Tớ sẽ đợi tại mùa xuân hôm qua

Chương kế tiếp:

Truyện tương tự

Đường lên đỉnh Streamer của cô nàng Oni!

(Đang ra)

Đường lên đỉnh Streamer của cô nàng Oni!

Hakoiri Hebineko

Futayado Nanaka, một cô gái 21 tuổi, tự nhận bản thân là chiến thần làm bán thời gian. Tuy nhiên, xui rủi sao mà những nơi cô đang làm đều bị phá sản.

38 3534

Tôi có một cuộc gặp mặt với vợ trong game và một cô bé tiểu học xuất hiện. Liệu tôi có phải ra tòa không...?

(Đang ra)

Tôi có một cuộc gặp mặt với vợ trong game và một cô bé tiểu học xuất hiện. Liệu tôi có phải ra tòa không...?

深山鈴

Khi đến địa điểm đã hẹn với kỳ vọng đó, cậu ấy biết được cô gái đó thực ra lại là một học sinh tiểu học. Cô ấy là vợ trong game của Naoto và có một cảm xúc lãng mạn dành cho Naoto ngoài đời thực.

36 1323

Mắc kẹt nơi thiên đường

(Đang ra)

Mắc kẹt nơi thiên đường

悲殇的秋千

Thế giới hentai là một nơi nguy hiểm, nhất là khi thằng bạn thân là nhân vật chính còn Ning Chu lại đang dần biến thành con gái.

5 311

Toàn tập - 1/4 - 3 giờ chiều

Sau khi đã thấy quá đủ với những ảo não và phiền muộn, sau khi đã gặm nhấm chán chê những âu lo chẳng đi đến đâu, tôi phát ngán và ngước mặt về phía bầu trời như để bứt ra khỏi những tiêu cực luẩn quẩn. Trong sự ngạc nhiên của tôi, khoảng không xanh biếc phía trên cao kia y hệt như tâm hồn mà tôi hằng khao khát: yên bình và trống trải. Một cánh diều hâu đen độc nhất đang vẽ những vòng số tám lên tầng không trong lúc tìm mồi, tiếng kêu thê lương của nó vọng xuống từ trên cao lồng lộng. Vầng trăng khuyết lửng lơ bên cạnh, im lìm và trầm mặc trên nền trời buổi sáng như một giọt sữa bị đánh rớt.

Làn khí ven biển mát rượi được tôi hít căng tràn hai lá phổi, đem nguồn ô xy bổ dưỡng về đến cho bộ óc mỏi mệt của tôi. Khi sống mũi đã được gột rửa bởi vị mặn trong gió, tôi bỗng nhận ra hương hoa mơ rất thoảng len vào giữa mùi muối đặc trưng.

Lúc này là mùa xuân trước năm cuối cấp ba. Khi ấy tôi mười bảy tuổi.

Tôi hướng mắt trở lại xuống con đường phía trước và tiếp tục cuộc tản bộ về nhà dọc theo bờ biển trong lúc những con sóng đánh vào triền đê bên cạnh. Không phải là đường về ngắn nhất, song điều đó không thành vấn đề - tôi cần thêm thời gian để suy nghĩ.

Đầu óc tôi quay trở lại với đêm hôm qua - sự kiện định mệnh ấy đã là chìa khóa dẫn đến tất cả song cũng là một dạng dấu chấm hết dành cho riêng mình tôi. Trong thâm tâm tôi vẫn chưa hoàn toàn đón nhận được thực tế. Tôi chỉ có thể tua đi tua lại những gì đã diễn ra vào đêm qua trong đầu, lặp lại vô tận câu hỏi liệu đó có phải là kết cục mà tôi mong muốn hay đã có thể có lựa chọn khác, mang lại kết quả tốt hơn. Suy nghĩ càng nhiều, tâm trí tôi lại càng như sa vào cát lún, mỗi lần cố gắng thoát ra chỉ tổ nhấn tôi chìm sâu hơn xuống bùn lầy của những hối hận trong lòng.

Bất chấp, tôi vẫn gắng sức tìm cách cô đọng những suy nghĩ rời rạc lại thành một thể thống nhất hòng diễn giải chúng ra trong đầu (song không thành), để rồi chợt thấy mình đã về đến cửa từ lúc nào. Tôi băng qua lối vào, lẳng giày ra và đi thẳng tới phòng mình mà không thông báo với ai. Không còn ý chí để làm thêm bất cứ việc gì, tôi đành thả mình lên giường và cố tống đi luồng suy nghĩ tiêu cực đang lũ lượt kéo đến không ngừng qua mỗi tiếng thở dài nặng nhọc từ miệng trút ra. Chẳng bao lâu sau tôi bắt đầu cảm thấy như kiệt sức. Cũng phải thôi, vì suốt từ tối hôm qua đến giờ tôi chưa chợp mắt nổi một giây.

Hai mí mắt chỉ vừa mới khép lại cũng là lúc dòng ký ức lóe lên phía trước con ngươi như thể phía trên có một máy chiếu đang chạy cảnh liên hồi – kỷ niệm của tôi về Akari, về vài ngày vừa qua mà chúng tôi dành cho nhau. Akari khi cười, khi khóc, khi lại thấy đỏ mặt tía tai. Nhìn những hình ảnh đó vụt qua dưới mí mắt, như những thước phim đơn lẻ trong không gian thời gian, tôi nhận ra mình đã may mắn thế nào khi được cùng cô ấy trải qua từng khoảnh khắc quý báu ngắn ngủi đó. Chỉ cần được có cô ấy bên cạnh – nói thôi, nghe thôi, tồn tại thôi – cũng là đủ để tôi cảm thấy hài lòng với cuộc đời bé nhỏ thảm hại này. Đó cũng chính là lý do vì sao, bất kể lựa chọn nào mà tôi đã hoặc sẽ đưa ra sau này, tôi thề với chính mình rằng sẽ làm bất cứ điều gì để khiến cho…

Trước khi đi hết được suy nghĩ đó, tâm trí tôi cuối cùng cũng phải chiều theo nhu cầu cấp bách của cơ thể là được ngủ, và tôi thiếp đi.

Mồng 1 tháng 4: 3 giờ chiều

Lần đầu tiên sau gần hai năm, tôi lại được ngồi trên chuyến phà chở khách nhỏ mà thân quen, để cho những đợt sóng nhấp nhô chầm chậm nhẹ nhàng lắc lư tôi từ bên này sang bên kia. Từ chỗ ngồi bên cửa sổ, tôi có thể nhìn suốt cả chiều dài khoang hành khách bên trong. Hơn một trăm chỗ ngồi có lẻ, nếu tôi nhớ không nhầm, thế mà người đi trên phà lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi liếc lên chiếc đồng hồ cũ treo trên tường và thấy kim đồng hồ chỉ đúng ba giờ chiều, nghĩa là đã hơn sáu tiếng kể từ khi tôi rời Tokyo. Chống khuỷu tay lên bệ cửa, tôi ôm trán và khẽ thở một tiếng đăm chiêu.

Tôi vừa mới bỏ nhà đi, cũng vì một lý do lãng xẹt không kém phần thảm hại. Dù đã cố dứt bỏ những suy nghĩ khó chịu ấy ra khỏi đầu, chúng vẫn cứ ồ ạt quay lại. Ừ thì đúng một phần là lỗi của tôi. Trốn đi học thêm thì không ổn rồi, đã vậy còn cố lấp liếm khi bị bắt quả tang đang đứng chơi tại một hiệu sách gần đó lại càng sai (tôi lấy cái lý do dở ẹt rằng quyển tiểu thuyết viễn tưởng giải trí mà tôi đang lật qua thực chất là tài liệu được giáo viên khuyên nên đọc nhằm tìm hiểu về ứng dụng thực tế của các khái niệm vật lý)

Ngoài hai thứ ngớ ngẩn ban đầu đó ra, còn lại mười phần lỗi thì chín phần nằm ở phía ông già của tôi. Nói gì thì nói, cái cách lão gào lên với tôi ngay khi vừa về đến nhà – gọi tôi là đồ tốn tiền nuôi dạy, “sớm muộn gì cũng bị đuổi cổ”, nỗi nhục của gia đình, tóm gọn lại là thứ vất đi – là cực kỳ vô căn cứ. Rất nhiều câu nói thẳng ra là nhục mạ.

Tôi biết trốn học là không được. Tôi hoàn toàn thừa nhận điều đó. Nhưng ban đầu chính ông già là người đã khăng khăng bắt tôi phải đi học phụ đạo. Tôi chẳng hứng thú gì cái việc phải dành kỳ nghỉ xuân trên lớp, nhưng ông già không chịu nghe. Lão là người trả tiền cho tôi ăn học, ừ, nhưng chính lão mới là người muốn tôi đến Tokyo sống cùng. Có điều tôi chỉ đứng đó, mắt ngước xuống, để lão mặc nhiên mắng nhiếc trong tưởng chừng như mấy tiếng đồng hồ, trong khi phải kìm chế lại ham muốn quặc lại cho biết lão ấy đang vô lý đến mức nào. Cái lời phỉ báng cuối cùng, được lão thốt ra như kiểu vu vơ – không biết lão có nghĩ gì trước khi nói hay không – chính là giọt nước làm tràn ly:

“Tao biết đưa mày về Tokyo với tao là sai lầm mà.”

Câu nói duy nhất ấy khiến cho tôi choáng váng như vừa bị cái gậy bóng chày quất vô đầu. Sau hai hoặc ba giây im lặng sửng sốt (thực ra có thể là lâu hơn, khó nói lắm), tôi đùng đùng bước về phòng và đóng sầm cánh cửa sau lưng. Mặc cho ông già vẫn cứ hét ra rả, tôi nhét vài bộ quần áo và đồ dùng tối thiểu vào một cái túi du lịch, rồi ngay lúc thức dậy vào sáng hôm sau, tôi chạy một mạch ra cửa. Đến giờ đã hơn nửa ngày sau cuộc quát tháo, song nghĩ tới vẫn khiến hai hàm răng tôi nghiến chặt lại vì tức.

“...Thằng cha khốn nạn,” tôi rủa thầm, hơi nóng tỏa ra làm mờ đi mặt kính cửa sổ.

Biết rằng cứ ôn lại chuyện đó mãi trong đầu cũng chẳng có ích lợi gì, nên tôi bỏ dở luồng suy nghĩ và ngước mắt ra phía đại dương mênh mông, nơi cơn sóng ánh lên rạng ngời dưới nắng chiều. Làn nước xanh thẳm hôm nay có hơi dập dềnh, khiến cho chiếc phà con lắc lắc lư lư, nghiêng hết bên này đến bên kia. Nói thật là nó khiến cho tôi bắt đầu cảm thấy hơi say say, nhưng cũng có khi chẳng liên quan gì đến sóng gió, mà chính những lo nghĩ đã khiến cho tôi tự cảm thấy chóng mặt.

Mặc cơn say sóng, tôi vẫn đứng dậy để ra trước mũi tàu kiếm chút không khí. Vừa đặt chân lên boong tàu, một luồng gió đã vù vù thổi tới, giật bay chiếc mũ trùm áo khoác và khiến nó vỗ phần phật vào gáy tôi. Chưa cần đến gió rét, không khí đầu xuân vẫn còn hơi chớm lạnh, nhưng đây cũng chính là cảm giác rùng mình sảng khoái mà tôi đang tìm kiếm. Cơn gió buốt bứt tôi ra khỏi vòng lặp ủ ê, chưa gì tôi đã thấy phấn chấn hơn lên nhiều.

Tôi nhìn quanh, nhưng không có ai khác đang đứng trên boong tàu lộng gió. Với những bước thận trọng, tôi tiến về phía mũi, đứng tì tay lên thanh chắn. Ngay trước chân trời, tôi có thể trông thấy điểm đến của con phà: một hòn đảo bé nhỏ hẻo lánh nơi tôi từng gọi là nhà, vậy mà suốt hai năm trời chưa từng một lần về thăm. Sodeshima.

Một lúc sau chúng tôi cập vào cảng Sodeshima. Tôi lẳng cái túi du lịch lên vai và chuẩn bị bước xuống. Ngay khi rời phà và ra khỏi bến cảng, tôi đã trông thấy một người mà mình có quen đang bước dọc trên vỉa hè bên phía đối diện. Dù tóc tai đã dài hơn so với hai năm trước, tôi vẫn có thể nhận ra mái đầu húi cua tối màu và thân hình đồ sộ ấy ở bất cứ đâu. Tôi vừa trông thấy anh Hoshina Akito.

Hồi tôi còn ở Sodeshima, nếu hòn đảo nhỏ bé này có ai nổi tiếng nhất thì đó chính là anh. Với khả năng vận động và tài chơi bóng siêu đỉnh, anh đã một mình đưa đội bóng chày vô danh của trường cấp ba chỗ tôi đến tận giải vô địch quốc gia ở Koshien - thành tích này khiến cho anh trở thành chủ đề bàn tán của cả đảo suốt một thời gian. Mọi đứa con trai ở đây đều muốn khi lớn lên sẽ trở thành người như anh, bao gồm cả tôi. Anh học trên tôi ba lớp… vậy thì đến bây giờ cũng phải hai mươi tuổi rồi. Không biết bây giờ anh đang làm gì. Chúng tôi đã có đôi lần tiếp xúc ngắn ngủi trong quá khứ, nên thiết nghĩ cũng nên chào hỏi một tiếng, song đến lúc ra được quyết định thì anh đã biến mất vào trong trạm bán vé của chiều phà đi rồi. Vậy là chính thức mất cơ hội.

“...Thôi để khi khác.”

Tự nhủ với lòng rằng phải quyết đoán hơn nữa nếu sau này còn dịp khác, tôi quay lưng với trạm bán vé và tìm đến nơi luôn sẵn lòng cho tôi ngụ lại một thời gian: đó là nhà của bà nội.

Sau khi đi qua một vài công ty du lịch và quán trọ truyền thống tập trung quanh bến cảng, tôi vào sâu trong đảo, hướng lên những con đường nhà dân dốc và hẹp. Mặc dù sinh ra ở Tokyo, phần lớn thời gian tôi dành ở Sodeshima. Bây giờ cuộc sống của tôi không khác gì cuộc sống của dân cấp ba Tokyo chính gốc, nhưng chính những năm học cấp một và cấp hai góp phần lớn nhất trong việc định hình nên con người tôi lại thuộc về chốn Sodeshima khỉ ho cò gáy này. Do đó quê hương đối với tôi phải là Sodeshima chứ không bao giờ có thể là Tokyo được. Bằng một lẽ có thể nói không phải tôi đang bỏ nhà đi mà là đang quay về nhà đó thôi… dù phân biệt như thế cũng không thay đổi gì lắm.

Nhân nói đến sự không đổi thay, trong hơn hai năm qua nơi đây vẫn chẳng có nét gì khác, thế mới kỳ. Tôi liếc ngang liếc dọc phố xá, mọi vật hầu như vẫn nguyên xi như trong trí nhớ. Vẫn là những ngôi nhà kiểu xưa xếp hai bên đường, không có nổi bóng của một ngôi nhà hiện đại. Sự bất biến im lìm của cảnh vật này không còn gợi lên nỗi nhớ nữa, mà nó đã trở thành trì trệ đến phát oải rồi.

Sau mười phút cuốc bộ lên đồi, tôi dừng lại trước một ngôi nhà gỗ hai tầng với biển tên đề FUNAMI đóng lên cánh cổng. Tôi đã về tới nhà. Sau khi vật lộn với cái cửa xưa nay vẫn kẽo cà kẽo kẹt không vừa bản lề, tôi gọi vào trong nhà và thấy bà tôi nhanh chóng từ phòng khách ra để đón cháu.

“Về rồi đấy hả Kanae,” bà nói, những nếp nhăn hằn sâu trên mặt bà giãn ra và xếp thành một nụ cười hiền từ thật tươi. Bà đã gần chín mươi tuổi nhưng dáng đứng vẫn thẳng tắp như một mũi tên vậy. Phải nói là bà vẫn còn cực kỳ hoạt bát so với tuổi của mình; sức khỏe của bà là một trong những thứ mà tôi thấy mừng là vẫn không thay đổi sau hơn hai năm qua.

“Cháu chào bà,” tôi cười đáp. “Lâu quá rồi bà ơi.”

Trước khi bị lôi vào cuộc nói chuyện dài lê thê, tôi đi lên cầu thang để cất đồ. Bước vào trong căn phòng ngủ hồi xưa của mình, tôi thấy mọi thứ - từ giường, tủ đến bàn ghế - vẫn hệt như khi tôi đi hai năm trước. Sự khác biệt đáng chú ý duy nhất là có người vẫn vào đây dọn dẹp thường xuyên, bởi không thấy một hạt bụi nào. Giường của tôi cũng đã được thay sang chăn ga xuân hè mỏng hơn sau khi mùa đông giờ đã kết thúc, chắc đều là bà làm cả.

Tôi đặt cái túi du lịch lên sàn rồi đi ra. Quay trở xuống cầu thang, tôi ghé nhanh qua căn phòng trà kiểu xưa để tỏ lòng thành kính trước bàn thờ ông nội và cho ông biết rằng tôi đã về trước khi sang đến phòng khách. Ngồi bắt chéo chân trên nệm đối diện với bà tôi ở bên kia cái bàn thấp, tôi đi ngay vào chủ đề.

“Thế đấy bà ạ, như cháu nói chuyện qua điện thoại sáng nay, cháu sẽ ở lại đây một thời gian,” tôi bắt đầu.

“Vì cuộc cãi vã nho nhỏ với thằng bố của bây chứ gì?” bà trả lời.

“Vâng… Chờ đã. Cháu có nói với bà rồi à?”

“Không – bây gọi được một chốc thì bố bây cũng gọi. Nó bảo là có thể bây sẽ mò tới đây và nếu có thì để mắt đến bây một cái.”

“Thế cơ đấy...”

“Nó biết thừa tính của bây rồi,” bà trêu tôi và cười khành khạch như mụ phù thủy hắc ám trong truyện cổ tích. Việc ông già dễ dàng đoán được đường đi nước bước của tôi mang lại một cảm giác pha giữa xấu hổ và bất bình.

“…Biết thế cháu đã bỏ đến nơi khác.”

“Thôi thôi. Làm như bây còn chỗ nào nữa ấy! Mà nghỉ xuân thì bây còn trò gì khác để làm đâu? Thế thì cứ ở lại Sodeshima mà chơi một thời gian. Sắp đến đại lễ rồi đấy!”

“Cháu không đi đến cái lễ dở người đấy đâu. Bà biết là cháu ghét đám đông mà.”

“Thế mà bây vẫn muốn sống ở Tokyo. Ta chẳng thể nào mà hiểu nổi.”

“Tokyo đông kiểu khác bà ơi,” tôi chống chế, vớ lấy một quả quýt trên bàn và bóc vỏ. Trước khi cho được múi quýt đầu tiên vào mồm, tôi nghe thấy tiếng cửa trước lạch cạch mở ra.

“Cháu về rồi bà..à…ơi, gì vậy trời?”

Đúng như dự đoán, cái đứa đang đứng trước ngưỡng cửa phòng khách với cái mồm há hốc là em gái Eri của tôi. Nó đã lớn hơn chút đỉnh kể từ lần cuối tôi trông thấy nó cách đây hai năm – nghĩa là giờ nó mười bốn rồi cơ đấy. Cái bím tóc quăn tít một thời đã được thay đổi cho hợp gu hơn, trở thành tóc đuôi ngựa buộc thấp sang một bên. Song thứ thu hút sự chú ý của tôi hơn hết thảy chính là bộ đồng phục thủy thủ nữ sinh. Eri bé bỏng của tôi đã bỏ đi cái cặp học sinh tiểu học nhà quê đỏ chóe của nó và bây giờ đã là một cô nàng tuổi teen chính hiệu. Là anh trai của nó, đây đích thị là một cảm giác thật lạ lùng.

“Hế nhô Eri,” tôi nói. “Đã lâu rồi nhỉ? Em vừa sinh hoạt câu lạc bộ về đấy à?”

“Anh về đây làm gì?” nó đáp cụt lủn, mắt nheo lại.

“Trông kìa, anh trai yêu quý mấy năm không gặp vừa mới về mà chào hỏi thế đấy. Bà không bảo là anh về à?”

“Bà bảo rồi. Em đang hỏi là anh về làm gì.”

Miệng lưỡi nó xéo sắc thật đấy. Rõ ràng là con bé chẳng vui vẻ gì khi thấy tôi – điều này thì hiểu được. Nó vốn phản đốn chuyện tôi chuyển tới Tokyo đến phút cuối cùng. Chúng tôi chia xa với tâm lý không lấy làm vui vẻ gì cho lắm vào hai năm trước, và từ đó đến giờ tôi vẫn chưa thử liên lạc lại với nó.

“Thôi đừng lườm anh như thế nữa,” tôi bảo. “Gặp lại nhau thế này phải ăn mừng mới đúng chứ? Vào đây ngồi xuống ăn quýt với anh này.”

“Quýt có phải của anh đâu mà anh mời hả Kanae?”

Đau đấy. Đúng ra đây không phải là lần đầu con bé gọi thẳng tên tôi, nhưng nó chỉ gọi thế mỗi khi phát khùng lên với tôi thôi. Còn mọi lần khác thì là “anh trai” cơ.

“Mà anh vẫn chưa trả lời em,” nó hạnh họe. “Hà cớ gì mà anh lại về Sodeshima? Nói ra mục đích của anh đi.”

“Anh chẳng có mục đích gì cả. Chỉ là bỏ nhà đi thôi, thế nên anh sẽ ăn nhờ ở đậu bà với em để lẩn tránh một thời gian.”

“Một thời gian là bao lâu?”

“Chắc khoảng tuần hay gì đó. Hôm nay là mồng một tháng tư, vậy thì đến… mồng tám?”

“Thế hả? Thế chính xác là vì sao mà anh lại bỏ nhà đi? Anh có xích mích gì với cái loại vô tích sự đó hay sao?”

Tôi quay lại nhìn bà ngồi bên kia bàn, nhưng bà lắc đầu. Rõ ràng là con bé tự mình đoán ra hết – nó sắc sảo lắm. Không có lý do gì để chối, tôi bèn khai.

“Ừ, đại loại vậy,” tôi trả lời. “Em đoán đúng rồi đấy.”

“Thấy chưa, em cố ngăn không cho anh đi với ông ta chính là vì như thế. Em đã bảo anh đầu óc ông ta có vấn đề rồi.”

“Ừ thì… em có thể đã đúng về chuyện đó. Bây giờ anh thấy hối hận rồi được chưa.”

“Thì đấy. Đáng lý ra anh phải không chịu đến sống với cái loại vô tích sự ấy ngay từ…”

“Eri,” bà cắt ngang. “Đừng có gọi bố bây là loại vô tích sự nữa.”

Eri phụng phịu và quạu cọ trước lời nhắc nhở này.

“Chắc chắn là cháu sẽ không gọi ông ta là bố cháu đâu. Nhất là khi ông ta chưa làm được gì để xứng cả…” nó làu bàu.

Tôi hiểu rõ lý do của Eri. Ban đầu nhà tôi có bốn người – bố, mẹ, Eri và tôi – tất cả sống cùng với nhau ở Tokyo. Khi tôi lên sáu, Eri còn chưa đầy ba tuổi, cuộc hôn nhân vỡ lở do mẹ tôi để lộ chuyện mình ngoại tình. Không rõ sự thể đê tiện ra sao, nhưng đủ biết mẹ tôi không còn chút day dứt gì với cái gia đình này. Mẹ tôi sẵn lòng nhường toàn bộ quyền nuôi con cho bố tôi.

Có điều ấy, tôi cũng chẳng rõ liệu bố tôi có thật sự muốn nhận lại quyền nuôi hai đứa chúng tôi hay không. Tôi không muốn suy nghĩ quá sâu xa về chuyện ấy. Thực tế là lão gửi ngay chúng tôi đến Sodeshima sống với bà nội trong khi lão ở lại Tokyo, rồi không thèm đoái hoài gì suốt gần mười năm trời. Tôi hoàn toàn hiểu vì sao Eri lại nghĩ lão là loại vô tích sự, cũng bởi lão không hề ở với chúng tôi kể từ ngày nó còn quá nhỏ để nhớ cho nổi. Đối với Eri, lão không khác mấy so với bất kỳ người lạ mặt nào đi ngang qua phố.

Bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ thế về lão, ít nhất là cho đến khi hết những năm cấp hai. Khi lão hỏi tôi hồi lớp tám về việc liệu có ý định muốn học cấp ba ở Tokyo, tôi đã đồng ý với đề nghị đó và chuyển tới thủ đô ngay sau khi tốt nghiệp xong cấp hai. Nhưng phải nói rõ rằng quyết định của tôi không phải vì muốn nối lại tình cha con gì gì mà có liên quan nhiều hơn đến việc tôi đã cảm thấy hầu như chán ghét với Sodeshima về mọi mặt.

“Thôi vào đây, Eri. Ngồi xuống đây với bà với anh,” bà tôi từ tốn khuyên nhủ, và Eri xuôi theo, đến ngồi xuống ngay cạnh bà. “Bà đi pha ấm trà, hai đứa bây cứ thế mà kể chuyện cho nhau nghe nhé.”

Eri lẳng lặng gật đầu trong lúc bà tôi chống tay đứng dậy và đi vào trong bếp. Tôi ngồi đối diện em gái mình, người đang cúi gằm xuống vì xấu hổ. Nó vẫn luôn là cháu gái rượu của bà, thế nên bị bà quở như vậy chắc cũng hơi sốc. Đối với Eri, bà và tôi là người thân duy nhất mà nó có, nên cũng dễ hiểu khi nó nhất quyết ngăn cản tôi chuyển đến Tokyo. Coi vậy cũng thấy tội cho con bé.

“Thôi nào, đừng vì thế mà rầu rĩ chứ,” tôi cố an ủi nó.

“Chính anh khơi mào còn bảo ai… Mệt quá đi mất,” nó bĩu môi.

“Đổi sang chủ đề khác đi vậy. Giờ em lên cấp hai rồi hả? Khó tin thật ấy. Em có tham gia môn thể thao hay hoạt động ngoại khóa nào không?”

“Cứ làm như anh quan tâm ấy. Nếu anh muốn biết đến thế thì sao hai năm vừa rồi không thèm gọi hay về thăm đến một lần?”

“À thì… cảm giác nó cứ thế nào ấy? Nhất là sau khi em đã cố gắng ngăn cản anh đi Tokyo tới cùng. Không chắc là em có muốn nói chuyện với anh không.”

“Ôi, em không ngờ anh lại có thể nhát chết như vậy đấy,” con bé bỉ bôi. “Vâng anh Kanae ạ, nói chuyện với người khác đôi khi cũng gượng gạo lắm, nhưng không có nghĩa là anh có thể gạt bỏ người thân trong nhà ra khỏi cuộc đời anh như thế được. Sao mà lù đù vậy không biết. Cái đấy còn không phải là phép lịch sự thông thường nữa, nó là ứng xử tối thiểu ấy.”

“Mèn ơi, thật là nhớ anh đến thế cơ à?”

“Hử?” nó cười khẩy. “Anh ấm đầu chắc? Còn lâu ấy. Đấy, đây chính là cái mà em đang nói đấy: anh có cái bệnh mãn tính là lúc nào cũng chọn đúng câu dở nhất để phun ra khi bị rơi vào thế khó. Ở ngoài Tokyo chắc anh chẳng có nhiều bạn bè lắm đâu ấy nhở?”

“Cái gì cơ?” Tôi vặc lại, phần nhiều bực mình vì nó quá chuẩn. “Được rồi, anh mày thừa nhận là nhẽ ra phải giữ liên lạc với mày. Công nhận. Nhưng mày cũng thế kia mà! Mày biết số điện thoại của anh. Khi nào mày muốn gọi mà chả được, nhưng mà mày có gọi đâu.”

“Xin lỗi đi? Sao em lại phải có trách nhiệm gọi điện cho anh khi mà anh mới là người khăn gói ra đi bỏ cái nhà này ở lại? Ai có tí đầu óc cũng hiểu anh phải là người đứng ra làm lành, Kanae ạ. Anh thực sự không có tí dây thần kinh nhạy cảm nào trong người nào cả nhỉ?”

“Nhạy cảm hay không thì liên quan gì ở đây, mày biết thừa còn làm bộ. Mà thôi ngay cái trò gọi tên anh mày bằng cái giọng kẻ cả đấy đi không thì bảo? Cứ ‘Cơ-nơ-ê’ ‘Cờ-nờ-ề’. Nghe như thiểu năng ấy. Đến lúc thôi cái trò nổi loạn này đi được rồi và quay lại gọi anh mày là ‘anh trai’ như một người em gái ngoan xem nào. Hay đúng ra phải là ‘anh zai êu quí’ đúng không nhở?”

“Eo ôi, cái gì cơ?! Ý anh là cái hồi em… năm tuổi ấy hả?! Đừng có làm em buồn nôn nữa. Ở đây có ai đang ở tuổi nổi loạn thì đó là anh ấy. Từng này tuổi mà còn bỏ nhà ra đi vì ‘bố yêu làm anh buồn’ ấy hả?”

“I-im mồm ngay! Mày thì biết cái gì! Cái lão ấy ép anh phải đi!”

“Thôi em xin. Chắc anh trốn học trên trường rồi bị bắt, xong bị sạc cho một trận chứ gì?”

“Không phải là trên trường! Đấy chỉ là lớp phụ đạo thôi, biết chưa?!”

“Hai cái đứa bây có thôi ngay không?!”

Giọng bà rung chuyển như sấm rền trong lúc quay lại phòng khách, mang theo một khay đựng vài cái tách và một bình trà nhỏ.

“Eri! Đừng có chọc tức anh bây nữa!”

“Ơ… không, anh ấy mới là người…” Eri lắp bắp.

“Còn bây nữa Kanae! Bây là anh trai nó, đáng nhẽ ở đây bây phải là người trưởng thành hơn chứ! Sao mới nói một tí mà đã đùng đùng lên thế hả!”

“…Vâng. Bà nói phải ạ,” tôi thở dài rồi đứng dậy và tiến về phía cửa.

“Bây đi đâu đấy?” bà gọi với theo tôi.

“Cháu đi ra ngoài một tí cho mát,” tôi không thèm ngó lại, nhanh chóng xỏ giày và bước ra ngoài.

“Chậc, chưa gì đã khiến cho khó xử…”

Tôi lẩm bẩm một mình trong lúc quay trở lại với con đường đồi dẫn ngang lên nhà bà nội. Mới về còn chưa được một tiếng đã vướng vào một vụ cãi vã khác thì có buồn cười không? Eri nói đúng trăm phần trăm về tôi, có bằng chứng hẳn hoi. Tôi không muốn thừa nhận với nó nên đã nổi nóng và tìm cách chối bỏ.

Ở Tokyo tôi gần như là một thằng tự kỷ khi đi học cấp ba. Có điều từ ngày tôi học cấp hai ở Sodeshima thì đã thế rồi, nên không thể đổ riêng cho lý do lạ nước lạ cái được. Sự thiếu hụt kỹ năng sống khiến cho tôi lớn lên không có nhiều bạn bè, nhưng vấn đề là hồi lớp tám, có lần tôi đứng ra bênh một đứa bạn cùng lớp đang bị bắt nạt, và thế là tất cả cái bọn “cool ngầu” ấy cùng coi như tôi không tồn tại và bắt đầu rỉ tai nhau những điều rất quá quắt về tôi. Dần dà ngay cả đứa mà tôi đã bênh vực cũng hùa theo vì sợ chúng nó lại quay sang kiếm chuyện. Tôi bắt đầu có thói đa nghi (cũng không đến nỗi nặng lắm) kể từ thời điểm ấy.

Nhưng cũng nhờ trải nghiệm không may ấy mà tôi ngộ ra được vài điều. Bài học quan trọng nhất mà những năm tháng cấp hai đã dạy cho tôi không nằm trong chương trình giảng dạy, đó là nếu cứ ở mãi dưới đáy giếng với những người không dám lên tiếng hoặc không dám khác biệt thì đầu óc vẫn mãi chỉ to bằng cái khoảng trời be bé phía trên mà thôi. Nên tôi mới hăm hở nghe theo lời đề nghị chuyển lên thành phố lớn của ông già. Mục tiêu cốt yếu của tôi là để thoát ra khỏi cái đảo Sodeshima hạn hẹp này. Một thành phố muôn màu muôn vẻ như Tokyo, nơi tôi vốn được sinh ra, hẳn sẽ có chốn để tôi thuộc về, hoặc một nhóm người nào đó sẽ chừa cho tôi một chỗ trống. Nhưng hỡi ôi, đời không như là mơ.

Ban đầu, mọi người ở ngôi trường mới tỏ ra cực kỳ vồn vã bởi một cuộc sống ngoài đảo xa là thứ mà họ chẳng bao giờ hình dung nổi. Song sự tò mò của họ không kéo dài lâu. Cái tính ngại ngùng bẩm sinh của tôi bộc lộ nhanh chóng, cộng thêm những khác biệt trong lối sống khiến cho tôi khó có thể hòa nhập được với bạn bè trong lớp, nên dần dần tôi lại quay về làm kẻ lập dị. Sau khi tạch vài bài kiểm tra liên tiếp, một số đứa bắt đầu coi tôi như một thằng nhà quê không biết chữ. Khoảng thời gian của tôi ở trường chẳng có gì tốt đẹp. Dù sao tôi vẫn kiên trì, mong một ngày tôi sẽ gặp được ai đó sẵn lòng chấp nhận con người thật của tôi. Thay vì vậy, nỗi bất mãn trong tôi cứ ngày một lớn dần, tôi càng lúc càng thấy bức bối, và với sự vụ tối hôm qua, tất cả đã vượt quá giới hạn.

“Tao biết đưa mày về Tokyo với tao là sai lầm mà.”

Nghe lão thốt ra những lời đó mà tưởng như nghe thấy cả thành phố Tokyo dường như đang quay sang xì xầm, chế nhạo tôi vì dám nghĩ rằng có thể chung sống được với họ. Không thể chịu đựng thêm một giây nào nữa, nên tôi bỏ về nhà bà nội ở Sodeshima ngay lập tức. Thế đấy, trước chạy đi, giờ lại chạy về.

“Trời ơi, tôi muốn về nhà…”

“Nhà” ở đây không phải Tokyo hay Sodeshima – “nhà” ở đây mang nghĩa trừu tượng, là nơi nào ngoài kia mà tôi cảm thấy muốn gắn bó. Không biết ở đâu trên mặt đất này tồn tại một nơi như vậy. Có thể là ở đâu đó để tôi có thể ngủ cả ngày mặc kệ thế gian bên dưới lớp chăn lanh dịu êm trong một buổi sáng mùa xuân se lạnh. Dù biết thừa rằng đó chỉ là mơ ước viển vông, tôi vẫn chưa muốn quay lại nhà bà tí nào. Cũng may, trời còn lâu mới tối, nên tôi quyết định sẽ lang thang quanh đảo thêm một lúc nữa.

Tôi dạo vòng vòng xót xa cho thân phận mình, cho đến khi tới được lối đi bằng bê tông chạy dọc ven biển. Chào đón tôi ở đó là cơn gió biển thổi dựng đứng cả lông gáy lẫn lông mũi. Giống như hầu hết các hòn đảo nhỏ khác, gió ở Sodeshima quanh năm dữ dội, chủ yếu là do không có địa hình để cản chúng lại. Suy cho cùng đại dương là cái nôi sinh ra sóng to gió lớn, khiến cho Sodeshima nằm trơ trọi giữa những trận cuồng phong.

Bước dọc theo mép nước, căng mình trước gió thổi hun hút, tôi bỗng trông thấy một người con gái đang ngồi trên thành đê chắn sóng cao ngang hông, đung đưa chân phía trên mặt biển, đôi mắt nhìn xa xăm về phía đất liền. Cô ấy mặc một cái áo len mỏng có phần hơi rộng cùng với chiếc quần vải trơn giản dị màu đen. Mái tóc xơ màu hạt dẻ được cô để xõa ngang vai, và chỉ cần nhìn nghiêng khuôn mặt tôi cũng đoán được cô ấy có nước da màu bánh mật. Rằng tóc cô ấy xơ chỉ là vì ngâm nhiều trong nước clo, và màu da rám nắng của cô ấy không phải nhân tạo, do bẩm sinh mà có. Tên cô ấy là Akari Hoshina, em gái cầu thủ siêu sao của đảo, và cũng là cô bạn thân nhất của tôi ngày bé.

“A…?”

Tôi dợm gọi tên cô ấy nhưng dừng lại giữa chừng – bởi sau khi âm tiết đầu tiên vừa rời khóe miệng, tôi nhận ra trên má cô ấy là dòng lệ lã chã. Cách mà cô ấy khóc có điều gì sao mà tự nhiên đến nao lòng – cô ấy cứ để cho nước mắt cứ thế tuôn chảy, chẳng hề sụt sịt và cũng chẳng hề chớp mắt trong suốt lúc tôi quan sát. Tôi phải nghĩ lại xem liệu có nên lên tiếng gọi cô ấy không. Tuy vậy mặc kệ bỏ đi sao được, nên tôi chậm rãi đi đến đằng sau và cất lời khi chỉ còn cách cô ấy vài mét.

“Akari…?” tôi gọi. Akari lập tức xoay phắt lại, nhanh đến mức quán tính khiến cho nước mắt bị hất văng ra khỏi bờ má cô ấy.

“Ka-Kanae đấy ư?!” Akari thảng thốt há hốc miệng và đứng phắt dậy trên thành đê. “Cậu-cậu đang làm gì-á, ối!”

“Ấy, coi chừng!”

Có lẽ do đứng dậy quá nhanh, Akari ngay lập tức bị mất thăng bằng và suýt thì ngã ngửa xuống biển. May thay, phản xạ khẩn cấp của tôi được kích hoạt. Tôi lao về trước và vòng tay ôm quanh bắp đùi cô ấy (ngay giữa mặt tôi luôn) và kéo cô ấy trở lại. Trong thoáng chốc, tôi có thể cảm nhận được hơi ấm của Akari chạm vào má tôi, ngay cả qua lớp vải cốt tông dày. Sau khi chắc chắn được rằng Akari đã lấy lại được thăng bằng, tôi vội vàng buông ra. Hành động vừa xong của tôi có phần trơ trẽn – dù mục đích chỉ là để ngăn cho cô ấy không bị thương. Trong lúc tôi đứng đó, lòng thầm cầu nguyện rằng tôi chưa làm cho mọi thứ ngượng ngùng lên gấp mười, Akari nhảy xuống khỏi đê chắn sóng và phủi cát ra khỏi đằng sau quần.

“Xin lỗi nhé,” Akari bảo. “Cậu làm tớ hết cả hồn.”

“Ừ, tại tớ cả đấy. Đáng ra tớ không nên lẻn ra đằng sau cậu như vậy. Cậu có sao không?”

“Không sao. Hơi hoảng tí, nhưng vẫn còn hơn ngã vỡ đầu! Cũng nhờ cậu ra tay kịp!” cô ấy mỉm cười lém lỉnh. Chắc Akari sẽ bỏ qua việc tôi vừa úp mặt vào giữa hai chân cô ấy. Trong lúc thở phào, tôi chợt nhớ ra điều mình định hỏi lúc ban đầu.

“Này, Akari? Dù không phải việc của tớ, nhưng… vừa nãy cậu khóc đấy à?”

“Hở? À, ừ, ừm… dạo này bệnh dị ứng phấn hoa của tớ nó lại dở chứng ý mà. Hơi khó chịu, nhưng biết sao giờ? A ha ha…”

Cô ấy dùng ngón tay lau đi khóe mắt, cố gắng cười trừ, nhưng tôi trông đâu có giống dị ứng phấn hoa. Tôi tin rằng Akari khóc vì một lý do khác, có thể là hôm nay vừa có việc gì không tốt. Kể cả nếu điều đó đúng đi nữa, tôi không mặt dày đến mức cố mà moi xem đó là việc gì. Đặc biệt là khi đây là lần đầu chúng tôi gặp lại nhau sau hai năm. Tôi quyết định tốt nhất là nên đổi chủ đề.

“…Không có chuyện gì thì tốt rồi. Được gặp lại cậu tớ vui lắm!”

“Tớ cũng thế! Bọn mình chưa gặp nhau kể từ hồi tốt nghiệp rồi nhỉ? Cậu về nghỉ xuân à?”

“Ừ, đại loại vậy. Tớ định ở đây khoảng một tuần hoặc hơn.”

“Thế à. Vậy có nhiều thời gian để nghỉ ngơi thư giãn nhỉ?”

“Dự định của tớ là thế mà,” tôi đáp lấy lệ, rồi nhìn xuống chân Akari. “Còn cậu thì sao, có gì mới không? Chắc cậu vẫn đang trong đội bơi đấy chứ?”

“À, ừ… sao cậu lại hỏi?”

“Không có gì, chỉ là, ờ… sờ đùi cậu là tớ biết. Nếu không tập luyện mỗi ngày thì không thể chắc như vậy được.”

Akari ngẩn tò te ra nhìn tôi hết năm giây tròn rồi bỗng nhiên cười ngặt nghẽo.

“A ha ha ha! Sao cơ?! Cậu là ai, cậu đã làm gì Kanae thế? Hay mấy khu phố đèn đỏ ở đó đã biến cậu trở thành một tên biến thái nặng mất rồi?”

“Cái gì?! Nà-này, thế có phải là biến thái đâu?! À thì, cũng có lý… ừ, công nhận là biến thái thật đấy. Xin lỗi, làm như tớ không nói gì nhé!”

“Không, quá muộn rồi! Kể từ giờ cậu sẽ là ‘Kanae cuồng cẳng’! Hay có muốn là ‘Kanae mê vế’ không? …Khoan khoan! Nghĩ ra rồi! ‘Chuyên gia giò’! Ha ha ha ha!”

“Tớ xin đấy. Cậu muốn tớ làm gì cũng được.”

Hai chúng tôi ngồi xuống đê chắn sóng, lần này quay mặt vào đảo, trò chuyện một hồi lâu. Akari không chỉ là bạn thân nhất của tôi hồi bé mà còn là mối tình đầu thầm kín của tôi. Tôi đổ cô ấy không phải vì một khoảnh khắc hay lý do đặc biệt nào cả - nó là thứ mà bạn chỉ bỗng chợt nhận ra. Thật đáng buồn, những trông chờ của tôi sụp đổ vào một ngày hồi cấp hai khi tôi nghe lỏm được Akari nói với một đứa con gái khác học cùng lớp.

“Tôi với Kanae á? Không đời nào. Bọn tôi chỉ là bạn thôi. Không có tình cảm gì đâu, tôi thề.”

Tôi cố gắng thuyết phục bản thân rằng cũng may mà tôi được biết trước khi kịp ngỏ lời rằng mình thích cô ấy và tự làm mình bẽ mặt – nhấn mạnh vào hai chữ “cố gắng”. Sau đó chúng tôi vẫn giữ mối quan hệ như xưa và chưa từng vượt lên khỏi mức bạn thân thông thường, cho đến ngày chúng tôi mỗi đứa một phương khi lên cấp ba. Bạn thân hồi bé sau này xa cách nhau không phải là chuyện hiếm – bao nhiêu người có thể nói rằng người bạn thân nhất hồi tám tuổi cũng chính là người bạn thân nhất của họ khi lên mười tám? Không nhiều, và tôi nghĩ thế cũng chẳng sao. Đối với tôi, nếu thi thoảng có thể được gặp mặt và cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa như bây giờ, vậy là đủ. Tôi không thể đòi hỏi gì hơn.

“Kanae ơi là Kanae,” sau một lúc cô ấy nói. “Phải nói là tớ cũng nhẹ nhõm phần nào khi thấy lên thành phố lớn không khiến cho cậu thay đổi nhiều lắm. Tớ cứ ngờ cậu sẽ về đây với tóc tai xanh đỏ và đeo khuyên đầy mình cơ.”

“Đừng bảo tớ là cậu nghĩ ai ở Tokyo cũng như vậy nhé,” tôi than thở.

“Dĩ nhiên là không rồi. Nhưng đấy là một trong những thủ đô thời trang của thế giới cơ mà? Cậu kiểu gì chả gặp được cả đống gái xinh với người mẫu người miếc rồi.”

“Ờ, nếu so với ở Sodeshima thì cũng đúng.”

“Vậy hả? Kể xem nào. Ra đó kiếm được em gái nào làm người yêu rồi phải không?” Akari quay sang ngước nhìn để dò xem phản ứng của tôi. Một phần trong tôi muốn nói có, cốt cũng chỉ để khoe khoang cho có tí sĩ diện, nhưng lỡ mà bị lộ tẩy thì ôi thôi trông tôi sẽ thảm hại thậm chí còn hơn cả so với bây giờ. Cô ấy cũng sẽ không bao giờ buông tha cho tôi đâu. Nên là tôi quyết định trả lời thật.

“Lấy đâu ra mà có. Cuộc sống bên ngoài của tớ ở đấy hơi bị chán luôn, xin lỗi đã phá vỡ hình tượng của cậu.”

“Ôi, tớ biết mà.”

“Ây cha. Hóa ra hỏi chỉ để châm chọc thôi sao,” tôi làm bộ làu bàu. Akari khúc khích cười. Tôi quay sự chú ý sang phía cô ấy, mặc dù biết đây không phải là biện pháp trả đũa thích đáng cho lắm. “Còn cậu thì sao, tớ thấy cậu cũng chẳng thay đổi gì cả?”

“Thật á? Cậu nghĩ thế à?”

“Này nhé, kiểu tóc của cậu vẫn y như xưa, đấy là một. Cách cả cây số tớ vẫn nhận ra luôn.”

“…Vậy sao? Tớ thấy tớ khác nhiều lắm mà…” cô ấy tự mình lẩm bẩm rồi tiu nghỉu nhìn xuống đất.

Cô ấy nói vậy thì hẳn có điều gì đó đã thay đổi mà tôi chưa kịp nhận ra. Tôi nhìn lại Akari một lượt; dễ nhận thấy rằng công cuộc dậy thì của cô ấy đã khá thành công, nhưng điều gì đó mách bảo tôi rằng đấy không phải là thứ mà cô ấy muốn nói đến. Và nếu nhỡ chẳng may là thế thật, tôi cũng không biết phải đáp lại ra sao.

Tôi đưa ánh mắt trở về đến khuôn mặt cô ấy, đó cũng là lúc tôi mới chợt nhận ra một điều về Akari bây giờ mà Akari hồi cấp hai chắc chắn không có, dù là chi tiết rất nhỏ thôi: dưới mắt cô ấy là hai quầng thâm mờ. Trong lúc tôi nhìn chăm chú, tự hỏi liệu gần đây cô ấy có ngủ được không, Akari cũng ngước lên để nhìn tôi, ánh mắt hai đứa nhìn nhau.

Tôi của ngày xưa chắc chắn sẽ vội vàng đánh mắt đi nơi khác. Hay thậm chí kể cả bây giờ… song tôi không làm được. Có điều gì đó ẩn trong đôi mắt của Akari – một mảng tối vẩn đục, sâu thăm thẳm, như thể có ai đã tập hợp cả một bầu trời mây đen vần vũ giữa cơn bão tố và nhỏ thẳng vào con ngươi của cô ấy – khiến cho tôi không tài nào dứt mắt ra. Dường như tôi cần phải biết trong đôi mắt kia là gì, không thì cũng sẽ bị nó nuốt chửng. Cuối cùng, tự Akari mới là người đầu tiên ngước đi nơi khác.

“…Được rồi, thôi không nhìn nữa nhé. Bắt đầu ngượng rồi đấy,” cô ấy tuyên bố.

“Hở? Ơ, à… xin lỗi, tớ không có ý gì đâu,” tôi bối rối, vội vàng quay đi khi nỗi xấu hổ cuối cùng cũng ùa đến. Tôi liếc mắt nhìn trộm sang và thấy khuôn mặt cô ấy cũng đang đỏ lựng lên. Một vài giây phút qua đi, thế rồi cô ấy bật dậy trên hai chân với một tiếng “hấp!” và xoay người lại để đối diện với tôi. Cô ấy chắp hai tay ra sau và cúi về phía trước, áp mặt đến gần tôi hơn.

“Này, Kanae…”

“Sao thế?”

“Cậu đã quyết định năm sau sẽ vào đâu chưa?”

“À, Đại học I. Nhưng tớ kể cho cậu rồi còn gì.”

Trường cấp ba mà tôi đang theo học hiện giờ là một trường liên kết dành riêng cho những người có mong muốn thi vào Đại học I. Miễn là tôi không bị đúp môn nào, tôi gần như nắm chắc tấm vé vào trường.

“Ừ, tớ biết… Chẳng qua lâu rồi chưa nói chuyện nên tớ muốn hỏi lại ý mà. Thôi, chắc tớ cũng sắp phải về rồi.”

“Ô kê. Hẹn gặp cậu sau.”

Akari cười nhanh với tôi một cái rồi mau chóng bước đi. Tôi ngồi lại ưỡn ngực vươn vai vài cái trên thành đê chắn sóng. Sau bao ngày tháng đây mới là lần đầu tiên tôi được nói chuyện với người khác lâu đến như thế, cảm giác thật là thư thái. Tuy nhiên, đâu đó tại những ngóc ngách bé tí trong đầu, cái mảng tối hiện diện đằng sau đôi mắt của cô ấy vẫn tiếp tục khiến cho tôi thấy day dứt.

Tôi lấy điện thoại kiểm tra thời gian. Năm giờ chiều. Tôi vẫn chưa sẵn sàng để quay về đối diện với Eri, nên quyết định sẽ giết thời gian thêm một chút nữa. Tôi cho điện thoại quay về trong túi và đứng dậy, thực hiện một vài động tác tay không trong lúc suy tính xem nên đi đâu. Thế rồi tôi trông thấy một cây mơ nằm trước sân nhà gần đó. Tôi bị cánh hoa đỏ thẫm thu hút và chợt nhận ra rằng xuân này tôi vẫn chưa thấy cây hoa anh đào nào. Hôm nay là mồng một tháng tư, hẳn hoa phải đang rực rỡ lắm - và tôi biết chỗ đẹp nhất để ngắm hoa đào nở trên cả hòn đảo này là sân đền Sodeshima. Nghĩ rằng đây là cách tốt để dành ra một tiếng đồng hồ, tôi liền đi tới đó.

Tôi thong thả đi xuống những phố xá vắng người và tận hưởng không khí dễ chịu của mùa xuân. Khi đi ngang qua cửa hàng thuốc lá cũ, tôi trông thấy một viên cảnh sát đang đạp xe tới ở ngay trước mặt. Vừa kịp trông thấy tôi đang trên đường đi tới, ổng đạp phanh đánh két. Đây là một trong số ít những cảnh sát được phân công tại đảo – một người đã ngoài ba chục với khuôn mặt bầu.

“Trông ai kìa,” ổng cười lém lỉnh. “Trông cái nhận ra ngay. Lâu lắm mới thấy mặt cu đấy!”

Ổng chẳng thay đổi tí nào cả - vẫn là một người pha trò thân thiện giống như khi mới lần đầu đến đây từ trong đất liền, từ hồi tôi còn đang học tiểu học. Mọi người trên đảo đều yêu quý ổng, từ trẻ con đến người lớn.

“Đúng ạ, mấy năm rồi,” tôi trả lời.

“Về nghỉ xuân à? Được làm học sinh sướng quá đi!”

“Ủa, làm cảnh sát không được nghỉ hả chú?”

“Còn lâu! Đùa hả cu? Họ bắt bọn chú làm quanh năm cho đến khi nào không chịu nổi nữa thì thôi. Vất vả lắm đấy có biết không,” ổng phàn nàn. Tôi đang định châm chọc ổng rằng nếu có thời gian dừng lại để buôn chuyện với tôi thì cũng đâu có bận lắm, nhưng rồi ổng kể: “Đấy, vừa mới đi giải quyết một cuộc gọi điên khùng nữa đây này.”

“Thật ạ? Có chuyện gì không hả chú?”

“Ờ, cũng không có gì to tát. Mấy ông bà già khó tính lại cãi nhau um tí mẹt ở trước đền ấy mà. Chú vừa phải qua để hòa giải.”

“Ô, giờ cháu đang định tới đó đây. Có nhiều người ở đấy không ạ?”

“Cũng đông. Hội người cao tuổi Sodeshima đang có buổi sinh hoạt hôm nay. Họ đang chơi croquet thì phải, nếu muốn cu có thể lên trên đấy để nhập hội cho vui.”

Tôi nhăn mặt. Bỗng nhiên tôi hết sạch hứng thú với hoa anh đào.

“Ờm, chú rất tốt nhưng cháu rất tiếc… cháu chưa chán đời đến mức muốn được dành cả mùa xuân để chơi đánh bóng qua mấy cái lỗ với các cụ già tám mươi đâu ạ.”

“Ây da. Chú hiểu, nhưng có nhất thiết phải nói thế không?”

“Trời ạ, chả lẽ quanh đây không có sự kiện nào nhắm tới bọn trẻ bằng tuổi cháu nữa hay sao? Nếu họ không nhanh chóng nhắm tới đối tượng dân số trẻ, với tỷ lệ sinh suy giảm rồi các thứ các thứ, hòn đảo này sớm muộn sẽ bị bỏ hoang cho mà xem…”

“Ôi chu choa! Chắc là lên thành phố mới được học môn chính trị xã hội đúng không? ‘Đối tượng dân số’ cơ đấy? Mới bằng này tuổi mà đã dùng từ đao to búa lớn như thế rồi!” viên cảnh sát cười hô hố.

“Thôi, cháu đi đây,” tôi nói và cất bước đi để khỏi phải chịu cảnh ổng coi tôi như con nít thêm nữa. Quay ngược lại hướng ngôi đền, tôi quyết tâm sẽ không để lãng phí kỳ nghỉ xuân quý báu.

Sau khi vẫy tay tạm biệt chú cảnh sát, tôi rong ruổi vô định vòng quanh đảo một hồi. Không muốn chạm mặt với bất kỳ người lớn hay thậm chí là bạn học cùng lớp trước đây, nên tôi tìm đến một trong những con đường vắng vẻ nhất của đảo. Không biết tự bao giờ, bàn chân đã đưa tôi đi dọc theo con ngõ nằm giữa những mái nhà cũ lụp xà lụp xụp. Phía bên này của thị trấn gần như đã đổ nát, tôi không biết có người dân đảo nào còn tới đây nữa không.

Ở Sodeshima năm mươi năm về trước có ngành khai thác mỏ khá phát triển, điều đó khiến cho dân số của hòn đảo bé tí này đã từng có thời tăng gấp mấy lần. Song đến khi trữ lượng thiếc cạn khô, phần lớn dân số cũng theo đó mà bỏ vào trong đất liền, để lại cả những dãy nhà trống đằng sau lưng họ.

Khi tôi còn bé tí, tất cả người lớn tôi quen đều dọa trẻ con không được đến phía này của thị trấn để chơi, lúc thì bảo ở đây hết sức nguy hiểm, lúc khác lại bảo ở đây bị ma ám. Là một đứa trẻ ngoan ngoãn và dễ bảo, nên đây thực ra là lần đầu tiên tôi đặt chân tới khu vực này. Cỏ dại chỉa ra dưới lớp bê tông, và chỉ cần liếc qua cũng biết hầu hết những ngôi nhà này đều chưa có ai ra vào đã mấy chục năm chứ chưa nói đến ở. Ấy vậy mà trong lúc xót xa cho dân số ngày càng thụt giảm của hòn đảo, tôi cũng không thể không thưởng ngoạn không khí im lìm ma mị của từng con ngõ. Sự thanh bình và yên lặng tuyệt đối này luôn giúp tôi nguôi ngoai nỗi lòng trong quá khứ, bây giờ lại càng thế hơn khi tôi đang sống ở nơi mà đi bộ xuống phố thôi cũng va hết người này đến người kia.

Mặt trời đã bắt đầu lặn dần, nhưng tôi vẫn bước về phía trước, tiến sâu hơn vào những lối nhỏ quanh co khúc khuỷu. Sau khi đi quá một con hẻm hẹp đến phát ớn, tôi tới được một khoảng trống nơi vẫn tồn tại một công viên nhỏ bị bỏ hoang. Có một chiếc xích đu gỉ sét, một cái khung leo trẻ em treo biển “CẤM TRÈO” to tướng, và một cái hố cát đầy cỏ dại; tất cả nằm lại trong sự lãng quên, chờ cho đến ngày bị phá bỏ, kết hợp với nhau tạo lên không khí u buồn hoài niệm. Ngày đó sẽ chẳng bao giờ đến. Có lẽ đã rất nhiều năm nơi đây chưa có tiếng lũ trẻ cười đùa. Tương phản với tình trạng điêu tàn của dụng cụ vui chơi, khắp bốn phương tám hướng công viên là những cây anh đào um tùm sức sống – cùng với một cái cây đại thụ to khổng lồ được trồng ở ngay trung tâm công viên – tất cả đều đang ngập tràn sắc hoa.

“Uây… không thể tin được…”

Ngắm những chùm hoa lộng lẫy đẹp ngây ngất lòng người, hai chân tôi như gắn nam châm, cứ thế tự động tiến đến gần cái cây ở chính giữa. Mỗi bước về phía trước càng khiến cho vẻ uy nghi hùng vĩ và sức sống rạng ngời của nó hiện lên rõ ràng và sắc nét hơn, đến độ tôi thực lòng nghi ngờ liệu có phải chính cái cây này là thủ phạm đã hút lấy hết sự sống ở quanh khu này hay không - nó thực sự đẹp một cách hớp hồn. Một lớp cánh hoa mỏng rơi trên mặt đất tạo nên một vòng tròn như con hào ôm quanh gốc, kêu lộp rộp dưới gót giày sau mỗi nhịp chân đi. Luồng gió từ đâu bất ngờ ào đến, gửi lên không trung những tràng cánh hoa tươi nhảy múa tung bay dưới ráng chiều hổ phách. Trong một khoảnh khắc thoáng qua, công viên như được phủ lên một tấm mạng màu hồng nhạt, mùi hương nồng nàn của hoa anh đào dâng đầy hai cánh mũi. Cảnh vật ngày xuân của mấy năm, tất cả như được cô đọng và gói gọn vào chỉ một khoảnh khắc.

Trời đất hỡi, ngờ đâu lại có một nơi như thế này. Đúng là một báu vật thất truyền… Hừm?

Tôi đứng đó, đang mê man trước cảnh tượng tráng lệ này thì bỗng bắt gặp một công trình bằng gỗ nhỏ ẩn phía bên kia cây đại thụ. Vòng ra sau để nhìn cho kỹ hơn, tôi nhận ra đó là một cái miếu thờ nhỏ đã cũ, nhỏ đến mức mái miếu chỉ cách mặt đất khoảng một mét. Trước mặt ngôi miếu là hai cánh cửa mắt lưới, một cánh đang để mở. Tò mò, tôi quỳ xuống để ngó vào bên trong, nhưng chỉ độc có một tảng đá bằng cỡ quả bóng bầu dục. Một vết nứt sâu khoét dọc ngay chính giữa. Tôi đồ rằng đây là một loại thánh tích nào đó: một viên đá được cho là trấn giữ sức mạnh linh thiêng, hoặc ít nhất là có đủ ý nghĩa liên quan đến tôn giáo để người ta phải xây cái miếu bé tẹo này ở đây để cất nó. Không biết vì lý do gì, tôi bị hòn đá mê hoặc một cách kỳ lạ. Tôi với tay ra để sờ thử lên vết nứt mỏng, tối đen.

Vừa lúc đó, một tràng âm thanh bỗng từ đâu hú lên ầm ĩ, khiến cho tim tôi suýt chút nữa văng ra khỏi lồng ngực. Ngay cả khi đã giật mình thu tay về, mất mấy giây tôi mới định thần lại được để nhận ra đó là âm thanh gì. Một giai điệu ì xèo phát ra. Greensleeves. Đây là khúc nhạc sáu giờ chiều được chơi trên loa phóng thanh của hòn đảo mỗi tối. Song tôi vẫn ngạc nhiên khi thấy nó phát ra gần đến thế, nên tôi đứng thẳng dậy và nhìn xung quanh. Tôi không mất nhiều thời gian để tìm ra nguồn gốc của sự ồn ào: một trong những cái loa như vậy đang nằm chễm chệ trên cây cột điện nằm trong góc công viên. Bảo sao mà điếc cả tai.

Tôi vốn dĩ đã ghét cái giai điệu da diết này từ ngày còn bé, và giờ vẫn vậy. Tôi không thích cách nó dễ dàng cứa vào trái tim và đưa tôi vào tâm trạng cồn cào, kể cả khi tôi không có gì để buồn thương hay nhung nhớ.

Bí mật đã được giải đáp, tôi lại khuỵu xuống và đưa tay ra để chạm vào hòn đá nằm trong miếu. Cái loa kêu oang oang làm cho tôi hết cả hồn, nhưng chưa đến mức làm tôi mất hết hứng thú với hòn đá kỳ lạ này. Trong lúc giai điệu lớn tiếng tiếp tục dộng vào màng nhĩ, tôi chậm rãi đưa tay càng lúc càng gần… cuối cùng, đầu ngón tay tôi chạm lên vết nứt lởm chởm. Ngay khoảnh khắc đó, thứ gì bỗng xẹt qua người tôi như tĩnh điện, và nhận thức của tôi tắt phụt - giống như não bộ tôi là một cái TV và ai đó vừa mới đột ngột rút phích cắm.

Tham gia Hako Discord tại

Ủng hộ bản dịch tại