Chỉ huy cuộc xâm lược Dailam là hầu tước Leuhold, một quý tộc Lusitania. Mục đích chính của chúng chỉ là thăm dò và cướp bóc. Kể từ khi Arslan công bố danh tính, Guiscard đã tăng cường sức mạnh cho quân chủ lực, nhưng nhóm này lại nhân cơ hội tiến đánh Dailam.
Từ vách đá ven bờ biển, họ thấy một con tàu Maryam.
“Hả? Không phải tàu Maryam đó sao? Thật hoài niệm.”
Giọng của chỉ huy quân Lusitania đầy vẻ chế nhạo. Maryam đã bị họ chinh phục từ lâu, quân đội sụp đổ hoàn toàn. Một con tàu lẻ loi xuất hiện ngoài khơi Pars hẳn là tàn tích duy nhất nên không có gì phải sợ.
Quân Lusitania có tổng cộng 300 kỵ binh. Họ tự tin vì trước đó đã do thám cẩn thận, không có quân đội Pars nào ở vùng này. Mất nửa ngày để tới bờ biển, chúng bắt đầu phát động tiến công.
“Đốt hết ! Phá hết ! Giết sạch bọn chúng ! Những kẻ ngoại đạo không đáng được tha thứ. Những kẻ phản bội và cấu kết với ngoại đạo càng đáng chết hơn!”
Ngay cả trước khi mệnh lệnh được đưa ra, các binh lính Lusiatania đã hét vang và xông lên. Cơn ác mộng chỉ vừa bắt đầu với người dân Dailam.
Quân lính Lusitania tràn vào làng, giết bất cứ ai chạy trốn. Một ông cụ bị giáo đâm xuyên từ phía sau lưng, một phụ nữ bị kiếm cắt cổ. Máu phun khắp nơi, tiếng la hét tràn ngập mảnh đất, và những điều ấy chỉ khiến quân xâm lược thêm phấn khích. Một đứa bé còn đang khóc bị ném lên cao, rồi khi rơi xuống, ngọn giáo đâm xuyên qua mình nó. Đó là điều quân Lusitania luôn làm với “những kẻ bán linh hồn cho quỷ dữ”. Đối với kẻ không thuận theo chúa trời, đối xử tàn bạo đến mấy cũng chẳng sao. Những ngôi nhà bị đốt rụi, người nào chạy ra khỏi đám cháy sẽ bị giết bởi những mũi tên ngay ngoài cửa.
Quân Lusitania say sưa cười trong cảnh đẫm máu. Bất chợt, họ dừng lại khi thấy một người cưỡi ngựa đơn độc thong thả đi trên đường. Người này không mặc áo giáp nhưng thanh kiếm lớn đeo trên thắt lưng khiến bọn chúng chú ý.
Vị du khách trông khoảng chừng 30 tuổi. Anh ta có vóc dáng lực lưỡng với mái tóc đen rối bời như cái bờm sư tử. Một nụ cười nhàn nhã luôn nở trên gương mặt gồ ghề, và mắt trái nhắm lại như không còn hoạt động nữa.
Anh ta chính là cựu marzban Kubard, luôn tự gọi mình là “sư tử một mắt”, nhưng lại được biết đến nhiều hơn với biệt danh “Kubard khoác lác”. Dù sao đi nữa, giờ anh chỉ là một lãng khách tự do, không chủ cũng chẳng tước vị.
Qua lời giới thiệu của người bạn cũ Sam, anh theo hoàng tử Hilmes một thời gian ngắn, nhưng họ không mấy thân thiết với nhau. Cho nên giờ, anh lại tìm đến hoàng tử Arslan, người đang vận động lực lượng ở biên giới phía đông. Vì chẳng có gì đảm bảo anh sẽ hòa thuận với vị hoàng tử trẻ này, nên dù sao anh cũng phải thử gặp một lần trước.
Ban đầu, anh đi về phía tây, nhưng sau đó lại rẽ nhầm sang hướng tây bắc. Phần vì anh ta không biết rõ địa lý từng khu vực, phần vì biển báo trên đường đã bị quân Lusitania phá hủy hết rồi. Khi nhận ra mình đi lạc tới lãnh địa Dailam, anh phải vượt qua hai ngọn núi mới có thể quay lại đường lớn. Nhưng trên núi thì chẳng có quán rượu hay cô gái nào hết, nên anh nghĩ hay là cứ tới Dailam tìm vui, mọi chuyện để sau tính tiếp.
Quân Lusitania lập tức chặn đường vị lữ khách.
Trên gương mặt Kubard chẳng có chút sợ hãi hay bất an nào, mà thậm chí còn nhìn các kỵ sĩ Lusitania một cách khá vui vẻ bằng con mắt duy nhất của mình.
“Ngươi là ai? Định đi đâu hả?”
Chẳng hiểu sao, tay kỵ sĩ Lusitania tra hỏi anh ta lại cảm thấy lo sợ. Rõ ràng Kubard trông lôi thôi chẳng khác gì một người nông dân hay thương nhân bình thường, chỉ trừ thanh kiếm lớn đeo bên hông.
“Hình như nơi này bị các vị thần bỏ rơi rồi.”
Kubard lẩm bẩm. Trước mặt anh ta chẳng có phụ nữ đẹp, mà chỉ toàn những tay đàn ông thô kệch. Hương rượu thì chẳng thấy đâu mà chỉ toàn mùi máu tanh nồng. Thế thì không đáng bận tâm. Kubard nói tiếng Pars với những kỵ sĩ Lusitania. Dứt lời, thanh trọng kiếm rời vỏ.
Một tia sáng lóe lên, đầu của một kỵ binh Lusitania lìa khỏi cổ cùng với vệt máu dài. Uy lực của nhát chém khiến những tên lính khác lùi lại vì sợ hãi.
Giọng của người lữ khách kia vẫn rất ung dung.
“Đêm qua ta ngủ không ngon, mà kể cả người hiền lành nhất cũng phát cáu nếu bị mất ngủ. Cho nên các ngươi xui xẻo rồi.”
Quân Lusitania chỉ hiểu được một nửa câu tiếng Pars mà Kubard nói, nhưng ý nghĩa thì lại thể hiện quá rõ bằng hành động. Kẻ này dám chống lại kỵ binh Lusitania, chống lại ý chúa.
Kiếm và khiên, áo giáp với cơ thể va chạm nhau dữ dội. Tiếng hét văng vẳng khắp nơi, máu chảy thành vũng trên mặt đất. Người Pars một mắt kia tựa như thứ bệnh dịch với người Lusitania, lan tới đâu chết chóc tới đó. Thanh trọng kiếm vung lên như lốc xoáy, tấn công kẻ thù bằng tốc độ đáng kinh ngạc. Nó chém người như chém cỏ, lũ ngựa mất chủ cũng hoảng hốt bỏ chạy.
Sau đó, một sự việc khác diễn ra.
Trước sự dũng mãnh của Kubard, số kỵ binh Lusitania giảm dần. Thấy cảnh tượng đẫm máu ấy, năm sáu tên lính đã chạy đi, định gọi tiếp viện tới. Nhưng họ đang ở trên núi cao, không thể lao thẳng xuống khỏi vách đá phía trước, nên đành chọn một con dốc thoải , đi đường vòng tới chỗ đồng bọn.
Ra tới đường, họ lại gặp một lữ khách cưỡi con ngựa bờm trắng. Đó là một thanh niên khoảng chừng 18 19 tuổi, quấn chiếc khăn đen trên mái tóc đỏ rực.
“Tránh ra, thằng nhóc!’
Giọng điệu hung hăng của những tên lính Lusitania dường như khiến chàng trai trẻ tức giận. Anh ta chỉ im lặng, cầm lấy chiếc tù và bằng sừng lớn treo bên hông ngựa, vung nó về phía trước, quất thẳng vào mặt một kỵ binh đang định lao qua.
Chiếc tù và quất như trời giáng, khiến tay kỵ binh bị gãy mũi, hét thảm một tiếng, ngã văng khỏi yên ngựa. Con ngựa mất người cưỡi không giảm tốc độ, lao nhanh qua chàng thanh niên.
“Ngươi làm gì vậy, thằng khốn!”
Những kỵ binh Lusitania khác vô cùng kích động. Họ bắt đầu vung kiếm, tấn công chàng trai trẻ.
Chàng trai không đợi địch bao vây đã nhanh chóng giật cương, quay đầu ngựa bỏ đi. Nhưng anh ta không chạy trốn, lý do cho hành động ấy lập tức rõ ràng. Tên lính Lusitania đang đuổi theo anh ta, định vung kiếm chém thì nhìn thấy một tia sáng phát ra từ bao kiếm bên hông chàng trai.
Gã kỵ binh bị một nhát chém từ ngực tới vai trái, ngã về phía sau, máu phun như suối. Cơ thể gã chạm đất với tiếng nước tung tóe và tiếng rên rỉ, bị vó ngựa của đồng đội chính hắn đạp lên. Quân Lusitania đã mất hoàn toàn ý chí chiến đấu sau khi đụng độ với cả Kubard lẫn chàng trai lạ mặt này.
Sự hỗn loạn lan nhanh như cơn lốc. Tới khi lắng xuống, tất cả những gì còn lại là hiện trường xác chết ngổn ngang, sặc mùi máu. 20 lính Lusitania bị giết chỉ bởi 2 người Pars.