1.
Từ giây đầu tiên sau khi thức dậy tôi đã thấy có gì không bình thường.
Mở mắt, tôi quay lại dòm cái đồng hồ cạnh gối. Màn hình điện tử hiện bảy giờ và bên cạnh là ký hiệu chỉ ngày Chủ nhật.
Chẳng có một chút cái cảm giác ong ong trong đầu thường thấy của một buổi sáng dậy sớm cả. Thực ra thì có chút ít nhưng không khiến tôi chìm lại vào giấc ngủ. Nhẹ nhàng trở mình sấp xuống, tôi thực hiện động tác có lẽ giống với hít đất để nâng cơ thể dậy.
Cơ mà điều kỳ lạ nhất thì phải khi tôi thả chân xuống sàn mới xảy ra. Hướng mắt về ánh nắng lách qua khe hai bức rèm, tôi lẩm bẩm những lời mà chính mình còn không dám tin.
“Mình thấy khỏe quá.”
Cả thể chất lẫn tinh thần, chả thằng nào đi nghỉ mát cả.
Cái thân thể đã quá quen với mệt mỏi bệnh hoạn mà lại cảm thấy khỏe, à không, diễn đạt vậy chưa rõ, phải là tràn-đầy-năng-lượng-một-cách-hoàn-hảo. Mớ năng lượng thừa mứa này đang dâng trào tới mức một ý nghĩ tự xúi rằng hãy làm cái gì đó thật vớ vẩn để bớt lại được phép băng qua tâm trí tôi. Đây đúng nghĩa là dịp ngàn năm có một.
Bước vào bếp tôi mở tủ lạnh. Có thịt xông khói, nấm maitake và rau chân vịt nên tôi lấy tất ra mà thái thành miếng lớn. Tôi cũng bỏ một lát bánh mỳ vào máy nướng và đánh mấy trái trứng trong một cái tô nhỏ, vừa đánh vừa vô tư thả vào nào là phô mai, sữa, và sau một chút là bột cà ri. Hai chiếc chảo được đun nóng với một giành cho thịt còn một là cho hỗn hợp trứng. Chậc… không đủ chỗ đun nước rồi. Cà phê phải chờ vậy.
Mang bữa sáng vào phòng khách rồi cứ thế tọng bánh mỳ vào miệng, tôi nghe tiếng bước chân xuống cầu thang. Ba mẹ tôi đều đang công tác xa nên chắc chắn đó là bà chị yêu dấu. Âm thanh tiếp tục hướng vào trong bếp…
“Trời đất, có bữa sáng này!”
Luôn tràn đầy sức sống vào buổi sáng nhỉ.
“Nhóc làm đó hả Houtarou?"
“Ai biết được? Cũng có thể ăn trộm nó làm hộ.”
“Vẫn còn nóng, vậy thì hắn vẫn còn gần đây… và đang ngồi ăn phải không ông tướng?"
Chả thèm đáp lại tôi lấy một miếng thịt xông khói đặt lên bánh mỳ. Không lâu sau chị lại mở lời.
“Chị ké miếng được hông?"
Miệng tôi đang nhồi đầy đồ ăn nên tôi chỉ gật đầu. Dù gì tôi cũng đã làm phần cho hai người.
“Ố ồ, không tệ chút nào!” chị nói. Về cái khoản bất lịch sự thì bà chị này nhì chắc chả có ai nhất.
“Bỏ ra đĩa mà ăn.”
“Cái vị này… Nhóc có bỏ cái gì trong đây à?"
Chắc là mới cắn miếng trứng đây. Hũ bột cà ri vẫn còn để đó nên tôi tin tưởng vào tài nghệ suy đoán của bà chị yêu dấu mà cứ tiếp tục ăn. Thừa biết….
“Ồ, cái này sao?" chị hỏi. “Không quá kỳ công, nhưng chắc chắn là vượt tầm nhóc. Hôm nay có vụ gì vậy Houtarou? Trọng đại lắm à?"
Sắc bén như mọi khi. Hớp một ngụm sữa, tôi đáp: “Em cảm thấy đầy sức sống.”
Không khác gì tưởng tượng, thứ tôi nhận được là một cái buột miệng gọn lỏn: “Gì cơ?"
Dậy xong ăn sáng xong, giờ thì đi dọn dẹp giặt giũ. Tôi cũng tranh thủ chà bồn tắm và làm mỳ udon cho bữa trưa. Lúc này đang là một giờ. Ngày dài thật.
Trở lại phòng, tôi thả người xuống giường mà suy nghĩ. Giờ làm gì ta? Nghía qua khe hẹp giữa hai bức màn ra ngoài cửa sổ, tôi đang thấy một bầu trời “hoàn hảo”. Những tia nắng đầu tiên sau một chuồi ngày chỉ có mưa và mưa.
“Thôi ra ngoài vậy…”
Tôi bận vào một chiếc quần có túi sâu để nhét vừa một quyển sách nhỏ, một chiếc áo thun polo mà nhìn ra ngoài lần nữa. Chẳng biết từ lúc nào tôi lại nở ra một nụ cười.
“Chẳng thể phí một ngày đẹp tuyệt thế này nhỉ?"
Hãy nghĩ về việc mà tôi, Oreki Houtarou, chứ không phải ai khác lại không cưỡng được mong muốn đi ra ngoài đường mà xem… Nếu Satoshi mà nghe những lời tôi vừa nói với chính mình lúc nãy có lẽ hắn sẽ đạp xe như bay tới đây để làm một cuộc kiểm tra về chứng sốt-đến-loạn-tâm-thần. Tôi cũng cầm ví lên, nhưng nghĩ một hồi chỉ rút ra tờ một ngàn yên và nhét vào túi quần bên kia.
Không lâu sau tôi đã đứng ngoài đường mà chưa kịp có dự tính gì trong đầu. Hay là chỉ đi lòng vòng thôi? Nhưng thực lòng tôi vẫn muốn tìm ra một điểm đến nào đó...
“Đi đâu bây giờ đây?"
Tôi nghĩ về một tiệm sách hay đến nhưng cũng sớm nhận ra chi tiêu của mình tháng này khá giới hạn, với cả cuốn truyện chữ mang theo có lẽ cũng đủ để tôi đọc cả ngày. Nhiệm vụ nhanh chóng trở thành kiếm một nơi yên tĩnh để đọc. Một khung cảnh bên bờ sông hiện lên trong tâm trí… nhưng mùa này thì chỗ đó nhiều sâu bọ phải biết. Có chút người hay mấy thứ cũng chả sao nhưng cũng chừng mực thôi.
Có một ngôi đền thờ thần Hachiman gần đây, khă tĩnh lặng và có mấy khối đá đủ thoải mái để ngồi. Nghe hay đấy nhỉ? Cảm thấy đó là một chọn lựa tốt tôi bắt đầu bước chân về hướng đó… nhưng lại một lần nữa có cái gì ngăn lại. Ngôi đền ấy quá gần, còn tôi thì đang quá hứng hôm nay. Nếu chỉ khi đến đó e rằng chưa đủ để tiêu bớt mớ năng lượng đang chực trào này mất.
“Vậy thì cái đền đó đi.”
Xoay gót chân lại, tôi hướng về một địa điểm khá xa – đền Arekusu. Cơ mà không phải trong đầu tôi đã có sẵn một lô các ngôi đền đâu, chỉ là độ quá xa của đền Arekusu tự dưng lại rất vừa vặn với độ quá gần của đền thần Hachiman mà thôi.
Hành trình bắt đầu. Tôi cảm thấy chút lạnh vi chỉ mặc mỗi cái áo thun nhưng nhanh chóng được nắng làm ấm mà cảm thấy đầy thư thái. Cố tình tránh con đường tới trường quen thuộc tôi lại muốn sải bước trên những cung đường hiu hắt lạ lẫm. Nơi đây cứ như là một hang gió tự nhiên ấy. Dù hai bên đường đều có rào chắn tôi vẫn thi thoảng bị một luồng gió mạnh thổi ngược về sau. Trên một trong các hàng rào có con mèo vằn hổ đang ngồi, trưng cái mặt như thể đang bực dọc chuyện gì đó.
“Ê,” tôi lên tiếng rồi giơ tay chào. Có lẽ giật mình con mèo liền chạy đi mất. Tội lỗi quá, tội lỗi quá.
Tôi dần tiến đến một cây cầu. Trận mưa hôm qua đã khiến nước sông dâng lên trông thấy. Dừng lại một quãng, tôi hướng tầm mắt xuống dòng nước đục ngầu đang vang lên những tiếng ùng ục kia…
“Mưa đầu hạ,
Lấp đầy vội vã,
Dòng Mogami…”
Ờ thì đây không phải dòng Mogami và trận mưa hôm qua cũng chẳng phải là đầu mùa. Nếu hiểu biết hơn có lẽ tôi đã chọn một bài haiku hợp cảnh hơn. Satoshi chắc là làm được đấy… cơ mà văn học có khi lại thuộc sở trường của Chitanda nhiều hơn.
Tôi đi ngang qua một hàng bán takoyaki. Mùi hương ngọt ngào phảng phất trong không khí vẫn có một sức mời gọi lạ lẫm với cái bao tử đã nốc trọn một bữa sáng đẫy đà. Tôi dắt túi một ngàn yên – đủ sức để chi cho một phần… càng khiến sự mời gọi như chờ chực trào dâng. Khoan! Đợi đã. Bình tĩnh nào. Mua ở đây thì ngồi ăn ở đâu? Thế là nhờ sự sáng suốt này tôi đã nghiến răng mà đi tiếp về phía trước thật nhanh.
Đi được mười phút tôi nhận ra số lượng con đường mình không biết đã tăng lên đáng kể. Gần như cả đời chỉ loanh quanh trong thành phố vậy mà chỉ mười phút tôi đã đưa mình tới những nơi lạ lùng như vậy… xem ra đã “tiết kiệm” hơi quá rồi nhỉ. Tự nhận xét mình không tới nỗi mù đường tôi bèn tiếp tục đi trên cung đường xa lạ với một sự tự tin nhất định. Đi chỗ này rồi tới chỗ kia, và rồi nếu quẹo ở đây thì…
Một khoảng đất trống xuất hiện. Nếu phải tự đánh giá bản thân thì đó là hai chữ tuyệt vời – tôi đã đứng ngay trước cổng vào đền Arekusu.
“Giờ thì…” tôi lẩm bẩm mà nhìn lên cái cổng torii lớn. Xem ra tôi đã quên điều này: chánh điện nằm trên đồi, nghĩa là để thực sự vào đền tôi sẽ phải leo hết một dãy bậc thang dài đăng đẳng. Dù hôm nay có hứng khởi cỡ nào đi nữa, tới mức muốn rời khỏi nhà đi lòng vòng thì tôi cũng không chắc là mình muốn… Do dự một hồi, và rồi…
“Mà thôi, cũng chả chết ai.”
Tôi quyết định tiếp tục cuộc du ngoạn.
Lên rồi lên, từng bậc lại từng bậc được ghi vào đầu. Không lâu sau tôi đã thấy hai bên đường là hàng tuyết tùng thẳng tắp. Nhiệt độ như nhẹ nhàng giảm theo sự tăng lên của độ cao. Sau khi đi được ba mươi bậc tôi đã quên mất mình đang đếm đến đâu. Hai tám, hai chín, ba mươi… và “bum”… Dù chưa giành nhiều thời gian suy nghĩ về công việc trong tương lai nhưng có lẽ những thứ liên quan tới đo đếm sẽ chừa tôi ra.
Nhịp thở cũng ngày càng tăng. Kiếm chỗ đọc sách thôi mà cũng lao lực dữ, hay là ngồi trên bậc thang mà đọc ta? Không không… đã hơn nửa đường rồi. Chỉ một chút tí ti nữa thôi! Tôi lại rướn người về trước mà leo. Thế rồi sau chắc cũng phải trăm bậc – ước lượng thế thôi – tôi cũng lên tới đỉnh mà hít thở một hơi dài. Mắt tôi bấy giờ đang hướng về cái cấu trúc bao gồm một cái bể nhỏ có nước chảy xuống được dùng để hành lễ. Thực sự rất muốn làm một ngụm đầy nhưng lương tâm mách bảo rằng dường như thứ nước đó không dùng để uống. Tôi bèn nhìn quanh quất hòng tìm một máy bán nước tự động… nhưng dĩ nhiên, đây là đền thờ thì làm sao mà có? Tôi tiếp tục đảo mắt qua lại cho tới khi tầm nhìn khóa vào một bóng dáng vừa rồi khỏi phòng hành chính của đền. Cô gái mặc áo thun và quần ngắn như thể coi đây là nhà mình. Cô còn mang một cặp kính tròng nhỏ và có mái tóc dài…
“A!”
Đó là Kaho Juumonji. Vậy là lời nhận xét của tôi có phần đúng đấy chứ - nhỏ quả thực đang “ở nhà”. Có lẽ cũng nhận ra sự hiện diện của tôi, nhỏ từ từ bước đến.
“Hân hạnh được đón tiếp.”
Đặt úp tay lên trước ngực, nhỏ cúi đầu chào đầy lịch sự. Lẽ ra tôi đã hoảng hồn khi được đối xử một cách trịnh trọng thế này, nhưng may sao kinh nghiệm xương máu hồi đầu năm vẫn còn đó.
“Cám ơn nhé.” tôi đáp. Khi ngẩng lên trông nhỏ có vẻ không vui lắm với phản ứng điềm tĩnh của tôi, nhưng nhanh chóng cười mà đáp:
“Cậu đến thăm đền à?”
“Không hẳn, ừ thì… tiện thể cũng là vậy.”
“Cậu dị thật.”
“Ban đầu chỉ tính đi vòng vòng thôi.”
Tôi chỉ nói vậy vì khó mà kiếm ra lời hay ý đẹp nào để mô tả với một người vốn ăn ngủ ở đây. Juumonji quay mặt về phía phòng hành chính, nơi nhỏ vừa bước ra.
“Eru đang trong đó.”
“Hả?”
“Eru đang trong đó.”
Nghe cứ như một phát minh của Gennai Hiraga ấy nhỉ . Eru đang trong đó…
Cái gì? “Eru” đang ở đây á?
“Cái… cơ mà tại sao?”
Nhỏ trả lời: “Thì ghé chơi thôi chứ làm sao? Thích thì cậu có thể vô, tớ sẽ làm chút trà.”
“Không, không sao. Chỉ là…”
“Không hẳn là cậu không liên quan tới chủ đề của tụi này đâu nhé.”
Hả? Tôi thì liên quan gì?
“Tớ chả ép đâu,” nhỏ tiếp tục, “nhưng cậu biết đấy – Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ.”
“Đó là lời đức Phật à?”
“Đó là lời vượt ngoài biên giới của tôn giáo.”
“Tớ không biết…”
“Giời ạ… Mà thôi cũng không sao, tốt nhất là cậu cứ phải tận mắt thấy. Đi nào.”
Chưa kịp định thần tôi đã bị dắt một cách đầy cam chịu vào phòng hành chính.
Một khoảng không gian trong phòng hành chính được phân ra làm một phòng nhỏ cỡ sáu chiếu . Cửa vào cũng là loại cửa trượt truyền thống như mọi nơi trong đền, nhưng bước vào tôi mới thấy đó là một cái phòng ngủ với đồ dùng cá nhân. Một cái tủ quần áo, một đồng hồ, một kệ đầy tạp chí với tiểu thuyết, một cái ấm trà nhỏ và ở rung tâm là một cái bàn thấp. Có lẽ nhỏ còn nhiều đồ dùng hơn ở nhà nhưng nhỏ quyết định chỉ mang một ít tới đây để đủ sống.
À, và dĩ nhiên tôi chưa liệt kê tới…
“Ơ… ớ? Oreki-san… Sao cậu lại…”
Chitanda đang ở đây và đỏ mặt. Đặng nhỏ nhìn khắp phòng, luồn tay vào mái tóc và rồi, dường như đã nhớ ra chuyện quan trọng gì đó, mà dang tay ra gom hết những gì đang có bên bàn về phía mình. Juumonji lên tiếng, đúng hơn là vừa nói vừa cười.
“Có cần phải giấu không hả trời?”
“A-ừm… phải rồi. Cậu nói đúng…”
Nhỏ cúi mặt xuống, làm động tác như hít một hơi sâu để bình tĩnh trước khi ngồi thẳng người lên.
“Chào cậu Oreki-san, không ngờ lại gặp cậu ở đây.”
“Ừ, tớ cũng bất ngờ.”
“Nhưng cậu biết tớ ở đây phải không?”
Nhỏ đang nói sảng hay gì?
“Hở, thật à?” Juumonji quay sang tôi mà hỏi. Tôi lắc đầu.
“Tớ có nói mà phải không?” Chitanda trần tình, “là đã hứa với với Kaho-san sẽ tới chơi vào Chủ nhật ấy.”
“Khi nào và với ai thế?”
“Thì là với Mayaka-san vào giờ tan học thứ sáu ấy.”
Thế thì thế quái nào nhỏ lại nghĩ rằng Ibara sẽ to nhỏ với tôi hả trời? Ngay khi định hỏi tiếp thì nhỏ đã bồi thêm:
“Lúc đó cậu ngồi ngay cạnh cậu ấy mà?”
Trí nhớ tôi về ngày đó hơi lờ mờ… nhưng có lẽ đúng là tôi đã tới phòng họp CLB, và cũng thực sự ngồi cạnh Ibara… nhưng mà…
“Tớ không có nghe.”
Lời bào chữa này có vẻ không hiệu quả lắm, khiến tôi tự dưng gánh thêm nỗi lo là nhỏ tưởng rằng có thằng dở hơi đã nghe trộm mà cố tình tới đây và đúng vào thời điểm này. Thế nên tôi bèn khẳng định lần nữa, chắc nịch hơn.
“Tớ tuyệt đối không nghe trộm à nha.”
Chitanda gật đầu. “Tớ hiểu mà. Lúc đó có lẽ Oreki-san chỉ chú tâm vào quyển sách thôi.”
Juumoji “hưm” một cái trông không được thuyết phục lắm. Nhỏ này nghĩ cái gì trong đầu vậy nhỉ? Nhưng rồi nhỏ cũng lấy đệm ra cho tôi ngồi và rót trà xanh vào một cái cốc. Trong lúc đó Chitanda trải ra trở lại những thứ hồi nãy đã hớt hải gom vào.
“Tớ tới đây để xem mấy thứ này.”
Những tấm hình – cụ thể hơn là hình chụp từ lễ lội Búp bê sống hồi tháng tư, tại một địa điểm gần nhà Chitanda.
“Thật tình là xấu hổ lắm,” đoạn nhỏ lại lấy tay che đi.
Trong lễ hội Búp bê sống Chitanda cũng được hóa trang có chụp hình và đã cho tôi xem một mớ, nhưng dĩ nhiên là khác mớ hình đang ở trên bàn lúc này.
Tôi cũng đang ngượng chín mặt vì một tấm hình đây. Đằng sau một Chitanda búp-bê với đôi mắt hơi nhìn xuống mà tỏa ra một khí chất thuần chân là một tên cầm ô đầu đội nón cao truyền thống… và đang trưng ra cái mặt phải nói là đần-chưa-từng-thấy! Miệng thì mở to còn mắt thì lờ đờ… Không thể nhìn thêm một giây tôi quay mặt đi.
“Nhiếp ảnh gia thật là tàn nhẫn.”
“A, tấm này ấy hả?” Chitanda cầm lên và đưa lại gần.
“Đúng là không phải tấm đẹp nhất ở đây nhỉ.”
Juumonji đặt cốc trà xuống bàn mà nói: “Lúc nó cậu đang ngáp à. Thề có thần linh biết chọn thời điểm dữ.”
“Thề có quỷ ma thì có.”
Lúc ấy tôi không hề ngáp. Nếu phải đoán thì… bức ảnh này đã chụp lại một khoảnh khắc đầy kinh ngạc mà những tấm của Satoshi không hề sở hữu. Có lẽ nó thực sự chỉ là một khoảnh khắc mà thôi… ít nhất đó là điều tôi muốn tin.
“Xin lỗi vì kéo cậu vào đây nhé, vì tớ không thể nhịn cười khi nhìn cái tấm này. Đương sự đã tới đây mà lại không mời vào xem chung thì giống như cười sau lưng quá phải không. Tớ sẽ thấy tội lỗi lắm.”
Tôi hiểu, và nói vậy thôi chứ tôi không nghĩ nhỏ sẽ cười nhạo khi xem những tấm hình như vậy. Quả là một cô nàng thẳng thắn.
“Cơ mà, cái tấm hình này của Eru cũng ngồ ngộ lắm nè.”
“Kaho-san kỳ quá à!”
Hai cô nàng tiếp tục cười nói về nội dung của hết tầm hình này tới tầm hình khác trong khi tôi im lặng ngồi ở giữa, cứ một chốc lại nhẹ nhàng hớp một ngụm trà. Dù hiểu lý do Juumonji muốn mình ở đây nhưng rõ ràng là tôi đang ở nhầm chỗ. Nói cho gọn là giờ tôi chỉ muốn ra ngoài càng nhanh càng tốt bất chấp cái cổ họng khô ran đang rất biết ơn những hớp trà. Chờ đợi cuộc chuyện trò đi tới một khoảng lặng để lấy cớ rút lui mà cứ như thiên thu… tới khi trà hết tôi thực sự nghĩ rằng đã đến lúc phải đi, nhưng cùng lúc này Juumonji nhìn đồng hồ mà thốt lên.
“Ôi chà, trễ đến thế này rồi sao? Eru cũng nên về đi thôi.”
Chitanda cười. “Ừm tớ biết. Mà cậu cũng xong việc rồi chứ?”
“Ấy chết,” Juumoji ngây như phỗng, “Tiêu rồi. Tớ tính đi làm ấy chứ, nhưng chả hiểu sao gặp Oreki-kun lại quên luôn.”
Chả hiểu chủ đề là cái gì nhưng xem ra tôi đã phải tội. Nhướn mày lên một chút, Juumonji liền cúi đầu nói.
“Tớ thành thật xin lỗi. Giờ thì không biết có làm kịp ngay không nữa…”
“Chuyện gì vậy?” Tôi hỏi.
Chitanda liền đáp: “Hôm nay tớ tính cho Kaho-san xem hình rồi phụ cậu ấy một việc.”
Tiếp lời, Juumonji giải thích nốt: “Tớ cũng phải đi sắm mớ đồ cho nhà. Lúc gặp cậu là chuẩn bị đi rồi không hiểu sao lại quên béng luôn.”
“Không hiểu sao” thật à. Sao tôi chẳng thấy chút chân thành nào trên mặt nhỏ thế này?
“Nếu vậy thì mình tớ lo là được,” Chitanda trấn an. “Kaho-san cứ đi đi nhé.”
“Cậu chắc chứ?”
“Chắc mà. Đây đâu phải lần đầu tớ làm công việc này.”
“Tạ ơn cậu.” Nói xong Juumonji nhắm mắt lại mà chắp tay trước Chitanda. “Nam mô.”
“Đó là lời đức Phật phải không?” Tôi tự dưng buộc miệng còn Juumonji thì mở mắt ra.
“Đó là lời vượt ngoài biên giới của tôn giáo. À mà cậu thì sao hả Oreki-kun? Tớ không phiền nếu cậu muốn ở lại.”
“À không, tớ xin phép. Cám ơn về cốc trà nhé.”
“Vậy à? À thôi không có chi.”
Chuẩn bị đứng lên thì tôi có một ý nghĩ.
“Cơ mà cậu phải phụ việc gì thế?”
Chitanda giơ hai tay mà làm động tác như khiêu vũ.
“Quét dọn.”
Có lẽ nhỏ muốn bắt chước hành động quét chổi. Juumonji cũng thêm vào:
“Ở đây có một căn đền nhỏ giành để thờ thần Inari … mà thật ra hôm nay cũng không nhất thiết cần phải dọn.”
“Không sao đâu, là tớ muốn tới phụ mà.”
Vậy là do thười gian gấp gáp nên một người sẽ phải làm việc của hai người… Giá mà tôi đã không hỏi, nhưng vì đã lỡ biết chuyện thì rõ ràng lựa chọn của tôi chỉ có một.
“Tớ sẽ giúp.”
Có lẽ chỉ là do bất ngờ ban đầu mà Chitanda liền bảo là không cần phải phụ, vì sau đó nhỏ không từ chối đề nghị của tôi thêm một lần nào nữa.
2.
Đền thờ thần Inari tọa lạc khiêm tốn ở bên cạnh chánh điện, tận cùng của một con đường dài và hẹp. Nhắc mới nhớ, chắc chắn là có một cái biển lất phất của một góc tiền sảnh để chữ “Thiên Hồ Điện” . Chả hiểu tại sao nó lại không được đặt gần cái lối vào.
“Kỳ lạ. Không có hướng dẫn gì thì ai mà biết để tới đó nhỉ?”
“Tớ không rõ nữa… nhưng tớ cũng không nghĩ căn đền này được xây chỉ để thu hút khách.”
Tôi cầm hai cây chổi, mỗi cây tựa vào một bên vai. Chitanda thì mang một cái xô chứa đồ hốt rác, giẻ khô, vài cái bao rác và găng tay vệ sinh.
“Tụi mình đi nào.”
Con đường hẹp ban đầu thoai thoải như một chân đồi nhỏ rồi nhanh chóng chuyển thành bậc thang. Tôi có cảm giác nếu mình đi trước sẽ có lúc vô tình chọc cán chổi vào Chitanda nên thôi thì theo sau cho lành. Bước trên những bậc thang tôi ngoảnh đầu lại, rồi không nghĩ ngợi gì mà chỉ nhìn khung cảnh mặt đất bên dưới dần bị che lấp bởi quá nhiều cây xanh.
Phải nói là… quá đỗi yên bình.
Đó chính xác là một bầu không khí yên bình nhưng không yên lặng. Nhận thức của tôi vẫn có tiếng lá bị gió thổi xào xạc, tiếng chim hót, tiếng bước chân của tôi và của Chitanda… thứ mới đây chỉ là một cuộc đi dạo bình thường dường như đã chuyển thành một hiện trạng kỳ lạ.
“Xin lỗi nhé Oreki-san. Cậu đang cảm thấy chuyện này kỳ lạ lắm phải không?”
Nghe lời thì thầm của nhỏ khiến tôi giật bắn mình.
“À, ừ, nhưng hôm nay tớ cũng rảnh.”
Không nói gì thêm chúng tôi cứ thế lên cao dần. Càng ngày các bậc thang cũng dốc hơn khiến tôi chẳng thể tập trung vào thứ gì khác ngoài chính đôi chân của mình. Ngay khi mình sắp sửa quên luôn cuộc trò chuyện ban nãy thì Chitanda lại lên tiếng.
“Lạ thật đấy.”
Về mặt tiêu hao thể lực thì đây xứng đáng gọi là một cuộc hành trình dù thực tế chỉ dài vỏn vẹn tầm năm phút. Về cuối con đường dần trở nên bằng phẳng cho tới khi tôi thấy một chiếc cổng torii đỏ rực cùng ngôi đền nhỏ xíu ngay phía sau. Trước đền có một bệ thờ bằng đá và trên đó đặt sẵn một chai rượu sake. Tôi đã đồ rằng sẽ chẳng mấy ai biết mà tới đây trước khi nhìn thấy vỏ lon bia và đầu lọc thuốc lá vương vãi khắp nơi.
Tôi đưa một cây chổi cho Chitanda.
“Vậy giờ mình dọn từ chỗ nào?”
“Trụ trì sẽ tự tay chăm sóc đền, việc của mình là quét lá xung quanh và mấy thứ nữa thôi.”
“Còn mấy cái giẻ lau này?”
“Là để lau sạch vết phân chim trên tượng thần cáo và tổng torii. Nhưng mà…” Chitanda khựng lại, đi một vòng số tám qua hai bức tượng mà cười với tôi. “Trông vẫn còn sạch lắm. Vậy là chỉ cần lau chai rượu thôi.”
Tại sao lại có chai rượu ở đây nhỉ? Nói như nhỏ thì chắc không phải là ai để quên rồi…
“Rồi, vậy thì bắt đầu thôi.”
Nghe vậy Chitanda cười khúc khích mà nói: “Trước đó mình phải hành lễ đã.”
À nhỉ.
Tựa hai cây chổi cạnh tượng thần Cáo, chúng tôi đứng cạnh nhau trước đền thần Inari mà chắp tay lại. Nam mô.
Nếu tôi nhớ không lầm thì thần Inari phù hộ cho bán buôn lợi lộc. Tôi cùng nhớ là đã đọc ở đâu, hoặc là nghe Satoshi kể, rằng vốn Inari là thần về nghề nông… nhưng dù có là thế nào thì cũng chẳng liên quan tới tôi lúc này. Vậy thì hành lễ sao ta… đành vậy. Xin thần thứ lỗi vì con chuẩn bị mạo phạm tới đền của ngài, nhưng sẽ rất nhanh thôi ạ.
“Được rồi đấy.” Chitanda nói.
Xem ra nhỏ sẽ phụ trách phần cọ rửa. Dù sao thì cũng tốn công vác hai cây chổi nặng trịch lên tới tận đây nên có lễ tôi sẽ đảm nhiệm phần quét lá. Ôi cứ như là đến nhầm mùa ấy, lá rớt trên mặt đất như một thảm úa vàng. Quét hết mớ này xem ra cũng bở hơi đây, nghĩ vậy tôi bắt đầu động tay và quyết định chọn khu vực quanh cổng torii làm nơi bắt đầu.
Âm thanh như nhạc điệu của tiếng những cọng tre cọ xuống nền đất với tôi thật vui tai đến kỳ lạ.
Cơ mà lại nhắc mới nhớ, sáng nay tôi cũng dọn nhà, và sau một khoảng thời gian tận hưởng ánh nắng ấm áp tôi lại tiếp tục… dọn dẹp cho “nhà” của người khác à?
Hứm, hưm, hừm… Tôi hòa theo nhịp điệu của tiếng quét chổi.
“Hôm nay cậu có chuyện vui nhỉ Oreki-san.”
Chỉ lúc này tôi mới nhận ra mình “nhỏ tiếng” cỡ nào. Có lẽ các bạn cũng đoán được là tôi đang xấu hổ gần chết. Mặt nóng bừng bừng. Trong tình thế dù không có gì cứu vãn này ít nhất tôi cũng phải níu kéo lại thanh danh một chút…
“Không hẳn,” là tất cả những gì tôi có thể đáp.
Chitanda chỉ bụm miệng lại, vai khẽ run lên. Sau khi lau sạch chai rượu nhỏ đeo găng tay mà thu nhặt những vỏ lon rỗng bỏ vào xô rồi cầm chổi quét chung với tôi. Chẳng có kế hoạch nào định trước cả nhưng rồi tôi sẽ lo hết mạn phải còn nhỏ thì mạn trái. Sau lần muối mặt vừa rồi tôi lại tiếp tục quét mà chú ý tối đa tới âm lượng khi những tiếng “hứm hừm” mình ngân lên. Tiếng quét chổi của hai chúng tôi lúc thì lạc điệu, lúc thì hòa thanh.
“Tớ có hơi ngạc nhiên,” Chitanda đột nhiên lên tiếng. Tôi chỉ nghe mà không nhìn nhỏ.
“Về điều gì?”
“Về việc cậu muốn giúp.”
“Đôi khi người ta chỉ đơn giản là muốn quét dọn.”
“Vậy sao?”
Tôi nghĩ trong chốc lát.
“Ờ, trừ những dịp ví dụ như sắp có kỳ thi hay gì ấy.”
Nhỏ đáp lại đầy phấn khởi. “Tớ cũng thế, cứ trước kỳ thi là lại ngại này ngại nọ.”
Đằng xa có tiếng chim hót.
“… Oreki-san, chẳng phải cậu luôn nói rằng nếu một thứ gì đó có thể tự giải quyết được thì sẽ chẳng động tay đến phải không? Đó là lý do tớ hơi bất ngờ. Tớ đã nghĩ là khi đó cậu sẽ về ngay.”
Ờ thì dù sao việc quét lá cũng không nhọc nhằn như tôi nghĩ. Ngay từ đầu tôi đã là người ngoài và chắc chắn nhỏ cũng sẽ ổn nếu khi đó tôi chỉ chào rồi đi ngay. Thực tế thì chín trên mười trường hợp tôi sẽ làm thế. Không dừng tay, tôi đáp:
“Hôm nay tớ không được ổn.”
“Sao cơ? Cậu thấy khó chịu ở đâu à?”
“Không phải. Chỉ là, nói sao nhỉ, tớ cảm thấy mình không giống thường ngày. Như kiểu hôm nay tớ lại muốn đi đâu đó, và nếu không ở đây thì có lẽ tớ cũng chỉ tiếp tục đi ngắm cảnh mà thôi. Thế nên nếu có thể làm được gì có ích thì sao lại không?”
Nhìn Chitanda, tôi thấy nhỏ cứ nghiêng đầu hết qua trái lại qua phải như không hiểu điều gì, nhưng cuối cùng vẫn nói:
“Ưm, cám ơn cậu nhé.”
Chả hiểu nhỏ cám ơn vì cái gì.
Quay trở lại những động tác quen thuộc tôi bắt đầu cảm thấy những giọt mồ hôi. Gió đã lặng giữa các hàng cây. Những trận mưa kéo dài khiến nền đất ẩm và bết chạt vào nhau khiến việc quét lá trở nên khó khăn. Tôi phải dồn nhiều lực hơn khiến những cọng chổi rít lên những tiếng như gào thét.
“Oreki-san.”
“Hửm?”
“Tớ hỏi cậu cái này được không?”
“Ừm.”
Hỏi gì nhỉ? Lúc này hình như vẫn còn sớm để bắt đầu làm tập san cho Lễ hội văn hóa mà. Cuộc đối thoại đi đến một khoảng lặng khi Chitanda trông có vẻ do dự về điều gì đó. Nhỏ chỉ cứ thế mà quét lá, ngay lúc hơn là đang đứng yên một chỗ mà quét khoảnh đất đã trơ trụi từ lâu. Cảm thấy mất kiên nhẫn, tôi chuẩn bị hỏi là nhỏ muốn nói gì thì Chitanda đã lại lên tiếng:
“Ưm… Cậu không cần trả lời nếu không muốn, nhưng mà…”
“Nếu là về điểm thì cho tớ xin. Kiểu gì cậu cũng cao hơn.”
“Không, không phải chuyện đó.”
Một khoảng thời gian nữa được nhỏ giành ra chỉ để hít một hơi sâu.
“Tại sao cậu lại nói cái lời cậu luôn nói ấy?”
“Cái lời tớ luôn nói?”
“Cậu biết đấy… ‘Việc không làm thì bỏ, đã làm thì phải làm cho nhanh’ ấy.”
Ồ.
Tôi ngừng lại. Âm thanh của hai cây chổi chà xuống nền đất cũng tan theo.
Có lẽ hiểu lầm phản ứng của tôi Chitanda nhanh chóng xua tay đầy hối lỗi.
“Ưm, không nói cũng không sao mà. Tớ bất lịch sự quá rồi. Nếu cậu cảm thấy khó chịu thì đừng nói gì cả. Cơ mà… nãy tớ có nói sai chữ nào không nhỉ?”
Tôi bất giác nở một nụ cười.
“Tớ hiểu cậu muốn nói gì.”
Rồi thở dài.
“Chỉ là đang chưa biết nói gì mà thôi. Đó không phải một sự kiện vui vẻ hay phức tạp gì cho lắm… nhưng thực sự đã khiến tớ không còn muốn cố sức vào mọi việc nữa.”
“Thật sao?”
Tôi lần mò lại ký ức trong khi hướng mắt vào khoảng trời không chút gợn mây lọt giữa nền lục thẫm. Không nhờ cũng có lúc mình sẽ trả lời một câu hỏi như vậy… hôm nay quả thực là kỳ lạ.
“Xem nào…” tôi lẩm bẩm rồi quay trở lại với việc quét lá.
3.
Rồi, tớ sẽ không nói đây chính xác là lý do cũng như là một cái gì đáng để nghe. Nhưng nếu cậu muốn thì tớ sẽ kể.
Đó là khi tớ học lớp sáu. Ở trường tớ thì mỗi thành viên trong lớp sẽ đảm nhận một công việc nhất định. Ồ, trường cậu cũng vậy à? Thế thì chắc không cần giải thích thêm. Dĩ nhiên là tớ cũng được giao việc. Ban đầu thì cho chọn thích gì làm nấy, nhưng rồi hiển nhiên đã có tranh chấp và rốt cuộc mọi thứ được quyết định bằng cách biểu quyết. Không nhớ rõ quá trình nhưng kết quả là tớ được giao nhiệm vụ trực ban. Nó như kiểu mấy người làm việc ở những công ty điện thoại cũ ấy. Hở? Cậu không hiểu à? Ưm, như kiểu nhân viên tổng đài ấy. Mà thôi, mai cậu có thể hỏi Satoshi để biết thêm chi tiết, cơ bản nó không phải một công việc cụ thể. Ngoài ra thì cũng có những việc liên quan tới lau dọn, trang trí lớp hay đại loại vậy. Cũng bởi cơ chế chia lớp ra làm nhiều nhiệm vụ khác nhau nên phải có một chức vụ chuyên làm những việc mà chưa giao cho ai. Một trong những việc cụ thể tớ nhận được… tốt nhất đừng có cười đó, là tưới vườn hoa.
Thế đấy, tớ thì lại không hiểu biết lắm về các loài hoa. Nói về tên thì khi đó quá lắm nhớ được mỗi hoa păng-xê là cùng. Và rồi công việc tưởng như chỉ là tưới nước mỗi ngày hóa ra lại phiền phức hơn tớ nghĩ. Nhà cậu làm nông thì chắc thừa hiểu nhỉ. Tớ còn phải kiểm tra tình trạng và độ ẩm của đất trước khi quyết định có cần tưới thêm hay không. Có ba lớp được phân coi sóc vườn hoa mỗi tuần nên cơ bản là cứ cách hai tuần tớ sẽ phải kiểm tra đất mỗi ngày trong tuần tiếp theo. Rất nhiều thứ phải ghi nhớ và đó chỉ là một trong số những công việc. Làm duy nhất một thứ mỗi ngày rất khác với phải luân phiên thay đổi giờ giấc để phù hợp với công việc hiện tại.
Thực ra tớ không làm một mình. Đó là một nhóm hai người và người kia tên là… không biết nói tên ra thì có sao không. Thôi thì cứ gọi là Tanaka đi. Hửm? Đó là một bạn nữ. Ai cũng được phân thành một nhóm nam-nữ cả.
Tanaka không nổi bật trong lớp, tới mức thậm chí cả tớ - người thậm chí chả quan tâm tới những chuyện ngồi lê đôi mách - cũng nhận thấy. Cậu ấy rất khép kín, và dù cậu có cố bắt chuyện thì cuộc hội thoại ấy cũng chỉ kéo dài sau vài lời là cùng. Phải nói là một tính cách khá u ám… Tóc à? Tớ nhớ là tóc dài nhưng không để dài như cậu. Ủa mà sao thế? Bộ có gì liên quan tới tóc à?
Mà thôi, tóm lại là Tanaka và tớ được giao nhiệm vụ tưới cây. Không có gì xảy ra trong mấy tuần đầu cả. Cứ tới đúng tuần của lớp mình là tớ và Tanaka lại đi xuống vườn hoa sau trường vào giờ tan học để cùng nhau kiểm tra tình trạng đất. Một cuộc tranh cãi đã xảy ra khi tớ một mực muốn tưới còn Tanaka thì ngăn lại mà bảo rằng chưa cần thiết. Cậu ấy đã nói rằng tưới nước quá nhiều sẽ hại cho cây hơn là lợi. Tanaka chưa bao giờ là tuýp người quyết đoán về vấn đề gì, thế nên khi lần đầu nghe thấy một lời phản đối – dù bằng những lời rất nhẹ nhàng – thốt ra từ cậu ấy tớ đã khá sốc. Cũng từ đó tớ nhận ra rằng chăm sóc hoa chẳng phải chỉ là vấn đề tưới nước hay không mà việc giữ cho chúng không héo mới là trách nhiệm cuối cùng.
Dù vậy cuộc bàn luận về cách chăm sóc hoa cũng chỉ đến thế. Một tuần. Sau đó do cả hai đều hiểu mình cần làm gì nên chẳng cần thiết phải đi chung, thế là mới bàn nhau đi xen kẽ. Tớ nghĩ đây là cách hay nhất… nhưng rồi cũng chẳng được mấy bữa. Thế sự đã thay đổi từ cái này Tanaka nhờ tớ giúp.
“Nhà mình đang xây lại nên phải ở tạm nơi xa trường lắm, đi xe buýt mất cả tiếng cơ mà lại không có nhiều chuyến nữa. Vì vậy tan học cái là mình phải về liền,” cậu ấy nói.
Tớ không nhớ là mình cảm thấy phiền lòng gì, nhưng nghe vậy thầy chủ nhiệm cũng tham gia mà nói:
“Tanaka cũng khó xử lắm đấy em biết không? Phải hiểu cho bạn. Nhà em cũng gần nên về trễ một chút đâu có sao nhỉ?"
Đúng vậy. Nhà tớ khá gần trưởng tiểu học… lên sơ trung thì xa quá trời nhưng thôi, không lạc đề. Thầy chủ nhiệm là một người trẻ tuổi và nếu tớ nhớ không lầm chỉ có ba năm kinh nghiệm. Thầy có tính rất ganh đua, luôn muốn tìm cách để cải thiện lớp về nhiều mặt…. ví dụ như:
“Oreki, em dán cho thầy mấy miếng băng keo xuống sàn để các bạn dễ xếp bàn ngay ngắn hơn nhé.”
Hay…
“Oreki, thầy muốn làm một cái bảng tin lớn hơn cho lớp, em cắt giấy dùm thầy nhé.”
Và…
“Oreki, thầy thấy cái đèn này hơi mờ, em đứng lên cẩn thận rồi gỡ xuống nhé.”
Cậu bất ngờ phải không? Cũng phải. Lúc nào thầy cũng có cái để sai tớ làm. Giờ nghĩ lại thì có lẽ đó giống như chủ định của thầy hơn. Gần như luôn luôn sau khi tớ tưới nước cho vườn hoa và trở về phòng học gần-như-trống-không thì thầy sẽ chờ sẵn ở đó mà nhờ tớ làm không cái này thì cái kia. Dĩ nhiên là tớ nghe lời và không thắc mắc gì cả. Năm lớp sáu đã bắt đầu rồi tiếp diễn như vậy đấy. Có lẽ thầy cũng tùy người mà sai. Thầy biết về tình cảnh của Tanaka và nhờ tôi làm hộ phần việc của cậu ấy, tớ đồng ý. Tuần sau đó là tuần trực nên tớ đã làm mọi việc, một mình, và mọi ngày trong tuần. Ban đầu Tanaka còn nói “Xin lỗi cậu, và cảm ơn nhé,” nhưng nghe riết thì cũng nhàm. Một thời gian sau cậu ấy tới giờ là chỉ xách cặp đi về mà chẳng nói gì nhưng điều đó chẳng làm tớ nghĩ điều gì không hay. Tớ biết cậu ấy cũng chẳng vui vẻ gì. Đi bộ đến trạm xe buýt thành phố cũng tốn sức rồi mà lại phải ngồi trên xa cả tiếng đi rồi về…
Đó là phần đầu. Nãy giờ có chỗ nào cậu khó hiểu không? Tớ không quen kể chuyện kiểu này cho lắm.
Tốt, vậy tiếp tục nhé.
Một ngày nọ, chuyện đó xảy ra.
Tanaka và tớ đi xuống vườn hoa vào giờ nghỉ trưa. Tụi này được thầy chủ nhiệm nhờ gieo thêm vài hạt giống ấy mà. Tớ cũng quên đó là hạt gì rồi, lúc đó là ngay trước mùa hạ thì chắc là hoa bìm bìm… Không tớ nói thật đấy, không nhớ mà. Rồi thầy còn bảo tụi này cắm xuống mấy cái biển tên loài hoa nữa. Ừ, đó là ý tưởng mới của thầy, cái “kế hoạch cải thiện môi trường học tập” của thầy xem ra không chỉ giới hạn trong lớp học. Nhiều biển tên lắm, hai người cầm đã còn khó mà đằng này phải mang thêm hạt giống nên tớ bèn gói hết lại bằng mấy tờ giấy rồi bỏ vào túi. Tanaka thì khác, cậu ấy vẫn cố gắng vừa cầm biển tên vừa giữ mớ hạt giống trong hai bàn tay và, như cậu có thể tưởng tượng, không nổi.
“Bỏ vào túi ấy,” tôi thản nhiên đề xuất vì tôi làm được chẳng lẽ Tanaka lại không? Nhưng cậu ấy lắc đầu mà nói:
“Tớ không có túi.”
Chỉ từ lúc đó tớ mới có ấn tượng rằng đồng phục tiểu học của con gái không có túi… dĩ nhiên, đó tới giờ có được thử đâu mà biết?
Tụi này không trò chuyện gì cả. Dù là làm chung nhưng Tanaka dường như chẳng động tay vào thứ gì nên hiển nhiên không có gì mà tranh cãi. Gieo hạt thì ổn, nhưng tới vụ cắm biển tên thì tụi này mới nhận ra một chuyện: cả Tanaka và tớ đều chẳng biết hoa nào là hoa nào. Chẳng được ai chỉ dạy cả. Thế rồi đến hết giờ nghỉ trưa mà tụi này vẫn không thể hoàn thành.
Tới giờ tan học ngày hôm đó…
Tuần này là tuần trực của lớp nên tớ sẽ một mình xuống vườn hoa. Sau khi kiểm tra đất và gieo nốt mớ hạt còn lại tớ quyết định chưa cần phải tưới nước. Như vậy lẽ ra tớ đã có thể về sớm nhưng lại quyết định ở lại trường thêm một chút… khác chắc chắn là về lớp nói chuyện vài người bạn. Đó là lúc Tanaka bước vào, trông như sắp khóc tới nơi.
“Cặp tớ mất rồi,” cậu ấy mếu máo.
Làm sao là một thứ to như cái cặp lại có thể mất được? Tớ nghĩ thế, nhưng có nói ra thì cũng không thể khiến nó nhiệm màu mà hiện ra nên cả hai rà soát lại phòng học lần nữa, và khi chắc chắn là không có tớ mới đề xuất đi nhờ thầy chủ nhiệm. Cũng là lớp sáu rồi, đứa nào cũng đang tuổi lớn nên ghét việc tâm sự với giáo viên cũng là chuyện thường, nhưng lạ là ở chỗ Tanaka nhanh chóng đồng tình. Ba người chia nhau ra mà tìm khắp những nơi có thể nghĩ tới. Là ai á? Dĩ nhiên là Tanaka, thầy và tớ. Còn mấy người bạn tớ nói chuyện lúc nãy á? Chả nhớ nữa, mà chắc chắn là không đi kiếm chung. Có lẽ thấy biến nên về nhà cả rồi.
Bấy giờ trông thầy cực kỳ nghiêm trọng. Lúc đó thì tớ không nhận ra, nhưng sau này nghĩ lại gì… có lẽ thầy đang lo về chuyện đó. Ý tớ là gì à? Chắc cậu phải biết chứ. Không biết à? Ừm thì là “bắt nạt” ấy. Có thể thầy đang nghĩ rằng ai đó vì muốn bắt nạt Tanaka mà giấu cặp của cậu ấy đi. Tớ khi đó chỉ nắm bắt tình hình mà cố gắng tìm kiếm càng nhanh càng tốt.
Nè, đừng nhìn tớ thế chứ. Rốt cuộc thì chả có bắt nạt gì cả. Chiếc cặp vốn bị bỏ quên ở cạnh giàn cọc… Cậu không biết đó là cái gì à? Nó hay có ở mấy cái trung tâm giải trí hay bãi đất rộng để con nít chơi leo trèo ấy. Trường tớ cũng có một cái, và Tanaka đã để tạm ở đó mà đi chơi. Chuyện tiếp theo có lẽ là vài đứa nhóc lớp một hay hai đi ngang qua, tưởng là đồ để quên mà mang tới phòng thầy tổng phụ trách. Chỉ thế thôi. Khổ cái là thầy tổng phụ trách sau khi nhận lại có việc phải đi ra ngoài nên trong thời gian đó không ai biết chiếc cặp là đồ bị bỏ quên nên chẳng có thông báo nào. Mọi chuyện chỉ là xui xẻo mà thôi.
Thực lòng mà nói tớ nhẹ cả người. Dù trò chuyện không nhiều nhưng chẳng hiểu sao khi ấy tớ lại cực kỳ muốn giúp Tanaka tìm lại chiếc cặp.
Khi thấy thầy tổng phụ trách mang cặp ra tớ đã rất mừng.
Thầy không quên thuyết giáo cho Tanaka một trận. “Em tuyệt đối không được để thứ quan trọng như cặp sách lung tung như thế!” hay đại loại vậy. Tớ hồi đó cũng cứ quăng cặp đấy cả tá lần để đi chơi chứ đâu, có trách là trách tụi nhóc chả biết gì mà lại mang đi ấy chứ… dĩ nhiên là chỉ nghĩ thôi, không có nói. Nghe thầy mắng Tanaka chỉ đứng đó, bồn chồn và lo lắng. Tớ có thể hiểu cậu ấy đang lo điều gì. Nghĩ mà xem, Tanaka chưa thể được kiểm tra xem đồ đạc trong cặp có nguyên vẹn hay không. Chắc chắn cậu ấy đang cầu cho bài thuyết giáo kết thúc càng nhanh càng tốt và thời điểm đó phải vỗ tay cho thầy chủ nhiệm về sự tinh ý. Thầy chờ tới khi thầy tổng phụ trách ngưng lại một phát là bồi vào luôn:
“Thầy tổng phụ trách hoàn toàn đúng, nhưng mà em cũng nên kiểm tra xem đồ đạc trong cặp có bị làm sao không.”
Khi được đưa cho chiếc cặp, mọi sự im lặng của Tanaka được giải phóng. Cậu ấy tức tốc mở khóa cặp mà rút ra một cái hộp bút. Tớ nhớ là khá nhỏ và chẳng có hoa văn gì đặc biệt. Nhìn thấy cây bút chì kim nằm trong đó Tanaka liền thở phào nhẹ nhõm.
“Tạ ơn trời…”
Chỉ lướt sơ qua nhưng tớ cũng kịp nhìn thấy có hình một nhân vật nhỏ xíu trên cây bút chì . Là nhân vậy nào nhỉ... tớ không nhớ rõ, dù sau này cậu ấy có nói rằng cây bút là phần thưởng một cuộc thi trên tạp chí. Trông chả đắt đỏ gì nhưng cậu biết ấy, mỗi người có một mỹ quan riêng. Trông Tanaka khi đó mừng như thế nào mới biết cây bút thực sự là báu vật với cậu ấy.
Tôi hỏi: “Có bị mất gì không?”
Nắm chặt cây bút trong tay cậu ấy đáp: “Chỉ cần nó còn thôi là được. Những thứ còn lại về nhà tớ kiểm tra sau.”
“Cậu chắc chứ?”
“Chắc mà. Cám ơn cậu.”
Mang bút chì kim đến trường tiểu học chả có gì là sai cả, dĩ nhiên. Nhưng sự từ đây mới bắt đầu. Không may cho Tanaka là thầy tổng phụ trách cũng nhận ra điều đó.
“Em tuyệt đối không được mang những thứ quý giá như vậy lên trường!” thầy quát đầy tức giận. Mà cậu nghĩ xem, sách vở có khi còn mắc hơn nhiều so với một cây bút chì kim phải không? Thầy nói vậy thì chẳng lẽ chỉ được mang tới trường những thứ có mất cũng chả sao? Nhưng tớ cũng chẳng thể nói ra được.
Ngày hôm sau, trường ban hành một nội quy cấm tất cả dụng cụ học tập có hình nhân vật trên đó. Hoàn toàn bất ngờ. Sách vở bút tẩy, thậm chí đồ kê tay… mọi thứ có hình nhân vật đều liên lụy. Khỏi phải nói lũ học sinh khi đó làm loạn cả lên, và chỉ có tớ và Tanaka biết tại sao sự lại ra thế này.
Đó, hết chuyện.
Tớ cũng khá là sốc trước sự chuyển biến này. Không lâu sau là một khoảnh khắc mà lần đầu tiên tớ nói câu “Việc không làm thì bỏ.”
4. Edit
“Hở?”
Chitanda đơ người. Một chút bối rối cũng không. Nhỏ cứ thế mà đứng trời chồng như thể vừa tua lại câu truyện để nghe lần nữa. Việc quét lá coi như xong, giờ chỉ là hốt hết vào ki rồi nhét vào mấy cái bao rác mà thôi. Nói thế chứ công đoạn cuối cùng này trông cũng mệt phết. Cái ki vẫn còn nằm trong xô. Tôi điịnh bước đến lấy thì nhỏ lại lên tiếng:
“Ớ?”
“Chả có gì ‘ớ’ ở đây cả.”
“Tớ vừa được nghe hết câu truyện phải không?”
“Hy vọng thế.”
“Đoạn kết chẳng phải hơi kỳ sao?”
Ừ, đúng là kỳ mà.
“Oreki-san, cậu đã giúp Tanaka-san tìm cặp đúng không? Chiếc cặp đã được tìm ra và cây bút chì quý giá của cậu ấy vẫn còn… rồi sau đó trường cậu cấm tất cả đồ dùng học tập có hình nhân vật… phải không?”
Đúng thế. Tôi cầm cái ki lên ngay lúc nghe một âm thanh như hai tay vỗ vào nhau.
“A, tớ hiểu rồi!’
“Thế à?”
“Cậu có nhiều đồ có hình nhân vật lắm phải không Oreki-san? Thế nên cậu bị sốc khi lệnh cấm được ban hành… nhưng mà… thế gì liên quan gì tới ‘Việc không làm gì bỏ’ nhỉ?”
Rồi nhỏ lại nghiêng đầu qua trái qua phải, vừa nghiêng vừa quét vừa tập trung suy nghĩ, và rồi khẽ tiếp tục:
“Chẳng lẽ… vì những thứ đó bị cấm nên cậu cảm thấy hối hận vì đã giúp Tanaka-san? Cậu thực sự nghĩ vậy sao?”
Không tệ. Thường thì mỗi khi tôi cố gắng vào việc gì là y như rằng nó sẽ mang lại một mớ rắc rối. Có thể nhỏ nhìn ra được điều đó mà dùng để suy đoán… nhưng không may.
“Sai rồi.”
“Nhưng mà…”
“Đừng dừng tay chứ.”
“À-à nhỉ.”
Chitanda cơ bản đã xong phần mạn của mình. Lá được chồng thành từng đống lớn và vì chỉ có một cái ki nên tôi xí phần sử dụng trước. Vừa hốt tôi vừa nói:
“Lúc nào cậu cũng nhảy tới phần kết luận trước nên kỳ này tớ mới bắt chước theo.”
“Kỳ quá à! Vậy là cậu thực sự bỏ qua phần quan trọng của câu truyện rồi sao Oreki-san!”
“Ờ.’
Ôi, nghe như chim hót bên tai.
Quả thật hôm nay tôi không bình thường chút nào. Chắc chắn từ đầu đến cuối là cách hay nhất để kể câu truyện này nhưng… chả hiểu sao tôi lại không thích thế. Nhìn thấy một Chitanda đang bực bội lại khiến tôi từ nay cứ muốn lâu lâu lại làm thế một lần mà không thấy bản thân tội lỗi cho lắm. Chỉ là giết thời gian thôi mà. Nhờ vậy việc quét dọn trông ngắn ngủi hẳn lên.
“Xem nào…” Chitanda đặt một ngón tay lên môi mà lại đăm chiêu suy nghĩ. Im lặng lúc này thì hơi tàn nhẫn quá, tôi bèn giúp nhỏ luôn.
“Vụ trường cấm đồ dùng học tập có hình nhân vật là có thật nhưng nó chả liên quan gì tới câu truyện đâu.”
Nhỏ liền nhìn tôi, mắt nở to. “Vậy là… cậu trêu tớ sao?”
“Gần như vậy.”
“O-Oreki-san!”
Nhồi mớ lá vào bao tôi nhận ra một đống thì trông to vậy chứ khi nhét vào thì nhỏ đến thảm hại, đó là chưa kể một mớ đất cũng bị hốt chung nữa.
“Đừng giận. Tớ hồi tiểu học ngay lập tức nhận ra điều kỳ lạ ở đây thì cậu cũng không mất nhiều thời gian đâu.”
“Sao mà được…” nhỏ nói. “Cậu khác tớ chứ Oreki-san. Không hiểu sao nữa, nhưng chỉ là tớ không giỏi suy luận như kiểu của cậu.”
Vậy là nhỏ cũng biết thế à…
Không định chọc nhỏ thêm nữa, vả lại có lẽ tôi cũng không kể tốt cho lắm.
“Được rồi, đầu tiên tớ có giải thích kỹ về công việc của tớ và Tanaka phải không?”
“Đúng vậy.”
Chitanda nghiêng người tới trước mà gật đầu. Vẻ mặt trông cực kỳ nghiêm túc khiến tôi có cảm giác mình vừa làm chuyện gì thật tệ với nhỏ.
“Nhưng không lâu sau Tanaka không thể ở lại trường sau giờ học được nữa nên tớ phải một mình làm việc trong cả tuần mỗi khi tới lượt.”
“Đúng vậy.” Và như muốn nhấn mạnh rằng mình đang nghe chăm chú, nhỏ thêm vào: “Vì nhà đang xây lại nên cậu ấy phải sống tạm ở một nơi khá xa đây. Đi xe buýt mất một tiếng.”
“Đó là điểm tớ muốn nói đấy.”
Chitanda có một trí nhớ đáng ngưỡng mộ, nhưng vì đây là điểm quan trọng nên tôi cũng không quên được.
“Tớ tin rằng mình có nói về việc chuyến xe tốn một tiếng đồng hồ và từ đâu.”
“Đúng thế. Tốn một tiếng tính từ trạm và bằng xe buýt.”
“Tốt. Cụ thể xe buýt đó là…”
“Xe buýt thành phố.”
“Vậy thì làm sao cậu ấy lên được đúng không?”
Xem ra Chitanda đã hiểu. Nhỏ liền lấy tay bụm miệng lại nhưng không thể che dấu sự bất ngờ lóe lên từ khuôn mặt. Lần này tinh đấy chứ.
“Ồ, ra là vậy. Tanaka-san sẽ không thể về nhà vì đồng phục cậu ấy không có túi!”
“Đúng vậy.”
“Để đi xe buýt thành phố cần có tiền hoặc vé. Nếu một học sinh tiểu học không thể nhét những thứ ấy vào đâu trên người thì cách duy nhất là vào cặp.”
Tôi gật gù tán thưởng.
“Vậy đấy. Đó chính là điều kỳ lạ mà tớ lúc đó đã nhận ra. Ban đầu tớ cứ ngỡ là cả thầy và trò phải gấp gáp đi tìm cái cặp để Tanaka có thể kịp xe buýt. Tại sao cậu ấy lại vẫn chơi đùa trong trường sau giờ học? Tớ chỉ nghĩ rằng đó là cách giết thời gian khi chờ xe đến nên đã dốc sức tìm cho cậu ấy. Thế mà khi nhận lại chiếc cặp thì điều đầu tiên và duy nhất Tanaka làm là tìm xem cây bút chì kim có hình nhân vật của mình có còn hay không. Khi hỏi là ‘có chắc chứ’ tớ đã đinh ninh rằng cậu ấy sẽ nhớ ra còn cái gì quan trọng khác cần phải kiểm tra, nhưng câu trả lời thì chỉ có một.”
“Vậy nghĩa là sao?”
Đến đây rồi mà nhỏ vẫn chưa nghĩ ra à?
Mà thôi, không trách được. Cả thằng tôi lớp sáu còn thấy khó để mà tin.
“Kết luận duy nhất tớ có thể rút ra là hôm đó Tanaka không đi xe buýt.”
“Làm sao mà…”
Không nói nên lời, Chitanda chỉ tròn mắt.
“Tớ không nghĩ sự đã vốn vậy từ đầu. Lúc mới nhờ tớ làm dùm thì hẳn là cậu ấy phải đi xe thật, nhưng chí ít là tới ngày hôm đó thì chuyện đã khác. Đời nào là một cây bút chì kim lại quan trọng tới mức không màng tới chuyến xe vừa ít vừa xa xôi để về nhà nào? Lý do chỉ có thể là Tanaka không cần phải đi xe buýt nữa.”
“Vậy là nhà cậu ấy đã được xây xong nhỉ? Thế sao lại…”
“Chẳng phải quá rõ ràng rồi ư?”
Tôi thở dài.
“Vì cậu ấy muốn đẩy mọi công việc cho tớ.”
Chitanda lên tiếng khi tới lượt mình dùng ki hốt lá.
“Vậy đó là chuyện đã xảy ra. Vì cậu ghét sự dối trá đó nên mới nói ‘Việc không làm thì bỏ’.”
Không hẳn là vậy… Không, đúng hơn là không bao giờ như thế. Xem ra cách tôi diễn dịch có vấn đề thật.
Chuyện xảy ra sau đó thực sự chẳng đẹp đẽ gì. Tôi biết rõ đó không phải là thứ mà bạ ai cũng kể được nhưng Chitanda đã lỡ đi quá xa trong suy đoán của nhỏ rồi. Liệu tôi có thể im alwjng mà để cho phần kết này bị hiểu lầm như thế không?
“Không,” tôi đáp. “Hôm đó, ngay khi nhận ra Tanaka không có tiền hay vé đi xe buýt phản ứng đầu tiên của tớ là lập tức nhìn thầy chủ nhiệm. Ngay từ đầu chính thầy là người muốn tớ một mình làm hết việc vì nhà Tanaka đang sửa đúng chứ? Thầy hẳn sẽ nhận ra ở đây có cái gì bất thường, và nếu vậy chẳng lý gì thầy lại không quở trách cậu ấy một chút đúng không? Nhưng thầy đã không làm vậy.”
Chitanda nhìn tôi đầy lo lắng.
“Cũng có thể là thầy không nhận ra chứ?”
Thế thì đã mừng.
“Không, khi đó thầy có một biểu cảm rất hoảng hốt. Cậu mà ở đó thì hẳn là sẽ nhìn thấy chữ ‘Chết, lộ rồi!’ như viết rõ trên mặt thầy vậy. Phản ứng đó là đủ để tớ hiểu là việc xây nhà của Tanaka đã hoàn thành.”
“…”
“Vậy tại sao thầy không nói với tớ? Tại sao mọi thứ không thể trở lại như ngày đầu tiên khi hai đứa còn cùng làm? Cũng có thể khi ấy tớ bị ám ảnh về sự ngược đãi nào đó… vì tớ luôn luôn làm mọi thứ được giao mà không phàn nàn lấy một lời. Và cũng vì quá tiện dụng như thế mà phải chăng thầy nghĩ rằng việc ai đó đùn trách nhiệm lên tớ cũng chả phải là cái gì đáng quan tâm?”
Chống mình vào cán chổi như thể nó là cái cần cẩu, tôi tiếp tục:
“Và rồi tớ suy nghĩ thêm chút nữa. Cậu biết ấy, rốt cuộc thì việc nhà Tanaka xây lại đâu hề liên quan gì đến tớ đúng không? Vậy việc tớ làm dùm phần việc của cậu ấy có đúng hay không? Không đúng một chút nào. Việc của Tanaka thì cậu ấy phải lo. Tớ chẳng có nghĩa vụ gì hết. Ừ thì dù gì cũng là bạn là bè, giúp đỡ nhau một chút cũng chả sao, chưa kể việc tưới nước hay gieo hạt cũng đâu thể nói là khó hay cực gì? Nhà tớ cũng gần, về nhà cũng nhanh… Đấy, chính những ý nghĩ đó khiến tớ ngây ngô để mình có cơ hội bị lợi dụng.”
Và Tanaka đã nắm lấy nó.
Sau sự việc này, tôi bắt đầu nhận ra rằng có hai loại người: những người biết thế giới này vận hành thế nào và đẩy mọi thứ họ không làm cho người khác và những người vui vẻ chấp nhận làm cái bịch hốt rác cho người kia nhét vào. Năm lớp sáu ấy – không, khi đủ lớn để nhận thức về xung quanh mình tôi bắt đầu nhận ra mình là nhóm thứ hai. Thế là mọi ký ức dồn về như thác lũ, từng – cái – một! Khi đó, khi đó, và cả khi đó nữa… vậy đấy. Tại sao tôi là người bị sai phải mang một chai sốt xà-lách nặng cả lít khi lớp đi dã ngoại? Rồi khi trường suýt nữa phải tạm đóng cửa vì dịch cúm bùng phát tại sao không ai khác mà là tôi phải đến từng nhà các bạn bị bệnh để đưa hộ bài tập? Tại sao, khi cả bọn lỡ đá quả bóng làm vỡ kính cửa sổ thì tôi lại một mình tới phòng hiệu trưởng để xin lỗi thay cho mọi người, mà nhận một tràng chửi rửa chỉ vì trận bóng ấy tôi làm đội trưởng? Không. Tất cả là vì tôi-đã-không-phản-đối!
Chẳng có thứ gì là không lo được, dù gì thì tôi cũng trải qua đấy thôi. Tôi không xem những thứ đó là lỗ thiệt của mình, cũng không khinh ghét những người đó vì họ chỉ đứng ngoài mà coi nhẹ mọi chuyện…
Chỉ là, tưởng tượng việc chính mình bị coi như một công cụ tiện dụng khiến tôi đau!
Tôi lại nhớ thêm một ký ức nữa.
Khi khám phá ấy khiến bản thân buồn đến mức cứ mãi im lặng thì sẽ đau đớn lắm, tôi bèn tâm sự cả với chị.
Mình có nghĩ rằng làm người thì nên giúp đỡ nhau nhưng chưa chắc người ta nghĩ rằng mình đáng nhận được điều đó. Em không hề muốn người ta mang ơn mình. Em chỉ không bao giờ tưởng tượng được họ lại coi em như thằng ngốc. Không còn những buổi ở lại sau giờ tan học nữa. Khi nào còn có người xung quanh thì họ sẽ còn nhờ em làm chân sai vặt. Họ nghĩ em ngu tới mức chỉ biết làm mà không biết từ chối. Em cóc cần quan tâm họ nghĩ gì. Em chỉ ghét việc người lợi dụng người. Dĩ nhiên việc phải làm thì em sẽ làm, sẽ không phàn nàn một lời nào. Nhưng, nếu nó không cần thiết… nếu hóa ra nó là trách nhiệm của bất cứ một ai khác… Việc em không cần làm thì em sẽ bỏ. Tuyệt đối sẽ bỏ!
Nghe xong lời bộc bạch chẳng nhắm vào cái gì cụ thể ấy, chị đặt tay lên đầu tôi mà nói:
Ừ. Em là một đứa kỳ quặc luôn muốn mình hữu dụng với người khác. Và dù thực sự là một thằng ngốc nhưng em lại có những phần quá thông minh khiến người không hiểu chuyện dễ dàng thấy khó chịu. Không sao hết. Chị không cản em. Mình có làm gì hại ai đâu phải không nào? Chị không nghĩ những lời vừa rồi của em có gì sai cả.
Sau đó chị có nói thêm gì không nhỉ? Tôi có cảm giác là còn. Phải rồi, phần còn lại là…
Từ bây giờ em hãy đi nghỉ đi - một kỳ nghỉ dài. Đó là điều tốt nhất. Cứ tận hưởng nó thoải mái và bình thản. Cũng đừng lo gì hết. Kỳ nghỉ này dù có dài bao lâu cũng không thay đổi bản chất của em được đâu…
"—ki-san."
Mải mê trong dòng ký ức khiến tôi không nhận ra tiếng gọi của Chitanda.
“Ưm, xin lỗi. Cậu mới nói gì à?”
Gương mặt của Chitanda đã ở ngay phía trước, đôi mắt to tròn nhìn thẳng vào tôi.
“Cậu đã rất buồn phải không Oreki-san?”
Quay mặt đi, tôi cười.
“Không quá tệ cho lắm. Lúc đó tớ chỉ là một thằng nhóc rầu rĩ không biết làm thế nào cho tốt mà thôi.”
Đó đã là một thói quen ăn sâu vào tiềm thức khiến tôi từng nghĩ rằng rất khó để thay đổi.
Việc không cần làm thì phải bỏ.
Qua khóe mắt tôi thấy Chitanda nắm chặt hai tay vào cán chổi. Vẫn nhìn tôi, nhỏ nói:
“Tớ nghĩ là, dù vậy, Oreki-san… Về ‘cậu’ trong câu truyện ấy và ‘cậu’ đang đứng ở đây… Tớ vẫn nghĩ rằng hai người không khác gì nhau cả.”
Tôi rất muốn cười vào lời nhận xét đó.
Nhưng chẳng có một nụ cười cả.
Lùi lại một bước, Chitanda khom lưng xuống để nhặt cái bao bấy giờ đã đầy lá khô.
“Cám ơn cậu rất nhiều. Nhờ cậu mà nơi này đã sạch đẹp trở lại.”
“Ừ.”
“Kaho-san có lẽ sẽ mang bánh với trà cho tụi mình đó. Cậu có muốn ngồi lại thêm chút nữa không?”
Tôi cười nhẹ mà vẫy tay từ chối. Một lần ngồi giữa hai cô nàng là đủ lắm rồi.
“Thôi. Đưa chổi đây tớ mang xuống.”
Nhận lấy cây chổi tôi lại tựa mỗi cái vào một bên vai. Quay lại để tránh đụng cán chổi vào người nhỏ, tôi bước lùi mà nói:
“Chào Juumonji dùm tớ. Về trước nhé.”
Tôi bước xuống những bậc thang che bóng bởi các tán cây. Thanh âm của gió vuốt ve những bè lá lại lần nữa dịu nhẹ bên tai. Một ngày đẹp và kỳ lạ thế này vẫn chưa kết thúc ư? Cũng mong khi về tới nhà thì đống đồ đem phơi cũng kịp khô…
Tôi vẫn nghe thấy lời cuối cùng của Chitanda.
“Oreki-san! Cám ơn vì đã kể cho tớ câu chuyện của cậu. Tớ thực sự vui vì cậu đã làm thế!”
Vác chổi cồng kềnh thế này mà quay lại thì phiền lắm nên tôi cứ làm bộ như mình không nghe. Việc không làm thì bỏ… Ôi trời, bạn thấy gì chưa? Dù ngày hôm nay có bất thường thế nào thì chỉ cần tới đây là tôi đã trở về như cũ!
Tôi gãi đầu…
Rồi chợt nhớ ra. Đó là phần còn lại của những gì bà chị yêu dấu đã nói lúc đó, khi chị vò tóc tôi một cách đầy mạnh bạo…
Chị chắc rằng một ai đó sẽ kết thúc kỳ nghỉ này cho em.
Trích một khổ thơ haiku của thi sĩ vĩ đại Matsuo Basho (1644-1694). Kiến thúc bằng đá thường có màu đỏ được đặt trước đền thờ Thần Đạo. Gennai Hiraga (1728-1780) là một nhà phát minh nổi tiếng người Nhật Bản. Oreki ở đây muốn cảm thán rằng cái phát minh “Máy tạo tĩnh điện” (erekiteru) nghe giống như "Eru đang trong đó " (eru kiteru). Đơn vị đo diện tích phòng bên Nhật thường dùng là “chiếu” – tức là bội số của diện tích một bức chiếu tatami (91x182 cm) Một câu niệm trong kinh Phật. Houtarou cảm thấy lạ là vì đền nhà Juumonji là đền Thần Đạo chứ không phải Phật giáo. Vị thần về mùa vụ và thương nghiệp. Thần Inari có hình dạng là cáo nên còn được gọi là “Thiên Hồ” (cáo trời)