Tôi chưa bao giờ được ngủ trên giường.
Bên trong khu vườn là tấm chăn được phơi trên cái sào đồ đang hòa mình dưới ánh nắng của mặt trời ló rạng sáng ngày ra.
Mình phải đem tấm chăn này vào trong nhà trước buổi xế chiều mới được.
Cơ mà không biết cảm giác sẽ như thế nào nếu mình trải dài tấm chăn trắng tinh này lên trên giường rồi nằm khàn cả ngày dài trên đó nhỉ. Chỉ tưởng tượng đến thôi mà tim đã nhốn nháo hết cả lên, cảm giác chắc sẽ bồng bềnh lắm cho mà xem.
”Sao thế, định làm gì mà cô lại thờn người ra thế kia?”
Nheo mắt không biết bao nhiêu lần, đôi mắt nặng trịch của cô gái từ từ hé mở. Tầm nhìn của người con gái đang nằm trên chiếc giường đã nhòe đi khi vừa mới lơ mơ tỉnh giấc, những gì cô ấy nhìn thấy chỉ như tấm màn bị che khuất một nửa.
“Xin lỗi, và chào buổi sáng.”
Cô ấy nhẹ nhàng xua tay như đang đuổi khéo một chú mèo, không trả lời, cũng không đoái hoài gì đến tôi.
“Đã là ngày thứ hai tôi cảm thấy mệt mỏi như này rồi. Cô mau đến trường đi.”
Tôi gật đầu, đáp: “Vâng, mình hiểu rồi” sau đó rời khỏi phòng rồi đến chỗ bồn rửa mặt ở nhà bếp bên dưới tầng trệt.
Ngay cả khi không còn ai ở nhà, tôi vẫn rón rén bước đi không thành tiếng.
Rửa mặt bằng nước lạnh trước rồi sau đó mới đánh răng. Bồn rửa mặt này, chính là nơi để tôi trở nên thư thái. Bên trong tấm gương bóng lưỡng, là người con gái với mái tóc màu nâu nhạt, vầng trán hẹp, lông mày đều tăm tắp, đôi mắt to tròn được bao bọc bởi hàng lông mi dài cong vất, hai mí sắc nét, chiếc mũi thanh mảnh, đôi môi chúm chím mang sắc màu của hoa anh đào, tay chân thướt tha như một chú mèo, còn vóc dáng thì lại cân đối. Trước vẻ bề ngoài xinh đẹp, dễ thương của người con gái trong gương, tôi đánh mắt đi chỗ khác rồi dùng chiếc khăn mới toanh lau đôi môi ướt đẫm của bản thân.
Sau khi lau đi những giọt nước còn đọng trên mặt, tôi bắt đầu chăm sóc làn da theo trình tự: nước hoa hồng, serum dưỡng da, kem nền, và cuối cùng là thoa đều lớp kem chống nắng xung quanh vùng cổ, tay chân và mặt. Dù được dặn chỉ nên dùng liều lượng ở mức cần thiết, song vì là con gái nên tôi cũng muốn chăm sóc tốt cho làn da của mình.
Tôi nhẹ nhàng chải mái tóc suôn dài bằng cái bàn chải, những cọng tóc mắc vào lông bàn chải sẽ được tôi cẩn thận bỏ vào thùng rác. Tất cả đều là đồ được mượn từ cô ấy, thế nên tôi phải biết giữ gìn.
Bên trong nhà bếp, tôi lấy hai chiếc cốc được đặt ngổn ngang từ cái kệ úp bát, rót nước vào bên trong mỗi cốc, uống ừng ực hết một cốc nước chỉ trong một hơi cùng với thuốc giảm đau thay cho bữa sáng của mình. Nhét hộp cơm vào túi kéo dây rồi mang theo cốc nước và thuốc giảm đau đem đến tận phòng cho cô ấy.
Cô gái có khuôn mặt nhỏ nhắn y đúc tôi trong gương đang ló mặt ra khỏi tấm chăn vón cục như tảng núi động đậy từ bên trong căn phòng.
“Buổi sáng có gì?”
“Buổi ăn ngày hôm nay, có vài món ăn Nhật. Như gạo trắng, trứng chiên, cá hồi, súp miso củ cải, và còn…”
“Thôi, đủ rồi.” Cô ấy chen ngang như thể đã chán ngấy với những lời nói luyên thuyên một màu của tôi.
Để mà nói thì bữa sáng của nhà Aitsuka lúc nào cũng được chia ra làm hai loại. Món ăn kiểu Nhật, và món ăn kiểu phương tây, trong đó phần đồ ăn nhật sẽ là chiếm nhiều hơn, còn món ăn phụ có đôi chút thay đổi nhưng không khác biệt với thông thường là bao.
Người mẹ làm nghề dược sĩ tại một cửa hàng thuốc của cô ấy đã thức dậy ngay từ khi những chú gà vẫn còn đang mê man trong giấc ngủ, để chuẩn bị buổi ăn và đến nơi làm việc của mình. Hằng ngày, mẹ cô ấy cũng sẽ tranh thủ về nhà ngay khi trời chập tối rồi nhanh chóng làm luôn bữa ăn tối.
Tôi thường xuyên thấy khuôn mặt của bà trong chiếc tạp dề được thắt sau lưng.
Cô ấy bật đầu ngồi dậy, nhòm người về phía tôi rồi giật lấy cốc nước và thuốc cầm trên tay như lũ cướp. Nếu bụng của cô ấy thật sự đau đến như vậy thì tôi nghĩ tốt nhất là cổ nên ăn thứ gì đó rồi hẵng uống thuốc.
Mà, tôi cũng muốn khuyên nhủ giúp cô ấy lắm, nhưng vì cô ấy vốn không thích những lời càm ràm từ tôi, nên tôi mà kêu cô ấy tìm thứ gì để lấp đầy bụng trước rồi hẵng uống thuốc sau là sẽ nổi đóa lên ngay. Đó là lí do tại sao, tôi sẽ gạt bỏ cái suy nghĩ muốn giúp đỡ cô ấy đi, và hướng mặt về phía bức tường màu kem kia mặc cho cô ấy làm theo những gì mình muốn.
“Tuyệt thật đó, cô đấy, chảy máu mà không thấy đau gì luôn cơ.”
“Ừm”
Sau khi nghe tôi xác nhận, cô ấy cứ chằm chọc nhìn về phía tôi.
Đợi cô ấy ăn xong, tôi nhận lấy cái cốc còn sót lại phân nửa cùng hộp cơm trống rỗng được bọc vải rồi mang thẳng xuống bếp để dọn dẹp, và quay trở lại căn phòng một lần nữa.
Khi trở về phòng, tôi đứng một mình trong góc rồi từ từ thay bộ đồ ngủ ra. Bộ đồ ngủ được xếp ngay ngắn rồi cất bên dưới gầm giường. Tôi với lấy bộ đồ đồng phục đã được ủi thẳng thớm đang máng trên cái sào đồ được gắn bên tường.
Chiếc áo sơ mi trắng tinh cùng hoa văn kẻ sọc, váy xếp nếp, chiếc nơ màu ngọc lam được đeo trước ngực. Bộ đồng phục được mọi người đánh giá là dễ thương trên các nền tảng mạng xã hội. Khi mùa đông đến bộ đồng phục thường ngày sẽ khoát thêm một lớp áo blazer màu xanh đậm. Cũng vì kiểu dáng của bộ đồng phục mà cô ấy đã quyết định thi vào trường cấp ba đó.
Đương nhiên là tôi cũng thích bộ đồng phục đáng yêu này lắm, chỉ cần mặc nó thôi là tôi đã đủ sự tự tin để ưỡn ngực bước đi đầy hãnh diện rồi.
“Cho mình xin bốn miếng băng vệ sinh nhé.”
Cô ấy vẫn không trả lời. Có lẽ đối với người như tôi, việc mở miệng cũng chỉ tổ gây phiền toái.
Để cho chắc chắn, tôi vừa nhìn thời khóa biểu được dán bên trong hộp bút rồi nhét đống sách đống giáo khoa vào chiếc cặp đi học, sau đó rà soát những cuốn tập ghi chép của từng môn để xem đã đúng với thời khoá biểu hay chưa.
Ngày mà cô ấy gọi tôi đi học là cách đây năm ngày trước.
Tuần sau sẽ là kỳ thi cuối kỳ. Để có thể đạt điểm cao trong lần kiểm tra này, tôi bắt buộc phải chuẩn bị từ trước
“Điện thoại?” Tôi tiến lại giường cô ấy và nói.
“Haiz.” Đáp lại tôi bằng tiếng thở dài ngán ngẩm. Trên lòng bàn tay mà cô ấy chìa ra là chiếc điện thoại quen thuộc. Chiếc ốp lưng đơn giản mang màu hồng nhạt. Có lẽ vì cô ấy đã vọc điện thoại trong chăn, nên chiếc điện thoại mới có cảm giác ấm áp như này.
“Mình đi đây, cậu nhớ khóa cửa cẩn thận lại.”
Tôi biết lý do tại sao cô ấy lại không trả lời, thế nên trước khi cô ấy kịp nói gì, tôi vội rời khỏi phòng và ghé vào toilet sâu tít bên trong hành lang để thay tấm băng vệ sinh của mình.
Trong lúc đang xuống cầu thang, tôi tiện tay mở ứng dụng dự báo thời tiết để kiểm tra, sau khi đã xác nhận thời tiết ngày hôm nay trời quang mây tạnh từ sáng đến tối, tôi tắt nguồn điện thoại.
Bây giờ là 7 giờ 30 phút.
Lúc mang đôi giày lười vào, tôi mới nhận ra phần gót chân trên giày đã bị mòn. Không giấu nỗi sự thất vọng khi vật mà mình đã sử dụng một cách trân trọng bấy lâu nay lại hư hỏng như thế. Một khi chiếc giày da cứng cáp này đã bị mòn, tôi buộc phải thay từ phần đế lên.
Nói vấn đề này với mẹ cô ấy thì cũng được, nhưng nếu tôi mà vô cớ hành động thì sẽ bị cô ấy trách móc mất ngay. Và việc tôi xin đổi chiếc giày thông qua cô ấy chỉ khiến mọi chuyện thậm chí càng tồi tệ hơn.
Trong khi mang giày, tôi dùng ngón tay của mình ấn vào phần gót đang kéo dãn ra và thọc đôi bàn chân vào. Sau khi hoàn tất việc mang giày, tôi nhấc những ngón chân bên trong đôi giày lên, vỗ lạch bạch trên nền gạch. Lấy chiếc cặp được đặt trong bội xe từ chiếc xe đạp bên trong thiên nhà. Chiếc xe đạp được cất tại đây là để tránh ánh nắng mặt trời làm cho khung xe bị bào mòn.
Ngước mặt lên bầu trời xanh thẳm chỉ lác đác vài dải mây trôi. Có lẽ hôm nay trời sẽ quang đãng dù đang là mùa mưa. Nếu không nhìn lên bầu trời kia, tôi sẽ không thể cảm nhận rõ được các mùa. Tôi nheo mắt lại, dùng mu bàn tay của mình chắn phần ánh sáng hắt vào khuôn mặt dưới đường chân trời của biển cả. Từ đằng xa gió bắt đầu nổi lên, tiếng sóng biển rì rào vỗ vào bờ. Bờ biển Mochimune lúc nào cũng lên truyền hình cảnh báo giông bão đã trở nên nhộn nhịp vào ngày hôm nay.
Tôi không bao giờ quên khóa cửa chính lại. Không chỉ là đề phòng những tên trộm. Mà còn là để chắc chắn không một ai vô cớ lẻn vào nhân lúc cô ấy đang nghỉ ngơi, dẫu cho ba và mẹ đều đi làm bên ngoài và nhà thì không một ai đến thăm.
Từ hồi tiểu học, cô ấy đã nhờ ba mẹ mình cấp thêm một chiếc chìa khóa dự phòng khác. Thế nên, bên trong phòng của cô ấy cũng đang có một chiếc chìa khóa tương tự.
Có lẽ bây giờ cô ấy đã bò ra khỏi chăn, và thở dài nặng nhọc với việc mở khoá phòng.
Leo lên chiếc xe đạp và bắt đầu khởi hành trên con đường đến trường. Tôi có thể cảm nhận rõ mồn một mùi hương thân thuộc mà dòng nước đang tấp nập cuốn vào bờ xung quanh khu vực này.
Tôi, là bản sao của Aitsuka Naosu, người đã được tạo ra ngay khi cô ấy lên bảy. Cả ngoại hình lẫn giọng nói của tôi đều y đúc với cô ấy. Vai trò của một bản sao như tôi là thay cô ấy đến trường. Ở trường học, không một ai nhận ra tôi chính là kẻ giả mạo Naosu. Và cũng không một ai biết rằng Naosu thật sự đang say giấc tại nhà.
Khi đi trên đường, tôi đã nhanh chóng chào hỏi một cụ bà. Sau đó, tôi tiếp tục gặp một cụ ông đang dắt một chú chó thuộc giống Yorkshire với lớp lông dài, rậm, có dáng đi loạng choạng còn nguy hiểm hơn cả cụ ông đang dắt nó đi.
Tôi hy vọng mình có thể trải qua mùa hè bình yên vào năm nay.
Bỗng nhiên, tôi cảm nhận được độ cứng của vành xe đang quay cuồng, có lẽ lốp xe và không khí đã không còn trụ nổi thân xe nữa. Dù đã hạ số trên bộ đề nhưng tốc độ vẫn không nhanh như tôi nghĩ, nếu giờ mà quay về nhà để bơm hơi cho bánh xe thì những dự định trong đầu tôi sẽ tiêu tan mất.
Tiếng lịch kịch của vành xe đang quay.
Cảnh sắc quen thuộc cứ tiếp tục trôi qua từ đằng trước trải dài về đằng sau. Đúng lúc đèn đường chuyển qua, tôi băng một mạch qua lộ mà không cần phải đạp phanh. Làn gió cuồn cuộn thổi qua từ bên kia ngọn núi, trên làn đường dành cho xe đạp đã được trải lớp nhựa đường tại cây cầu Shizuoka khổng lồ, buộc tôi phải hạ số trên bộ đề xuống và đứng lên nhằm tạo một lực đủ mạnh để đạp pê đan trong khi chiếc xe mãi không chịu tiến về phía trước dưới sức gió mạnh.
Trong lúc tôi đang lao tâm khổ tứ tìm cách để đấu chọi với trận gió lốc kinh hồn đó, thì bất thình lình có một chiếc xe hơi vụt qua tôi rồi rẽ trái với tốc độ nhanh khủng khiếp. Ngay cả khi bánh xe căng đầy đi nữa, hay thậm chí là tôi không trong ngày kinh nguyệt của mình, thì tôi vẫn không tài nào có thể chiến thắng nổi chiếc xe đó.
Nghe nói, ta có thể nhìn thấy cả sông Abe và núi Phú Sĩ giao nhau khi băng qua cây cầu này vào cơn mưa của hai ngày trước đó.
Đỉnh núi Phú Sĩ được phủ bởi lớp tuyết trông như những hạt đường cát màu trắng xoá đã không còn là cảnh tượng hiếm gặp đối với thời nay, mới năm ngày trước đó thôi, tôi cảm thấy háo hức biết nhường nào khi chứng kiến đỉnh núi Phú Sĩ được che khuất bởi một màu xám đã lâu lắm rồi tôi mới gặp.
Trước mắt tôi, là một con đường phẳng lì đang đợi chờ phía trước sau khi băng qua cây cầu hiểm trở này.
Dẫu cho ngày hôm nay tôi đã thầm cầu nguyện rằng mình chỉ nên gặp hai cái đèn đỏ thôi, ấy thế mà lại có đến ba cái đèn đỏ đã chờ chực tôi từ trước.
Do những đứa bạn trong lớp tôi thỉnh thoảng bị bắt vì tội vượt đèn tín hiệu, nên ngay khi vừa gặp ánh đèn nhấp nha nhấp nháy là tôi nhanh chóng đạp phanh ngay, tôi không hề muốn bị bấm vé vàng một tí nào.
Tấm vé được gọi với cái tên chính thức là “Thẻ cảnh báo cho người đi xe đạp” trên đó có ghi chú nội dung vi phạm đối với người mắc lỗi khi di chuyển bằng xe đạp.
Một khi học sinh bị bấm vé này rồi, thì theo luật là phải dán nó vào đằng sau tấm bảng đen của lớp học để nhà trường kiểm tra.
Cũng vì lẽ đó, nhà trường đã xem xét và thẳng tay chỉ trích lớp học có thứ hạng kém nhất do vi phạm nhiều trong buổi sinh hoạt toàn trường ngay khi nghe được tin đồn có một cậu học sinh đã sưu tầm 15 tấm vé như thể nó là quy chương danh dự, kể từ đó, ai nấy cũng đều giảm tốc độ khi gần đến trường học.
Sau một hồi vất vả, tôi cũng đã đến cổng trường. Dừng xe lại, sau đó dùng sức mình bon chen vào hàng xe đạp bên trong nhà xe khổng lồ tựa như một cái hang động. Khi xuống yên xe đạp, hai bắp chân của tôi như bị cứng đờ, tê tái do tích tụ gian khổ trong quá trình đạp xe đến đây, cảm giác chẳng dễ chịu tí nào.
Mỗi khi đi học thay cô ấy, tôi đều phải vượt qua một chặng đường từ nhà đến trường dài khoảng 9 km bằng chiếc xe đạp này. Nếu ở tình trạng tốt thì tôi có thể thuận lợi mà đến trường chỉ trong khoảng 30 phút, còn nếu tệ hơn nữa thì có lẽ sẽ rơi vào khoảng 50 phút. Tình trạng tốt mà tôi muốn nhắc đến không chỉ là thể trạng cơ thể mà còn là hướng gió trên cầu, tín hiệu đèn đường khi chuyển màu.
Ngày hôm nay, tôi có cảm giác mình đã đi một quãng đường dài khoảng chừng 40 phút.
Từ đầu đến cuối, tôi chưa mở chiếc điện thoại đã tắt nguồn của mình lên bao giờ.
Dưới cái nóng mùa hè, tôi dùng chiếc khăn vải lau mồ hôi đang túa ra thành dòng của bản thân. Khi mùa mưa bắt đầu, cũng là dấu hiệu cho mùa hè thật sự đến. Tôi thay đôi giày đã bị mòn gót thành đôi giày vải tương tự với các bạn học sinh mặc cùng kiểu đồng phục với tôi bên cạnh chiếc tủ đựng giày. Cảm giác vui mừng khôn xiết khi tôi biết rằng đôi giày vải có vẻ ổn. À mà, Sunao đang cẩn trọng giả làm học sinh ngoan hiền để cho những giáo viên nghiêm khác đừng để ý đến cô, nên tôi cũng phải thật cẩn thận mà cư xử lễ phép.
“Chào buổi sáng-”
“Chào, eo ôi, mồ hôi của bà thối hoắc!.”
“Mới nói gì đó, nhỏ kia!!!”
Giọng nói của các cô gái đang trêu đùa vọng tới tai trong khi tôi đang bước lên cầu thang nằm sát bên cạnh tủ đựng giày trên con đường đến lớp 11-1 của mình.
Ngay khi vừa bước vào lớp tôi đã nói xin chào, có khoảng chừng mười lăm người đang ở đây. Trước lời chào của tôi chỉ có mấy cậu con trai là quay đầu lại. Còn những cô gái nhìn về phía tôi thì để lại một nụ cười thân thiện. Dù dỏng tai lên nghe, tôi cũng chỉ nghe thấy vài ba câu chào gửi lại khi đang ngồi vào chỗ phía sau của ô cửa sổ.
Tấm màn đã được kéo ra nhưng nó vẫn từ từ trượt theo thanh ray khi làn gió từ bên ngoài ùa vào bên trong lớp học. Ánh nắng rọi trên bàn làm tôi phải ngoảnh mặt quay đi, làn gió nhè nhẹ thỏang qua như thể đang an ủi cho mái tóc dính bết mồ hôi lã chã rơi từ trên trán nãy giờ.
Dẫu cho bên cạnh chiếc loa phát thanh là máy lạnh nhưng tôi chưa một lần nào thấy cái miệng gió của nó hé ra. Giáo viên chủ nhiệm giải thích với đám học sinh huyên náo đang húc dục rằng đó chỉ là đồ mượn từ thành phố, nếu muốn sử dụng thì bắt buộc phải nhận được sự cho phép từ phía họ.
Ngày hôm nay, ai nấy cũng đều muốn sử dụng cái máy lạnh bằng mọi giá, song để nhận được sự đồng ý từ họ chỉ sau một vài phút là điều không thể. Giờ mà gửi yêu cầu cho phép sử dụng máy lạnh lên đến tận thành phố thì hết sức là rườm rà. Có của mà không xài được, đúng là thừa giấy vẽ voi mà. Trong khi bọn tôi đang phải bận bịu hai tay nhét vào ngăn mát và lè lưỡi thèm thù như một chú chó đã được huấn luyện từ trước thì mấy bác công nhân viên chức đang sảng khoái trải qua mùa hè bên trong căn phòng mát rượi.
Nhân tiện ở phòng giáo viên đang có hai cái máy lạnh chạy hết công sức ngay bây giờ. Giá mà không có giáo viên thì nơi đó có lẽ đã thành ốc đảo giữa mùa hè dành cho bọn tôi rồi.
Mọi chuyện đều đã được định sẵn, không ai dám trèo cao để rồi phải té đau cả.
Vừa chống tay lên trên bàn để kê đôi má, tôi chìm trong suy tư. Mỗi lần đến giờ học nhóm là tôi cảm thấy chán nản, rảnh rỗi đến mức không biết làm gì. Bởi trong lớp học này, tôi vốn đã không quen người bạn nào để mà rỗi hơi chuyện trò chờ đợi năm, mười phút trôi qua. Hồi năm lớp mười, mối quan hệ của Naosu và mấy bạn trong lớp rất tốt, nhưng vì bị tách lớp nên Naosu không tìm được khe hở nào trông như lỗ thông khí để chen vào giữa mối quan hệ của những nhóm bạn mới, thành thử ra cô ấy đã chọn cách sống khép nép, trải qua những tháng ngày cô độc ở trường. Dĩ nhiên là tôi cũng thế. Một khi tiếng chuông reo lên cũng là lúc tôi dùng thời gian vô công rồi nghề của mình để quan sát nội bộ lớp học.
Mặt đất như bị thiêu cháy bởi ánh nắng sáng choang giội xuống, bên trong lớp học hình vuông như cái lò xông hơi nóng hầm hập. Những bạn cùng lớp miệng thì cử động, song mí mắt thì lại lờ đờ cụp xuống. Hình như cái nóng mùa hè đã làm mai một đi khả năng nhận thức lẫn kỹ năng truyền đạt thông tin của họ. Có những bạn thì áp mặt vào tay vịn cửa sổ, có những người thì uống ừng ực cả một bình nước, còn có những cậu con trai lao vào nghịch ống nước tứ tung trước chỗ phòng học. Không hiểu sao, nhìn vào hành động của họ, tôi lại không giấu nỗi cơn buồn ngủ, và khi tôi dùng một tay để che đi cái ngáp uể oải của mình thì cảm giác như có một làn hơi ấm áp xộc vào lỗ tai.
Vé vàng: dùng để phạt những người vi phạm quy tắc tham gia giao thông