"Có quá nhiều tài năng thì nguy hiểm hơn là chỉ có một" - Nietzsche
Có điều gì đó thực sự đáng sợ về những con người có thể dùng kẻ khác làm bàn đạp, một cách có chủ ý, có dụng ý phải không?
À. Tôi phân vân.
Thực ra, chính những kẻ tràn đầy với ý định tốt đẹp và ảo tưởng về công lý - một cách vô thức - lợi dụng người khác mới là những kẻ làm tôi khó chịu.
"Haha! Nhưng cậu là người tốt mà, phải không?" Người đó cười khoái trá.
Dù tôi là người tốt hay không cũng chẳng có liên quan gì cả. Thay vào đó, chuyện là như thế này: đây không phải là sự khác biệt về cách nghĩ, đây là sự khác biệt về cách sống. Là về sự khác biệt hoàn toàn và tuyệt đối giữa những người sống mà không cần phải chà đạp ai - và những kẻ còn không đáng để chà đạp.
Đúng vậy, tôi nghĩ có lẽ mọi chuyện là như thế.
Như một họa sĩ không có phong cách.
Như một học giả không còn gì để nghiên cứu.
Như một đầu bếp đã nếm trọn mùi vị của thành công.
Như một thầy bói đoán đâu trúng đó.
Đám nữ giới ở trên hòn đảo này thật quá sức khác biệt. Hết một lượt từ chủ đảo đến những người khách đều thuộc loại phàm nhân, quái lạ, những kẻ không thể ngăn cản, bạn không thể và sẽ không bao giờ muốn ngăn cản những người này. Chỉ sự tồn tại đơn thuần của họ đã là vượt quá mọi tầm với, một khoảng cách mà khiến bạn không bao giờ muốn thốt ra một câu hi vọng, rằng bạn sẽ đạt đến trình độ của họ.
Vậy là...
"Nói cách khác, đây là vấn đề của 'Thế nào là một thiên tài, thế nào là không phải?' Này, có khi trở thành hạng bất tài vô dụng lại là tốt nhất. Trở nên trì độn. Trở nên vô tư và vô tâm đến mức chẳng bao giờ phải tốn một giây để phải suy tư về mục đích của cuộc sống, ý nghĩa của cuộc sống lẫn giá trị của cuộc sống, chẳng phải nghĩ gì cả. Khi đó thế giới sẽ trở thành thiên đường. Thế giới êm đềm, yên bình và tĩnh lặng. Những điều tầm thường sẽ trở thành quan trọng, quan trọng lại hóa tầm thường, và cuộc sống sẽ trở nên trọn vẹn.
Chắc chắn sẽ là như vậy.
Cuộc đời khắc nghiệt với những người tài giỏi. Cuộc đời khắc nghiệt với những người tài năng.
Cuộc đời khắc nghiệt với những người có nhan sắc. Cuộc đời khắc nghiệt với những người biết lưu tâm.
Cuộc đời bao dung với những người cẩu thả. Cuộc đời bao dung với những người bất tài.
Cuộc đời bao dung với những kẻ đồi bại. Cuộc đời bao dung với những kẻ vô tâm.
Nhưng đợi đến khi bạn hiểu ra điều đó, bạn nhận ra điều đó rồi, thì mọi sự đã kết thúc. Một bài toán không có đáp án và cũng không thể cắt nghĩa được. Nó đã kết thúc trước cả khi bắt đầu, và trước khi nó kết thúc, nó đã hoàn thiện. Tôi nghĩ câu chuyện này cũng kiểu như vậy.
Ví dụ:
"Về cơ bản, con người ta sống theo một trong hai cách. Một là vừa sống mà vừa nhận ra mình vô dụng, hai là vừa sống mà vừa nhận ra thế giới này chẳng có ý nghĩa gì với mình. Hai cách. Hoặc là sống mà để giá trị của bản thân bị thế giới hút cạn, hoặc là sống để cóp nhặt những giá trị của thế giới, và biến chúng thành của mình."
Cái nào nên được ưu tiên, giá trị của thế giới hay của bản thân?
Để chấp nhận rằng thế giới thật nhàm chán hay chấp nhận bản thân là kẻ nhàm chán?
Cái nào thích hợp hơn?
Chắc chắn là đến một mức độ nào đó vẫn tồn tại sự mập mờ và bất định.
Liệu thực sự có bất kì tiêu chuẩn nào hay không?
Liệu đây thực sự chỉ là sự lựa chọn giữa A và B?
Thực sự bạn phải lựa chọn hay sao?
"Đâu là lằn ranh giữa thiên tài và không thiên tài?"
"Đâu là lằn ranh giữa sự thật và lời dối trá?
"Đâu là lằn ranh giữa người thật thà và kẻ dối trá?
Bạn không thể hỏi.
Người đó cười một cách mỉa mai. "Vậy còn cậu thì sao?"
Tôi thì sao...
"Thế giới này trong mắt cậu là thế nào?"
Với tôi, sau khi đã trải nghiệm hòn đảo đó. Với tôi, người đứng cạnh màu xanh lam. Với tôi, bây giờ khi con người này đang trước mặt, từ nãy đến giờ chỉ là một bài lảm nhảm vô nghĩa. Còn chẳng đáng để nghĩ ra một câu trả lời.
Vậy là tôi đã chẳng nói gì nữa. Thay vào đó, tôi ngoảnh mặt đi, và nghĩ về điều gì đó.
Vậy, với người đó thế giới này trông như thế nào? Tôi trông như thế nào?