Tại trường thi có một người con gái.
Bất ngờ làm sao, đúng thật là một người con gái.
□
Lẽ đương nhiên, chỉ có đàn ông mới có thể thi khoa cử.
Ngay đến trong kinh điển Nho học (sách giáo khoa) cũng có ghi những điều đại loại như: “Đàn bà chỉ nên quán xuyến việc nhà mà thôi.”
Hiện tại đang là năm thứ tư thời Quang Càn, hay năm 1584 chiếu theo Tây lịch. Đây là cái thời đại mà chỉ cần thấy một người con gái chuyên tâm học hành để đậu khoa cử là đã đủ khiến người ta lăn lộn ra đất cười ha hả vì quá đỗi lố bịch.
Song, khi quan lộ dành cho phái nữ đã hoàn toàn khép kín như vậy, hiển nhiên sẽ xuất hiện một số thành phần bất mãn.
Trong số đó, có một kẻ tên Lôi Tuyết Liên.
Mái tóc như lông quạ ướt hơi sương buộc thành một lọn sau đầu, khoác lên mình bộ áo bào nhuộm màu giản dị. Không cao không thấp. Khuôn mặt tuy hẵng còn nét ngây dại, nhưng ánh nhìn sắc lẹm như băng tuyết kia lại khiến y trông trưởng thành hơn vẻ bề ngoài.
Nếu như nghĩ kẻ này là mỹ nam với vẻ đẹp trung tính, thì đó là sai lầm tai hại.
Bởi cô là nữ cải nam trang.
(Không được để bị phát giác. Bất luận thế nào cũng phải vờ làm đàn ông. Có phi lý nhường nào cũng không được phép rơi lệ.)
Tuyết Liên dợm bước trong ngõ hẻm, lòng nhủ lại những điều trên.
Ngày hôm nay, tại huyện lỵ này sẽ diễn ra giai đoạn đầu của kỳ thi khoa cử––– Huyện thí. Cũng bởi vậy mà nơi này mới đông nghịt người tập trung, khác một trời một vực so với ngôi làng hẻo lánh Tuyết Liên từng sống cho tới giờ. Mỗi lần đi ngang qua người nào là tim cô lại hẫng một nhịp, nhưng xem chừng chưa ai phát giác cô là nữ cải nam trang.
(Không sao đâu. Đã tập luyện đầy đủ rồi mà.)
Tuyết Liên sinh ra với phận nữ nhi, đó là sự thật hiển nhiên không thể thay đổi được
Dẫu vậy, chỉ có cánh mày râu mới được phép vượt qua kỳ khoa cử, đó lại là quy luật vĩnh viễn bất biến sau khi được bồi đắp qua cả ngàn năm lịch sử. Người bình thường khi nhận ra điều này đã lập tức bỏ cuộc. Ngặt nỗi, Tuyết Liên lại nào có bình thường.
Cô quyết tâm cải nam trang để tham dự kỳ thi.
Tuyết Liên vô cùng tự tin vào nỗ lực của bản thân.
Tác phong ứng xử, phong cách ăn nói, sở thích thị hiếu của phái mạnh––– tất cả những gì học được cô đều đã học. Theo một cách nào đó, những chuyện này còn đau đầu hơn cả học thi khoa cử, nhưng đó cũng là lý do mà ngọn lửa tự tín cháy phừng phừng trong Tuyết Liên.
Đã học hành đến thế rồi, làm sao mà không xuôi chèo mát mái được kia chứ.
Chưa kể, cô cũng đã chuẩn bị sẵn phương án trù bị phòng trường hợp hi hữu.
(Cứ tinh thần này rồi thi đậu thôi nào.)
Cuối cùng cô cũng đặt chân tới được huyện sảnh. Bài thi đầu tiên sẽ diễn ra tại nơi này. Hình như huyện này không được khấm khá cho lắm hay sao mà sảnh xá có vẻ xác xơ tàn tạ đến cùng cực. Tường ngoài chi chít toàn những vết nứt, tưởng chừng chỉ cần chạm nhẹ là có thể sụp được ngay.
Quan sát xung quanh, cô thấy vô vàn các đồng sinh (tức thí sinh dự thi) lần lượt bước qua cổng trong tiếng hô hào cổ vũ của cha mẹ và lão sư đưa tiễn.
Có lẽ nằm mơ bọn họ cũng chẳng thể ngờ lại có một nữ nhi cải nam trang tới dự kỳ khoa cử.
Chính bởi sự việc nằm ngoài lẽ thường đến như vậy nên cô mới không bị phát giác.
Tuyết Liên hít một hơi thật sâu, đoạn dấn một bước tiến đến trường thi–––
“Hả?”
Bỗng, một người con gái lọt vào mắt cô.
Thường thức trong Tuyết Liên thế là đã vỡ vụn.
□
“Đã-bảo-lààà! Ta đây là đàn ông!”
“Dối trá! Có nhìn thế nào cũng thấy nhà ngươi là nữ!!”
“Là nam! Ta tới dự thi mà!”
Nữ tử kia nhảy lên nhảy xuống, lớn tiếng khẳng định.
Trông bộ dạng của cô nàng thật chẳng có nét nào giống một đồng sinh tới dự thi.
Áo ngoài họa tiết hình hoa trông đến là lòe loẹt, tà váy xếp phất phơ trong gió. Đúng kiểu trang phục thịnh hành từ các man tộc, song tuyệt nhiên không phải trang phục dành cho phái nam.
Ăn bận như thế thì có bị vướng vào một tên đồng sinh xấu tính thì cũng chẳng có gì kỳ lạ.
Đã muốn cải trang xâm nhập thì phải chuẩn bị vẹn toàn như Tuyết Liên chứ.
“Đàn bà con gái đi thi khoa cử làm gì? Bộ không tự thấy kỳ quặc hả?”
“Gì? Bộ có luật định con gái thì không được đi thi hay sao?”
“Chuyện bình thường đấy ai chả biết! Đây không phải chỗ cho nhà ngươi lởn vởn!”
“Cái quái gì vậy hả?! Giới tính thì liên quan gì ở đây! Ấy, ta vẫn là đàn ông đấy nhé! Muốn bằng chứng thì–––”
Cô nàng nọ thọc tay vào túi định lấy gì đó, nhưng lại bị kẻ kia siết chặt cánh tay.
“Bằng chứng thì sờ cái là biết! Ta sẽ kiểm tra, đứng yên đấy.”
“Chờ đã…”
Gã đàn ông cười lên đầy đê tiện, đưa tay ra định đụng người cô nàng.
Đó nhất định không thể là phong thái ứng xử của một người nhắm tới vị trí tiến sĩ (tức người đỗ kỳ khoa cử) danh giá, có điều, mong chờ đạo đức luân lý gì ở loại người này cơ chứ.
“Thôi đi, đây là nơi tổ chức Huyện thí đấy nhé.”
Cuối cùng, không còn đứng nhìn được nữa, Tuyết Liên liền bước lên ngăn cản.
Đây không phải tinh thần chính nghĩa. Sở dĩ Tuyết Liên làm như vậy là bởi luận điệu của kẻ kia phủ nhận chính sự tồn tại của cô, và cũng bởi cô đồng cảm với những lời cô gái kia vừa thốt ra––– “Đã muốn trở thành tiến sĩ thì giới tính nào có quan trọng gì.”
Cô gái ngoái lại nhìn, như thể vừa bừng tỉnh khỏi cơn mơ.
Đôi mắt trong veo như ngọc mở lớn. Trong lòng thầm nhủ nhan sắc người này thật quá xinh đẹp như thiếu nữ phố thị, Tuyết Liên hướng đôi mắt lạnh như băng nhìn tên đàn ông.
“Đừng có mà gây rắc rối ở đây. Ngay đến huynh cũng phải dùi mài kinh sử mới tới dự thi phải chứ?”
“Hả? Mày là thằng nào?”
“Cẩn thận bị tước quyền dự thi đấy.”
Tên đàn ông “Ự…” một tiếng, đoạn dáo dác nhìn xung quanh như tên gian tặc. Cơ hồ đã ngộ ra người ta liên tục liếc mình, hắn thoắt lẻn đi mà chẳng thèm xin lỗi một lời.
Loại người như vậy đang trở thành tệ nạn xã hội. Luyện thi khoa cử là quá trình hết sức hà khắc, từ đó dẫn đến nhiều trường hợp mất đi một thứ quý giá nào đó để đổi lấy việc thông thạo Tứ Thư Ngũ Kinh.
Khi Tuyết Liên định bụng rời đi, bỗng tay áo cô bị níu lại.
“Vị huynh đài, có thể cho ta hỏi quý danh của huynh được chứ?” – Cô gái nọ ngước nhìn cô mà nói – “Ta tên Cảnh Lê Ngọc! Vậy ra gặp những kẻ như vậy là phải làm thế mới đuổi đi được ha! Chuyện này thật sự có ích lắm, cảm ơn huynh nhiều!”
“Vậy sao? Thật vinh dự cho tại hạ quá.”
“Nè, quý danh của huynh là gì vậy?”
Chẳng rõ tại sao cô lại không thể rời mắt khỏi đôi mắt sáng long lanh kia.
“…… Tại hạ tên Lôi Tuyết Liên.”
“Tiểu Tuyết ha! Chiếu cố cho nhau nhé!”
Thấy phong thái thân mật quá lố như vậy, nhất thời Tuyết Liên cảm thấy hối hận vì hành động của mình.
Khi cô cố tình rời đi, Lê Ngọc lại lẽo đẽo bước theo cô như một chú cún nhỏ.
“Này, Tiểu Tuyết sao lại đi thi khoa cử vậy? Quả nhiên là muốn làm to đúng không?”
“Không phải.”
“Vậy là muốn quyền lực?”
“Động cơ của tại hạ nào có thiếu đứng đắn như vậy. Tại hạ mong được làm quan là vì Lôi gia cả.”
Thời bấy giờ, việc nỗ lực hết mình vì danh dự của gia tộc chẳng phải chuyện gì hiếm gặp. Phải tới vài trăm năm sau thì ước mơ cùng hy vọng cá nhân mới được người đời tôn trọng.
“Ồ.” – Lê Ngọc thì thầm cảm thán – “Vậy là giống ta rồi. Ta cũng phải nỗ lực vì quê hương.”
“Đến mức phải giả nam?”
“Đây là cải nữ trang! À, gọi là cải nữ trang thì… đúng hơn đây là kỷ vật hiền tỷ đã khuất của ta để lại, là y phục đẹp nhất của tỷ ấy… Mục tiêu của ta chính là khoác lên bộ y phục này rồi đỗ tiến sĩ! Có bị nhầm thành phái nữ đi nữa cũng chẳng quan trọng, dù gì ta cũng có quyền dự thi đàng hoàng mà!”
“Nhưng mà phiền phức lắm phải chứ? Như vừa nãy chẳng hạn…”
“Đến lúc cần kíp thì ta cũng có vũ khí bí mật rồi. Hồi nãy chỉ là chưa kịp tung ra mà thôi.”
Cô nàng lục túi, đoạn lấy ra gì đó.
Đó là bản sao sổ hộ khẩu. Trên đó có ghi rõ Cảnh Lê Ngọc là “nam”, thậm chí còn có cả dấu của chính quyền nên chỉ cần đưa ra là không ai có thể phàn nàn được nữa. Ngặt nỗi, ngoại hình đương sự nhìn đâu cũng ra dáng nữ, vậy nên không thể phủ nhận khả năng người này đã đút lót chút đỉnh nhằm ngụy tạo hộ khẩu.
Dù gì thì, Tuyết Liên không định dây dưa gì với cô gái này.
Cô không muốn can hệ với một kẻ lai lịch thiếu đàng hoàng, chưa kể vì thi cùng năm nên người này cũng là một trong những đối thủ tranh giành số ghế hữu hạn.
Ấy vậy mà, thiếu nữ giả nam vẫn trò chuyện với cô ríu rít như chim con.
“Làng ta nghèo lắm. Vài năm trước có một trận lũ cực kỳ lớn, cuốn trôi đi hết cả nhà cửa lẫn ruộng đồng, đâm ra từ đó đến cả trang trải cuộc sống hằng ngày còn khó khăn.”
“Hừm…”
Cô có nghe chuyện quanh đây từng xảy ra một trận lũ lớn vô cùng tận.
Nghe nói trận lũ ấy xảy ra là do sai sót trong chính sách quản lý thủy lợi của triều đình. Số nạn nhân được công khai là 42 người, nhưng đó rõ ràng là hư báo, chứ còn thực tế con số thương vong phải lên tới hàng trăm hay hàng ngàn người. Ít nhất thì cô nghe người ta kháo nhau như vậy.
“Thế nên ta mới thi khoa cử. Có đỗ đạt thì gia đình ta mới tự hào được.”
“Vậy chẳng phải cô nương nên dùng y phục khác hay sao?”
“Ta vừa nói rồi còn gì, đây là kỷ vật hiền tỷ ta trao lại. À, ta cũng có bộ dụng cụ làm gỗ kỷ vật của cha nữa đấy. Ta muốn gia đình thấy ta đỗ đạt thành danh, nên có thể nói đây là trang phục quyết thắng của ta.”
“Nếu chỉ muốn kiếm tiền thì cô nương có thể đăng ký vào hậu cung được mà. Kiểu gì người ta cũng trọng dụng luôn cho coi.”
Lê Ngọc nghe thế liền phồng mang trợn má.
“Cung nữ thì nói làm gì! Ta muốn chức quan danh giá rồi thay đổi cả thế giới cơ, để chuyện như vừa rồi không xảy ra thêm lần nào nữa.”
Quả là một ước nguyện đáng quý, song câu nói vừa rồi khác nào tự thừa nhận “Ta chính là con gái đây!” đâu chứ.
Tuyết Liên muốn chỉ ra chuyện đó, nhưng thôi liền đè nén xuống.
“Cao thượng làm sao.”
“Cao thượng đúng không?”
Hì hì, cô nàng ưỡn ngực.
Quả nhiên có nhìn thế nào cũng chỉ ra nữ nhi.
“… Có điều, liệu cô nương có đỗ được không đây? Bài thi khó lắm đấy.”
Thực tế thì mức độ này mà tóm gọn bằng một từ “khó” vẫn là quá xem thường.
Kể từ khi được Trịnh Vũ Đế thành lập khoảng một ngàn năm trước, con quái vật mang tên “chế độ khoa cử” đã thay hình đổi dạng cơ hồ rồng bay uốn lượn trên bầu trời, từ đó nhấn chìm không biết bao nhiêu sĩ tử trong cơn khủng hoảng vui buồn lẫn lộn.
Ấy thế mà Lê Ngọc vẫn ung dung cười lớn.
“Coi thường người ta thế. Ta đây dù gì cũng là người có học đó nha.”
“Cô nương đã học thuộc Kinh Thư rồi sao? Vậy dòng đầu tiên của thiên Học Nhi là gì?”
“Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ––– mà đã bảo đừng có coi thường ta rồi cơ mà, cỡ này thì đến con nít nó còn biết!”
Lê Ngọc đỏ bừng cả mặt vì giận dỗi.
Quả là một nữ nhân đa dạng sắc thái biểu cảm, chẳng khác nào trẻ nít.
Lần này, cô nàng lại phát ngôn cùng thái độ ngạo nghễ.
“Tiếc thay cho Tiểu Tuyết, nhưng ghế Trạng nguyên kỳ này thuộc về ta.”
“Vậy sao. Cố gắng lên nhé.”
“Ừm, cùng nhau cố gắng nha!”
Tiện nói thêm, Trạng nguyên là người đỗ Điện thí (bài thi cuối cùng trong kỳ khoa cử) với thành tích thủ khoa. Một danh hiệu cao vời vợi, ai ai cũng ao ước mà chẳng phải ai cũng có thể chạm tới. Cô không rõ năng lực của Lê Ngọc đến đâu, nhưng để thiếu nữ này không cản đường thì cô cũng buộc lòng phải nỗ lực hết mình.
Cơ quan hành chính cấp huyện thời phong kiến. Văn phòng hành chính của huyện sảnh. Cách gọi tôn kính của thầy giáo. Đúng như nói ở trên, đây là câu đầu tiên trong thiên Học Nhi sách Luận Ngữ, có nghĩa là "Học thì phải luyện tập, chẳng vui lắm sao?"