001 - ♥01
Tôi quyết định đi dạo một chút vì không ngủ được.
Lịch sử dòng họ Chitanda có thể được theo dấu từ những năm đầu thời đại Edo…
Những thửa ruộng bạt ngàn phía bắc thành phố Kamiyama đã từng tồn tại trên nó cả một làng nghề nông. Mang trọng trách của người đứng đầu làng nhà Chitanda đã gìn giữ, tự cày cấy và cho thuê tất cả phần đất xung quanh nơi tôi đang đứng. Họ phải đứng ra thương lượng về đủ loại thuế với chánh quan và những lãnh chúa phong kiến rồi cũng nhận trách nhiệm tăng chất lượng nông sản. Và dĩ nhiên, họ sẽ thay mặt cho dân làng tham gia vào các lễ hội thường niên vào mùa xuân và mùa thu.
Đất nơi đây không hẳn là được thiên nhiên ưu ái. Sự màu mỡ đáng tự hào không thể giúp nó tránh khỏi sự tàn phá từ bão tuyết hay gió giật. Phải đến thời Edo những kĩ năng canh tác đầu tiên mới được áp dụng. Mỗi chút thay đổi từ khí hậu đều dẫn đến một vụ mùa thất bại nên không lạ gì khi thời đó những người làm nông kính sợ và thờ phụng các vị thần.
Là tầng lớp thượng lưu, như đã đề cập nhà Chitanda sẽ thay mặt dân làng tổ chức mọi nghi lễ từ lễ gieo mạ, lễ gặt lúa cho đến lễ Obon[1] hay ngày đầu năm mới. Công việc thường thấy nhất vào những ngày này là họ sẽ đi thu lương thực của dân làng để dâng lên đền thờ. Có vẻ như đây là một cách cực kì tế nhị để lấy một phần tiền thuê ruộng, và quả thật việc cho thuê đất chính là nền tảng của sự sung túc của gia tộc.
Sau chiến tranh, vì chính sách tái cơ cấu đất nông nghiệp mà nhà Chitanda cùng những điền chủ lớn khác đều bị buộc bán hầu hết đất của mình cho chính quyền. Thế nhưng Chitanda Shounosuke, người đứng đầu gia tộc lúc bấy giờ đã nhìn thấy một cơ hội ngàn vàng. Với việc dùng số tiền có được nhờ bán đất để nhanh chóng hiện đại hoá nông cụ cùng với cải tiến sản xuất, Shounosuke đã thu lại lợi nhuận đủ để dần dần mua lại chính những miếng đất đã bị buộc bán đi. Cho tới khi cha tôi tiếp quản vị trí lãnh đạo gia tộc thì nhà Chitanda đã lấy lại một nửa những gì đã từng là của họ. Ở cuối thời Showa thì cái “một nửa” ấy không hề nhỏ một chút nào.
Thoạt nghe thì có vẻ tôi đang tâng bốc người nhà, nhưng sự thật Chitanda Shounosuke không chỉ là một nhà kinh doanh lỗi lạc. Ông còn là một người đáng tin cẩn và cũng chính là ông nội tôi. Nhưng vì ông đã mất từ lâu nên tôi không có nhiều hồi ức cho lắm.
Tóm lại là gia đình Chitanda chúng tôi đã vượt qua những thời khắc rối ren trong và sau chiến tranh mà vẫn giữ được vị thế của mình, cho tới nay vẫn đại diện cho người dân nơi đây thực hiện những lễ nghi truyền thống.
Nhưng tôi phải không đồng tình với những gì Fukube-san đã nhận xét. Nhà Chitanda không thật sự hào phú hơn hẳn bất kì ai. Có thể thấy ở việc giảm số lễ hội địa phương từ bốn xuống còn hai vào mùa xuân và mùa thu hằng năm, và “đồ cúng” bây giờ chỉ còn là một chai rượu. Dù vậy lễ hội vẫn giữ nguyên đặc tính cố hữu của nó: một cái cớ để người ta quây quần bên nhau mà cạn chén. Tôi không biết uống rượu nên cũng chưa ngồi vào bàn nhậu lần nào.
Lễ hội vào mùa xuân và mùa thu sẽ được tổ chức trong một căn đền nhỏ thờ “Thần làng”, dĩ nhiên chỉ là một tiểu thần. Hội ở đây cũng bao gồm múa lân và khiêng kiệu mikoshi[2]. Một người nhà Chitanda sẽ đại diện hành lễ và cầu nguyện cho một năm yên bình vào hội mùa xuân rồi dâng lời cảm tạ vào hội mùa thu…
Tôi cũng từng tham gia vào những lễ hội như vậy từ khi tôi đủ lớn để nhớ. Bạn bè, hàng xóm, và đôi khi là khách du lịch đến thăm đền thường hay hỏi là tôi làm gì trong suốt buổi lễ chính. Thực tình thì chẳng làm gì nhiều. Chú ý gần như duy nhất là không được gây tiếng ồn trong suốt lễ cầu nguyện, vì vậy việc tôi làm chỉ là vỗ tay một cái sau khi nguyện xong[3].
Tôi tự nghĩ mình không phải là người sùng đạo, và ở một tiêu chuẩn nào đó tôi không khác mấy so với những người bạn của mình. Chắc là có liên quan tới những “kinh nghiệm” đi hành lễ chăng? Mà tôi cũng có một cái tật hơi kì cục là không bao giờ cho ai biết mình cầu cái gì. Tôi không chắc đó là bằng chứng rằng tôi tin thần thánh hơn người, hoặc chỉ là cách nửa-bản-năng để tự an lòng mình mỗi khi tôi càm thấy mềm yếu. Nhiều lúc tôi lại hiếu kì về nó, nhưng chưa thể tìm ra câu trả lời.
Gần đây thì một trong số lời ước của tôi đã thành hiện thực với kết quả mỹ mãn của kì thi đầu vào cao trung. Một cái khác thì được ban sau khi “bí ẩn Kem Đá”, cái tên được đặt bởi Fukube-san, được giải đáp.
Đêm nay là một lần nữa, tôi thấy mình đứng trước cổng đền.
Lễ hội truyền thống Cao trung Kamiyama sẽ khai mạc vào ngày mai. Đối với CLB Cổ Điển của chúng tôi, một trong rất nhiều CLB nghệ thuật của trường Kamiyama, thì ngày mai là một rắc rối lớn đang chờ đợi. Chúng tôi chưa có cách giải quyết ngoài việc là cố hết sức… có lẽ phải nhờ vào thần may mắn mà thôi.
Sau khi bỏ một đồng 100 yên vào chiếc hòm công đức nằm ngay ngắn trong miền sáng của ánh trăng chiếu vào đền, tôi vỗ hai bàn tay vào nhau một cái rồi nhắm mắt. Hình ảnh các thành viên của CLB Cổ Điển lần lượt hiện lên trong tâm trí…
Ibara Mayaka-san, Fukube Satoshi-san, Oreki Houtarou-san.
Tối nay Mayaka-san có ngủ được không đây?
Chắc hẳn cậu ấy đang tự trách bản thân vì đã đưa CLB Cổ Điển vào tình thế này. Nhưng so với Mayaka-san thì tôi đã hoàn toàn bất lực. Giá tôi có thể cố gắng giúp cậu ấy hết mình thì biết đâu cả hội đã tránh được? Vậy nên tôi nghĩ mình phải chịu một phần trách nhiệm.
Tối nay Fukube-san có ngủ được không nhỉ?
Đôi lúc tôi lại nghi ngờ liệu cái tính ưa chọc phá của Fukube-san có thực sự đến từ trong tim của cậu ấy hay không. Ít nhất thì Fukube-san chẳng làm những điều đó vì thoả mãn cá nhân, bởi tôi chưa từng thấy cậu ấy cười vào nỗi đau của của Mayaka-san dù là trong tưởng tượng.
Rồi tối nay, liệu Oreki-san có ngủ được…
… Chắc là ngủ được thôi. Nếu cậu ấy còn không thì tôi sẽ lo lắm đấy.
Hết lần này tới lần khác Oreki-san đã quan sát đầy sắc bén những thứ không tầm thường mà người khác khó lòng để ý được. Tôi tin rằng mình đã bị cuốn theo sự sắc bén ấy. Nhưng hầu như mọi lần như thế cậu ấy đều không tỏ ra là muốn làm, vì vậy tôi chưa thể đặt hoàn toàn niềm tin của mình vào cậu ấy.
Tôi cầu nguyện cho mọi người đều bình yên.
Tôi cầu nguyện cho may mắn sẽ sát cánh cùng chúng tôi trong ba ngày tới. Xin hãy giúp chúng tôi vượt qua “ngọn núi” này…
Một hồi sau khi đã mở mắt trong tôi vẫn đâu đó còn chút không yên, thấy vậy tôi bèn lấy ra từ trong ví thêm một đồng 50 yên nữa.
002 - ♣01
Vẫn chưa ngủ được, tôi đành rút ra tờ bìa quảng cáo để dưới gối.
GIới thiệu từ các CLB tham gia (Xếp theo thời gian đăng kí):
CLB Kiếm đạo: Trận giao hữu giữa trường cao trung Kamiyama với cao đẳng công nghiệp Kamiyama. Đáng chú ý nhất là cuộc so tài giữa thủ lĩnh hai trường!
CLB Breakdance[4]: Giao lễ khai mạc cho chúng tôi. Tài năng của các lính mới rất đáng để các bạn mong chờ!
CLB Nhảy dân vũ: Trình diễn trong nhà thi đấu vào ngày thứ hai của lễ hội từ 3 giờ chiều. Chào đón tất cả mọi người
CLB Hợp xướng: Trình diễn trong nhà thi đấu vào ngày thứ hai của lễ hội lúc 10 giờ sáng. Tiện thể tuyển thêm thành viên :”D
CLB Kịch: Trình diễn phiên bản cải tiến từ vở kịch tham gia vòng thi khu vực cùng một vở tự sáng tác vào ngày thứ ba, từ chín giờ sáng.
CLB Trinh thám: Bữa Trưa Huyền Bí vào ngày khai mạc, lúc 11 giờ 30.
CLB Nghiên cứu thời trang: Biểu diễn trong phòng Thời trang mỗi ngày từ một giờ chiều đến hai giờ. Tuyển thêm người mẫu.
CLB Nghiên cứu Manga: Bán tuyển tập tự sáng tác ở phòng Trù bị số 1. Thảo luận về 100 tựa truyện cũ và mới. Xin mời ghé qua.
CLB Hoá học: Cùng chứng kiến sức mạnh của Natri nào! Nguy hiểm, nên tụi này không dám đảm bảo các bạn lành lặn trở về. Phòng thí nghiệm Hoá học.
Lớp 2-F: Phim ngắn Điểm mù của vạn người. Bạn sẽ là người giải đáp bí ẩn đó? Lịch chiếu có ở trang kèm theo.
CLB Hoạt náo và CLB Cổ động: Liên quân trình diễn ngay trên sân trường vào ngày hội khai mạc, lúc hai giờ chiều
CLB Tiệc trà: Tiệc trà truyền thống của hội Kanya sẽ lại được tổ chức trong công viên Shiroyama. Chào đón mọi người!
CLB Mỹ thuật: Bức tranh đoạt giải nhất vòng thi khu vực Tán dương xanh sẽ được trưng bày trong phòng Mỹ thuật. Mời các bạn đến xem!
Ban nhạc diễu hành: Một buổi luyện tập trong nhà thi đấu vào ngày thứ ba, từ 2 giờ chiều.
CLB Tranh mực: Triển lãm tác phẩm cùng với CLB Mỹ thuật trong phòng Mỹ thuật.
Hiệp hội Bùa phép: Phòng học lớp 2-E. Chúng tôi nhận làm tất cả loại bùa. Có gói làm quà!
CLB Văn học: Tập san Kodama chính thức lên kệ. Phòng Trù bị số 3, 200 yên một quyển.
CLB Bách nhân thi: M… mời mọi người đến chơi nhé…
CLB Khảo sát kì bí: Phòng học lớp 1-F. Cuộc khảo sát này là nghiêm túc, xin hãy nghĩ kĩ nếu bạn chỉ đến đây vì hứng chí nhất thời.
CLB Đố vui: Cuộc thi đố vui sẽ diễn ra ở sân trường vào ngày khai mạc lúc 1 giờ chiều. Chúng tôi chờ những thí sinh tài năng nhất. Dĩ nhiên là phải có thưởng.
CLB Thiên văn: Hội Kanya chỉ tổ chức vào ban ngày thôi à. Ngày thì không xem được sao đâu à. Thế nên tụi này quyết định làm mô hình thái dương hệ đó mà.
Lớp 1-C Trình diễn vở kịch Chuyện ngụ ngôn của Hans Christian Andersen trên sân khấu ở nhà thể thao vào ngày khai mạc của lễ hội, lúc 2 giờ chiều.
CLB Phát thanh: Tường thuật những sự kiện nóng hổi nhất trong thời gian lễ hội diễn ra. 12 giờ 30 cả ba ngày từ đài phát thanh của trường. Nói chung là không muốn cũng phải nghe.
CLB Bàn tính: Chứng kiến khả năng tính toán bằng bàn tính hệt như trên TV tại phòng Trù bị số 4, khu Chuyên biệt.
CLB Hùng biện: Tổ chức cuộc thi hùng biện tiếng Anh vào ngày khai mạc từ 11 giờ đến 2 giờ chiều ngày thứ ba tại phòng học lớp 3-B.
CLB Thập tam huyền cầm: Trình diễn hai đợt vào mỗi buổi sáng và một vào mỗi buổi chiều. Lịch diễn chi tiết được dán trước căn phòng kiểu Nhật cổ điển.
CLB Hài kịch Rakugo[5]: Trình diễn trên sân khấu vào lúc 9 giờ ngay ngày khai mạc. Cứ tưởng là được diễn đầu, ai dè bên Nhảy tự do nhanh chân quá… (T_T)
CLB Thư pháp: Triển lãm tác phẩm trong phòng Thư pháp.
CLB Cắm hoa: Triển lãm ở hành lang tầng một. Nhớ ghé xem nhé!
CLB Sinh học: Mô hình sinh thái tự nhiên vùng Kamiyama. Một tác phẩm hùng hồn và trừu tượng đến mức người ta không thể biết được nó đến từ CLB nào.
CLB Cờ Shogi[6]: Giải vô địch cúp Kanya! Thời gian suy nghĩ trong một trận của mỗi người chơi là 30 phút. Giải thưởng lớn chờ đợi ở phòng học lớp 1-G.
CLB Mô hình: Triển lãm mô hình tại phòng thí nghiệm Vật Lý. Ngôi sao của buổi triển lãm là chiến hạm U.S.S. Enterprise[7]. Tụi này có bán những mô hình nhỏ rất dễ thương!
CLB Nghiên cứu phim: Trình chiếu bộ phim tự làm Sự hoàn tất tại phòng Nghe nhìn. Lịch chiếu ở trang kèm theo.
CLB Nhiếp ảnh: Triển lãm ảnh nghệ thuật tại phòng học lớp 3-G. Trình diễn kiểu chụp hình thời xưa với bột sáng dùng làm flash.
CLB Nghiên cứu điện ảnh: Trình chiếu bộ phim Cinema Paradiso (1989, phim Ý) ở phòng Nghe-nhìn.
CLB Nghiên cứu văn học khoa học viễn tưởng: Giới thiệu và bình luận về tác phẩm đã đạt giải thưởng Seiun năm trước tại phòng Nghe-nhìn. Nhan đề là...
CLB Vật lý: Tụi này đã cho ra đời một con robot! Có hai chân đàng hoàng nhé, dù tất cả việc nó có thể làm là đẩy một cái nôi em bé.
CLB Diễn biến toàn cầu: Triển lãm tại phòng học lớp 3-E, mời ghé thăm.
CLB Lịch sử: Tái hiện bằng mô hình kiến trúc thành trì Kamiyama, hay còn gọi là “Shiroyama” (Thành Đồi). Chiêm ngưỡng hệ thống phòng ngự tuyệt vời và khám phá nguyên nhân đã làm cho thành trì sụp đổ.
CLB Thủ công: Một tấm thảm Mạn-đà-la! Hy vọng rằng chúng tôi không phải là những người duy nhất cảm thấy sự thần thánh toát ra từ tác phẩm này.
CLB Pha chế: Tụi này sẽ bán một vài đồ uống nhưng vẫn đảm bảo không vi phạm quy định của nhà trường. Nhớ tới ủng hộ nhé!
CLB Nhạc nhẹ: Từ ban nhạc trở thành CLB! Hát cả ngày ở phòng tập võ.
CLB Cờ vây: Hướng dẫn cho người mới bắt đầu ở tại phòng Trù bị số 2. Dĩ nhiên cũng sẽ tổ chức đấu hướng dẫn.
CLB Acapella[8]: Toạ lạc tại phòng học lớp 3-C. Trình diễn ở sân trong của trường vào ngày khai mạc của lễ hội lúc 11 giờ. Đến nghe cho vui nhé!
CLB Báo tường: Ấn bản đặc biệt phát hành mỗi hai tiếng trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Bình luận những đề tài mới nhất và nóng hổi nhất.
CLB Nấu Ăn Mới: Cuộc thi nấu ăn "Wild Fire" trên sân trường vào ngày thứ hai vào lúc 11 giờ. Nhanh vô đăng kí nào!
CLB Làm vườn: Khoai lang tự trồng hấp đây!
Giống làm nông hơn là làm vườn vậy ta? Có được không đó Hội trưởng?*
CLB Kèn đồng: Mỗi ngày một ca khúc vào lúc 1 giờ chiều ở nhà thể thao.
CLB Ảo thuật: Trình diễn tại phòng học lớp 2-D, đặc biệt sẽ trình diễn trên sân khấu ngày khai mạc lễ hội lúc 11 giờ 30. Nhớ đến xem nhé!
Hiệp hội Tiên tri: Sát cạnh cầu thang tầng ba.
CLB Cổ điển: Tại sao lễ hội truyền thống Cao trung Kami có cái tên “Hội Kanya”? Câu trả lời nằm trong tập san Kem đá của chúng tôi. 200 yên một quyển tại phòng học Địa Chất.
Ban tổ chức
Kugayama Muneyoshi (Hội trưởng hội học sinh, Trưởng ban tổ chức hội Kanya) Mọi người nhiệt huyết quá, chỉ biết nói vậy thôi.
Yazaki Keita (Hội phó hội học sinh) Nguyên bộ sậu ban tổ chức sẽ thường trú tại phòng Hội học sinh. Có thắc mắc thì cứ ghé qua nhé.
Shoukawa Harumi (Hội phó hội học sinh) Cuối cùng thì đâu đã vào đấy… Mình đang cực kì hào hứng đây. Anh chị em ơi, hãy xả hết mình để không phải nuối tiếc điều gì nữa nào!
Funabashi Masaharu (Trưởng ban Văn hoá) Bên cạnh giải thưởng Kanya, năm nay tụi này sẽ trao thêm giải thưởng Câu Lạc Bộ Xuất Sắc Nhất. Cạnh tranh hết mình nha các bạn trẻ!
Tanabe Jirou (Chủ tịch các phòng ban) Ban tổ chức đã chuẩn bị rất nhiều thùng rác, nhưng nhớ bỏ rác vào đúng các loại thùng nhé.
Sau khi đọc xong trong một mạch tôi để nó lại dưới gối mà lòng đầy khoan khoái. Trên bìa còn có những chữ lớn viết bằng phông Gothic “Hướng dẫn vui hội Kanya” cùng dòng chữ nhỏ bên dưới “Lễ hội văn hoá Cao trung Kamiyama lần thứ 42”. Đây là tác phẩm của Hội học sinh, tổ chức mà tôi, Fukube Satoshi, là thành viên.
Cơ mà, không chỉ ăn dầm ở dề tại mấy phòng ban thì tôi còn chen một chân vào CLB Thủ công và nốt cái chân còn lại bên CLB Cổ Điển. Nếu bạn hỏi việc ở đâu là bận nhất thì… chắc chắn phải là bên Cổ Điển.
Khi biết mình được mấy anh cấp trên ưu ái giao cho việc làm bìa quảng cáo tôi đã nghĩ đây là một việc cực kì đơn giản, chỉ cần copy cái sườn của năm trước là xong. Té ra thì trái lại, khó như quỷ. Hơi cực một tý nhưng khi đã bỏ công vào làm tôi lại trở nên thấy khoái.
Công sức đó kể như cũng được tưởng thưởng chút ít khi tôi có quyền xào nấu cái bìa quảng cáo theo cách nào tuỳ thích, phải gọi là “đã khoái nay còn khoái hơn”. Cuối cùng tôi quyết định giỡn một chút, và thế là cái màn “Giới thiệu từ các CLB tham gia” ra đời.
Bìa quảng cáo năm trước và mọi năm trước nữa các CLB đều được xếp theo thứ tự bảng chữ cái Hiragana[9], nhưng tôi đã đổi thành ra ai đăng ký trước thì lên trước. Khi trình lên Trưởng ban tôi đã hùng hồn tuyên bố: “Đã là hướng dẫn thì phải khách quan. Năm nào cũng CLB Acapella được lên đầu thì không công bằng chút nào.” Lý do thực sự chỉ đơn giản thế thôi. Một trong những cái lợi nhỏ tí khác của việc thay đổi này là tôi có thể sắp xếp cho CLB Cổ Điển một chỗ đáng chú ý hơn. Ban đầu Trưởng ban còn nghi ngờ nhưng với sự chân thành vô hạn của tôi anh chàng đã ngây thơ gật đầu cái rụp. Xếp theo thứ tự đăng kí nên giành vị trí với những CLB quá nhanh tay lẹ mắt như Kiếm đạo là điều không thể, vì vậy tôi quyết định cà khịa một chút ở tốp cuối. Đã không đứng đầu thì phải đứng chót, vậy mới nổi chứ!
Nghĩ lại thì đây không phải là một nỗ lực PR[10] lớn lao gì cho cam, nên thay vì vui cho CLB Cổ Điển có một chỗ tốt tôi cảm thấy hài lòng về độ thần thánh của mình hơn. Khôn khéo một tí là điều khiển được vài thứ.
Mạn phép trích ra một phần lời của Hội phó Shoukawa: “Cuối cùng thì đâu đã vào đấy”. Xong chuyện cái bìa thì việc ở CLB Thủ công liền bay đến. Không biết ai đã nảy ra cái tối kiến thêu cây Mạn-đà-la[11] lên thảm vậy trời? Vui thì có vui đấy, nhưng thêu mấy cái hoạ tiết đó nhức muốn lòi con mắt. Quá nhiều thời giờ dành cho Hội và CLB Thủ công khiến gần đây không mấy khi tôi tạt qua cái hội Cổ Điển nho nhỏ của mình. Kết luận không thể rút ra khi chỉ có mỗi cơ sở dữ liệu. Với lượng thời gian còn lại nhiều lúc tôi cũng thắc mắc thế quái nào mình lại viết được một bài văn quá ư thú vị cho tập san như thế?
Không biết mai sẽ la cà ở đâu đây ta? Thi đố vui là chắc chắn phải đi rồi đấy. Ngày thứ hai có cuộc thi nấu ăn coi mòi cũng hấp dẫn. Tôi quyết định sẽ làm món cơm chiên hải sản và khi đã làm món đó thì muốn không giật giải cũng hơi khó.
Tôi cũng lo cho cô bạn Mayaka đang-buồn-bã của mình. Chắc sẽ ổn thôi. Cậu ấy là một cô gái mạnh mẽ và tinh thần trách nhiệm thì sáng chói đến mức làm người ta hoảng hồn. Chitanda-san có thể còn bi quan chứ tôi thì khá lạc quan về tình trạng hiện nay của cả bọn. Hiện tại tôi chưa biết mình phải làm gì, nhưng mọi chuyện chắc sẽ ổn cả thôi.
Ôi, thế là lễ hội truyền thống đã cận kề. Ở đó CLB Cổ Điển sẽ gắng sức thoát khỏi hai hàm răng khổng lồ đầy gai góc mang tên “thất bại”. Chưa đến vạch xuất phát chúng tôi đã đối mặt với chướng ngại vật, còn gì thú vị hơn thế nữa?
Mà thôi, cố gắng ngủ một chút để mai còn lết đến trường đúng giờ. Không có Fukube Satoshi này thì chợ không đông, tiệc không vui đâu.
003 - ♠01
Bọn cú bên ngoài vẫn cứ kêu, vậy là tôi vẫn chưa ngủ được.
Tôi tính tới việc đọc một quyển sách, nhưng dường như chẳng có cuốn nào trên kệ đủ hay để lôi cuốn. Thế nên tôi đành vác thân mình xuống phòng khách, cầm cái điều khiển lên và xem những thứ đang được chiếu trên TV vào giờ này. Cũng không có gì hay. Không còn cách nào khác tôi tiến về góc phòng, nơi có cái máy vi tính phủ đầy bụi và bật nó lên.
Cái máy này từng thuộc về bà chị yêu dấu, còn bây giờ nó thành tài sản chung của gia đình Oreki. Thực tế trong nhà tôi là người duy nhất đá động đến nó vì việc học, ngoài ra tôi không có hứng bỏ thời gian lướt web cho lắm. Một cái máy hiện đại, có khả năng tính toán và lưu trữ khối lượng thông tin mà cả đời tôi cũng không thể làm được đang chỉ được sử dụng một hai lần mỗi tuần để đọc báo. Có thể nói là thật tội nghiệp khi nó hạ cánh vào nhà này.
Một trang web tìm kiếm mở ra. Ban đầu tính xem tin tức… nhưng nghĩ lại tôi đổi ý rồi gõ “Cao trung Kamiyama” vào khung tìm kiếm. Một cơ số đường dẫn hiện ra và tôi truy cập vào trang chủ của trường. Đây không phải lần đầu tôi vào đây. Ngoài những thông tin bình thường như lịch sử thành lập hay hoạt động gần đây và sắp diễn ra, trang của trường còn có một phòng chat dành cho học sinh nơi tôi đã ghé vào đôi ba lần.
Thứ tôi đang tìm đọc hiển nhiên là về Lễ hội văn hoá Cao trung Kamiyama. Chắc chắn phải có thông tin về nó trên mạng, và như dự đoán ở trên cùng của trang chủ là một cái biểu ngữ ghi dòng chữ lớn: “1 ngày nữa là tới hội Kanya”. Ở cạnh bên ảnh hoạt hình của một cặp học sinh nam nữ mặc đồng phục của trường đang khuân vác đồ đạc. Những thông tin khác có trên trang bao gồm lịch trình lễ hội, CLB tham gia, phương tiện đi lại, lưu ý với khách thăm quan và cửa hàng web.
Tôi không biết có bao nhiêu nhóm tham gia nhưng nhìn vào cái danh sách hiện trên màn hình thì hình như là nhiều đấy. Trên trang web còn có rất nhiều hình ảnh, ảnh minh hoạ lẫn bản đồ tự vẽ với một lô chú thích khiến mọi vấn đề định vị đều trở nên dễ dàng. Sau khi đọc một mạch tôi quyết định ngó qua một chút về CLB mình đang tham gia – CLB Cổ Điển nhưng ngay lúc đó thì mạng bị rớt. Chẳng biết tại sao nhưng từ khi cái máy được tôi sử dụng thì nó cứ bất thường như vậy. Thì thôi, lại đi ngủ vậy.
Có âm thanh của một người đi xuống cầu thang. Bước chân khá nhẹ khiến tôi biết ngay đó chẳng là ai khác ngoài bà chị yêu dấu. Sẽ là phiền hà nếu hai người phải chen nhau giữa cái cầu thang chật đến phát sợ tôi quyết định ngồi ghế và chờ chị ấy đi xuống.
Tiếng bước chân đang tiến vào nhà bếp, sau đó là tiếng cửa tủ lạnh mở, rồi hình như là một cái ly thuỷ tinh vừa được lấy ra.
Tôi vừa định nhấc người ra khỏi ghế thì một giọng nói vang lên: “Houtarou.”
Vậy là tôi đã đúng về chủ nhân tiếng bước chân. Đó đích thị là giọng của bà chị yêu dấu, nghe hơi ngái ngủ.
“Trường nhóc có lễ hội văn hoá ngày mai phải không?”
Tôi hướng mặt mình về phía nhà bếp.
“Ờ.”
“Thế thì đi ngủ sớm đi.”
“Hở-?”
Tôi vừa “hở” như một thằng ngốc. Tôi ghét bị chị nhắc đi ngủ sớm theo cái kiểu bả từng nhắc tôi ăn uống phải nhỏ nhẹ hay đi ra ngoài thì nhớ mang khăn giấy. Như mọi lần khác tôi không dám lên tiếng, tranh cãi với người này chỉ làm tình hình thêm tồi tệ mà thôi.
Vì một lý do nào đó, dường như không quan tâm đến phản ứng của tôi chị đổ một thứ chất lỏng vào ly mà uống hết trong một ngụm, rồi nói: “Hình như nhóc đang gặp rắc rối gì rồi…”
Tôi tiếp tục không trả lời.
Một lần nữa chị lại đổ thứ chất lỏng ấy vào ly rồi uống.
“Nhìn là biết ngay. Dù gì thì năm nào CLB Cổ Điển cũng dính phải không một thì hai rắc rối ngay vào dịp lễ hội. Cứ nghĩ về nó như là một truyền thống đi.”
Ô, một lời nguyền à?
“Thực sự nhóc đã vào một hội rắc rối đấy.”
“Thật sao?”
Tôi cực kì muốn phản pháo lại, bởi ngay từ đầu ai là người đã nài nỉ tôi tham gia vào CLB Cồ điển hả?
Sau khi hạ cánh an toàn vào Cao trung Kamiyama đầu năm nay, tôi nhận được lời đề nghị của bà chị, một cựu thành viên của CLB Cổ điển, phải cứu lấy CLB chỉ bằng việc điền tên mình vào đơn gia nhập. Dự định tận hưởng cuộc sống của thành-viên-duy-nhất trong một CLB không-biết-là-làm-gì của tôi đã bị tan tành với sự xuất hiện của một cô gái tên là Chitanda. Nhỏ gia nhập CLB vì một lý do riêng tư, và khi đã giúp nhỏ giải quyết xong cái “lý do” đó thì CLB Cổ Điển đã có tổng cộng bốn thành viên. Chuỗi sự kiện đầy ngao ngán ấy được Satoshi đặt cho mỹ danh là “Bí ẩn Kem đá” rồi được cả bọn chọn làm chủ đề cho tập san năm nay.
Nhưng nói thật, tôi vẫn không biết cái hội Cổ Điển này thực ra là làm cái gì. Người bình thường thì sẽ nghĩ đây là nơi thảo luận về các tác phẩm văn học cổ điển, nhưng chẳng ai trong số bốn thành viên hiện tại tỏ ra là có ý định như vậy cả. Không có tiền bối để mà hỏi nên CLB chúng tôi gần như là mất lý do tồn tại rồi ấy, nhưng cá nhân mà nói tôi khá mừng khi nó bị như thế.
Vậy, không chỉ phải điền đủ tên thành viên, một CLB muốn tồn tại thì phải có hoạt động. Là một trong những CLB chính thức có thớ của trường chúng tôi được chu cấp cho một khoản tiền nhỏ dành cho việc “Phát hành tập san”. Khoản tiền đó cùng biết bao công sức đã giúp cho tập san “Kem đá” năm nay ra đời. Nhiều rắc rối xảy ra, nhưng quan trọng là chúng tôi đã làm xong.
Chúng tôi sẽ bán tập san trong suốt lễ hội văn hoá, nghĩa là từ ngày mai.
… Và, đúng là chúng tôi đang giáp mặt với một vấn đề không nhỏ. Cũng có nghĩa là lời nghi ngờ của chị tôi đã hoàn toàn chính xác.
Bà chị tôi là cựu thành viên nên hẳn là biết CLB này tồn tại vì cái gì, nhưng lúc cần hỏi thì bả lại chu du khắp thế giới và chỉ về nhà gần đây. Lúc này tôi cũng chẳng buồn hỏi nữa.
Tóm lại tôi không trách móc gì cái hội tôi đã trót sa chân vào cả, thế nên thay vì đáp trả tôi lại hỏi đầy lễ phép: “Nếu CLB đã có một lịch sử đầy phiền hà như thế thì sao tiền bối lại không trao cho hậu bối một lá bùa cầu may nhỉ?”
“Tính rút ruột chị hả?”
Đứng hình một hồi tôi nhận thấy một thứ đang bay về phía mình. Ngay lúc suy nghĩ về một thứ bùa thực sự vừa loé lên trong đầu thì thứ tôi chụp lấy lại chẳng mang chút thần thánh gì trong nó cả.
Một cây bút máy.
Dù không thần thánh nhưng chắc chắn là nó có phong cách. Cả cây bút từ đầu đến chân đều là màu đen thẫm cùng hai dải bạc chạy dọc theo hai bên thân. Giá chắc cũng không rẻ đâu.
“Nhóc có thể xài cái đó.”
“Em có nên cảm ơn không?”
“Có hai lưu ý nhỏ là bút không có mực và ngòi thì hư rồi nhé.”
Thế nó có khác gì rác đâu!
Sau khi nghe tiếng của một thứ gì đó được đặt lại vào tủ lạnh, tiếng bước chân rời khỏi nhà bếp mà đi ra hành lang, chị nói: “Chị sẽ đến chơi hội nếu có thời gian.”
“Không, xin đừng!” Tôi đáp ngay không suy nghĩ. Hiện tại thì sự đã mắc như tơ vò rồi, có thêm bả vào thì tôi sẽ đầu hàng.
Tôi không nhận được lời đáp nào khi chị đi lên cầu thang.
Thế là tôi lại nằm bẹp trên giường.
Trong lúc chờ đợi cơn ngủ kéo đến tôi để mình không suy nghĩ nhiều. Nhắm mắt lại, tôi cất lên một tiếng thờ dài.
Hôm nay, hay chính xác hơn là “hôm qua”[12], chúng tôi đã dành cả ngày chuẩn bị cho lễ hội văn hoá. Lễ hội trường Kami chính thức là bao gồm bốn ngày, nhưng vì ngày thứ nhất được dành cho những chuẩn bị cuối cùng nên người ta chỉ đi chơi hội vào ba ngày tiếp theo. Tức là ba ngày tính từ “hôm nay” ấy.
Satoshi thì khỏi phải nói, chắc hẳn hắn là người háo hức nhất. Tuy nhiên cái vụ “vui chơi lễ hội” thì không phải việc tôi muốn hay định làm. Chắc tôi sẽ thấy mình núp vào một góc khuất nào đó mà ngủ cho đến khi hết hội. Vì vậy, dù ngăn mình không thốt ra những câu thiếu-hợp-tác đại loại như “Lễ hội văn hoá chán như hạch” thì tôi vẫn sẽ giữ nguyên lối sống và trung thành với châm ngôn của mình:
Không làm thì bỏ, đã làm thì phải làm cho nhanh.
Thành thật mà nói dù không vui chơi tôi vẫn phải “tham gia” vào lễ hội, vì việc của thành viên CLB Cổ Điển là ngồi trong phòng Địa Chất cả ngày và bán những quyển tập san chứa bao tâm huyết để viết ra. Đó là dự định ban đầu. Khi cái rắc rối đó xảy ra không ai trong chúng tôi đổ lỗi cho nhau cả. Nếu phải lấy ai đó ra để chịu thì công bằng nhất là lấy cả bốn, vậy là tôi sẽ nhận một phần tư trách nhiệm và việc bán tập san được xem như là nghĩa vụ - việc “phải làm”.
Nhưng vấn đề là, liệu có thể “làm cho nhanh” hay không đây?
Tôi không nghĩ việc rắc rối này nếu không được giải quyết sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng gì cho lắm, ít ra thì không dính đến vấn đề sống chết. Vì vậy Chitanda có lẽ chỉ lo nghĩ nhiều quá mà thôi, nhỏ cần phải học cách tiết kiệm năng lượng một chút.
Không cảm thấy bi quan hay lạc quan. Que sera, sera[13] vậy. Tôi bình tĩnh chấp nhận thử thách ở trước mắt mà tiếp tục đợi cơn ngủ còn chưa chịu mò tới.
004 - ♦01
Tôi thức giấc vào giữa đêm và lại rơi vào dòng suy nghĩ.
Oreki cũng có lúc đoán sai và tôi không phải người hoàn hảo. Nếu “thất bại” đến với những người không chuẩn bị kĩ lưỡng là điều dễ lường trước, thì việc nó thỉnh thoảng lại xảy ra với những người đã cầu toàn hết mọi tình huống thật sự là khó chịu. Ai cũng có thể mắc lỗi và tôi cũng vậy, nên nếu tôi đã có thể tha lỗi cho người khác thì cớ gì lại không thể bao dung với chính mình kia chứ? Nhưng giờ đây tôi lại tức giận. Có những chuyện mà khi mọi người đều đã bỏ qua thì tôi vẫn không làm thế với mình. Mỗi lúc như thế tôi lại hoàn toàn không làm gì nổi ngoài việc tự dằn vặt mình. Tại sao vậy trời?
Không lâu trước Fuku-chan có nói thế này: “Mayaka nè, nếu hạ nhiệt cái đầu một tí rồi mới bắt nó suy nghĩ thì cậu sẽ nhận ra chuyện chỉ nhỏ tí tẹo. Đừng có lo lắng thái quá.”
“Tớ đâu có lo, và hiện tại không thể làm như cậu bảo!”
Fuku-chan khoanh tay lại rồi nhìn xuống đất cùng lúc gù lên một tiếng. Dù biết đó là cố ý nhưng tôi không thể ghét cái điệu bộ đó của cậu ấy được.
“… Theo những gì tớ đã và đang thấy thì mức độ tức tối của cậu đã phá những kỉ lục trước dù mỗi lúc như thế cậu thành công hay thất bại, cũng như là người hoàn hảo hay không.”
“Vậy à?”
Cảm thấy nhẹ nhõm đi một tí, tôi vươn vai và hỏi: “Vậy tại sao tớ lại đang giận?”
“Khó giải thích lắm. Dù sở hữu một vốn từ đáng ganh tị nhưng vốn liếng về những từ có ích của tớ lại khiêm tốn như chủ nhân của nó.”
"Vậy là cậu biết rất nhiều từ nhảm?”
“Ờ, dạng như ‘Tăng đề-zăng[14]’ hay ‘Số đỏ’ ấy… mà lạc đề rồi. Nói như vầy đi, cậu biết rõ chủ nghĩa ‘tiết kiệm năng lượng’ của Houtarou phải không?”
Tôi gật đầu thành thật,
“Hắn tự phơi ra rồi còn gì. Nhưng khi Oreki làm bất kì điều gì việc phán rằng cậu ta có đang ‘tiết kiệm năng lượng’ hay không cũng không hẳn là dễ.”
“Dù cậu đã quen biết cậu ấy lâu đến thế?”
“Tớ rảnh tới mức cả năm ngồi quan sát cậu ta chắc?”
Fuku-chan cười cay đắng.
“Rồi, tạm quăng Houtarou qua một bên. Nếu cái chủ nghĩa đó chẳng hiểu sao lại nhập vào cậu thì cậu chẳng còn ‘đúng’ hay ‘hoàn hảo’ nữa phải không nào? Nhưng tớ không lấy cậu ta ra để trút giận cho cậu đâu, ý của tớ là một thứ khác bao hàm cả đám kia.”
Vậy rốt cuộc cậu đang muốn nói gì? Tôi tự hỏi. Tôi không thích những cuộc trò chuyện liên quan đến mình, vì vậy ít nhất tôi cũng hiểu được vì sao Fuku-chan lại nhanh chóng chuyển đối tượng qua người khác như vậy.
Mà, điều quan trọng bây giờ là tôi vẫn chưa ngủ lại được vì cục tức trong người chưa chịu nguôi. Thật chứ, đã kiểm đi kiểm lại cả tá lần vậy mà thế quái nào tôi lại bỏ qua một điều cơ bản đến thế? Và tại sao tôi lại không nhận ra cái lỗi đó cho đến tận khi chuyện đã rồi?
Điều đáng bực mình hơn nữa là thậm chí tôi còn không tham gia vào việc bán tập san, bởi không thể nào tôi bỏ rơi hoạt động bên CLB Nghiên cứu Manga của mình được. Dù cho Fuku-chan có nói “Không phải là một rắc rối lớn, đừng nghĩ nhiều.” bao nhiêu lần đi nữa…
Aaa, bực quá đi! Sự cẩu thả của mình thật là đáng trách!
Nhưng, bực thì cũng bực đã đời rồi. Ngẫm lại Oreki hoàn toàn đúng khi nói thế này, lúc chỉ còn mỗi hai đứa ở lại, và cậu ta tránh ánh mắt của tôi.
“Cậu không nên chỉ trách mình thậm tệ như thế, bởi nếu cứ làm vậy thì không chỉ Satoshi, mà cà Chitanda cũng sẽ tự trách mình dùm cho cậu phải không?”
Không có gì để phản pháo lại lời khẳng định ấy. Dù tôi là người mắc lỗi chính nhưng khi Chi-chan biết chuyện mặt của cậu ấy trắng bệt ra, cứ như đây hoàn toàn là lỗi của mình vậy. Tôi không muốn Chi-chan tham gia hội văn hoá với một gương mặt như thế.
Cho nên, dù chỉ một tí thôi, tôi cố gắng tha thứ cho mình. Nói thì nói thế chứ cứ nghĩ đến cái cảnh đó thì tôi lại gai cả óc!
Không còn cách nào khác rồi…
Vì cái lễ hội này mà tôi đã gánh quá nhiều trách nhiệm lẫn áp lực, thật không tốt nếu cứ ngủ thiếu giấc như vầy.
Hất cái chăn qua một bên tôi lấy ra từ trong hộp sơ cứu một lọ chứa vài viên thuốc ngủ. Chẳng ai thích dùng thuốc để ngủ và tôi cũng thế.
Nhìn một nửa viên thuốc ngủ vừa mới bẻ ra nằm trong lòng bàn tay, tôi nuốt gọn cái thứ màu trắng ấy…
[1] Lễ thờ phụng tổ tiên của người Nhật theo đạo Phật.
[2] Một loại kiệu được sử dụng trong các lễ hội thờ Thần đạo của Nhật. Kiệu có nhiều hình dáng và thường được chạm trổ hình phượng hoàng trên phần mái, không có người ngồi bên trong và được kênh lên bởi bốn người.
[3] Theo phong tục thì người Nhật sẽ vỗ tay một cái rồi giữ tư thế chắp tay đó trong suốt lúc cầu nguyện.
[4] Một thể loại nhảy tự do.
[5] Một loại hài của Nhật, sẽ chỉ có một người ngồi kể chuyện tiếu lâm để gây cười cho khán giả.
[6] Một loại cờ gần giống cờ Tướng.
[7] Tên của một chiến hạm không gian trong series phim nổi tiếng Star Trek.
[8] Một loại hình trình diễn âm nhạc theo nhóm, trong đó ngoài những ca sĩ chính thì những thành viên còn lại sử dụng âm thanh của mình để thay thế cho nhạc cụ và bè.
[9] Còn được gọi là “chữ mềm”, là 1 trong 3 bộ chữ được sử dụng ở Nhật bên cạnh “chữ cứng” Katakana và “hán tự” Kanji.
[10] PR (Public Relations : quan hệ công chúng) : hành động giao tiếp với cộng đồng để tạo dựng hình ảnh cho mình
[11] Một khái niệm Phật giáo. Là một hình vẽ cách điệu một cái cây có nhiều nhánh để biểu thị vũ trụ trong cái nhìn của một bậc giác ngộ, được dùng để bày các lễ vật hay pháp khí cho nghi thức hành lễ, cầu nguyện, tu luyện...
[12] Có lẽ lúc này đã qua mười hai giờ đêm nên chuyện lúc sáng được tính là “hôm qua”
[13] Một cụm từ đã từng được đặt tên cho một bài hát, nghĩa là “what will be, will be” (điều gì đến nó đến).
[14] Là một kỹ thuật chiến đấu tổng hợp, người lính sẽ ngồi trên xe tăng để dọn đường rồi nhảy xuống để giáp lá cà.