Cứ mỗi khi cửa sổ trên toa tàu được đẩy lên thêm 5cm, hương vị của biển lại chầm chậm ùa vào.
Đó là một trưa Chủ Nhật, và chẳng có hành khách nào khác ngoài tôi. Đến kì nghỉ hè sẽ có rất nhiều người đổ xô đến bãi biển, nhưng hiện tại chỉ là đầu tháng Tư, còn rất sớm trước khi bãi biển mở cửa. Bởi vậy, may ra chỉ có học sinh trung học mới đi ngắm biển vào kì nghỉ xuân… trong đó có tôi.
Chiếc tàu điện hai toa nhẹ nhàng chuyển mình. Hàng hàng lớp lớp rừng trúc lẫn vách núi trước mắt tôi đột nhiên biến mất, và khi tầm nhìn đã thông suốt, hương vị của biển lại càng rõ hơn. Dưới bầu trời ảm đạm, những nóc nhà san sát cùng mặt biển màu đồng càng trở nên mơ hồ hơn.
Tàu điện hơi lắc lư và dừng lại ở một nhà ga nhỏ.
Với tay lấy hành lý từ trên khay, tôi bước lên bậc thềm trống và ngay lập tức nhìn thấy dải đất màu xám giữa những dãy núi xanh rợp ở bên phải.
Chẳng biết từ lúc nào, nhưng thung lũng này giờ đã trở thành một bãi rác khổng lồ. Tôi không rõ nó được phép hoạt động hay không, nhưng có vô số xe tải từ khắp nơi đến đây và bỏ lại hàng đống đồ điện hay vật dụng hư hỏng. Ngày qua ngày, nơi đây càng trở nên yên tĩnh đến lạ. Yên lặng như thể đã mười lăm phút kể từ ngày tận thế - một khu vực tách biệt được tạo ra. Ngôi trường tôi từng học trung học ở sát bãi biển, và kể từ khi tình cờ lạc vào đây, tôi đã đặt cho nó là “Cửa hàng bách hóa đúng tâm nguyện”. Tôi lấy cái tên từ một quyển tiểu thuyết, và dù nó có dài hay khó đọc cũng không sao, vì tôi đâu định kể lại với ai.
Cha tôi có một nghề nghiệp kỳ quặc, bình luận âm nhạc (tuy quả thật có phần xúc phạm tới các nhà bình luận khác, nhưng tôi chỉ muốn nhấn mạnh là nghề của ông già tôi rất hiếm gặp) , và bởi vậy nhà tôi đầy những dàn âm thanh, dĩa thu âm, CD, bản nhạc và các thứ liên quan khác. Mẹ tôi bỏ đi mười năm trước cũng vì không chịu nổi chúng. Về phần tôi, khi lên sáu, dù lúc đó chưa hề có định hướng nào, tôi đã thề sẽ không bao giờ làm nhà bình luận âm nhạc.
Thôi tạm bỏ chuyện đó qua một bên. Những thiết bị trong nhà rõ ràng đều là công cụ mưu sinh, thế mà cha tôi lại đối xử với chúng rất tùy tiện, hay nói khác đi, ông làm vỡ mọi thứ - mặc kệ có là dàn loa, bàn quay, hay đầu DVD. Và bởi vì hồi nhỏ chẳng có mấy ai mua đồ chơi cho tôi, tôi bèn tìm cách tháo những món đồ hư hỏng, rồi từ từ học cách sửa và lắp chúng lại như cũ. Giờ thì nó đã trở thành một dạng sở thích của tôi.
Và cũng vì sở thích, cứ mỗi hai hay ba tháng tôi lại đến “Cửa hàng bách hóa đúng tâm nguyện” cạnh biển bằng chiếc tàu điện lắc lư để tìm những linh kiện còn dùng được. Có cảm giác tôi là người duy nhất còn lại trên trái đất khi đi quanh nơi này, và cảm giác ấy cũng khá dễ chịu.
Tuy nhiên, tôi không phải người duy nhất đến bãi rác hôm đó.
Bước đi giữa cánh rừng để tiến đến thung lũng, tôi có thể thấy ngọn núi hình thành từ đống tủ lạnh và xe nát chịu trận trước bao mùa mưa nắng. Điều ngạc nhiên là, tôi còn nghe thấy tiếng đàn piano.
Ban đầu tôi còn nghĩ do mình tưởng tượng ra, nhưng khi ra khỏi khu rừng và nhìn lên núi rác thải trước mắt, tôi nhận ra không chỉ có mỗi tiếng piano. Hợp âm đàn fa-gôt trầm lặng như mặt biển yên ả cùng tiếng kèn clarinet cũng dần truyền tới…
Chẳng biết đây là bài gì, nhưng có vẻ tôi đã từng nghe qua. Hẳn là một bản hòa tấu dương cầm từ thế kỷ mười chín của Pháp. Nhưng sao tôi nghe thấy nó ở nơi này được?
Nhảy lên trần một chiếc xe, tôi bắt đầu leo lên đống vật dụng phế thải. Giai điệu piano đã chuyển sang hành khúc. Tôi vốn nghĩ có lẽ nó phát ra từ một chiếc radio vẫn còn điện tình cờ để mở, nhưng ý tưởng này tan biến chỉ trong phút chốc. Chiều sâu của âm thanh không như nhau, nên đây chắc chắn phải là tiếng dương cầm được trình diễn sống.
Sau khi lên đến đỉnh, tôi nhìn xuống chỗ trũng của bãi rác, và cảnh tượng đón chờ ở đó quá bất ngờ đến mức khiến tôi nghẹt thở.
Giữa núi ngăn tủ và giường cũ nát, một chiếc đàn piano cỡ lớn nằm đó, nắp của nó tỏa ra ánh đen bóng và được mở lên như đôi cánh. Ở bên kia của cây đàn là một mái tóc màu hạt dẻ đung đưa theo từng giai điệu tinh tế đang phát ra.
Là một cô gái.
Cô ấy ngồi trước những phím đàn đã xiêu đi, đôi mắt dán chặt lên tay, hai hàng mi dài hơi chau lại. Những thanh âm tinh tế và xuyên suốt khi cô ấy chơi đàn như những giọt mưa cuối đông, nhảy ra từng giọt một từ chiếc dương cầm.
Không hiểu sao trông cô ấy rất quen.
Nghiêm nghị mà nhợt nhạt, một gương mặt như đến từ thế giới khác, và cô gái đẹp đến mức tôi không thể dời mắt đi; mái tóc màu hạt dẻ kia đang tỏa sáng như hổ phách tan chảy dưới ánh mặt trời.
Tôi từng gặp cô ấy ở đâu đó, nhưng… tại sao lại thế?
Tôi không nhớ tên cô gái. Với bản nhạc mà cô đang chơi, tôi cũng chẳng thể nhớ được.
Và ở đây cũng không còn ai ngoài chúng tôi, vậy lẽ ra tôi chỉ nghe thấy tiếng đàn và tiếng sóng biển truyền đến từ khu rừng mới phải… Tại sao? Tại sao tôi lại nghe được âm thanh từ cả một dàn giao hưởng?
Đột nhiên tôi nhận ra chiếc piano bên dưới đang phát ra tiếng rung nhè nhẹ mỗi khi cô gái cố chơi lên những nốt thấp. Không chỉ thế, chiếc xe đạp bị chôn vùi phía bên kia, hộp thiếc hoen gỉ bên này, những màn hình LCD đã hỏng, mọi thứ đều hưởng ứng cùng tiếng dương cầm.
Những vật bị vứt bỏ trong thung lũng đang ca hát.
Tiếng vọng ấy khuấy động kí ức của tôi về dàn giao hưởng hòa tấu cho bản nhạc.
Chỉ là ảo giác của thính lực, nhưng nó quá chân thực.
Hình như tôi quả thật có biết bản nhạc này, rốt cuộc nó gọi là gì chứ?
Tại sao --- nó lại khiến tôi xúc động như thế?
Tiết tấu nhanh của hành khúc như những bước chân vội vã chạy đến cửa sông trước tảng sáng. Muôn vàn bong bóng nốt nhạc nổi lên từ tận sâu biển cả và dần tỏa ra xa. Rồi thì, tiếng dàn giao hưởng lại từ nơi xa xăm truyền đến, liên tục, vững vàng…
Nhưng tiếng nhạc đột ngột dừng lại.
Ngưng cả nhịp thở, tôi nhìn xuống chiếc piano, cả thân người vẫn bám dính trên đỉnh đống đổ nát.
Cô gái đã ngừng chơi đàn, và đang nghiêm nghị trừng mắt nhìn tôi.
Dàn giao hưởng ảo mộng, dư âm của tiếng dương cầm, và cả tiếng gió xào xạc thổi qua những tán cây – tất cả đều biến mất, trong một khoảng khắc gợi cho tôi cảm giác tận thế thật sự đã tới.
“… Cậu đứng đó từ bao giờ?”
Cô ấy cất tiếng. Giọng nói trong trẻo, như thanh âm khi ly rượu vang rơi vỡ trên sàn. Cô ấy đang giận. Tôi hơi trượt chân khỏi cái tủ lạnh mình đang đứng lên trên.
“Tôi hỏi cậu, cậu đã đứng đó từ lúc nào?”
“Ừm, à…”
Sau khi miễn cưỡng mở miệng, cuối cùng tôi cũng có thể hít thở lại bình thường.
“… Chắc là từ giữa đoạn độc tấu.”
“Đoạn độc tấu lúc đầu sao?”
Cô gái như muốn nhảy dựng lên, mái tóc hạt dẻ mềm mại xõa xuống vai. Chỉ đến lúc đó tôi mới nhận ra cô ấy đang mặc một bộ váy liền mảnh màu trắng.
“Vậy là cậu đứng nghe ngay từ đầu?”
Làm thế nào được! Thế cô muốn tôi phải làm gì? Nhảy vũ điệu Ấn Độ và gào thật to cho cô thấy sao? Khi nhìn thấy gương mặt ửng đỏ và mái tóc khẽ run lên của cô gái, tôi dần bình tĩnh lại. Tôi đâu làm gì sai, chỉ là có người đến đây trước tôi thôi, phải không nào?
“Bệnh hoạn! Biến thái!”
“Không, đợi đã!” Tôi đã làm gì mà phải bị gán hai tội danh đó chứ?
“Không ngờ dám rình theo người ta đến tận đây!”
“Rình… Uây! Tôi chỉ đến đây lấy chút đồ thôi!”
Đúng lúc cô gái đập mạnh nắp đàn xuống, có thứ gì đó cộng hưởng cùng nó. Rồi cái tủ lạnh tôi đang đứng ở trên rung động kịch liệt. Nó khẽ nghiêng, và tôi đang rơi xuống theo nó.
“Whoaaaaa!”
Tôi lăn xuống từ chiếc tủ lạnh đến mui chiếc xe bỏ hoang cho tới tận dưới chỗ thũng của thung lũng. Bả vai tôi cuối cùng đập vào chân đàn.
“…Ouch!”
Khi đang định đứng dậy, tôi nhận ra gương mặt cô gái ở ngay trước mắt, cặp mắt xanh biển đang nhìn trừng trừng vào mình. Sửng sốt, tôi không thể cử động, và chỉ còn biết ngây ngốc nhìn hai hàng môi đang khẽ rung lên như cánh hoa trà của cô ấy.
“Nếu không rình theo tôi, cậu đến đây làm gì?”
“Ể? À, không, cô thấy đấy…”
Cô gái cau mày. Thứ năng lực thần bí đang trói chặt tôi dường như cũng yếu đi đôi chút. Rốt cuộc tôi cũng có thể kiểm soát bản thân, và luống cuống dịch ra sau.
“Đã bảo tôi đến đây để lấy vài linh kiện âm thanh mà! Tôi cũng thường đến đây. Không có vụ bám theo cô đâu.”
“…Thật chứ?”
Tôi nói dối làm gì? Vả lại, chẳng lẽ cô gái này biết mình đang bị ai đó bám theo ư?
“Dù thế nào cũng mau đi đi, và đừng nói cho ai biết là tôi ở đây. Cậu cũng phải xóa sạch kí ức về bản nhạc vừa được nghe nữa.”
“Làm thế quái nào được…”
“Nhất định. Không. Được. Nói. Cho. Ai.Biết!” Mắt cô nàng ứa lệ, trông hệt như những ánh sao hạ trần. Nhìn thấy thế, tôi còn biết nói gì khác được.
“Hiểu rồi, tôi chỉ cần đi cho khuất mắt là được, phải không?”
Đeo túi xách trên vai, tôi bắt đầu leo lên đống đổ nát. Thế rồi có tiếng cách cách đầy máy móc phát ra, và đi kèm là tiếng la “A! Ya!” của cô gái.
Quay lại nhìn, tôi thấy một máy thu âm bỏ túi trên cây đàn, và nó đang phát ra tiếng động lạ tai. Có thể nào cô ấy định thu lại bản nhạc này ngay từ đầu…? Cuộn băng ghi âm bên trong đang xoay xoay qua lại, còn tôi thì không thể nhìn cảnh cô nàng lo lắng ôm lấy chiếc máy thu nữa. Tôi bước đến và bấm vào nút tắt của chiếc máy.
“…Hư…Hư rồi sao?”
Hỏi bằng giọng như muốn khóc, cô gái cẩn thận nâng chiếc máy lên và giữ lấy nó như nâng niu một quả trứng sắp nở.
“A, đừng làm thế. Không thể mở nó như vậy được.”
Cô nàng liền ngừng ý định cố mở nắp ra. Tôi đặt túi xách lên piano rồi lấy ra cái tua-vít. Hai con mắt tròn liền mở to khi nhìn thấy nó.
“…Cậu sẽ tháo nó ra?”
“Đừng lo, tôi sẽ cẩn thận sửa lại cho.”
Nhận chiếc máy thu âm từ tay cô gái, tôi nhận ra đây không phải loại máy thu thông thường, mà là dạng thu và phát ở cả hai mặt. Nó không chỉ cùng lúc chơi được mặt A và B của cuộn băng, mà còn có thể thu chúng lại thành hai phần riêng biệt. Thế nhưng nhãn hiệu ở trên chiếc máy thuộc một ngôn ngữ tôi chưa từng thấy qua, và hiển nhiên là không phải tiếng Anh.
“Tiếng gì vậy?”
“Tiếng Hungary đó,” cô ấy khẽ trả lời. Hàng Đông Âu cơ à, tôi có sửa được không đây?
Khi tháo vít và gỡ vỏ ngoài, những thứ bên trong đều là linh kiện mà tôi đã quen thuộc. Tiêu chuẩn quốc tế cũng có lúc hữu dụng đấy chứ.
“Có… sửa được không?”
“Chắc được.”
Hạ nắp đàn xuống làm bàn thao tác, tôi từ từ tháo chiếc máy ra. Quả như tôi nghĩ, cuộn băng từ đã bị lệch khỏi hộp băng, đoạn dây bị kẹt cuộn thành một nhúm như thể nội tạng của hải sâm, khiến tôi phải tốn một phen mới lấy hộp băng ra được.
“…Này, có phải cái máy ngay từ đầu đã bị hỏng rồi không?”
“Ế? À, ừm… cuộn băng sẽ không ngừng chạy dù đã xoay hết vòng, vậy nên nó sẽ bị rối lại nếu không bấm dừng.”
Ra vậy, cơ chế tự tắt của nó đã hỏng từ trước.
“B-Bởi vì cậu đột nhiên xuất hiện, làm tôi quên mất phải tắt nó đi.”
Lại là lỗi của tôi nữa sao? Đi mua cái khác đi thím ạ.
“Đây là vật rất quan trọng với cô?” Tất nhiên, vì cô nàng vẫn cứ dùng nó dù đã hỏng.
“Ể?” Cô ấy kinh ngạc nhìn tôi, rồi cúi đầu và nói, “Ừm.”
Hungary à. Vậy cô gái này hẳn không phải người Nhật? Từ gương mặt tôi cũng có phần nhận ra cô nàng là con lai. Trong khi đang nghĩ thế, tôi lục lọi trong đống đổ nát để tìm linh kiện, và hoàn tất tu sửa chiếc máy với các thứ tìm được. Giờ thì nó không còn chạy sai nữa, bất kể là khi tua nhanh hay đảo lại.
“Xong rồi đấy.”
“Hơ… À, ừm.” Cô nàng có vẻ không tin. Tôi đang định bấm nút chạy để kiểm chứng rằng chiếc máy hoạt động tốt, thì cô ấy bất ngờ giật lấy nó.
“K-Không được phép nghe.” Cô nàng vặn âm lượng đến mức nhỏ nhất rồi ghé tai nghe thử.
“…C-Cảm ơn cậu.”
Ôm chặt lấy chiếc máy, cô gái lí nhí cảm ơn tôi trong khi cúi gầm mặt bẽn lẽn. Không hiểu tại sao cũng thấy xấu hổ, do vậy tôi quay đi rồi gật đầu.
Khi tôi thu dọn mấy dụng cụ vào túi xong, cô ấy đột nhiên hỏi, “Sao cậu mang theo nhiều thứ vậy?”
“Không phải tôi đã nói là thích vọc máy móc sao, vậy nên mới đến đây tìm linh kiện!”
“Thế… có vui không?”
Câu hỏi đường đột này khiến tôi chẳng biết trả lời sao.
“Hừm… Tôi cũng không rõ là sửa máy móc có phải điều vui vẻ hay không. Nhưng mọi người có vẻ rất vui khi có lại thứ tưởng rằng đã mất.”
Khi chúng tôi nhìn nhau, mặt cô ấy lại đỏ lên, cô gái liền quay mặt đi. Nhìn gương mặt nghiêng nghiêng của cô gái, bỗng dưng tôi lại muốn hỏi cô ấy rất nhiều chuyện. Tại sao cô ở đây? Hay phải hỏi là… cô là ai? Bản nhạc cô vừa chơi tên là gì? Hơn nữa, tôi còn muốn nghe những gì cô ấy thu lại, phải không? Nói không chừng dàn giao hưởng tôi vừa nghe được không phải chỉ là ảo giác? Tuy nghĩ như vậy, nhưng tôi đoán cô ấy sẽ lại nổi giận nếu tôi hỏi chúng.
Cô gái đặt máy thu âm lên piano rồi ngồi lên một chiếc tủ thay cho ghế, và chỉ nhìn xuống chân mình. Tôi muốn nói chuyện thêm, nhưng không khí lại không cho phép, và tôi chẳng còn cơ hội để bắt chuyện. Thôi bỏ đi, chắc cô ấy thấy tôi phiền phức cho coi. Về nhà vậy.
Chắc lần tới tôi sẽ không gặp cô ấy khi đến đây nữa, phải không? Hay có thể nào cô ấy đến đây vì nhà không có piano? Tôi nghĩ vẩn vơ khi chuẩn bị leo lên đống đổ nát. Ngay lúc đó, từ sau lưng, tiếng của cô gái cất lên.
“Ưmm—”
Tôi quay đầu lại.
Cô nàng đang ngượng ngùng đứng bên chiếc piano. Lần này hẳn không phải là nổi giận rồi, mà có phần bẽn lẽn vì xấu hổ. “Cậu sống gần đây à?”
Tôi hơi nghiêng đầu.
“…Không. Mất bốn tiếng đến đây bằng tàu điện.”
“Thế cậu có đến nhà ga bây giờ không?”
Cô nàng ngay lập tức tỏ ra yên tâm khi tôi gật đầu. Đeo chiếc máy thu âm bên hông, cô ấy bắt đầu trèo lên theo sau tôi.
“Cô về à? Thế tôi ở lại nhé?”
“Không được! Đi nào, mau lên!”
Cái quái gì thế…
Bực mình, tôi bước qua lại giữa đống đổ nát, rồi chậm rãi đi về hướng cánh rừng kế thung lũng. Dù không ngớt phàn nàn hết vì chân đau đến sắp té, cô nàng vẫn đi theo tôi.
“Này…”
Tôi quay lại và gọi cô ấy. Giật mình, cô gái cứ ngập ngừng từ sau tôi khoảng ba mét.
“C-Chuyện gì?”
“Có phải là cô không nhớ đường về nhà?”
Vì có nước da trắng hơn một người Nhật bình thường, khi cô ấy đỏ mặt thì càng dễ nhận thấy. Tuy cô nàng lắc đầu nguầy nguậy, tôi có thể chắc là mình đã đoán trúng, và không khỏi thở dài,
“À, lần đầu tới đây tôi cũng bị lạc mà.”
Chỉ sai một bước từ lối mòn bên bờ biển đến nhà ga là ta sẽ lạc ngay.
“Không phải lần đầu. Tôi đã đến đây khoảng ba lần rồi.”
“Và cô vẫn không nhớ đường, dù đã đến ba lần…”
“Tôi đã nói không phải vậy mà!”
“Thế sao cô không tự về một mình đi.”
“Ư…”
Cô gái nghiến răng và nhìn tôi chằm chằm. Còn biết làm sao được, tốt nhất không nên cãi với cô ấy nữa, tôi lặng lẽ đi ra khỏi khu rừng. Trên đường, tôi thấy một xe tải màu tím chạy qua, hẳn là đến đổ rác. Cánh rừng lại trở nên tĩnh mịch khi chiếc xe đi dần. Tiếng xe ở xa cùng tiếng những cành lá xào xạc gợi lại cho tôi bản hòa tấu dạt dào của piano.
Nó quả thực đã trở thành trải nghiệm đáng nhớ khiến tôi ngưng thở. Thế nhưng có lẽ phép lạ ấy sẽ chẳng xảy ra nếu cô gái này không chơi piano ở nơi đặc biệt như vậy. Tôi khẽ liếc nhìn cô ấy khi đang bước tới.
Mà này, rốt cuộc là tôi từng thấy cô ấy ở đâu? Cô ấy là một người bạn mà tôi đã lỡ quên chăng? Nếu không thì sao cô ấy lại tỏ ra bực dọc khi trông thấy tôi chứ?
Không thể nào, đúng không?
Nếu tôi quen một cô gái có ấn tượng mạnh thế này, không đời nào tôi quên được cô ấy.
Sau khi đi đến thị trấn nhỏ nằm giữa biển và các dãy núi với vô số sườn dốc, những mái nhà loi nhoi cùng với nhà ga liền ở ngay trước mắt chúng tôi. Hầu như không còn ánh đèn nào từ con đường mua sắm, trong khi tòa nhà bốn tầng với biển quảng cáo Glico trên mái vẫn hiên ngang như một tượng đài từ thời Shouwa. Thân thuộc làm sao. Phía bên trái, tấm biển với logo JR và bảng tên của nhà ga được đặt trên căn nhà trông như tổ hợp. Ngoại trừ hai chúng tôi và một vài chú mèo hoang đang lục thức ăn thừa, sẽ chẳng còn thấy được vật gì khác chuyển động trước cổng tiệm mì soba.
“Đến nơi rồi.”
“Tôi thấy mà.”
Cô ấy chỉ nói thế, rồi chạy vội đến cổng nhà ga.
Tôi chỉ biết đứng ngây ra và xem coi mình nên làm gì tiếp theo mà không thể gọi tên cô gái. Không còn cách nào khác. Đây là lần đầu tôi gặp cô ấy, và cô nàng còn bảo tôi hãy quên mình đi.
Chắc tôi sẽ quay lại thu thập vài món đồ.
Quay lưng chuẩn bị đi, tôi có thể nghe thấy tiếng ai đó,
“Này cháu ơi.”
Là tiếng một ông cảnh sát trung niên đang đi ra từ bốt đối diện trạm xe buýt. Có vẻ tôi không phải người ông ấy gọi. Cô gái liền giật bắn người rồi rụt rè xoay người lại. Ông cảnh sát bước đến và hỏi, “A, là tiểu thư Ebisawa phải không?”
“…Ế? Ừm, dạ…”
Mặt cô ấy trắng bệt vì sợ.
“Ahh, quả nhiên là bác đoán đúng. Ngay cả trang phục của cháu cũng giống nữa. Gia đình giờ đang tìm cháu, đúng không? Hình như lần trước bỏ nhà đi cháu cũng đến đây thì phải. Mà thôi, cứ theo bác. Bác sẽ gọi người nhà cháu.”
Một cô gái bỏ nhà đi sao… Hình như còn tái phạm nhiều lần nữa, tốt nhất không nên dính dáng đến cô nàng. Khi tiếp tục bước đi và tạt qua ông cảnh sát, tôi có thế thấy cô ấy đang chằm chằm nhìn mình, mong được giúp. Khỉ thật, sao cuối cùng tôi vẫn nhận thấy nó chứ?
Cứ như cái ánh mắt rưng rưng khẩn thiết ấy đang bảo: “Nếu không giúp, tôi sẽ hận cậu suốt đời.”
Thôi nào. Cứ lơ cô ta đi cho xong.
Nhưng đã quá trễ. Tôi sẽ không đáng làm người nếu có thể bước đi sau khi nhìn thấy ánh mắt cô ấy.
“Umm…”
Tôi cất tiếng, nhìn vào tấm lưng đầy mồ hôi của ông cảnh sát. Ông ấy sắp đưa cô gái về đồn, và biểu hiện khi quay lại cho thấy đến tận giờ ông mới nhận ra sự hiện diện của tôi.
“Cháu nghĩ bác nhầm bạn ấy với ai khác rồi. Bác thấy đấy, cô bé này đang đi cùng cháu.”
“Hở?”
Gương mặt ông cảnh sát trở nên rất tếu, như thể ông vừa nhai phải ốc sên hay gì ấy.
“Này, mau đi thôi. Nếu lỡ chuyến tàu chúng ta sẽ phải đợi rất lâu đấy.”
“A, ưm… ừ.”
Cô nàng chạy ra khỏi khi tôi đang gật đầu với ông, rồi chúng tôi mau mắn bước đến nhà ga. Chẳng biết ông ấy có hiểu điều tôi nói không, nhưng tóm lại có ở lại đây cũng không ích gì.
Khi đã mua vé và qua cổng, chúng tôi trộm nhìn về hướng trạm xe buýt.
“Có thành công không… Cô phải giả vờ giống tôi nếu ông ấy đuổi theo đấy, biết chưa?”
“Tôi, tôi…” cô gái nắm lấy vé tàu, rồi tránh ánh mắt của tôi. “Tôi đâu có nhờ cậu giúp!”
“Được thôi, để tôi đi gọi ông ấy vậy. Tốt hơn là không nên nói dối.”
Mặt cô nàng lại đỏ ửng, và cô ấy không nói gì thêm. Thay vào đó, cô nàng không ngừng phẩy lên lưng tôi.
“Lần sau có bỏ nhà đi, chọn chỗ nào mà cha mẹ không kiếm được ấy!”
“Không phải! Chuyện không như cậu nghĩ đâu…”
Thế hóa ra tôi là thằng chĩa mũi vào chuyện người khác ư. Chẳng lẽ cô ấy thật sự ghét tôi? Này, tôi vừa giúp cô đấy!
Nén cơn giận, cô nàng lại chằm chằm nhìn tôi, rồi bước tới bậc thềm dẫn đến tuyến đi Kudari. Hướng ngược lại với tôi ư. Dù có chút an lòng, tôi cũng đồng thời thấy hơi chút tiếc nuối.
Thế rồi, ga tàu điện phát một bản nhạc cho thấy tàu đã cập bến. Là một giai điệu rất quen thuộc – Mười hai khúc biến tấu của ‘Ah vous dirai-je, Maman’ do Mozart sáng tác.
“A…”
Đột nhiên bóng đèn vàng trong đầu tôi sáng lên. Nhớ được rồi! Tôi đã nhớ ra cô ấy là ai. Đúng rồi, chẳng phải ông cảnh sát vừa nói họ cô ấy là Ebisawa sao?
“Ebisawa… Mafuyu?”
Sắp đặt chân lên bậc thang thứ hai, nhưng dường như quá kinh ngạc đến độ phải dừng bước, cô gái quay lại, khuôn mặt trắng trẻo liền ửng đỏ, hai cặp mắt như mây đen chờ trận giông bão.
Chẳng trách tôi thấy cô nàng quen quen – tôi từng thấy cô ấy trên bìa dĩa CD, và cả trên TV nữa. Đây là thần đồng piano đã trở thành người trẻ tuổi nhất từng thắng giải trong cuộc thi Piano Thế giới tổ chức ở Đông Âu, khi mới mười hai tuổi. Album đầu tay của cô cũng được đón nhận nhiệt liệt. Là Ebisawa Mafuyu.
Nhân vật bí ẩn này đã ra mắt một vài album khoảng hai năm rưỡi trước, nhưng lại biến mất khỏi giới âm nhạc ở tuổi mười lăm.
Và giờ, cô ấy đang đứng trước mặt tôi, nắm lấy tay vịn thang, gương mặt như sắp khóc.
“…Cậu… biết tôi…?”
Giọng nói đứt quãng của cô ấy gần như bị âm thanh quanh khu phân cách át đi, nhưng tôi vẫn khẽ gật đầu. Không những có biết, tôi còn nhớ tên tất cả những bản nhạc cô nàng phát hành.
“Ừ, có chứ. Bởi vì tôi có tất cả CD của cô, và…”
“Quên hết đi!”
“Ể?”
“Cứ, quên hết đi!”
Muốn nói gì đó, nhưng tôi chỉ có thể nhìn cô ấy chạy lên bậc thang, mái tóc hạt dẻ đung đưa sau lưng. Và rồi tiếng *ding ding ding* của thanh chắn khu phân cách hạ xuống lọt vào tai tôi. Trong một lúc, tôi chỉ biết đứng ngây ra một chỗ.
“--- Này!”
Có tiếng ai đó gọi. Quay đầu lại, tôi chỉ thấy một bóng trắng trên bậc thềm đối diện. Chúng tôi nhìn nhau trong một giây, rồi cô gái, Ebisawa Mafuyu, vung tay ném sang thứ gì đó.
Một vật màu đỏ bay qua đường ray. Tôi với tay định bắt lấy, nhưng nó đụng vào cổ tay tôi và rớt xuống đất. Là một lon cola.
Tàu điện chạy ngang qua hai chúng tôi.
Cô ấy bước lên, và chiếc tàu rời ga khi đã đóng hết cửa, bỏ lại mình tôi trên thềm. Lon cola lăn trên nền đất và gần rơi xuống đường ray thì tôi nhặt nó lên. Vẫn còn lạnh, chắc cô ấy mua từ máy bán hàng tự động phía kia. Đừng nói đây là quà cảm ơn của cô ấy nha?
Ebisawa Mafuyu.
Tôi đã nghe sạch CD của cô ấy, và tất nhiên không phải tôi là người mua chúng. Những thứ đó cha tôi luôn được tặng miễn phí, vì ông là nhà bình luận âm nhạc. Bộ sưu tập của ông tăng lên khoảng vài trăm CD mỗi tháng, nhưng các bản nhạc của cô ấy là thứ tôi nghe mãi không chán. Thực ra, ngay cả thứ tự của từng bản cũng tạo ấn tượng mạnh với tôi. Tôi rất thích tìm được các rung động ấm áp vô tình để lại giữa những giai điệu thanh thoát, vững vàng, và vô tri giác như thế.
Và tôi nhớ lại về bản nhạc cô ấy chơi ở bãi rác, bài ấy đâu có trong những CD của cô ấy, nhỉ? Nếu đã nghe qua, nhất định tôi sẽ nhớ nó.
Cô ấy rốt cuộc đã gặp phải chuyện gì?
Cô ấy không phải nghệ sĩ chơi những giai điệu sầu thảm như thế.
Những lời cuối ấy vẫn lởn vởn trong tai tôi, “Cứ, quên hết đi!”
Nắm lấy lon cola, tôi ngồi lên ghế chờ. Bản hòa tấu piano đầy kích thích và giọng nói của cô gái cứ vang mãi trong đầu tôi, cho đến khi chuyến tàu về thủ đô cập bến.
Đó là chuyện xảy ra trong kì nghỉ xuân trước khi tôi vào cao trung, một cuộc gặp tình cờ đến khó tin.
Khi trở về nhà, tôi nghe đi nghe lại bản “Mười hai khúc biến tấu của ‘Ah vous dirai-je, Maman’” do Mafuyu biểu diễn. Nghe nó, và nhớ lại sự kiện diễn ra hôm ấy, tôi không khỏi có cảm giác mọi thứ chỉ như một giấc mơ. Bởi vì không thể nào có chuyện đống đồ phế thải đó lại hưởng ứng cùng tiếng dương cầm, và chúng lại càng không thể tạo ra âm thanh của dàn giao hưởng.
Bằng chứng duy nhất chứng minh mọi chuyện có thật là lon cola cô ấy cho (?) tôi, thứ đã bắn hết lên người tôi ngay khi tôi mở nó ra. Thiệt tình, đúng là không được lắc hay ném đồ uống có gas mà. Sau khi tôi lau sạch sàn, những cảm giác còn sót lại của thực tế cũng theo đó tan biến.
Cho dù cô ấy không muốn tôi quên hết tất cả, hẳn tôi cũng sẽ quên. Người bận rộn như tôi còn không nhớ nổi giấc mơ mình có hai ngày trước cơ mà.
Lúc đó, tôi hoàn toàn không nghĩ rằng mình sẽ gặp lại Mafuyu dưới những tình huống như vậy.