Vì cuộc đời là những chuyến đi

Chương kế tiếp:

Truyện tương tự

Vì sao và đom đóm.

(Hoàn thành)

Vì sao và đom đóm.

caroranchan

Nỗi sợ hãi vì tỏ tình thất bại làm cho một gã thanh niên quyết định đi lính, bỏ lại người mà anh ta thầm thương trộm nhớ. Trở về sau hai năm, chàng trai không ngờ rằng mình lại được gặp đúng người con

1 324

Mẹ kế của Bạch Tuyết!

(Hoàn thành)

Mẹ kế của Bạch Tuyết!

Yume_chan

Câu chuyện cổ tích nổi tiếng Bạch Tuyết và bảy chú lùn được kể lại qua góc nhìn của bà mẹ kế "độc ác".

2 445

Nói với em

(Hoàn thành)

Nói với em

Vuio

Vì truyện hơi ngắn nên không có tóm tắt nhiều, mọi người vào đọc sẽ biết.

1 302

Khi Cơn Mưa Tuyết Ngừng Rơi

(Hoàn thành)

Khi Cơn Mưa Tuyết Ngừng Rơi

Phong Linh

Quá khứ là điều ai cũng biết, còn tương lai thì chẳng ai biết được cả. Mọi giai đoạn của cuộc đời, hầu như ai cũng sẽ nuối tiếc khôn nguôi những chuyện xưa cũ và lo lắng bất an về điều sẽ xảy ra tiếp

3 470

[Oneshot] Nhà vua xứ Marot

(Hoàn thành)

[Oneshot] Nhà vua xứ Marot

Victor Niji

Và nó sẽ không bao giờ kết thúc.

1 304

Lẫy

(Hoàn thành)

Lẫy

langsat

Một bi kịch kéo dài từ đời này qua đời khác, cuốn những số phận lạ lùng về chung một mối. Có sự bình an hay một tương lai tươi sáng nào cho một thế giới mục rỗng đã đến nước điêu tàn?

15 1329

Tập Full - Lão Đề [Slice of Life]

Năm nay lão đã ở tuổi thất thập. Hai cụ thân sinh đặt cho lão cái tên thật xấu xí, bởi lão là “quý tử”. Ở nông thôn xưa kia người ta quan niệm rằng nên đặt cho trẻ nhỏ những cái tên xấu xấu để ma quỷ không để ý đến. Cũng có người cho rằng những cái tên đẹp đẽ hào nhoáng đều được đặt cho con cháu của các bậc quyền quý, phận nhà nghèo nếu đặt tên trùng với họ sẽ bị coi là “phạm húy”, khó mà giữ được cái đầu trên cổ. Không biết thực hư ra sao, chỉ biết bà cụ thân sinh của lão kể rằng ngày bé lão dễ nuôi lắm. Ăn nhiều, ngủ nhiều như lợn. Lớn lên lại được trời phú cho cái mã cao to. Tính khí lão như thế nào, cả làng chẳng ai lạ.

Hàng ngày, lão vận một chiếc quần lửng có đến ba, bốn cái túi. Thắt lưng da to bản. Áo phông tím than “cắm thùng”. Mũ vải xanh rộng vành kiểu mũ phớt. Chân loẹt quẹt đôi dép lê nhựa. Bộ râu muối tiêu đong đưa trước ngực. Những thứ lão mang trên người, chẳng biết có từ bao giờ mà tất cả đều đã nhuốm màu thời gian. Sở dĩ nói vậy vì lão lấy đâu ra tiền mà sắm sửa cho mình. Kể cả khi tiền từ trên trời rơi xuống thật, lão cũng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện đó.

Con cái lão cả thảy bảy đứa. Hai trai, năm gái. Nhưng chúng nó đều đã phải quên lão từ lâu, hay đúng hơn là lão đã cho chúng nó bạt phong long thổ hết. Đứa thì lão đánh gẫy tay, đứa thì lão dúi xuống ao trâu đầm. Đứa con gái lớn thậm chí còn chẳng ai biết nó đang ở đâu. Còn người đàn bà đầu gối tay ấp với lão mấy chục năm qua, lão cũng đánh thừa sống thiếu chết đến nỗi bà ta phải đến ở nhờ với anh con trai thứ hai ở cuối làng.

Thời trẻ, lão thuộc loại chơi bời, lông bông, lười nhác. Năm tròn hai mươi ba tuổi, lão tình nguyện ra đăng lính. Một dạo, lão về làng với bộ quân phục vàng, đầu đội mũ nồi xanh, sau lưng có hai dải vàng đen, quần có hai cái túi bắt gà to tướng, chân đi giầy vải cao cổ. Do có thân hình lực lưỡng nên lão được biên vào lính lái tàu. Sau đợt huấn luyện, lão được tranh thủ về phép mấy ngày. Về nhà, lão khoe đủ các chuyện với họ hàng và gia đình. Lão nói với mẹ:

- Ở lính, Tây cho ăn ngon lắm, miếng đậu to thế này này.

Lão giơ nắm tay lên ngang mặt để so sánh, rồi lại hỏi:

- Mẹ đã được ăn súp mì ống của Tây chưa? Sợi mì nó như ruột non của con lợn, cắt từng khúc nấu với thịt bò, ăn ngon hơn cơm của mình nhiều.

Bà cụ quanh năm suốt tháng chỉ ăn cơm độn ngô với khoai lang trừ bữa, không bước chân ra khỏi lũy tre làng cũng chỉ ừ ào cho qua chuyện.

Khi chiến dịch Điện Biên Phủ đang ở thời kì khốc liệt, người Pháp xúc tiến việc tăng cường đủ loại binh chủng lên Điện Biên thì lão tinh quái trốn lính. Lão chuồn về làng rất bí mật, cặm cụi đào một cái hầm với đủ loại gai góc rào xung quanh. Ban ngày lão ẩn dật ở đó, chờ khi trời tối mới mò về nhà. Bà cụ phải lo ăn uống cho lão hàng tháng trời. Thế là lão thoát bom rơi đạn lạc và cũng hết đời lính từ đó.

Hòa bình những năm 1955 – 1956, lão được vào dân quân du kích chuyên đi canh gác, bắt bớ các địa chủ cường hào bị đấu tố. Việc được đeo súng đi tuần tiễu cùng các ông đội cải cách, lão hăng hái lắm. Cũng năm ấy, lão lấy vợ rồi sinh con. Gia đình lão sống yên vui dân dã như bao người nông dân khác ở làng quê, tuy có vất vả nhưng không bao giờ đói.

Chỉ từ khi lão mắc cái bệnh quái gở ấy, gia đình lão mới bắt đầu khốn đốn. Lão khước từ mọi lời khuyên giải, cố thủ không chịu chữa bệnh với lí do:

- Chết cũng không bỏ nổi. Dưới ấy kiểu gì chẳng có. Trần sao âm vậy mà!

Lão không nhớ mình mắc phải căn bệnh ấy từ bao giờ. Ấy là cái bệnh ngồi thâu đêm, tính toán “xuông”, “dịch”, “chì”, “chíu” mà người ta gọi là “chắn”, tiền bạc cũng khá nhẹ nhàng. Cao hơn là “cửu vạn bát sách”, “chi chi”, “lèo”, “tam vạn”, “tam sách”, “thất văn”. Lão bảo: ngồi vào chiếu tổ tôm là của mẫu người quý phái, quyền chức, hiểu lẽ đời chứ đâu phải thường. Xa hơn nữa là đế sát phạt nhau, để sấp ngửa lẻ chẵn cho đã đời.

Tiền nhiều, lão đánh theo cửa đàng hoàng. Tiền ít, lão ngồi chầu chực đánh ké. Không có tiền, lão cũng vẫn ngồi chầu chực, xin tí bổng hồ hoặc những kẻ gặp vận đỏ cho lão chút đỉnh (gọi là tán lộc) để lão chơi cho đỡ tủi.

Những lần lão được bạc, dân làng biết ngay. Sáng sớm, lão tấp tểnh đi chợ tỉnh. Khi về kiểu gì cũng có con cá thật to hoặc cân thịt trâu cùng các loại rau quả. Có hôm lão vác cả cái vó bò khệnh khạng đi về lối xóm. Nhưng đêm thua bạc, lão phủ phục cả ngày như chó dính bả. Ấy thế mà đêm vừa xuống, lão đã lại biến đi mất dạng. Cái tiếng kêu lách ca, lách cách của đồng trinh đã ngấm vào máu lão như bệnh nan y thế kỷ.

Chính quyền xã đã gọi lão lên mấy lần để răn đe, giáo dục. Lão hứa lên, hứa xuống, viết cả giấy cam kết. Nhưng lão chỉ im ắng được một thời gian. Đêm nằm, tiếng đồng trinh lách cách trong cái bát úp trên đĩa cứ văng vẳng bên tai như mời chào thúc giục lão, làm lão không sao ngủ được. Lão đã quen thức đêm ngủ ngày rồi. Thế là lão lại rón rén bò dậy, mất hút vào bóng đêm như bóng ma sợ ánh sáng. Cờ bạc biến lão thành một cỗ xe mất phanh lao thẳng xuống vực thẳm. Ngôi nhà năm gian cùng năm sào vườn cha mẹ để lại, lão đem cầm cố cho người hàng xóm. Còn lại mấy chục mét vuông vườn ở rìa làng, lão chừa lại để dựng túp lều nhỏ nương thân.

Số tiền bán nhà, bán đất, lão nướng dần, nướng mòn. Khi hết tiền, lão điên đảo như kẻ loạn trí. Thôi thì chửi bới, đánh đập, xua đuổi vợ con như cơm bữa. Đêm nào được bạc, lão sung sướng về nằm cạnh vợ khoe khoang, rồi thì mơn trớn, rồi cơn khát khoái lạc dâng đầy. Với cái sức vóc lực lưỡng của lão, người đàn bà khốn khổ còm cõi không sao cưỡng lại nổi. Thế là lại chửa, lại đẻ, lại đông con. Vợ lão đẻ nhiều, ăn ít, làm lụng thì vất vả, lại thường xuyên bị đòn của lão, càng thêm gầy xơ xác như que củi.

Những đêm thua bạc, lão về nhà nằm dài thườn thượt. Lão vắt tay lên trán, thở dài ngẫm nghĩ: đêm qua vận của lão đen. Cờ bạc có lúc đen, lúc đỏ. Đêm tới có thể vận lão sẽ đỏ thì sao? Có thua phải có thắng. Chẳng ai thua mãi được. Phải kiên trì như người đi câu cá, ngồi càng lâu càng tốt. Lúc cá đã say mồi thì chỉ có giật mỏi tay!

Thế là hôm nay lão mượn tạm cái này đem bán. Ngày mai mượn tạm cái kia đem cầm cố lấy tiền chơi bạc. Lão lý sự rằng chỉ “mượn tạm”, được bạc lão sẽ mua cái khác mới hơn. Cái giường của vợ chồng lão cũng cho đi ở riêng. Cái xoong thổi cơm hàng ngày lão cũng bán. Thậm chí cái điếu cày lão vẫn rít sòng sọc mỗi sáng, lão cũng gạ gẫm người ta mua cho lão được. Vợ con mà ho he là lão thượng cảng chân, hạ cẳng tay. Chính cái suy nghĩ rồ dại ấy khiến cho nhà lão không còn một thứ gì đáng giá. Gia đình tan hoang. Lão cũng sống đời độc thân trong túp lều ở góc vườn từ đấy.

Lão đã bị loại ra khỏi cái tầng lớp mà lão cho là danh giá quý phải, hiểu đời thấu chuyện ở cái chiếu tổ tôm xóc đĩa. Bởi một lẽ đơn giản là lão phải nghĩ đến chuyện kiếm ăn. Miếng cơm, manh áo không thể đùa với nó được. Ấy vậy mà lão vẫn cho rằng lão chưa phải là khổ. Chỉ là thiếu thốn chút đỉnh thôi!

Cái thằng Điền mới là người khổ. Không nhà, không cửa, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc. Lão đã phải thương tình cho đến ở chung với lão. Người xưa đã nói “an cư lạc nghiệp”. Không có chỗ che mưa, che nắng thì có mà đi ăn mày ấy chứ! Điền nó ở vùng kinh tế mới về. Lão Đề tưởng nó có nhiều tiền, ai dè nó cũng nghèo rách mồng tơi. Vét nhẵn túi mới được nổi trăm nghìn. Mấy hôm đầu gọi là tình cảm anh em, lão bảo Điền đi chợ mua ít lòng bò về xào xáo với mấy ngọn rau vườn cốc đế mà lão trồng được. Cả hai xì xụp chén chú chén anh nghe tâm đầu ý hợp lắm. Hơi men vừa ngấm, lão Đề vỗ đùi đen đét làm Điền giật mình:

- Mày biết không? Đêm qua tao trượt thành triệu phú, trời đất ơi! Hôm qua tao ngủ, có người về báo mộng con số 33. Tao ghi đúng một một cụ đỏ, đổ hết cả tiền bán mấy cái đòn gánh vót cả tuần vào đấy. Thế mà nó lại về con 35. Tiếc quá! Mày bảo thế có đau không cơ chứ? Thế là tao biết có người phù hộ cho tao rồi.

Đoạn lão đứng dậy đi loanh quanh. Thằng Điền bèn hỏi:

- Bác tìm gì đấy?

Lão ậm ừ rồi lại ngồi xuống lẩm bẩm: định tìm nén nhang thắp. Nhưng thôi, như thế dưới ấy cũng hiểu tấm lòng của lão rồi.

Trăm bó đuốc phải vớ được con ếch. Lão vay thằng Điền mấy đồng để theo một con số trời ơi đất hỡi nào đấy với lời hứa “Nó mà trúng, hai anh em mình sẽ lại khướt”. Nghe lão nói thế, Điền không sao từ chối được, đành phải cho tay vào cái cạp quần, moi mãi mới xòe ra được cho lão năm nghìn đồng. Lão Đề cầm tiền, mặt tấp tểnh như chết đuối vớ được cọc. Lão khen Điền:

- Mày tốt quá. À, hay mày cũng ghi lấy một số đi. Biết đâu…

- Em chịu, số em đen đủi lắm. – Điền lắc đầu.

Lão Đề cười hì hì:

- Ừ, vậy thôi để tao chơi. Vốn ít, tao chơi ít vậy.

Cái bệnh “mong trời chóng sáng, ngóng trời chóng tối” của lão lại tiếp diễn từ đấy. Chóng sáng để kiếm tiền ghi số, chóng tối để lão so số. Nếu có thể, lão sẵn sàng quay vòng sáng tối nhanh như chong chóng để lão thỏa sức được hi vọng. Lão treo cả cuộc đời mình vào con số may rủi, nên lão cũng chịu khó nhẩm nhẩm tính tính suốt ngày. Lại còn mấy cấy câu thơ đề là lạ, chẳng biết lão học lỏm của ai?

Căn bệnh nan y khiến lão như người mộng du. Đi trên đường, cặp mắt lão đăm chiêu như đang thả về một cõi vắng nào đó. Ấy thế mà có một chiếc xe máy, hay ô tô nào chạy qua, mắt lão dính ngay vào những con số in trên biển đăng kí. Gặp tờ cáo phó đám ma, lão nhất định phải chộp được cái tuổi, cái ngày sinh tháng đẻ của người đã mất. Ngày giỗ của gia đình hàng xóm, lão cũng vận vào con số may mắn được. Lão mê mẩn đến mức có một nghìn, đáng lẽ phải mua cái bánh mì mà ăn chống đói, thì lão lại quyết định nhịn ăn để ghi con đề. Đêm nay trúng đề, sáng mai ăn bù cũng chẳng muộn, lão tự nhủ thế.

Cứ thế, lão hi vọng rồi lại thất vọng. Đêm nằm, bụng lão réo như nước sôi. Tiền hết, gạo hết, mà lão vẫn mơ có ngày lão thành triệu phú.

Đã đến lúc lão phải nghĩ đến những đứa con. Kiểm lên, kiểm xuống, lão thấy chỉ còn hi vọng ở con Dần. Nó là đứa con gái thứ ba của lão, lấy chồng ở ngoài thị xã. Lão nghe người ta nói hàng ngày nó vẫn ngồi ở cái chợ cóc bán hàng rau củ quả. Đã bán hàng, ắt phải có tiền. Lão quyết định đi tìm con Dần xem sao. Lão đến cái chợ Cóc ngoài thị xã mà rón rén như một kẻ đi ăn trộm. Lão nép sau gốc cây, đưa mắt nhìn tứ phía. Sau một hồi đảo qua đảo lại muốn đỏ con mắt, cuối cùng lão cũng tia thấy con Dần đang ngồi trong dãy hàng rau quả. Độ này nó phốp pháp hơn hẳn lúc ở nhà, và lão lấy làm vui ra mặt. Nhưng lão chưa đến gặp con vội. Lão cắm đầu đi về như có ma đuổi.

Sáng hôm sau, lão ôm mấy cái điếu cày bằng tre, vờ như đi bán mà vô tình gặp con gái. Thế là lão ngồi chầu chực bên cạnh. Trông lão gầy xơ xác như vừa mới ốm dậy. Con Dần thương tình mua cho lão gói xôi. Lão ngồm ngoàm vừa ăn, vừa thì thào chỉ đủ cho con Dần nghe:

- Từ hôm qua đến giờ tao mới được ăn. Xôi ngon quá!

Con Dần mua thêm cho lão chiếc bánh mì để lão mang về. Cứ thế, ngày nào lão cũng đến chợ Cóc. Hàng hóa lão mang đi bán là mấy cái điếu cày, vài bó đũa tre, có hôm chỉ là cái đòn gánh. Nguyên liệu để làm những thứ đó, lão đi xin hoặc chặt trộm các cây tre đổ ở các lũy quanh làng . Cũng không ít lần lão đi tay không, con Dần lại phải cấu cho lão mấy đồng để lão khỏi đứt bữa. Nhiều lần thành quen, lão bám vào con Dần như đỉa đói bám vào trâu gầy. Với dăm ba câu chuyện làm quà, lão đã làm con Dần sợ hãi thực sự. Ngay cả khi con Dần chuyển chợ khác, lão cũng vẫn tìm được. Đúng là chết đuối vớ được cọc, lão không buông tha con Dần. Đành rằng lão biết ngày con Dần đi lấy chồng, lão đã mừng như bắt được vàng. Không phải vì hạnh phúc của con, mà vì bớt được một miệng ăn khiến lòng lão nhẹ tênh. Suốt hơn mười năm trời, lão chẳng thèm đoái hoài xem cuộc sống của con như thế nào. Nếu có ai hỏi con Dần được mấy đứa con rồi thì lão cũng chịu.

Chính vì vậy mà vợ chồng con Dần cũng được nhẹ mình mà yên ổn làm ăn. Con Dần đi chợ, chồng nó làm thợ xây, và một đứa con. Cuộc sống kể cũng thanh thản. Giờ nó biết thừa nếu không tránh xa bố nó, tai họa sẽ ập xuống gia đình nó lúc nào không biết. Nó buộc phải bày mưu tính kế. Nó bỏ chợ hàng tuần trời. Không thấy con ở chợ Cóc, lão Đề cũng đi dò hỏi nhưng chẳng ai biết. Lão mò mẫm tìm đến tận nhà thì gặp Dậu – đứa con gái lên bảy của Dần đang chơi ở cổng. Nghe lão hỏi nhà cô Dần, Dậu reo lên:

- À, mẹ cháu đấy. Mẹ cháu đi viện rồi ông ạ. Lát nữa bố cháu về, ông cần hỏi gì không ạ?

Lão Đề lúng búng trong miệng:

- Cháu… cháu là con mẹ Dần à? Sao mẹ cháu lại đi viện?

- Mẹ cháu ốm lâu rồi.

Nghe đến đây, lão Đề quay đầu lặng lẽ ra về. Cái Dậu mải chơi nên chẳng thèm để ý đến người mà đáng lẽ con bé phải gọi là ông ngoại.

Sau hôm ấy, đến phiên lão Đề lẩn tránh con. Lão nghĩ con nó ốm mà mình đến xin tiền thì không thể được. Hơn nữa, đến mà không có quà cáp gì, thằng chồng nó sẽ coi mình chẳng ra gì. Lão nghĩ tốt nhất là vờ như không biết, thế là xong, đúng y như toan tính của con Dần. Cái trò giả ốm của nó là từ ngày xửa ngày xưa, mẹ nó ốm thập tử nhất sinh đến suýt chết mấy lần mà bố nó cũng chẳng thèm nhòm ngó gì. Ngay cả nó cũng bị bố nó lãng quên đến cả chục năm rồi. Thế là Dần thoát nợ.

Còn thằng Điền nhiều lần phải cấu những đồng bạc còm cõi cho lão Đề đánh bạc, nó xót ruột như có muối xát. Có lần thằng Điền đã phải lên tiếng:

- Bác không làm ra tiền, tuổi cũng đã cao rồi, cờ bạc lại toàn thua thế này, cuộc sống của bác sẽ khổ. Theo em, bác nên thôi cái máu mê ấy đi.

Lão Đề trợn mắt, quát:

- Tao không khiến mày dạy khôn đâu. Mày đi mà lo lấy cái thân mày ấy. Ông bố đẻ ra mày ngày xưa còn chơi bời hơn cả tao, biết không?

Thế là thằng Điền câm như hến. Vài ngày sau thằng Điền kiếm cớ chuồn khỏi túp lều bệnh hoạn. Lão Đề tức lắm, lão chửi đổng:

- Tiên sư thằng chín phần chết, một phần sống! Nó ở đây có mấy tuần mà đen như đêm ba mươi!

Lão tức mình thì nói vậy cho hả dạ thôi. Những hôm túi lão rỗng không, phải hái ngọn rau khoai lang luộc ăn thay cơm, đêm đến lại nghe tiếng nhạc đài dạo báo kết quả xổ số, lão lại rồ hết cả người lên. Lúc ấy lão cần thằng Điền ghê gớm. Lão xuýt xoa giá thằng Điền ở đây thì nhất định đêm qua lão đã trúng con ấy rồi, con số mà lão ấp ủ cả tháng qua…

Lão nằm dài, lầm bầm: tiền, không có tiền là hỏng. Lão vắt tay lên trán nghĩ cách kiếm tiền. Đột nhiên lão bật dậy vỗ đùi đen đét. Người làm ruộng nào cũng cần có phân! Bây giờ tăng gia lại càng cần nhiều hơn. Gì chứ phân thì chẳng sợ ế. Nếu không bán được thì đổ vào mấy cái gốc chuối ở góc vườn cũng ra tiền. Đáng lẽ lão phải nghĩ ra từ lâu rồi mới phải. Mặt lão sáng sủa hẳn lên. Lão cười òng ọc trong cổ. Các cụ dạy cấm có sai: cái khó ló cái khôn mà!

Hôm sau, dân làng thấy lão tòng teng trên vai đôi quang gánh. Lão đi lượm phân trâu bò. Lão trưng thêm cả cặp kính râm, một bên gọng nhựa, một bên gọng bằng dây chun ngoắc vào cái tai to bè. Gặp ai, lão cũng khoe: kính ngoại mác Đức hẳn hoi, chỉ tiếc là gãy mất một bên gọng. Nếu có thời gian ra Hà Nội sửa sang một tí là lại ngon lành ngay. Lũ trẻ con chỉ bịt mồm cười tủm tỉm, bởi biết thừa lão đang quảng cáo muốn bán. Trông lão như anh hề trong rạp xiếc.

Lão đi từ sáng sớm. Trưa đến đã thấy lão về, vừa đi vừa ngồm ngoàm nhai chiếc bánh mì. Tay kia của lão cầm mảnh giấy con con, mắt dán vào những con số viết trên đó. Hôm nay lão bán được phân nên có tiền, và lão lại đang mong trời chóng tối để được hi vọng thêm lần nữa.

Cuộc đời lão Đề cứ thế trôi đi. Không biết bao nhiêu bó đuốc, mà con ếch lão tìm vẫn chưa xuất hiện. Mấy hôm sau, trời xám xịt, mưa rả rích suốt ngày đêm. Túp lều ở xó vườn nhà lão Đề bỗng dưng sạch bong tinh tươm như được tắm gội sạch sẽ. Hàng xóm không còn nghe thấy tiếng cái điếu cày rít sòng sọc như đạn đại liên nổ, theo sau là tiếng ho khó nhọc của lão như mọi khi.

Mãi đến hôm sau dân làng mới biết lão đã mắc phải căn bệnh khác trong những ngày mưa gió ấy. Đó là bệnh đói. Lão nằm phủ phục trong cái ổ rơm, mắt vẫn mở nhưng tim thì đã ngừng đập. Tay trai của lão vẫn nắm chặt mảnh giấy con con ghi con số mà lão gửi gắm bao nhiêu là hi vọng. Con số ba mươi ba (33).

Ba nhân ba bằng chín, và lão tin rằng chín là một con số đẹp, con số cho lão hi vọng đổi đời. Nhưng nếu hồn lão còn quanh quẩn đâu đó nơi dương thế này và nghe được kết quả xổ số ngày hôm ấy thì lão sẽ phát hiện ra một điều mà lão chưa bao giờ nghĩ đến, đó là ba cộng ba sẽ bằng sáu.

Con số như một cái khuôn, đã đóng kín mọi căn bệnh, mọi góc cạnh trong cuộc đời và số phận của lão. Giờ đây, chỉ còn tiếng kèn lúc to lúc nhỏ, rời rạc như lời ai oán trách móc số phận quả báo của một kẻ ngông cuồng, mê muội đến bệnh hoạn, vừa đáng thương vừa đáng trách ấy.