III.
Ở Iserlohn có hai đại tướng: một là Tư lệnh Phòng thủ Pháo đài - Đại tướng Thomas von Stockhausen, và một là Tư lệnh Hạm đội Lưu trú - Đại tướng Hans Dietrich von Seeckt. Hai người họ tuổi tác đều ngoài năm mươi, chiều cao cũng tương đương, chỉ là vòng bụng của Stockhausen gọn hơn Seeckt một chút.
Quan hệ giữa họ không quá tốt, nhưng chuyện này thiên về truyền thống hơn là cá nhân. Một chốn mà có đến hai vị chỉ huy cùng cấp bậc thì không xung đột mới là chuyện lạ.
Mâu thuẫn giữa hai người họ mở rộng đến binh sĩ dưới quyền cũng là chuyện đương nhiên. Trong con mắt của quân phòng thủ pháo đài, lính hạm đội chỉ là một đám thực khách được mỗi cái mồm, cứ mỗi khi chiến sự bên ngoài hơi chút gay go là lại cúp đuôi chạy về chốn an toàn cầu cứu, thực là một lũ ăn hại không hơn không kém. Còn dưới ánh nhìn của quan binh trực thuộc hạm đội, quân phòng thủ pháo đài không khác gì một đám chuột chũi chui rúc trong nhà vờ vịt chơi trò chiến tranh.
Niềm tự hào là một chiến sĩ phòng thủ tòa pháo đài Iserlohn bất khả xâm phạm cùng ý chí chiến đấu chống “bè lũ phản loạn” miễn cưỡng gắn kết đôi bên. Trên thực tế, quân lính hai phe không ngừng khinh bỉ chửi bới lẫn nhau, nên khi Liên minh đánh tới, phe nào cũng ùa lên tranh công, kết quả là lập nên không ít chiến tích.
Cục quân chính cũng vài lần đề xuất phương án cải tổ nhằm thống nhất quyền chỉ huy quân phòng thủ cùng lính hạm đội, nhưng chuyện bỏ bớt một ghế tư lệnh rõ ràng là vấn đề lớn, đụng chạm đến quyền lợi các sĩ quan cao cấp trong quân đội, còn chuyện hai vị tư lệnh bất hòa thì chưa gây ra hậu quả gì tai hại.
oOo
Hôm đó là ngày 14 tháng 5 theo lịch tiêu chuẩn[1] .
Hai vị tư lệnh, Stockhausen và Seeckt, gặp nhau tại phòng họp nhỏ. Chỗ này vốn là một góc phòng nghỉ dành cho sĩ quan cao cấp, nhưng vì khoảng cách từ đây đến phòng làm việc của hai vị tư lệnh vừa vặn bằng nhau nên được sửa chữa lại thành phòng cách âm. Nguyên nhân chủ yếu cũng vì không ngài tư lệnh nào muốn tới phòng của ngài tư lệnh nào, mà chuyện liên lạc trong pháo đài thì không thể trông cậy hoàn toàn vào TV thông tấn.
Hai hôm nay, tín hiệu thông tin của Iserlohn bị quấy nhiễu. Chuyện này chắc chắn xuất phát từ bàn tay quân phản loạn. Thế nhưng, tòa pháo đài vẫn không bị tấn công. Hai vị tư lệnh gặp mặt nhau chính là để bàn cách xử lý việc này, nhưng cuộc nói chuyện giữa hai người lại không có chút tác dụng:
- Ngài nói quân ta cần tấn công kẻ địch, nhưng không biết địch ở đâu thì đánh làm sao?
Stockhausen vừa nói xong, Seeckt lập tức phản bác:
- Chính vì vậy mới phải ra ngoài, tìm xem kẻ địch đang ẩn náu ở đâu chứ! Nhưng nếu lần này quân phiến loạn thực sự tấn công, chắc chắn bọn chúng sẽ huy động đại quân.
Lần này thì Stockhausen gật đầu, đầy tự tin đáp:
- Và rồi chúng ta sẽ lại đánh bại bọn chúng. Quân phản loạn đã tấn công nơi này sáu lần và bị đẩy lùi đủ sáu. Nếu lần này chúng tới nữa, sáu sẽ thành bảy.
- Tòa pháo đài này đúng là vĩ đại.
Lời ngầm của ngài tư lệnh hạm đội chính là, quân ta thắng lợi không phải vì tài năng của quý ngài đâu.
- Tóm lại, sự thật là kẻ địch đã tới gần. Tôi sẽ điều động hạm đội ra ngoài tìm kiếm thử xem.
- Nhưng không biết chúng ở đâu thì tìm làm sao được? Vẫn là chờ ít lâu nữa xem sao.
Chuyện họ bàn bạc còn đang giẫm chân tại chỗ thì phòng thông tin chợt truyền tin tới. Họ vừa nhận được tín hiệu lạ từ một kênh thông tấn.
Tín hiệu bị nhiễu nghiêm trọng, tin nhắn họ nhận cũng tiếng được tiếng mất, nhưng rốt cuộc cũng đoán được nội dung đại khái của thông điệp:
“Có một thiết giáp hạm tuần tra hạng nhẹ thuộc lớp Bremen được cử đến Iserlohn từ thủ đô Odin để truyền đạt một thông điệp quan trọng. Con tàu bị tấn công ngay trên hành lang và đang trên đường chạy trốn. Nó yêu cầu phía Iserlohn khẩn cấp tiếp viện.”
Hai vị tư lệnh quay mặt nhìn nhau.
- Tôi không biết trên hành lang xảy ra chuyện gì, nhưng chúng ta nhất định phải xuất quân.
Seeckt mở miệng phun ra câu nói vẫn ghìm trong yết hầu.
- Nhưng làm thế có ổn không?
- Ý ngài là sao? Lính của tôi khác đám chuột chũi chỉ biết chui rúc ở chỗ an toàn.
- Ngài nói thế là có ý gì?
Lúc sóng vai bước vào phòng họp chung, sắc mặt hai vị tư lệnh hãy còn nguyên vẻ giận dữ. Seeckt ra lệnh cho thuộc hạ của ông chuẩn bị xuất kích hạm đội, còn Stockhausen thì đảo mắt nhìn sang phía khác lúc người đồng nghiệp của ông giải thích nguyên do.
Sau khi Seeckt nói xong, một trong số thuộc hạ của ông ta đứng dậy:
- Thưa tư lệnh, xin ngài hãy đợi một chút.
- Đại tá Oberstein?
Đại tướng Seeckt lạnh giọng hỏi. Ông ghét người tham mưu mới của mình. Từ mái đầu nửa bạc tới khuôn mặt tái ngắt, đến cả cặp mắt giả thi thoảng lóe sáng kỳ quái của anh ta đều khiến ông thấy không thoải mái. Với ông, Oberstein là nột gã đàn ông đầy quỷ khí.
- Đại tá có ý kiến gì sao?
Vẻ mặt Oberstein vẫn không lộ chút khác thường trước câu hỏi hằn học của thượng cấp:
- Thưa vâng.
- Nói thử xem. - Seeckt bực dọc thúc.
- Vậy tôi xin phép. Tôi nghĩ đây là một cái bẫy.
- Bẫy?
- Đúng vậy. Quân địch muốn dụ ta rời khỏi Iserlohn. Theo tôi, chúng ta không nên rời đi. Ngược lại, cần tạm thời án binh bất động quan sát tình hình.
Seeckt khịt mũi không hài lòng:
- Ý ngươi là một khi xuất quân, ta sẽ phải chạm trán địch, một khi chiến đấu, quân ta liền cầm chắc thất bại?
- Tôi không có ý đó thưa...
- Vậy thì ngươi có ý gì? Chúng ta là quân nhân. Bổn phận của chúng ta là chiến đấu! Thay vì lo nghĩ cho an toàn của bản thân, ngươi phải nghĩ tới chuyện xông lên đánh bại kẻ thù đi chứ! Chưa kể ngoài kia còn có người của ta đang chờ cứu viện!
Những lời này của tướng Seeckt, một phần xuất phát từ phản cảm với Oberstein, một phần đến từ vẻ trào phúng hiện rõ trên khuôn mặt Stockhausen vẫn khoanh tay đứng nhìn từ nãy đến giờ. Nhưng suy cho chùng, hết thảy đều vì Seeckt là tuýp mãnh tướng tuyệt đối không ngồi yên khi phát hiện kẻ địch. Chuyện chui rúc trong pháo đài chờ giặc đến không hợp với bản tính của ông. Trong suy nghĩ của tư lệnh Seeckt, đó không phải là hành động đáng mặt lính hạm đội.
- Ừm, đề đốc Seeckt, lời viên tham mưu của ngài có lý đấy. Ta còn chưa biết kẻ phát tín hiệu kia là bạn hay thù, hệ số nguy hiểm quá cao. Hãy chờ một lúc nữa xem sao?
Có thêm câu khuyên bảo kiểu đó của Stockhausen, tình hình liền xác định.
- Không! Một giờ sau toàn bộ hạm đội xuất phát! - Seeckt ra lệnh.
Chẳng mấy chốc. 15.000 tàu chiến lớn nhỏ của hạm đội lưu trú Iserlohn rời cảng.
Stockhausen nhìn khung cảnh ấy qua màn hình kiểm soát trong phòng chỉ huy của pháo đài. Cảnh tượng xuất phát của một hạm đội khổng lồ gồm những con tàu chiến đồ sộ như tòa tháp khổng lồ nằm ngang, những tàu hộ vệ hình giọt nước... sắp xếp chỉnh tề cất cánh hướng ra phía vũ trụ bên ngoài thực sự tráng lệ vô cùng.
- Hừ, ra ngoài nếm chút đau khổ rồi chạy về đây.
Stockhausen làu bàu mắng. Với ông, cho dù là đùa giỡn thì những câu “đi chết đi” hay “bại trận đi” vẫn không phải là lời có thể treo ngoài miệng. Đây cũng là một điểm mấu chốt của ông.
Sau sáu tiếng đồng hồ, lại có một thông điệp được gửi đến. Vẫn là từ chiếc tàu tuần tra lớp Bremen. Rốt cuộc nó cũng đến được gần pháo đài, nhưng vẫn bị quân phản loạn đuổi sát phía sau. “Đề nghị phía pháo đài dùng hỏa lực tiếp viện” - thông điệp lẫn tạp âm có nội dung như thế.
Vừa chuẩn bị pháo thủ chi viện, Stockhausen vừa buồn bực. Lão Seeckt bất tài dạo chơi chỗ nào rồi không biết! Ăn nói hùng hồn cho lắm vào rồi ứng cứu một phi thuyền phe mình cũng làm không xong là cớ làm sao?
- Có chiến hạm xuất hiện trên màn hình!
Thuộc hạ của Stockhausen báo. Vị tư lệnh lập tức ra lệnh phóng to hình ảnh khu vực nọ.
Chiếc tàu tuần tra lớp Bremen lảo đảo như một gã say rượu đang tiến thẳng tới pháo đài. Sau lưng nó có vô số điểm sáng. Rõ ràng chúng là tàu địch.
- Chuẩn bị pháo kích!
Stohausen ra lệnh.
Thế nhưng, hạm đội quân Liên minh lại đồng loạt dừng lại sát ngoài tầm bắn của pháo đài. Rồi như sợ hãi, những con tàu nọ chỉ lửng lờ trôi trên đường ranh giới vô hình, chờ đến khi xác nhận rằng chiếc tàu tuần tra lớp Bremen đã tiến vào phạm vi cảng không gian theo hướng dẫn từ phòng chỉ huy pháo đài, chúng mới tiếc nuối quay mũi tàu rời đi.
- Cũng coi như là thông minh, biết đánh không lại chúng ta.
Binh lính Đế quốc cười vang. Đồng nhất lực lượng đến từ tòa pháo đài với sức mạnh của bản thân là cách củng cố lòng tự tin của họ.
Con tàu tuần tra lớp Bremen vừa cập cảng, thả neo từ trường trông thảm hại vô cùng.
Chỉ nhìn từ bên ngoài đã thấy mười mấy lỗ thủng. Vật liệu kết dính dùng sửa chữa khẩn cấp trắng toát thòi ra lòng thòng bên ngoài các vết nứt như một thứ nội tạng động vật, còn số vết rạn trên thân nó thì có dùng hết số đầu ngón tay lẫn đầu ngón chân của 100 binh sĩ cũng không đếm hết được.
Chiếc xe chạy bằng hydro chở nhân viên kỹ thuật tiến đến gần con tàu. Họ không phải lính pháo đài, mà là thuộc hạ của tư lệnh chỉ huy hạm đội lưu trú nên rất đồng cảm trước cảnh tượng thê thảm này.
Cánh cửa con tàu tuần tra mở ra, một sĩ quan trẻ tuổi quấn băng trắng trên đầu xuất hiện. Đó là một người đàn ông điển trai, nhưng khuôn mặt tái nhợt của anh ta lem luốc những vệt máu khô.
- Tôi là thuyền trưởng - thiếu tá von Laeken. Tôi cần gặp tư lệnh pháo đài.
Anh ta nói lưu loát ngôn ngữ chính thức của Đế quốc.
- Rõ. Nhưng bên ngoài pháo đài có chuyện gì vậy?
Một sĩ quan kỹ thuật hỏi. Laeken đau đớn hít một hơi:
- Chúng tôi từ Odin đến đây nên cũng không rõ lắm. Nhưng có vẻ... hạm đội của các anh đã bị tiêu diệt rồi.
Đảo mắt nhìn qua một loạt lính tráng đang lặng người, Laeken cao giọng:
- Rất có thể quân phản loạn đã tìm ra được cách để lướt qua hành lang. Chuyện này không chỉ liên can tới Iserlohn, mà còn quan hệ tới tồn vong của cả Đế quốc! Tôi cần gặp tư lệnh gấp!
Yêu cầu lập tức được đáp ứng.
Đại tướng Stockhausen chờ trong phòng chỉ huy. Vừa trông thấy lính cảnh vệ hộ tống năm người sĩ quan trên con tàu tuần tra tiến vào phòng giữa, ông lập tức đứng nghiêm:
- Ta là Stockhausen. Thiếu tá hãy giải thích tình hình. Xảy ra chuyện gì?
Tư lệnh pháo đài dẫm chân mạnh hơn bình thường, cả tiếng chào của ông cũng cao hơn mức cần thiết. Nếu mọi chuyện đúng như thông tin ông vừa nhận được, thì quân phản loạn đã nghĩ ra được biện pháp vượt qua hành lang, ý nghĩa tồn tại của tòa pháo đài này sẽ bị nghi ngờ. Lúc này đây, ông cần phải nghĩ ra biện pháp ứng đối trước hành động của phản quân.
Iserlohn không thể di động, nên mới cần đến hạm đội lưu trú cho những lúc như thế này. Lão Seeckt ngu ngốc! Stockhausen lúc này không cách nào bình tĩnh.
- Chuyện là...
Giọng thiếu tá Laeken nhỏ dần, Stockhausen cũng vô thức rướn nửa thân trên đến gần anh ta.
-... thế này. Thưa tư lệnh Stockhausen, ngài đã là tù binh của bọn tôi!
Mọi chuyện diễn ra chớp nhoáng. Dàn cảnh vệ bật tiếng chửi thề, rút súng. Thiếu tá Laeken cũng vòng cánh tay siết cổ đại tướng Stockhausen, chĩa khẩu súng làm bằng ceramic để không bị trình phát hiện kim loại nhận diện vào bên thái dương ông ta.
- Ngươi...
Gương mặt vốn hồng hào của trung tá Remler chịu trách nhiệm điều phối cảnh vệ trong phòng chỉ huy càng đỏ thêm.
- Ngươi là đồng bọn của đám phản loạn. Sao ngươi dám...
- Thôi thì để ta tự giới thiệu một chút. Ta là đại tá Schönkopf của quân đoàn Rosen Ritter. Tiếc là hai tay ta đều bận cả nên không thể tháo xuống lớp hóa trang mà chào hỏi được.
Đại tá Schönkopf sảng khoái cười to:
- Tôi cũng không ngờ kế hoạch sẽ thuận lợi tới nước này đâu. Tôi thậm chí còn chuẩn bị cả ID giả, thế mà các ngài không chịu kiểm tra gì cả... Máy móc chương trình có cẩn mật tới đâu vẫn cứ phải có người dùng tới mới được. Quả là một bài học hay.
- Bài học cho ai kia?
Trung tá Remler nghiến răng, chĩa họng súng vào cả Stockhausen lẫn Schönkopf.
- Ngươi định bắt giữ con tin sao? Đừng đánh đồng quân nhân Đế quốc với lũ phản loạn các người! Ngài tư lệnh của chúng ta tình nguyện chết trong danh dự! Ông ấy không đời nào làm tấm mộc cho ngươi!
- Hình như ngài tư lệnh đây đang hoang mang trước mấy lời đánh giá quá cao của anh đấy!
Schönkopf cười chế giễu rồi đánh mắt cho một trong số bốn thuộc hạ đang vây quanh bảo vệ cho mình. Người nọ lập tức lấy ra món đồ hình tròn dẹt, lớn chứng bàn tay giấu bên dưới bộ quân phục. Nó cũng làm từ ceramic.
- Các vị biết thứ này chứ? Thiết bị phát hạt Seffle đấy.
Schönkopf vừa dứt lời, cả gian phòng rộng chấn động như vừa có một luồng điện chạy qua.
Hạt Seffle là một loại vật chất hóa học được đặt theo tên nhà khoa học phát minh ra nó là Karl Seffle. Là một nhà hóa học ứng dụng, Seffle phát minh ra loại hạt này nhằm phục vụ cho việc xây dựng các công trình ở quy mô hành tinh. Chỉ cần nhiệt năng cùng dòng năng lượng vượt qua một giới hạn nhất định, hạt Seffle sẽ gây ra một vụ nổ tương tự như nổ khí gas, nhưng phạm vi thì dễ dàng khống chế. Chỉ là, bất kỳ phát minh trong lĩnh vực nào đều sẽ bị con người ứng dụng vào quân sự.
Sắc mặt trung tá Remler sạm đi trông thấy. Anh ta không thể nổ súng vì chùm năng lượng khẩu súng phát ra sẽ kích hoạt vụ nổ, giết hết tất cả bọn họ. Hạt Seffle trong không khí còn là chất dẫn lửa nên mọi người có mặt trong gian phòng này đều sẽ hóa thành tro trong nháy mắt.
- Trung, trung tá...
Một người lính cảnh vệ kêu lên trong tuyệt vọng. Trung tá Remler chỉ đành dùng ánh mắt trống rỗng nhìn sang đại tướng Stockhausen. Schönkopf hơi nới lỏng cánh tay. Sau khi hít sâu hai hơi, vị tư lệnh chỉ huy pháo đài Iserlohn khuất phục:
- Các ngươi thắng. Đành vậy. Ta đầu hàng.
Schönkopf cũng âm thầm thở phào:
- Tốt. Mọi người, cứ theo kế hoạch mà hành động.
Thuộc hạ của đại tá Schönkopf bắt đầu hành động theo lệnh. Họ thay đổi giao thức kiểm soát của máy tính, vô hiệu hóa các chương trình phòng thủ, dùng hệ thống điều hòa thả khí gas gây mê ra khắp pháo đài. Nhóm lính kỹ thuật nấp trên con tàu tuần tra lớp Brenen tràn xuống, mau chóng bắt tay hoàn thành nhiệm vụ. Dưới tình huống chỉ một số rất ít người trong pháo đài phát hiện có điểm bất thường, toàn bộ pháo đài Iserlohn mất đichức năng vốn có, hệt như một cơ thể bị ung thư bào mòn.
Năm tiếng đồng hồ sau, quân Đế quốc tỉnh lại sau giấc ngủ nặng nề thì ngơ ngác nhận ra bản thân mình đã bị giải trừ võ trang, trở thành tù binh. 500.000 nhân viên từ chiến đấu, thông tấn, hậu cần, quân y, cảnh vệ cho đến quản lý và cả kỹ thuật đều bị bắt. Trên Iserlohn còn có cả một nhà máy sản xuất thực phẩm quy mô cực lớn và số trang thiết bị đủ cung cấp cho trên 1.000.000 người, tức bao gồm cả hạm đội lưu trú. Rõ ràng Đế quốc có ý đồ biến Iserlohn thành một tòa pháo đài vĩnh cửu đúng theo nghĩa đen.
Nhưng, hiện tại, chốn này đã in đầy dấu chân của quân lính trực thuộc hạm đội XIII của Liên minh.
Và như thế, tòa pháo đài Iserlohn tựa như loài ác ma từng uống máu hàng mấy trăm vạn quân Liên minh trong quá khứ, dưới tình huống không mất một giọt náu, đã thay đổi chủ nhân.