1. Hiện tại: 5.2km; còn 14.8km
Tôi không thể quay những chiếc bánh răng trong đầu khi chạy xuống con dốc.
Cố gắng biết bao nhiêu để lên được tới đỉnh thì bấy nhiêu thế năng cũng đã tan biến chốc lát khi tôi chạy xuống chân đồi. Nếu rồi cũng phải xuống thì từ đầu tại sao lại bắt người ta trèo lên? Tôi thật sự cần một lời giải thích cho những hành động phí phạm năng lượng từ nãy giờ của mình.
Nếu như được chạy hơn cả trăm mét bằng phẳng ở đoạn dốc lên sát đỉnh thì đoạn xuống lại cực dốc như một bờ vực dễ khiến người ta nghĩ tới vùng núi Hiyodorigoe[1]. Hai bên đường lại một lần nữa bị che phủ bởi rừng cây tuyết tùng khiến tầm nhìn của tôi bị hạn chế. Nếu đổ dốc một cách thiếu cảnh giác thì tôi rất có thể nhìn thấy mình trong tư thế là một người sắp lộn cổ xuống vực. Còn nếu lo sợ quá mà giậm thật mạnh xuống nền đất đã bị phủ nhựa đường thì sau khi xuống chân đồi vứt đi hai cái đầu gối là vừa. Ghi nhớ điều đó tôi quyết định áp dụng một phong cách chạy đầy năng động với những bước nhỏ. Khi tốc độ tăng lên thì chân sẽ đau, điều này là khỏi bàn. Nhưng nếu không chạy mà cứ lề mề thì chẳng biết tôi có thể về trường trước khi mặt trời lặn hay không…
Kết quả là tôi giành toàn bộ sự tập trung trong việc chạy xuống.
Nhưng cùng lúc, lời của Ibara – hay đúng hơn là từng con chữ trong câu nói giản đơn từ Oohinata – tiếp tục chạy vòng quanh trong tâm tưởng.
Là một vị Bồ Tát… Là một vị Bồ Tát…
Chẳng hiểu sao nhưng tôi lại thấy ớn lạnh khi nghe đến cái từ lẽ ra phải mang điềm tốt lành như thế. Đoạn dốc quá gấp khiến tôi không thể nghĩ gì thêm. Trên đoạn dốc có một đoạn cua lớn. Những anh chàng mới nãy vượt qua tôi cái một dường như đã chạy quá tốc lực và bị lạng ra khỏi vòng. Khi ấy tình hình sẽ giống như vô tình đạp lên chiếc phao tiếp lửa[2] mà kết quả là những tiếng la kinh hãi khi những bán chân dậm quá mạnh vào mặt đường vang lên ở phía trước. Về phần tôi thì bằng cách nào đó đã ôm được vào bên trong và tầm nhìn lại mở ra một lần nữa. Tôi có thể thấy chút tuyết còn vương lại trên đỉnh vùng núi Kamikakiuchi. Không thể biết được có phải gió từ đó thổi về hay không nhưng tự dưng tôi thực sự cảm thấy rét. Satoshi đã đạp xe đi và Ibara cũng đã chạy mất. Trước khi tới lượt Chitanda bắt kịp có vài thứ tôi cần giải quyết trước.
Kết thúc đoạn dốc cũng là khi con đường bằng trở lại và đôi chân được thả lỏng.
Tôi không nhớ khi nào mà mình giữa mình với Oohinata từng có một cuộc tranh luận nghiêm túc và mặt-đối-mặt từ khi cô bé gia nhập CLB. Tuy nhiên chắc chắn phải có một thứ gì đó mà tôi chưa từng giành đủ sự chú ý cho đến tận hôm nay. Hơn nữa, nếu đó là vấn đề giữa Chitanda và Oohinata thì thứ đó là tối cần thiết trong việc giải quyết tất cả.
Tôi cũng không bỏ qua khả năng đó là một thứ đã xảy ra vào ngày hôm đó. Nói sao nhỉ… Không tới mức khiến lạnh sống lưng nhưng tôi có cảm giác từ đó mình bắt đầu mang một nỗi lo.
Đó là một ngày tôi không thể quên được, và trùng vào Chủ nhật.
[1] Một cùng núi tọa lạc ở phía tây thành phố Kobe, nổi tiếng với trận chiến Ichi-no-tani năm 1184 với sự kiện một đạo quân bị bao vây và dồn đến một đoạn dốc hiểm trở.
[2] Công cụ dùng chân để thổi khí vào lò nhiệt.
2. Quá khứ: 27 ngày trước
Một buổi sáng lười biếng.
Tối qua tôi đã thức khá khuya. Chẳng phải là công chuyện gì, chỉ là hôm nay không đi học nên tôi cứ vẩn cơ đọc sách và coi TV một hồi lâu. Kết quả là sáng nay dậy muộn đến mức không còn thấy ai trong phòng khách. Ba thì đi làm còn bà chị yêu dấu thì chẳng biết nơi đâu. Có thể là đâu đó trong nhà hoặc có khi đã ngoài địa phận Nhật Bản. Ngáp một cái rõ to tôi ngồi phịch xuống ghế sô-fa. Chiếc rờ-mốt điều khiển đang yên vị trên mặt bàn trước mặt. Ít nhất tôi nghĩ mình cũng nên mở xem tin tức này kia, nhưng chuyển bao nhiêu kênh cũng toàn những cái nhàm chán tới mức làm người khác hoa mắt. Thế là đành phải về phòng lấy quyển truyện chữ ra mà đọc. Trước khi đọc lấy một dòng, tôi rời mắt khỏi quyển truyện mà lẩm bẩm:
“Tối quá.”
Rèm đang đóng lại. Thường thì tôi sẽ muốn nó được kéo qua, nhưng khi mà thân thể đang chìm đắm trong sự êm dịu của chiếc ghế sô-fa thì tôi lại thấy hành động đó thật là phiền hà. Đặt cuốn truyện sang một bên tôi lại với tới cái rờ-mốt. Trên bàn còn có một cái gạt tàn và một cái tượng mèo may mắn[1]. Đó là một con mèo may mắn kỳ cục. Không biết là sản phẩm lỗi hay cố tình gia công mà trông nó cứ như đang cười toe toét vào mặt người ta. Nó cầm một đồng tiền lớn như mọi con khác, nhưng trên đồng tiền thay vì được khắc những từ như “Đại phúc”, “Đại cát” hay “Đại phú” thì lại là một chữ tiếng anh “LUCKY”. Dĩ nhiên người duy nhất có thói quen tha những đồ dở hơi này về nhà chỉ có một, nhưng tôi tự hỏi bà chị yêu dấu đã tha con mèo này từ đâu nhỉ.
Nó rỗng phía trong, và chỗ khớp nối cánh tay giơ lên được gắn lò xo để có thể nâng lên hạ xuống như hành động vẫy tay. Bà chị yêu đã độ lại một chút – để cho nó bắn ra tia hồng ngoại. Hiển nhiên là chả ai thấy[2] nhưng xem ra chị đã bố trí sao cho luông tia sẽ được bắn ra từ mắt mèo.
“Nếu một con mèo phóng tia la-ze thì phải là từ mắt.”
Tôi chả biết nói sao khi được nghe vậy, nhưng nghĩ cho thông suốt thì bố trí vậy là hợp lý. Một chiếc rờ-mốt điều khiển cũng dựa trên tia hồng ngoại, nên ý đồ của bà chị hóa ra là biến cái tượng con mèo thành một thứ như vậy. Đầu nhận tín hiệu được nối vào một bóng đèn huỳnh quang trên trần nhà. Khi gạt xuống hay nhắc cánh tay chú mèo lên thì một tia hồng ngoại sẽ phát ra từ cái lỗ ở mắt làm bật hay tắt đèn. Kết quả là có thể dẹp cọng dây vướng víu mà tận hưởng một không gian thoáng đãng hơn, vàũng có nghĩa thay vì sợi dây thì túc trực ở đây sẽ là con mèo mặt nham nhở ấy. Ít nhất thì hãy chọn con nào trông dễ thương hơn chứ.
Chú mèo may mắn đang nằm ở đầu kia bàn, và đó là lý do tôi phải với tay lấy cái rờ-mốt TV trước. Sử dụng như một cây gậy, tôi cố gắng dùng nó để gạt cánh tay chú mèo xuống. Nhìn từ đây thì chắc như bắp rằng tôi thừa sức với tới nhưng hóa ra cố cách mấy cũng không được. Nhấc mình lên chút xíu thì được, nhưng làm vậy có khác nào là đứng luôn đâu? Đang tiếp tục cố gắng chỉ vận dụng sức của cánh tay và tránh mọi cử động khác của thân thể như người bạo bệnh, một giọng nói cất lên từ phía sau.
“Nhóc đang cố luyện thành tiên nhân lười biếng hay sao?”
Con đường để trở thành một vị thánh hiền tiết kiệm năng lượng còn dài lắm. Tôi thậm chí còn chưa ngộ ra tầm vóc của nó. Quay đầu lại tôi thấy bà chị yếu dấu. Xem ra là vừa ngâm bồn buổi sáng nên có một chiếc khắn quấn chặt quanh đầu chị. Bước vào nhà bếp chị nói vọng ra:
“Muốn uống cà phê không?”
“Vâng.”
“Ô-kê, vậy pha cho chị một ly nhé.”
Không định tự pha thì vô bếp làm chi vậy trời?
Vì lỡ vào tâm trạng muốn uống cà phê nên tất cả quyết ý lẫn công sức tôi đặt vào việc không đứng lên liền lập tức bay biến. Vỗ mấy cái vào đầu gối để hồi sức, tôi đứng dậy rồi đi vào bếp để đun nước. Bà chị yêu dấu đang quay lưng lại mà nhìn chằm chằm vào tủ lạnh, cuối cùng lấy ra một miếng bánh kẹp và cắn một miếng. Đừng hỏi tôi tại có bánh kẹp trong tủ lạnh. Nhiều năm sống trong căn nhà này tôi dã được thấy đủ thứ trên đời được cất vào đó – từ nhộng kho xì dầu tới thịt căng-cu-ru băm nguyễn. So với mấy cái đó thì một chiếc bánh kẹp không xa rời với sự bình thường cho lắm.
“Lau khô tóc hoặc là ăn. Đừng làm cả hai.”
Tôi nói vì vẫn còn thấy chiếc khăn tắm quấn trên đầu chị nhưng rõ là chẳng được để ý. Chị lấy ra một quả trứng và xoay nó trên chạn bếp như bông vụ. Quả trứng nhanh chóng mất thăng bằng và nằm xuống.
“Trời ạ, còn sống à?”
Thấy chị thở dài tôi hiểu ra chị đã trông mong đó là một trái chín hơn là sống. Đúng là tối hôm qua tôi có luộc vài quả, nhưng cũng ăn sạch vào khuya đó. Làm sao bà chị biết là tôi có luộc nhì? Có lẽ là nhìn vào cái dĩa chưa rửa ở chạn bát. Nhận thấy không còn gì hay ho chị dùng hông huých một cái vào cửa tủ cho nó đóng lại rồi hỏi một câu trong khi tôi đang lấy ra hai cái ly cà phê.
“À mà, nhóc hết cảm rồi nhỉ?”
“Cảm?”
“Không phải là nặng lắm sao?”
Tôi nghĩ một chút rồi đáp.
“Hồi nào thế?”
Đúng là tháng này tôi có bị cảm.
Một sáng đẹp trời nọ Chitanda gọi điện cho tôi nhờ giúp đỡ vì lễ hội màu xuân bị thiếu nhân công. Nhiều chuyện đã xảy ra, nhưng tóm lại là tôi đã đồng ý và trải qua một ngày kì lạ. Thật là khó thậm chí cho chính tôi để tin được rằng tất cả chỉ diễn ra trong một ngày. Tôi vẫn còn nhớ như in, thứ cảnh sắc tuyệt đẹp với xung quanh là những cánh hoa hồng lợt từ cây anh đào nở trái mùa.
Trời lạnh, đặc biệt là khi mặt trời đã khuất. Dù tôi có nói vậy nhưng Chitanda cứ khăng khăng là giờ đã là mùa xuân. Không thể trách khi không có bằng chứng nhưng sự thật là sáng hôm sau tôi đã nằm liệt giường. Tới khi bà chị yêu dấu về vào buổi tối thì ở trong nhà, một mình những cơn ớn lạnh, sốt và đói đã thi nhau hành tôi trở thành cái thứ hẳn là chả là con người. Chị có lẽ là nói về chuyện đó nhưng đã là hồi nghỉ đông. Tôi đã bình phục sau hai ngày và hoàn toàn bình thường khi nhập học.
“Gần cả tháng rồi mà.”
“Vậy sao? Mới đó mà một tháng đã trôi qua. Tụi nhỏ lớn nhanh quá.”
Chị cố tình đánh trống lảng rồi gõ vào trán tôi, xoắn máy cọng tóc chị nói: “Sửa cái tổ quạ đi.”
Để sau.
Người ta đã hào hiệp đến mức pha cà phê cho mà trông ai kia chẳng có vẻ gì là uống một cách thưởng thức cả. Chị tự dưng thốt lên “A, tới giờ!” rồi bỏ về phòng. Tôi bèn trở lại ghế sô-fa mà đọc truyện trước khi nhìn thấy chị bước ra sau tầm ba chục phút.
“Nè, nhóc chắc là không định đi ra ngoài nhỉ.”
Tôi không có kế hoạch, nhưng cũng chẳng thích cái cách bà chị thêm vào hai chữ “chắc là”. Không rời mắt khỏi các con chữ tôi đáp:
“Em không định làm gì cả.”
“Chị tự hỏi trong cuộc đời này nhóc đã đi được bao nhiêu cây số rồi.”
“Chị em một nhà cần phải bù trừ nhau.”
Nghe tôi nói vậy, chị phản pháo bằng âm điệu nhẹ nhàng hẳn.
“Vậy ý là nhóc đang nghỉ ngơi dùm chị phải không? Thật là dễ thương.”
Việc tôi ít khi rời khỏi nhà chỉ là để bù đắp lượng sử dụng quá lố về xăng xe, xăng máy bay và đủ thứ chi phí du kịch khác của chị. Với tư cách là một người cống hiến cho sự nghiệp tiết kiệm năng lượng, đó la lời xin lỗi giành cho nhân loại về những hành động mà bà chị ngốc ấy gây ra.
“Đứa bé tội nghiệp.”
Nói gì mà nặng thế?
“Mà thôi, cứ đừng làm gì cho tới hai giờ ba mươi.”
“Chị muốn em coi nhà à?”
“Ừ. Nếu không ai tới thì nhóc muốn làm gì cũng được.”
Tôi chẳng muốn ra ngoài, nhưng nếu là bị bảo phải như vậy thì đó lại mang một nỗi tù túng khó chịu. Vẫn tiếp tục đọc tôi lên tiếng:
“Mua về cái gì nhé.”
Xem ra bà chị yêu dấu đã giày tất đầu đủ. Giọng chị vang từ ngoài cửa.
“Vài cây nến được không. Nhóc thích mà nhỉ?”
Hồi nào?
Nhưng nhờ việc nhắc đến “nến” tôi đã nhận ra bà chị mình không quên hôm nay là ngày gì, dù hẳn là không định tổ chức.
Đúng thế. Hồi còn nhỏ tôi rất thích nổi nến trên bánh kem… vì đó là những dịp sinh nhật.
Chị đang có ý gì khi bắt tôi phải trông nhà tới hai giờ ba mươi nhỉ? Để cuốn truyện qua một bên tôi úp mặt xuống ghế sô-fa để mà nghĩ. Đó là bà chị yêu dấu của mình. Chắc chắn là một mưu đồ gì đó. Chờ đợi nghĩa là sẽ có cái gì đến, nhưng mà là cái gì?
Một món quà được chở đến để mừng sinh nhật sẽ là sự tử tế quá xá lớn của chị. Nhưng chính vì nó quá tử tế nên tôi sẽ loại khả năng này đầu tiên. Tomoe Oreki không phải kiểu người ưa làm những việc như vậy, và dù có thật đi nữa thì chẳng ai lại thuê chở quà đến vào một thời điểm dở dở ương ương như hai giờ ba mươi cả.
Có một chi tiết rằng, “Nếu không ai tới thì nhóc muốn làm gì cũng được.” Vậy nghĩa là nhiều khả năng thứ sắp tới là ai đó chứ không phải cái gì. Một người sẽ tới vào sinh nhật… Thực ra cũng có thể là trật đường rầy khi giả định là có liên quan đến sinh nhật của tôi. Ai biết chừng chỉ là người đi thu biên lai hay trưởng khu phố gửi thông báo. Chắc là tôi đã sai khi nghĩ rằng đó đều là sắp đặt. Tôi đã đề cao bà chị này quá rồi…
Tự nhủ là thế nhưng vẫn không xóa được nỗi lo cứ lẩn vẩn trong đầu. Cũng vì quá để tâm tới thời gian mà tôi cảm thấy kim phút đang quay chậm như rùa. Chẳng buồn ăn trưa, tôi cứ ngồi đó đợi. Cuốn truyện chữ đã đọc xong nhưng tôi sẽ không còn thời gian để đọc cuốn thứ hai. Mở TV lên tôi chuyển sang kênh về du lịch. Đó là cách giết thời gian hiện tại, xem những con người lạ hoắc thưởng thức những món ăn hảo hạng trong một nhà nghỉ loại sang.
Nghĩ lại thì… cái cách bà chị yếu cấu khẳng định rằng “Nếu không ai tới” có thể không nhất thiết phải được hiểu là họ sẽ đến vào lúc hai giờ ba mươi. Chị không khẳng định thời điểm và chỉ đưa ra một khoảng thời gian có thời điểm kết thúc. Ví dụ, nếu bảo Satoshi một câu y chang: “Nếu tớ không đến trước hai giờ ba mươi thì cậu làm gì cũng được.” thì không khác mấy nếu tôi nói: “Tớ sẽ đến đúng giờ nhưng có khả năng là bị trễ. Nếu tới hai giờ ba mươi mà không thấy thì cứ xem như là tớ không tới.”
Đó là lý do khi nghe tiếng chuông vào lúc hai giờ kém năm tôi đã chắc mẩm đây không phải là vị khách mà chị tôi đề cập. Là ma hay là quỷ đây. Tự dưng cảm nghĩ ớn lạnh đó chạy dọc sống lưng tôi. Mang dép lốp, tôi bước về phía cửa rồi nhìn qua khe…
Không phải ma, mà cũng chẳng phải quỷ. Không phải người thu biên lai cũng chẳng phải trưởng khu phố.
“Ôi, trời! Ra là vậy,” những âm tiết phát ra từ miệng tôi trong vô thức.
Bốn người đứng ở ngoài là Satoshi, Chitanda, Ibara và Oohinata. Dường như nhận ra sự hiện diện của tôi, Satoshi lập tức hướng mắt về khe cửa. Hắn nở một nụ cười nham nhở rồi giơ tay lên.
Trong muôn vàn những rắc rối đã gây ra, đây là lần hiếm hoi bà chị yêu dấu làm một việc khiến tôi đầy cảm kích – bảo thằng em sửa cái tổ quạ trước khi đón khách. Chịu thôi, đã đến nước này tôi cũng chẳng thể giả như không có nhà. Tôi dẫn cả bọn vào phòng khách và ngồi xung quanh bàn. Chitanda và Oohinata ngồi trên sô-fa trong khi Satoshi và Ibara ngồi trên đệm đặt dưới sàn.
Satoshi mặc một chiếc áo thun bó và quần thụng. Ibara diện áo paca xám và quần jean. Chitanda mang một chiếc áo len đan màu hồng đào và váy dài qua gối còn Oohinata là chiếc áo thun vẽ họa tiết cùng quần jean. Nhìn vào bộ tứ hiếm-khi-ăn-diện trước mặt, tôi rên rỉ:
“Thưa các quý ông, trước mặt tôi là con ngỗng gì thế này?[3]”
“Đang nói cái quỷ gì thế?”
Dù thế ngồi của Ibara rất nghiêm chỉnh nhưng cái miệng nhỏ vẫn vô duyên như trước. Không để ý lời đáp của Oohinata “Ô, là thơ của Sakutarou à?” Satoshi cười phá lên.
“Phải chăng ý của cậu là cơn gió độc nào lỡ thổi tụi này tới đây?”
Tôi lẳng lặng gật đầu.
Không nghi ngờ gì là cả bọn đã đến để mừng sinh nhật. Dù sao trên tay Oohinata vẫn đang cầm một cái hộp với ruy-băng và nhãn hiệu của một tiệm bánh mà đến tôi còn biết nên có dở hơi mới còn đi hỏi câu tại sao. Nhưng vấn đề là, Satoshi và tôi là bạn chí cốt bao lâu nay nhưng chưa mọi lần thằng này đi mừng sinh nhật thằng kia. Nếu tất cả chỉ là trò giỡn thì hắn không đời nào lại kéo theo cả CLB Cổ Điển. Chúng tôi chỉ là không phải một nhóm như thế. Thực ra chúng tôi cũng từng hợp lại, dù chỉ do hứng chí của Chitanda, để viết nên một tuyển tập văn học nhưng hẳn là không thân thiết đến mức thường xuyên đến nhà nhau chơi. Đó là suy nghĩ của tôi nhưng chắc chắn cũng là của những thành viên còn lại, thế nên việc “khoảng cách” giữa chúng tôi bất chợt như gần lại khiến tôi không khỏi bối rối.
“Tớ cũng sợ là đường đột đến đây sẽ làm cậu không vui, nhưng mà…”
Lời của Chitanda thật ân cần. Tại sao lại có thể không vui, chỉ là…
“Tớ bất ngờ quá.”
“Biết mà.” Satoshi nhún vai.
“Tôi cũng vậy. Nói là một chuyện nhưng tôi cũng chẳng nghĩ có thể thành ra sự thật.”
Có hai điều tôi muốn hỏi.
“Làm sao mọi người biết là hôm nay, và đây là ý tưởng của ai thế?”
“À, chuyện dài lắm…”
Chitanda nghiêng đầu như không biết phải kể từ đâu.
“Khi Oohinata hỏi rằng tụi mình đã từng tổ chức một thứ như tiệc cho tất cả thành viên hay chưa thì tớ có đề cập đến bữa tiệc sau Lễ hội văn hóa, nhưng rồi em ấy hỏi tiếp là ngoài bữa đó ra thì còn làm gì nữa không thì tớ chẳng thể nghĩ ra một lần nào khác, vậy nên…”
Xem ra câu chuyện đã được rút gọn vừa đủ. Lúc này Ibara chen vào mà nói: “Khi tôi nói rằng sắp tới có sinh nhật của cậu thì Oohinata bảo rằng cả bọn nên quăng vào mặt cậu một cái gì đó vui vui.”
“Cậu biết sinh nhật của tớ?”
“Chỉ biết là tháng tư. Học chung với nhau thì đó là cái tối thiểu phải nhớ.”
“Tớ thì không.”
“Chẳng hy vọng gì hơn từ một sinh vật thiếu tử tế.”
Đúng là Ibara có nhiều cơ hội để biết sinh nhật tôi. Hai đứa đã học chung lớp suốt từ tiểu học đến hết sơ trung, đặc biệt hồi tiểu học trong lớp có cái màn treo biển “Tháng này có sinh nhật của ai?” Nếu nhớ được là tháng tư thì nhỏ sẽ nhanh chóng tra ra ngày chính xác nhờ kỷ yếu cũ của lớp. Nhưng đúng như đã nói nhỏ không thể là chủ xị. Nói cách khác chỉ còn Oohinata.
“Vậy ra em là người đầu têu nhỉ?”
Tôi dòm như uốn khoan một lỗ vào đối tưỡng đang đảo mắt quanh phòng. Chỉ khi giao với tôi cô bé mới cười toe toét:
“Là bạn thì phải được chúc mừng ạ.”
Không cần biết là đúng hay không nhưng có nhiều cách để người ta có thể ăn mừng sinh nhật, một mình và không bị xáo động.
“Và chẳng ai có thể buồn sau khi được ném vào mặt một bữa tiệc thân tình như thế ạ.”
Không chút do dự trong lời nói hẳn là Oohinata rất muốn khiến chúng tôi vui vẻ. Yay! Nhưng xui cho cô bé là chẳng ai có vẻ như là sẽ nói “Chúc mừng sinh nhật” cho tôi cả.
“Nhưng mà, mọi người đều tới thì quá bất ngờ.”
Dù Oohinata cố gắng với ý tưởng về một buổi tiệc cỡ nào thì vấn đề là tại sao mọi người lại đồng tình. Chitanda hẳn là chỉ muốn chiều lòng thành viên mới nhưng cả đời này tôi không thể tưởng tượng ra tình huống nào có thể ép Ibara đồng ý. Như là nghe được, nhỏ đáp tỉnh rụi:
“Tối nay tôi đi coi phim nên xem như là giết thời gian. Hai tiếng là tất cả tôi có thể lãng phí cho cậu.”
Đọc tâm à?
“Tụi này có mang đồ uống nên lấy ra mấy cái ly nhé.”
Thế thì không mua đại chồng ly giấy cho rồi… Tôi cũng thấy Satoshi cầm theo một túi giấy đầy ụ bim bim. Thay vì thò tay vào bao tôi nghĩ nên đổ tất ra một cái khay cho tiện. Không nhầm thì cái khay gỗ nằm ở chạn bát. Và nếu thực sự trong hộp của Oohinata là một chiếc bánh thì cũng nên chuẩn bị con dao và vài cái dĩa. Không biết có đủ dĩa không đây. À, còn thìa nữa. Dùng nĩa chắc cũng được.
Rời khỏi ghế tôi vào nhà bếp để tìm cái này lục cái kia, và trong lúc đó một ý nghĩ chợt thoảng qua…
Nếu đây là tiệc sinh nhật, thì tôi là nhân vật chính.
Vậy thế quái nào tôi lại là người duy nhất phải làm việc thế này?
Quay về phòng khách với nĩa thìa và chồng dĩa, tôi nhận ra khay gạt tàn, quyển truyện chữ đã đọc hết và cái rờ-mốt TV đều đã được dọn lên tủ. Chỉ cái tượng mèo may mắn là vẫn còn yên vị trên một góc bàn, tiếp tục trưng ra cái nụ cười nham nhở của nó.
Mớ bim bim mà Satoshi mang theo hóa ra là những chiếc bánh bích quy khá bắt mắt. Vì Chitanda đề xuất rằng “Những chiếc bánh này sẽ hợp với mứt lắm” nên tôi cũng chuẩn bị một cái dĩa nhỏ cùng một chút mứt quýt mùa hạ trong tủ lạnh. Nhìn lọ mứt Oohinata thốt lên đầy hào hứng:
“Ôi! Là mứt MilleFleur thật ư?”
Nhìn cái nhãn tôi có thể thấy dòng chữ “MilleFleur”. Nếu không được nghe cách nói đúng có lẽ tôi sẽ phát âm thành kiểu như “Mile Flew”. Cố gắng không thể hiện điều đó tôi chỉ đáp “Ừ” với bộ ngực ưỡn lên.
“Sử dụng MilleFleur như là món ăn chơi thì anh thiệt là bảnh quá nha.”
Oohinata-đang-cười là một cô bé thật thà và vui tính nhưng bên cạnh thì không được như thế. Đầy nghi ngờ Ibara liền hỏi:
“Cậu có thực sự biết là cái gì không đó?”
“Không, một chút cũng không.”
“Vậy thì tại sao lại làm như biết?”
“Vì trông sẽ bảnh. Thứ lỗi.”
Tôi xin lỗi và nhờ Oohinata giải thích từ đầu.
“Đây là cái gì?”
Hiểu được ban nãy chỉ là trò trẻ con khiến Oohinata nhìn tôi bằng cặp mắt lạnh lùng đến kì lạ, nhưng nhanh chóng cô bé tươi tỉnh lại và cầm lọ mứt lên.
“Đây là một hiệu mứt rất nổi tiếng. Em từng tự mua một lọ và đúng như dự kiến, hương vị đáng đồng tiền bát gạo.”
“Vậy là mắc à?”
Chỉ là một lời buột miệng.
“Ưm, không hẳn ạ. Mắc so với những loại mứt khác.”
Khó mà tin được một cô bé da ngăm ăn mặc thoải mái như Oohinata lại đi đến những nơi như một tiệm mứt. Tôi biết rằng không nên đánh giá quyển sách qua cái bìa của nó, nhưng mà…
“Một loại mứt thượng hạng như vậy mà ăn với bánh quy tầm thường của tớ có được không thế?”
Satoshi lên tiếng, nhưng Chitanda liền đáp lại với một nụ cười.
“Vẫn được mà đúng không?”
Và thế là được.
Oohinata có nói rằng mình mang theo bật lửa nên tôi nghĩ là nó sẽ cùng để thắp nến trên bánh sinh nhật. Mọi thứ đều đã chuẩn bị xong, nhưng bánh thì tạm để sau đã. Đồ uống của Ibara là loại nước ép đào có ga trong vắt, không chỉ giống như rượu sâm-panh mà thực tế cững được đựng trong một cái chai giống hệt.
“Giờ thì lại phải phiền Houtarou. Cậu hẳn là có loại ly nào ngon lành hơn nhỉ.”
Vào nhà bếp lần nữa bởi đề xuất của Satoshi, tôi lấy vài cái ly vốn để dành cho khách nhưng chưa bao giờ được lấy ra khỏi hộp. Lùn và không có đế, những họa tiết khắc trên những cái ly này óng ánh như pha lê.
“Những cái này được gọi là gì thế?”
Ibara nghiêng đầu hỏi.
“Là ly,” tôi trả lời nhưng nhỏ không quan tâm như mọi khi.
“Ly rượu cũng không phải, cốc bia thì phải to hơn…”
“Có phải là ly Kiriko không ạ?”
Oohinata nêu ý kiến, nhưng hẳn là không phải.
“Kiriko chỉ là tên của họa tiết trang trí. Ý chị là hình dáng của cái ly này được gọi là gì?”
“Trên hộp có ghi là ly Whiskey.”
Chút biểu cảm bực bội hiện trên mặt Ibara.
Cá nhân tôi nghĩ dùng ly có đế sẽ phù hợp hơn nhưng nhà lại không có, mà có thì cũng chả biết ở đâu. Tệ hơn là chỉ có bốn cái ly whiskey trong hộp, nghĩa là…
“Tại sao Oreki-san là người duy nhất dùng ly thường vậy?”
… sẽ có vụ đó xảy ra. Nhìn thế nào thì người ta cũng khó mà tin tôi đây là nhân vật chính.
Khi ly của mọi người đều đã được rót đầy, Oohinata lên tiếng:
“Dạ rồi, bây giờ phải có một người phát biểu chứ nhỉ.”
Satoshi và Ibara nhìn nhau rồi cùng quay sang Chitanda cứ như là đã định trước. Có lẽ nhận ra mình là người được chọn, Chitanda nâng ly mà không thể hiện một chút ý định chối từ. Nở một nụ cười bí ẩn như không biết chuyện sẽ đi đến đâu, nhỏ nói:
“Ưm, hôm nay là sinh nhật của Oreki-san, nên chúng ta hãy chúc mừng. Lã ra tớ phải chuẩn bị quà nhưng thời gian gấp quá. Thành thật xin lỗi.”
“Cậu tới đây đã là quà rồi.”
Người nói câu này không phải tôi mà là Satoshi. Nghe cái cách hắn tự chế cảm nhận của người khác thật là kỳ cục.
“Vậy tớ cũng yên tâm.”
Và nghe nhỏ “cảm thấy yên tâm” vì cái màn tự chế ấy càng kỳ cục hơn.
“Trong tụi mình cậu là người sang tuổi mười bảy sớm nhất. Nên, ưm… chúc mừng sinh nhật. Cạn ly!”
Bốn ly whiskey và một ly thường được giơ lên mà khẽ chạm vào nhau. Sinh nhật thì vốn là dành cho tôi nhưng dường như cô bé Oohinata mới là người vui nhất.
Đó cũng là lúc một trong những nỗi lo của tôi chấm dứt.
Không phải là cực kỳ muốn được chúc mừng hay vì, nhưng tôi đã lo rằng cả bọn chỉ kéo qua ăn uống rồi về nhà như chả có gì xảy ra. Sau lần cạn ly này xem như bữa tiệc sinh nhật của tôi đã viên mãn…
Tuy nhiên còn một thứ khác – chú mèo may mắn.
Tại sao nó vẫn còn trên bàn? Cả bọn trong khi chờ tôi lấy dĩa và thìa đã dọn bàn, đặt hết mọi thứ choán chỗ trên tủ nhưng con mèo thì vẫn ở đây. Vô tình sao? Không, trong những thứ trước đó nằm trên bàn thì nó là choán chỗ nhất. Khi mọi đồ ăn thức uống đã được bày ra thì họ cũng rất hào phóng né để cho con mèo một chỗ. Có ai đã táy máy mà biết được công dụng của nó chăng?
Mà cũng thật là thiếu sót. Trong nhà có một lọ mứt quýt mùa hạ ngon tuyệt vời như vầy mà không nhận ra. Hên là cuộc trò chuyện đã không còn xoáy vào chuyện đó. Từ giờ phải cẩn trọng hơn một chút.
Bánh bích quy của Satoshi hơi mặn và thế là quá hợp với mứt. Tôi đã luôn nghĩ rằng mình thích đồ ngọt hơn nhưng vị chua nhè nhẹ của quýt mùa hạ mang một cảm giác rất khoan khoái. Nó… nói sao nhỉ, cứ như là giữa kiếm chém so với kiếm chọt vậy[4].
“Anh Fukube từng đến đây chưa ạ?”
Nghe câu hỏi của Oohinata, Satoshi liền quay sang tôi.
“Anh không nghĩ vậy.”
“Chưa hề.”
“Tới gần chỗ này thì có, nhưng là gặp ở công viên. Anh nhớ là có mượn cái gì của ảnh.”
Tôi gật đầu. Đúng như Satoshi nói, tôi đã bảo hắn chờ ở công viên gần nhà. Tuy nhiên…
“Thế à? Sao chả nhớ cậu có trả lại cái gì nhỉ?”
Chỉ mới hai năm mà trí nhớ tôi đã lờ mờ trông thấy, nhưng đây là chuyện nên làm rõ. Đồng tình, Oohinata nói:
“Có thể hai anh gặp nhau hai lần. Một lần mượn một lần trả thì sao?”
Ô, hợp lý.
“Nhưng thật sự anh chưa bao giờ đến tận nhà nhỉ?”
“Anh không nghĩ việc đến đây có ảnh hưởng gì đến khả năng làm được điều mà tụi anh phải làm.”
Oohinata lầm bầm cái gì rồi uống một ngụm nước.
“Anh nói thẳng quá. Là em thì chắc em sẽ nói là ‘Vậy thì phiền lắm’ chẳng hạn. Nhưng có lẽ con trai là thế.”
Satoshi nghiêng đầu đáp.
“Vậy à. Thực tế anh là người thích giữ những mối quan hệ vừa phải và vậy là đủ, nên có lẽ không được như lẽ thường em nghĩ đâu.”
“Lẽ thường kiểu gì ạ?”
“Mọi kiểu.”
Tôi cũng đồng tình.
“Ra vậy, mỗi người mỗi khác nhỉ.”
Oohinata đâm ra suy tư. Là con trai mà nói, tôi không nghĩ mình và Satoshi thích cái kiểu “quan hệ vừa phải” hơn những cấp độ khác. Chỉ là sự nó vốn thế. Có thể Oohinata có một chút tính tomboy trong người nhưng thực sự không nhiều thằng con trai có thể vô tư mà nói về những chuyện như vậy.
Thả một miếng bánh vào miệng, Oohinata ngẩng đầu lên để hỏi tiếp:
“Em có thể hỏi một câu nữa không? Phòng anh như thế nào ạ?”
Phòng? Tôi trả lời đầy thận trọng.
“Cũng khá bình thường. Có giường, có bàn học… và một kệ sách.”
“Có được trang trí bằng cái gì không ạ?”
Hình như có cái gì dán trên tường thì phải. Khi tôi đang cố nhớ lại trong yên lặng thì Ibara đột nhiên lên tiếng. Tay nhỏ vẫn gõ lốc cốc lên đầu cái tượng mèo.
“Em không nên hỏi vậy Hina-chan. Dù có là tên này đi nữa thì người ta có riêng tư của họ.”
Đoạn nhỏ quay về phía tôi và nhoẻn cười lạnh lùng.
“Với lại, đã là phòng con trai thì chị nghĩ em thừa tưởng tượng được có cái giống gì bên trong chứ hả.”
Tôi không chắc mình biết rằng Ibara đang tưởng tượng cái gì, nhưng chắc chắn là chẳng có gì trong phòng có thể chứng minh cho cái cười đầy ranh ma đang dành cho tôi cả… ưm, hoặc là không có nhiều.
“Em chẳng tưởng tượng ra gi cả.”
Nghe Oohinata lẩm bẩm, Satoshi mỉm cười đáp:
“Những thứ như là sách giáo khoa.”
Tôi cũng thêm vào.
“Còn sách tham khảo nữa.”
“Có cả từ điển nữa đúng không?”
Vẻ mặt của Ibara đúng nghĩa không thể tin nổi.
“Mọi người dở hơi hết rồi hay sao trời?”
Số lượng bánh quy trên khay cứ ngày một giảm xuống. Nếu xong hết thì tiếp theo sẽ là bánh sinh nhật. Lấy thêm một miếng nữa tôi chợt nhận ra trưa nay mình chưa ăn gì cả.
“Mà này, mọi người ăn trưa chưa?”
Nỗi người đáp một vẻ. Chitanda thì “Mình ăn nhẹ rồi.” Oohinata thì “Dạ rồi.” Ibara thì “Hôm nay ăn sáng muộn nên chưa” còn Satoshi thì “Chưa.” Dù sao hôm nay cũng là nhân vật chính nên tôi muốn thử đề xuất cái gì đó.
“Vậy thì đặt pizza nhé.”
“Sao cơ? Nhưng… để cậu trả thì kì lắm.”
Chitanda tỏ ra đầy quan tâm, nhưng dĩ nhiên đời nào tôi lại bao hết.
“Tụi mình sẽ chia đều.”
“Ô… ồ, vậy thì tốt rồi.”
Satoshi chen vào.
“Đồng ý. Thực ra dự định ban đầu của tớ là đặt pizza ấy chứ, xét về mặt nhiều người cùng ăn được nhưng rồi lại thôi.”
“Vì chỗ đó đóng cửa à?”
“Một tiệm pizza mà nghỉ cuối tuần thì làm ăn được gì? Không, thực ra là…”
Hắn liếc qua Ibara. Trái ngược với vẻ lúng túng của Satoshi, Ibara tiếp lời gẫy gọn:
“Tôi không ăn phô mai được. Xin lỗi.”
“… Ồ, vậy à. Tớ không biết.”
“Cậu mà biết thì tôi mới ngạc nhiên đấy.”
Thi thoảng ở trường vẫn có những bữa ăn có phô mai nên sẽ không lạ nếu tôi biết, nhưng lạ là tôi đã không. Có lẽ nhỏ đã từng đề cập nhưng tôi lại vô tâm quá thì phải.
“Chị cũng không thích phô mai sao?”
Oohinata phết một lớp mứt bự lên miếng bánh bích quy rồi thả vào miệng đầy điệu nghệ. Cô bé rướn người về trước có vẻ đầy hiếu kỳ.
“Ừ, một chút. Không phải dị ứng gì nhưng mà… chỉ là chị không thể ăn được.”
“Vì cái vị hay sao ạ?”
“Vì cái mùi. Nếu là loại cay và thái lát mỏng ít mùi thì vẫn ổn, nhưng chị tuyệt đối sẽ không đến gần chỗ nào dùng phô mai để nấu. Hina-chan cũng không thích à?”
Vừa nghe đến Oohinata cười tươi roi rói.
“Cái này là bạn em nói, nhưng nếu có hai thứ người ta thực sự nên vứt đi khi bị thối thì một là cam và hai là sữa ạ.”
Tôi tự hỏi, khi không nghĩ được cách dùng từ nào hay thì cô bé này lại lôi bạn mình ra có phải là thói quen hay không. Đúng như suy nghĩ Ibara chỉ biết cười trừ để đáp lại.
“Quyết đoán thế là tốt, nhưng chị vẫn thấy áy náy vì nó như là điểm yếu vậy. Trước khi thành người lớn chị nghĩ mình phải vượt qua nó.”
Lỡ một mai Ibara trở thành tu sĩ trên dãy Pyrenees[5] và ép mình ăn phô mai ba bữa mỗi ngày thì tôi nghĩ rằng nhỏ sẽ thành công. Thậm chí lúc xuống núi còn phải luyện công để kìm hãm sự thèm phô mai ấy chứ. Huyền thoại về người sáng lập nhãn hiệu Bơ Sữa Ibara và cách cô chiếm lĩnh thị trường phô mai thế giới như một cơn lốc sẽ khai sinh từ đó. Dám lắm chứ.
Nhưng vấn đề nếu chỉ dừng lại ở việc không ăn được thì đã dễ, nhưng đã là mùi thì nội việc đặt cái pizza nào cũng là chuyện rắc rối. Dựa vào mớ tờ rơi nhét đầy thùng thư thì hy vọng sẽ có loại pizza không dùng phô mai… Thôi bỏ, tôi củng chẳng thém đến mức phải nhọc công đi dò. Với cả mấy chiếc bánh quy cũng vừa bụng một cách kỳ lạ.
“Vậy là… anh Oreki, anh thực sự không biết cái gì về chị Ibara phải không ạ. Dù là đã học chung từ tiểu học?”
“Gần như vậy.”
“Cái đó thì có gì mà khoe?” Ibara chen vào.
Có phải khoe đâu?
Oohinata, người đang phóng tay về phía khay bánh chợt khựng lại. Cô bé nhìn Ibara với biểu cảm rất lạ.
“Lẽ nào lại thế nhỉ? Chị Ibara chưa bao giờ đến căn nhà này phải không ạ?”
“Không đời nào. Học chung trường không có nghĩa là nhà phải gần nhau.”
“Vậy sao? Nhưng như vậy….”
Oohinata nhìn về phía Chitanda ngồi bên cạnh, tới Satoshi rồi Ibara, Cô bé nghiêng đầu như bị rối trí.
“Các anh chị và em đã đến đây mà không lạc đến một lần nên em đã nghĩ một trong chúng ta biết nhà anh Oreki chứ ạ?”
Thời gian như chết lặng.
Rốt cuộc ra thế này đây.
Xa rời cái phòng riêng, thậm chí còn chẳng đả động tới cái tượng mèo may mắn, ai mà ngờ rằng chỉ từ việc đề xuất đặt pizza mà chuyện có thể bị lái sang hướng đó? Chỉ vì không biết việc Ibara ghét phô mai mà cả sự thật rằng hai đứa không thân thiết đến mức nhỏ có thể biết nhà của tôi đã trở thành cái mồ tự đào để chôn mình. Còn khả năng đổi chủ đề hay không? Không, quá trễ rồi. Cuộc trò chuyện đã đi tới điểm-không-thể-quay-lại. Cố làm đứt đoạn thì chỉ tổ khiến họ tự hỏi tại sao tôi lại muốn đánh trống lảng rồi đâm ra nghi ngờ vẩn vơ hơn nữa. Câu hỏi của Oohinata nguy hiểm vì nó có thể làm lộ ra bí mật mà “con mèo” chỉ ra. Dĩ nhiên chỉ là “có thể”. Mọi chuyện vẫn chưa phải kết thúc. Thật đau lòng nhưng điều duy nhất tôi có thể làm bây giờ là tạm lui ra khỏi cuộc trò chuyện, cầu nguyện rằng tự họ sẽ có chủ đề hấp dẫn hơn để lái qua hướng khác.
Mong là “người ấy” cũng hiểu được tình hình.
Ibara nhìn Satoshi rồi nói:
“Ưm, em biết đấy. Người dẫn đường là Fuku-chan nhỉ?”
Satoshi đáp đầy bối rối:
“Tớ chỉ nhớ đường đi. Đến gần khu nhà Houtarou thì bắt đầu rối nhưng hên là tớ cũng để ý nhiều tới xung quanh nữa. Về việc ai đã cho mượn bản đồ thì…”
“Là tớ.” Chitanda đáp ngay.
“Đúng rồi. Là Chitanda-san.”
Hắn lấy tờ bản đồ trong túi ra cho mọi người thấy. Không phải loại cực kỳ chi tiết với những ký hiệu dày đặc khắp cả vùng mà chỉ là loại thể hiện một quận trong thành phố. Nhà của tôi nằm trong khu vực được đánh dấu đỏ.
“Ồ phải rồi. Là vì Chi-chan đã từng đến đây một lần.”
Nghe vậy Chitanda đột nhiên sững người.
“Nhớ không? Năm trước vào kỳ nghỉ hè khi chị Irisu đến mời tụi mình xem đoạn phim ấy đó. Chẳng phải Chi-chan đã đến đây mới kéo được tên này lên trường sao?”
“A, không, thực ra…”
Nhỏ nhớ tốt thật. Đúng là sau khi nghe Satoshi mách rằng tôi định trốn thì Chitanda đã quyết định thân chinh, nhưng lúc đó…
“Nhờ chỉ dẫn của Fukube-san mà tớ cũng đến được khá gần, nhưng chưa tới được nhà.”
Ngày hôm đó tôi nhận được cuộc điện thoại với nội dung: “Tớ đến tìm cậu nhưng hình như bị lạc rồi, phiền cậu đến đón tớ nhé.” Không mất nhiều thời gian tôi đã tìm ra nhỏ nhưng chắc chắn khi ấy nhỏ không thể nhìn thấy nhà tôi được.
“Tớ biết số nhà mà. Có thêm bản đồ nữa thì không lạc nổi đâu.”
“Thì ra là vậy.”
Oohinata tươi tỉnh trở lại như đã thỏa mãn với lời giải thích vừa rồi.
“Biết địa chỉ là coi như xong anh nhỉ. Ví dụ như… như thế này…”
Chưa nói hết câu mặt cô bé lại tối sầm.
“Như thế này? Như thế này là sao?”
Dường như một thứ kì lạ mới lại sinh ra trong đầu cô bé năm nhất này thì phải. Không có lấy một điểm tương đồng nào giữa hai người, nhưng chả hiểu tại sao khi nhìn Oohinata và Chitanda ngồi cạnh nhau lại dường như khiến nỗi lo của tôi nhân đôi lên.
“A! Thiệp năm mới!”
Khi thốt lên những từ đó Oohinata lại tươi tỉnh, trong khi Satoshi lại đáp một câu không cần thiết.
“Houtarou không làm chuyện đó đâu.”
Phản đối! Hồi nhỏ tôi đã cố gắng gửi nhưng có vài vấn đề - tôi chả biết địa chỉ của ai cả.
“Vậy sao?”
Tạm thời không quan tâm tới lễ phép, cô bé nhìn tôi bằng ánh mắt khó chịu.
“Ít nhất anh phải gửi thiệp năm mới cho bạn bè chứ?”
“Không sao. Tụi này dù gì cuối năm cũng họp mặt tất niên. Thiệp năm mới chỉ là dành cho những người không tham gia thôi.”
“Cũng có thể là vậy, nhưng chẳng phải lý do duy nhất chúng ta đã có thể liên hệ với Oreki-san là vì tớ đã gọi điện cho cậu ấy sao?” Chitanda lên tiếng.
Satoshi đặt miếng bánh định ăn xuống và bắt đầu hớn hở.
“A, đầu năm nay thú vị phải biết nhỉ. Thậm chí Mayaka còn…”
Hắn khựng lại ngay khi cảm thấy cái trừng mắt sắc như gươm từ Ibara. Dù hoàn toàn không phải là bị ép nhưng việc làm một miko[6] bán-thời-gian đã khiến nhỏ ngượng chín cả người. Dĩ nhiên Oohinata không hiểu chúng tôi đang nói gì.
“Chị Ibara làm sao ạ?”
“Không có gì đâu. Mình đang nói về địa chỉ nhà Oreki mà nhỉ?”
Nhỏ gượng gạo chuyển về chủ đề cũ. Nếu như tiếp tục khơi lên chuyện hồi đầu năm thì “thứ đó” có thể được che lấp, nhưng làm vậy thì có trời biết Ibara sẽ khinh miệt tôi cỡ nào và hậu quả sẽ tăm tối ra sao. Lúc tôi còn nặng trĩu suy tư Ibara đột nhiên ngẩng người, như tự hỏi tại sao lại không nghĩ ra một khả năng quá đơn giản như vậy.
“Chính là cuốn kỷ yếu. Tớ chắc chắn là địa chỉ mỗi người đều được ghi trong đó.”
“Ô, phải rồi. Thế mới hợp lý.” Oohinata gật gù, nhưng lại nghiêng đầu lần nữa.
“Ủa, nhưng chị Chitanda đâu có học ở sơ trung Kaburaya ạ?”
“Không, Ibara-san nói đúng đấy.”
Rồi Chitanda cũng lên tiếng.
“Oreki-san có một người bạn hồi sơ trung là Souda-san. Chị đã có nhiều dịp đến nhà Souda-san nên đã hỏi mượn cuốn kỷ yếu.”
Ibara và Satoshi nhất loạt lên tiếng.
“Ra là vậy. Sao cậu không nói?”
“Vậy sao? Sao không thấy cậu nói?”
Bị hai người la cùng một lúc khiến Chitanda quýnh người lại xấu hổ.
“Tớ định hỏi mượn hai cậu nhưng lại không gặp. Lúc nào phòng họp thì lại quên mất nên… À mà việc đến nhà Souda-san chỉ là có việc đột xuất thôi.”
“Nhắc mới nhớ. Đúng là có một cậu Souda trong lớp thật, dù cậu ta không cho tớ ấn tượng là kiểu người có thể giao du với Oreki.”
Không hề. Dù trông cứ thơ thơ thẩn thẩn nhưng cậu chàng đá bóng cực tài. Chúng tôi còn có một thời gian trao đổi sách với nhau nữa.
“Hình như ba mẹ cậu ấy làm lớn nhỉ.”
“Họ làm trong hội đồng thành phố nhưng không tỏ ra trịch thượng chút nào.”
Phồng má, Satoshi lắc đầu một cách đầy phô diễn.
“Không hổ danh là Chitanda-san. Biết là cậu giao thiệp rộng nhưng đến cả bạn hồi sơ trung của Houtarou nữa thì… thật là đáng ngưỡng mộ.”
“Không đâu, chỉ là vô tình thôi.”
“Và có lẽ quá khứ tăm tối và bí ẩn của tớ cũng đến tai cậu rồi?”
Như muốn bước vào trò chơi của Satoshi, Chitanda nhẹ nhàng đặt hai tay lên đùi và cười tinh ranh.
“À. Ví dụ như lời đồn về việc cậu nghêu ngao hát nhưng quên tắt mi-cro trong phòng phát thanh của trường nhỉ? Tớ chẳng có nghe được cái gì đâu.”
Vài giây sau Ibara cười phá lên.
“Hahaha, đúng rồi! Đúng là có vụ đó.”
Chuyện xảy ra vào mùa thu năm ba sơ trung. Một sự tích đáng buồn và đáng buồn cười.
“Không ngờ Chi-chan biết nhiều đến thế. Cậu không nhắc thì chắc tớ quên luôn đó.”
Satoshi kỳ này chẳng khác nào kẻ cướp gặp bà già. Không nói không rằng, cái mặt cười nham nhở như đã bị đông cứng. Hắn thường là trung tâm của mọi trò chọc phá và cũng chẳng phiền ở chiều ngược lại, nhưng đúng như suy đoán cái sự kiện này vẫn đang là gót chân A-sin duy nhất của hắn.
Trong tâm can tôi cầu mong sự tha thứ của Satoshi.
Người kể cho Chitanda về chuyện đó không ai khác là tôi, nhưng ít ra cái chi tiết hắn đã thử chế biến bài hát theo phong cách hip-hop và đã thất bại thảm hại đã được lược bỏ. Tôi không thể tuyệt tình như thế với thằng bạn chí cốt được.
Kỳ lạ là trong khi Chitanda khiêm tốn từ chối lời khen ngợi của Ibara, thì Oohinata cứ ngồi ngây người ra với đôi mắt nở to, miệng thì há hốc.
Thời điểm chuyển sang bánh kem cũng đến. Tôi dọn khay bánh quy và dĩa mứt vào nhà bếp rồi quay về phòng khách. Con mèo vẫn còn trên bàn. Cũng dễ hiểu việc mứt bị dây ra bàn dù mọi người có ăn cẩn thận thế nào nên tôi có mang theo một cái khăn. Trong khi lau tôi lẩm bẩm một cách đầy tự nhiên “Ai lại để ở đây nhỉ, vướng quá.” trước khi đặt lên trên tủ.
Thở phào nhẹ nhõm. Chỉ cần loại nó ra khỏi bàn thì âu lo sẽ tan biến. Hết nguy hiểm rồi.
Tôi mang ra mấy cái dĩa, nĩa và một con dao để cắt bánh. Nước ép nho hẳn là không hợp với bánh ngọt nên tôi quyết định pha chút cà phê au lait[7]. Nghĩ thế tôi lại quay về nhà bếp để đun nước.
Tri nhân tri diện bất tri tâm. Hy vọng tôi đã diễn trót lọt. Khi Satoshi và Ibara, đặc biệt là Oohinata bàn luận về cái địa chỉ họ có biết rằng tôi như người đứng trên băng mỏng hay không.
Cà phê đã để sẵn trong cốc. Dùng đồ uống liền thật không phải là cách hay để đãi khách nhưng ai bảo đến gấp làm chi. Không đắn đo điều này nữa tôi tiếp tục theo dõi chiếc ấm đun nước đang im lặng mà chờ nó sôi. Kinh nghiệm cho thấy ánh nhìn của con người quyết định thời điểm sôi của nước. Khi nào tôi còn nhìn thì chắc chắn nước sẽ không bao giờ sôi, trong khi rời mắt một cái là hú ngay tắp lự. Đương nhiên từ góc nhìn của một người tiết kiệm năng lượng thì lờ đi là hành động tối ưu, nhưng ngoài cái ấm ra thì thật chả có gì để nhìn nữa.
“Oreki-san, cái khăn lau này…”
Quay sang, tôi thấy Chitanda đang cầm cái khăn lau bàn.
“Ồ, cứ vắt lên cạnh bồn nước cho tớ là được.”
Trở lại với cái ấm, giả định rằng Chitanda vẫn còn đó tôi lên tiếng:
“Cậu quyết định không nói à.”
Một khoảng yên lặng theo sau, rồi tôi được nghe một âm thanh như lạc đi giữa tiếng ồn của quạt thông gió.
“Ừm… Có lẽ tớ bị lỡ rồi.”
Chitanda đã nói rằng nhỏ biết địa chỉ của tôi thông qua cuốn kỷ yếu hồi sơ trung nhờ sự giúp đỡ của một người bạn tên Souda. Tôi từng có người bạn tên Souda là thật. Hiện tại thì không biết cậu ta đã vào trường cao trung nào nhưng chắc chắn không phải Cao trung Kamiyama. Cũng có khả năng Souda đã cho Chitanda xem cuốn kỷ yếu. Dù sao thì mọi điều nhỏ nói từ nãy đến giờ đều gần như là sự thật và Chitanda không giỏi nói dối…
Nhưng hoàn toàn là thật thì không.
Satoshi chưa từng đến nhà tôi. Ibara cũng vậy.
Kỳ nghỉ hè năm trước Chitanda đã có thể tới gần chứ chưa hề biết nhà tôi cũng không phải nói dối.
Tuy nhiên không ai bảo là nhỏ chỉ đến một lần. Chitanda đã thực sự đến đây. Nhỏ đưa tấm bản đồ cho Satoshi để hắn lo vụ dẫn đường, và dù không làm thế thì mình nhỏ cũng có thể đến mà không khó khăn gì.
Rồi tôi được nghe một giọng trách móc.
“Nhưng cậu cũng có nói đâu.”
“Có lẽ cơ hội của tớ cũng qua rồi.”
Đó là một sự việc diễn ra cách đây gần một tháng.
Lễ hội nhà Chitanda đứng ra tổ chức bị thiếu người, và vì có vẻ sẽ mặc vừa thứ trang phục đặc biệt của lễ hội nên tôi được nhờ giúp đỡ. Mọi vấn đề rồi cũng ổn thỏa ngoài việc trời hôm đó khá lạnh. Kết quả là tôi ốm liệt giường. Dĩ nhiên với tư cách là người nhờ giúp đỡ Chitanda không thể ngồi yên. Khi gọi điện đến nhà và được chị tôi thông báo tình hình nhỏ đã lập tức tìm đến nhà tôi lần nữa. Quà chúc sức khỏe của nhỏ là lọ mứt quýt mùa hạ. Nhỏ bảo rằng pha một chút với trà đen sẽ giúp tôi đỡ hơn. Tôi thì không hảo trà đen nên chỉ đổ mứt ra một cái chén và ngồi liếm.
Để Chitanda vào phòng riêng thì thật không phải, thế mà tôi gắng gượng mà đi ra phòng khách. Đau nhức toàn thân thì có nhận quà thực cũng không cười nổi. Hiểu chuyện Chitanda chỉ nán lại vài phút sau khi đưa tôi lọ mứt rồi về nhà. Chỉ để ở lại một chút thôi… nhưng nhỏ đã cất công đến tận đây.
“Khó quá… Tớ cảm thấy có lỗi với Mayaka-san và mọi người, nhưng họ sẽ không biết nếu tụi mình không nói.”
Vẫn nhìn cái ấm tôi không nói gì thêm.
Sự không cần thiết phải thế. Nỗi lo của tôi lại ào ạt trở về. Nhỏ nói mọi người sẽ không biết nếu chúng tôi không nói gì, nhưng thực tế Chitanda lại vô tình dùng hành động thay cho lời khẳng định rằng nhỏ đã từng ở trong căn phòng này.
Bữa tiệc đã đến hồi cao trào. Cũng đến lúc để chiếc bánh sinh nhật được mang ra. Khi đó vài cây nến sẽ được cắm và thắp lên bằng chiếc bật lửa Oohinata mang theo. Có lẽ Chitanda cũng nghĩ về một trình tự như thế. Sẽ là có không khí hơn nếu tắt hết đèn khi nến được thắp và ý định của nhỏ là vậy đúng không?
Đó là lý do bức tượng mèo may mắn còn nằm trên bàn.
Nó vẫn được đặt ở đó dù gạt tàn thuốc, cuốn truyện và cả rì-mốt TV đều bị dọn lên tủ. Đó là hành động của chỉ người nào biết công dụng bật tắt đèn của nó. Nói cách khác nó sẽ chỉ ra ai trong bốn vị khách đã từng đến đây trước đó.
Khi Chitanda vào nhà, do phòng khách quá tối nên tôi mới gạt cánh tay con mèo để bật đèn. Nhỏ chắc chắn không quên. Chuyện gì sẽ xày ra nếu nhỏ cũng bắt chước để tắt đèn? Ibara, hay có thể là Oohinata sẽ lập tức thắc mắc những câu như… “Úi trời, vậy ra con mèo là một cái công tắc sao? Chả trách nó được để trên bàn. Nhưng khoan, làm sao cô biết? Chitanda Eru, xem ra không chỉ đã đến đây mà cô còn được vào phòng khách mà tận mắt chứng kiến chức năng của con mèo này đúng không? Khai mau!”
Nếu nhận ra điều đó Chitanda đã dọn con mèo đi chỗ khác…
Nhưng lúc này thì khoan. Nến sắp được thắp nghĩa là con mèo chuẩn bị có việc để làm. Nếu giờ tôi chỉ ra sơ suất và khiến nhỏ bối rối thì chẳng biết chuyện sẽ đi về đâu. Nghĩ lại thì… tôi cũng nhận ra việc giữ im lặng về lọ mứt chắc cũng chả phải là do “lỡ cơ hội”. Chúng tôi cũng chẳng làm cái gì u ám cả… nói chung là dở hơi thật.
Biết vậy khiến tôi không khỏi phì cười một cái. Thấy vậy Chitanda liền hỏi:
“Gì vậy?”
“À thì…”
Định nói là không có gì thì một thứ lại nảy ra trong đầu.
“Chưa biết chừng Oohinata không tin vào câu chuyện ban nãy của cậu.”
“Hả…”
Tôi đối mặt nhỏ và thử tạo ra một nụ cười xấu tính nhất có thể. Giá mà có cái gương để kiểm chứng điều đó.
“Bởi vì tớ có cảm giác là cậu nói xạo về chuyện của Souda.”
Chitanda nở một nụ cười cay đắng.
Chiếc ấm rít lên một âm thanh cao vút.
[1] Tượng maneki-neko có hình con mèo máu tắng và đưa một tay lên được cho là mang sự may mắn.
[2] Ánh sáng hồng ngoại nằm ngoài vùng ánh sáng thấy được của mắt người.
[3] Trích câu thơ của thi nhân thời Đại Chính (1912-1926) Hagiwara Sakutarou.
[4] Kiếm chém có bản lớn, còn kiếm chọt thì mảnh và mũi nhọn.
[5] Dãy núi đồng thời là biên giới tự nhiên giữa Pháp và Tây Ban Nha.
[6] Những trinh nữ làm công việc liên quan đến chăm lo đền thờ Thần đạo ở Nhật Bản.
[7] Cà phê pha kiểu Pháp với sữa.
3. Hiện tại: 6.9km; còn 13.1km
Con đường tiếp tục trải thẳng mà không có đoạn dốc nào trong tầm nhìn. Đằng rất xa có một ngọn đồi và đó là chướng ngại cuối cùng tôi phải vượt qua. Chạy trên những đoạn dài và thẳng tắp thế này thường dễ làm người ta nản chí.
Từ đoạn xuống dốc đã không có suy nghĩ gì diễn ra trong đầu. Theo dự tính tôi sẽ về trạng thái suy luận sau khi rời khỏi đồi và đi bộ trở lại, nhưng một vấn đề bất ngờ xảy ra – đường chạy thoáng đãng bắt đầu quá sớm. Không ít học sinh Cao trung Kamiyama đang chạy trước và sau tôi. Điều này khiến việc dễ bị nhìn ra là tên-lười-biếng-không-chịu-chạy làm tôi cảm thấy chút gì xấu hổ. Thế là tôi đành phải ráng mà chạy trong khi cái đầu còn suy nghĩ được.
Cũng có một thứ khác lọt vào tầm nhìn thoáng đãng của tôi – một chiếc xe đạp leo núi đằng trước mặt. Xem bộ có chuyện rồi. Phó chủ tịch Hội học sinh Fukube Satoshi đang dừng lại. Tôi đành tăng tốc chạy đến chỗ hắn vừa lên tiếng gọi.
Satoshi dường như đã giải quyết xong việc khi hắn chỉ đang đứng ở sát lề đường và nói chuyện rất hào hứng với một thành viên Hội học sinh khác. Còn cả chục mét để có thể bắt kịp khi tôi nhận ra hắn chuẩn bị leo lên xe. Vừa chắc mẩm là không kịp rồi thì tự dưng, hắn quay đầu xe để hướng về phía tôi. Xem ra cậu chàng không quá bận rộn cho lắm.
“Nè Houtarou. Được báo trước thì lẽ ra tớ không nên ngạc nhiên… nhưng cậu chậm kinh hoàng.”
Đến chỗ hắn tôi dừng lại và hít thở sâu vài ba cái. Satoshi nhanh chóng chia tay anh bạn bên Hội học sinh và đi bộ cùng tôi. Tôi mở lời:
“Tớ thì nghĩ cậu đã ở khá xa rồi.”
Satoshi nhún vai rồi tiếp tục đẩy chiếc xe về trước.
“Nếu chạy đàng hoàng thì giờ tớ đã tới đích.”
“Nhanh đến thế à?”
“Đùa thôi. Hơi phóng đại rồi. Chắc đâu đó ở Jinde là cùng.”
Tôi vẫn nghĩ thế là chưa hết phóng đại nhưng quyết định không thém nói. Satoshi liếc ra phía sau một cái rồi thở dài.
“Đúng là chả nên mong chờ một ngày như vầy đi qua mà không có biến cố. Nhưng mà…”
“Có tai nạn sao?”
“Một ông bị đau chân và không thể đi nổi. Tớ đã gọi cho một thầy và thầy ấy vừa đến đây để mang người đó về trường.”
Rồi dí sát mặt vào tôi, hắn thì thầm:
“Nhìn thì không biết, nhưng dám cá là đau cái búa.”
Cũng thường thôi.
“Cậu mong toàn thể học sinh sẽ hoàn thành hai chục cây số một cách chân thật và không chút gian xảo à?”
Nghe giọng điệu châm chọc của tôi Satoshi bất ngờ nhướn mày.
“Dĩ nhiên là không!”
“Không cần phải nghiêm trọng thế.”
“Nếu một học sinh có thể lách qua sự giám sát chặt chẽ từ Hội học sinh mà tìm được đường tắt thì thực ra còn nhận được ràng vỗ tay của tớ, nhưng mấy thằng đó… dù chẳng làm gì hay nhưng khi lên xe thì cười toe toét như mình tài lắm. Mỗi lần có một vụ là thầy lại phải cuốc xe lên chở tụi nó. Có thể một vài trong số này là đau thật, nhưng còn những tên diễn trò thì thật chẳng đáng mặt. Ước gì tụi nó chọn cách nào hay ho hơn.”
Cao trung Kamiyama có hơn một ngàn học sinh. Rắc rối sẽ không dừng lại ở con số một, bởi đâu đó sẽ lại là một tên nằm giả như mình hết hơi.
Satoshi nhìn đồng hồ.
“Thực lòng mà nói tớ bị chậm quá rồi. Cậu muốn hỏi điều gì phải không Houtarou?”
Tôi đã bận rộn trong việc chọn câu hỏi với giả định rằng sẽ gặp Chitanda trước, tuy nhiên việc gặp Satoshi ngay tại đây hóa ra lại là điều may mắn. Kiến thức của hắn bao trùm một mảng các đề tài rộng hơn rất nhiều so với tôi, và dù hầu như chẳng lúc nào dùng nhiều đến vậy tôi vẫn rất biết ơn khi đối diện với loại vấn đề cần những góc nhìn khác nhau.
Có hai thứ cần phải nói, đúng hơn là hỏi.
“Được rồi. Tớ muốn cậu nghe một câu chuyện hoàn toàn hư cấu.”
“Có mào đầu nữa cơ à? Được thôi, tiếp đi.”
Vừa đi tôi vừa chắt lọc những chi tiết. Được đấy, thế này đi.
“Giả định là tớ đã nói một câu như ‘Đây chỉ là bạn nói với tớ, nhưng dù nghĩ thế nào thì việc mấy người trong Hội học sinh không phải chạy là bất công’ thì cậu nghĩ thế nào?”
Satoshi trừng mắt nhìn tôi rất lâu, rồi đáp lại bằng giọng nghiêm túc một cách bất thường:
“Hóa ra cậu nghĩ thế thật à? Không có vui chút nào đâu.”
“Đừng có dở hơi chứ. Tớ chẳng nghĩ ra giả định nào tốt hơn cả.”
“Thực ra đó chính là điều tớ sẽ phản ứng đấy. Hoàn toàn là hư cấu thôi, dĩ nhiên.”
Vì không nghe gì thêm, Satoshi xem ra đã nghĩ rằng tôi không còn câu hỏi mà leo lên chiếc xe đạp. Hắn nhấp xe từng chút một để tôi vẫn đi bộ theo kịp và tiếp tục:
“Nói thế này chỉ để cậu biết thôi Houtarou, nhưng tớ thực sự mến những cô bé kiểu Oohinata. Dĩ nhiên không phải theo cái cách có thể khiến Mayaka giận nếu cậu ấy nghe những lời vừa rồi.”
“Tớ biết.”
Giống như vừa được nghe một lời thỏa mãn, hắn bắt đầu tăng tốc. Lúc này tôi chợt gọi:
“Satoshi.”
“Hả?”
Đạp thắng, Satoshi quay lại.
“Còn chuyện gì à?”
“Không…”
Tôi đang do dự.
Còn một điều nữa cần phải được Satoshi xác nhận nhưng thực sự quá khó mở lời. Không, không nên cản trở công việc của hắn. Nghĩ vậy tôi hắt ra một hơi thở nặng nề rồi lên tiếng.
“Đây là một câu hỏi về thành ngữ Nhật Bản. Nếu một người được miêu tả là giống Bồ Tát ở bên ngoài thì họ thực tế sẽ thế nào?”
Nghe xong hắn lẩm bẩm cái gì trong miệng. Tôi không nghe rõ nhưng dường như là “Mayaka không nói tớ vụ đó.” Trách móc Ibara là không cần thiết. Nhiều khả năng nhỏ chỉ là không thấy lý do để phải truyền cho hắn đúng từng từ trong lời của Oohinata.
Đúng như tôi nghĩ, Satoshi biết. Một khi biết là hắn sẽ biết rất rõ, trái ngược với kẻ chỉ có sự lờ mờ như tôi.
“Có một câu nói rằng nếu ai đó giống như Bồ Tát ở bên ngoài thì bên trong sẽ ngược lại. Một trái tim của Dạ Xoa.”
Và để nhẹ nhàng hóa vấn đề bằng một lời nói đùa, hắn thêm vào:
“Nhưng với kinh nghiệm tiếp xúc thì tớ không nghĩ Chitanda dị ứng với lựu[1].”
[1] Lấy từ sự tích Hariti của Ấn Độ, kể về một người đàn bà trộm con của người khác để nuôi con mình. Sau này được đức Phật cảm hóa bà thề suốt đời chỉ ăn lựu chứ không đụng đến thịt người nữa.