Dẫu đang nghỉ hè, học sinh vẫn phải dành ra một ngày để đến trường. Đã được mấy tuần rồi chúng tôi mới trở lại trường, và các bạn cùng lớp vừa mới om sòm cả buổi nay giờ đường ai nấy về, khiến cho bầu không khí tĩnh lặng ngày hè một lần nữa trùm lấy căn phòng học.
“Em vẫn chưa quyết định được sao?” thầy giáo chủ nhiệm hỏi tôi từ bàn đối diện. Thầy bảo tôi ở lại sau giờ họp lớp để bàn về kế hoạch học hành tương lai của tôi.
“Dạ, em chưa,” tôi trả lời.
“Đừng nên chần chừ nữa. Với sức học của em thì trường nào em cũng chinh phục được thôi.”
Trên tay thầy đang giữ bảng điểm của bài thi thử. Trên bảng điểm đó có liệt kê điểm thành phần của năm môn thi theo thang điểm từ A tới E, và tôi đạt toàn A. Lần trước tôi cùng thầy cũng đã thảo luận về vấn đề này, khi ấy đang trong học kỳ xuân. Với vai trò là người hướng dẫn, công việc của thầy là giúp tôi định rõ hướng đi sau khi tốt nghiệp, tôi muốn vào trường đại học nào và sau này ra làm công việc gì. Hôm đó tôi chưa đưa ra câu trả lời cụ thể, và hôm nay cũng vậy.
“Em đang tính bàn bạc với mẹ rồi quyết định sau ạ.”
“Thế thì tốt. Chí ít hãy nghĩ ra được vài lựa chọn trước khi hết giờ giải lao nhé.”
Cuộc thảo luận từ nãy giờ đều xoay quanh trường hợp tôi sẽ học đại học sau khi tốt nghiệp cấp ba. Và qua giọng điệu của thầy, tôi có thể đoán được thầy mong tôi sẽ xét tuyển vào những trường đại học hàng đầu, tương xứng với thực lực của tôi. Suy cho cùng, càng nhiều học sinh thi đỗ vào các trường đại học danh tiếng thì càng mang lại nhiều uy tín cho thầy. Tôi nghĩ bụng thầy tận tình giúp sức đến vậy nên chắc đó phải là lý do rồi.
“Trời ạ, thầy ước học sinh nào cũng xuất sắc được như em,” thầy thở dài. “Nếu thế thì đỡ nhọc hơn bao nhiêu.”
Sau khi rời khỏi khuôn viên trường, tôi đón chuyến tàu về nhà. Dưới ánh nắng tháng Tám gay gắt, con đường từ ga tàu về khu chung cư tôi ở như muốn nổi lửa, may thay đã có hàng cây cao lớn dọc vỉa hè vươn cành ra che chở lấy.
Tôi sải bước qua một chiếc ghế dài nơi một đôi vợ chồng cùng đứa bé sơ sinh đang ngồi nghỉ. Gia đình họ trông thật đầm ấm. Tôi tự hỏi liệu rằng lúc tôi còn thơ bé, không khí gia đình tôi có vui vẻ như họ không. Theo tôi nhớ, không một ngày nào ba mẹ không cãi nhau. Đến lúc tôi gần lên cấp hai, hai người họ đã cắn rơm cắn cỏ mà ký giấy ly hôn, và tôi sống với mẹ từ ngày đó trở đi.
Tôi đi thang máy tới tầng mình sống và tự mở cửa vào nhà. Mẹ tôi làm việc đến tận tối muộn, cho nên tôi sẽ được tự do trong vài tiếng đồng hồ. Tôi bật điều hòa trong phòng ngủ, thay bộ đồng phục đã ướt đẫm mồ hôi bằng bộ đồ mặc ở nhà. Đoạn, tôi mở cửa tủ quần áo và lấy ra cuốn sổ vẽ được giấu bên dưới chồng đồ ấm dày cộm. Bức vẽ mới nhất là một bản phác thảo Summer Ghost vào dạo nọ, lúc ở quán cà phê với Ryo và Aoi. Bức tranh gần giống hoàn toàn với người thật làm cả tôi cũng phải ngạc nhiên, dù nó đã được vẽ trước khi chúng tôi gặp Ayane.
Tôi phải giấu cuốn sổ này tận ở đáy tủ quần áo khỏi mẹ tôi, hệt một tín đồ Thiên Chúa phải giấu dây tràng hạt của mình bên dưới tấm ván lót sàn vào giai đoạn tôn giáo này bị đàn áp trong thời kỳ Tokugawa. Tôi biết nếu để bà phát hiện ra, ắt hẳn bà sẽ quẳng nó vào thùng rác, chung số phận với đám giá vẽ, khung tranh, màu và cọ vẽ trước kia. Mẹ thậm chí còn chẳng cho tôi giữ những tấm bằng khen mà tôi được trao hồi thi vẽ. Bà cho rằng mấy thứ đó chỉ tổ làm ảnh hưởng đến thành tích học tập của tôi. Song tôi vẫn lén lút tập vẽ cho tới tận hôm nay. Nhỡ để bà phát hiện ra chắc tôi bị đuổi khỏi nhà mất.
Tôi mở nhạc và múa bút vài đường để giết thời gian. Tôi cố hình thành thói quan tập vẽ thường xuyên nhất có thể để không bị lụt nghề. Tay cầm lấy chiếc bút chì ngòi mềm và bắt đầu vào việc, phác lên khắp mặt giấy. Trước tiên, tôi phác thảo cảnh ba đứa bọn tôi đang dần tiếp cận phi trường bỏ hoang. Kế đến, tôi vẽ đường băng nhìn qua lớp hàng rào lưới thép han gỉ, kéo dài đến tận đường chân trời. Và cuối cùng, tôi vẽ Ayane theo như hình dung trong trí nhớ.
Nghĩ lại thì, toàn bộ trải nghiệm đó thật vô thực làm sao, đến mức tôi tưởng chừng rằng những gì mắt đã thấy, tai đã nghe cũng chỉ là một giấc mơ mà thôi. Mỗi tội ba đứa bọn tôi đều chìm trong một giấc mơ y hệt nhau. Nhưng không, Summer Ghost là có thật, và chúng tôi đã được tiếp xúc với cô ấy. Tôi có thể chứng thực thông qua cái tên đó: Sato Ayane.
Tối hôm ấy sau khi vừa về nhà, tôi liền lên mạng tra cứu với hy vọng có thể tìm được chút thông tin về danh phận của hồn ma kia, và rồi tôi kiếm được vài mẩu tin đề cập đến Sato Ayane hợp với mô tả. Một cô gái hai mươi tuổi đã mất tích ba năm trước mà không ai hay, chỉ vài tuần trước khi Summer Ghost được nhìn thấy lần đầu tiên. Giả sử như cô ấy mất tích và giờ đã chết thì các mốc thời gian sẽ khớp hoàn toàn với nhau. Hồn ma chúng tôi đã tận mắt thấy không phải là ảo ảnh hay do mơ ngủ, mà là linh hồn của một con người đã từng sống và chết ngay trên mảnh đất nơi tôi ở.
Lúc mẹ tôi bước chân vào tiền sảnh thì trời đã chập tối. Tôi liền đóng cuốn sổ vẽ lại và giấu nhẹm đi, đồng thời cất cả hộp bút chì vẽ vào trong ngăn bàn, sau đó ra ăn tối cùng mẹ. Bữa tối hôm nay là tập hợp đủ thứ món chế biến sẵn do mẹ tôi mua trên đường về. Chỉ những hôm mà bà tan làm sớm mới có món nóng sốt, song thi thoảng tôi vẫn tự nấu bữa tối cho cả hai.
“Hôm nay con đến trường phải không?” Bà cất tiếng hỏi. “Học hành ra sao?”
“Ổn ạ,” tôi đáp. “Giống như mọi ngày thôi.”
“Giống như mọi ngày là sao? Con không nói rõ hơn được à?”
Mẹ tôi là một chuyên viên ngành khoa học tự nhiên hiện đang làm việc tại một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới sau khi tốt nghiệp đại học. Bà không hề thích những câu trả lời úp úp mở mở.
“Có nghĩa là không có bất cứ chuyện gì thú vị hay bất bình thường để mẹ con mình bàn luận thêm thôi ạ,” tôi trả lời cực kỳ chi tiết.
Tôi chăm chú nhìn hành động buông đũa của bà, trong đầu thầm tưởng tượng bà sẽ phản ứng ra sao nếu hay tin tôi chết. Liệu bà có rơi lệ không? Tôi đoán ắt là có. Rồi bà sẽ nhớ về quãng thời gian đầm ấm trước kia, cái thời mà tôi còn quấn tã, hay hồi tôi đi học mẫu giáo và những khoảnh khắc có tôi bên cạnh, để rồi cảm giác trống vắng sẽ lần mò tới chiếm hữu. Dù phải cam chịu đủ điều, tôi vẫn giữ trong tim chút tình cảm đối với người phụ nữ đã cất công sinh thành dưỡng dục mình. Và phần nào trong tôi đang ghê tởm bản thân vì muốn rũ bỏ sự sống mà bà đã trao cho, sẵn sàng để mặc bà cô đơn trong ngôi nhà lạnh lẽo này.
Sau khi xong bữa, tôi và mẹ thảo luận về kế hoạch học tập sau này. Bà mang chiếc máy tính xách tay để lên bàn và bày ra một bảng thống kê điểm số quá trình cùng điểm thi thử của tôi.
“Bài kiểm tra toán chỉ thiếu chút nữa thôi là đã được điểm tuyệt đối rồi, ấy vậy mà con lại để sai một câu cơ bản như vậy,” bà cằn nhằn. “Thật không thể chấp nhận. Lần sau phải làm tốt hơn đấy.”
Bà tiếp tục chỉ vào tờ thống kê và rầy la tôi hết lần này đến lần khác vì những lỗi sai nhỏ nhặt xuất hiện trong bảng điểm. Mẹ trước giờ chẳng khen tôi lấy một câu, kể cả khi tôi đạt toàn điểm A. Bà cho rằng khen thưởng sẽ làm tôi tự mãn và chủ quan trong các bài kiểm tra sau. Việc tôi cần làm là tiếp tục diễn tròn vai một đứa con ngoan trò giỏi. Không phải để làm bà hài lòng, mà là vì không muốn phụ lòng bà. Mặc dù vậy, khi vào tiểu học, tôi đã dần biết lên tiếng bảo vệ chính kiến của mình thay vì gió thổi chiều nào theo chiều nấy.
Song, mỗi lần tôi làm vậy, bà sẽ chỉ đáp. “Mẹ bảo ban vì muốn tốt cho con cả thôi. Mẹ lo cho tương lai của con. Mẹ muốn con được hạnh phúc.”
Đó là những lần bà để lộ bản năng của một người mẹ đằng sau vẻ bề ngoài cứng nhắc kia, và tôi lại dấy lên cảm giác tội lỗi vì không biết suy nghĩ sâu xa. Kết cuộc, tôi đành nhượng bộ và vâng lời bà vì sự hàm ơn đấng sinh thành hay bị trói buộc bởi đạo làm con.
“Mẹ vừa chọn được vài đại học hợp với con này,” bà tiếp tục thuyết giảng. “Mỗi trường đều có thông tin quảng cáo ở đây, lát nữa con nhớ xem qua.”
Mẹ tôi đã thu thập hàng tá tài liệu từ tất cả những trường đại học tiềm năng do đích thân bà chọn lựa, và chúng được xếp chồng thành một đống ở trên bàn. Chỉ khi tôi là một con rối vô tri không có khả năng tự chủ, tôi mới lấy làm vui với công sức của mẹ khi bà đã lên kế hoạch tỉ mỉ cho trường đại học và cuộc sống tương lai của tôi.
“Vâng ạ. Con sẽ xem qua và chọn lọc vài trường,” tôi nói, đoạn bê chồng tập quảng cáo lên. Phản ứng này coi bộ làm mẹ tôi vừa lòng, và tôi cũng khẽ thở dài nhẹ nhõm. Sống với bà cứ như đang chơi một trò chơi tâm lý khi mà tôi phải duy trì cảnh giác cao độ mọi lúc, song cho tới giờ tôi vẫn chưa vạ miệng lần nào khi nói chuyện với bà, nhờ vậy mỗi đêm tôi mới yên giấc khi không khiến bà nổi đóa và lại phải ngồi nghe nói đạo lý.
Tôi không ghét mẹ mình, một chút cũng không. Tôi nhận thức được công việc gian khổ của bà, làm việc cho đến tận khuya ở chính chiếc bàn này, để nuôi sống cả gia đình. Thỉnh thoảng tôi lại thấy bà ngủ thiếp đi trên bàn, trước mặt là chiếc máy tính vẫn còn đang mở, và tôi phải lấy chiếc áo len choàng lên người mẹ để bà không bị cảm. Tôi nghĩ bản tính khắt khe của mẹ là một cách riêng để bà thể hiện tình yêu của mình (dù có phần cổ hủ), và tôi thực sự biết ơn sự quan tâm săn sóc của bà. Song nhiều lúc, sự chăm lo thái quá ấy khiến tôi như bị bóp nghẹt.
Dường như mẹ tôi nghĩ vứt hết mớ họa cụ yêu thích mà tôi giữ từ thời trung học là tốt cho tôi, bà cho rằng việc tôi dành quá nhiều thời gian cho sở thích riêng sẽ phí hoài cơ hội học tập quý giá dẫn đến tương lai của tôi bị hủy hoại. Mẹ tôi thực sự tin rằng nếu tôi trượt kỳ thi đầu vào, tôi sẽ trở thành một kẻ bị xã hội ruồng bỏ suốt phần đời còn lại, kiếm sống qua ngày bằng thứ nghề nghiệp rẻ rúng thấp hèn. Theo quan niệm của bà, không còn lựa chọn nào khác ngoài phải loại bỏ những yếu tố gây sao nhãng này một lần và mãi mãi.
Mẹ và tôi thay phiên nhau dọn dẹp sau mỗi bữa tối. Hôm nay đến lượt bà rửa bát đĩa, thành ra tôi là người đi tắm trước. Hai mẹ con tôi thường dành những tiếng đồng hồ cuối cùng trong ngày trước khi đi ngủ để làm những việc cá nhân, hiếm lắm tôi với mẹ mới ngồi lại và xem TV cùng nhau.
Khi đến giờ đi ngủ, tôi leo lên giường và đợi cơn buồn ngủ đến chiếm lấy, bất chợt những dòng suy nghĩ về ba tôi lại xuất hiện. Ông là một người đàn ông cao lớn, tựa một người khổng lồ tốt bụng vì tôi chưa từng thấy ông nổi giận. Ấn tượng về tính tình của ông đã in đậm trong tôi, bởi trái ngược với đó là cộc cằn của mẹ mỗi khi hai người họ nảy sinh bất hòa. Ông thành thạo tiếng Anh và làm nghề phiên dịch để kiếm sống. Lúc nhỏ ông đã ở Mỹ một thời gian, vì lẽ ấy mà khả năng ngoại ngữ của ông mới cao siêu như vậy. Vào thời điểm này, ông bà nội đã đưa ông đi làm nghi thức rửa tội, và ông theo đạo Công giáo kể từ đó.
Tuy nhiên, ông không hẳn là một tín đồ sùng đạo bởi lẽ tôi chưa khi nào thấy ông cầu nguyện trước bữa ăn. Ông đều đi lễ vào mỗi Chủ nhật và đôi lúc quyên góp chút ít cho nhà thờ, song chỉ có thế. Tôi không biết được đức tin của ông to lớn tới nhường nào, nhưng tôi nghĩ chí ít nó vẫn giúp ích (gián tiếp) cho công việc phiên dịch của ông. Với ba phần tư dân số Mỹ theo đạo, việc hiểu biết sâu sắc về suy nghĩ và đức tin của các tín đồ giúp ông nắm bắt được nhiều khía cạnh chuyên sâu về văn hóa nước Mỹ so với người bình thường.
Ở mặt khác, mẹ tôi là một con người theo chủ nghĩa vô thần, tôi khá bất ngờ khi bà lại là người có ý định kết hôn với ông ấy dù cuộc hôn nhân thật chóng vánh. Dẫu vậy, hai người đã trải qua quãng thời gian yêu đường nồng thắm, coi bộ hình ảnh ngôi nhà cùng những đứa trẻ đã khỏa lấp sự đối lập về đức tin giữa hai người. Theo tôi biết, mẹ tôi không hề quở trách ba vì đức tin của ông, suy cho cùng đây là quốc gia đề cao sự tự do tôn giáo. Duy chỉ có việc dẫn tôi đi nhà thờ vào cuối tuần là bà cấm tiệt. Bà cho rằng ba tôi không có quyền lôi kéo tôi theo con đường Công giáo, nhất là khi tôi còn quá nhỏ để tự quyết định mình nên tin vào điều gì.
Thế là ba tôi sống một cuộc đời hướng về Chúa, còn mẹ tôi theo chủ nghĩa mắt thấy tai nghe, và trong kỳ trăng mật, họ đã chấp nhận niềm tin của mỗi người. Song không kéo dài được lâu.
Tôi vẫn nhớ lúc mà cuộc hôn nhân đang trên bờ vực đổ vỡ, khi mà ba tôi không có ở nhà và mẹ đã bộc bạch cảm xúc thực sự của mình.
Bà xỉ vả “Ba con không thể tin vào mấy điều vô lý kia… Cái gì mà thánh thần công đức vô lượng lơ lửng trên trời chứ? Thật nhảm nhí…”
Sau khi việc ly hôn đã giấy trắng mực đen, bố tôi sẽ phải chuyển ra ngoài, mẹ tôi chẳng chần chừ mà vứt bỏ sạch đồ đạc của ông, bao gồm mấy món đồ liên quan đến tôn giáo ông đặt ở khắp nhà. Một bức tượng Đức Mẹ Mary đồng trinh ông được một thành viên trong giáo đoàn tặng, một thiên sứ trang trí ông mua làm quà lưu niệm sau chuyến đi công tác ở nước ngoài… Vô số những vật dụng mà ông giữ khi còn sống ở đây bị mẹ tôi dọn dẹp sạch sẽ. Giờ đây căn nhà này không khác gì một cái lồng sắt vô hồn chứa đựng hai mạng người, là một nơi để ăn, để ngủ và để thở.
Giống với mẹ, tôi không tôn thờ vị thánh nào. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng trên đời này tồn tại một đấng toàn năng. Kể cả khi tôi đã từng là một tín đồ, thì việc tôi đang có ý định tự sát sẽ là bằng chứng để tôi rũ bỏ đức tin trong mình. Tự sát được xem là trọng tội trong mọi tôn giáo chứ không riêng Công giáo. Theo như tôi biết, hành động ấy được xem là một vết nhơ không thể xóa bỏ trong linh hồn người đó khi chuyển kiếp. Chẳng hạn, một trong những giáo lý cơ bản của Cơ đốc giáo, cuộc sống chính là một món quà thiêng liêng mà Chúa đã ban cho ta, và hành vi tự tước đoạt ân huệ ấy không khác gì phỉ nhổ lên Chúa. Phần lớn người Nhật không theo bất kỳ tôn giáo nào được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ tử tử cao trên cả nước so với nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Nếu tôi mà có chút ít đức tin, suy nghĩ tự tử biết đâu sẽ khiến tôi sợ hãi và tủi hổ. Nếu tôi mà tin rằng mình mang ơn đấng tạo hóa giống như ba, tôi sẽ không nghĩ đến lựa chọn này.
Mang ơn đấng tạo hóa à… Hừ, mình nghe cái này ở đâu rồi nhỉ?
Dòng suy nghĩ ấy vô tình khiến tôi nhớ đến một trong những lời đáp trả của mẹ mỗi khi bà thấy tôi quá cứng đầu, hay vô ơn, bướng bỉnh.
“Nếu mẹ không sinh ra còn thì bây giờ con chả ngồi đây đâu. Sao không biết ơn người mẹ này một chút thôi hả?”
Lý lẽ đó làm tôi thấy nực cười, vì tôi nào muốn mình được sinh ra, rốt cuộc tôi chẳng có cửa để cãi lại mẹ. Nếu được tự do, tôi ước khi mình chết đi, tôi sẽ chết theo ý mình mà không phải của ai khác.
Trong giờ nghỉ giải lao ở lò luyện thi, tôi cầm điện thoại và nhắn tin trên nhóm với Aoi và Ryo. Bọn tôi đã bàn luận về trải nghiệm vô thực ngày hôm kia.
Aoi nhắn, “Vậy là ma có thật sao, giờ nghĩ lại tớ thấy hơi rùng mình.”
Xem ra nỗi sợ thực thể siêu nhiên của Aoi đã trầm trọng hơn. Tôi lại lấy làm lạ vì tương tác hồn nhiên giữa cô ấy và Ayane khi đó. Cơ mà, cứ nghĩ về việc các hồn ma ác ý khác có thể đang lẩn khuất đâu đó trong một hành lang u tối nào đấy hẳn đang khiến cô ấy ngày một căng thẳng.
Trái lại, Ryo lại thảnh thơi đến lạ. “Tớ á? Có gì đâu mà sợ. Tớ còn biết ơn người đấy là đằng khác. Giờ thì tớ không sợ chết nữa rồi,” cậu ta nhắn vậy. “Còn cậu thì sao, Tomoya?”
“Không rõ lắm,” tôi hồi âm. “Giá mà có nhiều thời gian hơn để nói chuyện với cô ấy. Tớ muốn biết sau khi chết sẽ trải qua những gì, à mà lần trước cô ấy cũng nói bản thân không biết gì nhiều thì phải.”
Trường hợp của Ayane, chúng tôi cho rằng cô ấy chưa được siêu thoát, trở thành một hồn ma lang thang ở phi trường kia kể từ lúc chết. Cô ấy còn bảo chưa hề gặp người nào khác ngoài mình, hẳn những người kia đã hóa kiếp còn cô thì không. Giả sử có thế giới bên kia tồn tại hoàn toàn biệt lập với nơi đây, thì có vẻ cô ấy đang lững lờ ở đâu đó giữa hai thế giới, và chỉ có thể xuất hiện trước mặt chúng tôi khi hai nơi giao thoa.
Sau khi nói chuyện về Summer Ghost được một lúc, ba đứa lại chuyển sang các chủ đề vô thưởng vô phạt khác. Aoi đã dành nguyên cả kỳ nghỉ hè chui rúc trong phòng để chơi điện tử. Ryo thì đi bệnh viện nhiều như đi chợ. Ngày nào cậu ấy cũng phải uống đủ thứ thuốc thang. Nom cực khổ quá.
“Cậu thì sao, Tomoya-kun? Gần đây cậu hay làm gì?” Aoi hỏi tôi.
“Tớ học ở lò luyện thi hết ngày này sang ngày khác, để chuẩn bị cho kỳ thi đầu vào.”
Vào giai đoạn này trong năm, trong khi các trường đại học đang cho sinh viên nghỉ hè thì nhiều lò luyện thi lại mở những khóa ôn luyện nâng cao ngắn hạn cho học sinh cuối cấp như tôi. Họ hoạt động từ sáng cho đến tận tối mịt, và học cho tới khi nổ đom đóm mắt do nhìn bài vở quá nhiều.
“Để chi thế?” Ryo thắc mắc. “Đằng nào ông cũng hóa vàng thôi mà, đúng không? Mắc mớ gì phải làm khổ bản thân vậy chứ?”
“Đúng rồi đấy!” Aoi đồng tình. “Nếu tớ mà là cậu thì quăng hết đống bài vở này sang một bên đi. Sang bên kia cũng có ích lợi đâu!”
Họ nói đúng. Nếu tôi sắp sửa tự vẫn thì chuyện ôn tập cho kỳ thi đầu vào vốn không có nghĩa lý gì.
“Thời gian đã không còn nhiều rồi, đừng tối ngày cắm mặt vào bài vở nữa,” Ryo nhắn. “Dành chút thời gian đó làm những việc mình thực sự yêu thích đi.”
Tôi thừa nhận “Tranh luận với người như cậu đúng là khó thật.”
Phần nào trong tôi vẫn nghĩ tốt hơn hết nên tiếp diễn cuộc sống thường ngày cho tới thời khắc tôi quyết định kết thúc tất cả. Giờ mà buông bỏ và ăn chơi, thể nào mẹ tôi cũng nhận ra, dần dà về sau mọi việc sẽ trở nên khó khăn hơn. Cho nên, kế hoạch hiện thời là cứ đóng vai làm con ngoan trò giỏi tới khi tôi đã chuẩn bị chu tất mọi thứ và sẵn sàng để sang bên kia.
Ở diễn đàn kín nơi ba đứa bọn tôi lần đầu tiếp xúc, thi thoảng hiện lên những chủ đề nhằm tuyển mộ người tham gia cho sự kiện tự sát tập thể. Song chúng tôi chưa từng thảo luận về vấn đề này. Hiện tại, chúng tôi đang phần ai nấy lên kế hoạch để thực hiện việc này, tự quyết thời điểm và cách thức.
“Thế hai người tính bao giờ thì tự sát?” Tôi nhắn vào nhóm. “Tớ dự định vào cuối năm nay. Không gần với các cậu quá là được.”
“Khoan đã, sao tụi mình không làm cùng lúc đi?” Ryo băn khoăn.
“Nếu tụi mình làm cách cách ra thì chí ít còn đi viếng đám tang người kia được. Tớ thấy thế hay hơn đấy,” tôi giải đáp.
“Ê, bộ cậu là kiểu người cầu toàn à, Tomoya-kun? Làm gì cũng phải lên kế hoạch trước cả tháng, chuẩn bị tỉ mỉ từng li từng tí.” Aoi hỏi tôi.
“Tớ nghĩ không phải đâu.”
“Tớ chỉ muốn ngắm thời tiết buổi sáng ngày hôm đó rồi hẵng quyết định. Tụi mình chỉ chết được một lần thôi phỏng? Vậy thì lựa ngày đẹp trời chút có sao đâu, vì trường hợp của tớ không phải là bất khả kháng. Tớ muốn trước khi nhắm mắt sẽ được nhìn thấy bầu trời trong xanh bao la.”
Vừa dứt lời, giáo viên lò luyện thi tôi đã bước vào lớp, và mọi người khi nãy đang trò chuyện rôm rả đều lặng lẽ quay lại chỗ ngồi. Tôi bỏ điện thoại vào trong cặp. Sau khi giáo viên giao bài tập xong, chỉ còn mỗi tiếng bút chì ghi chép xoẹt xoẹt bao trùm lấy căn phòng suốt cả tiếng đồng hồ.
Vì đang là hạ chí, dù lò luyện thi đã tan học nhưng ngoài trời vẫn còn sáng trưng. Tôi nhận được tin nhắn từ mẹ dặn rằng tối nay bà sẽ về nhà rất trễ. Tôi đắn đo một lúc, xem liệu mình nên về nhà luôn và tận hưởng khoảng thời gian quý giá được ở một mình hay không, song rốt cuộc, tôi lại chọn mò tới phi trường nọ. Tôi tạt qua cửa hàng kim khí mua ít túi pháo hoa và leo lên xe buýt, ngước mắt nhìn ra ngoài cửa sổ khi hình ảnh những mái nhà phố thị dần rời xa tầm mắt, được thay thế bằng vùng ngoại ô ngổn ngang càng lúc càng trở nên hoang vắng.
Tôi muốn được nói chuyện với Summer Ghost lần nữa. Sự thôi thúc nhất thời này là do tin nhắn của mẹ mà ra, nên tôi chẳng buồn hỏi Aoi và Ryo liệu hai người bọn họ có đi cùng được không. Tôi còn không biết một người có thể gặp Summer Ghost được hai lần không. Đối với những người đã giáp mặt cô ấy như chúng tôi, sự xuất hiện hôm ấy biết đâu chỉ là một hiện tượng dị thường nhất thời. Sự hiếu kỳ muốn tìm cho ra lời giải về hiện tượng này, đây là một trong những lý do thúc giục tôi quay trở lại.
Tới rìa tỉnh, tôi xuống xe và đi bộ như lần trước. Tôi lê bước trên con đường đất vẫn còn nóng hổi, nhưng không lâu sau tôi đã leo lên đỉnh đồi, hướng mắt nhìn xuống phi trường khổng lồ được bao quanh bởi hàng rào sắt đã han gỉ kia. Tôi lẻn vào phi trường thông qua lỗ hổng đã biết và đi xuyên qua bãi cỏ cao để đến được đoạn đường băng nứt nẻ. Tôi đặt ba lô xuống và nhanh tay bóc gói pháo bông vừa mua khi nãy.
Lần trước cô ấy đã xuất hiện sau khi chúng tôi đốt gần hết chỗ pháo đã mua và còn duy nhất một bịch pháo bông kiểu Nhật. Bởi lẽ đó, tôi tự hỏi phải chăng chỉ mỗi loại pháo ấy mới có thể gọi hồn Ayane, nên trước hết tôi sẽ đốt pháo phụt trước để kiểm chứng giả thuyết này. Cái loại mà có luồng phụt hình hoa bìm bìm, bắn ra tia lửa đủ màu lam, lục, đỏ suốt chừng ba mươi giây rồi tắt hẳn. Khi ánh mặt trời mờ dần và hoàng hôn bắt đầu buông xuống, mảng màu sắc của que pháo càng thêm rực rỡ, tưởng chừng phá tan màn đêm tối đang lần mò đến.
Nhưng Summer Ghost đã không xuất hiện.
Kế đến tôi lấy que pháo bông kiểu Nhật ra và quẹt bật lửa để đốt cháy nó. Vài giây sau, thuốc súng bắt lửa, và phản ứng hóa học gồm kali sunfat, kali cacbonat cùng axit sunfuric đã tạo ra một đốm nhớt, nhanh chóng phồng lên thành một giọt dung nóng chảy. Và chính bên trong viên bi đỏ rực này, tựa hồ tỏa ra ánh sáng mong manh của sự sống, phần không khí bất ổn định dần kết thành vô số các bong bóng li ti. Khi những bong bóng này bục ra, chúng bắn ra các giọt sương trắng nhỏ xíu và chính những hạt vật chất nóng chảy bé tí đã mang đến tên gọi “pháo bông”.
Những tia sáng này để lại vệt sáng trong không trung khi chúng bay theo hình vòng cung khỏi đầu que pháo, rồi tiếp tục phân tách thành các tia lửa bé hơn nữa bởi sự tiếp diễn của phản ứng hóa học, chúng bắn đi khắp mọi hướng hệt cành thông rẽ nhánh mà ta đã quá đỗi quen thuộc. Đây là loại pháo hoa mỹ nghệ, không cầu kỳ, lòe loẹt như bất kỳ loại pháo bông cầm tay nào khác.
Dẫu có làm cho thời gian trôi chậm lại cả nghìn lần đi nữa để quan sát khoảnh khắc này cho thật kỹ, thì thứ duy nhất ta có thể nghiệm ra cũng chỉ là các phản ứng hóa học cơ bản mà khoa học đều giải thích được. Song con người chúng ta sở hữu một khả năng vô cùng kỳ lạ để nhận ra bên trong nó chứa đựng một vẻ đẹp vô hình nào đó, một phúng dụ về bản chất mong manh, bất ổn về sự sống của riêng ta, làm cho ta lay động, mang cho ta một nỗi u sầu khó tả và chóng tàn. Đó là thứ mà mỗi việc xem thôi đã khơi dậy cảm xúc chôn sâu trong con tim. Giờ mà hỏi tôi, điều gì tạo nên một con người, tôi sẽ trả lời chính là khả năng nhận thức vẻ đẹp trừu tượng, không thể lý giải này. Đây là thứ cảm xúc mà tôi vẫn thường cố lưu giữ lại, bằng cách khắc họa những vẻ tương tự, vừa trần tục vừa gợi cảm vào tranh suốt từ trước đến nay.
Không bao lâu sau, những tia lửa nổ lách tách và bay lượn cuồng nhiệt hơn nữa.
Đoạn, tiếng côn trùng kêu réo bỗng lùi xa dần, và gió thổi qua những ngọn cỏ cũng lặng đi.
Qua khóe mắt, tôi chợt nhận ra được một nhân dạng đầy tương phản với khung cảnh.
Cô ấy đứng đó, làm một bóng ma mờ nhạt, nom đối lập với màn đêm đen.
Tôi thắc mắc không biết sao Summer Ghost lại xuất hiện khi có pháo hoa. Tôi nhớ từ thời xa xưa pháo hoa đã được cho là mang những đặc tính tâm linh có thể khuây khỏa người đã khuất. Dân gian còn truyền rằng lý do nhiều lễ hội pháo hoa được tổ chức xuyên suốt mùa hè là bởi những lễ hội ấy có tiền thân là nghi lễ okuribi được thực hiện như một phần của dịp lễ Obon. Đây là một phong tục đốt một đống lửa lớn, hay “ngọn lửa dẫn đường” để tiễn đưa linh hồn tổ tiên đã khuất sang thế giới bên kia sau khi quay về thăm trần thế. Dường như mọi lễ hội pháo hoa trên cả nước đều có nguồn gốc từ nghi lễ cổ xưa này để tiễn đưa người thân đã qua đời.
Coi bộ mớ pháo bông mà chúng tôi đã đốt ở phi trường này có tác dụng tương tự song lại mang tác dụng ngược đối với những linh hồn vất vưởng như Ayane, đây là ánh sáng dẫn lối để cô ấy trở lại nhân giới, hệt đèn hiệu chiếu sáng đường băng trong đêm.
Ayane bước đến và ngồi khom xuống trước tôi, mắt nhìn đăm chiêu vào ánh lửa. “Đẹp thật. Tôi vẫn yêu những thứ này,” cô ấy cất tiếng.
Bước chân, lẫn bộ đầm phất phơ của cô ấy đều không phát ra bất kỳ âm thanh nào. Cô ở ngay trước mắt tôi, song tựa hồ đang không hề tồn tại, sự sống của cô nhạt nhòa hệt làn khói gặp gió là tan biến. Vài tia lửa tiếp tục bắn ra từ giọt dung kết trên que pháo, chúng ngưng đọng giữa không trung như những ngôi sao bé nhỏ quay quanh một mặt trời đỏ rực.
“Tomoya-kun này,” cô ấy nói, gương mặt được phản chiếu bởi ánh sáng màu cam. Tôi nhìn mảng bóng đổ trên mặt cô mà lòng muốn biết liệu có phải cô và tôi đang sống trong cùng một thế giới hay không hay, bị tác động bởi những hiện tượng vật lý giống nhau, hay chỉ đơn thuần là sự tưởng tượng của riêng tôi. “Ngọn gió nào đã đưa cậu quay trở lại đây?”
“Em muốn hỏi chị vài câu hỏi,” tôi đáp bằng giọng khàn khàn. Cứ tưởng đã chuẩn bị tinh thần rồi, nhưng quả thực tôi vẫn chưa đủ gan để giữ bình tĩnh trước một hồn ma.
Ayane đưa tay vén mái tóc, để lộ ra phần cổ trắng nõn như gốm sứ. “Mong lần này không có gì quá khó hiểu,” cô bảo.
“Ừm, thực ra… em đang nghĩ về việc tự sát,” tôi bày tỏ. “Hai người lần trước đi cùng em cũng vậy.”
“Ừm, tôi đã lờ mờ đoán được rồi.”
“Ồ… vậy sao.” Tôi ấp ớ.
“Ba đứa đều mang vẻ mặt y hệt nhau, như thể đã đến bước đường cùng rồi vậy. Aoi dù hoạt ngôn vẫn không thể giấu được sự u buồn trong đôi mắt. Không qua mắt được tôi đâu. Hình như người bình thường đang vui vẻ, hạnh phúc sẽ không thấy được tôi. Theo như tôi biết, họ chỉ nhìn thấy được một bóng hình mờ ảo, một cái hình nộm không rõ dạng người hay thú. Cô cậu là người đầu tiên có thể nhìn thấu và tương tác đường hoàng với tôi. Nên tôi mới cho rằng ba người đều ngập tràn suy nghĩ về cái chết.”
“Em muốn biết thêm về cái chết. Chị kể về trải nghiệm bản thân được không? Nó có cảm giác ra làm sao? Nó có đáng sợ như người ta thường nói không?”
“Ồ, đáng sợ lắm nha. Rồi còn vô cùng đau đớn luôn này. Nếu muốn tôi cho lời khuyên thì tôi không khuyến khích cậu tự sát đâu. Không cần thiết phải tự chấm dứt sinh mạng bằng đôi bàn tay của chính mình. Cứ sống thôi. Đừng nghĩ sâu xa làm gì cả--rốt cuộc nó cũng sẽ tới. Chắc chắn là như vậy.”
“Đối với em sống còn đau khổ hơn,” tôi đáp. “Nếu vậy sao không chấm dứt nỗi khốn khổ ấy một lần và mãi mãi đi, ráng chịu đau một lúc rồi cơn đau đó sẽ qua thôi?”
“Thế tại sao cậu lại đau khổ, Tomoya-kun?”
“Em không tiện kể. Em thấy mệt mỏi và phát ốm đi, em không thể chịu đựng thêm một giây phút nào nữa.”
Ayane thở dài nhọc nhằn. “Ra vậy, xã hội này đã suy thoái tới mức đó rồi. Cứ nghĩ đây là một cái nhà máy với mục đích tạo ra những chú ong thợ giỏi, nhưng lại biến một đứa trẻ ưu tú như cậu thành một cỗ máy vô cảm.”
“Chị đang cường điệu hóa nỗi đau thầm kín của em thành một bài văn phê phán xã hội đấy.”
“Nhưng có còn nguyên do nào khác đâu? Bởi không xác định được nguồn cơn vấn đề, nên mới phải đổ tội lên đầu xã hội này. Ai ai cũng biết rõ điều đó.”
“Coi bộ chị giỏi giận cá chém thớt,” tôi đáp.
“Cậu trông chờ điều gì ở một hồn ma chứ?”
Tôi không cãi lại được, dẫu lập luận của một hồn ma có vô lý thế nào đi chăng nữa. Dường như giọng điệu cợt nhã ấy là một cá tính riêng của cô.
“Ayane-san, chị tính làm gì tiếp? Chị sẽ tìm cách sang cõi niết bàn hay tiếp tục vất vưởng ở trần gian?” tôi thắc mắc.
“Cõi niết bàn à…? Tôi không biết về cái đó.”
“À, trong Phật giáo, khái niệm đó được dùng để chỉ sự giác ngộ, hay ‘phật thành’ tức là sự binh an trong tâm. Nhưng thời nay nó được xem là một từ đồng nghĩa với thiên đàng hoặc thế giới bên kia. Em thắc mắc như vậy vì biết đâu tâm trí chị vẫn chưa tịnh nên không được siêu thoát và phải mắc kẹt ở trần thế làm một hồn ma.”
“Ra vậy. Cậu biết khá nhiều so với một học sinh trung học bình thường đấy, Tomoya-kun. Tôi không nghĩ học sinh tầm tuổi cậu sẽ tìm hiểu về Phật giáo đâu,” Ayane bảo. “Cho nên trả lời tôi nào, cậu nghĩ thiên đàng có tồn tại không? Với tôi thì không. Chúng ta chết đi rồi tan biến, vậy thôi.”
“Trong hoàn cảnh của chị thì tin theo hướng đó âu là lẽ dĩ nhiên”, tôi đáp, không chắc liệu cô ấy có đang nghiêm túc hay không. Song cứ cho là Ayane thực sự tin vậy, thì hiện tại chị ấy đang là gì. “Chị Ayane à, đừng phủ nhận hiện thực nữa và hãy chấp nhận rằng mình là ma đi.”
Ayane cong môi cười. “Tomoya-kun căng thẳng quá đấy.”
“Chị quên rằng em là một học sinh ưu tú rồi à?”
“Cậu nên thử làm ma đi. Biết đâu lại giúp đổi gió một chút.”
Ayane đang cúi người chăm chú quan sát que pháo bỗng đứng dậy. Cô nhẹ nhàng vỗ vai tôi. Tưởng chừng bàn tay của ma sẽ xuyên qua tôi nhưng không. Dù chỉ chạm nhẹ song tôi lại cảm thấy mất thăng bằng.
Thử làm ma để đổi gió sao?
Trong khi tôi còn đang ngơ ngác, mắt tôi chợt nhòe đi. Cảm giác lững lờ kỳ lạ thoáng qua, cơ thể đột nhiên nhẹ bẫng đi hệt lúc trượt chân trên sàn nhà trơn hay bước hụt bậc cầu thang. Ngay lúc tôi nhận ra mình sắp ngã ngửa ra, tôi cố gắng lấy lại thăng bằng, đoạn, tôi thấy mình đang nhìn vào tấm lưng của ai đó từ khoảng cách gần.
Đó không phải là Ayane, mà là tôi. Chẳng biết thế nào mà tôi lại có thể quan sát chính Sugisaki Tomoya, trên tay đang cầm que pháo từ góc nhìn thứ ba.
Cảm giác vô cùng bất an làm tôi muốn nôn ngay tại chỗ.
“Ch-chị vừa làm gì thế?” tôi bối rối.
“Bình tĩnh bình tĩnh,” Ayane trấn an tôi. “Tôi chỉ tách linh hồn của cậu ra khỏi thân xác thôi.”
“…Chị biến về như cũ cho em đi.”
“Được thôi. Nhưng phải để lát nữa.”
Ayane nắm lấy tay tôi bằng những ngón tay lạnh buốt nhưng mềm mại. Cú chạm này thôi đã khiến sự hiện diện vô thực của cô trở nên hữu hình trong mắt tôi. Giờ đây linh hồn tôi đã giã từ thể xác, Ayane và tôi không xa lạ nữa. Trong hình thể mới này, tôi thấy mình nhẹ như bấc, không còn bị trói buộc bởi trọng lực.
“Chúng ta đi thôi.” Ayane thúc tôi.
Cô bắt đầu chạy đi, kéo tôi theo. Tâm trí vẫn còn mơ hồ, song tôi đành phải lấy đà và lao đi theo. Chúng tôi lao vút trên đường băng và nhảy khỏi mặt đất. Trước khi tôi kịp hiểu rõ chuyện gì, cả thân thể đã thả mình theo gió, bay vút vào bầu trời đêm. Tôi ngoái lại nhìn cơ thể mình đã bỏ lại đường băng tựa lời tạm biệt dương thế.
Thế là hai chúng tôi bay đi.
Chúng tôi bay cao hơn nữa mà không gặp bất kỳ trở ngại nào, như thể sắp bị hút lên tầng tĩnh khí. Tôi không cảm nhận được chút lực cản không khí nào xung quanh.
“Nhìn đi,” Ayane bảo tôi, tay cô và tay tôi vẫn giữ chặt lấy nhau.
Tôi đưa mắt xuống và nhìn phi trường bỏ hoang đã vượt ngày càng xa khỏi tầm mắt. Tôi có thể thấy những xóm nhỏ vùng ngoại ô, vùng đồng băng ven sông và ánh đèn phố thị ở phía chân trời xa. Dẫu cách mặt đất có hơn trăm mét, song tôi vẫn phải rùng mình bởi độ cao này.
“L-làm sao mà chúng ta có thể lơ lửng được như thế này chứ? Chị dùng phép thuật à?”
“Tôi tưởng tượng rằng mình đang bay và để tâm trí lo phần còn lại.” Cô giải đáp. “Ta có thể bay đến bất cứ nơi nào mà chúng ta muốn chỉ bằng cách hình dung trong đầu.”
Ayane cầm tay tôi lướt đi trên bầu trời dưới ánh trăng mờ nhạt. Chúng tôi muốn bay nhanh hay chậm cỡ nào cũng được, kể cả quán tính cũng không ảnh hưởng đến chúng tôi. Dù bay nhanh hay lượn như chim, chúng tôi không phải dừng lại để lấy hơi, không phải che mắt khỏi gió táp. Bọn tôi đã bay xa khỏi phi trường lắm rồi, giờ đây đang ở trên đầu ga tàu điện, rồi bay qua phố mua sắm.
Đây là thực sao?
“Giữ chặt nhé, chúng ta sẽ đi vào trong đó,” Ayane dặn tôi.
Tôi ngước lên thấy bản thân đang lao thẳng vào một tòa nhà đồ sộ. Tưởng sắp đâm sầm vào đó nên tôi thu mình lại, nhưng cơ thể lại xuyên qua bức tường bên ngoài, xuyên qua hành lang và những văn phòng nơi các nhân viên vẫn đang miệt mài làm việc, và đi ra phía mặt sau của tòa nhà. Quả thực chúng tôi đang làm ma, nên không có chướng ngại vật lý nào có thể cản đường chúng tôi.
“Thấy thế nào hả, Tomoya-kun?” Ayane hỏi, trên mặt cô nở một nụ cười thích thú.
“Không ngờ là chị có thể làm mấy trò gián điệp như này,” tôi giễu.
“Muốn xem trong kho tiền ngân hàng cũng được nốt, nhưng không ăn trộm được vì không chạm vào bất kỳ thứ gì mà.”
Xem ra cô ấy không thể can thiệp nhiều vào thế giới của người sống.
“Thứ duy nhất tôi có thể chạm vào là linh hồn, đặc biệt là người sắp chết như cậu,” cô nói. “Chính vì cậu quá ám ảnh bởi cái chết nên tôi mới mang cậu đi được đó.”
Tít trên đầu thành phố tôi ở, Ayane bay chậm rồi dừng lại. Chúng tôi cùng nhau nhìn dòng người ngưng đọng trên con phố các con phố, những khách bộ hành hối hả tới điểm đến của mình đang bất động giữa dòng thời gian.
“Tới lượt cậu đấy, thử tự bay xem nào.”
“Hả?”
Ayane buông tay và rời xa khỏi tôi, thân thể tôi bỗng chùng xuống và rơi tự do vì không còn nơi nào để bám vào. Mắt tôi quay mòng mòng và thấy mặt đất đang không ngừng tiến lại gần từng giây. Tôi còn nước gào thét kinh hãi khi rơi từ đỉnh tòa nhà cho đến mặt đường. Tôi chuẩn bị tinh thần để hôn đất, và ngay lúc tôi đáp vào vỉa hè, mắt tôi bỗng tối sầm lại tựa màn hình ti vi bị rút dây nguồn. Đây gần giống với viễn cảnh mà tôi vẫn luôn hình dung về việc gieo mình từ một tòa nhà cao tầng, và giờ tôi đã được trải nghiệm cảm giác ấy.
Bất ngờ thay, mặt đất không cản tôi lại. Linh hồn tôi cứ rơi mãi, xuyên qua mặt đường và vào thẳng lòng đất. Tôi hoảng hốt, như thể vừa nhảy cắm đầu vào một hồ nước sâu. Tôi vùng vẫy tứ chi, cố tìm đường trở lại mặt đất. Tôi đang không hề chết đuối hay ngạt thở, bởi lẽ trong trạng thái này tôi đã không cần thở rồi, mà là tôi đang mất phương hướng và đang tuyệt vọng tìm đường ra.
Tưởng chừng tôi vừa rơi xuống một hồ nước sâu đục ngầu, mặc dầu bê tông và bùn đất ở đây che khuất tầm nhìn, nhưng dường như tôi vẫn cảm nhận được môi trường xung quanh qua một giác quan khác. Coi bộ tôi vẫn có thể nhận thức được mình đang ở đâu trong lòng đất thông qua các móng tòa nhà hoặc khu mua sắm dưới lòng đất. Tuy vậy, phạm vi nhận thức của tôi cũng không được rộng cho lắm.
“Không sao đâu, Tomoya-kun. Đừng hoảng sợ,” Ayane nói, đoạn cô cầm lấy cánh tay đang không ngừng giãy giụa của tôi hệt con giun mù đường trong đất. Ra là cô ấy cũng theo tôi xuống dưới này. Có cô kéo lại mới khiến tôi đứng vững được. Sau khi lấy lại bình tĩnh, Ayane kéo tôi lên trên mặt đất.
“Cái gì vừa diễn ra thế?” tôi la lên.
“Tôi chỉ muốn chơi khăm cậu tí thôi mà, ai lại không thích nhìn một người chững chạc bỗng hoảng sợ điếng cả lên chứ? Buồn cười lắm đó, cậu không nghĩ thế sao?... Thôi thì một đứa như cậu chắc không hiểu được đâu.”
“Chị nói phải. Em không hiểu và cũng không muốn hiểu.”
“Xin lỗi nhé, được chưa? Để tôi dạy cậu cách bay nên tươi cười lên cái nào.”
Chúng tôi lại bay lên khoảng trời phía trên thành phố một lần nữa. Ayane chờ tôi xốc lại tinh thần trước khi nắm hai tay tôi để chúng tôi đối diện với nhau.
“Nhớ này, trọng lực không có tác dụng với hồn ma. Cậu được tự do bay lượn đến bất cứ đâu. Tất cả những gì cần làm là hình dung cảnh tượng đó trong đầu, và tôi cam đoan rằng cậu sẽ không rơi lần nữa đâu.”
Lần này Ayane từ từ buông tay tôi, mặc dù lúc đầu tôi vẫn hơi hoảng và rơi tiếp một đoạn, song nhớ lại lời Ayane, tôi liền cố mường tượng cảnh mình đang bay cạnh cô ấy, thế là tôi đã lấy lại được độ cao và bay đến bên cô.
“Này, em làm được rồi kìa!”
“Đấy, đơn giản thôi mà.”
Sau vài phút luyện tập, tôi đã bay bổng đó đây mà không gặp chút rắc rối nào. Ayane thực sự nghiêm túc khi bảo tôi phải mường tượng trong đầu.
Dưới ánh trăng, Ayane cất tiếng gọi tôi. “Cậu muốn đi đâu nữa không? Cứ đưa ra địa điểm và chúng ta sẽ tới đó.”
Ở ngoại ô thành phố tọa lạc một công viên thiên nhiên rộng lớn, bên trong khuôn viên đó cũng chứa một bảo tàng mỹ thuật. Hiện tại đã quá giờ đóng cửa, thành ra lối vào đều đã khóa, nhưng không làm khó được tôi và Ayane. Chúng tôi đi xuyên qua tường, qua chốt an ninh ngay bên ngoài tòa nhà và lẻn vào trong bảo tàng. Vì không còn khách tham quan nên đèn đóm đã tắt hẳn, ánh sáng duy nhất còn lại là chiếc biển chỉ lối thoát hiểm khẩn cấp màu xanh lục và đôi khi lại có đốm sáng đỏ nhấp nháy nơi đặt cảm biến báo cháy. Bọn tôi có thể bay vù vù qua hành lang, nhưng chẳng vì lý do gì, chúng tôi chọn cách bước đi thật từ tốn và lịch sự như những vị khách đích thực của bảo tàng.
“Đi lối này,” tôi gọi Ayane.
“Cậu hay đến đây lắm hả?”
“Hồi trước cơ. Lúc nhỏ ba em thường xuyên dẫn em tới đây.”
Một nhân viên trong bảo tàng cũng là tín đồ giống ba tôi, thành thử lần nào đến người ấy cũng đều tiếp đón chúng tôi như một gia đình. Tại đây trưng bày một số tác phẩm nghệ thuật Kitô giáo, bao gồm một biểu tượng Nga cổ khắc họa Chúa Giêsu cùng một bức tranh sơn dầu nguyên bản đặc tả Lễ Truyền Tin ở đâu đó tại Châu Âu. Thi thoảng ba tôi lại dừng chân trước các tác phẩm này và kể tôi nghe một số giai thoại trong Kinh thánh.
“Nhưng tham quan sau giờ đóng cửa thì đây là lần đầu tiên. Cảm giác này kỳ quái thật. Em từng muốn ở lại đây thật lâu để thưởng thức tất cả các tác phẩm nghệ thuật mà không bị các vị khách khác làm phiền.”
“Tomoya-kun yêu nghệ thuật lắm nhỉ?” Ayane cất giọng hỏi tôi, cô đang đứng bên cạnh bức tượng một người phụ nữ được dựng ở chính giữa phòng trưng bày và cố tạo dáng tương tự.
“Em không đạt được thành tích nào nổi trội với sở thích này lắm, nhưng hồi cấp hai em từng là thành viên của câu lạc bộ mỹ thuật. Em thường đến đây cùng những người bạn quen ở đó lắm.”
Dẫu cho ánh đèn trong tòa nhà đã tắt, song nếu căng mắt ra, tôi vẫn có thể nhìn ra các tiểu tiết trong tranh. Tôi chiêm ngưỡng chúng thông qua một dạng thị lực khác không phụ thuộc vào ánh sáng. Tôi quan sát kỹ lưỡng từng bức tranh ở khoảng cách thật gần, nếu đang không làm ma thì đã có một nhân viên bảo vệ đến cảnh cáo tôi rồi. Nếu muốn soi rõ từng đường vân tiểu hình và mọi nét vẽ dọc theo khung tranh, tôi áp mặt mình vào bức tranh cũng được.
“Nhìn nè Tomoya-kun. Giờ tôi đã là hoàng tộc rồi đấy.”
Ayane thò đầu ra từ phía sau bức chân dung sơn dầu khổng lồ vẽ một người phụ nữ quý tộc nào đấy, đặt khuôn mặt cô ngay chính giữa khuôn mặt của bà ta, giống với khung ảnh khoét mặt đặt ở các khu du lịch. Tôi ấn tượng trước sự khéo léo của cô; đâu phải ai cũng có thể nghĩ ra cách dở hơi để tận dụng tính phi vật lý của bản thân như Ayane.
Chúng tôi vừa đi qua hành lang tối tăm vừa trò chuyện để rồi cũng đến được bức tranh sơn dầu mà ba tôi vô cùng yêu thích. Nó họa cảnh Lễ Truyền Tin, một khoảnh khắc trong Tân Ước khi sứ thần hạ phàm và truyền tin cho Trinh Nữ Maria rằng số mệnh đã ấn định để nàng thụ thai vị cứu tinh của nhân loại qua quyền năng của Chúa Thánh Linh.
“Phải nói rằng tôi hơi ngạc nhiên khi biết cậu đã từng tham gia câu lạc bộ mỹ thuật đó. Tomoya-kun không giống kiểu người có năng khiếu nghệ thuật chút nào.”
“Tại sao chị lại thấy vậy?”
“Chẳng phải cốt lõi của nghệ thuật nằm ở cảm giác và trực giác sao? Thể hiện bản thân thông qua cảm xúc. Cậu giống người mang suy nghĩ chín chắn và coi trọng sự thật cũng như tính khoa học hơn cảm xúc. Dù chỉ mới gặp nhau hai lần, nhưng theo cảm tượng của tôi, cậu mang lại bầu không khí y hệt một học giả từ lĩnh vực khoa học tự nhiên. Kiểu cậu giống một người sẽ thâu đêm phác thảo bản thiết kế kỹ thuật, còn vẽ tranh ư? Không đời nào.”
“Vẽ tranh đẹp cũng cần tư duy khoa học mà.”
“Phải không ta?”
“Ừm, không chỉ hội họa không đâu mà còn điêu khắc và âm nhạc nữa. Thoạt nhìn, nghệ thuật là một lĩnh vực đề cao cảm xúc thuần túy và tài năng, song nếu chiêm nghiệm tỉ mỉ hơn, chị sẽ thấy đằng sau mỗi bộ môn đó đều mang hàm lượng kiến thức khoa học đồ sộ.”
“Ví dụ tôi xem nào?”
“Đây nhé, thử nghĩ chị đang lựa màu để vẽ tranh. Dù chỉ vẽ một tác phẩm đơn giản thôi, song có hằng hà cơ số lý thuyết và sơ đồ liên quan đến màu sắc cần được hệ thống để tìm ra được tổ hợp màu nịnh mắt nhất, hay tạo độ tương phản tốt nhất, chị có thể phối màu từ tam giác trên vòng thuần sắc, vân vân mây mây…”
“Quào, nghe chán ngán quá.”
“Thực ra còn nhiều kiến thức hơn thế nữa. Giả sử chị muốn vẽ một bông hoa hướng dương đi. Chị sẽ dùng màu gì để vẽ nền?”
“Một màu nào đó để tôn lên màu vàng của hoa hướng dương, lam hoặc lục chẳng hạn?”
“Đó là ý tưởng của chị phải không? Nhưng một trong các bức Hoa hướng dương của Vincent van Gogh được bán đấu giá cho một ông trùm bảo hiểm Nhật Bản với giá 5,8 tỷ yên, và bức tranh đó dùng màu vàng để tô nền.”
“Hả, vậy màu vàng chồng màu vàng à?”
“Ừm. Mọi người đều công nhận đó là một tuyệt tác, nên hẳn phải có gì đặc biệt với cách dùng màu đó nhỉ?”
Bức họa Lễ Truyền Tin trước mặt chúng tôi là sự kết hợp giữa màu xanh dương sáng và đỏ cho trang phục của Đức Trinh Nữ Mary, nàng vận bộ xiêm y màu đỏ với chiếc áo choàng xanh. Đây là một kiểu khắc họa phổ biến về Trinh Nữ Mary, đồng thời là tông màu quen thuộc trong truyện tranh Mỹ. Nhiều người lập luận rằng lý do là vì đây là màu tượng trưng cho tinh thần ái quốc được sử dụng trên quốc kỳ Mỹ, song có thể tổ hợp màu sắc này đã mang một đặc trưng gì đó “ưu việt” rồi.
“Một người bạn chung câu lạc bộ của em rất có tài nhưng không hề quan tâm đến lý thuyết hội họa, cậu ấy chỉ tôn thờ hình ảnh mà bản thân hình dung trong đầu, và cậu ta vẽ nên tranh với mỗi niềm tin vào điều mình ‘thấy’ mà thôi.”
“Cậu trái ngược hoàn toàn với người đó nhỉ?” Ayane hỏi.
“Em nghĩ mình không đủ tự tin như họ. Em dành thời gian để học bố cục và cố phác thảo bức tranh thật cân đối theo những lý thuyết đã được bề dày lịch sử minh chứng song cảm thấy chưa bao giờ là đủ. Mỗi khi em vẽ chủ thể là con người, em dùng thước để đảm bảo rằng chiều dài cánh tay và vai của họ tương thích với chiều cao tổng thể.”
“Việc làm đó có nghĩa lý gì?”
“Nếu chị đo thử một người bằng xương bằng thịt, chị sẽ nhận ra chiều dài sải tay tương đương với chiều cao của chính người đó,” tôi lý giải, dang hai tay ra để minh họa. “Cái đó còn được gọi là ‘sải cánh’ ở người. Bức vẽ Người Vitruvius của Leonardo da Vinci là một minh họa khá hay cho khái niệm này.”
“Lúc nào vẽ cậu cũng quan tâm đến mấy thứ đó ư? Vậy thì đâu được gọi là tranh, phải gọi là biểu đồ giải phẫu học mới đúng.”
“Đó chỉ là một mẹo nhỏ làm cho bức tranh đẹp hơn bởi tỷ lệ cân đối hơn. Có thế thôi.”
“Điều gì đã khiến cậu hứng thú với hội họa vậy?”
“Chắc phải quay lại hồi tiểu học. Ba mẹ em đã hết lời khen ngợi một bức tranh do em vẽ. Vì đó là lần đầu tiên được khen nên em cứ nhớ mãi.”
Tranh tôi vẽ trong lớp được gửi đi dự thi hạng mục đồng độ tuổi, và bức tranh tôi vẽ đã thắng lớn. Ba mẹ tôi đều rất vui mừng. Họ tự hào về thành tích của tôi đến mức quên cả cãi nhau suốt cả ngày hôm ấy. Và lần duy nhất đó đã cho tôi ảo tưởng được sống trong một gia đình hạnh phúc. Trải nghiệm ấy có ý nghĩa rất lớn với tôi, nhìn lại, không chừng đó là lý do tại sao tôi tiếp tục cầm bút vẽ, như một nỗ lực để được gia đình công nhận.
Ayane và tôi dạo quanh bảo tàng suốt hồi lâu và đánh giá từng khu trưng bày trước khi quay trở ra. Lúc rời khỏi bảo tàng, tôi mong đợi sẽ được đón chào bởi một làn gió mát lạnh, mang mùi hương nồng nàn của cây thường xanh, song không may mắn như vậy. Làm ma là một hình thức tồn tại nhạt nhẽo, vô vị.
Chúng tôi lại thả mình vào bầu trời đêm, mặt trăng vẫn mãi treo trên đỉnh đầu. Bọn tôi lướt qua mấy chú bồ câu đứng yên giữa không trung, rồi tìm đến một tháp vô tuyến nằm giữa khu rừng, và ngồi cạnh nhau trên một thanh xà. Bọn tôi chỉ tưởng tượng vậy mà thôi, vì nếu thả lỏng ra thì thân thể chúng tôi lại xuyên qua thanh thép. Cơ thể không chút sức nặng của hai đứa đã bất di bất dịch.
Ayane đưa ánh mắt ra xa xăm, nơi cảnh đêm của thành phố thân thuộc điểm xuyết phía chân trời bằng hàng ngàn đốm sáng bé tí ti. “Đẹp thật nhỉ? Cứ như lấy một khoảng trời sao rồi đính từ ngôi sao xuống đất ấy.”
“Nhìn vậy thôi chứ đốm sáng kia có khi còn nhiều hơn nữa, vì thời gian đã ngưng đọng mà. Đèn LED và đèn huỳnh quang nhấp nháy liên hồi. Biết đâu phần lớn đang không sáng ngay bây giờ.”
“Im đi, tận hưởng vẻ đẹp này chút không được hả?”
Tôi liếc mắt về phía Ayane, lén nhìn gương mặt cô. Làn da nhợt nhạt, vô hồn của cô tựa vào bóng tối đặc quánh của màn đêm, nổi bật hơn bao giờ hết.
Nhân ra đây là cơ hội tốt hiếm hoi, tôi đã hỏi cô nỗi thắc mắc đã gặm nhấm tâm trí tôi bao lâu nay. Điều mà tôi không tài nào hiểu được.
“Tại sao chị lại tự sát thế, Ayane-san?”
Cô đưa tay vuốt tóc, tóc mái lại che trán. Đoạn, cô thở dài.
“Tôi không tự sát.”
“Vậy lời đồn kia là sai, còn mấy tin đồn khác thì đúng?”
“Tôi không biết phải kể cậu nghe từ đâu. Coi bộ người ta thích thêm mắm thêm muối cho câu chuyện nghe hấp dẫn hơn, thế là nhiều người tin sái cổ.”
“Em tới đây vì mong muốn tìm kiếm một tâm hồn đồng điệu. Thế là em ngưỡng mộ chị vì nghĩ chị đã làm điều đó. Em còn tính hỏi chị cách thức lý tưởng và này nọ nữa cơ.”
“Thứ lỗi nhé. Tôi không giúp ích gì cho cậu đâu.” Ayane đáp.
“Em thấy hơi kỳ lạ, vì trên trang web của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia vẫn liệt chị vào danh sách người mất tích.”
“Có lẽ là do họ chưa phát hiện ra xác tôi,” cô thờ ơ đáp tựa hồ chuyện chẳng to tát. Hệt hai người bạn đang tán gẫu. “Thực ra, tôi bị người ta hại chết.”