Mùi bơ ngọt ngào cùng âm thanh nướng bánh đã in sâu vào ký ức của Yumi từ khi cô còn bé.
Căn bếp của tiệm bánh vừa là sân chơi vừa là nơi diễn ra số phận không thể tránh khỏi của cô.
Keiko đã dồn hết tâm huyết của mình vào việc làm bánh, và khi bà hướng dẫn Yumi, bà liên tục thủ thỉ với cô bé rằng:
“Yumi, con nhất định phải noi gương mẹ và bảo vệ cửa hàng này.”
Lời nói ấy thể hiện niềm tin không thể lay chuyển.
Những lời nói này dần dà in sâu vào tâm trí của Yumi, làm lu mờ định hướng tương lai của chính cô bé.
Đầu tiên, cô không biết mẹ mình đang mong đợi điều gì.
Cô tin rằng nếu cô làm việc chăm chỉ vì mẹ, nếu cô nỗ lực cố gắng, cô sẽ nhận được tình yêu thương của bà.
Nhưng thời gian trôi qua, kỳ vọng dần chuyển thành áp lực.
“Yumi, đến cả việc nhỏ này con cũng không làm được là sao.”
“Con gái của mẹ sẽ làm tốt hơn mà, phải không?”
Những lời nói lặp đi lặp lại này, không giống như mùi thơm ngọt ngào của bánh ngọt đọng lại trên mũi, để lại một nỗi cay đắng dày đặc trong lòng cô.
Đến khi Yumi tốt nghiệp trung học cơ sở, cô bắt đầu cảm thấy bản thân không thể kế thừa cửa hàng bánh như mong muốn của mẹ cô nữa.
Dù cho cô chưa bao giờ ghét việc làm bánh, nhưng cô không thể coi đó là tương lai của chính mình.
Yumi muốn tìm kiếm lẽ sống của chính mình. Cô muốn thấy giá trị của mình trong những thứ khác.
Đó chính là những điều cô ấy hằng mong muốn.
Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Yumi quyết định rời khỏi nhà và tìm một công việc mới.
Thế nhưng, phản ứng của Keiko thật lạnh lùng và gay gắt.
“Con đang nghĩ cái gì vậy? Con nghĩ việc không tiếp quản tiệm bánh là có thể chấp nhận được sao? Con là con gái của cái gia đình này! Vậy chứ mẹ sinh ra con để làm cái gì?”
Đó là một cú sốc.
Cái gai đã cắm rễ thật sâu vào trong trái tim của Yumi đến nỗi không thể lấy ra được.
Cô bắt đầu nghi ngờ về quyết định của bản thân.
Cô sợ rằng nếu làm trái với kỳ vọng của mẹ, bản thân sẽ mất đi tư cách là một đứa con gái.
Hết lần này đến lần khác, cô khóc một mình ở trong phòng, cố gắng hiểu những lý lẽ trong lời nói của mẹ, tự bào chữa cho chính mình, rồi lại lặp lại quá trình đó.
Cô gái muốn sống một cuộc đời do chính cô đã chọn, chứ không phải trở thành thứ công cụ của mẹ mình.
Việc Yumi từ chối giúp đỡ công việc kinh doanh của gia đình khiến mẹ cô ngày nào cũng nổi giận, tạo nên bầu không khí căng thẳng thường trực trong nhà.
Đôi mắt sắc sảo của mẹ và áp lực từ kỳ vọng của bà đè nặng lên trái tim cô.
Không có lối thoát nào cả.
Cô liên tục làm bà ấy thất vọng.
Bất kỳ công việc nào cô đảm nhận, mọi con đường cô chọn, đều bị coi là thất bại trong mắt mẹ mình.
Mỗi lần như vậy, trái tim của Yumi lại tổn thương thêm một chút.
“Con không thể làm được đâu, Yumi. Rút cuộc, bất kể con làm gì, con sẽ không bao giờ thành công. Nêu con không làm việc chăm chỉ như mẹ, con sẽ không bao giờ đạt được điều gì cả, đó mới là cách mọi thứ vận hành.”
Bao nhiêu gánh nặng đã đè nén vào trái tim của Yumi trước những lời nói lặp đi lặp lại của mẹ mình?
Yumi đã không còn phân biệt được những lời ấy là đúng hay là mẹ cô chỉ nói vậy thôi nữa.
Tuy nhiên, cô có thể cảm nhận được tiếng của thứ gì đó đã chết trong trái tim mình.
Tại thời điểm nào đó, cô còn không biết bản thân mình mong muốn điều gì nữa.
Hình bóng của mẹ ngay đằng sau cô, dần dần cô không thể chịu đựng hay phản kháng được nữa,
Cô nhận ra rằng tất cả những gì cô có thể làm là sống với gánh nặng đó trên vai từ đó trở đi cho đến tương lai về sau.
Cô bắt đầu thật sự tin vào điều đó.
Mặt khác, chỉ có Takuya Sato, một thợ làm bánh làm việc tại cửa tiệm của Keiko, cảm nhận được sự thay đổi trong suy nghĩ của Yumi.
Cho dù Yumi không nói gì, chỉ có anh mới hiểu được sự im lặng đó có ý nghĩa gì.
Takuya dành tình cảm đặc biệt với cô, nhưng kể cả lòng tốt của anh cũng không thể cứu rỗi trái tim của cô.
Không có cách nào có thể hàn gắn lại sự tan vỡ trong Yumi, và mâu thuẫn với mẹ cô ngày càng trở nên quyết liệt.
Và thế là, cô gái ấy đã đưa ra lựa chọn bi thảm nhất để thoát khỏi sự kiểm soát của mẹ mình.