Có một loạt các trận đánh được biết đến với tên trận Kawanakajima. Đây là các trận chiến cực kỳ nổi tiếng trong thời kỳ Chiến quốc giữa hai vị anh hùng đại diện cho thời đại, Takeda Shingen và Uesugi Kenshin.
Tuy nhiên, các trận chiến Kawanakajima lại thực sự không có tác động quan trọng lên diễn biến lịch sử. Quân đội Takeda và Uesugi đã tranh giành quyền kiểm soát vùng Kawanakajima năm lần, nhưng chủ yếu chỉ nổ ra cuộc giao tranh nhỏ, và chỉ có một lần xung đột bùng lên đủ lớn để được gọi là một trận chiến. Song, ngay cả trận chiến đó cũng không thể được gọi là bước ngoặt của lịch sử từ bất kỳ góc nhìn nào. Không cần phải nói, dẫu không thể sánh bằng với trận Sekigahara hay cuộc vây hãm Osaka, ngay cả cuộc vây hãm Nagashima4 cũng có ý nghĩa lịch sử lớn hơn thế. Trên thực tế, các trận chiến Kawanakajima còn không được đưa vào sách giáo khoa lịch sử mà chúng tôi đang học tại cao trung Funado.
Vậy tại sao trận Kawanakajima lại nổi tiếng đến vậy mặc dù chúng chỉ là mấy trận giao tranh cục bộ?
Câu trả lời nằm trong những câu truyện truyền lại về cuộc đụng độ giữa hai vị anh hùng. Mặc cho những ý nghĩa có tác động đến toàn cảnh hay chiếm vị trí lớn đến đâu trong bức tranh lịch sử, thì cũng không thành vấn đề. Những huyền thoại từ trận chiến Kawanakajima vẫn tiếp tục được kể, đơn giản có thể ví như long tranh hổ đấu.
Tôi chợt nghĩ đến chuyện này trong khi chuẩn bị để che đậy đi sự tồn tại của miếng bánh thứ ba, trước đối thủ của tôi lần này là Osanai. Đúng vậy, đây sẽ là trận chiến giữa tôi và Osanai.
Nhỏ sẽ là một đối thủ xứng đáng. Thực sự xứng đáng.
Nếu đây là một trận chiến, chiến trường sẽ giới hạn trên mặt chiếc bàn.
Lần lại ký ức, tôi nhận ra rằng mình chưa bao giờ nói với Osanai rằng tôi đã mua bao nhiêu chiếc bánh Charlotte từ tiệm Jeff Beck. Tất cả những gì tôi viết trong email chỉ là tôi đã mua bánh, và ngay cả khi đến đây, tôi mới chỉ nói "Xin lỗi vì đã làm phiền" và thêm vài lời về việc trời bên ngoài nóng như thế nào. Có một lúc Osanai chuẩn bị mở hộp bánh ra, nhưng điện thoại reo, làm nhỏ phải rời khỏi phòng khách. Nói cách khác, nhỏ chưa bao giờ nhìn vào trong hộp. Sau này chúng tôi sẽ phải tính hóa đơn, nhưng tôi vẫn chưa nói với nhỏ số tiền mua hàng như nào.
Nghĩa là nếu tôi xử lý thỏa đáng những thứ trên mặt bàn này, tôi có thể giấu Osanai về sự tồn tại của miếng bánh Charlotte thứ ba.
Vậy, để xem trên bàn có gì nào? Để tránh mắc phải sai lầm ngớ ngẩn như không chú ý một thứ gì đó vì thoạt nhìn có vẻ như nó không liên quan, tôi phải cân nhắc cẩn thận từng thứ một.
Mặt khác, thời gian không lấy làm dư dả. Tôi không biết nhỏ ấy nói chuyện gì trên điện thoại, nhưng cuộc điện thoại cũng không thể kéo dài mãi được. Tôi không thể nghe tiếng nói chuyện, nên cũng không thể biết khi nào cuộc gọi điện thoại đó kết thúc. Hoàn toàn không rõ tôi có bao nhiêu thời gian để suy nghĩ và hành động. Do vậy, tôi nên tạo ra hiệu quả nhất với ít thao tác nhất.
Đây là những thứ trên bàn:
Điều khiển từ xa của tivi và máy điều hòa. Tôi nhìn xung quanh, nhưng không có gì dính kem Bavarois. Một hộp khăn giấy. Tuy nhiên, hộp vẫn chưa được mở. Bánh pudding xoài, hai cái, còn nguyên. Bánh Charlottes, hai miếng, chưa đụng đến. Ngon lành tinh tế. Hộp đựng bánh, hai cái. Chúng là những chiếc hộp rỗng, nhưng không hoàn toàn không có gì, bên trong còn có giấy ăn. Ngoài ra, quan trọng hơn hết, có giấy cứng được đính vào đáy hộp bằng băng keo. Giấy cứng này có tác dụng gì? Lúc mới mở hộp ra là tôi đã hiểu ngay. Chúng đươc gắn ở đó để giữ các miếng bánh khỏi trượt và dập trong quá trình di chuyển. Giấy cứng trong hộp đựng bánh pudding xoài và hộp bánh Charlotte được dán ở các vị trí khác nhau. Cũng đúng thôi, vì hai loại bánh này có hình dạng và số lượng khác nhau. Có hai miếng giấy cứng trong hộp đựng bánh pudding xoài, và ba trong hộp Charlotte. Một chiếc đĩa các tông màu vàng từng đựng một chiếc Charlotte. Có một chút kem Bavarois còn sót lại trên đó. Không thể để nó ở đây được. Một tấm màng phim từng dùng bọc bánh, cũng dính chút kem Bavarois. Thứ này cũng trực tiếp gợi ý về sự tồn tại của cái Charlotte thứ ba. Chiếc thìa tôi đã dùng cũng dính một kem Bavarois. Còn lại chiếc thìa dành cho Osanai cũng bị dính một ít kem. Cà phê, nằm trong hai chiếc tách cà phê trắng hoàn toàn bình thường. Cà phê của Osanai-san vẫn còn nguyên, nhưng tách của tôi đã giảm đi khoảng một nửa lượng ban đầu. Trà lúa mạch mà Osanai đã rót cho tôi như trả thưởng vì đã chạy vặt dưới cái nắng như thiêu đốt. Đựng trong chiếc cốc bia chỉ còn khoảng một nửa. Mấy chiếc đĩa ăn nhỏ. Chiếc bánh Charlotte tôi đã dùng thìa để ăn được đặt trên một trong những chiếc đĩa này. Nhưng nhờ được lót trên đĩa các-tông nên không có dấu vết nào còn sót lại trên đĩa ăn.
Giờ thì, làm sao để tôi qua mặt Osanai được đây, đặc biệt là khi liên quan đến đồ ngọt?
Phải vứt tấm màng phim và đĩa bìa các-tông. Hãy bắt đầu từ đó. Tôi cạo sạch kem Bavarois còn sót lại bằng thìa, xóa sạch chút còn lại và nhét chúng vào túi.
Tiếp theo, hộp đựng bánh. Vấn đề nằm ở phần giấy cứng giữ bánh khỏi trượt được dính ở đáy hộp. Nhìn vào hộp đựng bánh pudding xoài, cách sắp xếp vị trí hợp lý để giữ cho hai chiếc bánh. Còn đối với hộp bánh Charlotte, nhìn nó khiến tôi nghĩ, dù cũng khó mà đánh giá, nhưng bằng khả năng suy diễn hình học đủ tốt, người ta có thể đoán ra rằng những tấm giấy cứng được đặt ở những vị trí như vậy để giữ không phải hai, mà là ba miếng bánh, khỏi bị trượt. Hơn hết, sẽ quá nguy hiểm nếu đánh giá thấp khả năng của Osanai. Tôi nên làm gì với lớp giấy cứng đây?
Lựa chọn tốt nhất là xé cả ba miếng giấy cứng ra, sau đó dán chúng vào những vị trí phù hợp cho chỉ hai miếng bánh… Tuy nhiên, hành động lột lớp băng keo đã được dán gọn gàng mà không để lại bất kỳ dấu vết nào, sau đó chọn lại vị trí thích hợp và cẩn thận dán lại băng keo vào những vị trí đó sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian quý báu. Nếu Osanai quay lại trong khi công việc còn đang dở dang và hỏi, “Cậu đang làm gì thế, Kobato?”, trận chiến sẽ ngay lập tức kết thúc với thất bại dành cho tôi.
Nói vậy nhưng tôi không thể cứ để chúng như hiện tại được.
Có nên lột hết chúng ra không? Không, trong trường hợp đó tôi sẽ phải gỡ cả giấy cứng trong hộp đựng bánh pudding xoài. Nếu không, Osanai có thể sẽ nghi ngờ sao chỉ có một hộp có gắn giấy cứng. Hơn nữa, việc lột hết cả năm miếng mà không để lại dấu vết sẽ tốn rất nhiều thời gian.
Có cách nào loại bỏ mọi sự suy diễn có thể từ những miếng giấy cứng, mà vẫn tốn ít thời gian nhất? …Sau khi lấy giấy ăn ra khỏi hộp, tôi cẩn thận bóc thật nhanh một trong ba miếng giấy cứng ra và nhét vào túi.
Quan sát hai lớp miếng cứng còn lại, tôi thấy hài lòng. Cấu trúc đã bị phá vỡ, và giờ trông như chả có thứ tự nào trong ý đồ sắp xếp. Không thể nói rằng bố trí như này là để giữ hai miếng bánh khỏi trượt, nhưng cũng không ai có thể suy được trước đây từng có ba chiếc bánh trong hộp.
Ngoài ra, còn có một vật đã tiếp xúc trực tiếp với cái bánh, đó là chiếc thìa. Làm sao để giải thích được kem Bavarois dính trên thìa?
Tôi nảy ra hai chiến lược khác nhau. Một là liếm sạch kem Bavarois trên thìa. Đó là phương pháp che giấu đơn giản nhất và hoàn hảo nhất. Ngay cả Osanai cũng sẽ không kiểm tra xem có nước bọt dính trên thìa hay không. Có lẽ thế.
Song, tôi quyết định chọn phương pháp thứ hai. Tôi với tay lấy một chiếc bánh Charlotte, lẽ ra sẽ phải nằm trong bụng Osanai nhưng là thứ mà tôi đang cố chiếm lấy, rồi đặt nó vào đĩa của mình. Trong khi nhận ra rằng không còn đường lui nữa, tôi dùng thìa xúc một góc bánh tạo cái cớ cho việc sử dụng thìa… cùng lúc đó, cái bánh Charlotte đã trở thành của tôi.
Tôi đưa chiếc thìa xúc kem Bavarois lên miệng. Có lẽ pha thêm hương vị của sự phản bội, nó còn ngon hơn cả miếng tôi đã ăn trước đó.
Bây giờ, tôi không quên chuyện tiền nong. Tôi có thể yêu cầu Osanai trả tiền cho một chiếc bánh pudding xoài và một chiếc bánh Charlotte xem như chia đều hóa đơn, nhưng sẽ rất bất tiện nếu nhỏ hỏi hóa đơn đâu. Nói về nó, thì hóa đơn hiện đang nằm trong túi tôi, cùng với màng phim, đĩa các-tông và những thứ khác. Tôi nên trả lời rằng mình không nhận hóa đơn. Nếu tôi phải lôi nó ra khỏi túi, trông giống như tôi đã nhét nó vào cái thùng toàn rác, làm vậy chỉ mang lại rắc rối không cần thiết cho chính mình.
Như vậy, tôi đã xử lý hết những thứ liên quan đến cái bánh. Hoàn hảo chưa nhỉ? Tôi nhìn lại bàn một lần nữa. Không còn gì trên bàn cho thấy sự tồn tại của ba chiếc bánh, tôi nghĩ thế.
Tôi sắp thở phào nhẹ nhõm, nhưng...
“…Ôi không…”
Tôi nuốt tiếng thở dài xuống.
Cái quái gì thế, bằng chứng quyết định có thể khiến Osanai nghi ngờ không phải đang ở ngay trước mắt tôi sao! Tôi lấy tay ôm đầu. Tại sao tôi không nhận ra điều này sau khi chọc thìa vào bánh chứ!
Đó là cà phê. Cái tách cà phê đã bị vơi đi.
Tôi đội trời nắng như thiêu như đốt để đến đây. Bị cái nóng ép cho kiệt sức, tôi đã tu một hơi hết nửa cốc trà lúa mạch. Điều đó không hề bất thường chút nào. Trên thực tế, đó là một hành động hoàn toàn tự nhiên.
Tuy nhiên, cốc trà lúa mạch trên bàn ngay lúc này, vẫn không hề giảm thể tích kể từ hơi đầu tôi uống đó. Trong khi trời nóng thế này, ai lại đi ưu tiên nhấp cà phê nóng hơn trà lúa mạch lạnh rõ ràng là kỳ lạ. Thế tại sao tôi lại uống cà phê chứ không phải trà lúa mạch? Bởi vì cà phê là thức uống phù hợp hơn để dùng với bánh. Nếu tôi có thể ngộ ra điều này, Osanai có lẽ cũng sẽ nhận thấy.
May mà tôi kịp nhận ra điều đó trước khi thả lỏng. Tuy nhiên, tôi không làm gì được với chỗ cà phê mà tôi đã uống mất. Tôi nên làm gì đây? Chìm trong tuyệt vọng hòng tìm kiếm một giải pháp. Biết rằng Osanai có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và hỏi, "Ồ, Kobato, tại sao cậu uống cà phê không?", tôi cảm thấy mồ hôi lạnh túa ra đằng sau gáy.
Cần phải tìm cách trả lại chỗ cà phê tôi đã uống. Một phương pháp để tăng lượng cho thứ đã bị giảm. Cho đến khi nào cốc trà lúa mạch vẫn còn đây, thì câu hỏi tại sao tôi lại uống cà phê cũng thế. Để ngăn chặn sự nghi ngờ đó, tôi có thể uống hết trà lúa mạch, nhưng thế thì tôi sẽ phải nốc hết cả một cốc đựng bia ú ụ là trà lúa mạch cùng với nửa tách cà phê, điều này sẽ gieo một hạt giống nghi ngờ khác sinh sôi.
Giá như tôi có thể tăng lượng cà phê lên. Thế còn xông vào phòng ăn và rót một ít từ cái máy pha cà phê mà có lẽ có ở đó thì sao? Không, bất kể thế nào thì đó không phải là hành vi phải phép của một vị khách. Trong trường hợp đó, tôi có nên lấy một ít từ tách cà phê của Osanai không? Chắc hơi khó. Nếu tinh mắt, nhỏ có thể để ý thấy rằng tách của mình bị giảm đi.
Hoặc tôi có thể… Nhưng làm gì còn thời gian để loay hoay với vấn đề này. Tôi nhắm chặt mắt lại.
“Mình đoán là không có lựa chọn nào khác!”
Tôi kéo cốc trà lúa mạch lại và đặt nó kề miệng tách cà phê. Rồi tôi đổ thẳng trà lúa mạch vào với cà phê.
Trong khi màu đen sẫm trong tách hơi bị loãng bởi trà lúa mạch, sự thay đổi màu sắc cũng không thể nhận thấy bằng mắt thường. Một ít trà lúa mạch đã tràn ra khỏi mép cốc đựng bia, nhưng lau nhanh mặt bàn là đã được giải quyết.
Thế này thì sao? Đã hoàn hảo chưa?
Nhưng chẳng còn thêm thời gian cho tôi xem xét kỹ lưỡng chiếc bàn hơn nữa. Cánh cửa trượt mở, để hiện ra Osanai, người đang bước vào phòng trong khi lau màn hình điện thoại di động bằng tay áo.
“Xin lỗi, tớ có điện thoại từ một người bạn. Cậu không cần phải đợi tớ đâu… Oa, bánh pudding xoài! Cảm ơn cậu, tớ đã rất mong chờ đấy!”
Không có gì. Tôi cười khả ái.
Là thời kỳ trong lịch sử Nhật Bản với nhiều chuyển biến xã hội lồng trong bối cảnh mưu mô chính trị và xung đột quân sự gần như là liên tục bắt đầu từ năm 1467 cho đến tận năm 1615. Là một trận đánh nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản diễn ra vào ngày 21 tháng 10 năm 1600. Trận đánh này có ý nghĩa quyết định kết thúc thời kỳ Chiến Quốc ở Nhật Bản, mở ra thời kỳ Mạc Phủ hòa bình trong gần 3 thế kỷ. Là chiến dịch thực hiện bởi lực lượng gia tộc Tokugawa diễn ra xung quanh lâu đài Osaka của gia tộc Toyotomi, kết quả gia tộc Toyotomi thất bại đánh dấu không còn lực lượng lớn nào đối đầu và dẫn đến việc thiết lập Mạc phủ Tokugawa. Uesugi Kenshin được mệnh danh là “Con rồng của Echigo”, còn Takeda Shingen là “Con hổ xứ Kai”.