Chương mở đầu
Lược sử Hệ Ngân Hà
Dương lịch năm 2801, trung tâm nền chính trị thống nhất của toàn nhân loại chuyển từ hành tinh thứ ba trong Thái Dương hệ (Sol) là Địa Cầu (Terra) đến Theoria - hành tinh thứ hai trong hệ sao Aldebaran[1] , đọc Tuyên ngôn thành lập Liên bang Ngân Hà, cũng đổi năm đó thành năm đầu tiên theo lịch Vũ trụ (SE), bắt đầu công cuộc mở rộng lãnh thổ vào sâu tận bên trong lẫn sát ngoài rìa dải Ngân Hà. Đặc trưng nổi bật của những năm Dương lịch 2700 là chiến loạn và tình trạng vô chính phủ, khiến công cuộc phát triển ra thế giới bên ngoài của nhân loại bị kìm hãm. Và tiếp sau đó, nguồn năng lượng sục sôi bị kìm nén đã bùng nổ.
Dung mạo tuyệt mỹ của ba vị thần giúp con người di chuyển giữa các hành tinh - công nghệ điều hướng bước nhảy warp, kỹ thuật khống chế trọng lực và điều khiển quán tính - được điểm trang tươi mới từng ngày. Con người bước lên những con tàu vũ trụ, nhắm hướng chân trời mình chưa từng biết, khởi hành đến những bến bờ bên kia của biển sao.
- Xa hơn, xa hơn nữa!
Đó là câu khẩu hiệu chung của những con người sống trong thời đại đó.
Nhịp sinh học[2] của toàn thể nhân loại dường như đang vạch một đường ngang trên đỉnh cao. Người người làm việc hăng say bằng ý chí kiên định và nhiệt tình sôi sục. Kể cả khi phải đối mặt với khó khăn, con người cũng không yếu đuối đắm chìm trong bi lụy mà hào hứng bắt tay khắc phục. Có lẽ nhân loại trong thời kỳ đó đều là những tín đồ cuồng tín hết thuốc chữa của chủ nghĩa lạc quan?
Một thời đại hoàng kim ngập tràn sức trẻ cùng nhiệt huyết!
Tuy thế, thời đại này cũng không tránh khỏi một vài tỳ vết. Đầu tiên là bọn “hải tặc vũ trụ”. Chúng là những quái thai sinh ra từ chiến thuật hải tặc hợp pháp[3] trong thời kỳ chiến tranh giành quyền bá chủ giữa Địa cầu (Terra) và Sirius những năm 2700. Trong số đó cũng có những nhân vật nghĩa hiệp hát vang khúc ngợi ca về tự do, và những trận chiến giữa họ với quân đội Liên bang săn lùng mình cũng mang đến vô số cảm hứng cho nền điện ảnh lập thể.
Nhưng thực tế vốn không như tiểu thuyết. Quá nửa số hải tặc vũ trụ chỉ là những băng nhóm tội phạm khốn quẫn, không hơn. Chúng hợp tác với các chính trị gia và doanh nghiệp thiếu đạo đức để kiếm lời bất chính. Nhất là với dân cư sống trên các hành tinh vùng biên, hải tặc vũ trụ có thể coi là ôn thần. Trên những tuyến đường biên giới có hải tặc vũ trụ, lượng phi thuyền qua lại sẽ giảm, khiến việc cung ứng vật tư bị gián đoạn. Mà kể cả khi hàng hóa đến, giá cả cũng đắt đỏ vì ngoài chi phí ban đầu còn phải cộng thêm vào con số bảo hiểm an toàn kếch xù. Vấn đề này không hề nhỏ, vì khi bất mãn cùng bất an của người bị hại chồng chất ngày một nhiều thêm, chúng sẽ hóa thành nỗi hoài nghi về năng lực thống trị của Liên bang, động lực khai phá vùng biên cảnh sẽ giảm sút.
Năm 106 lịch Vũ trụ, Liên bang Ngân Hà toàn lực xuất quân càn quét hải tặc. Dưới những động thái phi thường của các vị đề đốc[4] M. Cuffren và C. Wood, sau hai năm, mục tiêu cơ bản hoàn thành. Tất nhiên, công việc đó chẳng hề dễ dàng. Đề đốc Wood, vốn nổi danh độc miệng, đã viết trong hồi ký:
“... Trước mặt tôi là kẻ địch hùng mạnh, còn sau lưng là đồng đội vô năng, và tôi bị buộc phải chiến đấu với cả hai cùng lúc. Không chỉ có thế, đến chính bản thân mình tôi cũng chẳng thể tin tưởng hoàn toàn.”
Ngay cả khi đã bước vào chính giới, đề đốc Wood vẫn luôn là “một lão già cứng đầu gàn dở” không ngừng lao vào những trận chiến gian nan với đám doanh nhân và chính trị gia biến chất.
Những ung nhọt xã hội như thế không ngừng nảy sinh, nhưng nếu ví toàn thể nhân loại như một cơ thể sống, thì đấy chỉ là một chứng bệnh nhẹ ngoài da. Cũng giống như chúng ta không thể hoàn toàn ngăn bụi bẩn bám vào mình, chữa tận gốc ung nhọt là điều không thể. Huống chi, chỉ cần dùng đúng phương pháp, nó sẽ không nặng đến mức gây tử vong. Cứ thế, nhân loại không cần lên bàn mổ vẫn đủ khỏe mạnh để vượt qua thêm hơn hai thế kỷ.
Chốn duy nhất dần tụt lại phía sau trong công cuộc phát triển và phồn vinh này chính là mẫu quốc ngày trước: Địa Cầu “Terra”. Mọi tài nguyên trên hành tinh này đều cạn kiệt, nó mất đi quyền lực lẫn tiềm năng về kinh tế cũng như chính trị. Dân số giảm mạnh. Sau cùng, Tera chỉ còn là một quốc gia già nua, yếu đuối, vất vả duy trì được nền tự trị mỏng manh nhờ vào chút truyền thống nhạt nhòa và sự vô hại của mình.
Nhưng, khối lượng tài sản kếch xù cướp đoạt từ những hành tinh thuộc địa như Sirius trong khoảng thời gian Địa Cầu còn là kẻ cai trị Hệ Ngân Hà cũng biến đi đâu không rõ
oOo
Rồi thì, tế bào ung thư nảy sinh và nhân rộng. Cái gọi là “thời kỳ đình trệ”[5] phủ xuống xã hội loài người.
Trong trái tim con người thời đại này, mệt mỏi cùng chán chường trói buộc dã tâm cùng tham vọng. Tiêu cực thay chỗ tích cực, bi quan chiếm chỗ lạc quan, nhân loại không còn cầu tiến mà thành ra yếm thế. Phát kiến, phát minh trong khoa học kỹ thuật không có người kế tục. Nền cộng hòa dân chủ mất đi năng lực tự điều chỉnh, chính khách chỉ chăm chăm đấu đá tranh quyền đoạt lợi, kéo theo đó là nền chính trị ngu dân và suy đồi.
Kế hoạch khai phá rìa tinh vực bị bỏ dở, vô số hành tình có thể cư trú bị bỏ hoang, vứt lại đó những trang thiết bị xây dựng và nguồn tài nguyên phong phú tiềm tàng. Đời sống văn hóa xã hội suy đồi trầm trọng. Con người đánh mất giá trị quan mà mình theo đuổi, sa đà vào ma túy, rượu cồn, lạm giao cùng những giáo phái thần bí. Tỉ lệ tội phạm không ngừng gia tăng, và trái ngược với nó, tỉ lệ tố giác giảm không phanh. Sinh mệnh bị coi rẻ, và xu hướng đem các giá trị đạo đức ra làm trò cười thì dần bám rễ.
Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều người tỏ ra quan ngại trước hiện tượng này. Họ không thể khoanh tay ngồi nhìn nhân loại theo chân loài khủng long đi đến chỗ diệt vong khi mục ruỗng đến tận cùng.
Họ không sai khi nhận định rằng căn bệnh xã hội loài người mắc phải đã trầm kha đến mức phải cắt lọc tận gốc rễ mới xong. Nhưng phần lớn trong số họ đã không chọn một liệu pháp trường kỳ, vốn cần rất nhiều kiên nhẫn cùng nghị lực, mà chọn uống loại thuốc đem lại hiệu quả tức thì nhưng có tác dụng phụ kèm theo. Loại thuốc cực mạnh ấy có tên gọi: “độc tài”.
Đây chính là mảnh đất màu mỡ để Rudolf von Goldenbaum phát triển sau này.
oOo
Rudolf von Goldenbaum, sinh năm 268 lịch Vũ trụ, trong một gia đình quân nhân, và vào quân đội khi đến tuổi trưởng thành như một lẽ đương nhiên.
Ở trường Sĩ quan Vũ trụ, Rudolf von Goldenbaum đứng đầu với thành tích gần như tuyệt đối. Cao 195cm, nặng 99kg, Rudolf hệt như một tòa tháp sắt khổng lồ khiến kẻ khác phải ngước nhìn lên.
Trên thân thể vĩ đại ấy không hề có một chút mỡ thừa hay chút gì yếu nhược.
Nhận quân hàm thiếu úy năm 20 tuổi, Rudolf đảm trách vai trò sĩ quan tư pháp trong lực lượng bảo an tuyến không gian Rigel[6] . Người thiếu úy trẻ tuổi lập tức bắt tay vào việc chấn chỉnh kỷ luật quân đội, bài trừ “bốn tệ nạn” là rượu, bài bạc, ma túy và tệ đồng tính. Kể cả khi vụ việc dính líu đến thượng cấp, Rudolf vẫn cứ nhân danh luật lệ cùng công bằng, quyết không thỏa hiệp, khiến dàn thượng cấp há miệng mắc quai đành phải thăng Rudolf lên hàm trung úy, rồi thuyên chuyển đến hệ sao Betelgeuse[7] cho khuất mắt.
Betelgeuse là một vành đai nguy hiểm có danh xưng “đại lộ của hải tặc vũ trụ”. Nhưng Rudolf, ngập đầy nhiệt huyết và dũng khí, đã chứng tỏ sự quyết đoán xứng danh “Đề đốc Wood thứ hai”. Anh tiêu diệt đám hải tặc nhờ vào mưu trí và những trận chiến không khoan nhượng. Đến cả những tên hải tặc đã đầu hàng, trông chờ được đưa ra xét xử cũng bị thiêu cháy cùng tàu vũ trụ. Tất nhiên Rudolf bị chỉ trích vì hành động tàn nhẫn đó, nhưng những tiếng ngợi ca còn to lớn hơn nhiều.
Người dân Liên bang Ngân Hà, vốn từng nếm trải cảm giác gần như hít thở không thông vì sống trong thời đại đầy bế tắc, dùng những tràng hoan hô chào đón vị anh hùng trẻ tuổi bừng bừng nhuệ khí mới toanh. Có thể nói, Rudolf xuất hiện giữa một thế giới bị sương mù dày đặc bao phủ như một siêu tân tinh[8] chói lọi.
Năm 296 lịch Vũ trụ, Rudolf thăng hàm thiếu tướng khi mới 28 tuổi. Rời quân đội, tiến vào chính giới, Rudolf giành được một ghế trong quốc hội, trở thành lãnh đạo tổ chức “Quốc gia Cách tân Đồng minh”, và tập hợp nhiều chính trị gia trẻ tuổi về dưới trướng bằng vào danh tiếng của mình.
Qua vài lần tuyển cử, thế lực của Rudolf khuếch trương đầy chóng vánh. Giữa những nhiệt tình ủng hộ, bất an, phản đối, và cả những thờ ơ tiêu cực đan xen, Rudolf đã thành công đặt xuống một nền móng chính trị vững chắc.
Cuộc tổng tuyển cử đưa Rudolf lên làm thủ tướng. Rồi, lợi dụng hiến pháp không có điều khoản nào ngăn cấm, Rudolf để quốc hội bầu mình làm tổng thống. Theo luật bất thành văn, hai chức vụ này không thể do một người kiêm nhiệm, và mỗi chức vụ chỉ có thể sở hữu một phần quyền lực nhất định. Khi cả hai chức vụ bị cùng một người nắm giữ, phản ứng hóa học đáng sợ xảy ra: nhân vật có đủ quyền lực chính trị để kềm chế Rudolf đã không còn tồn tại.
“Sự xuất hiện của Rudolf là minh chứng lịch sử cho thấy, về căn bản, thứ dân chúng yêu thích không phải là tư tưởng tự chủ cùng trách nhiệm đi kèm, mà là mệnh lệnh để phục tùng và kèm theo đó là sự miễn trừ trách nhiệm. Trong một nền chính trị dân chủ, chính sách sai lầm là trách nhiệm của chính bản thân người dân vì đã bầu ra một nhà cầm quyền không phù hợp; nhưng trong một nền chính trị độc tài thì khác. Thay vì soi sét lại bản thân, dân chúng càng thích một hoàn cảnh có thể thản nhiên chỉ trích nhà cầm quyền mà không cần chịu bất kỳ trách nhiệm nào.”
Một nhà sử học đời sau là D. Sinclair đã viết như thế. Tạm không xét đến tính chính xác của bình luận trên, quả thật, người dân sống trong thời đại đó ủng hộ Rudolf hết mực.
“Một chính phủ hùng mạnh! Một nhà cầm quyền mạnh mẽ! Trả lại trật tự và sức sống cho xã hội!
Trong tiếng hô hào đó, “nhà cầm quyền trẻ trung mạnh mẽ” đã chuyển hình thành một nhà độc tài tuyệt đối, không dung thứ cho sự tồn tại thế lực phản đối mình tự bao giờ. Rudolf tự phong mình làm “chấp chính trọn đời”, và đến năm 310 lịch Vũ trụ thì đăng quang, trở thành “Hoàng đế thần thánh bất khả xâm phạm của Đế quốc Ngân Hà”. Khi đó, vô số người đã nguyền rủa sự ngu ngốc của bản thân vì không rút ra được bài học từ lịch sử, còn những người đã luôn chỉ trích Rudolf thì không sao kềm nổi lòng căm phẫn. Thế nhưng, số người sung sướng hò reo còn nhiều hơn bao giờ hết.
Hassan Ayer Syed- một chính trị gia thuộc đảng Cộng Hòa đương thời - đã viết trong nhật ký của mình vào ngày Rudolf đăng quang:
“Tận trong phòng mình, tôi vẫn còn nghe thấy tiếng dân chúng tung hô Rudolf vạn tuế. Phải bao lâu nữa họ mới nhận ra mình đang chúc tụng một tên đao phủ?”
Sau này, cuốn nhật ký của ông bị chính quyền Đế quốc cấm lưu hành.
Ngày Rudolf đăng quang được chọn làm ngày đầu tiên của lịch Đế quốc, hệ thống lịch Vũ trụ bị hủy bỏ. Từ đây, Liên bang Ngân Hà tan rã, Đế quốc Ngân Hà - Hoàng triều Goldenbaum ra đời.
Hoàng đế Rudolf I của Đế quốc Ngân Hà - vị quân chủ chuyên chế đầu tiên của chính thể thống nhất toàn nhân loại - chắc chắn là một thiên tài. Ông dùng năng lực lãnh đạo cường hãn cùng ý chí cương quyết chấn chỉnh lại kỷ cương, nâng cao hiệu suất công tác hành chính, thanh trừ bằng hết quan chức tham ô.
Dựa trên những quy chuẩn Rudolf thiết lập, lối sống cùng các hình thức giải trí “quá mức xa hoa, suy đồi, trụy lạc, thiếu lành mạnh” bị xóa bỏ, những hoạt động tư pháp nghiêm khắc đến tàn nhẫn khiến tỉ lệ tội phạm và trẻ vị thành niên phạm tội giảm mạnh. Dẫu sao thì, bức màn tệ nạn vốn bao trùm khắp xã hội loài người đã bị dẹp tan.
Thế nhưng, hoàng đế Rudolf - vốn được mệnh danh là “Người khổng lồ thép” - hãy còn chưa thỏa mãn. Theo ý ông, xã hội lý tưởng phải là một xã hội thống nhất cao độ đặt dưới sự quản lý và điều hành một cách rạch ròi bởi nhà lãnh đạo quyền uy.
Với lòng tự tin cao ngất, Rudolf tin chắc rằng mình đang hành động vì chính nghĩa, và những kẻ chỉ trích, phản đối chỉ là một nhóm phần tử cực đoan gây tổn hại cho trật tự và thống nhất của toàn xã hội. Thế nên, theo lý đương nhiên, ông bắt đầu tiến hành đàn áp thảm khốc những thế lực chống đối mình.
Ngòi nổ cho vụ việc là “Đạo luật Bài trừ gen thấp kém” ban bố năm thứ 9 lịch Đế quốc. Rudolf công khai quan niệm “cá lớn nuốt cá bé, mạnh được yếu thua, kẻ thích ứng tiếp tục sinh tồn là quy luật của toàn vũ trụ” của mình trước “thần dân”:
- Xã hội loài người cũng không nằm ngoài quy luật đó. Khi lượng cá thể “bất thường” tăng đến một giá trị nhất định, xã hội sẽ yếu nhược, không còn sức sống. Tham vọng của ta là phồn vinh vĩnh cửu cho toàn nhân loại. Chính vì lẽ đó, loại trừ những nhân tố khiến loài người yếu nhược là nghĩa vụ thiêng liêng của ta - đấng cai trị toàn xã hội loài người.
Nói một cách cụ thể thì đạo luật này cưỡng chế triệt sản nhóm người “không đủ ưu tú”, người khuyết tật, giai tầng nghèo khổ; an tử bệnh nhân tâm thần và loại bỏ gần hết các chính sách bảo trợ xã hội. Với Rudolf, bản thân “yếu nhược” đã là một tội lỗi không thể tha thứ, kẻ yếu trong xã hội chỉ là một lũ đáng khinh “dùng sự yếu đuối của bản thân làm lá chắn, cầu viện sự bảo trợ một cách đương nhiên”.
Khi đạo luật này được công bố trước toàn dân, cả những kẻ sùng bái Rudolf đến mù quáng cũng lấy làm lo lắng. Dẫu sao thì, không có mấy người đủ tự tin để cả quyết rằng mình thuộc thành phần ưu tú. Mọi người đều tự hỏi, phải chăng chuyện này đã đi quá xa?
Những con người thay mặt dân chúng trút chỉ trích xuống đầu hoàng đế là nhóm chính trị gia đảng Cộng hòa còn sót lại trong Quốc hội. Trước động thái này, Rudolf quyết định toàn diện phản công.
Ông ban lệnh lập tức giải tán vĩnh viễn Quốc hội.
Qua năm sau, Cục Bảo hộ Trật tự Xã hội trực thuộc Bộ Nội vụ Đế quốc được thành lập, gắt gao săn lùng tội phạm chính trị. Đích thân bộ trưởng Bộ Nội vụ khi đó là Ernst Falstrong - tâm phúc của Rudolf, giữ chức cục trưởng. Falstrong đã tiến hành bắt bớ, giam giữ, hạ ngục và trừng phạt “trên cơ sở phán đoán chủ quan trong trường hợp không thể vận dụng luật pháp”.
Đây rõ ràng là một cuộc hôn nhân đầy hạnh phúc giữa quyền lực và bạo lực. Đứa trẻ sinh ra từ cuộc hôn nhân ấy là nền chính trị khủng bố. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, nó đã lớn thành một gã khổng lồ và nuốt chửng cả xã hội loài người.
Đương thời, có một câu trào phúng được bí mật lưu truyền:
“Không muốn bị tử hình thì để cho cảnh sát bắt đi. Vì bị Cục Bảo hộ Trật tự Xã hội tóm được thì chắc chắn chỉ có đường chết...”
Chuyện không một tội phạm chính trị hay tội phạm tư tưởng nào bị Cục Bảo hộ Trật tự Xã hội phán án tử hình là thật. Nhưng, số người bị bắn chết khi còn chưa được xét xử, bị tra khảo tới chết, bị đày đến hành tinh cằn cỗi rồi bặt tin, bị phẫu thuật cắt bỏ thùy não trước[9] , bị ép sử dụng ma túy mà thành bệnh, “bệnh chết” (chữ BỆNH CHẾT được in đậm) hoặc “tai nạn chết”(chữ TAI NẠN CHẾT được in đậm) trong ngục... lên đến trên 4 tỷ người. Dù là vậy, con số này chiếm không quá 1,3% tổng dân số Đế quốc khi đó là 300 tỷ người. Thế nên, cục trưởng bấy giờ của Cục Bảo hộ Trật tự Xã hội có thể dõng dạc biện minh:
“Vì an ninh và hạnh phúc của tuyệt đại đa số người dân trong xã hội, một thiểu số nguy hiểm cần phải bị loại trừ.”
Đương nhiên, trong “tuyệt đại đa số” của ông ta không bao gồm 4 tỷ người phải hứng chịu số phận bi thảm, cùng vô số người dân ngập chìm trong phẫn hận nhưng chỉ đành im lặng nuốt xuống những lời bất mãn.
Không chỉ đàn áp, giết chóc phe đối lập, Rudolf còn chọn ra những “nhân tài ưu tú” và ban cho họ đặc quyền, hình thành giai cấp quý tộc ủng hộ hoàng gia. Tuy nhiên, toàn bộ quý tộc đều là người da trắng, và đều được ban cho những cái họ mang âm hưởng German cổ. Phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy trí tuệ của Rudolf đã bắt đầu suy giảm?
Falstrong cũng thụ phong bá tước vì những công trạng của mình. Nhưng, một lần trên đường về nhà, ông bị những kẻ khủng bố của phe Cộng Hòa - khi đó đã chuyển sang hoạt động bí mật - ám sát bằng bom neutron. Vô cùng đau lòng vì cái chết của vị công thần, Rudolf đã cho xử tử trên 20 000 nghi phạm để an ủi vong linh người quá cố.
Năm 42 lịch Đế quốc, sinh mệnh dài đến 83 năm của Rudolf Đại đế kết thúc. Cơ thể người khổng lồ ấy hãy còn cường tráng, nhưng người ta nói rằng, đau khổ về tinh thần đã để lại gánh nặng quá lớn cho trái tim ông.
Hoàng đế cũng không thể hoàn toàn hạnh phúc. Ông và hoàng hậu Elizabeth chỉ sinh được bốn người con gái, không có con trai kế thừa ngôi vị. Trong những năm cuối đời, sủng phi Magdalena sinh cho Rudolf một đứa bé trai, nhưng có tin đồn rằng đứa bé này bị si ngốc bẩm sinh.
Mọi kênh thông tin công khai của Đế quốc đều giữ im lặng về vụ việc nọ. Nhưng sau này, không chỉ Magdalena, mà cha mẹ, anh em của bà, đến cả những y bác sĩ có dính líu đến vụ sinh nở đều bị xử tử. Từ điểm đó, rất có khả năng lời đồn đại đầu đường cuối ngõ là sự thật.
Và chuyện này rõ ràng là đả kích cực lớn cho Rudolf - con người đã ban bố “Đạo luật loại trừ gen thấp kém” với tham vọng phát triển nhân chủng ưu tú nhất.
Để bảo vệ niềm tin của hoàng đế rằng nhân tố di truyền quyết định hết thảy, Magdalena không thể không chết. Không có chuyện bộ gen Rudolf đại đế di truyền chứng si ngốc, nên toàn bộ trách nhiệm phải nằm ở chỗ Magdalena.
Sau khi Rudolf mất, người đội lên đầu chiếc vương miện hoàng đế đời thứ hai của Đế quốc Ngân Hà là hoàng tử Sigismund - con trai của trưởng công chúa Katharina. Vị hoàng đế trẻ mới 25 tuổi, được cha mình là Công tước Joachim von Neue Stauffen phụ tá, quân lâm toàn hệ ngân hà.
oOo
Ngay sau khi Rudolf I mất, phe Cộng hòa đã phát động bạo loạn trên khắp Đế quốc. Họ cho rằng mất đi năng lực lãnh đạo và thủ đoạn cứng rắn của Rudolf, Đế quốc chẳng mấy chốc sẽ suy sụp. Thế nhưng, họ đã quá lạc quan. Trong suốt 40 năm trị vì, Rudolf đã bồi dưỡng tâm phúc cùa mình thành một thể chế “tam vị nhất thể” gồm ba bên: quý tộc, quân đội, quan liêu. Và lực lượng tâm phúc này của ông kiên cố hơn xa những gì phe Cộng hòa có thể tưởng tượng.
Vị thống soái của thể chế này chính là thủ tướng của Đế quốc - quốc lão Joachim von Neue Stauffen. Không hổ danh là nhân vật được chính Rudolf chọn làm con rể, Joachim bình tĩnh phát huy trọn vẹn năng lực lãnh đạo của mình, nghiền nát đám phản quân, vốn đã ở vào thế thất lợi ngay từ đầu, như dẫm vỏ trứng.
Có trên 500 triệu người tham gia phản loạn bị giết, hơn 10 tỷ người là thân nhân của quân phản loạn bị tước quyền công dân, giáng xuống giai cấp nông nô. Dù có mượn cơ hội này để đàn áp thế lực phản đối mình hay không thì Joachim cũng đã hoàn toàn tuân thủ luật Đế quốc.
Phe Cộng hòa lại chìm vào mùa đông thêm lần nữa.
Có lẽ nhiều người cho rằng dưới nền chính trị chuyên chế hùng mạnh nhường ấy, mùa đông rét buốt này sẽ kéo dài vĩnh cửu. Sau khi Joachim mất, Sigismund tự mình chấp chính, rồi đến lượt con trai trưởng của Sigismund là Richard kế vị, tiếp đó là trưởng hoàng tử Otfried. Có thể thấy, quyền lực tối cao chỉ có thể truyền cho con cháu Rudolf, và sự chuyển dời quyền lực duy nhất chính là sự kế thừa.
Nhưng, dưới lớp băng dày, đã có một dòng nước chảy trong im lặng.
Năm 164 lịch Đế quốc, một nhóm nô lệ bị kết án lưu đày đến hệ sao Altair[10] lao động khổ sai vì có gia quyến tham gia phản loạn, đã chế tạo được tàu vũ trụ và đào thoát thành công.
Kế hoạch của họ không phải là một kế hoạch chu toàn trải qua nhiều phen thử nghiệm, điều chỉnh, tiến hành suốt vài thế hệ. Những kế hoạch loại đó đều kết thúc bằng thất bại. Mộ chí của người phe Cộng hòa cứ tăng lên, tiếng bi ca ai điếu bị át bởi tiếng cười nhạo từ Cục Bảo hộ Trật tự Xã hội vọng sang. Chuyện như thế cứ lặp đi lặp lại không ngừng nghỉ. Nhưng rốt cuộc, họ đã thành công. Mà kế hoạch này, từ khi lập ra đến lúc thực hiện, cần không quá ba tháng theo lịch tiêu chuẩn.
Mọi thứ bắt đầu từ trò chơi con trẻ. Con cái các nô lệ khai thác mỏ molypden và antimon sống trên hành tinh thứ bảy lạnh giá của hệ sao Altair đã trốn khỏi tầm mắt quan giám sát, đẽo những mảnh băng thành mấy chiếc thuyền nhỏ, thả trên mặt nước chơi. Vô tình trông thấy cảnh này, trong đầu cậu thanh niên Arle Heinesen lập tức nảy ra một ý tưởng sáng rỡ. Chẳng phải đang có một nguồn tài nguyên chế tạo phi thuyền nhiều vô tận ngay trên hành tinh bị vứt bỏ này hay sao!
Trữ lượng nước trên hành tinh thứ bảy của hệ sao Altair rất ít nên lượng băng khô[11] tự nhiên còn nhiều hơn băng tuyết. Heinesen đã chọn một tảng băng khô cực lớn bị vùi sâu dưới lòng khe núi hẹp có chiều dài 122km, rộng 40km và chiều cao trục dọc là 30 km. Chỉ cần khoét đi phần lõi, bố trí bộ phận truyền động và chỗ ở là đã có được một con tàu vũ trụ sẵn sàng cất cánh. Điểm khó khăn nhất trong các kế hoạch tẩu thoát lúc bấy giờ là làm sao để có nguyên vật liệu chế tạo phi thuyền. Mua theo con đường bất hợp pháp là điều không thể, và một khi Cục Bảo hộ Trật tự Xã hội đánh hơi thấy được, chắc chắn cơn cuồng phong đàn áp giết chóc sẽ lại quét ngang.
Thế nhưng, ngay tại chốn này, lại có một thứ nguyên liệu thiên nhiên không bị Cục phát hiện.
Với nhiệt độ không tuyệt đối bên ngoài vũ trụ[12] , không cần lo băng khô bị thăng hoa. Một khi đảm bảo cách nhiệt ở bộ phận truyền lực và không gian sống, con tàu đủ khả năng thực hiện chuyến hành trình khá dài. Chỉ cần tìm được tài liệu chế tạo tàu vũ trụ dùng đi lại giữa các hệ sao từ môi trường liên sao[13] hoặc trên các hành tinh bỏ hoang trong chừng đấy thời gian là đủ. Đến lúc đó, con tàu vũ trụ ban đầu cũng hoàn thành sứ mệnh và không cần tiếp tục lên đường.
Con tàu vũ trụ bằng băng khô lấp lánh trắng ấy được đặt tên Ion Fazekath - tên cậu bé đã làm ra con thuyền bằng băng. 400.000 người, cả nam lẫn nữ, bước lên con tàu này, thoát khỏi hệ sao Altair. Họ đã đặt bước chân đầu tiên lên chuyến lữ trình dài mà các nhà sử học đời sau gọi là “cuộc trường chinh vạn năm ánh sáng”.
Để trốn tránh quá trình lùng bắt và săn đuổi gắt gao của Đế quốc, những kẻ chạy trốn ẩn náu dưới lòng đất một hành tinh vô danh. Tại đây, họ chế tạo 80 con tàu vũ trụ, rồi mới bắt đầu tiến vào sâu trong hệ Ngân Hà. Nơi đó là một vùng không gian rộng lớn đầy rẫy hiểm nguy từ những sao khổng lồ, sao lùn, sao biến quang[14] ... Đấng sáng tạo không ngừng trút xuống đoàn người những trò đùa ác ý của mình.
Trên chuyến hành trình đầy gian khổ ấy, họ mất đi người lãnh đạo Heinesen trong một tai nạn. Bạn thân của Heinesen là Nguyễn Kim Hòa kế ghiệp ông. Đến khi Nguyễn cũng già nua, đôi mắt mất đi ánh sáng, thì rốt cuộc, họ thoát ra được vành đai nguy hiểm. Một quần tinh ổn định trong thời kỳ tráng niên hiện ra trước mắt đoàn người. Đã qua hơn nửa thế kỷ kể từ ngày họ rời khỏi hệ sao Altair.
Quần tinh mới này được đặt tên theo các vị thần Phoenicia[15] cổ đại như Ba’alat, Astarte, Melqart, Hadad... Đoàn người xây dựng căn cứ địa của mình trên hành tinh thứ tư của hệ sao Ba’alat, và gọi nó bằng tên người lãnh đạo Heinesen kính yêu để vĩnh viễn khắc ghi công tích của ông.
“Cuộc trường chinh vạn năm ánh sáng” kết thúc vào năm 218 lịch Đế quốc, nhưng những con người thoát khỏi gông cùm của nền chính trị chuyên chế đã quyết định xóa bỏ lịch Đế quốc, khôi phục lịch Vũ trụ. Họ tự hào rằng mình mới là những người thừa kế chính thống của Liên bang Ngân Hà, còn Rudolf chỉ là tên phản bội hèn hạ của nền Dân chủ, không hơn.
Và như thế, họ trịnh trọng đọc tuyên ngôn thành lập Liên minh Các Hành tinh Tự do. Đó là năm 527 lịch Vũ Trụ. Dân cư liên bang thời kỳ đầu là hơn 160.000 người. Đã có quá nửa số đồng chí hi sinh trong cuộc trường chinh.
oOo
Liên minh Các Hành tinh Tự do hãy còn quá nhỏ yếu để phán định rằng xã hội loài người đã phân hóa làm hai nửa. Nhưng những con người xây dựng nên Liên minh đã dùng sự cần mẫn và nhiệt tình không gì sánh kịp, mau chóng đặt xuống một nền móng trọn vẹn về chất cho thế lực mới của chính mình. Dưới chính sách khuyến khích sinh đẻ, dân số gia tăng, thể chế quốc gia dần hoàn thiện, nông nghiệp và công nghiệp cũng phát triển vượt bậc.
Thời đại hoàng kim của Liên bang Ngân Hà lần nữa tái hiện.
Rồi thì, năm 640 lịch Vũ trụ, hai thế lực Đế quốc Ngân Hà và Liên minh Các Hành tinh Tự Do tiếp xúc lần đầu. Bằng hình thức đối đầu giữa hai chiến hạm.
Trong khi phe Liên minh đã sớm chuẩn bị tâm lý, chuyện này với phía Đế quốc không khác gì sét đánh giữa trời quang. Trận chiến kết thúc bằng thắng lợi của phe Liên minh. Nhưng ngay trước khi hứng trọn chùm đạn neutron, hóa thành quả cầu lửa cháy rụi, con tàu của Đế quốc đã kịp gửi tin khẩn về hành tinh mẹ.
Quan viên Đế quốc Ngân Hà lật lại tài liệu trong bộ nhớ máy tính cũ mới biết đến sự tồn tại của một đám nô lệ đào vong từ hệ sao Altair từ hơn một thế kỷ trước. Hóa ra họ còn sống sót chứ không chết trên đường trốn chạy!
Đế quốc lập tức tổ chức binh đoàn thảo phạt, phái ra một đại hạm đội nhắm hướng “căn cứ địa của lũ phản đồ”. Và rồi toàn quân bị đập tan.
Có nhiều nguyên nhân khiến quân đội Đế quốc, vốn chiếm ưu thế về quân số, thất bại hoàn toàn: binh tướng buộc phải vượt qua chặng đường viễn chinh dài dặc mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần, việc cung cấp tiếp viện bị coi nhẹ, không thông thuộc địa hình, đánh giá quá thấp thực lực và ý chí chiến đấu của đối thủ, hoạch định chiến lược sơ sài,... và cả vì phía liên minh có được một vị chỉ huy tài năng.
Lin Pao - tướng chỉ huy phe Liên minh là một tay bợm rượu phàm ăn, háo sắc nên vẫn bị chính khách trong Liên minh - những con người tôn thờ lối sống giản dị như các tín đồ thanh giáo cổ xem thường. Thế nhưng, trên phương diện dùng binh, Lin Pao lại là một thiên tài. Tham mưu trưởng Yusuf Topparol - trợ thủ của Lin Pao - nổi tiếng là hay càu nhàu “cớ gì tôi cứ phải đi làm mấy chuyện phiền hà này chứ?” đến mức bị đặt luôn biệt danh “Yusuf càm ràm”. Nhưng đồng thời, ông cũng là một chiến lược gia tính toán chu toàn đến độ được mệnh danh là “máy tính chiến thuật biết hô hấp”. Năm đó, hai người họ đều chỉ đang ở độ tuổi 30 nhưng đã một tay đạo diễn nên trận chiến bao vây/ tiêu diệt lừng danh trong lịch sử ở rìa ngoài tinh vực Dagon, trở thành những vị anh hùng vĩ đại nhất sau thời kỳ dựng nước.
Đây chính là cơ hội để Liên minh Các Hành tinh Tự do khuếch trương lực lượng. Nhóm “phần tử dị đoan” sống trong lòng Đế quốc hay tin đang có một thế lực độc lập chống lại quốc gia thì ùn ùn bỏ trốn, đổ xô đến Liên minh để an cư. Ba thế kỷ trôi qua kể từ sau cái chết của Rudolf đại đế, thể chế từng kiên cố vô cùng rốt cuộc bắt đầu lung lay, Cục Bảo hộ Trật tự Xã hội đôn đáo đàn áp nhưng thanh thế đã yếu bớt, thanh âm bất mãn trong nội bộ Đế quốc cũng dâng cao.
Dòng người, cả nam lẫn nữ, nối nhau tìm đến Liên minh Các Hành tinh Tự do được tiếp nhận trên tinh thần “ai đến cũng không cự tuyệt”. Nhưng trong số họ không chỉ có người theo phe Cộng hòa, mà còn có cả thành viên hoàng thất cùng quý tộc chiến bại trong những màn đấu đá chính trị chốn cung đình. Tiếp nhận họ, Liên minh Các Hành tinh Tự do không chỉ tăng mạnh về số lượng, mà chất lượng cũng biến đổi theo.
Kể từ lần tiếp xúc đầu tiên, Đế quốc Ngân Hà - Hoàng triều Goldenbaum và Liên minh Các Hành tinh Tự do đã ở trong tình trạng chiến tranh mạn tính, nhưng đôi khi chút hòa bình giả tạo cũng ghé qua. Sản phẩm của nó là “khu tự trị Fezzan”. Đây là một quốc gia thương nghiệp thuộc hệ sao Fezzan nằm giữa hai thế lực. Mặc dù chủ quyền thuộc hoàng đế Đế quốc Ngân Hà và phải cống nạp cho đế quốc, nó hoàn toàn nắm quyền tự chủ về nội chính, và đặc biệt, được phép ngoại giao, thông thương với Liên minh Các Hành tinh Tự Do.
Vì Đế quốc Ngân Hà coi mình là người lãnh đạo tuyệt đối và duy nhất của xã hội loài người, khái niệm “nước ngoài” không được công nhận. Đế quốc không gọi Liên minh Các Hành tinh Tự Do bằng tên chính thức, mà ghi chép trong các văn bản hành chính là “thế lực phản loạn”. Quân Liên minh là “phiến quân”, và người đứng đầu Liên minh, tức Chủ tịch Hội đồng Tối cao là “thủ lĩnh phiến quân”. Với một chính sách quốc gia như thế, ngoại giao cùng thông thương là điều không thể. Nhưng vị thương nhân xuất thân từ Terra là Leopold Laap, với lòng nhiệt tình quá mức bình thường, đã vận động thành lập khu tự trị mang tính chất đặc thù này. Thông qua thỉnh cầu, thuyết phục, và quan trọng hơn hết là dùng số tiền cực lớn để hối lộ, chuyện này được thông qua.
Người đại diện, cũng là lãnh chúa khu tự trị Fezzan, cai trị lãnh địa dưới tư cách thần tử của hoàng đế, giám sát việc giao dịch với phe Liên minh, đôi khi cũng đảm nhiệm cả vai trò của một quan chức ngoại giao. Bằng việc độc chiếm quyền giao thương, Fezzan ngày một giàu có và hùng mạnh hơn. Lãnh địa Fezzan tuy nhỏ nhưng thực lực của nó lại không thể coi thường.
Đế quốc và Liên minh cũng không phải chưa từng có động thái nào nhằm cải thiện mối quan hệ giữa hai thế lực. Năm 398 lịch Đế quốc, 707 lịch Vũ trụ, hoàng đế Manfred II tức vị. Ông là một trong những đứa con ngoài giá thú của tiên đế Helmut được nuôi dưỡng trong bầu không khí tự do tại Liên minh suốt thời niên thiếu để trốn khỏi tay bọn ám sát.
Vậy nên, sau khi lên ngôi, Manfred đã nỗ lực thiết lập quan hệ ngoại giao hòa bình và ngang hàng giữa hai thế lực, cải cách chính trị trong nội bộ đế quốc. Thế nhưng, vị hoàng đế trẻ tuổi nhiều tham vọng lên ngôi chưa đến một năm đã bị ám sát, quan hệ giữa đôi bên mau chóng nguội lạnh, hi vọng hóa thành bọt nước. Hung thủ ám sát Manfred II là quý tộc phản động, nhưng thuyết âm mưu cho rằng đằng sau vụ ám sát có sự nhúng tay của Fezzan để bảo vệ độc quyền giao thương của mình, cũng khá đáng tin.
oOo
Và cứ thế, cuối thế kỷ VIII lịch Vũ trụ, cuối thế kỷ V lịch Đế quốc, trên Đế quốc vẫn có những khu vực rộng lớn nhưng không hề có luật lệ hay thể chế, còn Liên minh cũng đánh mất lý tưởng ban sơ thời dựng nước của mình. Hai thế lực lấy Fezzan làm ranh giới, và cứ tiếp tục xung đột đối kháng như một thói quen. Theo tính toán của các nhà kinh tế học thì khi so sánh quốc lực của ba bên, đế quốc Ngân Hà chiếm 48%, Liên minh Các hành tinh Tự do chiếm 40%, còn Fezzan chiếm 12%. Đây rõ ràng là một cục diện bế tắc cho cả ba.
Thêm nữa, Liên bang Ngân Hà trong thời kỳ thịnh vượng nhất có tổng dân số lên tới 300 tỷ người, nhưng vì chiến loạn trong thời gian dài, hiện giờ dân số đã giảm xuống chỉ còn 40 tỷ.
Phân bố dân cư Đế quốc có khoảng 25 tỷ, Liên minh khoảng 13 tỷ, Fezzan khoảng 2 tỷ người.
Người hoàn toàn thay đổi cục diện “phải làm một cái gì đó nhưng chẳng thể làm gì” là một chàng trai trẻ xuất thân từ hành tinh Odin - hành tinh thứ ba trong hệ sao Valhalla mang tên vị chủ thần trong thần thoại Bắc Âu cổ, cũng là hành tinh Rudolf chọn làm thủ đô Đế quốc Ngân Hà. Chàng trai trẻ tuổi có gương mặt xinh đẹp như băng tuyết và vẻ ngoài không ai sánh được ấy là bá tước Reinhard von Lohengramm.
Họ gốc của Reinhard là Müsel, anh sinh ra trong một gia đình quý tộc nghèo chỉ còn lại hư danh. Đó là năm 467 lịch Đế quốc (776 lịch Vũ trụ). Năm Reinhard 10 tuổi, chị gái ruột của Reinhard là Annerose, lớn hơn cậu 5 tuổi, bị hoàng đế Friedrich IV nạp vào hậu cung, và cuộc đời cậu bé Reinhard thay đổi hoàn toàn. Cậu thiếu niên có mái tóc vàng và đôi mắt màu băng lam thành thiếu úy sư đoàn cận vệ năm 15 tuổi. Tài năng của bản thân và sự sủng ái của hoàng đế với người chị gái khiến tốc độ thăng tiến của cậu cực kỳ nhanh chóng.
Năm 20 tuổi, Reinhard đã được phong làm bá tước Lohengramm và bổ nhiệm làm thống tướng[16] quân đội đế quốc. Đây đúng là lối bổ nhiệm nhân sự cực đoan đặc trưng ở một quốc gia độc tài, nhưng địa vị luôn đi kèm với trách nhiệm. Nếu có xuất thân là quý tộc, anh không cần chứng tỏ tài năng của bản thân trước kẻ khác, nhưng Reinhard chỉ đơn thuần là “em trai của sủng phi của hoàng đế” nên nhất thiết phải phô diễn tài năng.
Mặt khác, gần như cùng thời gian đó, Liên minh Các Hành tinh Tự Do cũng xuất hiện một nhà cầm quân. Người này sinh năm 767 lịch Vũ trụ, và trở thành quân nhân năm 20 tuổi: Dương Văn Lý.
Ban đầu, chí của Dương không ở quân đội, nếu không có một vài ngẫu nhiên đưa đẩy, hẳn anh đã không trở thành người viết nên lịch sử, mà chỉ là sống hết cuộc đời như một kẻ đứng xem.
“Có chuyện tôi làm được, cũng có chuyện tôi làm không nổi.”
Đó là triết lý của Dương. Trước vận mệnh, anh thụ động hơn Reinhard, cũng dễ chấp nhận hơn. Mặc dù vậy, Dương vẫn cảm thấy không sao hòa hợp được với chiến tranh lẫn nghề nghiệp phục vụ cho chiến tranh là quân nhân của mình. Suốt cả cuộc đời, Dương vẫn luôn mong được vứt bỏ chức vụ trong quân bộ mà thoái ẩn, nhưng đến tận cuối đời vẫn không sao giũ bỏ được.
oOo
Đầu năm 796 lịch Vũ trụ, 487 lịch Đế quốc, Reinhard suất lĩnh một hạm đội gồm 20.000 tàu chiến lên đường viễn chinh. Anh muốn quân phiến loạn dám cả gan tự xưng là “Liên minh Các hành tinh Tự Do” quỳ gối dưới gót sắt của mình, và dùng chiến công này khẳng định địa vị bản thân.
Quân Liên minh tổ chức một hạm đội gồm 40.000 tàu chiến ra chống trả. Dương Văn Lý là một thành viên trong hạm đội ấy.
Khi đó, bá tước Reinhard von Lohengramm 20 tuổi, còn Dương Văn Lý 29 tuổi.
[15] Phoenicia: một nền văn minh cổ đại nằm ở miền bắc khu vực Canaan cổ, với trung tâm nằm dọc vùng eo biển Liban, Syria, và bắc Israel ngày nay. [14] Sao khổng lồ, sao lùn, sao biến quang: cách phân loại các hằng tinh dựa vào độ phát sáng (từ chuyên ngành là độ trưng) của nó. [13] Môi trường liên sao (interstellar medium - ISM): môi trường vật chất tồn tại giữa các hệ sao [12] Không độ tuyệt đối: 0oK, tức khoảng - 273,15oC. Nhưng thực chất, nhiệt độ vũ trụ cao hơn mức này một chút. [11] Băng khô: còn gọi là nước đá khô hay đá khói, là cacbon dioxide (CO2) bị hóa lỏng dưới áp suất cao rồi cho giãn nở nhanh mà thành. Do là CO2 đông cứng, băng khô không hóa lỏng như nước đá mà trực tiếp thăng hoa thành CO2 ở nhiệt độ thông thường. [10] Hay α Aquilae, sao Ngưu Lang, cách Trái đất 17 năm ánh sáng [9]前頭葉除去手術hay lobotomies: một liệu pháp được cho là có thể chữa trị bệnh tâm thần bằng cách cắt bỏ hoặc hủy một phần thùy não trước [8] Siêu tân tinh (supernova): hiện tượng một ngôi sao đột ngột tăng mạnh cường độ sáng của nó lên hàng tỉ lần rồi giảm dần trong vòng vài tuần hay vài tháng. [7] Betelgeuse: hay α Orionis, cũng thuộc chòm Lạp Hộ (Orion), cách trái đất khoảng 640 năm ánh sáng [6] Rigel: hay β Orionis, thuộc chòm Lạp Hộ (Orion), cách trái đất khoảng 773 năm ánh sáng [5] Nguyên văn: 中世的停滞 [4] Đề đốc: bậc quân hàm tương đương cấp tướng, dùng gọi chung cả bốn cấp bậc đô đốc hạm, đại tướng, trung tướng, thiếu tướng trong hải quân [3] Nguyên văn: 私掠船tàu được cấp giấy phép trao quyền tấn công và cướp đoạt tàu thuyền kẻ thù, tài sản cướp bóc được sẽ phân chia giữa vua và thuyền trưởng [2] Nhịp sinh học: một chu trình giả thiết về tình trạng sức khỏe hay năng lực sinh lý, cảm xúc, hoặc trí thông minh. [1] Aldebaran: Định danh α Tauri, một hằng tinh thuộc chòm Kim Ngưu cách mặt trời 65 năm ánh sáng