“Tương lai của mày còn đáng sợ hơn nhiều đấy.”
Đó là những lời mẹ nói với tôi. Bà sắp bước sang tuổi năm mươi.
Thật sự đúng là như vậy. Đứa con trai sắp trở thành sinh viên năm bốn lại tự xưng mình là người viết chuyện kinh dị, không lo kiếm việc mà cứ làm mấy chuyện lông bông. Và còn chuyện tôi chưa nói với mẹ là tôi chắc chắn sẽ phải ở lại trường thêm một năm. Chắc chắn không có tương lai nào đáng sợ bằng tương lai của đứa con trai mình tự hào giờ trở thành nỗi xấu hổ trong mắt họ hàng, gây phiền phức cho người ngoài và cứ thế đi đời ở nơi đồng không mông quạnh.
Bên cạnh đi học ở một trường đại học trong thành phố, tôi còn làm thêm ở một công ty xuất bản bé xíu có tên là Misaoyama.
Hỏi tôi bé cỡ nào thì xin được trả lời là không gian làm việc chỉ chiếm một tầng lầu trong tòa nhà văn phòng. Nguồn thu nhập chủ yếu của công ty đến từ việc bán những câu chuyện đáng sợ, cụ thể là tạp chí kinh dị và tạp chí yakuza. Tuy vậy, giám đốc công ty lại kiêm luôn chức tổng biên tập viên cho cả hai mảng tạp chí, và ngoại trừ bộ phận kinh doanh và kế toán thì công ty phải thuê ngoài hoặc tuyển nhân viên làm thêm cho tất cả công việc còn lại.
Trong khi đó, Yoneda Manabu tôi đây, bên cạnh làm những chuyện vặt vãnh cho công ty còn đảm nhận viết bài cho chuyên mục truyện ma có thật hay địa điểm ma ám trong tạp chí kinh dị Thế Giới Kì Quái.
Nói đến tạp chí kinh dị thì nhiều người nghĩ rằng cứ tống hết ảo tưởng mình thích mà viết là được, nhưng thật ra mọi thứ không đơn giản như vậy. Người viết bài phải đi điều tra đàng hoàng, nhất là người làm phóng sự về truyện ma có thật hay địa điểm ma ám như tôi đây. Một khi có người gửi thư tới địa chỉ có sẵn trên trang chủ của ban biên tập rằng mình vừa trải qua chuyện kì quái, tôi sẽ liên lạc đàng hoàng với chính chủ và gọi điện hoặc gặp mặt ở cà phê để hỏi chuyện chi tiết, có khi còn hỏi người quen xem có tin đồn hoặc địa điểm kì lạ nào hay không rồi tự mình đặt chân tới hiện trường.
Nói vậy chứ, lương làm thêm thì bèo bọt vô cùng… Thích người hơn thích ma thì ra đứng quầy tính tiền ở cửa hàng tiện lợi còn lời hơn… Chưa kể, đụng đến nơi nào xa khỏi ngoại ô Kanto thì viết chày viết cối bao nhiêu đi nữa cũng bán lỗ. Đi đến miền quê làm phóng sự khó khăn như vậy đấy.
*
Ngày 24 tháng 4.
Hôm nay tôi ngồi đợi ở một quán cà phê để phỏng vấn một chàng trai đã gửi câu chuyện của mình cho công ty. Quán cà phê này nằm ngay trước cổng phía Bắc trường đại học của tôi.
Lần này đối phương vô tình là đàn em chung trường nên tôi chọn chỗ này.
Tôi không phải là người quảng giao cho lắm, mỗi khi phỏng vấn một người mà bản thân chưa bao giờ gặp mặt thì tôi thường mô phỏng nhiều lần trong đầu những lời đầu tiên mình sẽ thốt ra hay cách dẫn dắt cuộc trò chuyện về sau. Tuy vậy, lần gặp người lạ này là giữa đàn anh với đàn em nên tôi không căng thẳng cho lắm. Bọn tôi hẹn gặp nhau lúc 2 giờ 45 phút chiều, cũng bởi lớp học kéo dài đến hai giờ rưỡi và sau khi tiết ba kết thúc thì có thể thong thả bước tới đây.
Còn năm phút nữa là tới giờ hẹn. Tôi đang khoác ngoài chiếc áo gió rẻ tiền, nhưng bên dưới là áo thun với quần bò dễ chịu. Trên bàn tôi đặt tuyển tập truyện ma có thật của Hirayama Yumeaki làm mốc cho đối phương.
Đúng 2 giờ 45 phút, một gã tóc vàng vẻ ăn chơi bước vào quán làm tôi ngạc nhiên. Từ văn phong viết thư, tôi ngỡ đối phương là một người trầm lắng nhút nhát nên có chút bất ngờ. Đối với một người chuyên viết lách như tôi thì kiểu người này chẳng khác nào thiên địch, nhưng khóe mắt rũ xuống trông có duyên làm vơi đi cảnh giác nên lạ là tôi không thấy khó chịu chút nào.
“Có phải là anh Yoneda không ạ?”
“À, đúng rồi.”
“Em là Yamashiro Tatsuhiko, người gửi thư cho anh. Hôm nay cảm ơn anh đã dành thời gian lắng nghe em tâm sự.”
Người trông lăng nhăng thế này mà lại sợ ma cơ á? Chưa kể lễ phép như vầy…
Cậu ta hơi gật đầu rồi ngồi xuống trước mặt tôi.
“Anh Yoneda cũng học ở trường này nhỉ? Em nhớ không lầm thì anh ở khoa giáo dục thì phải.”
“Đúng rồi. Giờ tôi là năm bốn, nhưng chắc chắn phải ở lại thêm một năm nên thành sinh viên năm năm. Hễ có thời gian rảnh là tôi làm những công việc viết lách thế này ấy.”
Tôi nói luôn tình hình hiện giờ của bản thân.
“Ơ? Giờ mới tháng tư thôi mà?
Đến tháng tư là tôi biết chắc bản thân sẽ không thể tốt nghiệp dù lấy được mọi tín chỉ trong năm bốn, nên ở lại thêm một năm là lẽ đương nhiên với tôi nhưng là lẽ khó hiểu với sinh viên năm hai như cậu ta. Chưa kể, cậu ta nghe xong câu chuyện của tôi mà ngạc nhiên đến thế chứng tỏ đằng sau vẻ ngoài bất hảo ấy là một con người chăm học cũng nên.
“Anh vất vả nhỉ, nghe bảo khoa giáo dục có đòi bằng sư phạm.”
“Không, tôi không định lấy chứng chỉ dạy học. Mà đúng ra là không thể, xét theo cái đà này.”
“V-Vậy ạ.”
Cậu ta làm vẻ mặt khó xử, nhưng không có quy định nào bắt sinh viên khoa giáo dục phải trở thành giáo viên cả. Tôi biết có trường quy định chứng chỉ dạy học làm điều kiện bắt buộc để tốt nghiệp, nhưng trường của bọn tôi không làm thế nên tôi chẳng áy náy gì cả.
Mong rằng cậu ta cũng đừng để ý làm gì.
“Ờm, cậu Yamashiro thuộc khoa nào vậy?”
“Em ở khoa văn học ạ.”
“Vậy cũng xa đấy. Cậu tới đây mất kha khá thời gian nhỉ?”
“Không sao đâu anh, và anh bỏ kính ngữ cũng được. Dù sao em cũng là hậu bối mà.” Yamashiro nói.
“Được thôi. Hôm nay anh và em giúp đỡ nhau nhé.” Tôi không dùng kính ngữ nữa.
“Vâng, mong anh chiếu cố em ạ.”
Sau đó cậu ta gọi cà phê, còn tôi cũng gọi thêm ly cà phê nữa. May mắn thay, tiền uống cà phê sẽ được công ty chi trả. Yamashiro muốn uống thế nào cũng được.
Hai ly cà phê nhanh chóng xuất hiện trước mặt. Chúng tôi vừa uống cà phê vừa nói chút chuyện xã giao. Khi ly cà phê chỉ còn lại một nửa, tôi bắt đầu bàn về chủ đề chính.
“Được rồi, em kể anh nghe xem nào.”
Vùng Kanto nằm ở khoảng trung tâm đảo Honshu, bao gồm Tokyo và 6 tỉnh. Hirayama Yumeaki là nhà văn viết truyện kinh dị nổi tiếng.