Hyouka

Truyện tương tự

Let This Grieving Soul Retire ! Woe is the Weakling Who Leads the Strongest Party

(Đang ra)

Let This Grieving Soul Retire ! Woe is the Weakling Who Leads the Strongest Party

Tsukikage

Liệu Cry có thể bình an nghỉ hưu không đây?

147 2603

Chuyển sinh thành đứa con gái dâm loằn rác rưởi muốn bị NTR!

(Đang ra)

Chuyển sinh thành đứa con gái dâm loằn rác rưởi muốn bị NTR!

二本目海老天マン

Hướng đến tham vọng chưa từng thực hiện được trong kiếp trước: "Muốn trở thành một người con gái bị tên đàn ông khác cướp đoạt", cô ta bắt đầu hành trình mới của mình.

121 855

Túc Mệnh Chi Hoàn - Quỷ Bí Chi Chủ 2

(Đang ra)

Túc Mệnh Chi Hoàn - Quỷ Bí Chi Chủ 2

Ái Tiềm Thuỷ Đích Ô Tặc

Phần tiếp theo của tiểu thuyết Quỷ Bí Chi Chủ, một trong những tác phẩm văn học mạng nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Câu chuyện lấy bối cảnh vào khoảng 6-7 năm sau sự kiện cuối cùng ở Quỷ Bí Chi Chủ.

116 1174

Throne of Magical Arcana

(Đang ra)

Throne of Magical Arcana

Ái Tiềm Thủy Đích Ô Tặc (Mực Thích Lặn Nước)

Đây là web novel đầu tay của lão Mực, đầu tay chứ không có nghĩa là non tay. Lão Mực đã vẽ nên thế giới nơi mà tri thức, khoa học thực sự biến thành sức mạnh theo đúng nghĩa đen và chứa đựng một khối

576 30885

Short stories - Hyouka, truyện ngắn "Hổ, Cua, và Oreki"

Tại sao lại phí công làm những thứ rõ là tệ hại để rồi sau này nhận một vố?

Dù có đính chính trong tuyệt vọng rằng lúc đó còn trẻ người non dạ kiểu… “À thì ai hồi đó cũng có lúc ngu ấy mà” thì cũng đừng mong có thể núp vào đâu khi cái đuôi đầy rẫy những chứng cứ không-thể-chối-cãi đã lòi ra ánh sáng. Nhận ra mình vừa mắc chân vào cái bẫy xa xưa, tôi nhớ lại câu ngạn ngữ từ một cuốn sách nọ: “Mong chờ phải thẫn thờ trước số mệnh”. Quay đầu là bờ nhưng ai ngờ là vực. Nhưng nếu trượt chân xuống cái vực ấy khiến bản thân quyết chí rằng sẽ sống phần đời còn lại chân thật nhất có thể, thì tôi tin rằng sự việc diễn ra vào hôm nay và ở nơi này ít nhiều cũng có chút giá trị.

Thứ ba hôm ấy, trong một dịp hiếm hoi tất cả thành viên của CLB Cổ Điển vô tình tập trung đông đủ trong phòng Địa Chất. Sao đông đủ thế nhỉ? Thường thì giờ này mỗi tuần có hai ba người là cùng thôi mà? Bực cả mình.

Đầy phấn khởi, thành viên năm nhất của nhóm Oohinata ca vang: “Em mang tới rồi đây!” trước khi đặt “cái đó” lên bàn và, nói sao nhỉ, là một thứ tôi ngỡ đã bị chôn xuống đất hoặc chìm vào quên lãng từ lâu rồi mới phải.

“Ui chà ơi. Hoài niệm phết đây.” Satoshi trầm trồ nhưng bình thản. Cạnh cậu chàng là Ibara lại thốt lên ngưỡng mộ.

“Cũng xưa lắm rồi nhỉ. Em có mắt tinh đời đó.”

Ưỡn ngực lên đầy cường điệu Oohinata lại dõng dạc tuyên bố:

“Em biết mà. Bạn em cũng hay khen em vậy á!”

Dường như Ibara là người chịu trách nhiệm cho sự tồn tại của quyển tập đang nằm ngay ngắn trên cái bàn kia. Lúc này đã là giờ tan tầm. Tôi cố gằng kìm hãm cái cảm giác khó chịu đang trực trào trong người nhưng không khả quan mấy. Chitanda – người nãy giờ đọc sách ở một góc phòng – đứng lên mà hướng mắt về phía chúng tôi.

Tuyển tập cảm nhận Tác phẩm văn học mẫu… là gì vậy?”

“À, chị biết đấy…” Oohinata trả lời, nhưng lại nhìn về phía Ibara rồi nhường phần trả lời cho nhỏ.

“Hồi còn học ở Sơ trung Kaburaya thầy cô sẽ phát cho tụi tớ cái này vào trước kỳ nghỉ hè. Mọi học sinh đều phải làm bài cảm nhận về một quyển sách đã đọc trong kỳ nghỉ nhưng đa phần là chả biết đọc cái gì. Thế nên những bài cảm nhận hay ở các năm trước sẽ được tập hợp lại và in ra coi như là tư liệu tham khảo.”

“Người có sáng kiến này là thầy Hanashima phải không?” Satoshi thêm vào và nhận được sự đồng tình từ Oohinata: “Thầy Hanacchi! Làm em nhớ quá đi!”

Tụi nhỏ có gọi thầy bằng biệt danh đó à?

“Thầy Hanashima mà cậu nói có phải là giáo viên dạy môn Văn học Nhật Bản trong lớp các cậu từng học chung không? Người mà đã từng gửi bài viết của Oreki đi dự thi cấp thành ấy?” Chitanda hỏi.

“Chính xác!” Satoshi gật gù đầy hãnh diện. “Thầy có thể hơi phát-xít việc dụng ngôn hay văn phạm một cách chính xác nhất có thể, nhưng luôn luôn dặn dò tụi tớ rằng hãy viết về sách trên bất cứ góc nhìn nào mà mình thích. Tớ vẫn còn nhớ là những cuốn văn mẫu này luôn chứa đầy những ý tưởng, ưm, điên rồ nhất mà thầy đã lọc ra. Như kiểu thầy muốn cho tụi tớ thấy rằng mình được tự do tới mức nào ấy. Mỗi năm một quyển,y là ba quyển tổng cộng. Trước tớ đã từng nghĩ là trường nào cũng làm vậy nhưng hóa ra là bé cái nhầm.”

“Đúng vậy, bên Sơ trung Inji tụi mình không có cái này.”

Trong các thành viên CLB Cổ Điển, Chitanda là người duy nhất tới từ một trường Sơ trung khác bọn tôi.

“Vậy là Fukube-san cũng dùng nó làm tư liệu nhỉ?” Chitanda tiếp lời.

“Ừ thì những bài mẫu trong đó khá là nhộn… nhưng mà lấy làm tư liệu thì… Thực tình tớ dám chắc bằng một cách thần kỳ nào đó mình đã trốn đủ ba lần nộp bài.”

Đó tuyệt đối không phải là điều có thể tuyên bố một cách đầy hãnh diện như hắn đang làm lúc này. Ibara chỉ biết lắc đầu thất vọng.

“Em thì có, năm nào cũng đọc và thấy thích lắm ạ.” Oohinata trả lời với âm lượng lớn thường thấy. “Em thực sự thích văn học Nhật, nhưng mỗi khi đọc một bài trong đó thì lại nhận ra đầu óc mình hạn hẹp biết chừng nào. Em như kiểu chỉ biết đọc gì nói đó thôi ạ.”

“Về khía cạnh đó thì…” Chitanda nói với cái cười châm chọc, “Em khó mà đánh bại chị lắm.”

“Haha, ôi những con người trần tục chúng ta!”

“Chính xác là thế.”

Phần nào trong tôi không hoàn toàn đồng ý việc hai cô nàng này tự nhận mình là “người trần tục”… ờ thì ít nhất họ có quyền coi mình là bình thường nếu so với Satoshi. Chẳng vì lý do gì tôi đưa mắt hướng ra ngoài cửa sổ mà thấy những hoạt động của các CLB thể thao tản mát khắp sân trường. Đang còn xuân nên trên cành cây vẫn lác đác những cánh hoa anh đào. Thười gian chiêu mộ đã kết thúc và bây giờ hoạt động chính của các CLB thường sẽ là giới thiệu cho cho thành viên mới những kiến thức cơ bản – thứ khá xa xỉ trong cái CLB Cổ Điển này, nên tất cả những gì chúng tối có thể giành cho Oohinata vẫn chỉ là những cuộc trò chuyện phiếm.

Cầm quyển tập Chitanda bắt đầu lật qua từng trang.

Cảm nhận tác phẩm ‘Rump-Titty-Titty-Tum-TAH-Tee’ Ô này, hình như tác giả bài viết chỉ muốn để lại tên viết tắt của mình thì phải – ‘K.B.’ – tớ chỉ nghĩ ra được hai người phù hợp.”

“Bài này thì có đầy đủ họ tên nè. Aoki Kaoruko.”

Dù gì thì ý nghĩa của thứ này cũng là để cho bọn đàn em của mình coi mà. Hiển nhiên không ít người sẽ chẳng muốn tên cúng cơm của mình được “vinh hạnh” đề lên đó. Nếu là nộp thi giải thành phố thì lại khác, còn cho bọn con nít coi thì… đúng là nghĩ đi nghĩ lại tôi thấy vụ đề tên thật là không cần thiết. Việc dùng hai chữ cái viết tắt chính là sự thỏa hiệp của hai bên.

“Mấy bài này không quan trọng…” Oohinata lên tiếng trước khi lấy lại quyển tập từ tay Chitanda. Lật thêm vài trang nữa, cô bé chợt bừng sáng mà dõng dạc tuyên bố cái nội dung mà tôi đã thầm van nài là đừng có như mình nghĩ.

“Đây mới là bài em muốn cho mấy anh chị coi cơ. Cảm nhận tác phẩm ‘Hồi ký Trăng treo đầu núi’ của H.O.!”

Thôi rồi. Bị khai quật thật rồi!

“Một cựu học sinh Sơ trung Kaburaya, có tên viết tắt là H.O. à…” Chitanda thủ thỉ.

“Một người hơn Ohinata một khóa, vậy là bằng tuổi tụi mình à…” Ibara thù thì.

“H.O. HồHố… Một cao nhân đã chọn bình phẩm cho ‘Hồi ký Trăng treo đầu núi’ – một câu chuyện ngắn như thời gian nó cần để trở nên nổi tiếng à…” Satoshi khẽ nghiêng đầu mà nói đầy châm chọc.

Ba con người này thích hành hạ tôi đến thế sao? Đặt cuốn truyện chữ đang đọc xuống bàn, tôi miễn cưỡng nói: “Không phải tớ.”

Nghe vậy Oohinata liền vỗ tay hoan hô.

“Ôi thật ạ! Hú hồn! Vậy thì giờ chúng ta cùng đọc thật to từng lời từng chữ để dễ bề chiêm nghiệm nhé.”

Tôi đơ họng.

“Giỡn thôi. Là anh.”

Satoshi nở ra cái cười toe toét, còn Ibara thì chống nạnh.

“Còn ai trồng khoai đất này hở Houtarou.”

“Ông cố chối làm chi vậy trời?”

Nụ cười của Chitanda thì lại đầy an ủi, nhỏ nói: “Oreki-san chắc là ngượng lắm nhỉ?”

Biết thế mà còn hỏi.

“Vậy túm lại là mình sẽ đọc nhé?” Oohinata hỏi lần chót và những thành viên còn lại trừ tôi dùng cử chỉ của riêng mình để đồng thuận. Không còn đường thoát rồi. Đành chịu. Nếu “Hồi ký Trăng treo đầu núi” là thứ duy nhất họ để mắt đến thì cũng chưa phải là gì nguy hại lắm.

“Rồi! Xin chào mọi người! Nhằm nâng cao khả năng cảm thụ văn học Nhật Bản, em xin giới thiệu với mọi người… Bài cảm nhận tác phẩm văn học của tiền bối Oreki!” Nói xong cô bé liền đưa một cái liếc vội về phía tôi rồi nhanh chóng tiếp tục “Dĩ nhiên là cùng với sự đồng ý của chính chủ.”

Cái cảm giác déjà vu này… sao mà giống với tuần trước thế không biết . Tôi đành giữ nguyên quan điểm.

“Nó được in ra để người ta đọc mà. Em muốn sao cũng được.”

Thực ra thì… xét nét mà nói hồi sơ trung tôi cho phép nó được in ra với điều kiện tên mình được viết tắt, vậy trong trường hợp độc giả bằng một cách nào đó biết được tên thật của tác giả thì tác giả có quyền rút phép hay không? Nói thế chứ lúc được hỏi là hãy để bài viết của mình được các em lớp dưới dùng tham khảo nhé, thì thề có trời tôi cũng không tưởng tượng đến một ngày cái gật đầu của mình lại ám vô chính mình mà thành trò cười cho cả đám như thế. Bút sa thì gà chết, nhất là khi đã được gắn mác “đại chúng”… Có hỏi bà chị yêu dấu thì tôi đồ rằng sẽ nhận được câu trả lời như vậy.

Oohinata đoạn đảo quanh một lượt rồi tiếp tục:

“Cơ mà, trong các anh chị có ai chưa đọc ‘Hồi ký Trăng treo đầu núi’ không ạ?”

Phòng Địa Chất chìm trong một bầu im lặng.

Trực giác mách bảo tôi rằng sự yên lặng này không nhất thiết phải ám chỉ rằng mọi người đều đã đọc, mà kiểu như “Anh/chị dĩ nhiên là đọc rồi, nhưng nếu có ai ở đây chưa thì chắc là họ sẽ không dám nói vì sẽ phiền lắm nếu bắt mọi người đọc lại từ đầu” mà thôi. Nhưng rồi Satoshi cũng lên tiếng:

“Anh có… Nhưng phiền em tóm tắt cho mọi người nhé.”

“Tuân lệnh!”

Ưỡn ngực, Oohinata bắt đầu cất chất giọng trong trẻo của mình.

Hồi ký Trăng treo đầu núi là một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nakajima Atsushi. Mở đầu bằng hình ảnh một người đàn ông rất tài giỏi đỗ trạng nguyên và được làm quan. Tuy vậy ông đã từ quan để theo đuổi sự nghiệp văn chương với hy vọng lưu danh thiên cổ. Con đường ông chọn không tránh khỏi chông gai, ông đành phải lại đi tìm việc. Sau khi từ bỏ công việc mới vì nó không mang lại sự đối đãi như kỳ vọng thì ông mất tích. Sau đó không lâu có một vị quan nọ, bấy giờ đang trên đường băng qua một vùng núi đột nhiên bị một con hổ trắng tấn công. Ngay trước khi kịp kết liễu vị quan ấy con hổ dừng lại, nói rằng “Suýt chút nữa thì…” rồi lao vào bụi rậm. Nhận ra chủ của giọng nói đó vị quan liền gọi tên của người tài nhân đã mất tích một cách bí ẩn, và từ trong bụi rậm vang lên tiếng xác nhận. Em không biết suy luận sao về việc người đàn ông đó lại trở thành hổ và ông ta sẽ nghĩ gì sau cuộc gặp gỡ đó nữa.”

Satoshi gật gù nhận xét: “Hiểu rồi, cám ơn em nhé.”

Đặt tay lên quyển tập, Oohinata cười toe toét như thể chính cô bé là tác giả.

“Lần đầu đọc bài cảm nhận được viết bởi người tên H.O. này em như muốn bùng nổ đó ạ. Chẳng phải là hoàn toàn không có ý tưởng… nhưng để hệ thống hóa lại cả mạch truyện như thế này là điều em chưa từng mơ tới chứ đừng nói việc dám mang nó đi nộp ạ! Thực lòng em rất vui vì có cơ hội diện kiến chủ nhân cuả bài viết này. Anh cho em bắt tay cái nha!”

Bàn chúng tôi cách xa nhau, nên hai đứa chỉ biết đưa tay vào thinh không để đón nhận cái bắt tưởng tượng từ đối phương.

“Vậy rồi, ưm, mình bắt đầu thế này đi.”

Mở ra trang chứa bài viết, trừ tôi ra bốn người còn lại tụm vào nhau rồi bắt đầu đọc. Tôi thoáng muốn trở lại với cuốn truyện chữ nhưng lúc này đầu óc ngổn ngang quá. Bất kỳ sự tập trung vào một vấn đề khác lúc này đều là xa xỉ, vì tôi nhớ hầu hết những gì mình đã viết trong đó.

***

Cảm nhận tác phẩm “Hồi ký Trăng treo đầu núi” 

H.O. – Năm hai

Em đã đọc “Hồi ký Trăng treo đầu núi” và thấy nó khá thú vị. Thật mừng vì Richou và Ensan rồi cũng gặp lại nhau và Richou vẫn khỏe mạnh. Em hy vọng ông ấy được trường thọ.

Gần nhà em có vài con mèo, và dù có nghe thấy những tiếng kêu meo meo nhưng em chưa từng nghe tụi nó nó nói bao giờ. Cũng có khả năng tụi nó sẽ rủ rỉ rù rì khi không có con người ở gần nhưng sẽ là an toàn nếu đặt giả thiết là không nói được. Cấu tạo sinh học của miệng, lưỡi và cổ họng mèo hoàn toàn khác với người cơ mà.

Ensan khi đi qua vùng núi đã bị hổ vồ, tuy nhiên vào thời khắc cuối cùng con hổ đã dừng lại mà trốn trong bụi rậm rồi liên tục lẩm bẩm: “Suýt chút nữa thì, suýt chút nữa thì…” Nghe vậy Ensan liền hỏi: “Giọng nói đó, phải chăng là hảo bằng hữu Richou của ta?” và con hổ trả lời “Đúng vậy.” Ensan hướng câu hỏi của mình về phía bụi rậm và tiếng trả lời cũng là từ đó.

Giống như mèo, hổ cũng có miệng, lười và cổ họng hoàn toàn khác với người. Dù có trí khôn của con người đi nữa thì cấu tạo sinh học giới hạn khiến việc giả tiếng người là bất khả thi, hoặc nếu có thì họa chăng chỉ ra được những tiếng ú ú gù gù. Thú thực thì ngoài loài vẹt với khả năng nhại giọng thiên bẩm thì em không tưởng tượng được hổ nhại người ra làm sao, chắc kỳ cục lắm.

Ấy vậy mà, chỉ bằng lời xác nhận phát ra từ bụi rậm Ensan đã nhận ra Richou. Như vậy đó phải là giọng của Richou. Hổ thì không thể nói và Ensan nghe được giọng Richou, hai sự thực này chỉ có thể dẫn tới một kết luận: trong bụi rậm là cả con hổ lẫn Richou luôn-là-người. Hành động thoái lui của con hổ cùng câu xác nhận điềm tĩnh của Richou cho thấy ông bằng cách nào đó đã thuần hóa được nó. Vậy Richou làm gì ở nơi thâm sơn ấy? Em tin rằng hai khả năng có thể xảy ra.

Một là, để ngăn lũ hổ tấn công người đi đường nhiều nhất có thể Richou đã miệt mài thuần hóa chúng. Nhân gian chằng hay về một người đàn ông luôn cố hết sức để bảo vệ dân lành. Một con người vĩ đại.

Hai là, Richou cố tình sắp đặt để con hổ tấn công người qua đường nhằm lột sạch tiền bạc của nả trên người họ. Đó là hành động của phường lục lâm thảo khấu – một tên xấu xa.

Vân còn khó để xác thực Richou là người tốt hay kẻ xấu khi dựa vào câu truyện sau đó được kể cho Ensan. Ông đã rất tủi hổ về khả năng thi phú của mình nên nhiều khả năng câu truyện ấy đã bị thêu dệt thành tấm bình phong che dấu sự thực. Tuy nhiên có một khả năng mà em đang xem xét. Sau khi kể hết cho Ensan những suy nghĩ bản thân sau khi đọc những bài thơ tự sáng tác và nhận ra mình là một thi nhân bất tài, Richou nhờ ông chăm sóc gia đình mình rồi biến mất sau lời nói: “Lẽ ra tôi phải bắt đầu bằng việc hỏi… là mình có thực sự là người không?” Em thấy chỗ này khá kỳ lạ. Trải qua nỗi cay đắng về việc không thể thành một thi nhân lưu danh thiên cổ Richou đã từ bỏ cả địa vị xã hội lần gia đinh mình phải không? Sau cuộc tái ngộ với người bạn cũ thì điều đầu tiên Richou nói là về những gian khó – đúng là khiến em cảm thấy “tính người”, nhưng quá nhanh chóng ông ta lại bày tỏ sự xấu hổ về bản thân tới mức thốt ra lời phủ định “tính người” của chính mình. Tại sao lại thế?

Phải chăng Richou đã luôn biết rằng gia đình mình sẽ an toàn? Lời thỉnh cầu muộn màng lấy liệu có mang ý nghĩa thực sự hay chỉ là lời xã giao được hấp tấp thêm vào? Có khi nào ông ta biết gia đình mình có đủ cơm ăn áo mặc mà sợ rằng suýt chút nữa đã lỡ miệng cho Ensan biết điều đó, nên mới để “gia đình” ở sát cuối câu truyện và đổ cái hành động vô trách nhiệm cho sự phi nhân tính của mình?

Vậy làm sao Richou biết gia đình ông no đủ? Vì ông là người đưa tiền cho họ. Chả ai kiếm được tiền nhờ thuần hóa hổ hoang cả, thế nên em nghiêng về khả năng ông ta đã bỏ nhà đi làm lục lâm thảo khấu. Sau khi con hổ thoái lui Richou đã liên tục lầm bầm “Suýt chút nữa thì… suýt chút nữa thì…” Phải chăng đó không phải là vì ông nhận ra bạn của mình? Lúc đó là ban đêm và xung quanh chỉ là núi rừng hiu quạnh. Phải chăng ông ta đã chưa nhìn thấy mặt của Ensan, mà chỉ qua trang phục và mũ mão để đoán xem người này làm nghề gì? Richou, kẻ thuần phục hổ để trộm cắp, đã nhận ra con mồi của hắn là quan vào giờ chót nên mới lệnh con hổ dừng lại. Cái chết của một vị quan lớn có thể sẽ kéo theo một cuộc tàn sát loài hổ ở khu vực này và khi họ đã điều tra thì không biết sẽ còn phiền toái cỡ nào. Đó là lý do Richou nói “Suýt chút nữa thì…” Một trải nghiệm hú hồn giành cho ông.

Như vậy Richou vẫn sống tốt, nhưng công việc ông đang làm thì không. Có lẽ ông khó mà trường thọ được. Đó là những cảm nhận của em sau khi đọc “Hồi ký Trăng treo đầu núi.”

***

Tôi nghe thấy một tiếng thở dài khó phân biệt giữa kinh ngạc hay thất vọng. Không biết là từ ai, nhưng rõ là chẳng phải ngưỡng mộ gì cho cam. Dân gian có chiến lược “Tiên phát chế nhân”. Trước khi ai kịp nói gì tôi nghĩ mình nên chủ động trước.

“Mọi người biết đấy… học sinh Sơ trung mà… hay nghĩ ra những thứ vớ vẩn.”

Satoshi lẳng lặng nói như trầm trồ: “Hổng biết nói sao nữa. Hồi đó tớ không có nghĩ Houtarou thuộc loại quá quái dị… nhưng cậu thực sự rất khác biệt.”

Oohinata thì rạng ngời như ánh bình minh.

“Em chưa bao giờ xét đến việc Ensan đã không trực tiếp nhìn thấy con hổ nói chuyện – dù là đã đọc không biết bao nhiêu lần rồi đó ạ!”

Trái lại Ibara trông có vẻ không hài lòng.

“Tôi không phủ nhận là bài viết ấn tượng… nhưng chấp nhận một câu truyện như nó vốn thế bộ khó lắm à? Ý tôi ấy… là truyện này có một con hổ biết nói tiếng người… vậy thì cứ chấp nhận thế mà đọc có sao đâu.”

“Cậu nói phải.”

Cả tôi cũng chả tin việc Richou là phường lục lâm thảo khấu. Ai đọc vào cũng hiểu “con hổ” là hình ảnh tượng trưng cho trái tim mục ruỗng của bản thân ông. Nhưng thay vì để mình cảm nhận nó một cách bình thường kiểu truyện hết thì có nghĩa là hết, thì bài viết này là kết quả của việc tự hỏi bản thân rằng liệu mình có thể diễn giải ra thế này thế kia – một cách dễ liên tưởng, có chút độc địa, và vui – từ những gì được viết trong sách hay không. Sau tất cả, tôi nghĩ rằng mình đã cố tình đọc nó dưới những góc nhìn tùy tiện nhằm rút ra một giả thuyết chắc sẽ khiến người ta thú vị. Chẳng thế mà đọc xong thầy Hanashima chỉ có thể cuời gượng gạo mà nói rằng: “Hay đấy, nhưng em hơi quá tay rồi.”

Chấp nhận theo kiểu “À, thì truyện nó là như thế” gần như là một cách thỏa hiệp. Người đọc thỏa hiệp với người viết, thậm chí có thể coi là tòng phạm. Kiểu thỏa hiệp này không hiếm chút nào – hay phải nói là “bình thường” như bất cứ sự tự nhiên nào khác. Ai cũng có thể coi một diễn viên nhạc kịch tự dưng ra giữa đường mà hát là kỳ dị hoặc những vị quan tòa trong tích cổ đều là những kẻ thối nát xấu xa nhưng những đánh giá như vậy thực tế chả mang lại một giá trị nào. Nhân cái dịp được đọc lại sáng tác của chính mình – thứ mà người viết đã phủ định sạch sẽ sự thỏa hiệp với các con chữ và quăng ý nghĩa của chúng vào thùng rác tôi nhận ra đó không gì khác hơn là sự ưa thể hiện của một thằng nhóc sơ trung.

Cơ mà tôi không định chia sẻ những suy nghĩ này cho ai khác đâu. Nói cho Ibara thì chỉ tổ rước vào một cục nhục.

Đôi đồng tử vốn đã vĩ đại của Chitanda lại càng nở to nhưng nhỏ không nói gì – đơ như một nàng hưu bị đèn pha chiếu vào vậy. Vừa bâng quơ nghĩ là sẽ bị phê bình như “Gì cơ? Oreki-san chưa từng thấy một chú mèo biết nói sao?” thì nhỏ liền quay sang tôi. Ánh mắt nhỏ chứa đầy một nỗi mà tôi không thể đoán là bất ngờ hay nghi hoặc, nhưng cái cảm giác rằng mình sắp bị phê bình khiến tôi liền đảo mắt ra chỗ khác.

“Oreki-san…”

Phần còn lại như bị mắc nghẹn ở cổ nhỏ.

“… cậu thật là tài tình.”

Cái đó có thể coi là lời khen nhỉ?

Mà thôi, sóng gió qua đi rồi. Rốt cuộc cũng có thể kết thúc những công việc vô nghĩa như bới móc tuổi thơ dữ dội của người khác mà tập trung năng lượng cho một tương lai tươi sáng. Ví dụ à? Tập san văn học chẳng hạn? Lề hội văn hóa đã cận kề. Chúng ta hãy cùng nhau viết nên một tập san nhứt hạng và khiến CLB Cổ Điển vang danh khắp chân tường góc lớp Cao trung Kamiyama nào!

… À đùa thôi. Nói thế thì Satoshi sẽ phản đòn bằng một câu như: “Ô-kê, vậy tụi mình sẽ vinh hạnh mà giao ‘Sử thi Heike’ cho phê bình gia Houtarou đây bình phẩm nhé” hay đại loại vậy mất.

Thế giờ làm sao để đổi chủ đề đây? Oohinata sẽ không để khoảng lặng này kéo dài. Hay đúng hơn… dường như nãy giờ chỉ là cách để cô bé lần mò điểm sơ sảy của tôi thì phải. Mọi thứ vẫn đang theo đúng kịch bản bất kể tôi có chọn cách phản ứng ra sao thì phải. Bất chợt thò tay vào cặp, Oohinata lại lấy ra một quyển tập san khác với cái tiêu đề quen thuộc: “Tuyển tập cảm nhận Tác phẩm văn học mẫu”.

“Thực ra đây mới là nhân vật chính cơ.”

Mi đem cái vực tới chân ta làm chi, hỡi con quỷ chết tiệt tên là Số mệnh kia?

Lý do khiến Oohinata bõ công lục lọi phòng mình cho ra những cuốn tuyển tập này, chả còn nghi ngờ gì nữa, là vì đã có một lúc nào đó cô bé đã được Ibara mớm cho thông tin về những bài viết của tôi hồi sơ trung. “Chạy đi Melos” – bải cảm nhận sách được viết vào năm đầu sơ trung – nghiệt ngã thay lại khơi mào cho một chuỗi sự kiện và cuối cùng là cuộc bàn luận đáng xấu hổ này. Dĩ nhiên rồi, với tính cách của Oohinata thì nghe một sẽ muốn tìm hai và…

“Chạy đi Melos” cho năm nhất và “Hồi ký Trăng treo đầu núi” cho năm hai, cái nào cũng khiến tôi đỏ mặt mỗi khi hoài niệm chứ đừng nói cái cảm giác muốn thét lên từ sâu trong cuống phổi khi bị ai đó mang ra trước mặt, nhưng… nhưng còn cái này thì coi như xong!

“Đây là quyển được phát vào năm ba của em, cũng có một bài viết từ H.O. Câu cú diễn đạt hơi khang khác nhưng em vẫn khá là thích nó.”

Phải chăng… đã quá trễ rồi ư? Giả sử ngay lúc này tôi đá cái ghế sang bên mà lao vào Oohinata với mọi sức lực có thể, giật cuốn tập khỏi tay cô bé mà xé ra thành vụn rồi bỏ hết xuống họng liệu có kịp không? Dĩ nhiên chẳng đời nào tôi có thể xóa sạch sự tồn tại của tất cả các bản “Tuyển tập cảm nhận văn học mẫu” nhưng, ít nhất là vào lúc này và ngay tại đây, liệu chuỗi hành động liều lĩnh trên có ngăn được bài cảm nhận của tôi hồi năm ba bị đưa ra ánh sáng hay không?

“À, nội dung là cảm nhận về tác phẩm ‘Khỉ -Cua đại chiến’.”

Nói ra mất rồi.

“Hả, em giỡn sao?”

“Đùa á?”

Satoshi và Ibara thốt lên cùng lúc trong khi quyển tập đã được đặt lên bàn. Không còn cơ hội gì nữa. Cái thời điểm “ngay lúc này” nói trên khả dĩ có thể cứu vãn tình thế đã qua rồi, còn bây giờ cái đầu óc bình thường lẫn tự tôn của một con người không cho phép tôi hóa kiếp cái cuốn tập chết tiệt ấy. “Chậm là chết”, giờ đây tôi mới thấm thía câu nói này…

Thông thường thì chỉ cần nói là “Ôi chà, em cũng có cuốn này sao? Anh mong em đừng đọc ở đây.” thì tôi biết bọn họ sẽ không kéo cuộc sỉ nhục này đi lên nữa. Không ai thích bị chọc kiểu này cả, và chắc chắn một Chitanda dù hiếu kỳ đến đâu cũng sẽ hiểu mà đứng về phía tôi… nhưng cái miệng hại cái thân mất rồi. Quỷ tha ma bắt cái câu “Nó được in ra để người ta đọc mà. Em muốn sao cũng được.” lúc nãy đi! Một câu nhượng bộ bất cẩn dù đã nghĩ tới khả năng cô bé Oohinata mang nhiều hơn một cuốn. Nhìnn những chiến lược rút ra từ lối suy nghĩ thông thường của mình lại quay về hại mình thế này tôi cảm thấy bản thân hạ giá rõ rệt. Đành hứng chịu đợt cuồng phong cuối cùng mang tên “Khỉ - Cua đại chiến” này mà thôi.

Cơ mà bấn loạn lên được ích gì? Tôi quyết định không nhìn… hay đúng hơn là không dám nhìn về hướng “kẻ thù”. Chỉ lắng nghe thôi.

“Em rất xin lỗi phải hỏi lại. Có ai trong mấy anh chị chưa đọc truyện này không ạ?”

Satoshi đáp ngay: “Cổ tích có nhiều dị bản lắm. Em cứ tóm tắt xem có khác lẫn nhau không.”

“À… không, ý em là…”

“Truyện kể về một chú khỉ đổi quả hồng của mình lấy nắm cơm của một con cua. Vì quả hồng chưa chín nên cua quyết định xẻ ra lấy hạt đem đi trồng. Hạt giống nảy nở thành một cây hồng xum xuê và chú khỉ quyết định hái cả tạ về ăn. Cãi vã diễn ra, và trong lúc tức giận khỉ ta đã lấy một quả hồng chưa chín ném vào cua khiến nó tử vong.

Con cua tội nghiệp ấy có một người con trai và nó quyết đi trả thù. Hợp lực với một quả hạt dẻ, một chú ong, chút cứt ngựa – xin lỗi vì từ ngữ nha – và một cái cối đá, cua-con-trai lẻn vào nhà khỉ. Khỉ ta thấy hạt dẻ có vẻ ngon bèn thử đào hố mà nướng. Bị đốt nóng quả hạt phát nổ mà bắn những mảnh cháy của mình vào khỉ khiến nó bỏng khắp mình mẩy. Khỉ ta chui vào bồn nước thì liền bị chú ong mai phục ở đó đốt cho một nhát đau điếng. Không còn đường nào khỉ ta chỉ biết cắm mặt chạy ra khỏi nhà rồi dẫm phải bãi cứt ngựa ngã lăn quay, trước khi bị đè chết bởi cái cối đá. Thế là cuộc trả thù của cua-con-trai thành công mỹ mãn. Truyện đại loại vậy.”

Oohinata thốt lên đầy ngưỡng mộ: “Tuyệt vời! Khi kể truyện cổ tích người ta hay bị quên chỗ này chỗ nọ, nhưng anh Fukube đúng là cơ sở dữ liệu thứ thiệt.”

“À, em biết đấy, anh không hẳn…”

“Nhưng hình như anh hiểu lộn ý em rồi. Cái truyện ‘Khỉ - Cua đại chiến’ là em nói là truyện ngắn của nhà văn Ryuunosuke Akutagawa chứ không phải là cái tích đó ạ.”

Cô bé nói đúng rồi. Xin lỗi nha Satoshi…. nhưng dĩ nhiên hắn chả lấy thế làm buồn gì cho cam.

“Vậy á? Anh không hề biết còn có một câu truyện khác luôn ấy.”

Ibara thêm vào: “Chị cũng vậy, dù là có đọc không ít truyện của Akutagawa…”

Chitanda vẫn ngồi im lặng. Hẳn là nhỏ đã đọc.

“ ‘Khỉ - Cua đại chiến’ này là một truyện rất ngắn, kể về những gì diễn ra sau khi cua-con-trai trả thù thành công. Thay vì trở về với cuộc sống yên bình như phiên bản cổ tích thì cua-con-trai và đồng bọn lại bị bắt vì tội danh cố sát – đương nhiên bị hại là khỉ. Chúng phải hầu tòa và sau đó đầu sỏ là cua-con-trai bị kết án tử trong khi cối đá và những kẻ khác chịu tù chung thân. Không ai bảo vệ cho nhóm cua-con-trai trước tòa cả, tệ hại hơn chủ tịch bộ Công Thương – hay đại loại vậy – còn quy kết cho cua-con-trai là kẻ Cộng Sản trong khi bè lũ của đảng Xã Hội thì nhất quyết rằng không được để kẻ có những suy nghĩ “nguy hiểm” như vậy tồn tại. Mất khi những trụ cột gia đình, nhà cua ngày càng lún sâu vào bể khổ… dạ… đại thể là thế đó ạ.”

“Chị muốn đọc thử,” Ibara nói, nghe có vẻ chưa thỏa mãn lắm. “Nhưng thực sự chỉ có vậy thôi à?”

“À dạ, thực ra là có thêm vài tình tiết nhưng kể thêm thì chị chẳng còn gì để đọc đâu ạ. Mà thôi, sau đây xin tiếp tục giới thiệu bài cảm nhận của tiền bối H.O.!”

Rồi, vậy phiên tòa xét xử tội trạng thời xa xưa của tôi sẽ ra sao? Bờ hay là vực? Đây là giờ phán quyết.

***

Cảm nhận tác phẩm “Khỉ - Cua đại chiến”

H.O. – Năm ba

Em đã đọc “Khỉ - Cua đại chiến” và thấy tội nghiệp cho cua-con-trai và đồng bọn. Cuộc sống của em khá bình lặng, nhưng việc khó mà biết lỡ mai đây có lâm vào tình cảnh tương tự hay không khiến em muốn đặt mình vào vị trí của chúng. Như tác giả đã nói, nếu hành động khỉ ném trái hồng còn xanh vào cua-cha khiến nó tử vong là ngộ sát thì việc cua-con-trai giết khỉ lại là hành động có tổ chức và đầy máu lạnh. Bản án tử giành cho cua-con-trai là không tránh khỏi và chung thân giành cho bằng hữu của y có thể coi là công minh. Tuy vậy, nếu luật sư bào chữa tài năng hơn một chút thì em tin là cục diện phiên tòa có khi lại nghiêng về bị cáo.

Sau khi điểm qua mọi tình tiết của vụ án (dựa vào một quyển sách tranh của bản truyện cổ tích) em khá sốc trước ý định tàn độc của cua-con-trai, nhưng “ý định” không thể coi là hành động thực tế. Thứ lao vào nhà khỉ đầu tiên là quả trứng (chứ không phải là quả hạt dẻ, trước giờ em không biết là có phiên bản quả trứng nữa, còn ong và cối đá thì vẫn vậy). Kẻ đốt khỉ là ong, và dù cua-con-trai là người giữ dây nhưng cối đá mới là thứ đã đè chết khỉ. Phiên tòa có nhắc đến tình tiết bãi phân ngựa cũng góp phần khiến khỉ không thể thoát thân, nhưng em xin mạn phép không đề cập tới như là một nỗ lực giữ vệ sinh cho câu truyện.

Cua-con-trai có thể dùng những tình tiết trên để phản pháo kiểu: “Đúng là tôi có kể cho cối đá và các bạn kia dự định của mình nhưng có bảo họ giết khỉ bao giờ đâu? Giờ xin hỏi tòa – Tòa có căn cứ nào chứng minh tôi đã đưa ra yêu cầu giết khỉ hay không?” Nếu em nhớ không lầm thì bằng hữu của cua-con-trai đều có điểm chung là tình nguyện góp sức cho y trả thù nhân danh công lý. Chúng không phải sát thủ chuyên nghiệp, và cũng chẳng thu được lợi lộc gì khi giết khỉ cả. Đầu tiên là về quả trứng bị nướng. Đúng là quả trứng đã vỡ và các mảnh của nó văng trúng vào khỉ, nhưng cáo buộc một tình tiết chẳng khác chi là tai nạn xui xẻo thành âm mưu hạ sát Phải chăng là thổi phồng sự việc? Ong cũng có thể biện hộ rằng nó bị tấn công khi đang ngồi ở bồn nước và cú đốt chỉ là hành động tự vệ chính đáng. Kẻ duy nhất không có gì để bảo vệ mình là cái cối đá - kẻ trực tiếp gây ra cái chết… mà đành chịu thôi, trong nhóm phải có một cá nhân rút trúng cái quẻ ngắn ấy.

Đáng tiếc rằng cua-con-trai đã không tránh khỏi án tử dù y đã có cơ hội. Đã lên kế hoạch thì phải luôn chừa cho mình con đường sống - đó là bài học em rút ra được từ “Khỉ - Cua đại chiến.”

***

“Tôi vừa đọc cái gì thế này?” Satoshi hét lên kinh hoàng.

“Đỉnh quá phải không ạ?” Oohinata rạng rỡ hỏi, nhưng người đáp lời là Ibara rõ là không đồng tình.

“Không phải là nó không thú vị, nhưng mà – nói sao đây – chẳng tỏ ra là một bài viết nghiêm túc chút nào.”

Ừ, chính xác thế đấy. Nó chả nghiêm túc tẹo nào cả. Vậy ta có thể quẳng nó qua một bên và bàn về hòa bình thế giới chứ…

“Ngắn hơn hẳn hai bài viết về ‘Chạy đi Melos’ hay ‘Hồi ký trăng treo đầu núi’…” Lời thì thầm của Chitanda như muốn kéo tôi ra khỏi sự im lặng. “Tại sao vậy Oreki-san?”

Đúng là không thể giả ngơ vầy mãi, nghĩ thế tôi đành quay lại đối diện nhỏ.

“Thì trước có nói rồi đấy thôi. Tớ tưởng là bài cảm nhận phải từ năm trang trở lên nhưng hóa ra là không vượt quá năm trang, với cả cũng là năm ba rồi nên làm ngắn lại chút. Chỉ vậy thôi.”

Nhìn xuống quyển tập Chitanda chỉ gật đầu mà nói “Vậy à…” trông điệu mất hứng.

Có khi nào nhỏ để ý gì đó không? Lưng tôi thấm từng giọt mồ hôi lạnh.

“Xin lỗi nếu làm em phật ý nha Oohinata…” Satoshi mào đầu trước khi quay sang tôi, “và cả Houtarou nữa vì tớ không đồng tình. ‘Hồi ký Trăng treo đầu núi’ thì ô-kê không ý kiến nhưng cái này thì khác. Dù bản thân chưa đọc phiên bản ‘hậu truyện’ này của Akutagawa thì tớ vẫn phải nói rằng có sự khác biệt nhất định giữa phân tích và xoi mói.”

“Sao ạ?” Oohinata chen vào, “Vậy theo anh thế nào là khác biệt giữa xoi mói và phân tích thực sự?”

“Nếu phải giải thích bằng lời ấy…”

Hình như hắn đang vật vã với vốn từ của mình thì phải.

“… thì anh cũng chả biết nói sao nữa.”

“Đúng vậy phải không nào? Bài viết này có vẻ không tập trung phân tích một sự việc hay nhân vật gì nên cũng dễ hiểu việc không phải ai cũng thích, nhưng cá nhân em đọc cảm thấy rất vui và cũng chẳng khác so với ‘Hồi ký trăng treo đầu núi’ là mấy ạ.”

Thật đáng mừng khi Oohinata có thể hào hứng đến thế trước cái thứ khó mà gọi là “phân tích” này. Satoshi đúng. Đây chẳng hơn gì một nỗ lực bới lông tìm vết nhưng tôi thì chẳng việc gì phải thừa nhận điều này.

Quay người về phía Oohinata, Ibara khoanh tay lại.

“Chị thậm chí còn chưa đọc bản gốc nên không biết giải thích vầy có rõ ràng không… Thế này nhé : dù là truyện tranh hay truyện chữ đi nữa thì luôn sẽ có những chi tiết không được kể hoặc mô tả qua loa. Ép tất cả mọi thứ vào sẽ khiến câu truyện của em cồng kềnh, chưa nói trong hầu hết trường hợp điều đó là bất khả.” Nhỏ nói như giảng bài.

Không có ý phản pháo, Oohinata chỉ hỏi: “Ý chị là sao ạ?”

“Ví dụ một manga về đề tài một nhóm người thám hiểm mê cung đi. Em có bao giờ thấy bất cứ ai đều được tả cảnh họ đi vệ sinh không? Việc coi đó là chủ ý hay chỉ là sự lược bớt những chi tiết thừa thãi của tác giả sẽ tác động đến đánh giá của em.”

“Có lẽ em hiểu ý chị rồi.”

“Bản thân chị coi sự xoi mói là cố tình nhằm vào những chi tiết bị lược bỏ hay mơ hồ đó mà huyễn hoặc câu truyện.”

“Dạ…”

“Chị hình dung rằng trong truyện Akugawata đã không đề cập tới việc cua-con-trai và bạn bè thừa nhận rằng có thông đồng với nhau phải không? Dựa vào sự thực là cua-con-trai bị kết án tử còn bạn của y bị tù chung thân ta có thể suy được rằng đã có một bằng chứng không thể chối cãi hoặc lời thú tội nào đó xuất hiện, dù là tường minh hay không. Thể hiện nó một cách tường minh sẽ làm truyện trở nên rõ ràng hơn – nhưng cũng như cái bồn cầu trong mê cung vậy – viết tất không đồng nghĩa với viết hay, đặc biệt khi cái câu truyện hướng đến là một luận điểm cao quý hơn.

Oohinata chỉ gật đầu. Thấy vậy Ibara tiếp tục:

“Nhưng Oreki đã lấy cái tình tiết không tường minh này làm lỗ hổng mà viết rằng cua-con-trai cùng bạn mình lẽ ra phải phản cung về cáo buộc thông đồng này. Nếu thực sự là vậy thì hoặc là ai kia chưa đọc và hiểu kỹ truyện, hoặc là dùng bản hậu truyện này để phê phán nguyên tác. Nhưng dĩ nhiên… đã gọi là cảm nhận văn học thì không nói đúng sai ở đây, và…”

Ibara trộm nhìn tôi một cái, nhưng ánh mắt của nhỏ không tỏ ra khinh bỉ như mọi khi.

“… trong trường hợp ai kia biết rõ phần đó đã được hàm ý mà vẫn cố tình viết ra như vậy thì đó là xoi mói. ‘Hồi ký Trăng treo đầu núi’ là một bài phân tích kỳ quặc nhưng không khiến chị cảm thấy một chủ đích hạ bệ câu truyện như bài này… Chị nghĩ ý của Fuku-chan là vậy.”

Quả là không mong đợi gì hơn từ một họa sĩ manga nghiệp dư. Thật tình mà nói tôi chẳng nghĩ xa đến thế.

Oohinata quay sang Satoshi hỏi: “Chị ấy nói đúng ý anh hông?” nhưng hắn chỉ cười nhẹ.

“Có lẽ. Xin lỗi nha, tụi anh có hơi cao hứng.”

Như thể muốn giải ngượng vì mới nhận được những lời nhận xét không như kỳ vọng, Oohinata vung hai tay lên mà nói:

“À mà, thế là xong rồi ạ.”

Nhìn lại hai quyển tập trên bàn cô bé tiếp tục:

“Như vậy theo mấy anh chị thì hai bài cảm nhận này có bản chất hoàn toàn khác nhau phải không ạ? Nhưng nếu không biết rằng anh Oreki – ý em là người tên H.O. này – đã có những suy nghĩ gì khi bắt tay vào viết thì chúng ta sẽ khó mà chắc được liệu người đó có cố tình xoi mói hay không. Như vậy chẳng phải sự phân tích của chúng ta nãy giờ vẫn mông lung như ở vạch xuất phát sao ạ?”

Satoshi thõng vai xuống mà nói: “Đành chịu, nhưng đâu thể làm gì hơn phải không? Chúng ta không thể hiểu một cách hoàn toàn người khác đang nghĩ gì thì việc người ta viết gì cũng từa tựa vậy thôi.”

Hắn bỏ cuộc sớm quá nhỉ, và vậy thì càng tốt. Một bài viết tệ hại đã được đánh giá là tệ hại. Phiên tòa xét xử mình xin được phép kết tại đây, nghĩ vậy nhưng dù có rời khỏi cái ghế đang ngồi cũng chưa khiến tôi thực sự yên tâm.

Mình đã thoát chưa? Có nên chen vào một câu để đánh chấm hết cho chủ đề phí phạm năng lượng này hay không…

Ý nghĩ đó lập tức bị dội nước lạnh. Chitanda, người chỉ im lặng quan sát những con chữ cho đến tận bây giờ, vừa đặt tay lên môi mà mấp máy từng âm.

So, tsu, gi, yo, u?

“Hửm? Gì thế?” Ibara hỏi với điệu bộ khó hiểu, nhưng Chitanda chỉ gắn chặt mắt vào quyển tập.

“Mayaka-san, cậu có biết ‘sotsugiyou’ là gì không?”

Vừa dứt lời đôi mắt của nhỏ đột ngột bừng sáng.

“Là ‘sotsugyou’! ‘Tốt nghiệp’! Chắc chắn là vậy!”

Từng lớp da thớ thịt trên cơ thể tôi cảm nhận được thế giới như vỡ vụn.

Ôi thần linh ơi!

“Có gì liên quan tới lễ tốt nghiệp à?”

Đáp lại thắc mắc của Satoshi nhỏ bỏ tay khỏi môi mà chỉ vào quyển tập.

Dừng lại đi, xin cậu đấy!

Trong bao nhiêu người… tại sao lại là Chitanda chứ?

“Đây dù gì cũng là một bài làm văn phải không? Vậy nên tớ đã cố mường tượng ra nguyên bản mà chính Oreki-san đặt bút trông như thế nào.”

“Nguyên bản? Cậu nghĩ là nội dung đã bị thay đổi sao?”

“À không. Ý tớ là… nếu cậu viết trên giấy chuyên dùng để viết văn thì sẽ thế nào ấy. Loại bốn-trăm-ô thông dụng được chia thành hai mươi cột với mỗi cột điền được hai mươi ký tự.”

“Ố!” Satoshi gật đầu cái rụp. “Như vậy ý cậu là thứ tự sắp xếp các con chữ bị thay đổi phải không? Cứ mỗi hai mươi chữ thì người viết sẽ phải sang cột tiếp theo … và điều đó tác động tới bài viết này thế nào?”

“Lần lượt chuyển sang cột tiếp theo thì sẽ thấy tốt nghiệp.”

Một khoảng lặng chiếm hữu căn phòng.

“Ờ… cái gì tốt nghiệp cơ?”

Chitanda liền đỏ mặt. “Tớ xin lỗi nhé! Để giải thích lại từ đầu vậy.”

Trời ơi, ai đó dừng cô gái này lại điiiii…

Đảo mắt quanh phòng như cố gắng sắp xếp từng luận cứ, nhỏ nhanh chóng vào tư thế sẵn sàng để tung đòn kết liễu.

“Tớ có một cảm giác rất kỳ lạ khi đọc bài viết này. ‘Con cua’, ‘cối đá’, rồi ‘con ong’…” Vừa nói nhỏ vừa chỉ vào nhiều vị trí khác nhau trên trang giấy. “Đôi khi cậu ấy viết những từ này bằng Hán tự nhưng có chỗ lại dùng katakana . Điều này không hề xuất hiện trong bài cảm nhận ‘Hồi ký Trăng treo đầu núi’.”

Ibara và Oohinata cùng toang hoác miệng vì bất ngờ.

“Ồ, đúng rồi này!”

“Cậu nói tớ mới để ý…”

“Điểm lạ không chỉ nằm chỗ ấy. Tớ cũng đã được đọc bài phân tích của Houtarou về tác phẩm ‘Chạy đi Melos’ và… có một điểm mà duy nhất chỉ bài phân tích ‘Khỉ - Cua đại chiến’ sở hữu trong khi hai bài trước không có.” Khựng lại một nhịp, trông nhỏ tự dưng trở nên nghiêm nghị.

“Cậu ấy đã đưa chính mình vào lập luận.”

Đúng rồi. Chỉ cái bài viết đó tôi mới cố tình làm vậy.

“Cái đoạn nhắc đến việc đã tham khảo nguyên bản cổ tích cậu ấy đã viết là ‘Sau khi điểm qua mọi tình tiết của vụ án (dựa vào một quyển sách tranh của bản truyện cổ tích)’. Đây là lần duy nhất Oreki-san dùng dấu ngoặc đơn nhằm bổ sung thông tin, vậy tại sao những nơi khác tương tự lại không? Tại sao lại có nơi dùng Hán tự có nơi lại dùng katakana? Và thêm nữa tại sao nó lại ngắn bất thường như vậy? Tớ rất là hiếu kỳ!”

Chitanda dòm qua tôi một giây rồi mới tiếp tục.

“Tớ đã tính hỏi Oreki-san nhưng… có lẽ việc bị người ta đọc bài cảm nhận của mình đã làm cậu khổ sở lắm rồi… nên tớ cố kìm lại mà thử tự tìm ra nguyên do xem sao. Hướng tiếp cận đầu tiên là tưởng tượng thể nguyên sơ nhất của nó và rồi…”

Nhưng thế quái nào lại…?

Satoshi ném cho tôi một cái cười ranh ma trước khi lên tiếng: “Thiệt có hơi lạ khi trong chính cái hướng tiếp cận đầu tiên ấy cậu lại nhìn ra vụ giấy chuyên viết văn…”

Khẽ nghiêng đầu, nhỏ hỏi: “Thật sao?”

“Thật.”

“Tớ chỉ nghĩ bắt đầu từ điểm nguyên sơ nhất là quan trọng… và may sao là tớ khá nhanh trong việc đếm nhẩm các con chữ.” Rạng rỡ như ánh dương, nhỏ giơ hai nắm đấm lên không trung đầy tự hào như một nhà vô địch quyền anh.

Mặt khác, Ibara với tay lấy chiếc hộp bút.

“Cứ hai mươi ký tự là chuyển dòng phải không? Chị viết tạm lên đây chút nhé Hina-chan.”

“Dạ, chị cứ viết đi ạ.”

Căn phòng lại chìm trong im lặng. Nếu bọn họ chia đúng thì tôi mường tượng ra nó sẽ như thế này:

Em đã đọc “Khỉ - Cua đại chiến” và thấy tội nghiệp /cho cua-con-trai và đồng bọn. Cuộc sống của em khá bình lặng, nhưng việc khó mà biết được lỡ mai đây bản thân mình có lâm /vào tình cảnh tương tự hay không khiến em /muốn đặt mình vào vị trí của chúng. Như tác giả đã nói, nếu hành động /khỉ ném trái hồng còn xanh vào cua-cha khiến nó tử vong là ngộ sát /thì việc cua-con-trai giết khỉ lại là hành động có tổ chức và đầy /máu lạnh. Bản án tử giành cho cua-con-trai là không tránh khỏi /và chung thân giành cho bằng hữu của y /có thể coi là công minh.

“Rồi, vậy tiếp theo mình làm gì?”

Rõ là đang háo hức, Chitanda nói mà cứ vẫy vầy hai tay:

“Bằng cách tưởng tượng đoạn văn này khi được viết trên giấy bốn-trăm-ô thì một số con chữ sẽ dần trở nên nổi bật. Chẳng hạn như… chữ cuối cùng của mổi cột nếu kết hợp chúng với nhau…”

Xong.

Coi. Như. Xong!

“Đó, cứ lần theo trong đầu như vậy tớ đọc ra chữ ‘sotsugyou’, hay ‘tốt nghiệp’. Hẳn là sau đó còn nữa.”

“Thật ư? Cậu chắc chắn đó không phải vô tình chứ?”

Dứt lời Ibara liền lia cây bút chì qua từng đoạn đã được chia…

Sotsugyou wa… are… nonotabi… noichi… rizukau… reshi…

Khi Ibara còn chưa viết dứt câu Oohinata đã thốt lên: “Em biết rồi! Đây là một bài thơ!”

Sotsugyou wa

Areno no tabi no

Ichiri zuka

Ureshiku mo nashi

Kanashiku mo nashi

Oreki Houtarou

 

Lễ tốt nghiệp đến rồi

Âu chỉ là cột mốc nhỏ nhoi

Trên hành trình hoang sơ cằn cỗi

Vui chẳng có mấy khi

Buồn nào có mấy gì

Oreki Houtarou

“Ôi chao!”

Chitanda thốt lên đầy thỏa mãn.

“Dường như là phỏng theo một bài thơ trào phúng của vị Thiền sư Ikkyu thì phải…”

Quả thông xuân rụng rồi

Âu chỉ là cột mốc nhỏ nhoi

Nương về cõi Niết Bàn vô dục

Mấy dịp được nghênh tiếp

Mấy lúc chịu phủi xua

 

“Oreki-san đã biến một bài thơ cổ thành phiên bản nói lên tiếng lòng của riêng mình trong năm cuối cùng ở trường Sơ trung, rồi lại ẩn giấu nó trong bài cảm nhận văn học của mình đầy vi diệu phải không nào?”

Satoshi phụ họa: “Trời ơi… ai có thể đoán ra chứ? Ngài thi nhân khiêm văn nhân Oreki Houtarou… Chắc tôi chết vì ngưỡng mộ mất thôi! Hành trình hoang sơ cằn cỗi mới chịu! Bí ẩn duy nhất còn lại là tại sao một quý ngài tiết-kiệm-năng-lượng như Houtarou đây lại chơi tất tay như thế?”

Người đáp là cô bé Oohinata đang nhảy cẫng trong sung sướng.

“Quá rõ ràng rồi mà anh? Anh Oreki thực-sự-thích đó ạ! Ảnh yêu những bài văn cảm nhận này, và yêu cả lớp dạy Văn học Nhật của thầy Hanashima nữa! Phải không tiền bối? Ủa? Tiền bối sao ỉu xìu thế này?”

Những con người kia! Mấy người đâu có bị bạn bè mình đọc thành tiếng mấy bài thơ sáng tác hồi sơ trung đâu phải không? Mấy người nỡ đối sự tàn tệ với tui bằng cái mặt ngây đơ như vậy đó hả?

Lúc này cái trán của tôi – sau một cú va chạm đã yên vị trên mặt bàn còn hai tay thì buông thõng như người bại liệt. Không dám nhìn ai tôi chỉ biết thở dài cam chịu, đoạn chốt một câu ngắn gọn nhưng chất chứa những cảm xúc thật nhất của mình vào lúc này:

“Mấy người giết tôi đi.”

[2] Một sử thi đồ sộ kể lại những sự kiện trải dài suổt một thể kỷ, bắt nguồn từ xung đột giữa hai tộc Taira và Minamoto (cuối thế kỷ mười hai). [3] Chữ “yo” viết cạnh chữ “gi” có thể đọc là “giyo”(ぎよ) hoặc “gyo”(ぎょ) tùy vào hình dạng của nó. [4] Một trang giấy như vậy gồm hai mươi cột cách nhau một khoảng nhỏ, mỗi cột là hai mươi ô. Theo quy định thì mỗi một ô chỉ được điền vào đó một ký tự. “Ký tự” ở đây có thể là một chữ cái (hiragana (chữ mềm), katakana (chữ cứng), kanji (Hán tự)); dấu chấm, phẩy, dấu ngoặc đóng mở câu hội thoại… Người viết sẽ viết từ trên xuống dưới và khi hết hai mươi ô trong cột sẽ chuyển qua cột bên trái. Các bài tập làm văn của học sinh cho đến bản thảo văn học của người Nhật hầu như luôn dùng loại này. [5] Trong ba bảng chữ cái người Nhật thì ngoài Hán tự (kanji) là biểu nghĩa (nhìn chữ có thể biết nghĩa dù có thể không biết cách đọc) còn hiragana (chữ mềm) và katakana (chữ cứng) đều là biểu âm (nhìn từ có thể biết cách đọc nhưng phải kết hợp với nhau theo một trình tự nào đó mới thành một từ có nghĩa). Tuy vậy có những từ quá quen thuộc nên có thể chỉ cần viết hiragana hoặc katakana là người đọc hiểu nghĩa ngay. Trong trường hợp này Houtarou đã viết chữ “ka” (con cua) bằng hai cách: kanji (蟹) và katakana (カ). Dĩ nhiên cả hai cách viết này đều hợp lệ, nhưng thường thì một người đã quen với một cách nhất định sẽ luôn viết theo cách đó (đây là điểm Chitanda thấy lạ ở Houtarou). [6] Bài thơ gốc được viết theo thể tanka: 5 câu mỗi câu có số từ lần lượt là 5-7-5-7-7. Lưu ý “gyo” được tính là một từ và “gyou” là hai từ. Do sự khác biệt căn bản về chữ cái giữa tiếng Nhật và tiếng Việt và trình độ có hạn nên người dịch mạn phép dịch sang tiếng Việt theo thể cũng 5 câu nhưng số từ lần lượt là 5-7-7-5-5. [7] Ikkyu (1394-1481) là vị Thiền sư người Nhật Bản nổi tiếng không chỉ vì phẩm hạnh đức độ và còn bởi tính cách đặc biệt năng động. Bài thơ trên của ông nói về sự vô thường của thời gian: quả thông tượng trưng cho việc người Nhật đón Tết, và mỗi cái Tết trôi qua lại là một lúc người ta gần hơn với cái chết.