
“Ơn thấy những giấc mơ mà con gặp liên quan đến ký ức về cuộc đời cậu thế nào?”
“Buồn quá Cậu Hai.” Vía Ơn trả lời ta, mắt nó nhìn xuống chén trà trước mặt, một mẩu vụn xác trà thâm đen đang nổi lềnh bềnh trong đó.
“Con có muốn được bất tử không? Như là Lan và Huệ vậy, rất nhiều người tìm đến cậu để xin được bất tử. Ơn thấy có vô lý không, làm như chuyện đó dễ thực hiện lắm ấy. Cậu chỉ kiếm những người có duyên mà thôi, và hai đứa con gái đó là những người mà cậu chọn. Đặc biệt là Lan.”
“Con không muốn.” Ngược lại với kỳ vọng của ta, vía thằng nhỏ lại lắc đầu, đôi mắt to tròn nhìn chằm chằm vào ta vẻ lo lắng.
Bất ngờ, ta hỏi lại, “Tại sao Ơn không muốn? Con nhìn thế giới bây giờ đi, nó đã không thể cứu rỗi được nữa, chỉ có chúng ta phải tự cứu lấy chính mình. Bệnh dịch, thiên tai, bạo động xảy ra liên miên, người ta cầu sống còn không được, vậy mà Ơn lại từ chối sự bất tử? Không lẽ tụi ta giữ Ơn trên đất Kinh Gạo lâu quá, bao bọc con để con không được chứng kiến những đau khổ của thế giới bên ngoài nên con không biết sợ những thứ đó. Nếu vậy thì ta làm sai rồi, biết sớm ta đã để Ơn tiếp xúc với thế giới này thật nhiều để con hiểu bất tử là một ân huệ mà không phải ai cũng có được.”
“Thật ra con ở trong đền ngày nào cũng phải tiếp vô vàn khách khứa từ bên kia sông qua, cũng nghe thấy, nhìn thấy rất nhiều số phận con người, rất nhiều chứng bệnh kỳ lạ khiến cho bệnh nhân thà được chết còn sướng hơn. Nên con thừa biết là thế giới bên ngoài rất đáng sợ. Cậu Hai không làm sai gì hết.”
“Chứ tại sao Ơn lại không hiểu, không chịu nhận phước lành từ cậu? Con sẽ mãi mãi sống với Lan, với Huệ và cả với cậu nữa. Chỉ có Ơn là Cậu Hai cho quyền lựa chọn thôi, chứ hai đứa kia tụi nó đâu có được cậu hỏi ý kiến như con.”
Vía thằng nhỏ nhìn ta, không phải cái nhìn của một con người nhìn một con người, mà là cái nhìn của một con người đang nhìn một thứ không có thật. Nó có chút chật vật tìm cách diễn đạt ý mình, “Con không nghĩ việc sống mãi mãi không chết là chuyện gì đáng để vui mừng đâu cậu. Ông tổ của con cũng là người mắc bệnh bất tử - con sẽ tự gọi đó là bệnh. Ông lúc nào cũng bảo bất tử là một lời nguyền, con người sống trên đời bởi vì biết mình sẽ chết nên mới cố gắng sống, còn nếu biết mình không bao giờ chết thì nhất định sẽ sống không nổi nữa. Và tuổi của ông tổ con dừng lại ở con số tám mươi, nghĩa là ông sẽ mãi mãi bị tuổi già hành hạ, mãi mãi đau nhức tay chân, mãi mãi sống trong thế giới lờ mờ do thị giác đã giảm. Cậu Hai hiểu không, tuổi già là một thứ đáng sợ hơn cái chết nhiều, người ta không tự đi bằng đôi chân của mình được, chỉ suốt ngày run rẩy và bị những căn bệnh của một cơ thể quá đát làm cho đau đớn mà thôi. Người già luôn đợi đến lúc chết để có thể kết thúc cuộc hành hạ dai dẳng này. Nhưng rủi thay ông tổ lại không chết được, ông phải sống và chịu đựng cơ thể suy nhược của mình suốt cả trăm năm nay. Nghĩ tới thôi con đã thấy sợ hãi rồi, không dám nhận phước của Cậu Hai cho đâu.”
“Đừng có mỗi lần nói đến chuyện bất tử là con lại đem ông tổ mình ra.” Ta gắt lên đột ngột khiến vía Ơn giật nảy mình. “Đó là do ông ấy xui xẻo được bất tử trong cơ thể của một ông già thôi. Còn Ơn thì cậu sẽ cho con bất tử ở tuổi hai mươi, mãi mãi mạnh khoẻ, to cao, tràn đầy sức sống. Giống như hai đứa Lan và Huệ vậy. Nên là Ơn đừng lo lắng.”
“Nhưng bà Lan với Huệ cũng đâu có vui vẻ hạnh phúc gì khi được bất tử?” Vía Ơn vặn lại.
“Sao Ơn biết hai đứa nó không vui?”
“Con nhìn là biết, họ chắc chắn không sung sướng gì hết. Lan và Huệ bị trói buộc ở đây vì bất đắc dĩ, sự bất tử này cũng không phải đến vì ý muốn của hai bả. Nó giống như một lời nguyền hơn.”
Ta bật người đứng dậy, nhìn xuống thằng nhỏ, “Ơn muốn trách cậu đã khiến cho mấy chuyện này xảy ra, Ơn trách cậu làm vậy là muốn hại người khác. Cậu Hai chưa từng muốn hại bất kỳ ai hết. Sao lúc nào cũng có kẻ vu cho ta là ma quỷ thích đi gây hại cho người khác như vậy?”
“Con không trách cậu.” Vía Ơn khúm núm, “Con sinh ra nhờ ơn phước của của Cậu Hai. Không có cậu thì con đã chẳng có mặt trên đời, con đâu dám đổ lỗi cho cậu. Con chỉ muốn giải thích để Cậu Hai hiểu ý con thôi.” Rồi đột nhiên nó hỏi ta một câu, “Cậu Hai tuy đã chết nhưng cái xác vẫn không phân huỷ, hồn vẫn còn kẹt ở dương gian, lại được bao nhiêu người muốn đến chiêm bái, quỳ lạy, tôn làm thần làm thánh, để cậu lên đầu mình mà thành tâm khấn vái. Vừa được bất tử cũng vừa được hưởng bao nhiêu sự kính trọng như vậy. Ấy thế mà, cậu có thấy vui không?”
Ơn giật mình tỉnh dậy. Hừng đông đang nổi lửa, bầu trời bên ngoài đã gần sáng. Ta không trả lời được nên đành phải khiến nó thức để trốn tránh câu hỏi vừa rồi.
34.
Lan lần chần đứng bên ngoài cửa, đến khi con Huệ lên tiếng bảo nó vào đi thì nó mới dám vào.
Đêm nay trăng không sáng lắm, trong điện nhờ nhờ một thứ bóng tối không loãng không đặc. Gian thờ lớn không bật đèn điện, chỉ để hai cây nến hai bên bàn cúng. Không gian tranh tối tranh sáng, mọi thứ hiện lên như những cái bóng mờ câm nhìn chỉ rõ được hình dạng chứ không rõ được đường nét.
Con Lan quỳ xuống trước bàn hương án, nó chắp hai tay lại, khấn vái, “Cô Hai đừng trách tui, tui không còn cách nào khác. Cô hiểu không? Người chết phải chết, người sống phải sống. Người chết không được phép huỷ diệt người sống. Không thể vì một người chết mà hại vô số người sống được.”
Huệ ngồi xếp bằng trước nó, hai tay đặt lên đùi, trên đầu phủ tấm điều màu đỏ. Con nhỏ nghe Lan nói xong thì đùng đùng nổi giận, giọng Huệ lạc đi như trở thành giọng của ai khác chứ không phải của mình, “Tụi mi sống trong đền bao lâu nay, nhận vô số phước phần của ta mà đến giờ đều phản lại ta! Ơn là người ta đã chấm, cậu trai đó cũng vậy. Mi hiểu điều này nhất mà vẫn muốn chống đối?”
“Cô hãy nghĩ lại đi! Cô đã chết rồi. Bởi vì được mọi người tôn thờ suốt bao nhiêu năm nay nên cô mới nghĩ mình thật sự vĩ đại. Nhưng rốt cuộc, cô vẫn chỉ là một người chết. Cô chết, Ơn sống. Giờ chẳng lẽ cô bắt ổng phải như tui và Lan, mãi mãi bị giam cầm ở đây với một cái xác hay sao?” Lan nói, giọng cao hơn bình thường, ta nghe rõ sự run rẩy trong lòng nó.
Ta tức giận, con Huệ cũng tức giận theo. Huệ đứng phắt dậy, tấm điều đã rơi xuống đất. Nó trừng trừng nhìn Lan với ánh mắt vô hồn, bây giờ nó đã hoàn toàn nhập đồng, trở thành một phần của ta.
“Nói nhăng nói cuội.” Huệ hét lên, thật sự chỉ khi lên đồng con nhỏ mới hét được, chứ bình thường với cách ăn nói nhỏ nhẹ của nó chưa bao giờ người khác thấy nó như thế này. Huệ quay phắt đầu nhìn về một hướng khác, “Vằn, đánh nó!”
Từ trong góc tối, thằng Vằn cầm một đoạn roi da bước ra. Ánh nến chỉ đủ hắt lên một bên mặt Vằn, song vẫn dễ dàng nhìn ra thằng đó đang lưỡng lự chẳng biết phải làm gì.
Vằn đưa cặp mắt hoang mang nhìn Huệ, “Cô Hai, phải đánh con nhỏ thiệt hả? Cô suy nghĩ lại đi.”
“Đến phiên mi cũng muốn ra lệnh ngược lại cho thần linh à? Ta có gì để suy nghĩ với không suy nghĩ?”
“Lan theo cô lâu như vậy, cô nể tình đừng bắt nó phải chịu đòn. Nó không làm theo lệnh cô chắc là có cái khó của nó. Đánh thẳng tay làm sao con nhỏ chịu nổi.” Vằn cố gắng xin xỏ giùm con Lan.
Mặt Lan lúc này đã co rúm lại. Tuy nó biết trước sau gì mình cũng sẽ phải chịu phạt thế nhưng khi đứng trước đoạn roi trên tay thằng Vằn nó cũng không kiềm được sợ hãi.
Con Huệ nhăn trán, quai hàm bạnh ra, sự tức giận thể hiện qua khuôn mặt con nhỏ đã lên đến mức khiến cho biểu cảm trên mặt nó trở nên méo mó, “Vằn, mi nên nhớ nhiệm vụ của mình là gìn giữ trật tự nơi này, là cánh tay nối dài quyền lực của ta. Quyền lực của ta lớn mạnh đến đâu là nhờ vào độ nhẫn tâm của mi, đó là lý do ta nhận mi và đám đàn em đi theo mi vào làm bảo kê cho đền. Mi nhân nhượng như vậy, đồng nghĩa với biểu hiện quyền lực của ta đang bị lung lay, chuyện đó tuyệt đối không được xảy ra. Đánh! Nhanh lên!”
Cây roi trong tay Vằn đã trừng phạt bao nhiêu người, từ những kẻ phá hoại, đến những đám loi nhoi tụ tập quấy nhiễu nơi linh thiêng, cả những tên trộm ban đêm lẻn vào đền muốn thó đồ. Chỉ cần ăn một trận đòn của Vằn là chẳng đứa nào dám bén mảng vào đây lần hai. Ấy thế mà bây giờ nó lại chần chừ không nỡ giáng một trận xuống người con Lan. Rõ ràng ta đã quá buông lỏng để cho tụi nó tự tung tự tác, bây giờ chẳng đứa nào còn muốn nghe lời ta nữa.
Tiếng con Huệ giục giã, “Đánh! Ngay lập tức!”
Thằng Vằn đưa roi lên, nhắm tịt mắt lại, rồi mím môi, dường như không dám nhìn hành động tiếp theo của chính mình sắp làm. Thật hèn hạ! Cũng phải hàng trăm lần nó thực hiện chuyện này rồi, nó chưa bao giờ bày ra bộ mặt đó. Những lần trước cây roi đều được quật thẳng tay, thằng Vằn luôn hăng hái năng nổ, thèm muốn dạy cho người khác một bài học. Chẳng hiểu hôm nay nó bị gì.
Nhát roi quất xuống tạo ra một tiếng chát ngọt lịm. Con Lan run bắn người, cơn đau điêng điếng làm cả cơ thể nó giật nảy lên. Nó chưa cảm nhận được nỗi đau ngay lập tức mà phải sau đó khi nước mắt ứa ra một cách bản năng không thể khống chế, nó mới cảm giác được cái đau lan dài từ lưng đến mọi thớ thịt trên người mình. Cơ thể Lan cảm nhận cơn đau còn trước cả nhận thức của nó. Lan hét lên một tiếng thất thanh. Nhát roi thứ hai tiếp tục liền sau đó. Con nhỏ ngã vật xuống, nằm sõng soài ra đất. Nhát roi thứ ba, thứ tư, thứ năm. Nó trườn tay về phía trước, run bần bật, dãi dớt trào ra khỏi miệng, tiếng rên trong cổ họng vỡ ra thành từng mảnh vụn làm giọng khàn đặc, đã có vài giọt máu li ti bắn xuống sàn.
Thằng Vằn vứt roi đi, quỳ xuống dập đầu cầu xin ta suy nghĩ lại, với sức con Lan nó chắc chắn không thể chịu nổi đến cú vụt thứ mười. Sở dĩ cây roi đó có khả năng gây đau đớn kinh khủng đến thế là vì bên trong có lèn một ít kim loại, khiến nó nặng hơn và gây tổn thương gấp nhiều lần một sợi roi bình thường. Nếu đánh nhiều có thể gây vỡ xương như chơi. Đã có không ít kẻ nhập viện vì bị Cô Hai đền Kinh Gạo trừng phạt.
Đôi mắt Huệ vẫn mở to, trơ trơ vô hồn, nó giữ tư thế đứng im như trời trồng. Thằng Vằn đến kéo chân nó, khiến cơ thể con nhỏ lắc lư nhưng vẻ mặt vẫn không có chút thay đổi nào.
“Cô Hai, con Lan chưa bao giờ muốn làm cô giận hết. Nó là đứa trung thành với cô nhất, cô làm ơn suy xét lại cho nó.”
Huệ giơ chân đá thằng Vằn ra xa, “Mi ngu lắm! Bởi vì con Lan là đứa trung thành nhất, ta yêu quý nó nhất nên ta mới thất vọng về nó đến vậy. Đánh tiếp!”
Thật sự không thể tiếp tục được nữa, thằng Vằn chỉ biết dập đầu xuống đất, nhất quyết không động đậy tay chân. Con Lan ngước mắt lên nhìn, dưới ánh đèn linh diệu, đôi mắt hằn tia máu và đầy ứa nước của nó như phát sáng. Con nhỏ run rẩy chống tay lấy thế quỳ thẳng. Cả người nó vẫn còn ngật ngưỡng qua lại.
“Suốt một trăm sáu mươi năm qua, những gì diễn ra ở bên ngoài đất cồn, ở bên kia con sông đều là những thứ tụi tui được người khác kể lại. Chẳng ai trong đền biết những chuyện ấy có thật sự xảy ra hay không. Con người ở bên kia, họ đến đây và mang những câu chuyện đến, chẳng ai có thể kiểm chứng được.” Con Lan bắt đầu lầm bầm nói những điều sang sảng, hoặc có thể đó là những gì nó thật sự đã nghĩ suốt bao nhiêu lâu nay. “Cuộc sống bên ngoài chỉ được nhắc đến qua dăm ba câu chuyện qua loa không đầu không cuối, như thể đối với tụi tui cả thế giới thật ra chẳng có gì ngoài cái cồn Kinh Gạo này. Bệnh dịch, nổi loạn, chiến tranh, thiên tai,… chúng có thật hay không, không ai biết hết, tụi tui tin vào những câu chuyện được kể thì là thật, không tin thì là giả. Cô hiểu những điều này là gì không? Tất cả tụi tui đã sống ở đây quá lâu rồi. Không ai còn chịu được nữa, việc chống đối lại cô chỉ là sớm muộn.”
Vằn vội vàng quay đầu lại gắt con nhỏ, “Lan, mày bị điên rồi hả? Không được nói những điều như vậy. Tao đang xin cho mày, đừng có cố chọc tức cổ nữa.”
Mặc kệ thằng đó, Lan vẫn tiếp tục ngước nhìn chiếc quan tài kính đặt trên đài, ngày càng lớn giọng hơn, “Cô Tài không chịu được thế này nữa, Huệ cũng không chịu được, đến tui cũng không chịu được nữa rồi. Tất cả chỉ đang chờ một lý do để phá huỷ mọi thứ thôi, cô hiểu không. Và Ơn chính là lý do mà tất cả mọi người đang chờ đó. Chúng tui không muốn sống thế này nữa. Đủ lắm rồi!”
Thốt nhiên, con Huệ run rẩy cầm cập. Nó gào lên điên dại, xoay người hất đổ tất cả những món cúng kiếng đang đặt trên ban thờ phía sau mình. Tiếng đồ đồng bị hất xuống đất, mâm quả lăn lông lốc, tàn nhang và những chân nhang đổ hết ra ngoài. Bao nhiêu là tiếng động nện ầm ầm, trộn lẫn vào nhau tạo nên một cảnh tượng như một mụ điên đang lên cơn động rồ. Huệ vò đầu bứt tai, làm hai cái bính tóc của nó bị bung ra, rối lên nùi nùi.
Rồi Huệ quay quắt như tìm một thứ gì đó. Nó phóng đến chỗ con sư tử đá đặt cạnh ban thờ, rút thanh kiếm trong miệng con vật ra, chỉa thẳng về phía Lan.
Huệ nghiến răng nghiến lợi, quát lớn, “Mi mà còn nói nữa thì cả đám sẽ chết hết tại đây. Ta sẽ giết mi, rồi đến thằng Vằn, cuối cùng là con Huệ. Ta sẽ giết hết tụi bây!”
Đôi con ngươi của Lan nhìn ta ầng ậc nước, nó gồng cứng người, lấy hết sức bình sinh hét vào mặt ta, “Cô Hai! Chuyện này ngay từ đầu đã là một lời nguyền quái ác. Tất cả chúng ta bây giờ đều thành ra thê thảm như vậy chỉ bởi vì người chết như cô lại không được chết và người sống như tụi tui thì lại không được sống. Người chết phải để họ chết đi và người sống thì phải được phép sống. Cô thắc mắc tại sao tui lại giúp cậu trai ấy và cô Tài, giúp Huệ và Ơn chứ không phải giúp cô. Bởi vì suy cho cùng, người sống quan trọng hơn! Cô Hai! Người sống quan trọng hơn!”
Cánh tay cầm vũ khí của Huệ đột nhiên rủ xuống, thanh kiếm rơi chạm đất làm vang lên tiếng leng keng chát chúa. Nó thoát khỏi trạng thái lên đồng, cả người đổ vật ra sau, thiếp đi mê man.
35.
Còn nhớ ngày hôm ấy là một ngày mưa dầm dề, Lan đã vội vã đến xin ta rón tay làm phước cứu giúp cho nó.
Khi ấy xác của ta đã được đem vào đền được tầm chục năm rồi, và việc cái xác có linh diệu hay không vẫn chỉ dừng ở những lời đồn đãi trên miệng không được mấy người tin tưởng. Giúp việc cho đền chỉ có hai mẹ con một bà vãi già, người con gái lâu lâu mới đến đền một lần, còn bà vãi thì ở luôn trong đền để không muốn phải phiền đến cuộc sống riêng của con cái. Đó là một bà già mắt đã cập kèm, đi đứng và nói năng đều gặp mắc mứu, nhưng những việc như vệ sinh cho ta và lau chùi quan tài thì vẫn làm được.
Người dân ở xung quanh đồn đoán nhiều về cái xác chết đã mấy chục năm không phân huỷ, có người đã thử đi cầu xin cho việc làm ăn được phát đạt thì quả nhiên là linh nghiệm. Thế nhưng danh xưng thần thánh đâu phải ngày một ngày hai là có được, với lại biết có phải là do cái xác đó làm không hay chỉ đơn giản là những người đến cầu xin đều đã tốt số gặp may mắn sẵn. Sau khi đong đếm thiệt hơn, người ta còn thấy rằng việc đến chắp tay dập đầu cầu xin một cái xác chết không khác gì là một kiểu tà đạo, một dạng của trò chơi bùa ngải, tương lai biết đâu sẽ gây nên tai hoạ, vì thế lại càng ít người tin tưởng. Nên khi ấy xác của ta ngoài giá trị là một báu vật ra thì không có thêm gì hết, cũng chỉ được đặt trong một cái quan tài gỗ sáu tấm bình thường.
Lan cũng không thật sự tin. Nó biết đến sự hiện diện của một cái xác người kỳ lạ, nghe được những lời đồn đãi xung quanh chuyện đó nhưng cũng chỉ dừng ở việc biết vậy thôi chứ chưa từng nghĩ gì nhiều. Chỉ có một thắc mắc độc nhất trong đầu Lan là tại sao một chuyện lạ lùng như vậy mà chẳng ai đến khám xét hay kiểm tra xem thật sự trong cái xác đó có chứa bí ẩn hay tà thuật gì. Song khi biết được kết cục của những người đã mạo phạm Cô Hai thì nó không còn thắc mắc nữa, những ai từng lập kế hoạch đem xác Cô Hai đền Kinh Gạo đi nơi khác để nghiên cứu cũng đều phải trả giá đắt nên về sau người ta lơ đi, chẳng ai dám thực hiện. Thế nên Lan lờ mờ đoán rằng, tuy chuyện Cô Hai có thật sự giúp người hay không thì không rõ nhưng chắc chắn cổ có một kiểu yêu thuật nào đó.
Năm Lan mười chín tuổi, đứa em trai bị bắt vào tù vì tội mua bán và tàng trữ ma tuý. Chuyện ấy đối với mọi người của một cái xóm cồn ở quê là một chuyện kinh thiên động địa lắm. Người ta ai cũng xa lánh gia đình nó. Sau đó nó được tin em trai nó đã chết trong tù. Lan chỉ biết tự trách bản thân mình, sống trong sự dằn vặt và đau khổ. Giữa cơn rối ren thì một người con trai đã xuất hiện và giúp đỡ Lan, đầu tiên là chu cấp cho gia đình con nhỏ, sau là cưới nó làm vợ (đối với một đứa như Lan, nó đã từng nghĩ sẽ không ai dám lấy con cái của một gia đình đã có vết nhơ và phức tạp như nó, nó nghĩ nếu là mình mình cũng đâu dám cưới ai mà trong nhà họ có người là giang hồ hút chích xì ke ma tuý đâu). Lan cảm thấy mình chịu ơn người đàn ông đó và chấp nhận lấy y.
Song vài năm sau chồng nó trong một bữa nhậu với đám bạn tụ tập đột nhiên bị ba con rắn rơi từ trên xà nhà xuống người, bị cắn thừa sống thiếu chết. Mặt mũi tay chân y xưng phù lên tím tái, dọc từ trên xuống phải đến gần chục vết cắn, cả cơ thể cứng lại không cử động được nữa. Không còn cách cứu chữa, Lan nghĩ biết đâu mình có số sát thân, nó sát em rồi sát cả gia đình, đến giờ là sát chồng nó. Trong cơn quýnh quáng, chẳng hiểu bằng cách nào Lan chợt nhớ ra một nơi, nó tốc người lên băng qua trận mưa ngùn ngụt để chạy. Khi đến bên trong đền Cô Hai thì đầu tóc con nhỏ đã ướt sũng và rũ rượi như người chết trôi. Nó không nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ quỳ trước một cái xác, nó không bao giờ tin vào những trò tà thuật, nhưng giờ nó buộc phải tin.
36.
Sự việc chồng Lan được phép màu của Cô Hai chữa khỏi bệnh đã làm những người dân ở xóm cồn nhau nhau lên bàn tán. Người ta kể hôm Lan chạy đến đền thì ở nhà chồng nó đã gần như tắt thở rồi, không thể phân biệt được là còn sống hay đã chết. Nhưng chỉ cần Lan cắt tóc và móng tay của Cô Hai mang về trộn vào thuốc cho chồng mình uống thì đột nhiên người đàn ông đó liền sống lại. Tất nhiên không phải vù một cái là có thể khoẻ mạnh như thường song nọc độc trong người đã hoàn toàn biến mất, chỉ cần chữa trị và chăm sóc thêm mà thôi.
Chẳng biết ngày hôm đó đã có chuyện gì xảy ra giữa thần linh với con nhỏ. Sau này Lan thường xuyên tới lui trong đền, sắp xếp công việc, dọn dẹp mọi thứ cho tươm tất và lau người, cắt tóc, cắt móng tay cho cái xác, đối xử với cái xác như là một người sống. Người ta nghĩ nếu Cô Hai đã có ơn với chồng nó như vậy thì nó ra sức phụng thờ cô giúp người dân thì cũng là chuyện hợp lẽ thường. Thật ra vẫn còn một lý do lớn hơn, Lan đã phải chấp nhận với ta một điều kiện, rằng miễn là chồng mình được sống lại thì nó sẽ mãi mãi ở bên cạnh hầu hạ cho thần linh, không bao giờ rời xa hay phản bội dù thần có làm bất cứ chuyện gì đi chăng nữa. Nó cũng đã nói với chồng việc này, người đàn ông đó thấy như vậy cũng không đến nỗi nào, dù sao mạng của y cũng là do ta cứu, nên y cũng có lòng tôn kính với ta.
Cho đến một hôm con Lan đang cắt tóc và hầu cho cái xác của ta tắm rửa, nó nhìn thấy trên cái xác mọc ra một loại nấm kỳ lạ. Nó hái xuống đưa lên mũi ngửi thử, liền bị cái mùi bùi bùi ngòn ngọt như nấm rơm toả ra kích thích, nó ứa nước miếng. Và trong cơn thèm thuồng khó hiểu, dù không biết thứ nấm này là thứ gì, có ăn được hay không, nó vẫn như bị một thứ bùa phép gì mê dụ. Sự thèm thuồng lên đến đỉnh điểm, con nhỏ nhất định phải đi nấu một món gì đó từ những cây nấm ấy và ăn thử. Mùi hương của thức ăn khiến Lan không thể chịu đựng nổi.
Từ khi Lan ăn những cây nấm lạ đó, vài năm đầu thì chưa thấy gì, nhưng mười năm sau bắt đầu có chuyện kỳ lạ, đến mười lăm năm thì sự kỳ lạ đó trở nên vô cùng chắc chắn. Cơ thể con nhỏ không bị lão hoá, vẫn y như thời con gái, vợ chồng nó ở với nhau bao nhiêu lâu vẫn không có con. Tất cả mọi người bắt đầu nhận ra điều bất thường ấy. Lan cố gắng suy nghĩ nhưng vẫn không biết mình bị gì, chuyện gì là nguyên do của tất cả thứ này. Và nó nhận ra lời thề của mình với thần linh, mãi mãi phụng sự vị thần đang nằm bất động trong đền. Nó mới ngỡ ngàng, sao nó không nhận ra mãi mãi chính là mãi mãi, chứ không phải mãi mãi là cho đến lúc chết thì thôi như thông thường mọi người đều nghĩ. Một người nói mãi mãi yêu thương và bên cạnh một người thì cả người nói lẫn người nghe đều ngầm hiểu rằng câu đó nghĩa là yêu đến chết, đến hết đời hết kiếp. Nhưng ý Cô Hai đâu có đơn giản như vậy.
Chồng của Lan khi ấy đã hơn bốn chục tuổi. Tuy trông y vẫn còn gân guốc khoẻ mạnh vì tạng người y là kiểu tráng kiện sẵn, thế nhưng cũng không tránh khỏi việc xuất hiện những dấu hiệu báo động của tuổi già. Y nhìn vợ mình, thấy Lan cứ rồ rộ như một đoá hoa chỉ vừa mới nở, vợ mình cứ phây phây, cứ đẩy đà, cứ tươi tắn rạng ngời như vậy. Y thấy mình là người bị bỏ lại, thấy khi cả hai đứng chung, ngủ chung, ăn nằm với nhau nó thô thiển, kệch cỡm và trái khoáy thế nào ấy. Không ổn, y thấy thế không được. Vô lý quá, sao để vậy được! Người ta nhìn vào không hiểu sẽ nói gì, và chính Lan khi nhìn thấy y mòn mỏi từng ngày, sa sút từng ngày, nhìn thấy cơ thể đã nhũn ra của y sẽ nghĩ gì? Y nghĩ chắc chắn con nhỏ rồi sẽ phản bội mình để đi theo một thằng khác trẻ hơn và hợp với nó hơn, rồi khi thằng đó già đi như y bây giờ, Lan sẽ tìm một người khác và vòng lặp cứ thế tiếp diễn. Nghĩ vậy, y quyết định mình sẽ bỏ Lan trước, muốn không bị vứt bỏ thì chính mình phải là người vứt bỏ trước.
Một hôm Lan hớt tóc cho ta. Nó nâng xác ta dậy ngồi dựa lên thành quan tài, cây kéo với hai cái lưỡi bén ngót kêu lắt xắt phía sau ót ta. Nó kể, “Thằng chồng tui ngoại tình rồi Cô Hai.”
Rồi con nhỏ thở dài, nghiêng qua nghiêng lại để chỉnh đầu ta cho ngay ngắn, nói tiếp, “Thằng chả nói chả muốn có con, mà tui thì đâu thể sinh con được, nếu sinh được thì bao lâu nay đã sinh rồi. Tin được không, thằng chả hơn bốn chục tuổi nên lo nếu qua tuổi này sẽ mất giống nên cố được chừng nào hay chừng đó, nhưng mà tui biết còn nhiều lý do khác.”
Nó nắm chặt cây kéo trong tay, nhìn chằm chằm cái gáy trắng ngần của ta (thật ra tại ta chết rồi nên nhìn da mới trắng hơn người bình thường). Nó cứ nhìn mãi miết, như thể đang tìm một vị trí tốt để đâm lưỡi kéo vào, tuy ta đã chết, nó có giết thêm lần nữa cũng chẳng có ích gì, nhưng làm thế biết đâu sẽ giúp nó hả dạ.
Song đó chỉ là suy nghĩ của ta thôi, con nhỏ không trách cứ ta câu nào, chỉ chậc lưỡi, “Biết vậy hồi đó cứu chả chi, để chả chết cho rồi, đằng nào cũng là rời xa mình, bỏ rơi mình.”
Người phụ nữ tái giá với chồng Lan đã mang thai nên đòi y phải làm một cái đám cưới thật lớn để được mở mày mở mặt, dù người này cũng không còn trẻ trung gì, cưới một người đàn ông hơn bốn chục thật ra cũng chẳng thiệt là bao nhiêu, nhưng đòi phải có một cái đám linh đình một chút mới coi được. Dù sao cũng không còn là vợ chồng nữa, y muốn làm gì thì làm, con Lan tỏ thái độ chẳng muốn quan tâm. Nhưng hôm đám cưới trong xóm cồn nó vẫn lén đi xem thử.
“Cũng phải biết mặt nhỏ đó tròn méo ra sao chớ!” Nó nói với cái xác của ta như vậy, rồi lấy nón đội sụp xuống đầu bỏ đi.
Nó đứng trong một góc khuất nhìn chồng mình với cô vợ mới đi mời rượu bà con. Chắc con nhỏ sẽ còn ngẩn ngơ ở đó thêm một lát nếu không bị một thằng khách say rượu ra hè đi đái bắt gặp. Lan tuy không làm gì sai nhưng vẫn không muốn lu bu phiền phức, nó giật mình nhẹn chân chạy đi. Ấy thế mà, vừa quay đầu nó đã huơ tay trúng một hộp kim tuyến, chắc là ai đó dùng trang trí xong rồi đem đặt ở đây. Tay nó dính đầy những hột nhỏ xíu, nhỏ hơn hạt cát, lấp lánh trong nắng, chẳng hiểu sao nó lại ứa nước mắt.
“Khốn nạn, hồi đó mình cứu chả làm gì? Vì cứu chả nên mình mới phải trẻ mãi không già, rồi bởi vì trẻ mãi không già nên bị thằng chả bỏ. Cứu làm gì để giờ vì chuyện đó mà ra nông nỗi này…” Cái bóng nhỏ vừa chạy, vừa khóc, vừa chà xát hai tay vào nhau phủi cho sạch.
Không hiểu sao, đến tận bây giờ Lan vẫn cảm thấy bàn tay mình chưa phủi hết được những hạt nhũ lấp lánh mình đã dính ngày hôm đó.
Có lần nó đã tâm sự chuyện này với Huệ khi Huệ hỏi tại sao Lan cứ chà xát hai lòng bàn tay như vậy, làm ai cũng tưởng Lan bị bệnh sạch sẽ.
“Những hạt nhũ kim tuyến quá nhỏ, nhỏ hơn cả hạt cát, nhỏ như những hạt bột, một khi đã chạm vào thì chúng sẽ dính khắng vào da mình. Có những hạt dẫu mình có lấy móng tay khự cách mấy nó vẫn không chịu ra. Còn một số hạt vì quá nhỏ nên không thấy rõ, chỉ khi ra nắng mới phát hiện có gì đó lấp lánh trên tay thôi. Tui cứ hay cảm giác một số hạt đã trở thành một phần của da thịt mình, chúng không thể bị phủi sạch được. Một khi dính thì chúng sẽ mãi mãi ở đó. Hoặc có thể tất cả chỉ là do tui tưởng tượng, lòng bàn tay đổ mồ hôi nên khi ra nắng sẽ lấp lánh, nên làm tui cứ tưởng tay mình vẫn còn hạt kim tuyến. Tui phải phủi hết chúng đi. Huệ hiểu ý tui không? Nhiều lúc nhìn xuống tay mình tui lại thấy chúng hiện ra, chẳng hiểu tại sao chúng lại ở đó. Một khi tay mình đã dính những hạt kim tuyến thì sẽ không bao giờ rửa sạch được. Đáng sợ lắm!”
Sau này Ơn cũng có hỏi vài câu tương tự, nhưng Huệ trả lời thay Lan. Chuyện đó Lan chỉ kể một lần cho Huệ nghe mà thôi, những lần sau có ai thắc mắc đều phải nhờ Huệ thuật lại. Đôi khi nó cứ ngồi thừ ra, lấy tay mân mê kỳ cọ một thứ gì đó trên bàn tay của mình, Lan luôn có cảm giác tay mình không bao giờ sạch.
37.
Ta lén lút mở cửa nhà kho rồi bước vào bên trong. Đây là xưởng nhà anh Quốc, phía sau là kho chứa gỗ, phía trước là khu để dụng cụ. Trên đất đầy những dăm bào, mùn cưa vẫn chưa được dọn, cùng những dùi đục dùng để gia công đẽo gọt bày la liệt. Anh Quốc ngồi bên trong đợi ta.
Nơi này đã trở thành chỗ gặp mặt riêng tư của ta với anh. Vào những lúc không ai đến làm việc, chúng ta trốn vào đây thì chắc chắn sẽ không bị phát hiện. Lúc nào chuyện bí mật của cả hai cũng diễn ra trong đây, chỉ có hai đứa biết. Ta tiến đến gần chỗ anh, mắt anh nhìn ta hấp háy ý cười. Ta nâng mặt anh lại gần mặt mình để nhìn cho rõ.
Anh Quốc không nói gì, chỉ đứng lên vòng tay ôm lấy eo ta kéo lại gần mình, bắt đầu cởi áo. Nước da màu đồng với những đường nét vừa thô kệch nhưng cũng vừa bắt mắt của anh ta đã quen nhìn, song lần nào ở trong tình huống này ta cũng thấy bản thân vụng về đến mức kỳ cục. Rồi tụi ta quấn lấy nhau, anh chủ động đặt môi mình lên môi của ta. Mùi hương của một loại trà nào đó thoang thoảng trong miệng anh, bao giờ cũng là mùi hương của trà. Ở đây còn có mùi hương của gỗ, của bụi, của bùn và của những dụng cụ khác, nhưng rõ ràng nhất vẫn là mùi gỗ. Trà và gỗ, toàn là cây cỏ.
Lúc chìm đắm trong nụ hôn dài đó. Ta đâu biết là có người đã mách với gia đình chuyện ta không thích con gái, mách rằng hắn tận mắt thấy mấy lần ta và anh Quốc đi chung với nhau, rằng ta dụ dỗ anh Quốc, chứ anh nhìn đàn ông vậy sao lại là bê đê được.
Sắc mặt tía ta cau lại, nhìn tên mách lẻo với vẻ khinh khỉnh, nói ai đồn ác nhơn vậy, nhà có một đứa con trai tụi bây đồn vậy sao mai mốt thằng con tao cưới vợ được.
Tức mình, thằng cha kia phải nói hùng hồn hơn, lý lẽ chắc cú hơn, “Tui nói thiệt mà chú Năm không tin, hồi nãy tui thấy rõ mồn một thằng Phước nó bước vào nhà xưởng của bên ông Ba Mộc. Giờ chú thím với mọi người đến bắt quả tang thử, không có tui làm con mấy người.”
Không biết thằng chả có dám làm con thật không, song cái vẻ ăn chắc mười mươi đó làm tía má ta thấy hơi ngờ ngợ. Thật ra cả hai tía má cũng không tự tin vào thằng con nhà mình lắm, chỉ là họ không nói ra mà thôi. Cuộc trò chuyện ban đầu hoà nhã một lát lại thành trò thách thức nhau, hai bên đều đang thể diện quá nên nhất định phải làm cho ra lẽ.
“Không có tao bẻ cổ mày giật ngược nghe Lợi!” Tía ta sấn sổ đi theo thằng đó, đạp đổ hết giàn mướp vừa mới chớm leo lên bờ giậu.
Má ta đi phía sau, lo lắng địa vị của mình trong lòng ông chồng qua chuyện này không biết có bị hạ xuống hay không. Má đã quen với cái việc lấy thành tựu đã sinh một đứa con trai nối dõi cho nhà chồng ra để lên mặt, lỡ sự việc có thật thì sau này còn biết lấy gì để lên mặt nữa đây? Mà liệu còn mặt để mà lên hay không lại càng là vấn đề đáng lo hơn nữa.
Những chuyện này ta được kể lại sau khi đã bị bắt quả tang tại trận.
Cửa bật mở lúc ta đang ghì nhẹ người anh Quốc, anh thì nhắm mắt hôn ta, răng lưỡi ngấu nghiến bên trong. Cả hai nghe tiếng động liền giật mình tách khỏi nhau. Đám người sững sờ đứng trước cửa, chẳng hiểu sao lại có nhiều người thích hóng chuyện đến thế. Bẽ bàng, ta hiểu mọi thứ đã chấm dứt. Nhưng ta đã lầm, đây chỉ là mới bắt đầu.
Anh Quốc hốt hoảng, trợn mắt lên, một tay kéo hai vạt áo sơ mi lại, một tay vội vàng trỏ vào ta, “Thằng Phước tự nhiên nó đè tui ra hôn, rồi còn ghì đầu tui xuống, tui cố chống cự mà nó không chịu thả ra. Xíu nữa là tui bị nó hiếp rồi.”