Gió thổi qua khe núi tựa như một lưỡi đao khô lạnh cắt xuyên màn đêm.
Giữa điều kiện khí hậu khắc nghiệt ấy, 5 vạn quân Sindhura do hoàng tử Rajendra chỉ huy đã vượt sông Kaveri chảy qua biên giới với Pars, tiến về phía tây.
Ngay cả một quốc gia hùng cường đầy kiêu hãnh như Pars cũng bị quân Lusitania xâm lược từ tây bắc và chiếm lấy thủ đô hoàng gia Ecbatana. Người ta đồn rằng nội bộ nước này đang trong tình trạng hỗn loạn. Vậy nên cớ sao không nhân cơ hội ấy mà chiếm lấy một phần lãnh thổ trù phú của họ? Nếu thắng, điều này sẽ thành lợi thế trong cuộc cạnh tranh quyền thừa kế ngai vàng với hoàng tử Gadhevi, Rajendra nghĩ vậy.
"Đừng hòng ta để cho Gadhevi nẫng tay trên! Người được vĩnh viễn được lưu danh trong sử sách xứ Sindhura không ai khác chỉ có thể là ta!"
Cưỡi trên lưng chú bạch mã hào nhoáng nổi bật ngay cả trong đêm, hoàng tử Rajendra chửi rủa người anh cùng cha khác mẹ của mình không tiếc từ ngữ nào, kẻ đang là đối thủ một mất một còn của hắn.
Hiện đang là năm 320 theo lịch Pars nhưng trên lịch Sindhura thì đã là năm 321 rồi. Vẫn chưa quá hai trăm năm kể từ ngày Sindhura lập quốc, nhưng lúc được thành lập thì nó đã có niên đại khoảng 70 năm kể từ khi vua khai triều Kulothunga lên ngôi. Dù khăng khăng rằng lịch này khớp với cuộc đời của vua khai triều Kulothunga nhưng chẳng ai tin cả. Đó chẳng qua chỉ là một chuyện hư cấu để Sindhura có thể lên mặt với nước láng giếng Pars, kẻ thù truyền kiếp của mình rằng : "Nước chúng tôi có lịch sử lâu dài hơn."
Pars rất không hài lòng về điều đó nhưng họ không thể yêu cầu một quốc gia thay đổi lịch của họ được, trừ khi họ giành chiến thắng áp đảo trong một trận chiến và thôn tính toàn bộ lãnh thổ đối phương, tiếc rằng điều đó bất khả khi. Và thế là người Sindhura hoan hỉ tiếp tục con đường lịch sử của mình qua từng năm, từng thế hệ trong sự bất mãn của Pars.
Lúc này, đức vua Karrikala đệ nhị lâm trọng bệnh, hai người con trai tranh giành ngôi báu.
Hoàng tử Rajendra 24 tuổi, lớn hơn thái tử Arslan của Pars những 10 tuổi. Hắn ta có làn da nâu sẫm đặc trưng của người Sindhura, những đường nét sắc cạnh, một gương mặt hết sức lôi cuốn với nụ cười đặc biệt quyến rũ. Dù vậy, phe đối thủ Gadhevi vẫn luôn chế nhạo vẻ ngoài ấy.
"Một tên giả trá có thể tươi cười khi cắt cổ người khác. Rajendra chính là ngoại người đó." Người anh trai khác mẹ Gadhevi khinh bỉ nói, "Nếu tên khốn Rajendra đó chịu ngoan ngoãn chấp nhận quyền thừa kế ngai vàng của ta thì đã chẳng có chuyện ầm ĩ nào cả. Dù chỉ sinh cách nhau 1 tháng thôi nhưng ta là con cả, mẹ ta cũng có thân phận cao quý. Ta nhận được sự ủng hộ của các đại gia tộc. Lẽ ra hắn đã chẳng có cơ hội nào ngay từ đầu."
Khi một cặp anh em cùng cha khác mẹ tranh đoạt ngai vàng thì xuất thân của người mẹ sẽ trở thành lợi thế lớn, đó là điểm chung của mọi quốc gia. Cho nên tuyên bố của Gadhevi không phải không có cơ sở. Nhưng Rajendra cũng có những lý lẽ riêng của mình, chỉ là anh ta thể hiện nó với cách thô lỗ hơn.
"Nói đến tài năng hay trí tuệ, ta mới là người xứng đáng thừa kế ngai vàng. Điều đó tuyệt đối không sai. Dù Gahdevi cũng không đến nỗi kém cỏi nhưng thật không may, hắn lại sinh ra cùng thời với ta."
Đó là một lời nói vô cùng trơ trẽn, nhưng quả thật hắn đã thành công khi tập trung được tất cả các lực lượng phản đối Gadhevi, thu phục họ về phe mình. So với người trai cùng cha khác mẹ, hắn luôn rất hào phóng và được lòng binh lính, dân thường. Gadhevi chưa từng ra mặt trước dân chúng, chỉ sống ở các dinh thự của hoàng gia và giao lưu với quý tộc. Còn Rajendra lại thản nhiên đi dạo trên phố, thưởng thức buổi biểu diễn của các gánh xiếc rong hay các vũ công, hắn trò chuyện với thương gia về kinh tế và vui vẻ uống với khách lữ hành trong các quán rượu. Vì thế, trong mắt người dân, họ chẳng có ấn tượng gì về một hoàng Gadhevi ngồi ở nơi cao ngất ngưởng họ không bao giờ trông thấy.
Sau khi Gadhevi thất bại trong lần cử quân thăm dò tình hình Pars tháng vừa rồi, Rajendra quyết định thử sức.
.
Trên bờ tây sông Kaveri ở biên giới phía đông vương quốc Pars, pháo đài Peshawar sừng sững ngự ở đó.
Pháo đài này canh giữ lối vào của Đại lục vương lộ, con đường hướng tới Serica ở phương đông. Trong tòa thành bằng đá sa thạch đó có 2 vạn kỵ binh và 6 vạn bộ binh đóng quân. Hiện giờ, nó không chỉ đơn giản là căn cứ quân sự quan trong bậc nhất ở Pars mà còn là cơ sở để khôi phục lại quyền thống trị của vương triều Pars. Mới hôm trước, thái tử Arslan của Pars đã đặt chân đến pháo đài dưới sự bảo vệ của một số thuộc hạ.
Kể từ khi đội quân đầy kiêu hãnh của Pars bị quân xâm lược Lusitania nghiền nát trong trận Atropatene, cả vua Andragoras đệ tam và thái tử Arslan đều bặt vô âm tín. Nhưng cuối cùng, một nhân vật mà quân đội Pars có thể lập làm thủ lĩnh đã xuất hiện.
Arslan mới chỉ 14 tuổi, một thiếu niên còn non nớt, tổng số thuộc hạ dưới chướng chàng tính cả phụ nữ lẫn trẻ em chỉ có 6 người. Tuy nhiên, do chưa rõ tình trạng của vua Andragoras nên với tư cách là thái tử, chàng là người duy nhất có thể đóng vai trò lãnh tụ, lấy tư cách hoàng thất để kêu gọi các lực lượng nổi lên giành lại chính quyền. Hơn nữa, trong số các thuộc hạ của chàng có Dariun, chiến binh trẻ tuổi nhất đạt được danh hiệu marzban, và cựu lãnh chúa Dailam, cả hai đều là những nhân vật tiêu biểu cho tài năng của quốc gia.
Sau một đêm dài hỗn loạn, kẻ đeo mặt nạ bạc, người không ngừng truy đuổi Arslan bấy lâu đã bị hất khỏi tường thành của pháo đài, ngay sau đó lại có tin báo về cuộc xâm lăng của Sindhura.
GIờ không phải lúc thích hợp để truy bắt kẻ đột nhập.
Hai vị tướng chịu trách nhiệm bảo vệ pháo đài Peshawar là marzban Kishward và marzban Bahman. Nhưng Bahman gần đây đã già yếu và không còn tinh thần chỉ huy phòng thủ nữa nên mọi việc đều do một tay Kishward phụ trách.
Narsus, người đóng vai trò là quân sư của hoàng tử Arslan vẫn luôn vắt óc suy nghĩ, tính toán phương hướng để giành lại kinh đô Ecbatana dưới sự kiểm soát của Lusitania.
6 vạn bộ binh của thành này không đóng vai trò gì trong kế hoạch của Narsus. Có hai lý do cho điều đó. Một là về vấn đề chính trị, khi Arslan lên ngôi sau này, chàng có thể sẽ đưa ra tuyên bố giải phóng nô lệ. Bộ binh Pars phần lớn là nô lệ, cho nên để nhất quán từ đầu đến cuối, họ cũng cần được trả tự do. Narsus đã cân nhắc cho tương lai của họ.
Một lý do khác là về quân sự. Để huy động 6 vạn bộ binh, họ cũng phải vận chuyển đủ số quân lương cho 6 vạn người ấy. Ở thành Peshawar hiện nay có đủ nguồn cung, nhưng là để phòng khi có kẻ địch xâm lược. Nếu cử 8 vạn binh sĩ đi chinh chiến dài ngày, họ không thể không có đường tiếp tế, phải dùng bò, ngựa, xe để vận chuyển. Chuẩn bị những thứ đó không phải chuyện dễ dàng, thậm chí còn làm giảm tốc độ hành quân. Kỵ binh hành quân nhanh hơn, sẽ làm giảm gánh nặng hậu cần.
Tuy nhiên, trước khi tiến hành chiến dịch chiếm lại kinh đô, họ cần đối phó với kẻ thù trước mắt, quân đội Sindhura. Khi Arslan hỏi ý kiến, Narsus vẫn điềm tĩnh như mọi khi.
"Xin đừng lo lắng, thưa điện hạ. Thay vì nói quân ta sẽ thắng, có ba lý do khiến quân Sindhura chắc chắn sẽ thua."
"Đó là gì?"
Arslan nhoài người về phía trước, đôi mắt của chàng lấp lánh màu của bầu trời đêm không một gợn mây. Trước đây, khi còn sống trong cung điện, chàng được học về binh pháp, chiến lược quân sự từ các vị gia sư, nhưng chưa từng cảm thấy có gì thú vị. Trong khi đó, những lời giải thích của Narsus chẳng những thuyết phục mà còn khơi gợi trí tò mò.
Narsus không đáp mà quay sang nhìn bạn mình.
"Dariun, ngươi từng có một khoảng thời gian sống ở Serica, một quốc gia hùng mạnh về quân sự. Chắc ngươi đã học được ba yếu tố tối quan trọng để giành thắng lợi trong một trận chiến."
"Thiên thời, địa lợi, nhân hòa."
"Đúng. Thưa điện hạ, bây giờ quân Sindhura không đạt được cả ba yếu tố này."
Narsus giải thích. Đầu tiên là về thiên thời, hiện giờ đang là mùa đông, và với những binh sĩ của đất nước phía nam Sindhura thì đây là khoảng thời gian khốn khó nhất. Hơn nữa, sức mạnh lớn nhất mà quân đội Sindhura lấy làm tự hào là voi chiến, nhưng voi cũng yếu đi khi trời lạnh. Cho nên thời tiết lúc này đang quay lưng về phía họ.
Thứ hai là địa lợi, quân Sindhura vượt qua biên giới, lại còn di chuyển trong đêm. Họ định mở một cuộc tấn công bất ngờ trước khi trời sáng, nhưng với những kẻ không thông thuộc địa hình thì điều này hết sức liều lĩnh.
Và cuối cùng, nhân hòa. Cho dù là Gadhevi hay Rajendra, cả hai đều bỏ qua trận tranh ngai vàng, bị mờ mắt bởi lòng tham nhất thời mà đem quân xâm lược Pars. Nếu đối thủ của họ mà biết đến hành động này thì chắc chắn sẽ tấn công sau lưng. Với tình thế đó, dù Sindhura có dẫn cả mấy chục vạn quân sang cũng không có gì đáng sợ.
"Chúng thần sẽ thay mặt điện hạ đánh bại Sindhura, đổi lấy cơ hội đảm bảo bình yên cho biên giới phía đông trong vòng hai ba năm tới."
Narsus vô cùng điềm tĩnh cúi đầu chào.