Đường Hầm Đến Mùa Hạ Và Tận Cùng Là Biệt Ly

Chương kế tiếp:

Truyện tương tự

Bloom into you: Regarding Saeki Sayaka

(Đang ra)

Bloom into you: Regarding Saeki Sayaka

Hitoma Iruma

Đây là spin-off light novel của bộ Manga "Bloom into you", kể về câu chuyện về nhân vật phụ trong câu chuyện chính là Saeki Sayaka, một cô bé nghiêm túc và từ nhỏ chỉ tập chung và

11 605

Cô bạn thân nhất của crush đang bí mật tiếp cận tôi

(Đang ra)

Đáng lẽ ra, tớ nên ghét cậu mới phải

(Đang ra)

Đáng lẽ ra, tớ nên ghét cậu mới phải

HoneyWorks, Mari Kousaka

Chẳng lẽ, chuyện tình của Kotaro lại kết thúc một cách đau đớn như vậy sao?....

6 235

Isekai Demo Bunan ni Ikitai Shoukougun

(Đang ra)

Isekai Demo Bunan ni Ikitai Shoukougun

Antai (安泰)

Cố lên nhân vật chính! Cố cho đến ngày tên của mình được quyết định nhé!

309 13675

Kimitte Watashi no Koto Suki Nandesho?

(Đang ra)

Kimitte Watashi no Koto Suki Nandesho?

Kota Nozomi

Hãy cùng khám phá những điều sẽ xảy ra với hai chú chim non đáng yêu này trong bộ truyện tình lãng mạn tuổi teen siêu ngọt ngào và lành mạnh. Chắc chắn sẽ có rất nhiều khoảnh khắc lãng mạn đang chờ đợ

4 13

Otome game Sekai wa Mobu ni Kibishii Sekaidesu: Marie Route

(Đang ra)

Otome game Sekai wa Mobu ni Kibishii Sekaidesu: Marie Route

Mishima Yomu

Đây là phần ngoại truyện kể về một nhánh rẽ khác của câu chuyện. Nếu như Leon chủ động hơn khi mới bước vào học viện và quen biết với Marie trước thì sao? Những diễn biến nào sẽ diễn ra khác với cốt t

221 19969

Toàn tập - Chương 1: Những khoảng trời đơn sắc

Thật tình, mình chúa ghét mùa hè.

Trong tâm trí tôi bỗng thoáng qua những dòng suy nghĩ ấy trong lúc bản thân đang ngồi phơi mình trên khoảng sân ga bê tông, thầm mong rằng đoàn tàu sẽ sớm đến nơi để giải thoát tôi khỏi tiết trời oi ả giữa buổi sáng. Chỉ mới vào tháng Bảy thôi mà thời tiết đã nóng ran như thể bên ngoài ngôi nhà tôi là một căn phòng xông hơi. Cái nóng như muốn thiêu cháy cả da thịt cộng với độ ẩm cao thôi cũng đủ làm tôi phải khổ sở ra mặt, thêm vào đó là bản tráng ca không có hồi kết của lũ ve sầu khiến cho hành trình đi kiếm con chữ của tôi không khác gì một buổi tra tấn tàn bạo.

“Ờm, quý hành khách chú ý. Chúng tôi lấy làm tiếc khi phải thông báo rằng đoàn tàu sẽ đến trễ hơn đáng kể so với thường lệ vì trên đường đến ga đã va chạm phải một con hươu. Chúng tôi thật lòng xin lỗi vì sự bất tiện này, chúng tôi đều hiểu rằng thời giờ của quý hành khách là vô cùng quý giá, nhưng mong quý khách hãy lượng thứ cho trong lúc chúng tôi tìm biện pháp để giải quyết tình hình hiện tại…” 

Chiếc loa phát thanh cũ kỹ han gỉ nằm trên đỉnh trụ điện ở ngay cạnh sân ga phát ra âm thanh lè xè khi vừa thông báo xong. Ựa. Lại nữa à, tôi càu nhàu. Tháng trước cũng xảy ra chuyện tương tự, nhưng lần đó thay vì hươu thì lại là một con heo rừng.

Băng qua nơi nhà ga tồi tàn hướng ra biển này là độc một dãy đường ray. Ở mạn đối diện trên đất liền cũng chỉ là một rừng cây rậm rạp và một con dốc thẳng đứng. Bởi vì là một trong số ít những nhà ga vô cùng hẻo lánh chưa được tu bổ ở cái đất phủ huyện này nên nó đã vô tình trở thành một điểm đến có phần thu hút những phượt thủ đang tìm kiếm cho mình một khoảng trời mới lạ. Nhưng khổ nỗi, tình trạng xuống cấp của tuyến đường ray lại chính là nguyên do gây ra sự trì hoãn liên miên như hiện giờ. Không phải là tôi bận tâm đến chuyện mình bị muộn học, vì nếu là bất cứ khoảng thời gian nào khác trong năm thì tôi sẽ rất biết ơn những sự cố không lường trước được này để cho mình có cơ hội được đi muộn. Nhưng ở thời điểm hiện tại, tôi đang rất thèm khát cảm giác được ngồi trong căn phòng có điều hòa mát lạnh hơn là tắm mình dưới ánh nắng chói chang vô biên đến bao giờ chẳng hay. Những trường hợp tàu đến trễ do đâm phải thú hoang có thể kéo dài từ vài phút đến tận vài giờ đồng hồ, ấy vậy mà cách người nhân viên thông báo kia dùng từ “đáng kể” kết hợp với kinh nghiệm xương máu trước đây, tôi tin chắc là mình sẽ còn kẹt ở đây thêm ít nhất nửa tiếng đồng hồ nữa. 

“Hay thật. Chắc mình bị nướng chín luôn mất…” Tôi càu nhàu rồi đành gục đầu bất lực, những tia nắng cháy bỏng rọi xuống gáy tôi mà không chút thương tiếc. Tôi đưa ống tay áo của chiếc áo sơ mi đã nới bớt cúc lên để lau đi dòng mồ hôi thấm đẫm trên thái dương trước khi chúng giây vào mắt. Người ta thường nghĩ rằng xây dựng một khu vực chờ đóng kín có lắp thêm máy điều hòa không phải là việc gì to tát cả, nhưng phải nói cái ga tàu này đến cả cổng soát vé tự động còn chẳng có lấy một cái thì yêu cầu kia âu cũng là một điều quá xa xỉ. Tôi chỉ có thể bước tập tễnh đến một trong hai chiếc ghế dài đặt dưới khoảng hiên gỗ xập xệ để làm dịu đi bớt cái nóng. Ngồi trên chiếc ghế còn lại là đôi nữ sinh học chung trường trung học với tôi, họ đang chuyện trò vô tư lự cứ như tiết trời nóng hầm hập kia chẳng hề gì đối với họ.

“Có khả năng là bọn mình được cúp tiết thể chất đầu tiên đấy. Tuyệt thế còn gì.”

“Ừ ha, nhưng tội nghiệp chú hươu kia quá…”

“Có gì đâu, chọn lọc tự nhiên cả mà.”

Sáng hôm nào cũng gặp phải cảnh này. Hình như hai người họ có đầu óc không cùng tần số—nhưng xét theo tiếng ríu rít không ngừng của hai nàng thì có vẻ họ không để tâm gì đến vấn đề đó lắm. Tôi hướng đến băng ghế trống ở phía đối diện và lết về vị trí xa nhất của chiếc ghế để hai nàng không phải cảm thấy tôi đang xen vào cuộc chuyện trò của họ. Bóng râm trên đầu chẳng làm cho không khí mát hơn được mấy, cho nên tôi nới thêm chiếc cúc áo trên cùng, tựa lưng vào ghế và phất phơ cổ áo để kiếm tí gió cho mình. Và rồi, như đáp lại nguyện ước của tôi, một cơn gió biển dịu nhẹ thoáng qua mang theo mùi hăng hắc của muối biển tràn ngập vào khoang mũi tôi.

Ở phía bên kia đường ray, bờ cát dần sụp xuống trước khi hòa vào mực nước biển. Ngay trên rìa của vách đá, là bầu trời biếc xanh đang hóa nhạt màu về nơi đường chân trời mờ ảo, còn bên này, càng nhìn về xa, mặt biển lại chuyển dần sang một gam màu xanh sâu thẵm và trầm lạnh hơn. Từng đợt sóng nhẹ xô vào bờ dưới ánh nắng chan hòa. Ngắm nhìn đại dương vào khắc ban mai gần như là một phép chữa lạnh cho tâm hồn, giống như khi ta để hồn mình khiêu vũ với ánh sáng lung linh mong manh của ngọn nến hay buông thả theo dòng chảy róc rách của con suối. Đó là một trong những thứ mà ta có thể nhìn ngắm suốt hàng canh giờ mà không cảm thấy chán ngán. Nó êm dịu hệt một phép thôi miên vậy. 

Đắm chìm vào khung cảnh những đợt sóng biển cuộn trào suốt một hồi, tôi quay người nhìn lên chiếc đồng hồ trên cột cao đằng sau lưng. Lúc này đã tám giờ rưỡi rồi. Cho dù đoàn tàu có lăn bánh vào lúc này đi chăng nữa thì vẫn phải mất hai mươi phút mới đến được nhà ga này, còn lớp học của tôi lại bắt đầu vào lúc mười giờ. Biết sự đã an bài, tôi đành bó tay chịu trận trước sự thật rằng chẳng còn hy vọng nào cho việc đến lớp đúng giờ nữa và khép mắt lại để thiếp đi trong chốc lát.

Không lâu sau đó, một trong hai cô nàng ngồi đối diện tôi đã nói về một điều khiến tôi phải dỏng tai lên mà nghe.

“Này… Cậu đã từng nghe về đường hầm Urashima bao giờ chưa?” nhỏ hỏi cô bạn mình.

“Ù ôi,” nhỏ còn lại cằn nhằn. “Lại một câu chuyện ma khác nữa à?”

“Làm gì có, không hẳn là truyện ma đâu. Nói cho đúng thì đó là một câu chuyện siêu nhiên cơ, nhưng giống với truyền thuyết đô thị hơn.”

“Truyền thuyết đô thị kinh dị hả?”

“Chắc là thếêê?”

“Vậy thì thôi. Cho mình xin kiếu đi.”

“Ơ kìa. Không có ma mủng gì đâu, tớ nói thật đó. Dù gì thì mấu chốt của câu chuyện là người ta đồn rằng nó có thể ban cho người bước chân vào đó bất cứ điều ước nào.”

“Điều ước gì cũng được sao? Chỉ cần bước vào thôi á?” 

“Ừ. Ước gì được nấy luôn.”

“Hử… Chỉ có bấy nhiêu thôi?”

“Chưa hết đâu, cơ mà nè, đoạn này mới rùng rợn đây… Giờ giả dụ đi, cậu đã có được điều mà mình ao ước rồi đúng không? Thế là cậu quay gót chuẩn bị ra về. Nhưng đường hầm Urashima đâu có cho cậu đi dễ dàng như vậy. Nó phải lấy đi một thứ từ cậu như một vật trao đổi.”

“Và đó là gì mới được.”

“Tuổi thọ này. Những năm tháng mà cậu dùng để tồn tại trên cõi đời ấy. Lúc đi là thiếu nữ trẻ đẹp, lúc về lại trở thành một bà lão lọm khọm.”

“Quoa… Vậy nó giống kiểu bọn mình đánh đổi cả thanh xuân để trở thành tỉ phú hay gì à?”

“Ừ, là như thế đó.”

“Má ơi, nghĩ thôi cũng đã nổi hết cả da gà rồi.”

“Thấy chưa, tớ bảo rồi mà!”

Hai nhỏ lại tiếp tục lảm nhảm trên trời dưới đất—Trời ơi đất hỡi, nói chuyện đáng sợ mới nhớ, hôm qua tớ phát hiện một con nhện to tổ chảng trong phòng mình kìa! Thiệt á? Ừa, tớ phải nhờ ông ngoại vào và lấy báo đập bẹp dí nó. Ha ha, ông ngoại cậu ngầu thiệt đó. Ừ, làm gì có ai ngầu qua được ông tớ— Họ đổi chủ đề tám chuyện với tốc độ ánh sáng, còn chủ đề cũ cứ như vừa bị vo nát lại hệt một số báo cũ, giờ chỉ có tác dụng là đập nhện. Nhưng chính tôi lại thò tay vào trong cái sọt rác ấy để lôi ra tờ báo có một mẩu tin đã thu hút sự chú ý của mình trong số những chủ đề mà họ đã vứt vào máy hủy giấy, rồi là phẳng nó trong tâm trí để săm soi thật kỹ.

Đường hầm Urashima: một địa điểm huyền bí có thể tước đi tuổi thọ của bất kỳ ai đặt chân vào bên trong, nhưng đổi lại nó ban cho họ một điều ước. Đây là lần đầu tiên tôi được nghe về truyền thuyết đô thị này, mà nghe qua tên cũng như khả năng nắm giữ thời gian trong câu chuyện là tôi biết ngay nó dựa trên chuyện cổ tích về Urashima Taro. Trong khi “biến mọi điều ước thành sự thật” đã là một yếu tố được nấu nhừ đến nhạt vị qua những câu chuyện như thế này, nhưng đoạn “lấy đi tuổi thọ” lại có phần nào thú vị. Tôi tự hỏi liệu sẽ có chuyện gì xảy ra nếu có người bước vào trong cung đường hầm ấy và ước được hồi xuân. Liệu nó có phát sinh mâu thuẫn hay họ vẫn sẽ trẻ lại trong một khoảng thời gian ngắn rồi lập tức hóa già khọm ngay khi vừa bước ra khỏi đường hầm? Còn nếu họ ước có thể mang trong mình nguồn huyết thanh trường xuân vô hạn thì sao? Hay có được sự bất tử?

Đúng là chỉ khiến người ta khai thác ra lỗ hổng mà thôi, tôi nghĩ vậy rồi mở mắt ra để thấy chuyến tàu cuối cùng cũng đến ga. Tôi liếc mắt nhìn đồng hồ—tàu đến trễ tận ba mươi lăm phút. Nhưng nhờ ơn giấc ngủ ngắn ngủi cùng liều thuốc thư giãn cho tinh thần mà quãng thời gian đó cũng chẳng lâu la mấy. Phía đầu tàu không hề dính một vết máu hay thứ gì khác cho thấy nó vừa đâm phải một con hươu cả; trông vẫn lành lặn như mọi ngày. Tôi bước lên chuyến tàu từ cửa sau và đánh một hơi dài thượt nhẹ nhõm khi dòng không khí mát lạnh của chiếc máy điều hòa cứu tinh dần bao trùm lấy từng li trên làn da mình. Ngay lúc tôi vừa an tọa trên chiếc ghế trống ngay bên cạnh, cánh cửa khí nén liền đóng khít lại và đoàn tàu khởi hành về đích đến tiếp theo.

“Cảm ơn quý hành khách đã lựa chọn đồng hành cùng chúng tôi ngày hôm nay. Chúng tôi muốn nhắn gửi lời xin lỗi chân thành nhất đến tất cả quý vị, vậy nên hãy vui lòng lắng nghe thông báo sau đây của chúng tôi…”

Khoan đã, tôi nhận ra mình đang mơ mơ màng màng khi nhân viên thông báo đọc lời cáo lỗi được soạn thảo sẵn bởi chủ doanh nghiệp. Hình như hôm nay lớp mình có học sinh mới chuyển đến thì phải? 

Trường trung học phổ thông Kozaki tọa lạc không xa khu nhà ga gần nhất, và cũng là ngôi trường mà hầu hết mọi người sinh sống ở xung quanh đó đều theo học. Mặc dù nằm ở một mảnh đất heo hút, nhưng nhìn chung thì nó không khác gì những trường cấp ba bình thường khác. Đúng là tòa nhà được xây dựng theo lối kiến trúc cách tân, và ở phía ngoài sân thể dục thỉnh thoảng vẫn có thể bắt gặp cáo hay lửng chó lảng vảng quanh đấy, nhưng ngoài thứ đó ra thì ngôi trường cũng không có gì đáng để nói cho lắm.

Sau khi thay giày ở lối vào, tôi đi thẳng đến lớp 2-A. Vì đến trường đúng vào khoảng nghỉ giữa hai tiết nên sẽ chẳng lấy làm lạ khi tôi bắt gặp mấy nhóm học sinh tụ tập ở ngay hành lang mà chuyện trò rôm rả—nhưng sau khi lên hết cầu thang và rẽ ở một góc, tôi có đôi phần bất ngờ trước cảnh tượng một đám đông đang chen chúc ngay trước cửa phòng học của lớp. Ban đầu tôi chỉ nghĩ bụng, chắc có ai vừa làm vỡ kính cửa sổ hay đơn thuần là học sinh gây gổ với nhau mà thôi. Thế rồi tôi mới ngộ ra, họ túm tụm trước lớp mình thế kia là để chiêm ngưỡng dung mạo của người học sinh mới chuyển đến. Giáo viên của bọn tôi từng đề cập rằng sắp có một “bạn nữ mới chuyển vào lớp,” nên đó là lý do tại sao lại có những cặp mắt tò mò đến đây để mà hóng chuyện, nhưng tôi nghĩ thầm rằng hẳn cô nàng này phải xinh xắn lắm mới được quan tâm đặc biệt đến như vậy. Tôi lách người qua đám đông hiếu kỳ đó để vào lớp, và ngay vào giây phút ấy, ánh mắt tôi đã thoáng nhìn được cô ấy. 

Qua bộ váy yếm mang phong cách cổ điển và có đôi chút sang trọng kia, nhỏ toát ra vẻ rực rỡ long lanh gần như lấn át mọi đứa con gái khác trong lớp khi bọn nó chỉ khoác lên duy nhất một bộ váy đồng phục thủy thủ do nhà trường quy định. Dường như phía trường chưa kịp chuẩn bị một bộ đồng phục cho học sinh mới đến, song chỉ với phục trang hiện tại thôi mà nhỏ đã khiến cho mình trông nổi bật hơn hẳn chúng tôi như thể có tên lười biếng nào đấy đã mang nhỏ ra khỏi nơi mà mình vốn thuộc về và sau đó chắp vá nhỏ vào nơi đây bằng kỹ thuật chỉnh sửa hình ảnh. Dù vậy, gương mặt kiều diễm kia nom chưa chịu bất kỳ hư tổn nào. Mái tóc dài đen tuyền suôn mượt của nhỏ thoạt nhìn qua mang đến dáng dấp như một người phụ nữ trưởng thành, nhưng đôi mắt to tròn hình hạnh nhân kia lại phần nào làm dịu đi ấn tượng của nhỏ đối với mọi người xung quanh. Đến cả cách mà nhỏ nghiền ngẫm cuốn sách mà vẫn giữ được tư thế ngồi thẳng lưng tuyệt mỹ cũng vô cùng quyến rũ.

Nói tóm lại, vẻ đẹp thanh thoát của nhỏ hoàn toàn có thể, không ít thì nhiều, vượt mặt Kawasaki Koharu, người được hầu hết mọi người công nhận là cô nàng sắc sảo nhất lớp tôi. Nhưng dẫu sao đi chăng, ấn tượng mà nhỏ mang lại gần chạm đến tận cùng của khái niệm toàn mỹ, đến mức tưởng chừng như không thể với tay đến vị thế đó được. Thực vậy, mặc dù đang là chủ đề bàn tán của học sinh toàn trường, nhưng cho đến lúc này vẫn chưa một ai có đủ can đảm để đến gần mà bắt chuyện với nhỏ. Trông ai nấy cũng vui vẻ ra mặt dù chỉ đứng từ xa mà không ngớt lời khen ngợi nhỏ. Tôi không định trở thành người đầu tiên chấm dứt bầu không khí sôi nổi này nên đành lặng lẽ lui về chỗ của mình ở dãy bàn nằm cạnh hành lang và an tọa tại đó.

“Ê Kaoru! Khỏe không mày?” Sau lưng tôi vang lên một giọng hớn hở.

“Cũng thường thường,” tôi đáp rồi quay người lại để đối mặt với cái gã vừa cất giọng hỏi thăm.

Đó là Kaga Shohei, tên bạn thân nhất của tôi trong lớp. Một thằng có tướng mạo cao ráo, tóc cắt kiểu húi cua, và đặc biệt là kiểu ăn ngay nói thẳng. Dù có bị trêu là thằng đần thích chơi thể thao đi nữa thì nó cũng chỉ cười hề hề vào lời châm chọc đó thôi, nhưng thực chất nó là một đứa thích rúc trong nhà có thú vui nghe rất tri thức là đằng khác. Nó đang là thành viên của một câu lạc bộ thư pháp trong trường, ngoài ra cu cậu còn thích lắp ráp mô hình tàu bè trong chai thủy tinh khi rảnh rỗi nữa cơ.

“Nghe nói sáng nay chuyến tàu mày đi vừa cán phải một con hươu à?”

“Ừ.”

“Má, hình như dạo gần đây mấy vụ tương tự xảy ra hơi nhiều. Mà tao lại ước được như mày kìa. Thằng phải tự đạp xe đi học như tao có lỡ mà đụng phải chuyện như thế chỉ rước họa vào thân chứ chẳng được lợi lộc gì.”

“À ờ. Mày thử phơi xác suốt nửa tiếng giữa nắng hè hay tiết trời cuối đông rồi quay lại đây xem còn muốn ước được như tao không nhé.”

“Thôi bạn… mày có phải dãi dầu nắng mưa sương gió như tao đâu mà hiểu được.”

“Ờ cũng phải,” tôi công nhận.

Shohei liếc nhìn qua nhỏ học sinh mới đến. “...Chắc dân thành thị Tokyo không cần phải lo về mấy vụ tai nạn kiểu này đâu nhở.” 

“Có chứ sao không. Có khi còn quanh năm suốt tháng là đằng khác.”

“Mày buồn cười, làm gì có chuyện. Tokyo thì lấy đâu ra hươu nai chạy lông nhông ngoài đường.”

“Nhưng thế chỗ cho bọn hươu là nhân viên làm công ăn lương.”

“...Đến chịu bạn, đôi lúc mày lại nghĩ ra mấy câu đùa đen tối vãi hàng.” Shohei nhăn mặt như thể cả đời này nó chưa thấy ai kinh tởm hơn tôi.

Công bằng mà nói, câu đùa của tôi cũng vô vị thật chứ chẳng hay ho là bao, chỉ là tôi không ngờ thằng Shohei lại tỏ vẻ như đây là bản tính thường nhật của tôi. Dù sao thì vẫn nên đổi chủ đề nói chuyện thì hơn. “Ê mà sao tao với mày lại so sánh ở đây với Tokyo nhỉ?”

“À, chắc tại cô H có nói con nhỏ mới chuyển tới là dân ở đó.”

Ra vậy. Cô Hamamoto là giáo viên mới được biên chế cho nhà trường năm vừa rồi, đồng thời là giáo viên chủ nhiệm lớp bọn tôi. Nhưng phải nói cô không phải kiểu nhà giáo nữ trẻ trung nóng bỏng mà mọi thằng con trai đều mơ mộng viễn vông đâu.

“Chà chà. Thiếu nữ đô thành đây à?”

“Ờ. Hẳn là nhỏ phải nhớ quê lắm. Nghĩ mà xem, đang sống ở Tokyo từ nhỏ mà bây giờ lại phải chuyển về cái xứ hoang vu hẻo lánh này.”

“Đúng thật.” Tôi bật cười một tiếng rồi lại đưa mắt nhìn nhỏ thêm cái nữa. “Mày có nghĩ nhỏ đang bị sốc văn hóa hay gì không?”

“Gì? Mày hỏi vậy là sao?”

“Chịu, hình như nhỏ đang tự cô lập bản thân thì phải. Không biết nhỏ có đang gặp phải chuyện gì không?”

“Ái chà,” Shohei trở sang giọng khịa. “Gu của mày là mấy gái cô đơn phải không? Chả trách được mày, nhỏ dễ thương thế kia mà.”

“Đâu, mày điên à? Tao đang tò mò không biết nhỏ tính làm gì đây, có bấy nhiêu thôi.”

“Nhân tiện, cho mày thông tin luôn, nhỏ tên là Hanashiro Anzu. Để nói cho mày cái này, hình như nhỏ rất là cá tính đấy nghen thanh niên,” Shohei nói rồi bắt đầu kể cho tôi một câu chuyện nghe khá thú vị.

Quả thực là cô H đã diễn giải cho cả lớp về nhỏ học sinh mới đến, Hanashiro Anzu. Nhỏ phải chuyển tới sống ở Kozaki vì chuyện gia đình, và đây là lần đầu tiên nhỏ chuyển trường. Nhưng khi được cô giáo mời giới thiệu đôi lời về bản thân thì nhỏ chỉ thô lỗ đáp, và tôi sẽ thuật lại như sau: “Miễn đi ạ. Khỏi cần phải rườm rà. Em về chỗ được chưa?” Theo Shohei kể thì cô H đã bị cái cách nói năng vô lễ không ngờ ấy làm cho phát hoảng đến mức không thốt nên lời.

Đến chính tôi cũng cảm thấy lời thằng Shohei nói khó tin thật. Trong lúc nó đang liên thiên chuyện đó với tôi, ở phía đằng xa có vài đứa bạn cùng lớp tôi tiếp cận nhỏ và định bắt chuyện, nhưng lại bị nhỏ thụt cho một câu “Thôi đi được không? Bộ không thấy người ta đang đọc sách à?”

“Chậc… Chắc tao cũng hiểu được sao nhỏ lại thuộc tuýp gái cô đơn rồi đấy.” Tôi lắc đầu ngán ngẫm và cười phì.

“Tiếc ghê… Nhỏ mà cởi mở thêm tí nữa thì dễ thương phải biết.” Shohei than vãn. “Mà kệ đi. Mong không có ai định gây sự với nhỏ.”

“Ề, tao nghĩ nhỏ sẽ ổn thôi. Cái kiểu ương bướng kia khó mà chịu để người ta đè đầu cưỡi cổ lắm,” tôi đáp. Hôm nay tôi còn có chuyện quan trọng để mà lo nghĩ hơn là nhỏ học sinh mới đến; tiết sau sẽ có một bài kiểm tra. Tôi lôi cuốn sách toán và vở ghi từ trong cặp ra. Tuy nhiên, trước khi tôi kịp dùng vài phút ít ỏi còn lại của giờ nghỉ để nhồi nhét bất cứ kiến thức gì cần thiết vào đầu thì chuông đã reo, và tiết học thứ hai đã bắt đầu.

Dẫu tính tình có “hơi” khác người, nhỏ Hanashiro nhanh chóng chứng minh được sự giỏi giang toàn diện của mình. Nhỏ trả lời chính xác tất cả những câu hỏi mà giáo viên đặt ra chỉ trong chớp nhoáng, và trong tiết thể dục, nhỏ còn bỏ xa những đứa nhanh nhẹn nhất trong lớp trên đường chạy. Dù được đám con gái tán thưởng không hết lời là vậy, nhưng chưa lần nào nhỏ tỏ vẻ kiêu ngạo hay hợm mình cả; nhỏ chỉ đáp lại bằng một ánh mắt lạnh lùng, khó hiểu như thể nhỏ suy xét mọi người vì họ cảm thấy ấn tượng trước một việc quá ư là cỏn con. Lớp tôi còn vài đứa bạo dạn hơn khi thử mời nhỏ tham gia vào câu lạc bộ hay đội tuyển thể thao của tụi nó, nhưng nhỏ lại khước từ tất thảy bằng thái độ thờ ơ như thường lệ.

Nhìn chung thì coi bộ Anzu Hanashiro không có ý định kết thân với ai trong ngôi trường này, và nhỏ dành hầu như toàn bộ thời gian nghỉ giữa tiết toàn tâm toàn ý mà đọc sách. Theo lẽ thường mà nói, sau một thời gian thì người ta cũng cười khẩy rồi bỏ mặc một đứa lệch cạ quái đản tự cô lập bản thân mình như nhỏ, nhưng nhờ vào năng lực thể chất và khả năng học vấn cao siêu của nhỏ thôi cũng đủ biến cái danh “lập dị rắc rối” trong tâm thức mọi người trở thành “thần đồng bị hiểu lầm”. Khi giờ nghỉ trưa đã điểm, nhỏ tại vị yên thân ở một chỗ, đặc trưng điển hình của kiểu người đơn độc, và hầu hết mọi người đều sẽ an lòng chấp nhận không làm phiền gì đến nhỏ mà đứng từ xa thầm buông lời ngợi ca. Nhưng không phải sự nổi trội bỗng dưng xuất hiện từ hư vô này cũng khiến ai ưa.

“Ê, con nhỏ mới đến. Biết điều thì xuống máy bán hàng tự động ở tầng dưới mua tao chai Cheerio Cola, nghe thông chưa hả?” Kẻ muốn đòi voi kia xông hồng hộc về phía bàn của Anzu, đập lên mặt bàn đồng 100 yên và trơ trẽn ra lệnh cho nhỏ như vậy.

Đó là Kawasaki Koharu—“cô nàng sắc sảo nhất trong lớp” mà tôi có nhắc đến khi nãy, theo sự thừa nhận của phần đông mọi người. Với mái tóc nhuộm màu hung ngắn quá vai, cùng chiếc váy có độ dài chưa đến ba đốt ngón tay, và đế sau của đôi giày đi trong lớp bị đè bẹp dưới gót chân nhỏ, nhìn qua là đủ nhận ra đây là hình tượng tiêu biểu cho việc vi phạm mọi nội quy ăn mặc của nhà trường. Hẳn rồi, nhỏ là một đứa sở hữu nhan sắc yêu kiều, nhưng với điệu bộ khinh thế ngạo vật và hợm hĩnh thượng đẳng thế kia thì khó mà làm sợi dây ái tình trong tim tôi rung động. Hơn thảy, nhờ có lời đồn truyền tai nhau khắp trường rằng nhỏ đang là một đôi với thằng côn đồ tai tiếng ngút trời ở khối trên nên chẳng ai dám làm phật ý nhỏ, nếu không cái tôi trong nhỏ sẽ còn lên tới đỉnh điểm. Vì có thằng bồ hung hăng chống lưng mà nhỏ mới giữ được vị thế nữ hoàng của mình lâu đến như vậy.

“‘Cheerio’ là cái gì?” Anzu cất giọng hỏi, mắt nhìn đồng 100 yên với vẻ ám muội.

“Hể, khoan?” Koharu nghẹn giọng. “Mày chưa nghe tới Cheerio bao giờ à?”

“Chưa một lần.”

“Thiiệt luôn… Mà chả sao. Sáng dạ như mày thế nào cũng biết đường mà tìm được thôi.”

“Nhưng 100 yên có đủ mua không?”

“Đủ chứ.”

“Mà vị có ngon không đã?”

“Ơ, mày hỏi thế để làm gì?”

“Hãng đó có còn vị nào khác không, hay mỗi vị cola thôi?”

“Im miệng và nhanh chân lên hộ tao cái!” Koharu gào lên và đạp mạnh hết cỡ vào cái ghế bên cạnh Anzu.

Anzu vẫn không hề suy chuyển. Nhỏ chỉ lững thững đứng dậy, trưng ra bộ mặt không tí cảm xúc và bước ra khỏi lớp mà không nói một lời nào.

Koharu nhìn bóng lưng Anzu rời đi rồi khệnh khạng quay về chỗ ngồi của mình và ịn mông xuống ghế. Nhỏ bắt đầu khoác lác với đám tay chân. “Bây thấy chưa? Đã nói là con nhỏ đó chỉ đang làm bộ thôi mà. Quát tí cho nó biết ai mới là trùm trong cái trường này.”

Chừng đôi ba phút sau, Anzu quay trở lại, trên tay nhỏ cầm chai Cheerio Cola. Koharu ngồi tại chỗ với nét cười bảnh chọe mà nhìn con hầu mới thu lượm đến dâng thức nước ngọt theo lệnh nhỏ. Nhưng bỗng nhiên, nhỏ há hốc mồm kinh hãi khi Anzu nhìn trừng trừng vào mắt nhỏ sau đó khui nắp lon nước và tu một hơi hết sạch. Cả lớp đều nín bặt, không thể tin nổi vào mắt mình khi đứa con gái mới đến dốc ngược cả lon nước và húp đến giọt cola cuối cùng trước khi nhấc miệng lon ra khỏi đôi môi hồng hào mọng ẩm rồi thở phà một tiếng đầy mãn nguyện.

“Cảm ơn nhé. Giải khát tốt đấy.” Anzu đập lon cola rỗng lên bàn Koharu rồi đánh gót về phía chỗ ngồi của mình và tiếp tục chiêm nghiệm nội dung trong cuốn sách như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Sau năm giây đứng hình, Koharu nổi đóa và nhảy xổ về phía Anzu để dạy cho nhỏ một bài học. Xui thay cho Koharu (nhưng may thay cho tất cả chúng tôi), ngay vào thời khắc ấy, giáo viên bước vào lớp khiến nhỏ phải miễn cưỡng quay về bàn sau khi chỉ kịp tặc lưỡi và liếc gườm một cái. Thế rồi tiếng xì xầm bắt đầu nổi lên từ nhóm học sinh chẳng ưa gì Koharu.

“Vãi lìn. Chắc không phải có mỗi mình tao thấy con nhỏ mới tới ngầu kinh khủng đâu nhỉ?”

“Má, cho tiền tao cũng không dám làm thế với con Kawasaki.”

“Ê mày thấy cách nhỏ kia tu hết lon nước không? Đích thị là dân chơi chính hiệu đó.”

Mặt Koharu bừng đỏ, phải nói là hơn cả vỏ lon Cheerio Cola. Đến cả tôi cũng phải thừa nhận Anzu ghê gớm lắm mới cho trùm lớp nhục mặt ngay ngày đầu tiên đi học.

Nhưng đồng thời chuyện này chỉ làm chắc nịch sự thật rằng cho dù có trải qua thêm cả triệu năm nữa, tôi sẽ không bao giờ có cơ hội được làm thân với nhỏ. Có lẽ từ bây giờ cho đến lúc rời khỏi giảng đường, chúng tôi mãi mãi chẳng nói với nhau được một lời và dần dà quên hết mọi ấn tượng về nhau chỉ trong vài tháng ngắn ngủi. Nhỏ là một cô gái quá đỗi phóng khoáng tự tại nên sẽ khó lòng nào tìm thấy được niềm vui thú từ một kẻ tẻ nhạt và buông thả như tôi cả, cũng chẳng giống như trong tôi đang nảy nở niềm thôi thúc muốn được tiếp xúc với nhỏ. Thế giới mà hai chúng tôi thuộc về quá đỗi khác biệt, chẳng có dây mơ rễ má gì với nhau. Chỉ đơn giản vậy thôi.

Mặc dù bầu không khí sôi nổi bao trùm quanh cô học sinh mới đến là vậy, nhưng quãng thời gian còn lại trong ngày cũng chỉ trôi qua thật chậm rãi và bình yên như thường lệ. Sau khi hết tiết sáu và bọn tôi được phép ra về, tôi vớ lấy chiếc cặp sách của mình rồi đứng lên khỏi ghế thì lại chạm mặt nhỏ Koharu vẫn còn đang hậm hực về vụ ban nãy.

“Ê Tono,” nhỏ gọi tên tôi với chất giọng cộc cằn the thé.

“Chuyện gì thế?” Tôi quay lại đối mặt nhỏ rồi cất tiếng hỏi.

“Mua hộ cây kem đi.”

Nói tới kem, tôi biết nhỏ đang ám chỉ tới loại ốc quế vị vanilla kiểu cũ của hiệu Sentan có ở tiệm bán tạp phẩm dành cho học sinh. Loại này được bọc trong một gói nhựa trong suốt có kem thành phẩm được đong thành hình cầu ở phía trên đỉnh vỏ bánh. Nếu nhỏ nhờ vậy thì cũng chẳng phiền hà với tôi là bao.

“Vậy tiền đâu?” Tôi đáp.

“Ủa gì? Cậu muốn tôi tự bỏ tiền túi ra mua ấy hả?”

Dựa vào kinh nghiệm từ trước, tôi biết tốt nhất là không nên hằn học gì với nhỏ về chuyện này. Dù có hơi đau lòng nhưng từ hồi đầu năm học đến giờ, nhỏ đối xử với tôi không khác gì một chân chạy vặt cả. Tôi vẫn còn nhớ như in cái ngày định mệnh ấy—Lúc đó tôi đang rảo bước trên hành lang, đầu óc bận lo nghĩ chuyện của riêng mình thì nhỏ từ đâu xuất hiện, chìa tay ra tỏ ý muốn mượn của tôi 100 yên, và tôi thấy không có lý do gì mà mình phải từ chối cả. Rồi ngay vào ngày hôm sau, nhỏ tiếp tục xin tôi thêm 100 yên nữa, và lần này tôi lên giọng cằn nhằn, nhưng rốt cuộc vẫn miễn cưỡng đồng ý cho nhỏ mượn thêm. Kể từ đó nhỏ bám theo tôi dai như đỉa, thỉnh thoảng lại bảo tôi “cho mượn” tiền hay đi mua đồ linh tinh giùm cho nhỏ. Bị nhỏ thao túng như vậy chẳng phải điều gì đáng tự hào cho cam, nhưng mỗi khi tôi vừa lên tiếng phản kháng thì cái bọn côn đồ học năm ba mà nhỏ hay giao du lại lườm nguýt tôi như thể tôi đang ngứa đòn. Sự thật không phải là vậy, thành ra đến cuối cùng tôi vẫn phải nhượng bộ.

“Rồi rồi, sao cũng được,” tôi xuống nước.

“Tốt. Giờ đi đi. Lẹ cái chân lên!” Giọng nhỏ vang lên sau lưng khi tôi bước ra khỏi lớp để đi mua cái cây kem ngu ngốc kia. Tôi bước xuống cầu thang, thoạt nhiên, có người chọc vào vai tôi. Tôi giật nảy mình và quay người lại nhìn—thì ra là thằng Shohei.

“Ê thanh niên, đừng có để cho gái gú nó trèo lên đầu ngồi chứ,” nó phi xuống mấy bậc thang liền rồi nói với tôi với điệu bộ lắc đầu ngao ngán.

“Này, tao chỉ ở sai nơi sai thời điểm thôi chứ có gì đâu. Mà mày biết chuyện lúc trưa rồi còn gì, giờ có ngu mới đi bướng với nhỏ.” Tôi đáp bằng vẻ đùa cợt để xua chuyện đó đi.

Nhưng thằng Shohei lại không chịu thôi. Nó đập nhẹ chiếc cặp của mình vào lưng tôi rồi lại thở dài ủ rũ. “Thôi đi bạn. Mày mà càng nhu mì, nó càng được đà làm tới thôi.”

“Cái đó thì tao biết, nhưng mày không nhớ nhỏ có thằng bồ đáng sợ lắm à. Tao không muốn lỡ lời làm nhỏ đi mách thằng cha đó, xong giữa đường về bị bọn đấy phục kích thì bỏ bu.”

“Làm quái gì có chuyện đó.”

“Mày nói vậy chứ có dám chắc đâu.”

“Mà này, mày thực sự nghĩ sẽ có thằng khối trên dám xé chuyện bé ra to để bị đuổi học giữa giai đoạn căng thẳng nhất đời học sinh này không? Hẳn bây giờ thằng đó cũng đang bù đầu cả lên, nào là thi đầu vào đại học này, kiếm việc làm này, đủ thứ cả. Hơn nữa, mày với tao còn không rõ tụi kia có đang bồ bịch với nhau thật hay không. Tao hóng chuyện khắp chốn mà vẫn chưa tìm ra ai chứng kiến cảnh bọn nó đi chung với nhau giống như một cặp đang có tình ý cả.”

“Vậy theo mày là nhỏ Kawasaki cố tình để người ta đồn lời vang tiếng xa hòng làm mọi người khiếp sợ nhỏ à?”

“Khó khẳng định lắm. Có khi chính nhỏ là đứa tự khơi mào tin đồn này cũng nên. Mà là thật đi nữa thì tao không thấy bất ngờ đâu.”

Tôi không thể không đồng ý với lời Shohei. Suy cho cùng nhỏ rất say đắm thứ quyền lực kia. “...Cơ mà tao lại không thể tin được nhỏ thực sự lan tin đồn đấy mà không có ít nhiều sự thật trong đó. Ý tao muốn nói là ngộ nhỡ lão kia phát giác và đính chính lại mọi sự thì chẳng phải nhỏ sẽ phải lãnh trọn hậu quả hay sao? Dù sao đi chăng, mày khỏi cần lo cho tao. Tí xu lẻ này chẳng đáng để tao làm mình làm mẩy đâu.”

Sự thực là như vậy. Nếu vài trăm yên có thể giúp tôi giữ hình tượng tốt đẹp trong mắt Koharu thì đây đúng là cái giá quá rẻ.

Shohei lại đánh thượt chán nản. “Đến chịu bạn, bộ mày không có tí bản lĩnh nào hết à?”

“Tao thực sự cần phải có bản lĩnh à?”

“Nếu mày muốn ra đời mà ăn nên làm lớn và không bị người khác đè đầu cưỡi cổ mọi lúc thì cần đấy. Cứ như con nhỏ mới tới ấy. Đáng để học hỏi lắm.”

“Cái bản lĩnh mà mày nói chỉ tổ chuốc thêm rắc rối về sau này thôi. Mà ngoài ra, tao không phải là một đứa mất gan đâu.”

“Ghê vậy sao? Chứng minh tao xem.”

“Bản tính nhu nhược của tao nó giống cơ chế tự vệ của bản thân hơn.”

“Vậy nó làm cho mày bớt thảm hại hơn ra làm sao?”

“Giờ mày cứ nghĩ xem. Mày biết thừa mấy trụ điện đều rỗng ruột hết phải không? Đó là lý do tại sao chúng trở nên bền bỉ hơn và ít có khả năng bị gãy đổ bởi chính sức nặng của mình trong trường hợp bị ngoại lực tác động. Tao chỉ đang bắt chước nó thôi. Vì ngay từ đầu tao đã chọn trở thành một đứa thiếu đi sự gan lì nên tao không còn gì để mất cả. Dẫu có bị người khác đánh đập đi chăng nữa, cùng lắm là tao bị cong đi thôi chứ không bao giờ gãy đổ. Tao biết là đối với mày nghe thì có vẻ mâu thuẫn lắm nhưng thực chất đây là một chiến lược khá cao siêu đấy.”

Trên mặt Shohei in rõ mồn một sự hồ nghi. “Mày đang giỡn đấy à?”

“Ừ, đa phần là thế.”

Nó liền đá gối vào đùi tôi.

“Oái! Thôi thôi, được rồi! Tha cho tao!” Tôi rên rỉ, suýt soát tránh được cú thúc thứ hai của thằng Shohei. Phù, tí nữa thì dính. Nếu có ai đó từng có suy nghĩ rằng ăn gối vào xương đùi mà không thốn tận xương tủy thì vẫn có thể thông cảm được—nhưng thánh thần thiên địa ơi, đau kinh hồn.

“Mày nên suy tính sao cho nghiêm túc hơn tí đi nhé thanh niên,” thằng Shohei bảo.

“Tự nhiên nói với tao câu vô lý thế…”

Tôi xoa xoa đùi mình mặc dù làm thế chỉ vô ích mà chẳng giúp cơn đau nhanh chóng dịu đi. Trong lúc đó chúng tôi cũng đến được tiệm tạp hóa. Tôi phóng như bay đến cái tủ lạnh và sực nhớ ra kem củng vào thời điểm này trong năm bán hết rất nhanh. Nhưng phải cảm tạ trời đất, vẫn còn sót lại một cây kem duy nhất mà nhỏ đã dặn tôi mua, phần chóp đuôi của nó nhô ra trong đống hổ lốn các loại đồ đông lạnh khác.

“Phù, cảm tạ ông trời. Mua xong cái này là được về nhà rồi.” Tôi thò tay xuống để lôi que kem từ trong tủ đông ra.

“Đợi chút. Đưa tao nghía phát nào.”

“Ô kêêê bạn…” Tôi nói rồi miễn cưỡng đưa cây kem cho nó.

“Giờ mày coi này,” Shohei nói. Đoạn nó lấy ngón tay búng chóp đuôi của vỏ bánh. Nó liền vỡ ra và vụn mảnh trong cái gói nhựa.

“Này! Mày làm đếch gì thế?!”

“Đây mày nhìn đi. Rốt cục rỗng ruột không phải là chiến lược hoàn hảo trong mọi điều kiện nhể.”

“Ừ ừ. Mày chứng minh luận điểm của mình bằng một cây kem ốc quế rẻ tiền thế thôi à? Tốt lắm bạn.” Tôi giật lại cây kem từ tay thằng Shohei, làm nó thêm nát vụn. “Hay lắm bạn… Lát nhỏ mà ăn thể nào cũng bị giây khắp áo cho mà xem.”

“Hể. Không lẽ chuyện đó tệ lắm sao?” Shohei nói với tiếng cười khẩy.

“Ờ, mày nói thì hay lắm. Mày có phải hứng chịu hậu họa đâu mà lo.”

“Ôi giời, mày khỏi phải lo. Nhỏ không phát hiện ra cho tới lúc xé gói kem đâu. Nếu nhỏ có hỏi tội mày thì chỉ cần chống chế là lúc mua nó đã vậy rồi. Hơn nữa, đây là tiền của mày mà, phải có quyền trả đũa nó tí chứ.”

“Tao không hiểu mình đang trả đũa nhỏ cái gì…”

“Cứ làm vậy đi cho tao.” Shohei quay mặt lại nhìn thẳng vào mắt tôi. “Mày không có rỗng ruột như trụ điện hay vỏ kem đâu, bạn hiền à. Mày phải biết đòi quyền lợi cho bản thân mình chứ. Thể hiện chút bản lĩnh đi xem nào! Bật lại con nhỏ đó cho tao!”

“...Để chừng nào nó khiến tao đủ sôi máu đã.”

“Hê. Đảm bảo sẽ có ngày đó…” Tiếng Shohei phì cười lẫn vào trong tiếng thở hắt.

Sau khi đưa tận tay cây kem cho Koharu, tôi ba chân bốn cẳng chạy khỏi trường như bị ma đuổi. Và rồi vẫn như mọi ngày, tôi về nhà trên cùng chuyến tàu đã đưa mình đến trường khi sáng. Nghĩ đi nghĩ lại thì đoạn đường đi khá ngắn; tôi thường dán mắt vào khung cảnh ngoài cửa sổ hoặc nghịch điện thoại để rồi đoàn tàu đến ga lúc nào chẳng hay. Khi đoàn tàu dừng lăn bánh, tôi nhấc mông lên và đưa thẻ đi tàu cho bác tài chứng thực. Nhưng bác ta đã quen mặt tôi quá rồi nên hành động này giờ đây chỉ mang tính hình thức; bác ấy còn không cần liếc nhìn lấy chiếc thẻ một cái. Tôi nhấn nút MỞ CỬA bên cạnh cánh cửa đôi rồi xuống tàu, thế rồi đón chào tôi là bầu không khí nóng bức và tiếng ve inh ỏi mà tôi đã trải nghiệm ban sáng. Chỉ trong phút chốc, tôi đã cảm nhận được mồ hôi đang thấm đẫm qua chiếc áo sơ mi và nhận ra mình đang mong ước có ai đó kéo dài tuyến đường sắt này thêm chút để tôi có thể cắm rễ trên đoàn tàu mát rượi này cho đến khi về nhà.

Tôi men theo đường kẻ màu trắng bên rìa đường, cố cúi mặt xuống để không bị ánh nắng gay gắt làm cho chói mắt. Dọc theo đoạn đường, băng qua một đại lý phân phối gạo tư nhân và một trạm cứu hỏa cũ kỹ mà chưa một lần nào tôi thấy cánh cửa ở đó mở ra là sẽ đến mái ấm nhỏ nhắn nơi tôi ở. Chỉ mới thoáng đầu hè thôi nhưng vệ đường trải nhựa đen đã sáng chói như một tấm gương phản chiếu tia nắng mờ ảo, tưởng chừng phủ lên phía trên là một lớp nước mỏng. Tôi nhớ trước đây trên TV có chiếu một bộ phim tài liệu về hiện tượng ảo ảnh xuất hiện trên đường, nó chỉ xuất hiện khi nhiệt độ môi trường lên đến hơn 35 độ C. 35 độ C đấy. Bảo sao thời tiết lại nóng như đổ lửa vậy. Tôi đưa tay quẹt hàng mồ hôi trên trán rồi nheo mắt nhìn lên ông mặt trời để thể hiện sự bất bình của mình. Vì quá chói nên tôi lại đưa tầm mắt về lại mặt đường. Vào đúng giây phút đó, tôi đã trông thấy một điều lạ.

Qua kẽ mắt, tôi loáng thoáng nhìn thấy bóng hình của một cô bé đứng ở đằng xa trên con đường. Tôi đứng lặng người, chớp mắt vài lần để chắc chắn đó không phải là ảo giác do ánh mặt trời tạo nên. Cô bé ấy khoác một chiếc áo ba lỗ quá cỡ cùng một chiếc quần cộc denim để lộ nước da rám nắng tự nhiên, và từ phía sau cái mũ lưỡi trai bóng chày thò ra chùm tóc buộc đuôi ngựa. Dẫu ở rất xa nhưng tôi vẫn có thể nhìn ra được đôi xăng đan màu đỏ tươi đã sờn cũ và phai màu. Nó đã tạo điểm nhấn lên bản tính yêu thích phiêu lưu khám phá của con bé.

“Anh thấy không? Đây là lằn ranh chia cắt nơi mưa và nơi tạnh nè!” Con bé reo lên, lưng quay về phía tôi và chỉ tay về nơi con đường bắt đầu tỏa sáng long lanh dưới ánh dương. Âm giọng con bé thật đỗi êm ái và dịu dàng, từng âm từng tiếng lọt xuôi trong đôi tai tôi. Nhưng tôi lại không lấy làm lạ vì tất thảy thanh âm trong buổi chiều tà, đến cả dàn hợp xướng vô biên của đám ve sầu cũng đã lặng thinh đi. Sự tĩnh lặng lạ kỳ bao trùm lên cả khu dân cư, như rằng thời gian đã ngưng đọng lại. Cô bé quay về phía tôi và nở một nụ cười vui tươi và hào hứng nhất mà tới tận bây giờ tôi mới được chứng kiến.

Là con bé. Là Karen. Là em gái tôi.

“Nhìn kìa, anh Kaoru! Anh thử nhìn xem, lần nào chúng ta lại gần thì nước cũng khô hết rồi á! Nhưng nếu bọn mình chạy đủ nhanh có khi vẫn còn sót lại mấy vũng nước đấy!”

Một cảm giác hoài tưởng tràn dâng khắp thân thể tôi.

À mình nhớ ra rồi. Hồi đó tụi mình nào đã biết về ảo tượng, cho nên mới cố gắng tìm ra lời giải đáp cho thắc mắc tại sao một con đường lại có thể ướt đẫm nước mưa trong tiết trời biếc xanh như thế, hay làm thế nào mà trên đường tồn tại một đường ranh giới giữa trời mưa và trời nắng.

Tôi muốn nói với con bé. Rất rất muốn là đằng khác. Vì giờ tôi đã là học sinh cấp ba rồi, giải thích về ảo tượng thì có gì là khó. Nhưng tôi lại không thể làm được một việc giản đơn đến vậy. Khắp người tôi đơ cứng lại như đang chìm vào giấc ngủ sâu và tôi không thể thốt thành lời. Chỉ có con tim tôi là vẫn đang đập, nhưng từng nhịp không khác nào cú phát trống muốn xé tan lồng ngực tôi.

“Nè, anh sao vậy? Tự nhiên anh lại đứng đực ra thế?” Con bé hỏi tôi. “Nếu anh không đi thì em bỏ anh lại đó.”

Lại một lần nữa Karen quay lại nói chuyện với tôi rồi dần rảo bước. Tôi muốn thét gọi tên con bé, nhưng vẫn như vậy, thanh âm cứ nghẹn ứ lại. Tôi chỉ có thể thốt ra tiếng thở khò khè từ cổ họng khô khốc của mình. Tất cả những từ tôi muốn nói đều không thể bật thành tiếng. Quay lại đây, đợi anh đã, đừng đi—chúng bị giam cầm trong lá phổi tôi, cuộn xoáy trong màn khói độc, cuốn theo những điều mà tôi chưa kịp nói ra. Lồng ngực tôi bị khao khát được gào thét thiêu cháy, nhưng tâm trí đã quay cuồng đến mức quên cả hít thở, và tôi dần thấy choáng váng. Trước khi tôi kịp sực tỉnh, Karen đã biến tan vào thinh không cháy bỏng đang lững lờ trên bề mặt con đường. Vậy là thêm một lần nữa, tôi lại bất lực để níu kéo con bé ở lại.

Khi ấy, tiếng kêu đinh tai của lũ ve đã trở lại với âm lượng tối đa như vừa nghỉ trưa lấy sức xong. Những giọt mồ hôi bám vương trên mi mắt đã len lỏi vào trong giác mạc tôi, và tôi liền nhắm nghiền mắt lại để xua tan đi cảm giác cay xè như muối biển. Sau đó tôi chạy như bay về nhà.

Khi về đến nhà, tôi thò tay vào trong chiếc cặp sách để lục tìm chùm chìa khóa và mở cửa trước vào nhà. Phải mất một lúc để mắt của tôi có thể thích nghi được với bóng tối bên trong, nhưng gây nhiều khó khăn cho tôi chỉ có ánh nắng chói chang hơn tất thảy ở ngoài kia. Tôi về phòng mình để thay bộ đồng phục sang chiếc áo thun và quần short, rồi lại trở xuống nhà bếp. Sau một hồi hít thở lấy hơi và xóa tan đi cơn khát bằng một cốc trà lúa mạch mát lạnh, tôi sang căn phòng khách được trang hoàng theo lối duy mỹ cổ truyền. Đó là một khoảng không gian khiêm tốn, chỉ có diện tích chừng tám chiếu với vài vật bày trí là những tấm bình phong họa một cảnh núi non yên bình treo trên đoạn tường âm. Đôi mắt của tôi giờ đã quen với ánh sáng có phần tối tăm hơn bên trong nhà. Khoảng trời trước hiên khi nhìn qua cánh cửa trượt không khác gì một thế giới hoàn toàn xa lạ, là một nơi ngập tràn sức sống hơn nơi tôi đang ở rất nhiều.

Tôi đi ra đó rồi ngồi khoanh chân rạp xuống tấm đệm bệt nằm ở một góc căn phòng, ngay trước gian thờ mà hai bố con tôi đã bày biện để thờ phụng Karen, em gái tôi. Con bé là người em ruột thịt duy nhất của tôi trong gia đình, nhỏ hơn tôi hai tuổi, và đã qua đời cách đây năm năm sau một tai nạn đầy bi thương.

Hôm ấy là một ngày mùa hạ oi ả như hôm nay vậy. Karen và tôi vớ lấy cái lồng côn trùng và chiếc vợt bắt bướm để đi kiếm vài chú sâu bọ ở khu rừng gần nhà. Chúng tôi dự định đi tìm bắt kiến vương, nhưng loanh quanh trong rừng đến tận chạng vạng tối mà vẫn không tìm thấy một con nào. Mặc dù bắt kiến vương không phải là ao ước lớn lao gì của bọn tôi, nhưng tôi và em đã hứa với mẹ rằng sẽ mang về cho bằng được một con để làm bất ngờ cho bà, thế nên đám trẻ bướng bỉnh như chúng tôi khó lòng mà bỏ cuộc được. Bạn thử tưởng tượng xem chúng tôi đã reo lên vui thích thế nào khi phát hiện không chỉ một và tận hai chú bọ đang đậu trên một cành cây cao, một chú là kiến vương còn lại là bọ vừng. Thế rồi hai đứa quyết tâm bắt cho bằng được bọn chúng.

“Báo cáo trung úy Karen! Chúng ta gặp vấn đề rồi!” Tôi hét lên bằng giọng điệu nghiêm trang như trong quân ngũ. Karen thấy tôi vậy cũng hứng khởi lắm, liền bắt chước theo và đưa tay lên chào tôi đúng như tác phong bộ đội.

“Có chuyện gì thế trung sĩ Kaoru?!”

“Thưa trung úy, vợt của chúng ta không đủ dài để với đến đó.”

“Được lắm! Bọn quái quỷ này đã khiến ta không còn đường lui nữa rồi!”

Tôi không nhịn được mà bật cười nắc nẻ. “Phìi! Em học cái kiểu nói chuyện đó ở đâu thế?”

“Em coi trên TV đấy!” Con bé nói với một nụ cười tinh nghịch trên môi.

“Giá mà anh cũng được xem.” Tôi cười trừ đáp lại.

Đúng là hai con bọ đậu trên cao quá nên nếu không trèo lên đó thì không đời nào bắt được. Nhưng trong tầm tay bọn tôi cũng không có lấy một cành cây nào thích hợp để đu lên cả, nên lựa chọn đó phải loại luôn thôi.

“Ờm, anh không nhảy cao được thế đâu,” tôi kết luận. “Tụi mình làm gì giờ?”

“Nhưng… quá rõ rồi còn gì. Chỉ có nước trèo lên thôi.”

“Em nói sao? Không ổn đâu. Có đu lên được thì cũng không có gì để bám vào mà trèo xuống cả.”

“Trời ạ, anh ngốc quá. Anh thử nghĩ sáng tạo một lần đi xem nào!”

“Gì, chứ em có ý tưởng nào hay hơn không?”

“Ừm! Anh đỡ cho em rồi em tự mình đu lên cái cành thấp nhất là được!”

Tôi nhìn lấy cành cây mà con bé đang nói tới. Chỉ cách mặt đất hai thước. “...Hình như hơi nguy hiểm đấy.”

“Ỏ, không sao mà! Gì chứ leo trèo không ai qua em đâu!”

“Nhưng mà Karen nè, anh hơi lo…”

“Tụi mình phải nhanh lên không nó bay mất giờ!”

Con bé nói có lý. Rất có thể đây là cơ hội cuối cùng trong ngày của chúng tôi. Trong đầu nghĩ thế rồi tôi quyết định chiều theo ý Karen.

“Thôi được, tụi mình cứ thử xem sao,” tôi nói. “Em nhớ cẩn thận đấy nhé!”

“Ừm. Nhanh đưa vai cho em trèo lên nào.”

Tôi khuỵu gối xuống. Rồi Karen cởi đôi xăng đan cũ kĩ, đã mòn vẹt mà con bé cực kỳ thích ra và sau đó leo lên lưng tôi. Tôi nắm chắc mắt cá chân của cô bé rồi đứng thẳng người dậy, nhấc bổng nhỏ về phía cành cây. Karen nhanh chóng bám vào nó mà không chút khó khăn gì. Con bé dễ dàng trèo từ cành này lên cành khác như một chú khỉ con, nhưng tôi sẽ không nói thẳng ra vì có hơi khiếm nhã. Tuy nhiên tôi khá chắc con bé sẽ tự lo được ở trên đó, nên tôi đưa tầm mắt xuống để cho cổ bớt nhức mỏi.

Giờ nhớ lại, chính khoảnh khắc đó đã giết chết con bé. Giá mà tôi đừng rời mắt khỏi Karen, dù chỉ trong một giây ngắn ngủi thôi. Quãng thời gian còn lại thật mù mờ, cứ như một cuốn băng được tua nhanh vậy. Bất chợt, trên đầu tôi vang lên tiếng cành cây gãy rộp, và tôi ngay tức thì nhìn lên trên. Nhưng đã quá muộn. Karen đã rơi tự do từ trên đó xuống, đầu con bé đập xuống mặt đất. Tôi vẫn còn nhớ như in cái âm thanh rắc khi đầu của Karen va chạm với nền đất cứng.

Mọi chuyện xảy ra quá chóng vánh. Tôi đứng chết lặng tại đó suốt năm, mười giây, trước khi hoàn hồn và lên tiếng gọi tên con bé. Song Karen đã không còn trên đời nữa. Trên mặt đất không vương một vết máu, nhưng con bé đã ngưng thở.

Tôi không còn nhớ được rõ những chuyện ập đến ngay sau đó—chỉ có cảm giác vô cùng, vô cùng sợ hãi chiếm lấy tôi và đôi chân tôi chỉ có thể chạy thục mạng từng bước thật nhanh cho đến lúc tìm được một người lớn ở khu phố gần đó để nhờ họ giúp đỡ. Đến ngày hôm sau, khi được bố mẹ nói cho thì tôi mới biết rằng con bé đã chết, điều an ủi nhỏ nhặt mà gia đình tôi nhận được là phía khám nghiệm tử thi đã kết luận Karen chết ngay tại chỗ sau cú ngã và không phải chịu đớn đau nào cả.

Ấy vậy mà, từ ngày hôm ấy đến tận bây giờ, chưa một ngày nào trôi qua mà tôi không ngừng suy nghĩ liệu mình đã có thể làm gì để thay đổi quá khứ. Giá mà tôi không đồng ý giúp con bé trèo lên cây, hay thuyết phục nhỏ là trời đã tối rồi và tụi mình nên về nhà thôi, hoặc thậm chí là đừng đi bắt côn trùng vào hôm đó… thì biết đâu Karen vẫn còn bên tôi ngay lúc này.

Tôi ngồi lặng thinh trước gian thờ của con bé suốt một lúc lâu, rồi châm một nén hương và gõ chiếc chuông nhỏ như đang chấp bút bức tâm thư xin lỗi đến con bé trong tâm trí mình, dẫu tôi biết rằng có gửi đi thì nó cũng sẽ quay về với chủ nhân vì không có người nhận.

Khi tôi cảm nhận được đôi chân mình đã dần trở nên tê bại, tôi đứng lên và vào bếp để chuẩn bị bữa tối. Tôi đổ gạo vào trong chiếc nồi đất và vo sơ qua bằng nước lã để rửa trôi đi tinh bột, tiếp tục lặp lại quá trình đến năm lần mới thôi. Lần nào nấu cơm tôi đều không thể nhớ nổi mình đã vo gạo được mấy lần rồi, nên tôi đã nảy ra một ý, tôi dùng số ngón tay tương ứng với số lần mà tôi đã thay nước để vo gạo. Khi mới vo, tôi sẽ dùng mỗi ngón tay trỏ; lần tiếp đến có thêm ngón giữa; lần thứ ba thêm ngón áp út—cứ tiếp tục như vậy. Khi vo xong, tôi đặt cái nồi vào trong nồi cơm điện và chọn chế độ Quick Cook.

Tối nay tôi định làm thêm món salad khoai tây kiểu Đức. Sau khi lấy từ tủ lạnh ra những nguyên liệu cần thiết, tôi bắt đầu thái nhỏ chúng thành từng miếng vừa miệng, sau đó xào qua hành, tỏi và thịt ba chỉ trên bếp. Kể từ ngày mẹ tôi đột nhiên biến mất sau khi Karen chết, tôi đã thay bà đảm nhiệm trọng trách nấu nướng bữa tối trong nhà, vì bố tôi không thể tự nấu nổi một bữa ăn đàng hoàng để cứu lấy cái mạng mình. Tuy vậy, chúng tôi không thể cứ ăn ngoài suốt được, cho nên việc bếp núc là điều mà tôi cần phải lo liệu và học tập để mà làm.

Khi đã hoàn thành món salad khoai tây, tôi múc một nửa ra đĩa và bọc lại bằng màng ni lông, rồi bỏ vào tủ lạnh để phần cho bố tôi. Tôi quay lại phòng khách để ăn bữa tối qua loa trong khi chuyển qua chuyển lại mấy chương trình talk show được phát sóng trên TV vào khung giờ cao điểm, đôi đũa trên tay tôi chỉ chững lại khi bật cười trước một câu đùa vui hay khóe miệng tôi muốn lẩm bẩm với bản thân điều gì đó. Tất cả các chương trình được chiếu vào khoảng bảy giờ đều vô cùng hài hước—hài hước đến mức không câu đùa nào đọng lại nổi trong đầu tôi sau khi màn hình tắt.

Tôi ngâm hết mớ đũa đĩa vào bồn rửa rồi trở vào phòng mình và ngã úp người lên giường, ngực tựa lên gối trong lúc thưởng thức âm nhạc để giết thời gian. Sau một lát tôi lại lôi truyện tranh ra đọc. Đọc được một hồi thì mí mắt tôi đã trĩu nặng và cổ bắt đầu nhức mỏi mà gà gật. Tôi nhận thấy mình vẫn cần phải đi tắm một cái trước khi ngủ, nhưng sự mệt nhọc vô hạn bất giác ập đến làm tôi không thể cưỡng lại, và tôi chìm vào giấc ngủ sâu thật bình yên.

Tôi đã thiếp đi một lúc, cho đến khi bị đánh thức bởi âm thanh thùm thụp và tiếng đổ vỡ ở tầng dưới. Tôi biết thừa người gây ra tiếng động đó chẳng phải một tên trộm đơn thuần. Mặc dù đang mắt nhắm mắt mở, tôi vẫn nhận thức được chuyện gì đang xảy ra dưới kia. Thành thử tôi định bụng không thèm bận tâm lấy, tiếp tục ngả đầu lên gối và cố làm thêm giấc nữa.

“Kaoru! Mày xuống đây cho tao!”

Chậc. Má nó chứ.

Tôi nhấc người khỏi giường và hít một hơi thật sâu trước khi bước xuống phòng khách, tại đó tôi thấy bố tôi, ông vừa quay về từ chỗ làm ở tòa thị chính trong thị trấn. Ông vẫn chưa thay bộ đồ xộc xệch cùng chiếc áo sơ mi đã nới cúc đó ra, và đang ngồi trên chiếc đệm cạnh cái bàn bệt. Mặt ông ửng đỏ, nom là có rượu vào người rồi. Tôi nhìn trái khế của ông nấc lên xuống khi ông nốc ừng ực một ly nước lớn. Bờ má của ông đã trở nên hốc hác, khắp mái đầu rối bời đã vương đầy những lọn tóc bạc. Ông đã già đi dần rồi—mặc dầu tôi chỉ nghĩ đó là vẻ bề ngoài thường thấy của một người đàn ông đã quá tuổi ngũ tuần. Khi giải tỏa cơn khát xong, ông đập rầm cái ly trên bàn làm tôi tưởng nó sắp vỡ vụn ra đến nơi.

“Đun nước cho tao tắm,” ông yêu cầu tôi, đôi mắt không rời khỏi màn hình TV dù chỉ một giây để nhìn tôi. Chính xác mà nói, chiếc TV còn không được bật lên nên tôi không hiểu là ông đang xem cái gì.

“Xin lỗi, con đi đun ngay đây.” Tôi đi về phía phòng tắm. Khi ấy, tôi đã giẫm lên thứ gì đấy ươn ướt bằng bàn chân trần và một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng tôi. Tôi chầm chậm nhấc chân lên và nhận ra đó là mớ salad khoai tây kiểu Đức mà tôi đã làm đang vung vãi khắp trên tấm chiếu tatami. Trên tường cũng có dính đôi chút khiến tôi nghĩ rằng ông vừa ném cả đĩa thức ăn vào tường. Hẳn là vậy rồi, dưới chân tường còn có mảnh vỡ của cái đĩa sứ.

“Này! Mày đứng ngơ ra đó làm gì? Lỗ tai cất đi đâu rồi à?” Ông rống lên.

“Dạ không, làm gì có,” tôi đáp, và đi vào phòng tắm. Đúng thật—tôi không thể không quan tâm đến việc đun nước cho ông tắm hay chuyện ông ném vỡ cả đĩa salad do tôi làm.

Tôi chỉ cảm thấy thương xót cho bố mình, ông đã mất cả Karen lẫn mẹ tôi gần như cùng một thời điểm. Tôi hiểu rằng không còn hy vọng cho ông để trở thành một hình tượng người cha mẫu mực cho tôi ngay sau từng ấy chuyện được, và tôi chỉ có thể ngậm ngùi mà chấp nhận. Đấy là chưa kể đến cảm giác tội lỗi vô biên khi là người duy nhất ở bên cạnh Karen vào giây phút mà con bé mất, và đồng thời là người đã có thể ngăn chặn điều đó xảy ra. Trong tim tôi đong đầy tủi hổ, mặc cảm tội lỗi, và hối hận đến chỗ để cơn giận trong tôi bộc phát còn không có.

Bố tôi đã từng là một người đàn ông bặt thiệp, nhưng sau cái chết của Karen, ông đã rơi xuống đáy vực sâu hoắm khiến giờ đây tâm trí không còn được ổn định. Những lần ông nổi cơn tam bành và ném đồ đạc vào tôi nhiều không đếm xuể, nhưng có đôi khi ông lại thương yêu tôi theo kiểu rất quái đản. Lúc đầu tôi đã làm hết cách để ông có thể giải tỏa những cơn đảo điên ấy, nhưng một ngày kia, ông nói với tôi một câu khiến tôi quyết định mặc kệ thân ông ra sao thì ra.

“Đứa chết đáng lẽ ra nên là mày. Chứ không phải nó.”

Hôm ấy là một đêm lạnh giá mùa đông khi tôi đang học lớp 8. Vào giây phút ông hậu đậu đâm sầm vào cánh cửa với dáng bộ say xỉn, ông chỉ thẳng mặt tôi mà thốt ra lời đó bằng âm điệu mà đáng nhẽ những người bố khác đã nói “Này con, ngoài trời lạnh lắm!” Tôi thực lòng không trách ông vì đã hành xử như vậy; tôi chỉ thản nhiên đến lạ kỳ và chấp nhận thứ tình cảm méo mó đó. Tuy thế, nó đã rút cạn ao ước muốn gần gũi với bố hơn và giúp ông vực dậy từ bể hồ thẳm sâu. Mọi hy vọng đã vụt khỏi tầm tay khi tôi ngộ ra rằng ông chưa bao giờ coi tôi như một người con trai.

Tôi chỉ là sản phẩm của mẹ mình và một người đàn ông mà bà đã ngoại tình—điều mà tôi được biết khi chỉ mới tám tuổi, nhưng đến giờ tôi vẫn chưa thấu hết mọi chi tiết. Dẫu rằng khi đó tôi còn bé nhưng đã hiểu rõ đó là chủ đề cực kỳ nhạy cảm mà mình không nên chõ mũi vào, bởi lẽ tôi không cảm thấy thực sự cần thiết để biết thêm. Mẹ tôi vẫn thương yêu tôi vô bờ, cả bố tôi cũng đối xử với tôi rất hiền dịu mặc cho quan hệ máu mủ là điều mà tôi thiếu thốn. Trong nhận thức ban sơ hồn nhiên của một đứa trẻ, tôi cho hay ngoại tình là một lỗi lầm nhỏ nhặt đã được con người tha thứ cho nhau từ lâu. Tôi khá chắc rằng Karen cũng suy nghĩ giống tôi. Thế nên dù trong gia đình vẫn tồn đọng phần nào căng thẳng, bốn người chúng tôi vẫn hết lòng thương yêu và hòa thuận với nhau giống như mọi gia đình khác. Chúng tôi là nhà Tono, và không có điều gì có thể bóp méo sự thật ấy.

Nhưng rồi Karen mất, và mọi thứ tan vỡ. Vẻ bề ngoài của một gia đình hạnh phúc bị thực tại chà đạp không chút xót thương. Cho đến tận ngày hôm nay tôi vẫn đôi khi nhận thấy mình đang suy nghĩ, liệu rằng mọi sự có khác đi không khi tôi là đứa chết thay cho Karen, như lời bố tôi nói. Dẫu cho tôi thừa hiểu câu trả lời là như thế nào mà không cần phải nói ra.

Tôi vặn mở vòi nước và dùng vòi hoa sen để rửa sạch mớ salad dính dưới chân. Tiếp đến xả nước đầy bồn, bật bộ đun và đợi một lúc để cho nước có thể nóng lên. Tôi nghĩ thể nào mình cũng bị mắng chửi thêm một trận nữa nếu không dọn đống thức ăn và mảnh đĩa vỡ vung vãi ngoài kia nên tôi lê từng bước chân nặng trĩu trở lại phòng khách chỉ để nhìn thấy cảnh bố tôi đã ngã lăn quay ra sàn nhà. Vậy là cái gã nát rượu phiền hà khi nãy đã biến mất rồi, thay vào đó chỉ là một người đàn ông nằm sõng soài trên sàn, miệng há hốc. Nom thật đỗi lố bịch. 

Sau khi thu dọn xong, tôi quay trở lại phòng tắm. Chắc chắn rằng nước tắm đã đủ ấm, tôi tắt bộ đun đi. Hẳn là tuyệt lắm nếu chúng tôi có hệ thống cung cấp nước nóng lạnh có thể xả ra nước ấm chỉ với một lần nhấn nút, nhưng tiếc là ngôi nhà của tôi đã quá cũ kỹ. Tôi liếc nhìn đồng hồ—bây giờ đã gần nửa đêm rồi. Nếu như là thường ngày thì tôi sẽ lên giường đắp chăn mà ngủ, nhưng ban nãy tôi đã thiếp đi được một giấc nên trong người không còn cảm thấy buồn ngủ mấy.

Và thế là tôi quyết định ra ngoài để kiếm chút khí trời. Tôi mang đôi giày thể thao ở tiền sảnh, rón rén chuồn ra cửa trước và hòa mình vào đêm tối dịu dàng của mùa hạ. Thời tiết quả lý tưởng cho một cuộc du ngoạn thật dài.

Độ ba mươi phút sau, tôi nhận thấy đôi bàn chân mình đang rảo bước men theo tuyến đường tàu. Những lần dạo bước phố đêm như hôm nay đối với tôi không phải chuyện hiếm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi muốn thám thính đoạn đường ray này và xem chúng kéo dài đến đâu. Hơn cả, trong tôi như đang thúc giục mình tái hiện một khung cảnh kinh điển đã từng xuất hiện trong một bộ phim cũ—nhưng hiện tại tôi đang làm điều đó rồi, nom thú vị hơn tôi tưởng nhiều. Thứ cảm giác ly kỳ hiểm độc tưởng chừng bản thân đang làm một hành động hết sức trơ trẽn mà không đời nào thoát khỏi ánh mắt của người đời nếu đó là ban ngày. Bước đi trên thanh ray hướng về một ga tàu hoang phế hệt đang đi thăng bằng trên một sợi dây, nó mang đến niềm vui thú biết bao. Tiếng đá sỏi lộp rộp dưới chân thật đỗi êm tai, dẫu có chút ồn ào. May thay vào giờ này không có ai khác ngoài tôi đang dạo bước trên con đường này, thành ra tôi chẳng bận tâm mấy. Ở phía bên này của khu phố chỉ lác đác vài ánh đèn đường, nhưng ánh trăng quầng tỏ trên đỉnh đầu giúp tôi quan sát rõ từng li vạn vật chung quanh. Mặt trăng rạng ngời giữa khung trời thoáng đãng không một gợn mây dễ làm cho người ta lầm tưởng rằng mặt trời vẫn luyến tiếc chưa chịu lặn.

Trước kia, cũng vào một đêm như thế này đây, tôi đã chứng kiến vì sao băng đầu tiên trong đời mình. Tôi và Karen ngồi dưới mái hiên trước nhà, mắt ngó lên bầu trời đêm với hy vọng có thể chiêm ngưỡng trận mưa sao băng Perseid dù chúng chỉ thoáng hiện. Đêm đó tôi đã tận mắt thấy được ba vì sao băng, nhưng Karen cứ gà gật suốt cả buổi nên đã bỏ lỡ cơ hội hiếm có ấy. Khi thức dậy vào sáng hôm sau, con bé giận dỗi ghê lắm, trông sắp khóc đến nơi nên tôi đành dỗ rằng còn có dịp khác nữa. Rốt cuộc, cái “dịp khác” đó chẳng bao giờ đến với em. Lúc còn bé tôi đã từng nghe người ta nói rằng, khi ta chết đi, cả cơ thể sẽ tan biến thành hàng tỷ vì tinh tú thắp sáng cả khoảng trời đêm bao la. Nếu điều đó là thật, tôi cầu mong rằng Karen đã tìm thấy cho mình một phương trời cao đẹp, tách biệt với nơi thiên hà bất tận để có thể ngắm nhìn mưa sao băng hết ngày này sang ngày khác. Tôi thực lòng ước con bé sẽ được như vậy.

Dạo men theo tuyến đường tàu được chừng một tiếng, tôi rốt cuộc đã dừng chân. Thực ra trước mặt tôi không phải đường cụt, mà đúng hơn là lối vào của một đường hầm sâu thẳm tối tăm. Đây cũng là cái đường hầm mà sáng hôm nào chuyến tàu đến trường của tôi cũng băng qua, thành thử tôi biết thừa nó dẫn đến đâu, nhưng bản thân tôi chẳng lấy đâu ra can đảm để một mình thám thính trong đấy giữa đêm hôm khuya khoắt cả. Trước khi định quay gót rời đi, tôi đã phát hiện ra một thứ.

Ngay cạnh cái mương dọc theo đường ray, có một đoạn lan can gỗ cũ kỹ khuất sau đám cỏ dại cao lêu nghêu. Vì tính tò mò nên tôi gạt tán cây cỏ um tùm sang bên và tìm thấy một lối bậc thang dẫn xuống mạn biển của tuyến đường sắt. Đường đi xuống theo một góc có phần đặc biệt nên tôi chưa bao giờ phát hiện ra nó nếu chỉ ngồi trên tàu mà nhìn ra. Tôi đoán chắc nó là một lối đi dành cho các công nhân làm công việc bảo dưỡng đường sắt, nhưng kỳ lạ là nó không được ngăn cách bởi dây thừng cùng biển báo Tránh Xa hay bất kỳ thứ gì khác. Không thể cưỡng lại bản tính hiếu kỳ của mình, tôi quyết định đi xuống để xem thử có gì ở dưới đó, từng bước đi đều khiến cho tim tôi đập mỗi lúc một nhanh. Khi đã đi hết bậc thang, phủi sạch mớ màn nhện bám trên mặt, tôi phát hiện ra một khoảng đất thưa thớt cỏ cây ở ngay phía trước lối vào của một cung đường hầm khác.

“Hả, thiệt luôn à?”

Đường hầm này nhỏ hơn nhiều so với cái chạy vuông góc ở phía trên, chỉ có chiều cao chừng ba mét. Nó được xây dựng bằng đá và rìa bao quanh lối vào bám một lớp rong rêu dày. Tôi không thể thấy được điểm cuối của đoạn đường hầm từ chỗ mình đang đứng nên không biết nó dài bao nhiêu. Cái đường hầm này mang đến cho tôi linh cảm chẳng lành rằng nếu nó mà nằm ở vị trí dễ tìm ra hơn thì xem chừng đã người ta đã truyền tai nhau mấy câu chuyện kinh dị về nơi này. Người bình thường hiếm có gan mà vào khám phá một đoạn đường hầm như thế này. Một trăm người thì đến chín mươi chín sẽ thấy lạnh gáy và quay trở ra. Tôi vốn thuộc nhóm số đông kia trừ khi không bất chợt nhớ lại lời đồn mà mình đã vô tình nghe được lúc sáng hôm kia.

“Này… Cậu đã từng nghe về đường hầm Urashima bao giờ chưa?”

Làm gì có chuyện. Tôi gạt phăng ý định ngờ nghệch của mình trước khi nó kịp bén rễ trong đầu. Đó chỉ là một truyền thuyết đô thị nhảm nhí. Không đời nào tồn tại một đường hầm có thể biến điều ước của người đi vào trong trở thành sự thật được. Kể cả khi điều đó là thật, viễn cảnh mà tôi vô tình tìm ra nó ngay vào cái ngày mà tôi được nghe câu chuyện đó lần đầu có hơi nực cười. Tôi đã mười bảy tuổi rồi. Đủ lớn để không đi tin vào dăm ba mẩu chuyện cổ tích ngớ ngẩn này nữa. Điều khôn khéo nhất mà tôi nên làm là quay về nhà và vờ như chưa từng phát hiện ra đường hầm quỷ dị này. Khi tôi vừa đặt chân lên bậc thang chuẩn bị đi về, tôi tự trách bản thân mình sao lại cả tin vào câu chuyện đấy. Và rồi ngay bậc thang cuối cùng, tôi bỗng dừng chân. Nếu—chỉ nếu thôi—lời đồn kia là thật, và đường hầm Urashima thực sự tồn tại thì sao? Nó có thể thỏa mãn bất cứ điều ước nào, vậy…

Liệu tôi có thể mang Karen trở lại từ cõi chết không?

Trên tay chỉ có mỗi cụm đèn pin trên điện thoại để soi sáng đường đi, tôi cẩn trọng bước từng bước vào bên trong con đường hầm. Tôi định bụng sẽ vào đây thăm dò chút thôi, khám phá chung quanh và nếu không tìm được gì thì sẽ quay trở ra ngay. Tôi bước cực kỳ chậm rãi, mắt luôn để ý dưới chân để không vấp hay giẫm phải thứ gì ghê ghê. Mùi đất sống phả vào trong không khí. Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho trường hợp bắt gặp một hoặc hai xác chết động vật đang phân hủy, nhưng đến giờ trên mặt đất còn chẳng có lấy một mẩu lá rụng. Hơn nữa, không gian bên trong đường hầm rất sạch sẽ, chỉ có một lớp rong rêu bám trên viền bao quanh lối vào. Thứ duy nhất thực sự khiến tôi bất an là luồng gió âm ấm, oi bức thổi vào người, cộng với việc lối đi có phần chật hẹp nên tôi có cảm giác mình đang phiêu lưu xuống cổ họng của một cự xà thượng cổ.

Giờ điện thoại mà hết pin chắc mình sợ quên lối về mất. Vì bất giác nghĩ đến khả năng đó nên tôi kiểm tra điện thoại và thấy nó còn chừng mười phần trăm pin. Bấy nhiêu chẳng thể giúp tôi tự tin thám thính xa hơn.

Ngay lúc tôi chuẩn bị quay người trở ra ngoài, thì trong bóng tối bao trùm phía trước loáng thoáng một nguồn sáng mờ nhạt. Lối ra à? Tôi thắc mắc. Trời ạ, thất vọng ghê. Rốt cuộc thì đây chỉ là một con đường hầm bình thường không hơn không kém.

Tôi đã rất sẵn lòng để thoát khỏi lối đi tối tăm ẩm thấp này rồi, nên tôi nhấc đôi bàn chân lên mà chạy về phía nguồn sáng đó… nhưng càng lúc nó càng sáng hơn khiến tôi dần nhận ra nó chẳng phải lối ra hay gì cả.

“Cái… quái gì thế này?”

Trước mắt tôi là một cánh cổng torii không lớn lắm, kiểu dáng mà chúng ta thường thấy trước điện thờ Shinto. Nhưng thay vì nước sơn màu đỏ sáng chói cổ truyền thì nó lại mang một màu trắng pha chút xám tựa hồ sắc tố của xương người. Nó đứng sừng sững và lập lòe ngay giữa đường hầm như đã đợi ai đó, hay bất cứ người nào bước qua, nhưng đến giờ vẫn không có lấy một mống. Đưa mắt về phía bên kia cánh cổng, tôi phát hiện ra đây là nguyên một dãy các cổng torii xếp gần kề nhau, kéo dài đến vô tận. Thậm chí còn kỳ lạ hơn khi “nguồn sáng” mà tôi thấy ban nãy vốn phát ra từ các ngọn đuốc treo chéo nhau trên tường và đều hướng lên trên trần hầm. Mỗi ngọn đuốc đều cháy sáng bừng và rực rỡ, không hề có dấu hiệu tắt dần đi chút nào. Cho dù nơi này có là gì đi chăng, ấn tượng thiêng liêng và tâm linh đang hiện hữu quá rõ ràng, và tâm trí đang mách bảo tôi hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi dấn thân vào sâu bên trong hơn.

Tôi không hề biết mình đang ở đâu hay đã từng nghe về bất kỳ địa điểm tôn giáo nào ở nơi phố huyện xa xôi hẻo lánh này. Tôi dùng điện thoại để tra bản đồ nhưng máy tôi không bắt được tín hiệu—điều thường thấy tại nhiều nơi ở Kozaki, công bằng mà nói, ngay lúc này mà hoàn toàn mất sóng thì quả thực vô cùng kỳ quái. Tôi cần phắn khỏi nơi đây ngay lập tức. Đáng lý ra khi nãy tôi đừng có đi xa đến vậy. Nhưng trước khi tôi kịp đánh trống lui quân, sâu trong đường hầm lại có một thứ gì đó thu hút sự chú ý của tôi.

“Gì vậy nhỉ…?”

Trên mặt đất có một vật nho nhỏ màu đỏ ngay gần phía sau cánh cổng torii đầu tiên, ánh sáng trong đường hầm hơi mờ để tôi có thể biết được thứ đó là gì. Thế là tôi thử lò mò lại xem thử trước khi ra về. Tôi bước từng bước thật chậm rãi và vững chãi qua cánh cổng torii rồi cúi người xuống để nhìn rõ hơn.

Trông như… một chiếc xăng đan thế nhỉ?

Chiếc dép đã mòn vẹt đi và màu sơn đỏ đã phai đi ít nhiều, kích cỡ vừa chân một đứa con nít. Tôi chầm chậm khom người xuống và nhặt nó lên để xem xét. Khi nhìn thấy cái tên được viết nguệch ngoạc bằng bút lông dầu trên quai sau, hơi thở nghẹn lại trong cổ họng tôi.

KAREN

Không thể nào. Sao lại có chuyện, tôi nhủ thầm trong đầu. Nhưng đây là sự thật. Đây đích thị là chiếc xăng đan mà bố mẹ tôi đã mua cho con bé từ nhiều năm về trước. Tôi còn nhớ như in lúc con bé hỏi tôi xem đôi dép có hợp với nó không. Đến cả nét chữ viết tay cũng là của con bé chứ không ai khác; chữ 『ン』 trong tên của con bé bị viết ngược, và con bé chẳng bao giờ chịu sửa cái tật xấu khi viết lách đó. 

Nhưng nó xuất hiện ở đây vì lý do gì? Tôi nhớ lần cuối cùng mình nhìn thấy chiếc xăng đan này, dĩ nhiên là vào ngày mà con bé mất. Phía điều dưỡng không nhặt chiếc dép đi lúc họ đưa Karen vào bệnh viện nên sau đó tôi đành tự mình vào rừng để tìm lại, nhưng chỉ tìm được chiếc có ghi họ TONO ngay tại vị trí mà con bé cởi ra trước khi leo lên lưng tôi. Mặc cho tôi có bỏ công sức quanh quẩn chỗ đó mà vẫn không thấy chiếc còn lại ghi tên KAREN, kể cả xới tung cả khoảng rừng gần đó cũng vô ích. Lực bất tòng tâm, tôi bỏ cuộc và về nhà sau khi khóc nức nở suốt một lúc lâu.

Cánh rừng đó cách chỗ này phải đến năm cây số chứ chẳng ít, nên không đời nào mà chiếc xăng đan lại tự mọc cánh mà bay đến đây được. Không lẽ đây thực sự là đường hầm Urashima? Không được. Hãy còn quá sớm để kết luận thẳng như vậy. Chắc một con chó hoang hoặc quạ đã tha nó đến tận đây. Nhưng khoảng cách vẫn quá xa đối với giả thuyết đó. Ngoài ra, con đường hầm vẫn chưa ban cho tôi điều ước nào cả. Quả thực tôi đã tìm chiếc xăng đan này suốt mấy tuần liền, nhưng nó không phải là thứ tôi muốn tìm lại—mà đó chính là Karen bằng xương bằng thịt.

Tôi nghĩ rằng mình sẽ biết liệu lời đồn có là thật hay không nếu bất chấp đi sâu hơn vào trong. Tôi phải tìm thấy Karen ở điểm tận cùng mới tin. Còn không thì đây chỉ là một con đường hầm bình thường không hơn không kém dẫu có chút kỳ quái. Niềm hy vọng đang xây thành đắp lũy trong lòng tôi đã chiến thắng nỗi sợ khi mới bước vào nơi này. Tôi bỏ chiếc dép và điện thoại vào hai bên túi quần, tiếp tục tiến sâu vào bên trong hơn, lòng tò mò muốn biết hàng cổng torii này kéo dài đến đâu. Điều kỳ lạ hơn nằm ở những ngọn đuốc mà bây giờ tôi chú ý tới—chúng đã cháy sáng ở đây được bao lâu rồi? Khó mà lại có người biết trước tôi sẽ đến và thắp sẵn lửa, nên tôi đoán là chúng đã cháy cũng được một khoảng thời gian tương đối rồi. Song chúng lấy đâu ra nhiên liệu để mà cháy không ngừng như vậy? Ắt là có một cơ chế gì đó đặc biệt, ví dụ như mặt đất hoặc môi trường xung quanh đã phát tín hiệu để chúng tự động bừng sáng mỗi khi có người bước chân vào bên trong đường hầm. Nhưng ai lại gây dựng tất cả những thứ đó cho một đường hầm lẩn khuất ở một lối mòn hẻo lánh thế chứ, và vì mục đích gì? Tôi vắt óc suy nghĩ song vẫn không thể đưa ra lời giải thích nào hợp tình hợp lý.

“Karen…? Em ở đó à?” Tôi cất tiếng gọi thì thầm. Âm thanh vang vọng vào sâu bên trong đường hầm, dẫu tôi biết sẽ không có ai hồi đáp. Cho đến khi có một tiếng động lọt vào tai tôi.

“... rì rì…”

Một chất giọng nghe khàn khàn và yếu ớt đáp lại, song tôi không thể phân biệt nổi đó là giọng của trẻ em hay người lớn chứ nói chi đến giới tính. Ngay cả như vậy, đây đích thực là một giọng nói, chẳng phải âm thanh do gió tạo nên. Nhịp tim tôi càng lúc càng thêm dồn dập. Có người ở đằng đó, chỉ ngay phía trước thôi. Dù chỉ có một phần nhỏ khả năng đó là Karen thôi, tôi vẫn cần phải đến được chỗ con bé sớm nhất có thể. Và rồi tôi vắt chân lên cổ mà chạy. Tôi chạy băng qua vài cánh cổng torii đến khi dừng lại để lắng nghe thật kỹ một thanh âm khác. Nó nghe giống tiếng kêu của một con côn trùng lớn hoặc một con thú nhỏ đang lao vụt đến. Dường như nó đã đến rất gần, nhưng trong tầm mắt tôi lại không phát hiện ra thứ gì cả, xem chừng nó đang nấp sau trụ cổng torii. Nhịp tim tôi giờ đang đảo điên; tôi tự trấn an bản thân rằng đó chỉ là một con chuột hoặc thú đang cố vụt qua chỗ tôi, nhưng nó bỗng nhảy xổ vào tôi từ phía sau cánh cổng đằng trước mặt.

“Oáiiiii!” Tôi hét toáng lên, ngã dập mông xuống đất.

Tôi tức thì ngẩng mặt lên và thấy một chú chim nhỏ đang đậu trên thanh xà của cánh cổng torii, nó lúc lắc đầu nhìn vào tôi, tựa hồ tỏ vẻ thắc mắc vì sao tôi lại tỏ ra kinh sợ đến vậy.

“Con chim chết giẫm… Dọa tao điếng cả người…”

Tôi thở phào nhẹ nhõm, miệng không nhịn được mà cười phá lên một tiếng. Tôi chống gối đứng lên và quan sát thật kỹ chú chim phiền toái kia. Anh bạn bé nhỏ ấy có một bộ lông màu vàng óng, chắc là thú cưng của nhà nào đó vừa sổ lồng rồi bay đến đây. Tôi biết chắc là ở Kozaki không phải đất sinh sống thuần của một loài chim có màu lông giống như nó. Nhưng làm cách nào mà nó lại bay lạc vào sâu bên trong một con đường hầm thế này?

“Khoan đã… Này anh bạn nhỏ, mày là giống vẹt đuôi dài nhở?”

Tôi đến gần để nhìn rõ hơn thì trông có vẻ đúng là vậy. Đôi mắt nhỏ tròn tròn, chiếc mỏ khoằm nhọn. Đúng là vẹt yến phụng rồi. Tôi biết đến loài vẹt này vì trước đây tôi từng nuôi một con. Tên của chú vẹt đó là Kee, nó cũng sở hữu bộ lông vàng vàng như anh bạn này, trên cổ còn có vài đốm trắng giống y hệt. Con vẹt này giống con Kee gần y như đúc, càng quan sát tỉ mỉ tôi càng thấy tụi nó giống nhau đến kỳ lạ… Mặc dầu vậy, bộ lông vàng và đốm trắng trên thân không phải là đặc trưng hiếm thấy ở vẹt đuôi dài như con Kee. Vả lại con Kee nhà tôi đã chết được nhiều năm rồi, Karen và tôi còn làm tang lễ rồi đắp cho nó một nấm mộ ở khu vườn sau nhà. Nên không đời nào có chuyện chú vẹt này là con Kee được.

Mình lại nghĩ chuyện trời biển rồi, tôi nhủ thầm rồi nhận ra mình đang hít thở nặng nhọc thế nào. Sự sợ hãi và hưng phấn trong cơ thể tôi sắp sôi sục đến nhiệt độ cực hạn.

“...rì rì…”

Chú vẹt như đang muốn nói điều gì đó. Tôi bấu chặt lấy lồng ngực hòng khiến tiếng tim đập dịu đi và cố dỏng tai lắng nghe.

“Rít rít, rít rít…chú ếch con…”

Con tim tôi như vừa đánh rơi mất một nhịp đập. Nhưng điều kỳ diệu ấy vẫn chưa hoàn toàn kết thúc.

“Lò cò qua…đầm lầy bì bõm…”

Không thể nào. Sao lại—chuyện này thật vô lý.

Chú vẹt ấy đang ngân nga câu hát ru mà chúng tôi đã dạy con Kee khi mới nhận nó làm thú nuôi. Tôi và Karen hát đi hát lại cho Kee nghe vì hai đứa tụi tôi muốn cả ba có thể đồng thanh hát, nhưng tiếc là nó chỉ hát được mỗi hai câu đầu và chết trước khi học nốt cả bài. Và giờ chú vẹt này đang hát lại đúng y hai câu ấy. Cộng thêm việc khoác trên mình bộ lông vàng và đốm trắng quanh cổ. Điều này hoàn toàn không thể xảy ra được. Bộ não tôi lúc này đang vận hành với tốc độ ánh sáng, cố vạch ra một lời giải thích hợp lý.

Mình biết mà—chắc đây chỉ là ảo ảnh thôi! Mình nghe và nhìn thấy những thứ này vì mình đang ở trong một đường hầm quỷ dị giữa đêm hôm khuya khoắt, não mình giờ đã sức cùng lực kiệt rồi. Không chừng trước mắt mình còn chẳng có lấy một con chim nào cả! Giờ mà mình đưa tay ra vuốt ve thì thể nào bàn tay cũng đi xuyên qua người nó thôi!

Nóng lòng muốn chứng minh suy nghĩ của bản thân, tôi đưa ngón tay ra chọc vào người chú vẹt. Anh bạn nhỏ nhắn ấy không lảng đi, và ngón tay tôi chạm vào lớp lông mềm mại trên cổ nó. Tôi có thể cảm thấy khối cơ đang phản ứng với tiếp xúc khi tôi chạm vào, cộng thêm thân nhiệt vô cùng chân thật. Tất cả đều truyền lên đầu ngón tay tôi. Không phải ảo ảnh mà đây chính là một chú vẹt thực thụ, hơn nữa, còn là con Kee đã chết của tôi. Nó vẫn còn sống và khỏe mạnh.

“Chuyện quái gì đang diễn ra vậy chứ…”

Làm cách nào mà một con vật cưng đã chết lại xuất hiện trước mắt tôi được? Liệu đây đích thị là đường hầm Urashima mà người ta đã đồn đại? Mặc dù là thế, làm sao mà con Kee lại còn sống chứ…? Tôi đứng lặng người mà vắt óc nghĩ suy, cố làm sáng tỏ hiện tượng kỳ quái này, và con Kee bỗng tung cánh bay vào sâu trong đường hầm khiến tôi bất giác đuổi theo. Kể cả khi trong tâm trí tôi vẫn tồn đọng nhiều hồ nghi về con Kee, nhưng tôi không hề muốn đánh mất nó thêm một lần nữa.

Khoảng một lát sau, bụng dạ tôi bừng lên cảm giác nôn nao không tả xiết, và tôi đứng khựng lại tại chỗ. Dường như có thứ gì đấy đang gặm nhấm vỏ não khiến tôi tưởng chừng mình vừa quên mất điều gì cực kỳ quan trọng. Nói chung, tôi là kiểu người luôn nhìn nhận sự việc theo hướng lạc quan khi đương đầu với những tình huống như này đây. Nếu nó thực sự quan trọng thì có khi tôi đã quên bẵng đi mất. Dẫu là vậy, sâu bên trong tôi như đang mách bảo rằng hãy cố mà nhớ ra chuyện này đi. Tựa hồ đang cảnh báo tôi điều chăng; đến cả xương tủy tôi đều có chung một linh cảm. Viễn cảnh về sự tận số sắp sửa xảy ra chiếm lĩnh lấy khoang ngực tôi mà không thể nào xua tan đi. 

Giả sử đây quả thực là đường hầm Urashima. Vậy hãy nhớ lại lời đồn đoán mà hai cô nàng nữ sinh kia đã bàn tán hôm nọ. Họ đã mô tả về nó ra làm sao? Tôi hồi tưởng về đoạn hội thoại giữa hai người họ. 

“Giờ giả dụ đi, cậu đã có được điều mà mình ao ước rồi đúng không? Thế là cậu quay gót chuẩn bị ra về.”

Không, không phải đoạn đó.

“Nhưng đường hầm Urashima đâu có cho cậu đi dễ dàng như vậy. Nó phải lấy đi một thứ từ cậu như một vật trao đổi.”

Đây rồi, ngay sau câu này. Nó lấy đi thứ gì cơ?

“Tuổi thọ này. Những năm tháng mà cậu dùng để tồn tại trên cõi đời ấy. Lúc đi là thiếu nữ trẻ đẹp, lúc về lại trở thành một bà lão lọm khọm.”

Nội tạng tôi như vừa rụng rời khỏi cơ thể.

Tôi có thể cảm nhận được mình mặt cắt không còn một giọt máu.

Đúng vậy, đường hầm Urashima thỏa mãn mọi ước muốn của ta, nhưng đồng thời nó sẽ lấy đi tuổi thọ của người đặt điều ước để làm vật trao đổi. Sao tôi lại quên mất điểm mấu chốt của truyền thuyết đô thị đó chứ? Bấy giờ tôi đang phải đấu tranh. Hy vọng đầy cám dỗ rằng tôi sẽ tìm thấy Karen và nỗi sợ sẽ đánh đổi cả phần đời còn lại của mình đang giằng xé tôi. Song nỗi sợ đã giành được phần thắng. Suy cho cùng tôi không biết con đường hầm này kéo dài bao xa hay liệu tôi có thực sự tìm thấy Karen ở điểm tận cùng, nên bước tiếp là một lựa chọn quá đỗi mạo hiểm.

Cuối cùng, tôi đã đưa ra quyết định rằng sẽ quay đầu và phi nước đại khỏi nơi đây. Tôi ba chân bốn cẳng chạy ra bên ngoài đường hầm, trên đường đi tôi còn suýt vấp ngã đôi lần vì không thể quan sát rõ đường đi lối bước trong bóng tối. Nhưng khi tôi ngẩng mặt lên, lối ra nom gần hơn tôi tưởng. Ngay lúc gần đến nơi, tôi phóng cả cơ thể qua ranh giới ngăn cách đường hầm với thế giới bên ngoài, cả người còn lộn mấy vòng trước khi tiếp đất. Mặc cho quần áo dính đầy bụi đất, tôi vẫn nằm tại chỗ suốt một quãng lâu, mắt ngắm nhìn lên bầu trời đêm trước mặt mà thở hổn hển. Tựa như những vì sao trên cao kia cũng đưa mắt xuống trần gian để đáp lại ánh nhìn nơi tôi. Khi vừa lấy hơi xong, tôi đưa bàn tay ra săm soi thật kỹ. Trên làn da không có bất kỳ nếp nhăn hay tĩnh mạch phình to bất thường cả. Bàn tay tôi chẳng thay đổi gì sất, phải nói là có hơi nữ tính với một đứa con trai ở độ tuổi này. Nói ngắn gọn thì nó vẫn như vậy.

“Thế là…không có gì thay đổi sao?”

Tôi thử sờ lấy mặt mũi mình. Không nhăn nheo gì nốt, đến cả đồi mồi và lọn tóc bạc phơ cũng không có. Cơ thể tôi vẫn y hệt lúc đi vào trong đường hầm. Tạ ơn Trời Phật, tôi nói với bản thân và đánh thượt một hơi nhẹ nhõm. Tuổi tác chưa hề bị suy chuyển chút nào. Quả thực lời đồn “già đi trong chớp mắt” nghe hơi lố bịch đối với tôi, nhưng tôi phải thở phào khi lập trường của mình đã đúng.

Tôi ngồi dậy và phủi đất bám trên lưng áo. Giờ tôi đã có thể bình tĩnh đi đôi phần, tôi không thể tin được rằng bầu không khí bên trong đường hầm và thế giới bên ngoài thật khác biệt làm sao. Tưởng chừng tôi vừa tỉnh dậy từ một giấc mơ vô cùng, vô cùng kỳ lạ. Nghĩ lại thì tôi sẽ chẳng thấy ngạc nhiên lắm nếu trải nghiệm vừa rồi thực sự là một giấc mơ, vì sâu trong con đường hầm hẻo lánh này lại lấy đâu ra vô số cánh cổng torii và đèn đuốc như vậy được. Suýt tí nữa tôi đã tin đây chỉ là một giấc mơ quái đản nếu…chiếc xăng đan nhét trong túi quần trái không thò ra.

“À không. Nó đúng là của con bé… Không sai vào đâu được.”

Chiếc xăng đan màu đỏ trên hai bàn tay tôi là minh chứng không thể chối cãi rằng những sự việc vừa xảy ra trong đường hầm không phải là mơ tưởng hay ảo giác cả. Ngoài ra, khi tôi nhắm mắt lại, tôi có thể nhớ ra được con Kee trông như thế nào, và cả bề mặt mục nát trên cánh cổng torii, như thể chúng vẫn còn đang hiện hữu ngay trước mắt tôi. Con đường hầm mà tôi vừa bước từ trong ra quả thực có liên kết với thế giới hoàn toàn xa lạ kia.

Những khúc mắc vẫn chưa được giải đáp kia làm tôi có chút mệt mỏi, nhất là sau khi vừa kinh qua hiện tượng vô thường vừa rồi, nhưng tôi rất biết ơn ông trời khi đã phù hộ cho tôi ra khỏi nơi đó lành lạnh. Song đồng thời, phần nào trong tôi đã bị con đường hầm kỳ bí này mê hoặc và mời gọi để bóc trần sự thật về nó. Nói đúng hơn thì tôi chưa từ bỏ (dù chỉ một chút) hy vọng có thể tìm thấy em gái mình ở tận cùng chặng đường. Còn bây giờ người ngợm tôi đã mệt lử và cần phải về nhà ngay. Chắc ngày mai sau khi tan học tôi sẽ thám thính thêm một chuyến nữa.

Tôi nhét đôi xăng đan của Karen vào lại trong túi rồi leo lên bậc thang dẫn đến đường tàu, cố lê đôi chân đã rã rời của mình về nhà.

Khi về đến nhà, tôi mở cửa trước thật nhẹ nhàng để không đánh thức bố tôi rồi rón rén đi vào trong tiền sảnh. Nhưng xui cho tôi, trong khi đang vô cùng chững chạc thì tôi lại sơ ý làm ngã cái ô đang gác dựa vào tường, làm nó đập xuống mặt sàn gỗ gây ra một tiếng động rõ to. Tôi cuống cuồng và nhanh chóng dựng nó lên trước khi phi vào trong phòng mình—nhưng đèn sảnh đột nhiên bật sáng.

“Kaoru!” Bố tôi kêu lên từ phía sau ô cửa sổ ở phòng ngủ lớn.

Bỏ mẹ. Ông bắt quả tang tôi vừa lén lút trốn ra khỏi nhà mà không xin phép. Hiện giờ tôi đang không có tâm trạng để nghe bố giảng đạo lý lắm nên mong ông làm thật nhanh. Tôi cúi đầu làm bộ ăn năn hối lỗi nhưng rồi bố tôi bước nhanh đến và nắm chặt lấy bờ vai tôi. Tôi nhắm mắt, chuẩn bị tư thế để đứng vững trước cú đánh trời giáng vào đầu của ông. Nhưng không, sau chừng đôi ba giây, ông không hề đánh hay tát tôi. Tôi thận trọng hé mắt ra thì thấy bố đang nhìn tôi với đôi mắt như sắp rơi lệ. Nom ẻo lả làm sao.

“Con, Kaoru… Cảm tạ trời đất…” Bố tôi nhả từng từ ngữ như hơi nước thoát ra từ chiếc khăn ẩm ướt. 

Mà cảm tạ trời đất vì gì mới được?

“Bố cứ nghĩ mình vừa làm gì mà suýt đánh mất cả con cơ… Cho bố xin lỗi vì chuyện khi trước. Bố lỡ uống quá chén, vậy thôi.”

À há. Thì ra là thế. Bố tôi đã vào cái giai đoạn ăn năn hậu di chứng sau cơn say và đang mong được tôi tha thứ vì những hành động quá khích mà ông đã gây ra lúc say xỉn. Mỗi lần như vậy ông đều trở nên hiền dịu và hối lỗi theo kiểu vô cùng tởm lợm, nên tôi chỉ bảo với ông là không cần để tâm làm gì.

“Bố rất xin lỗi con. Từ giờ bố sẽ cố tiết chế rượu bia hơn,” ông cam đoan với tôi, tự hứa rằng bản thân sẽ không lâm vào cảnh say xỉn như trước nữa. “Nên hứa với bố là đừng bao giờ bỏ nhà đi bụi nữa nhé?”

Tôi gật đầu, đồng thời thấy hơi nực cười vì ông vừa dùng từ “bỏ nhà đi bụi” cho cuộc dạo mát chỉ trong vài giờ đồng hồ ngắn ngủi. Nhưng đây cũng không phải là lần đầu tiên ông như vậy.

“Bố thật lòng đó con. Mấy hôm nay nhà trường cứ gọi đến suốt nhưng bố không biết phải nói với họ ra sao… Con đã đi đâu vậy?”

Nhà trường gọi điện à? Ông ta đang nói cái quái gì vậy? Đến đoạn này thì tôi vô cùng bối rối, nên tôi chỉ ậm ờ và trả lời qua loa câu hỏi của ông.

“Bố đừng lo,” tôi nói. “Con chỉ đi loanh quanh thôi.”

“...Vậy là con không muốn nói à? Thế có nghĩa là con đã đến nơi mà bố không cho phép phải không?”

“Không đâu, con nói thật đấy. Con chỉ đi hóng gió có tí.”

“Nói thật đi. Con ở nhà đứa nào? Hay con đã lên thành phố?”

“Con không có ở nhà đứa nào cả. Con còn chưa bước chân ra khỏi Kozaki bao giờ…”

“Thôi quên đi,” bố tôi xua tay, gương mặt lộ vẻ chua chát. “Nhưng nhớ là đừng vậy nữa nhé. Người ở đây mà đông con mất tích thì phiền cho hai bố con lắm.”

Bố tôi quay lưng đi vào phòng ngủ, ông vừa gãi đầu vừa đưa tay tắt đèn. Ổng lảm nhảm cái gì thế nhỉ? Tôi không hiểu gì sất, nhưng cố gạt nó sang bên và quyết định tắm một cái để rửa sạch mồ hôi trên người sau chuyến đi.

Rồi tôi bỗng ngớ người ra khi nghe bố tôi tự nói với bản thân mình một câu.

“Không thể tin được… Thằng con trai mình bỏ nhà đi đâu cả tuần… Mình đã làm gì sai chứ?”

Ông lẩm bẩm trong miệng như vậy, nên biết đâu tôi đã nghe nhầm. Tôi tiếp tục đi về phòng tắm để hòa mình trong làn nước ấm thật lâu. Tôi nhìn vào chiếc gương đang phản chiếu hình bóng bản thân để xác nhận rằng mình chưa hề già đi chút nào. Tôi thở phào và bỏ chiếc điện thoại lên kệ xếp đồ. Bất chợt màn hình bật sáng, và tôi kiểm tra xem sao. Nó hiện hàng loạt thông báo cuộc gọi nhỡ, không chỉ của bố tôi và còn của thằng Shohei nữa. Lướt xuống dưới là tin nhắn nhiều không đếm xuể.

“Con trai, con đang ở đâu vậy?”

“ê thanh niên đừng có cúp học nữa”

“Bố muốn con có mặt ở nhà ngay ngày mai. Đây là lệnh.”

“mày trốn ở xó nào thế tao chán chết đi được”

“Ít ra hãy nhắn lại để bố còn biết con vẫn ở nơi an toàn.”

“cả lớp đang lo sốt vó cho mày kìa… thôi tao nói xạo đấy. có mình tao lo thôi. lo chết đi được!!"

Chuyện này là gì đây? Tại sao tôi lại nhận được nhiều cuộc gọi và tin nhắn đến thế trong khi lúc ở trong đường hầm lại không nghe được một tiếng chuông thông báo nào? Vô lý thực sự. Hơn nữa…

Tại sao ngày tháng trên điện thoại mình lại nhảy vọt gần cả tuần như vậy?

“Cái đ…” tôi lẩm nhẩm trong lúc đưa điện thoại lên sát mặt để nhìn xem. Màn hình hiển thị rõ hôm nay là ngày 8 tháng 7—nhưng lúc rời nhà chỉ mới cuối ngày 1 tháng 7, nên đáng lý ra hôm nay phải là ngày 2.

“Điện thoại dở chứng rồi à?”

Tôi thử kiểm tra đôi chút nhưng dường như nó vẫn hoạt động bình thường—chỉ có mỗi ngày tháng là sai lệch. Cuộc gọi nhỡ và tin nhắn đều hiển thị từ ngày 2 trở về sau. Tôi bất giác cảm thấy lạnh gáy. Tôi không còn hứng đi tắm nữa mà rời phòng tắm để ra ngoài phòng khách. Màn hình TV bật sáng ngay đúng lúc bản tin dự báo thời tiết đang phát sóng giữa chừng. Sau một bản nhạc piano cổ điển bắt tai vang lên từ bộ loa, tôi liền đọc dòng chữ chạy ở phía dưới màn hình.

“Dự báo thời tiết hôm nay, ngày 8/7: Khả năng có mưa dao động từ 10-20%.”

Tôi đưa tay lên dụi mắt để chắc chắn là mình không nhìn nhầm. Mặc dù đến bây giờ rồi tôi đã phần nào tin vào những gì mà mình thấy và muốn loại trừ tất cả mọi khả năng có thể trước khi chấp nhận sự thật phi lý này.

“Làm sao lại có chuyện này được. Đùa mình chắc,” tôi thầm thì hòng cố xua tan đi nỗi căng thẳng trong đầu dẫu hoàn toàn vô ích. Tôi tắt TV và lôi điện thoại ra để gọi cho người mà mình có thể hỏi. Sau vài lần thông báo “Xin để lại lời nhắn…”, tên đó cuối cùng cũng nhấc máy.

“Hả…” người ở đầu dây bên kia nói với giọng cộc cằn.

“Ê Kaga? Tao hỏi mày cái này được không?”

“Vãi hàng, mày có biết bây giờ là mấy giờ rồi không?”

“Tao biết, nhưng nghe này—mày trả lời giùm tao hôm nay là ngày mấy thử?”

“Mày hỏi ếu gì thế? Hôm nay là, ờ… ngày 8 thì phải? Ừ đúng rồi, 4 giờ sáng ngày 8.”

“Rồi. Mà mày chắc trăm phần trăm không?”

“Chắc. Mà mày gọi tao hỏi chuyện này làm gì? Sao không coi trên điện thoại hay—thôi bỏ đi—bất cứ thứ gì thay vì gọi bạn thân dậy lúc 4 giờ sáng vào ngày trong tuần đi? Với lại mày vừa đi đâu về đấ—”

Trước khi Shohei kịp nói hết câu thì cuộc gọi bị ngắt. Tôi xem điện thoại và thấy nó đã tắt ngúm vì hết pin. Sai thời điểm thật, nhưng ít ra tôi đã giải đáp được hoài nghi của mình. Hôm nay quả thực là ngày 8 tháng 7.

“Quái gì thế này…”

Một cơn đau đầu ập đến. Không thể nào; tôi chỉ rời khỏi nhà có mỗi ba tiếng đồng hồ. Nếu thời gian bị lệch một hay hai tiếng thì còn chấp nhận được, nhưng đằng này là tận một tuần? Tôi trở vào phòng tắm và kiểm tra mặt mày của mình trong gương. Râu ria tôi vẫn không mọc dài thêm. Thường thì cứ cách ba ngày là tôi lại cạo râu một lần, nên để nguyên đấy cả tuần thì nó đã phải dài ra đáng kể. Tôi chẳng thấy đói chút nào dù không có gì bỏ bụng từ lúc rời nhà cho đến nay là một tuần.

Điện thoại tôi cũng tương tự. Làm gì có chuyện dùng được liên tục cả tuần mà không cần sạc pin, mà lúc tôi bước vào đường hầm thì nó chỉ còn có mười phần trăm. Nhưng vẫn đủ để tôi gọi cho Shohei thêm mấy phút nữa. Ngoài ra pin điện thoại vẫn tiêu thụ điện năng cho dù không được sử dụng đi chăng. Việc nó cập nhật ngày tháng sang ngày 8 tháng 7 ngay vào thời điểm tôi ra khỏi đường hầm và bắt được tín hiệu trở lại là bằng chứng quá đủ rồi.

“Đường hầm… đường hầm Urashima…”

Đó là lời giải thích duy nhất mà tôi có thể nghĩ ra. Tất thảy những hiện tượng kỳ quái chỉ bắt đầu một khi tôi bước chân vào trong: nào là tìm thấy chiếc xăng đan của Karen, bắt gặp chú vẹt quá cố và thời gian bỗng nhảy vọt. Chuyện gì đang xảy đến với tôi thế này? Liệu tôi có đang bị mất trí? Họa chăng tất cả chỉ là ảo giác? Chẳng lẽ có người đang tẩy não và thôi miên tôi sao? Tôi càng cố động não bao nhiêu thì nhiều nghi vấn càng lũ lượt xuất hiện và chỉ tổ sinh thêm căng thẳng.

“...Mình không thể suy nghĩ được. Phải đi ngủ thôi.”

Tâm trí tôi thật mù mờ. Tôi cần để nó ngơi nghỉ trước khi cố mà lý giải hiện trạng này. Chưa kể là ngày mai tôi phải đến trường nữa… Hay chính xác hơn là trong một vài giờ nữa.

Tham gia Hako Discord tại

Theo dõi Fanpage