Kimi no Wasurekata wo Oshiete

Truyện tương tự

Shuu ni Ichido Classmate wo Kau Hanashi ~ Futari no Jikan, Iiwake no Gozen'nen ~

(Đang ra)

Shuu ni Ichido Classmate wo Kau Hanashi ~ Futari no Jikan, Iiwake no Gozen'nen ~

Usa Haneda

Miyagi gọi Sendai đến phòng và đưa ra một mệnh lệnh khác thường.

113 6256

Saijaku Hakugai Made Sareta Kedo, Chou Nankan Meikyuu de 10 Mannen Shuugyoushita Kekka, Tsuyoku nari Sugite teki ga inakunatta~Bocchi Seikatsu Nagai Tame, Saikyou Dearu Koto no Jikakunaku Musouitashimasu

(Đang ra)

Saijaku Hakugai Made Sareta Kedo, Chou Nankan Meikyuu de 10 Mannen Shuugyoushita Kekka, Tsuyoku nari Sugite teki ga inakunatta~Bocchi Seikatsu Nagai Tame, Saikyou Dearu Koto no Jikakunaku Musouitashimasu

Rikisui-力水

Đây chính là một câu chuyện kể về một kẻ cô độc, người mà đã bị biến dạng nhận thức sau khi anh ấy đã dành quá nhiều thời gian nói chuyện với chính thanh kiếm của mình đến mức độ mà ngay cả những tùy

80 5697

Tôi có hôn thê, nhưng tại sao nhỏ lại là "Nữ phản diện" ở trường cơ chứ!?!

(Đang ra)

Tôi có hôn thê, nhưng tại sao nhỏ lại là "Nữ phản diện" ở trường cơ chứ!?!

Sodayou

Làm ơn, tôi chỉ muốn sống một cuộc sống yên ổn thôi mà!

27 257

Tenchi muyo GXP

(Đang ra)

Tenchi muyo GXP

Kajishima Masaki

Tenchi Muyo GXP theo chân Yamada Seina, một cậu bé tuổi teen sống ở vùng nông thôn Okayama người vô tình gia nhập Cảnh sát Thiên hà do bản thân có thiên hướng xui xẻo và bị gia đình ép buộc. Chẳng bao

28 82

My Platinum-Blonde Childhood Friend is Too Pretty

(Đang ra)

My Platinum-Blonde Childhood Friend is Too Pretty

AloEN

Nhưng dù sao đi nữa, cô ấy vẫn cực kỳ xinh đẹp.

8 48

Tập 01 - Mở đầu

Chuyện cũng chẳng có gì - tôi thì chết lúc nào chẳng được.

Suy cho cùng, một thằng cặn bã đã trốn chạy khỏi tuổi trẻ của hắn sẽ phải nhận kết cục như vậy.

Khi nhận được lời giải thích thật chẳng khác nào án tử ở trong viện, đầu óc tôi chứa đầy những suy nghĩ mông lung và tự trách móc. Không khí u ám như tỏa ra từ vị bác sĩ khoác áo blu trắng. Phần còn lại của cuộc trao đổi dài lê thê này đi từ tai này qua tai kia, nhưng cho tới cả sau khi đã rời khỏi căn phòng bệnh bốn góc tường ám mùi thuốc men, tôi vẫn không có cảm giác trống rỗng trong lòng. Không hề có một cảm giác nào như thế.

Cầm chiếc điện thoại mà tôi không thể tự mình chi trả tiền phí hàng tháng, tôi ngồi trên chiếc ghế lái phụ của con xe tải mini lướt qua những tin tức mới nhất về anime và game trên mạng xã hội, chìm vào thế giới của riêng mình.

Ấy, suýt thì quên làm nhiệm vụ hàng ngày. Tôi cũng có nên cử đội đi viễn chinh lâu dài trước không nhỉ? Không nâng level là sự kiện sắp tới sẽ khoai lắm đây.

Mà đã đến mấy bộ anime mùa thu rồi à… tôi còn chưa xong với đống phim mùa hè nữa.

Ngày qua ngày cứ lặp đi lặp lại. Trừ lúc ngủ, những thứ trong đầu tôi chỉ có vậy.

Cho dù có biết mình chẳng còn sống được bao lâu nữa – thì cái tư duy vốn đã chạm đáy của tôi vẫn sẽ chẳng có thay đổi đáng kể nào cả.

“Thằng con ngốc này. Rảnh thì mở máy xe với bật máy sưởi lên, lạnh sắp chết rồi đây.”

Cửa xe bên tay lái mở bung ra, và một người phụ nữ cáu kỉnh chui vào.

Người này có một mái tóc dài xoăn màu nâu ánh hồng rối bù ở nhiều chỗ, cùng một đôi khuyên tai óng ánh, trên mình là một cái áo phao gi-lê bó sát của nam và quần bò đã bạc, cộng thêm chiếc giày đề mềm có hơi bẩn đang đặt lên chân ga.

Tôi tiếp tục nghịch điện thoại, mắt dán vào màn hình LCD và nói “Đi đâu nãy giờ vậy?”. Câu hỏi được tôi đặt ra cho người phụ nữ trong độ tuổi 40 đó… hay còn gọi là, mẹ tôi.

“À! Tao đi mua cà phê với bánh bao nhân thịt ở chỗ cửa hàng tiện lợi.”

“Có mỗi vậy mà lâu thế…?”

“Nói nhiều quá. Mới chỉ mất có hai phút chứ mấy.”

Có mà mười lăm phút rồi ấy, nhưng bà mẹ trẻ con của tôi vẫn cứ khăng khăng.

Lời lẽ hống hách và vẻ mặt nhăn nhó kia khiến tôi ngờ rằng hồi còn trẻ mẹ tôi đã từng là dân anh chị. Mẹ tôi khởi động xe, nổ ga và vặn máy sưởi, sau đó mở cái túi đựng đồ vừa mua ra và đưa cho tôi một cái bánh bao thịt.

“Ăn một cái đi này. Vừa ăn vừa cảm kích người mẹ tốt bụng như Đức Maria này đi nhé.”

“Con không mang tiền đâu.”

“Tao cũng chẳng trông đợi gì cả. Mày đã bao giờ trả cho tao đồng nào đâu. Thế mày nghĩ cái điện thoại mày suốt ngày ngồi bấm bấm với buổi khám bệnh hôm nay là do ai đóng tiền?”

Đi kèm với câu nói đó đương nhiên là một nụ cười khẩy. Tôi cũng đành câm nín.

Tôi tách cái bánh bao làm hai, cắn một miếng trong lúc để hơi nóng thơm lừng dâng lên đầy sống mũi. Đồ ăn do người khác mua cho quả là ngon. Tâm trạng thất thểu và thảm hại của tôi đã nguôi ngoai đi nhiều. Bánh bao do bố mẹ đưa cho quả có sức cám dỗ quá lớn. Và nó làm cho tôi thấy hổ thẹn vì đã tiêu tiền của họ vào các trò chơi trên mạng.

Sau khi ăn xong, bằng một động tác quen thuộc, mẹ tôi gạt cần số và đánh xe ra khỏi bãi đỗ của bệnh viện, có điều…

“Oái!? Ối!? Gì-gì thế!?”

Động cơ xe bắt đầu khò khè ngay khi vừa lăn bánh. Con xe giật tới giật lui và tôi chỉ có thể thở dài. Sau nó cũng tắt ngóm, để lại hai mẹ con tôi cùng nhau nhìn vào cái bảng đồng hồ.

Chết máy thì tôi đã gặp khi học lái xe, nhưng chắc đây là lần đầu tiên tôi mới thấy mẹ tôi để xe chết máy, mà mẹ tôi thì đã quá quen với mấy con xe số sàn.

“……Ôi thôi nào… thật đấy hả?”

“Chậc, im đi. Tao là một người phụ nữ vụng từ bé rồi.”

Cái điệu bộ tặc lưỡi ầm ầm, mắt trông như thú dữ như đang bảo cứ chĩa mũi vào là chết với tao thế kia thì phụ nữ vụng về cái gì chứ. Để tránh mấy quả đấm bay về phía mình, tôi đành tạm thời ngậm mồm ngậm miệng.

Mẹ tôi căng hết cả người lên để khởi động, nhưng trái lại chiếc xe nổ máy một cách êm ru. Mẹ tôi bèn chuyển hướng vô lăng và lái xe về nhà.

“…Mẹ,”

“Sao? Đừng bảo là mày say xe nhé?”

Chìm trong mặc cảm tội lỗi với người mẹ năm thì mười họa mới lo lắng cho con, tôi chắp tay lại và cúi đầu van xin.

“Mất công lắm mới ra đến thành phố, mẹ làm ơn cho con ghé qua TATSUYA đi.”

“Hả? Tao lại ném mày ra cửa sổ bây giờ!”

Nhưng rồi mẹ tôi cũng phải nhượng bộ và nhăn nhó chở tôi tới chuỗi cửa hàng cho thuê. Theo một cách nào đó thì mẹ tôi vẫn dịu dàng tình cảm, nhưng khi tôi nói nó không hợp với vẻ mặt của mẹ tôi thì lại cáu.

Tôi mua một ít manga và game bằng tiền của mẹ, rồi vội vàng rút lui khỏi trung tâm thành phố vì mẹ tôi muốn lái xe về nhà sớm.

Sau bốn mươi phút đi đường, cảnh trí thay đổi thành những rừng cây xen với ruộng lúa. Mùa gặt đã gần đi qua. Hầu hết các mảnh ruộng đã bị hút hết nước và trơ màu đất. Không có các chuỗi cửa hàng, chỉ có một vài tiệm bán đồ của người dân, đôi ba quán ăn và nhà trọ nhỏ.

Trời hơi se lạnh nếu không mang áo mặc ngoài. Tôi nổi da gà – chút hơi ấm của nắng mặt trời lấp ló sau mây chiếu lên mặt, tiếng ngân nga của côn trùng mùa thu, rơm rạ xếp dọc hai bên lề và sắc màu rực rỡ của đám lá thu rải trên con đường quê… Khung cảnh, cảm xúc, màu sắc này, đều quá đỗi thân thương.

“Ê! Lão Aizawa ơi! Để cháu giúp lão gặt thóc nhé?”

Mẹ tôi bắt đầu tám chuyện sau khi mở cửa sổ xe bên ghế lái, nối nhịp đi song song với chiếc máy gặt. Ông lão sống cùng xóm, thế nên họ mới nói chuyện với nhau theo kiểu xuề xòa như vậy.

Tôi gập người xuống và cố gắng hòa mình vào mấy cái ghế, bởi tôi rất không muốn bị trông thấy. Một kẻ vô công rồi nghề không nhất thiết phải thò mặt ra cho hàng xóm coi.

“A, con trai cô Matsumoto, lâu lắm rồi mới thấy! Ủa, đang ở nhà không đi làm đâu à? Có dự định gì chưa?”

Có vẻ rất dễ để tôi trở thành chủ đề bàn tán trong xã hội này thì phải.

Giữa lúc mải suy nghĩ về những thứ linh tinh nào đó đang nảy ra trong đầu, chúng tôi đã về với ngôi nhà ấm cúng. Mẹ tôi đỗ bừa chiếc xe trong sân, nhẹ nhàng xoay chìa khóa tắt động cơ xe và kéo phanh.

“Này… mày có định làm phẫu thuật không đấy hả con?”

Cái người vừa mới vui vẻ trước đó, đột nhiên lại hỏi bằng một giọng kìm nén. Như thể đang có một vật gì kẹt lại trong cổ mẹ tôi.

“Con vẫn chưa quyết định. Cho con thời gian để suy nghĩ đã.”

“...Hiểu rồi.”

Tôi đang định gắt gỏng, nhưng phản ứng bên ngoài của mẹ bỗng khiến cho tôi cảm thấy bối rối. Mẹ tôi mở cửa xe và nhanh chóng đi vào trong nhà.

Con sẽ suy nghĩ thật cẩn thận, tôi nghĩ trong bụng như thế.

Mùi thuốc lá phảng phất đâu đây. Có lẽ là từ cái người đã chạy xe từ nãy đến giờ. Mặc dù bộ dạng và cách ứng xử của mẹ tôi như kiểu giang hồ, nhưng mẹ tôi luôn né tránh việc hút thuốc lá hay uống rượu bia. Bởi tôi chưa bao giờ thấy mẹ có hứng thú với chúng. Không phải, lờ mờ sâu trong tâm khảm tôi có tồn tại một ký ức thoáng qua. Chỉ có đúng một lần như thế. Từ bao giờ thì tôi không rõ. Bố tôi đã chết vì một căn bệnh hồi tôi còn nhỏ. Tôi nghĩ là từ lúc đó. Mẹ tôi đã khóc triền miên cho đến khi mí mắt sưng húp.

Mà thôi, cố gắng vắt não ra để nhớ cũng chẳng được tích sự gì.

Tôi bước vào phòng của mình, nơi game và manga nằm lung tung khắp nơi. Mặc dù mới chỉ là cuối giờ chiều nhưng tôi vẫn đóng rèm lại. Tôi lăn lên giường và đọc cuốn manga vừa mới mua.

Đọc truyện xong, theo thói quen thường ngày thì tôi sẽ cắm đầu vào game tới sáng… nghĩ đến đây tôi lại thấy những thú tiêu khiển giết thời gian đó chẳng qua là để che giấu cho một khoảng trống nào đó bên trong.

Làm thế nào mà tôi điềm tĩnh đến mức kỳ quặc thế nhỉ?

Tôi vẫn thấy khó chịu nếu không quay được nhân vật hiếm trong gacha này, vẫn ngửi thấy mùi thuốc lá này, vẫn hồi tưởng về quá khứ này. Tôi vẫn thấy cảm thấy nhớ thị trấn quê nhà này.

Hay tôi nghĩ đây là vấn đề của người khác? Hoặc tôi chỉ đang cố giả vờ khách quan?

Cho dù có đồng ý phẫu thuật, cơ hội sống trong vòng 5 năm tới của tôi cũng chỉ ở mức 30%. Gần chưa không có cơ hội để tôi được chữa khỏi, và nếu không làm gì thì rất có khả năng cuộc đời tôi sẽ chấm dứt sau khoảng sáu tháng đến một năm.

Không đi làm, tối ngày chỉ có ăn, đốt thời gian vào game hoặc internet, đi vệ sinh, nếu mệt quá thì ngủ. Cần gì phải nhập viện hay kéo dài sự sống của tôi. Sao phải tiêu tốn đi thành quả lao động quý giá của bố mẹ hắn cho một kẻ vô dụng không có lấy nổi một công việc hay mối tình nào.

Có một thằng như thế tên là Matsumoto Shuu. Nam, 20 tuổi, và là một tên hikikomori NEET.

Không ước mơ, không tham vọng, không có một sở thích hay đam mê nào, không đóng nổi đến một đồng thuế, có lẽ sẽ chẳng có ai phản đối việc tôi không còn tồn tại trên đời nữa.

Cho dù có duy trì mạng sống này của tôi, cho dù bệnh tình có không tái diễn, chẳng qua cũng chỉ là kéo dài cuộc đời vô dụng này của tôi được thêm chút ít. Vậy nên mới nói, tôi thì chết lúc nào chẳng được.

Đó là kết cục của một thằng cặn bã đã trốn chạy khỏi tuổi trẻ của hắn.

******

“Hôm nay không thấy gì…nhỉ?”

Ngày hôm sau - tôi thức dậy trong căn phòng âm u của mình, mặc dù mới là đầu giờ chiều.

Không có sự thay đổi đặc biệt nào trong sức khỏe của tôi, việc dậy muộn như thế này là rất bình thường. Thế nhưng đến khoảng một tuần trước, tôi thức giấc với một cơn đau đầu âm ỉ và buồn nôn, dẫn tới việc tôi phải đi khám tổng thể.

Ban đầu, tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng công việc mà tôi sẽ nhận tại nhà máy trong thời gian sắp tới (qua mối quan hệ của một người hàng xóm) khiến tôi bị căng thẳng thần kinh. Khi tôi đến kiểm tra sức khỏe ngay trước khi vào làm, bác sĩ ở đó khuyến nghị tôi nên vào thành phố để khám ở bệnh viện đa khoa, và dẫn đến kết quả là ngày hôm qua. Còn đang chưa kịp định thần thì lại được tin nhà máy thông báo từ chối cho tôi vào làm.

“Trực đêm rồi trực ba ca, làm thêm 40 tiếng… Tổn thọ đấy cháu à…”

Lý lẽ thật vớ vẩn để nói cho một kẻ có cuộc đời đã đặt sẵn dấu chấm hết như tôi. Ở lỳ trong nhà bố mẹ thêm sáu tháng nữa sẽ chỉ tổ nuôi dưỡng thêm cái thói quen trốn tránh của tôi.

Tại sao cứ phải giữ tôi lại chín tiếng một ngày, tại sao cứ phải bắt tôi làm không dưới năm ngày một tuần. Xong đến cuối tuần còn phải đi ăn đi nhậu với đồng nghiệp nữa ư, không phải là ép người quá đáng hay sao? Nói vậy chứ tôi cũng không nghĩ là mình có thể tìm được việc ở mấy chỗ đàng hoàng tử tế. Người ta sẽ săm xoi xem tôi bỏ học đại học là vì lý do gì, hoặc nếu lỡ miệng nói ra là nộp đơn vì thấy lương hoặc cơ chế đãi ngộ hấp dẫn là sẽ bị từ chối ngay. Mà cái chuyện lao động để sống một cuộc đời bình thường ấy mà… tôi chẳng hiểu được làm thế để làm gì. Tôi sống có để làm cái quái gì đâu.

Tôi vào trong bếp và thấy trên bàn là cơm rang được bọc trong nilon. Hầu hết các món mẹ tôi nấu đều là món khoái khẩu của đàn ông. Thật ra thì đó là món khoái khẩu của mẹ. Những hạt cơm dẻo bọc trong lớp trứng vàng ươm và hương vị thơm ngon của xì dầu chắc chắn sẽ kích thích khẩu vị của bất kỳ ai. Cơm rang được nấu bởi dân giang hồ đúng là tuyệt nhất, đó là quy luật rồi, chẳng còn nghi ngờ gì nữa.

“Cô Iyori, tôi để sữa ở đây nhé.”

Ngoài cửa bỗng nhiên vang lên tiếng của một người đàn ông trung niên. Nghe quen quen, là bố của một người mà tôi quen. Người đó chắc hẳn đã nhầm rằng mẹ tôi đang ở trong bếp. Ban ngày mẹ tôi đi làm rồi, làm gì có ở đây.

Trong trường hợp này, tôi có thể giả vờ như đã ra ngoài nhỉ. Bản tính của một thằng NEET đương nhiên sẽ cố hết sức để không dính dáng gì đến hàng xóm láng giềng. Tôi bèn trà trộn vào trong bếp và nín thở. Nếu bị phát hiện ra thì đúng là phiền. Nhanh nào, đi đi chứ, về nhà cho tôi nhờ. Bỏ chai sữa mà bác đang cầm ở đó và ra khỏi đây cho.

“Ô, cháu Shuu đấy à? Lớn quá rồi nhỉ.”

Ánh mắt chúng tôi tình cờ gặp nhau. Xong, bị phát hiện rồi. Tôi cũng chẳng thể bơ lác được nữa bởi từ ngoài cửa có thể nhìn hé vào trong bếp, nên tôi lừ đừ đi ra cửa trước.

Tôi khẽ cúi chào và chào hỏi qua loa người bác đã già đi nhiều so với trí nhớ trước đây.

“Bác nghe mẹ Iori nói là cháu đi học đại học ở Tokyo mà, giờ về rồi hả?”

“À không… cháu bỏ rồi. Cháu về đây khoảng sáu tháng trước.”

Bác nở một nụ cười am hiểu như để thông cảm với tôi.

“Ồ, thế hả… Trường đấy nổi tiếng đến nỗi đám nhà quê ở đây còn biết nữa là. Mà dù sao, cháu vẫn còn trẻ, về nhà nghỉ ngơi một chút rồi sẽ lại đâu đấy cả thôi.”

“Ờ, vâng. Cháu sẽ xem thế nào rồi kiếm việc ạ.”

“Quanh đây chỉ có quán trọ và nhà máy thôi. Hơn nữa, nếu không có xe thì cũng khó mà đi ra ngoại ô làm việc được.”

Đúng như tôi nghĩ, tự nhận mình là một thằng hiki-NEET khó ghê… mặt khác, dù tôi có bịa được ra một câu chuyện, mẹ tôi cũng sẽ làm đổ bể hết, nên tôi bất đắc dĩ vẫn phải tiết lộ ra những điều tối thiểu về tình hình của tôi hiện tại.

Với cặp mắt u ám vô hồn, râu ria lởm chởm, tóc dài gần chạm đến vai cùng bộ đồ ngủ bẩn thỉu… tôi có thể khẳng định chắc nịch rằng hoàn toàn có thể lấy ra từ tôi thứ nước cốt sánh đặc của một thằng NEET.

Nhân tiện, người bác này đã nghỉ hưu. Hiện tại đang trồng trọt ở nhà và đi giao sữa.

Có phải những người vẫn còn ở cái tuổi trung niên hồi tôi còn trẻ, giờ đã đủ già cả để cảm nhận được kiếp sau của họ rồi sao…?

“Cháu còn giữ liên lạc với thằng con bác không? Nó có biết cháu đang về nhà ở với mẹ rồi không?”

“Không, cháu không nhớ là có nói năng gì đâu ạ. Mà nếu biết được thì cháu sẽ bị quấy rầy suốt cho mà xem, nên bác đừng nói gì cả.”

“Bác hiểu! Khi nào ổn định rồi thì rảnh qua nhà bác chơi. Có điều là con nó đang nghịch lắm, thấy kêu nhiều quá. Với bác thì thấy cháu gái mình đáng yêu lắm, là ông nội thì đương nhiên phải quý cháu rồi! Còn nữa nhé, đứa cháu của bác…”

Trước tràng giang đại hải những câu chuyện cưng chiều cháu nội của bác, tôi thấy mình biến thành một cái máy chỉ biết cười trừ.

Sau vài phút nói chuyện phiếm, người bác đi giao sữa này nhảy lên xe và đạp tới điểm giao sữa tiếp theo.

Bỗng nhiên tôi thấy mệt hết cả hơi… Là NEET mà nói chuyện nhiều hơn một phút thì đúng là cực hình… Ở Tokyo hàng xóm có giao tiếp gì với nhau đâu, nhưng ở quê người ta cứ điềm nhiên nói chuyện ào ào. Khổ quá đi mất.

Sau khi xếp mấy chai sữa vào trong tủ lạnh, tôi bật TV lên kiếm chút nhạc để ăn trưa. Tuy nhiên, vào khung giờ này chỉ có mấy bộ phim tình cảm chiếu lại hoặc chương trình talkshow.

Trong lúc lướt bừa qua các kênh, có một mẩu tin giải trí ở chương trình talkshow khiến tôi phải chú ý. Xuất hiện trên màn hình LCD là cái tên và khuôn mặt của một người đã quá quen, một người mà tôi nghĩ là đã cắt đứt quan hệ, hoàn toàn không được báo trước.

“Ôi~ việc tạm dừng các hoạt động của cô ấy quả là bất ngờ ghê~. Thông báo có nói đây là vì một vài vấn đề về cảm xúc hoặc tâm lý, thế nhưng… chuyện gì đã xảy ra với một người đang được công chúng yêu thích đến như vậy?”

Đó là phát biểu của người dẫn chương trình trong phần tiêu điểm đặc biệt. Tôi nín thở, mắt dán vào màn hình, quên hẳn cả việc ăn trưa. Một bài hát, một giọng ca cứ thế vang lên, khiến cho đôi tai tôi xáo động, đánh văng ý thức của tôi ra khỏi cơn ngái ngủ.

“Liệu có phải là do bất đồng về âm nhạc với hãng thu âm đưa ra không? Cô ấy vẫn đang còn là sinh viên, nên phải chăng vẫn chưa quen với môi trường âm nhạc chuyên nghiệp, tôi cho là như vậy.”

“So với thời còn ca hát độc lập, dạo gần đây rất nhiều fan hâm mộ cảm thấy rằng cô ấy đã có vẻ hơi mệt mỏi. Thật uổng phí khi chúng ta không thể nghe được chất giọng tuyệt vời đó nữa.”

Những bình luận vô căn cứ được đưa ra chỉ dựa vào phỏng đoán và tưởng tượng như thế khiến tôi điên tiết. Rặt một lũ không biết gì cả, được trả tiền để xuất hiện trên mấy cái chương trình nhăng nhít này rồi muốn nói gì thì nói.

Tuy nhiên, chuyện đó cũng chẳng liên can gì đến tôi. Chẳng có gì cả. Đã là kẻ ngoài cuộc mà lại thấy tức tối thì thật vớ vẩn. Tôi không biết gì cả. Tôi đã chạy trốn khỏi “người đó” rồi. Dẫu vậy, tại sao lại xuất hiện ở đây cơ chứ.

Trước mắt tôi, trong hai tai, trong đầu… những vấn vương và kỷ niệm đã cháy rụi lại quay trở về.

Kể từ khi tôi đi, người ca sĩ kiêm nhạc sĩ với nghệ danh SAYANE ấy đã đạt được giấc mơ biểu diễn trực tiếp trên sân khấu lớn. Còn kẻ vô danh tôi đây, đã trở thành người xa lạ.

Tiếp sau đó là những tour diễn đơn ca tại các thành phố lớn, những buổi hòa nhạc miễn phí tại các khu du lịch với hơn mười ngàn người tham dự, sự nghiệp của cô gái ấy đã thu hút được một lượng fan hâm mộ cuồng nhiệt.

“.………”

Tôi đùng đùng tắt TV và đưa tay ôm đầu.

“Ủa, sao thế? Mặt mày tái lét rồi kìa.”

Bỗng nhiên tôi trông thấy mẹ đang đứng ở cửa bếp, mặc quần áo lao động bình thường và nón lưới, có nghĩa là vẫn đang trong giờ làm. Vì đang quá mải chú ý đến TV, nên tôi không để ý thấy mẹ về.

“Con không sao. Con chỉ đang nghĩ ngợi một chút thôi.”

“Hàa… đừng có dọa tao như thế, thằng con ngốc. Tao mất công về chỉ để xem mày thế nào đấy.”

“Ahaha. Xin lỗi. Mà mẹ về đây chỉ vì lo lắng không biết con tình hình như nào á?”

“Tất nhiên rồi… lỡ đâu mày lại ngất xỉu khi tao không có ở đây thì sao? Vào giờ nghỉ trưa hay giải lao thì tao tiện phóng xe qua xem chừng mày được.”

Mẹ tôi thở phào một tiếng. Chiếc xe tải được mẹ tôi lái từ trạm xăng gần đây đang được mẹ tôi đỗ ở vỉa hè gần nhà chúng tôi. Công việc của mẹ tôi là bán xăng và đổi các bình ga rỗng.

Ở một mức độ nào đó, họ có thời gian làm việc khá thoáng bởi trong vùng chỉ có một trạm xăng duy nhất (hoặc đôi khi là do mấy tay quản lý và đồng nghiệp ở đó buộc phải phục tùng người mẹ dữ dằn của tôi.)

“Nói mới nhớ. Tao có nghe cô Kanno bảo lúc đổi bình ga cho nhà cô ý…”

Mẹ tôi vỗ tay như kiểu vừa chợt nhớ ra điều gì.

“Hình như con bé đó vừa quay về nhà rồi.”

“Hở… con bé đó?

Sắp có gì đó không lành rồi. Linh tính tôi mách bảo như vậy.

“Thằng này, không phải mày vừa xem tin tức giải trí đấy à? Tao thấy bảo nó đang tạm nghỉ rồi.”

Tôi cũng vừa nghe thấy thế xong. Chiếm trọn chương trình talkshow là tiêu điểm đặc biệt về người đó. Cùng về một chủ đề y hệt như vậy…

“Con bé đã quyết định về rồi đấy, Sayane của nhà Kiriyama.”

Ôi, tôi muốn biến mất khỏi thế giới này đi cho rồi.

Sau những lần trì hoãn trắng trợn, đây sẽ là hình phạt mãn kiếp dành cho tôi.

* * * * * *

Piu piu piu Đồ đồ đồ đồ đồ

Ư... yên coi…

Bùm chát bùm bùm chát

IM ĐÊ!!

Tôi mở mắt với nỗi khó chịu, nhưng lần này thứ làm tôi thức giấc không phải là cơn đau đầu và chóng mặt của mấy hôm trước nữa. Những tiếng bass phát ra từ bộ loa trầm đang làm bầu không khí hanh khô rung lên bần bật.

Chiếc đồng hồ đã lại điểm tám giờ sáng. Thường thì giờ này tôi còn đang vùi đầu vào gối, nên vẫn cảm thấy ngái ngủ kinh khủng…

Tôi hé tấm rèm ra một chút để ngó ra bên ngoài. Có một con xe van dành cho gia đình đang đỗ trên lề đường ở trước nhà, hình như cái loại này lũ thanh niên choai choai rất chuộng. Nó chắc chắn cũng là nguồn gốc của thứ nhạc hiphop xập xình đang khiến cho hội người già trong xóm đang trợn tròn mắt.

Chưa hết, tôi có quen một kẻ cũng có sở thích xe cộ và nhạc nhẽo như thế này!

“Êeee! SHUUUUU!!!”

Một tên cao to lực lưỡng bước từ trên xe xuống. Im ngay, đừng có réo tên thằng này to thế. Quấy rầy hàng xóm láng giềng, xấu mặt quá. Biến đi đâu lẹ đi.

“SHUUU!! Xuống chơi nàooo!”

Bực lắm rồi đấy. Lại còn đứng vẫy tay tỉnh bơ ở đó nữa chứ.

Để tên hip-hop khỏi trông thấy, tôi đóng rèm cửa lại, có điều...

“Masakiyo đây ạ! Cháu xin phép vào nhà!”

Ê ê ê, cái tiếng “cho cháu xin phép vào nhà” cất lên ở phía cửa là thật chứ không phải đùa hả?

“Ô, Masakiyo đấy hả? Mà này, cái xe của mày ồn quá đấy! Không phải sống ở cái chỗ khỉ ho cò gáy này mà thích làm gì thì làm đâu! Mà thời buổi này phải đi Eco-car hay tải mini đi chứ."

"Úi, cháu xin lỗi! Kể từ khi có con gái cháu cũng bớt nhắng hơn rồi. Con Land Cruiser bán rồi đấy chứ, giờ cháu đi Alphard rồi."

"Thật ấy hả? Lần sau nhớ cho con bé qua chơi."

Tiếng tán gẫu giữa mẹ tôi và tên hiphop vang qua cả trần nhà. Nghe thì cũng bồi hồi đấy..., có điều tôi chỉ thấy toàn dự cảm chẳng lành. Đuổi tên đó về đi, đuổi về đi mẹ ơi!

Có điều,

"Ê, thằng con ngốc. Masakiyo đến kìa."

Cánh cửa phòng tôi bỗng mở ra cái rầm không khác gì sấm chớp.

"Có đi chơi với nó được không? Còn nếu vẫn thấy mệt trong người thì để tao nói khéo cho."

"Con thấy khỏe, chỉ là có hơi ngài ngại…"

"Nó còn bảo là đang thừa tận 20 ngày lương cơ, nên sẽ cắm trại trước cổng cho đến khi nào mày chịu ra khỏi nhà đấy."

Mèn ơi, vậy á hả?

"Đi thì tiện mà cắt luôn cái mớ tổ quạ chướng mắt ấy đi. Tao cho mày tiền thừa luôn đấy."

"…Đành thế vậy, chắc thi thoảng cũng phải đi hít khí trời."

Sự ngang ngạnh của tên hiphop đã chiến thắng sự cứng đầu của tôi. Chứ không phải là tại mẹ đưa cho tôi 5000 yên đâu nhé. Tôi nào phải là một tên NEET có thể mua chuộc bằng tiền.

Cắt ở tiệm tóc gần nhà mất có nghìn rưỡi… đối với một thằng không xu dính túi như tôi, có được 3500 yên tiền thừa quả là trúng số. Sau khi rửa qua gương mặt ngái ngủ đầy cáu bẩn, cạo râu, tôi thay ra một trong số ít những bộ thường phục mà tôi có thể mặc để đi ra ngoài. Dù gì thì tôi vẫn mới chỉ có hai mươi tuổi. Không biết vẻ ngoài của tôi trông có giống vậy không nữa.

""Đúng rồi đấy, thi thoảng ra ngoài phơi nắng cho sạch cái mùi mốc meo trên người đi."

"Rồi, rồi. Con đi đây.""

Mẹ tôi ngồi trong phòng khách đọc báo và cười tủm tỉm, nhìn tôi thở ngắn thở dài đi ra khỏi cửa. Kể ra thì hình như cũng lâu rồi tôi chưa đi chơi với ai thì phải.

Tôi tiến tới chiếc xe đang đỗ bên vệ đường và gõ lên cửa kính bên phía tay lái. Ổng ra hiệu cho tôi sang ghế phụ, thế là tôi bèn qua bên đó.

Không ngạc nhiên là trong xe ồn đến điếc cả tai. Tuy vậy ổng cũng chịu vặn nhỏ cái thứ âm thanh bùm bụp nghe như đám giang hồ đang quẩy đó đi để có thể nói chuyện.

Ổng vẫn giữ được cái vóc dáng cao lớn cùng mái tóc undercut trông khá hầm hố. Dù bây giờ đã "hiền" hơn so với ngày xưa, nhưng trông ổng vẫn còn nguyên xi cái vẻ của một ông anh đầu gấu trong xóm.

"Anh Tomi, lâu rồi mới gặp."

"Lâu lắm rồi đấy Shuu! Làm phiền chú sớm thế này ngại quá..."

Cái cảm giác quen thuộc khi nghe ổng vâng dạ với mẹ tôi khi nãy bây giờ lại càng rõ rệt khi được nghe ổng kêu chú chú anh anh với tôi dù hơn tuổi. Tôi thật sự thấy mình đã trở về với quê nhà năm xưa.

Chào hỏi xong, ổng lập tức cài sang số D.

"Đã lên xe thì phải làm một chuyến chứ!"

Hai chúng tôi làm một vòng đi quanh thị trấn Harusaki, quận Tabigawa, nơi trước đây là thị trấn Tabigawa, một miền quê được xây nên giữa thiên nhiên và những suối nước nóng.

Toyotomi Masakiyo là một người anh trong xóm. Tôi vẫn thường gọi anh là "Tomi". Hồi còn học tiểu học anh vẫn thường rủ tôi đi chơi cùng, hai anh em cách nhau khoảng tám tuổi.

Lần cuối chơi với nhau như thế này có lẽ cũng phải bảy năm rồi thì phải. Hồi xưa hầu như ngày nào chúng tôi cũng rong ruổi khắp xóm, song từ lúc anh Tomi bắt đầu bận rộn đi tìm việc làm, cả hai cũng xa cách dần.

"Ơ thế anh Tomi đang đi làm mà lại có thời gian chơi bời từ sáng cơ à? Hay anh làm ca đêm?"

"Cái thằng này… chú giờ không nhớ nổi thứ mấy nữa à? Hôm nay là thứ bảy nên nhà máy của anh đóng cửa rồi."

"Nói thật là gần đây em không để ý đến ngày tháng lắm. Ở nhà suốt tác hại thế đấy."

Mà đúng thật, hôm nay mẹ tôi cũng đang nghỉ xả hơi ở nhà. Chắc cuối tuần được nghỉ.

Nhà máy mà anh Tomi đang làm việc là một nhà thầu phụ nổi tiếng trong vùng, chuyên về linh kiện ô tô. Trừ những dịp sản xuất cao điểm, công nhân ở đó thường sẽ được nghỉ ngơi vào ngày cuối tuần.

"Làm sao anh biết là em đã về nhà?"

Tôi bèn hỏi trong lúc ngắm nhìn cảnh trí thưa thớt đang lướt qua bên ngoài.

"Hahaha, ông già anh bảo chứ còn ai nữa. Ở quê chật chội lắm, nên đừng có lỡ mồm nói cho hàng xóm biết mấy chuyện bí mật nhé?"

"Trời ạ…"

"Nhà nào mà được ông già anh giao sữa đến thì chắc cũng biết chú là NEET cả rồi."

Anh Tomi cười phá lên. Ông bác đó… tôi đã dặn đi dặn lại là không được nói cho thằng con rồi còn gì… mà cũng vì biết là ông già của anh Tomi nên tôi cũng không muốn nói chuyện nhiều. Tính cộng đồng ở quê là một điều tôi không lường trước được, ở đây tin đồn lan truyền cứ như bệnh dịch ấy.

Tuy vậy, nhờ cái chủ đề thất nghiệp mà tôi cũng bớt căng thẳng hơn. Tôi cứ lo rằng chúng tôi sẽ không thể tán dóc với nhau giống như ngày trước. Trong lúc lái xe qua trung tâm thị trấn cũ, hai anh em trao đổi về tình hình gần đây của mỗi người, duy chỉ có chuyện bệnh tình là tôi không nói ra.

"Ủa? Em nhớ chỗ đằng kia đâu phải đất trống?"

Tôi chỉ tay về phía một bãi đất hoang nằm tại một khu vực mà tôi cũng ít khi lui tới gần đây. Nếu nhớ không nhầm thì hồi xưa tôi vẫn thấy có một căn nhà ở đó.

"À, nhà bà Uetani ấy hả? Khoảng độ một năm trước bà lão qua đời, sau đó chẳng có ai sống ở đấy nữa nên con cái bà dỡ ngôi nhà đi rồi. Giờ nó đang được rao bán."

"…Thế ạ?"

"Con cái họ sống ở Kanto nên phải chịu chứ biết sao. Quanh đây cũng không có gì để làm mấy, thế nên là đám thanh niên ra thành phố gần hết rồi."

Điều đó cũng dễ hiểu bởi công việc đàng hoàng thì không có, còn mức lương tối thiểu cũng chỉ ở quanh mức 700 yên. Càng đi tôi lại càng thấy có những chỗ đã đổi khác so với ký ức của tôi nhiều năm trước.

Chỗ này từng là một cửa hàng xe đạp tôi đến để vá lốp, kia từng là một quán có bán những viên sủi cảo to phạc, rồi đến cả cửa hàng karaoke chuyên bán đồ ăn vặt đã từng là nơi giải trí và thư giãn quý giá của bao người… không còn người ra kẻ vào, chúng biến thành những ngôi nhà để không.

"Nếu chú có muốn tìm việc thì khéo đi làm chủ nhà tang lễ được đấy? Người già càng ngày càng nhiều, kiểu gì chả ăn nên làm ra?"

Anh Tomi lại đùa và cười, có gì đáng cười đâuuu… tôi thấy đây là một trong những vấn đề hệ trọng hàng đầu của xã hội đấy chứ. Nhìn quanh thị trấn tôi mới để ý rằng có nhiều người già đang đi lại hơn là lũ trẻ con.

Sang đến trung tâm thị trấn Harusaki thì đã có đầy đủ cơ sở công cộng hơn, từ ga ở đây có thể đi tàu Shinkansen nữa. Nhưng dù đã hợp nhất với thị trấn Tabinagawa, thì với những chuyến tàu chỉ có một chuyến một tiếng, lưa thưa vài trung tâm buôn bán, bệnh viện lẻ tẻ, cộng thêm tình trạng tuyết rơi thường xuyên, nơi đây chẳng thể nào giữ chân nổi những người trẻ tuổi. Thêm việc những cửa hàng như Riddle Star hay siêu thị Uzue bị phá sản đã làm cho việc mua sắm thực phẩm trở nên bất tiện hơn. Dân số trong vùng đã giảm xuống dưới một nghìn người, độ tuổi trung bình ở đây đã quá ngũ tuần… những thắng cảnh nổi tiếng ở đây như suối nước nóng hay lá mùa thu cũng chỉ được ưa chuộng bởi thế hệ cũ.

"Nhưng anh lại thích quê mình. Anh lấy vợ ở đây, xây dựng gia đình ở đây, anh còn muốn giúp cho nơi đây nhộn nhịp hơn nữa."

Mới 28 tuổi nhưng ổng đã mua được một ngôi nhà cho riêng mình rồi. Còn tôi thì… những chuyện kết hôn, có con, mua nhà, đều thuộc về một thế giới rất xa lạ.

"Khách du lịch phải đến đông lắm chứ? Suối nước nóng với cảnh rừng thay lá cũng nổi tiếng lắm mà."

"Thế chưa đủ, anh muốn có thêm nhiều người trẻ đến đây sinh sống hơn. Thế nên anh mới tích cực tham gia vào công tác lên kế hoạch và tổ chức sự kiện cho tổ dân phố đấy."

"Tại sao anh lại muốn làm thế?"

"Thì bởi đây là nơi anh sinh ra và lớn lên. Nhìn nó mất đi sinh khí, mất đi hết tất cả những vui tươi và kỷ niệm, anh không đành lòng."

Tôi buộc phải cảm động trước những lời nói của anh. Những người trẻ bây giờ có mấy ai nghĩ được như thế. Một người đàn ông đang cố gắng chống đối lại dòng chảy không thể tránh khỏi của thời đại… mặc cho những kẻ ngốc khác đang chạy trốn khỏi quê quán của họ để tìm đến những nơi như Tokyo.

"Chú rảnh thì phụ bọn anh cái đê. Nói thật là đang thiếu thanh niên lắm."

"Còn lâu."

Tôi từ chối với tốc độ ánh sáng. Suy cho cùng thì bình thường tôi cũng chẳng bao giờ làm gì.

"Mà con gái anh mấy tuổi rồi?"

"Chín tuổi, năm nay học lớp ba rồi. Nhắc mới nhớ, chú đã từng gặp nó rồi nhỉ?"

"Lúc em còn đang học cấp hai. Hồi đấy nó mới còn đang ở trong nôi... Hay nhỉ, thế mà đã chín tuổi."

"Ừ thì, mười chín tuổi anh đã lấy vợ rồi mà. Lấy vợ xong là sinh con luôn, từng đó năm còn gì."

Thời gian trôi nhanh như thế khiến tôi không khỏi cảm thấy buồn. Lũ bạn cùng lớp chắc cũng sắp sửa lấy vợ lấy chồng đến nơi. Song ông Tomi này thì vẫn thế, vẫn là một ông anh hay lôi kéo chúng tôi đi chơi, vẫn cười hô hố… điều đó làm tôi thấy an tâm hơn. Chúng tôi lái xe tới khu trượt tuyết hay đến ngày trước, nói về nhiều những chuyện gia đình khác, vèo cái mà đã hai tiếng đã trôi qua.

"Cuộc sống lành mạnh với một gia đình kiểu mẫu như anh tôi thật đáng để hâm mộ."

Tôi lẩm bẩm như thế trong lúc cả hai quay ngược trở lại. Bởi gia đình hạnh phúc của anh Tomi là một thứ gì đó thuộc về thế giới khác, lộng lẫy và lấp lánh quá.

"Không hẳn là thế đâu. Anh lại nghĩ... cuộc sống khi được theo đuổi ước mơ của mình, biến nó thành hiện thực như con bé ấy mới thật tuyệt. Chắc chắn anh không thể làm như thế được."

Tôi chợt hiểu ra ngay 'con bé' mà ổng vừa nhắc đến là ai. Thành ra, tôi không thể đáp lại gì nữa.

"...Ơ mà, con đường này quen quá. Đùa đấy hả...?"

Trống ngực tôi bỗng đập ầm ầm phản đối. Quay lại đi, quay lại ngay.

Tôi dính phải bẫy của ông Tomi rồi. Dù nhận ra ngay lập tức những hình khối quen thuộc của cảnh vật xung quanh, nhưng như thế là đã quá muộn.

Tôi biết tất cả: con đường lát đá này, nơi cây cối mọc um tùm, nơi có một căn biệt thự nằm cách không xa nhà tôi, khu vườn rộng rải sỏi, những cây thông được chăm chút cẩn thận, một ao cá chép đang tung tăng bơi lội... thêm những chiếc máy cày, máy gặt đang nằm trong kho.

"Chúng ta đang đến nhà Sayane đấy. Có điều anh chưa báo trước với họ."

"Anh bị điên à! Quay lại!"

Tôi kêu lên và định bụng nhảy ra khỏi xe, nhưng xe đã lăn bánh vào trong tận vườn rồi còn đâu. Ép sát người xuống ghế để trốn, tôi nhìn theo anh Tomi đi vào bên trong. Bàn chân tôi nhịp vô thức lên sàn. Dù bên ngoài trời lạnh mà trán tôi vẫn đầm đìa mồ hôi... Chẳng nghe thấy gì cả. Ngay cả tiếng quần áo đang chà vào cơ thể run rẩy của tôi cũng không có. Aaaa, đừng mà. Làm ơn đừng có nhà.

Tôi cố ép cho chân mình ngừng run, trong lòng băn khoăn rằng đã đến nước này, hay là té.

Vài phút sau, anh Tomi quay trở vào trong xe. Tôi thấy cửa trước mở ra và hình như ổng đã nói chuyện với ai đó thì phải...

"Này Shuu."

"...H, hả?"

"Mẹ Sayane vẫn xinh đẹp quá đi mất."

Cái ông này hơn tôi tám tuổi mà vẫn dở hơi vậy đó.

"Hồi tiểu học anh mê cô ấy lắm."

"Sao cũng được."

"Anh mà còn độc thân thì không khéo đã có cuộc tình một đêm."

"Xì tốp!"

"Cái lúc mà bọn nam sinh cấp hai Tabinagawa nhận thức được về giới tính... chính là lúc chúng nó nhìn thấy mẹ chú hoặc mẹ Sayane đấy."

"Ê ông kia, đủ rồi đấy."

Đừng có phun ra mấy câu nhăng cuội với cái vẻ mặt tôn sùng đó nữa.

"Aaa! Tại sao mẹ anh thì lại trông giống một mụ tinh tinh thế không biết nữa? Mẹ Sayane ơi là mẹ Sayane! Kiếp sau hẹn hò với cháu điiiiii!"

Cha này đúng là nỗi hổ thẹn của cả xóm. Ổng hô to đến nỗi tôi chắc mẩm là mẹ của Sayane trong lúc đi ra tiễn chúng tôi không khéo sẽ nghe thấy mất thôi. Kiểu gì chả nghe thấy rồi, trông nụ cười gượng thế kia cơ mà.

Tình cờ thay, mẹ tôi và mẹ Sayane trước là bạn học cấp hai.

"Con bé ấy đang không ở nhà, đi đâu mất rồi ấy."

"Phuuuuuuuuuuuuuuuuù......"

Tiếng thở dài của tôi còn nặng hơn chì. Nhịp tim đang đập như trống trận của tôi bỗng lại trở nên bình thường một cách quái đản.

"Hình như chỉ là đi bộ thôi, hay là thử đi tìm xem sao. Chắc chưa đi được xa đâu."

"Ấy không không, đừng làm thế. Chưa đến trưa nhưng mà cứ quay lại tìm chỗ nào ăn cơm đi đã anh."

"Hừm, chú muốn vậy hả?"

Trước cái điệu bộ cuống quýt của tôi, có vẻ như anh Tomi cũng đã chịu đầu hàng. Tôi thở phào, nói không đùa chứ, cái tình huống này...... Ổng muốn giở trò gì đây? Đột nhiên, mẹ Sayane, nãy giờ vẫn đứng trước cửa, tiến tới bên cạnh chiếc xe.

"......Cháu ấy ạ?"

Cô ấy đến bên ghế lái phụ nên chắc là có chuyện gì muốn nói với tôi. Tôi tưởng mình đã trốn kỹ lắm rồi, nhưng hóa ra vẫn bị lộ mặt như thường sao. Tôi lặng lẽ mở cửa xe và từ từ bước ra.

"Shuu đấy à, lâu lắm rồi mới gặp. Dạo này cháu khỏe chứ?"

"À, vâng... thấy cô khỏe mạnh cháu cũng thấy mừng."

Tôi chưa từng gặp lại mẹ Sayane kể từ lúc cấp hai. Hồi trước tôi đã đặt chân tới đây và nói chuyện không biết bao nhiêu lần. Mẹ Sayane là một người phụ nữ nhẹ nhàng và giản dị với khóe mắt hiền hậu. Tôi ghét phải đồng tình với lão Tomi, đối với bọn nam sinh trung học ở vùng quê thì như thế là quá sức hấp dẫn.

Bên cạnh đó, vẻ ngoài của cô dường như đã được thừa hưởng sang... Sayane. Cũng phải thôi. Khác biệt dễ thấy đó chính là, cặp mắt của Sayane sắc sảo hơn và tính khí cũng ương ngạnh không kém.

"Đến chơi với Sayane như hồi xưa nhé! Trông con bé đó cô đơn lắm."

"Nếu có gặp nhau, cháu sẽ chào hỏi qua ạ..."

Thật khó để nói rằng tôi không muốn gặp Sayane, nên chỉ có thể đáp đại khái như vậy. Cũng không phải là tôi không muốn gặp, chỉ là không biết đằng đó có muốn vậy hay không. Sau khi tán gẫu thêm một lúc nữa về chuyện bỏ đại học, tôi và anh Tomi rời khỏi nhà Sayane. Tôi nhẹ cúi đầu để chào mẹ Sayane đang đứng tiễn chúng tôi.

"Còn một lúc nữa mới đến giờ ăn trưa, hay là ghé qua trường trung học Tabi một chút đi."

Anh Tomi đề nghị như thế. Đó là một nơi mà tôi không muốn đến gần, nhưng vẫn tốt hơn nhiều nếu so với việc ở lại nhà Sayane.

Song trực giác tôi hét lên rằng, phải ngay lập tức tránh xa cái nơi mà tôi có thể dễ dàng bắt gặp cô ấy như vậy.

Trước khi đến đó, tôi nhờ ổng dừng lại tại một tiệm tóc để tân trang lại cái đầu. Lâu lắm rồi tôi chưa soi gương để thấy cái bản mặt mình, da dẻ tôi xanh bủng như bị bệnh, mái tóc rối bù mọc không kiểm soát... trông phát khiếp đến mức nhìn không nổi, tôi đành chúi mũi vào mấy cuốn tạp chí. Xong xuôi, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình, trên đường có đi ngang qua cầu Tabinagawa.

Vào thời điểm này trong năm, lòng sông nhìn từ trên cầu xuống trông cực kỳ ảm đạm. Nhưng khi mùa xuân đến, nó sẽ như được trải bằng một tấm thảm hoa cải rực rỡ, và men dọc theo hai bờ sẽ là những tán anh đào thi nhau khoe sắc.

"Chắc chú chưa biết nên anh sẽ nói luôn, trường cấp hai Tabi sẽ đóng cửa trong năm nay."

"Ơ......?"

Dù lời nói nhẹ tâng như thế, nhưng trên thực tế lồng ngực của tôi lại cảm thấy như có gì đó đang đè lên thật nặng.

* * * * * *

Mới nhìn vào thì sẽ tưởng đây là một quán trọ cũ xây bằng gỗ - trên thực tế nó lại là ngôi trường cấp hai duy nhất trên địa bàn. Chúng tôi, hai cựu học sinh, hôm nay trở về với mái trường xưa. Khu lớp học gỗ tọa lạc xung quanh những thửa ruộng, trước khu đất hoang, à nhầm, sân trường nơi cỏ dại mọc um tùm, vây quanh bởi tấm lưới chắn tả tơi. Không có hồ bơi, nên lớp thể dục mùa hè chúng tôi chỉ có môn bóng đá hoặc cầu lông.

Từ nơi đậu xe tôi có thể nhìn thấy cả lớp học và sân trường. Hai khu sinh hoạt hiếm hoi của câu lạc bộ bóng chày và bóng mềm nữ trông không hề thay đổi. Mới đi một chút quanh khu lớp học tồi tàn, những kỷ niệm về những năm tháng đó lại đã hiện lên trong đầu tôi như một cuốn băng, từng chút từng chút một.

"Thứ bảy có khác, chẳng thấy học sinh nào cả. Mà ngày thường cũng ít học sinh, thế nên mới bị đóng cửa.”

Anh Tomi cười trong cay đắng. Dễ hiểu tại sao không có câu lạc bộ văn hóa nào hoạt động hay trên sân trường không thấy vận động viên nào. Các câu lạc bộ ngoài trời có bóng chày, điền kinh, vào mùa đông thì có thể có câu lạc bộ trượt tuyết. Thời chúng tôi số lượng học sinh vốn cũng ít, có người còn tham gia hai câu lạc bộ một lúc.

Nhớ quá điiii... đó đáng ra phải là cảm xúc của tôi hiện tại, nhưng nó đã bị lấn át bởi sự vô nghĩa khi biết những khung cảnh này sẽ biến mất vào năm sau. Hay là cuộc đời tôi sẽ chấm dứt trước khi điều đó xảy ra... thôi thì thế nào cũng được.

Tôi thò đầu vào phòng giáo viên song không thấy ai. Cửa không khóa, thế nên chí ít phải có một thầy cô nào đang đi làm.

"Thấy bảo lão Sugiura đang ở đây mà, đi đâu mất rồi?"

"Lão Sugiura là... thầy hiệu phó Sugiura ấy hả? Anh Tomi cũng biết à."

"Thời của bọn anh thì thầy ấy vừa là giáo viên chủ nhiệm vừa là giáo viên tiếng Anh. Trong số các giáo viên anh biết thì chỉ còn mỗi thầy Sugiura là đang ở lại thôi."

Cũng đúng, năm năm trước tôi rời trường cấp hai, nhưng đối với anh Tomi thì đã là mười ba năm rồi.

"Giờ này thì chắc lại ra đấy rồi nhỉ?"

Dường như anh Tomi vừa nghĩ ra điều gì đó. Ổng dẫn tôi tới phòng nghe nhìn của trường.

"Hế lô.. Ồ, thì ra là ở đây hả lão Sugiura?"

Anh Tomi không ngần ngại mở toang cánh cửa. Tạm thời bỏ qua lời nói và hành động của cựu học sinh cá biệt ấy thì ổng đúng đã là tìm thấy thầy Sugiura đang ngồi bủn rủn trong này.

"...Có gì thế? Giật hết cả mình... đừng mở cửa mạnh thế nữa có được không?"

Trên mặt thầy là vẻ ngái ngủ, song đôi mắt đang mở to với vẻ ngạc nhiên. Những sợi tóc bạc và vết chân chim đã xuất hiện nhiều hơn so với những gì tôi nhớ, song phong mạo ung dung và cách nói chuyện thì vẫn không đổi tí nào.

Xét độ tuổi ngoài 50 của thầy, tôi nghĩ trông thầy vẫn còn khá trẻ.

"Ối trời ơi, chẳng khác gì cả! Sugiura! Là em đây! Toyotomi Masakiyo, học sinh cũ của thầy đây!"

"Rồi rồi... thầy biết rồi... đừng đánh vào lưng thầy nữa..."

Nói thế là bởi anh Tomi đang bồi hồi vỗ đồm độp lên lưng thầy. Ai đi ngang qua mà tưởng ở đây có một gã côn đồ đang kiếm chuyện với một người trung niên thì cũng thông cảm được. Trong phòng đóng kín rèm cửa, ánh sáng đang phát ra từ một chiếc máy chiếu, và trên màn hình đang dừng cảnh của một bộ phim phương Tây... có vẻ như thầy đang xem phim thì phải.

"Ông Sugiura này lười lắm. Toàn cho học sinh xem mấy bộ phim nước ngoài có phụ đề mà thực ra là mình cũng muốn xem để cho khỏi phải dạy dỗ gì cả."

"...Đừng có nói mấy câu mang tiếng như thế. Nhà trường đã thống nhất đó là một phần trong các tiết học đặc biệt rồi cơ mà?"

"Không phải có lần thầy bỗng nhiên dùng cả một tiết học ra để nói về The Beatles à?"

"...Đó cũng là một tiết học đặc biệt. Họ có những bài hát vĩ đại nhất..."

Tôi từng có cái cảm tưởng thầy hiệu phó là một người trầm tính và khó gần, không ngờ thầy lại độc đáo đến vậy. Dù bây giờ đã thôi không còn giảng dạy, nhưng hình như thầy vẫn lén lút đến đây để thưởng thức các bộ phim và âm nhạc nước ngoài. Trong quá trình làm việc, bầu không khí yên tĩnh trong căn phòng này có vẻ như rất thích hợp để xả hơi.

"...Nhưng chắc thầy cũng phải dọn phòng mình đi thôi, sắp bị phá đến nơi rồi."

"Đến tháng ba là trường đóng cửa phải không? Thầy Sugiura đã định làm gì chưa?"

"...Hừm, nghỉ hưu vậy. Nếu sang trường to hơn thì nhiều học sinh hơn, mà cả giáo viên với phụ huynh hay càu nhàu cũng nhiều, với lại không được tùy ý làm gì cũng được như thế này nữa..."

"Thật? Ối giời, đúng là kiểu người không có ý chí!"

"...Thời bây giờ không phải là cứ nhiệt huyết là được tăng lương nữa. Thầy muốn có một cuộc đời đến lúc chết có thể mỉm cười, được làm những thứ mình muốn và thấy ‘như thế này mới vui’."

Một cuộc đời đến lúc chết có thể mỉm cười... ấy hả? Chuyện đó đối với tôi là điều không thể. Chắc chắn phút lâm chung của tôi sẽ bị vùi trong những tiếc nuối và dằn vặt nhơ nhuốc. Nếu ông trời sai khiến thế nào để tôi được sống lâu hơn, thì cái số phận đó vẫn sẽ không thay đổi.

"Còn em là...?"

Nói xong câu đó với anh Tomi, thầy quay sang tôi. Chắc thầy chưa biết tên tôi đâu, vì chúng tôi chưa trao đổi riêng với nhau bao giờ.

"À, em là học sinh cũ năm năm trước..."

"...Nhớ rồi, Matsumoto Shuu... phải không nhỉ?"

"Thầy biết em ạ? Nhưng có bao giờ em với thầy nói chuyện đâu."

Thầy đứng dậy và mở rèm cửa, nhíu mày trước ánh nắng ùa vào trong phòng, đoạn đưa tách cà phê đang đặt trên bàn lên miệng. Mắt thầy nhìn xa xăm ra ngoài cửa sổ như đang hoài niệm về một điều gì đó, rồi thở khẽ.

"...Năm năm trước hai em nổi tiếng lắm mà. Không những trong trường, mà chắc giới trẻ ở Harusaki chắc chắn có rất nhiều người hâm mộ các em."

Tôi hiểu rồi... thì ra là thế.

"...Ngay cả thầy cũng đứng xem từ xa. Dù có là fan trung thành của The Beatles, thầy vẫn lắng nghe quên cả thời gian. Hồi đó hai em còn ngồi trên những bậc cầu thang đi từ nhà thể chất xuống sân trường để hát."

Nói đoạn, thầy mở cánh cửa thoát hiểm của phòng nghe nhìn. Khi cánh cửa vẫn thường cấm không cho phép đi qua trừ trường hợp khẩn cấp này hé mở, ngay lập tức tôi nghe được tiếng gió thổi.

"Một người viết nhạc kiêm ca sĩ đang ngồi trên giảng đường đại học... thầy cứ nghĩ em ấy đã đi đến một nơi rất xa... nhưng có lẽ hai em, sẽ không tránh khỏi việc tình cờ gặp lại nhau đâu..."

Giai điệu của đàn ghi ta acoustic vang lên cùng với giọng hát trong trẻo. Tiếng nhạc e ấp, song âm sắc xuyên thấu tâm gan đó đã bẻ gãy ý chí của tôi.

Tôi không muốn gặp nữa, không muốn nghe nữa. Dù đã buông bỏ tất cả, nhưng tại sao... trong người tôi lại cảm thấy nhức nhối đến vậy...

Cơ thể tôi cứ thế vô thức di chuyển về phía âm thanh ấy.

Tôi lao ra ngoài và băng qua lối đi hẹp ngang qua khu lớp học. Tôi chạy đến bậc thang nằm gần nhà thể chất, chân vấp vào những bồn hoa và chậu cây cảnh.

Và rồi... tôi gặp cô ấy.

Mái tóc thướt tha lay động trong gió thu càng làm cho bờ vai mảnh mai nhỏ nhắn thêm phần duyên dáng, đôi mắt cứng cỏi ẩn chứa nỗi buồn và sự ương ngạnh, cái cách cô ấy bắt chéo chân để đặt cây ghi ta, những ngón tay mảnh khảnh đang đặt lên dây đàn, và đôi môi màu hồng nhạt đang cất ra giọng hát... tất cả đã chiếm trọn ánh mắt của tôi. Cô gái ấy đang ngồi lưng chừng giữa những bậc thang, hát một bài hát quen thuộc nhưng thật nhói lòng. Tôi biết bài hát này rất rõ. Bởi nó được viết ra bởi chính tôi ngay tại nơi đây, dành cho cô ấy.

"Shuu......?"

"Sayane.................."

Cô ấy bỗng nhiên quay lại, nhìn tôi đứng đó ở nấc thang trên cùng với vẻ khó hiểu.

Người mà tôi đã năm năm không gặp - Kirishima Sayane. Một người bạn thuở nhỏ sống cách nhà tôi chỉ năm phút đi bộ, người vẫn học cùng lớp với tôi cho đến những năm cấp hai. Một cuộc gặp đầy đột ngột. Tâm trạng cũng vì thế mà chẳng hề thân thiện, trái lại cực kỳ khó xử và áy náy. Đáng ra tôi phải chạy trốn mới đúng chứ. Chạy trốn là điểm mạnh của tôi kia mà.

Tại sao tôi lại tới đây? Bây giờ cô ấy đã là nhạc sĩ kiêm ca sĩ rồi. Đáng ra tôi phải hiểu rằng Kirishima Sayane đã từng ở bên tôi ngày trước sẽ không quay lại nữa. Đến chính bản thân tôi cũng thể theo kịp nổi những hành động này của bản thân nữa.

"Cậu đến đây làm gì......?"

Giọng cô ấy nghe như đang bị quấy rầy.

"Tớ... bỏ học rồi. Bây giờ đang ở nhà... bố mẹ."

"Lý do?"

"Không hiểu sao... tớ không thể tìm được mục tiêu hay ý nghĩa nào nữa... nên tớ đã bỏ."

"...Hả? Cậu vẫn chẳng thay đổi nhỉ? Nếu cứ trốn tránh bằng những biện pháp tạm thời dễ dàng ấy, chẳng mấy chốc cậu sẽ chỉ rơi xuống đáy xã hội mà thôi. Nếu tôi nói có sai thì cậu cứ việc phản bác."

Tôi cắn môi, song không thể nói lại điều gì. Lời nói gay gắt của cô ấy hoàn toàn đúng.

"Nực cười quá... cuộc đời cậu thật nhạt nhẽo và vô nghĩa."

Tiếng thở dài nặng nề của cô ấy đâm qua không khí. Giấu đi ánh mắt thất vọng đến tận cùng, Sayane đứng dậy và bước ngang qua mặt tôi. Đến nước này chắc Sayane đã đoán ra được tình trạng thảm hại của tôi, mắt cô ấy quắc lên vẻ căm ghét, cùng với đó là một câu mỉa mai đầy cay nghiệt trước khi bỏ đi.

"Thế mà tôi lại đi thích những kẻ rác rưởi luôn chạy trốn như vậy cơ đấy."