Những cơn sóng xám nặng nề phản chiếu bầu trời u ám. Chẳng mấy chốc, tia sáng sớm mai đã biến mặt biển và cả tầng không thành một dải màu ngọc lam trong biếc.
Vùng Dailam nằm phía đông bắc vương quốc Pars, giáp biển nội địa Darband rộng lớn.
Ngư dân và những người làm muối tụ tập tại một nơi sau giờ làm việc. Họ ăn món tráng miệng với đường và quả sung khô, chuyện phiếm về người vợ mập mạp của họ, về những cô nàng xinh đẹp mới xuất hiện trong quán rượu của thị trấn, và về cả những ả tình nhân của họ nữa.
Bỗng nhiên, một ngư dân đứng dậy, nhìn về một thứ gì đó vừa hiện lên ở phía đường chân trời. Những người khác cũng chú ý theo. Đó là một con thuyền buồm trắng.
“Này, cái thuyền buồm trắng đó có phải kiểu thuyền của Maryam không?”
“Tôi cũng đoán vậy. Lạ nhỉ.”
Trước kia, Pars và Maryam từng có tranh chấp quyền sở hữu hồ nước ở biên giới hay chính là biển Darband, nhưng họ vẫn duy trì mối quan hệ hữu hảo trong 50 năm. Hai nước thường gửi sứ thần qua lại lẫn nhau, giao thương đường thủy, các thi sĩ và đoàn xiếc tới lui để biểu diễn, khiến cho biển Darband xưa nay luôn yên bình.
Nhưng mối quan hệ tốt đẹp ấy đã chấm dứt từ năm ngoái. Ấy là do Lusitania xâm lược và thống trị hoàn toàn Maryam, khiến cho Pars không tiếp tục ngoại giao với họ. được nữa.
Dù vẫn có những quan chức quản lý các vấn đề như thuế, buôn lậu, cứu hộ hàng hải, nhưng giờ họ đều đã rút về Ecbatana rồi. Thời kỳ này, Pars cũng bị Lusitania xâm chiếm, vì vậy trên biển Darban lúc này chỉ còn ngư dân hoạt động. Bến cảng trông tiêu điều hơn hẳn trước kia.
Biển nội địa Darban thực chất chỉ là một hồ nước mặn lớn nhưng lại rất giàu muối. Hai nước Pars và Maryam đã cùng nhau đo đạc và phát hiện ra nó rộng tới 180 farsang từ đông sang tây và 140 farsang từ bắc xuống nam, cũng có những đợt thủy triều lên xuống. Đối với người dân sống quanh đây, hồ nước mặn này chẳng khác nào biển thật. Không những thế, những người dân Dailam đã từng về phía nam và thấy biển thực sự đều nói :
“Ở phía nam có một hồ nước lớn nữa, nhưng mà không sánh được với biển Darband đâu.”
Đó là câu người phương nam thường nói để chế nhạo sự ngu dốt của người Dailam. Tuy nhiên, người Dailam lại chẳng hiểu tại sao mình bị người phương nam trêu chọc.
Dù sao đi nữa, đúng là tàu quân sự của Maryam đã xuất hiện trên biển nội địa của Dailam vào lúc này. Ngoài 3 cột buồm còn có 120 mái chèo. Mũi tàu được trang trí bằng bức tượng vị thần biển theo tín ngưỡng của họ, nhưng phần thân bức tượng đã bị một mũi tên lớn xuyên thủng, và một góc cánh buồm bị cháy. Đó là dấu hiệu của chiến tranh.
Các ngư dân nhìn thấy những con tàu nhỏ được hạ xuống bên mạn tàu chiến. Tuy nói nhỏ nhưng thực ra sức chứa cũng được khoảng 20 người. Các thủy thủ chèo thuyền vào bờ, rồi một hiệp sĩ trung niên trong bộ giáp rực rỡ nói tiếng Pars rất lưu loát.
“Chúng ta cần gặp ai đó có địa vị của vùng này. Chúng ta đến từ Maryam sau khi trốn thoát khỏi sự truy đuổi của quân Lusitania. Có lãnh chúa hay quan chức địa phương ở đây không?”
Rõ ràng ông ta không có ý định nói chuyện với người địa vị thấp. Các ngư dân cảm thấy bị xúc phạm nhưng vẫn hỏi lẫn nhau với vẻ bối rối.
“Làm gì bây giờ?”
“Nếu lãnh chúa Narsus ở đây thì ngài ấy có thể cho lời khuyên.”
“Nhưng chẳng biết sau khi rời lãnh địa, ngài Narsus đang làm gì rồi?”
Dailam là lãnh địa của lãnh chúa Narsus, ấy là cho tới 3 năm trước. Tuy nhiên vị lãnh chúa trẻ này quyết định mai danh ẩn tích kể từ sau khi bị vua Andragoras đệ tam đuổi khỏi triều. Dailam sau đó trở thành lãnh địa của nhà vua, nhưng vị lãnh chúa cũ vẫn được yêu mến hơn.
“Ừ, tôi nghe ngài Narsus nói muốn thành họa sĩ, nhưng mà tôi không nghĩ ngài ấy kiếm sống được với nghề đó đâu. Mong là ngài đừng có chết đường chết chợ đâu đó.”
“Ngài ấy rất thông minh và tốt bụng, còn học rộng biết nhiều.”
“Lại có Elam đi cùng nữa.”
“Đúng ! Elam là một cậu nhóc tháo vát, sẽ không để ngài Narsus chết đói đâu.”
Những người này thoải mái bàn tán về lãnh chúa cũ mà không lo bị phạt, thậm chí còn cười rất vui vẻ khi nói xấu anh ta. Cuối cùng, vì Narsus không ở đây nên chẳng ai biết phải làm gì, chỉ đành dựa vào đầu óc của mình mà phán đoán.
“Vậy cứ đi báo quan trước đi!”
Khó khăn lắm họ mới nhớ ra một vị quan chức đã được bổ nhiệm về đây. Lúc này không tìm đến ông ta thì còn lúc nào.
“Ai đó chạy đi báo đi. Mấy người đó chỉ biết ra oai chứ lười chảy thây. Có khi giờ họ còn đang ngủ trương mắt. Nhưng thôi kệ, cứ đánh thức họ dậy.”
Người Maryam vô cùng phấn khởi đến gặp vị quan chức kia.
“Quân Lusitania là kẻ thù chung của Maryam và Pars. Chúng ta hãy cùng hợp tác để đánh bại chúng, mang lại công lý cho mảnh đất này.”
“Ồ, rất tuyệt.”
Câu trả lời hết sức qua loa nhưng những quan chức địa phương kia nói được như thế đã là tốt lắm rồi.
Về phía bắc và phía tây Dailam là biển Darband, hai hướng còn lại được bao quanh bởi các ngọn núi khiến nơi này có địa hình vô cùng độc đáo. Những cơn gió lớn thổi qua biển nội địa, mang theo lượng mưa dồi dào, đất đai màu mỡ, mùa màng bội thu, dân chúng sở hữu cả cá và muối biển. Nếu ở lại đây, người ta có thể sống sung túc cho đến chết, nên người dân Dailam vốn không biết quá nhiều về các cuộc xung đột.
“Nhưng lo lắng cũng không ích gì. Chúng ta cứ quan sát tình thế rồi từ từ lên kế hoạch.”
Các quan chức cũng có thói quen như vậy, không làm gì ngoài chờ đợi.
Nhưng cuối cùng, cuộc sống yên bình của họ đã bị phá tan. Đột nhiên, những người lính chịu trách nhiệm canh gác các ngọn núi phía nam rung chuông tháp canh để báo động.
“Quân Lusitania ! Kỵ binh Lusitania tấn công !”
Thông báo của người lính canh kết thúc trong tiếng hét thảm. Anh ta định chạy khỏi tòa tháp nhưng hàng chục mũi tên đã bay tới. Một trong số chúng xuyên qua cổ họng. Người lính ngã xuống với hai tay giơ cao, đầu cắm xuống đất.