Hồi quy vô hạn. Tồn tại một mô típ tiểu thuyết mang cái tên như vậy.
Khi chết đi, nhân vật chính quay về một thời điểm trước khi tử vong và tiếp tục thách thức những chướng ngại vật đã cản đường mình trong quá khứ—là ý nghĩa của ‘hồi quy vô hạn’.
Theo lẽ tự nhiên, bất kể tình huống cho dù éo le đến đâu, nhân vật chính luôn tìm ra cách giải quyết. Bởi dù sao họ cũng được thử lại vô số lần, nên họ chắc chắn sẽ thành công.
Một cái kết xấu đã định trước biến thành một cái kết đẹp, hoặc nhân vật chính bằng cách kì diệu nào đó cứu người nữ phụ mắc một căn bệnh hiểm nghèo thoát chết, hoặc—
Hồi quy vô hạn đơn giản là một kĩ năng gian lận để đặt dấu chấm hết cho mọi bi kịch.
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của bản thân, cái kiểu hồi quy vô hạn họ viết trong mấy cuốn tiểu thuyết chỉ toàn những lời dối trá cả. Giống như mấy lớp dạy thêm thường chỉ quảng cáo tên của những học sinh thi đỗ vào các trường đại học danh tiếng.
“Chết tiệt. Thế này cũng không được.”
Tôi hạ cây gậy kiếm của mình xuống.
Lần hồi quy thứ 1183. Thế giới một lần nữa diệt vong.
Người thành công được định trước là sẽ thành công, còn kẻ thất bại mãi mãi chỉ là kẻ thất bại. Tôi thuộc kiểu thứ hai. Tôi buộc phải chấp nhận sự thật rằng, dù có cố gắng đến đâu, tôi cũng không thể ngăn chặn sự diệt vong của thế giới.
Đây không phải một câu chuyện của sự thành công, mà là chuyện kể về những thất bại—chỉ là lời bạt của một kẻ tuy sở hữu năng lực hồi quy vô hạn, đến cuối cùng vẫn không thể ngăn chặn ngày tận thế.
***
Trước tiên phải nói rằng, tâm trí của con người, hay chính xác hơn là sức bền về mặt tinh thần của một người, luôn có giới hạn. Bất kể một người có ngoại hình thế nào, việc phải hồi quy liên tục chắc chắn sẽ tạo ra một vết nứt vô hình trên vỏ ngoài ấy.
Ví dụ điển hình cho việc này là câu chuyện mà tôi sắp kể về ông già Schopenhauer.
“Tổ tiên của ta là một triết gia vô cùng nổi tiếng.”
‘Lão Scho’ thường khoe khoang về gia phả của mình. Bản thân tôi cũng từng nghe danh dòng họ Schopenhauer, nhưng thật lòng mà nói, không như tổ tiên đáng kính của mình, Lão Scho hoàn toàn không hiểu gì về triết học.
“Cơ bắp của cậu là để trưng à? Tập thể dục đi chứ.”
Dù đã gần 60 tuổi, thân thể của ông ta vẫn toàn cơ bắp. Vốn quen với việc rèn giũa một cơ thể cứng rắn thay vì mấy tư tưởng triết học, Lão Scho luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của rèn luyện thể lực.
“Thôi, đằng nào mấy cái cơ bắp đó cũng biến mất sau khi hồi quy mà...”
“Cử tạ là một thói quen đấy. Thói quen không biến mất dễ vậy đâu.” Lão Scho tỏ vẻ thông thái.
Ở hiện tại, tôi sở hữu một năng lực mang tên [Tiếp tục], cho phép tôi giữ trạng thái cơ bắp và kĩ năng của mình kể cả khi quay ngược thời gian. Nhưng hồi đó, tôi chỉ là một tên lính mới chưa hồi quy nổi mười lần, nên khó mà đồng cảm được với triết lí sống của Lão Scho.
Nếu xét về quốc tịch, thế hệ, sở thích, lí tưởng hay thiên hướng chính trị, Lão Scho và tôi là hai kẻ hoàn toàn đối nghịch. Không có nổi một điểm chung nào giữa hai người bọn tôi. Vậy mà, có một lí do khiến chúng tôi luôn dính liền với nhau.
“Chậc. Lại thêm một vòng lặp công cốc.”
“Đành chịu thôi.”
Hồi quy vô hạn.
Lão Scho và tôi là hai hồi quy giả với cùng một năng lực. Không biết vì sao, nhưng ở thế giới của tôi, tồn tại không chỉ một mà tới hai hồi quy giả. Cứ nghĩ đến việc hầu hết các tác phẩm văn học đều chỉ có duy nhất một nhân vật hồi quy, thì trường hợp của chúng tôi quả thật không bình thường.
“Chết tiệt, chúng ta tiêu rồi. Không thể giết nổi con quái vật đó.”
“Vậy giờ ta nên làm gì?”
“Ta sẽ lên trước, cậu theo sau. Trong lúc ta cầm chân nó, cậu cố trốn thoát và giãy giụa đến phút cuối. Trong vòng lặp tới, có thể cậu sẽ nghĩ ra cách gì đó.”
“Cái đệch. Sao lúc nào cũng để việc khó lại cho tôi thế…”
“Này! Coi chừng cái miệng đấy! Chưa nghe câu ‘Chú trọng cách ứng xử’ à, thằng nhãi!”
Người vừa nói câu “Chú trọng cách ứng xử” bằng tiếng Hàn cực sõi kia là Lão Scho, một ông già người Đức.
Tôi gặp Lão Scho lần đầu tiên ở vòng lặp thứ sáu. Hồi ấy, khó khăn lắm lão mới nói được một chữ “chào”. Tuy nhiên, ngay khi biết rằng ngoài mình ra vẫn còn một hồi quy giả nữa, lão liền vùi đầu vào học tiếng Hàn.
Trong vòng lặp thứ bảy và tám, tiếng Hàn của lão tiến bộ rõ rệt. Đến vòng lặp thứ mười, lão đã sõi tiếng Hàn hơn cả tôi.
Lão còn đọc được sách Luận Ngữ bằng tiếng Hàn thay vì tiếng Đức.
“Lão già, đam mê của lão đúng là đáng nể.”
“Không phải đam mê, đồ ngốc! Là thói quen đấy! Cậu không chịu học tiếng Đức, nên ta đành phải học tiếng Hàn. Không phải cậu có năng lực ghi nhớ mọi thứ sao, vậy mà cứ bỏ bê việc học thế? Người xưa có câu ‘Không học thì chỉ là kẻ vô dụng.’ Cậu lười học đến vậy dù cậu trẻ hơn ta rất nhiều? Chậc, không thể tin nổi...”
“...”
Có lẽ lão nói tiếng Hàn hơi tốt quá.
Dù sao, nhờ Lão Scho tự trang bị cho mình tiếng Hàn kèm luôn cái tính gia trưởng của người già Hàn Quốc, giao tiếp giữa chúng tôi đã cải thiện rõ rệt.
Không phải chỉ một, mà tới hai hồi quy giả, mỗi người đều có năng lực gian lận của riêng mình. Chẳng phải rất đáng kinh ngạc sao?
Có lúc tôi hi sinh, lúc khác lại là Lão Scho, và cùng nhau, chúng tôi dần để lại dấu ấn của mình lên thế giới này.
“Thành công rồi! Chúng ta thực sự đã làm được!”
Khi chúng tôi đánh bại con quái vật ‘Mười Chân’, kẻ không ai tiêu diệt được trong suốt mười vòng lặp, cả hai chúng tôi đã ăn mừng.
Sau khi đánh bay cái đầu đáng ghét đầy xúc tu nhìn như chổi lau nhà đi, Lão Scho ném kiếm của mình sang một bên và vội vàng chạy về phía tôi.
“Trời ơi! Cảm ơn cậu, Bác Sĩ! Tất cả là nhờ có cậu! Nếu chỉ có một mình, ta không thể tiến xa được đến mức này.” Lão Scho cười như một đứa trẻ.
Sự thật là, từ vòng lặp thứ sáu đến thứ mười, chúng tôi đã làm việc cùng nhau như cộng sự, nhưng đâu đó trong thâm tâm, chúng tôi vẫn luôn đề phòng lẫn nhau. Dù sao, cũng khó tin được ai khi thế giới đang trên bờ vực diệt vong.
Cả tôi và Lão Scho. Chúng tôi đều đã trải qua quá nhiều chuyện nên khó có thể tin tưởng người khác.
Nhưng khoảnh khắc lão già người Đức tóc bạc phơ ôm chầm lấy tôi và nở nụ cười rạng rỡ, tôi cảm thấy mối nghi ngờ cuối cùng giữa hai người dường như đã tan biến hoàn toàn.
Tôi nhìn vào đôi mắt xám của Lão Scho. Rõ ràng lão cũng cảm thấy tương tự.
Chúng tôi như hai tên phi công nhảy dù khẩn cấp trong thời chiến. Dù không sinh ra ở cùng một vùng đất, chúng tôi trở thành đồng chí đáp những chiếc dù mong manh của mình xuống cùng một nơi.
Kể từ ngày đó, nhiều chuyện giữa hai người chúng tôi trở nên không còn quan trọng nữa. Quốc tịch, thế hệ, sở thích, lí tưởng hay thiên hướng chính trị cũng mất đi trọng lượng vốn có.
Trong bầu không khí mà trọng lực dường như không tồn tại, chúng tôi thấy mình nhẹ bẫng đi.
“Nói thật thì, khó mà quen được với năng lực hồi quy này.”
Lão Scho chia sẻ với tôi một khía cạnh của con người lão, thứ được gọi là ‘điểm yếu’ trong một thế giới sắp diệt vong.
Mỗi sáng, chúng tôi sẽ lấy cà phê vào bình giữ nhiệt hoặc vớ vài chai soju và đi tới một quán cà phê bỏ trống (hầu hết là vậy do các thợ pha chế đã sơ tán khi thế giới bị hủy diệt) để nói chuyện phiếm.
“Tại sao?”
“Chúng ta luôn trở lại ngày 17 tháng 6 mỗi lần hồi quy, phải không? Nhưng chỉ một phút sau khi chúng ta hồi quy, vợ ta chết.”
“Gì cơ?”
Lão Scho giải thích. Ngày 17 tháng 6, 13 giờ 59. Đó là thời điểm chúng tôi bắt đầu hồi quy. Nhưng vào khoảng 14 giờ ngày 17 tháng 6, một cánh cổng mở ra tại Seoul, và toàn bộ phía nam sông Hàn bị phá hủy hoàn toàn.
Không như chúng tôi, những người đang ở Busan và tránh được thảm họa, vợ của Lão Scho đang ở Seoul để tham dự một buổi hội thảo hàn lâm.
“Chờ ta một phút. Một phút thôi.”
Lão Scho nhấp một ngụm soju.
“Vợ ta tham gia ban tổ chức sự kiện ở phòng hội thảo. Một buổi gặp gỡ của nhiều nhà khoa học hàng đầu.”
“Kể cả nếu lão có cảnh báo bà ấy trước về cánh cổng sắp mở… cũng không có cách nào để thoát ra.”
“Phải.”
Thảm họa biến Seoul thành một bãi đất hoang. Dù Lão Scho có gọi cho bà ấy ngay sau khi hồi quy và bảo bà sơ tán ngay lập tức, bi kịch là không thể tránh khỏi.
“Kể cả có là ta gọi, cô ấy sẽ không nhấc máy ngay. Cô ấy luôn để điện thoại ở chế độ im lặng mỗi khi có sự kiện quan trọng… Ta phải gọi đến lần thứ ba thì cô ấy mới chịu nhấc máy.”
“...”
“Vậy nên không thể nào đủ thời gian. Ngay khi ta vừa nói xong câu ‘Anh yêu em’, một tiếng động lớn phát ra từ trên trời, và cuộc gọi kết thúc. Chỉ trong mười giây. Ta chỉ được nghe giọng vợ mình trong vòng mười giây…”
“Những thành viên khác trong gia đình lão thì sao?”
“Không còn ai cả. Ta chỉ có vợ ta thôi.”
Lão Scho lẩm bẩm.
Tên đầy đủ, Emit Schopenhauer. Biệt danh, Kiếm Thánh.
Tôi thấy như mình đã hiểu tại sao lão bị ám ảnh với việc rèn luyện thể lực đến vậy.
Những lần hồi quy tiếp theo, Lão Scho dần quen với mùi cồn. Hồi ở vòng lặp thứ 9, khi uống soju lão chỉ nhấp vài ngụm rồi nói, “Đây không phải rượu thật.” Nhưng đến vòng lặp thứ 19, lão chỉ ngồi không cũng tu hết ba chai soju.
“Kể cả ta có uống đến chết đi nữa, gan của ta sẽ lại như mới sau khi hồi quy thôi, nên chẳng phải cũng đáng sao? Hehe…”
Dù miệng nói vậy, nhưng sắc mặt Lão Scho lại trầm xuống.
Đến giờ, nếu tính tổng tất cả những lần hồi quy, lão đã trải qua khoảng 120 năm.
Nhưng trong suốt từng ấy năm, thời gian lão được nói chuyện với vợ chỉ gói gọn trong 120 giây ngắn ngủi.
Hành trình của một lão già băng qua sa mạc chỉ để có vài ngụm nước ngày càng trở nên khắc nghiệt.
“Chắc chắn phải tồn tại Dịch Chuyển Tức Thời.”
Một ngày nọ, mục tiêu của Lão Scho bắt đầu thay đổi.
“Ý lão là sao?”
“Ý ta là một kẻ với năng lực dịch chuyển tức thời. Nếu tìm ra họ, ta có thể dịch chuyển đến chỗ vợ mình ngay khi chúng ta vừa hồi quy.”
“Nhưng… kể cả nếu có người mang năng lực dịch chuyển trên thế giới, làm sao chúng ta có thể gặp họ trong vẻn vẹn có một phút? Kể cả khi hai ta hồi quy, cũng phải mất 30 phút chúng ta mới gặp lại nhau.”
“...”
Lão Scho im lặng.
Nhưng tôi cảm nhận được đó không phải sự im lặng đồng tình.
Sau hơn một thế kỉ, người bạn đồng hành của tôi, người đang cố ngăn chặn sự hủy diệt cùng với tôi, bắt đầu có những suy nghĩ kì lạ. Lão liên tục càm ràm không dứt.
“Nếu ta tìm ra một thần chú hồi sinh thì thế nào? Chẳng phải ta sẽ làm người chết sống lại được sao?”
“Nếu ta có thể sao chép năng lực của người khác, và có thêm năng lực dịch chuyển tức thời và thần giao cách cảm, ta sẽ giải quyết được mọi vấn đề trong vòng một phút.”
“Ta làm được mà. Ta nhất định sẽ làm được.”
Như thể tôi đang xem một tòa lâu đài cát dần vỡ vụn.
Đỉnh điểm của sự vỡ vụn là vòng lặp thứ 23.
Ngay sau khi hồi quy, tôi bắt đầu công việc như mọi lần. Tôi mất khoảng 30 phút để giết sạch toàn bộ quái vật trong hầm ngục Ga Busan và đến chỗ gặp đã hẹn. Một nơi trú ẩn chúng tôi tìm được ở những vòng lặp trước.
“Huh? Lão già? Lão già, lão ở đâu thế?”
Không có ai ở trung tâm tập luyện dưới lòng đất. Cũng không có dấu vết của người nào tiến vào hay rời đi.
“...”
Linh cảm có việc chẳng lành, tôi lập tức di chuyển.
Điểm bắt đầu của tôi là Ga Busan, còn của Lão Scho là chỗ Bệnh viện Baekje cũ.
Đi qua một trường tiểu học bị xẻ làm đôi bởi cơn thịnh nộ của lũ quái vật, tôi bước vào tòa nhà bệnh viện cũ. Mọi người đều đã sơ tán, nên không còn ai ở bên trong.
Xác của Lão Scho nằm trên sân thượng.
“...”
Không phải giết người.
Tại điểm bắt đầu, không một ai đủ khả năng để giết Lão Scho—không phải quái vật, không phải con người, đến tôi cũng không thể.
Lão là kẻ duy nhất có khả năng tự kết liễu bản thân.
Thi thể của Lão Scho đã mất đầu, nhưng phần thân thì nguyên vẹn. Tay trái của lão vẫn còn nắm chặt chiếc điện thoại.
“Điên rồ.”