Truyện ngắn về một cô gái Marcellus

Truyện tương tự

Vì sao và đom đóm.

(Hoàn thành)

Vì sao và đom đóm.

caroranchan

Nỗi sợ hãi vì tỏ tình thất bại làm cho một gã thanh niên quyết định đi lính, bỏ lại người mà anh ta thầm thương trộm nhớ. Trở về sau hai năm, chàng trai không ngờ rằng mình lại được gặp đúng người con

1 534

Mẹ kế của Bạch Tuyết!

(Hoàn thành)

Mẹ kế của Bạch Tuyết!

Yume_chan

Câu chuyện cổ tích nổi tiếng Bạch Tuyết và bảy chú lùn được kể lại qua góc nhìn của bà mẹ kế "độc ác".

2 750

Nói với em

(Hoàn thành)

Nói với em

Vuio

Vì truyện hơi ngắn nên không có tóm tắt nhiều, mọi người vào đọc sẽ biết.

1 426

Khi Cơn Mưa Tuyết Ngừng Rơi

(Hoàn thành)

Khi Cơn Mưa Tuyết Ngừng Rơi

Phong Linh

Quá khứ là điều ai cũng biết, còn tương lai thì chẳng ai biết được cả. Mọi giai đoạn của cuộc đời, hầu như ai cũng sẽ nuối tiếc khôn nguôi những chuyện xưa cũ và lo lắng bất an về điều sẽ xảy ra tiếp

3 723

[Oneshot] Nhà vua xứ Marot

(Hoàn thành)

[Oneshot] Nhà vua xứ Marot

Victor Niji

Và nó sẽ không bao giờ kết thúc.

1 467

Lẫy

(Hoàn thành)

Lẫy

langsat

Một bi kịch kéo dài từ đời này qua đời khác, cuốn những số phận lạ lùng về chung một mối. Có sự bình an hay một tương lai tươi sáng nào cho một thế giới mục rỗng đã đến nước điêu tàn?

15 2040

Truyện ngắn về một cô gái Marcellus - Truyện ngắn về một cô gái Marcellus

Pares, thành phố lớn thứ hai đế chế Marcellus đang trong những ngày xuân. Kỳ nghỉ đầu năm cũng vừa kết thúc, những tốp học sinh nô nức kéo nhau đến trường sau khoảng thời gian chỉ có ăn và chơi. Những con phố và đại lộ trung tâm được trả lại cái vẻ tấp nập vốn có của chúng khi mọi người cùng nhau trở về sau hai tuần tận hưởng. Hàng quán lại đen nghẹt người, không chỉ học sinh mà cả viên chức, công nhân đang cố tìm cái bỏ bụng trước khi bắt đầu ngày mới. Tháp thông tin Afetiria sừng sững giữa trung tâm quảng trường thành phố lại tỏ vẻ cáu kỉnh khó chịu khi mà âm thanh của nó bị nhiễu loạn bởi dòng người qua lại dưới chân. 

“Trẻ con ở Pares nghe tiếng phát thanh viên trước cả tiếng của bác sĩ.” Câu đùa mà người dân thành phố hay dùng để thể hiện niềm tự hào của họ về quê hương. Câu đùa không xa thực tế là bao khi mà những tin tức từ khắp nơi trên Đế chế được phát đi liên tục bởi hàng ngàn chiếc loa, bao gồm cả tòa tháp cao bốn trăm mét nơi quảng trường. Cái biệt danh “Thành phố phát thanh” mà người từ xứ khác gọi có vẻ như không hề sai.

Trong một căn nhà nhỏ cách quảng trường Afetiria không xa, một người con gái đang đứng bên chiếc bàn học cạnh cửa sổ. Cơn gió mát từ quảng trường, cùng với những tia nắng, luồng qua ô cửa, nhẹ nhàng nâng niu mái tóc đỏ đang xõa dài. Với những quyển sách dày cộm trên tay và trong cặp táp, cô đang sửa soạn để đến trường. Lẩm nhẩm lại lần cuối tựa những cuốn sách, cô gái cười, hài lòng vì chắc chắn mình không để sót một môn nào.

“Linh! Cháu xong chưa? Trễ bây giờ!” Tiếng một người phụ nữ vọng lên từ dưới lầu, giọng nói lanh lảnh vốn đã trở nên quá quen thuộc với cô.

 Linh, người con gái đang đứng bên cửa sổ với mái tóc tung bay là thứ nữ trong gia tộc Hoàng Thùy, một trong những gia tộc giàu có vùng phía Nam Đế Chế. Song, từ bé các lễ nghi phiền toái của tầng lớp trên lại không phải là thứ khiến Linh mặn mà. Cô thích dành thời gian rong chơi trên những cánh đồng lúa mì hơn là những giờ học khiêu vũ hay trang điểm, lại càng ghét phải tiếp xúc với những tên quý tộc điệu đà. Tất nhiên, chưa bao giờ Linh được chơi bời thả cửa.

Một lần năm lên tám, sau khi bị lính gác kéo khỏi cuộc vui cùng lũ bạn, Linh ấm ức quá mà đánh bạo hỏi thẳng mẹ của cô trên đường về dinh thự. “Mẫu thân? Tại sao con lại không được chơi với các bạn?”

“Vì sự an toàn của con, con yêu à!” Mẹ cô trả lời ngắn gọn, song câu trả lời không đủ để thỏa mãn Linh. Với Linh, những đứa trẻ đó là những người bạn tốt, tại sao chơi với chúng lại ảnh hưởng tới sự an toàn của cô được? 

Khó hiểu, nhưng cô vẫn im lặng. Mãi đến sau khi hoàn thành cấp hai ở một ngôi trường quý tộc. Mặc cho đạt điểm số khá cao, Linh vẫn nằng nặc đòi cha mẹ cho theo học trường trung học Thăng Long ở Pares, cách xa quê nhà cô. Cha mẹ đành chịu thua sự cương quyết hay nói đúng hơn là lì lợm của Linh. Cũng có lẽ vì cô là con thứ nên họ miễn cưỡng đồng ý và nhờ chú Thành Đông cho ở nhờ nhà chú ấy ở Pares. Ngày nhận được sự đồng ý của cha, khóe môi Linh như có cái gì đó móc vào rồi kéo lên, cô không tài nào đưa nó về vị trí cũ được.

 Linh vẫn còn nhớ như in cái cảm giác khoan khoái khi cô xách chiếc vali yêu thích, cùng với mẹ và chị gái lên xe ra ga tàu. Từ đằng xa, trong cái gió mát đầu hè, đã trông thấy những cột khói trắng muốt, trông như những đám mây được thổi lên từ mặt đất. Hình ảnh đó lại càng kích thích sự hưng phấn trong cô gái trẻ. Linh cũng nhớ luôn chút cay cay trong đáy mắt khi bị mẹ và chị bất ngờ ôm chầm lấy cô và khi cô vẫy chiếc khăn tay trắng chào tạm biệt họ trong tiếng còi hơi nước. 

Mùi khói bốc lên thơm lừng bên trong toa tàu như vẫn còn đọng lại đâu đây. Những khuôn mặt xa lạ dần trở nên quen thuộc trên chuyến hành trình dài vẫn còn trong ký ức. Dù cho chưa chắc Linh đã nhớ hết tên của họ như cách họ nhớ tên cô. Đêm đầu tiên xa nhà đối với Linh không mấy dễ chịu, chiếc ghế gỗ thẳng lưng cùng thân tàu rung lắc không thể cho hành khách được một giấc ngủ ngon, song bấy nhiêu đâu đủ để dập tắt sự háo hức bên trong cô gái trẻ.

Linh đặt chân đến Pares vào một buổi sáng mà những tia nắng nhảy múa qua các ô cửa sổ của đoàn tàu. Cô được chú Thành Đông đón ngay bên trong nhà ga, khi mà làn hơi nước trắng xóa còn chưa bay hết. Chú Thành Đông ôm chầm lấy đứa cháu gái, mặc cho bộ quân phục sĩ quan đang khoác lên mình. Ngắm nghía Linh một hồi, chú mới cất lời.

“Xem nào? Chà! Đẹp giống mẹ, khỏe giống cha. Tuyệt!” Chất giọng trầm ấm và cái cười giòn giã của ông vô tình tạo nên ấn tượng đầu tiên của Linh ở nơi phố thị này.

Ông khoác tay, dẫn cháu gái ra bãi đỗ bên cạnh nhà ga. Ở băng ghế sau chiếc xe riêng của chú, Linh bị choáng ngợp trước những tòa nhà cao tầng và dòng người lẫn xe đen nghẹt trên con phố trung tâm. Trước đây, cô gái mười lăm tuổi chỉ được biết đến Pares qua sách báo và các bảng tin. Thành phố của Hoàng tử Louis như là một thế giới mới đối với cô. Sắc xanh của cây và cỏ bị thay thế bởi màu của gạch xây và kim loại, Linh không tài nào tìm được một con lừa nơi đường nhựa này. Duy chỉ có ngựa là còn hiện diện, song bộ giáp xám đen mà chúng được mặc và những viên cảnh sát cũng tạo nên những sự xa lạ nhất định. 

Chiếc xe nhỏ sơn màu chocolate men theo con hẻm, bỏ qua các trục đường lớn đang kẹt cứng, âm thầm trườn vào một khu nhà mái ngói. Mãi đến đây, Linh mới thấy lại màu xanh của những tán cây, không khí cũng mát mẻ hơn hẳn so với lúc ở nhà ga. Xe chậm dần, rồi cuối cùng dừng hẳn trước một căn nhà với mái ngói đỏ au xinh xắn.

“Tới nơi rồi. Cháu xuống trước, hành lý cứ để anh này lo.” Chú Thành Đông quay ra nói với Linh, trong lúc cô vẫn còn mãi ngắm nghía cảnh quan xung quanh khu nhà. Anh chàng tài xế, cũng trong bộ quân phục, lễ độ xuống xe trước mở cửa cho người ngồi sau. Linh cảm ơn anh ta rồi cũng bước lên lề. Ngẩng nhẹ đầu lên, một ngôi nhà nhỏ hiện ra trước mắt cô.

Vỗ nhẹ vào lưng đứa cháu gái còn đang đứng thẫn thờ trước bật tam cấp, Thành Đông nói với vẻ tự hào.

 “Đây là nhà của chú. Thời gian tới, cháu sẽ sống ở đây.”

Linh ngước mắt nhìn, cô hơi bất ngờ về căn nhà. Bên ngoài, nhà chú Thành Đông có hai tầng, xây gạch theo lối kiến trúc cũ, có lẽ chỉ chịu nhỏ tuổi hơn những chiếc đầu kéo hơi nước bên nhà ga. Tường trước quét vôi vàng, hai bên vách chạm sát vào hai nhà bên cạnh, tạo cảm giác như cả ba hợp nhất lại làm một căn. Duy chỉ riêng mái nhà chú là lợp ngói đỏ, nổi bật lên dưới ánh nắng mùa hè. Trên mái, chừa một chỗ cho chiếc ống khói nhỏ xinh nhô ra. Màu đỏ của ngói cũng là cách mà Linh dùng để tìm đường về nhà vào những ngày đầu chuyển đến đây. Về sau, cô thích đi theo cái mát mẻ của bóng cây và hương hoa thơm trước nhà hơn.

Bên trong nhà, tầng trệt được chia làm hai gian theo chiều dọc. Gian trong, bé hơn là nhà bếp. Gian ngoài đặt một bộ bàn ghế vừa là nơi cả nhà dùng bữa, cũng vừa là nơi để chú tiếp khách. Không cầu kỳ gì mấy vì chú cũng ít khi nào có khách đến nhà. Lên tầng trên, ngôi nhà lại được chia ra làm bốn phòng, hai phòng ngủ, một nhà kho và một nhà vệ sinh, kiêm luôn nhà tắm. Hành lan được vợ chú trang trí với khá nhiều hoa và tranh. Đặc biệt nhất với tấm ảnh chụp cả nhà được treo trang trọng ngay trước phòng ngủ của họ. 

Linh thích thú với bức hình, thường đứng ngắm nó khá lâu mỗi khi vô tình đi ngang qua. Mỗi lúc như vậy, trong đầu Linh lại chớm lên một sự so sánh. Cô so nó với thứ được treo ngay trong phòng ăn ở dinh thự. Ngược hẳn với tấm ảnh trắng đen, trong tấm hình màu khổ lớn ở phòng ăn, chẳng ai cười cả. 

Linh được chú bố trí cho ở trong nhà kho, kề bên cầu thang. Còn đồ đạc bên trong đó thì được chuyển lên gác. Ngày đầu tiên ở Pares vì đó mà ngập trong bụi và mồ hôi khi cô cùng cả nhà dọn dẹp lại căn phòng vốn từ lâu không được đụng đến. Đối với con nhà quý tộc như Linh thì đó là một công việc vất vả. Cô lóng ngóng, bê trước ngã sau, đánh rơi đồ vật liên tục. Dù vậy, thím không trách cứ gì Linh mà còn cùng với các em cười to khi chú bắt đầu pha trò chọc ghẹo.

“Bữa đó, thím mừng là cái tính cháu hiền. Chứ cháu mà như mấy đứa con gái nhà quý tộc cứ ỏng a ỏng ẹo, đủng đa đủng đỉnh thì sức mấy thím cho ở. Tính thím bình dân, chịu không nổi cái kiểu ấy.” Vợ chú cười ra rả trong một hôm hai cô cháu vào bếp. Linh đỏ mặt song cũng cười thầm trong bụng. Có lẽ chính bà thím đã quên rằng bản thân bà ấy cũng là một quý tộc.

Đường đến trường của Linh không quá phức tạp. Chỉ cần rời khu nhà mái ngói, qua một con phố nhỏ rồi rẽ vào quảng trường, đi hết quảng trường rồi qua lộ là đã đến cổng trung học Thăng Long. Linh thích con đường đến trường này, đặc biệt là vào những ngày thu, khi những cơn mưa mùa hạ đã qua. Những chiếc lá cây nơi quảng trường như đua nhau chạy theo một mốt thời trang mới, rủ bỏ đi sắc xanh mượt mà choàng lên mình một màu vàng óng ánh. Chúng đung đưa đầy thích thú theo làn gió mát lạnh thổi từ bên bờ sông. Để rồi vì ham chơi quá mà bỏ lìa cành, phiêu diêu theo cơn gió, lặng lẽ rơi xuống bên chân tòa tháp Afeteria hùng vĩ, lúc này đang phát đi những bản tình ca phương Nam.

Trong bộ đồng phục trắng với chiếc khăn choàng đỏ, Linh thường bước chậm lại trên nền đá granite trắng, vừa để tận hưởng những bản nhạc quê hương trong cái không khí mát mẻ, vừa để ngắm nghía vẻ sôi động nơi quảng trường. Những tốp thiếu nhi, có em đi cùng bạn, có em lại đi với cha mẹ, vây đầy quanh các gánh hàng rong với những thứ đồ chơi bắt mắt cùng những món đồ ngọt thơm đến nức mũi. Đôi lần, chính Linh cũng không kiềm lòng được mà sà vào chúng. Lúc thì viên kẹo, khi thì cây kem. Những khi như thế, gió thu lại có thêm vị ngọt và thơm mùi vani. Cô chưa từng dám tưởng tượng đến sự tự do như thế này khi hồi còn ở dinh thự.

 Về phần chú, ở với nhau lâu ngày, Linh nhận ra cô và chú có nhiều nét giống nhau. Đặc biệt ở điểm là cả hai đều không thích giới quý tộc. Chú Thành Đông của cô lúc đó đang là Thiếu tá một trung đoàn biên phòng, chú thà chịu làm phó cho một thường dân chứ không gia nhập quân đội của giới quý tộc. Song chú không hề giấu giếm gì về việc đó.

Linh có lần hơi tọc mạch mà thắc mắc thì được chú trả lời với đúng cái tính cợt nhả đã thành cố tật. 

“Đám đó toàn là lính cậu, lính kiểng đánh đấm được gì. Đụng qua đụng lại toàn con ông này, cháu bà kia, chán ngắt!” Ông nói với vẻ khinh miệt, khóe một bên môi ông bị hất lên.

Vì là lính biên giới nên chú Thành Đông ít khi có mặt ở nhà, chủ yếu Linh ở nhà với vợ chú và hai đứa con nhỏ. Mỗi ngày sau khi đi học về, Linh phụ giúp thím việc bếp núc, sau đó thì dạy hai đứa em học. Chú có một trai, một gái sinh đôi, nhỏ hơn Linh ba tuổi. Ban đầu, Linh hoàn toàn chẳng biết làm bếp như thế nào, các đốt tay vì đó mà luôn quấn đầy băng cá nhân. Nhưng rồi, dưới sự chỉ bảo của thím mà cô cũng dần quen, bây giờ Linh chẳng còn ngại vào bếp nữa. 

Cuộc sống lặng lẽ trôi, cho đến cuối năm học thứ nhất. Linh vô tình bộc lộ khả năng điều khiển lửa của mình khi đang cùng thím làm bếp. Cô gái sợ đến xanh mặt khi không hiểu vì đâu mà cái chạn đựng chén bị thiêu rụi ngay khi cô chạm tay vào. May mà lúc đó chú Thành Đông ở nhà nên ngoài cái chạn thì chẳng có thiệt hại gì nữa. Tối đó, chú và thím của Linh mừng đến rơi nước mắt khi phát hiện ra cháu gái của họ có ma thuật.

 Nhờ dịp đó, Linh mới được biết vợ chú đã từng là một thủy pháp sư. Bấy giờ, ngoài các việc đã kể bên trên, tối tối cô lại được thím dạy các bước cơ bản của phép thuật. Linh vẫn nhớ như in về ngọn lửa đầu tiên mà cô triệu hồi thành công. Vượt ra ngoài sự kỳ vọng của cả Linh và thím, ngọn lửa trên tay tỏa ra một sắc đỏ ma mị thay vì một màu cam thường thấy. Song, đó là lần duy nhất việc đó xảy ra.

 Không hiểu sao, chú của Linh lại cấm tuyệt đối việc cô tiết lộ khả năng của mình. Không hiểu, song cô gái trẻ vẫn nghe lời chú mình, mặc dù có vẻ sẽ khó vì đôi mắt nâu của cô đang dần chuyển sang màu đỏ ngọc. Đôi lúc, Linh phải cố đánh trống lảng sang chuyện khác khi bạn bè của cô vô tình để ý đến chúng. May mắn làm sao, lần nào Linh cũng “rút lui” thành công. 

Đến năm thứ hai trung học, trong lúc học sinh, sinh viên, trong đó có Linh đang hăng say với các hoạt động trường lớp thì chiến tranh bùng nổ ngay trong ruột nhân loại sau khi Afetiria đệ nhất băng hà. 

Sau hàng trăm năm, cư dân Paris cũng đã có lần đầu tiên cảm nhận được chút gì đó của chiến tranh. Chính Linh, trong một hôm đang đi cùng vợ chú Thành Đông từ cửa hàng bách hóa về đã được chứng kiến sự đáng sợ của nó.

 Chưa bao giờ trong đời Linh nghe thấy thứ gì kì lạ đến vậy. Một tiếng rít dài từ cao trên trời, tưởng như tiếng còi mất bi. Linh hoang mang, không biết tai mình có bị gì không thì thím đã lao đến ôm chầm lấy cô, kéo cả hai ngã xuống lề đường. Liền ngay sau đó là thứ âm thanh kinh hoàng kèm một quả cầu lửa khổng lồ kéo rạp tất cả những ai còn đứng xuống mặt đất. Một thứ gì đó nhào tới sau tiếng nổ, Linh cảm giác như có ai đấm mạnh vào ngực mình dù cho đang bị thím đè lên.

 Những tấm cửa kính ngoài tiệm bách hóa, dù đã được dán đầy băng dính vào vẫn bị đập vỡ tan. Mặt đường và nhà hàng đối diện bị nghiền vụn thành bụi rồi ném vào không khí, tạo thành một màn sương đỏ bao lấy cột khói đen cao vút như muốn đâm thủng bầu trời.

Tuy nhiên, thứ đánh vào Linh mạnh nhất lại đến sau đó. Tiếng khóc la của những nạn nhân bên trong và ngoài nhà hàng, tiếng còi cứu thương, xe chữa lửa reo inh ỏi cả con đường, hòa trong tiếng lách tách của những mảnh gạch vụn rơi. Quang cảnh kẻ sống thì chạy toán loạn, người chết và bị thương thì nằm la liệt, ở nơi mà chỉ vừa một khắc trước còn đang rộn rã tiếng cười nói. Mọi thứ chạy qua óc Linh, rõ ràng và sâu lắng như một thước phim quay chậm, tiếng thình thịch trong lồng ngực đập liên hồi. 

“Cháu có sao không?” Tiếng nói lanh lảnh vang bên tai Linh, kéo cô về thực tại.

 Đến giờ, Linh mới nghe thấy mùi khét lẹt chui đầy trong mũi. Thím nhìn Linhlom lom trong lúc hai bàn tay áp vào má cô, vẻ mặt bà lộ rõ vẻ lo lắng, mái tóc thì bám đầy bụi và gạch vụn.

Linh thấy hơi nhợn trong cuống họng, song cô vẫn trả lời. “Cháu không sao!”

Thím dường như không có ý đợi Linh trả lời. Bà nắm chặt tay Linh mà lôi thẳng về nhà, cách xa hiện trường vụ nổ.

 Sau sự việc được vài ngày, trước khi những cuộc tấn công thật sự nổ ra một tuần, Linh cùng cả nhà nhận được lệnh di tản. Nhà ga thành phố, vào lúc Linh và gia đình chú nhận được giấy đi đường vẫn chưa đông đúc lắm. Vẫn là những đoàn người lặng lẽ chờ bên các đường kẻ vàng như ngày đầu cô đến Pares, song đó là những người được ưu tiên đi trước. Cái không khí này sẽ tiêu biến nhanh chóng khi mà những cơn lũ người tràn đến, cầu mong sự an toàn. Không hiểu sao, khi bước lên tàu, cô lại cảm thấy tội lỗi. Mãi đến bây giờ, cái cảm giác đó vẫn chưa phai.

 Linh đến hậu phương vào một ngày u ám, Đoàn tàu uể oải trường đi trên đường ray, dù sao thì nó cũng đỡ vất vả hơn những chiếc xe hơi đang phải vật lộn với đống bùn nhão. Ở đây không còn những tòa nhà chọc trời hay những con đường nhựa nữa, song những hàng thông và cái không khí lạnh lẽo này cũng khác so với quê nhà phương Nam ấm áp.

Một khu nhà, kề sát sân ga dã chiến, với vài ba căn nhà gỗ dựng vội, còn đâu là một biển lều vải dù xanh lá, trải dài như những cánh đồng. Xách bên tay chiếc vali, tay còn lại dắt theo đứa em họ, Linh cùng thím len lỏi qua dòng người đông đúc, hướng thẳng đến sở trình diện để nhận lều và thức ăn. Chú Thành Đông không đi theo cả nhà, song chú cũng hướng dẫn thím và Linh rất kỹ các bước trước khi lên tàu. 

Đến bên chiếc bàn với ngổn ngang những tờ khai, Linh bỗng thấy dáng hình ai đó quen quen. Một người đàn bà cao bên trong chiếc đầm trắng, đính đá quý, một dáng hình mà đã gần hai năm rồi Linh chưa được gặp.

 Người đàn bà có lẽ cũng nhận ra Linh. Bà ta bất ngờ lao đến ôm chầm lấy cô ngay trước bàn trình diện, mặc kệ chiếc đầm rộng đang mặc và người hầu đang cố sức ngăn cản. Bà không chỉ ôm mà còn hôn như mưa lên má, lên mắt Linh. Cô hơi bất ngờ, chưa bao giờ cô nhận được những hành động táo bạo như lúc đó.

Linh hơi sượng, đang không biết nên phản ứng như thế nào thì người đàn bà đã buông cô ra. Bà ta ngắm nghía Linh, y như cái cách chú Thành Đông đã làm hồi cô đến Pares. Lúc này, Linh biết chắc chắn rằng gia tộc của cô đã quyết định theo phe trung thành.

“Ôi, con yêu! Mẹ đọc thư của thím rồi! Lạy Cố Đế, con mẹ bình an!” Bà nói, trong lúc hai hàng lệ đang chảy dài, kéo nhòe lớp trang điểm trên má.

“Mẫu thân thả con ra đã nào. Phụ thân và chị Lan đâu rồi ạ?” Linh đảo đôi mắt hồng ngọc nhìn xung quanh nhưng không tìm thấy chị và cha đâu cả. 

Mẹ Linh nghe cô hỏi, mặt bà bỗng nhiên lạnh hẳn, sự đau khổ hằn rõ nơi vết chân chim, thứ mà Linh nhớ rõ rằng hai năm trước không hề có. Người hầu gái đi theo bà cũng xụ mặt, Linh trông thấy rõ cái lắc đầu của cô nàng. 

 Đợi lúc hai người lớn nói chuyện với nhau, Linh mới kéo tay cô hầu ra góc xa mà hỏi chuyện. Lời kể của cô ta làm Linh hơi bất ngờ. Chị Lan của cô đã đính hôn với một gia đình Công tước, thế mà trong đống thư từ suốt hai năm qua, chị không nhắc đến việc đó một lời. Càng sốc hơn khi mà chị thậm chí đã từ hôn khi phát hiện ra chúng là lũ phản bội, một hành động cực kỳ liều lĩnh trong giới quý tộc, càng liều lĩnh hơn khi lãnh thổ hai nhà có cùng biên giới. Không chỉ ảnh hưởng đến danh dự mà đến cả tính mạng của gia tộc. Bây giờ thì Linh hiểu tại sao cả nhà lại ở hậu phương.

Lại theo lời cô hầu, lúc đầu cha Linh trách mắng dữ dội, thậm chí giam chị trong buồng. Hai người gần như đoạn tuyệt, không nói với nhau một lời suốt chuyến đi dài cả tháng dù cho mẹ đã lấy hết nước mắt ra năn nỉ ông. Đến giờ, Linh đã hiểu vì sao mắt bà lại có vết chân chim. 

Ký ức của Linh về cha cũng chẳng có gì sâu đậm, nếu không muốn nói là lạnh nhạt. Chị hai, dù không thân thiết gì nhưng chí ít, chị cũng đã tiễn Linh lên tàu đi Pares dạo đó. Linh cảm thấy bối rối khi mà cô lấy việc cha ruột không tiễn cô đi làm bình thường. Trong khi chỉ vài ngày trước, cô còn buồn việc chú Thành Đông không đưa cô và thím lên tàu.

 Câu chuyện giữa họ sẽ còn kéo dài và Linh cũng chẳng có tư cách gì mà tham dự vào. Chính cô đã đổ cái trách nhiệm đó cho chị mình khi chạy trốn lên Pares. Mãi cho đến vài năm sau, trong một buổi họp gia đình. Mượn hơi rượu, cha cô mới trút hết nỗi lòng.

“Việc Lan nó từ hôn năm xưa tính ra lại là điều tốt. Nhờ nó mà ta mới biết phải đặt bàn chân mình ở bên nào của bàn cờ. Nếu lần đó, ta vì cấp bậc hay đất đai mà thuận theo chúng thì có lẽ cả nhà ta đã về với Cố Đế rồi. Lỗi ở cha, lúc đó cha quá hèn nhát. Đáng lẽ cha phải ôm hôn con chứ không phải đay nghiến con như vậy. Con ơi! Cha xin lỗi!’’ Đến câu cuối cùng, ông không kìm nổi sự xúc động, cúi đầu như cầu xin sự tha thứ. Một sự tha thứ mà có lẽ ông sẽ không bao giờ có được. Chị Lan qua đời vì sốt rét cuối năm đầu tiên của chiến tranh. Năm đó, chị mới tròn hai mươi tuổi.

Gạt đi mất mát, Linh vẫn tiếp tục học ở hậu phương. Những ngôi trường không vì chiến tranh mà đóng cửa hoàn toàn. Mất một vài tháng để dựng lại cơ sở vật chất nhưng rồi những mái trường xây bằng gỗ thông cũng được dựng nên. Học sinh lại cắp sách đến trường. 

Mặc cho việc ở trong khu dành cho quý tộc, cuộc sống nơi rừng thông gió rét cũng chẳng dễ dàng gì, nhưng ở lâu cũng thành quen. Linh dần dà cũng tìm được cái thú vị của vùng đất mới. Cô đặc biệt yêu thích những khi đi câu cá ở con hồ lạnh giá bên kia núi. Thích cái cảm giác ngồi xe qua rừng thông, ngắm nhìn những thân cây gầy cao vút trong cái không gian ma mị khi mà ánh sáng cố đâm xuyên qua làn sương sớm. Còn về cá, Linh lại không thích mấy vì chúng nó tanh và rất dữ.

Một năm sau, Pares được giải phóng. Quân phản loạn dần bị đẩy xa về phía Đông. Người dân lại lục đục kéo nhau trở lại thành phố, tạm biệt đống bùn sình và rừng thông. Linh lại về ở với gia đình chú ở ngôi nhà cũ, đương nhiên nó phải xây mới lại. Khoảng tiền đó, cha Linh tự nguyện chi trả, mặc kệ sự khước từ của thím.

“Thằng Đông đi không biết bao giờ mới về! Tôi đâu để vợ con nó chịu khổ được! Gia tài này cũng có một phần của nó, cô cứ cầm!” Cha Linh nói như quát khi ông cố thuyết phục thím nhận số tiền. Ông quát, nhưng ánh mắt lại hiền từ đến lạ. Giá mà trước đó, ông dùng ánh mắt đó sớm hơn.

 Năm cuối trung học là một năm học không bình thường. Học sinh, trong đó có Linh phụ giúp hăng say công cuộc tái thiết thành phố nên việc học có phần chểnh mảng. Chính thím cũng nhiều lần nhắc nhở, thậm chí bà còn cấm hai em đi theo Linh.

 Nhưng dù sao thì vào lúc đó, Linh cũng đang vào cái tuổi mười tám. Cái tuổi lúc con người ta đã lớn về thể xác nhưng đầu óc vẫn là trẻ con. Cô gần như bỏ ngoài tai lời của thím mà tiếp tục lao vào các hoạt động ngoài trường lớp. Thật ra, cũng khó trách Linh khi mà tinh thần của học sinh sinh viên Pares lúc đó đã lên đến đỉnh điểm.

Khắp các công trường, cơ sở xã hội đâu đâu cũng có màu áo trắng học trò. Tháp Afetiria bị giật sập khi lũ phản bội rút đi được dựng lại cũng nhờ một phần công sức học sinh trường Thăng Long. Bạn bè Linh, mấy đứa con gái thì xung phong phụ giúp các cơ sở y tế, các trại cho người tị nạn. Đám con trai thậm chí có những đứa xung phong đi lính.

Đương nhiên, quân đội không nhận. Họ đâu ngờ việc họ từ chối đã khiến nam sinh các trường trung học Thăng Long, trường Hoàng tử Louis, đại học Vạn Thành,… đổ nhau ra đường biểu tình suốt một tháng. Các tờ đơn tình nguyện được in rồi rải khắp các phố phường Pares thay cho truyền đơn. Thậm chí, đã có người trích máu mà viết thư bằng tiếng Afeteria cổ để dâng lên Hoàng Đế.

 Cuối cùng, quân đội Đế chế phải nhượng bộ, một trung đoàn đặc biệt được tuyên bố thành lập ngay trước tháp thông tin Afetiria và vì sinh viên đại học Vạn Thành chiếm phần đông nhất trong số người biểu tình, người ta lấy luôn tên trường đặt cho tên trung đoàn.

Linh nhớ như in cái ngày đó, ngày mà sự đồng ý của quân đội được phát qua radio. Không khí nơi giảng đường như muốn nổ tung vì vui sướng. Học sinh ăn mừng như vừa chiến thắng một cuộc chiến.

“Cháu kệ hết mấy đứa đó, lo mà học! Cả nhà anh bây giờ còn mỗi mình cháu!” Tiếng nói của dì như văng vẳng trong tai Linh, song cô cũng không kìm được niềm vui. Cuối giờ trưa, cô cùng các bạn phóng như bay đến các điểm tuyển quân, mặt hồ hởi như vừa trúng vé số, bọn nam sinh còn nhét sẵn đơn tình nguyện trong túi quần.

Tính ra, những viên đạn pháo hơn một năm trước vẫn còn để lại thẹo trong lòng người dân Pares, kể cả đó có là những chiếc áo trắng. 

Ngày chuyển quân, các nhà ga hướng về phía Tây bị tràn ngập bởi thân nhân học sinh sinh viên đến đưa con em lên tàu. Linh không xung phong nhưng cô cũng cùng mọi người trong lớp ra nhà ga tiễn các bạn. Những chiếc băng rôn với đủ thứ màu được treo đầy trên các cột trụ, cùng các cánh hoa tung bay tạo cho cô cảm giác như đang đi trong phố hội. 

Trong màu áo lính, các bạn cô miệng cười tươi còn hơn những đóa hoa họ đang ôm bên mình. Linh đảo mắt, cô thấy hơi lạ khi mà tuyệt nhiên không một ai tỏ vẻ đau khổ khi con cái họ sắp đi vào nơi lửa đạn. Cô chỉ thấy các nụ cười, những lời động viên, những lời chúc may mắn, những cái vỗ tay, hò reo của đám đông. 

Sự huyên náo lên đến đỉnh điểm khi những tiếng còi tàu bắt đầu cất lên. Hoa lại liên tục được tung lên về phía những toa tàu. Những bài hát tiễn biệt, những nụ hôn, những cái bắt tay được thực hiện vội vàng trong lúc những chiếc bánh sắt bắt đầu lăn. Khói tàu bốc lên trắng muốt, càng đẩy những cánh hoa bay cao hơn, đoàn tàu tăng tốc.

Tiếng hò reo như điên dại của đoàn người mỗi lúc một to hơn, có cả những chiếc mũ, bay lên theo những cánh hoa. Sự huyên náo giảm dần khi cột khói mỗi lúc một xa. Cuối cùng, nó bị thay thế hoàn toàn bằng cái im lặng đến rợn người khi đoàn tàu đã mất dạng nơi chân trời. 

Cái không khí nặng như chì đó kéo dài cho đến khi Linh trông thấy một người đàn bà có vẻ như vừa tiễn người con trai trên cùng toa tàu với bạn cô. Người đàn bà đổ sụp, tay bụm mặt òa khóc bên đường ray. Linh nghe không chỉ người đàn bà mà còn đến hàng trăm, hàng ngàn tiếng thút thít trong đoàn người.Không như các đoàn tiễn người khác, họ không rời nhà ga ngay mà nán lại khá lâu, như để gửi hết nỗi nhớ, sự xót xa xuống đường ray cho chúng chạy theo con em mình. 

Trung đoàn Vạn Thành sau này sẽ đóng một vai trò to lớn trong chiến thắng của Đế chế, nhưng đó là câu chuyện của hai năm sau, và không phải là câu chuyện của tất cả thanh niên đã xung phong lên đường ngày hôm đó. Câu chuyện của họ, xin được kể vào một dịp khác.

Linh ở lại, cùng với những người bạn gái. Chẳng ngồi yên được lâu, các cô đã lại lao vào các cơ sở. Gần như toàn bộ không gian trống của thành phố đã được trưng dụng dành làm trại tị nạn, kể luôn cả quảng trường trước cổng trung học Thăng Long. Những thân cây trụi lá còn sót lại sau trận chiến cũng bị đốn bỏ. Hình ảnh rừng lều quen thuộc nơi hậu phương lại xuất hiện trước mắt Linh, song lần này có thêm những cái mới trắng tinh, với biểu tượng hồng thập tự to tướng ngay chính giữa.

 Đương nhiên, với Linh, đã làm thì đâu có làm cho chơi được. Có những lúc, cô cùng các bạn phải trực từ sáng đến khi tối mịt vẫn không làm hết công việc, và tất nhiên là cúp học. Đến bây giờ, mùi thuốc khử trùng vẫn còn in đậm trong trí nhớ, chưa kể đến các thứ kinh khủng khác. Suốt một tuần từ khi tình nguyện vào trạm xá, Linh đùn hết việc nấu ăn cho thím. Dù cho bữa ăn cũng chỉ còn chút thịt và bánh mì phát theo tem phiếu, song cô thậm chí không dám nhìn vào miếng thịt đông lạnh.

“Khó quá thì cháu nghỉ đi! Lo mà học!” Câu nói mà thím hay dùng mỗi khi thấy vẻ mặt xanh ngắt của Linh.

Lần nào cũng một điệu đáp “Cháu biết rồi mà.”. Dĩ nhiên, Linh có thể thấy rõ cái thở dài của bà sau khi nghe câu trả lời. Mọi lần, cô sẽ làm ngơ mà im lặng lùi ra khỏi bếp nhưng lúc đó, không hiểu sao Linh lại bạo dạng lạ thường.

“Nếu điểm tháng này của cháu và hai em thấp hơn tháng rồi, cháu nghỉ ngay!” Song lần này, Linh tuyên bố dõng dạc trước sự ngỡ ngàng của thím. Song sự bất ngờ chỉ tồn tại trong thoáng chốc. Bà dịu lại nét mặt, không nói hay hỏi gì thêm, chỉ cắm cúi cắt rau củ. Sự im lặng kéo dài khá lâu, làm Linh hơi sờ sợ.

“Cháu hứa!” Linh nói thêm, giọng tựa muốn hét, như để thể hiện sự quyết tâm. Đến lúc này, thím mới huých nhẹ vào vai cô, miệng bà cười trong khi tay trỏ ra bàn ăn.

“Được rồi người đẹp! Để coi bà giữ được lời không. Bây giờ ra phụ tui dọn cơm cho tụi nhỏ.” Bà đùa, cái kiểu đùa mà Linh ít thích nhất. Cái từ “người đẹp” lúc nào cũng làm cô nong nóng má. Tuy nhiên, sự vui sướng trong lòng đã lấn át tất cả, nếu tay thím đang không cầm dao, có lẽ cô đã ôm chầm lấy thím rồi.

Linh được phép tiếp tục làm việc ở trạm xá. Thời gian đó, dù cho có nặng nhọc vẫn được Linh trân quý và sau này, cô lại lấy làm tự hào. Những động tác quấn băng, đắp thuốc được Linh ghi nhớ từng chi tiết nhỏ. Đến cả quản lý khu cũng bất ngờ trước khả năng của cô. Để rồi, ông giao luôn cho Linh “cầm đầu” nhóm tình nguyện viên, mà tính ra quá nửa số đó là bạn học của cô. 

 Chính trong cái lạnh của mùa đông, bên các bếp sưởi củi bập bùng, cô được tiếp xúc nhiều với đủ loại văn hóa ở Đế chế, biết được những bài hát mới, được nghe kể về những câu chuyện ở những vùng xa xôi. 

“Ai mà ngờ, Giáo hội lại làm phản, còn đi với lũ Elf nữa chứ.” Một cụ già trong lều nói.

Từ góc lều, một người phụ nữ nói với qua. “Ở Voxty thì là lũ Droog. Không biết bao giờ lại phải chạy nạn đây?”

“Suỵt…” Người đàn ông, có lẽ là chồng của người phụ nữ cắt ngang, có lẽ ông ta không muốn quân cảnh nghe được lời của vợ mình.

Cuộc trò chuyện kéo dài thêm một lúc, Linh khá bất ngờ khi biết được thứ tôn giáo đã đứng ra tạo phản lại có thế lực rất lớn ở các vùng phía Đông. Trong khi, ở Pares gần như chả có lấy một cơ sở tôn giáo nào. Linh nhớ, ở quê nhà cũng chỉ có lát đát vài nhà thờ xập xệ là thờ Tứ giáo. 

Một ngày kia, có chút gì đó lạnh lẽo hơn mọi hôm, Linh lại cảm thấy trại bỗng nhiên đông đúc lạ thường. Chạy vội khỏi quảng trường, Linh băng qua khu nhà đang xây dở, để rồi đập vào mắt cô là những đoàn tị nạn, đông đến mức tắc nghẽn các con đường phía Đông. Hàng ngàn con người, chen chúc nhau từng mét một trên đại lộ trung tâm, dưới cái lạnh đến cắt da. Hơi thở của chiến tranh gần kề bên gáy khi mà Linh lại nhớ đến cảnh trước nhà hàng năm xưa. Cô sợ, rất sợ phải nghe lại cái âm thanh đó một lần nữa.

 Thuốc men, vật chất thì không lo thiếu khi mà cảng nước sâu hồ Ladoge nằm ngay bên trong thành phố song song cùng với tuyến đường sắt, song kèm với đó là vô số thương binh và người dân chạy trốn lũ phản bội. Khác với đám tình nguyện viên như Linh, các cán bộ quân y và thủy pháp sư không về nhà sau mỗi ca trực mà ở lại luôn đơn vị, có khi là cả mấy tháng trời. Mỗi lần nhìn thấy họ ngủ vật vờ bên các bếp lửa, Linh lại có chút gì đó nghẹn trong cuống họng, cô muốn sưởi ấm cho họ với phép thuật, song lời hứa của chú Thành Đông ngày trước đã ngăn cô lại. Đoàn người mới này khiến công việc của họ vốn đã nhiều lại càng nhiều hơn. Chính mắt Linh đã trông thấy một thủy pháp sư đổ gục xuống ngay trên nền tuyết trắng, sau khi bước ra khỏi lều của bệnh nhân, và không chỉ có một mình chị ấy. 

 Mọi người suýt nữa đâm ra hoảng loạn khi nghe tin nước ở cảng đang dần đóng băng, tàu vận chuyển không cập bến được. Các cơ sở cấp phát lương thực đen đặc người, thậm chí đã có cự cãi, đánh nhau, những lời tục tĩu văng khắp các con phố. Cũng dễ hiểu cho họ thôi, chẳng ai muốn nhịn đói trong cái lạnh này cả.Người ta chỉ thở phào khi hay kẻ xấu phao tin bịa đặt bị bắt sau đó chỉ một ngày.

 Chuỗi sự việc gần đây khiến cô càng lo hơn cho số phận những người bạn của mình trên chuyến tàu hôm trước. May làm sao, vào giữa mùa đông, dòng người đã trở lại như ban đầu, mặt hồ Ladoge vẫn không đóng băng.

 Bằng một cách nào đó, Pares vẫn tổ chức được lễ Giáng Trần vào hai tuần cuối năm. Những bông tuyết rơi trên nền trời đen, kết hợp cùng với những ánh đèn được trang trí vội vã hai bên đường tạo lại cho Linh cái cảm giác ấm áp và bình yên, cái cảm giác mà thành phố này đã bị tước mất từ lâu. Cộng thêm việc lần đầu tiên được nghe thấy tháp Afetiria cất tiếng sau gần một năm được dựng lại, khiến cô có một cảm giác lâng lâng lạ kỳ. Nếu trên đường về nhà mà không gặp hai viên sĩ quan Quân cảnh với chiếc băng tay xanh dương đặc trưng thì có lẽ Linh đã quên luôn cuộc chiến đang diễn ra.

Tất nhiên, công việc tình nguyện giúp Linh kết được thêm kha khá bạn mới. Trong số những người tị nạn, Linh thân nhất với Mai, một cô bé nhỏ nhắn, mái tóc nâu cắt ngắn cùng với khuôn mặt thanh tú. Linh vô tình trông thấy cô bé ngồi thu lu trong góc lều, đôi bàn tay đan vào nhau. Linh lại gần, ngồi xuống bên cô bé, lúc này vẫn chưa biết tên.

“Em không có người quen à?” Linh hỏi, nhẹ nhàng.

“Có!” Mai trả lời, cụt lủn.

“ Họ đâu, sao để em một mình thế này?” Linh bỗng cảm thấy nóng bên tai, cô vừa hỏi không chỉ một mà tận hai câu mà cô cho là cực kỳ vô duyên vào thời điểm này. Cô im bặt, nín thở chờ Mai trả lời. Trong đầu cô nhảy một loạt các phương án gỡ rối, song chẳng cái nào ra hồn.

“ Mẹ đi lấy cơm rồi, dặn em ngồi đây!” Linh thở phào, cô tưởng mình như chú nai vừa đạp phải bẫy của thợ săn.

Lúc đầu, Mai có vẻ khó gần nhưng với Linh- lúc này đã là một “chuyên gia” bắt chuyện, khiến mai mở lòng không phải là khó với cô. Trò chuyện với Linh một hồi, Mai bắt đầu tươi tỉnh hơn. Cô bé trở nên hoạt bát, ngược hẳn với không khí lúc đầu gặp mặt. 

Hỏi ra, Linh mới biết Mai cũng từ vùng phía Nam như cô, dù cho cô bé không nằm trong lãnh thổ của gia tộc Hoàng Thùy hay một gia tộc nào khác. Khác với các gia đình “tự do” khác, vốn không được bảo hộ bởi quý tộc, cha mẹ Mai vẫn đủ sức cho Mai đi học đàng hoàng. Cô bé ý thức được sự may mắn đó, cố gắng thi đỗ trường chuyên Thăng Long. Nghe đến đây, Linh có vui trong lòng, cảm như vừa tìm được một “đồ đệ” mới. 

 Không biết nên gọi là may mắn hay xui xẻo khi mà cả nhà Mai đang trên đường lên Pares cho cô bé nhập học thì chiến tranh mới bùng nổ. Cả nhà dạt về hậu phương luôn, tránh được cảnh ùn ứ, chen chúc ở tốp sau đoàn di tản. Một năm học ở hậu phương, Linh không bắt gặp Mai. Chắc là do mỗi khối học ở một khu vực khác thay vì một tòa nhà chung như lúc hòa bình. Mai không có bạn. Ngoài giờ học, cô bé lại tranh thủ phụ giúp việc cho cha mẹ. Tính cô bé lại nhút nhát, không dám tham gia các tổ thanh niên ở hậu phương. 

 Sau lần gặp Linh, cô bị “bà chị” này lôi đi khắp các đoàn thể, các trại tị nạn, các lều y tế và dần dần cô trở thành bạn thân của Linh. Ở đâu cô và Linh cũng như hình với bóng. Cùng làm việc với cả lời nói lẫn tiếng hát. Mai hát rất hay, ngược hẳn với đứa điếc tông như Linh. Mỗi lần Mai hát, cảm như mọi người đều im lặng mà lắng nghe, thay vì cười như muốn bung lều như lượt của Linh. Hình ảnh hai cô gái xinh xắn bay nhảy trong các lều y tế dần xua đi cái không khí chết chóc mà thay vào đó là sự vui tươi. Người bệnh cùng vì thế mà bớt đi đau đớn. Đến giờ, Linh vẫn giữ được vài món đồ thủ công do họ tặng.

 Mọi sự cứ đều đều như vậy cho đến một này cuối thu, chú Thành Đông của cô trở về, lần đầu tiên sau hai năm trời. Chú về mà không báo trước. Linh chỉ bước ra cửa sau khi nghe tiếng chuông đổ. Cô vẫn nghĩ đó là khách đến thăm cho đến lúc cảnh cửa mở hẳn ra. 

“ Có việc gì ạ…” Lời nói của Linh bị cắt ngang, không phải bởi một ai mà bởi sự bất ngờ của cô.

 Chú Thành Đông đang đứng sừng sững ngay bên thềm, bộ quân phục lấp lánh thêm những huân chương. Cằm chú nhẵm nhụi, có vẻ vừa cạo ngay trước khi về nhà. Linh đơ mất mấy giây mới reo lên mà nhảy ào vào lòng chú khóc òa lên. Đã hai tháng cả nhà không có thư từ gì từ ông, những bức thư ít ỏi thì lại đề ngày tháng từ năm ngoái. Có dạo, Linh cùng mọi người lo đến mất ngủ, cầu mong chú bình an, nhất là khi đoàn người từ phía Đông ngày một đông đúc hơn.

 Nay chú về, không kèn không trống, về nhà mà như là một vị khách. Vợ chú nghe tiếng Linh, vội vã bước nhanh ra từ trong bếp. Để rồi, thím đứng sững lại bên bàn. Bà đưa hai tay che miệng, như để kìm nén cơn xúc động nhưng bà lại hoàn toàn thất bại khi Linh chủ động lùi khỏi chú để ông mở rộng vòng tay. Bà từ từ bước về phía ông, gục đầu lên ngực chú, vừa khóc vừa trách ông.

“Ông đi đâu đi luôn đi! Về làm gì mà báo oán tôi! Đi được đi luôn đi!” Bà gào lên, vừa khóc vừa dụi mỗi lúc một mạnh vào lòng chú Thành Đông.

Linh biết đó là các bà biểu hiện lòng mình. Cô không lạ khi mỗi chiều học về trông thấy vợ chú ngồi bên cửa sổ, tay lật đến hai trang cuối tờ nhật báo. Linh biết, trước đó bà chưa từng có thói quen đọc báo. Bà ngồi đó để nghe được từng buổi phát thanh về tình hình chiến sự, dò từng cái tên trên mặt báo mong sao đừng có tên chú. Thím gầy đi trông thấy, có thể một phần do tình trạng lương thực của thành phố, song Linh khẳng định phần nhiều là do chú.

 Hôm nay chú về, làm nỗi nhung nhớ trong lòng bà nổ tung. Cho nên, dù liền miệng trách móc, hai gò má bà lại ướt đẫm nước mắt, tay bấu chặt vào lưng áo chồng.

 Hai đứa nhỏ cũng chạy vội từ trên lầu xuống, để rồi cũng lao vào lòng chú Thành Đông. Cơ thể vạm vỡ cho phép ông có thể ôm gọn cả gia đình trong vòng tay, kể luôn cả Linh. Bữa tối hôm chú về có lẽ là bữa tối đầm ấm nhất của gia đình chú mà Linh từng thấy. Thím kể lại cho chú tuốt tuồn tuột các sự kiện từ hồi về hậu phương đến giờ, luôn cả chuyện của chị Lan và cha Linh. Ông nghe đến đó, chỉ thở dài rồi với tay xoa đầu Linh.

“ Nhà anh giờ còn có mình cháu thôi đó!” Ông nói với một giọng buồn, lần đầu tiên Linh thấy ông như vậy. Linh chẳng biết phải đáp lại như thế nào, cô chỉ gật nhẹ đầu.

 Mọi thứ kết thúc vào sáng hôm sau, khi Linh vô tình làm lộ việc cô tham gia phụ giúp cộng đồng với bạn bè và Mai, cũng như việc cô cúp học. Đương nhiên, Linh bị chú cạo cho một trận khủng khiếp chưa từng có. Đến cả cha cô cũng chưa từng mắng cô nặng nề đến như vậy, chỉ đến khi thím đến đỡ cho Linh thì ông mới nguôi. Rồi ông đích thân đến trạm xá xin rút tên Linh. Xấu hổ, song Linh chẳng dám cãi lời chú. Mai vô tình có mặt lúc đó nhưng cô bé chẳng biết đầu đuôi gì nên chưng hửng, nhìn cảnh Linh bị chú lôi đi. Từ đó, Linh chỉ còn gặp được Mai khi ở trường, cả hai vẫn là bạn cho đến khi Linh tốt nghiệp.

Đoàn người tị nạn đã dừng hẳn từ những ngày cuối đông, họ chỉ còn tập trung tại cảng bên hồ Ladoge, chờ tàu đưa họ về lại các vùng vừa được giải phóng. Không khí của hòa bình đã dần trở lại cùng với những chiếc lá xanh trên các cành cây, mặc cho chiến sự vẫn còn diễn ra nhưng là ở xa phía Đông.

Chẳng mấy chốc mà đã đến xuân, song đám năm cuối như Linh chẳng còn đâu tâm trạng mà ngắm bầu trời xanh ngắt hay đón những cơn mưa đầu năm. Lại là những đám người đen đặc, chen chúc nhưng lần này là ở các điểm luyện thi. Pares đón kỳ thi này như một ngày hội, băng rôn, cờ và cả hoa lại được treo đầy trên các cột đèn và cây cối trong thành phố. Quảng trường cũng được trang hoàng lại từ lúc các mái lều y tế được dọn đi. Người ta thậm chí còn treo cả biểu ngữ “Học vì nhân loại” to tướng trên thân tháp Afeteria, lúc này liên tục phát các lời động viên sĩ tử.

Dẫu cho nhiều việc đã xảy ra, năm đó Linh vẫn đỗ cao Tú tài. Cô đăng ký vào trường sĩ quan cao cấp mở ở ngay thành phố. Phần vì ngưỡng mộ chú, phần vì hình tượng người lính Đế chế anh dũng bảo vệ thành phố đã làm cô say mê. Linh gặp một vận may hiếm có, trường pháp sư cao cấp vốn đóng ở xa trường sĩ quan nhưng vì giao tranh ác liệt vào tháng đầu chiến tranh, nó bị phá hủy nặng nề. Nên giờ đây, họ mượn khuôn viên và cơ sở của trường sĩ quan để giảng dạy. 

Nắm thời cơ, cô ghi danh luôn vào trường pháp sư, điều làm chú cô hết sức hài lòng, chính ông- nay đã là một Trung tá đứng ra đảm bảo với trường sĩ quan khi việc cô đăng ký cả hai nơi đến tai ban giám hiệu. Rồi cũng chính ông viết thư gửi cho cha mẹ Linh. Đến lúc này, ông mới cho phép Linh ngừng giấu diếm việc cô có thể điều khiển lửa.

Linh bị bất ngờ khi vào hôm cô được nhận vào trường pháp sư, cả gia đình đột nhiên có mặt đầy đủ ở nhà chú Thành Đông. Từ trong nhà, mẹ mở toang cửa, lao đến ôm lấy mà hôn cô, y như lần trước. Cha cô bước ra thềm, vẫn giữ vẻ mặt lạnh lùng, chỉ nói vài lời chúc mừng Linh, y như cách ông nói với khách. Linh có hơi khó chịu nhưng cũng chẳng được lâu khi mà thím đã đẩy lại mọi người vào nhà.

 Những chai champagne nổ giòn dưới ánh đèn điện nơi phòng ăn. Bữa tiệc thịnh soạn vừa để mừng hai đứa em vào được trung học Thăng Long vừa chúc mừng cô đỗ một lúc hai đại học danh giá. Hai đứa nhỏ và Linh chia nhau chai siro nho trong lúc người lớn cạn những ly rượu vàng óng ánh. Sự bực bội của Linh bị đánh tan khi cô hầu bắt đầu bày ra những món ăn từ quê nhà, có cả món rau củ xào mà Linh thích. Cũng lâu rồi, Linh chưa được nếm thứ gì khác ngoài bánh mì và thịt đông lạnh.

Bữa tiệc kéo dài, người lớn bàn đủ thứ chuyện, từ việc chiến sự đến việc làm ăn, cho đến khuya thì ai cũng say mèm. Hai đứa nhỏ cùng vợ chú và mẹ đã ngủ từ lâu. Linh vừa tắm xong, đầu cô quấn cái khăn to tướng, che hẳn mái tóc đỏ. Cô đang dọn dẹp thì nghe có tiếng xe, liền theo tiếng người gõ cửa. Linh bước ra, đứng bên ngoài là một chàng trai trẻ, cao hơn cô nửa cái đầu, cổ áo đính cấp hàm Đại úy. Mắt anh màu nâu nhạt, tóc đen, dánh vẻ khá bảnh bao song lại có chút gì đó hơi nhà quê. Anh bỏ kéo nhẹ kê-pi, hỏi chú cô, lịch sự quá chừng. 

Tới lúc biết chú cô đã say mèm, anh ta làm một biểu cảm quái lạ đến mức Linh suýt phì cười. Người Đại úy xin phép cô vào nhà, anh ta lấy áo khoác và mũ của chú cầm trên tay rồi xóc ông dậy, choàng tay cõng ra xe. Chú Thành Đông khá lực lưỡng, to con hơn hẳn chàng Đại úy nhưng anh vẫn cõng chú cô nhẹ te, trước lúc ra đến xe anh còn quay lại kéo mũ chào cô. Vẻ lịch sự cùng với điệu bộ của anh làm Linh khá ấn tượng. Không hiểu sao, lúc cả hai chạm mắt Linh lại thấy má mình nong nóng.

“Sau này xin về đơn vị chú kiểu gì chả gặp.” Linh nghĩ thầm. Cô quay bước vào trong, cài khóa. Ánh đèn bên cửa vụt tắt.