Vì cuộc đời là những chuyến đi

Chương kế tiếp:

Truyện tương tự

Vì sao và đom đóm.

(Hoàn thành)

Vì sao và đom đóm.

caroranchan

Nỗi sợ hãi vì tỏ tình thất bại làm cho một gã thanh niên quyết định đi lính, bỏ lại người mà anh ta thầm thương trộm nhớ. Trở về sau hai năm, chàng trai không ngờ rằng mình lại được gặp đúng người con

1 318

Mẹ kế của Bạch Tuyết!

(Hoàn thành)

Mẹ kế của Bạch Tuyết!

Yume_chan

Câu chuyện cổ tích nổi tiếng Bạch Tuyết và bảy chú lùn được kể lại qua góc nhìn của bà mẹ kế "độc ác".

2 425

Nói với em

(Hoàn thành)

Nói với em

Vuio

Vì truyện hơi ngắn nên không có tóm tắt nhiều, mọi người vào đọc sẽ biết.

1 295

Khi Cơn Mưa Tuyết Ngừng Rơi

(Hoàn thành)

Khi Cơn Mưa Tuyết Ngừng Rơi

Phong Linh

Quá khứ là điều ai cũng biết, còn tương lai thì chẳng ai biết được cả. Mọi giai đoạn của cuộc đời, hầu như ai cũng sẽ nuối tiếc khôn nguôi những chuyện xưa cũ và lo lắng bất an về điều sẽ xảy ra tiếp

3 461

[Oneshot] Nhà vua xứ Marot

(Hoàn thành)

[Oneshot] Nhà vua xứ Marot

Victor Niji

Và nó sẽ không bao giờ kết thúc.

1 300

Lẫy

(Hoàn thành)

Lẫy

langsat

Một bi kịch kéo dài từ đời này qua đời khác, cuốn những số phận lạ lùng về chung một mối. Có sự bình an hay một tương lai tươi sáng nào cho một thế giới mục rỗng đã đến nước điêu tàn?

15 1308

Tập Full - Chiếc Nhẫn Của Johann Hess [Mystery]

Tôi gặp hắn ở Zum Schwaezen Ross, trong một quán rượu lẻ loi trên con đường xưa cũ giữa một khu rừng già thuộc miền Tây nước Đức.

Ngoài trời, giông tố nổi lên tàn phá những cành cây. Gió gào thét bên ngoài cửa sổ và bốn bức tường của lữ quán nhỏ. Thỉnh thoảng tiếng sấm lại gầm lên trong đêm. Ngay cả khi đã đóng sập cánh cửa nặng nề phía sau lưng, tôi vẫn còn gai người khi nghe tiếng gió vần vũ quanh khu rừng lân cận.

Trong lữ quán chỉ có hai người. Chủ quán Teuton, với hai má trễ xuống và một người khác ngồi một mình trong góc. Y phục của người này, đối với tôi quá cổ quái đến nỗi tôi cứ nhìn chằm chằm vào hắn đến quên cả phép xã giao lịch sự. Tôi bước đến trước quầy và nói với ông chủ:

- Xin ông dành cho một căn phòng để nghỉ đêm và một bữa ăn lót dạ. Có rượu càng tốt.

- Ja, Mein Herr.

Chủ quán trả lời tôi với một dáng điệu gần như là lịch duyệt. Nhưng dường như ông ta đoán rằng tôi không hiểu tiếng Đức nên mau miệng nói tiếp bằng tiếng Anh:

- Vâng, sẽ có một suất ăn tối cho ông ngay.

Tôi gật đầu và bước tới một chiếc bàn góc phòng, ngay cạnh bàn của kẻ lạ mặt. Vừa cởi chiếc áo bên ngoài và cái mũ đã ướt đẫm, tôi vừa liếc mắt nhìn quanh căn phòng, đặc biệt là vị khách ngồi đối diện với tôi.

Thoạt đầu, tôi thấy hắn hơi già. Nhưng khi nhìn kĩ, tôi mau chóng nhận ra mình đã lầm. Hắn già không phải do gương mặt, mà là ở y phục của hắn. Tôi không rõ có phải hắn cải trang hay không, nhưng cái cách phục sức thì chắc phải lùi lại khoảng hai thế kỷ mới thấy được: giày ủng cao cổ bằng da, ống tay áo rất rộng, vải áo bằng nhung màu xanh lục, mũ có gài lông chim.

Người lạ mặt cũng bắt đầu nhận ra tôi đang chú ý đến hắn. Hắn liếc đôi mắt sắc ngọt về phía tôi mà lầm bầm:

- Guten Abend.

Tôi nhận thấy trong giọng nói của hắn có chút lạnh lùng và giận dữ. Nhưng tôi vẫn đáp lại:

- Chào ông. Ông… có cảm thấy tối nay buồn tẻ quá không?

Tôi cố nặn ra một cái cười mỉm. Mặc dù hắn gật đầu đáp lễ nhưng tôi vẫn không thấy nhẹ nhõm chút nào, bởi đôi mắt hắn vẫn nhìn chằm chằm vào tôi. Hắn nói:

- Đêm buồn tẻ cuối cùng của tôi lại được gặp ông, cũng là duyên số cả. Ông có phiền nếu ngồi chung bàn với tôi không?

Tất nhiên là tôi không phiền. Nhưng bầu không khí trong quán không vì thế mà đỡ lạnh lẽo. Căn phòng thiếu ánh sáng. Những chiếc đèn lồng treo trên trần tỏa xuống một thứ ánh sáng yếu ớt, không đồng đều và cả những vệt bóng dài trên nền nhà. Trên vách có treo một bức tranh lớn vẽ đầu một con ngựa đen, chắc là biểu tượng của quá. Nét vẽ thô sơ ấy như bổ sung thêm sự ma mị cho lữ quán nhỏ.

Trong bầu không khí ghê rợn đó, thực tình tôi chỉ mong gặp được một người quen.

Người lạ mặt bỗng hỏi tôi:

- Ông không phải người ở đây, phải không?

- Vâng, mặc dù tôi đã từng ở Dantzid cách đây ba năm. Tôi muốn đi đến Schlossberg. Có xa lắm không, thưa ông?

Vừa rót rượu cho tôi, hắn vừa trả lời:

- Cũng không xa lắm. Dám hỏi ông đến đó làm gì?

- Tôi có bà con xa ở đó. Tôi sinh ra ở Mỹ nhưng dòng dõi là người Đức. Tôi đi du lịch.

Câu chuyện tạm thời ngắt quãng bởi âm thanh leng keng khi hai ly rượu chạm nhau. Rượu thật ngon, nhưng hơi mạnh vì chỉ nhấp một ngụm nhỏ mà tôi đã thấy hơi nong nóng ở đầu. Tôi chép miệng một chập rồi nói tiếp:

- Tôi sang châu Âu cùng năm người bạn. Họ bay thẳng đến Berlin. Tôi hẹn họ một tuần nữa sẽ gặp lại vì tôi muốn ghé thăm làng cũ, nơi tổ tiên tôi chôn nhau cắt rốn…

- Bay thẳng đến Berlin?

Hắn ngắt lời tôi bằng một cái cau mày kinh ngạc.

- Vâng, họ đi bằng máy bay.

Tôi không nghĩ là mình lại phải giải thích một cách chi tiết đến thế, nhưng kì lạ là hắn vẫn tỏ ra không hiểu gì cả. Có lẽ nào một người sống ở thời đại này lại không biết đến sự tồn tại của máy bay?

Tôi tiếp tục nhìn chằm chằm vào bộ y phục của hắn mà suy nghĩ thật lâu. Đầu óc tôi càng lộn xộn hơn khi thấy tên chủ quán chẳng lấy làm lạ trước lối ăn mặc của kẻ lạ mặt. Hắn có lẽ là khách quen của quán này vì khi khi ông chủ đem lên suất ăn của tôi, ông ta cũng nói với hắn:

- Chiều nay, ông đến hơi chậm đấy.

- Vì giông bão…

Người lạ mặt đáp bằng một tiếng rên khô khan. Đoạn hắn quay sang hỏi tôi:

- Người bà con mà ông sắp đi thăm có buôn bán gì không?

- Tôi đoán là không. Thực tình tôi cũng không rõ họ làm nghề gì. Nhưng trước đây thì có một người là thợ kim hoàn. Ông ta tên Hess, Johann Hess. Sau này chúng tôi Mỹ hóa cái tên đó và gọi là John Hess. Chắc ông cũng nghe tên họ?

- Hess… Johann Hess!

Người lạ mặt bỗng đứng bật dậy và nghiêng mình sát vào mặt tôi bằng cặp mắt nảy lửa dưới đôi lông mày rậm. Đoạn hắn nói thật chậm, từng câu chữ được nhấn mạnh rành mạch:

- Mein Herr, ông có biết là dòng họ Hess có một cái nhẫn vàng không? Trên mặt nhẫn có chạm khắc một cỗ xe do sáu con ngựa kéo?

Suýt chút nữa tôi cũng bật dậy như hắn vài giây trước vì sửng sốt. Rõ ràng người khách lạ chưa hề nhìn thấy chiếc nhẫn trên bàn tay trái của tôi kia mà!

Gặp một người lạ giữa khu rừng già và người ấy lại hỏi tôi về một món trang sức mà tôi đang mang trên người – dù hắn chưa hề nhìn thấy tôi mang nó – chắc chắn là một chuyện kì lạ. Tuy nhiên, nghĩ cho kĩ thì việc ấy cũng không đáng làm tôi phải quá ngạc nhiên. Chiếc nhẫn trên tay tôi đã thuộc về gia tộc tôi qua nhiều thế hệ rồi. Tôi lại đang có mặt ngay trên quê hương của tổ tiên tôi. Một người dân địa phương ắt phải biết những chuyện đại loại như vậy. Tôi bèn chìa tay trái ra và mỉm cười:

- Có phải chiếc nhẫn này không?

Cặp mắt và cả bàn tay của hắn đồng loạt chộp lấy cổ tay của tôi, chặt đến nỗi tôi có cảm giác như đang bị kẹp trong gọng kềm bằng thép. Bàn tay ấy lạnh giá đến ghê sợ làm xương sống của tôi cũng ớn lạnh.

- Xin lỗi ông. – Bàn tay hắn nới lỏng khỏi tay tôi. – Dám hỏi ông có biết nguồn gốc của chiếc nhẫn này không?

- Ông cậu của tôi đã để lại chiếc nhẫn này cho tôi. Với tôi, nó là một chiếc nhẫn đẹp, do đó tôi luôn đeo nó trên tay. Những đường nét trên mặt nhẫn hết sức tinh vi, nhất là viên đá cẩm thạch. Cả hình ảnh cỗ xe nữa, sáu con ngựa kéo đều ở thế phi nước đại. Có thể nói đây là công trình của một nghệ nhân xuất sắc vì nhìn xuống chiếc nhẫn là thấy ngay chiếc xe đang lăn bánh với một tốc lực khủng khiếp. Tôi đã nhiều lần thử nhìn vào mặt nhẫn, có lần còn dùng cả kính lúp, lúc nào tôi cũng cảm thấy thích thú. Đây là một cái nhẫn Tây Ban Nha.

Người lạ bỗng mở to mắt. Dường như chỉ có câu cuối của tôi mới làm hắn chú ý.

- Có điểm gì khác lạ để ông khẳng định điều đó?

- Vì loại xe này đã cách đây nhiều thế kỷ, và chỉ các nhà quý tộc Tây Ban Nha mới có điều kiện sở hữu.

Người lạ mặt gật đầu:

- Ông nói đúng. Cỗ xe thuộc loại xe kiểu Tây Ban Nha, nhưng chiếc nhẫn là nhẫn Đức. Nó được làm ở Schlossberg, chính nơi ông sắp viếng thăm đó. Tôi thật sự thấy lạ, không biết tại sao ông lại tạt vào cái quán này, lại đúng đêm nay…

Hắn rút trong túi ra một chiếc đồng hồ, nhìn liếc qua rồi nói tiếp trong tiếng thở dài:

- Bốn mươi lăm phút nữa, chiếc nhẫn của ông sẽ sống được đúng hai thế kỷ. Hai trăm năm… lâu đấy chứ?

Tôi im lặng. Phong thái nửa tiếc nuối, nửa phấn khích của con người lạ mặt đã hoàn toàn chế ngự được tôi. Y phục của hắn, giọng nói của hắn, và nhất là thứ tiếng Đức cổ xưa với rất nhiều âm điệu lạ của hắn đều là những thứ tôi chưa bao giờ tiếp xúc. Chúng dường như thuộc về một thời đại xa xưa nào đó, một thời đại làm tôi rối cả đầu óc.

Sau khi xem giờ với một phong thái bình tĩnh, hắn rót rượu bằng một bàn tay hơi run của một người xúc động mạnh. Bỗng hắn hỏi:

- Ông có muốn nghe lịch sử chiếc nhẫn này không?

Trí tò mò kéo tôi nghiêng về phía hắn, đáp gọn:

- Rất vui nếu ông có thể cho tôi biết.

Trong lúc chờ đợi, giông bão bên ngoài vẫn nổi lên ác liệt. Gió đập từng hồi vào cửa sổ thành một âm thanh lan ra cả quán. Mưa tuôn như trút nước. Sấm sét gầm rú long trời lở đất. Thỉnh thoảng những tia chớp dài khiến ngôi quán trông như một cái hang trong núi. Người duy nhất giúp tôi vững dạ hơn trong không gian dữ dội ấy là ông chủ quán. Ông đến đưa chìa khóa phòng ngủ cho tôi, rồi về phòng của mình.

Tôi nhìn người khách lạ gần hơn. Nước da của hắn mang một màu xanh xao dễ sợ. Những sợi lông mi dài phủ xuống mắt hắn như một tấm rèm, khiến cho đôi mắt đó trông thật sâu, càng ngắm lâu lại càng bí hiểm. Môi hắn mỏng dính. Tai hắn sao mà nhỏ thế. Khuôn mặt hắn tròn trĩnh nhưng đôi gò má lại nhô cao quá cỡ. Thấy chòm râu ở cằm của hắn động đậy, tôi mới nhận ra hắn đang mân mê những sợi râu bạc trắng bằng những ngón tay dài đầy xương xẩu. Nhưng chỉ trong chốc lát, khi hắn hạ tay xuống, tôi bắt đầu cảm thấy lo nghĩ ớn ớn ở xương sống – những ngón tay của hắn không hề có móng tay!

Người lạ mặt thình lình đứng dậy bước đến cửa sổ. Tôi cứ tưởng hắn đã quên mất tôi, nếu hắn không ra hiệu cho tôi bước theo. Hắn gạt tấm rèm cửa sổ ra, hất hàm:

- Ông có thấy gì không?

Tôi nghĩ hắn định giỡn mình, vì ngoài một màu bóng tối đen đặc. Nhưng một tia chớp đột ngột lóe lên làm sáng cả khu rừng. Một bức tường khá cao chập chờn trong bóng tối, dấu vết của một lâu đài có kiến trúc theo lối cổ xưa. Tôi cũng kịp nhìn thấy những đỉnh tháp nhọn, rải rác những lỗ đặt súng trước khi bóng đêm giấu chúng đi. Đoạn cả hai trở lại bàn. Nghe tôi kể lại những gì mình nhìn thấy, người lạ mặt bảo:

- Lâu đài Hensdorf đấy. Làng Schlossberg ở ngay dưới chân bức tường đá ấy.

Đó cũng là phần mở đầu cho câu chuyện của hắn.

Vào thời kì nước Đức còn chia ra từng vương quốc nhỏ thì vùng này do dòng dõi Hensdorf cai trị. Từ năm 1691 đến năm 1730, quyền hành nằm trong tay ông hoàng Hans, gương mặt tàn bạo bậc nhất trong dòng họ quý phái này. Độc đoán và hung hãn, Hans coi thần dân như rơm rác mà ông ta chà đạp dưới gót giầy. Tính tình của Hans gây phẫn nộ ngay cả trong nhóm cận vệ của ông ta. Suốt thời đại do Hans cai trị, sưu cao thuế nặng đè lên đầu dân chúng. Trong lúc mùa màng thất bát, người dân đói khổ thì tại triều đình thường xuyên tổ chức những buổi dạ hội yến tiệc, khiêu vũ linh đình suốt đêm.

Hans Von Hensdorf có một người chị gái tên Willelnima, vì lý do ngoại giao nên thành hôn với một ông hoàng Tây Ban Nha tên José de Isle, toàn quyền tỉnh Lucgo. Sau cuộc thành hôn, để tỏ thiện chí, Tây Ban Nha đem tặng Hans một cỗ xe với sáu con ngựa quý. Hans sung sướng vui mừng như đứa trẻ nhận được một món đồ chơi đắt tiền, liền phái nhiều sứ giả đi khắp châu Âu tìm cho ông những con ngựa thuộc giống thật tốt. Chính Hans lo chăm sóc đàn ngựa này. Cỗ xe ngựa luôn được giữ gìn bóng loáng, sạch sẽ, không một hạt bụi. Ở mỗi cửa xe, Hans còn cho thợ chạm lên hình lâu đài của ông.

Cứ mỗi chiều, sáu con ngựa được cột vào xe. Người đánh xe ngồi lên ghế trước, Hans phục sức lộng lẫy ngồi phía sau, và chiếc xe lăn bánh trên con đường dốc từ lâu đài chạy khắp làng Schlossberg. Dân làng mỗi lần thấy xe xuất hiện là vô cùng khiếp đảm vì chiếc xe chạy gây ra một tiếng động kinh khủng. Dân làng thường gọi đó là chiếc xe ma quái và mỗi lần thấy xe là họ cắm đầu cắm cổ chạy mau về nhà. Chiếc xe xuất hiện đúng giờ giấc, do đó khi xe chạy qua làng thì không thấy một bóng người nào cả. Làng Schlossberg lúc đó heo hút vắng vẻ như một ngôi làng ma.

Hans tỏ ra bất bình cao độ vì ông ta muốn được thấy sự khiếp sợ cao độ của người đi đường khi nhìn thấy xe đi tới. Hắn thay đổi giờ xuất phát. Không thể nắm được giờ giấc đi lại của hắn, dân chúng trong vùng chỉ còn nước cầu khẩn Hans cho xe chạy chậm lại vì lo sợ cho tính mạng con em họ. Nhưng Hans chỉ đáp lại bằng một tiếng cười khoái trá và bảo họ cứ giữ lũ trẻ trong nhà suốt ngày đêm.

Cuộc sống cứ thế trôi qua, người dân dần quen với nỗi ám ảnh từ chiếc xe của Hans. Nhưng vào một buổi chiều thu, chiếc xe khởi hành muộn giờ, trong lúc rẽ ở một khúc quanh đã đâm thẳng vào một đám trẻ đang chơi giữa đường. Người đánh xe giật mình chồm dậy, cố níu dây cương lại. Hans cảm thấy xe chạy chậm, liền thò đầu ra khỏi cửa mà hét:

- Sao dám cho ngừng xe?

- Thưa ngài, có một bọn trẻ…

- Kệ chúng nó! Chúng nó sẽ tự tránh được!

Mệnh lệnh của Hans khiến người đánh xe phân tâm đáng kể. Chính trong lúc đó, chiếc xe đã lao thẳng vào đám trẻ…

Kẻ lạ mặt bỗng ngưng kể. Hắn nhìn vào màn đêm bên ngoài cửa sổ, như đang đắm đuối trong ký ức xa xưa. Hắn đứng dậy, bước lại cửa sổ một lần nữa, tiếp tục ngắm nhìn bóng tối dày đặc. Thấy lo, tôi bèn hỏi:

- Chuyện gì đã xảy ra?

Hắn không vội trả lời tôi mà lại bước chậm rãi về bàn, cầm chai rượu lên rót đầy cả hai ly. Trong giây phút đó, tôi có cảm giác tiếng gió gầm gào đang thay hắn kể tiếp một kết cục oan khốc. Ngọn đèn dầu chớp tắt lung lay như muốn tắt phụt bất cứ lúc nào.

Kẻ lạ mặt kia bắt đầu kể tiếp, giọng đầy xúc cảm:

- … Hans đã đoán gần đúng. Tất cả lũ trẻ đều may mắn tránh được chiếc xe trong đường tơ kẽ tóc, ngoại trừ một bé gái bị bánh xe cán chết. Cô bé tên Olga Hess. Cha của bé là Johann Hess, thợ kim hoàn ở Schlossberg.

Hắn nghiêng mình về phía tôi với cặp mắt nảy lửa, đôi bàn tay run lên.

- Từ đó Johann Hess bắt đầu nghiên cứu về bùa phép phù thủy. Suốt ngày ông ta chỉ đọc những cuốn sách cấm do một lái buôn cung cấp. Nhiều tin đồn kỳ lạ bắt đầu truyền đi, từ người này sang người khác. Kẻ thì quả quyết họ đã thấy Johann Hess đi ra nghĩa địa, vào những đêm có trăng sáng. Có người thì cho rằng Hess nói chuyện được với loài dơi. Dân làng khiếp sợ hơn khi biết Hess dành nhiều thì giờ để nghiên cứu những kỹ thuật của các phù thủy danh tiếng thời xưa như Cornelius, Alburtis hay Sagliostro.

Chỉ còn một điểm duy nhất mà người ta thấy Hess là một con người bình thường, đó là những kỷ niệm về bé Olga mà ông ta thường xuyên ôn lại khi có khách viếng thăm.

Vợ của Hess cũng đã mất từ lâu. Sau đám tang của con gái, Hess sống một cuộc đời kín đáo và buồn tẻ. Olga mất đi, mang theo mọi niềm vui trên cuộc đời của Hess. Ông ta như một kẻ điên và đã thề sẽ báo thù cho con.

Dân làng Schlossberg không bao giờ quên lời thề đó. Bà con láng giềng hết lời an ủi nhưng Hess cũng chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Ông ta không thể nào nguôi chí trả thù. Hàng ngày, Hess thường bỏ đi lang thang khắp nơi, nhiều hôm còn không về nhà. Ban đầu dân làng cũng lo lắng cho Hess, nhưng dần dần họ cũng quen với sự ngơ ngẩn của ông ta. Thế rồi một hôm, Hess tìm chỗ giấu mình bên vệ đường và đứng đợi chiếc xe của Hans đi qua. Xe vừa tới, Hess phóng mình lên chỗ ngồi của tên đánh xe. Ông ta siết cổ hắn rồi đạp xác hắn xuống đường. Đoạn người thợ kim hoàn ghìm cương ngựa lại và nhào vào trong xe lôi cổ Hans xuống, thét lớn:

- Thằng chó chết! Mày đã giết con tao! Chính mày và chiếc xe quý giá của mày! Mày thích ngồi xe lắm phải không? Mày sẽ được vừa ý. Bây giờ mày phải chết, rồi mày và chiếc xe của mày sẽ được chạy mỗi đêm trên con đường này trong hai trăm năm!

Lời vừa dứt, Hess siết chặt cổ ông hoàng Hans đến khi hắn tắt thở, như người đánh xe của hắn. Dân làng đổ ra chứng kiến cảnh đó trong một không khí nghẹt thở, nhưng không một ai can thiệp bởi lòng oán hận ngút trời với Hans. Đoạn Hess ôm xác ông hoàng quẳng vào trong xe rồi cầm roi đánh mạnh vào sáu con ngựa. Chiếc xe chuyển bánh, lướt qua đám đông hiếu kì và lao thẳng vào trong rừng. Khi chiếc xe đã khuất bóng, người ta nghe Hess hét lớn:

- Các Đấng Tối cao xin hãy chứng giám lời nguyền! Chiếc xe này sẽ phải chạy liên tục trong vòng hai trăm năm!

Sau biến cố ấy, không ai tin là Hess có thể trở về. Vậy mà ông ta vẫn trở về và dành những ngày cuối của cuộc đời mình cho công việc quen thuộc. Chỉ sau một đêm, ông ta đã hoàn thành một chiếc nhẫn vàng có đính một viên đá quý, trên mặt đá khảm hình chiếc xe và sáu con ngựa. Đến khi một nhóm lính trong tòa lâu đài tìm đến bắt giữ Hess thì ông ta đã hóa điên. Bọn lính không cần xét xử gì nữa mà trói Hess ở đầu làng và thiêu sống ông ta ngay trước mắt người dân. Phần còn lại của đám lính đổ xô đi tìm Hans nhưng vô ích. Chiếc xe và cả sáu con ngựa đều biến mất một cách bí ẩn, không mảy may một dấu vết để lại.

Chiếc nhẫn của Hess được chuyển sang một nhánh khác trong dòng họ của ông ta.

Câu chuyện đến đây thì tạm ngưng. Người lạ mặt chậm rãi nói:

- Dù đã xảy ra cách đây hai trăm năm nhưng dân làng Schlossberg không bao giờ quên lời thề của Hess. Nó trở thành một câu chuyện được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ đời cha đến đời con. Từ đó đến nay, mỗi khi đêm xuống, không một ai dám đi trên con đường dẫn đến lâu đài. Họ tin rằng đêm đêm hồn ma ông hoàng Hans ngồi trên cỗ xe với sáu con ngựa kéo lại ngao du trên con đường từ lâu đài đến phía rừng rậm.

Nhưng đêm nay là hạn chót của lời nguyền hai trăm năm ấy. Cỗ xe ma sẽ chỉ chạy một chuyến cuối cùng nữa mà thôi…

Người lạ mặt im lặng và tiếp tục rót rượu vào ly. Tôi nhìn hắn, nhưng dường như do uống quá nhiều rượu mà tôi thấy hắn ngày càng hư ảo mong manh Dường như hắn muốn chừa lại một khoảng thời gian cho tôi sợ hãi. Hạn chót… Vậy ra hôm nay là ngày giỗ của một tên bạo chúa!

Đúng lúc ấy, chiếc đồng hồ treo trên vách chậm rãi gõ mười hai tiếng. Người lạ mặt bỗng buông một tiếng thở dài xa xăm. Hắn bỗng dằn mạnh ly rượu xuống bàn, lảo đảo lướt về phía cửa. Ngay lúc hắn nắm lấy tay cầm của cửa, tôi hỏi:

- Vậy ông là ai?

Kẻ lạ mặt quay lại. Cái nhìn của hắn ăn sâu vào tâm hồn tôi. Miệng hắn mấp máy một âm thanh nghe xa xôi như từ thế giới bên kia vọng lại:

- Hans Von Hensdorf!

Trong chớp mắt, tôi không thấy hắn đâu nữa, chỉ còn cánh cửa mở toang và hơi gió lạnh ùa vào. Giông bão đột ngột nổi lên dữ dội khiến cho cái đầu ngựa đen treo trên bờ tường trước mặt tôi đong đưa một cách rùng rợn. Bỗng từ xa vọng đến một âm thanh chói tai, nghe như tiếng bánh xe lăn trên đường và tiếng võ ngựa dồn dập. Tiếng động ấy mỗi lúc một lớn như muốn át hẳn tiếng gầm của gió.

Không còn đủ bình tĩnh để ngồi trên ghế nữa, tôi bật dậy chạy lại phía cửa. Vừa thò mặt ra ngoài, mặt tôi đã bị những giọt mưa quất mạnh. Phải mất một lúc, bóng đêm trước mắt tôi mới loãng bớt. Duới ánh chớp lập lòe, tôi nhìn thấy sáu con ngựa đang phi nước đại với một cỗ xe phía sau. Trên ghế đánh xe có một dáng người ngồi bất động, phía dưới chiếc mũ trùm kín mít chỉ là một khoảng tối đen ngòm. Chiếc xe vẫn chạy như muốn lao thẳng vào tôi, trước khi tôi nhìn thấy một cái đầu mờ ảo khác ở cửa xe.

Tôi la lớn:

- Hans Von Hensdorf!

Chiếc xe mờ dần rồi khuất hẳn trong màn đêm. Tôi vẫn đứng tần ngần nơi ngưỡng cửa, toàn thân tê lạnh vì quá hãi hùng. Mưa vẫn nặng hạt, sấm chớp ì ùng. Một tia chớp lớn quét sáng bầu trời. Nơi cỗ xe ma vừa khuất dạng, hình bóng lâu đài Hensdorf hiện lên cùng với những tháp canh, những lỗ đặt súng.

- Hai trăm năm đã qua… Chiếc xe chỉ chạy một chuyến cuối cùng…

Như bị sai khiến, tôi nhìn xuống tay mình. Hình chạm khắc chiếc xe và sáu con ngựa đã biến mất. Chỉ còn lại mặt đá quý trắng tinh, không tì vết…