Chúng tôi cùng nhau đi đến đền thờ Shinto.
Bước ra ngoài vào ban ngày, tôi cảm nhận được sự khác biệt rõ ràng của ngôi làng này so với Tokyo.
Thời tiết không nóng vì những cây lớn tạo ra nhiều bóng râm, nhưng nơi đây không mát mẻ hay thoải mái gì cả. Dưới chân không có cảm giác bỏng rát nên việc đi bộ không phải là đau khổ, nhưng một điều chắc chắn là trong nhà thoải mái hơn nhiều.
Và ở đây không có một bóng người. Vừa ồn ào lại tĩnh lặng.
“Quanh chỗ này không có trẻ con hay sao?”
Tôi gần như không thấy ai khác, cho nên mới buông ra câu hỏi về phía Yamashiro.
“Anh nói gì thế… Hôm nay là ngày trong tuần mà. Bọn nó phải đến trường chứ.”
“A, ra vậy. Hôm nay là ngày đi học bình thường sao.”
“Nghi thức tối nay được quy định tổ chức vào ngày 13, bất kể là trong tuần hay cuối tuần đi chăng nữa. Lễ hội mùa thu thì lại diễn ra vào ngày khác, nên ban ngày mọi người vẫn sinh hoạt bình thường thôi.”
Toàn bộ ngôi làng nằm trên con dốc thoải, còn đền thờ thì ở ngọn đồi góc phía Bắc.
Không có xe thì khó lòng di chuyển từ góc này đến góc kia, nhưng nhà bố mẹ của Yamashiro hơi chếch về phía Bắc chứ không phải ở trung tâm con dốc nên chúng tôi có thể đi bộ đến đền thờ.
Yamashiro định lấy xe ra chở cả bọn đến đền, và hai cô gái cũng có cùng suy nghĩ với cậu ta. Nhưng sau khi tôi nói rằng mình muốn đi bộ xung quanh, một phần là để điều tra, cả ba người họ cũng quyết định đi bộ.
“Anh Yoneda ơi.”
Tôi vừa đi vừa chụp ảnh thì Kogawa Ruka bước lại gần và đi song song với tôi.
“Hở? Sao thế?”
“Anh có viết về những con người đáng sợ ngoài đời thật không?”
“Đáng sợ ngoài đời thật là sao?” Tôi hỏi lại.
Noa với Yamashiro bước ngắn lại, im lặng lắng nghe cuộc trò chuyện giữa chúng tôi.
“Thì, kiểu… nói sao ta.”
“Kiểu yakuza hả?”
“Không phải thế ạ. Kiểu, mấy kẻ kỳ cục phiền phức ấy. Biến thái? Kiểu vậy.”
“A, ý em là hỏi anh có viết về những kẻ điên điên khùng khùng có thật chứ không phải mấy chuyện kinh dị thiếu thực tế hả?”
“Đúng ạ đúng ạ.”
“Chẳng hạn như một cô gái nửa đêm đứng như trời trồng giữa nghĩa địa, làm mình tưởng là ma nhưng hóa ra là kẻ lập dị em nhỉ.”
Tôi nói vậy thì bị kéo tay áo.
“Em này…” Noa làm vẻ mặt khó chịu.
“Xin lỗi xin lỗi.”
Kể từ khi đến đây, Noa không nói nhiều cho lắm. Khuôn miệng nhồm nhoàm chứng tỏ nàng đang nghĩ gì đó, nhưng nàng không định nói ra, tôi thì cũng chẳng định hỏi gì.
Tôi trêu một chút thì Noa trông khó chịu là vậy, chứ nụ cười ôn hòa của nàng làm tôi an tâm. Sớm muộn rồi nàng sẽ nói ra những gì mình đang suy nghĩ thôi.
Tôi quay người về phía Kogawa.
“Anh nói thế có đúng ý em không?”
Kogawa lảng tránh ánh nhìn của tôi với vẻ khó xử. Có lẽ con bé không biết mình nên đồng ý hay không khi chị tiền bối ở trước mặt bị lấy ra làm ví dụ.
“Ừ thì, bỏ qua việc ví dụ đó thích hợp hay không, đại khái là vậy ạ. Anh có viết về chủ đề đó không?”
“Không đâu.”
Tôi trả lời thẳng thừng.
“Tại sao?”
Người thốt ra câu đó là Noa chứ không phải Kogawa. Có lẽ nàng nghĩ là tôi có viết như thế.
“À, nói chính xác thì anh có xin phép chính chủ rồi mới viết bài để nhỡ chẳng may cái mà mình tưởng là hiện tượng siêu nhiên hóa ra chỉ là hiểu lầm, nhưng mấy câu chuyện về kẻ biến thái thì anh không viết đâu.”
“Tại sao? Cơ mà chuyện ở nghĩa địa thì em đã xin phép chị chưa nhỉ?”
Cái vụ của Noa là tôi có gặp nàng giải thích sau đó, nhưng một là nó dính dáng đến siêu nhiên, hai là lúc chạm mặt thì tôi đã giải thích công việc lẫn vai trò của mình rồi, nàng phải hiểu chứ. Nói ra thì lại dông dài nên tôi làm ngơ nàng mà quay về phía Kogawa.
“Kể cả khi mình có thể dựng chuyện kinh dị đi chăng nữa, phương châm của ban biên tập là không viết những thứ ám chỉ cá nhân nào đó một cách rõ ràng. Bản thân người đó cho rằng bên anh tự tiện viết về họ thì có khi bày mấy trò quấy rối vì hận nữa. Thế cho nên, nếu không có sự cho phép thì anh sẽ không viết đâu.”
“Vậy là anh làm đàng hoàng nhỉ.”
“Chứ sao. Đến anh còn bất ngờ về chính mình mà lại.” Tôi nói như thể chuyện người khác rồi hỏi lại. “Sao thế? Em thấy biến thái à?”
Câu chuyện của Kogawa không có gì đáng bàn cả. Con bé đi đến nhà hàng cùng bạn bè thì phải đợi ở ngoài cùng nhiều nhóm người khác vì bên trong đã hết chỗ.
Kogawa viết vào cuốn sổ nằm ở lối ra vào dòng chữ “Kogawa - 2 người” rồi đứng vào hàng. Chính xác thì đấy không phải hàng vì gọi tên theo danh sách, chỉ là mọi người làm thế để không ngáng đường dòng người qua lại.
Kogawa đợi mãi nhưng không được gọi tên. Con bé tám chuyện với người bạn nên không thấy mệt vì phải đợi, nhưng trong tâm trí thì cảm nhận được có điều gì đó không ổn ở đây.
Thoắt cái, những người đến sau cả hai đã được gọi tên và rục rịch tiến vào trong. Khi nhìn vào cuốn sổ thì Kogawa với bạn mình nhận ra phía nhà hàng đã gọi tên và cho rằng hai cô gái đang ở trong.
“Tức là lúc nhân viên đọc lên ‘cô Kogawa’ thì người khác thản nhiên trả lời rồi tiến vào trong anh ạ.”
“Không phải là họ đọc tên nhưng em không nhận ra, để rồi họ phải bỏ qua em sao?”
Bình thường là thế mà.
“Không đâu anh. Với những vị khách đã được hướng dẫn vào bàn thì nhân viên sẽ gạch tên khỏi danh sách, nhưng ở phần tên của em thì họ lại ghi là ‘vắng mặt’ vì đã bước vào nhà hàng nhưng không có mặt ạ.”
“Ra là vậy.
Thế cho nên, Kogawa mới nghĩ là có người giả danh cô với bạn mình để tiến vào nhà hàng.
“Thế sau đó em làm gì?”
“Ban đầu em tưởng người giống tên mình nghe lộn nên nhìn qua danh sách, nhưng em không thấy cái tên nào như vậy cả. Thế là em đâm sợ… Vì không muốn ở cùng một chỗ với kẻ giả dạng người khác nên chúng em đã đến chỗ khác.”
“Rồi, anh hiểu rồi. Có chút kinh dị nhỉ.”
“Vâng. Ý em là những câu chuyện thế này.”
“Tô điểm vài chỗ thì chắc lên bài được thôi, nhưng nói sao ta, cái kiểu đáng sợ này nằm giữa kinh dị với ‘đáng sợ nhất là con người’ nên khó mà phân thể loại cho câu chuyện này. Bác tổng biên tập chắc không cho đạt đâu.”
“Vậy sao, tiếc quá anh nhỉ.”
Trong khi tôi đi cạnh Kogawa nói chuyện như thế, Noa với Yamashiro ở sau cứ im im với vẻ khó chịu, nên là hai chúng tôi lật đật tìm cách đưa bọn họ vào cuộc trò chuyện và dành hết quãng đường còn lại cố gắng làm cả hai vui vẻ trở lại.
Đền thờ không trang hoàng như tôi tưởng. Tuy vậy, nhỏ thì nhỏ chứ ngôi đền này vẫn được chăm nom cẩn thận và có hơi người phảng phất.
Lễ hội chẳng có quầy quán buôn bán nên nơi đây tương đối trầm lắng.
“Bình thường nhỉ.”
Tôi lẩm bẩm một mình.
Nhưng Yamashiro lại đáp.
“Đây đâu phải địa bàn của mấy tôn giáo đặc biệt anh à.”
“Thế chỗ này không thờ cúng những thứ kỳ lạ sao?”
Tôi nói vậy thì Yamashiro đứng lại.
“Thờ cúng… Cơ mà, đúng là có vài chỗ hơi lạ thật.”
“Chẳng hạn?”
“Trước khi lên Tokyo, em không biết sử dụng ema thế nào luôn đó.”
“Tức là sao?”
“Thì kiểu, đấy là đặc trưng của cái vùng này, hay nói đúng hơn là của cái đền thờ này anh à.”
Trăm nghe không bằng một thấy, Yamashiro đi đầu dừng lại ở trước ema rồi làm vẻ mặt khó tả.
Cả tôi lẫn hai cô gái đều nghiêng đầu đi sau cậu ta. Ba chúng tôi lướt mắt qua những dòng chữ được ghi trên từng miếng gỗ một.
“Ra là vậy.”
Ở đây toàn những ema cầu xin rằng con cái, bố mẹ hay anh em của mình đừng đi đâu mất, đừng để bị bắt mất.
Không có bất kỳ thứ nào viết về thi cử hay mấy thứ đại loại thế cả.
“Mong Takashi đừng bị bắt mất”
“Mong Kyoko đừng bị đem xuống giếng”
Kiểu thế.
“Em không biết là thứ gì sẽ đến bắt mình đi, nhưng sau khi có người bị bắt mất vì không khóa cửa nhà, người ta đồn rằng họ bị mang xuống giếng rồi đem đi đâu đó đấy.”
Yamashiro nói như thể không có chuyện gì xảy ra. Từ hồi nhỏ, cậu ta có lẽ đã nghe câu chuyện này đến chán rồi.
“Chị thấy ema này… hơi sợ.”
Noa lẩm bẩm một mình.
“Nhìn thứ này thì anh mới hiểu thật sự có người tin rằng con người sẽ biến mất, chứ ngôi làng này không thực hiện nghi thức chỉ để cho có.”
“Ừ, chị không thích việc nhiều người sống trong sợ hãi trước một thực thể mình còn chẳng biết là có tồn tại hay không.”
Noa là kiểu sợ những người bị cuốn vào hiện tượng siêu nhiên, chứ không phải là bản thân hiện tượng đấy.
“Hình như có người tin chúng thật sự tồn tại, nhưng giờ là họ tầm ông già bà già rồi.”
Yamashiro chỉ tay đưa chúng tôi tới nơi làm việc của ngôi đền.
Căn nhà lắp ghép được sử dụng như nơi làm việc của ngôi đền này rộng rãi và ngăn nắp hơn tôi tưởng tượng khi đứng ở bên ngoài. Cách bài trí đơn giản, không có vật gì bắt mắt cả. Điều hòa được để ở nhiệt độ tương đối thấp nên chắc không có chuyện chúng tôi bị nướng chín.
“Cảm ơn mấy con đã đến đây chơi từ Tokyo. Tatsuhiro thật là có phúc.”
Thầy tu trưởng nở nụ cười chan hòa, rót trà lúa mạch lạnh cho chúng tôi.
Bác ta chắc khoảng năm chục. Khuôn mặt ngăm đen với những nếp nhăn sâu.
Thầy tu trưởng bảo rằng mình đã làm việc ở đây trước khi Yamashiro sinh ra.
“Con quý họ lắm. Bác kể chuyện cho tụi con nghe đi.”
“À, bác nên bắt đầu từ đâu đây ta.”
Chúng tôi lắng nghe câu chuyện của thầy tu trưởng.
"Lễ hội Ushiido"
Khởi nguồn của lễ hội này được lưu truyền đầy đủ. Xét về lịch sử thì nó vẫn chưa xưa lắm, các ghi chép cũng được giữ gìn hẳn hoi.
Ban đầu là vào giữa thời kỳ Edo, sâu bên trong ngọn núi này có nhiều bản làng khác nhau duy trì bởi mối quan hệ hợp tác, nhưng từ lúc nào không hay, chúng hợp lại thành một ngôi làng.
Người dân ở đây chủ yếu làm nông để kiếm sống.
“Đến giờ vẫn thế thôi.”
Thầy tu trưởng nói vậy thì Yamashiro gật đầu.
Ban đầu thì không có cái tên gọi “lễ hội Ushiido”, nhưng mỗi năm một lần, vào khoảng thời gian này là ở đây có tập tục hiến tế bò hay ngựa. Mỗi nhà sẽ thay nhau hiến tế bò hay ngựa của mình.
Tuy nhiên, vào một năm nọ, dịch bệnh đã tàn phá ngôi làng này. Cả bò lẫn ngựa của gia đình phải hiến tế năm đó đều mắc bệnh mà chết.
Dễ hiểu là nhà nào cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Chắc chẳng người nào bảo lấy mình làm vật hiến tế đâu.
Rốt cuộc là ngôi làng năm ấy không có vật hiến tế nào cả.
Không có ghi chép cụ thể nào về cách thức hiến tế, nhưng người đời trước truyền lại rằng toàn bộ tài sản sau khi dâng cho thần linh thì sẽ biến mất, và họ không thể chạm tay vào thịt lẫn da.
Nếu như năm ấy không có chuyện gì xảy ra thì có khi tập tục này bị bãi bỏ cũng nên.
Tuy nhiên, đêm hôm ấy… dù không có vật gì để hiến tế, những người dân làng rồi sẽ phải hối hận.
Trẻ con bị giết chết theo cái cách mà không con người nào có thể thực hiện được.
Cả tay lẫn chân đều bị giật phăng, nội tạng thì bị móc sạch rồi ngấu nghiến một cách tàn bạo.
Ngay lúc ấy, một giọng nói lớn chẳng biết từ đâu ra vang vọng khắp ngôi làng.
Ta không cần bò. Năm sau hãy mang ra phụ nữ với trẻ con cho ta.
Những người dân làng rơi vào tuyệt vọng, nhưng họ không thể trốn đi đâu cả.
Chẳng có nơi nào để đi, họ chỉ còn cách trải qua thêm một năm nữa, cũng như cầu nguyện bản thân không bị chọn làm vật hiến tế tiếp theo.
Thế nhưng, tình thế đột ngột thay đổi.
Gần một năm sau cơn ác mộng đêm ấy, một giáo thọ có tiếng đang đi tu hành thì ghé lại ngôi làng này. Những người dân làng cầu cứu vị giáo thọ này, và ông đã chìa tay giúp đỡ.
“Mô típ thường thấy trong truyện dân gian nhỉ.”
Tôi nói vậy nhưng không phải là đang chê cười những câu chuyện như thế, bởi chúng thường trở thành nguyên mẫu cho truyện ma ngày nay.
Khác với truyện ma ngày nay, hầu hết những truyện ma thời xưa được xây dựng hoàn chỉnh về mặt bố cục, chứ không có chuyện mập mờ từ đầu đến cuối. Chúng là cách người xưa sử dụng phép ẩn dụ để nói về thiên tai, tập tục cắt giảm miệng ăn hay sự phục thù đối với kẻ cầm quyền. Chẳng hạn, những nơi “không được tới gần” vì dễ xảy ra thảm họa là điều mà người thời nay biết rõ chúng không phải hiện tượng siêu nhiên, nhưng điều thú vị là truyện ma được sử dụng như một cách để truyền tải những thông điệp ấy vào thời điểm đó.
“Những câu chuyện tương tự cũng xuất hiện trong các sách văn học cổ hay kịch kabuki nữa.”
Thầy tu trưởng gật nhẹ, nhấp ly trà lúa mạch rồi nói tiếp.
Được dân làng cầu cứu, vị giáo thọ ngay lập tức nhận lời tiêu diệt con quỷ.
Thật sự chẳng ai biết đấy có phải là “ngay lập tức” hay không, cũng có thể toàn bộ câu chuyện này được người xưa dựng lên, nhưng có thêm những tiểu tiết như thế làm nên sự thú vị của nó.
Đến ngày diệt trừ con quỷ, vị giáo thọ ra lệnh cho dân làng tuyệt đối không được rời khỏi nhà cho đến sáng, trước khi ông đến gỡ bùa trừ tà.
Thế là dân làng trú ở trong nhà, còn vị giáo thọ dán bùa ở giếng.
Sáng hôm sau.
Dân làng đón ngày mới bình an vô sự.
Ai nấy đều sung sướng, ngoại trừ vị giáo thọ.
Ông bảo rằng mình đã phong ấn con quỷ đầu bò bên dưới cái giếng ở ngoài làng.
Đúng vậy, đấy chỉ là “phong ấn” mà thôi. Vị giáo thọ không thể tiêu diệt sự tồn tại ấy.
Kể từ năm sau trở đi, con quỷ sẽ bò ra khỏi giếng vào cái ngày nó mạnh nhất và ăn thịt con người.
Tuy vậy, nếu dân làng thực hiện nghi thức làm tăng sức mạnh của phong ấn thì sẽ không có người nào bị hại, chỉ cần kìm chân con quỷ ở dưới địa ngục vào ngày hôm đó thì cả năm nó sẽ không xuất hiện.
Và rồi, vị giáo thọ rời làng đi tu hành và không bao giờ quay trở lại đây một lần nào nữa.
Kể từ năm sau, phụ nữ trẻ con thì ở trong nhà, để cánh đàn ông thực hiện phong ấn theo cách vị giáo thọ đã chỉ dạy. Con quỷ đầu bò bị giam ở dưới giếng nên sự kiện này mới lấy tên là “lễ hội Ushiido”.
“Đại thể là vậy.”
“Con cảm ơn bác. Câu chuyện khá thú vị.”
Tôi nói vậy thì thầy tu trưởng nở nụ cười cởi mở.
“Bác rất vui khi câu chuyện dân gian này lại có ích cho nghiên cứu của sinh viên các con. Tatsuhiro sinh ra ở đây nhưng chẳng đoái hoài gì cả.”
“Đám bạn hàng xóm của con cũng vậy thôi.” Yamashiro nói.
Bầu không khí vui vẻ sắp sửa đưa dòng chảy câu chuyện về tuổi thơ của Yamashiro thì một người lại phá bĩnh.
“Sau đó thì ở đây thật sự không còn người mất sao ạ?”
Noa chỉ thốt ra như thế với vẻ mặt nghi ngờ. Câu nói của nàng chẳng khác gì độc thoại, nhưng từ nội dung mà nói thì nó chắc chắn là câu hỏi dành cho thầy tu trưởng.
Sắc mặt của thầy tu trưởng đột ngột trở khác. Trong một thoáng, đôi mắt bác ta như thể chứa đựng sự giận dữ dành cho Yamashiro, nhưng sau khi quan sát thì bác nhận ra cậu ta không nói điều gì thừa thãi, cũng như sự thay đổi trong biểu cảm hay ánh nhìn của chính mình không khác gì một lời tuyên bố sự thật với chúng tôi.
“Ừ thì… Đây không phải là chuyện nói với người ngoài… Có đấy.”
“Bác cho chúng con biết trong phạm vi có thể không ạ?”
Thầy tu trưởng bị áp đảo bởi khí thế của Noa hay muốn tránh những đồn đoán ngoài sức tưởng tượng thì tôi không biết, nhưng bác ta bắt đầu kể tiếp.
Noa thì vẫn chứng nào tật nấy, nàng vừa lắng nghe vừa nhồm nhoàm trong miệng.
Tôi vừa cảm thấy hơi ớn trước sự đeo bám đến dị thường của Noa xoay quanh những con người biến mất, vừa mường tượng mình sẽ viết bài như thế nào.
Ve ở ngoài chẳng chịu yên.
Kể từ khi “lễ hội Ushiido” được tổ chức đến nay, thỉnh thoảng lại có người đột nhiên biến mất.
Chưa kể, tất cả những vụ biến mất đều xảy ra vào đêm tổ chức lễ hội.
Thật sự thì không ai biết điều đó có phải là thật không, nhưng vài ngày sau lễ hội, ai đó chợt nhớ ra rằng “gần đây không thấy…” hay “...mấy ngày nay nghỉ học không phép”.
Khi đến nhà thăm hỏi tình hình thì họ mới nhận ra đối phương đã biến mất.
Không thể nào có chuyện dân làng để yên khi một người biến mất như thế, nhưng không hiểu sao họ phải mất một lúc mới nhận ra sự thật đấy, như thể người biến mất chưa bao giờ tồn tại. Nhất là trong thời điểm con người phải tương tác với nhau mới sống được như hiện nay, thầy tu trưởng từng sợ rằng dân làng rất có thể đã lãng quên sự biến mất của một người già sống đơn thân nào đó.
Người thì mất dạng nhưng dân làng chỉ biết nộp đơn khai báo mất tích. Chưa có người nào mất tích mà quay trở về cả.
“Ban đầu bác còn tưởng ai đó lợi dụng mê tín dị đoan để giết hay bắt cóc người mình không ưa, nhưng càng ngày bác càng quên đi những điều xoay quanh người mất tích, xung quanh cũng chẳng có ai nhận ra cả. Tự mình trải nghiệm như thế, bác mới tự nhủ chắc họ bị quỷ bắt mất rồi.”
“Trong số đó có người bác biết sao?” Noa hỏi.
“Ừ, một người bạn cùng lớp với bác. Họ bỏ nhà ra đi vào ngày tổ chức lễ hội và không quay trở lại. Khoảng thời gian sau đó, bác không thấy điều gì lạ hết, chỉ nhớ kiểu hình như mình từng có một người bạn như thế thì phải. Đó là chưa nói đến hành xử đáng sợ của ông bố bà mẹ, thấy con mình mất tích nhưng không luống cuống gì cả. Bác thậm chí còn nghi ngờ chính họ là người giết nữa cơ.”
Thật có lỗi với bác ta, nhưng tôi đang lấy câu chuyện vừa rồi mà thiết kế bài viết trong đầu của mình.
Nhưng có một kẻ còn trơ trẽn hơn tôi.
“Con xin chia buồn với bác, nhưng sớm muộn khoa học sẽ chứng minh tất cả.”
Mọi người đều làm vẻ mặt không hiểu nàng vừa nói gì.
Trên đường về, tôi nhìn vào mắt Noa là biết… tối nay nàng chắc chắn sẽ đến lễ hội.
Con người đột nhiên mất tích, nhưng những người xung quanh lại không nhận ra hoặc không để ý mấy. Quá trình dẫn đến sự mất tích có thể khác nhau, nhưng còn lại thì y hệt những gì nàng trải qua với bố mẹ của mình.
Miếng gỗ nhỏ viết những lời cầu nguyện ở các đền thờ Thời kỳ Edo là một giai đoạn trong lịch sử Nhật Bản từ năm 1603 đến năm 1868. Ushi = bò; ido = giếng