Hyouka

Chương kế tiếp:

Truyện tương tự

Đau khổ vì tình, tôi trở thành Vtuber và trở nên nổi tiếng với các chị gái

(Đang ra)

Đau khổ vì tình, tôi trở thành Vtuber và trở nên nổi tiếng với các chị gái

Nito Rin; NitriN; 二兎凛

Không chỉ vậy, cả người thiết kế và tạo chuyển động model của cậu ấy, cùng với các VTuber yêu thích của cậu cũng bắt đầu thích Yuki…?

34 2137

Cô bạn thân nhất của crush đang bí mật tiếp cận tôi

(Đang ra)

Kurono chiến ký, dường như một người đến từ dị giới như tôi lại chỉ vô đối trên giường mà thôi

(Đang ra)

Kurono chiến ký, dường như một người đến từ dị giới như tôi lại chỉ vô đối trên giường mà thôi

Saito Ayumu

Sử dụng những tư duy và hiểu biết có được từ thế giới hiện đại, Kurono sẽ bắt đầu hành trình xây dựng nên đế chế của riêng mình, mở đầu bằng việc sử dụng 1.000 Á nhân đẩy lùi 10.

16 903

Đàn Bồ Câu

(Đang ra)

Đàn Bồ Câu

Nhất Điều Ngưu Nãi Ngư (Một Con Cá Măng Sữa)

Đây là câu chuyện kể về một sinh viên có một chút hardcore hệ vật lý hủy diệt cùng cứu thế, tất cả sự kiện đều xoay quanh các sự thật khoa học, có lẽ đọc lấy cũng không dễ dàng như vậy...

5 2

Tenchi muyo GXP

(Đang ra)

Tenchi muyo GXP

Kajishima Masaki

Tenchi Muyo GXP theo chân Yamada Seina, một cậu bé tuổi teen sống ở vùng nông thôn Okayama người vô tình gia nhập Cảnh sát Thiên hà do bản thân có thiên hướng xui xẻo và bị gia đình ép buộc. Chẳng bao

31 204

Tập 1 - Kem đá 氷菓 - You can't escape / The niece of time. - Chương 7 - Sự thật về CLB Cổ Điển.

CHƯƠNG 7: SỰ THẬT VỀ CLB VĂN HỌC CỔ ĐIỂN

Buổi thảo luận kết thúc cũng là lúc trời đã quá chiều, tôi đang thong thả đạp xe giữa những cánh đồng được phủ sắc cam của ánh tà dương và nghe những lời ngon ngọt của Satoshi.

“Thực lòng mà nói thì tớ chưa hết bất ngờ đó Houtarou, chắc chắn là vậy. Nếu cậu đúng, vậy thì lễ hội văn hoá trường ta nợ sự tồn tại của nó bằng cuộc đời học sinh của một con người. Vậy mà cũng suy nghĩ ra được, thật là bất ngờ mà!”

“Vậy là cậu nghi ngờ khả năng của tớ sao?”

Tôi nói đùa, nhưng hắn không cười mà chỉ đáp : “Cậu đã giải quyết nhiều điều bí ẩn kể từ khi vào trường phải không nào. Lần đầu gặp Chitanda này, cuốn kỉ yếu và cả vụ anh chàng bên CLB Báo Tường nữa.”

“Đó chỉ là ngẫu nhiên.”

“Nhưng kết quả lại không nói như thế, bởi vì tại sao cậu – một người xem trò giải quyết rắc rối dùm người khác là gánh nặng – rốt cuộc lại luôn thành công trong việc đó? Nếu chịu nghiêm túc suy nghĩ cậu sẽ thấy câu trả lời thật dễ dàng. Cậu đang làm vì Chitanda-san.”

Tôi quay sang nhìn hắn, chẳng biết điều hắn nói có đúng không…

“Làm vì Chitanda” không được chính xác lắm, tôi nghĩ lí do “tất cả là lỗi của Chitanda” dễ chấp nhận hơn. Tôi nhớ Satoshi đã từng bóng gió như thế, đó là tôi sẽ không làm gì nếu không ai bảo phải làm vậy. Quả thật nhỏ không nhờ vả tôi một cách trực tiếp, và thật sự tôi luôn hoàn thành những điều phiền toái cho nhỏ, nhưng mà…

“Hôm nay khác.”

Đúng thế, hôm nay thì khác.

“Cậu có khả năng thu hút sự chú ý của người khác vào mình đó. Hôm nay, nhiệm vụ tìm ra sự thật được chia đều cho bốn người chúng ta. Cậu đã có thể chọn cách nói là mình chẳng nghĩ được gì cả, và tụi tớ sẽ không ý kiến. Thế thì điều gì đã làm cậu chọn cái cớ ‘đi giải quyết’ để có thêm thời gian tìm kiếm câu trả lời cho tất cả?”

Mặt trời tiếp tục lặn, và tôi có thể cảm nhận những làn gió lướt qua mát rượi. Tôi dứt ra khỏi ánh mắt của Satoshi mà nhìn về phía trước.

“Không là vì Chitanda-san thì còn là gì nữa?”

Hắn đã hỏi rất đúng. Thông thường tôi sẽ không thèm quan tâm, vậy mà hôm nay tôi lại thấy mình thật sự tích cực.

Có… có thể là vậy rồi.

Tại sao ư? Có lẽ ít nhiều tôi đã hiểu, và nó chẳng liên quan gì đến Chitanda cả. Tuy nhiên tự hiểu ra một điều thì rất khác với làm cho người khác hiểu được điều đó. Một vốn từ vựng nghèo nàn đã khiến tôi không chuyển tải được suy nghĩ của mình cho họ, thậm chí là cho một tên tinh ý như Satoshi…

Mà không, ngược lại chứ. Chính vì biết hắn từ quá lâu nên việc giải thích mới trở nên khó khăn như vậy, và hôm nay là lần đầu tiên tôi cảm thấy một sự khác biệt quá lớn với lối sống thường ngày của mình. Vì vậy tôi có thể chọn cách lờ câu hỏi này đi vì hắn không hề bắt ép, nhưng tại sao đâu đó trong tôi lại hối thúc câu trả lời. Sau một quãng dài im lặng, tôi chọn lựa từ ngữ thật kĩ càng trước khi đáp:

“…Tớ đoán, mình đã mệt mỏi với cuộc sống ‘màu xám’ này rồi.”

“Hả?”

“Từ lúc gặp Chitanda, khả năng tiết kiệm năng lượng của tớ đã tụt thấp chưa từng thấy. Nhỏ có thể vừa lo chuyện xuất bản tập san, vừa học tập và thi cử và đi tìm quá khứ của mình. Nghĩ thôi đã thấy mệt. Cậu và Ibara cũng thế, toàn bỏ thời gian làm chuyện vớ vẩn.”

“Hì… cũng có thể.”

“Nhưng mà, đôi khi tớ cũng nghĩ là… ‘cỏ mọc ngoài rào thì xanh hơn’.”

Tôi khựng lại ngay, bởi vì lẽ ra nên chọn một câu thành ngữ nào tốt hơn một chút. Thôi lỡ rồi, cứ tiếp tục vậy,

“Bất cứ khi nào nhìn các cậu, tớ lại không giữ được bình tĩnh. Tớ muốn được bình tĩnh, nhưng lại cảm thấy điều đó chán phèo.”

“…”

“Vì thế ít nhất, tớ muốn… làm gì đó. Tớ muốn thử một chút cách sống của các cậu.”

Tôi không nói thêm gì nữa. Hắn cũng chẳng nói gì nên âm thanh tồn tại nơi đây chỉ là tiếng đạp pê-đan và gió. Satoshi là một tên mau miệng, nhưng có những lúc tôi mong hắn nói gì thì hắn lại im lìm. Một lý do hợp lí tạm thời để qua một bên, hiện tại tôi không thể chịu được sự yên lặng này.

“Nè, nói gì đi chứ?”

Tôi có thể cảm thấy Satoshi cười tươi mà chẳng cần nhìn, hắn đã chịu nói:

“Tớ nghĩ là…”

“Hmm?”

“Tớ nghĩ là ‘màu xám’ bắt đầu ganh tị với ‘màu hồng’ rồi đó nha!”

Không chút suy nghĩ tôi đáp : “Có thể.”

Nhìn chằm chằm vào cái trần phòng, nó vẫn trắng như mọi khi.

Tôi đang nằm nhai lại những điều Satoshi nói.

Tôi cũng thích nghe nhạc hay xem hài tạp kĩ. Dù là bị Chitanda xoay như chong chóng, tôi cũng cảm thấy những bí ẩn là cách tốt để giết thời gian…

 Nhưng mà, nếu tôi bị lôi cuốn vào mà không quan tâm đến thời gian, công sức thì sao? Cuộc sống của tôi liệu có vui hơn không? Liệu niềm vui đó có đáng để phản bội tinh thần tiết kiệm năng lượng mình đã hằng tin tưởng?

Ví dụ như, Chitanda đang đuổi theo quá khứ.

Và hơn nữa, người “anh hùng” Sekitani Jun đã bảo vệ hội Kanya ba mươi ba năm trước, nếu suy luận của tôi là đúng.

Không còn có thể tập trung nhìn vào một điểm. Biết ngay mà, cứ mỗi lần nghĩ đến điều đó tôi lại không thể bình tĩnh. Hướng mắt xuống sàn nhà cạnh chỗ đang nằm, tôi thấy bức thư của bà chị.

Ánh mắt của tôi chăm chú vào chỉ một dóng duy nhất:

Dám cá là mười năm sau nhìn lại chị sẽ không chút nuối tiếc gì với quyết định này đâu.

Mười năm sau, đối với người như tôi tương lai chắc cũng chẳng sáng sủa gì. Hai mươi lăm tuổi và nhìn lại bản thân mười năm trước, tôi tự hỏi mình có suy xét về những gì mình đã làm và đã có thể làm hay không? Có lẽ chú Sekitani Jun hai mươi lăm tuổi cũng sẽ nhìn lại cái tuổi mười lăm của chú với ít nhiều nuối tiếc.

Tôi…

Bất thình lình điện thoại đổ chuông.

Và đừng có nghĩ tôi làm quá, tại nãy giờ quá chú tâm nên tiếng chuông ấy thực sự làm tôi bất ngờ. Một cảm giác lo âu khó hiểu chợt dâng lên khi đầu óc vừa trở về thực tại, tôi nhanh chóng tỉnh dậy mà chạy xuống nhà.

“… A lô, nhà Oreki xin nghe.”

“Hở, Houtarou đó à?”

Cột sống tôi tự dưng gai lên. Một giọng nói quen thuộc đến từ người luôn phá đám lý tưởng sống của tôi mà đem đến đủ thứ rắc rối. Cuộc gọi đến từ Oreki Tomoe, đang lang thang ở một nơi nào đó vùng Tây Á và trốn trong đại sứ quán Nhật để tránh sự truy lùng của một nhóm điệp viên Mossad[1]. Gọi quốc tế nên tín hiệu không được tốt lắm, nhưng chắc chắn là bả.

Không tỏ ra nao núng, tôi đáp lại giọng nói đã không được nghe quá lâu rồi:

“Vậy là chị vẫn còn sống.”

“Ăn với chả nói, nghĩ chị đây dễ bị xử bời một hai thằng trộm à?”

Thế là thoát rồi à, chẳng ngạc nhiên chút nào.

Có lẽ đang lo về cước phí của một cuộc gọi quốc tế, chị ấy nói rất nhanh:

“Chị vừa đến thành phố Pristina hôm qua, thuộc Cộng hoà Yugoslavia đấy [2]. Tài chính và sức khoẻ đều trong tình trạng tốt, mọi kế hoạch đều trôi chảy. Đến Sarajevo chị sẽ viết thư cho em, nếu thuận buồm thì chắc là hai tuần nữa. Báo cáo hết, vậy bên em thì sao?”

Tôi xoắn ngón tay vào cọng dây điện thoại và đáp : “Không có gì bất thường ở hạm đội Viễn Đông.”

“Thế à, vậy...”

Chị ấy chuẩn bị cúp máy. Dù chẳng quan tâm đã cúp hay chưa tôi vẫn cứ nói:

“Tụi em đang viết tập san, ‘Kem đá’…”

“…Hả? Cái gì?”

“Tụi em đã tìm hiểu về Sekitani Jun.”

Chị tôi vẫn nói rất gấp gáp : “Sekitani Jun à? Cái tên gợi nhiều hoài niệm đấy. Hmm, không ngờ câu chuyện đó vẫn sẽ được tiếp nối. Cơ mà cái cụm từ ‘Hội Kanya’ có còn bị cấm không?”

Tôi không hiểu những gì chị vừa nói.

“Ý chị là sao?”

“Một bi kịch, chị không thích tí nào.”

Cấm? Bi kịch? Không thích?

Là làm sao? Chị ấy đang cố nói điều gì?

“Chờ chút, chị đang nói về Sekitani Jun phải không?”

“Còn ai nữa, ‘người anh hùng tử tế’ đó. Em biết mà phải không?”

Chẳng đi tới đâu cả. Dù cùng nói về một người nhưng suy nghĩ của chúng tôi không liên hệ với nhau được.

Và… linh tính mách bảo rằng tôi đã sai lầm. Suy luận tôi đưa ra ở nhà Chitanda có thể đã sai hoặc thiếu vài chi tiết nào đó. Tôi không lấy đó làm lo lắng vì bà chị này chắc là biết ít nhiều về sự kiện ở trường Kami ba mươi ba năm trước.

“Chị này, chị biết những gì về Sekitani Jun?”

Tôi quyết định nói chuyện nghiêm túc.

Và nhận lại là một câu trả lời đơn giản.

“Hổng có rảnh đâu, bái bai!”

Cụp. Bíp bíp.

Tôi đưa ống nghe ra khỏi tai và nhìn nó như một thằng ngốc.

“…”

… Sao mà …

“Bà chị mắc dịch!”

Tôi quẳng ống nghe vào chiếc điện thoại bàn cái cốp. Nỗi bực bội bây giờ đã được nhân đôi, tất cả là tại bả.

Tôi không nhớ chính xác những gì chị đã nói vì cuộc hội thoại diễn ra quá nhanh, tuy nhiên cái đoạn chị ấy than thở đã kịp hằn trong tâm trí.

Tôi leo lên giường và lấy ra tất cả những gì CLB Cổ Điển đã tìm thấy : “Kem đá”, “Thống nhất và Tán dương”, “Nguyệt san Cao trung Kami” và đoạn trích trong cuốn kỉ yếu “CAO TRUNG KAMIYAMA : 50 NĂM CÙNG NHAU VỮNG BƯỚC”… tôi cũng lấy ra lá thư mà chị đã gửi từ Istanbul và đọc lại một lần nữa cái dòng chữ đó.

Dám cá là mười năm sau nhìn lại chị sẽ không chút nuối tiếc gì với quyết định này đâu.

Mười năm. Chú Sekitani là hội trưởng ba mươi ba năm trước, nếu còn sống thì giờ chú ấy cũng phải năm mươi. Chú ấy thực sự không nuối tiếc về cuộc đời học sinh của mình thật ư?

Tôi không nghĩ vậy. Người “anh hùng” đã hy sinh bản thân, quẳng đi con đường học tập trước mắt vì bằng hữu của mình sẽ không có gì để mà tiếc, ở nhà Chitanda tôi đã nghĩ như thế…

Nhưng điều đó đúng sao?

Chỉ là một lễ hội mà để bị nhà trường nhắm đến và cuộc sống thì bị thay đổi mãi mãi. Nếu đời học sinh đã có màu của hoa hồng, thì một cuộc sống màu hồng bị đứt quãng còn có thể được gọi là hồng nữa sao?

Phần ‘xám’ trong tôi bảo không phải như vậy. Một mình hy sinh để bạn bè được tha thứ, một người ‘anh hùng’ là phải chịu đựng điều đó sao? Suy nghĩ này cứ lẩn quẩn trong đầu. Dù có là như vậy đi nữa tôi cũng không thể bỏ qua một sự thật rằng chị tôi đã gọi nó là bi kịch.

Tôi cần phải bắt đầu lại, sử dụng hết những gì liên quan đến sự kiện đó.

Thế là, tôi lại lao vào cuộc điều tra về ba mươi ba năm trước, về cuộc sống của Sekitani Jun có thực sự màu hồng hay không?

Ngày hôm sau tôi mặc đồ thường đến trường. Để kiểm chứng lại vài thứ tôi cũng gọi Chitanda, Ibara và Satoshi tới đây. Những gì tôi nói là : “Có một số chi tiết cần thêm vào suy luận của ngày hôm qua, tớ sẽ đợi ở phòng Địa Chất.”

Cả ba đều đến. Ibara ném cho tôi một cái nhìn khinh khi vì dám kêu nhỏ tới đây để chỉnh lại sai lầm, Satoshi thì cười tươi và có thể thấy hắn vẫn chưa hết bất ngờ vì hành động kì lạ của tôi. Còn Chitanda, vừa nhìn thấy tôi nhỏ đã lên tiếng:

“Oreki-san, tớ cảm thấy mình vẫn còn vài điều cần biết.”

Cũng nghĩ như vậy, tôi gật đầu và đặt tay lên vai nhỏ,

“Sẽ ổn thôi. Tớ nghĩ chúng ta sẽ hoàn toàn tìm ra trong ngày hôm nay, cố chờ thêm một chút nhé.”

“Ông nói ‘một số chi tiết cần thêm vào suy luận’ là sao hả Oreki?”

“Thì nghĩa là tiến hành bước cuối cùng để hoàn thành những gì chưa hoàn thành.”

“Tôi không hiểu, ý ông là chúng ta đã đi sai hướng và dẫn đến một kết luận sai ư?”

“Cứ nghe đi.”

Khi xấp tài liệu được lấy ra, tôi nhìn chằm chằm vào chúng hơn là đưa cho ba người kia xem.

“…’Kem đá’ được viết với một ý nghĩa sâu sắc hơn. Nó không phải để suy tôn cuộc đời của Sekitani Jun hay giai thoại về một người anh hùng, chính lời mở đầu đã nói như thế.”

Đó là phần Satoshi đã trình bày hôm qua, như dự đoán hắn đã chen vào:

“Không phải chúng ta đã nói về nó hôm qua sao?”

“Ừ, nhưng có lẽ chúng ta đã đi sai hướng.”

“Là sao?”

“Đoạn này, ‘Dù là người hy sinh trong cuộc tranh đấu ấy, sempai vẫn cười. Nụ cười của anh như đã theo dòng thời gian mà đến cõi vĩnh hằng, mà đến tận cùng của sự vô biên…’ Ở đây ‘hy sinh’ không mang nghĩa tình nguyện, đúng hơn, phải hiểu ‘hy sinh’ có nghĩa là ‘thế mạng’.”

Ibara nhướn mắt lên.

“Thế thì họ phải dùng từ ‘nạn nhân’ thay vì ‘hy sinh’ chứ?”

“Nạn nhân” à? Tôi không phải bõ công vì Chitanda đã hỗ trợ việc giải thích.

“Không đâu, ‘hy sinh’ có thể là không tình nguyện, hồi xưa người ta chỉ dùng theo nghĩa này thôi.”

Đúng là học sinh giỏi, rất nhanh gọn. Thế mà tôi đã định rút ra quyển từ điển.

Satoshi bình luận với một tiếng thở dài : “Tớ hiểu sự khác biệt về nghĩa mà cậu nói, nhưng mà nếu không hỏi trực tiếp người viết thì làm sao biết họ dùng nghĩa nào?”

Đúng thế, sự khác nghĩa không chỉ đơn thuần là một vấn đề về ngôn ngữ. Khi mà ngôn ngữ không chính xác như toán học thì một từ mang nhiều nghĩa là chuyện thường, và kết luận một từ hoàn toàn phải hiểu theo nghĩa khác là bất khả thi.

Nhưng vẫn có cách để giải quyết. Tôi gật đầu đầy tự tin mà trả lời Satoshi : “Ừm, vậy chúng ta đi hỏi người đó thôi.”

“Ai cơ?”

“Người viết lời mở đầu chứ ai? Kooriyama Youko là học sinh năm nhất ba mươi ba năm trước, vậy bây giờ cô cũng bốn tám, bốn chín là cùng.”

Hai đồng tử của Chitanda nở to.

“Vậy là cậu tìm được cô ấy à?”

Tôi gật đầu một cái thật mạnh.

“Không cần mắc công tìm, vì cô ấy ở rất gần đây mà.”

Ibara giơ tay lên. Biết ngay nhỏ sẽ là người đầu tiên nhận ra mà.

“A, biết rồi!”

“Đúng thế.”

“Ý hai người là sao?”

“Cậu biết người đó rồi à?”

Ibara nhìn tôi, và tôi chỉ gật nhẹ để nhờ nhỏ giải thích dùm.

“Đó là cô Tổng thủ thư Itoikawa đấy! Cô Itoikawa Youko, tên thời con gái[3] của cô là Kooriyama phải không?”

Ibara là thủ thư nên dĩ nhiên sẽ biết tên đầy đủ của cô Itoikawa, thế nên nhỏ mới nhận ra nhanh như vậy.

“Chính xác. Nếu chỉ nghe tên ‘Ibara Satoshi’ thì ta không có cách nào đoán được họ của Satoshi thực sự là Ibara hay không, nhưng vì ta đã biết tên của cô Itoikawa là Youko và tuổi của cô cũng có vẻ phù hợp nên việc suy ra cũng chẳng phải là vấn đề.”

Khoanh tay lại, Ibara bắt đầu một tràng mỉa mai khác:

“Sao lại có người kì dị như ông thế? Cả tôi là người tiếp xúc thường xuyên với cô Itoikawa mà cũng không nhận ra, vậy mà ông lại làm được. Có lẽ nên nhờ Chi-chan quan sát cái gì trong đầu của ông nhỉ?”

Như đã từng nói, tôi may mắn có những phát hiện bất chợt và tôi cũng không muốn bị Chitanda phẫu thuật thuỳ não.

Lúc này khuôn mặt của Chitanda từ từ đỏ lên,

“V… vậy, nếu chúng ta đến gặp cô Itoikawa…”

“Thì chúng ta sẽ thật sự biết chuyện gì đã xảy ra ba muoi ba năm trước. Tại sao nó lại không là câu chuyện về một người hùng, tại sao bìa tập san lại được vẽ như thế, tại sao có tên là ‘Kem đá’… Chúng ta sẽ biết tất cả câu trả lời liên quan tới cậu của cậu.”

“Nhưng mà, cậu có bằng chứng nào chứng tỏ đúng là cô Itoikawa không? Sẽ thật là kì nếu hoá ra lại không phải cô ấy.”

Không còn sai lầm nào nữa đâu. Tôi nhìn vào đồng hồ và nhận thấy đã đến lúc…

“Thực ra tớ đã đi kiểm chứng và biết là vào năm hai cô là hội trưởng CLB Cổ Điển. Tớ cũng đã hẹn cô để nói chuyện. Đến giờ hẹn rồi đó, đi đến thư viện nào.”

Vừa quay lưng lại tôi nghe thấy Ibara lẩm bẩm : “Tích cực quá ha.”

Đúng là vậy đấy.

Trong kì nghỉ hè cửa sổ thư viện được phủ rèm kín mít để bảo quản sách khỏi tác hại của nắng gắt. Với một môi trường trong nhà dễ chịu nhờ máy điều hoà thư viện vẫn đông đúc với những học sinh chuẩn bị cho hội Kanya, và những học sinh năm cuối đang ôn thi đại học. Có thể thấy cô Itoikawa ngồi sau quầy thủ thư mà đang viết lách gì đó, đeo cặp kiếng mà lần trước chúng tôi không thấy. Cô có dáng người nhỏ và trên khuôn mặt đã xuất hiện những nếp nhăn, dấu tích của gần ba mươi mốt năm tốt nghiệp trung học.

“Cô Itoikawa.”

Nhận ra mình được gọi, cô ngẩng mặt lên và mỉm cười,

“À, CLB Cổ Điển phải không?”

Cô nhìn quanh thư viện rồi nói : “Ở đây hơi đông, các em vào phòng cô rồi nói tiếp nhé.”

Và dẫn chúng tôi vào căn phòng nằm sau quầy thủ thư.

Văn phòng của Tổng thủ thư là một không gian ấm cúng đủ rộng rãi để một người làm việc, dù cái điều hoà trong đây nhỏ một cách bất ngờ. Vì rèm treo vẫn còn để cao nên cô đi tới hạ nó xuống và ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống sô-fa. Một hương thơm dễ chịu đến từ bình hoa đặt trên chiếc bàn duy nhất trong phòng, tôi cảm thấy nó không phải dành cho khách mà là để chính cô thưởng thức.

Cái sô-fa lớn thật nhưng không đủ để cả bốn chúng tôi cùng ngồi vào, thế nên cô Itoikawa phải lấy một cái ghế xếp để bên cạnh.

Nhưng sao lại là tôi phải ngồi trên ghế xếp trong khi ba người kia ngồi sô-fa?

Cô Itoikawa ngồi trên một chiếc ghế xoay, cô chống hai cùi chỏ lên bàn đối diện với chúng tôi và hỏi : “Rồi, vậy mấy em cần trao đổi gì với cô nào?”

Cô dịu dàng hỏi, theo lẽ thì tôi phải đại diện nhóm lên tiếng. Tôi cố gắng để tay và chân thích nghi với tình huống không quen này rồi trả lời : “Vâng, có vài điều tụi em cần biết. Nhưng trước hết em muốn xác minh một thứ : tên thời con gái của cô là Kooriyama phải không ạ?”

Cô gật đầu.

“Vậy cô là người viết cái này phải không ạ?”

Tôi lấy ra quyển tập san và đưa cho cô. Cô Itoikawa nhìn vào và cười,

“Ừ, là cô đấy. Nhưng thật ngạc nhiên là nó được bảo quản tốt thế này.”

Sau đó cô chuyển hướng nhìn vào tôi,

“Có lẽ cô biết em muốn nói chuyện gì rồi. Thành viên CLB Cổ Điển hỏi về tên thời con gái của cô… Các em muốn biết về biến cố xảy ra ba mươi ba năm trước phải không?”

Trúng phóc, vậy là cô biết thật.

Tuy nhiên, đối lập với kì vọng của chúng tôi, cô chỉ thở dài.

“Nhưng mà, tại sao các em lại quan tâm tới sự kiện đã quá xưa như thế? Sẽ tốt hơn nếu nó bị lãng quên mãi mãi.”

“Dạ, nhờ bạn Chitanda đây rối rít về những bí ẩn giống vầy như khỉ chứ không thì em cũng chẳng để ý tới.”

“Khỉ?”

“Xin lỗi, ý tớ là như quỷ[3].”

Cô Itoikawa và Satoshi đều cười, trong khi Ibara tỏ ra bực bội. Chitanda cũng nhẹ nhàng phản đối nhưng tôi lờ nhỏ đi. Cô Itoikawa quay sang hỏi Chitanda : “Thế lí do gì khiến em quan tâm đến sự kiện này?”

Tôi để ý Chitanda nắm chặt hai bàn tay đang để trên đùi, nhỏ có vẻ lo khi trả lời ngắn gọn:

“Sekitani Jun là cậu của em.”

Cô Itoikawa há hốc lên.

“Ồ, cô hiểu rồi, Sekitani Jun… một cái tên đầy hoài niệm. Giờ anh ấy có khoẻ không?

“Em không biết, cậu đã bị trình báo mất tích ở Ấn Độ.”

Cô lại há hốc một lần nữa, “Ôi…” dù trông không tỏ ra đau buồn. Có lẽ sống gần năm mươi năm nên cô đã trải qua nhưng chuyện thế này rồi ư?

“Vậy à, thế mà cô luôn ao ước được gặp lại anh ấy một lần.”

“Em cũng vậy, em chỉ muốn được gặp một lần thôi.”

Sekitani Jun là người thế nào mà ai cũng muốn gặp một lần nhỉ? Tôi không thể không tự hỏi mình có nên gặp chú ấy một lần không?

Ngập tràn trong cảm xúc, Chitanda chầm chậm nói:

“Thưa cô, hãy cho em biết chính xác chyện gì đã xảy ra ba mươi ba năm về trước? Tại sao sự kiện mà cậu của em liên quan đến lại không phải là chuyện về một anh hùng? Tại sao cuốn tập san của CLB Cổ Điển lại mang tên ‘Kem đá’… và suy luận của Oreki-san có chính xác không?”

“Suy luận?”

Cô Itoikawa hỏi tôi:

“Ý của em ấy là sao?”

Satoshi trả lời : “Thưa cô, Oreki đã đưa một suy luận dựa vào những nguồn tư liệu ít ỏi mà chúng em tìm được. Nên có lẽ cô hãy nghe cậu ấy trình bày.”

Hình như tôi sắp phải lặp lại những gì của ngày hôm qua. Không, tôi đã dự định sẽ làm như thế. Tôi chưa nhận ra rằng đối với một người đã tự trải qua sự việc đó thì đây chỉ là lời phòng đoán không hơn, nhưng tôi tự tin vào lập luận của mình ngoại trừ một chỗ nhỏ có thể là sai. Tôi liếm môi và bắt đầu phần giải thích sử dụng phương pháp 5W1H như cũ.

“Đầu tiên, nhân vật chính trong sự kiện là…”

“… và thế là tụi em kết luận rằng việc rời trường diễn ra vào tháng mười.”

Kết thúc phần nói tôi cảm thấy bất ngờ vì mình đã sắp xếp từng đoạn suy nghĩ tốt như thế nào. Mà lần này là nói mà không cần nhìn ghi chú nên thời gian cũng trôi qua rất nhanh.

Trong lúc tôi trình bày cô Itoikawa không nói gì cả, chỉ khi vừa xong cô mới nói với Ibara:

“Ibara-san, em có giữ những tài liệu đó không?”

“Dạ không, em…”

“Em có này.”

Satoshi mở chiếc túi vải và lấy ra một mớ giấy đã được gấp làm tư đưa cho cô Itoikawa. Cô nhìn sơ qua mà nói:

“Các em có thể suy luận chỉ với những thứ này thôi sao?”

Chitanda gật đầu,

“Vâng, Oreki-san đã làm được.”

Không hoàn toàn chính xác.

“Em chỉ kết nối giả thuyết của các bạn lại mà thôi.”

“Nhưng mà…”

Hời, cô Itoikawa thở dài một hơi và để xấp ghi chú lại trên bàn, cô bắt chéo chân.

“Cô ngạc nhiên đấy.”

“Vậy là không sai sao?”

Ibara hỏi, và cô lắc đầu.

“Không, đúng như những gì Oreki-kun[5] vừa nói. Mọi chuyện đều đúng. Cô đang thấy kì lạ vì cứ như có các em đứng cạnh khi cô quan sát những sự biến đó.”

Tôi thở phào, thật nhẹ nhõm khi biết rằng mình đã đoán đúng.

“Vậy thì mấy em còn gì để hỏi nữa? Cô mong rằng câu trả lời của mình đáp ứng được mong đợi.”

“Dạ em thì không có, nhưng Houtarou cảm thấy dường như có cái gì bị thiếu.”

Đúng vậy, đã có một lỗ hổng.

Điều muốn hỏi là : chú Sekitani Jun đã tự quyết định từ bỏ cuộc đời học sinh màu hồng của mình phải không? Tôi chỉnh sửa câu hỏi trên thành thế này:

“Thưa cô em chỉ có một câu hỏi. Liệu chú Sekitani Jun đã thực sự muốn thành tấm khiên cho toàn bộ học sinh trong trường sao?”

Biểu cảm ân cần của cô Itoikawa ngay lập tức bị đông cứng ngay sau câu hỏi ấy. Cô chỉ nhìn tôi.

“…”

Và nhìn trong im lặng.

Tôi đợi cô lên tiếng, cả Chitanda, Ibara và Satoshi cũng thế. Trong lúc chờ có lẽ ba người họ cũng thắc mắc câu hỏi đó có ý gì...

Bầu yên lặng không tồn tại lâu. Cô Itoikawa di chuyển đôi môi như vừa lẩm bẩm điều gì, rồi quở trách: “Em nhìn thấu cô rồi… Vậy thì cô sẽ trả lời. Cô nghĩ tốt nhất là nên kể lại câu chuyện ấy từ đầu. Đã lâu rồi nhưng cô vẫn nhớ như in.”

Thế là người cựu học sinh Kooriyama Ryouko bắt đầu thuật lại “sự kiện tháng sáu” ba mươi ba năm trước.

“Dù bây giờ lễ hội vẫn sôi động như thế, nhưng so với hồi xưa thì nó tĩnh lặng hơn nhiều lắm. Lúc ấy dường như mọi người đều coi lễ hội văn hoá trường Kami là lẽ sống của mình. Đó cũng là thời kì chứng kiến làn sóng cách tân mạnh mẽ chưa từng thấy, và một số người đã đồn với nhau rằng từ làn sóng ấy mà lễ hội trường Kami đã ra đời. Kết quả là trước khi cô vào trường đã có manh nha rằng bạo động sắp xảy ra, chẳng có gì tốt khi một tình trạng bất ổn vượt ra ngoài kiểm soát phải không nào? Nhưng so với những cuộc xung đột ở các trường khác thì ở trường ta nó diễn ra có trình tự hơn, dù vậy đối với giáo viên hành động như thế vẫn là không chấp nhận được.”

Đúng như những gì được đọc trong tiết Lịch sử Nhật bản hiện đại. Nhưng tôi nghĩ không chỉ lớp học sinh thừa mứa năng lượng thời đó, học sinh thời này với giáo viên có bao giờ hoà thuận?

“Tháng tư năm đó, thầy hiệu trưởng đột nhiên bùng nổ trong một cuộc họp thông thường. Cô tin rằng nó đã được ghi lại đâu đó trong xấp tài liệu của các em. Chúng ta không được để mình tự thoả mãn mà làm trường này trở nên tầm thường. Bây giờ các em có thể chỉ xem lời của thầy là mong muốn học sinh đạt kết quả tốt hơn trong học tập, nhưng vào thời đó nó chẳng khác gì một tối hậu thư đòi xoá sổ lễ hội văn hoá. Khi thời gian biểu cho lễ hội được thông báo là lúc giọt nước đã làm tràn li. Độ dài năm ngày đã bị cắt giảm tàn nhẫn xuống chỉ còn hai, lại còn bị chuyển từ ngày thường xuống hai ngày cuối tuần và không còn nằm trong lịch của trường. Ai cũng cảm thấy như vừa bị dội một gáo nước lạnh và quyết định trên là một thứ ôn dịch không thể tiêu hoá. Từ đó cô đã cảm thấy bầu không khí căng thẳng lan ra khắp trường và một chuyện không hay nào đó sắp sửa xảy ra.

Đầu tiên là đủ loại ngôn từ thô tục nhất được viết đầy trên bảng thông báo. Sau đó là những buổi phát biểu công cộng, khi mà ai cũng có thể lên sân khấu mà tự do nói những mình muốn. Tất cả những lời hùng biện đều mang tính kích động và được nhận những tràng vỗ tay không ngớt. Rồi phong trào bắt đầu mạnh lên khi đề xuất liên kết tất cả CLB văn hoá nghệ thuật của trường được đưa ra.

Nhưng mà, dù thật sự là muốn phản kháng, thì không người nào có vẻ như đã chuẩn bị cho một cuộc phản công mạnh mẽ quyết định cắt giảm lễ hội của nhà trường. Để phong trào thành công ai cũng cần phải chuẩn bị tinh thần để chấp nhận hậu quả. Nhiều người nói năng thì rất bạo gan nhưng thảm hại thay không lấy một dám đứng ra lãnh đạo các CLB đi đấu tranh.”

Cô Itoikawa đổi thế ngồi, tạo nên những tiếng cút kít trên chiếc ghế xoay khi cô tiếp tục:

“Thế là mọi người quyết định rút que để chọn ra người lãnh đạo và cậu của em, Sekitani Jun, đã nhận chiếc que ngắn[6]. Phong trào được chỉ đạo bởi người khác nhưng tên của họ chưa từng được nêu ra. Từ đó phong trào đã được tiếp thêm sức nóng, và thực tế đã dẫn đến kết quả là nhà trường phải rút lại quyết định. Như đã viết trong tài liệu của các em, lễ hội đã được tổ chức bình thường.”

Cô không thể hiện bất cứ cảm xúc gì trong khi kể. Tuy vậy tôi vẫn cảm nhận được cái bầu không khí của ba mươi ba năm trước ấy, không biết nó là sự mạnh mẽ của phong trào hay là sự hèn nhát của những người đại diện, tất cả đều đã là quá khứ. Cô Itoikawa lại tiếp tục :

“Nhưng bọn họ đã đi quá xa. Trong thời kì đấu tranh ấy cô vẫn ngồi học những tiết học bị mọi người tẩy chay, họ đứng dưới sân gào thét và hô vang các khẩu hiệu. Việc dựng lên cả một đài lửa đã đưa bầu không khí gay gắt lên đến cực điểm, và vao đêm nọ chuyện đó đã xảy ra…

Lửa từ đài lửa đã vượt quá tầm kiểm soát. Cô không biết là có ai cố tình làm vậy hay không, nhưng lửa đã lan sang nhà tập võ. Dù sau đó vụ hoả hoạn đã được dập tắt nhưng nhà tập võ đã bị huỷ hoại hoàn toàn do những cột nước cực mạnh từ xe cứu hoả.”

Chitanda và Ibara dường như không thể cử động, cả tôi cũng thế. Thậm chí chúng tôi cũng nhận ra hành động đó không tốt một chút nào, phá hoại tài sản nhà trường là hành động khó có thể bỏ qua.

“Tôi ác đó đã vượt quá giới hạn và không thể dung thứ. May là nhà trường không muốn trầm trọng hoá sự việc lên thêm và đã quyết định không dính líu tới cảnh sát. Không ai phàn nàn về việc nhà trường sẽ truy ra vài người để nhận trách nhiệm khi lễ hội kết thúc… dĩ nhiên vì khi hết hội thì ai cũng có thể chối là họ chẳng biết gì cả.Vì vậy, khi thủ phạm vụ hoả hoạn còn chưa được tìm ra thì người duy nhất chịu trách nhiệm không ai khác chính là Sekitani Jun – người đứng đầu trên-danh-nghĩa của phong trào chống đối. Hồi đó việc đuổi một học sinh là chuyện rất dễ dàng, nhưng tuyệt vời thay đến phút chót anh Sekitani Jun vẫn tỏ ra điềm tĩnh. Cô nhớ rằng câu hỏi của em là anh ấy có thực sự muốn trở thành tấm khiên cho toàn thể học sinh trong trường hay không phải không?”

Cô Itoikawa mỉm cười và nhìn vào tôi,

“Cô là nghĩ em đã biết câu trà lời rồi.”

Kết thúc câu chuyện dài cô Itoikawa đứng dậy, rót một chút nước sôi vào tách cà phê của cô và uống.

Chúng tôi im thin thít, có lẽ là vì không tìm được lời để nói. Tôi chỉ có thể thấy bờ môi của Chitanda mấp mé đôi chút mà không biết nhỏ muốn nói gì, phải chăng là “tệ quá” hay “độc ác quá”?

“Đấy, đó là tất cả những điều cô biết. Các em còn muốn hỏi gì không?”

Ngồi lại trên chiếc ghế xoay cô Itoikawa tiếp tục nói với giọng điệu bình thản. Câu chuyện ấy với cô quả thật chỉ là một quá khứ.

Ibara cuối cùng cũng lên tiếng : “Vậy thưa cô, điều em còn muốn biết chính là hình vẽ trang bìa của cuốn tập san đó…”

Cô Itoikawa gật đầu.

Hình vẽ minh hoạ của “Kem đá” là cảnh một con chó săn và một con thỏ cắn nhau giữa một vòng tròn gồm nhiều con thỏ đứng xung quanh. “Chó săn” chắc là tượng trưng cho nhà trường trong khi “thỏ” là các học sinh, và con thỏ đang đấu với chó săn ở giữa vòng tròn chính là Sekitani Jun.

Sau khi cô Itoikawa đưa ra câu trả lời đúng như đã dự đoán ấy, tôi hỏi cô : “Trong tất cả những dãy nhà ở trường Kami thì nhà tập võ có vẻ là cũ xưa nhất, đó là vì trước đây nó được xây lại phải không ạ?”

Tôi đã nhớ ra đó là cái nhà cũ kĩ mà Chitanda đã mải mê nhìn ngắm vào tháng tư, lần đầu chúng tôi gặp nhau.

“Đúng thế. Những trường công như chúng ta thì phải chờ đến khi mọi thứ gần hết đát thì mới được tu sửa. Mười năm trước tất cả dãy nhà đều được xây mới, trừ nhà tập võ vì trước đó đã được xây rồi.”

Đến lượt Satoshi nói với điệu bộ lễ phép : “Ưm, thưa cô. Em để ý cô chưa từng một lần gọi lễ hội văn hoá là ‘Hội Kanya’.”

Chủ đề bị thay đổi cái roẹt làm cô Itoikawa phải bật cười,

“Em cần phải hỏi à? Vẫn chưa nhận ra sao?”

“Hở?”

Hội Kanya…

Tôi đã hiểu, trong điện thoại bà chị đã bảo nó là một từ cấm của CLB Cổ Điển. Và dù có hơi trễ nhưng rốt cuộc tôi cũng hiểu tại sao nó lại bị cấm.

“Là bởi vì chú Sekitani Jun không hề muốn trở thành ‘người anh hùng’ phải không cô? Thế nên cô mới không gọi lễ hội bằng cái tên đó.”

“Fuku-chan, tên này nói vậy nghĩa là sao?”

Dù Satoshi vẫn cười trước khi trả lời nhưng cái cười của hắn khác với bình thường. Không phải một cái cười để đùa vui.

“ ‘Kanya’ không phải là cách đọc rút gọn của ‘Kamiyama’, mà nó là một cách phát âm khác từ Hán tự của ‘Sekitani’. Gần đây tớ mới phát hiện ra điều đó. Nói cách khác nó là biệt danh cho ‘lễ hội Sekitani’ – một cái tên vừa bịp được giáo viên vừa có thể tri ân người anh hùng của họ.”

Đến lượt Chitanda hỏi : “Thưa cô, vậy cô có biết vì sao cậu của em lại đặt tên tập san là ‘Kem đá’ không ạ?”

Tuy nhiên, lần này cô Itoikawa lại lắc đầu,

“Cái tên này có lẽ là một ý tưởng bất chợt của Sekitani-san khi anh ấy cảm thấy mình sắp bị đuổi học. Anh ấy từng nói là nó có nghĩa nhưng không thể trình bày trong trình trạng hiện thời. Ngoài ra cô không còn biết gì về nó nữa.”

… Cô không biết?

Cô thực sự không biết ư? Cả Chitanda, Ibara và Satoshi nữa, họ đều không biết ư?

Hiếm khi nào tôi cảm thấy tức giận như lúc này. Bây giờ tất cả những cảm xúc tôi đang có chỉ là nỗi bực tức khi không ai hiểu được thông điệp mà Sekitani Jun để lại. Không thể tin được! Không một ai nhận thấy một câu nói hiển nhiên như thế sao?

Chưa kịp nhận ra tôi thấy mình đã gằn giọng : “Mọi người không hiểu ư? Vậy nãy giờ nghe kể chuyện làm cái gì vậy? Để tớ nói thẳng : nó không hơn gì ngoài một phép chơi chữ đồng âm ngớ ngẩn!”

“Houtarou?”

“Sekitani Jun muốn để lại một thông điệp cho chúng ta, lớp hậu bối của CLB Cổ Điển, và chú đã để nó trong chính cái nhan đề của tập san. Chitanda này, cậu giỏi tiếng Anh không?”

Đột ngột bị gọi tên khiến nhỏ bối rối.

“Ơ? T – tiếng anh á?”

“Ừ, nhan đề ấy chính thông điệp bí mật. Như đã nói nó là một phép chơi chữ…”

Cô Itoikawa không tỏ ra sẽ phản ứng gì khi nhìn chúng tôi. Tôi tự hỏi cô có nhận ra… không… cô ấy phải nhận ra, nhưng vì lí do nào đó mà cô không nói. Không hiểu hoàn toàn nên tôi cố gắng đặt mình vào vị trí của cô. Liệu đây phải chăng là một điều không để oang oang nói cho người ta nghe, hay sự im lặng này là một truyền thống của CLB Cổ Điển?

“Oreki-san đã nhận ra điều gì vậy?”

“Oreki à đừng bắt tụi này phải giải đố nữa, ông đã thực sự hiểu nó rồi phải không?”

“Nói luôn đi Oreki!”

Đã bao lần bị ép trả lời bởi ba người này rồi? Tôi thở dài khi chuẩn bị phần giải thích. Lần này thì không còn liên can tới may mắn hay là sáng kiến gì nữa, chỉ là việc truyền tải thông điệp của chú Sekitani Jun cho người khác.

Thế là tôi nói : “Thế ‘Kem đá’ là gì?”

Chitanda đáp : “Là nhan đề của cuốn tập san.”

“Tớ đang hỏi cái nghĩa cơ, bằng tiếng Anh.”

Satoshi chen vào : “Đây là từ chỉ ‘đồ lạnh’ – là ‘ice’ phải không? ‘Ice candy’?”

“Thử ‘ice cream’ xem.”

Ibara lên tiếng : “ ‘Ice cream’? Thế thì có nghĩa gì ở đây?”

“Thử sắp xếp lại một chút xem.”

Ôi trời ơi! Tại sao lúc nào cũng phải giải thích từ đầu đến đuôi thế này? Cố một lần hiểu tôi đi chứ!

“ ‘Ice cream’ tự nó chả có nghĩa gì cả, thế tớ mới bảo đó là chơi chữ!”

Satoshi suýt nữa phát ra từ “không biết” trước khi mặt hắn trắng bệch như không còn giọt máu. Tiếp đến là Ibara, nhỏ thốt lên : “A, đó!” với một bộ mặt khó chịu.

Cuối cùng, chỉ còn lại Chitanda là người không nhận ra. Một học sinh toàn diện thì chắc chắn phải giỏi tiếng Anh, nhưng có vẻ lần này nhỏ đã không nắm bắt được “cái toàn thể” của ngôn ngữ này rồi. Tôi chẳng còn lòng dạ để trêu nhỏ nữa...

Lấy ra bản copy lời mở đầu của cuốn tập san “Kem đá, tập hai”, tôi viết câu trả lời lên bằng cây bút mang theo.

“Đây là thông điệp mà cậu của cậu để lại.”

Chitanda gật đầu trong khi vẫn còn hơi bối rối.

Và khi nhận ra, hai đồng tử của nhỏ nở to bất chợt. “Ôi!” Nhỏ thốt lên rồi im lặng.

Sự chú ý của mọi người đều dồn về nhỏ.

Hai khoé mắt của Chitanda đã ướt. Đó là lúc tôi nhận ra những tháng ngày cố gắng của chúng tôi đã đâm hoa kết trái.

“… Tớ nhớ ra rồi,” nhỏ thì thào, “Bây giờ tớ đã nhớ ra! Ngày hôm đó tớ đã hỏi cậu vì sao cuốn tập san lại có tên ‘Kem đá’. Cậu chỉ trả lời rằng, đúng rồi, cậu bảo tớ phải mạnh mẽ lên!

Cậu muốn tớ phải cố gắng sống trong những lúc mình mềm yếu nhất, nếu không sẽ có lúc tớ gặp những biến cố … mà tớ không thể thét lên được nữa…”

Nhỏ quay sang nhìn tôi,

“Oreki-san, tớ đã nhớ hết rồi! Tớ đã khóc vì sợ ý nghĩ về việc sống một cuộc sống mà đang chết dần chết mòn bên trong… Ơn trời, giờ đây tớ có thể nhẹ lòng mà tiễn cậu ấy rồi…”

Nụ cười nở lên trên gương mặt nhỏ. Nhận ra mình đang rưng nước mắt nhỏ lấy tay dụi đi vài cái rồi lại nhìn vào tờ giấy tôi đang giữ. Trên đó đã viết ý nghĩa thực sự của ‘Kem đá’ - Ice scream.

I scream (tôi gào thét).

[1] Mossad là Cơ quan tình báo của Israel chịu trách nhiệm thu thập thông tin tình báo, chống khủng bố và tiến hành các chiên dịch bí mật khác.

[2] Hiện Pristina là thủ đô của Cộng hoà Kosovo. Tiểu thuyết này xuất bản năm 2000, trước khi Kosovo tách khỏi Yugoslavia và trở thành một quốc gia độc lập (2008).

[3] Tiếng Anh là Maiden Name, là tên khai sinh của một người con gái bị thay đổi khi lấy chồng (cần phân biệt với Married Name – thường chỉ việc họ của người vợ bị đồi thành họ của chồng), mỗi quốc gia có một phong tục riêng nên Maiden và Married Name có thể là một hoặc khác nhau. Người Nhật sử dụng cả hai cách đổi, trong trường hợp này cô Itoikawa đã đổi tên chứ không đổi họ.

[4] Một lần nữa người dịch chỉ lấy ý tương đương, không dịch sát nghĩa.

[5] Một tiếp hậu ngữ thường dùng sau tên một người con trai trong quan hệ thân thiết hơn “san”. Ngược lại với “chan”, “kun” có thể dùng cho những bạn nữ có cá tính mạnh mẽ và bạo dạn như con trai. Giáo viên thường dùng “san” cho nữ sinh và “kun” cho nam sinh.

[6] Một kiểu rút thăm, các cây que trong đó có một cây ngắn hơn sẽ được một người nắm chặt chỉ để lộ nửa bên trên bằng nhau (người khác sẽ không biết que nào ngắn hơn vì nửa dưới đã bị che bởi bàn tay), sau đó những người khác lần lượt rút 1 que, người rút phải que ngắn sẽ phải làm những việc đã được thoả thuận trước.