Harmony

Chương kế tiếp:

Truyện tương tự

Đường lên đỉnh Streamer của cô nàng Oni!

(Đang ra)

Đường lên đỉnh Streamer của cô nàng Oni!

Hakoiri Hebineko

Futayado Nanaka, một cô gái 21 tuổi, tự nhận bản thân là chiến thần làm bán thời gian. Tuy nhiên, xui rủi sao mà những nơi cô đang làm đều bị phá sản.

38 3437

Tôi có một cuộc gặp mặt với vợ trong game và một cô bé tiểu học xuất hiện. Liệu tôi có phải ra tòa không...?

(Đang ra)

Tôi có một cuộc gặp mặt với vợ trong game và một cô bé tiểu học xuất hiện. Liệu tôi có phải ra tòa không...?

深山鈴

Khi đến địa điểm đã hẹn với kỳ vọng đó, cậu ấy biết được cô gái đó thực ra lại là một học sinh tiểu học. Cô ấy là vợ trong game của Naoto và có một cảm xúc lãng mạn dành cho Naoto ngoài đời thực.

36 1281

Mắc kẹt nơi thiên đường

(Đang ra)

Mắc kẹt nơi thiên đường

悲殇的秋千

Thế giới hentai là một nơi nguy hiểm, nhất là khi thằng bạn thân là nhân vật chính còn Ning Chu lại đang dần biến thành con gái.

5 296

One-shot - <part:number=02:title=Một Nơi Ấm Áp/>

Harmony 00002

<?Emotion-in-Text Markup Language:version1.2:encoding=EMO-590378?>

<!DOCTYPE emtl PUBLIC :-//WENC//DTD ETML 1.2 transitional//VI>

<etml:lang=jp>

<etml:lang=vi>

<body>

Phần: 01

<flashback:repeat>[1]

<re: Tớ xin lỗi, Miach.>

<re: Tớ xin lỗi, Miach.>

<re: Tớ xin lỗi, Miach.>

<re: Tớ xin lỗi, Miach.>

<re: Tớ xin lỗi, Miach.>

Cian thầm thì trong ký ức của tôi.

Lời trăng trối của cô rơi vào vòng lặp vô tận.

<re: Tớ xin lỗi, Miach.>

</flashback>

“Chúng tôi xác nhận đã có 2 796 trường hợp tử vong,” sĩ quan liên lạc từ Interpol[2] giải thích. Vào cùng một ngày, vào cùng một lúc, 6 582 người đồng loạt toan tự sát, và gần gần một nửa số đó đã thành công.

Tôi trừ số trường hợp tự sát thành công khỏi tổng số: 6 582 trừ 2 796 bằng 3 786.

Với 3 786, khoảnh khắc định mệnh ấy chưa đủ chí tử.

Sĩ quan liên lạc trong máy chiếu AR của tôi vẫn còn nói. Dường như trong số những người bị liên lụy đã sống sót qua nỗ lực tự sát ban đầu 8 giờ trước có vài người đang trong tình trạng nguy kịch, đồng nghĩa tổng số người chết vẫn còn có thể tăng lên.

Những “người bị liên lụy” đó.

Dường như, vụ việc đã khiến Interpol và hết thảy Đặc vụ Cấp Cao Cục Xoắn Ốc đang tham gia trong AR này phải mất chút thời gian để quyết định xem chính xác gọi họ là gì. Họ là nạn nhân ư? Tự sát ư? Quá nhiều nỗ lực hòng tự giết chính mình vào cùng một thời điểm, họ đã phải chịu một ảnh hưởng nào đó hoặc đã là, quả thực, nạn nhân của một loại áp bức nào đó. Ấy vậy nhìn vào bất kì cá nhân nào trong những thây người chất chồng thành đống thì bạn phải nghĩ họ đã tự làm, tất cả đều là họ tự quyết.

<public_opinion>[3]

<i: Mọi người đồng ý rằng tự tử là hành vi ích kỷ, trơ trẽn.>

<i: —Một đòn tấn công trực tiếp vào cơ thể, tài nguyên cộng đồng.>

<i: —Bằng chứng trần trụi cho sự thiếu nhận thức đến kinh hoàng về tính chất thuộc về cộng đồng của chúng của cơ thể con người.>

<ex: Theo tôi thấy thì, nếu ai đó muốn tự vẫn, cứ tự nhiên.>

</public_opinion>

Ok, dân chúng được phép đau buồn, tốt mà. Nếu một trong những người bạn của tôi chết, tôi sẽ đau buồn. Nhưng ngồi tựa lưng rồi phán xét lựa chọn của người khác, một người hoàn toàn không liên quan tới bạn—nói về “tài sản cộng đồng” và “nhận thức tài nguyên” khi ai đó vừa chết để bào chữa mình đã ném ánh mắt lạnh lùng vào sinh mệnh người khác? Đó là cái tôi gọi là ngạo mạn, và tôi không muốn nó chút nào.

Miach chắc đã cũng nghĩ vậy. Đúng hơn, Miach đã nghĩ vậy.

Nhưng phần còn lại của thế giới thì không.

Nguyên do duy nhất khiến người tự sát không bị phạt là vì họ đã chết.

Nằm ngoài tầm với của Sinh Phủ. Dứt khoát rồi.

Giả như ai đó tìm được cách hữu hiệu để trừng phạt kẻ chết, tôi cam đoan thế giới sẽ không ngần ngại áp dụng. Tôi biết các chế độ thuốc và khuyên giải đang chờ những người tự tử hụt—sẽ là nỗ lực đáng khen để thu hồi các tài nguyên mà “người bị liên lụy” đã xém chút lãng phí, vá víu những món hàng đã bị hư hỏng này rồi đặt chúng lên băng chuyền lại. Để tái thiết lập họ lại thành đơn vị cơ bản trong nền kinh tế y dược, để họ có thể làm tròn trách nhiệm xã hội – khách hàng. Cian và tôi biết chuyện diễn ra thế nào. Đã từng ở đó, đã từng bị vậy.

Chỉ có điều Cian lần này sẽ không trở về.

Tự sát là sự phạm tội có thể bị trừng phạt bằng sự khinh bỉ. Dẫu cho nói thực là nó không phải là sự phạm tội theo luật pháp. Tôi còn nhớ Miach kể chúng tôi nghe cách người Thiên Chúa Giáo chôn kẻ tự vẫn ở giữa ngã tư như là một hình phạt vì đã phản bội Chúa Trời.

Xã hội Sinh Phủ, xã hội Sinh Mệnh Chủ Nghĩa, chưa tìm ra phương cách xử sự với tự sát. Người đào huyệt muốn biết họ là nạn nhân hay thủ phạm. Thế, ừm, thưa bà? Chúng ta có nên cứ tiếp tục và đào cái lỗ này ở ngã giao này, cho chắc ăn?

Con người chẳng biết làm chi. Tôi không trách cứ họ. Mới đây, ngay cả các chiến trường cũng không tạo ra nhiều xác người đến thế. Trong xã hội sinh mệnh chủ nghĩa, để gây ảnh hưởng lên cơ thể thì cần có tuổi già, tai nạn và các hành động giết người hiếm hoi, không thường xuyên. Bằng không, con người cứ không chết. Ung thư và các loại bệnh khác đã bị lên bảng ngắm trong chế độ thời gian thực bởi WatchMe rồi bị xóa bỏ. Cương lĩnh sống còn là nhận thức tài nguyên giúp chúng ta giữ mình trong tầm kiểm soát. Luôn cập nhật WatchMe của bạn và giữ tỉ lệ mỡ cơ thể thấp.

Những người đã tự vẫn 8 giờ trước bị treo lửng lơ trên một khe vực chạy giữa sự có tội và nạn nhân.

Tôi tham gia phiên họp Cục Xoắn Ốc/Interpol từ phòng khách sạn của mình. Cục Thanh Tra Xoắn Ốc đã triệu tập họp AR sau quyết xác định rằng sự kiện này là chuyện họ nên can dự vào. Cố nhiên, một tội ác đã phạm vào giá trị cao nhất trong xã hội chúng tôi—tính linh thiêng của sinh mạng! Dù cho không ai biết tội ác chính xác là gì, song có một mong đợi chung rằng họ sẽ chóng suy ra để làm mọi người mãn nguyện.

“Những người bị liên lụy,” sĩ quân liên lạc Interpol kể cho chúng tôi, họ đến từ 25 quốc gia khác nhau, và tất cả đều thuộc về Hội Đồng Y Tế Sukunabikona, tức Sinh Phủ Sukunabikona, cái tên người ta hay nói hơn. Phương thức người ta dùng để giết chính mình rất đa dạng:

<list:item>

<i: kéo>

<i: đũa>

<i: nhảy lầu>

<i: treo cổ>

<i: cắt cổ tay>

<i: máy cưa>

<i: dao ăn>

</list>

Và ngoài ra còn nhiều phương pháp khác. Tất cả tạo nên một danh sách các cách tự hoại thân cực kỳ gây ấn tượng.

Máy cưa là một anh chàng kiểm lâm. Anh ta đang làm dở việc thì chuyển từ cưa xuyên cây sang cưa đứt chính đầu của mình. Người dùng đôi đũa thì, đang giữa bữa ăn, chọc một cây đũa xuyên qua nhãn cầu và rồi ngoái tới ngoáy lui cho chắc cú. Có nghĩa là các dụng cụ cho ăn chiếm vai trò nổi bật trong danh sách, vì mỗi một trường hợp đã được xác nhận, những “người bị liên lụy” đó cứ bốc đại một vật tiềm chứa khả năng sát thương chí tử trong phạm vi gần nhất họ có thể tìm rồi ra đi vì nó.

<list:dialogue>[4]

<d: Nè, chắc là mình đâm được cây đinh ghim này xuyên qua động mạch cảnh mình.>

<d: Ái dà, cái máy cưa này hẳn sẽ cực hoàn hảo để cắt đứt đầu mình!>

<d: Hử, cậu có nghĩ nếu tớ đâm đũa qua mắt mình, tớ có thể chạm tới bộ não tớ không?>

<d: Hừmm, mình dám chắc là sợi dây đó rất hoàn hảo để treo cổ!>

</list>

Còn phương pháp của Cian, cô đã tuân theo quy củ một cách nghiêm ngặt.

“Sự kiện này nhất định là một hành vi khủng bố chống lại xã hội sinh phủ!” Đặc vụ Cục Xoắn Ốc cạnh tôi nói. Anh ta là một thanh tra viên cao cấp được cử đi giám sát bầu cử ở một vùng nội địa bị chiến tranh tàn phá nào đó. Hiển nhiên, tôi nói “cạnh tôi” nhưng chỉ là do hệ thống hội họp AR đã đặt anh ta ở đó. Thực tế, tôi đang ngồi mỗi một mình trong phòng khách sạn của tôi, nói chuyện với những người thậm chí còn không ở đây. Ngộ nhỡ ai đó mà bước vào và thấy tôi, chắc họ sẽ nghĩ tôi đã hóa khùng.

<boredom>[5]

Một hành vi khủng bố. Tuyệt hảo làm sao.

Nó là kiểu câu nghe rất có ý nghĩa trong khi chẳng có tí nghĩa lý gì. Bạn thậm chí có thể gọi nó là phí thời gian, nhưng trong xã hội sinh mệnh chủ nghĩa chúng tôi – nơi sự hòa thuận có giá trị cao hơn mọi thứ khác, chẳng ai cười mỉa hay lắc đầu ngao ngán trước lời nói om sòm thu hút sự chú ý của hàng xóm tôi. Thay vì vậy, họ đều gật đầu và lẩm bẩm sự đồng ý rằng phải, rằng đó là một câu phát biểu sâu sắc nhất. Họ phải làm vậy.

Đó là cách bạn xử sự khi là người lớn.

</boredom>

Có lẽ nào vì tôi đã chứng kiến một trong những người bạn cũ trở thành “người bị liên lụy” ngay trước mắt nên toàn thể cuộc họp này như thể trò hề ngớ ngẩn. Tôi không có thời gian ngồi đây để nghe hết đám người này nâng mông bợ đít nhau. Tôi chờ đợi khoảng thời gian tối thiểu nhất để không tỏ ra bất lễ, rồi hỏi tình trạng những người bị liên lụy lúc bấy giờ.

Đại diện Interpol quay về phía tôi. “Toàn bộ những người không lập tức chết đều rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Hiện tại, không ai có thể trả lời chất vấn về động cơ được.”

“Thế còn WatchMe?”

Câu hỏi đến từ Đặc vụ Cục Xoắn Ốc vừa lên tiếng hùng hồn về khủng bố. Đại diện Interpol quay qua, mỉm cười lịch sự trước sự dốt nát của người đàn ông nọ. “Dù không được phổ biến, nhưng WatchMe không kiểm tra tình trạng bộ não.”

“Thật ư?” đặc vụ đó hỏi, vừa nhìn tôi vì lý do nào đó.

“Phải,” đại diện Interpol trả lời. “WatchMe không thể lọt qua hàng rào máu não[6]. Xin lỗi trước nếu các vị đã biết, vách ngăn máu não là một đặc điểm của cơ thể, nó giới hạn vòng tuần hoàn vật chất giữa dịch mô—chẳng hạn máu—và não. Hàng rào nằm đó để bảo vệ não và cột sống khỏi các chất tiềm chứa nguy cơ, và chưa có nhà khoa học nào có thể phát triển medicule có khả năng đi xuyên qua. Nói chung, nó là một điểm mù trong hệ thống.”

“Chẳng phải vách ngăn máu não hoạt động như một màng lọc sao? Tại sao họ không làm medicule nhỏ hơn lỗ trên màng?”

“Thực ra, vách ngăn không giống tấm màng. Dẫu rằng trong thực tế, người ta cũng tin điều đó khá lâu. Một thế kỷ trước, học thuyết thông dụng cho rằng bất kỳ cái gì có khối lượng phân tử, ờ, 500 u[7] hay ít hơn sẽ có thể đi qua, song gần đây học thuyết đó đã bị bác bỏ hoàn toàn. Hóa ra, một vài loại vật chất, bất kể lớn nhỏ, vẫn không thể lọt qua vách ngăn máu não, trong khi các phân tử khá lớn lại có thể lọt nếu não cần chúng. Nói cách khác, kích thước không quan trọng. Vách ngăn máu não không phải là màng lọc vô tri giác, nó là một cơ quan chọn lựa phức tạp siêu mỏng.”

Người đàn ông nhìn xuống đùi mình. “Vậy à.”

Tôi cười. Đây là thứ gần nhất với một cú vật nhào mà tôi rất mong có thể được thấy vào giữa một trong các buổi họp.

“Tuy số lượng ít, nhưng mỗi năm có một ít người đã cài WatchMe vẫn chết vì u não hay các loại xuất huyết có thể đề phòng khác. Não là chốn thiêng liêng cuối cùng của con người, các vị có thể nói vậy. Nơi duy nhất mà mắt của WatchMe không tới được. Có điều, chỉ phần lớn bộ não. Do tuyến yên và tuyến tùng được xử lý bằng hormone, ta có thể chạm tay vào chúng.”

“Tất nhiên, chúng tôi đang làm những gì có thể để giám sát các bệnh nhân hôn mê từ bên ngoài qua quét điện tử, mặc dù thứ đó thua xa mức nano,” sĩ quan Interpol giải thích. “Nói vậy, song chỉ mới 8 tiếng trôi qua kể từ…… vụ bạo động. Hiện thời, chúng ta chưa có bất cứ xác nhận nào về sự bất thường của não những người bị ảnh hưởng, nhưng ngày vẫn còn khá sớm, nên chú ý.”

Tôi thấy Chủ Tịch Thanh Tra Os Cara Stauffenberg đứng dậy. Chắc là bà vẫn còn ở trong cái lều hồng ở Sahara. Trong phút chốc, tôi tưởng hình như bà ấy trừng mắt với tôi, nhưng tôi đang quá bận tránh nhìn bà.

Liệu Cian có tự vẫn nếu Chủ Tịch đã không bắt tôi cuốn gói đi về từ Sahara? Liệu Cian có thực sự sẽ đâm dao vào chính cổ mình nếu tôi không bị gửi về Nhật để đi ăn trưa cùng cô và nhìn cô làm điều ấy?

Hay là thể nào cô vẫn sẽ làm, với con dao cô đang dùng để cắt cà chua trong ngay nhà bếp của mình?

<memory>[8]

Muốn bơm đầy phòng tắm bằng khí độc ư? Trên cả dễ.

</memory>

Chẳng phải Miach đã nói như thế à?

<maxim>

Mỗi người cất trong mình tiềm năng lấy mạng kẻ khác.

</maxim>

Tôi có sức mạnh.

Tôi có thể giết ai đó.

Ngay cả tôi.

Mỗi chúng ta giữ trong mình sức mạnh để phá hủy thứ gì đấy quan trọng.

Phải chăng Cian đã tự tử, sau 13 năm trễ nải, chỉ để hiểu thật đúng ý nghĩa những lời mà Miach dành cho cô? Có phải tôi là kẻ duy nhất còn sót lại đằng sau?

“Trong vòng 2 tiếng nữa kể từ bây giờ ở cuộc họp khẩn cấp chung của WHO tại Geneva, tôi sẽ nói chuyện với mọi sinh phủ và cho họ biết rằng cái này, sự hỗn loạn này, là bằng chứng của một cuộc tấn công triệt để chống lại chủ nghĩa sinh mệnh,” Chủ Tịch thông báo.

“Trong vai trò thanh tra viên cao cấp, các anh chị hãy hợp tác với lực lượng an ninh ở khu vực địa phương. Các anh chị đều biết về hiệp ước ràng buộc giữa mỗi sinh phủ với WHO—chúng ta sẽ bắt họ tuân thủ các hiệp ước đó. Tôi muốn mỗi người anh chị phải dẫn đầu trong truy tìm những kẻ chịu trách nhiệm cho vụ việc này, và cho chúng biết chúng ta sẽ không ngồi chơi xơi nước trong lúc chúng đe dọa lối sống của chúng ta.”

Mọi đặc vụ trong phòng gật đầu. Cứ như thế, phiên họp kết thúc, và tôi trở lại phòng khách sạn, bị vây quanh bởi những túi xách chưa giở.

Không như các thanh tra viên khác, tôi không có nhiều thời gian. Tôi phải bắt đầu ngay lúc này.

<recollection>

Mới 2 giờ trước, thủ lĩnh can trường của chúng tôi - Chủ Tịch Thanh Tra Os Cara Stauffenberg đã mở một buổi họp mật trong AR với tôi.

<scorn>[9]

“Mặc dù không công bố rộng rãi, cô đang chịu quản thúc tại gia. Lại thêm cô đã chứng kiến một trong những người bị liên lụy tự kết liễu mình, nên rất rõ là cô sẽ không được cho phép tham dự vào cuộc điều tra sắp tới. Đừng quên rằng là nạn nhân mới đây của một trải nghiệm gây chấn thương cảm xúc, cô dường như đã chịu một tổn thương tâm lý. Phần lớn quy định sinh phủ ra lệnh rằng bất kì thành viên hội đồng nào từng kinh qua một sự kiện kịch tính phải chịu tối thiểu 120 giờ gồm cố vấn tâm thần và điều trị thuốc men. Cô sẽ không buộc phải có mặt trong cuộc họp khẩn của thanh tra Cục Xoắn Ốc sắp diễn ra trong 2 giờ tới.”

</scorn>

Tôi cười phá. Hiển nhiên là tôi nên được dự phần vào điều tra chứ. Và thấy bạn mình tự sát là chấn thương cảm xúc? Đùa hả? Nếu tôi mà dính phải chấn thương cảm xúc, nó phải là lúc tôi chết hụt ở tuổi 15 rồi. Không, nó phải là lúc tôi cố tự sát bằng cách bội thực, rất lâu trước khi tôi gặp Mihie Miach. Đừng có nói với tôi về tổn thương tâm lý. Tôi đã bị tổn thương hàng năm ròng rồi.

<laugh>[10]

Nhưng tôi đã không nói vậy. Trái lại, tôi chào biệt Chủ Tịch Thanh Tra Stauffenberg và cho bà ấy biết là tôi sẽ rất vui vẻ sử dụng khoảng thời gian rỗi rãi mới tìm được này để làm thông cáo báo chí loan truyền cho giới truyền thông về bao nhiêu người chúng tôi ở trại giám sát hòa ước Niger đã bắt tay trong bao hành vi thả mình phóng đãng, trơ trẽn.

</laugh>

Bà hỏi tôi có nghiêm túc không.

“Vô cùng nghiêm túc.”

<press release>[11]

<i: Thú nhận, phần I>

<d: Trong hơn nửa năm, chúng tôi đã chép các bản patch chủng ngừa từ máy chủ sinh phủ mà không có sự cho phép rồi cung cấp chúng cho Tuareg, những người dính dáng tới xung đột có vũ trang bấy giờ.>

<i: Thú nhận, phần II>

<d: Đổi lại cho đã cung cấp những thứ này, chúng tôi nhận các thùng gỗ chất đầy các chất độc hại đáng xấu hổ, chẳng hạn rượu, thuốc lá, và thậm chí từng một lần, chất ma túy gây ảo giác.>

<i: Thú nhận, phần III>

<d: Chúng tôi đã sao chép và cài đặt DummyMe, có bán trong chợ đen, và dùng chúng để làm giả thông tin cơ thể chúng tôi hòng lừa gạt máy chủ tư vấn sức khỏe.>

</press release>

Tôi mong muốn mỗi người sống trong mỗi sinh phủ trên toàn thế giới biết chính xác chúng tôi đã làm gì, dẫu cho nếu sự tiết lộ đó có thể phá hỏng tình trạng đình chiến mong manh giữa người Niger và phe Kel Tamasheq rồi quẳng nó khỏi vách đá, dẫn tới cái chết của vô vàn sinh mạng cũng như sự tuyệt vọng hoàn toàn của Cục Thanh Tra Xoắn Ốc vì hậu quả là nó mất sạch quyền lực.

Hơn nữa, tôi nói thêm, nếu trí nhớ tôi đúng, do bản chất công việc thực hiện ở khu vực mâu thuẫn, đặc vụ Cục Xoắn Ốc được cho 5 ngày hoãn án trước khi bị yêu cầu phải trình diện trước liệu pháp điều trị bắt buộc cho sự cố chấn thương bất ngờ, thưa bà.

Tôi hả hê khi thấy một cơn ớn lạnh chạy dọc người Chủ Tịch Thanh Tra Os Cara Stauffenberg khi tấm lông cừu bong ra khỏi thuộc cấp bất tuân, lạc lối của bà. Nhất định, bà đang tự hỏi làm thế nào mà một kẻ với nhân cách bị hư hỏng nặng vậy có thể lẻn vào hàng ngũ cấp cao trong một đơn vị xuất sắc của WHO.

Có điều tôi biết bà ta không run sợ vì tôi. Bà đang run sợ trước con ma vô hình, vô danh của Mihie Miach đang đứng ngay bên tôi. Những lúc thế này, tôi hay cảm thấy cứ như lời của Miach tuôn khỏi miệng tôi.

Tôi đếm ước chừng 30 giây gồm giận dữ, hối tiếc, và do dự trôi qua trước khi Chủ Tịch nói lần nữa.

“Được rồi. Cô sẽ tham gia vào cuộc điều tra.”

Tôi gật đầu, thỏa mãn.

“Tuy nhiên,” bà chêm vào, “dù có thể cô có thời gian hoãn, đừng mơ tưởng cô sẽ thoát khỏi điều trị. Đến cả tôi cũng không thể. 5 ngày nữa từ bây giờ, cô sẽ được chuyển vào một trung tâm cấp cứu đạo đức để trải qua chế độ chữa bệnh toàn phần.”

Đây gần là điều tệ nhất mà Chủ Tịch Thanh Tra Stauffenberg có thể đe dọa tôi, và không có gì bà nói là tin tức cả. Xui rủi thay, bà ta nói đúng. Luật điều trị bắt buộc rất khó để thoát khỏi. Trong thời gian 5 ngày nữa, họ sẽ vất tôi vào một trung tâm cấp cứu đạo đức đâu đó, chất đè lòng tốt và sự chu đáo cho đến khi tôi không thở được, và khi tôi đầu hàng thì họ sẽ giữ tôi trong một nhà xưởng nhuộm-đậm-lòng-bác-ái một vài tuần nữa chỉ để cho chắc ăn. Chừng nào tôi còn là thành viên của sinh phủ, sẽ không có cách trốn tránh.

Tôi có 5 ngày. Tôi chỉ hy vọng bấy nhiêu thời gian đó sẽ đủ cho tôi luận ra tại sao Cian chết.

</recollection>

Phần: 02

<movie:ar:id=6aehko908724h3008k>

Ngày đấy, đã tìm thấy một sợi dây hoàn hảo trong tủ chứa của ông.

Hình ảnh hoàn toàn là từ góc nhìn thứ nhất, nên tôi thực ra không thể thấy được mặt ông ta, tuy tôi biết mặt ông thế nào từ một cửa sổ dữ liệu nhỏ ở góc phải dưới trong tầm nhìn của tôi.

Tokume Ichiro; nhà thiết kế khuôn mẫu lối sống; 38 tuổi.

Đây là những người thiết kế đường lối người khác nên sống thế nào. Là một nhánh của tư vấn sức khỏe.

Họ sẽ nhìn cân bằng nội tiết tố, mức đường huyết, CRP, GTP[12] của bạn—toàn bộ số liệu đều được cung cấp bởi WatchMe—rồi xác định một khuôn mẫu lối sống nhằm tối ưu hóa sức khỏe cũng điểm SA của khách hàng. Họ sẽ nghĩ ra “công thức” lối sống, nó bảo khách hàng phải ăn gì cho bữa sáng, bữa trưa và bữa tối; môn thể thao nào họ nên tham gia vào; và nơi hiệu quả nhất cho họ đi làm tình nguyện vào thời gian rỗi.

Vạch ra cuộc sống hằng ngày của người khác.

Vạch ra cuộc đời của người khác.

Tôi không ngạc nhiên nếu bản thân Tokume Ichiro cũng đang sống theo một phác họa lối sống được cố vấn sức khỏe nào khác trao cho ông. Đó là cách bạn sống trong xã hội hậu tiêu dùng[13].

Bây giờ nhà quy hoạch cuộc sống này đang khéo léo cử động ngón tay, giữ sợi dây cao ở chỗ ông có thể thấy và thắt một nút tạo thành một vòng. Mặt nào đó, tôi không nghĩ điều ông ta đang làm có liên quan đến cân bằng nội tiết tố hay GTP hay bất cứ cái gì của ông.

Tiếp đến, ông bước vào phòng bếp, nơi ông tìm thấy một ghế đẩu con—chắc là thứ vợ ông đứng lên khi cần với lên phần trên chạn tủ. Tôi thấy ông ta cầm nó lên rồi trở lại phòng khác, nơi ông đang cột dây nãy giờ. Tại đó, ông đứng lên ghế đẩu rồi bắt đầu vòng đầu kia sợi dây qua một vật cố định nhẹ ở giữa trần nhà.

Lại một lần nữa, tầm nhìn của ông hạ thấp lúc ông bước xuống và bắt đầu đi dọc qua nhà mà tới phòng tắm. (Tôi thắc mắc ông ta định làm gì vậy?) Tôi quan sát ông mở nước lên, rồi mọi thứ tối mịt vì ông nhắm mắt. (Ông ta đang rửa mặt.) Lần tiếp theo mở mắt ra, Tokume Ichiro đang lau mặt bằng một chiếc khăn. Tôi thoáng thấy nét mặt của ông trên gương chỉ trong giây lát.

Không một tí cảm xúc.

Đôi mắt trống rỗng, miệng há hốc. 3 cái hố trống hoác.

Trở lại phòng khách. Cái thòng lọng đang đu đưa nhẹ nhàng trên trần nhà. Khi bước lên ghế đẩu, ông ta nhìn xuống chân rồi lại trở mắt lên. Vòng thòng lọng choàng quanh tầm nhìn của tôi rồi biến mất, xuống quanh cổ Tokume Ichiro. Tầm nhìn tôi lúc lắc dữ dội.

Giờ chúng tôi đang lắc tới lắc lui, mắt nhìn ra nội thất phòng khách. Ghế sô-pha màu hồng nhẹ. Màn hình trên tường. Vật liệu tường thông minh làm nó trông như thạch cao. Chúng tôi quay một vòng quanh trục đứng của sợi dây, cứ như Ichiro muốn tôi trông thấy nơi ông đã sống với vợ mình. Mọi thứ đều được ghi lại.

Mời vào, mời xem nhà tôi!

Đây là phòng khách. Đây là nơi tôi treo cổ.

Dĩ nhiên, tôi chỉ là đang coi lại những gì mà AR áp tròng của ông đã thâu lại. Tokume Ichiro, 38 tuổi, đã qua đời khi toàn trọng lượng của thân thể ông giật đốt sống cổ của mình. Nếu mà muốn, tôi đã có thể quan sát tín hiệu phản hồi cho tới lúc người ông ngừng cung cấp dòng điện tới thủy tinh thể và nó trở tối—một điểm dừng tự nhiên tốt để ghi lại vài phút cuối cùng của ông trên cõi đất.

</movie>

Vụ tự sát từ góc nhìn thứ nhất tắt phụt.

Trong 6 582 trường hợp, 2 049 người đã mang AR áp tròng lúc hành sự. Những gì họ thấy vào thời khắc cuối cùng được lưu trữ trên máy chủ, mang lại cho chúng tôi ghế đầu cận cảnh chi tiết về cái chết của họ.

Tròng AR theo dõi các tiêu điểm, và tôi muốn coi Tokume Ichiro đã nhìn cái gì. Một con trỏ bíp bíp quanh màn hình, đánh dấu bất cứ nơi nào mắt ông nhìn tới. Sau đó, các vật thể và góc nhìn được liệt kê và chạy qua vài khung chương trình để phân tích trạng thái tinh thần ông Tokume trong 10 phút cho tới lúc chết. Kết quả, hiển thị đậm nét ở một màn hình khác, không có gì đáng kinh ngạc.

Khuynh hướng trầm cảm nặng.

Khuynh hướng tự sát.

Tôi quyết định coi thêm 100 thước phim tương tự khác ở tốc độ x3. Mỗi cái dài khoảng 12 phút. Chia 3 rồi nhân 100 thì bằng 400 phút.

Tôi cài đặt lệnh và ngồi thụt lui, chỉ chưa tới 7 tiếng, để coi những cái chết của 100 người chọn ngẫu nhiên từ 2 049, hết cái này tới cái khác.

Cơ sở dữ liệu về phim tự tử.

Tôi không tưởng nổi gì khác ngoài một đống vụ tự sát không có lời giải thích, cần đến việc tạo ra một bộ sưu tập bệnh hoạn như vậy.

Mỗi người trong cơ sở dữ liệu chỉ trình diễn trong 10 phút, lý do là vì toàn bộ hành động rất mau chóng. Cứ như là mỗi người bọn họ có ba mẹ đã căn dặn mình không bao giờ để việc có thể làm hôm nay cho ngày mai, và họ đã nghe lời. Người tiều phu ở Canada đang chặt một cây thông to lạ thường khi bất thình lình anh ta rút cái cưa máy ra và cắt xuyên chính cổ mình. Tôi theo dõi tầm nhìn của anh ta chòng chành, rồi rơi xuống cho đến khi nó lăn long lóc trên thảm lá lộn xộn đang phân hủy.

Cảnh chiếu chuyển sang nạn nhân kế tiếp.

<movie:ar:id=8dhkie470267k9948s>

Tôi đang nhìn chính mặt mình, ở một thời gian và địa điểm khác. Hơi thở tôi dừng lại.

Kính, kính trên tường.

Cô ấy là một trong 100 nạn nhân được chọn ngẫu nhiên.

Tôi đang nhìn chăm chú vào mình. Một người chết đang nhìn tôi.

Tôi nhìn vào bản thân, Kirie Tuan, qua đôi mắt của người bạn mình, người trong vài phút nữa sẽ cắm con dao ăn lút họng cô và vẽ lên các bức tường của nhà hàng bằng máu cô.

<silence>

<fear>[14]

Mặt tôi. Da sạm chút ít vì tia cực tím của Sahara.

Thật là một cái gương kệch cỡm.

Nhà hàng Ý trên tầng 62 của tòa nhà Đồi Lilac.

Tầm nhìn đi từ mặt tôi xuống những lát đỏ tươi và trắng sáng trên đĩa của cô—món insalata mà cả hai chúng tôi gọi. Tôi nhận ra mọi chuyện đang chạy ở tốc độ bình thường thì mới thấy tôi hẳn đã tắt chế độ tăng tốc lúc nào thậm chí còn không hay biết. Con trỏ báo tôi biết Cian đang tập trung trên những lát cà chua đỏ và mozzarella trắng tinh đặt trên đó.

<horror>[15]

“Tớ xin lỗi, Miach.”

</horror>

Ấy là câu Cian sẽ nói trong vài giây nữa.

Tôi nghe những lời ấy vài khắc sau khi tiên đoán.

Sự tập trung của Cian chuyển tới khăn trải bàn, và tôi thấy cánh tay và bàn tay khỏe mạnh, chẳng mập cũng không gầy, của cô lướt vào tầm mắt. Bàn tay nắm lấy con dao bên phải đĩa ăn của cô, siết tay cầm với lưỡi dao chĩa xuống, trong khi tôi trơ mắt nhìn. Một bồi bàn bước tới để rót đầy ly nước của tôi—

<limit:patience>[16]

Tôi tắt AR.

</limit>

</fear>

</silence>

</movie>

Phổi tôi gào hét đòi không khí, còn não tôi đồi oxy. Tôi đã quên mất phải hít thở lại.

Âm thanh tiếng thở dài của tôi lấp chỗ trong phòng họp của WHO chi nhánh Nhật Bản mà tôi đang dùng cho phiên quan sát nho nhỏ của mình.

May mà tôi chỉ còn một mình trong phòng. Tôi là Đặc vụ Cục Xoắn Ốc duy nhất tại Nhật khi sự kiện xảy ra, may cho tôi. Nhờ thế tôi sẽ không bị buộc phải hợp tác với bất kỳ đặc vụ nào khác.

Có lẽ tôi nên đi chữa trị lập tức. Có lẽ tôi nên tới một trung tâm cấp cứu đạo đức nào đó có tường cotton trắng để trốn khỏi những lời bật ra từ miệng Cian.

Bình tĩnh nào. Thở đều đi.

Không phải mày muốn tìm hiểu tại sao Cian chết à? Không phải mày đã hăm dọa sếp mày để có cơ hội tìm hiểu ý nghĩa những lời trăng trối của bạn mày à? Mày thấy mình đang nhìn bạn mày ngay trước lúc cô ấy chết, thì sao nào? Mày thở gấp chỉ vì nhớ một vài chữ?

Tớ xin lỗi, Miach.

Bấy giờ một điều chợt nảy trong tôi.

Trong số 100 nạn nhân được tôi chọn ngẫu nhiên, Cian là người duy nhất nói gì đó trước khi chết. Tại sao cô là người duy nhất để lại lời trăng trối? Thậm chí chúng có phải là “lời trăng trối” không, như chúng ta thích nghĩ vậy, hay đơn thuần là cô ngẫu nhiên bật ra? Lựa chọn của tôi thật sự là tùy tiện, dù tên Cian có trên danh sách chỉ là tình cờ, tôi vẫn thấy khó mà tin 99 người khác vô tình không nói gì trước khi tự kết liễu đời mình, hay còn để lại một mẩu giấy ghi chép.

“Tìm kiếm khắp các bản ghi và chỉ đưa ra những bản có chứa giọng nói của chủ thể,” tôi ra lệnh cho cơ sở dữ liệu. Nó cho tôi vài kết quả, toàn là những mẩu hội thoại tầm phào hằng ngày với gia đình hay bạn bè, chẳng cái nào có vẻ liên quan theo cách nào đó đến các biện pháp tự vẫn tối ưu mà họ sắp thực hiện.

Tớ xin lỗi, Miach.

Mỗi mình Reikado Cian là ngoại lệ. Người duy nhất có điều muốn nói.

Là cái tên của cô gái đã chết, đã bỏ lại chúng tôi - những kẻ đào ngũ hèn nhát - ở sau lưng.

Tôi đã quay về nơi Miach gọi là “ngoại thành của linh hồn”. Về một tương lai dằng dặc vô tận, chán chường của những khu chung cư, bức tường vật liệu thạch cao nano của chúng được sơn màu nhàn nhạt.

Tôi lấy một khẩu automag[17] từ khách sạn. Tôi không quan tâm đến trải nghiệm sự kinh hoàng của tàu điện ngầm lần nữa, cũng chẳng quan tâm tôi có thấy thích trở lại nhà mình không. Tôi ở đây là để thăm ba mẹ Mihie Miach.

Tớ xin lỗi, Miach.

Chính xác thì tôi không thể tới cảnh sát hay Chủ Tịch Thanh Tra Os Cara Stauffenberg và kể họ rằng cò súng cho 6 582 người khắp thế giới lấy mạng chính mình là những chữ đó—những chữ chỉ quan trọng đối với tôi, Cian và Miach. Họ sẽ không tin tôi. Thực tế, chắc là họ sẽ khuyên tôi đi điều trị tức khắc.

Tôi không dám chắc mình sẽ có thể giải thích nguyên do sắp đi tìm ba mẹ Miach. Hiển nhiên không phải vì một trong 6 582 người đã nhắc đến tên cô trước khi tự sát.

Thú thực, tôi cũng không tin tôi mấy. Tôi đã tới đây dựa trên sức mạnh từ một manh mối bạn khó lòng gọi đó là manh mối, một dự cảm không đáng tin cậy để gọi là dự cảm, và một cảm xúc hao hao nỗi sợ—sợ bóng ma của Mihie Miach. Trong một thế giới mọi thứ công khai, lý do của tôi riêng tư đến nỗi suýt nữa thì thành dâm đãng.

Qua tròng AR, ai ai trên thế giới cũng mang

<list:item>

<i: tên>

<i: tuổi và nghề>

<i: điểm xã hội đánh giá>

<i: tình hình sức khỏe hiện tại>

</list>

của họ trên ống tay áo. Nheo mắt một chút vào ai đó bạn thấy trên đường, thì một hộp dữ liệu sẽ xuất hiện cạnh đầu họ, cho bạn biết mọi điều bạn có thể muốn biết về họ. Trong xã hội sinh mệnh chủ nghĩa, nơi tiết lộ thông tin cá nhân được coi là nghĩa vụ đạo đức, đặc biệt là khi liên quan đến sức khỏe, từ riêng tư bốc mùi bất hợp pháp của sự kín đáo.

Thành thử tôi tự mình đi điều tra, sử dụng tối đa quyền hạn được Hiệp Định Geneva ban cho tôi với tư cách Đặc vụ Cục Xoắn Ốc. Ba mẹ Mihie Miach đã chuyển nhà sau cái chết của con gái họ vài tháng, nhưng tôi chẳng mất bao lâu để dò ra nhà mới của họ.

Khu vực xung quanh là một trong các khu tập thể sinh phủ có camera an ninh giám sát mọi khách quan đường. Ở lối vào khu vực, bạn phải đổi từ bất cứ phương tiện di chuyển mà bạn đã dùng sang xe từ trường do khu tập thể cung cấp. Tôi bước ra khỏi xe và đi bộ lên tới trước cửa nhà, rồi ấn ngón trỏ vào tấm bảo vệ nắm cửa[18].

<recollection>

“Nè, Tuan, cậu có biết là người ta từng thường đập tay lên cửa không?”

Giọng nói của Miach trong trí nhớ tôi.

“Hồi trước không có cách nào để biết ai đang đứng ngoài cửa nhà cậu cả. Vài người lắp đặt kính mắt cá trên cửa, nhưng đó cũng chạm mốc giới hạn công nghệ rồi. Mà lúc đó mù mờ về những người quanh cậu không hề hấn gì lắm—nửa thế kỷ trước không có chuyện hiển thị thông tin cá nhân mọi lúc mọi nơi. Ngày nay, ta chỉ cần chạm vào cái tấm trên cửa và mọi thông tin của cậu sẽ được đăng lên tường hay gì đấy trong AR của người bên trong, tuy nhiên họ không có bất kì cách nào để làm thế ngày trước.”

“Vậy là họ cứ đập cửa? Thật quá, nguyên thủy, tớ không biết nữa,” Cian nói.

“Đấy là cách dễ nhất để thông báo sự có mặt của họ cho bất cứ ai bên trong. ọ gọi đó ‘gõ cửa’. Cậu dùng khớp đốt ngón tay, như vậy này.” Miach minh họa lên tường lớp học. “Khi một người bên trong nghe tiếng gõ cửa, họ sẽ kêu lên ‘Ai đấy?’ rồi người bên ngoài sẽ đáp lại ‘Là người này đến từ chỗ nọ.’ Và người bên trong sẽ phải nhận diện người kia qua lời nói. Vậy, các cậu nghĩ thử mà xem, mỗi lần mở cửa, cậu đang mạo hiểm một chút đó.”

Cian và tôi hăng hái gật đầu, mắt đắm đuối trước Mihie Miach, nguồn kiến thức dường như vô biên.

“Nhưng cậu phải hiểu là con người đang mệt mỏi với chuyện lúc-nào-cũng-cho-mọi-người-biết-mình-là-ai. Thật vướng víu vì cứ phải chứng tỏ ta đang khỏe mạnh và ta đang chăm sóc bản thân tốt. Chúng ta oải rồi, phải không? Người ta không cần phải đi loanh quanh với cái thẻ dán trên đầu, mỗi phút mỗi giây xác nhận với thế giới chính xác họ là ai.”

“Nè, Tuan—”

Một ký ức khác.

“Cậu có biết ngày xưa từ riêng tư không phải là một từ thô tục.”

Tôi ngúc ngoắc đầu, mắt lướt quanh lớp. Tôi đã không thể tin nổi cô ấy vừa nói từ đó ở trong lớp, giữa ban ngày ban mặt.

Mà Miach cũng chẳng bận tâm tới ai nghe được phát ngôn của cô.

“Là bởi,” cô tiếp tục, mạch lạc, “thông tin về bản thân cậu thường chỉ cậu và một số ít khác biết. Đó là ý nghĩa của riêng tư. Nhưng hiện tại, những thứ từng là riêng tư đã trở nên công khai, nên điều ‘riêng tư’ duy nhất ngày nay là tình dục. Nào, cậu nghĩ tại sao chuyện đó xảy ra, Cian?”

Cian nhún vai.

Vì lý do nào đó, một tia sáng lóe qua trong đầu tôi vào khoảnh khắc ấy. “Giống như chúng ta trao mình làm con tin cho thế giới để đảm bảo tư cách tốt đẹp của chúng ta,” tôi hăm hở nói.

Miach mỉm cười. “Đúng vậy, Tuan, thực là vậy.”

Tôi còn nhớ mình đã cảm thấy chút phấn khởi khi nói được điều gì đó làm cô ấy vui lòng.

“Giống y như Tuan nói. Bằng cách cho mọi người khác biết từng chi tiết nhỏ nhặt về bản thân ta, chúng ta sẽ đảm bảo rằng mình sẽ không thể lỉnh mất với cái gì. Từ bỏ ý chí tự do dễ lung lạc của mình để làm con tin cho tất tần tật những người khác trong xã hội và ta được hứa chắc chắn tình hình sẽ tiếp tục an toàn và yên bình.”

Đây là cách Miach truyền thụ sự khôn ngoan, từng chút từng chút, cho chúng tôi những cô gái nhỏ ở một góc lớp học, giải thích chính xác cho chúng tôi biết nguyên do chúng tôi quá bức bối và cảm thấy mình không thuộc về nơi này.

Giờ nghĩ lại, tôi thấy ngạc nhiên rằng hồi ấy tôi chưa bao giờ chợt thắc mắc ba mẹ Miach là kiểu người thế nào. Tôi chưa bao giờ gặp họ, và Miach cũng chưa bao giờ nói về họ.

Rốt cuộc, tôi đã kể cho Miach rằng ba tôi là ai, rằng ông đã viết luận án dẫn tới sự phát minh WatchMe, rằng ông đã đóng góp đáng kinh ngạc cho thế giới mà chúng tôi khinh miệt.

Những gì Miach nói là “hử.”

Cô chẳng bỏ lọt tai. Cô chẳng ghét tôi. Cô hầu như chẳng phản ứng.

</recollection>

Bây giờ tôi thấy mình thật sự tò mò kiểu ba mẹ nào mới nuôi dạy được một cô con gái có thể cười trong khi nằm mơ giữa ban ngày và lớn tiếng về làm thế nào sử dụng một medcare unit gia dụng để giết 50 000 người. Tôi cất ngón tay khỏi tấm bảng và lặng lẽ chờ đợi câu trả lời.

“Tôi có thể hỏi chuyện gì khiến một nhân viên của tổ chức quốc tế cần đến chúng tôi không?” cánh cửa nói, phá tan khoảng lặng và dứt tôi khỏi cơn mơ màng về với thực tại.

“Tôi đến từ Cục Thanh Tra Xoắn Ốc—tôi cho là bà đã thấy trên ID của tôi rồi. Chúng tôi là một nhánh của WHO chuyên về điều tra. Tôi hy vọng có thể nói chuyện với bà một lúc về vấn đề tự sát hàng loạt ở Hội Đồng Sukunabikona hôm qua.”

Cánh cửa mở ra và một người phụ nữ xuất hiện. Trông bà đã vào cuối tuổi 50. Đó là Mihie Reiko, mẹ của Miach.

<disappointment>

Mặt bà không chút gì giống với sự ngoan bướng hư đốn của Miach, cái “vầng hào quang đen tối” không có từ nào hợp hơn để tả ấy—không chút gì giống sức sống lập dị của cô ấy. Trái lại, mặt bà giống bất kì thành viên sinh phủ nào khác, giống những người tôi gặp trên đường tàu điện ngầm khi quay lại Nhật. Họ khỏe mạnh nhưng thiếu sinh lực, mặt nào đó là vậy. So với người Kel Tamasheq có cơ thể, quấn trong màu chàm, thực sự phảng phất sức sống xuất phát từ lịch sử sâu sắc của họ, con người sống trong đất nước này tựa hồ xác sống vậy.

Đó là tiến trình, Mihie Miach sống trong tôi cất tiếng. Con người càng tân tiến bao nhiêu, họ càng gần tới cái chết bấy nhiêu.

</disappointment>

“Tất nhiên là tôi rất vui được giúp đỡ mọi mặt có thể. Tôi chỉ không chắc là chuyện gì.”

“Tôi muốn hỏi bà về con gái bà, Miach.”

Mặt Reiko sầm lại. Tôi thấy sự hoang mang trong mắt bà.

“Con gái tôi đã ra đi—chết—hơn 10 năm nay. Tôi rất tiếc, nhưng tôi không thấy có mối liên hệ nào.”

“Vâng, tôi biết,” tôi nói, lấy làm lạ khi người phụ nữ này dường như không nhớ bạn của con gái mình, hay là chuyện tôi đã thề nguyện sẽ tự vẫn cùng cô ấy. Hay tôi từng là một trong 3 cô gái dại dột.

“Thực ra, tôi muốn nói chuyện với bà về con gái trước khi chết.”

Đôi mắt người mẹ rũ xuống như thể bà đang lục lọi sâu trong ký ức, tìm kiếm thứ bà đã mất từ lâu. “Vâng, đây khó là chuyện dễ nghe, nhưng khi con gái tôi còn nhỏ, nó thường cố tự vẫn. Con bé đã cắt cổ tay vài lần.”

“Tôi cũng biết chuyện ấy. Hồ sơ chúng tôi có ghi chép,” tôi nói dối.

Reiko, cháu đã ở đấy cùng cậu ấy. Cháu đã suýt nữa theo cậu ấy xuống tận địa ngục. “Tôi cũng biết,” tôi nói, “rằng cô ấy đã tự sát bằng cách ăn quá mức, rồi bằng cách không ăn gì cả. Cứ như cô đang cố phá hoại cơ thể quý giá của mình chính xác là vì nó rất đỗi quý giá.”

Từ sắc mặt người phụ nữ, tôi biết mình đã bắn trúng tim đen. Và sự thật là vậy. Chúng tôi đã cố chết vì họ bảo chúng tôi cơ thể chúng tôi là tài nguyên của chung, vì họ cứ bảo cơ thể chúng tôi không thuộc về chúng tôi.

“Chúng tôi yêu con bé, thật sự là vậy. Chúng tôi muốn con bé lớn lên khỏe mạnh, đóng góp cho xã hội. Nhưng vợ chồng tôi đã thất bại. Nó luôn luôn thông minh hơn chúng tôi rất nhiều, và mạnh mẽ hơn, ấy vậy, đồng thời, yếu ớt—một bé gái mỏng manh.”

“Vậy việc gì đã xảy ra?”

“Chuyện khá là dài. Có lẽ cô nên vào trong,” Reiko nói, rời bước khỏi cánh cửa. Bà dẫn tôi vào một phòng khách cực cực bình thường, ra dấu mời tôi ngồi lên ghế sô-pha, rồi biến mất vào bếp, tiện lúc đi hỏi tôi có thích mùi hoa oải hương không. Tôi ậm ờ không rõ ràng, thật sự không có ý kiến trong chủ đề này.

“Mời cô,” bà nói khi trở lại và đưa tôi một ly nước. Tôi nhận lấy. Nó đúng là có mùi hoa oải hương. Là một xu hướng gần đây—sử dụng medcare unit của bạn để thêm mùi vào nước uống. Chắc hẳn cần phải xem xét lại toàn bộ quan niệm hương trị liệu rằng mùi có thể giúp tạo cảm giác dịu lặng.

Phải 80% các sinh phủ là vầy: nhà sơn màu hồng nhạt và dùng mùi hoa oải hương.

“Thế, bà đã gắng giúp cô ấy, và chuyện gì diễn ra?” tôi hỏi Reiko khi bà ngồi xuống đối diện tôi. Người phụ nữ đã từng là mẹ của Miach—tôi cho rằng thực ra đến giờ bà vẫn vậy—hướng mắt về phía những cành cây cọ lùn xoắn cong mọc ngoài cửa sổ.

“Miach là con nuôi. Có lẽ cô còn nhớ chiến dịch sinh phủ vận động nhận nuôi các trẻ mồ côi trong chiến tranh để cân bằng với vấn đề xã hội đang già của chúng ta không? Có những áp-phích đó: ‘Nguồn tài nguyên tốt nhất là tuổi trẻ’. Chúng tôi đã cố gắng có một đứa con riêng, song bác sĩ đã nói tôi rằng tôi không thể sinh con. Khi chồng tôi và tôi mường tượng cuộc sống dài đằng đẵng trước mặt, nhờ ơn WatchMe, chỉ là những năm già dần đều đi, nó dường như quá…… tẻ nhạt, quá đều đều. Thật kinh khủng, chúng tôi nghĩ vậy, và buồn làm sao. Chắc là cô nhớ cuộc nội chiến ở Chechnya?”

Tôi kể cho bà ấy rằng nó vẫn còn tiếp diễn.

“Vậy ư? Ờm, Miach đến từ nơi đó. Con bé là con của một dân tộc thiểu số ở đấy, một cộng đồng rất nhỏ, công chức sinh phủ nói chúng tôi vậy. Đặc điểm mặt mũi của họ giống chúng ta khá nhiều, và con bé chỉ mới 8 tuổi lúc chúng tôi nhận nuôi, nên họ bảo nó sẽ gặp vấn đề gì trong việc làm quen với gia đình và lối sống của chúng tôi. Tất cả là tin vô cùng tốt đối với chúng tôi. Họ có nhắc đến rằng con bé đã từng trải qua một quãng thời gian bị đối xử khá tàn bạo, nhưng đã được đặc trị cho tổn thương của mình rồi, mọi điều chúng tôi cần làm là cung cấp một mái ấm gia đình yêu thương con bé.”

<surprise>

Miach, trẻ mồ côi trong chiến tranh? Tôi dám cá là cô ấy chưa bao giờ nói cái gì về vụ đó. Và cả tôi lẫn Cian chưa một lần nghi cô không phải người Nhật. Cô nói lưu loát, và tùy cô có một nét đẹp ngoại lai nào đấy, chúng vẫn vừa khít hoàn hảo trong tiêu chuẩn Nhật Bản.

</surprise>

Trong chuyến công tác, tôi đã có vài cơ hội gặp gỡ với những lính nhí—một trong rất nhiều cảnh mà AI màng lọc xã hội luôn giữ ngoài kho truyền thông sinh phủ bởi nguy cơ gây chấn thương tâm lý cho người xem.

Tôi nhớ lại những đứa nhỏ ở một trong nhiều nước châu Phi tôi đã ghé qua, chúng vác những khẩu AK-47 truyền thống và một vài khẩu M-4 từ Mỹ. Trẻ con. Đất nước chúng đang lừ đừ chuyển dịch từ chính phủ lạc hậu sang hệ thống sinh phủ, song vẫn còn các bè phái vũ trang đó đây, và than hồng xung đột vẫn còn âm ỉ.

Chúng tôi đang ngồi vào bàn thương thảo, đối diện với một cậu nhóc 12 tuổi. Một cậu nhóc tình cờ là thủ lĩnh của lực lượng vũ trang gồm 140 cậu bé mạnh mẽ—tôi không gọi chúng là “đàn ông” vì chúng cũng là con nít. Đôi mắt chúng đờ đẫn khi xem xét những món hỏa lực mà chúng tôi mang đến cho chúng để đổi lấy xì gà và thuốc phiện.

Chechnya thì tôi chưa từng tới, nhưng tôi đã nghe nhiều tin đồn rồi. Theo lời thanh tra Cục Xoắn Ốc trong khu vực, đầu nậu buôn hàng quân sự có giao kèo với quân Hiệp Định Geneva ở đó đã gây náo loạn trong vòng do hàng loạt sự lạm dụng luật, chỉ nhằm mục tiêu gia tăng sự căm ghét và sự ngờ vực của nước cộng hòa nhỏ bé đối với láng giềng to con.[19]

Và Miach đã ở đấy, ngay chính giữa thảm kịch. Tôi biết những tội ác gây ra lên trẻ em trong khu vực chiến sự. Giờ thì tôi nghĩ có khả năng Miach đã tự mình xem hay chịu nhiều hành vi tội ác. Lần đầu tiên tôi ngộ ra rằng Miach đã mang trong mình thứ gì đó, một mảng tối cô không kể cho bất cứ ai—ngay cả tòng phạm của cô. Lại càng ấn tượng hơn khi việc cô đến từ một địa ngục trần gian như thế lại làm cô thù ghét thế giới sinh phủ—nơi đáng lý phải như một thiên đường nếu đem ra so sánh.

“Ban đầu con bé ổn cả. Mọi chuyện đều bình thường. Tuy nhiên khi vào cấp 2, cứ như nó trở thành ai khác, gần như bị ám. Nó bắt đầu cố tự sát. Tôi đã kể cho cô nghe nó toan cắt cổ tay mình thế nào. Rồi, rốt cuộc nó tìm ra một cách để tự hại mình mà không ai biết. Nó kiếm được những món thuốc này—tôi không biết từ đâu ra—chúng ngăn sự hấp thụ dưỡng chất từ thức ăn vào cơ thể. Con bé và một số người bạn đã hẹn nhau sẽ tự vẫn bằng cách đấy.”

<confession>

Tôi là một trong những người bạn đó.

Tôi là cô gái nhỏ 13 năm trước đã thất bại và chưa một giây quên được.

Tôi và Miach và Cian đã cùng uống những viên thuốc nang đấy để giáng một đòn vào cái thế giới đã cố bóp ngạt chúng tôi bằng cách coi chúng tôi quá quan trọng để mà đánh mất. Chúng tôi muốn gây tổn thương cho thế giới, và chúng tôi sẵn sàng làm đau bản thân mình để thực hiện điều đó. Mà, một số trong chúng tôi, ít ra là vậy.

</confession>

Hiển nhiên, tôi không nói gì cả. Bấy giờ, tất cả những gì tôi phải làm để giữ bà ấy tiếp tục nói là gật đầu vào lúc thích hợp và thỉnh thoảng hỏi một câu dẫn dắt thích hợp.

“Tất nhiên, dù khi chúng đã uống thuốc, vẻ ngoài chúng vẫn ăn tốt. Tôi đã không nhận ra điều gì. Cả cha mẹ các cô gái kia cũng thế. Tới lúc tôi nhận ra có điều gì đó không đúng, Miach đã tới nước không còn đường lui.”

Mắt người phụ nữ hạ xuống trên ly nước thơm mùi oải hương. “Chắc là cô nghĩ tôi là một người mẹ thậm tệ, không nhận thấy được chính con mình đang chết trước chính mắt mình.”

“Không, không hề—”

“Không, đều đúng hết. Suy cho cùng, đó là sự thật.” Bà mím môi.

<passion>[20]

“Nhưng, tôi hỏi cô, bậc cha mẹ làm gì khi con họ làm điều chúng ta thậm chí còn không tưởng nổi?” Nước mắt ngân ngấn trong mắt Mihie Reiko. “Tôi biết là nghe giống bao biện, nhưng chúng tôi thật sự đã làm mọi việc có thể để làm ba mẹ tốt của con bé. Chúng tôi đã đi xin lời khuyên từ trung tâm đạo đức và nhờ giúp đỡ ở cộng đồng sinh phủ chúng tôi. Những người trong cộng đồng rất tốt bụng và đã chủ trì vài phiên họp giúp chúng tôi.”

:Đấy là toàn bộ những gì bà có thể nghĩ tới ư? tôi nghĩ vậy, lòng thầm khúm núm. Đó là nghi thức thông tục: nếu một đứa trẻ có vấn đề, bóp mũi chúng với thiện ý cho đến khi chúng không còn nghĩ cho bản thân, hay nghĩ ngợi cái gì cả.

Miach chẳng cần phải làm nhiều để bứt mình khỏi những hạn chế của trí tưởng tượng hạn hẹp, nhu nhược của người phụ nữ này.

“Mỗi lần chúng tôi thử một hướng tiếp cận mới, Miach dường như tuột khỏi tay chúng tôi tựa cát, nó trôi sang một phương khác. Nỗi đau con bé chịu đựng nằm ngoài khả năng thấu hiểu của chúng tôi—không, ngoài cả toàn thể sinh phủ. Nó đau đớn vì lý do mà chúng tôi thậm chí còn không hình dung nổi, nó gào khóc trong yên lặng tuyệt đối.”

</passion>

<disturbed>[21]

Kỳ thực, tôi chưa sẵn sàng nghe lời thú nhận phiền muộn của bà ấy.

Dù cho, là một Đặc vụ Cục Xoắn Ốc, tôi đã quen đàm phán với sinh phủ, vài chính phủ lớn từ chối chịu chết, và phe phái vũ trang, tôi không có công cụ nào để đối phó với kiểu đổ trào cảm xúc chân thực như vầy.

Đây là khung cảnh bạn sẽ thấy ở các phiên chữa trị được cộng đồng sinh phủ tổ chức và ở trung tâm đạo đức. Thế giới mà ai cũng biết mọi thứ về người khác. Chẳng có gì phải ngại khi phô bày cảm xúc của bạn ở đấy. Mọi người ân cần đón nhận gánh nặng của bạn với một nụ cười rồi nhân danh bạn thảo luận làm cách nào để sửa chữa sự việc. Một suy nghĩ dễ sợ, tôi biết.

Đấy là thế giới tôi đã ngã khỏi, đau đấy. Một thế giới tôi đã ly thân.

Đương đầu với lời thú nhận của người mẹ, tôi mới nhận ra mình đã bơ vơ khỏi Nhật Bản—không, toàn thể thế giới sinh phủ tiên tiến thế nào.

</disturbed>

“Tôi xin lỗi. Tôi không nên xúc động về chuyện đã rất lâu này.”

“Không, xin đừng xin lỗi.”

Mẹ của Miach lắc đầu. “Tôi phải vậy. WatchMe của tôi vừa cảnh báo tôi về tình trạng cảm xúc đã quá ngưỡng chấp nhận được để giao tiếp với người khác.”

“À, module giám sát lẽ phải quần chúng?”

“Nó là cứu tinh thật sự, có một cặp mắt khác trong người giúp tôi vượt những chuyện này.”

Cứu tinh, ể? Các medicule WatchMe của bà ấy đã quan sát nhịp tim cũng như cân bằng hormone và nhận ra sự khác thường trong trạng thái thể chất—bởi vậy, trạng thái tinh thần—và nó được thông báo cho bà bằng một tín hiệu báo động gửi tới tròng AR. Nói cách khác, một cách cực tinh tế, WatchMe đang không chỉ dẫn dắt cơ thể bà mà còn cả phong cách của bà. Vậy là bỏ bê sự tự chủ cho kẻ khác. Chúng tôi không phải lo lắng về trạng thái tinh thần của mình nếu có thể có một thước đo bên ngoài đo mọi thứ cho chúng tôi. Phát minh medicule đã đặt cơ thể con người và quy tắc đạo đức cạnh nhau trên bàn thí nghiệm.

Và con người này đây đang chấp nhận chúng - những quy tắc mà Miach đã xỉ vả - làm một phần tự nhiên đến hoàn hảo trong cuộc sống thường nhật, thậm chí còn thấy biết ơn công nghệ—tuy trong phạm vi tôi biết, có lẽ bà đã bí mật ghê tởm nó. Chương trình nhận tín hiệu được gửi từ thân xác và truyền đức hạnh trả lại. Ấy là thứ tôi ghét thấu tận tâm can.

Không nghi ngờ gì nếu Miach đã cảm thấy tương tự.

Có một điểm chung giữa hai chúng tôi, là lòng thù ghét thuần khiết đối với chuẩn mực đạo đức được hơn 80% dân số thế giới áp dụng cho bản thân.

“Tôi định nhắc rằng trên đường tới đây, tôi nghĩ mình sẽ ghé qua mộ Miach và tặng cô ít hoa, nhưng tôi thấy cô ấy không được chôn trong đất gia đình. Dựa trên chuyện bà kể, có đúng là bà đã gửi di thể cô ấy về Chechnya?”

Người mẹ lắc đầu và, sau khi ngừng một lát để trấn tĩnh, bà nói, “Không. Miach đã chủ động ký một chứng thư hiến xác cho khoa học. Đấy không phải là thông lệ bất thường kể từ Thời Kỳ Loạn Lạc.”

Sau giai đoạn hỗn loạn do chiến tranh, ung thư, virus tràn lan, ý tưởng trao thân mình cho khoa học là một trong những việc đáng ngưỡng mộ nhất mà một công dân có thể làm đã nhận được sự tán thành rộng rãi, cho đến khi có một thói quen khá thông dụng là gộp hiến xác cho y học vào di chúc của bạn. Dẫu cho chẳng có lấy một luật từ chính phủ hay điều khoản trong sinh phủ nào ràng buộc hay thậm chí là đề xuất, tục hiến xác cho khoa học vẫn phổ biến.

“Và bà cũng không đặt dịch chiết từ di thể cô ấy vào mộ?”

“Không—chúng tôi đã trao hết cho một giáo sư đại học. Đấy cũng là ước nguyện của con bé. Một người ở thành phố đó tại Trung Đông, một nơi nổi danh về y học mà người ta luôn nói đến, nơi mọi sinh phủ đặt phòng thí nghiệm nghiên cứu—”

“Ý bà là Baghdad.”

Khi quốc gia tên là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ trở thành cường quốc số một thế giới, hồi đầu thế kỷ, khu vực quanh Baghdad đang ở trong tình thế lộn xộn, thối rữa, kiệt quệ vì chiến tranh. Nhưng giờ đây nó như một thánh địa y học trỗi dậy từ cát, chỗ mà mọi tổ chức y dược trong mọi cấp quyền đều muốn đặt trụ sở.

“Vâng, là nơi đó, Baghdad. Một nhà nghiên cứu tại một viện ở đấy đã đặc biệt yêu cầu xác của Miach.”

“Bà có thể cho biết người này là ai không?”

“Vâng. Tên ông ta là Kirie. Kirie Nuada.”

<silence>

<surprise>

Tôi không hiểu tí gì tại sao tên ba tôi thình lình xuất hiện ở đây—người ba đã chọn rời bỏ gia đình để tới với lớp vỏ bảo vệ của phòng thí nghiệm nghiên cứu. Những nghi ngờ luôn quấy rầy tôi cháy phựt lên thành mớ lồng bồng không ngừng nở to. Dĩ nhiên, những năm tháng đối phó với các quân nhân quyền lực và đám chuyên hiếp dâm tập thể ở nhiều khu vực bất ổn khác nhau đã dạy tôi cách không để lộ sự sợ hãi hay bối rối trên mặt, và bây giờ tôi cũng thế.

Kirie Nuada.

Hài hước là ông ta đã bỏ tôi và mẹ tôi lại để dâng hiến mình cho khoa rất sớm sau lần tôi tự sát bất thành với Cian và Miach.

</surprise>

</silence>

“Vì sao, đó cũng là họ của cô mà phải không? Phải chăng ông ta là họ hàng của cô?”

“Tôi không biết điều đó. Bà không có thông tin liên lạc của ông ta đúng không?”

“Vâng, ừm, không may là tôi không thể liên lạc với ông Kirie. Vì vấn đề an ninh phòng thí nghiệm.”

“Ý bà là bà giao xác con gái duy nhất của mình cho một người và bây giờ bà không thể liên lạc với họ? Không hề được ư?” tôi hỏi, hơi nhíu mày cường điệu. Tôi vô tình nghĩ rằng diễn nhập tâm kèm theo chút áp lực sẽ làm người phụ nữ này nói nhiều hơn.

“Không, ờm,……” bà nói.

“Bà có cách để liên lạc với ông ta.” Đó không còn là câu hỏi.

“Vâng, dù tôi đã được dặn là không nói cho ai.”

“Đừng lo. Tôi là điều tra viên của một tổ chức quốc tế. Chiếu theo luật, quyền hạn chúng tôi nằm trên bất kì đoàn thể công nghiệp y dược.”

“Ừm, ông Kirie có một đồng nghiệp ở Nhật Bản đây. Một người đàn ông tên Saeki.”

Saeki Keita. Một cái tên quen thuộc khác. Một người khác tôi biết.

<reference:thesis:id=stid749-60d-r2yrui6ronl>

<title>

“Về Tính Khả Thi của Giám Sát Tình Trạng Nội Cân Bằng của Sức Khỏe bằng Bầy Phân Tử Y Học (Medicule) và Hạt Dược Lý Dẻo (Medibase).”

</title>

<author>Kirie Nuada, nhà nghiên cứu</author>

<author>Saeki Keita, nhà nghiên cứu đồng sự</author>

</reference>

Phần: 03

<recollection>

“Vậy, vì sao cậu làm bạn với Miach, Cian?”

Chúng tôi đang ở trên tầng 62 tòa nhà Đồi Lilac, chờ món insalata di caprese. Ban đầu thì Cian hình như ngạc nhiên bởi câu hỏi của tôi. Rồi cô yên lặng, nét mặt cô trầm ngâm. Tôi chọn sẽ kiên nhẫn chờ đợi câu trả lời của cô. Mất một lúc, nhưng chẳng quá lâu sau, cô gật đầu như thể đã đi đến được quyết định nào đó.

“Cậu biết chuyện lúc dùng thuốc đó, thứ thuốc cắt đứt sự nuôi dưỡng. Tớ là người đã phản bội các cậu. Tớ đã kể với ba mẹ.”

Không có gì cả. Không giận dữ. Lời hẹn thề tự vẫn của chúng tôi giống như chuyện ngày xưa lúc bấy giờ, hành động của 3 cô gái nhỏ 13 năm trước, chỉ gắn bó với nhau bởi cùng căm ghét thế giới. Nhiều năm sau, tôi đã có thể suy nghĩ về chuyện đó khá khách quan, và thật tình tôi không thể trách Cian vì đã cứu chúng tôi.

“Quả là vậy.”

“Cậu không giận à?”

“Thôi nào, hồi đó chúng ta con nít con nôi mà. Bây giờ thì quá khó để giận cậu được.” Tôi mỉm cười và giục Cian nói tiếp, thời điểm ấy không hề biết cuộc hội thoại sẽ dẫn tới đâu.

“Cảm ơn nhé.”

“Tớ nghĩ mình cảm ơn cậu. Cậu đã cứu mạng tớ.”

“Không. Tớ đã phản bội cả hai cậu. Và tớ đã không thể cứu Miach.”

“Cậu không nên cứ mang việc ấy trong lòng mãi. Đừng. Tớ muốn nghe phần còn lại của câu chuyện.”

Cian lại lặng im. Tôi suy rằng cô có rất nhiều mảnh ghép cần sắp lại trước khi có thể nói về những chuyện này—những chuyện chắc hẳn cô chưa bao giờ kể ai nghe trước đây.

“Đấy,” cuối cùng cô cũng cất tiếng, “tớ đã dừng uống, mấy viên thuốc ấy. Chỉ sau một hay hai ngày. Tớ đã sợ. Lần đầu tiên tớ thấy cơ thể mình ốm và yếu đi. Tất nhiên hồi đó tớ chưa cài WatchMe trong người, không ai trong chúng ta có cả, nhưng ba mẹ tớ có một cố vấn viên sức khỏe sắp đặt phác đồ cuộc sống cho cả nhà tớ. Medcare unit luôn giữ chúng tớ trong hình dáng hoàn hảo nhất. Ý tớ là, tớ thậm chí còn chưa bao giờ bị đau đầu cho tới lúc ấy.”

“Tớ cũng vậy.”

“Tớ cho là mình đã lần đầu nhận ra để sống thì phải đau thế nào. Tớ có thể cảm thấy mình còn sống, và đang thay đổi. Tớ không bất diệt hay vĩnh hằng, nhỉ? ‘Đây là sinh mệnh,’ tớ đã nghĩ vậy. ‘Cơn đau này là bằng chứng mình còn sống.’ Và khi tớ nghĩ vậy, tớ đã rất sợ. Tớ có mạng sống, tớ là mạng sống.”

“Tớ…… nghĩ là tớ hiểu ý cậu rồi.”

“Vì vậy mà tớ ngưng uống thuốc. Hiển nhiên là tớ không thể nói cho cậu hay Miach. Đồng nghĩa tớ không thể nói cho ai. Tới lúc nhận ra tớ phải tới gặp ba mẹ và đi tìm họ, thì đã quá trễ rồi.”

Nước mắt dâng lên trong mắt Cian. 13 năm. Suốt 13 năm, cô đã giữ hết mọi việc này trong lòng. Nặng trĩu biết bao nhiêu. Nó không phải là thứ chỉ một hay hai phiên điều trị là khỏi.

“Này, không phải lỗi cậu đâu, Cian.”

“Tớ biết chứ. Ý tớ là, tớ đáng lẽ biết chứ. Nhưng tớ không.”

“Maa, chắc là đủ khi biết chí ít có một người hàm ơn việc cậu đã làm, và cô ấy đang ngồi đây. Tin tớ đi, tớ vui sướng vì mình còn sống.”

“Hể. Ừ. Cảm ơn nhé.”

“Có lẽ chúng ta nên về chuyện khác.”

Tôi bắt đầu lo lắng. Mọi điều tôi nói là sự thật. Tôi thật lòng biết ơn Cian. Tôi còn sống là nhờ cô ấy, và còn sống nghĩa là tôi còn có thể hủy hoại bản thân bằng xì gà và thuốc lá và rượu. Chỉ là tôi không thể ra điều nào ở nơi công cộng.

“Không, ổn mà. Tớ muốn nói về chuyện này.” Cian gạt đi một giọt nước mắt đơn độc và hít một hơi sâu để bình tĩnh. “Bây giờ nhìn lại, tớ nghĩ mình đã cảm thấy phải ở cùng Miach. Chính vì thế mà tớ chơi cùng cậu ấy.”

“Phải ở cùng?”

“Tựa hồ, tớ nghĩ mình là đối trọng vậy. Hồi đó tớ cũng đang trong giai đoạn khó khăn với thế giới, hệt như cậu và Miach. Khi nào tớ cũng thấy ngột ngạt, như tớ không có nơi nào để đi. Có quá nhiều, tớ không biết nói sao, tình yêu thương trên thế giới, và nó siệt nghẹt tớ. Chúng cứ nói tớ là một tài nguyên quan trọng đối với xã hội và tớ cứ nghĩ ‘Không, tôi không phải. Làm thế nào mà đúng được cơ chứ?’”

“Đó là câu Miach nói hoài, nhỉ. ‘Chúng ta không phải là tài nguyên! Chúng ta phải chứng minh mình không có giá trị gì!’”

Cian gật gù. “Ừ, và tớ đồng ý với cậu ấy, tớ thật sự đã làm vậy—nhưng tớ không nghĩ điều đó có nghĩa chúng ta phải giết ai đó hoặc tự sát. Qua toàn bộ những gì tớ và Miach đã đồng thuận, tớ không thể bỏ mặc tất cả theo cậu ấy tới cuối cùng. Nhưng khi tớ nhìn vào Miach, tớ biết cậu ấy có thể. Tớ biết cậu ấy sẽ đi thẳng tới mép vực.”

“Nên cậu đã nghĩ mình sẽ cân bằng lại. Tớ hiểu rồi.”

“Đúng vậy. Tớ đã nghĩ nếu mà mình ở đó, mình có thể ngăn cậu ấy. Tớ có thể ngăn Miach đi quá xa. Tớ đã cứ nghe mọi thứ cậu ấy nói, rồi gật đầu, rồi đồng ý, và có một thính giả cho cậu ấy là đủ rồi, cậu có nghĩ thế không? Cậu ấy thật sự không cần phải làm bất kì điều gì trong những điều cậu ấy luôn nói đến. Dĩ nhiên, chuyện đã không diễn ra như vậy. Rốt cuộc tớ chỉ là kẻ hèn nhát, và Miach đã chết.”

Tôi cảm thấy mình, lần đầu tiên, đã chạm được một chút vào nỗi đau mà người phụ nữ này đã phải mang trong mình 13 năm qua. Tớ nghĩ tớ hiểu được ý cậu rồi, tôi đã nói vậy với cô ấy. Tôi đã cóc biết gì cả. Nỗi đau Cian đã mang thật nặng nề, chát đắng, và cô đã một thân một mình mang nó hơn một thập kỷ.

Cian không là kẻ a dua. Tôi đã đánh giá sai tuốt về cô ấy. Cô đã mạnh mẽ hơn mọi ai trong chúng tôi, cao thượng hơn, và cô độc hơn. Hoàn toàn cô độc.

Miach và tôi, chúng tôi là con gái, nhưng Reikado Cian đã là người lớn.

“Tuyệt lắm đó, Cian. Tớ không thể nào mạnh mẽ vậy đâu.”

Cô lắc đầu. “Tớ không mạnh mẽ. Tớ đã quá sợ sệt để làm bất kỳ điều khác.”

Cian dựa lưng ra sau, khung cảnh từ tầng 62 của tòa nhà Đồi Lilac trải rộng sau cô, lúc đó người bồi bàn đến và mang cà chua và phô-mai mozzarella xắt lát trên hai đĩa trắng.

“Capresse tới rồi này,” Cian nói. “Cũng lâu rồi chúng ta mới ăn cùng nhau.”

</recollection>

Họ đóng nắp quan tài của Cian trong khi đám rước dõi mắt theo.

Như tục lệ, gia đình đã chọn màu hồng nhạt dịu cho quan tài. Tựa hồ họ có thể tô điểm đè lên cú sốc kinh khủng, vô lý vì mất đi ai một cách quá đột ngột trong cái thời đại mà con người được cho là sống vĩnh viễn. Phần đông người ta mặc đồ tang màu vàng nhạt và xanh ngọc lục bảo. Tang lễ kết thúc nhanh chóng. Thân thể nguội lạnh của Cian giờ sẽ được chở bằng xe tang tới cơ sở chiết ép địa phương. Tôi quan sát đám rước gia đình rời khỏi trung tâm đám đông. Tôi không có mong muốn đi tới nhà máy. Tôi không nghĩ mình có khả năng đứng đấy và chờ quá trình chiết ép hoàn tất. Tôi sắp cạn thời gian. Tôi phải tìm ra lý do Cian chết trước khi họ lôi tôi đi điều trị.

Nhà máy, chậu nấu chảy, trung tâm chiết ép.

Đó là di tích từ thời virus đột biến sau khi bom nguyên tử rơi xuống.

Xác kẻ chết bị chất hóa lỏng protein biến đổi, rồi chất nhớt thành phẩm được xử lý thêm để loại trừ sạch sẽ nguy cơ truyền nhiễm virus hay vi khuẩn. Nhà máy gia công của cái chết. Một di tích gợi nhớ đến những giai đoạn hỗn mang tồn tại cách đây hơn nửa thế kỷ. Từ quan điểm tôn trọng luật, đúng là khó chịu thật. Bạn không thể dùng medicule để phân tích não bộ ai đó một khi nó đã bị hóa lỏng.

Trở lại hồi Thời Kỳ Loạn Lạc, khi dịch đột biến tràn lan, thây chẳng hơn gì thể truyền bệnh cần bị tiêu trừ nhanh nhất có thể. Số thây tăng chóng vánh, và chỉ đốt xác thịt ra tro thì không đủ. Phong tục xuất hiện trong những điều kiện đó đã trở thành tiêu chuẩn, có nghĩa thi thể ngày nay được xử lý sớm nhất có thể. Sau một cuộc khám nghiệm tử thi cực kỳ ngắn gọn để xác định nguyên nhân cái chết, xác được giao cho quá trình tiêu giảm protein và thế đấy.

Trong khi còn dùng được phương pháp tạo ảnh để khám nghiệm xác sau vụ việc, không có thời gian để dùng medicule để điều tra bất kỳ điều gì ở cấp độ nano.

<sentiment>

“Vĩnh biệt, Cian. Và cảm ơn cậu,” tôi lẩm nhẩm hướng về phía xe tang khi nó lái đi khỏi nhà tang. Một làn gió thoảng cọ nhẹ mặt tôi là câu trả lời của Cian. Tôi thấy mình như khóc trong một lát sau đấy, nhưng tôi đã đứng và nhìn chiếc xe cho đến khi không còn thấy nữa. Bạn chúng tôi. Cô ấy đã trông coi chúng tôi. Cô ấy đã cứu sống tôi. Và cô ấy đã đau khổ hàng năm trời.

Có lẽ cô là kiểu chiến hữu Miach đã kiếm tìm.

Với tôi, Reikado Cian đã là một người bạn.

Một cô gái, dũng cảm hơn từng người chúng tôi, và ra dáng trưởng thành hơn tôi mãi mãi.

</sentiment>

Tôi chùi đi một giọt nước mắt bằng mu bàn tay và rời khỏi nhà tang mà đi về đại học, nơi Saeki Keita làm việc. Trong khi Kirie Nuada, tức ba tôi, đã lên đường tới Baghdad, đồng sự của ông còn ở lại phía sau để tiếp tục nghiên cứu ở Nhật Bản. Ông ta vẫn ở lại đúng ngôi trường mà ông và ba tôi từng làm việc cùng nhau về thuyết medicule của họ nhiều nhiều năm về trước.

Tôi đậu xe vào bãi xe của trường đại học và chạm tay lên màn hình của FindYou trên đường vào trường (nền đá hoa cương có màn hình bên trên tạo cảm giác học đường tốt) và thông báo là tôi đang tìm Saeki Keita. Thông điệp đang tìm hiện lên giữa màn hình lúc FindYou truy dấu tín hiệu WatchMe của Keita. Sau một lát, phòng thí nghiệm và một bản đồ chỉ cách tới đó trồi lên trên màn hình. Tôi chạm vào tin hiển thị để chuyển bản đồ vào AR của mình, và vừa ương bướng phớt lờ ánh nhìn vào bộ đồng phục đỏ thẫm Cục Xoắn Ốc từ sinh viên, tôi đi theo những mũi tên bập bềnh xuất hiện trên không trung trước mặt tôi hướng về phòng thí nghiệm.

Bước qua một dãy cây thường xanh có lá hồng, tôi tìm thấy tòa nhà mình đang tìm. Tôi ấn một ngón tay lên cửa để xác nhận bản thân và đi về phía phòng thí nghiệm.

“Nào vào đi, tôi chờ cô nãy giờ rồi,” một giọng nói quen thuộc vọng ra từ bên trong. Tất nhiên, khi tôi hỏi FindYou để định vị ông ta, nó cũng cho Saeki Keita biết (theo quyền lợi hợp pháp của ông) rằng tôi đang kiếm ông. Tôi sải bước qua cửa và đi vào văn phòng lộn xộn.

“Wow, bừa bộn thật.”

Nơi đây là một núi các bản in—bản viết tay, tài liệu nghiên cứu, v.v. Còn có vài ụ dead media[22] khác nữa. Những miếng hình vuông đen mỏng tôi coi là đĩa mềm. “Chúng giống như memorycel,” ông ta đã kể tôi nghe một lần khi tôi đến thăm phòng thí nghiệm hồi nhỏ. Còn về những thứ khác, tôi không biết chúng có thể được gọi là gì. Chỉ nhìn không thôi, khó mà tưởng tượng nổi chúng làm được chi.

“Tôi ngạc nhiên là ông còn bước loanh quanh trong đây được đấy,” tôi nói, vừa làm một show nhảy lò cò từ một chỗ bé tí tới chỗ bé tí khác, tiến về phía giáo sư như ai đó đang nhảy nhót trên đá để qua sông.

“Tôi xoay xở được. Bên cạnh đó, ThingList nhớ nơi tôi đã đặt mọi thứ nếu có lúc nào đó tôi cần tìm,” giáo sư đáp lại khi một tay gãi mái tóc rối kiểu hoa bách tán.

“Đó không phải là vấn đề về tính thực tiễn. Mà là vệ sinh tinh thần.”

“Đối với khoa học gia, nó mãi mãi là vấn đề về sự cần thiết, cô Kirie. Chừng nào ThingList của tôi còn nhãn vị trí, và nó đánh dấu, thì tôi không cần phải nhớ thứ gì ở đâu. Tôi cứ đi theo mũi tên thôi.”

“ThingList có tác động xấu.”

“Tôi thích coi nó là khoán trí nhớ mình cho ai khác thích hợp hơn. Tôi dùng NeedList trong ThingList nên tôi cũng không quên cái gì khi ra ngoài.”

“Chà, tôi offline nhiều, nên mẹo đó không có tác dụng với tôi.”

“Luận văn đó ở đâu?” Keita hỏi với căn phòng. “Cái mà nhà toán học người Czech đã viết 3 năm trước.” Một bộ phận dài, hồng, trông như cao su trồi ra từ vật liệu thông minh trên trần nhà rồi di chuyển khoảng 9 m chéo qua phòng, mọc ngón tay để mò vài tờ giấy của một bản in từ một chồng lớn, sau đấy mang lại cho chúng tôi. Mọi thứ trong phòng đều được đánh dấu nhận dạng và thu hồi tức thời—nghĩa là đâu đó trong máy chủ đại học này có một bản sao hoàn chỉnh của văn phòng giáo sư theo chế độ thời gian thực. Chẳng trách con người đang yếu đuối dần.

Tôi đứng kế giáo sư và bên dưới tôi một cái ghế gelatin được vật chất hóa từ nền nhà.

“Muốn chút nước không?”

“Có cà phê chứ?”

“Không. Đại học—tức sinh phủ của sinh viên—sẽ không cho phép. Tôi ngạc nhiên khi thấy thế hệ này chăm lo bản thân tốt thế nào.”

“Chẳng phải thế hệ của ông đã muốn xã hội sẽ như vầy?”

“Chà chà, ai mà tiên đoán được một xã hội cực kỳ ý thức về sức khỏe như thế có thể sinh ra từ những gì chúng tôi đã làm trước đây? Ơi, hai ly nước nhé.”

Một lần nữa, cánh tay vươn ra từ trần nhà, đổ nước vào hai cái ly rồi mang tới cho chúng tôi.

“Rất nhiều người của thế hệ chúng tôi đã không thể chịu đựng cảnh nhét mình cho vừa cái khung mà xã hội in vào não họ,” tôi nói với ông ta. “Vô số người thời ông cũng vậy mà.”

“Sinh ra, tiêu thụ. Đó là chu trình sống an toàn, bền vững. Kẻ cố hủy hoại bản thân, và do đó hủy hoại chu trình ấy, là kẻ bị nguyền rủa đối với người khác. Trước khi họ được cho phép làm điều như vậy, trách nhiệm chúng ta là nhận ra các dấu hiệu phát lộ và gửi họ đi đặc trị. Đấy là định nghĩa một xã hội ân cần.”

“Ông không nghĩ hiện tại xã hội chu-đáo-quá-mức chúng ta đã tới hạn rồi sao?”

“Thứ chúng ta đạt tới là một hiện trạng lành mạnh, không xung đột. Dù chắc chắn là sự gia tăng con số thống kê về tự sát trong xã hội sinh phủ đang gây lo lắng, nhưng thuốc men và sự tiến triển của các liệu pháp điều trị mới, cũng như được luật pháp hỗ trợ cho, cuối cùng sẽ đưa khuynh hướng kiavề tầm kiểm soát thôi.”

“Ông thoải mái nhỉ, giáo sư.”

“Chỉ tôi coi ai không vậy nào. Vì bệnh đã hầu như bị loại bỏ, thì việc sẽ chẳng mấy khó khăn. Một số lượng lớn các cụm từ cổ cũng rụng răng theo cách đó mà.”

Cảm lạnh.

Đau tiền đình.

Bệnh lây nhiễm.

Tôi tự hỏi mình đã phải chịu đau biết bao nhiêu trước khi thật sự có thể chứng minh tôi tồn tại. Rằng tôi cảm thấy đau. Rằng tôi cảm thấy thỏa mãn.

Cian đã thấy đau, và nó làm cô kinh hãi.

Cô hoảng sợ vì mình là một tạo vật không thể chối bỏ sự sống, với một hệ thống thần kinh và toàn bộ những gì bên trong.

Người già thì có khác chút đỉnh. Vòng đời là một lối thoát gian khổ và là rào cản không phủ nhận được. Bạn càng già, thì bạn càng trải nghiệm nhiều lần đứng giữa sinh tử, và bạn càng xuống cấp, nằm ngoài khả năng sửa chữa của WatchMe và medcare unit.

“Nói đến rụng răng, ông không thể nói là một lão già yếu đuối không có vấn đề sức khỏe,” tôi thách thức ông ta.

“Khá đúng. Chẳng có thuốc chữa mọi bệnh cho tuổi già, tôi báo cô biết vậy. Nhưng cô phải đồng ý rằng những cái đáng ghét mà ba cô và tôi phịa ra đang làm việc tốt kinh khủng không chịu được.”

“Chậc, trong một thế giới không có bệnh tật, con người hẳn dành ối thời gian để tám về sức khỏe.”

Vị giáo sư nhún vai cứ như nói không phải lỗi của tôi. Ông ta di chuyển khéo léo so với một người ở độ tuổi giữa 80 như ông.

“Ấy là bởi mọi người vẫn còn e ngại rằng chỉ cần một bước đi hụt thì ung thư và virus sẽ trở lại ngay với chúng ta.”

“Hơn nửa thế kỷ từ Thời Kỳ Loạn Lạc rồi.”

“Và những người đã phải sống qua quãng thời gian ấy—có tôi đây—nắm quyền điều khiển sinh phủ. Vô số ủy viên và hội viên hội đồng có tuổi 70, 80. Đống hỗn loạn và chiến tranh hạt nhân theo sau đã khiến thế giới chúng ta thành môi trường cực kỳ khắc nghiệt. Một nơi mà cô sẽ chết nếu không mặc quần áo phi hành gia. Như thể sống trong trạm không gian vậy, chỉ một bức tường mỏng ngăn cách với sự lãng quên. Chiến tranh hạch nhân và phóng xạ lan tỏa làm sự duy trì giống nòi chúng ta trở nên vô cùng bất trắc, điều ấy có lẽ đã tiếp tục nếu không có sự trợ giúp từ giám sát nội căn bằng nhờ WatchMe và chữa trị liên tục của medcare unit. Cần phải có áo giáp bền vững mới sống được trong thế giới ác nghiệt.”

“Vậy là, mặc dù phóng xạ đã tan, nỗi sợ vẫn còn?”

“Maa, phần nhiều là về xu hướng xã hội chủ nghĩa. Cô có biết nhóm đầu tiên cố gắng tiệt trừ ung thư và cấm hút thuốc trên toàn quốc là Nazi[23] không?”

Những ký ức lướt qua về lịch sử thế kỷ 20 được dạy trong trường.

Với Thời Kỳ Loạn Lạc đợi chờ ở cuối học kỳ, số phận đáng thương của những người Do Thái thế kỷ 20 bị gạt bỏ trong tiết học. Lịch sử càng dài thì các phần của nó càng bị rút ép.

“Chúng ta sẽ rất may mắn nếu có được một phút,” Miach từng nói một lần. Để mặc cho Miach tưởng tượng đến bài học lịch sử một ngàn năm nữa trong tương lai. Và ai mà chẳng muốn bỏ qua một giai đoạn không biến động như vậy để chuyển sang thứ gì khác lý thú hơn? Khi lịch sử tiến tới, thời gian chúng tôi sẽ thu lại, thu lại, thu lại cho tới khi không còn sót gì cả.

Thảm kịch diệt chủng của người Do Thái vẫn còn đó, kịch liệt, với hai phút trong tiết học.

“Họ là đám đã giết sạch những người Do Thái kia, đúng không?”

“Cô làm họ nghe như tiện dân ấy. Họ là một quốc gia. Gốc rễ là Dân Chủ, với công dân, và bầu cử, và một chính phủ đại diện. Nazi kiểm soát khắp mọi mặt về cuộc sống thường ngày tới mức chi tiết hơn bất kỳ ai trước họ. Họ lập sổ sách về tất cả bệnh nhân ung thư, liệt kê hết những người đã bị nhiễm, phân loại và phân tích họ, mọi thứ đều là nỗ lực đầu tiên nhằm nhổ tận gốc ung thư trong lịch sử.”

“Chủ nghĩa phát xít, phải vậy không? Ý tôi là hệ thống chính trị tại Đức dưới quyền Nazi.”

“Phải, và cô có thể đối chiếu song song hệ thống sinh phủ của chúng ta và chính sách sức khỏe của Nazi, nếu muốn. Cô có biết đến các từ miệt thị như béo lăn vốn đã bị loại bỏ khỏi ngôn ngữ chúng ta hơn nửa thế kỷ vừa rồi không?”

“Thực ra, tôi có biết từ đó.” Tôi cười nín. Mihie Miach, banzai[24]!

“Theo luật của Nazi, ‘bị què’ trở thành ‘hư hỏng thể xác’. Nhà thương điên trở thành bệnh viện tâm thần. Vô số từ chỉ cơ thể con người đã bị biến đổi tài tình.”

“Điên nghĩa là gì?”

“Hãy coi nó là một cách không-lịch-sự-lắm ám chỉ người cần một cách cấp thiết tư vấn mức độ cao và điều trị kỹ. Nazi cũng đi tiên phong trong cố gắng cấm hút thuốc khắp nước bởi tác hại lên cơ thể. Năm 1939, chính phủ Đức Quốc Xã thiết lập cơ quan ban hành luật cho rượu và thuốc lá. Năm 1941, một phòng thí nghiệm nghiên cứu về tác hại của thuốc lá đã được lập ra ở Universität Wien dưới sự đỡ đầu của chính Hitler.”

“Ông làm Đức Quốc Xã nghe như một đám nhà cải cách hăng hái.”

Với các ví dụ được chọn đúng điểm tốt, xã hội Nazi có vẻ không hoàn toàn khác chúng tôi. Điều đó có nghĩa là bây giờ tôi có lý do cá nhân để ghét Nazi – những bậc tiền bối của mấy tên đần không cho tôi hút thuốc lá ngày nay.

“Ở một mặt nào đó thì đúng. Mặc cho họ phải chịu tội vì nạn diệt chủng lớn nhất của thế kỷ 20. Cái gì cũng có nhiều mặt, phải biết thế. Vào vai một kẻ cuồng sạch sẽ và nâng họ lên vài bậc, thì bất ngờ thay, họ đang nói về sự trong sạch của chủng tộc. ‘Thuốc lá là nguồn gốc mọi đau ốm, một mối nguy cho công dân quốc gia.’ Đấy là bản mẫu cho cái thời nay ta gọi là nhận thức tài nguyên.”

Tôi nhún vai. “Thế hóa ra ta chỉ tạo ra phiên bản Đức Quốc Xã mới trên quy mô toàn cầu. Tuyệt.”

“Một khía cạnh nào đó thì đúng, chúng ta đã làm vậy. Tuy có nhiều điểm khác biệt đáng kể. Trước hết là, trong thời đại Nazi, chỉ có Nazi và một số nhà khoa học là thúc tiến ưu sinh học như một cách để dọn dẹp mọi thứ. Trong xã hội sinh phủ, mọi người đều cùng nhau ra mặt, vẫy chung lá cờ. Chúng ta đều là lũ cuồng sức khỏe. Nazi có lẽ đã có sáng kiến rất lâu trước chúng ta, nhưng ngay cả họ cũng không thể giữ lính của mình ở tiền tuyến không hút thuốc—đặc biệt là ở mấy chỗ dữ dội hơn như Chiến Tuyến Phía Đông.”

“Ồ, tôi hiểu rồi. Tôi thật sự hiểu rồi.” Tôi cười thầm. Tất nhiên, với tôi thì nó theo một cách khác. Không phải vì hoàn cảnh chiến trường mà tôi hút. Là vì thuốc lá dụ tôi ra chiến trường. Lần đầu tiên tôi thắc mắc động cơ của Étienne và đồng bạn, những người đã chia sẻ các món hàng trao đổi bị cấm của chúng tôi. Trong chốt lát, tôi trở lại những đồng hoa hướng dương và bầu trời xanh của Sahara, điểm chấm bằng khăn trùm màu chàm của Kel Tamasheq.

“Nhưng lúc này thuốc lá đã biến mất khỏi thế giới. Chỉ còn sót lác đác ở châu Phi và vài phần ở châu Á—hầu hết là các khu vực xung đột. Tới bất kỳ sinh phủ nào thì cô cũng không thể thấy một cư dân nào xài xì gà hoặc rượu. Không nhắc tới các loại thuốc nặng hơn cũng biết kết quả thế nào. Cô có biết tại sao thuốc phiện bị cấm ngay từ đầu không, từ hồi xưa?”

“Xin hãy cho tôi biết.”

“Nó bắt đầu từ sự khai phá Bắc Mỹ. Nô lệ và người lao động chân tay mang đến từ châu Phi và Trung Quốc có tục lệ nhai lá coca, nó giúp họ làm việc vượt xa mức giới hạn thông thường của thể chất họ. Tất nhiên, những người lao động da trắng – những người không dùng nó, thì không thích thú gì. Bằng cách hủy bỏ thuốc phiện với lý do đạo đức, họ cố moi cái danh của những công nhân đỉnh cao khỏi các chủng tộc được-gọi-là-hạ-đẳng.”

“Hài hước đấy. Tôi cứ luôn nghĩ đó là vì thuốc phiện phá hoại cuộc sống con người.”

“Ừm, thế cũng đúng, nhưng chỉ là một khía cạnh của sự thật.” Giáo sư ngồi dựa ra ghế. “Hiển nhiên, thế hệ tôi đã may mắn cũng như bị nguyền rủa vì đã nhìn thấy nguyên do mà xã hội bị-ám-ảm-về-sức-khỏe bây giờ cần phải là chính nó. Và tôi dám chắc là cô đã phải ngồi chịu trận các giờ giảng về Thời Kỳ Loạn Lạc lúc còn ở trường, Tuan.”

Trong tiết lịch sử, khúc về Thời Kỳ Loạn Lạc là một chương trình nặng cân. Nghĩ lại ngày ấy, tôi chợt nhớ ra lịch sử khi nào cũng là môn yêu thích của Miach—môn duy nhất cô thật tình học sôi nổi—và Thời Kỳ Loạn Lạc là phân khúc cô thích nhất trong đó.

Tôi chưa bao giờ hứng thú mấy trong giờ lịch sử, mặc dù cho chúng tôi luôn luôn hạnh phúc khi đón nhận những mẩu vụn khôn ngoan của Miach từ chính môn đó.

Này, Tuan, cậu biết gì chưa?

Cả 10 triệu người đã chết chỉ trong một vài năm ở Bắc Mỹ……

“Hầu hết là bởi người viết sách giáo khoa cho cô vừa đúng độ tuổi nhớ được Thời Kỳ Loạn Lạc với nỗi khiếp sợ,” Giáo sư Saeki tiếp tục. “Nổi loạn xảy ra khắp Hoa Kỳ—quốc gia mạnh nhất và yếu nhất thế giới lúc bấy giờ—tới tận mọi ngóc ngách. Còn có nhiều vụ thanh trừ chủng tộc nữa. Người Mỹ Latin, Hàn Quốc, Phi—ai ai cũng là mục tiêu. Giết hại diễn ra cuồng loạn đến độ cô sẽ nghĩ mỗi người trong đất nước đó được sinh ra với một cơ quan được thiết kế đặc biệt cho tàn sát những ai có vẻ ngoài khác họ. Thế là sắc tộc diệt sắc tộc, và cơn hỗn loạn lan tới các nước khác, cho đến khi bọn khủng bố quyết định bắt đầu bắn số bom nguyên tử chúng đã trộm, rồi mọi thứ hóa thành địa ngục. Xã hội thiện nguyện hiện tại của chúng tôi là một phản ứng lại với điều đó. Có thể vài người sẽ thấy chút ngột ngạt, nhưng nó là một khung cảnh tốt đẹp hơn là rơi vào hỗn loạn như Thời Kỳ Loạn Lạc lần nữa. Suy cho cùng, chẳng ai muốn thấy mình và con trẻ của mình chết, và cái chúng ta có ngày nay thích hợp hơn nhiều so với quá khứ, khi vài người trong phòng họp kín nắm tất cả quyền lực.”

“Tôi mừng là chúng ta đã học được cách thuần phục người khác. Như thể toàn bộ chúng ta là thú cưng của người khác, phải vậy nhỉ.”

“Cô cứ giễu cợt mãi. Nhìn xem, khi người ta trải qua một điều thật sự cùng cực, thì rất khó cho họ tìm lại cân bằng sau đấy. Phản ứng của họ thường chỉ về một hướng cũng thật sự vô cùng đối nghịch. Do thế mà chúng ta có xã hội chủ nghĩa sinh mệnh. Tôi đồng ý là ta chắc chắn đã đi quá đà. Có hơi ngốc khi nuôi heo đất lúc ví tiền bạn lúc nào cũng đầy ắp—nhưng cô chắc không biết heo đất là gì đâu, nhỉ Tuan?”

Tôi gắng sức nhịn cười lớn tiếng và suýt chút nữa đã thành công.

Vị giáo sư nhướng một bên mày với tôi. “Có gì vui à?”

“Không, tôi chỉ là nhớ ra mình từng nghe một người bạn dùng thuật ngữ ấy rất lâu hồi trước rồi.”

“Vậy cũng nói.” Giáo sư nhún vai. “Gì đi chăng nữa, tôi cá cô không đến đây để học những thành ngữ cổ xưa. Cô muốn biết gì, Tuan? Khi một Đặc vụ WHO viếng thăm, thông thường là chuyện quan trọng.”

“Mihie Miach.”

Tuy rất nhanh, nhưng tôi không bỏ sót ánh mắt lo sợ vụt qua mắt Giáo sư Saeki. Ông đặt một tay lên miệng và ra vẻ trầm ngâm. “Hừmm, phải. Tôi đã thay mặt Nuada nhận xác cô ấy.”

“Ba tôi ở đâu?”

“Hỏi hay đấy. Khá lâu rồi chúng tôi chẳng ai thử liên lạc với nhau.”

Tôi quyết định sẽ đẩy mạnh tấn công. “Ba tôi đã mang Miach đi cùng tới Baghdad đúng không?”

Ông giáo sư vẫy tay tựa hồ ra dấu đấy không là một câu hỏi thành công. Lão già đã cảnh giác rồi, tôi có thể biết.

“Ba tôi ở đâu? Ông ta không ở Baghdad hả?”

Giáo sư lắc đầu và thở dài. “Nếu ông ấy không Baghdad, thì phỏng đoán của cô cũng như của tôi thôi. Tại sao không hỏi FindYou toàn cầu?”

“Tôi hỏi rồi. Dường như ông ta không còn trên hành tinh này nữa.”

Ông hếch đầu. “Cô cho rằng vậy nghĩ là gì?”

“Tôi không có được tín hiệu nào trong tìm kiếm. Ông cũng không có trong danh sách những người chết của mọi sinh phủ. Có lẽ ông đã tắt tín hiệu định vị của WatchMe, nhưng dù có thế thì đúng ra tôi vẫn tìm được tín hiệu—tôi không hề biết ông ta đang ở đâu.”

Tôi nhìn giáo sư mãi, lòng tự hỏi ông ta còn bao nhiêu hàng rào tôi phải kiên nhẫn tháo dỡ, bao nhiêu con hào tôi phải lấp để chạm tới sự thật. Không khó hiểu vì sao mẹ Miach đưa tôi địa chỉ liên lạc của ông, nhìn cái cách nó hành tôi này.

Giáo sư Saeki gãi đầu cắn môi. “Khó hiểu đấy. Có phiền cho tôi biết tại sao cô bỗng dưng hứng thú đi tìm ba cô không?”

“Thực ra, tôi không có hứng đi tìm ba tôi như vậy. Cái tôi muốn biết là chuyện đã xảy ra cho Miach. Ông có nghe tới vụ tự sát hàng loạt ngày kia phải không?”

“Hơn 6 000 người khắp hành tinh đã tự kết liễu mình vào chính xác cùng thời điểm. Chỉ tôi xem ai không biết đi.”

“Chậc, tôi nghĩ Mihie Miach có liên quan, và không cần ông nhắc, vâng, tôi biết cô ấy đã chết được 13 năm rồi.”

Saeki Keita yên lặng. Mắt ông tỏ vẻ khó khăn. “Nếu đấy là điều cô muốn biết, cô nên nói chuyện với người phụ nữ đang làm phụ tá của Nuada ở Baghdad. Tên là Gabrielle Étaín. Cô ấy ở phòng thí nghiệm của Hiệp Hội Y Học Thần Kinh SEC đặt tại Baghdad. Nuada và Gabrielle cùng nhau làm việc ở đấy.”

“Họ đang nghiên cứu về cái gì?”

“Kỳ thực, cô có cần biết không?” ông hỏi. Tôi có thể thấy trí óc ông ta đang vội vã đằng sau đôi mắt.

“Tôi sẽ suy xét chuyện ấy. Nếu buộc phải làm, tôi có thể lấy giấy phép từ cảnh sát Nhật Bản.”

Giáo sư nhìn tôi, miệng ông hơi há hốc. Đây không phải là lần đầu tiên tôi vào bàn đàm phán, và tôi sẽ không để vị học giả lập dị nhốt mình trong tòa tháp màu trắng ngà nào đó thuyết phục tôi từ bỏ việc kiếm tìm thông tin tôi muốn.

“Dường như con gái của Nuada lớn lên thì chỉ ngông hơn nhỉ.”

“Là bệnh nghề nghiệp thôi. Vẫn còn nhiều triệu chứng nặng hơn, nếu ông muốn xem.”

“Thôi thế là đủ rồi. Tôi khá dễ bị hù lắm,” giáo sư nói. Ông gọi lên một bảng ra lệnh trên màn hình máy tính và bắt đầu tải dữ liệu xuống từ chỗ nào đó. Ông chỉ vào bàn, nên tôi vươn tay ra và chạm vào để nhận dữ liệu chuyển tải.

Một luận văn khoa học được nhét chữ chằng chịt bắt đầu cuộn xuống với tốc độ cao trong AR của tôi.

“Tôi không có thời gian để đọc hết chỗ này và ông biết mà.”

“Cứ coi đó là một chút trả đũa của tôi cho cô.”

“Ưm, xin lỗi?”

“Tôi đùa thôi, gần như là vậy. Để tôi tóm tắt cho cô. Bài luận viết về ý chí con người. Một nhà nghiên cứu người Nga đã sử dụng được một giả lập tâm lý xây dựng dựa các dữ liệu này để tạo ra một mô hình khá chi tiết về phương thức ý chí con người hoạt động.”

Giáo sư kéo lên một hình ảnh 3D vốn được in vào giấy. Đấy là một bức tranh nhỏ về bộ não, giờ nó bắt đầu xoay trong AR của tôi. Một phần hình nêm hẹp của nó đang nhấp nháy.

Tôi chỉ vào. “Cái gì thế?”

“Một phần của mesencephalon, tức não giữa.” Ông cất tiếng. “Cái này là phần chi phối hệ thống phản hồi trong não chúng ta. Nói ngắn gọn thì nó xử lý các tín hiệu thúc đẩy chúng ta làm việc. Mọi hành động, bất chấp nhỏ thế nào, đều có phần thưởng tương ứng. Đa số đơn giản là cảm giác hài lòng hoặc hoàn thành. Nếu tôi quan hệ tình dục thì tôi thấy sướng—chuyện đó là ví dụ siêu đơn giản. Thực sự thì giải thích của tôi hơi lạc đề, nhưng những gì cô cần biết là khái niệm chung ở đây. Cái tôi đang nói là phạm vi phản hồi, dù lớn hay bé li ti, cũng truyền cảm hứng cho chúng ta lặp lại các lựa chọn đã có nào đó. Hệ thống khen thưởng này tạo ra muôn vàn module ham muốn động cơ, chúng ganh đua giành sự chú ý của chúng ta. Chúng tôi gọi hành vi lựa chọn giữa các module này là ý chí chúng ta.”

Giáo sư nhìn tôi cứ như hỏi tôi có hiểu không. Tôi ra hiệu cho ông tiếp tục.

“Nói hình tượng thì, ví dụ, một phòng hội nghị. Thực hoặc ở một phiên AR, không thành vấn đề. Có những con người ở đó và hết thảy họ kêu la ầm ĩ này nọ, cho đến khi tóm tắt lại thành một tập các điểm chính và đi tới kết luận. Coi các module ham muốn ai nấy trong chúng mang theo là những người trong cuộc họp đó, gắng sức làm người khác nghe ý kiến của mình. Khi nghĩ tới ý chí con người, ta hay coi nó là một sự tồn tại đơn lẽ hay là một linh hồn nhận thức rõ mọi mặt. Nhưng không. Nó là một cuộc tranh cãi dữ dội, la hét và gọi tên. Tự thân nó là một quá trình. Ý chí không phải là một, nó là hợp mọi khát vọng kêu gào đòi chú ý đến mình—đó chính là trạng thái của tồn tại. Con người quên mất rằng chúng ta là một tập hợp các mảnh ghép tạp nham rồi đi loanh quanh tự gọi mình là ‘tôi’ cứ như chúng ta là một thực thể bất khả biến. Nực cười, thật đấy.”

“Và bài luận này dựng mô hình của hệ thống đó?”

Giáo sư thôi diễn thuyết và nhoài về phía trước bàn, gật đầu. “Đúng. Khi Nuada đọc cái này, ông ta đã nhận thấy nếu có thể tác động lên các phần tử khác biệt trong hệ thống phản hồi của con người, ta có thể tác động lên ý chí họ. Thậm chí là điều khiển.”

Điều khiển ý chí con người?

Tôi khâm phục sự tế nhị của giáo sư khi nói một thứ có tầm quan trọng thảm khốc vậy bằng vẻ bàng quang của một người thảo luận về thời tiết.

“Ham muốn được liên kết rất chặt chẽ với phần thưởng. Nếu đi kèm một ham muốn cụ thể là phần thưởng nhẹ ký, nó sẽ giảm ý muốn thực hiện ham muốn đó của chúng ta, và thế là rất khó cho ham muốn ấy có thể phát biểu ý kiến trong cuộc họp các module mà tôi đã nói. Con người đổi ý suốt. Khác biệt trong mức thưởng thay đổi ý chí chúng tôi, và tất cả đều đã được khám phá. Chúng tôi còn biết được cách hệ thống phản hồi tương tác với các phần khác nhau trong não. Vấn đề duy nhất là tạo ra medicule có thể hiện thực hóa lý thuyết này. Cần phải có đường để đưa lính vào mặt trận, ở đây là não giữa.”

Một tia sáng lóe qua đầu tôi. “Vượt qua hàng rào máu não.”

“Là đó, đúng. Song đấy chỉ là một trong các vấn đề liên quan. Bất luận thế nào, đó là điều mà Nuada đến Baghdad để nghiên cứu.”

Điều khiển ham muốn của con người.

Điều khiển ý chí con người.

Nếu bạn có thể quét mọi mảnh ghép nên con người lại thành đống rồi gắn chúng với nhau như ghép hình, bạn có thể tạo ra một con người hoàn hảo không? Con người đó sẽ như thế nào?

Ai đó không giống Miach. Ai đó không giống tôi.

Miach đã van nài chúng tôi tỏ rõ cho thế giới sự vô giá trị của chúng tôi. Cái ngày mà họ tìm ra con đường làm sao chi phối ý chí con người hoàn toàn, đấy là vấn đề còn tranh cãi.

Tôi hình dung một thế giới của con người sống cùng nhau trong sự hài hòa hoàn hảo.

Một xã hội hoàn hảo, quản lý bởi con người hoàn hảo, một cách hoàn hảo.

Xã hội y dược tập thể là một khởi đầu tốt trên con đường ấy. Những gì nó còn thiếu là một công cụ đủ khả năng làm xong công việc. Ba tôi đã bỏ rơi tôi, mẹ tôi và Nhật Bản để đi tới Baghdad nhằm tìm công cụ ấy. Nhằm rèn nên một con dao mổ đủ sắc bén cắt được vào linh hồn.

“Đừng hiểu nhầm chuyện này, Tuan, nhưng viễn cảnh có thể nghịch ngợm với linh hồn con người đã dẫn đến một công trình nghiên cứu hấp dẫn.”

Vị giáo sư gãi gãi đầu, mắt ông lảng khỏi tôi, cứ như ông thấy mình gánh một ít tội lỗi của ba tôi. Ông cứ nhìn đăm đăm vào hàng cây lá màu hồng bên ngoài cửa sổ. “Cô không thể vung vẫy một ý tưởng hay như vậy trước một khoa học gia rồi cầu mong họ không vươn tay ra tóm lấy. Tôi không tha thứ chuyện ông ta đã làm đối với cô và mẹ cô, nhưng sẽ là dối trá nếu tôi bảo tôi không hiểu một khoa học gia là thế nào ở vị trí của ông—và lý do ông bỏ rơi cô để tới Baghdad.”

“Tôi hiểu ông đang nói gì, giáo sư. Nhưng ông không phải ba tôi. Tội của ông ta là của ông ta, không thuộc về ai khác.”

Tôi ngoảnh đi, đôi mắt tôi thơ thẩn cho tới khi gặp một hình vuông vàng giữa đống đĩa mềm vương vãi khắp sàn. Có một cái nhãn đằng trước với kiểu logo nào đấy và một hình minh họa như trong sách trẻ con ra. Chắc là một loại game lúc còn thịnh hành.

“Ngày nào đó, chúng ta sẽ nằm đấy,” giáo sư lặng lẽ nói. Tôi ngước lên, không hiểu.

“Dead media. Di tích của một thời đại đã qua.” Ông tựa ra ghế. “Cô đã đọc các truyện khoa học viễn tượng kể rằng con người tìm ra cách số hóa ý thức và tải chúng lên mạng máy tính. Chúng ta làm thế, rồi cơ thể chúng ta sẽ chẳng còn gì ngoài dead media cũ kỹ theo góc nhìn của linh hồn. Không khó để tưởng tượng vài cái xác không hồn nằm vạ vật giữa chồng băng từ ghi âm và thẻ nhớ một khi chúng ta làm ý thức tiến hóa tới mức không cần xác thịt nữa.”

“Thật à?” Tôi hỏi. “Tôi cứ nghĩ nó sẽ diễn ra theo cách khác cơ đấy. Rằng linh hồn là một chức năng của cơ thể—một cách thức giữ nó luôn sống. Một khi thể xác chúng ta tìm được cái gì đó thích hợp hơn để nhân giống chúng và có thể lấy các linh hồn cũ này để đổi lấy, thì chính chúng ta mới trở thành dead media.”

Câu nói ấy đã phá tan lớp phòng ngự của ông. Giáo sư ngồi thẫn thờ trong chốc lát. Rồi ông cười ha hả. “Đúng rồi đấy! Mới nhìn thì là quan niệm rất căn bản, nhưng từ góc nhìn của tiến hóa, tôi sẽ nói của cô đúng hơn. Có lẽ tôi là kẻ nhiễm khái niệm cổ lỗ cho rằng linh hồn con người là thứ thiêng liêng và độc nhất vô nhị.”

“Câu hỏi đặt ra là, giả như có người đã phát triển được công nghệ điều khiển và thay đổi ý chí con người, họ sẽ làm gì với nó?”

“Tuan.” Ông giáo sư lắc đầu. “Theo tôi, và đây chỉ là ý kiến của tôi thôi, nhưng tôi nghĩ hầu hết khoa học gia không làm nghiên cứu với bất kỳ mục đích gì. Họ không nghĩ tới họ muốn làm gì với nó. Bản thân cuộc nghiên cứu là mục đích. Là một thách thức. Như các nhà leo núi nói, họ làm vậy bởi vì nó ở đó. Nếu có một đề tài khoa học đáng chú ý, họ sẽ nghiên cứu kỹ. Đấy là tất cả động cơ họ cần.”

Tôi đứng dậy và sải bước tới cửa, chẳng thèm bận tâm lựa đường băng qua chồng chồng lớp lớp bản in vất lung tung trên đường tôi đi. Tôi ngưng bước ngay trước khi chạm tới cửa và nói ngoái qua vai, “Giáo sư, tôi đang tìm Mihie Miach. Tìm ba tôi chỉ là một cách thức tới cái đích đó.”

Tôi bỏ phòng nghiên cứu lại đằng sau, cảm giác như mình đang tiến gần tới sự thật hơn bao giờ hết. Tôi có thể cảm giác được nó trong từng khúc xương. Tôi đang đi đúng đường.

<list:item>

<i: Mihie Miach>

<i: ba tôi>

<i: thao túng ý thức>

</list>

Lần này thì tôi không cần mấy mũi tên AR trôi nổi lềnh bềnh để dắt tôi.

Chủ Tịch Thanh Tra Os Cara Stauffenberg không hài lòng khi tôi không báo cáo kết quả điều tra cho cảnh sát Nhật cũng như chi nhánh Cục Thanh Tra Xoắn Ốc. Ngay lúc này, bà đang ở trong HeadPhone của tôi, chỉ trích tôi với từng câu được lựa chọn từ ngữ cẩn thận sao cho không đụng tới bất kỳ lời nói sỉ nhục.

“Đừng lo lắng, tôi đang có tiến triển mà,” là những gì tôi có thể nói cho bà ấy, làm bà tiếp tục hỏi thêm vào chi tiết. Sự dai dẳng của bà làm tôi thấy cứ như bằng cách nào đó mà tôi đã vô thức buộc miệng ra cái chữ Là chuyện riêng tư và bây giờ bà hết kiên nhẫn với tôi. Hiển nhiên, chỉ là trí tưởng tượng của tôi làm thêm ngoài giờ thôi. Os Cara không hề biết tôi càng lúc càng dính dáng cá nhân nhiều hơn trong việc điều tra.

Tôi bước đi, cứ để mắt nhìn thong thả trên mặt đất, miệng làu bàu mấy câu trả lời lấp lửng đáp lại câu hỏi của bà khi tôi đi xuống con đường bộ màu trắng, nó lướt qua những cây hồng hồng trên đường tới bãi đậu xe trong trường đại học.

“Tôi sẽ tới Baghdad.”

“Cái gì?!”

Tuy giọng bà vẫn dịu dàng như mọi khi, nhưng rõ là bà đang nổi đóa ngầm. Ấy vậy, bà vẫn xoay xở được một câu gần như là tầm thường “Tại sao là Baghdad?”, tôi trả lời rằng, “Vì đó là nơi mà cuộc điều tra dẫn tôi tới. Chẳng ai trong chúng ta có hàng tá lựa chọn lúc đụng tới cái chúng ta có thể nói, phải vậy không?” tôi chêm vào. Câu nói đó thật sự chọc tức bà.

“Đừng hòng nghĩ cô có thể giở lại quẻ Niger hết lần này tới lần khác.”

“Ồ,” tôi nói, “tôi định dùng bài đó cho đến khi nó sờn cạnh kia.” Tôi nhìn vào ảnh đại diện mà AR hiển thị thay cho mặt thật của Os Cara. Tôi thấy buồn cười rằng ảnh đại diện chúng tôi trông rất điềm tĩnh trong khi chúng tôi đang núp dưới hào, quăng lựu đạn ngôn từ vào kẻ kia.

Hầu hết mọi người có thói quen nhìn xuống chân khi đang ở chế độ HeadPhone—chắc là vì bằng không, họ sẽ quá mãi mê vào đối thoại rồi vấp té. Một cảnh tượng bình thường ngày nay tới độ không ai mảy may nghĩ tới một chút, nhưng giả dụ có người đến từ một trăm năm trước bị trượt chân vào thời đại chúng tôi, họ sẽ thấy một đám người vừa đi vừa nhìn xuống đất và lầm bầm với bản thân, họ sẽ đánh giá một cách công bằng rằng tất cả chúng ta cần đi chữa trị.

Tớ xin lỗi, Miach.

Những chữ ấy râm rang ở thâm tâm tôi. Chuyện về cách Cian đã cứ nhìn xuống vào đĩa caprese. Trong toàn bộ những thước phim AR thâu lại cảnh tự sát tôi đã coi, hành động của họ diễn ra một cách suôn sẻ, nối tiếp những gì đã xảy ra trước. Người ta cứ đang làm bất cứ cái gì họ thường thường làm, rồi đi tìm đường tự sát.

Cian là người duy nhất bất động một chút trước khi thực hiện, đầu cô cúi xuống, cứ như cô đang ngẫm suy về điều cô sắp làm.

Cô ấy là người duy nhất nhìn xuống, y như tôi đang nhìn xuống lúc này trong khi nói chuyện với Chủ Tịch Thanh Tra Os Cara Stauffenberg. Chỉ mỗi Reikado Cian. Chỉ mỗi cô ấy.

“Chủ Tịch, chúng ta sẽ phải tiếp tục ở trên PassengerBird. Có thứ cực kỳ quan trọng tôi vừa nảy ra.”

Tôi cúp máy trước khi Chủ Tịch kịp có thời gian hóa rồ thật, và tôi truy cập vào hồ sơ của cảnh sát địa phương được giao cho Đặc vụ Cục Xoắn Ốc chúng tôi để hỗ trợ điều tra, rồi tôi gọi lên các nhật ký cuộc gọi của Reikado Cian.

<silence>

Ngày Cian chết, 13 giờ 16.

Ngay trước khi cô chết.

Khi cô nhìn xuống món ăn.

<fear>

Xương sống tôi đóng băng. Ngày đó, khi Cian ngồi đối diện tôi và chăm chú nhìn món caprese của cô, cô đang gọi điện với ai khác.

Tôi không phải động não quá nhiều để đoán ra là ai. Dù gì thì Cian đã nói cái tên ấy rồi.

Đơn thuần là nó quá khó để chấp nhận.

Nó quá kinh hãi để chấp nhận.

Một người chết—hay chí ít, người tôi từng tin là đã chết—gọi bạn tôi ngay trước cái chết của cô. Bản ghi cuộc gọi đó từ 13 giờ 16 hai ngày trước nhấp nháy ở một góc AR, lặng lẽ nhưng đều đặn yêu cầu tôi bật lại thông điệp bên dưới ngôi mộ này.

</fear>

Với ngón tay run run, tôi vươn ra và ấn vào cái mục đang chớp chớp trong danh sách.

Một bản ghi âm mở ra.

</silence>

<log:phonelink:id=4ids8094bnuj8hjndf6>

Chào cậu, Cian.

Đã lâu không gặp. 13 năm rồi, huh?

Tớ đang gọi vì tớ muốn nói cho cậu hay ý nghĩa của “thiện” là thế nào.

Tớ đang nói tới Thiện viết hoa chữ T.

Cậu nghĩ nó nghĩa là gì?

Nó không phải là giúp đỡ người gặp nạn hay kết bạn hay không làm hại người khác. Chúng là các khía cạnh của thiện, nhưng thật sự chúng chỉ là tiểu tiết. Nếu cậu nghĩ thấu đáo, Thiện là ý chí cần có để giữ gìn một nhóm các giá trị theo thời gian.

Đúng vậy, giữ gìn. Giữ gìn gia đình, giữ gìn hạnh phúc, giữ gìn hòa bình. Vấn đề cậu đang giữ gìn cái gì không thật quan trọng. Những gì cậu phải làm là giữ vững một thứ mà người ta tin tưởng. Đấy là cốt lõi của Thiện.

Nhưng không có gì là mãi mãi, nhỉ?

Bởi thế mà cậu phải có ý thức nỗ lực không ngưng nghỉ để làm người thiện. Cậu phải giữ những cành cây ấy luôn vươn về phía bầu trời. Thiện phải được gìn giữ một cách chủ động. Nói cách khác, Thiện là cái mà ý thức cậu tin vào và gìn giữ. Dẫu cho nó có thể đủ thứ thể loại.

Quá tệ là cơ thể chúng ta không được xây dựng cho nghĩa vụ này. Con người lớn lên, rồi già đi. Con người bị bệnh. Con người chết. Bản tính tự nhiên không hề có thiện hay ác vì mọi thứ thay đổi suốt. Mọi thứ biến mất ở cuối đường. Đấy là điều đã ngăn Thiện không nuốt chửng thế giới cho đến nay. Đấy là điều ngăn con người không ngạo mạn với tất cả những việc Thiện họ đã làm, mặc cho chỉ là suýt soát. Thế mà bây giờ, nhờ vào WatchMe và medicule, bệnh tật và đến cả sự lão hóa cũng đang dần bị xóa sổ. Cái giá trị mà ta gọi là sức khỏe, nó đang giẫm đạp hết thảy thứ khác. Cậu nghĩ điều đó có nghĩa là gì? Điều đó có nghĩa là lũ sắp tới. Chúng ta sắp chết đuối.

Nếu hiện tại tất cả chưa phải là Thiện, nó sẽ chóng thôi.

</log>

Không một gợn nghi ngờ, đấy là giọng của Mihie Miach. Đấy cũng là, không cần hỏi, suy nghĩ của cô ấy.

<log:phonelink:id=4ids8094bnuj8hjndf6:playtime:2m52s06ms>

Chưa bao giờ có quá nhiều người bị Thiện chi phối.

Chưa bao giờ có quá nhiều người đầu hàng trước Thiện.

Có rất nhiều phiên bản của Thiện xuyên suốt các thời đại.

Khi thành Bastille sụp xuống ở Pháp, khi những đứa con của tự do ném thùng đựng trà vào bến cảng ở Boston[25]—mỗi thời đại có những anh hùng cố làm việc Thiện. Đó là toàn bộ ý tưởng đằng sau Hoa Kỳ, với sự tự do và dân chủ cho mọi người của nó.

Nhưng chưa một lần nào Thiện bắt quá nhiều mạng người làm nô lệ.

Trở lại thời còn vua chúa trị vì, nhà vua sẽ đe dọa tuyên án tử cho bất kỳ ai chống đối ông, nên người ta tuân phục. Họ làm người dân nghe lời thông qua bạo lực. Do vậy mà Cách Mạng Pháp là một thành công. Những gì họ cần làm là lật đổ nhà vua. Một khi cậu đã có đủ người dân ra đường và tuyên bố tự trị, rồi nói “Đây là ý nguyện của người dân,” thế là thứ tiếp theo cậu cần là bạo lực để hoàn thành công việc. Nhưng do sự khai sinh của dân chủ, luật pháp không còn xuất phát từ kẻ trên đỉnh. Bây giờ nó đến từ người dân. Rốt cuộc nó chạm đến thời điểm chúng ta hiện tại, lúc ai nấy cai trị chính họ.

Chúng ta làm gì nếu kẻ địch chúng ta sắp đối đầu lại nằm trong mỗi chúng ta?

Chủ nghĩa sinh mệnh của chúng ta là diễn đạt tối hậu của mọi luật, và là đích đến cuối cùng.

Có bao giờ nghe tới Ba Chàng Kỵ Sĩ Ngự Lâm? Đó là một câu chuyện—một tiểu thuyết viết bởi Alexandre Dumas—về 3 chàng lính sống vào thế kỷ 17 ở Pháp. Trong đó, có câu nói: “Một người vì mọi người, mọi người vì mọi người.”

Câu đó hợp với họ, vì họ chỉ nói với một vài người khác.

Trong thế giới của nhận thức tài nguyên, chúng ta đang lập nên cùng lời thề ấy, chỉ khác là chúng ta thề với mọi người trong sinh phủ—không, mọi người trong thế giới—và họ mong chúng ta dâng nộp mạng sống ta để đảm bảo ta sẽ theo suốt.

Cậu đáng ra phải đi với tớ, Cian. Cậu và Tuan.

Nhưng cậu đã không.

Cậu đã nói cậu sẽ chiến đấu với tớ. Rằng chúng ta sẽ chiến đấu cùng nhau.

Cậu đã làm tớ đau. Cậu đã làm tớ buồn lắm.

Nhưng tớ nghĩ nếu cậu có thể cho tớ thấy lòng dũng cảm của cậu bây giờ, vậy là đủ. Cho thế giới thấy không có gì là vĩnh viễn. Cho thế giới thấy cơ thể cậu thuộc về một mình cậu mà thôi. Cho mọi người thấy ngay bây giờ, và chuyện sẽ cứ y như ngày trước.

Ngày mà chúng ta là chúng ta.

Làm ơn, Cian. Tớ cần cậu dũng cảm.

Cho tớ thấy đi. Cho thế giới thấy đi.

</log>

Môi tôi cử động, bật ra những lời cuối cùng của Cian cùng với cô.

Tớ xin lỗi, Miach.

</body>

</etml>

↑ hồi tưởng:lặp lại

↑ Tổ Chức Cảnh Sát Hình Sự Quốc Tế

↑ ý kiến cộng đồng

↑ danh sách:hội thoại

↑ sự chán chường

↑ blood-brain barrier

↑ đơn vị khối lượng nguyên tử - https://vi.wikipedia.org/wiki/Đơn_vị_khối_lượng_nguyên_tử

↑ kỷ niệm

↑ khinh miệt

↑ cười lớn

↑ thông cáo báo chí

↑ các chất trong máu

↑ postconsumer society: chỉ xã hội không còn đặt nặng vấn đề shopping, thậm chí còn tránh shopping; người tiêu dùng trở nên chủ động hơn trong mua sản phẩm

↑ sợ

↑ kinh khiếp

↑ giới hạn:kiên nhẫn

↑ súng lục tự động

↑ tấm bảo vệ buộc vào cửa, thường gần tay cầm để khỏi làm bẩn cửa

↑ cụ thể đây là Nga

↑ xúc động

↑ bối rối

↑ số nhiều của “dead medium” – phương tiện truyền thông chết, tức chỉ các loại sản phẩm truyền tải thông tin một khi được làm ra thì không thay đổi được nữa

↑ Đảng Quốc Xã Đức

↑ “muôn năm” trong tiếng nhật

↑ ý chỉ các cuộc cách mạng dân chủ