*Trans+Edit: Lắc
Quảng trường thành phố, xung quanh màn hình pha lê.
Nhìn thấy một vài ca sĩ nổi tiếng bước ra sân khấu cùng với dàn hợp xướng người lớn và thiếu nhi, sau đó dàn hàng thành hình bán nguyệt ở phía sau dàn nhạc, mọi người xung quanh đều không khỏi kinh ngạc.
“Gì vậy?”
“Sao cậu Fabbrini lại ở đây?”
“Tác phẩm cuối cùng không phải là giao hưởng mà là hợp xướng à?”
…
Mới chỉ mấy phút trước, tất cả còn tràn đầy kỳ vọng, nhưng giờ thì chỉ còn lại sự ngạc nhiên. Không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra và tại sao lại có ca sĩ, dàn hợp xướng người lớn với thiếu nhi trong buổi hòa nhạc của ngài Evans. Bản nhạc này rõ ràng là Bản giao hưởng cung Rê thứ cơ mà!
Nghe xung quanh huyên náo thảo luận, Betty bối rối hỏi chị gái mình, Joanna: “Ngài Evans chẳng lẽ định thêm hợp xướng vào trong bản giao hưởng của mình?”
“Sao được chứ? Làm gì có bản giao hưởng nào lại có hợp xướng? Đây đâu có phải là oratorio!” Một công dân của Aalto, người đam mê nhạc giao hưởng lâu năm, tỏ ra hoài nghi.
Joanna khịt mũi: “Ngài Evans được biết đến là một nhà đổi mới và cách tân còn gì. Những tác phẩm trước đó của ngài ấy như Định mệnh và Từ Tân Tổ quốc chẳng hạn, đừng bảo với tôi là chúng khớp với cấu trúc của giao hưởng truyền thống nhé?”
Những cuộc tranh cãi tương tự cũng nổ ra ở khắp mọi nơi trong quảng trường thành phố, làm dấy lên sự tò mò chỉ tăng không giảm của mọi người đối với bản giao hưởng cuối cùng của ngài Lucien Evans.
Bên trong Thánh vịnh Thính phòng, thấy Fabbrini và các ca sĩ khác lần lượt bước ra, Christopher thở dài cảm khái: “Cậu ấy định thêm hợp xướng vào bản giao hưởng thật rồi. Cải cách thật quá táo bạo! Tôi tự hỏi không biết nó sẽ thành ra thế nào đây?”
Mặc dù những buổi diễn tập của Lucien đều rất bí mật, nhưng Hiệp hội Nhạc sĩ Aalto xét cho cùng cũng không lớn, mà Fabbrini với những ca sĩ khác cũng chẳng phải ca sĩ vô danh. Bởi vậy, hầu hết các nhạc sĩ và nhạc công đều đã đoán già đoán non rằng cậu định táo bạo thêm phần hợp xướng vào trong bản giao hưởng của mình.
Do đã quen với việc Lucien luôn mang đến những thay đổi trong mỗi bản giao hưởng, các nhạc sĩ cùng giữ thái độ chờ xem. Họ đều rất mong đợi những phá cách trong hình thức giao hưởng của cậu, miễn là nó không thái quá như Từ Tân Tổ quốc. Đặc biệt là một bậc tiền bối có tư tưởng vô cùng cởi mở như Christopher thì lại càng hào hứng được nghe, hy vọng nó sẽ mang đến nguồn cảm hứng mới cho việc sáng tác âm nhạc của ông.
“Nghe đồn là hay lắm, nhưng diễn tập riêng và diễn trước đông đảo khán thính giả trong Thánh vịnh Thính phòng là hai điều hoàn toàn khác nhau. Hiệu quả có lẽ sẽ hay hơn gấp cả trăm lần!” Natasha tự tin nói, cứ như thể chính cô mới là người sáng tác và chuẩn bị biểu diễn trên sân khấu vậy. Nhưng cùng lúc đó, cô cũng làu bàu trong lòng: ‘Cái tên này cứ tẩm ngầm tầm ngầm, trong ba năm hoàn thành hai tác phẩm, một trong số đó còn gần hoàn thiện, thế mà một chữ cũng không buồn nhắc. Chẳng lẽ định gây bất ngờ?’
Từ quan điểm của Natasha, hai bản giao hưởng lớn như Từ Tân Tổ quốc và Ode to Joy không thể nào lại được sáng tác chỉ trong hơn một tháng sau khi Lucien trở lại Aalto, mà chính cậu cũng thừa nhận rằng bản thân đã sáng tác vài chương từ trước đó.
Othello lắc đầu: “Kể cả vậy, vẫn chưa từng có ai đưa hợp xướng vào trong một bản giao hưởng cả. Đây vẫn là một bí ẩn chưa được khám phá.”
Đúng lúc này, Lucien trong bộ tuxedo bước ra từ sau cánh gà cùng cây gậy dẫn nhịp ngắn trong tay, tay còn lại đặt lên ngực và cúi đầu chào khán thính giả xung quanh.
Mọi cuộc tranh luận diễn ra trong Thánh vịnh Thính phòng và quảng trường thành phố đều lập tức dừng lại.
Nhạc sĩ hàng đầu có sức hút lớn thế đấy.
……
Xoay người đứng chính giữa và đối mặt với dàn nhạc đang ngồi theo hình bán nguyệt, Lucien giơ tay lên ra hiệu im lặng và sẵn sàng.
Theo thói quen nhắm mắt lại, Lucien hồi tưởng về những khổ nạn cùng những trầm tư trong quá khứ. Cậu nhớ lại hành trình dài và đầy gian truân để tới được cảng của Vương quốc Holm, kế đó là khoảnh khắc cậu bước ra khỏi thùng hàng tối tăm tù mù và nhìn thấy Lazar trong bộ suit hai hàng khuy cùng mũ chóp cao. Giữa một ngày đầy nắng, nụ cười của anh rạng rỡ như những tia nắng thần thánh chiếu xuyên qua bóng tối, báo hiệu ánh sáng sẽ ló rạng.
Nếu không có sự tích lũy cảm xúc và vốn sống, người nhạc trưởng sẽ khó có thể làm chủ tốt một bản nhạc.
Bàn tay phải cầm gậy và bàn tay trái trống không chậm rãi giơ lên rồi hạ xuống, như thể muốn bắt lấy những cảm xúc và giai điệu từ xa. Giai điệu trầm và sâu lắng vang vọng ngay sau đó tựa như trực tiếp xuất phát từ trái tim. Ngay tức thì, một cảnh tượng mơ hồ điềm tĩnh và trang nghiêm hiện ra trước mắt mọi người.
Victor cảm thấy rùng mình khó kiểm soát từ sâu trong tâm khảm, không biết là bởi giai điệu quá phấn khích hay do sự trang nghiêm và sâu sắc mà nó chứa đựng.
Tất cả mọi người, bao gồm cả các Hồng y, đều lần đầu tiên trải nghiệm thứ ấn tượng sâu sắc và trực quan đến vậy đối với âm nhạc. Nó hoành tráng và trang nghiêm như thể bên trong chứa đựng một thứ sức mạnh mãnh liệt, tràn trề không cách nào ngăn lại, như báo hiệu hiểm nguy sắp đến. Thứ hiểm nguy này là điều mà không một ai có thể né tránh mà buộc phải trải nghiệm từ khi sinh ra cho đến khi chết đi!
Sức mạnh ẩn hàm trong giai điệu ngày một lớn dần, nhịp điệu mạnh mẽ sôi nổi bất thường như từng đợt sóng vỗ vào linh hồn hết lần này đến lần khác. Trong khi đó, chủ đề phụ lại nặng trĩu ngột ngạt và đầy gay gắt, tựa như một loại khó khăn hay một thứ số phận định sẵn không ai muốn phải đối mặt. Hai chủ đề liên tục đan cài vào nhau, chương đầu tiên đã khắc họa rõ những đấu tranh kiên cường và tiếng hét không bao giờ khuất phục – chủ đề tồn tại xuyên suốt trong Định mệnh và Pathétique.
Thêm vào đó, thỉnh thoảng những giai điệu êm dịu hoặc sôi động lại được hòa thêm vào. Nhờ vậy, không những chúng lợi dụng được sự tĩnh lặng nhất thời giữa quá trình đấu tranh để khơi dậy những cam go và bi kịch của trận chiến mà còn bộc lộ niềm tin rằng mọi gian khổ, mọi kẻ thù, mọi bóng tối đều tất sẽ vượt qua!
Chương đầu tiên dài 16 phút trôi qua nhanh chóng và kết thúc với một chiến thắng tạm thời của cuộc chiến trong khi khán thính giả còn đang say sưa với âm nhạc. Sau đó, mọi người bùng nổ một tràng pháo tay như sấm dậy, không chút chần chừ biểu đạt sự yêu thích đối với chương đầu tiên này.
“Mở đầu quá hoành tráng và trang nghiêm. Chương nhạc này thực sự xuất sắc, cấu trúc chặt chẽ và vững vàng. Hoàn hảo! Gần như không có khuyết điểm!” Othello, người thích âm nhạc trang nghiêm, lần này không cau mày như khi nghe Từ Tân Tổ quốc nữa mà khen ngợi hết lời.
Natasha tự hào nói: “Nếu ba chương còn lại có thể duy trì tiêu chuẩn như vậy thì bản giao hưởng này không nghi ngờ gì sẽ là một trong những bản giao hưởng tuyệt vời nhất thế giới. Nó nhất định sẽ đứng ngang hàng với Định mệnh và Chiến tranh Bình minh, sẽ được những thế hệ sau tôn thờ. Buổi hòa nhạc này quả thực quá hoành tráng, có những hai tác phẩm mới lận. E là một điều như thế này sẽ khó có thể xảy ra lần nữa trong tương lai.”
Tuy nhiên, Đại Công tước Orvarit có chút nghi hoặc. “Chương đầu tiên xét về mọi mặt đều xứng đáng được ca ngợi, nhưng ta cảm thấy nó vẫn thiếu thiếu cái gì đó. Là thiếu cảm giác chấn động và bùng nổ chăng?”
“Quả thực, bất luận là về kỹ thuật, cấu trúc hay giai điệu, chương này gần như có thể nói là hoàn hảo. Nhưng nó không giống như chương đầu tiên của Định mệnh tràn đầy kinh hoàng và khẩn trương đến ngạt thở, cũng không mang đến cho người nghe những rung động độc đáo như Pathétique và Ánh trăng.” Christopher cũng chia sẻ cảm nhận. “Sự tráng lệ, sâu sắc và khốc liệt đều được truyền tải, nhưng vẫn thiếu đi một chút gì đó đáng nhớ. Nó giống như một ngọn núi lửa ẩn chứa sức mạnh đáng sợ nhưng không được như mọi người tưởng tượng, nó lại chỉ phun trào ngẫu nhiên chứ không tự nhiên như đáng ra phải thế, khiến cho người ta cảm thấy bức bối, thấp thỏm và tăm tối.”
“Tôi cũng có cảm giác y hệt như ngài Christopher. Nhưng cũng chính vì vậy mà tôi càng hào hứng với những chương sau hơn. Đó sẽ là mấu chốt quyết định bản giao hưởng này có thể trở thành kinh điển hay không.” Dù chương đầu tiên cũng gây cho Victor một chút cảm giác bức bối, nhưng ông vẫn không hề lo lắng mà chỉ mong đợi ba chương tiếp theo.
Ngồi bên cạnh ông, Bá tước Hayne, Bá tước Rafati và Hồng y Gossett đều cảm thấy khó chen được vào cuộc thảo luận âm nhạc kia, nhưng điều đó không ngăn được họ đồng cảm với Christopher. Dù chương đầu tiên kết thúc bằng một chiến thắng đầy hoành tráng, nhưng họ đều cảm thấy mình như đang bước đi một mình trong bóng tối, đằng trước còn biết bao nhiêu khó khăn và nguy hiểm đang chờ đợi.
Đây cũng là cảm giác chung của tất cả mọi người.
Không lâu sau, chương thứ hai bắt đầu dưới sự chỉ huy của Lucien. Trái ngược với lối viết bằng adagio truyền thống, ở đây giai điệu sống động và tươi sáng vang lên, tựa như cảnh tượng truy đuổi kẻ thù sau chiến thắng trước đó, tựa như bóng tối đã tạm thời bị đẩy lui, bầu trời trong xanh và ánh nắng rực rỡ hiện ra, mang lại cho con người cảm giác phấn chấn.
“Cậu ấy quả thực lại phá vỡ truyền thống rồi.” Như thể đã lường trước được chuyện này, Christopher mỉm cười đầy bao dung như một ông lão đang nuông chiều đứa cháu của mình.
Othello mới đầu khẽ cau mày, nhưng chẳng mấy chốc lại thả lỏng, vì ông cảm thấy sử dụng allegro sôi động để tiếp nối sự trang nghiêm của chương đầu tiên là vô cùng phù hợp. Bản thân ông chẳng nghĩ ra được phương pháp nào tốt hơn, mà những thay đổi trong cách sắp xếp cấu trúc giữa hai chương cũng khiến ông dễ chấp nhận hơn.
Những người dân ở quảng trường thành phố, chỉ cần là người có chút ít am hiểu về giao hưởng thì đều nhận thấy sự thay đổi này. Tuy nhiên, họ lựa chọn tập trung vào việc cảm thụ chính âm nhạc hơn là để ý đến cấu trúc của nó. Đối với họ, chương thứ hai chỉ đơn giản là tuyệt hay, do đó cấu trúc có thay đổi thì đó âu cũng là một thay đổi cần thiết.
Cuộc tiến quân sau thắng lợi vẫn tiếp tục, nhưng dường như bóng tối lại một lần nữa ập đến, kẻ thù từ bốn phương tám hướng lại ùn ùn kéo tới. Giai điệu dồn dập, gấp gáp khiến ai nấy đều hồi hộp, căng thẳng.
Cứ như vậy, chương thứ hai kết thúc trong bầu không khí bứt rứt đầy khó chịu. Khán giả lại một lần nữa vỗ tay nhiệt liệt như thủy triều lên, vừa để cổ vũ cho Lucien vừa để khích lệ chính mình, như thể tiếng vỗ càng lớn, họ sẽ càng ít cảm thấy cô đơn và trở nên đoàn kết hơn để cùng nhau vượt qua bóng tối và hiểm nguy.
Có rất ít bản giao hưởng nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt như vậy khi kết thúc mỗi chương.
Sau khi tiếng vỗ tay dừng lại, không một ai lên tiếng. Lúc này, cảm giác ngột ngạt, tù mù trong lòng họ ngày càng mãnh liệt. Ngọn núi lửa đã dừng phun trào, như thể đang âm ỉ tích lũy một thứ sức mạnh kinh khủng, đáng sợ.
Sau một thoáng nghỉ ngơi và suy ngẫm, Lucien một lần nữa vẫy gậy chỉ huy, dẫn dắt dàn nhạc tấu lên chương thứ ba theo cảm xúc của mình.
Giai điệu bình yên và êm đềm vang lên vừa nhẹ nhàng, đẹp đẽ lại vừa vang vọng, khiến người ta chìm sâu vào nỗi trầm tư tĩnh lặng.
Không một nhạc sĩ nào bình luận rằng cấu trúc của chương này không còn là allegro nữa mà là adagio du dương tựa một bài hát. Sau những trận chiến khốc liệt, hồ hởi, rồi thì bi thảm, bứt rứt ở hai chương đầu, lúc này mọi người đều cần một khoảng lặng để suy ngẫm về lý do tại sao họ lại đấu tranh, để nghĩ về ý nghĩa của việc tranh đấu, để nhớ lại những gian khổ và nỗ lực mà mình đã bỏ ra trong suốt quá trình, từ đó tích lũy sức mạnh mới và gặt hái vinh quang đầy vẻ vang cùng hân hoan.
Liệu họ đã bao giờ phải trải qua gian khổ?
Liệu họ đã bao giờ cảm thấy niềm vui chân chính xuất phát từ tận đáy lòng sau khi vượt qua gian khổ ấy?
Liệu họ đã bao giờ cảm thấy những khó khăn trong cuộc sống tưởng chừng như vô tận?
Liệu họ có dũng cảm đối mặt với chúng, hay đã bỏ cuộc trong tuyệt vọng?
…
Giữa khoảnh khắc im lặng trầm ngâm, Victor nhớ lại những gian truân của cuộc đời mình. Ông chưa bao giờ có thể trở thành nhạc sĩ một cách suôn sẻ.
Quên đi tất thảy, ông nhốt mình trong phòng để sáng tác nhạc, đi ngược lại với mong muốn mà giao lưu, móc nối quan hệ với những quý tộc và những vị đại nhân vật của hiệp hội nhạc sĩ, từ đó mong cầu sẽ tổ chức được một buổi hòa nhạc. Tuy nhiên, thứ ông nhận được lại là một cú vả mang tên “thất bại”. Khán giả bỏ đi chẳng chút nể nang, hầu hết mọi người xung quanh thì độc ác chế nhạo. Ông gần như đã bị bóng tối nuốt chửng, bị khó khăn quật ngã. May mắn thay, ông có Winnie ở bên động viên, khích lệ, giúp ông đứng lên trở lại. Sau khi chăm chỉ gấp mười lần trước đây, cuối cùng ông cũng có được cơ hội tổ chức hòa nhạc thêm một lần nữa và gặt hái được thành công. Ấy vậy nhưng, ông còn chưa kịp thực hiện lời hứa với vợ, Winnie đã được Thần triệu gọi…
Natasha cũng nghĩ về quá khứ. Cô sinh ra trong một gia đình quý tộc với huyết thống cao quý. Gia đình cô thì luôn luôn hòa thuận, tưởng chừng như sẽ mãi được Thần Chân Lý ưu ái. Thế nhưng cuộc đời cô lại chẳng thuận buồm xuôi gió. Chỉ trong một thời gian ngắn, anh trai cô chết trận, mẹ cô cũng qua đời. Kể từ đó, cô đóng cửa trái tim, khép kín tâm hồn, gánh trên vai một gánh nặng lớn và cống hiến hết mình cho những bài huấn luyện hiệp sĩ khắc nghiệt.
Mãi tới khi giác ngộ được tinh thần hiệp sĩ, bước ra khỏi cái bóng của quá khứ và đánh dấu sự bắt đầu của một mối quan hệ mới, một cuộc đời mới, thì một sự phản bội đầy tàn nhẫn, điều mà lẽ ra có thể tránh được, lại ập đến với cô. Vì những người ủng hộ và yêu mến cô, cô phải dằn lại đau đớn mà giết người mình yêu, đồng thời cũng suýt bị giết bởi thuộc hạ của người anh họ. May mắn thay, cô được Lucien, bạn thân của cô, liều mạng cứu sống.
Lucien, người đang chỉ huy dàn nhạc, cũng đang luẩn quẩn nghĩ về những vất vả của mình. Quá khứ u ám và hiểm nguy cứ lởn vởn ám ảnh trong tâm trí cậu, nhưng đồng thời, chúng cũng ban cho cậu cơ hội để cậu tiến bước, chạy về phía ánh sáng mặt trời, chạy về phía thành công, không bao giờ dừng lại, không bao giờ bỏ cuộc.
Liệu họ đã bao giờ trải qua những cảm xúc u uẩn và suy sụp khi đối mặt với bóng tối cuộc đời chưa?
Liệu họ đã rút ra được bài học và sức mạnh từ những trải nghiệm đó để tiến lên phía trước, hay đã sa chân vào đó và không cách nào thoát ra được?
Liệu họ có khao khát ánh sáng và thành công hay không?
Liệu họ đã sẵn sàng đối mặt với những thử thách trên con đường truy cầu những điều ấy chưa?
Trong giai điệu trầm lắng, nhẹ nhàng, những cảm xúc mạnh mẽ nhưng được kìm nén ấy tạo cơ hội cho mọi người suy ngẫm. Khi nhớ lại những gian khổ trong dĩ vãng, họ cũng đồng thời tích tụ sức mạnh và cảm xúc, tựa như những dòng chảy ngầm dâng cao và chờ được giải phóng, tựa như mắc ma đang âm ỉ gào thét trong lòng đất của một ngọn núi lửa, chuẩn bị phun trào không thể kiểm soát.
Bất tri bất giác, chương thứ ba kết thúc, những cảm xúc tích tụ trong lòng mọi người tưởng chừng như có thể tuôn trào không cách nào khống chế.
Họ đã chịu đựng quá nhiều gian khổ trong cuộc sống, họ nóng lòng muốn lao về phía ánh sáng, muốn đón mừng chiến thắng và gặt hái thành công!
Động tác của Lucien đột nhiên trở nên mãnh liệt hơn. Khởi đầu của chương thứ tư giống như núi lửa phun trào, truyền dẫn sức mạnh tích tụ từ những trầm tư mặc tưởng vừa rồi cùng những cảm xúc tuôn ra như lũ quét, phá vỡ mọi xiềng xích, đánh bại mọi kẻ thù, hạ gục mọi nguy hiểm!
Cơn bùng nổ khiến cho mọi người bên trong Thánh vịnh Thính phòng và quảng trường thành phố đều trở nên phấn khích, như thể một bình minh tươi sáng và một chiến thắng huy hoàng đang hiển hiện ngay trước mắt họ!
Thế nhưng bóng tối vẫn quanh quẩn, khó khăn vẫn tồn tại. Giai điệu lặp lại nối tiếp từng khúc của ba chương đầu tiên, một lần nữa mang tới cho khán thính giả cảm giác hồi hộp giữa những tranh đấu, giằng co đầy nguy hiểm.
Đây vẫn chưa phải là thắng lợi. Họ phải tiếp tục tiến bước, lao về phía ánh sáng!
Giai điệu của Ode to Joy được tấu lên nhẹ nhàng bởi đôi bass, nó nhẹ nhàng, trang trọng nhưng vẫn tươi sáng, giúp xoa dịu tâm hồn mọi người.
Nhưng như vậy chưa đủ, chưa đủ!
Giống như người nghe đã vô cùng nỗ lực, chăm chỉ và đã chạm được tay tới rìa thành công, nhưng rồi hóa ra ánh sáng thành công đó lại chỉ là hư ảnh, ánh sáng thực sự còn chưa ló rạng!
Giống như trong buổi hòa nhạc thứ hai của Victor, ông đã diễn tấu xong tất cả các bản nhạc, thế nhưng trước khi khán giả phản ứng, sẽ không có cách nào để biết liệu buổi hòa nhạc đó có phải là thành công hay không, trong thâm tâm chỉ đành tích tụ sự căng thẳng, mong đợi cùng lo lắng.
Dần dần, cả dàn nhạc đều đồng loạt tấu lên giai điệu của Ode to Joy, ngày càng trở nên sống động và vang dội, như thể vô số dòng suối hòa thành một con thác.
Nhưng như vậy chưa đủ, chưa đủ!
Giống như Lucien đã đến được cảng Patray của Vương quốc Holm, nhưng nắp thùng gỗ vẫn chưa được nhấc lên, xung quanh vẫn chỉ là ngột ngạt, tăm tối.
Tất cả mọi người, bao gồm cả Natasha, đều vô thức siết chặt nắm tay, muốn reo mừng vinh quang.
Nhưng như vậy chưa đủ, chưa đủ!
Bất thình lình, một giọng nam trung mạnh mẽ cất lên:
“Hỡi bạn tôi, hà tất phải hát mãi những giai điệu cũ kỹ, tẻ nhạt
Hãy hát lên
Hãy hát lên một khúc ca đầy hân hoan!”
Như thể bị sét đánh, như thể đang chứng kiến sự xuất hiện của một thiên thần, một cơn chấn động khó tả bùng phát từ sâu thẳm trong tâm hồn của mỗi người và lan ra khắp cơ thể.
Lời ca tụng nhiệt thành kết hợp với giai điệu vừa thiêng liêng vừa vui vẻ dâng lên như thủy triều, nhấn chìm và xé nát tất cả mọi thứ!
“Hân hoan! Hân hoan!
Thiên thần của niềm vui, thánh thiện và xinh đẹp
Tỏa rạng ánh sáng lên khắp chốn trần gian.”
…
Những cảm xúc không thể giải phóng hoàn toàn vào lúc này đều đồng loạt vỡ òa. Tâm hồn mỗi người đều trở nên nhẹ bẫng, chỉ còn tràn ngập niềm vui thiêng liêng lớn lao.
Giống như sau một thời gian dài chìm trong bóng tối, cuối cùng họ cũng được thấy tia sáng đầu tiên xuyên qua bóng tối và mây mù để chiếu sáng mặt đất. Đó là một cảm giác vừa trang nghiêm, vừa thiêng liêng, lại vừa tươi sáng!
Giống như Victor cuối cùng cũng nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt và đạt được thành công thực sự sau khi trải qua vô vàn gian nan và thất bại. Vào khoảnh khắc đó, đôi mắt ông đẫm lệ.
Và giống như khi nắp thùng gỗ được mở ra, sau khi ngồi dậy, nhìn thấy gương mặt rạng rỡ của Lazar cùng bầu trời xanh ngắt, Lucien tràn ngập xúc động và hạnh phúc. Mọi hiểm nguy và áp lực trong quá khứ dường như đều được đền đáp vào chính khoảnh khắc đó.
Không có đắng cay thì không có ngọt bùi.
Không có thất bại thì không có thành công.
Không có nỗ lực thì sẽ không thành tài.
Khổ tận cam lai, không có khó khăn gian khổ, sao có thể tận hưởng được niềm hạnh phúc thuần túy và tối thượng nhất?
Ở thời điểm này, như thể đã chấn động đến tận tâm can, mọi khán thính giả đều đã lạc sâu vào trong âm nhạc, đắm chìm trong những lời ca bốn đoạn vui tươi lặp đi lặp lại. Mọi người ai nấy đều xúc động rưng rưng nước mắt, trong lòng cảm nhận được niềm vui chân thành, đồng thời cũng không quên ca ngợi ân huệ của Thần Chân Lý.
“Tại nơi trần thế xinh đẹp này
Tất cả chúng sinh đều chung một niềm vui
Mọi người, bất kể địa vị
Đều được ân sủng thần linh ban phước.”
…
Hát lên Ode to Joy, một lời ca như để ca ngợi Thần Chân Lý, cảm nhận được âm nhạc thiêng liêng, vui tươi tuôn trào bất tận, đồng thời nhìn thấy gương mặt của những khán thính giả trên dưới xung quanh đều tràn ngập xúc động và hạnh phúc, Fabbrini với đôi mắt ướt cảm thấy rùng mình khó hiểu trước sự thiêng liêng lớn lao của bài hát này. Vừa hát, trên đôi má không tì vết của cậu vừa lăn dài những giọt nước mắt.
Từ khi sinh ra cho đến nay, từ lúc phải chịu đựng cuộc phẫu thuật tàn khốc, vô nhân đạo cho đến việc buộc bản thân phải luyện tập không ngừng nghỉ, đây là lần đầu tiên Fabbrini cảm nhận được niềm vui chân thành, một niềm vui đơn thuần không pha lẫn tạp chất. Đây là niềm vui do Thần Chân Lý ban tặng, một niềm vui tột độ khiến người ta hạnh phúc tới nỗi bật khóc.
Tranh thủ lúc những ca sĩ khác đang hát, Fabbrini chăm chú nhìn vào người nhạc trưởng đang đứng phía trước chỉ huy dàn nhạc, tận tụy và tâm huyết để đưa kiệt tác này tới cho mọi người.
Quả thực là một nhạc sĩ tuyệt vời!
Khi đến lượt mình, Fabbrini hát lên càng chân thành và tận tâm hơn.
“Bạn hỡi, từ thiên đường xa xôi
Đấng nhân từ luôn dõi theo chúng ta
Hết thảy hãy thành kính tôn thờ
Tôn thờ Đấng nhân từ của chúng ta.”
Lắng nghe ca từ như đang ngợi ca Thần Chân Lý, Hồng y Gossett cùng với các giám mục và mục sư khác, những người đã xúc động được hồi lâu, liền điểm một hình thánh giá trước ngực.
Điệp khúc lặp đi lặp lại, diễn tấu của dàn nhạc cùng giọng hát kết hợp với nhau vô cùng hoàn hảo.
Khi giọng hát trong trẻo và thuần khiết của những cô cậu bé trong dàn hợp xướng thiếu nhi vang lên: “Thiên thần của niềm vui, thánh thiện và xinh đẹp, tỏa rạng ánh sáng lên khắp chốn trần gian”, tất cả khán thính giả lại một lần nữa rùng mình run rẩy từ trong ra ngoài, từ thể xác đến tâm hồn, cùng với mọi phiền muộn, mọi khổ đau, mọi nỗ lực, mọi đấu tranh, hết thảy đều hoàn toàn bùng nổ!
Mặt trời soi rọi khắp nơi, cả thế giới bừng lên niềm vui sướng. Dưới sự dẫn dắt và chỉ huy của Lucien, bản giao hưởng kết thúc đầy hoàn mỹ!
Sau vài giây im lặng, khán thính giả bỗng chốc phát cuồng cả lên. Tiếng vỗ tay vang lên rào rào như núi lửa phun trào, khiến cả mặt đất cũng như đang rung chuyển. Tất cả đều vô thức lao về phía trước và vỡ òa những giọt nước mắt trong niềm phấn khích cùng những cảm xúc khó lòng kiềm chế, như thể muốn vây lấy Lucien, tặng cho cậu những nụ hôn để bày tỏ lòng yêu mến và sự ngưỡng mộ.
Hầu hết quý tộc bên trong Thánh vịnh Thính phòng cũng chẳng còn buồn để tâm đến lễ tiết nữa. Tất cả đều đứng bật dậy và lao về phía sân khấu.
Khi mọi người trong quảng trường phát hiện ra trước mặt mình chẳng có gì ngoài một màn hình pha lê, họ đều chỉ biết dừng lại và hô vang hết lần này đến lần khác:
“Lucien Evans!”
“Lucien Evans!”
“Lucien Evans!”
…
Dường như tất cả đều tin rằng đồng thanh hô lên có thể khiến cho thanh âm của mình tới được tai của Lucien ở bên trong Thánh vịnh Thính phòng, đồng thời giúp cậu biết được họ yêu mến và ngưỡng mộ cậu đến nhường nào.
Cảnh tượng điên cuồng như vậy là điều chưa bao giờ xảy ra trước đây.
Đứng trên sân khấu, nhìn cảnh các quý tộc lao về đây, Fabbrini những tưởng mình đang nằm mơ, nhưng chẳng mấy chốc liền nhận ra đây là thành quả của một buổi hòa nhạc thành công vang dội, là nhiệt huyết to lớn đến đáng sợ, là lời khen ngợi mà cậu xứng đáng nhận được!
“Ngài Evans, xin hãy đón nhận những tràng pháo tay và chào khán giả đi ạ.” Fabbrini thấy Lucien chỉ huy xong lại chỉ hạ thấp đầu đứng đó nên liền lớn tiếng nhắc nhở.
Lucien chầm chậm ngẩng đầu lên, mặt cắt không còn giọt máu, tái nhợt đến bất thường.
Cậu nở một nụ cười mà có thể nói là đẹp tới mức khó lòng cắt nghĩa, sau đó từ tốn xoay người lại, đặt tay phải lên ngực và cúi xuống.
Thế rồi trước sự kinh hoàng của Fabbrini, Lucien ngay sau khi cúi mình liền đổ ập xuống sàn như một con thiên nga gãy cánh.
Vào lúc này, thời gian dường như đã đóng băng lại với hai màu trắng đen trong tâm trí cậu. Một bên là khung cảnh cuồng nhiệt sục sôi như nước 100 độ, bên kia lại là hình ảnh người nhạc sĩ trẻ đang từ từ ngã xuống không cách nào ngăn lại.
-----------------------
Chap này dài gấp đôi bình thường, tính là 2 ngày đăng nhé :))
Bom nho nhỏ bù cho hôm qua và vài hôm tới!
Oratorio (Thanh xướng kịch): một loại tác phẩm âm nhạc cổ điển dành cho dàn nhạc giao hưởng, dàn hợp xướng và độc tấu, nói đơn giản thì đây là một loại kịch bằng âm nhạc, xuất hiện gần như cùng lúc với loại hình opera. Oratorio khác với nhạc kịch, bởi thể loại này chỉ hát chứ không diễn. Thay vì truyền thống là nhịp độ adagio chậm rãi, chương hai của Ode to Joy lại dùng Scherzo – Đây là một khúc nhạc có tiết tấu rất nhanh và vui tươi – với nhịp độ allegro nhanh. Đôi bass (Double bass) hay contrabass, bass, vertical bass, bass fiddle,…: là Đại vĩ cầm, loại đàn dây to nhất trong họ nhà vĩ cầm.