Sau khi chốt kế hoạch đi chơi Lễ hội lửa Kurama với những người bạn đến từ nhóm luyện nói Tiếng Anh mà tôi tham gia khi còn học đại học, tôi đáp chuyến bay từ Tokyo đến Kyoto vào cuối tháng Mười.
Tôi rời khỏi Tokyo trước buổi trưa, và đặt chân xuống Kyoto vào khoảng hai giờ chiều.
Tôi đi từ ga Kyoto đến Shijo Kawaramachi, nơi tôi bắt một chuyến xe buýt đến ga Demachiyanagi. Khi chiếc xe buýt băng qua cầu Kamo, tôi nhìn thấy những con diều đen đang bay lượn giữa bầu trời thu trong vắt đến lạ kỳ.
Cửa soát vé của Nhà ga Eizan vốn đã lấp đầy bởi các du khách. Tôi vừa dựa mình lên một chiếc cột vừa toan nghĩ tới việc tôi đã tới nơi này sớm như thế nào, thì chợt nghe ai đó đang gào tên tôi giữa đám đông nhộn nhịp, "Ohashi!", Tôi vừa ngoảnh mặt lại thì thấy Nakai đang tiến về phía tôi và vẫy tay.
"Hẳn cậu đã đến từ khi còn sớm!”
“Cậu cũng vậy, Nakai.”
“Tôi chỉ ghét việc đến trễ thôi. Hơn nữa, tôi muốn đến thăm trường trước khi chúng ta tụ tập đông đủ ở đây..”
“Nó vẫn còn ở đây sao?”
“Chắc vậy. Thực sự, nơi ấy là một nơi đầy ắp những kỷ niệm.”
Trường luyện nói Tiếng Anh được đặt trong một tòa nhà một tầng làm bằng gỗ, nằm khuất trong một con ngõ nhỏ cạnh trục đường chính giữa ga Demachiyanagi và giao lộ Hyakumanben. Lớp học được giảng dạy bởi giáo viên người nước ngoài, thường sẽ kéo dài trong khoảng một giờ đồng hồ. Bởi vị trí của nó gần Đại học Kyoto, hầu hết những người theo học ở đó đều là sinh viên hoặc nghiên cứu sinh. Tôi bắt đầu theo học vào năm hai, Nakai học cùng tôi vào mỗi tối thứ Bảy. Khi đó, anh ta đang theo học bằng Thạc sĩ.
"Tôi đến đây với vợ.", anh kể. Đêm qua họ tá túc tại một nhà nghỉ ở Kawaramachi, sáng nay vợ anh ta hẹn bạn đến một vài ngôi đền rồi về Tokyo trước. Tôi từng gặp vợ anh ta vài lần, khi dự hôn lễ của họ, cùng lưa thưa vài lần đến chơi xã giao tại căn hộ của họ ở Suidobashi.
Chúng tôi đứng đó nói chuyện phiếm, trong lúc đợi những người bạn cùng nhóm xuất hiện.
"Tôi vẫn không thể tin được chúng ta đã gặp lại nhau." Nakai trầm ngâm.
"...Sau tất cả thì cũng đã mười năm rồi."
Thật khó để nói mười năm là dài hay ngắn. So với Tokyo, mọi thứ xảy ra ở Kyoto như thể đã xảy ra từ rất lâu rồi. Nhưng bây giờ, khi tôi tới Kyoto và lại cùng nói chuyện với Nakai, thời gian tưởng chừng đứng yên.
"Tôi rất cảm kích khi cậu liên lạc với tôi. Bằng không tôi đoán tôi sẽ không còn quay về đây."
Khi Nakai đang nói, tôi phát hiện Takeda đang đứng phía đầu cầu thang dẫn xuống ga Keihan. Cậu ta là người trẻ nhất trong số chúng tôi, lần đầu tôi gặp cậu ta khi cậu hẵng còn là sinh viên năm nhất. Thấy chúng tôi, cậu ta chạy ào đến, trên khuôn mặt nở nụ cười rộng.
"Chào các anh. Lâu quá rồi nhỉ!"
******
Quay trở lại thời tôi đăng ký vào trường luyện nói Tiếng Anh, Nakai vốn là một người nổi bật trong lớp. Anh ta chào đón người mới đến, luôn mời mọi người đi ăn. Nhờ anh ta mà tôi đã biết cả những học viên ở các lớp khác. Chúng tôi đều đã từng là học viên, vào mùa thu mười năm trước ấy chúng tôi đã lên tàu chuyến Eizan đến Lễ hội lửa Kurama, và Nakai là trung tâm của chúng tôi.
Takeda tham gia cùng chúng tôi, khi chúng tôi vừa bắt chuyện với nhau, Fujimura xuất hiện. Cô ấy bằng tuổi với Takeda, ngày hôm ấy cô là học viên nữ duy nhất trong số những người đến Kurama. Khi cô thấy chúng tôi đứng sẵn ở đó, cô ấy đã bật cười thành tiếng.
"Cảm giác như mới chỉ là ngày hôm qua ấy nhỉ!"
"Buồn cười thật, với tôi nó như đã là mãi mãi." Takeda nói. "Nhưng bởi vì tôi đã thay đổi rất nhiều. Giờ tôi đã trưởng thành hơn rồi."
"Thật sao?"
"Cuối cùng thì cậu cũng sẽ thấy thôi."
"Được rồi, các cậu." Nakai thông báo. "Hãy đến khách sạn tại Kibune nào."
Tanabe, người lớn tuổi nhất trong số chúng tôi, sẽ đến muộn vì bận công việc, nên tất cả chúng tôi đều qua cửa soát vé và đi chuyến tàu Eizan.
Con tàu di chuyển khỏi thành phố, đi theo hướng phía Bắc.
Khi còn là sinh viên, tôi bị Đường sắt Eizan làm cho mê hoặc. Khi con tàu di chuyển giữa thành phố trong buổi chiều hoàng hôn nọ, trông nó như được chuẩn bị để phóng lên Xứ sở Thần tiên. Khi tôi nhòm ra ngoài cửa sổ, Fujimura, người đang đứng cạnh tôi, cắt ngang dòng suy tưởng.
"Cảm ơn vì đã gọi tôi, Ohasi!"
"Tôi mừng vì số của cậu vẫn còn hoạt động!"
"Cậu nên đến phòng trưng bày của tôi khi trở về Tokyo. Cậu làm việc gần đó không?"
"Ừm, tôi không rành về mấy thứ đó."
"Không vấn đề gì. Dù sao cậu cũng nên đến."
Cô hướng mắt ra cửa sổ và im lặng. Có lẽ cô đang nhớ về thời học sinh quá vãng.
Một lúc sau, cô gọi tôi một lần nữa. "Vậy, điều gì đã khiến cậu gọi lại chúng tôi lần nữa thế?"
"Câu hỏi hay đấy."
"Có lý do cụ thể nào không?"
"Không hẳn. Tôi chỉ nghĩ rằng đã đến lúc."
"....Được rồi. Tôi nghĩ cậu nói đúng." Fujimura gật đầu và nhìn ra ngoài cửa sổ.
Mười năm trước, sáu người bạn học cùng Trường luyện nói Tiếng anh đến xem Lễ hội lửa Kurama. Vào chính đêm ấy, một người trong số họ biến mất.
Nếu bạn chịu khó tìm trên những tờ báo vào thời điểm đó, bạn sẽ tìm thấy một bài báo nhỏ với chút nội dung. Các nhà chức trách đều tay trắng ra về, bất kỳ một manh mối nhỏ nào cũng không được tìm thấy. Như thể cô ấy đã tan vào hư không. Vào thời điểm cô ấy mất tích, Hasegawa cũng học năm hai giống tôi.
Tâm trí tôi quay trở về phòng trưng bày mà tôi đã từng đến trước đó.
*******
Tôi đặt chân xuống ga Kyoto vào buổi chiều, vẫn còn ít thời gian rảnh trước buổi gặp mặt, tôi rời Shijo và dạo bước trong khu phố mua sắm.
Lễ hội Jidai tổ chức vào ngày mai, nên khách du lịch, trong và ngoài nước, đi lại sầm uất trên đường phố mùa thu vào ngày cuối tuần. Để tránh đám đông ở đường chính, tôi rẽ xuống đường phụ và đi theo hướng Bắc về phố Takakura. Từ trên nhìn xuống chốn thành thị, tôi ngẩng đầu lên và nhìn thấy bầu trời trong vắt, không một bóng mây, hoà theo hồi tưởng ngày ấy tôi cũng đã từng ngẩng đầu lên nhìn lên chính bầu trời ngày đó, khi tôi còn là sinh viên.
Tôi đang bát phố thì bỗng một người phụ nữ thu hút ánh nhìn của tôi. Vẻ ngoài của cô ta có một chút vượt ngoài phàm trần. Cô đứng thẳng lưng, mái tóc đen lấp lánh dưới ánh nắng mùa thu. Cảm giác như tôi đã từng gặp cô ta từ trước, nhưng không rõ khi nào hay ở đâu.
Trong lúc tôi đang cố đoán tại sao cô gái ấy trông quen thuộc đến thế, cô bước vào một cửa hàng trên phố Takakura. Một ánh nhìn thoáng qua trên người con gái ấy, đủ khiến tôi nhận ra cô ta giống Hasegawa như đúc.
"Không thể nào là cô ấy." tôi nghĩ, nhưng trái tim tôi đang đập loạn trong lồng ngực, bước chân của tôi chạy nhanh hơn một nửa.
Cửa hàng đó là một phòng trưng bày chật chội, tấm biển phía trước cửa hàng ghi là Phòng trưng bày Yanagi. Nơi trưng bày cạnh cửa sổ được phủ một lớp vải màu đồng, trên cùng có tấm biển ghi "Kishida Michio - Triển lãm cá nhân", cùng với độc nhất một bản khắc bằng đồng. Có chút gì đó quyến rũ mê hoặc của bức chạm khắc đó. Ở đằng xa, trong một lùm cây, ánh đèn từ đoàn tàu chạy xuyên màn đêm đen như mực. Mọt người phụ nữ đơn độc quan sát đoàn tàu, tay phải cô giơ lên như đang gọi nó. Bóng lưng của cô quay về phía người xem tranh, nên tôi không nhìn rõ mặt người phụ nữ. Bức tranh được đặt tên là, Chuyến Tàu Đêm —— Kurama.
Tôi mở cửa kính và bước vào phòng trưng bày.
Không rõ được căn phòng trưng bày rộng bao nhiêu, mùi nhang cháy bay thoang thoảng trong không khí. Những bức tranh chạm khắc treo trên bức tường trắng sữa đều ngả sang màu tối, giống như những ô cửa sổ hình chữ nhật dẫn lối đến thế giới ban đêm. Cửa kính dày ngăn cách không gian bên trong khỏi con phố huyên náo, căn phòng trưng bày bị nén vào trong sự tĩnh lặng gần như của một thế giới khác.
Người phụ nữ lúc trước còn đứng trước mắt tôi, đã biến mất.
Khi tôi vẫn còn sững sờ đứng trân, một người đàn ông mặc vest bước ra từ trong bóng tối của ngăn phòng phía sau phòng trưng bày. Dù trông anh ta mới chỉ như 30 tuổi, nhưng tôi cho rằng anh ta là chủ phòng trưng bày.
"Chào mừng quý khách."
"Có phải có một người phụ nữ vừa bước vào đây phải không?"
Người đàn ông nhìn tôi dè chừng. "...Tôi không để ý lắm."
Chắc hẳn tôi đã nhầm lẫn gì rồi, tôi tự suy nghĩ trong đầu. Nỗi lo lắng khi quay trở về Lễ hội lửa Kurama sau mười năm ắt hẳn khiến tôi nhìn những thứ không có thực. Tôi đã gọi mọi người đến lễ hội như một cách trút bỏ mọi vướng bận, nhưng bằng cách nào đó tôi dường như không thể ngừng nghi ngờ rằng, Hasegawa vẫn còn sống.
Tôi quá đủ hiểu rằng đã đến lúc phải rời đi, nhưng vẫn còn chút ít thời gian nữa trước khi gặp nhau, nên tôi quyết định ở lại và ngắm nghía các bản khắc chạm khác. Bằng giọng điệu bình bình, vị chủ nhân trẻ tuổi giải thích từ đầu tới cuối, từ kỹ thuật chạm khắc đến cuộc đời của nghệ sĩ Kishida Michio.
Kishida đã bỏ ngang trường nghệ thuật tại Tokyo, sau khi học nghề tại Anh và trau dồi kỹ năng, ông quay trở lại Nhật Bản và mở một phòng làm việc tại Kyoto, quê nhà của ông. Điều đó có nghĩa là ông ấy hẳn vẫn đang sống ở Kyoto trong khi tôi còn học tại Tokyo. Nhưng ông đã qua đời vào bảy năm trước, bản quyền của các tác phẩm của ông đã chuyển sang phòng trưng bày Yanagi, nơi ông từng hợp tác trước đó.
"Tổng cộng có 48 bức trong loạt tranh mang tên Chuyến Tàu Đêm."
Từng khung cảnh được tạo ra từ màu trắng chói mắt trên nền bóng tối mượt như nhung, gợi người ta liên tưởng đến màn đêm không dứt. Từng bức tranh khắc họa hình ảnh người phụ nữ đơn độc. Tất cả họ đều không có mắt và miệng, đầu thì nghiêng như những con ma-nơ-canh trắng mịn. Onomichi. Ise. Nobeyama. Nara. Aizu. Okuhida. Matsumoto. Nagasaki. Aomori. Tenryukyo. Khi tôi xem xét từng bức tranh một, tôi cảm giác như chúng đều khắc họa bằng một màn đêm tràn đầy sự miên man vô tận.
"Tại sao lại là Chuyến Tàu Đêm?" Tôi lẩm bẩm.
Người chủ khẽ nghiêng đầu và mỉm cười, "Có thể ông ấy chỉ nói đến chuyến tàu bình thường... hoặc có lẽ ông đang hàm ý về một đoàn tàu của quỷ, đang diễu hành xuyên màn đêm."
(*) Đoàn tàu của Quỷ (Hyakki Yagyō) (百鬼夜行): một thành ngữ của Nhật Bản, miêu tả một đám rước của quỷ xuất hiện vào ban đêm, chúng tấn công bất cứ ai chúng gặp.
*******
Nhà trọ nơi chúng tôi dừng chân nằm bên cạnh sông Kibune, kế bên là một dãy các nhà trọ khác. Chúng tôi đi từ ga Kibuneguchi đến đây mất mười phút bằng xe tự lái. Căn phòng được ngăn đôi bởi tấm màn trượt, khắp phòng là tiếng xì xào của sông Kibune và mùi hương quen thuộc của chiếu cói. Thanh âm ồn ào của lễ hội Kurama ở trên núi không vọng đến chỗ chúng tôi, bao trùm quang cảnh vẫn là một bầu không khí tĩnh lặng.
Trong lúc chúng tôi tắm rửa và đợi Tanabe đến, những giọt mưa bắt đầu lác đác rơi bên ngoài. Takeda ló đầu ra ngoài cửa sổ và nhìn lên bầu trời.
"Họ sẽ không hủy bỏ lễ hội vì trời mưa phải không?"
"Tôi không nghĩ một cơn mưa nhỏ đủ ngăn lễ hội diễn ra đâu." Nakai cười khúc khích, người nằm dài trên chiếu. "Tôi dám chắc mấy ngọn đuốc vẫn sẽ cháy thôi dù trời có mưa."
Bỗng chúng tôi nghe thấy tiếng bước chân dồn dập ầm ĩ trên cầu thang.
"Xin lỗi!" Tanabe vừa nói vừa bước vào phòng, bầu trời khoác lên một màu đen lúc vừa chính xác năm giờ. Anh đứng ở hiên cửa rồi nhìn một lượt chúng tôi. "Nhìn các cậu kìa, một lũ người lười chảy thây nằm ườn ra đấy và chơi bời. Các cậu tới đây là để đi lễ hội mà?"
Cuối cùng thì năm người chúng tôi cũng quy tập lại một chỗ. Chúng tôi quây quần bên nồi thịt heo hầm khi trời càng mưa nặng hạt. Căn nhà trọ bao trùm bởi tiếng hạt mưa vỗ trên mái cùng tiếng nước chảy rì rào. Dư vị se lạnh của xóm núi thấm qua từng những ô cửa kính và thấm cả vào căn phòng.
“Mưa rơi thật rồi.” Tôi nói, tai áp vào tấm kính mờ sương.
Chúng tôi đã có khoảng thời gian náo nhiệt khi cùng nhau ngồi bên chiếc nồi ấm. Đôi lần tôi vẫn gặp Nakai ở Tokyo, nhưng đã nhiều năm rồi tôi chưa gặp lại những người còn lại. Giờ họ đều có công ăn việc làm, sống cuộc đời của riêng họ. Lúc chúng tôi khơi mào những cuộc nói chuyện dài hơi về điều đó, không một ai trong chúng tôi đề cập đến Hasegawa. Giống như chúng tôi đang giữ khoảng cách với thành viên thứ sáu của chúng tôi.
Khi tôi lơ đãng ngắm mưa bên ngoài cửa sổ, hình ảnh người phụ nữ đi vào phòng trưng bày hiện ra trong tâm trí tôi thêm lần nữa. Khi ấy tôi đã chắc chắn cô ta là Hasegawa, nhưng dần dần khuôn mặt cô dần mờ nhạt và hư ảo trong trí nhớ của tôi.
“Trông cậu lạnh nhạt quá đấy.” Nakai đánh thức tôi từ phía bên kia nồi. “Sao mặt dài thượt vậy?”
“Chiều nay, tôi đã tưởng tôi gặp được Hasegawa—“ tôi buột miệng nói ra.
Cả căn phòng đột nhiên trở nên im lặng đến kỳ lạ.
“Ý tôi là, đương nhiên là tôi đã nhìn nhầm mà.” tôi vội vàng bổ sung. Rốt cuộc, khi tôi bám theo cô ta vào phòng trưng bày, cô ta đã mất hút.
Để xoá tan bầu không khí căng như dây đàn, tôi cố kể chuyện về mấy bức chạm khắc ở phòng trưng bày. Nhưng đến khi tôi kể đến một người tên là Kishida Michio, Tanabe liền tròn mắt ngạc nhiên.
“Cậu đến phòng trưng bày đó sao? Phòng trưng bày Yanagi ấy?”
“Phải, đúng tên nó đấy.”
“Tôi cũng vừa đến đó xong. Chắc chúng ta không có duyên gặp nhau rồi.”
“Tôi không biết cậu cũng đến phòng trưng bày đấy, Tanabe.”
“Ừm, chỉ một chút thôi.”
Rồi Tanabe không nói gì nữa.
Anh ta tỏ ra như đang cố đánh trống lảng, điều này khiến tôi phải nghi ngờ. Tôi liếc nhìn Takeda lẫn Fujimura, trông cả hai người họ đều biết về nghệ sĩ đó.
Sau đó Nakai phá vỡ bầu không khí chùng xuống.
“Tôi cũng từng xem tranh của ông ấy. Có một bức treo ở sảnh khách sạn khi tôi đến Onomichi.”
“Onomichi?”
“Cậu đến đó chưa? Nó ở tỉnh Hiroshima.”
“Cậu đến đó làm gì? Cậu đi du lịch hả?” Fujimura hỏi.
Nakai cười khổ đáp lại. “Chuyện có hơi phức tạp...”
Sau đó, anh ta lần lượt kể tất cả mọi chuyện trong quá khứ.