Học kỳ hai của năm lớp 12 bắt đầu vào đầu tháng Hai, cũng là trước lễ Tình nhân.
Để hòa chung không khí, tuyến xe buýt tôi đi đã tổ chức hoạt động Tin nhắn tình yêu.
Hành khách có thể tự do lấy một tấm thiệp màu đỏ ở cạnh ghế bác tài, viết xong nhét vào hòm thư.
Bác tài sẽ đục lỗ rồi xỏ dây vào những tấm thiệp tình yêu đó, treo trên tay nắm treo.
Mới đầu trên xe chỉ có vài tấm thiệp linh tinh, ba ngày sau tất cả các móc treo đều rực đỏ.
Có cái móc thậm chí còn treo tới ba, bốn tấm thiệp, trông cực kỳ hoành tráng.
- Bạn có đọc được lời nhắn nào hay ho không?
- Không. – Tôi lắc đầu, - Toàn viết vớ viết vẩn.
- Câu chữ có thể vớ vẩn, nhưng làm như vậy rất lãng mạn mà.
- Thế à?
- Xuống xe cẩn thận. – Cô ấy gật đầu.
Cuộc sống tuổi 18 của tôi giống như nước sôi, tuy nhạt nhẽo, nhưng lành mạnh.
Vốn vẫn cho rằng viết lời nhắn lên thiệp rồi triển lãm công khai là một chuyện vớ vẩn, không cần biết viết có hay không.
Nhưng nếu cô ấy đã nói làm như vậy rất lãng mạn, vậy thì… hay là viết thử xem sao nhỉ.
Tôi nghĩ chắc cũng không ảnh hưởng gì đến sự lành mạnh đâu.
Trên tuyến xe từ trường về nhà, lúc xuống xe tôi lén lút chôm một tấm thiệp màu đỏ.
Bác tài liếc tôi một cái như có như không, nhưng lại khiến tôi vô cùng chột dạ.
Về nhà vắt chân lên trán cả buổi tối, cũng chẳng nặn ra được chữ nào.
Hôm sau lên xe tìm cảm hứng, phát hiện ra trên cái tay nắm mà tay phải tôi đang nắm treo ba tấm thiệp của ba cô gái:
“Em yêu anh nồng nàn đến vậy. Nồng nàn, nồng nàn, sâu thẳm như đại dương.”
“Tại sao? Chỉ viết ba chữ “Em yêu anh” trên thiệp thôi, mà nước mắt lại rơi.”
“Gặp chân tình sinh tử không thay đổi, kiếp này chỉ để gặp được chàng, kiếp sau vẫn nguyện cùng sánh đôi.”
Nếu sau này con gái tôi viết ra những lời như vậy, có lẽ tôi sẽ cắt đứt quan hệ cha con với nó.
Trong giờ học không thể tập trung, đầu óc cứ nghĩ mãi nên viết gì đây?
Cứ thế này không phải là cách, phải nhanh chóng viết gì đi, viết gì cũng được, nếu không thì không học được chữ nào mất.
Tôi nhắm mắt lại, cố mường tượng lại hình ảnh cô ấy trong đầu, nhưng chỉ thấy một màu trắng mông lung.
Từ từ điều chỉnh tiêu cự, hình ảnh dần trở nên rõ nét, đó là một cánh hoa dành dành.
Trước mũi như phảng phất mùi thơm nồng nàn.
Ừ, viết thế này đi.
“Tặng cô gái nhìn giống con lai nhưng thực ra là thiếu máu
Luôn gặp em khi em đang ngồi
trên chuyến xe buýt chật như nêm
Trong thế giới đào nguyên chỉ thuộc về tôi vỏn vẹn 40 phút ấy
Chưa từng thấy em đứng lên.
Trên sườn núi hoa dành dành nở rộ
nếu được gặp lại em một lần
Dù em chỉ cứ đi thẳng tới
Nói những lời khen hoa đẹp hoa tươi
Rồi quay người chào từ biệt tôi
Tôi vẫn tin rằng
Đó nhất định là
Ký ức đẹp đẽ nhất cuộc đời.
Vũ công đoàn khiêu vũ quốc tế.”
Đọc đi đọc lại mấy lần, cứ cảm thấy không hài lòng lắm, không bật ra được cảm giác hay ý tứ mà bài thơ cần có.
Người ta nói tình yêu sẽ khiến con người thành thi sĩ, có lẽ là vì tôi không đang ở trong tâm trạng khi yêu, thậm chí còn chẳng tính là yêu đơn phương, nên mới không thể viết ra được một bài thơ hoàn chỉnh.
Nhưng đối với một học sinh cấp ba bình thường như tôi, đây đã là phương án tối ưu vận dụng hết noron thần kinh rồi.
Dù sao thì mục đích của tôi cũng không phải là làm thơ, cũng không phải là viết tin nhắn tình yêu, mà là cầu nguyện.
Tôi hy vọng sau này khi đã xa rời những tháng ngày bắt xe buýt, tôi vẫn còn có thể gặp cô ấy, bất kể khi nào, bất kể nơi đâu.
Trên xe về nhà, có lẽ vì căng thẳng nên tinh thần tôi có phần kích động.
Lúc xuống xe đi ngang qua chỗ bác tài, dù biết bác tài có thói quen nhìn theo hành khách xuống xe, nhưng lúc bác ta liếc đến tôi, tôi lại vô duyên vô cớ thấy chột dạ.
Dúi vội tấm thiệp vào thùng thư, tôi chạy như bay xuống xe.
Sau đó khi đi xe buýt, tôi luôn đặc biệt để ý đến những tấm thiếp treo trên móc treo mà tay phải đang nắm.
Hoạt động Tin nhắn tình yêu diễn ra từ đầu tháng Hai đến giữa tháng Ba, trong thời gian này tôi không nhìn thấy tấm thiệp tôi viết.
Điều này thực ra cũng bình thường, dù sao tôi cũng chẳng thể đi tìm từng tấm thiếp treo trên từng cái móc.
Hơn nữa tuyến đường này đâu chỉ có một chiếc xe.
Dù biết rằng cơ hội may mắn nhìn thấy tấm thiếp do chính mình viết rất nhỏ, nhưng tôi vẫn muốn nhìn thấy tấm thiếp đó được treo trên móc treo.
Khi xe buýt cuối cùng đã trở về bình thường, không còn rực lên sắc đỏ nữa, lòng bỗng dấy lên một cảm giác hụt hẫng vô cớ.
Dù thế nào đi nữa, cũng nên để chuyện này mau mau trôi qua, tôi không nên quá bận lòng.
Khi kỳ thi đại học đã gần kề, tôi cần phải tập trung hơn, không được suy nghĩ linh tinh.
Nếu tôi có bất kỳ suy nghĩ nhạy cảm hay tỉ mỉ nào, thì cũng nên đặt hết vào môn Toán, biết đâu còn có thể giúp tôi giải đề.
- Chỉ còn 100 ngày nữa thôi. – Cô ấy nói.
- Đúng vậy.
- Câu thứ hai.
- Hả?
- Xuống xe cẩn thận.
Ở góc trên bên phải tấm bảng đen, luôn dùng phấn màu vàng đếm số ngày còn lại trước kỳ thi đại học.
Bảng đen ngày nào cũng xóa đi xóa lại mấy chục lần, cái góc nhỏ màu vàng be bé ấy luôn được né tránh đầy thận trọng.
Nếu bạn hỏi học sinh lớp 12 hôm nay là ngày mấy tháng mấy? Cậu ta sẽ ngẫm nghĩ ba giây mới trả lời, mà chưa chắc đã đúng.
Nhưng nếu bạn hỏi còn bao nhiêu ngày nữa là đến kỳ thi đại học? Cậu ta sẽ đưa ra đáp án chính xác không chút do dự.
Hơn thế giọng nói còn chất chứa kinh hoàng.
Mỗi khi trong đầu tôi hiện lên con số màu vàng đó, đầu óc sẽ lập tức đông đặc lại, không thể suy nghĩ gì thêm.
Tôi đoán có lẽ cô ấy cũng vậy, vì thế không tài nào nói ra được câu thứ hai có ý nghĩa.
- Ăn sáng chưa? – Cô ấy hỏi.
- Ăn rồi.
- Phải để ý sức khỏe.
- Cảm ơn quan tâm.
- Xuống xe cẩn thận.
Khi con số màu vàng chỉ còn lại hai con số, tôi thường xuyên căng thẳng vô cớ, tim đập thình thịch.
Tần suất xuất hiện cảm giác căng thẳng này tỉ lệ thuận với độ giảm của con số màu vàng.
Dường như chỉ khi nào gặp cô ấy trên đường đến trường, nhịp tim mới bình ổn lại.
Lời chào hỏi đơn giản của cô ấy với tôi như một liều thuốc tiên, có thể khiến tôi trong một thời gian dài không bị cảm giác căng thẳng kia bủa vây.
Một hôm khi chỉ còn cách ngày thi đại học hai tháng, tôi lại ngửi thấy mùi hoa dành dành trên người cô ấy.
- Hoa dành dành lại nở rồi. – Cô ấy lấy trong túi áo khoác ra một cánh hoa màu trắng.
- Đúng thế.
- Thời gian trôi nhanh thật.
- Đúng thế.
- Xuống xe cẩn thận.
Đối với việc thời gian trôi như bay, tôi thật sự không còn lời nào để nói.
Tính từ ngày đầu tiên quen cô ấy đến nay, đã hơn một năm một tháng.
Khi hoa dành dành năm nay tàn úa, tôi có còn được ngửi thấy mùi hoa dành dành trên người cô ấy nữa hay không?
Dù vẫn may mắn ngửi được, vậy sẽ ở nơi nào?
Vì sợ phân tâm, cũng không muốn bất chợt nhớ tới cô ấy giữa giờ học, tôi cố tình không đi ngắm hoa.
Nhưng cuối cùng cũng chẳng nén nổi cơn kích động muốn ngửi mùi thơm, nên một buổi trưa nào đó tôi đã xông đi ngắm hoa.
Tiếc là hoa dành dành đã tàn quá nửa, số còn lại cũng đã chuyển sang màu vàng sữa, những bông hoa trắng ngần chẳng còn lại mấy.
Hoa tàn rồi, mới quyết định đi ngắm hoa. Hoa đã rụng, đã trở thành cát bụi, đợi tới tiết cuối xuân đầu hạ sang năm.
Vẫn sẽ nở rộ thành một mảng trắng mênh mang tinh khiết chứ?
Tôi bỗng dưng thấy bùi ngùi, chẳng có lẽ đây chính là cái gọi là di chứng của kỳ thi?
- Cho bạn thêm một chữ O
- Hửm?
- Hell là địa ngục. – Cô ấy cười cười – Nhưng thêm một chữ O sẽ trở thành Hello.
- Không sai. – Tôi cũng cười, - Cảm ơn.
- Xuống xe cẩn thận.
- Nếu trước mặt bạn là bóng tối, xin đừng sợ hãi.
- Hả?
- Đó là bởi vì sau lưng bạn là ánh mặt trời.
- Cảm ơn. – Tôi nói – Nhưng ánh mặt trời đang ở trước mặt mình rồi, nên bóng tối đã bị đuổi ra sau lưng.
- Xuống xe cẩn thận. – Cô ấy cười, nụ cười ấm áp như ánh dương.
Ngày thứ năm thứ hai của tháng Sáu, là lễ tốt nghiệp của trường tôi.
Còn gần ba tuần nữa mới tới kỳ thi đại học, để đảm bảo lũ thí sinh tương lai chúng tôi vẫn chăm chỉ miệt mài, nhà trường hy vọng sau khi tốt nghiệp chúng tôi vẫn tới trường, thầy cô cũng tới giúp chúng tôi ôn tập.
Chỉ khác ở chỗ có thể đến trường muộn hơn một tiếng so với trước kia.
Buổi tối cũng mở thêm một phòng đọc sách tới chín rưỡi tối, cho các thí sinh tương lai thoải mái sử dụng.
Vì thế sau khi tốt nghiệp tôi vẫn tới trường mỗi ngày, ở lại tới chín rưỡi tối mới về nhà.
Không biết bên trường cô ấy thế nào, nhưng tôi ra khỏi nhà muộn hơn một tiếng, từ đó không còn gặp cô ấy nữa.
Hành khách trên xe biến thành dân công sở và mấy bà nội trợ đi chợ, không còn toàn là học sinh nữa.
Đã ba năm gắn bó với tuyến xe này, giờ đây tôi lại cảm thấy thật xa lạ.
Và còn thật cô đơn, thật hiu quạnh, đôi lúc thậm chí còn cảm thấy thật bi thương.
Tôi nghĩ tôi không còn được gặp lại cô ấy nữa.
Phòng đọc sách buổi tối mở cửa tới trước ngày thi ba ngày, tôi ở lại cho đến phút cuối cùng của ngày cuối cùng.
Rời khỏi trường học (lần này thật sự là rời triệt để rồi), đứng một mình trên bến đợi xe.
Bỗng nhớ tới cô ấy, không biết cô ấy chuẩn bị đến đâu rồi? Có căng thẳng không? Có thi đỗ không?
Tôi nghĩ có lẽ cô ấy cũng giống tôi, trong giai đoạn nước rút cuối cùng, đè nén tất cả những suy nghĩ khác ngoài việc học, một lòng một dạ tập trung cho kỳ thi.
Xe tới, tôi vẫn lên xe từ cửa sau. Đưa mắt liếc qua, các ghế mới có 2/3 người ngồi.
Tôi vẫn quay người đi về cuối xe theo thói quen, định tìm đại một chỗ nào ngồi xuống.
Đi được bốn bước, phát hiện ra cô ấy đang ngồi bên cạnh, hơi cúi đầu xuống, có lẽ đang nghỉ ngơi, hay đang trầm tư.
Đi tiếp cũng không được, đứng cũng không được, ngồi cũng không xong, tất cả động tác của tôi hoàn toàn khựng lại.
Xe khởi động, tôi giật nảy mình, miệng không khỏi á lên một tiếng.
Trong khoảnh khắc mất thăng bằng, tay phải với lên trên theo phản xạ, vừa may túm được một cái móc treo.
Sự ồn ào ấy có lẽ đã đánh thức cô ấy, cô ấy ngước lên nhìn tôi, ánh mắt ngỡ ngàng.
Hai bên nhìn nhau một lúc, tôi cảm thấy cứ đứng trơ khấc ra một mình giữa chuyến xe khá vắng vẻ thì thật kỳ quặc, bèn bước tiếp về phía cuối xe thêm một bước, đặt cặp sách và túi xách lên giá hành lý, rồi ngồi xuống cách cô ấy 50cm về phía bên phải.
Khoảng cách này ước chừng rộng bằng mông một người béo trưởng thành.
Tôi có cảm giác ngồi xuống thật khó chịu, có lẽ là do lưng ghế hơi cứng hoặc tư thế ngồi không được tự nhiên.
Cũng có thể vấn đề không phải do lưng ghế hay dáng ngồi, mà là tôi căn bản không quen với việc ngồi bên cạnh cô ấy.
Khẽ liếc trộm cô ấy vài lần, dường như cô ấy vẫn đang duy trì trạng thái nghỉ ngơi hay trầm tư.
Vừa nghĩ tới việc nên nói gì với cô ấy, lập tức cảm thấy căng thẳng bội phần, tim đập dồn như trống.
Tôi nghĩ có lẽ cảm giác căng thẳng khi nghe tiếng chuông reo báo giờ vào thi trong ngày thi đại học cũng đến thế mà thôi.
Tôi chưa từng nói chuyện với cô ấy khi đang ngồi, phải khắc phục cảm giác lạ lẫm này rồi mới có thể mở miệng được.
Âm thầm hít sâu gắng lấy lại bình tĩnh, trong đầu cũng nhanh chóng tìm kiếm câu chữ thích hợp để khơi mào.
Nghĩ mãi mới ra được mấy câu kiểu như “Trùng hợp thật, bây giờ bạn cũng mới về nhà à”.
Tôi định đợi cho nhịp tim trở lại bình thường thì sẽ quay sang nói chuyện.
Không ngờ lúc tim đập bình thường trở lại, tôi cũng đã sắp phải xuống xe.
Xe buýt đang đợi đèn đỏ, sau khi đèn chuyển xanh rẽ phải 100 mét là tới bến.
Không kịp nghĩ ngợi gì, tôi ấn chuông xuống xe, đứng dậy lấy cặp và túi trên giá hành lý xuống, đeo cặp lên vai trái, tay phải xách túi, tiến về phía trước một bước, dừng lại.
Đúng lúc này đèn chuyển xanh.
Trở về với vị trí quen thuộc tôi đứng cô ấy ngồi, tôi nghĩ tôi có thể mở miệng được rồi.
- Bạn cũng ở lại trường đến tận giờ này mới về nhà à? – Cô ấy lại là người lên tiếng trước.
- Ừ. – Tôi nói, - Ở nhà hơi ồn, lại lắm cám dỗ, nên muốn ở trường học thêm một chút.
- Mình cũng nghĩ thế. – Cô ấy gật đầu, thở hắt ra một hơi, - Nhưng thật sự mệt mỏi.
- Cũng chẳng còn cách nào khác.
- Thi đại học cố lên nhé.
- Câu thứ ba rồi.
Cô ấy hơi sững lại, rồi bật cười.
- Vậy thì nói thêm câu thứ tư vậy. – Cô ấy nói – Chúc bạn có tên trên bảng vàng.
- Cảm ơn. – Tôi nói, - Bạn cũng vậy.
Xe bắt đầu giảm tốc độ tiến vào bến, tôi cũng nên bước về phía trước, nhưng mãi không thể nào nhấc chân lên được.
Ngỡ ngàng nhận ra dường như mình đã bị câu nói “Xuống xe cẩn thận” khắc chế rồi.
Nói cách khác, khi cô ấy chưa nói câu “xuống xe cẩn thận”, tôi căn bản không thể nào xuống xe.
- Xuống xe cẩn thận. – Cuối cùng cô ấy nói, trong giây phút chiếc xe trở nên im lặng.
Tôi cố gắng hết sức nhìn cô ấy một cái, bởi vì tôi biết, đây rất có thể sẽ là cái nhìn cuối cùng.
Cửa xe lạch xạch mở ra, tôi quay người rảo bước về phía trước, bước qua chỗ bác tài đúng lúc bác ta quay đầu lại.
Cúi đầu bước xuống bậc thang nơi cửa xe, cửa xe nhanh chóng khép lại sau lưng, chiếc xe tiếp tục lăn bánh về phía trước.
Tôi ngoái lại nhìn chiếc xe dần mất hút trong bóng tối phía xa, bỗng dưng muốn khóc.
Trong đầu hiện lên rất nhiều từ ngữ hỗn loạn, nhưng khi sắp xếp lại dường như đều có ý nghĩa.
Những câu chữ này dâng tràn như dòng suối, không ngăn lại được, mà cứ ào ạt không dứt.
Nếu là lúc này, tấm thiệp tin nhắn tình yêu chỉ cần năm phút là viết kín.
Xem ra tôi lúc này đã có thể làm thơ rồi.
Khoảnh khắc đó tôi bàng hoàng tỉnh ngộ, thì ra tôi thật sự rất thích cô ấy.
Lần đầu tiên gặp cô ấy là đầu tháng Tư năm ngoái, chia tay là cuối tháng Sáu năm nay, tổng cộng một năm ba tháng.
Trừ đi ngày nghỉ, rồi nhân với tỉ lệ gặp cô ấy là 38%, tôi đã gặp cô ấy hơn 100 lần.
Rốt cuộc bắt đầu từ bao giờ hoặc là từ lần nào, tôi đã thích cô ấy?
Có lẽ mỗi lần gặp gỡ đều giống như chất thêm một cọng rơm trên lưng con lạc đà, tôi không biết lần nào mới là cọng rơm cuối cùng đè chết chú lạc đà.
Tôi chỉ biết chú lạc đà đã ngã xuống, hơn nữa lần này có lẽ là lần cuối cùng tôi được gặp cô ấy.
Xe buýt rời đi mang theo toàn bộ trọng lượng trên người tôi, tôi như đang bồng bềnh trong vũ trụ không trọng lực.
Trong vũ trụ, nước mắt cũng không có trọng lượng, vì thế nước mắt sẽ không lăn xuống gò má, mà chỉ không ngừng tích lũy quanh tròng mắt.
Cho nên tôi không rơi một giọt lệ nào, nhưng trong hốc mắt lại toàn là nước mắt.
Đó là năm 1992, cũng là năm Yutaka Ozaki[8] đột ngột qua đời.
Chú thích:
[8] Yutaka Ozaki (1965-1992): ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng người Nhật Bản, qua đời ở tuổi 27 vì bệnh viêm phổi (tuy nhiên vẫn còn nhiều nghi vấn quanh cái chết của anh).